Thất Tịch
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
|
Bài viết hoặc đoạn này cần thêm chú thích nguồn gốc để có thể kiểm chứng thông tin. Những nội dung không có nguồn có thể bị đặt vấn đề và xóa bỏ. Mời bạn bổ sung chú thích từ các nguồn đáng tin cậy để giúp cải thiện bài viết. |
- Khất xảo tiết (乞巧節; qǐ qiǎo jié - Lễ hội thể hiện tài năng)
- Thất thư đản (七姐誕; qī jiě dàn - Sinh nhật cô em thứ bảy)
- Xảo tịch (巧夕; qiǎo xì - Đêm kỹ năng).
Lễ hội ở Nhật Bản
Lễ hội được cho là du nhập vào Nhật trong thế kỷ thứ 8 và phổ biến rộng từ thời kỳ Edo.Ở Nhật Bản, đặc biệt tại thành phố Sendai và Hiratsuka và vùng Tōhoku, lễ hội này còn được gọi là "Tanabata" và được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 7 dương lịch hàng năm với nhiều hình ảnh trang hoàng được làm từ giấy, vào đêm trước, thường có bắn pháo bông tại công viên Nishi-kōen. Sau đó lễ hội tiếp tục được mở rộng ra tại nhiều vùng cho đến giữa tháng 8.
Theo phong tục, người dân xếp hình giấy theo 7 hình thông dụng, như cánh hạc (折り鶴; Orizuru), Kimono bằng giấy (紙衣; Kamigoromo), túi xách (巾着; Kinchaku), lưới (投網; Toami), bao (くずかご; Kuzukago),... để trang trí hoặc để tặng nhau để chúc may mắn, tốt lành.
-
tại Tokyo 2010
-
[tại Hiratsuka 2011
-
tại Hiratsuka 2009
-
Edo Tanabata tại Fukagawa
-
Ngàn cánh hạc theo phong cách Origami để chúc may mắn
Ngày lễ Thất Tịch theo dương lịch
Trong những năm gần đây:- 6 tháng 8 năm 2011
- 23 tháng 8 năm 2012
- 13 tháng 8 năm 2013
- 2 tháng 8 năm 2014
- 20 tháng 8 năm 2015
- 9 tháng 8 năm 2016
- 28 tháng 8 năm 2017
- 17 tháng 8 năm 2018
- 7 tháng 8 năm 2019
- 25 tháng 8 năm 2020
Chú thích
Xem thêm
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Tanabata tại Nhật |
Hàm Nghi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hàm Nghi 咸宜 |
||
---|---|---|
Hoàng đế Việt Nam (chi tiết...) | ||
Chân dung thông dụng của Hoàng đế Hàm Nghi. |
||
Hoàng đế nhà Nguyễn | ||
Trị vì | 2 tháng 8 năm 1884 – 1885 | |
Tiền nhiệm | Nguyễn Giản Tông | |
Kế nhiệm | Nguyễn Cảnh Tông | |
Thông tin chung | ||
Thê thiếp | Marcelle Loe | |
Hậu duệ |
|
|
Tên húy | Nguyễn Phúc Ưng Lịch (阮福膺𧰡) Nguyễn Phúc Minh (阮福明) |
|
Niên hiệu | Hàm Nghi: 1884 - 1885 | |
Triều đại | Nhà Nguyễn | |
Hoàng gia ca | Đăng đàn cung | |
Thân phụ | Nguyễn Phúc Hồng Cai | |
Thân mẫu | Phan Thị Nhàn | |
Sinh | 3 tháng 8 năm 1871 Huế, Việt Nam |
|
Mất | 4 tháng 1, 1943 (71 tuổi) Alger, Algérie |
|
An táng | Aquitaine, Pháp |
Là em trai của vua Kiến Phúc, năm 1884 Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp.
Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie). Ông qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày.
Mục lục
Xuất thân
Vua Hàm Nghi tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch (阮福膺𧰡), còn có tên là Nguyễn Phúc Minh (阮福明). Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi, tức 3 tháng 8 năm 1871(có tài liệu ghi ông sinh ngày 22 tháng 7 năm 1872) tại Huế. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc Ưng Đăng và Chánh Mông (hay Ưng Kỷ), tức là vua Đồng Khánh sau này.Sau khi vua Tự Đức qua đời vào tháng 7 năm 1883, mặc dù các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nắm trọn quyền hành trong việc phế bỏ vua này, truất ngôi vua khác, nhưng họ lại rất bị động trong việc tìm người trong Hoàng gia có cùng chí hướng để đưa lên ngôi. Trước thời Hàm Nghi, cả ba vua Dục Đức, Hiệp Hoà và Kiến Phúc đều lần lượt đi ngược lại đường lối của phái chủ chiến hoặc bị mất sớm, trở thành những phần tử không thể không bị loại bỏ khỏi việc triều chính đang rối ren[2]. Vua Kiến Phúc đột ngột qua đời trong lúc tình hình đang có lợi cho phái chủ chiến trong triều đình Huế.[3] Sau khi nhà vua mất, đáng lẽ con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ lên ngôi, nhưng Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sợ lập một vị vua lớn tuổi sẽ mất quyền hành và hai ông chủ trương dứt khoát lựa chọn bằng được một vị vua ủng hộ lập trường chống Pháp nên đã chọn Ưng Lịch. Đây là một người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc và quan trọng hơn hết là hai ông có thể định hướng nhà vua về đại cuộc của đất nước một cách dễ dàng.
Ưng Lịch từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ ruột chứ không được nuôi dạy tử tế như hai người anh ruột ở trong cung. Khi thấy sứ giả đến đón, cậu bé Ưng Lịch hoảng sợ và không dám nhận áo mũ người ta dâng lên. Sáng ngày 12 tháng 6 Giáp Thân, tức ngày 2 tháng 8 năm 1884, Ưng Lịch được dìu đi giữa hai hàng thị vệ, tiến vào điện Thái Hòa để làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Khi đó Ưng Lịch mới 13 tuổi. Người ta nói rằng Hàm Nghi được lên nối ngôi theo di chúc của vua Kiến Phúc trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế, Hàm Nghi được phái chủ chiến lập lên ngôi. Nhân vật cầm đầu phái chủ chiến là Tôn Thất Thuyết - Phụ chính đại thần đồng thời là Thương thư bộ Binh.[3]
Thời gian tại kinh thành Huế
Khâm sứ Pierre Paul Rheinart thấy Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tự tiện lập vua, không hỏi ý kiến đúng như đã giao kết nên gửi quân vào Huế bắt Triều đình phải xin phép. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phải làm tờ xin phép bằng chữ Nôm nhưng viên Khâm sứ không chịu, bắt làm bằng chữ Nho. Hai ông phải viết lại, viên Khâm sứ mới chịu và sau đó đi cửa chính vào điện làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi. Công việc đầu tiên mà vua Hàm Nghi phải thủ vai, dưới sự hướng dẫn của Tôn Thất Thuyết là tổ chức đón phái đoàn Pháp từ Tòa khâm sứ ở bờ Nam sông Hương sang điện Thái Hoà làm lễ tôn vương cho nhà vua. Đây là thắng lợi mà phe chủ chiến của triều đình Huế đã đạt được trong việc bảo vệ ngai vàng của Hàm Nghi; còn đối với người Pháp thì sau những yêu sách, đòi hỏi bất thành, họ đành phải nhân nhượng để tránh thêm những rắc rối mới bằng cách chấp nhận một sự việc đã rồi.Lúc 9 giờ sáng ngày 17 tháng 8 năm 1884, phái đoàn Pháp gồm Đại tá Guerrier, Khâm sứ Rheinart, Thuyền trưởng Wallarrmé cùng 185 sĩ quan binh lính kéo sang Hoàng thành Huế. Guerrier buộc triều đình Huế phải để toàn bộ quân Pháp tiến vào Ngọ Môn bằng lối giữa, là lối chỉ dành cho vua đi, nhưng Tôn Thất Thuyết nhất định cự tuyệt. Cuối cùng chỉ có 3 sứ giả được vào cổng chính, còn lại các thành phần khác thì đi cổng hai bên. Cả triều đình Huế và phái đoàn Pháp đều mang tâm trạng không vừa lòng nhau, nhưng buổi lễ thọ phong cuối cùng cũng kết thúc êm thấm. Lúc phái đoàn Pháp cáo từ, Tôn Thất thuyết đã ngầm cho quân lính đóng cửa chính ở Ngọ Môn lại nên đoàn Pháp phải theo hai lối cửa bên để về. Nhìn nhận về sự kiện này, Marcel Gaultier đã viết:
“ |
"Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân
mình. Vô tình vị vua trẻ tuổi đã làm một việc có ảnh hưởng vang dội khắp
nước: với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quan tại
Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn. Thái độ ấy
do Hội đồng Phụ chính đề ra. Hội đồng ấy rất có lý mà tin chắc rằng dân
chúng trông vào thái độ của nhà vua để noi theo, xem thái độ ấy như mệnh
lệnh [chống lại người Pháp] không nói ra bằng lời..."[4] |
” |
Phong trào Cần Vương
- "Ta có đánh nhau với ai mô mà phải chạy". [5]
Hàm Nghi ở Tân Sở rồi về vùng Tuyên Hóa, Quảng Bình. Vua Hàm Nghi đã phải chịu nhiều khổ ải vì phải luồn lách giữa núi rừng hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, giữa muôn vàn thiếu thốn, bệnh tật, đói khát và sự hiểm nguy về tính mạng luôn đe dọa[2]. Tại Tân Sở, vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập. Sự ủng hộ, che chở giúp đỡ và tham gia nhiệt tình của đồng bào các địa phương từ Quảng Trị qua tới đất Lào cũng như trong vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình đã cho Hàm Nghi thấy được vai trò của bản thân mình nên nhà vua đã không còn cảm thấy bị cưỡng ép như trước. "Nhà vua bị những gian lao mà luyện thành người nhẫn nại và đón cuộc phong trần bằng thái độ rất thản nhiên"[6]. Dân chúng nổi dậy rất đông, nhưng vì rải rác các nơi nên lực lượng không mạnh. Nhà vua đã hai lần xuống dụ Cần vương trong đó có một lần gửi thư cầu viện cho Tổng đốc Vân-Quý của triều Mãn Thanh và rất nhiều chỉ dụ khác tới các quan lại, lãnh tụ của phong trào chống Pháp. Tên của ông ta đã trở thành ngọn cờ của nền độc lập quốc gia... Từ Bắc chí Nam, đâu đâu dân chúng cũng nổi lên theo lời gọi của ông vua xuất hạnh[7].
Trong suốt thời gian kháng chiến của vua Hàm Nghi, vua anh Đồng Khánh và 3 bà Thái hậu liên tục gửi thư kêu gọi vua trở về nhưng ông khẳng khái từ chối. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Paul Bert cũng đã định lập Hàm Nghi làm vua 4 tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh Bình nhưng cũng không thành. Nhà vua thường nói mình ưa chết trong rừng hơn là trở về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa của người[6]. Tại căn cứ địa lãnh đạo phong trào Cần Vương, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết cử con là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp hộ giá bảo vệ, cùng đề đốc Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân chia nhau phòng thủ và tấn công lực lượng Pháp trong vùng.
Tháng 9 năm 1888, suất đội Nguyễn Đình Tình phản bội ra đầu thú với Pháp tại đồn Đồng Cá. Nguyễn Đình Tình lại dụ được Trương Quang Ngọc về đầu thú. Sau đó Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc tình nguyện với Pháp đem quân đi vây bắt vua Hàm Nghi. Đêm khuya 26 tháng 9 1888[8], vua Hàm Nghi bị bắt khi đang ngủ, Tôn Thất Thiệp bị đâm chết. Khi đó, ông mới 17 tuổi, chống Pháp được ba năm. Nhà vua đã chỉ thẳng vào mặt Trương Quang Ngọc mà nói rằng:
- "Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây".
Lúc này, triều đình Huế đã biết tin Hàm Nghi bị bắt, vua Đồng Khánh sai quan lại Thừa Thiên và bộ binh ra đón để đưa về Huế. Nhưng người Pháp sợ dân tình sẽ bị kích động khi thấy mặt vị vua kháng chiến nên Pháp đã báo cho Viện Cơ mật rằng vua Hàm Nghi lúc này tính tình khác thường, về kinh e có điều bất tiện, cần phải đưa đi tĩnh dưỡng nơi khác một thời gian. Kỳ thực người Pháp đã có quyết định dứt khoát với vị vua kháng chiến này là đày sang xứ Algérie ở Bắc Phi. Rheinart đã báo cho ông biết là Thái hậu đang ốm nặng, nếu nhà vua muốn thăm hỏi thì sẽ cho rước về gặp mặt. Nghe vậy, vua Hàm Nghi đáp: "Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ gì đến cha mẹ, anh em nữa", rồi ông cáo từ về phòng riêng.
Sau khi bị truất, cựu hoàng được chính thức gọi là Quận công Ưng Lịch.[9]
Lưu vong
Vào 4 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu đi vào Lăng Cô. Trước phút rời xa quê hương, nhà vua nhìn lên bờ, không nén được cảm xúc vì nỗi niềm riêng và vận nước nên đã oà khóc.[10]. Từ Sài Gòn, ngày 13 tháng 12 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống chiếc tàu mang tên "Biên Hoà" vượt đại dương đi Bắc Phi. Do không quen đi trên biển, nhà vua bị say sóng liên miên nhưng vẫn không hề thốt ra một lời kêu ca, oán thán. Chiều chủ nhật, 13 tháng 1 năm 1889[11], cựu hoàng Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algérie. Lúc này nhà vua vừa bước qua tuổi 18. Mười ngày đầu, cựu hoàng Hàm Nghi tạm trú tại L'hôtel de la Régence (Tòa nhiếp chính). Sau đó, ông được chuyển về ở Villa des Pins (Biết thự Rừng thông) thuộc làng El Biar, cách Alger 5 cây số.Ngày 24 tháng 1, Toàn quyền Tirman của Algérie tiếp kiến và mời Hàm Nghi ăn cơm gia đình. Ít ngày sau, qua Toàn quyền Tirman, cựu hoàng nhận được tin mẹ là bà Phan Thị Nhàn (vợ thứ của Kiên Thái Vương, hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị) đã mất vào ngày 21 tháng 1 năm 1889 tại Huế.
Trong mười tháng tiếp đó, cựu hoàng Hàm Nghi nhất định không chịu học tiếng Pháp vì ông cho đó là thứ tiếng của dân tộc xâm lược nước mình và vẫn dùng khăn lượt, áo dài theo nếp cũ ở quê hương. Mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Nhưng về sau, thấy người Pháp ở Algérie thân thiện, khác với người Pháp ở Việt Nam, nên từ tháng 11 năm 1889 ông bắt đầu học tiếng Pháp. Vài năm sau, vua Hàm Nghi có thể nói và viết tiếng Pháp rất sõi.
Cựu hoàng Hàm Nghi cũng giao du cùng những trí thức Pháp nổi tiếng. Năm 1899 ông có sang thăm Paris và đến xem một triển lãm của danh họa Paul Gauguin, về sau khi vẽ tranh Hàm Nghi cũng chịu ảnh hưởng bởi phong cách của Gauguin. Hơn 100 năm sau, bức tranh Déclin du jour (Chiều tà) của cựu hoàng phát hiện được dưới nghệ danh Xuân Tử khi bán đấu giá ở Paris ngày 24 tháng 11 năm 2010 bán được với giá 8.800 euro.[12]
Đối với người Việt thì Kỳ Đồng, tức Nguyễn Văn Cẩm từng lui tới thăm cựu hoàng. Cũng chính vì đó mà người Pháp sinh nghi rồi ra lệnh trục xuất Kỳ Đồng về Việt Nam.[13]
Đời tư
Năm 1904, cựu hoàng Hàm Nghi đính hôn với cô Marcelle Laloe (sinh năm 1884, mất năm 1974), con gái của ông Laloe chánh án tòa Thượng phẩm Alger. Đám cưới của họ trở thành một sự kiện văn hóa của thủ đô Alger. Hàm Nghi cùng bà Marcelle Laloe có ba người con:- Công chúa Như Mây sinh năm 1905 (mất năm 1999).
- Công chúa Như Lý (hoặc Như Luân)[14] sinh năm 1908 (mất năm 2005).
- Hoàng tử Minh Đức sinh năm 1910 (mất năm 1990).
Ngày 4 tháng 1 năm 1943, cựu hoàng Hàm Nghi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày tại biệt thự Gia Long, thủ đô Alger. Ông được chôn cất ở Sarlat (Sarlat-la-Canéda), vùng Aquitaine, nước Pháp. Trên mộ của vua Hàm Nghi và một số tài liệu ghi ông mất năm 1944. Ông ra đi mang theo nỗi hờn vong quốc không bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí.[2]
Vinh danh
Vì có tư tưởng chống Pháp, vua Hàm Nghi, cùng với các vua Thành Thái, Duy Tân, được xem là 3 vị vua yêu nước của Việt Nam thời Pháp thuộc.Đến thời điểm tháng 05 năm 2014, hài cốt vua Hàm Nghi ở Làng THONAC (Pháp). Năm 2009, Bài vị và di ảnh Vua Hàm Nghi được hội đồng Nguyễn Phúc Tộc đưa về thờ tại Thế Tổ Miếu (Hoàng thành Huế)Niên hiệu của ông (Hàm Nghi) được đặt cho một con đường trung tâm ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Thành phố Hà nội có tên dường Hàm Nghi thuộc xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm.Tại Thành phố Hải phòng có tên đường Hàm Nghi ở phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng. Tại Thành phố Đà Nẵng có tên đường Hàm nghi tại quận Hải châu. Tại Thành phố Huế có tên đường Hàm Nghi ở phường Phước Vĩnh.
Năm 1955, trường Trung học Thành Nội được dời về trường Quốc Tử Giám triều Nguyễn ở Huế và đổi tên thành trường Trung học Hàm Nghi. Trường bị giải thể năm 1975 để rồi 30 năm sau vào ngày 4 tháng 9 năm 2005 ngôi trường này chính thức được khai giảng trở lại với sự đóng góp rất lớn của Cựu học sinh Trường Hàm Nghi trước 1975. Tại thành phố Đà Nẵng có trường Tiểu học Hàm Nghi và tại Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh có trường Trung học Hàm Nghi.
Chú thích
- ^ Tuổi trẻ Online - Văn hóa - Giải trí: Tìm dấu vua trong lòng dân
- ^ a ă â Nguyễn Quang Trung Tiến. Vị vua trưởng thành từ niên thiếu. Tạp chí thông tin Khoa học và Công nghệ, số 1(7), 1995.
- ^ a ă Dư địa chí Thừa Thiên Huế
- ^ Marcel Gaultier. Le Roi Proscrit. Hà Nội, Impr. d'Extrême-Orient, 1940, tr. 40 - 41.
- ^ Phạm Văn Sơn. Việt Nam cách mạng cận sử. Sài Gòn. Khai Trí phát hành, 1963, tr. 38.
- ^ a ă Phan Trần Chúc. Vua Hàm Nghi. Hà Nội, Chinh Ký, 1952, tr. 142.
- ^ Ch. Gosselin. L' Empire de l' Annam. Paris, Perrin et Cie, p. 239, 237.
- ^ Về ngày vua Hàm Nghi bị bắt các tài liệu chép lại mâu thuẫn nhau. Có thể là một trong các ngày 26 tháng 9, 30 tháng 10, 2 tháng 11 năm 1888, 14 tháng 11.
- ^ Vũ Ngự Chiêu. tr 889
- ^ Phạm Văn Sơn. Việt Nam cách mang cận sử và Phan Trần Chúc. Vua Hàm Nghi.
- ^ Những ngày này các tài liệu cũng ghi khác nhau.
- ^ "Phóng sự Paris bán đấu giá tranh của vua Hàm Nghi" theo RFI
- ^ a ă Vũ Ngự Chiêu. tr 891
- ^ Vũ Ngự Chiêu. tr 890-1
- ^ Gia phả họ Nguyễn Phúc
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Quang Trung Tiến. "Vị vua trưởng thành từ niên thiếu". Tạp chí thông tin Khoa học và Công nghệ, số 1(7), 1995.
- Vũ Ngự Chiêu. Các vua cuối nhà Nguyễn 1884-1945 Tập 3. Houston, TX: Văn hóa, 2000.
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Hàm Nghi |
Wikisource có các tác phẩm gốc nói đến hoặc của: |
|
Thể loại:
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ là sự kiện được cho là hai cuộc tấn công của Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại hai tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ. Hai cuộc tấn công được cho là đã xảy ra vào các ngày 2 tháng 8 và 4 tháng 8 năm 1964 ở vịnh Bắc Bộ.
Cuộc tấn công đầu được cả 2 bên xác nhận, nhưng cuộc tấn công sau đã
được khẳng định chỉ là sự nhầm lẫn của Hoa Kỳ, nhưng lại trở thành cái
cớ để Hoa Kỳ mở màn chiến dịch dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt
Nam.
Năm 1995 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thừa nhận sự kiện ngày 2 tháng 8 là có thật, nhưng ông phủ nhận sự tồn tại của vụ tấn công ngày 4 tháng 8. Ông tin rằng hôm đó tàu chiến Mỹ cố khiêu khích một cuộc tấn công để tổng thống Johnson có cớ để leo thang chiến tranh[7].
Trong một cuốn băng thu âm được giải mật năm 2001, tổng thống Lyndon B. Johnson thừa nhận rằng vụ thứ hai trong sự kiện Vịnh Bắc Bộ chưa hề xảy ra[8].
Các nghiên cứu sau này, trong đó có một báo cáo năm 2005 của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định cuộc tấn công thứ hai đã không xảy ra. Báo cáo này cũng đã cố gắng xua đi giả thuyết từ lâu rằng các thành viên của nội các tổng thống Lyndon B. Johnson đã cố tình nói dối về bản chất của sự kiện này[9].
Đầu tháng 1 năm 2008, Hiệp hội các nhà khoa học Hoa Kỳ (FAS) cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã giải mật bản báo cáo Spartans in Darkness[10] trong đó khẳng định Hải quân Nhân dân Việt Nam không hề tấn công tàu chiến Hoa Kỳ trong đêm 4 tháng 8 năm 1964[11][12].
Ngày 7 tháng 8 năm 1964, 3 ngày sau sự kiện thứ 2, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (được biết nhiều hơn với cái tên Nghị quyết vịnh Bắc Bộ) cho Johnson quyền hỗ trợ bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào mà chính phủ nước đó được xem là bị đe dọa bởi "sự hiếu chiến của cộng sản". Nghị quyết này đã trở thành sự biện minh hợp pháp cho việc Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam.
Nghị quyết do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào ngày 7/8/1964 dựa trên lý do sự kiện vịnh Bắc Bộ. Cho phép tổng thống Hoa Kỳ Johnson lúc bấy giờ "được áp dụng mọi biện pháp cần thiết, đẩy lùi bất cứ một cuộc tiến công vũ trang nào chống lại lực lượng Hoa Kỳ và sẵn sàng tiến hành mọi bước cần thiết, kể cả dùng lực lượng vũ trang để giúp đỡ bất kì một nước đồng minh nào cần đến sự giúp đỡ để bảo vệ nền tự do của mình". Đây là cơ sở để Johnson mở đầu chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc Việt Nam một cách hợp pháp, tiến hành chiến tranh hạn chế ở Miền Nam Việt Nam.
Ngày 12/1/1971, do sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Hoa Kỳ, dư luận quốc tế và cả Quốc hội Hoa Kỳ, tổng thống Nixon đã phải kí văn bản chính thức bãi bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ.
Tiếng Việt:
Tiếng Anh:
Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 (cũng gọi là Chiến tranh vịnh Ba Tư hay Chiến dịch Bão táp Sa mạc) là một cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh gần 30 quốc gia do Hoa Kỳ lãnh đạo và được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn để giải phóng Kuwait.
Sự kiện dẫn tới chiến tranh là việc Iraq xâm chiếm Kuwait ngày 2 tháng 8 năm 1990, sau khi Iraq cho rằng (nhưng không chứng minh được) Kuwait đã "khoan nghiêng" giếng dầu của họ vào biên giới Iraq. Hậu quả của cuộc xâm chiếm là Iraq ngay lập tức bị Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế. Những hành động quân sự bắt đầu từ tháng 1 năm 1991, dẫn tới một thắng lợi hoàn toàn của các lực lượng đồng minh, buộc quân đội Iraq phải rút khỏi Kuwait với tổn thất nhân mạng ở mức tối thiểu cho lực lượng đồng minh. Những trận đánh chính là những trận đánh trên không và trên bộ bên trong Iraq, Kuwait và những vùng giáp biên giới Ả Rập Saudi. Cuộc chiến không mở rộng ra ngoài vùng biên giới Iraq/Kuwait/Ả Rập Saudi, dù Iraq đã bắn tên lửa vào các thành phố của Israel.
Trong Chiến tranh Iran-Iraq ở thập niên 1980, Kuwait là đồng minh của Iraq, phần lớn là để được Iraq bảo vệ khỏi những người Shi'ite ở Iran. Sau cuộc chiến, Iraq nợ các nước Ả Rập nhiều khoản tiền lớn, trong đó có 14 tỷ dollar nợ Kuwait. Iraq hy vọng sẽ trả được những khoản nợ đó khi làm tăng giá dầu mỏ thông qua việc cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC, nhưng thay vào đó, Kuwait lại tăng lượng khai thác của mình khiến giá dầu giảm sút, trong một nỗ lực nhằm kích thích có được một giải pháp giải quyết tốt hơn cho việc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Ngoài ra, Iraq bắt đầu buộc tội Kuwait đã khoan nghiêng vào các giếng dầu của họ ở vùng biên giới và cho rằng vì Iraq là nước đệm chống lại Iran bảo vệ cho toàn bộ các nước Ả Rập nên Kuwait và Ả Rập Saudi phải đàm phán hay huỷ bỏ những khoản nợ cho chiến tranh của Iraq. Hai lý do ban đầu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đưa ra để biện hộ cho cuộc chiến là để xác nhận việc Kuwait từng là một phần của lãnh thổ Iraq và đã bị chủ nghĩa thực dân tách ra một cách không công bằng, và Iraq sáp nhập Kuwait để bù "phí tổn kinh tế" khi họ phải bảo vệ Kuwait trước Iran cũng như việc Kuwait đã khoan nghiêng vào các giếng dầu của họ.
Cuộc chiến với Iran đã khiến hầu hết tất cả các cơ sở cảng biển của Iraq ở Vịnh Ba Tư bị huỷ hoại, khiến cho con đường giao thương chính của nước này với bên ngoài bị cản trở. Nhiều người Iraq, cho rằng cuộc chiến với Iran sẽ lại tái diễn trong tương lai, cảm thấy rằng an ninh của Iraq chỉ được đảm bảo khi họ kiểm soát thêm được vùng vịnh Péc xích, gồm cả những cảng biển quan trọng. Chính vì thế Kuwait chính là một mục tiêu.
Về ý thức hệ, cuộc xâm chiếm Kuwait được biện hộ bởi những lời kêu gọi của chủ nghĩa quốc gia Ả Rập. Kuwait từng được coi là một phần lãnh thổ tự nhiên của Iraq và đã bị chủ nghĩa thực dân Anh tách ra. Việc sáp nhập Kuwait được miêu tả như là một bước trên con đường tiến tới một Liên hiệp Ả Rập rộng lớn hơn. Các lý do khác cũng được đưa ra. Hussein coi đó là một cách để khôi phục Đế chế Babylon theo cách khoa trương của những người Ả Rập theo chủ nghĩa quốc gia. Cuộc xâm chiếm cũng có quan hệ chặt chẽ với các sự kiện ở vùng Trung Đông. Phong trào Intifada lần thứ nhất của người Palestine đang ở cao trào, và hầu hết các nước Ả Rập, gồm cả Kuwait, Ả Rập Saudi và Ai Cập, đang phải phụ thuộc vào các nước đồng minh phương Tây. Vì thế Saddam xuất hiện với vai trò là một chính khách Ả Rập đứng lên chống lại Israel và Hoa Kỳ.
Với thắng lợi mới đạt được của Iran trong cuộc chiến và việc họ từ chối một đề xuất hoà bình vào tháng 7, việc mua bán vũ khí từ các nước khác (nhiều nhất là Liên xô, Pháp, Ai Cập, và bắt đầu từ năm đó là Trung Quốc) đã đạt tới đỉnh điểm năm 1982, nhưng một trở ngại vẫn còn chưa được giải quyết để có được bất kỳ một mối quan hệ tiềm năng nào giữa Mỹ-Iraq - Abu Nidal tiếp tục hoạt động với sự hỗ trợ chính thức của Baghdad. Khi nhóm này bị trục xuất sang Syria vào tháng 11 năm 1983, chính quyền Reagan đã cử Donald Rumsfeld làm phái viên đặc biệt sang Iraq nhằm thiết lập các mối quan hệ.
Vì sợ rằng nước Iran cách mạng sẽ đánh bại Iraq và xuất khẩu Cách mạng Hồi giáo của mình sang các nước Trung Đông khác, Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho Iraq. Từ 1983 đến 1990, Chính phủ Hoa Kỳ đã phê chuẩn việc bán khoảng 200 triệu dollar vũ khí cho Iraq, theo Viện hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) . Giá trị trên đạt chưa tới 1% tổng giá trị vũ khí được bán cho Iraq ở giai đoạn này, dù Hoa Kỳ cũng bán máy bay trực thăng, chỉ được thiết kế cho mục đích dân sự, và chúng nhanh chóng được quân đội Iraq đem ra sử dụng trong chiến tranh với Iran .
Một cuộc điều tra của Uỷ ban tài chính Thượng nghị viện năm 1994 xác định rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã phê chuẩn, cho mục đích nghiên cứu, việc bán các tác nhân sinh học đa tác dụng cho Iraq hồi giữa thập niên 1980, gồm cả khuẩn bệnh than (anthrax), sau này bị Lầu năm góc coi là một nhân tố quan trọng trong chương trình vũ khí sinh học của Iraq, cũng như Clostridium botulinum, Histoplasma capsulatum, Brucella melitensis và Clostridium perfringens. Báo cáo của Uỷ ban cho rằng mỗi tác nhân trên đều đã bị "nhiều nước coi là có mục đích sử dụng trong chiến tranh" . Các tài liệu được giải mật của chính phủ Mỹ cho thấy chính phủ đã xác nhận rằng Iraq đã sử dụng các vũ khí hoá học "hầu như hàng ngày" trong cuộc xung đột Iran-Iraq ngay từ năm 1983 . Chủ tịch Uỷ ban thượng nghị viện, Don Riegle, đã nói: "Nhánh hành pháp của chính phủ chúng ta đã phê chuẩn 771 giấy phép xuất khẩu khác nhau cho việc bán các kỹ thuật đa ứng dụng cho Iraq. Tôi cho rằng đó là một kỷ lục kinh khủng"[7]. Có rất ít bằng chứng cho thấy Iraq từng sử dụng các loại vũ khí sinh học trong chiến tranh và không một tác nhân sinh học nào trong bản báo cáo trên có liên quan tới các vũ khí hoá học.
Chủ yếu chính phủ Hoa Kỳ cung cấp viện trợ kinh tế cho Iraq. Cuộc chiến của Iraq với Iran và sự suy sụp trong sản xuất và buôn bán dầu mỏ của họ - hậu quả của cuộc chiến đó, đã khiến Iraq rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Viện trợ kinh tế của chính phủ Mỹ cho phép Hussein tiếp tục sử dụng các nguồn tài nguyên khác của đất nước cho chiến tranh. Từ giữa năm 1983 và 1990, Iraq đã nhận được 5 tỷ dollar tín dụng từ chương trình của Commodity Credit Corporation một tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bắt đầu ở mức 400 triệu dollar một năm năm 1983 và tăng tới hơn 1 tỷ một năm năm 1988 và 1989, cuối cùng kết thúc với khoản tiền 500 triệu năm 1990 . Bên cạnh các khoản tín dụng nông nghiệp, Hoa Kỳ cũng cung cấp cho Hussein các khoản vay khác. Năm 1985 Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ cấp hơn 684 triệu dollar tín dụng cho Iraq để xây dựng đường ống dẫn dầu qua Jordan và việc xây dựng được thực hiện bởi Bechtel Corporation có trụ sở tại California .
Tuy nhiên, sau chiến tranh đã có nhiều hành động bên trong Hạ nghị viện Hoa Kỳ nhằm cô lập Iraq về ngoại giao và về kinh tế do những lo ngại về những sự vi phạm nhân quyền, sự tăng cường quân sự và sự thù địch của Iraq đối với Israel. Đặc biệt, năm 1988 Thượng nghị viện thống nhất thông qua "Điều luật ngăn chặn diệt chủng năm 1988", áp đặt trừng phạt lên Iraq .
Những hành động đó bị nhiều thành viên Hạ viện phản đối dù một số quan chức Hoa Kỳ như chủ tịch uỷ ban thành lập chính sách của Bộ ngoại giao và Trợ lý bộ trưởng về các vấn đề Đông Á Paul Wolfowitz không nhất trí với việc ngừng cung cấp viện trợ cho chính quyền Iraq.
Quan hệ giữa Iraq và Hoa Kỳ tiếp tục không bị cản trở gì cho tới khi Iraq tấn công xâm chiến Kuwait. Ngày 2 tháng 10 năm 1989, Tổng thống George H. W. Bush ký một chỉ thị mật số 26 về an ninh quốc gia, bắt đầu bằng, "Việc tiếp cận tới nguồn dầu mỏ ở Vịnh Péc xích và an ninh của các quốc gia đồng minh chủ chốt trong vùng là vấn đề sống còn đối với an ninh Hoa Kỳ." Đối với Iraq, chỉ thị này cho rằng "Những quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Iraq sẽ phục vụ cho những lợi ích lâu dài và thúc đẩy sự ổn định ở cả Vịnh Péc xích và Trung Đông."
Cuối tháng 7 năm 1990, khi những cuộc thương lượng giữa Iraq và Kuwait sa lầy, Quân đội Iraq tập trung tới vùng biên giới với Kuwait và triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ April Glaspie tới một cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Hai văn bản về cuộc gặp đó đã được thảo ra, cả hai rất trái ngược nhau. Theo những văn bản đó, Saddam phác ra những bất bình của mình đối với Kuwait, trong khi hứa hẹn rằng ông sẽ không xâm chiếm Kuwait trước khi tiếp diễn những cuộc đàm phán thẳng thắn khác. Ở văn bản do The New York Times đưa ra ngày 23 tháng 9 năm 1990, Glaspie bày tỏ lo ngại về việc tăng cường quân sự, nhưng nói:
Tháng 11 năm 1989, giám đốc CIA William Webster gặp gỡ lãnh đạo cơ quan an ninh Kuwait, Thiếu tướng Fahd Ahmed Al-Fahd. Sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, Iraq tuyên bố đã tìm thấy một bản ghi nhớ liên quan tới cuộc trao đổi giữa họ. Tờ The Washington Post đã thông báo rằng Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait đã ngất xỉu khi trông thấy tài liệu này trong một cuộc họp thượng đỉnh Ả Rập vào tháng 8. Sau này, Iraq cho rằng bản ghi nhớ này là bằng chứng về một âm mưu của CIA và Kuwait nhằm làm mất ổn định kinh tế và chính trị Iraq. CIA và Kuwait đã miêu tả cuộc gặp gỡ này là một cuộc gặp thông thường và bản ghi nhớ chỉ là một sự giả mạo. Một phần của văn bản đó như sau:
Quyết định của phương Tây nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược của Iraq thực chất có mục đích chính là để ngăn Iraq xâm lược Ả Rập Saudi, một nước có tầm quan trọng hơn rất nhiều so với Kuwait, như việc Iraq đã làm với Kuwait. Thắng lợi nhanh chóng của quân đội Iraq trước Kuwait khiến quân đội Iraq đã tiến đến rất gần các giếng dầu ở Hama, là nguồn tài nguyên giá trị nhất của Ả Rập Saudi. Việc Iraq kiểm soát được các giếng dầu đó cũng như những nguồn tài nguyên dầu lửa của Iraq và Kuwait sẽ làm cho họ nắm được một phần quan trọng tài nguyên dầu lửa thế giới, chỉ đứng sau chính Ả Rập Saudi. Đặc biệt, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản coi một sự độc quyền tiềm tàng như vậy là rất nguy hiểm. Về mặt địa lý, Ả Rập Saudi là một nước lớn với các khu vực dân cư nằm phân tán và sẽ rất khó khăn để động viên binh lính nhằm chống lại các đội quân Iraq đang được triển khai ở phía nam Kuwait. Rất có khả năng là Iraq sẽ chiếm quyền kiểm soát các giếng dầu ở phía đông nhưng lại khó đoán được khi nào họ sẽ tấn công vào Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi. Các sư đoàn thiết giáp Iraq cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn tương tự như khó khăn mà các lực lượng Ả Rập Saudi được triển khai tới bảo vệ các giếng dầu gặp phải, vì họ cùng phải vượt qua một sa mạc rộng lớn với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Việc này, nếu đã xảy ra, sẽ phải xảy ra dưới bom của không lực Saudi, phần hiện đại hóa nhất của quân đội Saudi.
Iraq có một số bất mãn với Ả Rập Saudi. Mối lo về những khoản nợ nảy sinh từ thời Chiến tranh Iran - Iraq là rất lớn vì Iraq nợ Ả Rập Saudi tới khoảng 26 tỷ đô la Mỹ. Biên giới sa mạc dài giữa hai nước cũng chưa được phân chia rõ ràng. Ngay sau khi có được chiến thắng ở Kuwait, Xát-đam bắt đầu dùng những lời phát biểu để công kích vương triều Ả Rập Saudi. Ông cho rằng vương triều do Mỹ hậu thuẫn đó là kẻ trông coi bất hợp pháp của những thành phố linh thiêng như Mecca và Medina. Xát-đam gộp cả ngôn ngữ của những nhóm Hồi giáo đang chiến đấu ở Ap-ga-nít-xơ-tan thời đó với kiểu phát biểu khoa trương mà Iran từ lâu đã sử dụng để tấn công Ả Rập Saudi. Việc đưa thêm dòng chữ Allahu Akbar (Thánh Ala vĩ đại) vào lá cờ Iraq và những hình ảnh Xát-đam đang cầu nguyện ở Kuwait được coi là một phần của kế hoạch lôi kéo sự ủng hộ từ Nhóm huynh đệ Hồi giáo và chia rẽ nhóm Hồi giáo Mu-gia-hít-đin với Ả Rập Saudi. Khi quân đội phương tây bắt đầu kéo đến nước này, những cuộc tấn công tuyên truyền đó còn leo thang lên mức cao hơn nữa.
Tổng thống George H. W. Bush nhanh chóng thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ tung ra một chiến dịch "bảo vệ toàn diện" nhằm ngăn chặn Iraq tấn công Ả Rập Saudi – "Chiến dịch Lá chắn sa mạc" – và quân đội Hoa Kỳ được chuyển tới Ả Rập Saudi ngày 7 tháng 8. Ngày 8 tháng 8, Iraq tuyên bố một số phần lãnh thổ Kuwait sẽ bị sáp nhập vào quận Basra và phần còn lại trở thành tỉnh thứ 19 của Iraq.
Hải quân Hoa Kỳ huy động hai nhóm tàu chiến, USS Dwight D. Eisenhower và USS Independence tới khu vực, và họ đã ở tình trạng sẵn sàng vào ngày 8 tháng 8. Cũng trong ngày hôm đó, 48 chiếc F-15 thuộc Không lực Hoa Kỳ từ 1st Fighter Wing tại Căn cứ không quân Langley, Virginia, đã hạ cánh xuống Ả Rập Saudi và ngay lập tức bắt đầu tiến hành tuần tra trên những vùng không phận biên giới Ả Rập Saudi và Iraq nhằm ngăn chặn đà tiến của quân đội Iraq. Hoa Kỳ cũng gửi những thiết giáp hạm USS Missouri và USS Wisconsin vào trong vùng, sau này chúng sẽ là những tàu chiến cuối cùng tham gia tích cực vào cuộc chiến. Việc huy động quân sự tiếp tục diễn ra, cuối cùng đã lên tới 500.000 quân. Những nhà phân tích quân sự nhất trí rằng tới tháng 10, quân đội Mỹ trong vùng chưa đủ sức để ngăn chặn cuộc tấn công (nếu có) của Iraq vào Ả Rập Saudi.
Cùng lúc ấy hàng loạt những nghị quyết của Hội đồng bảo an và Liên đoàn Ả Rập được đưa ra về cuộc xung đột. Một trong những nghị quyết quan trọng nhất là Nghị quyết 678 của Liên Hiệp Quốc, thông qua ngày 29 tháng 11, trao cho Iraq hạn chót để rút quân là ngày 15 tháng 1 năm 1991, và cho phép sử dụng "mọi biện pháp cần thiết để duy trì và thực hiện Nghị quyết 660", một công thức ngoại giao có nghĩa là cho phép sử dụng vũ lực.
Hoa Kỳ, đặc biệt là Ngoại trưởng James Baker, tập hợp các lực lượng đồng minh chống lại Iraq, gồm lực lượng từ 34 nước: Afghanistan, Argentina, Australia, Bahrain, Bangladesh, Canada, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Ai Cập, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Honduras, Ý, Kuwait, Maroc, Hà Lan, New Zealand, Niger, Na Uy, Oman, Pakistan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, Ả Rập Saudi, Sénégal, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh và chính Hoa Kỳ. Quân đội Mỹ chiếm 74% trong số 660.000 lính trước chiến tranh. Nhiều lực lượng đồng minh bất đắc dĩ phải tham gia; một số cảm thấy rằng cuộc chiến là công việc nội bộ của Ả Rập, hay lo ngại sự tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Kuwait. Cuối cùng, nhiều nước đã bị thuyết phục khi chứng khiến sự hiếu chiến của Iraq đối với các nước Ả Rập khác, và khi được hứa hẹn viện trợ kinh tế cũng như giảm nợ.
Hoa Kỳ đưa ra nhiều lí do biện minh cho việc dính líu vào cuộc xung đột. Lý lẽ đầu tiên là tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh lâu dài với Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, một số người Mỹ không bằng lòng với cách giải thích đó và khẩu hiệu "Không đổi máu lấy dầu" đã trở thành tiếng kêu thường thấy nhất trong các cuộc biểu tình phản đối từ bên trong nước Mỹ, dù chúng không bao giờ đạt tới tầm cao như phong trào phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam. Lý do tiếp sau cho cuộc chiến là lịch sử vi phạm nhân quyền của Iraq dưới chế độ Tổng thống Saddam Hussein, nguy cơ Iraq có thể phát triển vũ khí hạt nhân hay vũ khí huỷ diệt hàng loạt và rằng "sự gây hấn lộ liễu sẽ không có chỗ đứng" (naked aggression will not stand).
Dù những vụ vi phạm nhân quyền của chính quyền Iraq trước và sau khi xâm chiếm Kuwait được ghi chép rất nhiều, chính phủ Kuwait đã bị ảnh hưởng từ quan điểm của Hoa Kỳ trong một số vấn đề. Ngay sau khi Iraq chiếm Kuwait, tổ chức Các công dân cho một nước Kuwait tự do đã được thành lập ở Mỹ. Nó thuê công ty quan hệ công chúng Hill and Knowlton với giá 11 triệu dollar do chính phủ Kuwait cung cấp. Công ty này bắt đầu tạo ra một chiến dịch miêu tả các binh sĩ Iraq là đã lôi những đứa trẻ ra khỏi lồng ấp trong các bệnh viện Kuwait và để chúng chết dưới sàn. Tuy nhiên, một năm sau luận điệu này đã bị khám phá ra là giả dối. Người đã làm chứng cho việc đó hoá ra là một thành viên của Gia đình hoàng gia Kuwait sống tại Paris khi xảy ra chiến tranh, và vì thế không thể có mặt ở Iraq vào thời điểm xảy ra cái gọi là tội ác. (Xem Nurse Nayirah.)
Nhiều sáng kiến hoà bình đã được đưa ra nhưng không được chấp nhận. Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng những giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được để có hoà bình toàn diện với Iraq, là việc rút quân không điều kiện ra khỏi Kuwait. Iraq nhấn mạnh rằng việc rút quân khỏi Kuwait phải được "gắn liền với" sự rút quân đồng thời của quân đội Syria ra khỏi Liban và quân đội Israel ra khỏi Bờ Tây, Dải Gaza, Cao nguyên Golan, và Nam Liban. Maroc và Jordan đã bị thuyết phục bởi đề xuất này, nhưng Syria, Israel và liên minh chống Iraq phản đối rằng không hề có một mối liên hệ nào giữa những việc trên với vấn đề Kuwait. Syria đã tham gia vào liên quân chống lại Saddam nhưng Israel vẫn chính thức giữ thái độ trung lập dù đã có những cuộc tấn công tên lửa vào thường dân Israel. Chính quyền Bush đã thuyết phục Israel đứng ngoài cuộc chiến với những hứa hẹn về việc tăng cường viện trợ, trong khi Tổ chức giải phóng Palestine dưới quyền lãnh đạo của Yasser Arafat hoàn toàn ủng hộ Saddam Hussein, sau này dẫn tới một sự tuyệt giao trong quan hệ giữa Palestine-Kuwait, dẫn tới sự trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi Kuwait.
Ngày 12 tháng 1 năm 1991 Hạ viện Hoa Kỳ cho phép sử dụng sức mạnh quân sự để trục xuất quân Iraq ra khỏi Kuwait. Ngay sau đó, các nước đồng minh khác cũng làm điều tương tự.
Những vũ khí được sử dụng trong chiến dịch này gồm các vũ khí dẫn đường chính xác (hay "bom thông minh"), bom bầy, BLU-82 "daisy cutters" và tên lửa hành trình. Iraq trả lời bằng cách phóng 8 tên lửa Scud vào Israel ngày hôm sau. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của liên minh là phá hủy các cơ sở không quân và phòng không của Iraq. Nhiệm vụ này được nhanh chóng hoàn thành và trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến, không quân liên minh hầu như không gặp phải trở ngại nào khi hoạt động. Dù khả năng phòng không của Iraq tốt hơn so với dự đoán, liên minh chỉ thiệt hại một máy bay trong ngày mở màn chiến tranh. Máy bay tàng hình đã được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu tiên này nhằm tránh các hệ thống tên lửa đất đối không SAM dày đặc của Iraq; khi đã phá hủy xong những hệ thống đó, các kiểu máy bay khác có thể được đem ra sử dụng với độ an toàn cao hơn. Đa số các phi vụ tấn công xuất phát từ Ả Rập Saudi và sáu nhóm tàu sân bay của liên minh ở Vịnh Péc-xích.
Các mục tiêu tiếp theo của liên quân là các sở chỉ huy và thông tin. Những nhà lập kế hoạch bên phía liên quân hy vọng sự kháng cự của Iraq sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu hệ thống chỉ huy và liên lạc của họ bị phá huỷ. Trong tuần đầu tiên của chiến dịch không quân Iraq ít khi xuất kích và cũng không gây thiệt hại gì đáng kể, 38 máy bay MiG của Iraq đã bị không quân liên quân bắn hạ. Ngay sau đó, không quân Iraq bắt đầu chạy trốn sang Iran, với khoảng 115 tới 140 chiếc . Cuộc bỏ chạy ồ ạt của không quân Iraq sang Iran khiến các lực lượng liên quân rất kinh ngạc và không kịp phản ứng gì trước khi các máy bay Iraq đã "an toàn" tại các sân bay Iran. Iran không bao giờ trả lại các máy bay đó cho Iraq và chỉ cho phép các phi công trở về nước vào năm sau. Ngày 23 tháng 1, Iraq bắt đầu đổ gần 1 triệu tấn dầu thô xuống vịnh, gây ra vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử.
Giai đoạn thứ ba và là lớn nhất của chiến dịch không quân nhắm tới các mục tiêu quân sự trên khắp Iraq và Kuwait: các bệ phóng tên lửa Scud, các địa điểm vũ khí hủy diệt hàng loạt, những cơ sở nghiên cứu vũ khí và các lực lượng hải quân. Khoảng một phần ba không lực liên quân được dành riêng để tấn công các bệ phóng tên lửa Scud, nằm trên các xe tải và do đó rất khó tìm kiếm để tiêu diệt. Ngoài ra, họ cũng nhắm vào các mục tiêu có thể sử dụng được cho cả mục đích dân sự và quân sự: các nhà máy điện, các lò phản ứng hạt nhân, các thiết bị thông tin liên lạc, các cảng biển, các nhà máy lọc và phân phối xăng dầu, các đường sắt và các cây cầu. Các nhà máy điện trên toàn quốc bị phá huỷ. Tới cuối cuộc chiến, việc sản xuất điện chỉ còn đạt mức 4% so với trước chiến tranh. Bom đã phá hủy tất cả các đập chính, đa số những trạm bơm chính và nhiều nhà máy xử lý nước thải. Một số đội thuộc các lực lượng đặc biệt của Mỹ và Anh được đưa thâm nhập vào phía tây Iraq để tìm kiếm và phá hủy các tên lửa Scud. Tuy nhiên, vì thiếu những điều kiện địa lý thích hợp để ẩn náu khiến các hoạt động của họ gặp nhiều khó khăn và nhiều người đã bị giết hoặc bị bắt giữ.
Trong đa số các trường hợp, liên quân tránh gây thiệt hại tới những cơ sở dân sự thuần tuý. Tuy nhiên, ngày 13 tháng 2 năm 1991, hai quả bom thông minh điều khiển bằng tia laze đã phá hủy lô cốt Amiriyah mà người Iraq cho là nơi tránh bom của thường dân. Các quan chức Mỹ cho rằng lô cốt đó là một trung tâm thông tin quân đội, nhưng các nhà báo phương tây đã không tìm được bằng chứng về việc đó. Trong một báo cáo với nhan đề "Bộ máy nói dối: Thảm kịch của sự lừa đảo", Nhà trắng đã tuyên bố rằng các nguồn tin tình báo của họ cho thấy lô cốt này đang được sử dụng cho mục đích chỉ huy quân sự . Trong cuốn sách của mình, Kẻ chế tạo bom của Saddam, cựu giám đốc chương trình vũ khí hạt nhân của Iraq, người đã đào thoát sang phương tây, ủng hộ giả thuyết rằng lô cốt này được sử dụng cho cả hai mục đích.
Hiệu quả của chiến dịch không quân là đã làm thiệt hại mười phần trăm toàn bộ lực lượng quân sự Iraq được triển khai trên sa mạc. Chiến dịch này cũng ngăn chặn một cách có hiệu quả việc tiếp tế của Iraq cho những đơn vị đồn trú chiến đấu phía trước, và khiến số quân đông đảo (450.000) người không thể tập trung lại được và là nhân tố căn bản dẫn đến thắng lợi.
Chiến dịch không quân có một tác động rõ nét trên các mưu mẹo mà các bên xung đột về sau này sử dụng. Họ không tập trung quân đội để đối mặt với quân Mỹ mà phân tán các sư đoàn ra, ví dụ Các lực lượng Serbia tại Kosovo. Các bên tham chiến cũng giảm bớt khoảng cách tiếp tế hậu cần và diện tích vùng bảo vệ. Điều này đã được thấy trong Chiến tranh Afghanistan khi quân Taliban rút lui khỏi những vùng đất rộng lớn về giữ những cứ điểm mạnh của họ. Điều này giúp tăng cường tập trung quân đội và giảm bớt khoảng cách tiếp tế. Chiến thuật này cũng được sử dụng trong cuộc tấn công của Iraq khi các lực lượng Iraq rút lui khỏi miền bắc Kurdistan thuộc Iraq vào trong các thành phố.
Ngày 24 tháng 2, các lực lượng do Mỹ cầm đầu bắt đầu "Chiến dịch cát sa mạc" (Desert Sand), phần trên mặt đất của chiến dịch của họ. Ngay sau đó, lính thủy đánh bộ Mỹ và các đồng minh Ả Rập của họ thâm nhập sâu vào Kuwait, thu thập hàng nghìn quân Iraq đang tan rã, đã suy yếu và mất tinh thần sau chiến dịch ném bom ồ ạt của liên quân. Vài ngày sau chiến dịch, Thành phố Kuwait được giải phóng bởi các đơn vị thuộc quân đội Kuwait.
Cùng lúc ấy, Quân đoàn VII Hoa Kỳ tung ra cuộc tấn công ồ ạt bằng xe bọc thép vào Iraq, từ phía tây Kuwait, khiến quân Iraq hoàn toàn bất ngờ. Sườn trái của đội quân này được Sư đoàn bọc thép hạng nhẹ số 6 của Pháp bảo vệ (gồm cả các đơn vị của Tiểu đoàn Lê dương Pháp), và sườn phải bởi Sư đoàn thiết giáp số 1 Hoàng gia Anh. Khi liên quân đã thâm nhập sâu vào lãnh thổ Iraq, họ quay sang phía đông, tung ra những cuộc tấn công vào lực lượng Vệ binh cộng hoà Iraq. Những trận chiến xe tăng nổ ra khi Vệ binh cộng hòa tìm cách rút lui, khiến cho liên quân chiến thắng mà chỉ bị thương vong ở mức thấp nhất.
Khi Iraq đã quyết định rằng họ sẽ không tiến về phía các giếng dầu phía đông của Ả Rập Saudit, thì không có lí do gì để các lực lượng Iraq triển khai xa hơn nữa về phía nam Thành phố Kuwait với số lượng lớn. Quyết định triển khai một lực lượng khá đông đảo quân dọc theo biên giới Kuwait càng làm tăng khoảng cách tiếp tế của quân Iraq một cách không cần thiết. Thứ hai, khi đã quyết định triển khai quân dọc biên giới, việc mở rộng nó ra càng khiến nguy cơ bị tấn công ồ ạt vào sườn. Quả thực người Iraq không có đủ lực lượng để giữ một mặt trận đủ dài dọc theo biên giới Kuwait và tây nam Iraq. Vì thế việc cấp thiết là việc triển khai quân và thu hẹp mặt trận chỉ ở phía nam Thành phố Kuwait và mở rộng tới vùng ngoại ô Basra. Iraq chỉ có một lợi thế tuyệt đối trước lực lượng liên quân ở số lượng và chất lượng pháo binh. Đa số các đơn vị pháp binh Iraq được kéo bằng xe và vì thế không thích ứng tốt với việc phát triển mở rộng. Điều này cũng có nghĩa là Iraq muốn làm chậm sự di chuyển của quân địch và giao chiến dọc theo các giới tuyến không dễ dàng bị chọc thủng hay đánh ngang sườn.
Đà tiến của liên quân mau lẹ hơn những tướng lĩnh Hoa Kỳ trông đợi. Ngày 26 tháng 2, quân đội Iraq bắt đầu rút khỏi Kuwait, đốt cháy các giếng dầu mà họ bỏ lại. Một đoàn quân Iraq dài dằng dặc rút lui dọc theo đường cao tốc Iraq-Kuwait. Đoàn quân này bị liên quân tấn công liên tục tới mức nó được gọi là "Xa lộ chết". Một trăm giờ sau khi chiến dịch trên bộ bắt đầu diễn ra, Tổng thống Bush tuyên bố một sự ngừng bắn và ngày 27 tháng 2 tuyên bố rằng Kuwait đã được giải phóng.
Cả hai phía có số quân gần tương đương nhau - xấp xỉ 540.000 bên liên quân và xấp xỉ 545.000 bên Iraq. Một đội quân Thổ Nhĩ Kỳ gồm 100.000 người đang được triển khai dọc biên giới chung Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Điều này khiến quân đội Iraq bị phân tán thêm vì buộc phải triển khai quân dọc theo biên giới với tất cả các nước (trớ trêu thay, chỉ trừ phía biên giới với đối thủ cũ là Iran). Điều này cho phép cuộc tấn công mạnh mẽ của Hoa Kỳ không chỉ có được một sự vượt trội về kỹ thuật mà cả về số lượng.
Điều ngạc nhiên nhất của chiến dịch trên bộ là tỷ lệ thương vong thấp của liên quân. Điều này vì quân Iraq không thể tìm ra một biện pháp phản công thích hợp đối với những ống nhòm hồng ngoại và loại đạn năng lượng động lực từ các xe M1 Abrams. Phương tiện này cho phép những chiếc xe tăng liên quân chiến đấu và tiêu diệt một cách hiệu quả các xe tăng Iraq từ khoảng cách xa gấp ba lần khoảng cách có thể tác chiến của xe tăng Iraq. Các lực lượng Iraq cũng không thể lợi dụng ưu thế có thể có từ việc sử dụng chiến thuật chiến tranh đô thị - chiến đấu bên trong Thành phố Kuwait, có thể gây ra những thương vong đáng kể đối với các lực lượng tấn công. Chiến tranh trong thành phố làm giảm tầm chiến đấu và vì thế giảm bớt ưu thế công nghệ của liên quân. Điều này đã được chứng minh gần đây trong những trận đánh giữa các lực lượng Mỹ và những kẻ nổi dậy Iraq trong môi trường đô thị sau Cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Các ranh giới của địa lý đô thị, và sự hiểu biết mà những kẻ tấn công không thể có được, sẽ làm giảm lợi thế của liên quân và khả năng tiêu diệt ở tầm xa của họ.
Có một số chỉ trích chính quyền Bush về quyết định của họ cho phép Saddam Hussein tiếp tục giữ quyền lực, chứ không tiếp tục tấn công chiếm Baghdad và sau đó lật đổ chính phủ của ông ta. Trong một cuốn sách viết chung năm 1998 tựa đề, "Một thế giới đã thay đổi" (A World Transformed), Bush và Brent Scowcroft đã đưa ra lý lẽ rằng một sự tấn công như vậy sẽ làm tan vỡ lực lượng Liên quân và sẽ gây ra nhiều tổn thất chính trị và nhân mạng không cần thiết đi cùng với nó.
Năm 1992, Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh, Dick Cheney, cũng đưa ra quan điểm tương tự :
Thay vì tiếp tục can thiệp sâu thêm với lực lượng quân sự của mình, Hoa Kỳ đã hy vọng rằng Saddam sẽ bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính từ bên trong. CIA đã sử dụng các mạng lưới của mình tại Iraq để tổ chức một cuộc nổi dậy, nhưng chính phủ Iraq đã đánh bại âm mưu đó.
Ngày 10 tháng 3 năm 1991, Chiến dịch bão táp sa mạc bắt đầu dời 540.000 quân Mỹ ra khỏi Vịnh Péc xích.
Thiệt hại nặng nhất trong một vụ đối với lực lượng liên quân xảy ra ngày 25 tháng 2 năm 1991 khi một hoả tiễn Al-Hussein của Iraq đánh trúng trại lính Mỹ tại Dhahran, Ả Rập Saudi giết chết 28 quân trù bị Hoa Kỳ đến từ tiểu bang Pennsylvania.
Con số bị thương trên chiến trường dường như là khoảng 776, gồm có 467 người Mỹ.[3]
Khoảng 30% trong số 700.000 nam và nữ phục vụ trong lực lượng Hoa Kỳ tại Chiến tranh vùng Vịnh vẫn chịu nhiều hội chứng trầm trọng mà nguyên nhân vẫn chưa được hiểu rõ.[4]
Viện Dupuy trước Quốc hội Hoa Kỳ đã tiên đoán rằng con số thương vong sẽ dưới 6.000. Họ đã dùng mô hình TNDM mà tận dụng các dữ liệu lịch sử từ các cuộc chiến trước để tiên đoán con số thương vong (mô hình đã tận dụng các yếu tố về con người thí dụ như tinh thần và họ tiên đoán rằng sẽ có rất ít các sư đoàn của Iraq chịu kháng cự).
Một báo cáo do Không quân Hoa Kỳ uỷ nhiệm đã ước tính là có khoảng từ 10.000-12.000 binh sĩ Iraq tử trận trong chiến dịch của không quân và khoảng 10.000 thương vong trong cuộc chiến trên bộ.[6] Sự phân tích này dựa vào các báo cáo về tù binh chiến tranh Iraq.
Chính phủ Iraq tuyên bố có khoảng 2.300 thường dân thiệt mạng trong chiến dịch của không quân, đa số người chết là do một cuộc không kích bằng máy bay tàng hình F-117 vào một nơi mà được tin là trung tâm thông tin liên lạc của Iraq tại Baghdad nhưng cũng là nơi phục vụ như một nơi trú ẩn máy bay.
Theo Dự án nghiên cứu các sự chọn lựa khác cho quốc phòng thì có đến 3.664 thường dân Iraq và khoảng 20.000 đến 26.000 binh sĩ bị giết chết trong cuộc xung đột này.
Quân đội Mỹ chiếm 74% tổng lực lượng liên quân, và vì thế tổng chi phí của họ cũng cao hơn. Anh, ví dụ, chi $4,1 tỷ trong cuộc chiến này.
Tại Hoa Kỳ, nhóm "bộ ba lớn" điều hành mạng lưới tin tức đưa tin về cuộc chiến: Peter Jennings của ABC, Dan Rather của CBS và Tom Brokaw của NBC dẫn các chương trình thông tin buổi tối của họ khi các cuộc tấn công đã bắt đầu ngày 16 tháng 1, 1991. Phóng viên của ABC News Gary Shepard, bình luật trực tiếp từ Baghdad, nói với Jennings về sự tĩnh lặng của thành phố. Nhưng nhiều tháng sau, Shepard đã tái xuất hiện với những ánh chớp có thể được nhìn thấy ở chân trời và những vạch lửa đạn xung quanh trên mặt đất. Trên kênh CBS, khán giả có thể theo dõi bản tin của phóng viên Allen Pizzey, cũng đưa tin từ Baghdad, khi cuộc chiến bắt đầu. Sau khi bản tin kết thúc lại có tin rằng có những tin tức chưa được kiểm chứng về những vụ nổ tại Baghdad hoạt động không quân mạnh tại các căn cứ ở Ả Rập Saudi. Trong bản tin "NBC Nightly News", phóng viên Mike Boettcher thông báo về những hoạt động không quân không thường xuyên ở Dhahran. Vài phút sau, Brokaw nói với khán giả rằng cuộc tấn công không quân đã bắt đầu. Nhưng chính kênh CNN được nhiều người theo dõi nhất. Các phóng viên CNN, John Holliman và Peter Arnett cùng CNN phóng viên thường trú Bernard Shaw đã thông báo qua điện thoại từ Khách sạn Al-Rashid khi những cuộc không kích bắt đầu. Báo chí khắp thế giới đều đưa tin về cuộc chiến và Tạp chí TIME đã xuất bản một số đặc biệt ngày 28 tháng 1, 1991, dòng tít "CHIẾN TRANH VÙNG VỊNH" nổi bật ngoài trang bìa với bức ảnh chụp Baghdad khi cuộc chiến bắt đầu.
Chính sách của Hoa Kỳ về tự do báo chí có hạn chế hơn so với ở Chiến tranh Việt Nam. Chính sách này đã được giải thích rõ trong một tài liệu của Lầu năm góc tên là Annex Foxtrot. Đa số những thông tin báo chí có được đều từ những cuộc họp báo ngắn của quân đội. Chỉ những nhà báo được lựa chọn mới được phép tới mặt trận hay tiến hành các cuộc phỏng vấn binh sĩ. Những cuộc viếng thăm đó luôn được tiến hành với sự hiện diện của các sĩ quan, và sau đó đều phải được sự cho phép của quân đội và bộ phận kiểm duyệt. Điều này bề ngoài là để bảo vệ các thông tin nhạy cảm khỏi bị tiết lộ cho Iraq nhưng trên thực tế là để ngăn chặn tiết lộ các thông tin gây rắc rối về chính trị. Chính sách này bị ảnh hưởng nhiều từ những kinh nghiệm sau Chiến tranh Việt Nam, được cho rằng đã gây ra nhiều rò rỉ dẫn tới sự chống đối từ bên trong nước Mỹ.
Cùng lúc ấy, việc đưa tin nhanh nhạy về cuộc chiến là rất mới mẻ. Nhiều nhà báo Mỹ vẫn ở lại thủ đô Baghdad của Iraq trong suốt cuộc chiến, và cảnh tên lửa bay đến được chiếu ngay lập tức trên những bản tin vô tuyến buổi tối và trên các kênh tin tức qua truyền hình cáp như CNN. Một đoàn phóng viên của kênh CBS News (David Green và Andy Thompson), được trang bị thiết bị truyền thông tin vệ tinh đã tới mặt trận và truyền trực tiếp những hình ảnh cuộc chiến đang diễn ra. Họ tới Thành phố Kuwait một ngày trước khi các lực lượng liên quân tiến vào và truyền trực tiếp những hình ảnh các lực lượng Ả Rập (và các nhà báo khác!) tiến vào đó trong ngày hôm sau.
Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề trên diện rộng trong suốt thời kỳ chiến sự đã gây mất mát cho người dân Iraq. Nhiều năm sau chiến tranh lượng điện sản xuất ra vẫn chỉ đạt một phần tư mức trước cuộc chiến. Việc phá hủy các nhà máy xử lý nước khiến nước thải bị đổ trực tiếp xuống sông Tigris, và dân cư lại lấy nước ở đây để sinh hoạt dẫn tới sự phát sinh dịch bệnh trên diện rộng. Những khoản vốn tài trợ từ phía các nước phương Tây nhằm giải quyết vấn đề này bị chính quyền Saddam sử dụng để duy trì quyền kiểm soát quân sự của mình.
Trừng phạt kinh tế vẫn được duy trì nhiều năm sau chiến tranh vì lý do từ những cuộc thanh sát vũ khí mà Iraq chưa bao giờ hợp tác đầy đủ. Sau này Iraq được Liên Hiệp Quốc cho phép nhập khẩu một số hàng hóa theo chương trình Đổi dầu lấy lương thực. A 1998 bản báo cáo của UNICEF cho thấy những biện pháp trừng phạt khiến con số tử vong ở nước này tăng thêm 90.000 người mỗi năm. Nhiều người cho rằng các biện pháp trừng phạt Iraq và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ả Rập Saudi góp phần làm xấu đi hình ảnh của Mỹ trong thế giới Ả Rập.
Một Cao Ủy Đặc Biệt Liên Hiệp Quốc (UNSCOM) về vũ khí đã được lập ra để giám sát việc tuân thủ của Iraq với các quy định về vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo. Iraq chỉ chấp nhận một số yêu cầu và từ chối các cuộc thanh sát vũ khí khác. Đội thanh tra đã tìm ra một số bằng chứng về các chương trình vũ khí sinh học tại một địa điểm và một số vi phạm tại nhiều địa điểm khác.
Năm 1997, Iraq trục xuất toàn bộ các thành viên người Mỹ bên trong phái đoàn thanh sát vũ khí, cáo buộc rằng Hoa Kỳ đã lợi dụng họ làm gián điệp; các thành viên của UNSCOM thường có những cuộc tiếp xúc với các cơ quan tình báo để cung cấp các thông tin về các địa điểm tàng trữ vũ khí. Đội thanh sát vũ khí tiếp tục quay lại Iraq trong giai đoạn 1997 và 1999 và còn gặp nhiều rắc rối hơn nữa; một thành viên trong đội thanh sát, Scott Ritter thuộc Hải quân Hoa Kỳ đã từ chức năm 1998, cho rằng chính quyền Clinton đang cản trở các cuộc thanh sát vì họ không muốn đối đầu thực sự với Iraq. Năm 1999, đội thanh sát được thay thế bởi UNMOVIC, cơ quan này bắt đầu tiến hành công việc từ năm 2002. Năm 2002, Iraq - và đặc biệt là Saddam Hussein - trở thành mục tiêu trong Cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ, dấn tới cuộc Xâm lược Iraq năm 2003, do Hoa Kỳ và, ở tầm vóc thấp hơn, Anh lãnh đạo.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (quân đội nước này có nhiều mặt tương đồng với quân đội Iraq) rất ngạc nhiên trước khả năng kỹ thuật Hoa Kỳ trên trận địa. Thắng lợi mau chóng của liên quân khiến quân đội Trung Quốc phải thay đổi toàn diện tư tưởng quân sự của mình và bắt đầu một phong trào hiện đại hóa bên trong Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Một hậu quả chủ chốt của Chiến tranh vùng Vịnh, theo Gilles Kepel, là sự hồi sinh rõ rệt của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Việc chế độ Saddam bị lật đổ không khiến các nhóm Hồi giáo ủng hộ nhiều. Tuy nhiên, việc này, cùng với liên minh giữa Ả Rập Saudi và Hoa Kỳ, bị coi là cùng phía với Israel càng làm chính phủ Ả Rập Saudi mất uy tín trong nước. Hoạt động của các nhóm Hồi giáo chống lại chính quyền Ả Rập Saudi tăng lên dữ dội. Trong một nỗ lực nhằm lấy lại hình ảnh của mình, Ả Rập Saudi đã chi thêm tiền cho những nhóm ủng hộ chính phủ. Chính phủ Ả Rập Saudi đã chi tiền phát hàng triệu cuốn Qur'an cho dân các nước mới độc lập ở vùng Trung Á và xây dựng hàng trăm thánh đường Hồi giáo cho những nhóm cực đoan. Tại Afghanistan chính quyền Ả Rập Saudi trở thành người bảo trợ hàng đầu cho Taliban trong cuộc nội chiến ở nước này, và là một trong những quốc gia duy nhất chính thức công nhận chính phủ đó.
Tuy nhiên, Tổ chức sức khỏe thế giới đã có thể tiếp cận với những nguy cơ đối với sức khỏe của urani nghèo tại những địa điểm đã xảy ra chiến tranh nhờ một phái đoàn năm 2001 tới Kosovo. Một báo cáo năm 2001 của WHO về urani nghèo đã kết luận: "bởi vì urani nghèo chỉ là phóng xạ yếu, cần phải hít vào những khối lượng rất lớn bụi (ở mức độ gam) để có thể tăng nguy cơ ung thư phổi ở mức độ có thể nhận thấy trong một nhóm nguy cơ. Những nguy cơ về ung thư phóng xạ khác gồm bệnh bạch cầu, được coi là thấp hơn rất nhiều so với ung thư phổi." Hơn nữa, "không có những tác động liên tục hay tiến triển đã được báo cáo ở người" vì lý do chịu tác động của urani nghèo .
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã xuất bản một cuốn sách về urani nghèo. Nó tuyên bố: "Tổ chức sức khỏe thế giới và các nghiên cứu khoa học khác đã cho thấy urani nghèo không gây ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khoẻ" và "urani nghèo không gây ra khuyết tật ở trẻ sơ sinh. Quân đội Iraq sử dụng các vũ khí hóa học và thần kinh trong thập kỷ 1980 và 1990 có thể là nguyên nhân gây ra cái gọi là khuyết tật ở trẻ em Iraq." Về những buộc tội gây ra ung thư, cuốn sách của Hoa Kỳ cho rằng "theo những chuyên gia về sức khỏe môi trường, về mặt y tế không thể coi việc nhiễm bệnh bạch cầu như là kết quả của việc chịu tác động của urani hay urani nghèo", và "tỷ lệ ung thư trong số 19.000 công nhân công nghiệp tiếp xúc với urani nghèo ở mức độ cao tại các dự án ở Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge trong giai đoạn 1943 và 1947 đã được xem xét, và việc tăng tỷ lệ ung thư không hề được quan sát thấy cho tới tận năm 1974. Các nghiên cứu dịch tễ học khác về ung thư phổi tại các công nhân làm việc tại nhà máy urani và nhà máy gia công thép không cho thấy tỷ lệ tăng bất thường hay sự liên quan tới những chất sinh ung thư khác đã được biết ngoài urani, như radon."
Tuy nhiên, một số lời buộc tội về tác động đó rất nghiêm trọng bởi vì vũ khí chứa urani nghèo có thể vỡ ra thành những hạt nhỏ khi nó chạm mục tiêu. Trên thực tế, những nghiên cứu tổng quát nhất gần đây bởi The Royal Society, một nhóm ái hữu với hơn 1400 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và giáo sư đã tìm thấy rằng urani nghèo đưa lại những nguy cơ cao về sức khỏe cho dân thường cũng như binh lính .
Tên lửa Scud là tên lửa đạn đạo chiến thuật do Liên bang xô viết phát triển và từng triển khai cho những sư đoàn Hồng Quân tại Đông Đức. Vai trò của các tên lửa Scud được trang bị đầu đạn hạt nhân và đầu đạn hoá học là tiêu diệt các cơ sở thông tin, trung tâm chỉ huy và làm trì hoãn quá trình động viên quân đội của Tây Đức cũng như các lực lượng Đồng Minh tại Đức. Nó cũng được sử dụng để tiêu diệt trực tiếp các lực lượng mặt đất. Các tên lửa Scud sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, còn hoạt động khi động cơ còn hoạt động. Iraq đã sử dụng các tên lửa Scud, phóng chúng tới cả Ả rập Xê út và Israel. Một số quả gây ra nhiều thương vong, số còn lại không gây hậu quả nặng nề. Đã có lo ngại việc Iraq có thể lắp các đầu đạn hoá học hay sinh học lên các tên lửa đó, nhưng nếu các đầu đạn đó có tồn tại, chúng cũng chưa từng được sử dụng. Mọi người tin rằng các tên lửa Scud không hữu dụng khi mang các đầu đạn hoá học bởi nhiệt độ cao trong quá trình bay ở tốc độ gần Mach 5 làm biến tính đa số các chất hoá học mang theo. Các vũ khí hoá học vốn thích hợp hơn khi được vận chuyển bằng máy bay ném bom hoặc các tên lửa hành trình. Tên lửa Scud thích hợp để mang các đầu đạn hạt nhân, một vai trò nó vẫn còn đảm nhận tới tận ngày nay, như mục tiêu thiết kế ban đầu.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Hoa Kỳ lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu. Thời điểm ấy, quân đội Hoa Kỳ tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa này có hiệu suất thành công rất cao chống lại tên lửa Scud, đảm bảo an toàn cho liên quân. Nhưng những ước tính sau này về tính hiệu quả của Patriot rất khác biệt, thấp nhất có thể ở mức 0%. Hơn nữa, ít nhất đã xảy ra một vụ lỗi phần mềm gây tổn thất nhân mạng. [21] Những bằng chứng giải mật về hiệu quả ngăn chặn tên lửa Scud còn thiếu nhiều. Các con số ước tính hiệu quả cao dựa trên phần trăm số đầu đạn tên lửa Scud được biết đã tới mục tiêu hoặc đã nổ so với số lượng tên lửa Scud được bắn đi, nhưng các yếu tố khác như đầu đạn không nổ, bắn trượt vân vân không được tính vào đó. Một số phiên bản tên lửa Scud được sửa đổi động cơ vượt trên mức chịu đựng thiết kế thường bị cho là trượt mục tiêu hoặc nổ tung khi đang bay. Những ước tính thấp nhất thường dựa trên số lượng những lần bắn chặn và có bằng chứng cho thấy đầu đạn đã bị ít nhất một tên lửa bắn trúng, nhưng vì cách thức các tên lửa Al-Hussein (gốc từ Scud) nổ khi đang bay đến mục tiêu rất khó giải thích vì khó có thể biết đâu là mảnh đầu đạn và có ít dữ liệu ghi lại những lần dò tìm radar còn được lưu trữ cho phép phân tích về sau này. Thực tế hiệu lực thật sự của hệ thống còn là một bí mật trong nhiều năm nữa. Quân đội Hoa Kỳ và các nhà sản xuất vẫn cho rằng hệ thống Patriot đã "hoạt động tuyệt diệu" trong Chiến tranh Vùng Vịnh.
Các đơn vị Hệ thống định vị toàn cầu đóng vai trò chủ chốt trong việc hoa tiêu dẫn đường cho quân đội vượt sa mạc. Hệ thống cảnh báo và kiểm soát trên không (AWACS) cũng như các hệ thống thông tin vệ tinh cũng có vai trò quan trọng.
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
- Sinh 1871
- Mất 1943
- Vua nhà Nguyễn
- Phong trào Cần Vương
- Nghĩa quân chống Pháp
- Người Huế
- Nhà cách mạng Việt Nam
- Người Pháp gốc Việt
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(đổi hướng từ Sự kiện vịnh Bắc Bộ)
|
|
Mục lục
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất
Ngày 2 tháng 8, năm 1964, tàu khu trục USS Maddox, trong khi thực hiện một cuộc tuần tra thông tin tình báo tín hiệu như là một phần của chiến dịch DeSoto, đã đụng độ với ba tàu phóng ngư lôi của hải quân miền Bắc Việt Nam thuộc Đoàn tàu phóng ngư lôi 135 [1]. Một trận hải chiến xảy ra, trong đó Maddox sử dụng hơn 280 đạn pháo 3-inch và 5-inch, cùng bốn máy bay tiêm kích USN F-8 Crusader oanh tạc các tàu phóng ngư lôi. Một máy bay Mỹ đã bị hư hỏng, tàu khu trục bị một vết đạn 14,5 mm. Ba tàu ngư lôi Bắc Việt Nam bị hư hỏng, bốn thủy thủ Bắc Việt Nam thiệt mạng và sáu người bị thương, phía Mỹ không có thương vong[5]Sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ hai
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ hai đã được tuyên bố bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, xảy ra vào ngày 4 tháng 8 năm 1964, như là một trận hải chiến. Nhưng thực sự không có tàu ngư lôi Bắc Việt tấn công, thay vào đó chúng có thể là "Tonkin Ghosts" ("Những bóng ma vịnh Bắc Bộ", tức là các tín hiệu radar lỗi)[6].Năm 1995 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thừa nhận sự kiện ngày 2 tháng 8 là có thật, nhưng ông phủ nhận sự tồn tại của vụ tấn công ngày 4 tháng 8. Ông tin rằng hôm đó tàu chiến Mỹ cố khiêu khích một cuộc tấn công để tổng thống Johnson có cớ để leo thang chiến tranh[7].
Trong một cuốn băng thu âm được giải mật năm 2001, tổng thống Lyndon B. Johnson thừa nhận rằng vụ thứ hai trong sự kiện Vịnh Bắc Bộ chưa hề xảy ra[8].
Các nghiên cứu sau này, trong đó có một báo cáo năm 2005 của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định cuộc tấn công thứ hai đã không xảy ra. Báo cáo này cũng đã cố gắng xua đi giả thuyết từ lâu rằng các thành viên của nội các tổng thống Lyndon B. Johnson đã cố tình nói dối về bản chất của sự kiện này[9].
Đầu tháng 1 năm 2008, Hiệp hội các nhà khoa học Hoa Kỳ (FAS) cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã giải mật bản báo cáo Spartans in Darkness[10] trong đó khẳng định Hải quân Nhân dân Việt Nam không hề tấn công tàu chiến Hoa Kỳ trong đêm 4 tháng 8 năm 1964[11][12].
Hậu quả
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, ngay sau sự kiện thứ 2, Hải quân Mỹ trả đũa bằng chiến dịch Mũi Tên Xuyên ném bom một số cửa biển quan trọng ở miền Bắc Việt Nam, chiến dịch này đã mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại 9 năm bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam.Ngày 7 tháng 8 năm 1964, 3 ngày sau sự kiện thứ 2, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (được biết nhiều hơn với cái tên Nghị quyết vịnh Bắc Bộ) cho Johnson quyền hỗ trợ bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào mà chính phủ nước đó được xem là bị đe dọa bởi "sự hiếu chiến của cộng sản". Nghị quyết này đã trở thành sự biện minh hợp pháp cho việc Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam.
Nghị quyết vịnh Bắc Bộ
Loạt bài Chiến tranh Việt Nam |
---|
Giai đoạn 1954–1959 |
Thuyết Domino |
Hoa Kỳ can thiệp |
Miền Bắc – Miền Nam |
Giai đoạn 1960–1965 |
Diễn biến Quốc tế – Miền Nam |
Kế hoạch Staley-Taylor |
Chiến tranh đặc biệt |
Đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm |
Giai đoạn 1965–1968 |
Miền Bắc Chiến dịch: Sự kiện Vịnh Bắc Bộ Mũi Tên Xuyên –Sấm Rền |
Miền Nam Chiến tranh cục bộ Chiến dịch: Các chiến dịch Tìm-Diệt Phượng Hoàng –Tết Mậu Thân, 1968 |
Diễn biến Quốc tế |
Giai đoạn 1968–1972 |
Diễn biến Quốc tế |
Việt Nam hóa chiến tranh |
Hội nghị Paris |
Hiệp định Paris |
Chiến dịch: Lam Sơn 719 – Chiến cục năm 1972 – Hè 1972 –Mặt trận phòng không 1972 –Phòng không Hà Nội 12 ngày đêm |
Giai đoạn 1973–1975 |
Chiến dịch: Xuân 1975 Phước Long |
Tây Nguyên -Huế - Đà Nẵng Phan Rang - Xuân Lộc |
Hồ Chí Minh |
Trường Sa và các đảo trên Biển Đông |
Sự kiện 30 tháng 4, 1975 |
Hậu quả chiến tranh |
Tổn thất nhân mạng |
Tội ác của Hoa Kỳ và đồng minh |
Chất độc da cam |
Thuyền nhân |
sửatiêu bản |
Nghị quyết do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào ngày 7/8/1964 dựa trên lý do sự kiện vịnh Bắc Bộ. Cho phép tổng thống Hoa Kỳ Johnson lúc bấy giờ "được áp dụng mọi biện pháp cần thiết, đẩy lùi bất cứ một cuộc tiến công vũ trang nào chống lại lực lượng Hoa Kỳ và sẵn sàng tiến hành mọi bước cần thiết, kể cả dùng lực lượng vũ trang để giúp đỡ bất kì một nước đồng minh nào cần đến sự giúp đỡ để bảo vệ nền tự do của mình". Đây là cơ sở để Johnson mở đầu chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc Việt Nam một cách hợp pháp, tiến hành chiến tranh hạn chế ở Miền Nam Việt Nam.
Ngày 12/1/1971, do sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Hoa Kỳ, dư luận quốc tế và cả Quốc hội Hoa Kỳ, tổng thống Nixon đã phải kí văn bản chính thức bãi bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ.
Tham khảo
- Ellsberg, Daniel (2002). Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers. New York: Viking.
- ^ a ă Moïse 1996, tr. 78.
- ^ Moïse 1996, tr. 82.
- ^ Moïse 1996, tr. 82, 83.
- ^ Moïse 1996, tr. 92.
- ^ Moïse 1996, tr. 78, 82, 92.
- ^ Moïse 1996, tr. 106, 107.
- ^ McNamara asks Giap: What happened in Tonkin Gulf?, Associated Press, 1995
- ^ LBJ tape 'confirms Vietnam war error', Martin Fletcher, The Times, Nov 7th, 2001
- ^ John Prados, The Gulf of Tonkin Incident, 40 Years Later: Flawed Intelligence and the Decision for War in Vietnam, National_Security_Archive | National Security Archive at George Washington University, 2004, cập nhật năm 2005
- ^ Robert J. Hanyok, Spartans in Darkness: American SIGINT and the Indochina War, 1945-1975 (toàn văn tài liệu được giải mật), Center for Cryptologic History, National Security Agency, 2002. Đoạn nói đến sự kiện Vịnh Bắc Bộ tại Chương 5. trang 177.
- ^ [http://www.fas.org/sgp/news/secrecy/2008/01/010708.html Tin mật, Hiệp hội các nhà khoa học Hoa Kỳ (FAS), tập 2008, số 3, 7 tháng 1 năm 2008
- ^ Báo Tuổi Trẻ, "Sự kiện vịnh Bắc bộ" là bịa đặt, 10/01/2008
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ |
Tiếng Anh:
- The Gulf of Tonkin Incident, 40 Years Later; Flawed Intelligence and the Decision for War in Vietnam — National Security Archive at George Washington University
- NSA declassified documents released on 11/30/05
- Vietnam Study, Casting Doubts, Remains Secret
- From Vietnam to Iraq: Lessons from Tonkin Gulf Lies by Dr. Mohammad Omar Farooq
- Tonkin Gulf reports cooked? Historian's research finds intelligence errors covered up
- LBJ's address to the nation, August 5, 1964
- Pentagon Papers[1]
- Cronkite: Gulf of Tonkin's Phantom Attack
- US Navy Historical Site showing charts and photos of the incident
- Analysis Casts Doubt on Vietnam War Claims — Calvin Woodward, Associated Press, Dec. 1, 2005. "A spy-agency analysis released Thursday contends a second attack on U.S. ships in the Gulf of Tonkin never happened, casting further doubt on the leading rationale for escalation of the Vietnam War."
- Robert J. Hanyok, "Skunks, Bogies, Silent Hounds, and the Flying Fish: The Gulf of Tonkin Mystery, 2–4 August 1964" Cryptologic Quarterly, Winter 2000/Spring 2001 Edition, Vol. 19, No. 4 / Vol. 20, No. 1.
- 30-year Anniversary: Tonkin Gulf Lie Launched Vietnam War — Fairness & Accuracy In Reporting (FAIR): Media Beat July 27, 1994
- Tonkin Gulf Intelligence "Skewed" According to Official History and Intercepts — National Security Archive at George Washington University
- Ronnie E. Ford "New Light on Gulf of Tonkin"
- Original Document: Tonkin Gulf Resolution
Chiến tranh vùng Vịnh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đối với các định nghĩa khác, xem Chiến tranh vùng Vịnh (định hướng).
|
Sự kiện dẫn tới chiến tranh là việc Iraq xâm chiếm Kuwait ngày 2 tháng 8 năm 1990, sau khi Iraq cho rằng (nhưng không chứng minh được) Kuwait đã "khoan nghiêng" giếng dầu của họ vào biên giới Iraq. Hậu quả của cuộc xâm chiếm là Iraq ngay lập tức bị Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế. Những hành động quân sự bắt đầu từ tháng 1 năm 1991, dẫn tới một thắng lợi hoàn toàn của các lực lượng đồng minh, buộc quân đội Iraq phải rút khỏi Kuwait với tổn thất nhân mạng ở mức tối thiểu cho lực lượng đồng minh. Những trận đánh chính là những trận đánh trên không và trên bộ bên trong Iraq, Kuwait và những vùng giáp biên giới Ả Rập Saudi. Cuộc chiến không mở rộng ra ngoài vùng biên giới Iraq/Kuwait/Ả Rập Saudi, dù Iraq đã bắn tên lửa vào các thành phố của Israel.
Mục lục
- 1 Tên gọi
- 2 Các nguyên nhân
- 3 Các quan hệ Iraq-Hoa Kỳ trước cuộc chiến
- 4 Tóm tắt sự kiện
- 5 Xâm chiếm Kuwait
- 6 Ngoại giao
- 7 Những nước đã đóng góp lực lượng và tiền của cho liên minh chống Iraq
- 8 Chiến dịch không quân
- 9 Chiến dịch trên bộ
- 10 Kết thúc các hoạt động chiến tranh
- 11 10 nguyên nhân thất bại của Iraq
- 12 Thương vong
- 13 Chi phí
- 14 Truyền thông
- 15 Hậu quả
- 16 Kỹ thuật
- 17 Xem thêm
- 18 Những bộ phim về Chiến tranh vùng Vịnh
- 19 Đọc thêm
- 20 Chú thích
- 21 Tham khảo
- 22 Ghi chú
- 23 Liên kết ngoài
Tên gọi
Các nguyên nhân
Trước Thế chiến thứ nhất, theo Hiệp định Anh-Ottoman năm 1913, Kuwait bị coi là một "caza tự trị" bên trong Iraq của Đế chế Ottoman. Sau cuộc chiến, Kuwait thuộc quyền cai trị của Anh và nước này coi Kuwait và Iraq là hai quốc gia riêng biệt, được gọi là Các Tiểu Vương quốc Ả Rập. Tuy nhiên, những quan chức Iraq không chấp nhận tính hợp pháp của nền độc lập của Kuwait hay chính quyền Emir tại Kuwait. Iraq không bao giờ chấp nhận chủ quyền của Kuwait và vào thập kỷ 1960 Anh đã phải triển khai quân đội để bảo vệ Kuwait khỏi ý định sáp nhập của Iraq.Trong Chiến tranh Iran-Iraq ở thập niên 1980, Kuwait là đồng minh của Iraq, phần lớn là để được Iraq bảo vệ khỏi những người Shi'ite ở Iran. Sau cuộc chiến, Iraq nợ các nước Ả Rập nhiều khoản tiền lớn, trong đó có 14 tỷ dollar nợ Kuwait. Iraq hy vọng sẽ trả được những khoản nợ đó khi làm tăng giá dầu mỏ thông qua việc cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC, nhưng thay vào đó, Kuwait lại tăng lượng khai thác của mình khiến giá dầu giảm sút, trong một nỗ lực nhằm kích thích có được một giải pháp giải quyết tốt hơn cho việc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Ngoài ra, Iraq bắt đầu buộc tội Kuwait đã khoan nghiêng vào các giếng dầu của họ ở vùng biên giới và cho rằng vì Iraq là nước đệm chống lại Iran bảo vệ cho toàn bộ các nước Ả Rập nên Kuwait và Ả Rập Saudi phải đàm phán hay huỷ bỏ những khoản nợ cho chiến tranh của Iraq. Hai lý do ban đầu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đưa ra để biện hộ cho cuộc chiến là để xác nhận việc Kuwait từng là một phần của lãnh thổ Iraq và đã bị chủ nghĩa thực dân tách ra một cách không công bằng, và Iraq sáp nhập Kuwait để bù "phí tổn kinh tế" khi họ phải bảo vệ Kuwait trước Iran cũng như việc Kuwait đã khoan nghiêng vào các giếng dầu của họ.
Cuộc chiến với Iran đã khiến hầu hết tất cả các cơ sở cảng biển của Iraq ở Vịnh Ba Tư bị huỷ hoại, khiến cho con đường giao thương chính của nước này với bên ngoài bị cản trở. Nhiều người Iraq, cho rằng cuộc chiến với Iran sẽ lại tái diễn trong tương lai, cảm thấy rằng an ninh của Iraq chỉ được đảm bảo khi họ kiểm soát thêm được vùng vịnh Péc xích, gồm cả những cảng biển quan trọng. Chính vì thế Kuwait chính là một mục tiêu.
Về ý thức hệ, cuộc xâm chiếm Kuwait được biện hộ bởi những lời kêu gọi của chủ nghĩa quốc gia Ả Rập. Kuwait từng được coi là một phần lãnh thổ tự nhiên của Iraq và đã bị chủ nghĩa thực dân Anh tách ra. Việc sáp nhập Kuwait được miêu tả như là một bước trên con đường tiến tới một Liên hiệp Ả Rập rộng lớn hơn. Các lý do khác cũng được đưa ra. Hussein coi đó là một cách để khôi phục Đế chế Babylon theo cách khoa trương của những người Ả Rập theo chủ nghĩa quốc gia. Cuộc xâm chiếm cũng có quan hệ chặt chẽ với các sự kiện ở vùng Trung Đông. Phong trào Intifada lần thứ nhất của người Palestine đang ở cao trào, và hầu hết các nước Ả Rập, gồm cả Kuwait, Ả Rập Saudi và Ai Cập, đang phải phụ thuộc vào các nước đồng minh phương Tây. Vì thế Saddam xuất hiện với vai trò là một chính khách Ả Rập đứng lên chống lại Israel và Hoa Kỳ.
Các quan hệ Iraq-Hoa Kỳ trước cuộc chiến
Đối với Hoa Kỳ, Iran-Iraq có các mối quan hệ ổn định và Iraq từng là nước đứng đầu một liên minh với Liên bang Xô viết. Hoa Kỳ lo ngại tình trạng thù địch của Iraq với Israel và sự không tán thành những hành động hướng tới một nền hoà bình với các nước Ả Rập khác. Họ cũng buộc tội Iraq hỗ trợ cho nhiều nhóm chiến binh Ả Rập và Palestine như Abu Nidal, dẫn tới việc họ đưa nước này vào danh sách các quốc gia ủng hộ khủng bố ngày 29 tháng 12 năm 1979. Hoa Kỳ vẫn chính thức giữ thái độ trung lập khi Chiến tranh Iran-Iraq xảy ra, và trước đó họ từng bị bẽ mặt bởi cuộc khủng hoảng con tin Iran dài 444 ngày và hy vọng rằng Iran sẽ không thể thắng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 1982, Iran bắt đầu một cuộc phản công thắng lợi ("Chiến dịch thắng lợi không thể phủ nhận"). Trong một nỗ lực nhằm mở ra khả năng về những quan hệ có thể có với Iraq, Hoa Kỳ đã đưa nước này ra khỏi danh sách ủng hộ khủng bố. Bề ngoài việc này nhờ ở sự cải thiện các chính sách của Iraq, mặc dù cựu Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Noel Koch sau này đã cho rằng "Không ai có nghi ngờ về việc [người Iraq] tiếp tục dính dáng tới chủ nghĩa khủng bố... Lý do thực sự là để giúp họ giành thắng lợi trong cuộc chiến với Iran."Với thắng lợi mới đạt được của Iran trong cuộc chiến và việc họ từ chối một đề xuất hoà bình vào tháng 7, việc mua bán vũ khí từ các nước khác (nhiều nhất là Liên xô, Pháp, Ai Cập, và bắt đầu từ năm đó là Trung Quốc) đã đạt tới đỉnh điểm năm 1982, nhưng một trở ngại vẫn còn chưa được giải quyết để có được bất kỳ một mối quan hệ tiềm năng nào giữa Mỹ-Iraq - Abu Nidal tiếp tục hoạt động với sự hỗ trợ chính thức của Baghdad. Khi nhóm này bị trục xuất sang Syria vào tháng 11 năm 1983, chính quyền Reagan đã cử Donald Rumsfeld làm phái viên đặc biệt sang Iraq nhằm thiết lập các mối quan hệ.
Vì sợ rằng nước Iran cách mạng sẽ đánh bại Iraq và xuất khẩu Cách mạng Hồi giáo của mình sang các nước Trung Đông khác, Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho Iraq. Từ 1983 đến 1990, Chính phủ Hoa Kỳ đã phê chuẩn việc bán khoảng 200 triệu dollar vũ khí cho Iraq, theo Viện hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) . Giá trị trên đạt chưa tới 1% tổng giá trị vũ khí được bán cho Iraq ở giai đoạn này, dù Hoa Kỳ cũng bán máy bay trực thăng, chỉ được thiết kế cho mục đích dân sự, và chúng nhanh chóng được quân đội Iraq đem ra sử dụng trong chiến tranh với Iran .
Một cuộc điều tra của Uỷ ban tài chính Thượng nghị viện năm 1994 xác định rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã phê chuẩn, cho mục đích nghiên cứu, việc bán các tác nhân sinh học đa tác dụng cho Iraq hồi giữa thập niên 1980, gồm cả khuẩn bệnh than (anthrax), sau này bị Lầu năm góc coi là một nhân tố quan trọng trong chương trình vũ khí sinh học của Iraq, cũng như Clostridium botulinum, Histoplasma capsulatum, Brucella melitensis và Clostridium perfringens. Báo cáo của Uỷ ban cho rằng mỗi tác nhân trên đều đã bị "nhiều nước coi là có mục đích sử dụng trong chiến tranh" . Các tài liệu được giải mật của chính phủ Mỹ cho thấy chính phủ đã xác nhận rằng Iraq đã sử dụng các vũ khí hoá học "hầu như hàng ngày" trong cuộc xung đột Iran-Iraq ngay từ năm 1983 . Chủ tịch Uỷ ban thượng nghị viện, Don Riegle, đã nói: "Nhánh hành pháp của chính phủ chúng ta đã phê chuẩn 771 giấy phép xuất khẩu khác nhau cho việc bán các kỹ thuật đa ứng dụng cho Iraq. Tôi cho rằng đó là một kỷ lục kinh khủng"[7]. Có rất ít bằng chứng cho thấy Iraq từng sử dụng các loại vũ khí sinh học trong chiến tranh và không một tác nhân sinh học nào trong bản báo cáo trên có liên quan tới các vũ khí hoá học.
Chủ yếu chính phủ Hoa Kỳ cung cấp viện trợ kinh tế cho Iraq. Cuộc chiến của Iraq với Iran và sự suy sụp trong sản xuất và buôn bán dầu mỏ của họ - hậu quả của cuộc chiến đó, đã khiến Iraq rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Viện trợ kinh tế của chính phủ Mỹ cho phép Hussein tiếp tục sử dụng các nguồn tài nguyên khác của đất nước cho chiến tranh. Từ giữa năm 1983 và 1990, Iraq đã nhận được 5 tỷ dollar tín dụng từ chương trình của Commodity Credit Corporation một tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bắt đầu ở mức 400 triệu dollar một năm năm 1983 và tăng tới hơn 1 tỷ một năm năm 1988 và 1989, cuối cùng kết thúc với khoản tiền 500 triệu năm 1990 . Bên cạnh các khoản tín dụng nông nghiệp, Hoa Kỳ cũng cung cấp cho Hussein các khoản vay khác. Năm 1985 Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ cấp hơn 684 triệu dollar tín dụng cho Iraq để xây dựng đường ống dẫn dầu qua Jordan và việc xây dựng được thực hiện bởi Bechtel Corporation có trụ sở tại California .
Tuy nhiên, sau chiến tranh đã có nhiều hành động bên trong Hạ nghị viện Hoa Kỳ nhằm cô lập Iraq về ngoại giao và về kinh tế do những lo ngại về những sự vi phạm nhân quyền, sự tăng cường quân sự và sự thù địch của Iraq đối với Israel. Đặc biệt, năm 1988 Thượng nghị viện thống nhất thông qua "Điều luật ngăn chặn diệt chủng năm 1988", áp đặt trừng phạt lên Iraq .
Những hành động đó bị nhiều thành viên Hạ viện phản đối dù một số quan chức Hoa Kỳ như chủ tịch uỷ ban thành lập chính sách của Bộ ngoại giao và Trợ lý bộ trưởng về các vấn đề Đông Á Paul Wolfowitz không nhất trí với việc ngừng cung cấp viện trợ cho chính quyền Iraq.
Quan hệ giữa Iraq và Hoa Kỳ tiếp tục không bị cản trở gì cho tới khi Iraq tấn công xâm chiến Kuwait. Ngày 2 tháng 10 năm 1989, Tổng thống George H. W. Bush ký một chỉ thị mật số 26 về an ninh quốc gia, bắt đầu bằng, "Việc tiếp cận tới nguồn dầu mỏ ở Vịnh Péc xích và an ninh của các quốc gia đồng minh chủ chốt trong vùng là vấn đề sống còn đối với an ninh Hoa Kỳ." Đối với Iraq, chỉ thị này cho rằng "Những quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Iraq sẽ phục vụ cho những lợi ích lâu dài và thúc đẩy sự ổn định ở cả Vịnh Péc xích và Trung Đông."
Cuối tháng 7 năm 1990, khi những cuộc thương lượng giữa Iraq và Kuwait sa lầy, Quân đội Iraq tập trung tới vùng biên giới với Kuwait và triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ April Glaspie tới một cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Hai văn bản về cuộc gặp đó đã được thảo ra, cả hai rất trái ngược nhau. Theo những văn bản đó, Saddam phác ra những bất bình của mình đối với Kuwait, trong khi hứa hẹn rằng ông sẽ không xâm chiếm Kuwait trước khi tiếp diễn những cuộc đàm phán thẳng thắn khác. Ở văn bản do The New York Times đưa ra ngày 23 tháng 9 năm 1990, Glaspie bày tỏ lo ngại về việc tăng cường quân sự, nhưng nói:
- Chúng tôi không có ý kiến về những cuộc xung đột Ả Rập-Ả Rập, như việc tranh chấp biên giới giữa Iraq và Kuwait. Tôi đã làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kuwait vào cuối những năm '60. Lúc ấy chúng tôi được chỉ thị rằng chúng tôi không được bày tỏ ý kiến về vấn đề đó và rằng vấn đề đó không liên quan tới nước Mỹ. James Baker đã chỉ thị cho người phát ngôn chính thức của chúng tôi phải nhấn mạnh điều đó. Chúng tôi hy vọng rằng Iraq có thể giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng mọi biện pháp thích hợp thông qua [Chadli] Klibi [khi ấy là Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập hay qua Tổng thống Mubarak. Tất cả những điều chúng tôi hy vọng là những vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Tháng 11 năm 1989, giám đốc CIA William Webster gặp gỡ lãnh đạo cơ quan an ninh Kuwait, Thiếu tướng Fahd Ahmed Al-Fahd. Sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, Iraq tuyên bố đã tìm thấy một bản ghi nhớ liên quan tới cuộc trao đổi giữa họ. Tờ The Washington Post đã thông báo rằng Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait đã ngất xỉu khi trông thấy tài liệu này trong một cuộc họp thượng đỉnh Ả Rập vào tháng 8. Sau này, Iraq cho rằng bản ghi nhớ này là bằng chứng về một âm mưu của CIA và Kuwait nhằm làm mất ổn định kinh tế và chính trị Iraq. CIA và Kuwait đã miêu tả cuộc gặp gỡ này là một cuộc gặp thông thường và bản ghi nhớ chỉ là một sự giả mạo. Một phần của văn bản đó như sau:
- Chúng tôi đồng ý với phía Mỹ rằng điều quan trọng là cần phải làm cho tình trạng kinh tế ở Iraq xấu đi nữa nhằm tạo áp lực lên chính phủ nước này để vạch ra biên giới chung của chúng tôi. CIA đã trao cho chúng tôi quan điểm của họ về các biện pháp gây áp lực, cho rằng cần phải có một sự hợp tác rộng rãi giữa chúng ta về điều kiện theo đó các hành động như vậy sẽ được phối hợp ở một mức cao hơn.
Tóm tắt sự kiện
- Ngày 2 tháng 8 năm 1990: Quân đội Iraq tiến vào Kuwait. Hội đồng Bảo an LHQ lên án cuộc xâm lược của Iraq và đòi rút ngay lập tức và không điều kiện các lực lượng của Iraq ra khỏi Kuwait
- ngày 6 tháng 8 năm 1990: Hội đồng bảo an LHQ kêu gọi các nước thành viên LHQ ngừng buôn bán với Iraq để buộc Iraq phải rút quân khỏi Kuwait.
- Ngày 8 tháng 8 năm 1990: Iraq tuyên bố sát nhập Kuwait vào Iraq. Tổng thống Mỹ Bush nói các lực lượng chiến đấu đang được triển khai như một bộ phận của các lực lượng đa quốc gia để bảo vệ Ả Rập Saudi.
- Ngày 12 tháng 8 năm 1990: Tổng thống Iraq Saddam Hussein công bố đề nghị hoà bình gắn việc rút quân đội Iraq với việc rút các lực lượng Israel ra khỏi bờ tây sông Jordan và Dải Gaza và vấn đề Palestine.
- Ngày 18 tháng 8 năm 1990: Iraq tuyên bố bắt giữ tất cả người nước ngoài. Hội đồng bảo an LHQ kêu gọi trả tự do không điều kiện cho những người nước ngoài.
- Ngày 9 tháng 9 năm 1990: Tổng thống Mỹ Bush và tổng thống Liên Xô Gorbachyov kêu gọi rút hoàn toàn và không điều kiện các lực lượng của Iraq ra khỏi Kuwait.
- Ngày 8 tháng 11 năm 1990: Mỹ quyết định gửi thêm 200.000 quân sang Ả Rập Saudi.
- Ngày 29 tháng 11 năm 1990: Hội đồng bảo an LHQ cho phép sử dụng tất cả những biện pháp can thiệp nếu Iraq không chịu rút quân ra khỏi Kuwait vào ngày 15 tháng 1 năm 1991.
- Ngày 6 tháng 12 năm 1990: Iraq tuyên bố trả lại tự do cho các con tin người nước ngoài.
- Ngày 9 tháng 1 năm 1991: Ngoại trưởng Mỹ J Baker và ngoại trưởng Iraq Tareq Aziz gặp nhau tại Genève, Thụy Sĩ nhưng không phá vỡ được bế tắc.
- Ngày 13 tháng 1 năm 1991: Tổng thư ký LHQ Javier Pérez de Cuéllar gặp Hussein ở Bagdad nhưng không đạt được tiến bộ cho một giải pháp hoà bình.
- Ngày 15 tháng 1 năm 1991: Nghị quyết của hội đồng bảo an LHQ đề ra thời hạn cuối cùng cho việc Iraq rút khỏi Kuwait.
- Ngày 17 tháng 1 năm 1991: Các lực lượng đa quốc gia bắt đầu mở các cuộc tiến công chống quân đội Iraq chiếm đóng Kuwait.
- Ngày 18 tháng 1 năm 1991: Iraq bắt đầu các cuộc tiến công bằng tên lửa Scud vào Israel và Ả Rập Saudi.
- Ngày 25 tháng 1 năm 1991: Hoa Kỳ nói Iraq đang xả dầu thô vào vùng Vịnh.
- Ngày 30 tháng 1 năm 1991: Lực lượng Iraq và đa quốc gia tiến hành cuộc chiến đấu trên bộ ở thành phố Kháp-gi biên giới Ả Rập Saudi
- Ngày 13 tháng 2 năm 1991: Nhiều dân thường chết trong cuộc oanh kích của không quân Hoa Kỳ vào một hầm trú ẩn ở BaSra.
- Ngày 15 tháng 2 năm 1991: Iraq thông báo sẵn sàng rút khỏi Kuwait nhưng lại gắn với việc đòi Ixraen cũng phải rút khỏi những vùng lãnh thổ đã chiếm đóng của các nước Ả Rập.
- Ngày 21 tháng 2 năm 1991: Tổng thống Saddam Hussein kêu gọi các lực lượng vũ trang và quân đội Iraq chiến đấu tới cùng chống các lực lượng liên minh.
- Ngày 22 tháng 2 năm 1991: Liên Xô và Iraq thoả thuận về đề nghị hoà bình do Liên Xô đưa ra nhưng Hoa Kỳ bác bỏ đề nghị đó và đòi Iraq phải rút quân vào trưa 23 tháng 2 năm 1991.
- Ngày 24 tháng 2 năm 1991: Liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu mở cuộc tiến công trên bộ.
- Ngày 25 tháng 2 năm 1991: Iraq bắn tên lửa vào các doanh trại Quân đội Hoa Kỳ làm chết 28 lính và bị thương nhiều binh sĩ khác.
- Ngày 26 tháng 2 năm 1991: Iraq tuyên bố quân đội sẽ rút khỏi Kuwait vào cuối ngày 26 tháng 2 năm 1991.
- Ngày 27 tháng 2 năm 1991: Hoa Kỳ tuyên bố Kuwait được giải phóng sau gần 7 tháng bị Iraq chiếm đóng và tuyên bố ngừng các cuộc tiến công của đồng minh, bắt đầu có hiệu lực từ 5 giờ GMT ngày 28 tháng 2 năm 1991. Iraq chấp nhận toàn bộ 12 nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
- Ngày 28 tháng 2 năm 1991: Chiến tranh chấm dứt sau khi tổng thống Saddam Hussein ra lệnh ngừng chiến đấu.
Xâm chiếm Kuwait
Rạng sáng ngày 2 tháng 8 năm 1990, quân đội Iraq vượt biên giới Kuwait với bộ binh và xe bọc thép, chiếm các vị trí chiến lược trên toàn bộ Kuwait, gồm cả cung điện Emir. Quân đội Kuwait nhanh chóng bị áp đảo, dù họ cũng kìm chân địch đủ thời gian cho Không quân Kuwait bay sang trốn ở Ả Rập Saudi. Trận đánh dữ dội nhất diễn ra tại Cung Emir, nơi các lực lượng bảo vệ hoàng gia chiến đấu bọc hậu cho gia đình hoàng gia tẩu thoát. Anh (Em) của Emir, là người chỉ huy đội quân đó, nằm trong số người thiệt mạng. Quân đội Iraq cướp bóc các kho thực phẩm và thuốc men dự trữ, giam giữ hàng nghìn dân thường và chiếm quyền kiểm soát đài phát thanh. Đã có nhiều báo cáo về các vụ sát hại, những hành động tàn bạo và những vụ hãm hiếp của quân đội Iraq với thường dân Kuwait. Tuy nhiên, Iraq đã giam giữ hàng nghìn người phương Tây làm con tin và sau đó tìm cách đem họ ra làm vật trao đổi. Sau một khi lập nên chính phủ bù nhìn do Alaa Hussein Ali lãnh đạo một thời gian ngắn, Iraq sáp nhập Kuwait. Sau đó Hussein lập ra một thống đốc tỉnh mới này của Iraq, gọi đó là "sự giải phóng" khỏi chế độ Emir của Kuwait, đây chỉ là một biện pháp tuyên truyền trong chiến tranh.Ngoại giao
Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công đầu tiên, các phái đoàn Kuwait và Hoa Kỳ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp, thông qua Nghị quyết 660, lên án cuộc xâm lược và yêu cầu Iraq rút quân. Ngày 3 tháng 8, Liên đoàn Ả Rập thông qua nghị quyết của riêng mình lên án cuộc xâm lược và đòi Iraq rút quân. Nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập cũng kêu gọi tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột từ bên trong Liên đoàn Ả Rập, và cảnh báo chống lại sự can thiệp từ bên ngoài. Ngày 6 tháng 8, Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 661, áp đặt trừng phạt kinh tế lên Iraq.Quyết định của phương Tây nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược của Iraq thực chất có mục đích chính là để ngăn Iraq xâm lược Ả Rập Saudi, một nước có tầm quan trọng hơn rất nhiều so với Kuwait, như việc Iraq đã làm với Kuwait. Thắng lợi nhanh chóng của quân đội Iraq trước Kuwait khiến quân đội Iraq đã tiến đến rất gần các giếng dầu ở Hama, là nguồn tài nguyên giá trị nhất của Ả Rập Saudi. Việc Iraq kiểm soát được các giếng dầu đó cũng như những nguồn tài nguyên dầu lửa của Iraq và Kuwait sẽ làm cho họ nắm được một phần quan trọng tài nguyên dầu lửa thế giới, chỉ đứng sau chính Ả Rập Saudi. Đặc biệt, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản coi một sự độc quyền tiềm tàng như vậy là rất nguy hiểm. Về mặt địa lý, Ả Rập Saudi là một nước lớn với các khu vực dân cư nằm phân tán và sẽ rất khó khăn để động viên binh lính nhằm chống lại các đội quân Iraq đang được triển khai ở phía nam Kuwait. Rất có khả năng là Iraq sẽ chiếm quyền kiểm soát các giếng dầu ở phía đông nhưng lại khó đoán được khi nào họ sẽ tấn công vào Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi. Các sư đoàn thiết giáp Iraq cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn tương tự như khó khăn mà các lực lượng Ả Rập Saudi được triển khai tới bảo vệ các giếng dầu gặp phải, vì họ cùng phải vượt qua một sa mạc rộng lớn với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Việc này, nếu đã xảy ra, sẽ phải xảy ra dưới bom của không lực Saudi, phần hiện đại hóa nhất của quân đội Saudi.
Iraq có một số bất mãn với Ả Rập Saudi. Mối lo về những khoản nợ nảy sinh từ thời Chiến tranh Iran - Iraq là rất lớn vì Iraq nợ Ả Rập Saudi tới khoảng 26 tỷ đô la Mỹ. Biên giới sa mạc dài giữa hai nước cũng chưa được phân chia rõ ràng. Ngay sau khi có được chiến thắng ở Kuwait, Xát-đam bắt đầu dùng những lời phát biểu để công kích vương triều Ả Rập Saudi. Ông cho rằng vương triều do Mỹ hậu thuẫn đó là kẻ trông coi bất hợp pháp của những thành phố linh thiêng như Mecca và Medina. Xát-đam gộp cả ngôn ngữ của những nhóm Hồi giáo đang chiến đấu ở Ap-ga-nít-xơ-tan thời đó với kiểu phát biểu khoa trương mà Iran từ lâu đã sử dụng để tấn công Ả Rập Saudi. Việc đưa thêm dòng chữ Allahu Akbar (Thánh Ala vĩ đại) vào lá cờ Iraq và những hình ảnh Xát-đam đang cầu nguyện ở Kuwait được coi là một phần của kế hoạch lôi kéo sự ủng hộ từ Nhóm huynh đệ Hồi giáo và chia rẽ nhóm Hồi giáo Mu-gia-hít-đin với Ả Rập Saudi. Khi quân đội phương tây bắt đầu kéo đến nước này, những cuộc tấn công tuyên truyền đó còn leo thang lên mức cao hơn nữa.
Tổng thống George H. W. Bush nhanh chóng thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ tung ra một chiến dịch "bảo vệ toàn diện" nhằm ngăn chặn Iraq tấn công Ả Rập Saudi – "Chiến dịch Lá chắn sa mạc" – và quân đội Hoa Kỳ được chuyển tới Ả Rập Saudi ngày 7 tháng 8. Ngày 8 tháng 8, Iraq tuyên bố một số phần lãnh thổ Kuwait sẽ bị sáp nhập vào quận Basra và phần còn lại trở thành tỉnh thứ 19 của Iraq.
Hải quân Hoa Kỳ huy động hai nhóm tàu chiến, USS Dwight D. Eisenhower và USS Independence tới khu vực, và họ đã ở tình trạng sẵn sàng vào ngày 8 tháng 8. Cũng trong ngày hôm đó, 48 chiếc F-15 thuộc Không lực Hoa Kỳ từ 1st Fighter Wing tại Căn cứ không quân Langley, Virginia, đã hạ cánh xuống Ả Rập Saudi và ngay lập tức bắt đầu tiến hành tuần tra trên những vùng không phận biên giới Ả Rập Saudi và Iraq nhằm ngăn chặn đà tiến của quân đội Iraq. Hoa Kỳ cũng gửi những thiết giáp hạm USS Missouri và USS Wisconsin vào trong vùng, sau này chúng sẽ là những tàu chiến cuối cùng tham gia tích cực vào cuộc chiến. Việc huy động quân sự tiếp tục diễn ra, cuối cùng đã lên tới 500.000 quân. Những nhà phân tích quân sự nhất trí rằng tới tháng 10, quân đội Mỹ trong vùng chưa đủ sức để ngăn chặn cuộc tấn công (nếu có) của Iraq vào Ả Rập Saudi.
Cùng lúc ấy hàng loạt những nghị quyết của Hội đồng bảo an và Liên đoàn Ả Rập được đưa ra về cuộc xung đột. Một trong những nghị quyết quan trọng nhất là Nghị quyết 678 của Liên Hiệp Quốc, thông qua ngày 29 tháng 11, trao cho Iraq hạn chót để rút quân là ngày 15 tháng 1 năm 1991, và cho phép sử dụng "mọi biện pháp cần thiết để duy trì và thực hiện Nghị quyết 660", một công thức ngoại giao có nghĩa là cho phép sử dụng vũ lực.
Hoa Kỳ, đặc biệt là Ngoại trưởng James Baker, tập hợp các lực lượng đồng minh chống lại Iraq, gồm lực lượng từ 34 nước: Afghanistan, Argentina, Australia, Bahrain, Bangladesh, Canada, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Ai Cập, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Honduras, Ý, Kuwait, Maroc, Hà Lan, New Zealand, Niger, Na Uy, Oman, Pakistan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, Ả Rập Saudi, Sénégal, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh và chính Hoa Kỳ. Quân đội Mỹ chiếm 74% trong số 660.000 lính trước chiến tranh. Nhiều lực lượng đồng minh bất đắc dĩ phải tham gia; một số cảm thấy rằng cuộc chiến là công việc nội bộ của Ả Rập, hay lo ngại sự tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Kuwait. Cuối cùng, nhiều nước đã bị thuyết phục khi chứng khiến sự hiếu chiến của Iraq đối với các nước Ả Rập khác, và khi được hứa hẹn viện trợ kinh tế cũng như giảm nợ.
Hoa Kỳ đưa ra nhiều lí do biện minh cho việc dính líu vào cuộc xung đột. Lý lẽ đầu tiên là tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh lâu dài với Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, một số người Mỹ không bằng lòng với cách giải thích đó và khẩu hiệu "Không đổi máu lấy dầu" đã trở thành tiếng kêu thường thấy nhất trong các cuộc biểu tình phản đối từ bên trong nước Mỹ, dù chúng không bao giờ đạt tới tầm cao như phong trào phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam. Lý do tiếp sau cho cuộc chiến là lịch sử vi phạm nhân quyền của Iraq dưới chế độ Tổng thống Saddam Hussein, nguy cơ Iraq có thể phát triển vũ khí hạt nhân hay vũ khí huỷ diệt hàng loạt và rằng "sự gây hấn lộ liễu sẽ không có chỗ đứng" (naked aggression will not stand).
Dù những vụ vi phạm nhân quyền của chính quyền Iraq trước và sau khi xâm chiếm Kuwait được ghi chép rất nhiều, chính phủ Kuwait đã bị ảnh hưởng từ quan điểm của Hoa Kỳ trong một số vấn đề. Ngay sau khi Iraq chiếm Kuwait, tổ chức Các công dân cho một nước Kuwait tự do đã được thành lập ở Mỹ. Nó thuê công ty quan hệ công chúng Hill and Knowlton với giá 11 triệu dollar do chính phủ Kuwait cung cấp. Công ty này bắt đầu tạo ra một chiến dịch miêu tả các binh sĩ Iraq là đã lôi những đứa trẻ ra khỏi lồng ấp trong các bệnh viện Kuwait và để chúng chết dưới sàn. Tuy nhiên, một năm sau luận điệu này đã bị khám phá ra là giả dối. Người đã làm chứng cho việc đó hoá ra là một thành viên của Gia đình hoàng gia Kuwait sống tại Paris khi xảy ra chiến tranh, và vì thế không thể có mặt ở Iraq vào thời điểm xảy ra cái gọi là tội ác. (Xem Nurse Nayirah.)
Nhiều sáng kiến hoà bình đã được đưa ra nhưng không được chấp nhận. Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng những giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được để có hoà bình toàn diện với Iraq, là việc rút quân không điều kiện ra khỏi Kuwait. Iraq nhấn mạnh rằng việc rút quân khỏi Kuwait phải được "gắn liền với" sự rút quân đồng thời của quân đội Syria ra khỏi Liban và quân đội Israel ra khỏi Bờ Tây, Dải Gaza, Cao nguyên Golan, và Nam Liban. Maroc và Jordan đã bị thuyết phục bởi đề xuất này, nhưng Syria, Israel và liên minh chống Iraq phản đối rằng không hề có một mối liên hệ nào giữa những việc trên với vấn đề Kuwait. Syria đã tham gia vào liên quân chống lại Saddam nhưng Israel vẫn chính thức giữ thái độ trung lập dù đã có những cuộc tấn công tên lửa vào thường dân Israel. Chính quyền Bush đã thuyết phục Israel đứng ngoài cuộc chiến với những hứa hẹn về việc tăng cường viện trợ, trong khi Tổ chức giải phóng Palestine dưới quyền lãnh đạo của Yasser Arafat hoàn toàn ủng hộ Saddam Hussein, sau này dẫn tới một sự tuyệt giao trong quan hệ giữa Palestine-Kuwait, dẫn tới sự trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi Kuwait.
Ngày 12 tháng 1 năm 1991 Hạ viện Hoa Kỳ cho phép sử dụng sức mạnh quân sự để trục xuất quân Iraq ra khỏi Kuwait. Ngay sau đó, các nước đồng minh khác cũng làm điều tương tự.
Những nước đã đóng góp lực lượng và tiền của cho liên minh chống Iraq
Đóng góp lực lượng quân sự lớn
- Ai Cập: Khoảng 30000 quân gồm 2 sư đoàn thiết giáp và trên 400 xe tăng
- Pháp 16000 quân bao gồm các trung đoàn pháo, kỵ binh và trực thăng: 40 máy bay chiến đấu; 9 - 10 chiến hạm.
- Ả Rập Saudi: 45000 quân, 500 xe tăng và 300 máy bay chiến đấu. Cam kết đóng góp 16,8 tỷ đô-la và dầu hoả trị giá 1,7 tỷ đô-la.
- Anh trên 40000 quân gồm 25000 lục quân và hàng trăm xe tăng; trên 800 máy bay chiến đấu, 26 chiến hạm.
Đóng góp lực lượng quân sự có ý nghĩa
- Canada: 2200 nhân viên quân sự, 2 tàu khu trục, 24 máy bay phản lực chiến đấu CF - 18. 1 máy bay tiếp dầu CC-137 và 12 máy bay vận tải C-130.
- Đức 71 xe trinh sát phát hiện chất độc hoá học, sinh học cho các lực lượng Mỹ và Anh cùng 200 người điều khiển: 5 tàu quét lôi; 18 máy bay phản lực quân sự ở Thổ. Cam kết đóng góp 6,6 tỷ đô-la.
- Hội đồng hợp tác vùng Vịnh: gồm Kuwait, Ả Rập Saudi, Bahrain, Qatar, các tiểu vương quốc Ả Rập và Oman: khoảng 10000 binh sĩ ở bắc Ả Rập Saudi đặt dưới quyền bộ tư lệnh liên hợp Mỹ Ả Rập Saudi: phi đội MIRAGEF-IE ở Qatar.
- Ý: 10 máy bay chiến đấu TORNPO, 3 tàu Pri-gát; 4 tàu quét lôi và 1 tàu tiếp tế.
- Kuwait: 11500 binh sĩ, 30-40 xe tăng, 15 máy bay MIRAGE; 34 trực thăng, cam kết đóng góp 16 tỷ đô-la.
- Pakistan: 11000 bộ binh đặt dưới quyền chỉ huy của Ả Rập Saudi.
- Tây Ban Nha: cho Mỹ sử dụng 2 sân bay đảm bảo hậu cần cho các phi đội F-16 của Mỹ ở Thổ; 3 tàu Pri-gát.
- Syria: 20000 quân và 300 xe tăng.
- Thổ Nhĩ Kỳ: Cho phép khoảng 100 máy bay chiến đấu Mỹ đến căn cứ INCIRLIK, 3 tàu khu trục, 2 tàu ngầm và 1tàu quét lôi.
Đóng góp lực lượng quân sự tượng trưng
- Afghanistan: 2000 quân Mu-gia-hit-đin.
- Argentina: 100 binh sĩ luc quân, 2 chiến hạm, 2 máy bay.
- Úc: 1 tàu khu trục, 1 tàu Pri-gát, 1 tàu tiếp tế.
- Bangladesh: 2230 binh sĩ cho mục đích phòng thủ.
- Bỉ: 6 máy bay C-130, 1 tàu quét lôi, một số tàu đổ bộ và tiếp tế.
- Bungary: 1 đơn vị công binh lục quân.
- Đan Mạch: 1 chiến hạm hộ tống và một số tàu vận tải.
- Hy Lạp: 150 binh sĩ.
- Maroc: 1300 binh sĩ.
- Hà Lan: Một số tàu Pri-gát, 1 tàu tiếp tế và 1 đơn vị quân y, 40 nhân viên.
- New Zealand: 3 máy bay vận tải, một đội bảo đảm 100 người và một đơn vị y tế.
- Nigeria: 500 binh sĩ.
- Na Uy: 1 xuồng hải quân và 1 số tàu chở quân.
- Sénégal: 500 binh sĩ.
- Sierra Leone: Hứa hẹn đóng góp 200 binh sĩ.
Đóng góp phi quân sự
- Tiệp Khắc: 1 đơn vị tẩy độc hoá học.
- Nhật Bản: Hàng trăm xe việt dã, máy phát điện, dụng cụ y tế và thuốc men, máy điện toán và thiết bị khác. Cam kết đóng góp 13 tỷ đô-la.
- Hungary: hứa hẹn đóng góp 1 đơn vị y tế.
- Ba Lan: 1 đội 17 nhân viên y tế và một bệnh viện nổi.
- Bồ Đào Nha: 1 tàu hậu cần.
- Singapore: 1 đơn vị 35 nhân viên y tế cho một bệnh viện của lục quân Anh.
- Hàn Quốc: 1 đội y tế 154 nhân viên. Cam kết đóng góp 400 triệu đô-la.
- Sri Lanka: cho phép sử dụng sân bay và đi qua hải phận (đối với những tàu tiếp nhiên liệu và máy bay chở hàng không phải là vũ khí).
- Thuỵ Điển: 1 bệnh viện dã chiến 350 giường và 525 nhân viên.
Chiến dịch không quân
Một ngày sau thời hạn chót do Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đặt ra, liên minh tung ra một cuộc tấn công không quân ồ ạt với mật danh "Chiến dịch bão táp sa mạc" với hơn 1.000 lần xuất kích một ngày, bắt đầu từ sáng sớm ngày 17 tháng 1 năm 1991. Năm tiếng đồng hồ sau những cuộc tấn công đầu tiên, đài phát thanh quốc gia Bagdad phát đi một giọng nói được xác định là của Saddam Hussein tuyên bố rằng "Cuộc chiến vĩ đại, cuộc chiến của mọi cuộc chiến đã bắt đầu. Bình minh thắng lợi đã rất gần khi cuộc thử thách cuối cùng đã đến."Những vũ khí được sử dụng trong chiến dịch này gồm các vũ khí dẫn đường chính xác (hay "bom thông minh"), bom bầy, BLU-82 "daisy cutters" và tên lửa hành trình. Iraq trả lời bằng cách phóng 8 tên lửa Scud vào Israel ngày hôm sau. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của liên minh là phá hủy các cơ sở không quân và phòng không của Iraq. Nhiệm vụ này được nhanh chóng hoàn thành và trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến, không quân liên minh hầu như không gặp phải trở ngại nào khi hoạt động. Dù khả năng phòng không của Iraq tốt hơn so với dự đoán, liên minh chỉ thiệt hại một máy bay trong ngày mở màn chiến tranh. Máy bay tàng hình đã được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu tiên này nhằm tránh các hệ thống tên lửa đất đối không SAM dày đặc của Iraq; khi đã phá hủy xong những hệ thống đó, các kiểu máy bay khác có thể được đem ra sử dụng với độ an toàn cao hơn. Đa số các phi vụ tấn công xuất phát từ Ả Rập Saudi và sáu nhóm tàu sân bay của liên minh ở Vịnh Péc-xích.
Các mục tiêu tiếp theo của liên quân là các sở chỉ huy và thông tin. Những nhà lập kế hoạch bên phía liên quân hy vọng sự kháng cự của Iraq sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu hệ thống chỉ huy và liên lạc của họ bị phá huỷ. Trong tuần đầu tiên của chiến dịch không quân Iraq ít khi xuất kích và cũng không gây thiệt hại gì đáng kể, 38 máy bay MiG của Iraq đã bị không quân liên quân bắn hạ. Ngay sau đó, không quân Iraq bắt đầu chạy trốn sang Iran, với khoảng 115 tới 140 chiếc . Cuộc bỏ chạy ồ ạt của không quân Iraq sang Iran khiến các lực lượng liên quân rất kinh ngạc và không kịp phản ứng gì trước khi các máy bay Iraq đã "an toàn" tại các sân bay Iran. Iran không bao giờ trả lại các máy bay đó cho Iraq và chỉ cho phép các phi công trở về nước vào năm sau. Ngày 23 tháng 1, Iraq bắt đầu đổ gần 1 triệu tấn dầu thô xuống vịnh, gây ra vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử.
Giai đoạn thứ ba và là lớn nhất của chiến dịch không quân nhắm tới các mục tiêu quân sự trên khắp Iraq và Kuwait: các bệ phóng tên lửa Scud, các địa điểm vũ khí hủy diệt hàng loạt, những cơ sở nghiên cứu vũ khí và các lực lượng hải quân. Khoảng một phần ba không lực liên quân được dành riêng để tấn công các bệ phóng tên lửa Scud, nằm trên các xe tải và do đó rất khó tìm kiếm để tiêu diệt. Ngoài ra, họ cũng nhắm vào các mục tiêu có thể sử dụng được cho cả mục đích dân sự và quân sự: các nhà máy điện, các lò phản ứng hạt nhân, các thiết bị thông tin liên lạc, các cảng biển, các nhà máy lọc và phân phối xăng dầu, các đường sắt và các cây cầu. Các nhà máy điện trên toàn quốc bị phá huỷ. Tới cuối cuộc chiến, việc sản xuất điện chỉ còn đạt mức 4% so với trước chiến tranh. Bom đã phá hủy tất cả các đập chính, đa số những trạm bơm chính và nhiều nhà máy xử lý nước thải. Một số đội thuộc các lực lượng đặc biệt của Mỹ và Anh được đưa thâm nhập vào phía tây Iraq để tìm kiếm và phá hủy các tên lửa Scud. Tuy nhiên, vì thiếu những điều kiện địa lý thích hợp để ẩn náu khiến các hoạt động của họ gặp nhiều khó khăn và nhiều người đã bị giết hoặc bị bắt giữ.
Trong đa số các trường hợp, liên quân tránh gây thiệt hại tới những cơ sở dân sự thuần tuý. Tuy nhiên, ngày 13 tháng 2 năm 1991, hai quả bom thông minh điều khiển bằng tia laze đã phá hủy lô cốt Amiriyah mà người Iraq cho là nơi tránh bom của thường dân. Các quan chức Mỹ cho rằng lô cốt đó là một trung tâm thông tin quân đội, nhưng các nhà báo phương tây đã không tìm được bằng chứng về việc đó. Trong một báo cáo với nhan đề "Bộ máy nói dối: Thảm kịch của sự lừa đảo", Nhà trắng đã tuyên bố rằng các nguồn tin tình báo của họ cho thấy lô cốt này đang được sử dụng cho mục đích chỉ huy quân sự . Trong cuốn sách của mình, Kẻ chế tạo bom của Saddam, cựu giám đốc chương trình vũ khí hạt nhân của Iraq, người đã đào thoát sang phương tây, ủng hộ giả thuyết rằng lô cốt này được sử dụng cho cả hai mục đích.
Chúng tôi đã tìm người trú ẩn nhiều lần tại lô cốt.... Nhưng nó luôn bị bịt kín.... Lô cốt có vô tuyến, vòi nước uống, máy phát điện riêng, và trông đủ vững chắc để chống lại các loại vũ khí thông thường. Nhưng tôi đã thôi tìm cách vào trong, bởi một đêm tôi đã nhận ra vài chiếc limousine đen chạy ra chạy vào qua cánh cổng ngầm ở phía sau. Tôi hỏi những người ở xung quanh và được trả lời rằng đó là một trung tâm chỉ huy. Sau khi xem xét nó kỹ càng hơn, tôi đã cho rằng có thể nó là căn cứ điều hành riêng của Xát-đam.Iraq đã tung ra các cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ của liên quân tại Ả Rập Saudi và Israel, với hy vọng buộc Israel tham gia cuộc chiến và các nước Ả Rập khác rút lui khỏi nó. Chiến thuật này tỏ ra không hiệu quả. Israel không tham gia vào liên quân, và tất cả các nước Ả Rập ở lại với liên quân trừ Jordani, về mặt chính thức vẫn giữ thái độ trung lập. Các tên lửa Scud nói chung là gây ra rất ít thiệt hại, dù nó cũng đã một lần chứng minh được sức mạnh vào ngày 25 tháng 2 với 28 người Mỹ đã thiệt mạng khi một tên lửa Scud phá hủy doanh trại của họ tại Dhahran. Những tên lửa Scud nhắm vào Israel không có hiệu quả bởi vì khi tăng tầm bắn, tên lửa Scud bị giảm đi rất nhiều về độ chính xác và khả năng sát thương. Ngày 29 tháng 1, Iraq dùng xe tăng, bộ binh tấn công và chiếm thành phố Khafji của Ả Rập Saudi lúc ấy dang được bảo vệ bởi một số lính thủy đánh bộ trang bị vũ khí hạng nhẹ. Tuy nhiên, Trận Khafji đã kết thúc khi quân Iraq phải lùi bước trước các lực lượng Ả Rập Saudi được các lính thủy đánh bộ và không quân Mỹ yểm trợ hai ngày sau đó. Ngay sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, Khafji đã trở thành một thành phố có vị trí chiến lược. Sự chậm chạp của Iraq khi đưa các sư đoàn thiết giáp vào Khafji và sau đó dùng nơi này làm bàn đạp để tiến vào phần phía đông được bảo vệ kém cỏi của Ả Rập Saudi là một sai lầm lớn về chiến lược. Nếu làm được như vậy, Iraq không chỉ kiểm soát được phần lớn những nguồn cung cấp dầu ở Trung Đông mà sau đó còn đe dọa được lực lượng quân Mỹ triển khai dọc theo các đường chiến tuyến.
Hiệu quả của chiến dịch không quân là đã làm thiệt hại mười phần trăm toàn bộ lực lượng quân sự Iraq được triển khai trên sa mạc. Chiến dịch này cũng ngăn chặn một cách có hiệu quả việc tiếp tế của Iraq cho những đơn vị đồn trú chiến đấu phía trước, và khiến số quân đông đảo (450.000) người không thể tập trung lại được và là nhân tố căn bản dẫn đến thắng lợi.
Chiến dịch không quân có một tác động rõ nét trên các mưu mẹo mà các bên xung đột về sau này sử dụng. Họ không tập trung quân đội để đối mặt với quân Mỹ mà phân tán các sư đoàn ra, ví dụ Các lực lượng Serbia tại Kosovo. Các bên tham chiến cũng giảm bớt khoảng cách tiếp tế hậu cần và diện tích vùng bảo vệ. Điều này đã được thấy trong Chiến tranh Afghanistan khi quân Taliban rút lui khỏi những vùng đất rộng lớn về giữ những cứ điểm mạnh của họ. Điều này giúp tăng cường tập trung quân đội và giảm bớt khoảng cách tiếp tế. Chiến thuật này cũng được sử dụng trong cuộc tấn công của Iraq khi các lực lượng Iraq rút lui khỏi miền bắc Kurdistan thuộc Iraq vào trong các thành phố.
Chiến dịch trên bộ
Ngày 22 tháng 2 năm 1991, Iraq đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn do Liên Xô đề xuất. Thỏa thuận kêu gọi Iraq rút quân khỏi những vị trí mà họ đã chiếm trong ba tuần sau khi ngừng bắn hoàn toàn, và đề xuất việc theo dõi ngừng bắn và rút quân sẽ do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc giám sát. Hoa Kỳ phản đối đề nghị này nhưng nói rằng việc rút quân của Iraq sẽ không bị tấn công, và trao cho Iraq hai mươi bốn giờ để rút các lực lượng quân đội.Ngày 24 tháng 2, các lực lượng do Mỹ cầm đầu bắt đầu "Chiến dịch cát sa mạc" (Desert Sand), phần trên mặt đất của chiến dịch của họ. Ngay sau đó, lính thủy đánh bộ Mỹ và các đồng minh Ả Rập của họ thâm nhập sâu vào Kuwait, thu thập hàng nghìn quân Iraq đang tan rã, đã suy yếu và mất tinh thần sau chiến dịch ném bom ồ ạt của liên quân. Vài ngày sau chiến dịch, Thành phố Kuwait được giải phóng bởi các đơn vị thuộc quân đội Kuwait.
Cùng lúc ấy, Quân đoàn VII Hoa Kỳ tung ra cuộc tấn công ồ ạt bằng xe bọc thép vào Iraq, từ phía tây Kuwait, khiến quân Iraq hoàn toàn bất ngờ. Sườn trái của đội quân này được Sư đoàn bọc thép hạng nhẹ số 6 của Pháp bảo vệ (gồm cả các đơn vị của Tiểu đoàn Lê dương Pháp), và sườn phải bởi Sư đoàn thiết giáp số 1 Hoàng gia Anh. Khi liên quân đã thâm nhập sâu vào lãnh thổ Iraq, họ quay sang phía đông, tung ra những cuộc tấn công vào lực lượng Vệ binh cộng hoà Iraq. Những trận chiến xe tăng nổ ra khi Vệ binh cộng hòa tìm cách rút lui, khiến cho liên quân chiến thắng mà chỉ bị thương vong ở mức thấp nhất.
Khi Iraq đã quyết định rằng họ sẽ không tiến về phía các giếng dầu phía đông của Ả Rập Saudit, thì không có lí do gì để các lực lượng Iraq triển khai xa hơn nữa về phía nam Thành phố Kuwait với số lượng lớn. Quyết định triển khai một lực lượng khá đông đảo quân dọc theo biên giới Kuwait càng làm tăng khoảng cách tiếp tế của quân Iraq một cách không cần thiết. Thứ hai, khi đã quyết định triển khai quân dọc biên giới, việc mở rộng nó ra càng khiến nguy cơ bị tấn công ồ ạt vào sườn. Quả thực người Iraq không có đủ lực lượng để giữ một mặt trận đủ dài dọc theo biên giới Kuwait và tây nam Iraq. Vì thế việc cấp thiết là việc triển khai quân và thu hẹp mặt trận chỉ ở phía nam Thành phố Kuwait và mở rộng tới vùng ngoại ô Basra. Iraq chỉ có một lợi thế tuyệt đối trước lực lượng liên quân ở số lượng và chất lượng pháo binh. Đa số các đơn vị pháp binh Iraq được kéo bằng xe và vì thế không thích ứng tốt với việc phát triển mở rộng. Điều này cũng có nghĩa là Iraq muốn làm chậm sự di chuyển của quân địch và giao chiến dọc theo các giới tuyến không dễ dàng bị chọc thủng hay đánh ngang sườn.
Đà tiến của liên quân mau lẹ hơn những tướng lĩnh Hoa Kỳ trông đợi. Ngày 26 tháng 2, quân đội Iraq bắt đầu rút khỏi Kuwait, đốt cháy các giếng dầu mà họ bỏ lại. Một đoàn quân Iraq dài dằng dặc rút lui dọc theo đường cao tốc Iraq-Kuwait. Đoàn quân này bị liên quân tấn công liên tục tới mức nó được gọi là "Xa lộ chết". Một trăm giờ sau khi chiến dịch trên bộ bắt đầu diễn ra, Tổng thống Bush tuyên bố một sự ngừng bắn và ngày 27 tháng 2 tuyên bố rằng Kuwait đã được giải phóng.
Cả hai phía có số quân gần tương đương nhau - xấp xỉ 540.000 bên liên quân và xấp xỉ 545.000 bên Iraq. Một đội quân Thổ Nhĩ Kỳ gồm 100.000 người đang được triển khai dọc biên giới chung Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Điều này khiến quân đội Iraq bị phân tán thêm vì buộc phải triển khai quân dọc theo biên giới với tất cả các nước (trớ trêu thay, chỉ trừ phía biên giới với đối thủ cũ là Iran). Điều này cho phép cuộc tấn công mạnh mẽ của Hoa Kỳ không chỉ có được một sự vượt trội về kỹ thuật mà cả về số lượng.
Điều ngạc nhiên nhất của chiến dịch trên bộ là tỷ lệ thương vong thấp của liên quân. Điều này vì quân Iraq không thể tìm ra một biện pháp phản công thích hợp đối với những ống nhòm hồng ngoại và loại đạn năng lượng động lực từ các xe M1 Abrams. Phương tiện này cho phép những chiếc xe tăng liên quân chiến đấu và tiêu diệt một cách hiệu quả các xe tăng Iraq từ khoảng cách xa gấp ba lần khoảng cách có thể tác chiến của xe tăng Iraq. Các lực lượng Iraq cũng không thể lợi dụng ưu thế có thể có từ việc sử dụng chiến thuật chiến tranh đô thị - chiến đấu bên trong Thành phố Kuwait, có thể gây ra những thương vong đáng kể đối với các lực lượng tấn công. Chiến tranh trong thành phố làm giảm tầm chiến đấu và vì thế giảm bớt ưu thế công nghệ của liên quân. Điều này đã được chứng minh gần đây trong những trận đánh giữa các lực lượng Mỹ và những kẻ nổi dậy Iraq trong môi trường đô thị sau Cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Các ranh giới của địa lý đô thị, và sự hiểu biết mà những kẻ tấn công không thể có được, sẽ làm giảm lợi thế của liên quân và khả năng tiêu diệt ở tầm xa của họ.
Kết thúc các hoạt động chiến tranh
Một hội nghị hòa bình đã được Liên quân tổ chức trên vùng lãnh thổ Iraq bị chiếm đóng. Tại hội nghị, Iraq được phép sử dụng các máy bay trực thăng vũ trang trong phía biên giới lãnh thổ nước mình, bề ngoài là để vận chuyển các quan chức chính phủ do những thiệt hại đã phải hứng chịu của hệ thống vận chuyển công cộng. Một thời gian ngắn sau, những chiếc trực thăng đó - và đa số các lực lượng vũ trang Iraq - lại quay sang phục vụ mục tiêu chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy của người Shiite ở phía nam. Tại phía bắc, các lãnh đạo người Kurd tin tưởng vào những lời tuyên bố của Hoa Kỳ rằng họ sẽ ủng hộ một cuộc nổi dậy và bắt đầu chiến đấu, với hy vọng thực hiện được một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, khi những giúp đỡ của Mỹ còn chưa tới nơi, các tướng lĩnh Iraq còn trung thành đã đàn áp dã man quân đội người Kurd. Hàng triệu người Kurd đã phải chạy qua các vùng núi để đến những vùng người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Những vụ xung đột đó sau này đã dẫn tới việc thành lập những vùng cấm bay ở cả phía bắc và phía nam Iraq. Tại Kuwait, gia đình Emir được tái lập và những kẻ bị cho là cộng tác với Iraq bị đàn áp. Cuối cùng, hơn 400.000 người đã bị trục xuất khỏi đất nước, gồm một số lượng lớn người Palestine (vì sự ủng hộ và hợp tác của họ với Saddam Hussein).Có một số chỉ trích chính quyền Bush về quyết định của họ cho phép Saddam Hussein tiếp tục giữ quyền lực, chứ không tiếp tục tấn công chiếm Baghdad và sau đó lật đổ chính phủ của ông ta. Trong một cuốn sách viết chung năm 1998 tựa đề, "Một thế giới đã thay đổi" (A World Transformed), Bush và Brent Scowcroft đã đưa ra lý lẽ rằng một sự tấn công như vậy sẽ làm tan vỡ lực lượng Liên quân và sẽ gây ra nhiều tổn thất chính trị và nhân mạng không cần thiết đi cùng với nó.
Năm 1992, Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh, Dick Cheney, cũng đưa ra quan điểm tương tự :
“ | Tôi tự hỏi nếu
chúng ta đã tiến vào đó, thì hôm nay các lực lượng của chúng ta vẫn
đang ở Baghdad. Chúng ta sẽ điều hành đất nước. Chúng ta sẽ không thể
rút bớt quân ra và không thể đưa bất kỳ ai về nước.
Và điểm cuối cùng mà tôi nghĩ là cần phải đưa ra vấn đề về thương
vong. Tôi không nghĩ rằng bạn có thể thực hiện điều đó mà không có thêm
tổn thất khá lớn của phía Hoa Kỳ. Và trong khi tất cả mọi người đều rất
ấn tượng trước mức độ tổn thất nhỏ của cuộc xung đột (1991), đối với 146
người Mỹ thiệt mạng trong khi thi hành nhiệm vụ và đối với gia đình họ,
đó không phải là một cuộc chiến ít tổn thất. Và câu hỏi trong đầu tôi là bao nhiêu thương vong thêm nữa của Hoa Kỳ sẽ tương xứng với giá trị của Saddam (Hussein)? Và câu trả lời là nó chẳng đáng gì lắm. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta đã làm đúng, cả khi chúng ta quyết định trục xuất ông ta khỏi Kuwait, và khi tổng thống đưa ra quyết định rằng chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu của mình và chúng ta sẽ không sa lầy vào đó khi tìm cách chiếm và cai quản Iraq. |
” |
Ngày 10 tháng 3 năm 1991, Chiến dịch bão táp sa mạc bắt đầu dời 540.000 quân Mỹ ra khỏi Vịnh Péc xích.
10 nguyên nhân thất bại của Iraq
- Chiến tranh không có mục đích chính nghĩa.
- Họ bị cô lập không chỉ bằng cuộc cấm vận triệt để. Họ đã hầu như không có đồng minh, ngay cả trong vùng xảy ra chiến sự.
- Vẫn tồn tại những vấn đề dân tộc nghiêm trọng, thiếu cơ sở dân tộc và nhân dân khi phát động chiến tranh.
- Tiến hành một loạt hình chiến tranh không phù hợp.
- Không chú ý kết hợp chặt chẽ nguyên tắc với sách lược, quân sự và chính trị.
- Lực lượng vệ binh cộng hoà trên thực tế, chưa bao giờ tỏ ra thiện chiến.
- Nếu họ đã quyết tâm lựa chọn giải pháp quân sự và quyết tâm chiếm giữ Kuwait trong mục đích của mình thì họ đã không khôn ngoan khi để cho đối phương triển khai binh lực một cách dễ dàng.
- Lực lượng không quân đã bị tổn thất nặng lại bỏ trốn sang Iran trong khi rất thiếu lực lượng phòng không đi cùng thì kết cục tất yếu (con chủ bài) xe tăng, thiết giáp chỉ còn là những miếng mồi ngon cho không quân đối phương.
- Liên quân do Hoa Kỳ đứng đầu đã thành công lớn trong các hoạt động nghi binh quy mô, thì đây lại là một sự yếu kém không thể tha thứ của các cơ quan tình báo Iraq.
- Iraq đã không biết rút ra các bài học từ cuộc chiến tranh trước với Iran. Điều này có thể thấy rõ qua việc Iraq đã tái phạm các sai lầm, được kể trong mục này ở các nguyên nhân thứ nhất thứ ba và thứ bảy.[1]
Thương vong
Thương vong của liên minh
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo là các lực lượng Hoa Kỳ có 148 binh sĩ tử trận, cộng một phi công được ghi nhận là mất tích (hài cốt đại úy phi công Michael Scott Speicher người được coi là mất tích đã được tìm thấy vào tháng 7 năm 2009 tại vùng núi hẻo lánh ở miền tây Iraq) (145 người Mỹ chết vì tai nạn). Vương quốc Anh có 24 binh sĩ tử trận, Pháp 2, và các quốc gia Ả Rập có tổng cộng 39 thương vong.[2]Thiệt hại nặng nhất trong một vụ đối với lực lượng liên quân xảy ra ngày 25 tháng 2 năm 1991 khi một hoả tiễn Al-Hussein của Iraq đánh trúng trại lính Mỹ tại Dhahran, Ả Rập Saudi giết chết 28 quân trù bị Hoa Kỳ đến từ tiểu bang Pennsylvania.
Con số bị thương trên chiến trường dường như là khoảng 776, gồm có 467 người Mỹ.[3]
Khoảng 30% trong số 700.000 nam và nữ phục vụ trong lực lượng Hoa Kỳ tại Chiến tranh vùng Vịnh vẫn chịu nhiều hội chứng trầm trọng mà nguyên nhân vẫn chưa được hiểu rõ.[4]
Phỏng đoán trước chiến tranh
Trước chiến tranh, các giới chức của Lầu Năm Góc đã phỏng đoán con số thương vong của liên quân sẽ là vào khoảng 30.000-40.000 người.Viện Dupuy trước Quốc hội Hoa Kỳ đã tiên đoán rằng con số thương vong sẽ dưới 6.000. Họ đã dùng mô hình TNDM mà tận dụng các dữ liệu lịch sử từ các cuộc chiến trước để tiên đoán con số thương vong (mô hình đã tận dụng các yếu tố về con người thí dụ như tinh thần và họ tiên đoán rằng sẽ có rất ít các sư đoàn của Iraq chịu kháng cự).
Thương vong của Iraq
Ước đoán ngay vào lúc đó cho rằng có đến 100.000 người Iraq bị thiệt mạng. Hiện tại ước đoán rằng Iraq bị thiệt hại nhân mạng là khoảng từ 20.000 đến 35.000. Tuy nhiên, các con số khác thì vẫn cứ cho rằng con số người thiệt mạng có thể cao đến 200.000.[5]Một báo cáo do Không quân Hoa Kỳ uỷ nhiệm đã ước tính là có khoảng từ 10.000-12.000 binh sĩ Iraq tử trận trong chiến dịch của không quân và khoảng 10.000 thương vong trong cuộc chiến trên bộ.[6] Sự phân tích này dựa vào các báo cáo về tù binh chiến tranh Iraq.
Chính phủ Iraq tuyên bố có khoảng 2.300 thường dân thiệt mạng trong chiến dịch của không quân, đa số người chết là do một cuộc không kích bằng máy bay tàng hình F-117 vào một nơi mà được tin là trung tâm thông tin liên lạc của Iraq tại Baghdad nhưng cũng là nơi phục vụ như một nơi trú ẩn máy bay.
Theo Dự án nghiên cứu các sự chọn lựa khác cho quốc phòng thì có đến 3.664 thường dân Iraq và khoảng 20.000 đến 26.000 binh sĩ bị giết chết trong cuộc xung đột này.
Chi phí
Chi phí chiến tranh của Hoa Kỳ do Hạ viện tính toán là $61,1 tỷ. Các nguồn khác ước tính lên tới $71 tỷ. Khoảng $53 tỷ trong số đó do các nước khác chi trả: $36 tỷ do Kuwait, Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh khác; $16 tỷ bởi Đức và Nhật Bản (hai nước này không gửi lực lượng chiến đấu vì các điều khoản trong các hiệp ước chấm dứt Thế chiến thứ hai). Khoảng 25% số đóng góp của Ả Rập Saudi được thanh toán dưới hình thức các dịch vụ cung cấp cho lực lượng liên quân như thực phẩm và vận chuyển. Nhiều lý lẽ cho rằng Ả Rập Saudi còn cung cấp cả gái mại dâm sau này đã được chứng minh là không chính xác.Quân đội Mỹ chiếm 74% tổng lực lượng liên quân, và vì thế tổng chi phí của họ cũng cao hơn. Anh, ví dụ, chi $4,1 tỷ trong cuộc chiến này.
Truyền thông
Chiến tranh vùng Vịnh là cuộc chiến được truyền hình ở mức độ rất cao. Lần đầu tiên tất cả mọi người trên thế giới đều có thể theo dõi trực tiếp hình ảnh các tên lửa lao vào các mục tiêu và các máy bay chiến đấu cất cánh từ các tàu sân bay. Các lực lượng liên quân rất nhiệt tình thể hiện mức độ chính xác các vũ khí của họ.Tại Hoa Kỳ, nhóm "bộ ba lớn" điều hành mạng lưới tin tức đưa tin về cuộc chiến: Peter Jennings của ABC, Dan Rather của CBS và Tom Brokaw của NBC dẫn các chương trình thông tin buổi tối của họ khi các cuộc tấn công đã bắt đầu ngày 16 tháng 1, 1991. Phóng viên của ABC News Gary Shepard, bình luật trực tiếp từ Baghdad, nói với Jennings về sự tĩnh lặng của thành phố. Nhưng nhiều tháng sau, Shepard đã tái xuất hiện với những ánh chớp có thể được nhìn thấy ở chân trời và những vạch lửa đạn xung quanh trên mặt đất. Trên kênh CBS, khán giả có thể theo dõi bản tin của phóng viên Allen Pizzey, cũng đưa tin từ Baghdad, khi cuộc chiến bắt đầu. Sau khi bản tin kết thúc lại có tin rằng có những tin tức chưa được kiểm chứng về những vụ nổ tại Baghdad hoạt động không quân mạnh tại các căn cứ ở Ả Rập Saudi. Trong bản tin "NBC Nightly News", phóng viên Mike Boettcher thông báo về những hoạt động không quân không thường xuyên ở Dhahran. Vài phút sau, Brokaw nói với khán giả rằng cuộc tấn công không quân đã bắt đầu. Nhưng chính kênh CNN được nhiều người theo dõi nhất. Các phóng viên CNN, John Holliman và Peter Arnett cùng CNN phóng viên thường trú Bernard Shaw đã thông báo qua điện thoại từ Khách sạn Al-Rashid khi những cuộc không kích bắt đầu. Báo chí khắp thế giới đều đưa tin về cuộc chiến và Tạp chí TIME đã xuất bản một số đặc biệt ngày 28 tháng 1, 1991, dòng tít "CHIẾN TRANH VÙNG VỊNH" nổi bật ngoài trang bìa với bức ảnh chụp Baghdad khi cuộc chiến bắt đầu.
Chính sách của Hoa Kỳ về tự do báo chí có hạn chế hơn so với ở Chiến tranh Việt Nam. Chính sách này đã được giải thích rõ trong một tài liệu của Lầu năm góc tên là Annex Foxtrot. Đa số những thông tin báo chí có được đều từ những cuộc họp báo ngắn của quân đội. Chỉ những nhà báo được lựa chọn mới được phép tới mặt trận hay tiến hành các cuộc phỏng vấn binh sĩ. Những cuộc viếng thăm đó luôn được tiến hành với sự hiện diện của các sĩ quan, và sau đó đều phải được sự cho phép của quân đội và bộ phận kiểm duyệt. Điều này bề ngoài là để bảo vệ các thông tin nhạy cảm khỏi bị tiết lộ cho Iraq nhưng trên thực tế là để ngăn chặn tiết lộ các thông tin gây rắc rối về chính trị. Chính sách này bị ảnh hưởng nhiều từ những kinh nghiệm sau Chiến tranh Việt Nam, được cho rằng đã gây ra nhiều rò rỉ dẫn tới sự chống đối từ bên trong nước Mỹ.
Cùng lúc ấy, việc đưa tin nhanh nhạy về cuộc chiến là rất mới mẻ. Nhiều nhà báo Mỹ vẫn ở lại thủ đô Baghdad của Iraq trong suốt cuộc chiến, và cảnh tên lửa bay đến được chiếu ngay lập tức trên những bản tin vô tuyến buổi tối và trên các kênh tin tức qua truyền hình cáp như CNN. Một đoàn phóng viên của kênh CBS News (David Green và Andy Thompson), được trang bị thiết bị truyền thông tin vệ tinh đã tới mặt trận và truyền trực tiếp những hình ảnh cuộc chiến đang diễn ra. Họ tới Thành phố Kuwait một ngày trước khi các lực lượng liên quân tiến vào và truyền trực tiếp những hình ảnh các lực lượng Ả Rập (và các nhà báo khác!) tiến vào đó trong ngày hôm sau.
Hậu quả
Theo sau những cuộc nổi dậy ở miền Nam và miền Bắc, các vùng cấm bay đã được thiết lập để bảo vệ người Shi'ite ở miền Nam và người Kurd ở miền Bắc. Những vùng cấm bay này (bắt đầu từ vĩ tuyến 36 Bắc và vĩ tuyến 32 Nam) chủ yếu do Mỹ và Anh kiểm soát, mặc dù Pháp cũng có tham gia ít nhiều. Cấu kết với nhau, họ đã thực hiện những chuyến bay thanh sát trong vòng 11 năm sau khi kết thúc chiến sự còn nhiều hơn cả trong thời kỳ chiến tranh. Những chuyến thanh sát này đã dội bom gần như mỗi ngày vào tên lửa đất đối không và súng cao xạ được dùng để bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, lượng bom lớn nhất đã được sử dụng trong hai chiến dịch kéo dài: Chiến dịch Tấn công sa mạc, kéo dài trong nhiều tuần từ tháng 9 năm 1996, và Chiến dịch Con cáo sa mạc, tháng 12 năm 1998. Chiến dịch Kiểm soát miền Bắc, vùng cấm bay trong khu vực người Kurd, đã cho phép người dân tập trung vào tăng cường an ninh và phát triển cơ sở hạ tầng, điều này đã được phản ánh sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein năm 2003, khu vực này đã phát triển và ổn định hơn (khi so sánh với các vùng khác của Iraq trong Chiến dịch Giải phóng Iraq). Trái lại, Chiến dịch Kiểm soát miền Nam, đã không thành công trong việc tạo cho người Shi'ite cơ hội xây dựng và kiến thiết như vậy.Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề trên diện rộng trong suốt thời kỳ chiến sự đã gây mất mát cho người dân Iraq. Nhiều năm sau chiến tranh lượng điện sản xuất ra vẫn chỉ đạt một phần tư mức trước cuộc chiến. Việc phá hủy các nhà máy xử lý nước khiến nước thải bị đổ trực tiếp xuống sông Tigris, và dân cư lại lấy nước ở đây để sinh hoạt dẫn tới sự phát sinh dịch bệnh trên diện rộng. Những khoản vốn tài trợ từ phía các nước phương Tây nhằm giải quyết vấn đề này bị chính quyền Saddam sử dụng để duy trì quyền kiểm soát quân sự của mình.
Trừng phạt kinh tế vẫn được duy trì nhiều năm sau chiến tranh vì lý do từ những cuộc thanh sát vũ khí mà Iraq chưa bao giờ hợp tác đầy đủ. Sau này Iraq được Liên Hiệp Quốc cho phép nhập khẩu một số hàng hóa theo chương trình Đổi dầu lấy lương thực. A 1998 bản báo cáo của UNICEF cho thấy những biện pháp trừng phạt khiến con số tử vong ở nước này tăng thêm 90.000 người mỗi năm. Nhiều người cho rằng các biện pháp trừng phạt Iraq và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ả Rập Saudi góp phần làm xấu đi hình ảnh của Mỹ trong thế giới Ả Rập.
Một Cao Ủy Đặc Biệt Liên Hiệp Quốc (UNSCOM) về vũ khí đã được lập ra để giám sát việc tuân thủ của Iraq với các quy định về vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo. Iraq chỉ chấp nhận một số yêu cầu và từ chối các cuộc thanh sát vũ khí khác. Đội thanh tra đã tìm ra một số bằng chứng về các chương trình vũ khí sinh học tại một địa điểm và một số vi phạm tại nhiều địa điểm khác.
Năm 1997, Iraq trục xuất toàn bộ các thành viên người Mỹ bên trong phái đoàn thanh sát vũ khí, cáo buộc rằng Hoa Kỳ đã lợi dụng họ làm gián điệp; các thành viên của UNSCOM thường có những cuộc tiếp xúc với các cơ quan tình báo để cung cấp các thông tin về các địa điểm tàng trữ vũ khí. Đội thanh sát vũ khí tiếp tục quay lại Iraq trong giai đoạn 1997 và 1999 và còn gặp nhiều rắc rối hơn nữa; một thành viên trong đội thanh sát, Scott Ritter thuộc Hải quân Hoa Kỳ đã từ chức năm 1998, cho rằng chính quyền Clinton đang cản trở các cuộc thanh sát vì họ không muốn đối đầu thực sự với Iraq. Năm 1999, đội thanh sát được thay thế bởi UNMOVIC, cơ quan này bắt đầu tiến hành công việc từ năm 2002. Năm 2002, Iraq - và đặc biệt là Saddam Hussein - trở thành mục tiêu trong Cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ, dấn tới cuộc Xâm lược Iraq năm 2003, do Hoa Kỳ và, ở tầm vóc thấp hơn, Anh lãnh đạo.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (quân đội nước này có nhiều mặt tương đồng với quân đội Iraq) rất ngạc nhiên trước khả năng kỹ thuật Hoa Kỳ trên trận địa. Thắng lợi mau chóng của liên quân khiến quân đội Trung Quốc phải thay đổi toàn diện tư tưởng quân sự của mình và bắt đầu một phong trào hiện đại hóa bên trong Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Một hậu quả chủ chốt của Chiến tranh vùng Vịnh, theo Gilles Kepel, là sự hồi sinh rõ rệt của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Việc chế độ Saddam bị lật đổ không khiến các nhóm Hồi giáo ủng hộ nhiều. Tuy nhiên, việc này, cùng với liên minh giữa Ả Rập Saudi và Hoa Kỳ, bị coi là cùng phía với Israel càng làm chính phủ Ả Rập Saudi mất uy tín trong nước. Hoạt động của các nhóm Hồi giáo chống lại chính quyền Ả Rập Saudi tăng lên dữ dội. Trong một nỗ lực nhằm lấy lại hình ảnh của mình, Ả Rập Saudi đã chi thêm tiền cho những nhóm ủng hộ chính phủ. Chính phủ Ả Rập Saudi đã chi tiền phát hàng triệu cuốn Qur'an cho dân các nước mới độc lập ở vùng Trung Á và xây dựng hàng trăm thánh đường Hồi giáo cho những nhóm cực đoan. Tại Afghanistan chính quyền Ả Rập Saudi trở thành người bảo trợ hàng đầu cho Taliban trong cuộc nội chiến ở nước này, và là một trong những quốc gia duy nhất chính thức công nhận chính phủ đó.
Hội chứng vùng Vịnh
Nhiều binh sĩ liên quân quay trở về từ chiến trường thông báo về các loại bệnh gặp phải sau khi tham chiến, một hiện tượng được gọi là Hội chứng vùng Vịnh. Có nhiều nghiên cứu và bất đồng về các nguyên nhân gây ra hội chứng đó cũng như những ảnh hưởng của nó đối với trẻ sơ sinh (số lượng trẻ sinh ra trong các gia đình binh lính với các khiếm khuyết tương tự nhau hay những bệnh tật nghiêm trọng lên tới 67%, theo một cuộc nghiên cứu do Sở Cựu chiến binh Hoa Kỳ tiến hành ). Một báo cáo xuất bản năm 1994 của Văn phòng Giải trình Chính phủ cho rằng quân đội Mỹ đã đối diện với 21 loại "chất độc liên quan tới sinh sản" tiềm tàng. Một số nguyên nhân bị chỉ ra là tiếp xúc với các vật liệu phóng xạ, khói dầu, và các loại vắc xin bệnh than sản xuất quá nhanh dùng cho binh sĩ (các loại vắc xin thường cần phải trải qua quá trình sản xuất vài tháng).Hậu quả của chất urani đối với sức khoẻ
Năm 1998, các bác sĩ của chính phủ Iraq đã báo cáo rằng việc liên quân sử dụng urani nghèo đã gây ra hàng loạt vụ khuyết tật ở trẻ sơ sinh và ung thư trong dân chúng Iraq, đặc biệt là bệnh bạch cầu. Các bác sĩ của chính phủ cho rằng họ không có đủ bằng chứng cho thấy có mối quan hệ giữa urani nghèo với những vụ khuyết tận trẻ sơ sinh bởi vì những biện pháp trừng phạt đã khiến họ không thể có được các thiết bị thử nghiệm cần thiết. Vì thế, một đội bác sĩ của Tổ chức sức khỏe thế giới đã tới Basra và đề xuất một cuộc nghiên cứu để điều tra lý do gây ra tỷ lệ ung thư cao ở miền nam Iraq, nhưng Saddam đã từ chối.Tuy nhiên, Tổ chức sức khỏe thế giới đã có thể tiếp cận với những nguy cơ đối với sức khỏe của urani nghèo tại những địa điểm đã xảy ra chiến tranh nhờ một phái đoàn năm 2001 tới Kosovo. Một báo cáo năm 2001 của WHO về urani nghèo đã kết luận: "bởi vì urani nghèo chỉ là phóng xạ yếu, cần phải hít vào những khối lượng rất lớn bụi (ở mức độ gam) để có thể tăng nguy cơ ung thư phổi ở mức độ có thể nhận thấy trong một nhóm nguy cơ. Những nguy cơ về ung thư phóng xạ khác gồm bệnh bạch cầu, được coi là thấp hơn rất nhiều so với ung thư phổi." Hơn nữa, "không có những tác động liên tục hay tiến triển đã được báo cáo ở người" vì lý do chịu tác động của urani nghèo .
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã xuất bản một cuốn sách về urani nghèo. Nó tuyên bố: "Tổ chức sức khỏe thế giới và các nghiên cứu khoa học khác đã cho thấy urani nghèo không gây ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khoẻ" và "urani nghèo không gây ra khuyết tật ở trẻ sơ sinh. Quân đội Iraq sử dụng các vũ khí hóa học và thần kinh trong thập kỷ 1980 và 1990 có thể là nguyên nhân gây ra cái gọi là khuyết tật ở trẻ em Iraq." Về những buộc tội gây ra ung thư, cuốn sách của Hoa Kỳ cho rằng "theo những chuyên gia về sức khỏe môi trường, về mặt y tế không thể coi việc nhiễm bệnh bạch cầu như là kết quả của việc chịu tác động của urani hay urani nghèo", và "tỷ lệ ung thư trong số 19.000 công nhân công nghiệp tiếp xúc với urani nghèo ở mức độ cao tại các dự án ở Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge trong giai đoạn 1943 và 1947 đã được xem xét, và việc tăng tỷ lệ ung thư không hề được quan sát thấy cho tới tận năm 1974. Các nghiên cứu dịch tễ học khác về ung thư phổi tại các công nhân làm việc tại nhà máy urani và nhà máy gia công thép không cho thấy tỷ lệ tăng bất thường hay sự liên quan tới những chất sinh ung thư khác đã được biết ngoài urani, như radon."
Tuy nhiên, một số lời buộc tội về tác động đó rất nghiêm trọng bởi vì vũ khí chứa urani nghèo có thể vỡ ra thành những hạt nhỏ khi nó chạm mục tiêu. Trên thực tế, những nghiên cứu tổng quát nhất gần đây bởi The Royal Society, một nhóm ái hữu với hơn 1400 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và giáo sư đã tìm thấy rằng urani nghèo đưa lại những nguy cơ cao về sức khỏe cho dân thường cũng như binh lính .
Kỹ thuật
Các loại Vũ khí dẫn đường chính xác (PGMs, cũng được gọi là "bom thông minh"), như tên lửa AGM-130 của Không lực Hoa Kỳ được dự đoán sẽ trở thành các vũ khí chính cho phép các cuộc tấn công quân sự diễn ra với những tổn thất dân sự nhỏ nhất so với các cuộc chiến trước đó. Những căn nhà cụ thể ở các khu đông dân tại Baghdad có thể bị tấn công trong khi các nhà báo quan sát các tên lửa hành trình lao tới mục tiêu đó từ khách sạn của họ. Các vũ khí dẫn đường chính xác chiếm gần 7.4% toàn thể số bom liên minh sử dụng. Các loại bom khác gồm bom chùm có thể vỡ ra thành nhiều quả bom nhỏ, và những quả bom BLU-82 nặng 15.000 pound có thể phá huỷ mọi vật trong bán kính hàng trăm yard.Tên lửa Scud là tên lửa đạn đạo chiến thuật do Liên bang xô viết phát triển và từng triển khai cho những sư đoàn Hồng Quân tại Đông Đức. Vai trò của các tên lửa Scud được trang bị đầu đạn hạt nhân và đầu đạn hoá học là tiêu diệt các cơ sở thông tin, trung tâm chỉ huy và làm trì hoãn quá trình động viên quân đội của Tây Đức cũng như các lực lượng Đồng Minh tại Đức. Nó cũng được sử dụng để tiêu diệt trực tiếp các lực lượng mặt đất. Các tên lửa Scud sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, còn hoạt động khi động cơ còn hoạt động. Iraq đã sử dụng các tên lửa Scud, phóng chúng tới cả Ả rập Xê út và Israel. Một số quả gây ra nhiều thương vong, số còn lại không gây hậu quả nặng nề. Đã có lo ngại việc Iraq có thể lắp các đầu đạn hoá học hay sinh học lên các tên lửa đó, nhưng nếu các đầu đạn đó có tồn tại, chúng cũng chưa từng được sử dụng. Mọi người tin rằng các tên lửa Scud không hữu dụng khi mang các đầu đạn hoá học bởi nhiệt độ cao trong quá trình bay ở tốc độ gần Mach 5 làm biến tính đa số các chất hoá học mang theo. Các vũ khí hoá học vốn thích hợp hơn khi được vận chuyển bằng máy bay ném bom hoặc các tên lửa hành trình. Tên lửa Scud thích hợp để mang các đầu đạn hạt nhân, một vai trò nó vẫn còn đảm nhận tới tận ngày nay, như mục tiêu thiết kế ban đầu.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Hoa Kỳ lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu. Thời điểm ấy, quân đội Hoa Kỳ tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa này có hiệu suất thành công rất cao chống lại tên lửa Scud, đảm bảo an toàn cho liên quân. Nhưng những ước tính sau này về tính hiệu quả của Patriot rất khác biệt, thấp nhất có thể ở mức 0%. Hơn nữa, ít nhất đã xảy ra một vụ lỗi phần mềm gây tổn thất nhân mạng. [21] Những bằng chứng giải mật về hiệu quả ngăn chặn tên lửa Scud còn thiếu nhiều. Các con số ước tính hiệu quả cao dựa trên phần trăm số đầu đạn tên lửa Scud được biết đã tới mục tiêu hoặc đã nổ so với số lượng tên lửa Scud được bắn đi, nhưng các yếu tố khác như đầu đạn không nổ, bắn trượt vân vân không được tính vào đó. Một số phiên bản tên lửa Scud được sửa đổi động cơ vượt trên mức chịu đựng thiết kế thường bị cho là trượt mục tiêu hoặc nổ tung khi đang bay. Những ước tính thấp nhất thường dựa trên số lượng những lần bắn chặn và có bằng chứng cho thấy đầu đạn đã bị ít nhất một tên lửa bắn trúng, nhưng vì cách thức các tên lửa Al-Hussein (gốc từ Scud) nổ khi đang bay đến mục tiêu rất khó giải thích vì khó có thể biết đâu là mảnh đầu đạn và có ít dữ liệu ghi lại những lần dò tìm radar còn được lưu trữ cho phép phân tích về sau này. Thực tế hiệu lực thật sự của hệ thống còn là một bí mật trong nhiều năm nữa. Quân đội Hoa Kỳ và các nhà sản xuất vẫn cho rằng hệ thống Patriot đã "hoạt động tuyệt diệu" trong Chiến tranh Vùng Vịnh.
Các đơn vị Hệ thống định vị toàn cầu đóng vai trò chủ chốt trong việc hoa tiêu dẫn đường cho quân đội vượt sa mạc. Hệ thống cảnh báo và kiểm soát trên không (AWACS) cũng như các hệ thống thông tin vệ tinh cũng có vai trò quan trọng.
Xem thêm
- Các giải thưởng quân sự trong Chiến tranh Vùng Vịnh
- Chiến tranh Iraq
- Cuộc xâm lược Iraq năm 2003
- Những vũ khí được bán cho Iraq giai đoạn 1973-1990
- Trận 73 hướng đông
- Trận Al Busayyah
- Trận Medina Ridge
- Trận Norfolk
- Chiến tranh Vùng Vịnh đã không xảy ra
- Hội chứng Chiến tranh Vùng Vịnh
- Thời gian biểu khủng hoảng giải giáp Iraq 1990-1996, 1997-2000, 2001-2003
- Xung đột Trung Đông
- Lịch sử quân sự
- Lịch sử quân sự Hoa Kỳ
- Xa lộ chết
Những bộ phim về Chiến tranh vùng Vịnh
- Three Kings (Ba vua)
- Live From Baghdad (Trực tiếp từ Baghdad)
- Courage Under Fire
- Bravo Two Zero
- Jarhead
Đọc thêm
- Felicity Arbuthnot. Allies Deliberately Poisoned Iraq Public Water Supply In Gulf War September 17, 2000. Sunday Herald (Scotland)
- Rick Atkinson and Ann Devroy. U.S. Claims Iraqi Nuclear Reactors Hit Hard Jan 12, 1991. Washington Post.
- Mitchell Bard. The Gulf War. Jewish virtual library.
- BBC News. Timeline: War in the Gulf August 2000.
- William Blum. Killing Hope: U.S. Military and CIA Interventions Since World War IIISBN 1-56751-052-3 1995. Common Courage Press.
- Christoper Bolkom and Jonathan Pike. Attack Aircraft Proliferation: Areas for Concern
- Miland Brown. First Persian Gulf War[29]
- Daniel Forbes. Gulf War crimes? May 15, 2000. Salon Magazine.
- T. M. Hawley. Against the Fires of Hell: The Environmental Disaster of the Gulf War. 1992. ISBN 0-15-103969-0.
- Dilip Hiro. Desert Shield to Desert Storm: The Second Gulf War. 1992. Routledge.
- Ronald Andrew Hoskinson and Norman Jarvis. Gulf War Photo Gallery 1994.
- Gilles Kepel. "From the Gulf War to the Taliban Jihad." Jihad: The Trail of Political Islam. 2002.
- Allan Little. Iraq coming in from the cold? December 1, 1997. BBC.
- John MacArthur. Independent Policy Forum Luncheon Honoring
- Alan Munro. Arab Storm: Politics and Diplomacy Behind the Gulf War I.B. Tauris. 2006. ISBN 1-84511-128-1.
- Naval Historical Center. The United States Navy in Desert Shield/Desert Storm May 15, 1991.
- Larry A. Niksch and Robert G. Sutter. Japan's Response to the Persian Gulf Crisis: Implications for U.S.-Japan Relations May 23, 1991. Congressional Research Service, Library of Congress.
- Paul William Roberts, The Demonic Comedy: In the Baghdad of Saddam Hussein
- Micah Sifry and Christopher Cerf. The Gulf War Reader. 1991. ISBN 0-8129-1947-5.
- Jean Edward Smith, George Bush's War, New York: Henry Holt & Company, 1992.
- Peter Turnley. The Unseen Gulf War (photo essay) December 2002.
- Paul Walker and Eric Stambler. ...and the dirty little weapons 1991. Bulletin of the Atomic Scientists, Vol 47, Number 4.
- Andre Gunder Frank. Third World War in the Gulf: A New World Order May 20, 1991. Political Economy Notebooks for Study and Research, no. 14, pp. 5–34.
- PBS Frontline. The Gulf War:an in-depth examination of the 1990-1991 Persian Gulf crisis
- Report to Congress on the Conduct of the Persian Gulf War, Chapter 6
Chú thích
- ^ Newsweek tuần 4 tháng 3-1991
- ^ Gulf War Facts, CNN. Được truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2007.
- ^ Persian Gulf War, MSN Encarta. Được truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2007.
- ^ Is an Armament Sickening U.S. Soldiers?, Associated Press. Được truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2007.
- ^ Robert Fisk, The Great War For Civilisation; The Conquest of the Middle East (Fourth Estate, 2005), p.853.
- ^ Keaney, Thomas; Eliot A. Cohen (1993). Gulf War Air Power Survey. United States Dept. of the Air Force. ISBN 0-16-041950-6.
Tham khảo
Ghi chú
- ^ Có nhiều con số khác nhau về số quốc gia tham gia trong Liên minh tùy theo nguồn. Sự khác nhau có thể là do không có tiêu chuẩn vệ độ tham gia. Ví dụ về các con số các nhau: an Arab anti-Gulf War essay - 31; CNN - 34; an Arab media site - 36; the Heritage Foundation (a US conservative thinktank citing a 1991 Department of Defense report) - 38; US Institute of Medicine report on Gulf War Veterans' Health - 39. Số thành viên Liên minh có thể thấp đến 19 vào lúc đầu chiến dịch oanh tạc.
- ^ “U.S. Army Professional Writing”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “- Arms transfers to Iraq, 1970-2004”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “U.S. Army Professional Writing (See above)”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Senator Riegle's Report”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Shaking Hands with Saddam Hussein”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “T-NSIAD-91-13 Iraq's Participation in the Commodity Credit Corporation's GSM-102/103 Export Credit Guarantee Programs”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “U.S. Army Professional Writing (See above)”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “More U.S. Exports to Iraq?, by John Haldane, Nov. 26, 1984”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Search Results - THOMAS (Library of Congress)”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “http://www.fas.org/irp/offdocs/nsd/nsd26.pdf”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Iraqi Air Force Equipment - Introduction”. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Apparatus of Lies: Crafting Tragedy”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “"Cheney changed his view on Iraq", by Charles Pope, Seattle Post-Intelligencer, September 29, 2004”. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “frontline: the gulf war: appendix: Iraqi death toll”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “WHO: Depleted Uranium”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2003. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Fact Sheet on the Health Effects of Depleted Uranium”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Gulf War Veterans and Depleted Uranium”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Royal Society: Science issues: Depleted uranium”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Project Censored Media democracy in action”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Conclusions”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Allies Deliberately Poisoned Iraq Public Water Supply In Gulf War”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “U.S. Claims Iraqi Nuclear Reactors Hit Hard”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “The Gulf War”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Timeline: War in the Gulf”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Killing Hope: U.S. Military and CIA Interventions Since World War II”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 9 năm 2000. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Attack Aircraft Proliferation: Areas for Concern”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “First Persian Gulf War”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Gulf War crimes?”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Gulf War Photo Gallery”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Iraq coming in from the cold?”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Independent Policy Forum Luncheon Honoring”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - “The United States Navy in Desert Shield/Desert Storm”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Japan's Response to the Persian Gulf Crisis: Implications for U.S.-Japan Relations”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “The Unseen Gulf War (photo essay)”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “...and the dirty little weapons”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Third World War in the Gulf: A New World Order”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “The Gulf War:an in-depth examination of the 1990-1991 Persian Gulf crisis”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp) - ^ “Report to Congress on the Conduct of the Persian Gulf War, Chapter 6”. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ
|accessyear=
(trợ giúp)
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Chiến tranh vùng Vịnh |
- Desert-Storm.com Online Community For Desert-Storm Veterans. Information resource about the war.
- Congressional Research Service (CRS) Reports regarding the Gulf War
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
No comments:
Post a Comment