CNM365 Chào ngày mới 2 tháng 10. Wikipedia Ngày này năm xưa. Ngày quốc tế bất bạo động; Gandhi Jayanti (hình) tại Ấn Độ; ngày độc lập tại Guinée (1958). Năm 945 – Quân Nam Đường chiếm được kinh thành Kiến châu của Mân, Hoàng đế Mân Vương Diên Chính đầu hàng. Năm 1535 – Nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier đi ngược dòng sông Saint-Laurent tới làng Hochelaga của người Iroquois, nay thuộc Montréal, Canada. Năm 1936 – Khánh thành tuyến đường sắt xuyên Đông Dương nối giữa Hà Nội và Sài Gòn, được người Pháp xây dựng từ năm 1898. Năm 1941 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Quân đội Đức bắt đầu tiến hành một cuộc tiến công tổng lực nhằm vào thủ đô Moskva của Liên Xô.
Mahatma Gandhi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mục từ "Gandhi" dẫn đến bài này. Xin đọc về các nghĩa khác tại Gandhi (định hướng).
Mahatma Gandhi | |
---|---|
Ảnh Mahatma Gandhi năm 1931 |
|
Sinh | 2 tháng 10, 1869 Porbandar, Kathiawar Agency, Ấn Độ |
Mất | 30 tháng 1, 1948 (78 tuổi) New Delhi, Ấn Độ |
Nguyên nhân mất | Ám sát |
Nơi an táng | Mohandas Karamchand Gandhi |
Quốc tịch | Ấn Độ |
Tên khác | Cam Địa |
Nổi tiếng vì | Đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ |
Đảng phái chính trị | Quốc dân Đại hội Ấn Độ |
Tín ngưỡng | Ấn Độ giáo |
Con cái | Harilal Manilal Ramdas Devdas |
Cha mẹ | Putlibai Gandhi (Mẹ) Karamchand Gandhi (Cha) |
Chữ ký | |
Từ lúc lãnh đạo cuộc đấu tranh giành tự do và đứng đầu đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ (Indian National Congress) năm 1918, ông được hàng triệu dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là Mahātmā, nghĩa là "Linh hồn lớn", "Vĩ nhân" hoặc "Đại nhân". Danh hiệu có gốc tiếng Phạn này được triết gia và người đoạt giải Nobel văn chương Rabindranath Tagore dùng lần đầu khi đón chào Gandhi tại Mumbai (hay Bombay) ngày 9 tháng 1 năm 1915. Mặc dù Gandhi không hài lòng với những cách gọi tôn vinh nhưng đến ngày nay, danh hiệu Mahātmā Gāndhī vẫn thường được dùng hơn tên Mohandas Gāndhī trên thế giới. Ngoài việc được xem là một trong những môn đồ Ấn Độ giáo và những nhà lãnh đạo Ấn Độ vĩ đại nhất, ông còn được nhiều người Ấn tôn kính như một Quốc phụ (gọi theo tiếng Hindi là Bapu). Ngày sinh của ông, 2 tháng 10, là ngày lễ quốc gia của Ấn Độ. Năm 2007, Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lấy ngày 2 tháng 10 là Ngày Quốc tế Bất Bạo động."[1][2]
Bằng phương tiện bất hợp tác, Gandhi đã dẫn khởi nền độc lập Ấn Độ, đưa nước mình thoát sự đô hộ của Anh, khích lệ những người dân bị đô hộ khác phấn đấu cho nền độc lập của nước nhà và đả đảo triệt để Đế quốc Anh. Nguyên lí Chấp trì chân lí của Gandhi (có gốc tiếng Phạn: satya là "chân lí" và ā-graha là "nắm lấy", "nắm chặt"), cũng thường được dịch là "con đường chân thật", "truy tầm chân lí", đã cảm kích những người chủ trương hành động giành tự do như Đạt-lại Lạt-ma Đăng-châu Gia-mục-thố (Tenzin Gyatso), Lech Wałęsa, Stephen Biko, Aung San Suu Kyi và Nelson Mandela. Tuy nhiên, không phải tất cả những nhà lãnh đạo nêu trên đều theo nguyên tắc bất bạo lực và bất kháng cự khắt khe của Gandhi.
Gandhi thường nói là nguyên tắc của ông đơn giản, lấy từ niềm tin truyền thống của Ấn Độ giáo: Chân lí (satya) và bất bạo lực (ahiṃsā). Chính ông nói rằng: "Tôi chẳng có gì mới mẻ để dạy đời. Chân lí và bất bạo lực đều có từ xưa nay".
Mục lục
Thời niên thiếu
Mohandas Karamchand Gandhi[3] sinh trong một gia đình Ấn Độ giáo thuộc cộng đồng Modh (một nhóm thương gia ở Gujarat), tại Porbandar, bang Gujarat, Ấn Độ vào năm 1869.[4] Ông là con của Karamchand Gandhi, một người giữ chức "diwan" (có thể gọi là "Tổng bộ trưởng") của Porbandar, và bà Putlibai, người vợ thứ tư của Karamchand, theo Ấn Độ giáo phái thờ thần Tì-thấp-nô (sa. vaiṣṇava). Nữ thủ tướng Ấn Độ sau này, Indira Gandhi, và con trai của bà, Rajiv Gandhi, không bà con gì với Gandhi.Lớn lên với một bà mẹ sùng tín Tì-thấp-nô trong một môi trường được ảnh hưởng bởi những người theo Kì-na giáo tại Gujarat, Gandhi sớm cảm nhận nguyên tắc bất hại, ăn chay, phương pháp nhịn ăn để thanh lọc tâm thức cũng như sự khoan dung lẫn nhau của các tín đồ và tông phái. Ông sinh ra trong giai cấp thứ ba của xã hội Ấn là Phệ-xá (sa. vaiśya, giai cấp thương gia). Tháng 5 năm 1882, vào tuổi 13, ông cưới cô Kasturba Makharji, 14 tuổi, qua một sự mai mối.[5] Hai ông bà sau có bốn con trai: Harilal Gandhi, sinh năm 1888; Manilal Gandhi, sinh năm 1892; Ramdas Gandhi; sinh năm 1897 và Devdas Gandhi, sinh năm 1900.[5]
Gandhi là một sinh viên trung bình tại Porbandar và sau đó là tại Rajkot. Ông đậu khoá thi vào Đại học Mumbai năm 1887 với số điểm vừa đủ, và vào học viện Samaldas tại Bhavnagar. Tuy nhiên, ông không lưu ở đây lâu vì gia đình muốn ông trở thành luật sư để giữ truyền thống nắm quyền cao tại Gujarat.[6] Không cảm thấy thú vị tại học viện Samaldas, Gandhi liền nắm thời cơ du học nước Anh, một nước được ông xem là "quốc gia của những triết gia và thi nhân, trung tâm đích thực của nền văn minh".
Vào tuổi 19, Gandhi vào Đại học College London (một trường thuộc Đại học London) học ngành luật. Trong thời gian tại London, thủ đô của đế quốc, ông chịu ảnh hưởng của lời nguyện với bà mẹ trước mặt một vị tăng Kì-na giáo là Becharji, đó là giữ giới luật Ấn Độ giáo không ăn thịt và uống rượu sau khi rời Ấn Độ. Mặc dù đã thử bắt chước văn minh người Anh, ví dụ như học nhảy, nhưng Gandhi không ăn được thịt cừu và cải bắp bà chủ nhà trọ nấu cho mình.[7] Bà chỉ ông đến một trong những tiệm chay hiếm hoi tại London thời đó.[8] Nhưng thay vì đơn thuần làm toại nguyện bà mẹ, ông đọc sách và đổi sang ăn chay ngay trên phương diện tri thức. Ông vào "Hội người ăn chay", được cử làm uỷ viên ban chấp hành và lập ra một nhánh địa phương của nó. Về sau, ông cho rằng công việc này đã giúp ông thu thập những kinh nghiệm giá trị trong việc quản lí và duy trì một tổ chức. Một số người ăn chay ông đã gặp là thành viên của hiệp hội Thần Trí học (hoặc Thông Thiên học), được bà Helena Petrovna Blavatsky thành lập vào năm 1875 để hỗ trợ tình người năm châu. Những nhà Thần Trí học này chuyên tâm nghiên cứu kinh điển Phật giáo và Ấn Độ giáo. Họ khuyến khích Gandhi đọc Chí Tôn ca.[8] Mặc dù từ trước đây không tỏ vẻ hứng thú về tôn giáo, ông bắt đầu đọc những tác phẩm nói về Ấn Độ giáo, Kitô giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác.
Ông trở về Ấn Độ sau khi được phép làm luật sư vào tháng 6 năm 1891, và khi trở về ông mới biết mẹ mình đã qua đời, và gia đình đã giấu kín chuyện này.[8] Thành tựu của ông trong việc mở văn phòng luật sư tại Mumbai chỉ hạn chế vì thời đó có rất nhiều người làm nghề này và Gandhi không phải là một luật sư năng nổ tại pháp tòa. Ông nộp đơn xin dạy bán thời gian tại trường trung học Mumbai, nhưng bị từ chối. Cuối cùng, ông trở về Rajkot sống một cuộc sống khiêm tốn bằng cách soạn lời thỉnh nguyện cho những người tố tụng, nhưng rồi cũng phải đình chỉ công việc này vì xung đột với một quan viên người Anh. Trong tự truyện của mình, Gandhi miêu tả sự kiện này như một sự cố gắng du thuyết không kết quả vì lợi ích của người anh trai. Dưới bầu không khí này (1893), ông chấp nhận một hợp đồng lâu dài của một công ty Ấn Độ, nhậm chức tại Natal, Nam Phi.[9]
Phong trào vận động quyền công dân tại Nam Phi
Vào thời điểm này, Gandhi là một người trầm tính, khiêm cung không chú tâm về chính trị. Ông đọc báo lần đầu tiên năm lên 18 và thường run sợ khi bước ra tòa thuyết trình. Nam Phi đã biến đổi ông một cách sâu sắc khi ông chứng kiến sự hạ nhục và đàn áp mà cộng đồng Ấn Độ thường phải chịu đựng nơi đây. Vào một ngày, khi quan tòa thành phố Durban yêu cầu Gandhi gỡ khăn xếp (turban) trên đầu, ông từ chối và hùng hồn bước ra khỏi tòa. Một bước ngoặt trong cuộc đời thường được các truyện kí thừa nhận - có thể xem là chất xúc tác cho chủ nghĩa hành động của ông - xảy ra ít lâu sau, khi ông bắt đầu một cuộc hành trình đến Pretoria.[10] Ông bị vất ra khỏi xe lửa tại Pietermaritzburg sau khi từ chối chuyển từ toa xe hạng nhất đến toa hạng ba, vốn thường được những người da màu sử dụng mặc dù đã mua vé hạng nhất.[11] Không lâu sau, trong cuộc hành trình bằng xe ngựa, ông bị người lái xe đánh vì từ khước nhường chỗ cho một du khách châu Âu.[12] Ông cũng kham chịu nhiều khổ đau khác như bị loại ra nhiều khách sạn vì chỉ màu da của mình. Kinh nghiệm này khiến Gandhi quan sát kĩ hơn những thống khổ người đồng hương phải chịu đựng tại Nam Phi trong thời gian ông làm việc tại Pretoria.[13] Chính trong thời gian tại Nam Phi, qua sự chứng kiến tận mắt chế độ kì thị chủng tộc, thành kiến và bất công, Gandhi bắt đầu thám vấn địa vị trong xã hội của những người đồng hương và của chính mình.Khi hợp đồng làm việc chấm dứt, Gandhi thu xếp trở về Ấn Độ. Tuy nhiên, trong buổi tiệc tiễn đưa tại Durban, ông tình cờ đọc một bài báo nói về một dự thảo pháp luật được Hội đồng lập pháp Natal đề nghị nhằm loại bỏ quyền bầu cử của người di dân Ấn Độ. Khi đưa việc này ra thảo luận với những người đồng hương, họ than không đủ kiến thức để phản đối dự thảo và khẩn khoản yêu cầu Gandhi ở lại giúp họ. Ông phổ biến một số kiến nghị đến cả hai, Viện Lập Pháp Natal và chính quyền Anh để phản đối dự thảo. Mặc dù không ngăn được việc dự thảo này được duyệt, cuộc đấu tranh của ông đã thành công trong việc soi rọi những điểm bất bình của người Ấn tại Nam Phi. Những người hỗ trợ thuyết phục ông lưu lại Durban để tiếp tục đấu tranh chống sự bất công được áp dụng đối với người Ấn tại đây. Ông lập Hội nghị Ấn Độ tại Natal năm 1894 và chính mình giữ vai bí thư. Qua tổ chức này, ông đã chuyển hóa cộng đồng người Ấn tại Nam Phi thành một lực lượng chính trị hỗn tạp, làm tràn ngập chính quyền cũng như báo chí với những lời trần thuật về sự bất mãn của người Ấn và những bằng chứng của sự kì thị nơi người Anh tại Nam Phi.
Năm 1896, Gandhi trở về Ấn Độ với mục đích mang vợ con sang Nam Phi. Năm 1897, khi trở lại Nam Phi, ông bị một nhóm bạo lực da trắng tấn công và tìm cách sát hại bằng tư hình. Như một dấu hiệu đầu tiên của thước đo nội tâm ảnh hưởng đến những cuộc đấu tranh sau này, Gandhi khước từ việc tố cáo bất cứ cá nhân nào của nhóm bạo lực, nói rằng việc không tìm sự bồi thường tại tòa án dựa trên cơ sở lỗi lầm cá nhân là một trong những nguyên tắc chính của ông.
Khi Chiến tranh Nam Phi bắt đầu, Gandhi chủ trương là người Ấn phải hỗ trợ chiến tranh để hợp pháp hóa yêu cầu trở thành công dân chính thức. Ông tổ chức một nhóm tình nguyện cứu thương gồm 300 người Ấn Độ và 800 người làm mướn. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, tình trạng của người Ấn tại Nam Phi không khả quan hơn, vẫn tiếp tục sa đoạ. Năm 1906, chính quyền Transvaal công bố một pháp án mới, bắt người Ấn Độ của thuộc địa phải kí chứng. Tại một cuộc biểu tình lớn được tổ chức tại Johannesburg vào tháng 9 ngay trong năm đó, Gandhi lần đầu áp dụng nguyên tắc Chấp trì chân lí và đấu tranh bất bạo lực, khuyên các người đồng hương phản bác luật mới và chịu đựng hình phạt để thực hiện việc này thay vì phản kháng bằng phương tiện bạo lực. Dự án này được áp dụng, dẫn đến một cuộc tranh đấu kéo dài 7 năm với hơn 7000 người Ấn bị bắt giam (trong đó có Gandhi, bị bắt bỏ tù nhiều lần), đánh đập, thậm chí bị bắn vì đình công, từ chối không kí chứng, đốt giấy kí chứng hoặc tham gia những cuộc kháng cự bất bạo động khác. Mặc dù chính quyền thành công trong việc đàn áp những người Ấn phản đối, tiếng thét gào của công chúng trước những phương pháp tàn bạo được áp dụng bởi chính quyền Nam Phi cho những người phản đối yên lặng hòa bình này cuối cùng đã bắt buộc tướng Jan Christian Smuts luận bàn một phương án thoả hiệp với Gandhi.
Trong những năm sống tại Nam Phi, Gandhi đã lấy cảm hứng từ quyển Chí Tôn ca cũng như những tác phẩm của Lev Nikolayevich Tolstoy (đặc biệt là quyển "Thiên đường nằm trong Bạn"), người đã trải qua một sự chuyển biến tôn giáo sâu sắc với niềm tin vào một dạng "chủ nghĩa vô chính phủ" của Kitô giáo. Gandhi dịch bài "Thư gửi đến một môn đồ Ấn Độ giáo" (A Letter to a Hindu) của Tolstoi, được viết vào năm 1908 để phản ứng những đồng hương Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc một cách hung bạo. Hai người viết thư cho nhau cho đến khi Tolstoi mất vào năm 1910. Bức thư của Tolstoi dùng triết học Ấn Độ có nguồn từ các Phệ-đà và những lời khuyên của Hắc thiên để hướng đến phong trào chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ đang tiến triển. Gandhi cũng bị ảnh hưởng lớn qua tiểu luận nổi danh của Henry David Thoreau là "Sự không phục tòng của công chúng". Những năm lưu trú tại Nam Phi với tư cách một người chủ trương hành động chuyên về xã hội chính trị chính là thời kì những khái niệm và kĩ thuật của phương pháp bất hợp tác và phản đối bất bạo lực được phát triển. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, ông quyết định trở về Ấn Độ, mang theo tất cả những gì ông đã học được từ những kinh nghiệm tại Nam Phi.
Phong trào đấu tranh giành độc lập Ấn Độ
Champaran và Kheda
Những thành tích lớn đầu tiên của Gandhi xảy ra vào năm 1918 với cuộc kích động tại Champaran và phong trào Chấp trì chân lí tại Kheda mặc dù ông chỉ thực hiện trên mặt danh nghĩa trong trường hợp thứ hai và người chính chủ đạo là Sardar Vallabhbhai Patel, cánh tay phải của Gandhi. Tại Champaran, một khu vực nằm trong tiểu bang Bihar, ông tổ chức cuộc kháng cự cùng với hơn 10.000 nông dân không có đất, nông nô và những nông gia nghèo khổ có số lượng đất không đáng kể. Họ bị ép buộc phải trồng indigo và những nông sản bán được trên thị trường thay vì gieo trồng những loại cung cấp thực phẩm cần thiết cho sự sinh tồn của họ. Bị đàn áp bởi dân binh của điền chủ (phần lớn là người Anh), họ được trả công rất ít nên cuộc sống rất vất vả cơ hàn. Thôn làng của họ rất dơ bẩn, thiếu vệ sinh. Những vấn đề như uống rượu, kì thị dân ti tiện (untouchable) và khăn che (purdah) ngày càng lan tràn. Giờ đây, ngay trước một cuộc chống đói kinh hoàng, thực dân Anh lại đưa ra một loại thuế tàn ác, cứ y vào sự gia tăng theo chu kì mà thu thuế. Tình thế rất tuyệt vọng và tại Kheda, bang Gujarat thì sự việc nhìn chung cũng không khác.Gandhi lập một Già-lam tại đó, tổ chức một nhóm người bao gồm người giúp cố cựu và người mới từ địa phương. Ông tổ chức một công trình nghiên cứu để có được một tổng quan về các thôn làng, xem xét những sự tàn bạo và những tình tiết thống khổ bao gồm những trạng thái thoái hóa của cuộc sống nói chung. Lập cơ sở trên lòng tự tin của người làng, Gandhi bắt đầu chỉnh lí các thôn xóm, lập trường học và bệnh viện, khuyến khích chủ làng xoá bỏ những việc hủ nát như phân biệt tiện dân, bắt phụ nữ mang khăn che và áp chế họ.
Nhưng cuộc phát động có tổ chức đầu tiên của Gandhi xảy ra khi ông bị cảnh sát bắt giam với lí do gây bạo động và được yêu cầu rời địa phương này. Hàng trăm nghìn người biểu tình chống đối, vây quanh nhà giam, các trạm cảnh sát và quan tòa đòi trả tự do lại cho ông, một sự việc pháp tòa không muốn nhưng sau cũng phải thực hiện. Gandhi đứng đầu những cuộc biểu tình có tổ chức chống lại điền chủ, và họ, dưới sự lãnh đạo của chính quyền Anh, đã kí một hiệp định đảm bảo trả lương cao hơn và kiểm soát việc cho nông dân nghèo địa phương thuê đất, xoá bỏ việc tăng thuế cũng như việc thu thuế đến khi nạn đói chấm dứt. Chính trong thời gian kích động này, Gandhi được quần chúng tôn xưng là Bapu (người cha già dân tộc) và Mahātmā (tâm hồn vĩ đại). Tại Kheda, Patel đại diện các nông gia trong những cuộc thương lượng với chính quyền Anh với kết quả là họ tạm dừng thu thuế, đảm bảo trợ cấp. Tất cả những người bị tù đều được thả ra. Danh tiếng Gandhi từ đây như một ngọn lửa lan truyền khắp nước và ông đã trở thành năng lực ảnh hưởng nhất định trong phong trào chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ.
Phát động phong trào bất hợp tác
Dự thảo pháp luật Rowlatt được duyệt năm 1919, cho phép chính phủ bắt giam những người bị vu khống gây loạn mà không cần đưa ra tòa duyệt. Gandhi và đảng Quốc dân Đại hội tổ chức những cuộc biểu tình lớn phản đối và đình công, và tất cả những cuộc phản đối này đều được tổ chức rất hòa bình trên khắp nước. Tất cả những thành phố và thị xã lớn đều đóng cửa; các hoạt động cơ quan chính phủ đều phải được quân đội đảm nhiệm. Hàng nghìn người bị bắt giam, lệnh giới nghiêm được áp dụng ở nhiều vùng của Ấn Độ. Tại Punjab, cuộc đại tàn sát ở Amritsar với 379 người dân bị giết bởi quân đội Anh và Ấn Độ đã gây chấn thương nặng nề cho đất nước, gia tăng phẫn oán nơi quần chúng cũng như những hành vi bạo lực.Gandhi phê bình cả hai, hành vi của người Anh và bạo lực phục thù của người Ấn. Ông viết một bài phân ưu cùng với những nạn nhân Anh và lên án những cuộc bạo động. Bài này ban đầu bị phản đối trong đảng, nhưng được chấp thuận sau một bài thuyết giảng của Gandhi mà trong đó, ông đề cao nguyên tắc là tất cả những hành vi bạo lực đều có hại, không thể được biện minh[14]. Người Ấn không mang tội vì sự kì thị của người Anh, và không nên trừng phạt công dân Anh vô tội.
Nhưng sau cuộc tàn sát lớn và bạo lực này, Gandhi nhận thức được là không chỉ người Ấn chưa được chuẩn bị cho việc kháng cự số đông, mà sự cai trị của người Anh đích thật tàn ác và nó có bản chất là đàn áp. Gandhi giờ đây chú tâm đến việc giành quyền tự trị và quyền quản lí tất cả những cơ quan chính quyền Ấn Độ, vươn đến trạng thái tự chủ (svarāj), nghĩa là sự tự chủ toàn vẹn về mặt cá nhân, tâm linh và chính trị.
Tháng 4 năm 1920, Gandhi được bầu làm chủ tịch hội Liên hiệp Tự trị Toàn Ấn Độ (All India Home Rule League). Ông được trao uy quyền chấp hành trong đảng Quốc dân Đại hội tháng 12 năm 1921. Dưới sự lãnh đạo của Gandhi, Quốc dân Đại hội được tổ chức lại với một hiến pháp mới có mục đích là tự chủ. Ai cũng có thể trở thành đảng viên sau khi đóng một lệ phí trên danh nghĩa. Một tổ chức có giai cấp của các uỷ ban được thành lập nhằm cải thiện kỉ luật và kiểm soát những phong trào từ trước đến giờ không có định hình và khuếch tán, chuyển biến đảng từ một tổ chức tinh duệ số ít thành một đảng lớn với sức lôi cuốn toàn quốc. Gandhi mở rộng mặt trận bất bạo lực, bao gồm chính sách "bản quốc" (svadeshi) - nghĩa là tẩy chay những sản phẩm ngoại lai, đặc biệt là những sản phẩm Anh. Liên hệ với chính sách này là sự ủng hộ việc mang y phục tự dệt ở nhà, được gọi là khadi, của ông, khuyên tất cả các người Ấn ăn mặc như vậy thay vì dùng đồ vải của người Anh. Gandhi khuyến cáo toàn dân, nam cũng như nữ, mỗi ngày dành chút thời gian để dệt vải ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập[15]. Đây là chiến thuật nhằm khắc sâu kỉ luật và sự cống hiến để loại trừ những người không có thiện ý và những người hoài bão, và bao gồm phụ nữ vào phong trào ở một thời điểm mà nhiều người cho rằng, những việc làm như vậy không đáng trọng cho phụ nữ.
Thêm vào việc tẩy chay các sản phẩm Anh, Gandhi cũng khuyến khích dân chúng tẩy chay các cơ quan giáo dục và pháp tòa Anh, từ chức không làm cho chính quyền, từ chối không đóng thuế và huỷ bỏ những danh hiệu, huy chương Anh. Chương trình mới này đã đạt được sức lôi cuốn và thành công rộng lớn, gia lực cho người Ấn chưa từng có từ xưa nay. Nhưng khi phong trào vừa đạt đỉnh điểm thì đã chấm dứt một cách đột ngột vì một cuộc xung đột bạo lực tại thị xã Chauri Chaura, bang Uttar Pradesh vào tháng 2 năm 1922. Lo ngại phong trào sẽ quay về phương tiện bạo lực và tin chắc rằng sự việc này có thể lật đổ tất cả những công trình của mình, Gandhi liền huỷ bỏ chiến dịch bất phục tòng[16]. Giờ đây, như một người đã phô bày nhược điểm của mình, Gandhi bị bắt bỏ tù ngày 10 tháng 3 năm 1922, bị đưa ra tòa vì lí do gây loạn và kết án sáu năm tù. Đây không phải lần đầu Gandhi vị bỏ tù nhưng là lần bị giam cầm lâu nhất. Bắt đầu từ ngày 18 tháng 3 năm 1922, ông ngồi tù khoảng hai năm và được thả tháng 2 năm 1924 sau một ca mổ viêm ruột thừa.
Không có nhân cách hùng mạnh của Gandhi để kiềm chế các người đồng sự, đảng Quốc dân Đại hội bắt đầu tan vỡ, phân thành hai phái trong thời gian ông ngồi tù. Một phái được dẫn đầu bởi Chitta Ranjan Das và Motilal Nehru, ủng hộ việc đảng tham dự cơ quan lập pháp. Phái thứ hai được dẫn đầu mởi Chakravarti Rajagopalachari và Sardar Vallabhbhai Patel, phản đối việc này. Thêm vào đó là việc hợp tác giữa tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo mạnh mẽ trong những chiến dịch bất bạo động giờ đây sa sút. Gandhi tìm cách bắc cầu nối những điểm sai biệt này bằng nhiều phương tiện, bao gồm một cuộc tuyệt thực ba tuần mùa thu năm 1924, nhưng chỉ với kết quả hạn chế[17].
Những năm 1930: Hội đồng Simon, Chấp trì chân lí muối
Trong hầu hết những năm thuộc thập niên 1920-30, Gandhi đứng bên ngoài ánh đèn công chúng. Ông chú trọng đến việc giải quyết cái nêm giữa đảng Swaraj và Quốc dân Đại hội, và khai mở các phương pháp chống kì thị dân vô giai cấp, uống rượu, thiếu học và nghèo đói. Ông trở về địa vị hàng đầu vào năm 1928. Một năm trước đó, chính quyền Anh đề cử một hội đồng cải cách hiến pháp dưới sự lãnh đạo của Sir John Simon mà không có tên một người Ấn nào trong hội đồng. Kết quả của việc này là sự tẩy chay hội đồng của các đảng Ấn Độ. Gandhi thúc đẩy một nghị quyết thông qua Quốc dân Đại hội Calcutta vào tháng 12 năm 1928, kêu gọi chính quyền Anh đảm bảo địa vị chủ quyền (dominion status) trong vòng một năm hoặc là sẽ đối đầu một chiến dịch bất bạo lực mới với mục đích giành độc lập hoàn toàn cho đất nước.Ngày 26 tháng 1 năm 1930 được Quốc dân Đại hội Ấn Độ - lúc đó đang hội họp tại Lahore - đề cao là ngày kỉ niệm độc lập Ấn Độ. Nó được tưởng niệm bởi hầu hết tất cả những tổ chức chính trị Ấn Độ khác, những tổ chức nỗ lực giành độc lập đất nước hoặc tiến đến việc trao quyền xã hội chính trị cho những cộng đồng khác nhau.
Như đã tuyên bố trước đây, vào tháng ba năm 1930, ông phát động một chiến dịch Chấp trì chân lí phản đối thuế muối, được nhấn mạnh bởi cuộc Hành trình muối (Salt March) đến Dandi nổi tiếng kéo dài từ 21 tháng 3 đến 6 tháng 4 năm 1930. Ông đi bộ 400 km từ Ahmedabad đến Dandi để lấy muối cho riêng mình. Hàng nghìn dân chúng Ấn Độ tham gia cuộc hành trình đến bờ biển này. Hành trình muối này là một trong những chiến dịch thành công nhất của ông với kết quả là hơn 60.000 người bị bắt giam. Chính quyền, được đại diện qua Lord Irwin, quyết định thương lượng với Gandhi.
Hiệp ước Gandhi-Irwin được đóng dấu tháng 3 năm 1931. Trong đó, chính quyền Anh đồng ý thả tất cả những tù nhân chính trị để bù cho việc đình chỉ cuộc vận động bất phục tòng. Thêm vào đó, Gandhi được mời sang Anh tham dự hội nghị bàn tròn (Round Table Conference) tại Luân Đôn với tư cách người đại diện duy nhất của Quốc dân Đại hội Ấn Độ. Hội nghị này là một thất vọng cho Gandhi cũng như những người theo chủ nghĩa dân tộc bởi vì nó chỉ lưu ý đến những tiểu vương cũng như những nhóm thiểu số Ấn Độ hơn là một sự phó truyền quyền lực (transfer of power). Ngoài ra, người thừa kế Lord Irwin là Lord Willingdon đã bắt đầu một chiến dịch mới để đàn áp những đại biểu chủ nghĩa dân tộc.
Một lần nữa, Gandhi bị bắt giam, và chính quyền tìm cách đập tan ảnh hưởng của ông bằng cách cách li hoàn toàn ông và các người đi theo ủng hộ. Chiến lược này không hiệu quả. Năm 1932, qua chiến dịch của B. R. Ambedkar - lãnh tụ của những người Dalit - chính quyền đảm bảo cho dân ti tiện Dalit những khu bầu cử riêng trong hiến pháp mới. Để phản đối việc này, Gandhi bắt đầu một cuộc tuyệt thực 6 ngày vào tháng 9 năm 1932, thành công trong việc buộc chính quyền tiếp nhận một hệ thống công bằng hơn qua sự thương lượng qua trung gian là ông Palwankar Baloo, vốn là một người Dalit chơi ngoạn bản cầu (cricketer), sau trở thành nhà chính trị. Đây cũng là khởi điểm của một chiến dịch mới của Gandhi với mục đích cải thiện cuộc sống của dân ti tiện, những người được ông gọi là Harijan, "con của trời Hari". Ngày 8 tháng 5 năm 1933, Gandhi bắt đầu một cuộc tuyệt thực 21 ngày để phản đối sự đàn áp của người Anh tại Ấn Độ[18]. Mùa hè năm 1934, ông ba lần bị mưu hại không thành công.
Khi đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ tranh luận về tuyển cử và chấp nhận quyền chính trị dưới kế hoạch liên bang, Gandhi quyết định rời đảng. Ông hoàn toàn không chống đối phương án này của đảng nhưng cảm thấy rằng nếu ông rút lui thì hình tượng của ông đối với thường dân Ấn Độ sẽ ngưng đè nén toàn thể hội viên của đảng vốn có bản chất đa dạng: thành viên theo chủ nghĩa cộng sản, xã hội, công đoàn, sinh viên, tôn giáo bảo thủ, kinh doanh và quyền sở hữu. Gandhi cũng không muốn mình là mục tiêu của sự tuyên truyền của chính quyền Anh khi lãnh đạo một đảng đã có lần tạm thời thừa nhận sự phù hợp chính trị với chính quyền Anh.
Gandhi trở về địa vị lãnh đạo năm 1936 khi Jawaharlal Nehru nắm chức chủ tịch và Quốc dân Đại hội đang họp tại Lucknow. Mặc dù Gandhi mong muốn sự tập trung tuyệt đối vào việc giành độc lập, không chú tâm vào việc suy đoán về chính quyền Ấn Độ tương lai, nhưng ông không ngăn được việc Quốc dân Đại hội chọn chủ nghĩa xã hội là mục tiêu.
Gandhi cũng phê bình Subhas Chandra Bose và việc ông thăng tiến, nhậm chức chủ tịch vào năm 1938. Trong khi một số sử gia cho rằng đây là một cuộc tranh quyền giữa hai nhà lãnh đạo lớn thì Gandhi cơ bản phản đối việc Bose không thừa nhận nguyên tắc bất bạo lực cũng như dân quyền, hai điểm được Gandhi xem là nền tảng cho cuộc đấu tranh. Nguyện vọng phát động một cuộc khởi nghĩa khắp nơi chống chính quyền Anh của Bose không hàm dung việc chuẩn bị không dùng bạo lực của những người tham gia và trong năm đầu giữ quyền chủ tịch, Bose tập trung vào việc đưa những người thân cận lên nắm những chức quan trọng.
Bose được nhậm chức lần thứ hai mặc dù bị Gandhi chỉ trích, nhưng rời Quốc dân Đại hội khi tất cả những thành viên chức cao khác từ chức hàng loạt để phản đối việc ông từ bỏ những nguyên tắc Gandhi đã đưa vào trong những năm đầu thập niên 1920[19]. Năm 1938-1939, tất cả những ứng cử viên của Quốc dân Đại hội từ chức khi Quốc hội phản đối sự sáp nhập Ấn Độ một mặt vào Thế chiến thứ hai mà không tham vấn những đại biểu được bầu.
Gandhi tiếp tục cuộc đấu tranh chống sự kì thị dân Dalit, khuyến khích việc dệt tay và các ngành kĩ nghệ tại gia khác. Ông cũng cố gắng kiến lập một hệ thống giáo dục mới thích hợp cho những vùng thôn dã. Gandhi sống giản dị trong những năm này trong một thôn làng trung tâm Ấn Độ với tên Sevagram. Ngày 3 tháng 3 năm 1939, ông lại tuyệt thực một lần nữa.
"Làm hay chết": Thế chiến thứ hai và "Rời Ấn Độ"
Thế chiến thứ hai bùng nổ năm 1939 khi Đức quốc xã xâm lấn Ba Lan. Gandhi hoàn toàn đồng cảm với nạn nhân của sự xâm chiếm này. Sau khi cân nhắc kĩ cùng những người đồng nghiệp trong Quốc hội, ông công bố rằng Ấn Độ không thể tham gia một cuộc chiến với mục đích bề ngoài là giành tự do dân chủ trong khi chính tự do dân chủ này bị phủ nhận tại Ấn Độ. Gandhi nói rằng ông sẽ hỗ trợ người Anh nếu họ cho ông thấy cách áp dụng mục đích của cuộc chiến tại Ấn Độ sau chiến tranh. Phản ứng của chính quyền Anh hoàn toàn phủ định. Họ bắt đầu tạo sự căng thẳng giữa môn đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Khi chiến tranh tiến hành, Gandhi nâng cao yêu cầu, thảo một nghị quyết kêu gọi người Anh "Rời Ấn Độ" (Quit India)[20].Đây là sự phản đối quyết định nhất, cực lực nhất của Gandhi và đảng Quốc dân Đại hội với mục tiêu xác nhận việc người Anh rời nước Ấn. Gandhi bị một số người trong Quốc hội và một số nhóm chính trị khác - thuộc cả hai mặt, theo Anh và chống Anh - chỉ trích. Một số người cho rằng, đối lập người Anh trong thời đoạn chiến đấu sinh tử của họ là một việc phi đạo đức trong khi một số người khác lại cho rằng Gandhi chưa thực hiện đủ yêu cầu. Nhiều đảng chính trị phản đối lời kêu gọi của Gandhi. Ngoài sức khoẻ và tuổi tác ra, đây có lẽ là bước tiến dẫn cuối cùng của Gandhi.
Nó đã dẫn khởi một cuộc vận động đấu tranh giành độc lập Ấn Độ lớn nhất cho đến bây giờ - với sự bắt giam số đông và bạo lực ở một mức độ chưa từng có.[21] Hàng nghìn người kháng cự bị sát hại hoặc bị thương dưới nòng súng cảnh sát, và hàng trăm nghìn người đấu tranh giành độc lập bị bắt giam. Gandhi và những người hỗ trợ ông nói rõ rằng họ sẽ không giúp người Anh trong thế chiến nếu Ấn Độ không được đảm bảo tự do ngay lập tức. Gandhi thậm chí nói rằng không thể đình chỉ cuộc vận động trong thời điểm này ngay trong trường hợp những hành vi bạo lực cá nhân xảy ra. Ông cho rằng, tình trạng "vô chính phủ có tổ chức" xung quanh ông "nguy hiểm hơn là vô chính phủ thật sự". Ông yêu cầu tất cả những thành viên Quốc hội và dân chúng duy trì kỉ luật hòa bình và "làm hay chết" vì tự do tuyệt đối.
Gandhi và toàn bộ ban chấp hành Quốc hội bị bắt giam ngày 9 tháng 8 năm 1942 tại Mumbai bởi lực lượng quân đội nước Anh. Gandhi bị giam hai năm trong điện Aga Khan tại Pune. Tại đây, Gandhi trải qua những nỗi khổ lớn nhất của cuộc đời, đó là cái chết của vợ Kasturbai chỉ vài tháng sau khi Mahadev Desai - người thư kí được ông xem như con trai - chết vì bị nhồi máu cơ tim vào tuổi 42. Gandhi được thả trước khi chiến tranh chấm dứt vì sức khoẻ sa sút và một ca mổ cần thiết. Chính quyền Anh không muốn ông chết trong tù vì đây là một sự kiện có thể làm lòng căm phẫn của công chúng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Mặc dù sự đàn áp tàn nhẫn này mang đến một trạng thái trật tự tương đối tại Ấn Độ cuối năm 1943, nhưng phong trào "Rời Ấn Độ" đã thành công với những mục tiêu của nó. Khi chiến tranh chấm dứt, người Anh đã đưa ra những dấu hiệu rõ ràng là quyền cai trị sẽ được chuyển đến tay Ấn Độ. Gandhi đình chỉ cuộc đấu tranh, những người lãnh đạo Quốc hội và khoảng 100.000 người tù chính trị được thả. Sau 90 năm phấn đấu, tự do giờ đây nằm trong tầm tay Ấn Độ.
Tự do và sự phân chia Ấn Độ
Trong thời gian 1946-1947, hơn 5000 dân bị sát hại. Liên minh được ủng hộ mạnh ở những bang có nhiều người theo Hồi giáo như Punjab, Bengal, Sindh, NWFP (North-West Frontier Province, Pakistan) và Baluchistan. Kế hoạch phân chia được ban lãnh đạo Quốc hội thừa nhận là phương pháp duy nhất để ngăn cản một cuộc nội chiến lớn giữa môn đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
Những nhà lãnh đạo cố cựu của Quốc hội biết rõ Gandhi sẽ phản đối cực lực sự phân chia, nhưng họ cũng thừa biết là Quốc hội không tiến bước nếu không có sự thoả thuận của ông vì sự hỗ trợ trong đảng và toàn quốc dành cho Gandhi rất sâu rộng. Những người bạn đồng nghiệp thân cận nhất của ông đã chấp nhận việc phân chia như phương án giải đáp tốt nhất, và Sardar Patel cố gắng thuyết phục Gandhi đây là con đường duy nhất để tránh cuộc nội chiến. Gandhi cuối cùng xuôi lòng, tán đồng bước thực hiện này.
Gandhi có ảnh hưởng lớn trong các cộng đồng Ấn Độ giáo và Hồi giáo tại Ấn Độ. Tương truyền chỉ sự hiện diện của ông thôi cũng đủ chấm dứt các cuộc bạo động. Ông phản đối kịch liệt tất cả những kế hoạch phân chia Ấn Độ thành hai quốc gia độc lập. Liên minh Hồi giáo luận cứ rằng thiểu số người Hồi giáo sẽ bị bức áp một cách có hệ thống bởi phần lớn môn đồ Ấn Độ giáo trong một quốc gia Ấn Độ thống nhất, và một quốc gia riêng cho người theo Hồi giáo là một giải pháp hợp lí. Tuy nhiên, nhiều người Hồi giáo ở trung tâm Ấn Độ - vốn chung sống với người Ấn giáo, đạo Sikhs, Phật giáo, Kì-na giáo, đạo Parsi, Kitô giáo và đạo Do Thái - lại muốn một quốc gia Ấn Độ thống nhất. Nhưng Jinnah ra lệnh hỗ trợ rộng rãi các vùng Tây Punjab, Sindh, NWFP và Đông Bengal, tất cả những vùng đã hợp thành dạng Pakistan và Bangladesh ngày nay. Xứ sở mới của người theo Hồi giáo được kiến lập từ các vùng Đông và Tây Ấn Độ. Ban đầu nó được gọi là Tây và Đông Pakistan, và giờ đây tương ưng với Pakistan và Bangladesh. Ngày trao quyền chính trị, Gandhi không ăn mừng độc lập cùng với công chúng Ấn Độ mà chỉ đơn độc tại Kolkata, đau buồn về sự phân chia và tiếp tục công việc nhằm chấm dứt bạo lực.
Đời sống cá nhân trong thời kì đấu tranh
Gandhi và vợ Kasturba đi khắp nước và lưu trú ở những Già-lam ở Gujarat và Maharashtra hoặc tại nhà những người bạn và những người hâm mộ. Những lần đến Delhi, họ ngụ tại tòa nhà Birla (Birla House) được cấp bởi người bạn thân là Ghanshyamdas Birla. Một thời Gandhi trú tại chung cư Bhangi (Bhangi Colony), trung tâm của sự việc chống kì thị giai cấp của ông.Gandhi là một người say mê viết thư, luôn thử nghiệm các cách điều chế ăn uống, trau dồi nhận thức tôn giáo và triết học, nhưng chủ yếu là tư duy về các sự kiện chính trị. Ông cũng đã chỉ đạo những công việc trong một Già-lam và chỉ dẫn các môn đệ trong những vấn đề cá nhân.
Bị ám sát
Ngày 30 tháng 1 năm 1948, trên đường đến một nơi thờ tụng, Gandhi bị bắn chết bởi Nathuram Godse tại tòa nhà Birla ở New Delhi. Godse là một môn đồ Ấn giáo cực đoan được người đương thời cho là có mối quan hệ với cánh cực hữu của các tổ chức Ấn Độ giáo như Hindu Mahasabha. Tổ chức này cho Gandhi là người chịu trách nhiệm cho việc chính quyền suy nhược vì đã khăng khăng bắt buộc nộp một khoản tiền cho Pakistan. Godse và người cùng âm mưu là Narayan Apte sau bị đưa ra tòa kết án, và bị xử tử ngày 15 tháng 11 năm 1949. Vinayak Damodar Savarkar, chủ tịch của Hindu Mahasabha, một nhà cách mạng và môn đồ Ấn giáo cực đoan bị tố cáo là người nắm đầu dây của mưu đồ này, nhưng sau được giải tội vì thiếu bằng chứng.Tương truyền câu nói trước khi chết của Gandhi là "Ô kìa Rama!" (Hey Ram!) và nó được xem là câu tôn kính hướng đến thần Rama, là một dấu hiệu gợi cảm tâm linh Gandhi cũng như lí tưởng đạt sự thống nhất với hòa bình vĩnh hằng của ông. Câu này được khắc vào đài tưởng niệm của ông tại New Delhi. Có người nghi vấn về tính có thật của câu này nhưng một số người đã chứng kiến và xác nhận ông đã nói như thế[22]. Một vài nguồn ghi lại những lời cuối của ông là "He Ram, He Ram" hoặc "Rama, Rama", và nó cũng tường thuật rằng ông lăn xuống đất, chắp hai tay trước ngực ở tư thế chào.
Nguyên tắc: Chấp trì chân lí
- Chấp trì chân lí là gì? Chấp trì chân lí không phải là năng lực thể chất. Người chấp trì chân lí không tổn thương đối thủ; ông ta không tìm cách huỷ diệt người ấy. Một người chấp trì chân lí không bao giờ dùng súng. Không có lòng sân ác hoặc bất cứ tâm bất thiện nào khác khi ứng dụng chấp trì chân lí.
- Chấp trì chân lí là một năng lực tâm linh thanh tịnh. Chân lí chính là thể chất của linh hồn. Đây là nguyên do vì sao năng lực này được gọi là chấp trì chân lí. Linh hồn bao gồm trí huệ. Ngọn lửa của lòng từ bi bùng cháy trong nó. Nếu một ai đó tổn thương ta vì vô minh thì ta thắng họ bằng tình thương. Bất hại là pháp tối cao (sa. ahiṃsā paramo dharmaḥ). Nó chính là sự chứng minh của năng lực tình thương. Bất hại là trạng thái ngủ. Khi tỉnh thức thì nó là tình thương. Được chỉ đạo bởi tình thương, thế giới tiến bước...
- Theo nghĩa thường gặp thì chấp trì chân lí có nghĩa là thế lực của chân lí (truth force).... Bạo lực là sự phủ nhận năng lực tâm linh to lớn này, một năng lực chỉ có thể được sử dụng hoặc phát triển bởi những người hoàn toàn lìa xa bạo lực. Nó là một năng lực có thể được áp dụng bởi cá nhân hoặc cộng đồng, và nó cũng có thể được ứng dụng trong lãnh vực chính trị hoặc tại gia.... Tính năng có thể được áp dụng mọi nơi của nó chính là sự biểu hiện của tính trường tồn cũng như vô địch của nó. Nó có thể được áp dụng bởi đàn ông, đàn bà và trẻ em.... Những người tự thấy mình yếu hèn không thể dùng năng lực này được. Chỉ những người nhận thức được một cái gì đó của con người siêu việt bản năng thô bạo trong mình và năng lực thứ hai này luôn quy hướng về nó thì những người này mới có thể là những người kháng cự thụ động hữu hiệu.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là đặc điểm nào đưa Chấp trì chân lí lên cao hơn ba dạng kia? Ba thành phần chính của nguyên tắc Chấp trì chân lí sẽ làm sáng tỏ sự việc, đó là Chân lí (sa. satya), Bất hại (sa. ahiṃsā) và Khổ hạnh (sa. tapas)
Chân lí
Gandhi phân biệt hai loại chân lí, chân lí tương đối và chân lí tuyệt đối. Trong trường hợp Chấp trì chân lí thì chân lí tương đối đóng vai trò chính. Trong phần dẫn nhập của Tự truyện, Gandhi ghi như sau:- Nhưng đối với tôi, chân lí là một nguyên tắc căn bản bao gồm nhiều nguyên tắc khác. Chân lí này không chỉ là sự chân thật trong lời nói, mà cũng là sự chân thật trong tư duy, và cũng không chỉ là chân lí tương đối của khái niệm của chúng ta, mà là chân lí tuyệt đối, chân lí vĩnh hằng, và đó là Thượng đế. Có rất nhiều cách định nghĩa Thượng đế bởi vì Ngài có rất nhiều cách thể hiện. Chúng chinh phục tôi với sự kinh ngạc và kính trọng và tôi tê liệt trong một khoảnh khắc. Nhưng tôi chỉ tôn kính Thượng đế như chân lí. Tôi chưa tìm thấy Ngài, nhưng tôi tìm Ngài. Tôi sẵn sàng cống hiến những gì quý báu nhất của tôi để đi tìm. Ngay cả trường hợp sự cống hiến này đòi hỏi ngay sinh mệnh của tôi thì tôi hi vọng là sẽ sẵn lòng hiến dâng nó. Nhưng khi nào tôi chưa trực chứng chân lí tuyệt đối thì cho đến khi ấy, tôi phải nắm giữ chân lí tương đối như tôi hiểu nó. Trong thời gian này thì chân lí tương đối phải là ngọn đèn, tấm mộc và vật che chở của tôi.
Nhưng, để không bị tấm màn vô minh và huyễn giác mê hoặc, người ta phải giữ những giới luật nhất định. Chúng được hàm dung trong hai thành phần khác của Chấp trì chân lí, là Bất hại và Khổ hạnh.
Bất hại
Bất hại cũng được hiểu là Bất bạo động. Theo Gandhi, chỉ một con đường dẫn đến chân lí, và con đường này mang tên Bất hại. Theo ông, chỉ nguyên tắc bất hại mới hòa hợp với quy luật vũ trụ là Dharma. Nguyên tắc bất hại toàn hảo đòi hỏi một niềm tin vào tính nhất thể của sự sống.Theo nguyên tắc Chấp trì chân lí, sinh mệnh của toàn thể được đặt cao hơn sinh mệnh của cá nhân và như vậy, nó đòi hỏi một tấm lòng vị tha và vô uý. Để đạt được đẳng cấp này, người ta phải tu luyện thân tâm, cụ thể là thực hiện các phép tu khổ hạnh.
Khổ hạnh
Tapas - được dịch là Khổ hạnh ở đây - có nguyên nghĩa theo Ấn Độ giáo là "sự nóng", một "ngọn lửa" có thể đốt cháy các nghiệp trước đây. Thuật ngữ này sau được dùng để chỉ sự hành hạ thể xác, tuyệt dục, lãnh đạm đối với các cảm nhận khổ lạc,... Tuy nhiên, dạng Khổ hạnh Gandhi đề cao không phải là dạng ẩn lánh vào rừng mà là dạng hết lòng phục vụ những người xung quanh, trong xã hội (CWMG, Vol. 73, S. 43-44).- Đây là một thử nghiệm mới. Bất bạo lực chưa được áp dụng trong chính trị. Bất bạo lực cũng đã được áp dụng thời xưa. Nhưng nó lúc nào cũng là việc làm của một cá nhân. Những người như thế sau này ẩn tránh trong núi hoặc sống đơn độc trong các thôn làng. Họ không lưu tâm đến hạnh phúc chung. Tôi đã bắt đầu một phong trào mới. Bất bạo lực, nếu chỉ giới hạn ở một cá nhân thôi thì chẳng phải là pháp tối cao. Tôi không kính phục một người thực hiện bất bạo lực trong một hang động. Bất bạo lực như vậy chẳng có sở dụng gì cho tôi. Tôi tin vào một dạng bất bạo lực có thể được thực hiện trong thế gian với những hiện thực rõ ràng. Tôi chẳng lưu tâm đến sự giải thoát của một người thực hiện bất bạo lực sau khi từ khước thế gian. Tôi chẳng để ý đến một sự giải thoát cá nhân loại trừ những người khác ra. Người ta có thể đạt giải thoát qua việc phục vụ người khác. Đây chính là lí do tôi đến đây để thuyết giảng sự việc cho quý vị.
Ăn chay
Mặc dù có thử ăn thịt lúc còn nhỏ nhưng Gandhi sau này trở thành một người ăn chay tuyệt đối. Ông viết sách về chủ đề này trong thời gian du học tại Luân Đôn, sau khi gặp người tranh đấu cho việc ăn chay là Henry Stephens Salt ở những cuộc hội họp của Hội người ăn chay. Nguyên tắc ăn chay có truyền thống lâu đời trong các tôn giáo Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Kì-na giáo và Phật giáo, và trong tiểu bang của Gandhi, Gujarat, phần lớn môn đồ Ấn giáo đều ăn chay. Ông thử nhiều cách ăn và kết luận rằng, ăn chay đủ cung cấp chất dinh dưỡng tối thiểu cho thân thể. Tuy nhiên, cách ăn của ông cũng linh hoạt và ông cũng không ngần ngại khi ăn trứng như bài viết "chìa khoá sức khoẻ" (Key to Health) năm 1948 cho thấy. Ông thường nhịn ăn lâu ngày, dùng nhịn ăn như một vũ khí chính trị. Ông từ chối không ăn cho đến chết hoặc cho đến khi những yêu cầu của ông được thực hiện.Sống tuyệt dục
Gandhi sống tuyệt dục từ năm 36 tuổi. Quyết định này của ông bị ảnh hưởng mạnh bởi khái niệm Phạm hạnh (sa. brahmacarya) trong các tôn giáo Ấn Độ, tức là sự thanh tịnh của tâm linh và hành động, có mối liên hệ trực tiếp với việc tu khổ hạnh (sa. tapas) được nhắc bên trên. Tuy vậy, Gandhi không tin đây là một việc mỗi người nên làm. Trong Tự truyện, ông có nhắc lại cuộc phấn đấu chống lại sự thôi thúc tính dục và những cuộc ghen tuông vì bà Kasturba. Ông cho rằng, sống tuyệt dục là trách nhiệm riêng của ông để có thể phát triển lòng từ bi thay vì đam mê nhục dục.Im lặng
Gandhi giữ giới không nói một ngày trong tuần. Ông tin là không nói sẽ mang đến sự an tĩnh nội tâm. Giới không nói bắt nguồn từ truyền thống Ấn giáo, mouna "tịnh khẩu" và śānti "tịch tĩnh". Trong những ngày này, ông trao đổi với những người xung quanh bằng cách viết trên giấy. Từ năm 37 tuổi, hơn ba năm liền ông không đọc báo vì cho rằng, trạng thái huyên náo của sự kiện thế giới làm tâm ông hỗn loạn hơn là hỗn loạn nội tâm sẵn có.Y phục
Trở về Ấn Độ sau khi làm luật sư thành công tại Nam Phi, ông từ khước mặc y phục phương Tây - cách ăn mặc được ông liên tưởng đến phú quý và thành công. Ông ăn mặc để người nghèo nhất Ấn Độ cũng có thể chấp nhận. Gandhi khuyến khích việc mặc y phục tự dệt (khadi). Ông và môn đệ dệt vải từ sợi chỉ tự se và khuyến khích người khác cũng làm như thế. Mặc dù công nhân Ấn Độ thường ngồi không vì thất nghiệp, họ vẫn mua quần áo sản xuất bởi người Anh. Gandhi cho rằng, nếu người Ấn tự sản xuất vải, họ sẽ gây một chấn động kinh tế cho các tổ chức Anh tại Ấn Độ. Qua sự việc này, biểu tượng bánh xe se chỉ sau này được đưa vào lá cờ của Quốc dân Đại hội Ấn Độ.Tôn giáo
Mặc dù sinh ra trong một gia đình Ấn Độ giáo, Gandhi vẫn giữ thái độ phê phán phần lớn các tôn giáo, bao gồm cả Ấn Độ giáo. Trong Tự truyện, ông ghi như sau:- Như vậy, nếu tôi không thừa nhận Thiên chúa giáo là toàn hảo hoặc vĩ đại nhất thì tôi cũng chẳng tin Ấn Độ giáo được như vậy. Những nhược điểm của Ấn Độ giáo đập ngay vào mắt tôi. Nếu kì thị người ti tiện (untouchability) là một thành phần của Ấn Độ giáo thì nó là thành phần hủ nát hoặc là một cục bướu. Tôi không thể hiểu lí do tồn tại của đa số phe phái và giai cấp xã hội. Thế nào là ý nghĩa của câu nói "Phệ-đà là những lời cảm hứng của Thượng đế"? Nếu chúng được truyền cảm, thì tại sao Thánh kinh và Koran lại không? Khi các người bạn Thiên chúa giáo tìm cách thuyết phục cải đạo, các người bạn Hồi giáo cũng làm như vậy. Abdullah Sheth liên tục khuyến dụ tôi nghiên cứu Hồi giáo và dĩ nhiên là ông ta luôn có những gì để nói về cái đẹp của nó.
- Khi mất cơ sở đạo đức, chúng ta mất lòng thành tín. Không có gì ta có thể gọi là Đạo đức siêu việt tôn giáo. Con người không thể giả dối, ác hại hoặc phóng dật rồi sau đó xác định là có Thượng đế bên cạnh.
- Ấn Độ giáo, như tôi hiểu, làm tôi mãn nguyện hoàn toàn, vun đầy thể chất của tôi.... khi hoài nghi lai vãng, khi thất vọng đối diện tôi, và khi tôi không còn thấy một tia sáng nào ở chân trời, lúc đó tôi mở quyển Chí tôn ca, tìm đọc một câu an ủi; và ngay lập tức, tôi có được một nụ cười ngay trong nỗi lo bức bách. Cuộc đời tôi đầy những thảm kịch và nếu chúng không để lại hiệu quả hiển nhiên không thể tẩy đi được nơi tôi thì đó kết quả của những lời dạy trong Chí tôn ca.
- Những lời dạy của Muhammad là kho báu trí huệ, không những cho môn đồ Hồi giáo, mà cho toàn nhân loại.
- Đúng, tôi là môn đồ Ấn giáo. Tôi cũng là một tín đồ Thiên chúa giáo, một tín đồ Hồi giáo, một Phật tử và một môn đồ Do Thái.
Niềm tin
Mặc dù rất kính trọng nhau nhưng Gandhi và Rabindranath Tagore tranh luận dai dẳng nhiều lần và các cuộc tranh luận này là những ví dụ tiêu biểu cho những quan điểm triết học dị biệt giữa hai danh nhân Ấn Độ vĩ đại nhất thời đó. Ngày 15 tháng 1 năm 1934, một cơn động đất xảy ra tại Bihar, gây tử vong và thiệt hại lớn. Gandhi tin chắc rằng sự việc xảy ra vì tội lỗi của những môn đồ Ấn giáo thuộc giai cấp cao, vì họ không cho những kẻ ti tiện vào đền thờ. Tagore phản đối cực lực lập trường của Gandhi, cho rằng, một cơn động đất chỉ có thể xảy ra trên cơ sở năng lực thiên nhiên, không phải vì lí do đạo đức cho dù việc kì thị người vô giai cấp đáng chê trách như thế nào đi nữa.Tưởng niệm
Gandhi không được giải Nobel bao giờ mặc dù được đề cử năm lần từ 1937 đến 1948. Vài thập niên sau, Hội đồng giải Nobel công bố sự ân hận đã bỏ lỡ thời cơ và họ cũng thừa nhận là những ý kiến bị phân chia bởi tư tưởng dân tộc đã ngăn cản việc trao giải cho Gandhi. Khi Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 nhận giải năm 1989, chủ tịch hội cũng đã nói là "đây cũng là một phần cống phẩm để tưởng niệm Gandhi". Viện bảo tàng điện tử của hiệp hội giải Nobel có một bài về mục này [23].Tạp chí Time gọi Gandhi là người thứ hai sau Albert Einstein trong mục "Nhân vật thế kỉ" và có một bài viết với những chủ mục viết tường tận của Dalai Lama, Lech Wałęsa, Martin Luther King, Jr. và Nelson Mandela với tên "Những người con của Gandhi" (Children of Gandhi), với mục đích nhận thức ảnh hưởng của Gandhi đến những người lãnh đạo tương lai.
Chính quyền Ấn Độ trao giải Hòa bình Gandhi cho những người phục vụ xã hội, những người lãnh đạo trên thế giới và lãnh đạo công dân xuất sắc. Nelson Mandela, người dẫn đầu cuộc đấu tranh chống kì thị chủng tộc và phân li quốc gia là người ngoài Ấn Độ nổi danh được trao giải này.
Năm 1996, chính phủ Ấn Độ phát hành một loạt tiền giấy có hình Gandhi bào gồm những tờ 5, 10, 20, 50, 100, 500 và 1000 rupee.
Hình tượng trong nghệ thuật
Cách trình bày cuộc đời Gandhi nổi tiếng nhất có lẽ là bộ phim Gandhi (1982), được đạo diễn bởi Richard Attenborough và diễn viên Ben Kingsley (chính ông là người nửa phần Gujarati) trong vai chính. Tuy nhiên, bộ phim sau này bị chỉ trích bởi các học giả hậu thực dân. Họ luận cứ là bộ phim miêu tả Gandhi như một người dùng một tay đưa Ấn Độ đến sự độc lập và bỏ qua những nhân vật quan trọng khác (của cả hai nhóm, tinh duệ và cấp dưới) trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Bộ phim The Making of the Mahatma, với Shyam Benegal đạo diễn và Rajat Kapur trong vai chính là một phim nói về 21 năm hoạt động của Gandhi tại Nam Phi.Philip Glass soạn ca kịch Satyagraha nói về sự nghiệp của Gandhi.
Có nhiều tượng Gandhi nổi tiếng tại Anh, đáng lưu ý nhất là tượng ở Tavistock Gardens, Luân Đôn, gần Đại học College London, nơi ông đã học luật.
Tại Hoa Kỳ, người ta có thể chiêm ngưỡng tượng Gandhi bên ngoài Ferry Building tại San Francisco, tại Hermann Park, Houston Garden Center ở Houston, tại Union Square Park ở Thành phố New York, tại Martin Luther King, Jr. National Historic Site ở Atlanta, bên ngoài Thảo cầm viên Honolulu ở Kapiolani Park, Hawaii, ở Village of Skokie (một vùng bên ngoài Chicago, Illinois), và gần tòa đại sừ Ấn Độ ở khu phố Dupont Circle của Washington, DC.
Thành phố Pietermaritzburg, Nam Phi, nơi Gandhi bị tống ra khỏi toa xe năm 1893, giờ đây có một bức tượng tưởng niệm hình tượng người đấu tranh giành độc lập Ấn Độ, được dựng lên 100 năm sau khi sự kiện xảy ra.
Cũng có những hình tượng Gandhi ở các thành phố khác như Moskva, Paris, Amsterdam, Barcelona, Lisbon, Canberra, San Fernando, Trinidad và Tobago. Chính phủ Ấn Độ tặng tượng Gandhi cho thành phố Winnipeg, tỉnh Manitoba, Canada, để tỏ lòng ủng hộ viện bảo tàng dân quyền tương lai được lập ở đây (Canadian Museum for Human Rights)[24].
Cũng có một bức tượng bán thân to lớn của Gandhi trước thư viện của Đại học Laurentian ở Sudbury, Ontario[25]. Tại St. Louis, một bức tượng bán thân của Gandhi đứng trước International Institute[26].
Phê bình
Nhiều nhà sử học và chú giải đã phê bình Gandhi vì cái nhìn của ông về Adolf Hitler và Chủ nghĩa Đức quốc xã, bao gồm những lời trần thuật là người Do Thái có thể đạt được tình thương của Thượng đế nếu họ sẵn lòng đi đến cái chết như những cảm tử chết vì nghĩa.[27]. Penn và Teller, trong một đoạn của chương trình "Bullshit!" ("Holier than Thou"), đã tấn công Gandhi một phần về tính đạo đức giả qua những lập trường tiền hậu bất nhất trí trong khi thực hiện bất bạo lực, thái độ không thích hợp về phía phụ nữ và những lời nói có bản chất kì thị chủng tộc. Gandhi nói trước công chúng tại Mumbai, 26 tháng 9 năm 1896 (Collected Works, quyển II, trang 74) về người châu Phi như sau:- Cuộc chiến của chúng ta là một cuộc đấu tranh chống sự suy đồi mà người châu Âu tìm cách áp đặt vào chúng ta. Họ muốn hạ cấp chúng ta thành một Kaffir (tên gọi hạ miệt, chỉ người Phi da đen) thô tục với việc làm là săn bắt, với hoài bão duy nhất là sưu tập một số gia súc nhất định để mua được một người vợ và sau đó sống một cuộc sống lười nhác và loã lộ.
Ông ngừng lại ở ngưỡng cửa các căn nhà tồi tàn của hằng ngàn người cùng khốn, y phục của ông y hệt y phục của họ. Ông nói với họ bằng ngôn ngữ của họ. Đó mới thực là một chân lí sinh động chứ không phải chỉ là những lời suông trong sách vở. Vì vậy mà tiếng tôn xưng Mahatma (Thánh) mà dân Ấn tặng ông đã thành tên thực của ông. Ai là người cảm thấy như ông rằng tất cả mọi người Ấn chính là da thịt của mình, máu mủ của mình? Khi tình thương tới gõ cửa Ấn Độ thì cửa đã mở toang chờ sẵn rồi… Nghe tiếng gọi của Gandhi, Ấn Độ xông ngay tới một cảnh vinh quang cao quí mới, như hồi xưa, rất xa xăm, khi Phật Tổ tuyên bố đạo từ bi, thương yêu cả mọi sinh vật.[28]
Xem thêm
- Chấp trì chân lí
- Jawaharlal Nehru
- Sardar Vallabhbhai Patel
- Quốc Dân Đại Hội Ấn Độ
- Subhas Chandra Bose
Thư mục tham khảo
- M. Blume: Satyagraha. Wahrheit und Gewaltfreiheit, Yoga und Widerstand bei Gandhi. Gladenbach 1987.
- J. Bondurant: Conquest of Violence, Princeton 1958.
- M. Chatterjee: Gandhi’s Religious Thought, London 1983.
- Gandhi: Hind Swaraj in Iyer: Writings (Bd. I, S. 199-264).
- Gandhi: Multimedia, E-book. CD-ROM Version. New Delhi: Publications Division, Ministry of Information and Broadcasting, 1999. (The Collected Works of Mahatma Gandhi).
- Harijan. A journal of applied Gandhiism, New York 1933-54.
- J.L. Garfield: The Satya in Satyagraha.
- R.N. Iyer: The Moral and Political Thought of Mahatma Gandhi, New York 1973.
- J.T.F. Jordens: Gandhi’s Religion. A Homespun Shawl, Basingstoke 1998.
- B. Parekh: Gandhi's Political Philosophy, Delhi 1995.
- U. Prell: Ziviler Ungehorsam, Berlin 1984.
- G. Richards: The Philosophy of Gandhi, London 1982.
- R.J. Terchek: Gandhi, New Delhi 2001.
- Young India, Ahmedabad 1919-32.
- Gandhi: A Photo biography by Peter Rühe ISBN 0714892793
- The Essential Gandhi: An Anthology of His Writings on His Life, Work, and Ideas by Louis Fischer ISBN 1400030501
- Gandhi: A Life by Yogesh Chadha ISBN 0471350621
- Gandhi (1982), phim của Richard Attenborough.
- Gandhi and India: A Century in Focus by Sofri, Gianni (1995) ISBN 1900624125
- The Kingdom of God is Within You by Leo Tolstoy (1894) ISBN 0803294042
- An Autobiography, or the Story of My Experiments with Truth M.K. Gandhi (1929).
- Patel: A Life by Rajmohan Gandhi.
- Exploring Jo'burg with Gandhi, Lucille Davie.
Chú thích
- ^ Chaudhury, Nilova (15 June 2007). “October 2 is global non-violence day”. hindustantimes.com (Hindustan Times). Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2007.
- ^ “General Assembly adopts texts on day of non-violence,…”. un.org (United Nations). 15 June 2007. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2007.
- ^ Todd & Marty (2012), tr. 8. The name Gandhi means "grocer", although Mohandas's father and grandfather were politicians not grocers.
- ^ Miller (2002), tr. 9.
- ^ a ă Mohanty (2011).
- ^ Gandhi, (1940). Chapter "Preparation for England".
- ^ Gandhi, Rajmohan (2006), tr. 20–21.
- ^ a ă â Brown, (1991).
- ^ Tendulkar (1951).
- ^ (1969). "The Journal of Modern African Studies".
- ^ Fischer, (2002).
- ^ Gandhi, (1940). "Chapter "More Hardships"".
- ^ Parekh, (2001).
- ^ R. Gandhi, Patel: A Life, p. 82.
- ^ R. Gandhi, Patel: A Life, p. 89.
- ^ R. Gandhi, Patel: A Life, p. 105.
- ^ R. Gandhi, Patel: A Life, p. 131.
- ^ R. Gandhi, Patel: A Life, pp. 230–32.
- ^ R. Gandhi, Patel: A Life, pp. 277–81.
- ^ R. Gandhi, Patel: A Life, p. 309.
- ^ R. Gandhi, Patel: A Life, p. 318.
- ^ Vinay Lal. ‘Hey Ram’: The Politics of Gandhi’s Last Words. Humanscape 8, no. 1 (tháng 1 năm 2001): pp. 34–38.
- ^ Mahatma Gandhi, the Missing Laureate
- ^ MCC ATTENDS UNVEILING OF GANDHI STATUE
- ^ Đại học Laurentian
- ^ International Institute
- ^ Richard Grenier, The Gandhi Nobody Knows
David Lewis Schaefer, What Did Gandhi Do - ^ Lịch sử văn minh Ấn Độ, Will Durant, Người dịch: Nguyễn Hiến Lê, Chương IX, mục VI. MAHATMA GANDHI.
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Mahatma Gandhi |
Wikisource có các tác phẩm gốc nói đến hoặc của: |
Wikiquote có sưu tập danh ngôn về: |
- Viện M.K. Gandhi về sự Bất bạo lực
- Lưu trữ và Thư viện Tham khảo Điện tử Chính thức về Mahatma Gandhi
- mkgandhi.org
- Quỹ Hỗ Trợ Gandhi
- Trung tâm Thông tin Gandhi
- Quỹ Hỗ Trợ GandhiServe – Phục vụ Nghiên cứu và Giao thông Mahatma Gandhi
- Nhà bảo tàng và Thư viện Mani Bhavan Gandhi Sangrahalaya Gandhi
Ngày quốc tế bất bạo động
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ngày quốc tế bất bạo động (hay Ngày quốc tế không bạo lực) là một ngày do Liên Hiệp Quốc đặt ra để cổ vũ cho hòa bình, tránh dùng bạo lực. Ngày này được tổ chức vào ngày 02 tháng 10 - ngày sinh nhật của Mohandas Gandhi. Ngày này ở Ấn Độ được gọi là "Gandhi Jayanti" (ngày nghỉ lễ sinh nhật Gandhi)
Ý tưởng này dần dần thu hút được sự quan tâm của một số nhà lãnh đạo Đảng Quốc Đại Ấn Độ cho tới khi một nghị quyết "Hội nghị Satyagraha" ở New Delhi trong tháng giêng năm 2007 do bà Sonia Gandhi và Tổng Giám mục Desmond Tutu khởi xướng, kêu gọi Liên Hiệp Quốc thông qua ý tưởng này.
Ngày 15 tháng 6 năm 2007, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lập ngày 2 tháng 10 là Ngày quốc tế bất bạo động.[1] Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu mọi thành viên của hệ thống Liên Hiêp Quốc tổ chức kỷ niệm ngày 2 tháng 10 theo "cách thích hợp và phổ biến thông điệp bất bạo động, kể cả thông qua việc giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng".[2]
Lịch sử
Trong tháng Giêng năm 2004, người Iran đoạt giải Nobel Hòa bình Shirin Ebadi đã nhận một ý kiến đề nghị dành một ngày trong năm làm "Ngày quốc tế bất bạo động" từ một giáo viên tiếng Hindi ở Paris giảng dạy các sinh viên quốc tế ở Diễn đàn Xã hội thế giới tại Bombay.Ý tưởng này dần dần thu hút được sự quan tâm của một số nhà lãnh đạo Đảng Quốc Đại Ấn Độ cho tới khi một nghị quyết "Hội nghị Satyagraha" ở New Delhi trong tháng giêng năm 2007 do bà Sonia Gandhi và Tổng Giám mục Desmond Tutu khởi xướng, kêu gọi Liên Hiệp Quốc thông qua ý tưởng này.
Ngày 15 tháng 6 năm 2007, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lập ngày 2 tháng 10 là Ngày quốc tế bất bạo động.[1] Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu mọi thành viên của hệ thống Liên Hiêp Quốc tổ chức kỷ niệm ngày 2 tháng 10 theo "cách thích hợp và phổ biến thông điệp bất bạo động, kể cả thông qua việc giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng".[2]
Tem thư kỷ niệm
Cơ quan Quản lý Bưu chính Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York đã làm một con dấu đóng trên tem đặc biệt để kỷ niệm sự kiện này, theo yêu cầu của Đại sứ Ấn Độ trong "Phái đoàn đại diện thường trực của Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc". Cơ quan quản lý Bưu chính Liên Hiệp Quốc đã cho biết mọi thư gửi đi thông qua cơ quan này từ ngày 2 tháng 10 tới 31 tháng 10 đều đóng dấu này. Thông tin trên tài liệu tem khác nhau có mang dấu này được tóm tắt tại một trang web dành cho việc sưu tập tem Gandhi và có thể được truy cập ở đây. here.Chú thích
Tham khảo
Guinée
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đối với các định nghĩa khác, xem Guinée (định hướng).
Cộng hoà Guinée | |||||
---|---|---|---|---|---|
République de Guinée (tiếng Pháp) | |||||
|
|||||
Khẩu hiệu | |||||
Travail, Justice, Solidarité (Tiếng Pháp: "Lao động, Công bằng, Đoàn kết") |
|||||
Quốc ca | |||||
Liberté | |||||
Hành chính | |||||
Chính phủ | Cộng hòa tổng thống | ||||
Tổng thống | Lansana Conté | ||||
Thủ tướng | Cellou Dalein Diallo | ||||
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Pháp, Tiếng Fula, Tiếng Kissi, Tiếng Kpelle, Tiếng Maninkakan, Tiếng Susu, Tiếng Toma | ||||
Thủ đô | Conakry |
||||
Thành phố lớn nhất | Conakry | ||||
Địa lý | |||||
Diện tích | 245.857 km² (hạng 75) | ||||
Diện tích nước | không có % | ||||
Múi giờ | GMT (UTC+0) | ||||
Lịch sử | |||||
Độc lập
|
|||||
Ngày thành lập | Từ Pháp 2 tháng 10, 1958 |
||||
Dân cư | |||||
Dân số ước lượng (2005 (tháng 7)) | 9.467.866 người (hạng 85) | ||||
Mật độ | 76 người/km² | ||||
Kinh tế | |||||
GDP (PPP) (2005) | Tổng số: 20,74 tỷ Mỹ kim | ||||
HDI (2003) | 0,466 thấp (hạng 156) | ||||
Đơn vị tiền tệ | Franc Guinée (GNF ) |
||||
Thông tin khác | |||||
Tên miền Internet | .gn |
Diện tích Guinée vào khoảng 246.000 kilomet vuông (94.981 dặm vuông). Hình dạng lưỡi liềm của quốc gia này bắt đầu từ bờ biển phía tây giáp Đại Tây Dương cong về phía đông và nam. Guinée biên giới với Guiné-Bissau, Sénégal và Mali về phía bắc, phía nam giáp Bờ Biển Ngà, Liberia và Sierra Leone. Con sông Niger bắt nguồn từ Guinée và chảy về hướng đông.
Dân số 10.000.000 người của Guinée thuộc về hai mươi bốn nhóm dân tộc. Các nhóm sắc tộc chiếm đa số là Fula, Mandinka, và Susu.
Mục lục
Lịch sử
Nhân dân Guinée dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Samori Touré đã chiến đấu chống lại thực dân Pháp trong nhiều năm. Năm 1898, thủ lĩnh Samori Touré bị bắt và tới năm 1905 Pháp chiếm hoàn toàn Guinée và đặt Guinée trong khối Tây Phi thuộc Pháp. Sau khi Pháp chiếm Guinée, nhân dân Guinée đã liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống ách thống trị của Pháp. Nổi bật nhất là các cuộc khởi nghĩa của nhân dân vùng Fouta.
Năm 1947, một nhóm người tiến bộ do Sékou Touré lãnh đạo thành lập Đảng Dân chủ Guinée(PDG). Đảng Dân chủ Guinée nhanh chóng trở thành một lực lượng chính trị quan trọng chống lại chế độ thực dân Pháp. Nhằm giữ thuộc địa sau thất bại ở Đông Dương, chính quyền Pháp chủ trương thành lập "Cộng đồng Pháp" ở châu Phi. Ngày 28 tháng 9 năm 1958, dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Guinée, nhân dân Guinée đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch lập Cộng đồng Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Guinée do chính quyền Pháp tổ chức.
Ngày 2 tháng 10 năm 1958, Guinée tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa Guinée do Sékou Touré làm Tổng thống. Guinée là nước đầu tiên của thuộc địa Tây Phi thuộc Pháp giành độc lập năm 1958. Chính quyền của Tổng thống Sékou Touré theo đuổi chính sách độc lập dân tộc, ủng hộ các phong trào giải phóng châu Phi.
Từ năm 1978, Cộng hoà Guinée đổi tên thành Cộng hoà Nhân dân Cách mạng Guinée. Năm 1982, Guinée bình thường hoá quan hệ với Pháp, bắt đầu hợp tác kinh tế và dần dần có quan hệ gắn bó với Mỹ và phương Tây. Tháng 4 năm 1984, sau khi Tổng thống Sékou Touré chết, lực lượng quân sự do Đại tá Lansana Conté đứng đầu tiến hành đảo chính và lên cầm quyền, đổi tên nước thành Cộng hoà Guinée. Tổng thống Lansana Conté đứng đầu đã tuyên bố thực hiện đường lối phát triển đát nước theo hướng tự do hoá kinh tế (1985), đa dạng hoá quan hệ với các nước, xây dựng hiến pháp mới theo chế độ đa đảng (1990). Tổng thống Lasana Conté tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống các năm 1993, 1998 và 2003.
Guinée và nước láng giềng Liberia vẫn tiếp tục trong tình trạng khó khăn. Cuộc nội chiến ở Liberia kéo dài trong thập niên 90, cuộc chiến ở đây đã lan sang biên giới Guinée, những cuộc đụng độ ở biên giới vẫn tiếp tục diễn ra sau khi nội chiến đã tạm lắng xuống. Guinée ủng hộ việc chống lại nhà lãnh đạo đối lập Charler Taylor trong cuộc nội chiến ở Liberia, cho nên mối quan hệ giữa Tổng thống Conté với Taylor không mấy tốt đẹp sau khi Taylor trở thành Tổng thống Liberia năm 1997.
Từ tháng 9 năm 2000, cuộc chiến tại ngã ba biên giới Guinée, Liberia và Sierra Leone ngày càng gia tăng. Quân đội Guinée phải chiến đấu chống lại lực lượng nhiều thành phần phe nhóm trong nhóm nổi dậy Guinée và Liberia. Do cơ sở hạ tầng thiếu, nền kinh tế yếu kém, gần 300.000 người tị nạn do cuộc nội chiến ở Sierra Leone đã tràn sang Guinée.[4]
Năm 2006 và đầu năm 2007, tình hình kinh tế chính trị Guinée bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các cuộc tổng đình công của các nghiệp đoàn phản đối chính phủ quản lý yếu kém, đòi Tổng thống Lansana Conté phải từ chức (do vấn đề sức khỏe) và bổ nhiệm một vị Thủ tướng.
Ngày 22 tháng 12 năm 2008, Tổng thống Lansana Conté qua đời. Một nhóm lực lượng quân đội đã tiến hành đảo chính giành chính quyền. Lãnh đạo nhóm đảo chính là Đại tá Moussa Dadis Camara tuyên bố là Tổng thống mới của Guinée và thành lập chính phủ mới.
Ngày 15 tháng 2 năm 2010, chính phủ chuyển tiếp gồm 34 thành viên được thành trong đó chính trị gia đối lập kỳ cựu Jean-Marie Dore giữ chức Thủ tướng. Ghi-nê dự kiến sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 27 tháng 6 năm 2010 nhằm thay thế chính quyền quân sự hiện nay.[5]
Chính trị
Đối nội
Ghi-nê theo thể chế Cộng hòa Tổng thốngTổng thống được tranh cử nhiều lần. Kể từ năm 2003, nhiệm kỳ của Tổng thống kéo dài 7 năm.
Năm 1992, Guinée thực hiện chế độ đa đảng. Hiện nay ở Guinée có hơn 40 đảng phái, trong đó có các đảng chính:
- Đảng Thống nhất và Tiến bộ (PUP)
- Liên minh Tiến bộ và Đổi mới (UPR)
- Liên minh vì tiến bộ của Guinée (UPR)
- Liên minh vì Nhân dân của Guinée (UPG)
- Đảng Nhân dân Guinée (PPG)
Đối ngoại
Trong những năm 1960, 1970 Guinée là một trong những nước cách mạng tiến bộ nhất châu Phi. Chính quyền của Tổng thống Sékou Touré thực hiện chính sách đối ngoại tích cực chống thực dân, đế quốc, quan hệ hữu nghị với các nước châu Phi tiến bộ và xã hội chủ nghĩa nên Ghi-nê có uy tín lớn ở châu Phi và trên thế giới. Những năm 80, do khó khăn về kinh tế, phải dựa vào viện trợ của phương Tây, Mỹ và các nước Ả Rập thân Mỹ, chính quyền Sékou Touré ngày càng có chiều hướng ngả sang Mỹ và phương Tây. Sau khi Tổng thống Lassana Conté lên cầm quyền, Guinée tuyên bố tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại Không liên kết nhưng thực chất thân phương Tây và đối với các vấn đề quốc tế lớn Guinée thường tránh bày tỏ lập trường.Guinée là thành viên của Phong trào không liên kết, UN, AU, Francophonie, IMF, WB...
Khu vực và quận
Guinée được chia thành 7 khu vực hành chính và 33 quận.Khu vực | Thủ phủ | Dân số(2010) |
---|---|---|
Conakry Region | Conakry | 2,325,190 |
Nzérékoré Region | Nzérékoré | 1,528,908 |
Kankan Region | Kankan | 1,427,568 |
Kindia Region | Kindia | 1,326,727 |
Boké Region | Boké | 965,767 |
Labé Region | Labé | 903,386 |
Faranah Region | Faranah | 839,083 |
Mamou Region | Mamou | 719,011 |
Thành phố chính bởi dân số
Địa lý
Guinée nằm ở Tây Phi, bên bờ Đại Tây Dương có chung biên giới với Guiné-Bissau, Sénégal, Mali, Bờ Biển Ngà, Liberia và Sierra Leone. Vùng đồng bằng ven biển tiếp giáp với khôi núi Fouta-Djalon. Vùng cao nguyên phía Đông phần lớn là các đồng cỏ nơi có thượng lưu sông Niger chảy qua; phía Đông Nam là các khối núi cao có các khu rừng rậm bao phủ.Kinh tế
Năm 1985, Guinée thực hiện cải cách kinh tế theo hướng đẩy mạnh quá trình tư nhân hoá và chuyển sang cơ cấu kinh tế thị trường, nhà nước chỉ quản lý các ngành kinh tế lớn như năng lượng, viễn thông, khai khoáng.Hiện Guinée đang cố gắng tìm lại hình ảnh và kêu gọi hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và các nước tài trợ... Trong năm 2008, đồng Fanc Guinée giảm giá mạnh do giá cả các mặt hàng thiết yếu trong nước vượt quá mức tiêu dùng của người dân.
- Nông nghiệp: Nông nghiệp chiếm khoảng hai phần ba lực lượng lao động. Guinée có khoảng 9 triệu ha đất trồng trọt ít chịu ảnh hưởng của sa mạc hoá, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Sản phẩm chính có cà phê, chuối, lúa, ngô, dứa... Do chính sách nông nghiệp không kích thích được sản xuất, nên sản xuất nông nghiệp của Guinée không phát triển. Hàng năm Guinée phải nhập khẩu từ 150.000 đến 200.000 tấn gạo/năm. Guinée sớm thực hiện cải cách kinh tế và từng bước thực hiện cải cách chính trị.[3] Mặc dù Guinée là nước sản xuất lúa lớn thứ hai tại châu Phi sau Nigeria nhưng sản xuất vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Với diện tích canh tác là 450.000 ha, sản lượng trung bình năm là 800.000 tấn thóc tương đương 533.000 tấn gạo, nước này hiện phải nhập khẩu 325.000 tấn gạo mỗi năm, tức là tăng 40% so với cách đây 10 năm. Mỗi người dân tiêu thụ gần 100 kg gạo mỗi năm. Phần lớn gạo địa phương được tiêu thụ và kinh doanh dưới dạng gạo đồ. Các nước cung cấp chính là Indonesia, Ấn Độ, Ai Cập và Việt Nam.
- Công nghiệp: Guinée là nước giàu tài nguyên khoáng sản. Guinée có trữ lượng bauxite 18 tỉ tấn (chiếm 1/2 trữ lượng thế giới, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất bauxite), sắt 13 tỉ tấn, kim cương 5 triệu carats... Khai thác bô xít là ngành công nghiệp chính của Guinée, sản xuất 12 triệu tấn/năm, ngoài ra còn khai thác vàng, kim cương. Ngành khai thác mỏ chiếm 70% giá trị xuất khẩu của Guinée. Thời gian gần đây, mỗi năm trung bình Guinée xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD gồm các mặt hàng bô xít, nhôm, vàng, kim cương, cà phê, cá, sản phẩm nông nghiệp. Các đối tác xuất khẩu chính gồm Ấn Độ, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Hoa Kỳ, Ireland, Pháp và Ukraina. Guinée nhập khẩu cũng khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm gồm sản phẩm dầu khí, kim loại, thiết bị vận tải, dệt may, ngũ cốc và thực phẩm khác. Các đối tác nhập khẩu chính gồm Trung Quốc, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Bỉ và Ấn Độ.
GDP bình quân (thực tế): 1100 USD (2009)
Tăng tưởng GDP: -2,5% (2009)
Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 23,7%, công nghiệp 36,1%, dịch vụ 40,2%.[5]
Giao thông vận tải
Dân số
Dân số khoảng 10, 057 triệu người. Bao gồm các nhóm sắc tộc: người Peuhl 40%, Malinke 30%, Soussou 20%, các bộ tộc nhỏ 10%.Ngôn ngữ chính thức của Guinea là tiếng Pháp. Ngôn ngữ quan trọng khác được nói là tiếng Pular (Fulfulde hoặc Fulani), Maninka (Malinke), susu, Kissi, Kpelle, và Loma.
Tôn giáo
Hồi giáo là tôn giáo chiếm đa số. Khoảng 85% dân số là người Hồi giáo, trong khi 8% là Kitô giáo, và 7% giữ niềm tin duy linh truyền thống. Hồi giáo Guinea nói chung là dòng Sunni và Sufi;[6] có rất ít người Hồi giáo Shia ở Guinea. Kitô giáo giáo bao gồm Công giáo La Mã, Anh giáo, Baptist, Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm, và các nhóm Tin Lành khác. Nhân chứng Jehovah hiện đang hoạt động trong cả nước và được công nhận bởi Chính phủ. Có một cộng đồng Bahá'í nhỏ. Có một số lượng nhỏ của người Hindu, Phật giáo và các tôn giáo truyền thống của Trung Quốc trong cộng đồng người nước ngoài.[7]Tính cách dân tộc
Quân đội
Lực lượng vũ trang Guinea được chia thành năm nhánh - lục quân, hải quân, không quân, hiến binh bán quân sự và Cảnh sát. Ngoài ra, lực lượng an ninh chế độ bao gồm Lực lượng Cảnh sát Quốc gia (Sûreté). Đội hiến binh, chịu trách nhiệm về an ninh nội bộ.Lục quân, với khoảng 15.000 người, đến nay là nhánh lớn nhất của lực lượng vũ trang. Chủ yếu chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới, an ninh của vùng lãnh thổ quản lý, và bảo vệ lợi ích quốc gia Guinea. Lực lượng không quân tổng số khoảng 700 người. Thiết bị của lực lượng bao gồm một số máy bay chiến đấu của Nga cung cấp. Hải quân có khoảng 900 người và hoạt động với một số tàu tuần tra nhỏ và sà lan.
Bảo vệ sức khỏe
Dịch vụ chăm sóc y tế của Guinée còn yếu kém (chỉ những người giàu mới được chăm sóc tốt). Khoảng 1/2 số bác sĩ sinh sống ở thủ đô Conakry. Một số trung tâm y tế được mở ra ở nông thôn, cung cấp dịch vụ chăm sóc cơ bản với giá rẻ. Suy dinh dưỡng ở trẻ em khá phổ biến. Guinée có tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh vào loại khá cao trên thế giới.HIV/AIDS ở Guinea
Các trường hợp đầu tiên nhiễm HIV/AIDS được báo cáo trong năm 1986. Mặc dù mức độ AIDS thấp hơn so với một số quốc gia châu Phi khác, nhưng đến năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết Guinea đang đối mặt với căn bệnh này một cách phổ biến. Ước tính có khoảng 170.000 người lớn và trẻ em bị nhiễm căn bệnh này vào cuối năm 2004. Sự lây lan của HIV/AIDS được cho là do các yếu tố như giáp với các quốc gia có tỷ lệ người dân nhiễm HIV/AIDS cao, đón nhận lượng người tỵ nạn lớn, v.v.[8][9]Văn hóa
Ngôn ngữ
Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, các thổ ngữ khác được sử dụng rộng rãi.Thể thao
Chủ đề chính
Đáng chú ý
Ghi chú
Chú thích
- ^ http://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/
- ^ See, for example, Univ. of Iowa map, Music Videos of Guinea Conakry – Clips Guineens, The Anglican Diocese of Guinea – Conakry, Canal France International's English-language page for Guinea Conakry
- ^ a ă http://www.vansu.vn/?part=thegioi&opt=cacnuoc&act=view&code=guinea
- ^ http://en.wikipedia.org/wiki/Guinée
- ^ a ă http://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/nr040819100948/nr101114235646/ns101115003451#HzuLddJ01OP8
- ^ http://www.jstor.org/discover/10.2307/3818383?uid=3739320&uid=2&uid=4&sid=21102174564123
- ^ http://www.state.gov/j/drl/rls/irf/2008/108372.htm
- ^ http://www.who.int/hiv/HIVCP_GIN.pdf
- ^ http://apps.who.int/globalatlas/predefinedReports/EFS2006/EFS_PDFs/EFS2006_GN.pdf
Tham khảo
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Guinée |
Đường sắt Bắc Nam
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Để biết về dự án đường sắt cao tốc, xem Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Đường sắt Bắc Nam | |
---|---|
Tàu hoả dừng tại ga Phù Mỹ, phía bắc Quy Nhơn |
|
Thông tin chung | |
Kiểu | Đường sắt tải trọng lớn |
Vị trí | Việt Nam |
Ga cuối | Ga Hà Nội Ga Sài Gòn |
Hoạt động | |
Hoạt động | 1936 |
Sở hữu | Đường sắt Việt Nam |
Thông tin kỹ thuật | |
Chiều dài tuyến | 1.726 km (1.072 mi) |
Khổ đường sắt | 1000 mm |
[ẩn]Đường sắt Bắc Nam | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Tổng chiều dài toàn tuyến: 1729 km, khổ rộng 1 m; đi qua các tỉnh và thành phố sau: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, tuyến đường sắt Bắc Nam là một phần của hệ thống tuyến đường sắt xuyên lục địa Á - Âu.
Mục lục
Lịch sử
Việc xây dựng con đường sắt Trans-Indochinois (Xuyên Đông Dương) hoàn thành ngày 1 tháng 10 năm 1936 thời Pháp thuộc.[1] Ngày hôm sau, 2 tháng 10 là ngày chính thức khánh thành tuyến đường sắt Bắc Nam (từ Hà Nội đến Sài Gòn với chiều dài dài 1.730 km. Sau năm 1975 ga Sài Gòn dời về ga Hòa Hưng và ga này đổi tên ga thành ga Sài Gòn nên chiều dài chỉ còn 1.726 km).[2]Những toa xe dùng lúc bấy giờ là voitures-couchettes, có toa voiture-restaurant chạy máy lạnh. Đầu máy thường là máy Mikado.[3]
1955-1975
Sau Đệ nhị Thế chiến rồi Chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ thì đoạn đường phía nam vĩ tuyến 17 vào thập niên 1950, khoảng 1/3 bị hư hại nặng, không sử dụng được.[4] Còn lại là hai khúc từ Đông Hà vào Đà Nẵng và từ Sài Gòn ra Ninh Hòa. Việc tái thiết kéo dài bốn năm dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam cho đến năm 1959 thì xe lửa mới chạy được suốt từ Sài Gòn ra Đông Hà, lần đầu tiên sau 12 năm gián đoạn.[5] Số liệu năm 1959 cho biết hệ thống đường sắt chuyên chở 2.658.000 lượt khách và 440.000 tấn hàng hóa. Số lượng sau đó giảm nhiều vì tình hình an ninh.[6]Tính đến năm 1971-1972 thời Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam thì tổng cộng có 1.240 km đường sắt nhưng chỉ có 57% sử dụng được. Tổng lượng hành khách và hàng hóa chuyên chở bằng đường sắt giảm nhiều so với thập niên trước nhưng cũng tăng dần:[7]
Năm | Tổng lượng hàng hóa vận tải (tấn) | Số lượng hành khách (triệu) |
---|---|---|
1968 | 400.000 | 0,73 |
1969 | 530.000 | 1,75 |
1970 | 720.000 | 2,4 |
Sau năm 1976
Ngày 31 tháng 12 năm 1976, hoàn thành sửa lại do bị chiến tranh tàn phá.Tồn tại: hiện tuyến đường sắt có tốc độ lưu thông thấp nhất thế giới do chạy qua nhiều đô thị đông dân cư, qua nhiều đèo có khúc cua gấp, giao cắt với đường bộ nhiều, đường đơn, đặc biệt là khổ đường hẹp (1 m).
Ngày 7 tháng 1 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ Việt nam Phan Văn Khải đã phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020".
Kế hoạch nâng cấp
Nội dung và quy mô các yếu tố chính của Quy hoạch:Giao thông vận tải đường sắt cần chiếm tỷ trọng 25% - 30% về tấn và tấn - km, 20% - 25% về hành khách và hành khách - km trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành giao thông vận tải đến năm 2020 có tỷ trọng vận chuyển hành khách đô thị bằng đường sắt đạt ít nhất là 20% khối lượng hành khách tại các thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Duy trì khổ đường sắt hiện tại, gồm các khổ đường 1.000 mm, 1.435 mm và đường lồng (1.000 mm và 1,435 mm) để nâng cấp, cải tạo đạt cấp kỹ thuật. Khi xây dựng các đoạn, tuyến đường sắt mới phải phù hợp và kết nối thuận tiện với khổ đường sắt hiện có ở khu vực đó. Riêng đường sắt cao tốc Bắc - Nam xây dựng theo tiêu chuẩn khổ đường 1.435 mm.
Phát triển phương tiện vận tải đường sắt theo hướng đa dạng với cơ cấu hợp lý, đổi mới sức kéo và sức chở theo hướng hiện đại, giảm chi phí, hạ giá thành, chú trọng phát triển các đoàn tàu tốc độ cao, tàu tự hành, tàu chở container... áp dụng công nghệ tiên tiến trong vận tải và đóng mới phương tiện nhằm tăng tốc độ chạy tàu để đến năm 2020, tốc độ tàu hàng đạt 80 km/h và tốc độ tàu khách đạt 120 km/h trở lên.
Những tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định sau khi thống nhất với các cơ quan liên quan và phù hợp với quy định hiện hành.
Đầu tư cơ sở hạ tầng đến năm 2020:
- Giai đoạn đến 2010:
+ Nâng cấp các tuyến đường hiện có vào cấp kỹ thuật quy định và xây dựng mới một số đoạn, tuyến, các đường nhánh nối với cảng, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm trong cả nước và kết nối với các tuyến hiện tại ưu tiên nâng cao năng lực và hiện đại hóa trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây tiến hành điện khí hóa tuyến Hà Nội - Hải Phòng để làm cơ sở phát triển sức kéo điện cho giai đoạn sau.
+ Đồng thời với việc xây dựng đường sắt đô thị ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải tiến hành xây dựng mới và đồng bộ các nhà ga, các cơ sở sửa chữa, vận dụng đầu máy-toa xe.
+ Làm mới hệ thống: thông tin cáp quang, tổng đài điện tử số, tín hiệu bán tự động tiến tới tự động, ghi điện khí tập trung, dừng tàu tự động, hệ thống cảnh báo đường ngang tự động... Tham gia thị trường viễn thông chung để tận dụng hết năng lực của ngành đường sắt.
+ Quy hoạch sắp xếp lại để phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng, phụ kiện cơ khí phục vụ sửa chữa, bảo trì và làm mới cơ sở hạ tầng đường sắt.
+ Nâng cấp, làm mới để từng bước hoàn chỉnh hệ thống nhà ga hành khách, ga hàng hóa ở các khu vực trọng điểm đặc biệt lưu ý các ga hành khách tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa là ga trung tâm của đường sắt vừa là đầu mối trung chuyển, kết nối các loại phương tiện vận tải, đồng thời là trung tâm dịch vụ đa năng.
- Giai đoạn đến 2020:
Hoàn thành việc nâng cấp các tuyến đường sắt để đạt cấp kỹ thuật quốc gia và khu vực, xây dựng thêm một đường để thành đường đôi và điện khí hóa các tuyến Hà Nôi - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang, tiếp tục xây dựng các tuyến đường sắt mới để tạo thành mạng lưới đường sắt đồng bộ, hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn hiện đại. Trên trục Bắc - Nam, ngoài tuyến đường sắt Thống Nhất hiện có cần xây dựng thêm một tuyến đường đôi riêng biệt chạy tàu khách cao tốc Bắc - Nam khổ đường 1.435 mm để giảm thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh xuống dưới 10 giờ và có khả năng kết nối với đường sắt liên vận quốc tế. Tiếp tục xây dựng đường sắt vành đai, nội đô ở các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác để tạo thành mạng lưới giao thông đô thị hoàn chỉnh và đồng bộ.
Các ga trên tuyến đường sắt Bắc-Nam
Xem Các ga trên tuyến đường sắt Thống Nhất.An toàn
Theo báo cáo của ngành đường sắt Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2009 đã xảy ra 431 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 166 người, bị thương 319 người. Hiện, có gần 6.000 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có hơn 4.500 điểm giao cắt dân sinh, nhiều điểm không có rào chắn, biển báo. Riêng 3 thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng có trên 4.200 điểm vi phạm với diện tích bị lấn chiếm gần 1,5 triệu m2.[8]Xem thêm
- Tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng
- Tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai
- Tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng
Tham khảo
- ^ Nguyễn An Tiêm. "Sổ luân lưu". Khởi Hành Năm XV, số 169. Tháng 11, 2010. tr 7
- ^ Hạ tầng cơ sở Đường sắt
- ^ a ă Trains-worldexpresses
- ^ [1] The Pentagon Papers. "Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960".
- ^ [2] Trang 27.
- ^ [3] Trang 432.
- ^ Nguyen Ngoc Bich, et al. tr 49
- ^ Những điểm giao cắt đường sắt nguy hiểm giữa thủ đô
Liên kết ngoài
- Đường sắt cao tốc ở Việt Nam sẽ trở thành hiện thực
- Tổng công ty Đường sắt sẽ thành tập đoàn kinh tế mạnh
|
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Đường sắt Bắc Nam |
Thể loại:
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
No comments:
Post a Comment