Saturday, September 13, 2014

Chào ngày mới 14 tháng 9


Harun Al-Rashid
Năm 1741 – Nhà soạn nhạc George Frideric Handel (hình) hoàn thành ôratô Messiah của ông. Năm 1946Marius MoutetHồ Chí Minh ký kết Tạm ước Việt - Pháp, một thành quả của Hội nghị Fontainebleau tại Seine-et-Marne, Pháp. Năm 1960 – Tại một hội nghị ở Bagdad, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) được thành lập nhằm thống nhất và phối hợp các chính sách dầu lửa. Năm 2000Microsoft phát hành Windows Me, hệ điều hành cuối cùng trong dòng Windows 9x.

George Frideric Handel

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
George Frideric Handel
Sinh 23 tháng 2 1685
Halle (Saale), Brandenburg, Phổ
Mất 14 tháng 4, 1759 (74 tuổi)
Luân Đôn, Anh Quốc
Công việc nhạc công, soạn nhạc hòa tấu, viết nhạc kịch
Tín ngưỡng Tin Lành
Cha mẹ Georg và Dorothea Händel
George Frideric Handel (tiếng Đức: Georg Friedrich Händel; phát âm [ˈhɛndəl]) (23 tháng 2, 168514 tháng 4, 1759) là nhà soạn nhạc người Anh gốc Đức thuộc thời kỳ Baroque, nổi tiếng với những dòng nhạc opera, oratorio, anthem, và concerto organ. Handel sinh năm 1685, trong một gia đình không quan tâm đến âm nhạc. Ông được đào tạo âm nhạc tại Halle, Hamburg, và Ý trước khi đến định cư tại Luân Đôn năm 1712, rồi nhập quốc tịch Anh năm 1727.[1] Lúc ấy, ông chịu ảnh hưởng sâu đậm từ những nhà soạn nhạc vĩ đại thời kỳ Baroque Ý, và truyền thống hợp xướng đối âm từ miền trung nước Đức.
Trong vòng 15 năm, Handel khởi lập ba công ty opera thương mại nhằm cung ứng âm nhạc opera Ý cho giới quý tộc Anh, nhưng công chúng tìm đến chỉ để thưởng thức giọng hát của các ca sĩ thay vì quan tâm đến âm nhạc. Năm 1737, sau khi bị khánh tận, ông chuyển hướng nhắm vào giới trung lưu. Trong năm 1736, khi Alexander’s Feast được đón nhận, Handel quyết định sáng tác những bản hợp xướng tiếng Anh. Sau khi thành công với Trường ca Messiah (1742), ông ngưng trình diễn nhạc opera Ý. Dù những bản oratorio theo chủ đề Kinh Thánh liên tục ra mắt công chúng, tài năng âm nhạc của Handel vẫn chưa được công nhận đầy đủ cho đến buổi trình diễn Trường ca Messiah gây quỹ cho Bênh viện Foundling (1750), và mọi chỉ trích nhắm vào Handel đều im tiếng. Cũng có nhận xét cho rằng cảm hứng chủ đạo thể hiện trong những bản oratorio của Handel thuộc phạm trù đạo đức, được thăng hoa không phải bởi sự uy nghiêm của nghi thức tôn giáo nhưng bởi những lý tưởng cao cả của nhân loại.[2] Sống ở Anh gần đủ năm mươi năm, và hầu như khiếm thị khi cuối đời, Handel từ trần năm 1759 trong giàu có và danh vọng.
Handel được nhìn nhận như là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của mọi thời đại. Các sáng tác của ông như Water Music, Music for the Royal Fireworks, và Trường ca Messiah vẫn còn được yêu thích cho đến ngày nay. Trong hơn ba mươi năm, ông viết hơn bốn mươi vở opera. Kể từ cuối thập niên 1960, khi nền âm nhạc baroque và trào lưu trình diễn âm nhạc theo phong cách nguyên thủy được phục sinh, những vở opera của Handel ngày càng được ưa chuộng. Chúng đầy tính nhân bản, thể hiện được những đặc điểm nổi trội của bản chất con người; điều này là đặc biệt, nhất là đối với nhà soạn nhạc chưa bao giờ được biết đến như là một nghệ sĩ đa tình đa mang.

Thiếu thời

Giấy chứng nhận đã chịu lễ báp têm của Handel (Văn khố Nhà thờ Ma-ri, Halle)
Handel sinh năm 1685 tại Halle, lãnh địa Công tước Magdeburg, trong một gia đình giàu có và mộ đạo,[3] là con của Georg Handel và Dorothea Taust.[4] Handel chào đời khi cha đã 63 tuổi, ông là phẫu thuật viên thẩm mỹ nổi tiếng đang phục vụ tại cung điện Saxe-Weissenfels và lãnh địa bá tước Brandenburg.[5] Theo John Mainwaring, người đầu tiên viết tiểu sử Handel, cậu bé "đã sớm có thiên hướng đặc biệt về âm nhạc đến nỗi người cha, vốn muốn con con mình theo học Luật Dân sự, phải cảnh giác. Ông cấm con trai sử dụng nhạc cụ nhưng Handel tìm mọi cách để có được một chiếc đàn clavichord nhỏ cho riêng mình đặt trong căn phòng áp mái. Cậu thường xuyên lẻn vào căn phòng này khi cả nhà đang ngủ".[6] Từ khi còn bé, Handel đã trình diễn thành thạo đàn harpsichord và đàn ống.[7]
Nhà Händel (2009) – nơi Handel chào đời
Khi Handel và cha đến Weissenfels thăm họ hàng đang phục vụ Công tước Johann Adolf,[8] công tước đã thuyết phục người cha cho phép con trai theo học Friedrich Wilhelm Zachow, nghệ sĩ organ của Nhà thờ Mari ở Halle, về kỹ thuật keyboard và soạn nhạc. Zachow viết nhạc cho các buổi lễ thờ phượng tại nhà thờ theo giáo nghi Lutheran, nhờ đó Handel học hỏi nhiều về kỹ thuật hòa âm và đối âm, sao chép và phân tích những bản tổng phổ. Năm 1689, Handel chơi đàn cho Vua Frederick I và gặp gỡ Giovanni Battista Bononcini tại Berlin.

Từ Halle đến Ý

Nhà hát Cocomero, Florence, Ý
Năm 1702, theo sắp đặt của cha, Handel khởi sự học luật tại Đại học Halle;[9] và chơi đàn organ trong vòng một năm cho một nhà thờ Tin Lành Cải cách. Nhưng Handel vẫn chưa hài lòng, năm 1703 cậu gia nhập dàn nhạc giao hưởng Oper am Gänsemarkt Hamburg, chuyên chơi vĩ cầm và đàn harpsichord.[10] Tại đây, cậu có cơ hội gặp gỡ những nhà soạn nhạc như Johann Mattheson, Christoph Graupner, và Reinhard Keiser. Năm 18 tuổi, Handel sáng tác vở opera đầu tay, Almira,[3] ra mắt công chúng năm 1705;[11] năm 1708 thêm hai vởi opera DaphneFlorindo. Nhưng không có gì chắc chắn là Handel đã hướng dẫn trình diễn những vở này.
Theo Mainwaring, năm 1706 Handel đến Ý theo lời mời của Ferdinando de’ Medici, song Mainwarning đã không chính xác. Đó là Gian Gastone de’ Medici, người Handel gặp tại Hamburg trong năm 1703-1704.[12] Ferdinando cố biến Florence thành thủ đô âm nhạc của Ý, thu hút những tài năng hàng đầu thời ấy. Ông đam mê opera. Cũng tại Ý, Handel gặp Antonio Salvi chuyên viết lời cho nhạc kịch, về sau hai người cộng tác với nhau. Handel đến Rome, bởi vì lúc ấy opera bị cấm trong các lãnh thổ của Giáo hoàng nên ông soạn nhạc tôn giáo cho giới chức sắc Rô-ma. Dixit Dominus (1707) nổi tiếng ra đời trong giai đoạn này. Ông cũng viết những bản cantata cho các buổi hòa nhạc tổ chức trong những lâu đài của các hồng y Pietro Ottoboni, Benedetto Pamphili, và Carlo Colonna. Hai bản oratorio, La ReurrezioneIl Trionto del Tempo, được hình thành trong khung cảnh riêng tư của nhà quý tộc Ruspoli năm 1709, và hồng y Ottoboni năm 1710.
Handel viết vở opera hoàn toàn Ý đầu tiên của mình trong Nhà hát Cocomero ở Florence năm 1707.[13] Vở Agrippina ra mắt công chúng năm 1709 tại Teatro San Giovanni Grisostomo, nhà hát đẹp nhất Venice, chủ nhân của nó là dòng họ Grimani. Vở opera này, do hồng y Vincenzo Grimani viết lời, theo Mainwaring đã trình diễn thành công trong 27 đêm liên tiếp. Khán giả, kinh ngạc trước sự uy nghi cao cả của phong cách Handel,[14] đã vỗ tay hoan hô Il caro Sassone ("chàng Saxon yêu quý" – ngụ ý nguồn gốc Đức của Handel)

Luân Đôn

Handel (trái) và Vua George I trên sông Thames, 17 tháng 7, 1717,
tranh Edouard Jean Conrad Hamman
Năm 1710, Handel trở thành Kappellmeister (nhà soạn nhạc) cho Hoàng tử Georg, Tuyển đế hầu Hanover. Đến năm 1714, Georg trở thành Vua Vua George I của Anh và Ireland. Năm 1710, trên đường đến Luân Đôn, Handel thăm Anna Maria Luisa de’ Medici và chồng ở Düsseldorf. Handel thành công vang dội với vở opera Rinaldo dựa trên thiên sử thi Gerusalemme Liberata của thi sĩ người Ý Torquato Tasso, dù tác phẩm này được viết trong một thời gian ngắn với nhiều vay mượn từ những sáng tác cũ của ông.[15]
Năm 1712, Handel đến định cư ở Anh. Nữ hoàng Anne cấp cho Handel 200 bảng Anh mỗi năm sau khi ông viết cho nữ hoàng bản hợp xướng Utretcht Te Deum and Jubilate, trình diễn lần đầu năm 1713.[16][17] Một trong những người đỡ đầu quan trọng của Handel là Bá tước Burlington, thành viên trẻ tuổi của một gia tộc quyền thế gốc Anh-Ái Nhĩ Lan.[18] Handel viết cho Lord Burlington vở opera Amadigi di Gaula, kể chuyện một thiếu nữ gặp nạn, dựa trên một vở bi kịch của Antoine Houdar de la Motte.
Tháng 7, 1717, bản giao hưởng Water Music của Handel được trình diễn trên sông Thames cho Vua George I và quan khách, vì quá hứng thú với bản giao hưởng này mà nhà vua đã yêu cầu dàn nhạc trình diễn ba lần liên tiếp.[19]

Dinh thự Cannons (1717–18)

Năm 1717, Handel trở thành nhà soạn nhạc cho dinh thự Cannons của Công tước Chandos ở Middlesex, tại đây với mười hai khúc ngợi ca Chandos, ông đã lập nền cho sự nghiệp soạn nhạc hợp xướng của mình trong tương lai.[20] Romain Roland nói rằng những khúc ngợi ca này có ý nghĩa quan trọng cho dòng nhạc oratorio của Handel cũng giống như những bản cantata đối với những vở opera cũng của ông.[21] Một tác phẩm khác ông viết cho Công tước Chandos là Acis and Galatea; khi còn sống, đây là tác phẩm được trình diễn nhiều nhất của Handel. Winton Dean ghi nhận rằng "âm nhạc đã làm người ta nín thở và rối loạn trí nhớ".[22]
Năm 1719, Công tước Chandos là một trong những người đóng góp chính cho công ty opera mới thành lập của Handel, the Royal Academy of Music, nhưng sự tài trợ suy giảm sau khi ông mất tiền trong vụ bong bóng South Sea bùng nổ năm 1720 trong một trong những biến động tài chính lớn nhất lịch sử. Bản thân Handel cũng đầu tư vào chứng khoán South Sea năm 1716 khi giá cổ phiếu đã xuống thấp[23] và bán ra trước năm 1720.[24]

Royal Academy of Music (1719–34)

Nhà Handel, số 25 Đường Brook, Mayfair, Luân Đôn
Tháng 5, 1719, Công tước Newcastle Lord Chamberlain yêu cầu Handel tìm kiếm ca sĩ mới.[25] Handel đến Dresden xem vở opera Teofane của Antonio Lotti, và tham gia vào việc tuyển dụng ca sĩ cho Học viện Âm nhạc Hoàng gia do một nhóm quý tộc thành lập nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định cho loại hình opera baroque hoặc opera Ý. Có thể Handel đã mời một bạn học ở Halle, John Smith, và con trai, Johan Christop Schimidt, làm thư ký cho ông.[26] Năm 1723, Handel thuê một ngôi nhà kiến trúc kiểu Georgian tại số 25 Đường Brook và lưu trú tại đây cho đến khi qua đời.[27] Trong ngôi nhà này, Handel diễn tập, chép nhạc, và bán vé, nay là Bảo tàng Nhà Handel. Trong quãng thời gian 12 tháng giữa năm 1724 và 1725, những kiệt tác opera của Handel đã được hình thành: Giulio Cesare, Tamerlano, và Rodelinda. Sau Silete venti, ông tập trung viết opera và ngưng soạn những bản cantata.
Năm 1727, Handel được yêu cầu viết bốn bài tụng ca dành cho lễ đăng quang của Vua George II. Một trong bốn tác phẩm ấy, Zadok the Priest, luôn được chọn để trình diễn trong tất cả lễ đăng quang ở Anh kể từ thời điểm ấy.[28] Năm 1728, vở The Beggar’s Opera của John Gay ra mắt công chúng tại Nhà hát Lincoln’s Inn Fields và có 62 buổi trình diễn liên tiếp, một con số kỷ lục cho đến lúc ấy.[29] Sau chín năm, hợp đồng của Handel với Viện Âm nhạc Hoàng gia chấm dứt, ông bắt tay thành lập một công ty mới.
Nhà hát Nữ hoàng tại Haymarket (nay là Her Majesty’s Theatre) thành lập năm 1705 bởi kiến trúc sư kiêm kịch tác gia John Vanbrugh, đã mau chóng biến thành nhà hát chuyên trình diễn nhạc opera.[30] Từ năm 1711 đến 1739, hơn 25 vở opera của Handel được ra mắt công chúng tại đây.[31] Năm 1729, cùng John James, Handel chịu trách nhiệm quản lý nhà hát.
Nhà hát Nữ hoàng tại Haymarket, Luân Đôn, tranh William Capon
Handel đến Ý để làm việc với bảy ca sĩ mới. Ông viết thêm bảy vở opera, nhưng công chúng chỉ đến để thưởng thức giọng hát của các ca sĩ hơn là quan tâm đến âm nhạc.[32] Sau sự thành công về thương mại của hai bản oratorio EstherDeborah, Handel khởi sự đầu tư lần nữa vào Công ty South Sea. Handel soạn lại "vở opera nhỏ" Acis and Galatea, và "vở opera nhỏ" này trở thành sáng tác thành công nhất của ông.

Opera tại Nhà hát Covent Garden (1734–41)

Năm 1733, Bá tước Essex nhận một bức thư với dòng chữ: "Handel trở nên quá độc đoán đến nỗi cả thành thố đều than phiền". Những nhà đầu tư chính muốn Handel rút lui khi kết thúc hợp đồng, nhưng Handel liền tìm kiếm một cơ hội mới. Cộng tác với John Rich, ông khởi lập công ty thứ ba của mình tại Nhà hát Covent Garden. Rich nổi tiếng nhờ những sản phẩm độc đáo. Ông khuyên Handel sử dụng ca đoàn nhỏ và giới thiệu phong cách múa của nhà vũ đạo người Pháp Marie Sallé với sáng tác Terpsichore của Handel. Năm 1735, có thêm tiết mục hòa nhạc organ giữa những màn kịch.[33]
Tháng 4, 1737 ở tuổi 52, Handel bị một cơn đột quỵ khiến ông không thể sử dụng bốn ngón tay của bàn tay phải, vì vậy không thể biểu diễn đàn.[34] Đến mùa hè, sự rối loạn từng hồi từng lúc ảnh hưởng đến sự nhận thức của ông. Không ai dám mong đợi Handel trình diễn lần nữa. Song, dù bệnh tật là cơn thấp khớp, đột quỵ, hoặc suy nhược thần kinh, Handel cũng mau chóng gượng dậy.[35] Handel còn đến Aachen có suối nước khoáng để nghỉ dưỡng. Trong sáu tuần lễ, ông tắm nước nóng, rồi chơi đàn organ trước sự ngạc nhiên của khán giả.[36]

Oratorio

Handel, tranh Philip Mercier
Il Trionfo del Tempo e del Disinganno, bản oratorio đầu tiên Handel sáng tác năm 1701 tại Ý,[37] kế tiếp là La Reurrezione năm 1708 dẫn ý từ Kinh Thánh. Người ta vẫn chưa rõ về sự ra đời cũng như lần ra mắt công chúng của tác phẩm Esther, có lẽ vào năm 1718.[38] Mười hai năm trôi qua cho đến khi một đạo luật về bản quyền khiến Handel quay lại với Esther.[39] Ba lần trình diễn đã gây sự chú ý dẫn đến ý tưởng nên có một buổi trình diễn quy mô lớn. Kế đó là Deborah có sự phụ họa của những bài tụng ca và Athaliah, là bản oratorio đầu tiên của Handel viết bằng tiếng Anh.[40] Lúc này Handel tỏ ra tự tin hơn, phóng khoáng hơn trong cung cách biểu diễn, và đa dạng hơn trong sáng tác.[41]
Rõ ràng là Handel đã học hỏi được nhiều từ Arcangelo Corelli về cách viết cho các loại nhạc cụ, và từ Alessandro Scarlatti về cách soạn nhạc cho giọng đơn ca; nhưng không có nhà soạn nhạc nào có thể dạy ông cách viết cho dàn hợp xướng.[42] Handel ngày càng thiên về khuynh hướng thay thế đơn ca tiếng Ý bằng tiếng Anh. Nguyên nhân chính là sự sút giảm thu nhập từ những vở opera.[43]
Năm 1736, Handel viết Alexander’s Feast. John Beard xuất hiện lần đầu tiên như là ca sĩ chính hát nhạc Handel, rồi từ đó ông trở thành giọng đơn ca tenor chuyên nhạc Handel cho đến khi nhà soạn nhạc tài danh qua đời.[44] Sự thành công vang dội của tác phẩm này đã khuyến khích Handel ngưng viết opera tiếng Ý để sáng tác hợp xướng tiếng Anh. Trong bản oratorio Saul, Handel cộng tác với Charles Jennes và thử nghiệm ba chiếc kèn trombone, một chuông nhạc, và dàn trống quân đội lớn quá khổ (đến từ Tháp Luân Đôn) để bảo đảm rằng "... nó sẽ rất ồn ào."[45] Israel in Egypt tập chú vào dàn hợp xướng, còn trong những sáng tác sau đó, ông thay đổi phong cách, chú trọng nhiều hơn vào hiệu quả của cả dàn nhạc giao hưởng và giọng đơn ca.[46]
Handel đã làm tê liệt nền âm nhạc Anh suốt nhiều thế hệ, và họ vẫn chưa thể vượt qua ông.
Frederick Delius, nhà soạn nhạc người Anh[47]
Suốt trong mùa hè năm 1741, Công tước Devonshire mời Handel đến Dublin để tổ chức những buổi hòa nhạc gây quỹ cho các bệnh viện trong vùng.[48] Kiệt tác Messiah ra mắt công chúng tại New Music Hall trên Đường Fishamble ngày 13 tháng 4, 1742 với ca đoàn gồm 31 giọng ca nam tập hợp từ hai nhà thờ St Patrick và Christ Church.[49] Lần này, Handel thành công trong nỗ lực giữ cân bằng giữa đơn ca với hợp xướng, điều mà trước đây ông chưa từng làm được.[50]
Việc sử dụng đơn ca tiếng Anh lên đến đỉnh điểm trong lần trình diễn bản oratorio ba hồi Samson. Tác phẩm này rất phù hợp với không khí nhà hát. Vai trò của ban hợp xướng ngày càng quan trọng trong những bản oratorio kế tiếp của Handel. Jephtha được trình diễn lần đầu ngày 26 tháng 2, 1752; dù là bản oratorio cuối cùng của Handel, Jephtha được xem là một kiệt tác như những sáng tác trước của ông.

Cuối đời

Handel năm 1733,
tranh Balthasar Denner
Năm 1749, Handel viết Music for the Royal Fireworks, thu hút 12 000 người tham dự buổi trình diễn đầu tiên.[51] Năm 1750, ông tổ chức biểu diễn Trường ca Messiah gây quỹ cho Bệnh viện Foundling. Kể từ sự thành công vang dội của buổi trình diễn này, mỗi năm đều có những buổi hòa nhạc Trường ca Messiah cho đến khi Handel qua đời. Để ghi nhận sự đóng góp của Handel, chỉ một ngày sau buổi hòa nhạc, ông được mời làm ủy viên quản trị của bệnh viện. Trước khi từ trần, Handel viết di chúc để một bản sao chép Trường ca Messiah cho bệnh viện.[52] Ngày nay, Viện bảo tàng Foundling ở Luân Đôn có cuộc triển lãm ghi nhận công lao của Handel. Ngoài ra, ông cũng đóng góp cho một tổ chức từ thiện trợ giúp những nhạc sĩ nghèo và gia đình của họ.
Tháng 8, 1750, trên chuyến đi từ Đức về Luân Đôn, Handel bị chấn thương nặng trong một tai nạn xe ngựa trên quãng đường giữa The HagueHaarlem, Hà Lan.[53] Năm 1751, một mắt của ông bị mất thị lực do bệnh đục nhân mắt. Ngày 6 tháng 4, 1759, dù bị mù lòa và sức khỏe suy kiệt, Handel cương quyết đến dự buổi trình diễn Trường ca Messiah, và đây là lần cuối cùng ông đến xem một sáng tác của mình được trình diễn, tám ngày sau ông từ trần tại nhà riêng trên Đường Brook ở tuổi 74.[3] Handel được an táng tại Điện Westminster.[54] Hơn ba ngàn người thương tiếc ông có mặt trong tang lễ được tổ chức trọng thể.
Handel chưa hề kết hôn, và giữ kín cuộc sống riêng tư. Ông viết di chúc để để lại phần lớn tài sản cho cháu gái Johanna, tuy nhiên bốn khoản bổ sung phân phối nhiều của cải cho những người họ hàng khác, những người giúp việc, bạn hữu, và các tổ chức từ thiện.[55] Handel sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật gồm ít nhất bảy mươi bức tranh và mười ấn bản, được đấu giá năm 1760 sau khi ông mất.[56]

Tác phẩm

Vũ hội hóa trang tại Nhà hát King, Haymarket (1724)
Handel đã sáng tác hơn 42 vở opera, 20 bản oratorio, hơn 120 bản cantata, tam tấu và song tấu, nhiều bản aria, nhạc thính phòng, một số lượng lớn nhạc tôn giáo, odeserenata, và 16 bản concerto organ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, bản oratorio Messiah với phần hợp xướng "Hallelujah" là một trong những sáng tác hợp xướng được yêu thích nhất, đặc biệt trong mùa Giáng sinh. Những sáng tác nổi tiếng khác của ông có Organ concertos Op. 4, cùng với Opus 3 và Opus 6 concerti grossi. Cần phải kể thêm 16 keyboard suite, nhất là The Harmonious Blacksmith.
Handel cũng ra sức giới thiệu trong các sáng tác của ông các loại nhạc cụ ít được biết đến như: viola d’amore và violette marina (Orlando), đàn lute (Ode for St Cecilia’s Day), bộ ba kèn trombone (Saul), clarinet hay cornett (Tamerlano), đàn dây theorbo, kèn Pháp (Water Music), lyrichord, double bassoon, viola da gamba, bell chimes, positive organ, và đàn harp (Giulio Cesare, Alexander’s Feast).[57]

Các Tuyển tập

Từ năm 1787 đến 1797, Samuel Arnold sưu khảo cho một bộ tuyển tập 180 cuốn các tác phẩm của Handel – dù vậy, nó vẫn chưa hoàn chỉnh.[58] Một tuyển tập khác của Hội Handel Anh Quốc (do Sir George Macfarren thành lập), thực hiện từ năm 1843 đến 1858, cũng bị xem là chưa hoàn chỉnh.[59]
Từ năm 1978 đến 1986, một học giả người Đức, Bernd Baselt, đã phân loại những sáng tác của Handel trong cuốn Händel-Werke-Verzeichnis. Tác phẩm này có được sự công nhận rộng rãi và được sử dụng như là hệ thống liệt kê hiện đại, trong đó mỗi tác phẩm của Handel được mang một ký hiệu số "HWV", lấy thí dụ "Messiah" được đánh số "HWV 56".

Di sản

Tem kỷ niệm 300 năm ngày sinh Handel (1685-1985)
Sau khi Handel qua đời, những vở opera tiếng Ý của ông dần bị quên lãng. Dù vẫn tiếp tục được trình diễn, người ta tin rằng những bản oratorio của Handel cần phải được chỉnh sửa; trong thời gian này, Mozart điều khiển buổi trình diễn Trường ca Messiah phiên bản tiếng Đức và những tác phẩm khác của Handel. Xuyên suốt thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20, đặc biệt tại những xứ sở nói tiếng Anh, những bản oratorio tiếng Anh đã tạo nên thanh danh cho Handel qua những buổi trình diễn với những ca đoàn khổng lồ quy tụ các ca sĩ nghiệp dư được tổ chức vào những kỳ lễ hội trọng thể.
Kể từ lúc dấy lên phong trào phục hưng nhạc cổ điển, phần lớn trong số bốn mươi hai vở opera của Handel được biểu diễn tại những nhà hát opera và những sảnh hòa nhạc.
Những nhà soạn nhạc danh tiếng như Haydn, Mozart, và Beethoven đều quan tâm nghiên cứu âm nhạc của Handel.
Từ những thập niên qua, công chúng bắt đầu chú ý đến những bản cantata thế tục của Handel cùng những tác phẩm gọi là "oratorio thế tục" hoặc "concert opera". Trong thể loại cantata thế tục nổi bật nhất là Ode for St Cecilia’s Day (1739), và Ode for the Birthday of Queen Anne (1713). Về những bản oratorio thế tục là các sáng tác Acis and Galatea (1719), Hercules (1745), và Semele (1744). Các tác phẩm này có mối quan hệ gần gũi với những bản oratorio thánh, nhất là phần ca từ tiếng Anh. Chúng được đánh giá cao ngang hàng những vở opera tiếng Ý của Handel. Không chỉ nổi tiếng như là một nghệ sĩ biểu diễn các loại nhạc cụ, viết hợp xướng, soạn ca từ, Handel còn được công chúng đón nhận như là một nhà viết nhạc kịch vĩ đại.
Samuel Arnold đã biên tập những tác phẩm của Handel (40 cuốn, Luân Đôn, 1787 – 1797), rồi Friderich Chrysander cũng biên tập những sáng tác của Handel cho Hội Handel Đức (105 cuốn, Leipzig, 1858 – 1902).
Sau khi nhập quốc tịch Anh, ông được biết đến trong các quốc gia nói tiếng Anh như là "George Frideric Handel". Tên nguyên thủy của ông, Georg Friedrich Händel, được dùng ở Đức và những nơi khác, còn người Pháp gọi ông là "Haendel".

Nhạc sĩ của các nhạc sĩ

Tượng Handel tại Luân Đôn của Luis-Francois Roubiliac (1738)
Trong giới soạn nhạc, Handel là một tên tuổi được trọng vọng. Khi đến Halle, Bach đã tìm cách gặp Handel nhưng không thành công. Mozart được cho là đã nhận xét, "Handel hiểu biết cách khơi mở cảm xúc tốt hơn hết thảy chúng ta. Một khi chọn đúng thời điểm, tác động của ông mạnh như sấm sét." Đối với Beethoven, Handel là "bậc thầy của tất cả chúng ta… nhà soạn nhạc vĩ đại nhất. Tôi phải ngả mũ cúi chào và cúi quỳ trước phần mộ ông". Beethoven chỉ ra những tính cách đã làm nên một nghệ sĩ vĩ đại, "Hãy đến để học nơi ông cách tạo ra hiệu quả lớn lao bằng những phương tiện đơn giản."
Sau khi qua đời, âm nhạc của Handel gợi cảm hứng cho nhiều nhà soạn nhạc. Động thái đầu tiên khởi phát từ Symphony No. 6, Op. 116, "The Age of Bach and Handel", mang âm hưởng hai ca khúc của Trường ca Messiah. Năm 1979, Ludwig van Beethoven cho xuất bản 12 Variations in G major on "See the conqu’ring hero comes’ from Judas Maccabaeus by Handel", viết cho cellopiano. Danh cầm guitar Mauro Giuliani viết Variations on a Theme by Handel, Op. 107 cho guitar dựa trên Suite No. 5 in E major, HWV 430 của Handel, cho đàn harpsichord. Năm 1861, sử dụng một chủ đề từ suite harpsichord thứ hai của Handel, Johannes Brahms viết Variations and Fugue on a Theme by Handel, Op. 24, một trong những sáng tác thành công nhất của Brahms (được Richard Wagner ca ngợi). Một số tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp Félix- Alexandre Guimant gợi cảm hứng từ âm nhạc Handel, thí dụ như March on a Theme by Handel đã sử dụng một chủ đề từ Trường ca Messiah. Nhà soạn nhạc và nghệ sĩ sáo người Pháp Philippe Gaubert viết Petite marche cho sáo và piano dựa trên phần 4 của Trio Sonata, Op. 5, No. 2, HWV 397 của Handel. Nhà soạn nhạc Argentina Luis Gianneo sáng tác Variations on a Theme by Handel cho piano. Năm 1911, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm sinh tại Úc Percy Grainger viết tác phẩm nổi tiếng nhất của ông dựa trên phần cuối của Suite No. 5 in E major của Handel (giống Giuliani). Lúc đầu ông viết một số biến tấu dựa trên chủ đề này mà ông gọi là Variations on Handel’s ‘The Harmonious Blacksmith’. Kế đó ông sử dụng 16 nhịp đầu của những biến tấu ấy để để tạo nên Handel in the Strand, một trong những sáng tác được yêu thích nhất của ông, với một số phiên bản (thí dụ như phiên bản độc tấu piano từ 1930). Concerto for String Quartet and Orchestra in B flat major (1933) của Arnold Schoenberg lập nền trên Concerton Grosso, Op. 6/7 của Handel.

Vinh danh

Cùng với Johann Sebastian Bach và Henry Purcell, Handel được vinh danh theo lịch giáo nghi của Giáo hội Episcopal tại Hoa Kỳ, hằng năm vào ngày 28 tháng 7.
Theo lịch các thánh của Giáo hội Luther, ngày 28 tháng 7 là ngày tưởng niệm Handel, Johann Sebastian Bach và Heinrich Schütz.
Handel cũng được tưởng niệm với Johann Sebastian Bach vào ngày 28 tháng 7 theo lịch các thánh của Dòng Thánh Lu-ca của Giáo hội Giám Lý Hiệp nhất.

Xem thêm

Media

Chú thích

  1. ^ “British Citizen by Act of Parliament: George Frideric Handel”. Parliament.uk. 14 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2012.
  2. ^ Bukofzer (2008), p. 337.
  3. ^ a ă â “The Glorious History of Handel's Messiah”. Smithsonian.com.
  4. ^ Deutsch 1955, tr. 1
  5. ^ Adams Aileen, K., Hofestadt, B., "Georg Handel (1622–97): the barber-surgeon father of George Frideric Handel (1685–1759)", Journal of Medical Biography, 2005, Aug; 13(3):142–49.
  6. ^ National Portrait Gallery, tr. 51
  7. ^ Dent 2004, tr. 3–4
  8. ^ Weissenfels is 34 km south of Halle; a one-way trip on foot would have taken them about seven hours. As they went by coach they travelled faster. For more details see: The life of Handel by Victor Schoelcher, books.google.com
  9. ^ Keates 1985, tr. 17–18
  10. ^ Burrows 1994, tr. 18
  11. ^ Burrows 1994, tr. 19
  12. ^ Handel as Orpheus: voice and desire in the chamber cantatas by Ellen T. Harris, books.google.com
  13. ^ Burrows 1994, tr. 29–30
  14. ^ Dean & Knapp 1987, tr. 129
  15. ^ Dean & Knapp 1987, tr. 173, 180
  16. ^ National Portrait Gallery, tr. 88
  17. ^ There is a tantalising suggestion by Handel's biographer, Jonathan Keates, that he may have come to London in 1710 and settled in 1712 as a spy for the eventual Hanoverian successor to Queen Anne. news.bbc.co.uk
  18. ^ National Portrait Gallery, tr. 92
  19. ^ Burrows 1994, tr. 77
  20. ^ Bukofzer (2008), pp. 333-35
  21. ^ Rolland, R. (1910) Händel, p. 54. Beroemde musici. Deel XVIII.
  22. ^ Dean & Knapp 1987, tr. 209
  23. ^ Deutsch 1955, tr. 70–71
  24. ^ Handel's Finances, BBC
  25. ^ Deutsch 1955, tr. 89
  26. ^ Dean 2006, tr. 226 According to Dean they could not have reached London before 1716. In 1743, Smith wrote in a letter that he had been in Handel's service for 24 years.
  27. ^ Burrows 1994, tr. 387
  28. ^ Imogen Levy (2 tháng 6 năm 1953). “Guide to the Coronation Service”. Westminster Abbey. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2012.
  29. ^ “"Longest running Plays in London and New York", Stage Beauty”.
  30. ^ theatrical monopoly in Banham, Martin The Cambridge guide to theatre pp. 1105 (Cambridge University Press, 1995) ISBN 0-521-43437-8
  31. ^ Handel's Compositions GFHandel.org, Retrieved 21 December 2007
  32. ^ Scribd.com[[]][liên kết hỏng]
  33. ^ Dean 2006, tr. 274–284
  34. ^ Burrows 1994, tr. 395
  35. ^ Dean 2006, tr. 283
  36. ^ For new insights on this episode, see Ilias Chrissochoidis: "Handel Recovering: Fresh Light on his Affairs in 1737", Eighteenth-Century Music 5/2 (2008): 237–44.
  37. ^ Marx, J.H. (1998) Händels Oratorien, Oden und Serenaten, p. 243.
  38. ^ National Portrait Gallery, tr. 157
  39. ^ Larsen 1972, tr. 15 Handels Messiah. A distinguished authority on Handel discusses the origins, composition, and sources of one the great choral works of western civilization.
  40. ^ Marx, J.H. (1998) Händels Oratorien, Oden und Serenaten, p. 48.
  41. ^ Larsen 1972, tr. 49
  42. ^ Larsen 1972, tr. 40
  43. ^ Larsen 1972, tr. 33
  44. ^ Larsen 1972, tr. 37
  45. ^ National Portrait Gallery, tr. 165
  46. ^ Larsen 1972, tr. 78
  47. ^ Carley, Lionel. Delius: A Life in Letters vol. 2 (1988), p. 9; thư Delius gởi Ethel Smyth, 17 tháng 2, 1909
  48. ^ Dent 2004, tr. 40–41
  49. ^ Young 1966, tr. 48
  50. ^ Burrows 1994, tr. 354–55
  51. ^ Burrows 1994, tr. 297–98
  52. ^ Young 1966, tr. 56
  53. ^ Dent 2004, tr. 63
  54. ^ Young 1966, tr. 60
  55. ^ The Letters and Writings of George Frideric Handel by Erich H. Müller, 1935 (SBN 8369-5286-3)
  56. ^ “Handel as art collector – Thomas McGeary”. Em.oxfordjournals.org. 1 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2012.
  57. ^ Textbook in CD Sacred Arias with Harp & Harp Duets by Rachel Ann Morgan & Edward Witsenburg.
  58. ^ Winton Dean, The New Grove Handel. NY: Norton, 1982, p. 116. ISBN 0-393-30086-2.
  59. ^ The Halle Handel Edition. “A short history of editing Handel”. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2011.

Đọc thêm

Liên kết ngoài

Scores and recordings





Messiah (Handel)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Messiah (HWV 56) [1] là bản oratorio tiếng Anh do George Frideric Handel sáng tác năm 1741 với nội dung dẫn ý từ Kinh Thánh do Charles Jennens viết ca từ theo bản King James, và những chương Thi Thiên trích từ Sách Cầu nguyện chung của Anh giáo. Ra mắt công chúng tại Dublin ngày 13 tháng 4, 1742, buổi trình diễn đầu tiên tại Luân Đôn được tổ chức một năm sau đó. Từ những thành quả khiêm tốn lúc ban đầu, dần dà Messiah giành được sự quan tâm rộng rãi của công chúng, cuối cùng trở thành một trong những tác phẩm hợp xướng nổi tiếng nhất và được biểu diễn nhiều nhất trong nền âm nhạc phương Tây.[n 1]
Từ những vở opera tiếng Ý mà thanh danh của Handel được thiết lập trên đất nước Anh, nơi ông định cư từ năm 1713. Kể từ thập niên 1730, ông quay sang viết oratorio tiếng Anh nhằm đáp ứng thị hiếu của người dân ở đây; Messiah là sáng tác thứ sáu của Handel viết theo thể loại này. Dù có cấu trúc tương tự với thể loại opera truyền thống, Messiah không phải là một vở diễn, cũng không có những vai diễn, và rất ít lời thoại. Ca từ của Jennes là những ký thuật và những trầm tư sâu lắng về cuộc đời Chúa Giê-xu là Đấng Messiah (Chúa Cứu Thế), khởi đi từ những lời tiên tri của Isaiah và những nhà tiên tri khác, đến sự hóa thân thành người, sự thống khổ, và sự Phục sinh của Chúa Giê-xu, tất cả đều tập trung về vinh hiển sau cùng của ngài trên thiên đàng.
Nguyên thủy, khi viết Messiah Handel chỉ dành một qui mô vừa phải cho hợp xướng và các loại nhạc cụ với nhiều chọn lựa cho mỗi thể loại. Nhưng sau khi ông mất, tác phẩm đã được cải biên để trình diễn bởi những dàn giao hưởng và ban hợp xướng với qui mô lớn hơn nhiều. Mozart và những nhà soạn nhạc khác đã viết lại cũng như mở rộng tác phẩm. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 20, người ta có khuynh hướng trở lại với sáng tác nguyên thủy; hầu hết những buổi trình diễn Messiah ngày nay đều thể hiện định ý sáng tác ban đầu của Handel mặc dù những sản phẩm "Messiah hoành tráng" vẫn tiếp tục phát triển. Một phiên bản gần như hoàn chỉnh được ghi âm trong bộ đĩa 78 rpm phát hành năm 1928; kể từ đó Messiah vẫn thường xuyên được ghi âm.

Bối cảnh

Bức tượng tôn vinh Handel, đặt tại Vauxhall Gardens, Luân Đôn.
George Frideric Handel (tiếng Đức: Georg Friedrich Händel; đọc là [ˈhɛndəl]) (sinh năm 1685 tại Đức), là nhà soạn nhạc xuất chúng thời kỳ Baroque, nổi tiếng với các sáng tác opera, oratoria, anthem, và concertro organ. Handel đã trải qua một thời gian học nhạc ở Halle, Hamburg, và Ý trước khi định cư ở Luân Đôn từ năm 1712.[3] Ông có ảnh hưởng sâu sắc trên những nhà soạn nhạc Baroque Ý và truyền thống hợp xướng đối âm Đức.
Năm 1741, địa vị của Handel như là một nhạc sĩ lỗi lạc tại Anh đã được khẳng định qua những vinh danh dành cho ông: khoản tiền hưu do Vua Georg II cung cấp, chức danh nhà soạn nhạc cho Giáo đường Hoàng gia, và bức tượng đặt trong Khu vườn Vauxhall, một vinh dự hiếm có dành cho một nhân vật còn sống.[4] Trong khối lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng của Handel có những vở opera Ý mà ông nhiệt tình giới thiệu cho giới thưởng lãm Luân Đôn như vở Rinaldo trong năm 1711. Ông đã viết và trình bày hơn 40 vở opera Ý tại các nhà hát ở Luân Đôn.[4] Dù vậy, đến đầu thập niên 1930, thị hiếu của công chúng bắt đầu thay đổi, thành công vang dội của vở The Beggar’s Opera của John Gay và Johann Christoph Pepusch (trình diễn lần đầu trong năm 1728) là một tín hiệu về sự vượt trội của thể loại opera ballad tiếng Anh đối với opera tiếng Ý [5] Tiền bán vé càng sụt giảm Handel càng phụ thuộc vào các khoản trợ giúp từ những nhà quý tộc, mà những khoản này mỗi ngày càng ít đi. Handel quyết tâm vượt qua khó khăn này bằng cách chi tiêu nhiều hơn nữa.[6]
Viễn cảnh cho những vở opera diễn bằng tiếng Ý trong thập niên 1930 là u ám. Mặc dù Handel vẫn cố công giới thiệu thể loại nhạc kịch này cho công chúng Luân Đôn, ông quay sang đầu tư cho thể loại oratorio tiếng Anh và cho trình diễn xen kẽ trên sân khấu của ông.[7] Trong hai năm sinh sống ở Roma (1707 – 1708) chàng trai trẻ Handel đã viết hai bản oratorio tiếng Ý vào thời điểm cấm trình diễn opera trong thành phố theo chỉ dụ của giáo hoàng.[8] Cuộc phiêu lưu đầu tiên của Handel vào thể loại oratorio tiếng Anh là tác phẩm Esther trình diễn trong tư gia một nhà bảo trợ khoảng năm 1718.[7] Ngày 6 tháng 5, 1732, Handel đem một phiên bản đã được hiệu đính và mở rộng của tác phẩm Esther đến Nhà hát King, Haymarket cho buổi ra mắt lộng lẫy có sự tham dự của hoàng gia. Sự thành công của buổi diễn đã khích lệ Handel viết thêm hai bản oratorio (DeborahAthalia). Cả ba tác phẩm này đều được trình diễn tại Nhà hát Sheldonian ở Oxford vào mùa hè năm 1733, thu hút một cử tọa đông đảo và nhiệt tình ủng hộ. Người ta thuật lại rằng có những sinh viên trẻ đã phải bán đồ đạc của mình hầu gom đủ tiền cho tấm vé trị giá năm shilling.[9]
Năm 1735, một chủ đất giàu có trong tiền bạc cũng như trong đam mê âm nhạc và văn chương tên Charles Jennens gởi Handel phần ca từ cho một bản oratorio mang tên Saul.[10] Bởi vì lúc ấy Handel chỉ chuyên chú sáng tác opera nên không chịu viết nhạc cho Saul mãi đến năm 1738 khi ông chuẩn bị cho mùa trình diễn 1738-39. Tác phẩm này được trình diễn lần đầu tại Nhà hát King trong tháng 1, 1739 và có được sự đón nhận tích cực từ khán giả, ngay sau đó là bản oratorio Israel in Egypt nhưng ít thành công hơn.[11] Bởi vì sự thịnh hành của các tác phẩm tiếng Anh là không thể đảo ngược, sau ba lần trình diễn vở opera tiếng Ý Deidamia trong tháng 1 và tháng 2, 1741, Handel ngưng sáng tác cho thể loại này.[12] Tháng 7, 1741, Jennens gởi Handel phần ca từ cho một bản oratorio mới. Trong bức thư gởi một người bạn, Edward Holdsworth, Jennens viết, "Tôi hi vọng [Handel] sẽ đặt hết tài năng và kỹ năng vào tác phẩm này, đây là phần sáng tác sẽ vượt trội hơn tất cả sáng tác trước đó của ông, bởi vì chủ đề này vượt trội hơn mọi chủ đề khác. Chủ đề này là Messiah."[13]

Trường ca Messiah

Tín hữu Cơ Đốc tin rằng Chúa Giê-xu là Đấng Messiah tức là Chúa Cứu Thế. Nhà nghiên cứu âm nhạc Richard Luckett miêu tả Messiah của Handel là " môt sự luận giải về sự Giáng sinh, Thương khó, Phục sinh, và Về trời của [Chúa Giê-xu], khởi đầu với lời hứa của Thiên Chúa qua sự tuyên cáo của những nhà tiên tri và kết thúc với sự tôn vinh dành cho Chúa Cơ Đốc trên thiên đàng".[14] Khác với hầu hết những bản oratorio của Handel, các ca sĩ trong Messiah không diễn kịch, cũng không có giọng nói dẫn chuyện chủ đạo, và rất ít diễn từ trích dẫn. Chủ đích của Jennes không phải là tái hiện cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giê-xu, nhưng là tụng ca "Sự Huyền nhiệm của Thiên Chúa",[15] dẫn ý từ Kinh Thánh theo bản King James, và các chương Thi thiên được trích dẫn trong Sách Cầu nguyện chung của Anh giáo.[16] Trong hầu hết những bản oratorio của Handel, giọng đơn ca giữ vị trí chủ đạo, ban hợp xướng chỉ trình bày những đoạn ngắn; nhưng với Messiah "chính phần hợp xướng đã làm thăng hoa tác phẩm khi tạo ra dòng cảm xúc mãnh liệt và làm nổi bật những thông điệp", theo nhận xét của Laurence Cummings, giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Handel Luân Đôn[17]
Cấu trúc ba phần của Messiah cũng tương tự như những vở opera ba hồi của Handel, mỗi phần có nhiều "cảnh" theo sự phân chia của Jennens. Mỗi "cảnh" có một số "đoạn" được thể hiện theo cách hát nói, aria, hoặc hợp xướng.[15] Có hai đoạn dành cho các loại nhạc cụ, đoạn dẫn nhập Sinfony theo phong cách French overture,[n 2] và pastoral Pifa, thường gọi là "pastoral symphony", tại trung điểm của Phần I.[19]
Ở phần I, những nhà tiên tri thời Cựu Ước tiên báo sự giáng sinh của Đấng Messiah. Sự kiện các thiên sứ báo tin mừng cho những mục tử được thể hiện qua lời ký thuật của Phúc âm Lu-ca. Phần II thuật lại sự thương khó, sự chết, sự phục sinh và về trời của Chúa Giê-xu, Phúc âm được rao giảng trên khắp thế giới, và sự vinh hiển của Thiên Chúa được thể hiện cách cô đọng và súc tích trong tuyệt khúc "Hallelujah". Phần III khởi đi từ lời hứa về sự cứu rỗi, kế tiếp là lời tiên báo về Ngày Đoán xét và sự sống lại phổ quát, rồi kết thúc với sự đắc thắng tội lỗi cùng sự chết, và sự ngợi ca dành cho Chúa Ki-tô.[20] Theo nhà âm nhạc học Donald Burrows, những người không có sự hiểu biết căn bản về Kinh Thánh khó nắm bắt được nội dung của bản trường ca.[20] Vì vậy, Jennens cho ấn hành và phân phối những bản dẫn giải.[21]
Chân dung Charles Jennens khoảng năm 1740

Ca từ

Charles Jennens sinh khoảng năm 1700 trong một gia đình giàu có sở hữu nhiều đất đai và tài sản trong vùng Warwickshire và Leicestershire, về sau ông thừa kế tài sản của gia đình.[22] Do quan điểm tôn giáo và chính trị của mình – phản đối Đạo luật Settlement năm 1701 cho phép thành viên Nhà Hanover đến từ Đức lên ngôi trị vì nước Anh – Jennens không được nhận văn bằng của Trường Balliol, Đại học Oxford, cũng không được bổ nhiệm vào các chức vụ công. Song, tài sản của gia đình cho phép ông theo đuổi nếp sống phong lưu và dành nhiều thời gian cho niềm đam mê âm nhạc và văn chương.[23] Nhà âm nhạc học Donald Burrows viết, "không có chút nghi ngờ nào về tài năng viết ca từ của Jennens". Ông say mê và hỗ trợ tích cực cho Handel, trợ giúp tiền bạc để phát hành tất cả những bản tổng phổ của Handel kể từ Rodelinda năm 1725.[24] Đến năm 1741, sau sự cộng tác để hình thành tác phẩm Saul, một tình bạn nồng ấm nảy sinh giữa Jennens và Handel, lãnh địa của gia đình Jennens tại Gopsall là nơi Handel thường xuyên lui tới.[22]
Trong bức thư gởi Holdsworth đề ngày 10 tháng 7, 1741, Jennens lần đầu tiên đề cập đến Messiah, nói rằng nội dung của bản trường ca vừa mới hoàn thành, có lẽ vào đầu mùa hè. Là một tín hữu Anh giáo mộ đạo và xác tín vào thẩm quyền Kinh Thánh, một phần trong chủ đích của Jennens là thách thức những người theo Thần giáo (Deism), họ bác bỏ giáo lý Thiên Chúa, với quyền tể trị, can thiệp vào các vấn đề của con người.[14] Không có chứng cứ nào cho rằng Handel đóng vai trò tích cực trong việc tuyển lựa và chăm chút phần nội dung của bản trường ca như ông đã làm cho Saul; có lẽ ông nhận ra rằng chỉnh sửa tác phẩm của Jennens là không cần thiết.[13]

Phổ nhạc

Trang bìa bản tổng phổ Messiah viết tay của Handel
Phần nhạc của Messiah được hoàn tất chỉ trong 24 ngày theo tốc độ viết nhạc của Handel. Sau khi nhận phần ca từ của Jennens, chỉ một thời gian ngắn sau ngày 10 tháng 7, 1741, Handel khởi sự viết nhạc cho Messiah từ ngày 22 tháng 8. Những gì được ghi lại cho thấy đến ngày 28 tháng 8 ông đã hoàn tất Phần I, ngày 6 tháng 9 Phần II, và Phần III vào ngày 12 tháng 9, rồi thêm hai ngày nữa để hoàn chỉnh tác phẩm vào ngày 14 tháng 9. Trong bản tổng phổ viết tay dày 259 trang có những chỗ phô bày sự vội vàng của tác giả như những dấu mực, vết xước, các dòng kẻ còn bỏ trống, và những lỗi chưa chỉnh sửa. Dù vậy, theo học giả âm nhạc Richard Luckett đối với một tác phẩm lớn như Messiah thì số lượng sai sót như thế là rất nhỏ.[25]
Cuối bản thảo Handel ghi "SDG" – Soli Deo Gloria, "Sự vinh hiển chỉ dành riêng cho Thiên Chúa". Dòng chữ này cùng tốc độ sáng tác đã củng cố niềm tin rằng Handel đã nhận lãnh sự soi dẫn thiên thượng trong khi phổ nhạc cho câu chuyện dẫn ý từ Kinh Thánh, như ông thuật lại trải nghiệm của mình khi viết bản hợp xướng "Hallelujah", "tôi đã nhìn thấy thiên đàng ngay trước mắt".[25] Theo thói quen khi viết một tác phẩm mới, Handel chọn một số sáng tác có sẵn để đưa vào Messiah như bài song ca tiếng Ý sáng tác một thời gian ngắn trước đó và một bài khác viết từ hai mươi năm trước. Cũng vậy, Se tu non lasci amore từ năm 1722 được chọn làm phần nền cho "Hỡi sự chết, nọc độc của ngươi ở đâu?";[26] "Ách của Ngài dễ chịu".[27] và "Ngài sẽ thanh tẩy"[28] được rút ra từ Quel fior che alla’ride (tháng 7, 1741), "Một con trẻ sẽ được sinh cho chúng ta,"[29] và "Hết thảy chúng ta đều như chiên đi lạc"[30] từ Nò, di voi non vo' fidarmi (tháng 7, 1741).[31][32] Trong bản tổng phổ, theo tập quán đương thời, Handel dành nhiều khoảng trống cho các loại nhạc cụ, những ấn bản sau này đã thêm nhiều chi tiết vào bản tổng phổ nguyên thủy.[33]
Handel hiệu đính nhiều lần bản tổng phổ viết tay trước khi đưa tác phẩm này ra mắt công chúng.[33] Từ năm 1742 đến 1754, ông tiếp tục hiệu đính và viết lại những phần riêng lẻ, có lẽ để thích ứng với đặc điểm của mỗi ca sĩ. Bản tổng phổ Messiah được phát hành lần đầu năm 1767, sáu năm khi Handel mất.[34]

Công diễn

Dublin, 1742

Từ lời mời của Công tước Devonshire, khi ấy là Toàn quyền Ireland, Handel quyết định chọn Dublin làm địa điểm ra mắt công chúng cho Messiah vào mùa đông năm 1741-42.[35] Một nghệ sĩ vĩ cầm và là bạn của Handel, Matthew Dubourg, đang là nhạc trưởng cho quan Toàn quyền.[36] Không ai biết chắc lý do Handel chọn Dublin, ông cũng không thông báo cho Jennens về kế hoạch trình diễn; trong bức thư đề ngày 2 tháng 12, 1741, Jennens viết cho Holdsworth, "…là một điều sỉ nhục cho tôi khi biết rằng ông ấy cho trình diễn Messiah ở Ireland thay vì ở đây [Luân Đôn]."[37] Tuy nhiên, lúc ấy Dublin ở trong số những thành phố thịnh vượng và phát triển nhanh nhất châu Âu, giới tinh hoa giàu có ở đây muốn thể hiện sự sành điệu cũng như sức mạnh kinh tế của mình bằng cách tổ chức những sự kiện văn hóa lớn. Có lẽ Handel xem Dublin là một chọn lựa tốt để chuẩn bị cho những buổi trình diễn ở Luân Đôn.[17] Sau khi đến Dublin vào ngày 18 tháng 11, 1741, Handel chuẩn bị một chuỗi những buổi hòa nhạc từ giữa tháng 12, 1741 đến tháng 2, 1742 tại Great Music Hall trên Đường Fishamble. Những buổi trình diễn gây tiếng vang quá lớn đến nỗi người ta bắt đầu sắp xếp để tổ chức một chuỗi những buổi hòa nhạc tiếp theo. Dù vậy, Trường ca Messiah không xuất hiện trong những buổi trình diễn này.[35]
Đến đầu tháng 3, Handel thảo luận với các ủy ban hữu quan để mở một buổi hòa nhạc từ thiện ấn định vào tháng 4, và ông có ý định ra mắt Messiah vào dịp này, đồng thời được Nhà thờ St Patrick và Nhà thờ Christ Church cho phép sử dụng những ca đoàn của họ[38][39] với 16 giọng ca nam và 16 nam thiếu niên, vài người trong số học được chọn để trình diễn đơn ca. Trong các giọng đơn ca nữ có Christina Maria Avoglio giữ vai chính soprano, và Susannah Cibber, một nghệ sĩ sân khấu đã thành danh.[39][40] Buổi trình diễn tại Đường Fishamble dự định tổ chức ngày 12 tháng 4 bị hoãn một ngày "theo yêu cầu của những nhân vật danh giá".[35]
Ba tổ chức từ thiện hưởng lợi từ những khoản thu của buổi trình diễn là Bệnh viện Mercer, Charitable Infirmary, và một tổ chức hỗ trợ tài chính cho những người bị bỏ tù vì nợ nần.[39] Trong một bản tường trình về cuộc tổng duyệt, tờ Dublin News-Letter miêu tả bản oratorio như là "... vượt quá mọi sự trong Thiên nhiên từng được thể hiện trên Vương quốc này hoặc ở bất cứ nơi nào khác".[41] Bảy trăm người đến dự buổi ra mắt ngày 13 tháng 4.[42] Bởi vì số lượng khán giả quá đông, ban tổ chức yêu cầu nam giới không đeo gươm và quý bà không mặc trang phục có đính vòng váy để tránh vướng víu.[39] Báo chí đồng thanh khen ngợi buổi trình diễn: "Cần tìm kiếm ngôn từ để diễn đạt niềm vui thích tuyệt vời mà buổi biểu diễn đã cống hiến cho đông đảo khán giả say mê thưởng thức".[42] Trong khoảng 400 bảng Anh thu được từ buổi trình diễn, mỗi tổ chức từ thiện kể trên nhận khoảng 127 bảng Anh, và có đến 142 người bị bỏ tù do mắc nợ được phóng thích nhờ khoản trợ giúp này.[36][42] Handel ở lại Dublin thêm bốn tháng để tổ chức buổi trình diễn thứ hai vào ngày 3 tháng 6, được công bố là "Buổi biểu diễn sau cùng của Handel trong lúc ông có mặt tại Vương quốc này". Lần này, nguồn thu thuộc về Handel.

Luân Đôn, 1743 – 59

Nhà nguyện Bệnh viện Foundling, Luân Đôn, Messiah được trình diễn thường xuyên tại đây.
Sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho Messiah tại Dublin đã không được lặp lại ở Luân Đôn khi Handel giới thiệu tác phẩm tại Hí viện Covent Garden ngày 23 tháng 3, 1743. Avoglio và Cibber tiếp tục đảm trách hai giọng đơn ca chính với sự hỗ trợ của ca sĩ tenor John Beard, giọng bass Thomas Rheinhold và hai giọng soprano Kitty Clive và Cô Edwards.[43] Lần trình diễn này bị phủ bóng bởi những chỉ trích đến từ báo giới cho rằng chủ đề quá thiêng liêng không nên trình diễn tại một nhà hát với những ca sĩ kiêm diễn viên thế tục như Cibber và Clive. Để đối phó, Handel thay thế tên tác phẩm Messiah bằng một tên mới chỉ dùng ở Luân Đôn "New Sacred Oratorio".[44] Theo thói quen, Handel chỉnh sửa âm nhạc cho phù hợp với các ca sĩ, và thêm phần mới "And lo, the angel of the Lord" cho Clive. Ông cũng thêm ca khúc giọng tenor cho Beard: "Their sound is gone out" đã có sẵn trong ca từ của Jennens nhưng không được xuất hiện trong buổi trình diễn tại Dublin.[45]
Sự đón tiếp ban đầu khá lạnh nhạt ở Luân Đôn khiến Handel quyết định rút số buổi biểu diễn từ sáu xuống còn ba buổi, trong năm 1744 không có buổi trình diễn nào – đã làm Jennens tức giận, mối quan hệ giữa hai người trở nên cay đắng trong một thời gian.[44] Handel chỉ huy hai buổi trình diễn ngày 9 và 11 tháng 4, 1745 tại Covent Garden,[46] rồi xếp tác phẩm này lại trong vòng bốn năm.[47]
Trong buổi biểu diễn năm 1749 cũng tại Covent Garden, xuất hiện hai giọng đơn ca nữ, và kể từ đó tên tuổi của họ gắn liền với âm nhạc Handel: Giulia Frasi và Caterina Galli. Năm sau thêm giọng alto nam Gaetano Guadagni. Năm 1750 cũng là thời điểm khởi đầu đề án trình diễn từ thiện hằng năm trợ giúp Bệnh viện Foundling, chương trình này kéo dài cho đến sau khi Handel qua đời.[48] Từ buổi trình diễn năm 1754, dàn nhạc giao hưởng có mười lăm đàn violin, năm viola, ba cello, hai double-bass, bốn bassoon, bốn oboe, hai trumpet, hai horn và trống. Trong dàn hợp xướng mười chín thành viên có sáu giọng kim đến từ Chapel Royal; phần còn lại, tất cả là nam giới, đảm trách giọng alto, tenor, và bass. Frasi, Galli, và Beard, những giọng đơn ca chính, cũng được phân công hỗ trợ ca đoàn.[49][n 3]
Sự thành công tại Dublin đã được tái hiện ở Luân Đôn, một phần là do lúc ấy người ta đang tìm kiếm một sáng tác đỉnh cao cho dịp lễ Giáng sinh, "đã có những nhạc phẩm hay cho lễ Phục sinh – nổi bật nhất là St Matthew Passion của Bach – nhưng có quá ít những bản thánh nhạc viết cho Giáng sinh, mà toàn bộ phần I của Messiah dành cho sự kiện giáng sinh của Chúa Cơ Đốc", nhận xét của Cummings.[51]
Do bị suy giảm thị lực từ năm 1754, đến năm 1755 Handel chuyển quyền chỉ huy những buổi trình diễn Messiah tại bệnh viện cho học trò của ông, J. C. Smith,[52] nhưng đến năm 1757, ông trở lại nhiệm vụ.[53] Ngày 6 tháng 4, 1759, tám ngày trước khi từ trần, Handel đến dự buổi trình diễn Trường ca Messiah, và đó là lần sau cùng ông dự một buổi biểu diễn một sáng tác của mình.[52]

Thế kỷ 18

Trong thập niên 1750, Messiah ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại những lễ hội và các giáo đường trên khắp đất nước.[54] Những bài hợp xướng và những bản aria riêng lẻ được sử dụng trong các buổi lễ nhà thờ, trong các buổi hòa nhạc. Điều này càng phổ biến hơn trong suốt thế kỷ 19 và kéo dài đến ngày nay.[55] Sau khi Handel từ trần, những buổi công diễn được tổ chức tại Florence (1768), New York (trích đoạn, 1770), Hamburg (1772), và Mannheim (1777), tại đây Mozart lần đầu tiên có cơ hội thưởng thức kiệt tác này.[56][n 4] Cho đến vài thập niên sau khi Handel qua đời, qui mô dàn nhạc trong các buổi trình diễn của Messiah tương tự với buổi biểu diễn gây quỹ cho Bệnh viện Foundling năm 1754. Tuy nhiên, khởi đi năm 1784, một chuỗi các buổi biểu diễn tưởng niệm Handel tại Điện Westminster do Vua George III bảo trợ, quy mô lớn của các buổi trình diễn đã trở nên hình mẫu cho những buổi công diễn sau này. Một tấm bảng gắn trên tường Điện Westminster ghi lại, "Dàn nhạc gồm có DXXV [525] ca sĩ và nhạc công dưới sự chỉ huy của Joah Bates Esqur."[58] Trong một bài viết năm 1955, Sir Malcolm Sargent – một nhạc trưởng, nghệ sĩ organ, và nhà soạn nhạc nổi tiếng ủng hộ các buổi trình diễn hoành tráng – viết, "Ông Bates... đã hiểu biết rất tốt về Handel và tôn trọng ước nguyện của ông. Dàn nhạc giao hưởng đông đảo với hai trăm năm mươi nhạc công, trong đó có mười hai nghệ sĩ kèn co, mười hai trumpet, sáu trombone, và ba cặp bộ trống timpani (một số có kích cỡ đặc biệt lớn)". Trong năm 1787 có thêm những buổi biểu diễn tại Điện Westminster, những bảng quảng cáo ghi, "Dàn nhạc có đến Tám trăm Nghệ sĩ".[59][60]
Tại Âu châu lục địa, những buổi công diễn Trường ca Messiah được thực hiện theo một cung cách khác: bản tổng phổ của Handel được phối âm lại để đáp ứng thị hiếu đương thời. Năm 1786, Johan Adam Hiller thể hiện Messiah tại Đại giáo đường Berlin với bản tổng phổ đã được soạn lại.[61] Năm 1788 có thêm một buổi biểu diễn do Hiller phối âm lại với ca đoàn 259 người và dàn nhạc có 87 đàn dây, 10 bassoon, 11 oboe, 8 kèn co, 4 clarinet, 4 trombone, 7 trumpet, bộ trống, harpsichord, và organ.[61] Năm 1789, Nam tước Gottfried van Swieten và Gesellschaft der Associierten (một hiệp hội ở Vienna qui tụ những nhà quý tộc yêu âm nhạc) ủy nhiệm Mozart phối âm lại một số sáng tác của Handel trong đó có Messiah.[62][n 5] Soạn cho những cuộc trình diễn qui mô nhỏ, Mozart bỏ phần đệm đàn organ, thêm những phần dành cho sáo, kèn clarinet, trombome và kèn co, soạn lại một vài đoạn, và cải biên những đoạn khác. Cuộc trình diễn thực hiện ngày 6 tháng 3, 1789 trong những căn phòng của Công tước Johann Esterházy với bốn giọng đơn ca và ban hát 12 người.[64][n 6] Bản phối âm của Mozart, với một ít sửa đổi của Hiller, được phát hành năm 1803, sau khi ông qua đời.[n 7] Nhà âm nhạc học Moritz Hauptmann miêu tả những đóng góp của Mozart như là "những họa tiết trên ngôi đền bằng đá cẩm thạch".[69]

Thế kỷ 19

Trong thế kỷ 19 tại Đức và các quốc gia nói tiếng Anh, cách tiếp cận âm nhạc Handel ngày càng đa dạng hơn. Ở Leipzig năm 1856, nhà âm nhạc học Friedrich Chrysander và nhà sử học văn chương Georg Gottfried Gervinus thành lập Händel-Gesellschaft Đức với mục tiêu phát hành những ấn bản chính xác toàn bộ sáng tác của Handel. Cùng lúc, những buổi trình diễn tại AnhMỹ tách rời khỏi cung cách thể hiện của Handel với qui mô ngày càng hoành tráng hơn. Messiah được trình diễn tại New York năm 1853 với ca đoàn 300 người, còn ở Boston con số này vượt quá 600.[70][71] Tại Anh, trong "Đại hội Handel" tổ chức ở Crystal Palace năm 1857, có ca đoàn 2 000 người với dàn nhạc giao hưởng 500 nhạc công thể hiện Messiah và những bản oratorio khác của Handel.[72]
Trong hai thập niên 1860 và 1870, lực lượng tập hợp cho các cuộc trình diễn còn hùng hậu hơn. Những cuộc trình diễn hoành tráng đòi hỏi phải tăng cường đáng kể cho dàn nhạc giao hưởng. Những người hâm mộ Handel tin rằng nếu sinh thời các loại nhạc cụ cần thiết có sẵn thì Handel đã mở rộng qui mô các cuộc trình diễn rồi.[73]
Một trong những nguyên nhân khiến việc tổ chức các cuộc trình diễn qui mô lớn trở nên phổ biến là việc các ca đoàn nghiệp dư xuất hiện khắp mọi nơi. Sir Thomas Beecham, một nhạc trưởng, viết rằng trong suốt 200 năm các ca đoàn là "phương tiện thể hiện âm nhạc trên toàn cõi" nước Anh. Tuy nhiên, sau những ngày cực thịnh trong thời Victoria, theo nhận xét của Beecham, "có phản ứng mạnh mẽ chống lại những buổi biểu diễn hoành tráng... kêu gọi trở lại thời kỳ khi nhạc Handel được thể hiện và thưởng thức như trong quãng thời gian từ năm 1700 đến 1750".[74] Đến cuối thế kỷ 19, Sir Frederick Bridge và T. W. Bourne đi tiên phong trong nỗ lực phục hồi Trường ca Messiah theo phong cách trình diễn của Handel, các tác phẩm của Bourne đã lập nền cho các những nghiên cứu học thuật xuất hiện vào đầu thế kỷ 20.[75]

Từ thế kỷ 20

Mặc dù trong thế kỷ 20 phong cách trình diễn hoành tráng vẫn được duy trì bởi những tổ chức như Royal Choral Society, Mormon Tabernacle Choir, và Huddersfield Choral Society, trào lưu chủ trương về nguồn với Handel ngày càng lớn mạnh. Năm 1902, nhà âm nhạc học Ebenezer Prout phát hành một ấn bản mới cho bản tổng phổ, tập hợp những bản viết tay nguyên thủy của Handel thay vì những bản in với nhiều sửa đổi và sai sót.[n 8] Dù vậy, Prout tin rằng một sự tái tạo chính xác bản tổng phổ nguyên thủy của Handel là không thực tế. Prout tiếp tục sử dụng sáo và các loại kèn clarinettrombone cho bản phối âm của Handel, nhưng ông dùng kèn trumpet mà Mozart trước đó đã không sử dụng.[67] Có một ít bất đồng đối với phương pháp của Prout, và khi phiên bản bác học của Chrysander được ấn hành, nó được chào đón và trân trọng như một tác phẩm để nghiên cứu, không phải để trình diễn.[76] Một sự thể hiện chính xác theo nguyên bản bị xem là bất khả.
Tại nước Đức không có nhiều buổi trình diễn Messiah như ở Anh,[77] thường khi chỉ với qui mô trung bình. Tại Festival Handel năm 1922 tổ chức ngay tại thị trấn quê nhà của Handel, Halle, ca đoàn chỉ có 163 người, và dàn nhạc với 64 nhạc công.[78] Tại Anh, công nghệ truyền thanh và ghi âm đóng góp đáng kể cho nỗ lực trở lại với phong cách trình diễn của Handel. Lấy thí dụ, năm 1928, Beecham sử dụng một dàn nhạc qui mô nhỏ để ghi âm Messiah mặc dù bản phối âm vẫn chưa giống với nguyên bản.[79] Trong hai năm 1934 và 1935, BBC phát sóng những buổi trình diễn Messiah dưới sự chỉ huy của Adrian Boult được xem là "trung thành triệt để với bản tổng phổ của Handel".[80] Một buổi trình diễn tương tự tổ được tổ chức tại Đại Giáo đường Worcester như là một phần trong Festival Three Choir năm 1935.[81] Năm 1950 tại Đại Giáo đường St Paul, John Tobin chỉ huy một buổi trình diễn Messiah với ca đoàn 60 người, và một giọng đơn ca alto counter-tenor theo phong cách thời Handel.[82]
Messiah trên sân khấu Nhà hát Opera Quốc gia Anh, 2009
Trong năm 1965, khuynh hướng trở lại với phong cách trình diễn theo nguyên bản được đẩy mạnh nhờ sự xuất hiện của một ấn phẩm mới của bản tổng phổ do Watkins Shaw biên tập. Đến thời điểm Shaw qua đời năm 1996, tờ Times ghi nhận rằng ấn bản của ông "đang được sử dụng rộng rãi".[83][84]
Messiah vẫn là sáng tác nổi tiếng nhất của Handel, luôn được trình diễn nhiều lần vào mùa Giáng sinh, đến nỗi nhà phê bình âm nhạc Alex Ross cho rằng chỉ riêng tại New York trong tháng 12 năm 1993 có đến 21 buổi trình diễn Messiah là "lặp đi lặp lại đến độ nhàm chán".[85] Ngược lại với khuynh hướng trình diễn theo nguyên bản là những buổi biểu diễn trong các nhà hát opera, cả ở Luân Đôn (2009) và Paris (2011).[86] Bản tổng phổ của Mozart được cũng được sử dụng thường xuyên.[87] Tại những xứ sở nói tiếng Anh, những buổi trình diễn với sự tham gia tích cực của khán giả như là những ca sĩ nghiệp dư với con số lên đến hàng trăm người cũng trở nên phổ biến.[88]
Đầu thập niên 1970, Ca đoàn Học sinh Sinh viên Tin Lành và một số nhà thờ Tin LànhSài Gòn đã tổ chức những buổi trình diễn bài hợp xướng "Hallelujah" thuộc Trường ca Messiah.[89] Đến tháng 6, 2011, tuyệt khúc Hallelujah lại được thể hiện bởi Ca đoàn Tin Lành Dân tộc Jarai trong Lễ Kỷ niêm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, tổ chức tại Đà Nẵng. Năm sau, ngày 13 tháng 4, 2012, kỷ niệm 270 năm lần công diễn đầu tiên của bản trường ca tại Dublin, Ban nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Ban Hợp xướng Quốc tế tổ chức hai đêm trình diễn Trường ca Messiah tại Nhà hát lớn Hà Nội.[89]

Nội dung

Trường ca Messiah được chia làm ba phần, tương ứng với các giai đoạn trong cuộc đời Chúa Giê-xu. Phần thứ nhất trình bày những ký thuật về sự giáng sinh. Phần thứ hai nói về sự khổ hình, sự phục sinh, sự lên trời của Chúa Giê-xu, và sự ủy thác của ngài cho các môn đồ đem thông điệp phúc âm đến toàn thế giới. Phần thứ ba dựa trên các biến cố ghi chép trong sách Khải Huyền của Thánh John. Phần lớn nội dụng của Messiah nhắc đến những lời tiên tri trong Cựu Ước báo trước sự giáng sinh và cuộc đời Chúa Giê-xu.
Aria giọng nữ cao "Tôi biết Cứu Chúa hằng sống" thường được cất lên trong các tang lễ Cơ Đốc giáo. Người ta tin rằng bản aria này là nhân tố gợi cảm hứng cho các sáng tác của Nhóm Tứ ca Westminster.[90] Trên ngôi mộ của Handel là bức tượng của ông tay cầm những bản aria.[91]
Charles Jennens soạn lời cho Messiah trích từ Kinh Thánh bản King James. Phần trích Thi Thiên từ bản Great Bible. Jennens chia tác phẩm thành ba phần (hoặc hồi), mỗi hồi có vài cảnh:[21]
Hồi I: Sự Giáng sinh
Cảnh 1: Lời Tiên tri về sự cứu rỗi
Cảnh 2: Lời Tiên tri về sự Giáng sinh của Đấng Messiah
Cảnh 3: Điềm báo cho thế giới
Cảnh 4: Lời Tiên tri về sự trinh thai
Cảnh 5: Thiên sứ báo tin cho các mục tử
Cảnh 6: Các phép lạ của Chúa Ki-tô
Cảm xúc vui thỏa bạn có được khi thưởng thức bản hợp xướng Hallelujah là vô đối. Làm sao mà không đồng thanh cất tiếng A-men khi bài hát kết thúc? Nó luôn nâng cao tinh thần của bạn ngay cả khi bạn buồn chán.
Lawrence Cummings, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Handel Luân Đôn.[92]
Phần II: Sự Khổ hình
Cảnh 1: Sự hi sinh, sự khổ nhục, và sự hấp hối của Chúa Giê-xu trên thập tự giá
Cảnh 2: Sự chết, sự xuống âm phủ, và sự phục sinh của Chúa Giê-xu
Cảnh 3: Sự lên trời
Cảnh 4: Ngài được vinh hiển trên Thiên đàng
Cảnh 5: Khởi đầu công cuộc truyền bá phúc âm
Cảnh 6: Thế giới và các nhà cầm quyền khước từ phúc âm
Cảnh 7: Sự khải hoàn của Thiên Chúa
Phần III: Lai thế
Cảnh 1: Lời hứa về sự cứu rỗi từ lúc Adam sa ngã
Cảnh 2: Ngày Phán xét
Cảnh 3: Chiến thắng sự chết và tội lỗi
Cảnh 4: Sự vinh hiển của Chúa Ki-tô
Nhiều ca từ có gợi ý từ Cựu Ước. Phần đầu dựa nhiều vào sách Isaiah, với những lời tiên tri về Đấng Messiah. Cũng có những trích dẫn từ các sách phúc âm; đây là đoạn kết của phần đầu để mở ra phần hai. Thiên sứ báo tin mừng cho các mục tử trích từ Phúc âm Lu-ca, thêm hai phần trích từ Phúc âm Matthew, và một từ Phúc âm Giăng: "Kìa, Chiên Con của Thiên Chúa, là Đấng cất tội lỗi của thế gian."[93] Phần còn lại trình bày các lời tiên tri của Isaiah, và những câu trích từ các sách phúc âm. Phần ba trích từ sách Job ("Tôi biết Cứu Chúa hằng sống"), và từ thư thứ nhất Phao-lô gởi tín hữu thành Corinth.
Bản hợp xướng rất nổi tiếng "Hallelujah" được đặt cuối Phần II có phần trích từ sách Khải Huyền của Tân Ước với câu, "Chiên Con đã chịu giết" ("Amen").[94]
Messiah thường được trình diễn vào dịp Giáng sinh, bản hoàn chỉnh của bài trường ca này không chỉ liên quan đến Lễ Giáng sinh (Phần I), mà còn đến Lễ Phục sinh (Phần II). Cũng cần lưu ý rằng, "Halleluja", bản hợp xướng gắn liền với Lễ Giáng sinh, lại được đặt ở Phần II và Phần III – thuộc Lễ Phục sinh.

Hallelujah

Nổi tiếng nhất trong trường ca Messiah là phần hợp xướng "Hallelujah" với nội dung dựa trên sách Khải Huyền trong Tân Ước:
"Đoạn, tôi nghe có tiếng như một đám đông vô số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc như tiếng sấm dữ, mà rằng: Alleluia! Vì Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị." (Khải Huyền 19:6)
"Vị thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng lớn vang ra trên trời rằng: Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Chúa Ki-tô của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời." (Khải Huyền 11:15)
"Trên áo choàng và trên đùi Ngài, có đề một danh là: VUA CỦA CÁC VUA VÀ CHÚA CỦA CÁC CHÚA." (Khải Huyền 19:16)
Tại nhiều nơi trên thế giới, đã trở thành thông lệ cho mọi người đều đứng lên khi giai điệu của bài Hallelujah được cất lên. Theo truyền thuyết, vua George II đã đứng dậy ngay khi nốt nhạc đầu tiên của bài hợp xướng khải hoàn Hallelujah vang lên. Từ đó, nghi thức hoàng gia luôn yêu cầu các bậc quân vương phải đứng lên, và như thế mọi người có mặt cũng phải làm theo nhà vua. Bởi vì không ai biết chính xác lý do khiến vua George II đứng lên khi nghe bài Hallelujah nên có các giải thích khác nhau về sự kiện này, trong đó có luận cứ được chấp nhận rộng rãi nhất: Theo thông lệ, mọi người phải đứng dậy để bày tỏ sự tôn kính đối với bậc quân vương. Bài hợp xướng Hallelujah tôn vinh Chúa Ki-tô là Vua của muôn vua. Khi đứng lên, vua George II đã chấp nhận rằng mình cũng chỉ là một thần dân của Chúa của muôn chúa. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ nào cho thấy nhà vua đã có mặt trong buổi ra mắt hoặc trong bất cứ buổi trình diễn nào khác của Trường ca Messiah, mặc dù tập quán này đã được nhắc đến trong một bức thư đề năm 1756.[95][95][96][96][97][97]
Bởi vì bài Hallelujah thường được trình diễn riêng nên được nhiều người biết đến như là "Bài hợp xướng Hallelujah". Thật ra, cách gọi chính xác là "Bài hợp xướng Hallelujah của Trường ca Messiah".

Âm nhạc đồ họa

Handel cũng nổi tiếng với khả năng sử dụng âm nhạc đồ họa – soạn giai điệu trầm bổng theo ý nghĩa của ca từ - trong nhiều tác phẩm của ông. Có lẽ được biết đến nhiều nhất là bài aria giọng nam cao Every valley shall be exalted (Mọi nơi sủng thấp sẽ được nâng cao), thuộc phần I của trường ca Messiah. Ca từ có đoạn viết "...and every mountain and hill made low; the crooked straight and the rough places plain" (mọi núi đồi sẽ bị hạ xuống; chỗ quanh co sẽ nên thẳng tắp và nơi dốc hãm sẽ thành đồng nội[98]) Handel soạn nhạc như sau:
Every Valley.jpg
Những nốt nhạc lên cao dần đến F♯ ngay trên âm tiết đầu của từ mountain, rồi rơi xuống trọn một octave ngay ở âm tiết kế tiếp. Bốn nốt trên từ hill có hình dạng một ngọn đồi nhỏ, và nốt nhạc trên từ low là nốt thấp nhất trong đoạn này. Trên từ crooked là hai lần dấu láy giữa nốt C♯ và B, rồi B kéo dài hai nhịp trên từ straight. Handel thường xuyên áp dụng kỹ thuật này suốt phần còn lại của bài aria, nhất là với từ exalted, với vài nốt móc đôi và hai lần lên đến E cao:[99]
Every Valley2.jpg
Thông thường trong thi ca tiếng Anh thời ấy, hậu tố -ed của thì quá khứ và quá khứ phân từ của một động từ thường được phát âm như một âm tiết riêng biệt, chẳng hạn như trong đoạn nhạc này của bài And the glory of the Lord:
And the glory.jpg
Như thế, từ revealed có ba âm tiết: [rɪˈviːlɛd]. Trong nhiều ấn bản, mẫu tự e là âm câm khi nói, nhưng khi hát lại trở thành một âm tiết riêng biệt được nhấn mạnh: revealèd.

Ghi âm

Đã sớm có nhiều bài hợp xướng và aria trích từ Messiah được ghi âm với những đặc điểm: lực lượng hùng hậu, nhịp điệu chậm, và phối âm tự do. Điển hình là những hợp xướng dưới quyền chỉ huy của Sir Henry Wood, do hãng Columbia ghi âm năm 1926 với ban nhạc và ca đoàn qui tụ 3 500 người vào dịp Festival Handel tại Crystal Palace.[100]
Một bản ghi âm gần như toàn bộ tác phẩm (vì có những phần bị cắt bỏ theo lệ thường thời ấy) được Sir Thomas Beecham thực hiện trong năm 1928, là một nỗ lực của Beecham nhằm "cung cấp một sự thể hiện, theo quan điểm của ông, gần với ý định của tác giả", với lực lượng trình diễn gọn nhẹ và nhịp điệu nhanh hơn đã trở thành truyền thống. Giọng đơn ca contralto Muriel Brunski nhận xét, "Nhịp điệu [của Beecham], nay được xem là điều đương nhiên, lúc ấy là một hành động cách mạng; ông đã đem đến một sức sống mới". Tuy nhiên, Sargent vẫn duy trì phong cách hoành tráng cho bốn đĩa ghi âm HMV của ông, bản ghi âm đầu tiên thực hiện năm 1946, ba bản sau trong hai thập niên 1950 và 1960, tất cả đều có sự cộng tác của Hội Hợp xướng Huddersfield và Dàn nhạc Giao hưởng Liverpool. Bản ghi âm thứ hai của Beecham, thực hiện năm 1947, theo nhà phê bình Alan Blyth, "càng gần hơn với nhịp điệu và tốc độ của âm nhạc Handel". Trong một cuộc nghiên cứu năm 1991 về 76 bản ghi âm toàn bộ Trường ca Messiah đến thời điểm ấy, tác gia Teri Noel Towe gọi phiên bản của Beecham là "một trong vài thành tựu xuất sắc nhất".
Năm 1954, bản ghi âm đầu tiên dựa trên bản tổng phổ nguyên thủy của Handel do Hermann Scherchen dưới sự chỉ huy cho công ty Nixa, ngay sau đó là một phiên bản khác của Sir Adrian Boult thực hiện cho công ty Decca. Theo tiêu chuẩn thế kỷ 21, nhịp điệu của Scherchen và Boult vẫn còn chậm, cũng như các giọng đơn ca vẫn chưa đủ điêu luyện. Năm 1966 và 1967 xuất hiện hai bản ghi âm dưới quyền chỉ huy của Colin Davis cho công ty Philips và Charles Mackerras cho công ty HMV, được xem là có nhiều tiến bộ về mặt học thuật và kỹ năng thể hiện. Hai nhạc trưởng này đã khởi xướng một truyền thống mới với phong cách trình diễn sinh động với qui mô nhỏ. Trong số những bản ghi âm sau cùng theo phong cách cũ có bản tái phối âm do Beecham thực hiện cho công ty RCA trong năm 1959, một bản ghi âm do Karl Ritcher thực hiện cho công ty DG năm 1973, và bản thứ ba dựa trên bản tổng phổ năm 1902 của Prout với ca đoàn 325 người và dàn nhạc 90 nhạc cụ dưới quyền chỉ huy của Sir David Willcocks trong năm 1995.
Đến cuối thập niên 1970, những đòi hỏi về tính nguyên thủy phát sinh nhu cầu sử dụng đúng các loại nhạc cụ đã được sử dụng thời Handel cũng như tái hiện phong cách trình diễn thời ấy. Bản ghi âm đầu tiên theo cách này được thực hiện bởi hai chuyên gia âm nhạc Christopher Hogwood (1979) và John Eliot Gardiner (1982), mau chóng trở nên chuẩn mực cho những bản ghi âm khác, mặc dù một số nhạc trưởng như Sir Georg Solti (1985) và Sir Neville Marriner (1993) vẫn thích sử dụng các loại nhạc cụ hiện đại hơn. Những tờ báo như Gramophone và The Penguin Guide to Recorded Classical Music tán dương hai bản ghi âm của Trevor Pinnock (1988) và Richard Hickox (1992). Phiên bản của Hickox sử dụng 24 ca sĩ cho ban hợp xướng và dàn nhạc với 31 nhạc công; Handel đã chọn 19 ca sĩ cho ban hợp xướng và 37 nhạc công cho dàn nhạc.
Cũng có những bản ghi âm cố tái thể hiện những cuộc trình diễn ban đầu: phiên bản Dublin năm 1942 được Jean-Claude Malgoire làm lại trong năm 1980, một vài bản ghi âm theo phiên bản Bệnh viện Foundling năm 1754 được thực hiện bởi Hogwood (1979), Andrew Parrot (1989), và Paul McCreesh. Về những bản biến tấu không theo truyền thống phải kể đến bản ghi âm cuối thập niên 1950 của Leonard Bernstein.

Các ấn bản

Bản tổng phổ lần đầu tiên được phát hành năm 1767, bao gồm những biến tấu và những phần viết lại của Handel, vẫn là nền tảng cho nhiều cuộc trình diễn kể từ lúc nhà soạn nhạc còn sống. Nhiều cuộc trình diễn ngày nay với khuynh hướng trở về nguyên bản đều dựa trên ba ấn bản phát hành trong thế kỷ 20:[101]
  • Phiên bản Novello do Watkins Shaw biên tập, phát hành lần đầu năm 1959, hiệu đính và tái bản năm 1965. Việc sử dụng số hiệu lần đầu tiên được áp sụng cho phiên bản Prout năm 1902.[101]
  • Phiên bản Bärenreiter được John Tobin biên tập, phát hành năm 1965, lập nền cho việc đánh số Messiah theo danh mục của Bernd Baselt (HWV) các tác phẩm của Handel, phát hành năm 1984.[101]
  • Phiên bản Peters do Donald Burrows, phát hành năm 1972, có sử dụng cách đánh số do Kurt Soldan phát kiến.[101]
Phiên bản Frederich Chrysander và Max Seiffert biên tập cho Deutsche Händel-Gesellschaft (Berlin 1902) không phải là ấn bản cho những cuộc trình diễn, nhưng được dùng cho nghiên cứu và học thuật.[101]

Xem thêm

Chú thích và Tham khảo

Chú thích
  1. ^ Since its earliest performances the work has often been referred to, incorrectly, as "The Messiah". The article is absent from the proper title.[2]
  2. ^ The description "Sinfony" is taken from Handel's autograph score.[18]
  3. ^ Anthony Hicks gives a slightly different instrumentation: 14 violins and 6 violas.[50]
  4. ^ In 1745 Christoph Willibald Gluck had accepted an invitation to become house composer at London's King's Theatre, travelling to England in the company of Georg Christian, Fürst von Lobkowitz. Either Gluck or Lobkowitz bought or came in the possession of a first edition of Handel's Messiah. This copy was used around 1789 by Mozart for his adaptation of this oratorio (K. 572).[57]
  5. ^ Swieten provided Mozart with a London publication of Handel's original orchestration (published by Randal & Abell), as well as a German translation of the English libretto, compiled and created by Friedrich Gottlieb Klopstock and Christoph Daniel Ebeling.[63]
  6. ^ A repeat performance was given in the Esterháza court on 7 April 1789,[65] and between the year of Mozart's death (1791) and 1800, there were four known performances of Mozart's re-orchestrated Messiah in Vienna: 5 April 1795, 23 March 1799, 23 December 1799 and 24 December 1799.[66]
  7. ^ Hiller was long thought to have revised Mozart's scoring substantially before the score was printed. Ebenezer Prout pointed out that the edition was published as "F. G. [sic] Händels Oratorium Der Messias, nach W. A. Mozarts Bearbeitung" – "nach" meaning after rather than in Mozart's arrangement. Prout noted that a Mozart edition of another Handel work, Alexander's Feast published in accordance with Mozart's manuscript, was printed as "mit neuer Bearbeitung von W. A. Mozart" ("with new arrangement by W. A. Mozart)."[67] When Mozart's original manuscript subsequently came to light it was found that Hiller's changes were not extensive.[68]
  8. ^ Many of the editions before 1902, including Mozart's, derived from the earliest printed edition of the score, known as the Walsh Edition, published in 1767.[67]
Tham khảo
  1. ^ Also catalogued as HG xlv; and HHA i/17.Bản mẫu:NewGrove2001
  2. ^ Myers, Paul (Transcription of broadcast) (tháng 12 năm 1999). “Handel's Messiah”. Minnesota Public Radio. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2011.
  3. ^ “British Citizen by Act of Parliament: George Frideric Handel”. Parliament.uk. 14 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2012.
  4. ^ a ă Luckett, p. 17 (see Sources section below)
  5. ^ Steen, p. 55
  6. ^ Steen, pp. 57–58
  7. ^ a ă Burrows (1991), p. 4
  8. ^ Burrows (1991), p. 3
  9. ^ Luckett, p. 30
  10. ^ Luckett, p. 33
  11. ^ Luckett, pp. 38–41
  12. ^ Burrows (1991), pp. 6–7
  13. ^ a ă Burrows (1991), pp. 10–11
  14. ^ a ă Luckett, pp. 76–77
  15. ^ a ă Burrows (1991), pp. 55–57
  16. ^ Luckett, p. 73 (see Sources section below)
  17. ^ a ă Jonathan Kandell. “The Glorious History of Handel's Messiah”. Smithsonian.com.
  18. ^ Burrows (1991), p. 84
  19. ^ Burrows (1991), pp. 73–74
  20. ^ a ă Luckett, pp. 79–80
  21. ^ a ă Vickers, David. Messiah, A Sacred Oratorio”. GFHandel.org. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2009.
  22. ^ a ă “Mr Charles Jennens: the Compiler of Handel's Messiah”. The Musical Times and Singing Class Circular 43 (717): 726–27. 1 tháng 11 năm 1902.
  23. ^ Burrows (1991), pp. 9–10
  24. ^ Smith, Ruth. “Jennens, Charles”. Grove Music Online. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2011.(subscription)
  25. ^ a ă Luckett, p. 86
  26. ^ I Cô-rin-tô 15: 55 "Hỡi sự chết, sự đắc thắng của ngươi ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của ngươi ở đâu?"
  27. ^ Phúc âm Ma-thi-ơ 11: 28 - 30, "Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng".
  28. ^ Ma-la-chi 3: 3, "Ngài sẽ như thợ luyện kim tinh luyện bạc; Ngài sẽ thanh tẩy các con trai Lê-vi, làm cho họ tinh ròng như vàng và bạc".
  29. ^ Ê-sai 9: 5, Vì một Con Trẻ được sinh cho chúng ta, Tức là một con trai được ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ đặt trên vai Ngài".
  30. ^ Ê-sai 53: 6, "Hết thảy chúng ta đều như chiên đi lạc, Ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va làm cho tội lỗi của tất cả chúng ta đều chất trên Người".
  31. ^ Shaw, p. 13
  32. ^ Burrows (1991), pp. 61–62
  33. ^ a ă Shaw, pp. 22–23
  34. ^ Burrows (1991), p. 48
  35. ^ a ă â Shaw, pp. 24–26
  36. ^ a ă Cole, Hugo (Summer 1984). “Handel in Dublin”. Irish Arts Review (1984–87) 1 (2): 28–30.
  37. ^ Burrows (1991), p. 14
  38. ^ Luckett, pp. 117–19
  39. ^ a ă â b Burrows (1991), pp. 17–19
  40. ^ Luckett, pp. 124–25
  41. ^ Luckett, p. 126
  42. ^ a ă â Luckett, pp. 127–28
  43. ^ Shaw, pp. 31–34
  44. ^ a ă Burrows (1991), pp. 24–27
  45. ^ Burrows (1991), pp. 30–31
  46. ^ Luckett, p. 153
  47. ^ Burrows (1991), pp. 34–35
  48. ^ Shaw, pp. 42–47
  49. ^ Shaw, pp. 49–50
  50. ^ Hicks, p. 14
  51. ^ Jonathan Kandell. “The Glorious History of Handel’s Messiah”. Smithsonian Magazine.
  52. ^ a ă Shaw, pp. 51–52
  53. ^ Luckett, p. 176
  54. ^ Shaw, pp. 55–61
  55. ^ Burrows (1991), p. 49
  56. ^ Leissa, Brad, and Vickers, David. “Chronology of George Frideric Handel's Life, Compositions, and his Times: 1760 and Beyond”. GFHandel.org. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2011.
  57. ^ Lobkowicz family as patrons
  58. ^ “History: George Frederic Handel”. Westminster Abbey. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2011.
  59. ^ Sargent, Malcolm (tháng 4 năm 1955). “Messiah”. Gramophone: p. 19. (yêu cầu đăng ký)
  60. ^ “Advertisement”. The Daily Universal Register: p. 1. 30 tháng 5 năm 1787.
  61. ^ a ă Shedlock, J. S. (tháng 8 năm 1918). “Mozart, Handel, and Johann Adam Hiller”. The Musical Times 59 (906): pp. 370–71.(yêu cầu đăng ký)
  62. ^ Steinberg, p. 152
  63. ^ Holschneider, Andreas (1962). “Händel-­‐Bearbeitungen: Der Messias,Kritische Berichte”. Neue Mozart Ausgabe, Series X, Werkgruppe 28, Band 2 (Kassel: Bärenreiter): 40–42.
  64. ^ Robbins Landon, p. 338
  65. ^ Steinberg, p. 150
  66. ^ Link, Dorthea (1997). “Vienna's Private Theatrical and Musical Life,1783–92, as reported by Count Karl Zinzendork”. Journal of the Royal Musical Association 12 (2): 209.
  67. ^ a ă â Prout, Ebenezer (tháng 5 năm 1902). “Handel's 'Messiah': Preface to the New Edition, I”. The Musical Times 43 (711): pp. 311–13. (yêu cầu đăng ký)
  68. ^ Towe, Teri Noel (1996). “George Frideric Handel – Messiah – Arranged by Mozart”. Classical Net. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2011.
  69. ^ Cummings, William H. (10 tháng 5 năm 1904). “The Mutilation of a Masterpiece”. Proceedings of the Musical Association, 30th Session (1903–1904): pp. 113–27. (yêu cầu đăng ký)
  70. ^ “Musical”. The New York Times. 27 tháng 12 năm 1853.
  71. ^ “The Great Musical Festival in Boston”. The New York Times. 4 tháng 6 năm 1865.
  72. ^ “Handel Festival, Crystal Palace”. The Times: p. 6. 15 tháng 6 năm 1857.
  73. ^ Smither, Howard E. (tháng 8 năm 1985). “'Messiah' and Progress in Victorian England”. Early Music 13 (3): pp. 339–48. (yêu cầu đăng ký)
  74. ^ Beecham, pp. 6–7
  75. ^ Armstrong, Thomas (2 tháng 4 năm 1943). “Handel's 'Messiah'”. The Times: p. 5.
  76. ^ Cummings, William H. (tháng 1 năm 1903). “The 'Messiah'”. The Musical Times 44 (719): pp. 16–18. (yêu cầu đăng ký)
  77. ^ Brug, Manuel (14 tháng 4 năm 2009). “Der 'Messias' ist hier immer noch unterschätzt”. Die Welt. (German text)
  78. ^ van der Straeten, E. (tháng 7 năm 1922). “The Handel Festival at Halle”. The Musical Times 63 (953): pp. 487–89. (yêu cầu đăng ký)
  79. ^ “Messiah (Handel)”. The Gramophone: p. 21. Tháng 1 năm 1928. (yêu cầu đăng ký)
  80. ^ Dickinson, A. E. F. (tháng 3 năm 1935). “The Revival of Handel's 'Messiah'”. The Musical Times 76 (1105): pp 217–18. (yêu cầu đăng ký)
  81. ^ “The Three Choirs Festival”. The Manchester Guardian: p. 7. 7 tháng 9 năm 1935.
  82. ^ “'Messiah' in First Version – Performance at St. Paul's”. The Times: p. 9. 25 tháng 2 năm 1950. and “'The Messiah' in its Entirety – A Rare Performance”. The Times: p. 8. 20 tháng 3 năm 1950.
  83. ^ “Harold Watkins Shaw – Obituary”. The Times: p. 23. 21 tháng 10 năm 1996.
  84. ^ Dean, Winton. (tháng 2 năm 1967). “Two New 'Messiah' Editions”. The Musical Times 108 (1488): pp. 157–58. (yêu cầu đăng ký)
  85. ^ Ross, Alex (21 tháng 12 năm 1993). “The Heavy Use (Good and Bad) of Handel's Enduring Messiah”. The New York Times: p. C10.
  86. ^ Maddocks, Fiona (6 tháng 12 năm 2009). “Messiah; Falstaff From Glyndebourne”. The Observer. and Bohlen, Celestine (20 tháng 4 năm 2011). “Broadway in Paris? A Theater's Big Experiment”. The New York Times.
  87. ^ Ashley, Tim (11 tháng 12 năm 2003). “Messiah”. The Guardian.
  88. ^ “History”. The Really Big Chorus. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2010. and “Do-It-Yourself Messiah 2011”. International Music Foundation. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2011.
  89. ^ a ă Châu Thanh. “George Frideric Handel và Trường ca Messiah”. Thư viện Tin Lành.
  90. ^ societymusictheory.org see note (16) "The fame of these chimes is such that its origins are well documented. The composer William Crotch (1775-1847), while a student at Cambridge in 1794, was asked to write a chime tune for a new clock at the university. He took the fifth and sixth measures of Handel's "I know that my Redeemer liveth" from Messiah as his inspiration, and--considering them somewhat as a designer of a change-ringing method--produced four sets of permutations on the four bells {G,C,D,E}".
  91. ^ People Buried or Commemorated - George Frederic Handel
  92. ^ Jonathan Kandell. “The Glorious History of Handel’s Messiah”. Smithsonian Magazine.
  93. ^ Phúc âm Giăng 1: 29
  94. ^ "Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!" – Khải Huyền 5:12
  95. ^ a ă Luckett, p. 175
  96. ^ a ă Burrows (1991), pp. 28–29
  97. ^ a ă Snow, A.C. (23 tháng 12 năm 2012). “Perched on the cusp of the Christmas cliff”. News & Observer.
  98. ^ Isaiah 40: 4
  99. ^ Handel's 'Messiah' is a triumphant example of 'word painting' 19 tháng 12, 2006
  100. ^ Klein, Herman (tháng 8 năm 1926). “Messiah”. The Gramophone: p. 39. (yêu cầu đăng ký)
  101. ^ a ă â b c Burrows (1991). tr. ix and 86 – 100. |tựa đề= trống hay bị thiếu (trợ giúp)

Nguồn dẫn

Liên kết ngoài




Tạm ước Việt - Pháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng tại Paris, 1946
Tạm ước Việt - Pháp là một ký kết tạm thời (thuật ngữ ngoại giao viết theo tiếng Latinh: modus vivendi) được ký ngày 14 tháng 9 năm 1946 giữa đại diện Cộng hòa PhápMarius Moutet và đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòaHồ Chí Minh. Tạm ước này có thể coi là thành quả mà hai bên Pháp và Việt Nam đạt được tại Hội nghị Fontainebleau tuy hội nghị chính không mang lại thỏa thuận.

Bối cảnh và diễn tiến

Từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 11 tháng 5 năm 1946 tại Đà Lạt, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức một hội nghị trù bị, gặp gỡ giữa 2 phái đoàn Việt và Pháp chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau chính thức khai mạc vào tháng 7 năm 1946.
Ngày 31 tháng 5 năm 1946, phái đoàn chính phủ do Phạm Văn Đồng dẫn đầu khởi hành sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên đường sang Pháp tiếp xúc với chính giới Pháp và cộng đồng người Việt tại Pháp.
Hội nghị Fontainebleau sau đó diễn ra kéo dài hơn hai tháng, từ 6 tháng 7 tới 10 tháng 9 năm 1946 nhưng không đem lại kết quả cụ thể nào vì hai bên đã bế tắc ở hai điểm bất đồng then chốt:[1]
  • Việc thống nhất ba kỳ: Bắc, Trung, Nam
  • Trao trả độc lập cho nước Việt Nam.
Hội nghị Fontainebleau vì vậy tan vỡ. Tuy nhiên Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Marius Moutet không chấp nhận thất bại. Trong khi Phạm Văn Đồng bỏ về nước, Hồ Chí Minh, Hoàng Minh GiámDương Bạch Mai nán lại Paris. Hồ Chí Minh đã khẩn khoản nói với Marius Moutet đừng để ông về nước tay không. Hồ Chí Minh thảo một bản nghị ước vào chiều ngày 11 và trao cho Marius Moutet. Ba ngày sau, Marius Moutet hồi đáp với một bản nghị ước khác. Đạt được đồng thuận, Hồ Chí Minh đã đến tư dinh của Marius Moutet để ký văn bản này, tức Tạm ước Việt - Pháp.[1]
Sau khi tạm ước được ký kết, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập "Ủy ban nghiên cứu và điều khiển thi hành tạm ước Việt-Pháp 14-9-46" gồm 15 thành viên: Phan Anh, Phạm Văn Bách, Trịnh Văn Bình, Cù Huy Cận, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hoè, Vũ Đình Hoè, Vũ Văn Hiên, Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Văn Tào, Nguyên Văn Tày, Bùi Công Trừng, Trần Công Tường.[2]
Trong những tuần cuối trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 30 tháng 10 năm 1946, Việt Minh bắt đầu tổ chức tấn công quân sự vào Mỹ Tho, tây nam Sài Gòn. Đến cuối tháng 10, Việt Minh trên thực tế đã nắm giữ 3/4 Nam Kỳ,[3] tạm ước bị phá vỡ.

Nội dung

Bản tạm ước gồm 11 khoản, tóm tắt lại thì nội dung 11 khoản này là:[4][5]
  • Khoản 1: Những kiều dân Việt ở Pháp và những kiều dân Pháp ở Việt Nam đều được hưởng quyền tự do cư trú như người bản xứ và tất cả các quyền tự do dân chủ.
  • Khoản 2: Những tài sản và xí nghiệp của người Pháp ở Việt Nam, cũng như của kiều dân Việt Nam tại các xứ thuộc Liên hiệp Pháp sẽ được hưởng sự ngang hàng về chế độ như dành cho tài sản và xí nghiệp của người bản xứ, nhất là về thuế khoá và luật lao động. Chế độ này hiện có ở Việt Nam chỉ có thể thay đổi do sự thoả thuận chung giữa Pháp và Việt Nam. Tất cả những tài sản mà hai bên trưng dụng hoặc tước của nhau sẽ trả lại cho người có quyền hưởng thụ, với cách thức hoàn lại sẽ do một Uỷ ban Việt - Pháp định ra.
  • Khoản 3: Cho phép trường học Pháp các cấp được tự do mở trên đất Việt Nam và sẽ mở rộng cho cả học sinh Việt Nam. Những trụ sở nào dành cho những trường học ấy sẽ được thoả hiệp riêng. Kiều dân hai bên sẽ được hưởng quyền tự do nghiên cứu khoa học và mở những viện khoa học trên đất của nhau. Khôi phục tình trạng của Viện Pasteur và Trường Viễn Đông bác cổ.
  • Khoản 4: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ ưu tiên dùng người Pháp làm cố vấn hoặc chuyên môn, đặc quyền này chỉ hết hiệu lực khi nước Pháp không cung cấp được nhân viên mà Việt Nam cần.
  • Khoản 5: Đồng bạc Đông Dương sẽ là thứ tiền duy nhất tiêu dùng trong toàn cõi Đông Dương sau khi giải quyết vấn đề điều hoà tiền tệ hiện thời, và do Ngân hàng Đông Dương phát hành trước khi thành lập một viện phát hành tiền tệ. Một uỷ ban gồm đại biểu của tất cả các nước hộ viên của Liên bang Đông Dương sẽ nghiên cứu chế độ pháp lý của viện phát hành ấy, và có nhiệm vụ dung hợp tiền tệ và hối đoái đồng bạc Đông Dương thuộc về khối đồng Franc.
  • Khoản 6: Việt Nam cùng với các nước Liên bang Đông Dương họp thành một quan thuế đồng minh, trên khắp Đông Dương sẽ không có hàng rào quan thuế nội địa và thuế xuất nhập cảng sẽ đánh đều nhau. Một uỷ ban dung hợp quan thuế và ngoại thương (có thể là uỷ ban dung hợp tiền tệ, và hối đoái nói trên) sẽ nghiên cứu những phương sách thi hành cần thiết và sắp đặt việc tổ chức quan thuế Đông Dương.
  • Khoản 7: Một uỷ ban Việt - Pháp để điều hoà giao thông sẽ nghiên cứu những phương sách tái lập và cải thiện tất cả các đường giao thông liên lạc giữa Việt Nam với các nước Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp.
  • Khoản 8: Trong khi chờ đợi hai bên ký kết một hiệp định dứt khoát giải quyết vấn đề ngoại giao của Việt Nam với ngoại quốc, một uỷ ban chung Việt - Pháp sẽ ấn định việc đặt lãnh sự Việt Nam tại các nước lân bang và sự giao thiệp giữa Việt Nam với các lãnh sự ngoại quốc.
  • Khoản 9: Chính phủ hai bên cùng ấn định những phương sách: a) Đình chỉ mọi hành động xung đột và vũ lực; b) Bộ tham mưu hai bên sẽ ký những hiệp định định rõ điều kiện thi hành và kiểm soát những phương sách này; c) Định rõ và phóng thích tù nhân chính trị đang bị giam giữ, trừ những trường hợp "thường tội" đại hình và tiểu hình; cũng như tù nhân bị bắt trong các cuộc hành binh. Hai bên bảo đảm không truy tố và sẽ không tha thứ một hành động vũ lực nào đối với những người trung thành với quốc gia hai bên; d) Hai bên bảo đảm cho nhau những quyền tự do dân chủ đã định trong khoản thứ nhất; đ) Hai bên đình chỉ việc tuyên truyền không thân thiện về nhau; e) Chính phủ hai bên hợp tác để những kiều dân các nước trước kia là thù địch không thể làm hại được nữa; g) Một nhân vật do Chính phủ Việt Nam chỉ định và được Chính phủ Pháp công nhận, sẽ được uỷ nhiệm bên vị thượng sứ để xếp đặt sự cộng tác cần thiết cho việc thi hành những điều thoả thuận này.
  • Khoản 10: Chính phủ hai bên cùng tìm cách ký kết những bản thoả thuận riêng về bất cứ vấn đề nào có thể thắt chặt liên lạc và dọn đường cho một hiệp ước chung dứt khoát. Theo đó, các cuộc đàm phán sẽ sớm tiếp tục, chậm nhất là vào tháng 1 năm 1947.
  • Khoản 11: Bản thoả hiệp này ký làm hai bản. Tất cả các khoản sẽ bắt đầu thi hành từ 30 tháng 10 năm 1946.

Hệ quả

Tạm ước Việt - Pháp về mặt quân sự giữ nguyên tình trạng chiếm đóng của các phe tham chiến. Tuy nhiên có điều đáng kể là người Pháp tái lập ưu thế kinh tế của họ ở Đông Pháp qua hai điểm:[6]
a) Các công ty của Pháp được quyền hoạt động trở lại ở Đông Dương sẽ "không phải chịu một chế độ khe khắt hơn chế độ dành cho tài sản và xí nghiệp của người Việt Nam" (Khoản 2 trong tạm ước),
b) Thuế quan, nguồn lợi tức đáng kể nhất trong ngân sách Liên bang Đông Dương, sẽ do người Pháp tiếp tục đảm nhiệm
Những điểm về chính trị chỉ xác nhận những gì đã thỏa thuận trong Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946 ký 6 tháng trước.

Chú thích

  1. ^ a ă Tønnesson, Stein. Vietnam 1946: How the War Began. Berkeley, CA: California University Press, 2010. tr 83-85
  2. ^ “Quyết định số 196, ngày 10 tháng 10 năm 1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (Thông cáo báo chí). Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2013.
  3. ^ Stein Tonnesson. Vietnam 1946: How the War Began. doi:10.1525/california/9780520256026.001.0001. ISBN 9780520256026. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2013.
  4. ^ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng. Văn kiện Đảng (1945-1954). NXB Sự thật. Hà Nội. 1978, trang 256-260
  5. ^ Hồ Chí Minh. Toàn tập - Tập 4. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2000. trang 328-330
  6. ^ Duncanson, Dennis. Government and Revolution in Vietnam. New York: Oxford University Press, 1968. tr 165

Xem thêm

Liên kết ngoài

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa
Cờ the OPEC

Vị trí của the OPEC
Trụ sở Viên, Áo
Ngôn ngữ chính thức Tiếng Anh[1]
Kiểu Khối thương mại
Thành viên
Người đứng đầu
 •  Chủ tịch Bijan Namdar Zanganeh
 •  Tổng thư ký Abdallah el-Badri
Thành lập Baghdad, Iraq
 •  Điều lệ 10–14 tháng 9 năm 1960 
 •  Trên thực tế tháng 1 năm 1961 
Diện tích
 •  Tổng số 11,854,977 km²
4,577,232 mi² 
Dân số
 •  Ước lượng  372.368.429 
 •  Mật độ 31.16 /km² 
Đơn vị tiền tệ Tham chiếu USD /thùng
Trang web
www.opec.org
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa, trong tiếng Anh viết tắt là OPEC (viết tắt của Organization of Petroleum Exporting Countries). Mục tiêu của tổ chức này là đảm bảo thu nhập ổn định cho các quốc gia thành viên và đảm bảo nguồn cung dầu mỏ cho các khách hàng.[2]
OPEC là một tổ chức đa chính phủ được thành lập bởi các nước Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập SaudiVenezuela trong hội nghị tại Bagdad (từ 10 tháng 9 đến 14 tháng 9 năm 1960). Các thành viên Qatar (1961), Indonesia (1962), Libya (1962), Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (1967), Algérie (1969) và Nigeria (1971) lần lượt gia nhập tổ chức sau đó. Ecuador (19731992) và Gabon (19751994) cũng từng là thành viên của OPEC. Trong năm năm đầu tiên trụ sở của OPEC đặt ở Genève, Thụy Sĩ, sau đấy chuyển về Viên, Áo từ tháng 9 1965.[3]
Các nước thành viên OPEC khai thác vào khoảng 40% tổng sản lượng dầu lửa thế giới và nắm giữ khoảng ¾ trữ lượng dầu thế giới.

Lịch sử

Xuất khẩu - nhập khẩu theo quốc gia, thùng/ngày
Vào ngày 10–14 tháng 9, 1960, theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Venezuelan Juan Pablo Pérez Alfonso và bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Ả Rập Saudi Abdullah al-Tariki, các chính phủ Iraq, Iran, Kuwait, Ả Rập Saudi và Venezuela nhóm họp tại Baghdad để thảo luận các phương án nhằm tăng giá dầu thô sản xuất ở các quốc gia này[4][5]
OPEC được thành lập nhằm thống nhất và phối hợp các chính sách về dầu mỏ của các quốc gia thành viên. Giữa năm 1960 và 1975, tổ chức này đã mở rộng bao gồm các thành viên mới như Qatar (1961), Indonesia (1962), Libya (1962), và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (1967), Algérie (1969), và Nigeria (1971). EcuadorGabon trước đây từng là thành viên của OPEC, nhưng Ecuador đã rút lui ngày 31 tháng 12, 1992[6] do họ không sẵn sàng hay không thể chi trả 2 triệu đô la tiền phí thành viên và cảm giác rằng họ cần sản xuất nhiều dầu hơn chỉ tiêu mà OPEC cho phép,[7] dù vậy họ gia nhập trở lại vào tháng 10 năm 2007. Các mối quan tâm tương tự cũng đã thúc đẩy Gabon ngừng làm thành viên vào tháng 1 năm 1995.[8] Angola gia nhập đầu năm 2007. Na Uy và Nga tham dự các hội nghị của OPEC với tư cách là quan sát viên. OPEC không phải không thích mở rộng nữa, Mohammed Barkindo, tổng thư ký OPEC gần đây đã đề nghị Sudan gia nhập.[9] Iraq vẫn là thành viên của OPEC, nhưng sản lượng của Iraq không nằm trong bất kỳ chỉ tiêu thỏa thuận nào của OPEC kể từ tháng 3 năm 1998.
Tháng 5 năm 2008, Indonesia tuyên bố rời khỏi OPEC khi hết hạn thành viên và vào cuối năm đó, nước này trở thành quốc gia nhập khẩu dầu và không thể đạt được chỉ tiêu sản xuất dầu của họ.[10] Một bản tuyên bố do OPEC đưa ra ngày 10 tháng 9 năm 2008 đã xác nhận Indonesia rút khỏi tổ chức này, trong đó có đoạn "thật tiếc là chúng tôi phải chấp nhận mong muốn của Indonesia để dừng tư cách thành viên trong Tổ chức [OPEC] và hy vọng rằng Quốc gia này sẽ sẵn sàng gia nhập trở lại trong một tương lai không xa." [11] Indonesia vẫn xuất khẩu dầu ngọt nhẹ và nhập khẩu dầu chua hơn (chức nhiều lưu huỳnh), nặng hơn để tận dụng chênh lệch giá (nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu).

Tổ chức

Văn phòng chính của OPEC tại Viên, Áo
OPEC có khả năng điều chỉnh hạn ngạch khai thác dầu lửa của các nước thành viên và qua đó có khả năng khống chế giá dầu. Hội nghị các bộ trưởng phụ trách năng lượng và dầu mỏ thuộc tổ chức OPEC được tổ chức mỗi năm hai lần nhằm đánh giá thị trường dầu mỏ và đề ra các biện pháp phù hợp để bảo đảm việc cung cấp dầu. Bộ trưởng các nước thành viên thay nhau theo nguyên tắc xoay vòng làm chủ tịch của tổ chức hai năm một nhiệm kỳ.

Thành viên

Hiện nay tổ chức này có 12 nước thành viên được liệt kê dưới đây với ngày tháng gia nhập.
Châu Phi
Các nước thành viên OPEC
   Thành viên hiện tại
   Cựu thành viên
Trung Đông
Nam Mỹ
Cựu thành viên
  • Gabon (Thành viên chính thức từ 1975 đến 1995)
  • Indonesia (tháng 12 năm 1962 đến 2008)
Thành viên tương lai

Mục tiêu

Mục tiêu chính thức được ghi vào hiệp định thành lập của OPEC là ổn định thị trường dầu thô, bao gồm các chính sách khai thác dầu, ổn định giá dầu thế giới và ủng hộ về mặt chính trị cho các thành viên khi bị các biện pháp cưỡng chế vì các quyết định của OPEC. Nhưng thật ra nhiều biện pháp được đề ra lại có động cơ bắt nguồn từ quyền lợi quốc gia, thí dụ như trong các cơn khủng hoảng dầu, OPEC chẳng những đã không tìm cách hạ giá dầu mà lại duy trì chính sách cao giá trong thời gian dài.
Mục tiêu của OPEC thật ra là một chính sách dầu chung nhằm để giữ giá. OPEC dựa vào việc phân bổ hạn ngạch cho các thành viên để điều chỉnh lượng khai thác dầu, tạo ra khan hiếm hoặc dư dầu giả tạo nhằm thông qua đó có thể tăng, giảm hoặc giữ giá dầu ổn định. Có thể coi OPEC như là một liên minh độc quyền (cartel) luôn tìm cách giữ giá dầu ở mức có lợi nhất cho các thành viên.

Các biện pháp của OPEC theo thứ tự thời gian

  • 14 tháng 9 năm 1960: thành lập tổ chức theo đề xuất của Venezuela tại Baghdad.
  • 1965: Dời trụ sở về Wien. Các thành viên thống nhất một chính sách khai thác chung để bảo vệ giá.
  • 1970: Nâng giá dầu lên 30%, nâng thuế tối thiểu áp dụng cho các công ty khai thác dầu lên 55% của lợi nhuận.
  • 1971: Nâng giá dầu sau khi thương lượng với các tập đoàn khai thác. Tiến tới đạt tỷ lệ quốc gia hóa 50% các tập đoàn.
  • 1973: Tăng giá dầu tăng từ 2,89 USD một thùng lên 11,65 USD. Thời gian này được gọi là cuộc khủng hoảng dầu lần thứ nhất, OPEC khai thác 55% lượng dầu của thế giới.
  • 1974 đến 1978: tăng giá dầu 5-10% hầu như mỗi nửa năm một lần để chống lại việc USD bị lạm phát.
  • 1979: Khủng hoảng dầu lần thứ hai. Sau cuộc cách mạng Hồi giáo giá dầu từ 15,5 USD một thùng được nâng lên 24 USD. Libya, Algérie và Iraq thậm chí đòi đến 30 USD cho một thùng.
  • 1980: Đỉnh điểm chính sách cao giá của OPEC. Lybia đòi 41 USD, Ả Rập Saudi 32 USD và các nước thành viên còn lại 36 USD cho một thùng dầu.
  • 1981: Lượng tiêu thụ dầu giảm do các nước công nghiệp lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng dầu lần thứ nhất, do giá dầu cao, nhiều nước trên thế giới đầu tư vào các nguồn năng lượng khác. Lượng tiêu thụ dầu thế giới giảm 11% trong thời gian từ 1979 đến 1983, thị phần dầu của OPEC trên thị trường thế giới giảm xuống còn 40%.
  • 1982: Quyết định giảm lượng sản xuất tuy được thông qua nhưng lại không được các thành viên giữ đúng. Thị phần của OPEC giảm xuống còn 33% và vào năm 1985 còn 30% trên tổng số lượng khai thác dầu trên thế giới. Lượng khai thác dầu giảm xuống đến mức thấp kỷ lục là 17,34 triệu thùng một ngày.
  • 1983: Giảm giá dầu từ 34 USD xuống 29 USD một thùng. Giảm hạn ngạch khai thác từ 18,5 triệu xuống 16 triệu thùng một ngày.
  • 1986: Giá dầu rơi xuống đến dưới 10 USD một thùng do sản xuất thừa và do một số nước trong OPEC giảm giá dầu.
  • 1990: Giá dầu được nâng lên trong tầm từ 18 đến 21 USD một thùng. Nhờ vào chiến tranh vùng Vịnh giá dầu đạt đến mức đề ra.
  • 2000: Giá dầu đã dao động mạnh, vượt qua cả hai mức thấp và cao nhất trong lịch sử. Nếu trong quý I, chỉ với 9 USD người ta cũng có thể mua được một thùng dầu thì trong quý IV giá đã vượt trên 37 USD một thùng. Các thành viên của OPEC đồng ý giữ giá dầu ở mức 22-28 USD/thùng.
  • 2005: OPEC quyết định giữ nguyên lượng khai thác 27 triệu thùng. Các thành viên đã nhất trí "tạm ngưng" không giữ giá dầu ở mức 22-28 USD/thùng.

Chú thích

  1. ^ “OPEC Statute” (PDF). Organization of the Petroleum Exporting Countries. 2008. tr. 8. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2011. “English shall be the official language of the Organization.”
  2. ^ “Our Mission”. OPEC. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2013.
  3. ^ “Brief History”. OPEC. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2013.
  4. ^ Citino 2002, tr. 4: "Together with Arab and non-Arab producers, Saudi Arabia formed the Organization of Petroleum Export Countries (OPEC) to secure the best price available from the major oil corporations."
  5. ^ Painter 2012, tr. 32: "In September 1960, after the major oil companies had twice unilaterally reduced the prices that were used to calculate how much revenue producing countries received, the oil ministers of Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, and Venezuela formed the Organization of the Petroleum Exporting Countries […] eventually gain[ing] power over pricing in the 1970s".
  6. ^ OPEC, by Benjamin Zycher: The Concise Encyclopedia of Economics: Library of Economics and Liberty[[]][liên kết hỏng]
  7. ^ “Ecuador Set to Leave OPEC”. The New York Times. 18 tháng 9 năm 1992. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2010.
  8. ^ “Gabon Plans To Quit OPEC – NYTimes.com”. New York Times. 9 tháng 1 năm 1995. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2010.
  9. ^ Angola, Sudan to ask for OPEC membership Houston Chronicle
  10. ^ Indonesia to withdraw from Opec
  11. ^ [1][[]][liên kết hỏng]
  12. ^ http://news.xinhuanet.com/english/2007-10/24/content_6931568.htm
  13. ^ http://www.kommersant.com/p726525/

Liên kết ngoài


No comments:

Post a Comment