CNM365 Chào ngày mới 11 tháng 3 Wikipedia Ngày này năm xưa Ngày tái lập nền độc lập của Litva (1990). Năm 222 – Hoàng đế La Mã Elagabalus và mẹ là Julia Soaemias bị Cấm vệ quân Praetoriani sát hại trong một cuộc nổi dậy, sau đó thi thể của họ bị cắt xẻo và kéo lê trên đường phố La Mã rồi bị ném xuống sông Tevere. Năm 1851 – Vở opera Rigoletto của nhà soạn nhạc người Ý Giuseppe Verdi có buổi trình diễn ra mắt thành công tại nhà hát La Fenice tại Venezia, Vương quốc Lombardia-Veneto. Năm 1879 – Quốc vương Shō Tai của Lưu Cầu chính thức thoái vị theo lệnh từ chính quyền Tokyo, phiên Lưu Cầu chấm dứt tồn tại và nay là tỉnh Okinawa của Nhật Bản. Năm 1975 – Chiến tranh Việt Nam: Lực lượng miền Bắc và du kích chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột từ Lực lượng Việt Nam Cộng hòa trong Chiến dịch Tây Nguyên (Tượng đài kỷ niệm chiến thắng ngày 11-3-1975 tại Quảng trường Ngã Sáu, thành phố Buôn Ma Thuột. Tác giả: Gorick Francois). Năm 2011 – Động đất và sóng thần Nhật Bản diễn ra làm thiệt mạng hơn 15.000 người, gây sự cố hạt nhân trầm trọng, thiệt hại hàng trăm tỉ đô la Mỹ.
Chiến dịch Tây Nguyên
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mục từ "Chiến dịch Tây Nguyên" dẫn đến bài này. Xin đọc về các nghĩa khác tại Chiến dịch Tây Nguyên (định hướng).
|
|
Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 tháng 3 đến 3 tháng 4 năm 1975), mật danh Chiến dịch 275, là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 do Quân đội Nhân dân Việt Nam phát động tấn công. Với cuộc tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 10 tháng 3 năm 1975 vào Buôn Ma Thuột, cánh Nam của Quân đoàn II (quân lực Việt Nam Công hòa) đã bị sụp đổ. Những nỗ lực tái chiếm Buôn Ma Thuột của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà trong các trận phản công ngày 11 và 13 tháng 3 đều thất bại. Ngày 14 tháng 3, Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời là Tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hoà đã có một bước đi hết sức sai lầm khi ông ta quyết định rút quân trên toàn địa bàn Tây Nguyên để về giữ miền duyên hải Trung bộ. Ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ Quân đoàn II (Quân lực Việt Nam Cộng hòa) bị tiêu diệt và tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7 định mệnh.
Chiến dịch này đã tạo nên một lỗ hổng rất lớn trong tuyến phòng thủ quân sự của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại địa bàn Quân khu II - Quân đoàn II QLVHCN. Chiến dịch này mở đầu cho những thất bại quân sự khó có thể cứu vãn nổi của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Cùng với những sai lầm có tính chiến lược trong phương án và cách thức điều quân, phối trí lại lực lượng của các cấp chỉ huy QLVNCH mà đứng đầu là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chiến dịch này đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của QLVNCH tại miền Nam Việt Nam, dẫn đến sự chấm dứt Chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chỉ trong 55 ngày.
Mục lục
Lực lượng quân sự của các bên
Quân đội nhân dân Việt Nam[2]
Lực lượng QĐNDVN tham chiến tại Mặt trận Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 ban đầu được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên (mật danh 275) trên cơ sở tổ chức lại Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) trước đây. Ngày 5 tháng 2 năm 1975, Bộ Tư lệnh được thành lập do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm chính uỷ, Thiếu tướng Vũ Lăng (nguyên Cục trưởng Cục tác chiến) và các đại tá Phan Hàm, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang làm Phó tư lệnh. Đại tá Phí Triệu Hàm làm Phó chính uỷ, Đại tá Hồ Đệ làm Tham mưu trưởng Quân đoàn kiêm Sư trưởng sư 10, sau làm Phó Tư lệnh quân đoàn 3.Loạt bài Chiến tranh Việt Nam |
---|
Giai đoạn 1954–1959 |
Thuyết Domino |
Hoa Kỳ can thiệp |
Miền Bắc – Miền Nam |
Giai đoạn 1960–1965 |
Diễn biến Quốc tế – Miền Nam |
Kế hoạch Staley-Taylor |
Chiến tranh đặc biệt |
Đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm |
Giai đoạn 1965–1968 |
Miền Bắc Chiến dịch: Sự kiện Vịnh Bắc Bộ Mũi Tên Xuyên –Sấm Rền |
Miền Nam Chiến tranh cục bộ Chiến dịch: Các chiến dịch Tìm-Diệt Phượng Hoàng –Tết Mậu Thân, 1968 |
Diễn biến Quốc tế |
Giai đoạn 1968–1972 |
Diễn biến Quốc tế |
Việt Nam hóa chiến tranh |
Hội nghị Paris |
Hiệp định Paris |
Chiến dịch: Lam Sơn 719 – Chiến cục năm 1972 – Hè 1972 –Linebacker –Linebacker II |
Giai đoạn 1973–1975 |
Chiến dịch: Xuân 1975 Phước Long |
Tây Nguyên -Huế - Đà Nẵng Phan Rang - Xuân Lộc |
Hồ Chí Minh |
Trường Sa và các đảo trên Biển Đông |
Sự kiện 30 tháng 4, 1975 |
Hậu quả chiến tranh |
Tổn thất nhân mạng |
Tội ác của Hoa Kỳ và đồng minh |
Chất độc da cam |
Thuyền nhân |
sửatiêu bản |
Trực tiếp chiến đấu
- Bộ binh:
- Các sư đoàn 3 (Sao Vàng), 10, 316, 320A, 968.
- Các trung đoàn độc lập: 25, 271, 95A, 95B.
- Đặc công: Trung đoàn 198 và 2 tiểu đoàn độc lập 14, 27.
- Xe tăng-thiết giáp: Trung đoàn 273.
- Pháo binh: Các trung đoàn 40 và 675.
- Phòng không: Các trung đoàn 232, 234, 593.
- Công binh: Các trung đoàn 7 và 575.
- Thông tin: Trung đoàn 29.
- Vận tải: một trung đoàn ô tô.
Đầu tháng 3 năm 1975, các lực lượng nói trên được bố trí như sau:
- Cụm Buôn Ma Thuột: Sư đoàn bộ binh 316, trung đoàn bộ binh 95B, trung đoàn bộ binh 24 (thiếu tiểu đoàn), tiểu đoàn bộ binh 4 (trung đoàn 24), trung đoàn đặc công 198, trung đoàn xe tăng 273 (thiếu 1 tiểu đoàn), 2 trung đoàn pháo binh 40 (thiếu) và 675, 2 trung đoàn công binh 7 và 575, trung đoàn thông tin 29.
- Cụm Đức Lập: Sư đoàn 10 bộ binh (thiếu trung đoàn 24), trung đoàn bộ binh 271, tiểu đoàn đặc công 14, một tiểu đoàn pháo binh (thuộc trung đoàn pháo binh 40), 2 tiểu đoàn phòng không (thuộc trung đoàn phòng không 234.
- Khu vực đường 19 từ Bình Khê đi Pleibon: Sư đoàn bộ binh 3 Sao Vàng (thiếu 1 trung đoàn), trung đoàn 95A.[4]
- Cụm Thuần Mẫn - đường 14: Sư đoàn bộ binh 320A (binh chủng hợp thành).
- Cụm Pleiku-Kon Tum: Sư đoàn 968 (thiếu) và lực lượng vũ trang 2 tỉnh đảm nhiệm.
- Khu vực đường 21: trung đoàn bộ binh 25.[5]
Quân lực Việt Nam Cộng hòa[6][7]
Vùng duyên hải Trung-Nam Trung bộ- Bộ binh: Sư đoàn 22 (4 trung đoàn: 41, 42, 43, 52) và 45 tiểu đoàn bảo an.
- Pháo binh: 5 tiểu đoàn với 146 khẩu các cỡ từ 105 đến 155 mm.
- Xe tăng-Thiết giáp: 1 thiết đoàn và 8 chi đội tổng cộng 117 xe
- Không quân: 12 phi đoàn gồm 102 máy bay chiến đấu phản lực và cánh quạt, 164 trực thăng, 69 máy bay vận tải, trinh sát và huấn luyện.
- Hải quân: 2 hải đoàn tuần duyên, 2 giang đội trên sông
Vùng Cao nguyên
- Bộ binh: Sư đoàn 23 (3 trung đoàn: 44, 45, 53), 7 liên đoàn biệt động quân (4, 6, 21, 22, 23, 24, 25; các đơn vị này có quân số tương đương 10 trung đoàn), 36 tiểu đoàn bảo an.
- Pháo binh: 8 tiểu đoàn với 230 khẩu các cỡ từ 105 đến 175 mm.
- Xe tăng-thiết giáp: 4 thiết đoàn với 371 xe
- Không quân: 1 phi đoàn chiến đấu (32 chiếc), 2 phi đoàn trực thăng (86 chiếc), 1 phi đoàn vận tải, trinh sát và huấn luyện (32 chiếc).
Theo đại tá Phạm Bá Hoa, tham mưu trưởng Tổng cục tiếp vận QLVNCH, các lực lượng này được bố trí theo thế "nặng đầu nhẹ đuôi" trên địa bàn Cao nguyên trung phần.[10] Trung đoàn 44 (sư đoàn 23) và 3 thiết đoàn xe tăng, 5 tiểu đoàn pháo, 5 liên đoàn biệt động quân (6, 22, 23, 24, 25) đóng quanh khu vực Kon Tum - Pleiku và chốt giữ đường 19 đi An Khê (Bình Định); toàn bộ 4 phi đoàn không quân đóng tại sân bay Cù Hanh; Trung đoàn 45 (sư đoàn 23) và 1 chi đoàn thiết giáp (thuộc thiết đoàn 8) giữ Quảng Đức, liên đoàn 4 biệt động quân và 1 tiểu đoàn pháo binh giữ Thanh An - Đồn Tằm. Tại Buôn Ma Thuột chỉ có trung đoàn 53, liên đoàn 21 biệt động quân, trung đoàn pháo binh 232, thiết đoàn 8 (thiếu) và một chi đội thiết giáp, 3 liên đoàn bảo an, hậu cứ trung đoàn 45 (khu B50), các đơn vị hậu cứ và Bộ chỉ huy nhẹ của sư đoàn 23. Tổng số quân 8.350 người, trong đó có 5.920 quân đóng tại các căn cứ trong thị xã, 2.430 quân đóng tại các cứ điểm ngoại vi thị xã. Lực lượng này được trang bị 19 pháo 105 mm, 4 pháo 155 mm, 16 xe tăng M-41 và M48, 50 xe bọc thép M-113, phi đội trinh sát có 6 máy bay trinh sát L-19 và trực thăng UH-1 tại sân bay Hòa Bình (Phụng Dực).[11][12]
Thiếu tướng Phạm Văn Phú chỉ huy các lực lượng của Quân đoàn II-QLVNCH. Các chỉ huy cấp tại cụm quân Cao nguyên có Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm phó tư lệnh phụ trách hành quân; chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh sư đoàn 6 không quân, chuẩn tướng Lê Trung Tường, tư lệnh sư đoàn 23; Đại tá Lê Khắc Lý, tham mưu trưởng quân đoàn; Đại tá Phạm Duy Tất, chỉ huy biệt động quân, đại tá Vũ Thế Quang, Phó tư lệnh sư đoàn 23. Các tiểu khu quân sự tỉnh do các đại tá tỉnh trưởng nắm giữ gồm: đại tá Phạm Văn Nghìn, tỉnh trưởng Quảng Đức, đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng Đắc Lắc và tỉnh trưởng các các tỉnh trưởng Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, Tuyên Đức.[7][13]
Trên toàn mặt trận Tây Nguyên, so với lực lượng QLVNCH, lực lượng bộ binh QĐNDVN không hơn nhiều. Nhưng do phần lớn QLVNCH phòng thủ tại cánh Bắc trong khi QĐNDVN tập trung chủ lực tại cánh Nam, nên tại điểm quyết chiến Buôn Ma Thuột vào giờ khai hỏa, ưu thế của QĐNDVN so với QLVNCH tại đây có tỉ lệ áp đảo: bộ binh 5:1, thiết giáp 2:1, pháo lớn 2:1[14]. Ưu thế này bảo đảm cho QĐNDVN khả năng thắng lợi nhanh chóng do đối phương khó có khả năng cầm cự lâu dài chờ quân phản kích ứng cứu.
Ý đồ chiến lược, chiến thuật quân sự của các bên
Phía Quân đội nhân dân Việt Nam
Từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 2, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên họp mở rộng để bàn phương án tác chiến. Đánh giá tình hình Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên địa bàn, các tướng lĩnh và sĩ quan chỉ huy cao cấp của Bộ Tư lệnh chiến dịch thống nhất nhận định:- Đối phương có thể huy động cao nhất từ 5 đến 7 đơn vị cấp trung đoàn để lần lượt phản đội kích ngăn chặn cuộc tấn công. Nếu không phải đối phó trên nhiều hướng, đối phương có thể huy động lực lượng dự bị chiến lược và từ các quân khu khác khoảng từ 9 đến 12 trung đoàn.
- Do phải cơ động bằng đường bộ, và nếu phái đối phó trên nhiều hướng tiến công, các đơn vị phản kích của đối phương (nếu có) sẽ chỉ có thể đến chiến trường từ 3 đến 4 trung đoàn một lượt. Nếu đối phương cơ động đường không thì với lực lượng máy bay và bãi đáp, sân bay hiện có, mỗi ngày chỉ có thể đưa một trung đoàn vào trận.
- Đối phương có thể huy động chi viện đến mặt trận từ 1 đến 2 thiết đoàn, sử dụng từ 3 đến 5 tiểu đoàn pháo lớn cho hướng chủ yếu và chi viện không quân khoảng 80 lần chiếc/ngày. Hội nghị cũng dự kiến không quân Hoa Kỳ có thể tham chiến trở lại với cường suất 100 đến 120 lần chiếc/ngày.
- Hướng và khu vực tác chiến chủ yếu là thị xã Buôn Ma Thuột - Đức Lập. Mục tiêu quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột.
- Hướng và mục tiêu quan trọng là khu vực Cẩm Ga (Thuần Mẫn) để cắt đứt đường 14, chia cắt các lực lượng đối phương ở Bắc Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên, ngăn chặn cánh quân ở khu vực Kon Tum - Pleiku xuống ứng cứu cho Buôn Ma Thuột.
- Hướng phát triển chiến dịch đến Phú Bổn và Quảng Đức, chủ yếu là Phú Bổn, gồm cả thị xã Cheo Reo.
- Hướng bao vây chia cắt chiến dịch là cắt đứt đường 19 trên tuyến Pleiku - An Khê - đông Bình Khê, cắt đứt đường 21 ở phía Đông và Tây Chư Cúc, chặn cánh quân đồng bằng duyên hải từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lên ứng cứu cho Tây Nguyên đồng thời ngăn chặn cánh quân ở Tây Nguyên rút về đồng bằng ven biển.
- Hướng nghi binh chiến dịch là Pleiku và Kon Tum, các đơn vị ở lại trên hướng này phải tạo thế chuẩn bị tấn công, kiềm chế, giam chân khối chủ lực của Quân đoàn II tại khu vực Pleiku - Kon Tum.
Phương án thứ nhất: Tấn công khi đối phương chưa điều toàn bộ sư đoàn 23 và các đơn vị tăng cường khác về phòng thủ Buôn Ma Thuột. Đây là phương án lý tưởng nhất, đảm bảo tháng nhanh gọn và ít gây thiệt hại cho các mục tiêu dân sự trong thị xã. Điều này phụ thuộc vào hiệu quả thực hiện nghi binh chiến lược trên hướng Pleiku-Kon Tum bảo đảm giam chân 4 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn xe tăng-thiết giáp và 5 liên đoàn biệt động quân đang bố trí tại đây
Phương án thứ hai: Tấn công khi đối phương đã tăng cường phòng thủ thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là phương án đánh chắc tiến chắc và cuộc chiến sẽ giằng co ác liệt gay go.
Bộ Tư lệnh chiến dịch yêu cầu các đơn vị dưới quyền tổ chức chuẩn bị tấn công theo phương án 2; trong khi thực hiện phải tạo thời cơ và nhanh chóng chuyển sang phương án 1 khi điều kiện thời cơ xuất hiện.[15][16][17]
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát hiện ra điểm yếu trong toàn bộ tuyến phòng thủ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa do tập trung phần lớn lực lượng mạnh nhất của mình ở Quân khu I (phía Bắc đèo Hải Vân) và quân khu III (quanh Sài Gòn). Quân khu II, trong đó có địa bàn trọng điểm Tây Nguyên chính là địa đoạn yếu nhất trên toàn bộ tuyến phòng thủ do chỉ có một quân đoàn đóng giữ. Quân đoàn này lại phải bổ đôi lực lượng cho hai khu vực đồng bằng và cao nguyên, giao thông không thuận tiện, dễ bị chia cắt. Địa đoạn yếu này lại càng yếu hơn khi các lực lượng mạnh nhất tập trung ở cánh Bắc xung quanh Pleiku - Kon Tum và gần như để ngỏ cánh Nam với Buôn Ma Thuột là trọng điểm. Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên cho rằng khi mất Tây Nguyên QLVNCH sẽ khó tổ chức phản công tái chiếm vì sẽ phải điều từ 5 tới 6 sư đoàn đến chiến trường trong khi không có đủ lực lượng để bảo vệ Quân khu III, Biệt khu thủ đô và Quân khu I sát miền Bắc nếu các Quân khu này cũng đồng thời bị tấn công.[18]
Phía Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Ngày 18 tháng 2 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập phiên họp các tướng lĩnh tại Dinh Độc lập để soát xét việc thực thi Kế hoạch quân sự Lý Thường Kiệt 1975 đã được Hội đồng An ninh quốc gia phê chuẩn hồi tháng 12 năm 1974. Trong báo cáo "Ước lượng tình báo" do Đại tá Hoàng Ngọc Lung, Trưởng phòng 2 Bộ Tổng tham mưu có một số điểm đáng chú ý:- Lực lượng tổng trù bị của Bắc Việt gồm 7 sư đoàn vẫn đóng tại vùng "cán xoong" phía Bắc Quân khu I nhưng các sư đoàn 312, 316 và 341 đang có hiện tượng chuẩn bị di chuyển.
- Nhiều dấu hiệu cho thấy đối phương có thể phát động tấn công Xuân-Hè 1975 trong một ngày gần đây. Mấu chốt của cuộc tấn kích này vẫn là phá bình định, giành đất, giành dân.
- Quân khu II sẽ là hướng trọng điểm, hai quân khu bạn (I và III) là hướng phối hợp.[19]
- Tập trung sưu tra sự di chuyển của sư đoàn 10 và sư đoàn 320 Bắc Việt. Hai sư đoàn này ở đâu thì ở đó sẽ có đánh lớn. Sư đoàn 968 chuyên bảo vệ hậu cứ, ít kinh nghiệm sơn chiến nên không đáng ngại, có thể dùng không quân ngăn chặn.
- Khu vực Pleiku - Kon Tum phải tăng cường bố phòng sục sạo từ xa để sớm phát hiện đối phương; nới rộng tuyến phòng thủ ra ngoài để giảm sức tiến công của đối phương khi đánh sâu vào các cụm phòng ngự trong thị xã.
- Chấp thuận đề nghị của đại tá Nghìn, tăng phái cho Quảng Đức trung đoàn 53.
- Ban Mê Thuột (Buôn Ma Thuột) có thể bị tấn kích nhưng chỉ là "diện", chưa cần tăng thêm lực lượng.
- Các tiểu khu, đơn vị có và thực thi ngay kế hoạch giải toả các đường giao thông khi bị đối phương cắt đứt.[21]
Diễn biến chiến dịch
Nghi binh, tạo thế và cài thế
Nghi binh
Giữa tháng 2, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mão, một binh sĩ QĐNDVN đào ngũ đã khai với Phòng 2 (Bộ tham mưu Quân đoàn II) về việc QĐNDVN điều động sư đoàn 10 đánh Đức Lập (căn cứ Núi Lửa), sư đoàn 320 đã đến Ea H'leo chuẩn bị đánh Thuần Mẫn (Cẩm Ga), một lực lượng khác sẽ tấn công Buôn Ma Thuột. Nhưng đúng vào ngày diễn ra cuộc họp các sĩ quân chỉ huy thuộc Quân khu II, một cuộc pháo kích lớn của QĐNDVN chụp xuống Pleiku nên tướng Phú lại cho rằng đây là kế trá hàng lừa địch của đối phương. Mặc dù có lúc ông ta đã định điều Sư đoàn 23 về Buôn Ma Thuột nhưng các chi nhánh CIA tại Quân khu II và phòng 2 Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH đều khẳng định sư đoàn 10 và sư đoàn 320 QĐNDVN vẫn ở nguyên chỗ cũ.[25] Trên bản đồ tình báo của Phủ đặc ủy tình báo VNCH, của Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn và Sở chỉ huy Quân đoàn II đều cho thấy một cụm quân rất lớn gồm 2 đến 3 sư đoàn có trang bị mạnh của QĐNDVN đang chiếm lĩnh vị trí quanh Kon Tum và cả Pleiku cách đó hơn 20 km.[26].Thực ra, các hoạt động nghi binh của QĐNDVN đã bắt đầu từ tháng 12 năm 1974, khi trận Phước Long chuẩn bị mở màn. Trung đoàn 7 công binh 559 mở thông đường 220 nối đường 14 ở Bắc Võ Định với đường 19 gần đềo Mang Yang sau khi vòng qua Đông Bắc thị xã Kon Tum. Hai trận dịa pháo binh 130 mm giả dược triển khai phía Bắc Kon Tum (thực ra chỉ có súng cối 120 mm). Một số xe tăng (cũ), xe xích kéo pháo, xe vận tải được tổ chức cơ động liên tục suốt ngày đêm quanh phòng tuyến. Hai bến phà (gỗ) được triển khai tại cầu Diên Bình và sông Đakbla. Sư đoàn 10 để lại một lực lượng nhỏ liên tục dùng súng cối bắn phá thị xã Kon Tum và đào nhiều hầm hào trong tuyến phòng ngự. Sư đoàn 320 cũng để lại một bộ phận lực lượng hoạt động ở đường 19 phía Tây Pleiku, cùng súng cối bắn phá các căn cứ La Sơn, Thanh An, Đồn Tằm. Trung đoàn 95 hoạt động mạnh ở đường 19 Đông, chặn đánh các đoàn xe quân sự và tập kích một số chốt của QLVNCH. Trung đoàn đặc công 198 để lại 2 trung đội tập kích kho xăng Pleiku. Khi lực lượng chủ lực của các sư đoàn 10, 320 và các trung đoàn 40, 234, 273, 675 di chuyển về quanh Buôn Ma Thuột, hệ thống điện đài của các đơn vị này vẫn giữ nguyên vị trí và liên tục phát đi các bức điện giả, báo cáo giả, mệnh lệnh giả với tần suất ngày càng cao. Trong khi các đơn vị này di chuyển vào Đắc Lắc thì Sư đoàn 968 (thiếu) từ Lào về lần lượt thay thế các đơn vị này và vẫn sử dụng hệ thống liên lạc vô tuyến điện đã có tại địa bàn. Sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên cũng để lại và duy trì hoạt động của các bộ máy điện đài 15W (loại dùng cho sở chỉ huy sư đoàn trở lên) tại K'Leng, bắc Võ Định, điểm cao 518 bên đường 19 đông. Lực lượng an ninh giải phóng Pleiku và Kon Tum còn cho người vào tìm người thân" trong khu vực do QLVNCH kiểm soát, phao tin Quân giải phóng sắp đánh lớn và Kon Tum và Pleiku. Dân chúng trong các vùng do Mặt trận kiểm soát ở các khu vực Đông, Bắc và Tây Pleiku - Kon Tum làm nhiều cờ, hoa, biểu ngữ với nội dung chào mừng Pleiku và Kon Tum được giải phóng.[27] Khi Trung đoàn 45 (sư đoàn 23) Quân lực Việt Nam Cộng hòa tổ chức các cuộc hành quân lùng sục xung quang khu vực Buôn Ma Thuột, Thuần Mẫn và Đức Lập; Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã lệnh cho các đơn vị của Sư đoàn 320A tạm lùi về phía Tây, tránh giao chiến, không bộc lộ lực lượng. Sư đoàn 316 bố trí phía sau Sư đoàn 320A được lệnh không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào.[28]
Các hành động nghi binh trên đây của Quân đội nhân dân Việt nam (QĐNDVN) đã dẫn đến những thông tin trái ngược trong các báo cáo tình báo của CIA, Phủ đặc ủy tình báo, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH và Bộ tham mưu và cơ quan tình báo Quân đoàn II QLVNCH. Và nó dẫn đến kết quả là ngày 18 tháng 2 năm 1975, Tư lệnh quân đoàn II, Thiếu tướng Phạm Văn Phú đã có một quyết định sai lầm: giữ sư đoàn 23 (thiếu) ở lại khu vực Pleiku - Kontum mặc dù chỉ trước đó một ngày, ông ta đã phê chuẩn kế hoạch chuyển sư đoàn này về Buôn Ma Thuột.[29][30][31] Cho đến cuối tháng 2, CIA tại Sài Gòn vẫn chưa biết gì về việc tập trung quân của QĐNDVN tại đây và vẫn phán đoán rằng mục tiêu tấn công chủ yếu vẫn là Pleiku và Kon Tum [32].
Tạo thế và cài thế
Chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu đêm 3 rạng ngày 4 tháng 3 với trận đánh của Trung đoàn 95A diệt căn cứ Ayun do 1 tiểu đoàn bảo an chiếm hữa và một số điểm chốt giao thông nhỏ của QLVNCH trên 20 km đường 19 từ ngã ba Pleibon đến ấp Phú Yên (Tây An Khê) ở. Cùng thời gian này, trung đoàn 9, sư đoàn 320A cắt đường 14 ở Ea H'Leo (Bắc Cẩm Ga). Ngày 4 tháng 3, Sư đoàn 3 Sao Vàng (thiếu) của Quân khu 5 tấn công và tràn ngập 11 chốt do 2 đại đội bảo an đóng giữ (có 300 quân VNCH bị tiêu diệt [33], chiếm đoạn đường 19 từ đèo Thượng An đến cầu số 13 ở Đông An Khê. Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 3 Trung đoàn 25 (QĐNDVN) tổ chức trận phục kích một đoàn xe vận tải của QLVNCH tại Chư Cúc, cắt đứt đường số 21 ở tây Khánh Dương, đông Buôn Ma Thuột.[34] Tướng Phạm Văn Phú một mặt xin viện binh để khôi phục tình hình trên đường 19 phía Đông Pleiku, mặt khác rút trung đoàn 45 từ Thuần Mẫn (căn cứ Cẩm Ga) lui về giữ đường 14 tại Thanh An, phía Nam Pleiku. Bộ Tổng tham mưu QLVNCH chấp nhận tăng viện liên đoàn 4 biệt động quân lên Pleiku bằng đường không. Tướng Phú lập tức điều động tăng phái đơn vị này cho Thiết đoàn 2 do đại tá Nguyễn Văn Đồng chỉ huy đang trấn giữa phía Đông Pleiku tổ chức tấn công nhổ các chốt của Trung đoàn 95A (QĐNDVN) trên đường 19 nhưng không thành công. Trung đoàn 53 do đại tá Vũ Thế Quang (phó tư lệnh sư đoàn 23 chỉ huy) đang tăng phái cho Quảng Đức cũng được tướng Phú điều về Buôn Ma Thuột phòng thủ thị xã.[35][36] Đến ngày 8 tháng 3, Tây Nguyên đã bị cô lập với đồng bằng ven biển miền Trung và Nam Trung bộ về đường bộ, trừ đường số 7 rất xấu đã lâu không sử dụng. Thế trận ở Tây Nguyên đã được thiết lập.Ngày 5 tháng 3, đại tá Quang đích thân chỉ huy 1 tiểu đoàn của trung đoàn 53 cùng 14 xe hành quân vè Buôn Ma Thuột thì bị trung đoàn 9, sư đoàn 320 phục kích tại Thuần Mẫn. 8 xe bị bắn cháy, 2 pháo 105 mm bị đối phương chiếm được[37]. 7 xe còn lại phải quay về Pleiku. Đại tá Quang phải trở về Buôn Ma Thuột bằng trực thăng. Ngày 7 và ngày 8 tháng 3, trung đoàn 48 (sư đoàn 320A QĐNDVN) với sự chi viện của 5 khẩu đội pháo binh (2 pháo 105 mm, 3 pháo 85 mm) tấn công đánh chiếm Chư Sê và Thuần Mẫn (căn cứ Cẩm Ga) loại khỏi vòng chiến đấu 1 tiểu đoàn bảo an QLVNCH (có 121 người bị bắt làm tù binh [38]), cô lập Buôn Ma Thuột với Bắc Tây Nguyên. Tướng Phú điều liên đoàn 21 biệt động quân từ Kon Tum đến Buôn Hồ bằng trực thăng vận và lệnh cho đơn vị này phối hợp với trung đoàn 53 mở cuộc hành quân lấy lại căn cứ Cẩm Ga trong ngày 9 tháng 3. Trong khi liên đoàn 21 và trung đoàn 53 không lấy lại được Cẩm Ga thì đêm ngày 8 rạng ngày 9 tháng 3, sư đoàn 10 QĐNDVN (thiếu) tấn công cụm cứ điểm Đức Lập (gồm căn cứ Núi Lửa và căn cứ liên đoàn 23 biệt động quân do 1 đại đội trinh sát, 1 chi đội xe tăng, 14 khẩu pháo, 1 tiểu đoàn và 2 đại đội bảo an, 18 trung đội dân vệ, 1 trung đội cảng sát có quân số tổng cộng là 2400 chiếm giữ[37]), chiếm giữ hoàn toàn các cứ điểm này vào ngày 10 tháng 3.[39]
11 giờ trưa ngày 9 tháng 3, thiếu tướng Phạm Văn Phú từ Nha Trang bay lên sân bay Buôn Ma Thuột và triệu tập cuộc họp với chuẩn tướng Lê Trung Tường, đại tá Vũ Thế Quang và đại tá Nguyễn Trọng Luật để đánh giá tình hình. Theo tướng Phú: tình hình Đức Lập quá xấu, không còn khả năng cứu vãn nên không tăng thêm viện binh, rút liên đoàn 21 biệt động quân từ Buôn Hồ về bảo vệ phía Bắc thị xã; tiểu đoàn 2, trung đoàn 53 phải cố giữ ngã ba Đắc Sắc, chờ thời cơ phản kích lấy lại Đức Lập; tăng viện một chi đoàn thiết giáp cho thị xã và rút 2 tiểu đoàn bảo an ở Bản Đôn về phòng thủ ngoại vi thị xã. Đại tá Vũ Thế Quang được bổ nhiệm làm tư lệnh các lực lượng phòng thủ Buôn Ma Thuột. Cho đến lúc đó, tướng Phú vẫn một mực cho rằng: Cộng sản đánh Quảng Đức, uy hiếp Buôn Ma Thuột là để nghi binh và vài ngày tới, họ sẽ tập trung tấn kích mạnh vào Pleiku - Kon Tum. 6 giờ chiều ngày 9 tháng 3, tướng Phú về đến Pleiku và ra lệnh cấm trại 100%[7]. Ngay cả đến khi Buôn Ma Thuột bị tấn công, tướng Phú và cả Bộ Tư lệnh Quân đoàn II cũng chưa biết rằng cuộc tấn công này được thực hiện chủ yếu bởi sư đoàn 316 đã bí mật hành quân xuống Nam Tây Nguyên theo sau sư đoàn 320A, dùng sư đoàn 320A làm bình phong che giấu sự có mặt của mình. Lợi dụng việc các đơn vị chủ lực của QLVNCH tại Buôn Ma Thuột tập trung giải tỏa đường 14 trên hướng Thuần Mẫn - Buôn Hồ, các trung đoàn công binh 7 và 575 (QĐNDVN) đã mở thông các con đường 50B, 50C, 50D, 51, 57B, 57C bảo đảm cho xe pháo các loại có thể kéo thẳng vào Buôn Ma Thuột. Riêng đường 20C ở Tây Nam Buôn Ma Thuột nằm trên hướng đột kích của trung đoàn xe tăng 273 được mở một cách độc đáo. Các cây lớn chỉ được cưa 3/4 gần gốc. Khi xe tăng xuất kích, có thể húc đổ cây tự mở đường trong hành tiến. Vì vậy, trinh sát đường không của QLVNCH không phát hiện được sự có mặt của trung đoàn xe tăng 273 tại đây. Việc chỉ huy tác chiến được thực hiện hoàn toàn bằng thông tin hữu tuyến đã vô hiệu hóa các hoạt động trinh sát điện đài của QLVNCH.[40]. Các đơn vị chủ lực của QLVNCH tại Quân khu II đã bị căng kéo ra nhiều hướng và chôn chân tại các cứ điểm phòng thủ, giảm thiểu khả năng cơ động ứng cứu cho nhau. Thế trận xung quanh Buôn Ma Thuột đã được cài đặt.[41]
Trận Buôn Ma Thuột
Cuộc chiến trong thị xã
2 giờ sáng 10 tháng 3 năm 1975, cuộc tiến công của QĐNDVN vào Buôn Ma Thuột bắt đầu với các trận đột kích sâu của trung đoàn 198 đặc công vào các mục tiêu: Sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, khu hậu cứ của trung đoàn 53 (QLVNCH) với sự yểm hộ của hỏa tiễn tầm ngắn ĐKB và H-12. Theo lời kể của thiếu tá Phạm Huấn, trợ lý báo chí của tướng Phạm Văn Phú, trận pháo kích gây kinh hoàng cho cả hai vị chỉ huy QLVNCH tại Buôn Ma Thuột là đại tá Nguyễn Trọng Luật và đại tá Vũ Thế Quang[42]. Tại thời điểm đó, đại tá Quang vẫn nhận định rằng: Cộng quân chỉ dùng đặc công và pháo binh quấy rối rồi đến sáng, họ sẽ rút ra[43] Đến 3 giờ 30 phút, tiểu đoàn 4 (trung đoàn 198) đã khai thông đường Phan Chu Trinh và chiếm được phần phía Nam sân bay Hòa Bình chốt giữ tại đó, chờ bộ binh và xe tăng chi viện. Tiểu đoàn 5 (trung đoàn 198) đánh vào khu kho Mai Hắc Đế và đoạn đường 429, tiếp tục pháo kích bằng hỏa lực ĐKB, H-12 (trong đó ĐKB là hỏa lực chủ công kiểm soát toàn bộ các mục tiêu trong thị xã. theo yêu cầu của bộ binh)vào Sở chỉ huy sư đoàn 23, Sở chỉ huy tiểu khu, trung tâm thông tin, doanh trại thiết giáp và khống chế trận địa pháo. Lúc 5 giờ sáng, cửa ngõ tiến quân bằng cơ giới của QĐNDVN từ hướng đông bắc, tây bắc, tây và tây nam vào Buôn Ma Thuột đã được khai thông. Sau khi pháo binh sư đoàn và pháo binh chiến dịch tiếp tục pháo kích vào thị xã, các đại đội xe tăng có bộ binh đi kèm bật đèn pha mở hết công suất, húc đổ các cây rừng đã cưa sẵn, vượt qua các tuyến phòng thủ vòng ngoài đánh thẳng vào trung tâm thị xã.[44]. Hướng Tây Nam, trung đoàn 174 có 1 đại đội xe tăng yểm hộ vượt qua các chốt Chi Lăng, Chư Di và khu kho Mai Hắc Đế. Hướng Tây Bắc, trung đoàn 148 có 1 đại đội xe tăng mở đường đánh vào Sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc và dùng 1 tiểu đoàn tấn công ấp Châu Sơn. Hướng Tây, có tiểu đoàn 4 (trung đoàn 24 sư đoàn 10) và 2 đại đội xe tăng đánh vào Sở chỉ huy sư đoàn 23 và mặc dù xe tăng bị sa lầy và bị máy bay QLVNCH bắn phá song họ vẫn tấn công vào khu quân y, khu truyền tin [45]. Hướng Đông Bắc có trung đoàn 95B đánh vào khu vực ngã sáu, hướng Đông Nam, trung đoàn 149 (không có xe tăng đi kèm) dùng một tiểu đoàn tấn công cứ điểm Chư Blom và điểm cao 582, 1 tiểu đoàn còn lại đánh thốc qua cứ điểm Ba Lê và điểm cao 491 tiến thẳng vào trung tâm thị xã. Phía Đông thị xã, trung đoàn 3 (sư đoàn 10) có 1 đại đội xe tăng yểm hộ phối hợp với 1 tiểu đoàn của trung đoàn 149 (sư 316) tấn công đánh chiếm sân bay Hòa Bình từ hai hướng Đông Bắc và Tây Nam khép lại. Trung đoàn 2 (sư đoàn 10) đánh chiếm cứ điểm Phước An.[46]Từ hầm chỉ huy của sư đoàn 23, đại tá Nguyễn Trọng Luật điều 2 chi đội thiết giáp M-113 ra giữ Ngã Sáu nhưng đã bị các xe tăng của đại đội 5, tiểu đoàn 3, trung đoàn xe tăng 273 đẩy lùi. Tiểu đoàn biệt động quân đóng giữ Sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc chống trả quyết liệt. Phải đến 17 giờ 30, sau đợt tấn công thứ sáu, trung đoàn 95B mới chiếm được sở chỉ huy tiểu khu.[47] Ở hướng Đông Bắc thị xã, tiểu đoàn 9 liên đoàn 21 biệt động quân chỉ giữ được đến trưa thì bị đẩy lùi ra ngoại vi phía Đông thị xã, chịu mất các khu pháo binh, thiết giáp và hậu cứ của trung đoàn 45. Ở hướng Tây, Sư đoàn 6 không quân QLVNCH điều động 8 chiếc A-37 ném bom vào đội hình của trung đoàn 24 (sư đoàn 10 QĐNDVN) gây một số thương vong nhưng không làm chậm lại tốc độ tiến quân của đơn vị này. Ở hướng Tây Nam, đại tá Vũ Thế Quang liên tục tung các lực lượng dự bị có trong tay phản kích nhằm chiếm lại khu kho Mai Hắc Đế, đồng thời gọi không quân đánh phá ngăn chặn. Trung đoàn 174 phải để lại một tiểu đoàn bao vây khu vực này, điều 2 tiểu đoàn còn lại đánh vòng qua khu kho để tiếp cận Sở chỉ huy sư đoàn 23. Ở hướng Đông Nam, các tiểu đoàn 7 và 8 (trung đoàn 149) mặc dù bị nhiều tốp máy bay A-37 của không quân VNCH oanh tạc vào đội hình, gây nhiều thương vong nhưng họ vẫn đẩy lùi các lực lượng của trung đoàn 53, đánh chiếm khu cư xá sĩ quan, khu tiếp vận, Sở Thú y, Sở Ngân khố, nhà lao, đến 15 giờ thì gặp các đơn vị của trung đoàn 95B.[48]
Đến 14 giờ 30, đại tá Trịnh Tiếu, trưởng phòng quân báo Quân đoàn II mới trình tướng Phú bản báo cáo trong đó kết luận: đã phát hiện sư đoàn 316 của QĐNDVN từ Lào về đang di chuyển xuống phía Nam. Tướng Phú lập tức ra lệnh phá các cầu trên đường 14 để ngăn chặn đơn vị này nhưng đã quá muộn. Đến lúc dó thì toàn bộ sư đoàn 316 đã giao chiến với quân VNCH trong nội đô thị xã được hơn 10 tiếng đồng hồ.[49] Lúc 17 giờ, tiểu đoàn 9 (trung đoàn 149) phối hợp với các đơn vị của trung đoàn 198 đặc công vây đánh nhưng không chiếm được sở chỉ huy sân bay Hòa Bình do một tiểu đoàn biệt động quân QLVNCH phòng giữ. Trong thị xã, tiểu đoàn 7 (trung đoàn 149) đánh chiếm khu tham mưu - truyền tin và nhầm lẫn rằng đó là Sở chỉ huy sư đoàn 23.[50]
Đêm 10 tháng 3, chiến sự tạm lắng. Các đơn vị QLVNCH còn lại trong thị xã co cụm trong các cứ điểm còn giữ được như Sở chỉ huy sư đoàn 23, khu nhà ga sân bay Hòa Bình, đài phát thanh. Đại tá Vũ Thế Quang điện cho chuẩn tướng Lê Trung Tường xin tiếp ứng nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Bộ chỉ huy đang bận đối phó trên hướng Pleiku-Kon Tum. Đại tá ráng giữ vững. Cộng quân có đánh lớn thì cũng chỉ được vài ngày rồi rút như hồi Mậu Thân.[51] Sáng 11 tháng 3, các đơn vị QĐNDVN tiếp tục tấn công trong làn mưa bom từ các máy bay A-37 của không quân VNCH trút xuống thị xã. Lúc 7 giờ 55, một tốp A-37 trong khi ném bom ngăn chặn 10 xe tăng của QĐNDVN đã đánh hai quả bom trúng hầm chỉ huy và truyền tin Sở chỉ huy sư đoàn 23. Bộ tư lệnh quân đoàn II QLVNCH mất liên lạc hoàn toàn với Bộ tư lệnh sư đoàn 23 kể từ giờ phút đó[49][52]. Mất sở chỉ huy, đồng thời bị vây đánh từ nhiều phía, các đơn vị còn sống sót của QLVNCH cố gắng chống cự chờ viện binh nhưng đến 11 giờ ngày 11 tháng 3, các đơn vị của sư đoàn 316 đã hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Chỉ còn liên đoàn 21 biệt động quân (thiếu) và một số đơn vị còn lại của trung đoàn 53 đang cố giữ chốt phòng ngự cuối cùng tại sân bay Hòa Bình (phi trường Phụng Dực).[53]
Phản kích và chống phản kích
Đến ngày 12 tháng 3, khu vực hậu cứ trung đoàn 53 (sư đoàn 23) và sân bay Hòa Bình (Phụng Dực) trở thành nơi đồn trú của hầu hết các lực lượng QLVNCH còn lại sau hai ngày tác chiến đổ về đây. Tuy nhiên, trong số đó không có đại tá Vũ Thế Quang và đại tá Nguyễn Trọng Luật. Hai ông này đã bị bắt làm tù binh lúc 2 giờ sáng ngày 12 tháng 3 năm 1975. Trung tá Võ Ấn, trung đoàn tưởng trung đoàn 53 chỉ huy cánh quân này [54]. Từ Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho tướng Phạm Văn Phú phải giữ bằng được các vị trí còn lại ở phía Đông thị xã làm bàn đạp và phải có ngay kế hoạch phản kích giải tỏa cho Buôn Ma Thuột. Rạng sáng ngày 12 tháng 3, kế hoạch tái chiếm Buôn Ma Thuột được Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận gồm các hoạt động quân sự lớn sau đây:- Sử dụng liên đoàn 21 biệt động quân (thiếu) phối hợp với số quân còn lại của trung đoàn 53 tại trại B50 (hậu cứ sư đoàn 23) hình thành một cánh quân tại chỗ để phản kích.
- Điều động toàn bộ hai trung đoàn còn lại của sư đoàn 23 (44 và 45) dùng trực thăng vận đổ bộ xuống khu vực Nông Trại - Phước An (phía Đông Buôn Ma Thuột), hình thành cánh quân phản kích chủ yếu đánh thẳng vào thị xã.
- Huy động tối đa các sư đoàn không quân 6 (thuộc Quân đoàn II), 1 (tại Đà Nẵng), 4 (tại Cần Thơ) yểm trợ tối đa cho cuộc hành quân.
- Điều động liên đoàn 7 biệt động từ Sài Gòn lên Pleiku thay thế hai trung đoàn 44 và 45 được rút đi để ném xuống Buôn Ma Thuột.[55].
Trong khi đang thực hiện việc chuyển quân của sư đoàn 23 từ Pleiku về Buôn Ma Thuột, sân bay Cù Hanh tiếp tục bị các đơn vị của sư đoàn 968 QĐNDVN pháo kích. Bộ Tư lệnh QĐNDVN tại mặt trận Tây Nguyên đã dự liệu được phản ứng của QLVNCH và hành động theo phương châm: tranh thủ được một tiếng đồng hồ, lực lượng có thể tăng gấp đôi; tranh thủ được 24 tiếng đồng hồ, lực lượng có thể tăng gấp mười[57]. Ngày 11 tháng 3 trong khi các trận đánh trong thị xã còn tiếp diễn, tiểu đoàn 6, trung đoàn 24 (sư đoàn 10) đã tấn công cứ diểm Chư Nga và căn cứ 45 phía Đông thị xã. Việc để mất căn cứ 45 và cứ diểm Chư Nga đã buộc các trung đoàn 44 và 45 QLVNCH phải thay đổi địa điểm đổ quân đến Nông Trại - Phước An. Từ chiều 13 tháng 3, các trung đoàn 24 và 28 (sư đoàn 10) được tăng cường hai đại đội xe tăng và một tiểu đoàn pháo binh đã hành quân suốt đêm và áp sát quận lỵ Phước An vào rạng sáng. 7 giờ 7 phút sáng 14 tháng 3, trong khi các đơn vị của hai trung đoàn 44 và 45 QLVNCH còn chưa triển khai đội hình, trung đoàn 24 (sư đoàn 10 QĐNDVN) có hai tiểu đoàn của trung đoàn xe tăng 273 yểm hộ đã từ hai phía nổ súng tấn công trung đoàn 45 tại điểm cao 581.[58].
Đến 12 giờ trưa ngày 14 tháng 3, các tiểu đoàn 1 và 2 của trung đoàn 45 cùng tiểu đoàn bảo an tại điểm cao 581 hầu như bị đánh ta. Tiểu đoàn còn lại vừa đánh vừa lùi về khu vực Nông Trại. Bây giờ thì nhiệm vụ trước mắt của trung đoàn 44 (sư đoàn 23 QLVNCH) chưa phải là giải toả Buôn Ma Thuột mà là ứng viện cho trung đoàn 45 đang bị vây ép. Ngày 15 tháng 3, cánh quân còn lại của sư đoàn 23, trong đó có Sở chỉ huy nhẹ của sư đoàn đổ quân xuống Phước An. Ngày 16 tháng 3, cả hai cụm quân của sư đoàn 23 tại Phước An và Nông Trại cùng lúc bị tấn công. Đến 8 giờ 15 phút, tiểu đoàn 3, đơn vị cuối cùng của trung đoàn 45 (sư đoàn 23 QLVNCH) bị đánh tan, trung tá Phùng Văn Quang và toàn bộ ban chỉ huy trung đoàn bị bắt làm tù binh cùng với chiếc trực thăng đã nổ máy định bốc họ lên không. Ngày 17 tháng 3, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên điều tiếp trung đoàn 28 (sư đoàn 10) và tiểu đoàn xe tăng còn lại của trung đoàn 273 tăng cường cho trung đoàn 24 tấn công Phước An. Cùng ngày, trung đoàn 66 (sư đoàn 10) và trung đoàn đặc công 198 mở đợt tổng công kích vào cụm quân còn lại của trung đoàn 53 và liên đoàn 21 biệt động quân tại sân bay Hòa Bình (Phụng Dực). 11 giờ 30 sáng 17 tháng 3, sân bay Hòa Bình bị chiếm. Trung đoàn 53 bị xóa sổ. Một nhóm nhỏ gần 20 binh sĩ của cụm quân này thoát vây chạy về được Phước An[42]. Trong ngày 17 tháng 3, trung đoàn 44 bị tấn công liên tục tan rã tại Phước An. Đại tá Đức (tư lệnh mới của sư đoàn 23) đưa sở chỉ huy nhẹ sư đoàn và hơn 700 quân còn lại về Chư Cúc. Ngay lập tức, họ bị trung đoàn 28 (sư đoàn 10) và 1 tiểu đoàn của trung đoàn xe tăng 273 QĐNDVN truy kích, phải bỏ Chư Cúc chạy về Pleiku.[59]. Trận phản kích của QLVNCH với ý định tái chiếm Buôn Ma Thuột thất bại.
Cuộc rút quân trên đường số 7
Quyết định sai lầm chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu
Khi trận Buôn Ma Thuột và chiến sự ở Tây Nguyên đang diễn ra thì QLVNCH tại Quân khu I cũng đang phải đối phó với các hoạt động của các sư đoàn 324, 325 QĐNDVN tại Trị Thiên Huế. Nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn của QĐNDVN đã xâm nhập xuống đồng bằng. Từ ngày 8 đến ngày 13 tháng 3, một số trận đánh đã nổ ra ở Truồi (phía Nam Huế), chi khu quân sự Mai Lĩnh, căn cứ Mỏ Tàu (Thừa Thiên), các chi khu quân sự Tiên Phước, Hậu Đức (Quảng Tín). Tại phía Nam Quân khu I, một loại căn cứ ven sông Vệ ở Quảng Ngãi bị tiến công.[60]. Nhưng áp lực của đối phương tăng mạnh ở Quân khu I đã khiến cho Bộ Tổng tham mưu QLVNCH không dám rút các sư đoàn thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược của mình (sư dù và sư thủy quân lục chiến) để ứng cứu cho Tây Nguyên [61] Ngày 11 tháng 3, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã họp với các thủ tướng Trần Thiện Khiêm, đại tướng tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên và trung tướng Đặng Văn Quang để bàn về việc tái phối trí lại lực lượng. Tại cuộc họp này, Nguyễn Văn Thiệu thông báo quyết định của ông: "Với khả năng và lực lượng ta đang có, chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ muốn bảo vệ. Như vậy chúng ta nên tái phối trí lực lượng và bảo vệ những vùng đông dân, trù phú, vì những vùng đất đó mới thực sự quan trọng"[62].11 giờ trưa 14 tháng 3, tại Cam Ranh diễn ra một cuộc họp mà sau này, nhiều nhà bình luận quân sự cho rằng nó là một trong những nguyên nhân gây ra một thảm họa quân sự lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam[63][64] Tại cuộc họp, thiếu tướng Phạm Văn Phú báo cáo tổng quát diễn biến chiến sự tại Tây Nguyên; trong đó, tướng Phú thỉnh cầu xin thêm máy bay cho sư đoàn 6 không quân, bổ sung quân số bị tổn thất, tăng viện từ 1 đến 2 lữ đoàn dù để phòng giữ Kon Tum, Pleiku và sau đó dùng để phản kích chiếm lại các vùng đã mất. Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận đề nghị của tướng Phú với lý do "không còn quân tăng phái, Cộng sản có thể đánh mạnh hơn năm 1972" và lệnh cho ông này rút quân về đồng bằng, tái phối trí lại lực lượng. Về hướng rút quân, đại tướng Cao Văn Viên lưu ý về những nguy hiểm khó lường khi rút theo đường 19, ông nhắc lại thảm họa đã xảy ra đối với Binh đoàn cơ động số 100 của quân viễn chinh Pháp trên đường 19 năm 1954. Sau khi thảo luận nhiều lần về việc chọn đường rút quân, Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh đã quyết định rút theo đường số 7 vì họ cho rằng, con đường đó tuy xấu nhưng gây được bất ngờ cho đối phương[65]
Trở về Pleiku, Phạm Văn Phú không biết rằng trước đó một ngày, Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân khu I cũng được lệnh rút các lực lượng của mình khỏi địa bàn quân khu.[66] 16 giờ ngày 14 tháng 3, tướng Phú triệu tập ngay chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, chuẩn tướng Phạm Duy Tất (mới được thăng) và đại tá Lê Khắc Lý bàn việc rút quân với mấy yêu cầu:
- Về kế hoạch chung: Bảo đảm bí mật tuyệt đối, không làm văn bản, chỉ truyền khẩu lệnh; cấm tiết lộ cho địa phương quân và các tiểu khu. Phải rút nhanh gọn, đem theo vũ khí và một cơ số đạn đủ cho một trận chiến đấu. Rút theo kiểu cuốn chiếu, ở xa rút trước, ở gần rút sau.
- Về điều phối: Giao chuẩn tướng Phạm Duy Tất chỉ huy hành quân; chuẩn tướng Cẩm đôn đốc kiểm tra; chuẩn tướng Sang điều điều động máy bay vận tải chở hàng hóa quý hiếm, dọn sạch hai bên đường rút quân bằng máy bay oanh tạc; đại tá Lý điều động công binh sửa đường, bắc cầu, giữ liên lạc với Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu II tại Nha Trang và Bộ Tổng tham mưu tại Sài Gòn để xin tiếp ứng khi cần.[7][67]
Thảm họa trên đường số 7
Mặc dù Bộ tư lệnh Quân đoàn II QLVNCH cố gắng giữ bí mật tối đa cuộc rút quân nhưng những hoạt động nhộn nhịp bất thường của không quân tại Pleiku trong ngày 14 tháng 3 đã gây nên những nghi ngờ trong gia đình các sĩ quan cấp dưới, binh sĩ và cả dân chúng. Sáng sớm ngày 15 tháng 3, một đoàn xe quân sự lớn của các liên đoàn 6 và 23 biệt động quân từ Kon Tum di chuyển qua Pleiku xuống phía Nam càng làm cho tâm lý của cán, chính, dân, binh thêm xao xuyến. Đến trưa ngày 15 thì mọi mệnh lệnh để ổn định tình hình của chuẩn tướng Trần Văn Cẩm và đại tá Lê Khắc Lý đều trở nên vô hiệu. Một số sĩ quan, công chức, binh lính đã bỏ đơn vị và nhiệm sở để lo cho gia đình di tản. Nhiều vụ cướp bóc, tống tiền đã xảy ra. Ngay cả CIA cũng bắt đầu di tản người Mỹ khỏi Pleiku vì theo họ đánh giá, thị xã này đã giống như một thùng thuốc súng.[68][69]13 giờ chiều 15 tháng 3, cuộc di tản của Quân đoàn II chính thức bắt đầu trong sự cập rập, vội vã. Thiết đoàn 19 và liên đoàn 6 biệt động quân mở đường từ Pleiku đi Phú Túc. Tiếp đó là bộ phận còn lại của Bộ tư lệnh Quân đoàn II, bộ tư lệnh lữ đoàn 2 kỵ binh thiết giáp, các đơn vị bộ binh, hậu cần. Theo tính toán của tướng Phú, các đơn vị QĐNDVN tập trung vây đánh trung đoàn 53, căn cứ B50 ở Buôn Ma Thuột và lo đối phó với cuộc phản kích của sư đoàn 23 tại Phước An nên phải mất ba đến năm ngày mới có thể điều quân đến do đường sá rất xấu, cơ động khó khăn. Còn sư đoàn 968 nếu có đuổi theo cũng phải hành quân bộ, đánh vuốt đuôi và sẽ bị liên đoàn 25 biệt động quân cản hậu chặn đánh. Hai ngày đầu cuộc di tản diễn ra thuận lợi. Sáng 16 tháng 3, khi đội thiết giáp đi đầu trong đoàn xe quân sự dài đến hơn 2.000 chiếc kèm theo gần 2.000 phương tiện giao thông dân sự các loại đã đến Cheo Reo an toàn và bắt đầu di chuyển xuống Củng Sơn thì toán cuối của đoàn xe này mới ra khỏi thị xã Pleiku.[42][70]
Kế hoạch rút quân của Quân đoàn II QLVNCH không quá bất ngờ đối với QĐNDVN. Bất ngờ duy nhất mà Nguyễn Văn Thiệu và Phạm Văn Phú tạo ra được là cuộc di tản này được tiến hành quá nhanh. Đến chiều 15 tháng 3, khi cánh quân đi đầu của thiết đoàn 19 đã qua Cheo Reo, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây nguyên mới được tin QLVNCH bắt đầu rút khỏi Pleiku và Kon Tum. 20 giờ tối 16 tháng 3, lệnh truy kích mới được ban bố. Tiểu đoàn 9, trung đoàn 64 (sư đoàn 320 QĐNDVN) là đơn vị đầu tiên được điều động đã hành quân cắt rừng suốt đêm để lập một chốt chặn ở phía Nam thị xã Cheo Reo. Theo sát họ là đội hình chính của trung đoàn 64 hành quân trên 110 xe ô tô các loại được huy động. Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã có ngay một kế hoạch chặn đánh trên đường số 7, sử dụng toàn bộ sư đoàn 320, tiểu đoàn xe tăng 2 (trung đoàn 273), trung đoàn pháo binh 675, trung đoàn cao xạ 593 và hai tiểu đoàn quân địa phương ở Phú Yên.[71].
Sáng 17 tháng 3, tốp xe tăng, thiết giáp đi đầu của thiết đoàn 19 và liên đoàn 6 biệt động quân QLVNCH đã chạm súng với tiểu đoàn 9, trung đoàn 64 QĐNDVN tại đèo Tuna, cách Cheo Reo 4 km về Đông đông Phú Bổn. Đoàn xe di tản khổng lồ ứ lại tại Cheo Reo. Từ chiều tối 17 đến sáng 18 tháng 3, chuẩn tướng Tất sử dụng liên đoàn 7 biệt động quân với sự yểm họ của không quân, pháo binh và thiết giáp liên tục công kích nhổ chốt, vu hồi bọc chốt để mở đường nhưng đều bị đẩy lùi.[72] Sáng 18 tháng 3, toàn bộ trung đoàn 64 (sư đoàn 320A QĐNDVN) đã triển khai xong các chốt chặn tiếp theo phía hạ lưu đèo Tuna; trung đoàn 48 (thiếu) của sư đoàn này và trung đoàn 9 (sư đoàn 968) đã bao vây Cheo Reo từ ba mặt.[73].
Trưa ngày 18, chuẩn tướng Phạm Văn Tất điều liên đoàn 25 biệt động quân đang làm nhiệm vụ cản hậu vượt lên trước cùng với lữ đoàn 2 thiết kỵ mở cuộc công kích cuối cùng để mở đường. Cũng thời điểm đó, các đơn vị pháo binh của trung đoàn 675 bắt đầu pháo kích các vị trí đóng quân tạm thời của QLVNCH trong thị xã Cheo Reo và 3 trung đoàn bộ binh QĐNDVN bắt đầu tấn công. Trong sự hỗn loạn, mọi cố gắng ổn định lại tình hình và tổ chức kháng cự của các vị chỉ huy QLVNCH trở nên vô vọng. 17 giờ chiều, chuẩn tướng Phạm Duy Tất nhận được lệnh phá bỏ tất cả các chiến cụ nặng. 17 giờ 30, một chiếc HU-1A vượt qua làn đạn phòng không của đối phương hạ cách xuống sân trường tiểu học Phú Bổn dể đưa tướng Tất và đại tá Hoàng Thọ Nhu (tỉnh trưởng Pleiku) về Nha Trang.[74]. Đến 9 giờ sáng ngày 19 tháng 3, các đơn vị QLVNCH bị vây tại Cheo Reo chấm dứt kháng cự. Chỉ có thiết đoàn 19 và liên đoàn 6 biệt động quân về được đến Củng Sơn với ít thiệt hại, thương vong nhất. Trên đường về Tuy Hoà, họ phải dừng lại tại sông Ba bốn ngày để chờ công binh thiết lập lại bến phà. Cuối cùng, các đơn vị này về đến Tuy Hòa ngày 25 tháng 3 năm 1975.[75].
Bước ngoặt của chiến cuộc 1975
Tổn thất quân sự và dân sự
Đại tướng Cao Văn Viên nhận xét: "Cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên là một thất bại chiến lược về phương diện quân sự. 75% lực lượng của Quân đoàn 2, gồm sư đoàn 23, biệt động quân, thiết kỵ, pháo binh, truyền tin và công binh bị hao tổn chỉ trong 10 ngày. Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột cũng bị thất bại vì Quân đoàn không còn quân. Cộng sản chiếm được Kon Tum và Pleiku không tốn một viên đạn".[76]Theo các nhà bình luận quân sự phương Tây, thất bại trong của cuộc rút lui của Quân đoàn II QLVNCH trên đường số 7 kèm theo những tổn thất rất nặng nề cả về quân sự và dân sự. Ít nhất 3/4 lực lượng của Quân đoàn II đã bị đối phương tiêu diệt, bắt sống hoặc đào ngũ, rã ngũ.[77] Cơ quan CIA tại Sài Gòn nhận xét rằng chỉ cần một sư đoàn rút về được đến ven biển với tổn thất tối thiểu cũng đã là một sự may mắn.[78] Số tài sản quân sự gồm xe tăng M48 Patton, xe bọc thép M-113, đại bác M-107 175 mm, đại bác HM-3 155 mm, đại bác HM-2 105 mm bị phá hủy hoặc rơi vào tay QĐNDVN lên đến con số hàng nghìn.
QĐNDVN cho biết họ chỉ sau tám ngày, họ đã loại khỏi vòng chiến đấu 28.514 sĩ quan và binh sĩ QLVNCH, trong số đó có 4.502 chết hoặc bị thương, 16.822 người bị bắt làm tù binh, có 779 sĩ quan từ chuẩn úy đến chuẩn tướng và có 7.190 người được thả[37]. Họ đã thu giữ và phá 17.183 súng các loại, trong đó có 79 khẩu pháo từ 105 mm trở lên, gồm 48 khẩu pháo 105mm, 14 khẩu 155mm và 12 khẩu M107 175mm (mệnh danh Vua Chiến trường); phá hủy và thu giữ hơn 2.000 xe quân sự, trong đó có 207 xe tăng và xe bọc thép; bắn rơi 44 máy bay, thu và phá 110 chiếc khác của Không lực VNCH[37]. Về phía họ, chỉ tổn thất 56 người chết và hơn 100 người bị thương.[79]
Những tổn thất về dân sự cũng rất nặng nề. Trong cuộc di tản hỗn độn, các sĩ quan và binh sĩ QLVNCH đem theo cả gia đình họ và cùng với những nhân viên dân sự chen chúc nhau trên con đường ngập cỏ, bụi cây đã rơi vào tình thế cực kỳ náo loạn và thậm chí còn bị chính máy bay của họ bắn nhầm trong một cuộc hành trình đầy nước mắt, thậm chí khi các cây cầu bị phá hủy, đoàn xe dồn ứ lại, các xe quân sự vẫn lao đại qua sông rồi chìm nghỉm, thậm chí cán qua các xe khác. Số dân thường và binh sĩ bị chết do xe cán lên tới vài nghìn. Trong số gần 400.000 người di tản xuống đồng bằng thì chỉ có non một phần tư đến nơi, số còn lại tan rã, thất lạc tứ tán.[77][80] Hàng nghìn người dân đã chết do hỏa lực của hai bên hoặc do đói ăn trên các đoàn xe mà giới báo chí gọi là "đoàn xe nước mắt".[81]
Theo tính toán của Hoa Kỳ, sự tổn thất vượt quá mọi sự đo lường. Trong số 60.000 quân khởi hành thì chỉ có 20.000 về đến đích và hầu như không còn sức chiến đấu. Trong số 7.000 biệt động quân chỉ còn 700 đến đích. Sau trận Buôn Ma Thuột và cuộc rút lui thảm họa trên đường số 7, Quân đoàn II không còn thực sự hiện hữu như là một lực lượng chiến đấu tương xứng với quy mô của nó nữa.[82]
Lỗi lầm chí tử
Lỗi lầm này xuất phát trước hết từ việc mất hết bình tĩnh khi đánh giá tình hình của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nếu như trước đây, ông đã quá tin vào cơ quan tình báo quân đội nhưng đến khi bị gài thế về quân sự quá chặt, không kịp trở tay gỡ ra thì lại quay ra mất tin tưởng hoàn toàn vào tình báo quân đội. Từ khi Buôn Ma Thuột thất thủ, thái độ của Nguyễn Văn Thiệu đã làm cho cơ quan này mất sự tự tin và bản thân ông ta cũng coi cơ quan tình báo quân đội có cũng như không cho đến tận phút chót của cuộc chiến. Việc mất lòng tin vào cơ quan tình báo quân đội và kể cả vào CIA đã dẫn đến những sai lầm chiến lược quân sự của Nguyễn Văn Thiệu và ông ta đã bỏ ngoài tai những lời bàn thảo hợp lý của các tướng lĩnh, kể cả đại tướng Cao Văn Viên để rồi tự mình định đoạt mọi chuyện.[83]. Khi thiếu tướng Phạm Văn Phú khăng khăng đòi tăng quân để bảo vệ Tây Nguyên thì ông Thiệu đã đặt ra cho tướng Phú hai lựa chọn: hoặc là thi hành lệnh, hoặc là bị thay thế và ngồi tù để người khác thi hành lệnh. Và đương nhiên, tướng Phú chọn giải pháp chấp hành.[84]Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc thất thủ ở Tây Nguyên là sự quá tin tưởng của Nguyễn Văn Thiệu vào sự chi viện trực tiếp bằng quân sự của Hoa Kỳ. Trong khi cả Quân đoàn II của tướng Phú đang phải vật lộn sống chết trên đường số 7 và mặc dù biết rằng "nội một vài ngày tới, tình hình sẽ trầm trọng hết sức mau lẹ" nhưng ông vẫn hy vọng vào việc "đặt với Hoa Kỳ câu hỏi "yes or non" (có hay không) buộc họ phải dứt khoát có muốn giúp hay không". Trong khi đó thì lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jame Schlesinger sau khi được tin Phước Long thất thủ và lời an ủi của Thứ trưởng William Clement đã chứng tỏ phần nào việc Hoa Kỳ không muốn dính líu trở lại về quân sự tại Việt Nam.[85]
Nguyên nhân thứ ba làm cho việc thất thủ Tây Nguyên của QLVNCH là họ muốn một cuộc rút quân có tổ chức, có chỉ huy, có giữ bí mật nhưng chính sự yếu kém về tổ chức và tính linh hoạt khi xử lý các tình huống đã làm hại họ. Lực lượng đông, binh khí kỹ thuật nhiều nhưng lại kéo dài đội hình trên đường độc đạo nên khó tránh được ùn tắc. Đoàn quân này lại kéo theo cả hàng chục vạn thường dân, trong đó quá nửa là gia đình các sĩ quan, binh sĩ và công chức, rất khó tránh khỏi rối loạn khi gặp tình huống bất ngờ. Hy vọng duy nhất có thể trông cậy được là tính bất ngờ thì chỉ sau hai ngày cũng không còn. Khi bị đối phương chặn đánh quyết liệt thì sự tan rã không phải là điều khó hiểu. Báo cáo tường trình về cuộc rút quân của khỏi Tây Nguyên của Bộ tư lệnh Quân đoàn II trình tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ghi nhận: "Cuộc hành quân dự trù không có áp lực của đối phương; nhưng khi thực thi đã gặp áp lực nặng nề làm cho chỉ huy lúng túng không sao đối phó được".[86]
Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến thất bại ở Tây Nguyên năm 1975 của QLVNCH là yếu tố tinh thần. Cuộc chiến kéo dài dai dẳng nhiều năm làm cho tinh thần binh sĩ sa sút. Sự bi quan trong các sĩ quan chỉ huy còn tăng thêm khi ngoại trưởng Trần Văn Lắm từ Hoa Kỳ trở về thông báo khả năng tăng thêm quân viện và kinh viện gần như không còn và phái đoàn của Quốc hội Hoa Kỳ cũng không hứa hẹn gì trong cuộc đi thăm chính thức hồi tháng 2 năm 1975. Khi rút quân, phần lớn các sĩ quan và binh sĩ QLVNCH đem theo cả gia đình. Lúc lâm trận, không ít người đã bổ đi tìm người nhà thay vì xông ra giao chiến; và lòng trung thành của họ với gia đình nhiều hơn là với cấp chỉ huy đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần chiến đấu của họ.[77]
Từ thời chiến tranh Đông Dương 1945-1954, người Pháp và Việt Minh đều coi Tây Nguyên là mái nhà và là cái chìa khóa của Đông Dương. Mất các căn cứ cơ bản trụ cột phòng thủ cao nguyên mà trong tay không còn lực lượng dự bị cơ động nào khả dĩ nào để có thể xoay chuyển tình thế, QLVNCH ở vào tình thế rất nguy hiểm. Những lực lượng của họ tuy còn khá đông nhưng lại chiếm giữ một cách không chắc chắn dải đất hẹp ven biển miền Trung và có nguy cơ bị tấn công chia cắt bất cứ lúc nào. Quyết định bỏ Tây Nguyên và rút các lực lượng còn lại về cố thủ dải đồng bằng ven biển miền Trung của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc họp ngày 14 tháng 3 tại căn cứ quân sự Cam Ranh với các ông Cao Văn Viên, Trần Thiện Khiêm và Phạm Văn Phú mặc dù có một trong những nguyên nhân là tình trạng suy yếu lực lượng của Việt Nam Cộng hòa lúc đó nhưng đã trở thành một lỗi lầm chí tử. Kế hoạch này cùng với viện thực hiện rút quân thiếu tổ chức không những không cứu vãn được tình thế của Quân đoàn II mà còn đẩy họ đến chỗ bị tiêu diệt và tan rã, mở đầu cho sự sụp đổ không tránh khỏi của Việt Nam Cộng hoà.[87]
Chú thích
- ^ Chiến dịch Tây Nguyên 3/1975: 2416 thương binh chiếm 4,5% quân số
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập VIII. trang 165
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005). trang 292
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. trang 138.
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005). trang 299
- ^ Báo cáo của Phòng trinh sát Quân đoàn 3 QĐNDVN ngày 28 tháng 2 năm 1975; được công bố tại cuốn: Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005). NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2005. trang 289.
- ^ a b c d Phạm Huấn. "Điện Biên Phủ 1954, Ban Mê Thuột 1975".(PO. Box 6921. San Jose. CA 95150.1988)
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 149-151.
- ^ Gabriel Kolko. sđd. trang 385.
- ^ Phạm Bá Hoa. Giờ thứ 25.
- ^ Lịch sử sư đoàn bộ binh 316. Tập 2. trang 188-189
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. trang 179
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 149, 151.
- ^ Văn Tiến Dũng. sđd. trang 19.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập III. trang 227.
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn III (1964-2005). trang 296
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. trang 153
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng. trang 27-28
- ^ Cao Văn Viên. The final collapse.
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 148
- ^ Dương Hảo. sđd. trang149
- ^ Frank Snepp. sđd. trang 45-46
- ^ Gabriel Kolko. sđd. trang 386
- ^ Frank Snepp. sđd. trang 46
- ^ Hồi ức của trung tá Ngô Văn Xuân, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 44, sư đoàn 23. Dẫn theo: Lê Đại Anh Kiệt. Tướng lĩnh Sài Gòn tự thuật. NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2003. trang 138
- ^ Alain Dawson. sđd. trang 5-6
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2006). trang 298
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. trang 148
- ^ Gabriel Kolko. sđd.
- ^ Alain Dawson. sđd.
- ^ Hồi ức của trung tá Ngô Văn Xuân. Dẫn theo Lê Đại Anh Kiệt. Tướng lĩnh Sài Gòn tự thuật. NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2003.
- ^ Frank Snepp. sđd. trang 43, 45
- ^ Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. trang 89
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005). trang 301-302
- ^ Hồi ức của Lữ Giang. Dẫn theo Lê Đại Anh Kiệt. Tướng lĩnh Sài Gòn tự thuật. NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2003. trang 141.
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 150
- ^ a b c d Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. trang 94
- ^ Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. trang 99
- ^ Hồi ức của Lữ Giang. Dẫn theo Lê Đại Anh Kiệt. Tướng lĩnh Sài Gòn tự thuật. NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2003. trang 142.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. trang 218
- ^ Frank Snepp. sđd. trang 43, 51.
- ^ a b c Phạm Huấn. Mặt trận Ban Mê Thuột.
- ^ Hồi ức của đại tá Vũ Thế Quang. Dẫn theo Dương Hảo. Một chương bi thảm. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1980. trang 156
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005). trang 338.
- ^ Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. trang 104.
- ^ Lịch sử sư đoàn 316. Tập 2. trang 207.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập VIII. trang 246
- ^ Bộ đội chủ lực Tây Nguyên - Quân đoàn III (1964-2005). trang 304-305.
- ^ a b Phạm Huấn. "Điện Biên Phủ 1954, Ban Mê Thuột 1975".(PO. Box 6921. San Jose. CA 95150.1988). Dẫn theo: Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2004. trang 198.
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. trang 203.
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 156.
- ^ Frank Snepp. sđd. trang 47.
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. trang 197
- ^ Phạm Huấn. "Điện Biên Phủ 1954, Ban Mê Thuột 1975".(PO. Box 6921. San Jose. CA 95150.1988). Dẫn theo: Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2004. trang 199
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 158.
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. trang 204
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. trang 211.
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn III (1964-2005). trang 310-311
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn III (1964-2005). trang 311.
- ^ Dương Hảo. sđd.
- ^ Phillip B. Davidson. Vietnam at war 1946-1975.Oxford University pres.US. 1991. page 568-570
- ^ Cao Văn Viên. The final collapse. page 132. Dẫn theo: Nguyễn Tiến Hưng. Khi đồng minh tháo chạy. Phần 3, Chương 9
- ^ Gabriel Kolko. sđd. trang 390
- ^ Phillip B. Davidson. Vietnam at war 1946-1975.Oxford University pres.US. 1991. Dẫn theo Le Đại Anh Kiệt. Tướng Lĩnh Sài Gòn tự thuật. NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2003. trang 149.
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 166.
- ^ Ngô Quang Trưởng. Vì sao tôi bỏ Quân đoàn I.
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 167-168.
- ^ Frank Snepp. sđd. trang 50.
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 173-174.
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 175.
- ^ Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. trang 234
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 176.
- ^ Lịch sử đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 - Biên niên sự kiện. trang 85
- ^ Lê Đại Anh Kiệt. sđd. trang 151.
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 178.
- ^ Cao Văn Viên. Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà. Dẫn theo: Phạm Ngọc Thạch - Hồ Khang và tập thể tác giả. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975. Tập VIII. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2008. trang 273.
- ^ a b c Gabriel Kolko. sđd. trang 389.
- ^ Frank Snepp. sđd. trang 56.
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005). trang 321.
- ^ Alain Dawson. sđd. trang 15
- ^ George C. Herring, America's Longest War: The United States and Vietnam 1950-1975, John Wiley & Sons, 1979. p. 259
- ^ Phillip B. Davidson. Vietnam at war.
- ^ Frank Snepp. sđd. trang 48.
- ^ Alain Dawson. sđd. trang 14.
- ^ Nguyễn Tiến Hưng. Khi đồng minh tháo chạy. Phần 3. Chương 10
- ^ Dương Hảo. sđd. trang 179
- ^ Alain Dawson. sđd. trang 14
Xem thêm
Tài liệu tham khảo
- Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 2005.
- Lịch sử sư đoàn bộ binh 316. Tập 2. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1986.
- Dương Hảo. Một chương bi thảm. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1980.
- Hoàng Minh Thảo. Chiến đấu ở Tây Nguyên. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2004.
- Hoàng Minh Thảo. Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. 1977.
- Lê Đại Anh Kiệt. Tướng lĩnh Sài Gòn tự thuật. NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2003.
- Ngô Quang Trưởng. Vì sao tôi bỏ Quân đoàn I.
- Nguyễn Thọ - Nguyễn Văn Dật. Lịch sử đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 - Biên niên sự kiện. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2006.
- Nguyễn Tiến Hưng. Khi đồng minh tháo chạy.
- Nguyễn Văn Biều. Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005). NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2005.
- Phạm Bá Hoa. Giờ thứ 25.
- Phạm Huấn. "Điện Biên Phủ 1954, Ban Mê Thuột 1975".(PO. Box 6921. San Jose. CA 95150.1988)
- Phạm Huấn. Mặt trận Ban Mê Thuột.
- Phạm Ngọc Thạch - Hồ Khang và tập thể tác giả. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập VIII. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2008.
- Văn Tiến Dũng. Đại thắng mùa xuân 1975. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1976.
- Alain Dawson. 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ. (Dịch giả: Cao Minh). NXB Sự Thật. Hà Nội. 1990.
- Frank Snepp. Cuộc tháo chạy tán loạn. (nguyên tác: The decent interval; dịch giả: Ngô Du). NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 2001
- Gabriel Kolko. Giải phẫu một cuộc chiến tranh. (dịch giả: Nguyễn Tấn Cưu). NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2003
- Cao Van Vien, The Final Collapse. Washington DC: U.S. Army Center of Military History, 1983
- George C. Herring, America's Longest War: The United States and Vietnam 1950-1975, John Wiley & Sons, 1979.
- Phillip B. Davidson. Vietnam at war 1946-1975. Oxford University pres.US. 1991.
Liên kết ngoài
- Các đơn vị QLVNCH
- Chiến dịch Tây Nguyên trên báo Cần thơ (kỳ 1); (kỳ 2); (kỳ 3)
- Chiến dịch Huế-Đà Nẵng trên báo Cần thơ (kỳ 1); (kỳ 2);
Thể loại:
Động đất và sóng thần Tōhoku 2011 (Nhật: 東日本大震災 Higashi Nihon Daishinsai,[7] tạm dịch: Đại thảm họa động đất miền Đông Nhật Bản?) là một trận động đất mạnh 9,0 MW ngoài khơi Nhật Bản xảy ra lúc 05:46 UTC (14:46 giờ địa phương) vào ngày 11 tháng 3 năm 2011.[8][9][10] Trận động đất có vị trí tâm chấn nằm cách ngoài khơi bờ biển phía Đông bán đảo Oshika, Tōhoku 72 kilômét (45 mi) tại độ sâu 32 kilômét (20 dặm).[11][12] Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ghi nhận cường độ mạnh nhất của thảm họa ở mức 7[13] tại miền Bắc tỉnh Miyagi,[14] mức 6 tại các tỉnh khác và mức 5 tại Tōkyō.
Trận động đất đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ.[15][16][17] Sóng thần cao đến 38,9 m đã đánh vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất,[18] tại một vài nơi sóng thần tiến vào đất liền 10 km (6 mi).[19]
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã chính thức xác nhận có 15.854 người thiệt mạng, 9.677 người bị thương và 3.155 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.[20] Trận động đất và sóng thần đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại quốc gia này, bao gồm những hư hỏng nặng nề về đường bộ và đường sắt cũng như gây cháy nổ tại nhiều khu vực, kèm theo một con đập bị vỡ.[19][21] Khoảng 4,4 triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng mất điện và 1,5 triệu hộ bị mất nước.[22] Nhiều nhà máy phát điện đã ngưng hoạt động, và ít nhất 3 vụ nổ lò phản ứng do rò rỉ khí hydro đã xảy ra tại nhà chứa các lò phản ứng khi hệ thống làm mát bị hỏng hoàn toàn. Ngày 18 tháng 3, ông Yukiya Amano, người đứng đầu Cơ quan Nguyên tử Quốc tế đã cho biết cuộc khủng hoảng này "cực kì nghiêm trọng".[23] Mọi cư dân trong phạm vi bán kính 20 km (12 mi) từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và 10 km (6 mi) từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima II đã phải sơ tán. Ngoài ra, chính quyền Hoa Kỳ khuyến cáo công dân của họ phải di tản cách các nhà máy điện 80 km (50 mi).[24]
Theo các ghi chép về cường độ động đất, đây là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Nhật Bản và là một trong năm trận động đất mạnh nhất thế giới từ khi các thiết bị ghi nhận được sử dụng từ năm 1900.[25][26][27] Đây được cho là sự va đập kiến tạo lớn nhất giữa Bắc Mỹ và Thái Bình Dương trong 1.200 năm.[28] Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố: "Trong vòng 65 năm từ sau Thế chiến thứ II, đây là cuộc khủng hoảng khó khăn và gay go nhất mà Nhật Bản phải đối mặt."[29] Trận động đất đã di chuyển đảo Honshu 2,4 m về phía Đông và làm lệch trục Trái Đất khoảng 10 cm.[30][31] Ước tính thiệt hại lúc đầu tại những nơi bị ảnh hưởng của Nhật Bản vào khoảng từ 14,5 đến 34,6 tỉ USD.[32] Ngày 14 tháng 3, Ngân hàng Nhật Bản đã rót 15.000 tỉ ¥ (183 tỉ USD) vào hệ thống ngân hàng để giảm thiểu ảnh hưởng thị trường tài chính.[33] Ngày 21 tháng 3, Ngân hàng Thế giới ước tính thiệt hại lên vào khoảng 122 đến 235 tỉ USD.[34] Chính phủ Nhật Bản cho biết tổn thất do động đất và sóng thần tàn phá miền Đông Bắc có thể lên đến 309 tỉ USD. Đây là kỉ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra.[35][36]
Trận động đất xảy ra phía Tây Thái Bình Dương, cách phía Đông của thành phố Sendai, Honshu, Nhật Bản 130 km. Tâm chấn cách Tokyo 373 kilômét (232 dặm). Dư chấn có độ lớn 7,1 Mw xảy ra sau chấn động chính 40 phút.[41] Có hơn 40 dư chấn có độ lớn từ 5 Mw trở lên được ghi nhận chỉ trong vài giờ sau chấn động chính.
Ban đầu Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ báo độ lớn trận động đất là 7,9 nhưng sau đó hiệu chỉnh lại là 8,8 và 8,9 Mw.[25]
JMA đánh giá rằng các dư chấn của trận động đất này rất mạnh, tính đến thời điểm 12 giờ ngày 16 tháng 3, 2011 số dư chấn lớn hơn 7,0 là 3, và số dư chấn lớn hơn 6,0 là 48. Dư chấn đã xảy ra trên phạm vi rộng thuộc địa phận bờ biển các tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima, và Ibaraki.[42]
Báo cáo của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết đảo Honshu, hòn đảo chính của Nhật Bản, đã dịch chuyển 5 m về phía Đông, làm Nhật Bản gần thêm với Hoa Kỳ.[45] Nhà nghiên cứu Lucy Jones nói về dữ liệu chính xác như sau: "Người Nhật có thông tin chính xác nhất thế giới về địa chấn. Đây là trận động đất với độ lớn áp đảo nhất từng được ghi nhận."[46]
Shinmoedake, một ngọn núi lửa ở Kyushu, đã phun trào hai ngày sau trận động đất. Ngọn núi lửa này đã phun trào lần cuối vào tháng 1 năm 2011. Vẫn chưa xác định được lần phun trào mới đây có liên quan đến trận động đất hay không.[47]
Trận động đất xảy ra vận động trồi lên từ 5 đến 8 mét của lớp địa chất trải dài 180 km dưới đáy biển, ở vị trí ngoài khơi cách bờ biển Đông Tōhoku 60 km.[50] Kết quả là một cơn sóng thần lớn tiêu hủy mọi thứ dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của quần đảo phía Bắc Nhật Bản, gây thiệt hại hàng ngàn sinh mạng và tàn phá toàn bộ các tỉnh trong khu vực bị ảnh hưởng. Sóng thần lan truyền khắp Thái Bình Dương, hành động cảnh báo cũng như sơ tán diễn ra nhanh chóng ở nhiều nước có chung biên giới bờ biển Thái Bình Dương, gồm Bắc và Nam Mỹ, từ Alaska đến Chile.[51][52][53] Tuy nhiên, dù sóng thần có ảnh hưởng lên nhiều vùng trong những khu vực trên nhưng chỉ gây ra tác động tương đối nhỏ. Vùng bờ biển Thái Bình Dương của Chile là là nơi cách xa Nhật Bản nhất, vào khoảng 17.000 km,[54] chỉ chịu ảnh hưởng sóng thần cao 2 m.[55][56] Trong khi tại Tarō, Iwate, sóng thần ước tính cao đến 37,9 mét.[18] Sóng thần cao 10 m được quan sát ở sân bay Sendai, gần bờ biển của tỉnh Miyagi.[57]
Chính quyền các tỉnh và hãng thông tấn Kyodo, theo nguồn tin từ các chính quyền địa phương, cho biết hiện chưa có tung tích của 9.500 người tại thị trấn Minamisanriku thuộc tỉnh Miyagi (khoảng phân nửa cư dân thị trấn).[71] Đài NHK tường thuật rằng chỉ riêng số người thiệt mạng ở tỉnh Iwate đã có thể lên đến 10.000 người.[72]
Tổ chức Cứu Trẻ em đưa nguồn tin có khoảng 100.000 trẻ em đã phải từ bỏ khỏi nhà cửa hư hại, trong số đó có những đứa trẻ bị tách rời khỏi gia đình do trận động đất xảy ra vào ngày học trong tuần.[73]
Ngày 14 tháng 3, hãng thông tấn Kyodo đưa tin 2.000 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy dọc bờ biển tỉnh Miyagi.[74]
Có nguồn tin tức về bốn chuyến tàu chở một lượng hành khách chưa xác định đã biến mất ở vùng ven biển trong cơn sóng thần.[75] Một trong những chiếc tàu thuộc tuyến Sensaki đã được tìm thấy vào buổi sáng trong tình trạng trật đường ray. Toàn bộ hành khách đều được trực thăng cảnh sát cứu sống.[76] Sau đó, tạp chí Der Spiegel đăng tải thông tin về 5 chuyến tàu mất tích tại tỉnh Miyagi đã được tìm thấy, tất cả hành khách đều an toàn. Mặc dù nguồn tin này có thể không xác nhận được từ phía địa phương.[77]
Ngày 11 tháng 3, dịch vụ tìm người qua mạng của Google, trước đây từng được sử dụng trong các trận động đất ở Haiti, Chile, và Christchurch, New Zealand, đã thu thập thông tin về những người sống sót và vị trí của họ.[78][79] Dịch vụ tìm kiếm người thân phi lợi nhuận NOKR đang hỗ trợ chính phủ Nhật Bản trong việc tìm những thân nhân mất tích hoặc đã chết của người dân.[80]
Ngày 15 tháng ba, Günther Oettinger, ủy viên hội đồng năng lượng Châu Âu người Đức, trong một tuyên bố tại Nghị viện châu Âu đã gọi thảm họa hạt nhân là "ngày tận thế". Ông cho biết từ này là sự lựa chọn đặc biệt chính đáng nhất, và Tokyo đã gần như mất quyền kiểm soát tình huốn tại các nhà máy điện Fukushima.[86]
Chính phủ Anh và Mỹ đã khuyên công dân của họ xem xét việc rời khỏi Nhật. Mỹ và Úc cũng cũng khuyên nên ở cách nhà máy Fukushima I 80 km (50 dặm). Các nhà chức trách tại Anh, Đức và Úc đề nghị công dân của họ rời Tokyo. Pháp, Bỉ và Na Uy khuyên công dân của họ rời khỏi Nhật Bản.[87][88][89]
Ngày 12 tháng 3, một vụ nổ lớn với nguyên do được quy cho sự tích tụ khí hydro đã thổi bay mái và tường ngoài nhà chứa lò phản ứng số 1, giải phóng một đám mây lớn bụi và hơi nước, nhưng lò phản ứng chính vẫn không bị hư hỏng trong vụ nổ.[99][100]
Ngày 13 tháng 3 (JST), chính quyền Nhật thừa nhân lò phản ứng số 1 và số 3 có hiện tượng nóng chảy hạt nhân bên trong do nhiệt độ cao.[101][102] Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản thông báo rằng sự cố Fukushima được đánh giá ở mức 4 trên mức từ 0-7 của Thang Sự cố Hạt nhân ''Quốc tế'' (INES),[103] mức độ nghiêm trọng chỉ thua sự cố nhà máy điện hạt nhân Đảo Ba Dặm của Mỹ.[104] Cơ quan an toàn hạt nhân ASN của Pháp cho rằng tai nạn xảy ra có thể được xếp loại 5 hoặc 6, điều này có nghĩa là mức độ nghiêm trọng chỉ có thể bằng hoặc thâm chí là hơn sự cố Đảo Ba Dặm.[105] Ngày 18 tháng 3, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản nâng mức độ nghiêm trọng lên mức 5.[106]
Ngày 14 tháng 3, sau 11 giờ (JST), một vụ nổ xảy khác xảy ra tại lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima I.[107] Bức tường bên ngoài của tòa nhà bị sụp đổ. Phát ngôn viên của chính phủ cho biết lò phản ứng không bị hư hỏng.[108] Sau 16 giờ 30 cùng ngày (JST), Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản thông báo đã xảy ra vụ nổ. Người dân địa phương được các nhà chức trách khuyến cáo ở nhà cho đến khi tình hình phóng xạ của môi trường được làm sạch hoàn toàn.[109] Không giống như 5 lò phản ứng khác, lò phản ứng số 3 vận hành bằng urani và oxit plutoni hỗn hợp (hay nhiên liệu MOX hỗn hợp), khiến nó có khả năng nguy hiểm hơn dựa trên các hiệu ứng neutron do phản ứng plutoni gây ra, bên cạnh đó là những tác động gây ung thư trong trường hợp phóng xạ được thải ra môi trường.[110][111][112] Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đang nỗ lực giảm áp suất trong các nhà máy bằng cách thải hơi nước ô nhiễm trong các lò phản ứng vào khí quyển. Theo Tomoko Murakami, nhóm năng lượng hạt nhân tại Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, điều này sẽ không dẫn đến việc phát phóng xạ đáng kể.[113] Những cư dân sống trong bán kính 20 km từ nhà máy Fukushima I cùng các cư dân trong phạm vi 3 km từ nhà máy Fukushima II đều được sơ tán.[114][115][116]
Ngoài ra, trước đó đã có báo cáo rằng các thanh nhiên liệu của lò phản ứng số 2 tại nhà máy Fukushima I nhô ra khỏi nước hoàn toàn, và tình trạng tan chảy của những thanh nhiên liệu cùng với nguy cơ tổn thương mạch lò phản ứng không loại trừ khả năng gây rò rỉ phóng xạ.[117] Tính đến ngày 14 tháng 3, khoảng 160 người đã tiếp xúc với phóng xạ ở mức độ nguy hiểm gần các nhà máy điện hạt nhân. Một nhân viên nhà máy đã thiệt mạng, 8 người khác bị thương.[118] Thêm 11 nhân viên khác bị thương khi lò phản ứng số 3 phát nổ.[119] Nhiều người đã bị phơi nhiễm phóng xạ.[120]
Ngày 15 tháng 3, lúc 06:10 (JST), một vụ nổ xảy ra tại lò phản ứng số 2 của nhà máy Fukushima I.[121] Bên ngoài nhà máy đã phát hiện mức phóng xạ "vượt quá giới hạn cho phép". Theo Công ty Điện lực Tokyo, nhà chịu trách điều hành của nhà máy, mức phóng xạ lúc 08:31 (JST) đã tăng lên đến 8,217 millisievert (mSv)/giờ.[122] Một vụ nổ thứ tư tại lò phản ứng số 4 gây rung chuyển khu vực nhà máy Fukushima I vào cùng ngày.[123] Mức phóng xạ đo được gần lò phản ứng là 400 mSv/giờ,[124][125] trong khi 100 mSv/năm được coi là mức độ an toàn.[126]
Khi tiến hành nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu, trên đường quay lại hàng không mẫu hạm neo ngoài khơi 160 km (99 dặm), một đội cứu trợ của Hải quân Mỹ đã phải di chuyển khỏi khu vực gần đó sau khi máy bay trực thăng của họ dò ra mức phóng xạ. Chỉ trong thời gian khoảng một giờ, máy bay hấp thụ lượng bức xạ nền mặt đất tương đương trong một tháng.[127][128]
Ngày 15 tháng 3, mức phóng xạ ở Tokyo lên đến 20 lần mức bình thường. Mức cao nhất trong vùng Kanto gấp 40 lần mức bình thường tại Saitama nhưng sau đó giảm dần đến 10 lần mức bình thường. Các quan chức địa phương bảo đảm với công chúng rằng đây không phải là mức đe dọa sức khỏe con người.[129][130]
Trưa ngày 15 tháng 3 (JST), Nhật Bản đình chỉ mọi hoạt động tại nhà máy Fukushima I sau khi sự gia mức độ tăng phóng xạ đã khiến cho những công nhân ở lại nhà máy có thể đối mặt với nguy hiểm.[131] Tuy nhiên, công nhân đã trở lại khoảng một giờ sau đó sau khi mức phóng xạ giảm.[97] Tính đến ngày 16 tháng 3, năm công nhân nhà máy đã chết và 22 người khác bị thương. Hai người khác được báo cáo mất tích.[132] Chính phủ đã nâng mức độ phơi nhiễm phóng xạ theo an toàn tiêu chuẩn quốc gia từ 100 lên 250 mSv/năm. Do đó, công nhân nhà máy có thể tiếp tục làm việc.[133]
Sáng ngày 16 tháng 3, phóng xạ Cesi với 58 Bq/kg nước và Iot với 177 Bq/kg nước đã được phát hiện trong nước máy ở thành phố Fukushima.[134] Ngày 19 tháng 3, chính phủ Nhật Bản thông báo rằng phóng xạ Iot được phát hiện trong nước máy lấy mẫu ngày 18 tháng 3 tại Toshigi, Gunma, Tokyo, Chiba, Saitama, và Niigata; phóng xạ Cesi tại Tochigi và Gunma. Nhưng tất cả chỉ trong giới hạn cho phép của đất nước.[135][136]
Ngày 13 tháng 3, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo tình trạng báo động ở mức thấp nhất do chỉ số phóng xạ hiện thời[139] đã vượt quá mức cho phép trong khu vực nhà máy.[140][141] TEPCO khẳng định điều này là do phóng xạ từ sự cố nhà máy điện Fukushima I chứ không phải từ nhà máy Onagawa phát ra.[142]
Công ty điện lực Tōhoku (TEP) hiện không thể cung cấp thêm điện cho vùng Kanto, vì các nhà máy điện của TEP cũng bị hư hại trong trận động đất. Công ty Điện lực Kansai (Kepco) không thể chia sẻ điện, bởi vì hệ thống của Kepco hoạt động ở tần số 60 Hz, trong khi đó hệ thống của TEPCO và TEP vận hành ở tần số 50 Hz. Điều này là do sự phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp vào đầu những năm 1880 đã khiến Nhật Bản không có mạng điện quốc gia thống nhất.[162] Hai trạm biến áp, một ở tỉnh Shizuoka và một ở Nagano, có thể thay đổi các tần số và chuyển điện từ Kansai để đến Kanto và Tōhoku, nhưng khả năng thực hiện việc này chỉ giới hạn đến 1 GW. Với sự thiệt hại của nhiều nhà máy điện, có thể mất hàng năm để miền Đông Nhật Bản phục hồi lại mức sản xuất điện trước đây.[163]
Một nhà phân tích ước tính rằng tiêu thụ các loại dầu có thể tăng đến 300.000 thùng mỗi ngày, vì phải hỗ trợ nhiên liệu đốt hóa thạch cho các nhà máy điện dự phòng để bù lại sự thiếu hụt 11 GW công suất điện hạt nhân của Nhật Bản.[169][170]
Vị thế tự túc xăng dầu của Sendai đã bị phá hủy hoàn toàn, và nguồn cung cấp bị tạm hoãn lại cho đến ít nhất một tháng.[171]
Ba tàu chở than đã bị sóng thần làm hư hại tại các bến cảng của Nhật Bản.[172]
Một đợt sóng thần đã làm ngập sân bay Sendai[178] khoảng 1 giờ sau khi trận động đất đầu tiên xảy ra. Sân bay Narita và Haneda đều ngưng hoạt động sau khi trận động đất. Trong khoảng 24 giờ, hầu hết các chuyến bay đều chuyển hướng tới sân bay khác. Mười máy bay chở khách đến Haneda được chuyển hướng đến gần căn cứ không quân Yokota (Hoa Kỳ).[179]
Nhiều dịch vụ đường sắt khác xung quanh Nhật Bản cũng bị hoãn lại. Công ty đường sắt Đông Nhật Bản đình chỉ tất cả các hoạt động trong cả ngày.[180] Bốn chuyến tàu trên các tuyến đường ven biển bị mất tích. Trong số đó có một chuyến tàu bốn toa thuộc tuyến Senseki đã được tìm thấy trong tình trạng trật đường ray. Tất cả hành khách đều được giải cứu trước 8 giờ sáng (JST) hôm sau.[181]
Ở trong và ngoài Tokyo, hệ thống tàu cao tốc Shinkansen không có có chuyến nào bị trật đường ray, nhưng hoạt động của hệ thống này vẫn bị đình chỉ.[147] Tuyến đường cao tốc Tōkaidō Shinkansen hoạt động trở lại vào cuối ngày nhưng có hạn chế, và trở lại lịch trình thông thường vào ngày hôm sau. Trong khi tuyến Jōetsu và Nagano Shinkansen trở lại hoạt động vào cuối ngày 12 tháng 3. Tuy nhiên, tuyến Tōhoku Shinkansen vẫn phải ngưng vận hành do thiệt hại nặng nề về đường dây. Tình trạng của các tuyến đường sắt tại những vùng khó tiếp cận vẫn chưa xác định được.[182] Ngày 15 tháng 3, hoạt động của tuyến Tōhoku Shinkansen đã phục hồi một phần, phục vụ một chuyến khứ hồi mỗi giờ giữa Tokyo và Nasu-Shiobara.[183]
Ngày 14 tháng 3, với nỗ lực nhằm duy trì sự ổn định thị trường tài chính,[191] Ngân hàng Nhật Bản đã tiếp thêm 15 tỉ ¥ vào thị trường tiền tệ để đảm bảo ổn định tài chính trong bối cảnh cổ phiếu sụt giảm và nguy cơ tín dụng gia tăng. Sau khi Ngân hàng Nhật Bản thiết lập một nguồn lực đặc biệt khẩn cấp để đảm bảo khả năng thanh toán cho những hậu quả của thiên tai, thống đốc Masaaki Shirakawa và hội đồng quản trị của ngân hàng cũng mở rộng chương trình mua trái phiếu chính phủ cho các quỹ giao dịch trao đổi với số tiền là 10 triệu ¥. Những người đứng đầu Ngân hàng Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục bơm tiền mặt khi cần thiết.[192]
Tổng thư ký nội các Yukio Edano cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ triệu tập vào ngày 13 tháng 3 để đánh giá những tác động kinh tế của thảm họa.[193] Ông cũng nói với đài NHK rằng khoảng 200 tỉ ¥ còn trong ngân sách dành cho tài khóa hợp nhất (kết thúc vào ngày 31 tháng 3) sẽ được sử dụng để tài trợ cho các nỗ lực hồi phục tức thời. Các biện pháp bổ sung cũng có thể làm tổn thương nợ công của Nhật Bản (hiện đang đứng cao nhất thế giới). Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhu cầu trái phiếu chính phủ.[194]
Các nhà phân tích kinh tế khẳng định rằng, cuối cùng thì các thảm họa sẽ cải thiện nền kinh tế của Nhật Bản, với cơ hội việc làm gia tăng dựa trên những nỗ lực phục hồi nền kinh tế. JPMorgan Chase đưa ra phân tích dựa trên trận động đất San Francisco 1989 và động đất Northridge 1994, với nội dung chỉ ra rằng những thảm họa tự nhiên "sau cùng sẽ thực sự làm tăng sản xuất". Một nhà phân tích của tổ chức tài chính châu Âu Société Générale đưa ra dự đoán rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ suy giảm vào tháng 3 nhưng sẽ hồi sinh mạnh mẽ ở những tháng tiếp theo. Sau trận động đất Kobe 1995, sản lượng công nghiệp giảm 2,6%, nhưng tăng 2,2% vào tháng sau đó, và 1% nữa trong tháng tiếp theo. Kinh tế Nhật Bản sau đó tăng tốc đáng kể suốt hai năm liền, và cao hơn tỉ lệ tăng trưởng trước đây.[195] Cũng có nhiều người khẳng định rằng điều này có hại cho nền kinh tế, và các phân tích trên lại trở thành con mồi cho những tranh cãi về mặt tích cực dựa trên mặt tiêu cực của thảm họa này.[196]
Như một hậu quả trực tiếp của trận động đất, chỉ số Nikkei của thị trường cổ phiếu Nhật Bản đã trượt 5% giao dịch kì hạn trong phiên giao dịch sau thị trường.[197] Ngân hàng Nhật Bản cho biết sẽ làm hết sức mình để đảm bảo ổn định thị trường tài chính.[198]
Các thị trường chứng khoán khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số DAX của Đức giảm 1,2% và rơi xuống còn 6.978 điểm trong vòng vài phút.[199] Chỉ số Hằng Sinh của Hồng Kông đã giảm 1,8%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc trượt xuống 1,3%.[200] Đến cuối giao dịch ngày thứ sáu, chỉ số MSCI chấu Á Thái Bình Dương đã giảm xuống 1,8%.[201] Các chỉ số thị trường chứng khoán chính của Mỹ tăng từ 0,5% đến 0,7%.[202] Giá dầu cũng giảm do hậu quả của việc đóng cửa nhà máy lọc dầu Nhật Bản, không kể bạo lực đang diễn ra tại Libya và các cuộc biểu tình dự kiến ở Ả Rập Saudi.[203] Tại Hồng Kông, bộ trưởng tài chính Tằng Tuấn Hoa đã cảnh báo các nhà đầu tư "tuyệt đối cẩn trọng" vì trận động đất có thể có tác động ngắn hạn trên từng thị trường chứng khoán địa phương.[204]
Những khu tạm trú đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước uống, thực phẩm, chăn màn và tiện nghi tắm rửa, trong khi chính phủ đang cố sắp xếp những thứ thiếu yếu gửi đến nơi cần thiết sớm nhất có thể, từ những vùng khác nhau của Nhật Bản và từ nước ngoài.[207] Nhiệt độ giảm do sự hư hỏng đường dây điện và khí đốt gây ra những vấn đề nan giải hơn tại các nơi tạm trú.[72] Tính đến ngày 17 tháng 3, 336.521 người Nhật đã được di dời khỏi nhà cửa để sang định cư ở những nơi khác, trong đó bao gồm 2.367 khu tạm trú.[208]
Nhật đã cử một đội tìm kiếm và cứu hộ khẩn cấp đến New Zealand để hỗ trợ khi trận động đất Christchurch 2011 xảy ra.[209]
Một phóng viên tờ nhật báo Globe and Mail của Canada viết: "Khi những thảm họa xảy ra liên tiếp chất chồng lên nhau, người Nhật đã thể hiện sự tuân thủ theo chỉ dẫn của chính quyền, đó cũng là khát vọng của quốc gia mong muốn thấy được công dân vẫn cư xử đúng mực trong bất kì tình huống nào."[214] Việc không có nạn cướp bóc và rối loạn xảy ra không chỉ do tính nhẫn nại của người Nhật, mà còn do pháp luật khuyến khích sự lương thiện, do sự hiện diện của lực lượng cảnh sát đông đảo và do ba phe cánh lớn của tổ chức tội phạm Yakuza thay phiên tuần tra lãnh địa.[215]
Tuy nhiên, một số người chịu thiệt hại bởi trận động đất bắt đầu đặt nghi vấn về những nỗ lực của chính phủ trong việc cung cấp thực phẩm, quần áo, điện, nhiệt, và các dịch vụ điện thoại.[216] Chánh văn phòng nội các Yukio Edano sau đó đã nói: "Do nhận thức chậm trễ, lẽ ra chúng ta đã có thể tiến hành sớm hơn nữa việc đánh giá tình hình và phối hợp tất cả thông tin lại để đưa ra tin tức nhanh hơn."[217]
Mười ngày sau trận động đất, bắt đầu xuất hiện báo cáo về các sự cố cướp bóc và trộm cắp tại những khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần. Tính đến ngày 20 tháng 3, công anh tỉnh Miyagi đã có thống kê về 250 vụ trộm cắp, với lượng hàng hóa trị giá 4,9 triệu ¥ bị đánh cắp từ các cửa hàng và 5,8 triệu ¥ tiền mặt. Các nhân chứng cho biết kẻ trộm ăn cắp tiền mặt và sổ tiết kiệm từ những ngôi nhà bị hư hại, cướp bóc hàng hóa từ các cửa hàng và dùng ống siphon dẫn nhiên liệu từ các xe bị bỏ rơi hoặc bị hỏng.[218][219][220]
New Zealand đã gửi một đội cứu hộ mà trong ba tuần trước đó đã tìm kiếm các tòa nhà sau trận động đất tại Christchurch, và 15 tấn dụng cụ cứu trợ.[227]
Úc đã gửi tàu khu trục HMAS Sydney và tàu đổ bộ hạng nặng HMAS Tobruk chở máy bay trực thăng, các đội kỹ sư và y tế của Lục quân Úc.[228]
Hoa Kỳ đã di chuyển một số tàu hải quân đến gần Nhật Bản với mục đích cứu trợ, kể cả hàng không mẫu hạm Ronald Reagan.[229][230] Đức gửi các chuyên gia cứu hộ từ Technisches Hilfswerk.[231] Anh cũng gửi 70 nhân viên cứu hộ đến Nhật Bản, kể cả 2 chó cứu hộ, một đội hỗ trợ y tế và 11 tấn dụng cụ cứu hộ.[232][233] Hàn Quốc cử 5 nhân viên cứu hộ và 2 chó cứu hộ đến Nhật Bản,[234] và thêm sau đó là 102 nhân viên cứu hộ.[235]
Nhật Bản cũng yêu cầu công ty khí đốt Gazprom của chính phủ Nga thêm khí đốt, và công ty đang tìm cách đưa hai thuyền chở 150.000 tấn khí đốt hiện đang trong hợp đồng đến Nhật Bản.[236][237] Giới chức Nga cho biết sẽ gửi một chiếc máy bay trực thăng Mi-26 cùng với 50 nhân viên cứu hộ để tìm kiếm những người sống sót, và hứa sẽ hỗ trợ thêm.[238] Iran cũng đưa một đội cứu trợ của Hội Lưỡi liềm Đỏ Iran đến Nhật Bản[239][240]
Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Mã Anh Cửu yêu cầu chính phủ trợ giúp Nhật Bản 100 triệu Tân Đài tệ (khoảng 3,3 triệu USD). Một đội cứu hộ gồm 28 người cũng đã đến Nhật Bản vào ngày 14 tháng 3. Thêm vào đó, một đội y tế cũng sẳn sàng đi đến Nhật Bản.[241][242] Một số tổ chức chính phủ và từ thiện khác cũng đã quyên góp để hỗ trợ Nhật Bản.[243]
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã gửi 167.000 USD để hỗ trợ Nhật Bản, cùng với một đội cứu hộ gồm 15 người.[236] Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề nghị chính phủ gửi 100.000 USD cho Nhật Bản.[244] Malaysia gửi một đội cứu hộ, cùng với các bác sĩ và phụ tá y tế.[245][246] Singapore gửi một đội cứu hộ.[247] Afghanistan tặng Nhật Bản 50.000 USD; một con số đáng kể trong khi nước này đang phục hồi sau chiến tranh.[248] Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố chính phủ Việt Nam đã quyết định trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả[249] Ngày 14 tháng 3, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã thiết lập kênh thông tin hỗ trợ các gia đình Việt Nam có người thân sống và làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng động đất và sóng thần.[250] Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng hưởng ứng số tiền 50.000 USD thông qua hội Chữ thập đỏ Nhật Bản[251]
Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima đưa vấn đề năng lượng hạt nhân ra trực tiếp trước quốc tế, gây một cuộc biểu tình chống hạt nhân của 50.000 người tại thành phố Stuttgart của Đức, đồng thời khiến một cuộc hội thảo về nhà máy hạt nhân tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland bị hủy bỏ.[252]
Trung Quốc là một trong những quốc gia góp phần chính trong hoạt động cứu trợ tại Nhật Bản, mặc dù đã gặp phải khủng hoảng trong cuộc động đất gần đây. Ngày 15 tháng 3, trong khi từng bước điều chỉnh mức phóng xạ trên bờ biển quốc gia do phải đối mặt với khủng hoảng nhà máy điện Fukushima, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu sơ tán công dân của mình ra khỏi các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Nhật Bản.[253] Ngày 16 tháng 3, Pháp cũng đã chính thức bắt đầu di tản các công dân của mình từ các khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất, đồng thời gửi máy bay để hỗ trợ công dân của mình rút khỏi Nhật Bản.[254][255] Phản ứng với nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ, chính phủ Áo đã chuyển đại sứ quán từ Tokyo đến Osaka với khoảng cách 400 km (250 dặm).[256]
Ở nhiều nước, chính phủ và các chiến dịch viện trợ tư nhân đã được tổ chức để cung cấp tiền và hỗ trợ cho các nạn nhân và nhân dân Nhật Bản. Các trang web mua bán xã hội đã phát động chiến dịch gây quỹ trực tuyến, thu về hàng triệu đô la cho các tổ chức cứu trợ hoạt động tại Nhật Bản.[257]
Quân đội Hoa Kỳ tổ chức chiến dịch Tomodachi nhằm mục tiêu hỗ trợ và mục tiêu nhân đạo đối với Nhật Bản.[258]
Các phương tiện truyền thông nước khác, chẳng hạn như đài CNN, được cho là đã gieo thông tin hoang mang, phóng đại hơn, và đôi khi đưa tin về phạm vi thiệt hại của trận động đất không chính xác so với các phương tiện truyền thông Nhật Bản. Những báo cáo gieo hoang mang và không chính xác trong phương tiện truyền thông nước ngoài được quy là nguyên nhân gây ra nhiều sự lo lắng và căng thẳng hơn đối với cộng đồng người Nhật hiện đang sinh sống ở hải ngoại.[263][264]
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
Động đất và sóng thần Tōhoku 2011
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Động đất và sóng thần Tōhoku 2011 | |
---|---|
Cảng biển ở Sendai 12/3/2011 sau cơn sóng thần. |
|
Ngày | 14:46:23, 11 tháng 3, 2011 (+09:00) |
Thời điểm xảy ra | 05:46 UTC (14:46 UTC+9) |
Thời gian xảy ra | 6 phút[1] |
Độ lớn | 9,0 MW[2] |
Độ sâu | 32 km (20 mi) |
Tâm chấn | 38,322°B 142,369°ĐTọa độ: 38,322°B 142,369°Đ |
Loại | Động đất mạnh nhất Nhật Bản |
Quốc gia và vùng chịu ảnh hưởng |
Nhật Bản (chủ yếu) Vành đai lửa Thái Bình Dương (sóng thần) |
Tổng thiệt hại | 122 tỉ $ đến 235 tỉ $[3] Lũ lụt, sạt lở, cháy nổ, sập nhà cửa và thiệt hại cơ sở hạ tầng, sự cố hạt nhân. |
PGA | 2,99 g[cần dẫn nguồn] |
Sóng thần | cao nhất 38.5 mét |
Lở đất | Có |
Tiền chấn | 7+ (4+ trên 6.0 MW) |
Dư chấn | 603+ (43+ trên 6.0 MW) |
Thương vong | 15.854 người thiệt mạng[4][5] 9.677 người bị thương[4][5] và 3.155 người mất tích[4][5][6] |
Trận động đất đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ.[15][16][17] Sóng thần cao đến 38,9 m đã đánh vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất,[18] tại một vài nơi sóng thần tiến vào đất liền 10 km (6 mi).[19]
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã chính thức xác nhận có 15.854 người thiệt mạng, 9.677 người bị thương và 3.155 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.[20] Trận động đất và sóng thần đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại quốc gia này, bao gồm những hư hỏng nặng nề về đường bộ và đường sắt cũng như gây cháy nổ tại nhiều khu vực, kèm theo một con đập bị vỡ.[19][21] Khoảng 4,4 triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng mất điện và 1,5 triệu hộ bị mất nước.[22] Nhiều nhà máy phát điện đã ngưng hoạt động, và ít nhất 3 vụ nổ lò phản ứng do rò rỉ khí hydro đã xảy ra tại nhà chứa các lò phản ứng khi hệ thống làm mát bị hỏng hoàn toàn. Ngày 18 tháng 3, ông Yukiya Amano, người đứng đầu Cơ quan Nguyên tử Quốc tế đã cho biết cuộc khủng hoảng này "cực kì nghiêm trọng".[23] Mọi cư dân trong phạm vi bán kính 20 km (12 mi) từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và 10 km (6 mi) từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima II đã phải sơ tán. Ngoài ra, chính quyền Hoa Kỳ khuyến cáo công dân của họ phải di tản cách các nhà máy điện 80 km (50 mi).[24]
Theo các ghi chép về cường độ động đất, đây là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Nhật Bản và là một trong năm trận động đất mạnh nhất thế giới từ khi các thiết bị ghi nhận được sử dụng từ năm 1900.[25][26][27] Đây được cho là sự va đập kiến tạo lớn nhất giữa Bắc Mỹ và Thái Bình Dương trong 1.200 năm.[28] Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố: "Trong vòng 65 năm từ sau Thế chiến thứ II, đây là cuộc khủng hoảng khó khăn và gay go nhất mà Nhật Bản phải đối mặt."[29] Trận động đất đã di chuyển đảo Honshu 2,4 m về phía Đông và làm lệch trục Trái Đất khoảng 10 cm.[30][31] Ước tính thiệt hại lúc đầu tại những nơi bị ảnh hưởng của Nhật Bản vào khoảng từ 14,5 đến 34,6 tỉ USD.[32] Ngày 14 tháng 3, Ngân hàng Nhật Bản đã rót 15.000 tỉ ¥ (183 tỉ USD) vào hệ thống ngân hàng để giảm thiểu ảnh hưởng thị trường tài chính.[33] Ngày 21 tháng 3, Ngân hàng Thế giới ước tính thiệt hại lên vào khoảng 122 đến 235 tỉ USD.[34] Chính phủ Nhật Bản cho biết tổn thất do động đất và sóng thần tàn phá miền Đông Bắc có thể lên đến 309 tỉ USD. Đây là kỉ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra.[35][36]
Mục lục
Động đất
Nguyên nhân
Dịch chuyển của mảng kiến tạo Thái Bình Dương và mảng Bắc Mỹ tại rãnh Nhật Bản với tốc độ 8 cm/năm qua quãng thời gian lâu dài đạt một mức độ đủ lớn làm đứt gãy liên kết giữa hai mảng này dẫn đến sự trượt lên nhau của hai mảng. Mảng Thái Bình Dương đâm xuống phía dưới, mảng Bắc Mỹ trượt lên trên. Kết quả là sự sụt lở và sự trồi lên của đáy biến tạo nên động đất và sóng thần.[37]Diễn biến
Trước đó vào ngày 9/3 ở khu vực này đã có trận động đất 7,2 Mw và 3 dư chấn có độ lớn trên 6,0; và nhiều chấn động có độ lớn trên 5 trong ngày 10/3.[38] Một phút trước khi ảnh hưởng của động đất được cảm nhận ở Tokyo, hệ thống cảnh báo sớm động đất được liên kết từ hơn 1.200 địa chấn kế ở Nhật Bản đã gởi tín hiệu cảnh báo lên trên truyền hình về nguy hiểm của trận động đất đến hàng triệu người. Điều này là có thể vì sóng S, truyền với tốc độ 4 km/s, mất khoảng 90 giây trên quãng đường 373 km đến Tokyo. Cảnh báo sớm từ JMA được tin là đã cứu sống nhiều người.[39][40]Trận động đất xảy ra phía Tây Thái Bình Dương, cách phía Đông của thành phố Sendai, Honshu, Nhật Bản 130 km. Tâm chấn cách Tokyo 373 kilômét (232 dặm). Dư chấn có độ lớn 7,1 Mw xảy ra sau chấn động chính 40 phút.[41] Có hơn 40 dư chấn có độ lớn từ 5 Mw trở lên được ghi nhận chỉ trong vài giờ sau chấn động chính.
Ban đầu Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ báo độ lớn trận động đất là 7,9 nhưng sau đó hiệu chỉnh lại là 8,8 và 8,9 Mw.[25]
JMA đánh giá rằng các dư chấn của trận động đất này rất mạnh, tính đến thời điểm 12 giờ ngày 16 tháng 3, 2011 số dư chấn lớn hơn 7,0 là 3, và số dư chấn lớn hơn 6,0 là 48. Dư chấn đã xảy ra trên phạm vi rộng thuộc địa phận bờ biển các tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima, và Ibaraki.[42]
Tác động địa lý
Theo Viện Địa chất và Núi lửa Quốc gia của Ý, sức mạnh to lớn của trận động đất đã di chuyển trục Trái Đất khoảng 25 cm (9,8 in). Sự sai lệch này đã dẫn đến một số thay đổi nhỏ của hành tinh, bao gồm cả độ dài của một ngày và độ nghiêng về phía xích đạo của Trái Đất.[43] Do sự phân phối lại khối lượng Trái Đất, tốc độ quay của Trái Đất tăng lên, một ngày bị rút ngắn lại 1,8 micro giây.[44]Báo cáo của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết đảo Honshu, hòn đảo chính của Nhật Bản, đã dịch chuyển 5 m về phía Đông, làm Nhật Bản gần thêm với Hoa Kỳ.[45] Nhà nghiên cứu Lucy Jones nói về dữ liệu chính xác như sau: "Người Nhật có thông tin chính xác nhất thế giới về địa chấn. Đây là trận động đất với độ lớn áp đảo nhất từng được ghi nhận."[46]
Shinmoedake, một ngọn núi lửa ở Kyushu, đã phun trào hai ngày sau trận động đất. Ngọn núi lửa này đã phun trào lần cuối vào tháng 1 năm 2011. Vẫn chưa xác định được lần phun trào mới đây có liên quan đến trận động đất hay không.[47]
Năng lượng
Trận động đất đã giải phóng một năng lượng bề mặt 1,9±0,5×1017 jun, được phân tán bằng năng lượng rung lắc và sóng thần, gần gấp đôi năng lượng giải phóng bề mặt của trận động đất và sóng thần Ấn Độ Dương 2004 đã giết chết 230000 người (26,3 megaton). "Nếu chúng ta có thể chỉ khai thác năng lượng (bề mặt) từ trận động đất này, nó sẽ cung cấp điện cho thành phố cỡ Los Angeles trong một năm", McNutt nói trong một cuộc phỏng vấn. Tổng năng lượng được giải phóng, cũng được biết như tại thời điểm địa chấn (M0) là hơn 200000 lần năng lượng bề mặt và được tính toán bởi USGS ở 3,9×1022 jun. Năng lượng này tương đương với 9.320 gigaton TNT, thấp hơn một chút động đất Ấn Độ dương 2004 (9560 gigaton hay 4,0×1022 jun) hoặc xấp xỉ 600 triệu lần năng lượng của bom hiroshima. Viện nghiên cứu quốc gia cho khoa học Trái Đất và phòng chống thiên tai Nhật Bản (NIED) đã tính toán một tải trọng động đất (PGA) ở 2,99 g (29.33 m/s²). Ghi nhận riêng lẻ lớn nhất trong Nhật Bản là 2,7 g tại tỉnh Miyagi, 75 km từ tâm chấn; ghi chép cao nhất trong khu vực đô thị Tokyo là 0,16 g.Sóng thần
Trận động đất tạo ra sóng thần dọc bờ biển phía Thái Bình Dương của Nhật Bản và hơn 20 quốc gia khác như New Zealand, Australia, Nga, Guam, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Nauru, Hawaii, quần đảo Bắc Mariana (Mỹ), Đài Loan; Bắc, Trung và Nam Mỹ như Hoa Kỳ, México, Nicaragua, Costa Rica và Peru.[48][49]Trận động đất xảy ra vận động trồi lên từ 5 đến 8 mét của lớp địa chất trải dài 180 km dưới đáy biển, ở vị trí ngoài khơi cách bờ biển Đông Tōhoku 60 km.[50] Kết quả là một cơn sóng thần lớn tiêu hủy mọi thứ dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của quần đảo phía Bắc Nhật Bản, gây thiệt hại hàng ngàn sinh mạng và tàn phá toàn bộ các tỉnh trong khu vực bị ảnh hưởng. Sóng thần lan truyền khắp Thái Bình Dương, hành động cảnh báo cũng như sơ tán diễn ra nhanh chóng ở nhiều nước có chung biên giới bờ biển Thái Bình Dương, gồm Bắc và Nam Mỹ, từ Alaska đến Chile.[51][52][53] Tuy nhiên, dù sóng thần có ảnh hưởng lên nhiều vùng trong những khu vực trên nhưng chỉ gây ra tác động tương đối nhỏ. Vùng bờ biển Thái Bình Dương của Chile là là nơi cách xa Nhật Bản nhất, vào khoảng 17.000 km,[54] chỉ chịu ảnh hưởng sóng thần cao 2 m.[55][56] Trong khi tại Tarō, Iwate, sóng thần ước tính cao đến 37,9 mét.[18] Sóng thần cao 10 m được quan sát ở sân bay Sendai, gần bờ biển của tỉnh Miyagi.[57]
Tại Nhật Bản
Nơi khác quanh Thái Bình Dương
Ngay sau trận động đất, Trung tâm Cảnh Báo Sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) lập tức đưa tin về khả năng sóng thần và cảnh báo các khu vực ở Thái Bình Dương. Vào 07:30 UTC, PTWC đưa ra cảnh báo sóng thần trên diện rộng bao phủ toàn Thái Bình Dương.[58][59] Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Bờ Tây và Alaska của Hoa Kỳ đã phát động cảnh báo sóng thần đối với các vùng ven biển gần như toàn bộ bang California, toàn bang Oregon và phần phía Tây của bang Alaska, đồng thời dự báo sóng thần đổ bộ tại bờ biển Thái Bình Dương của Alaska cùng toàn bang Washington, British Columbia, Canada.[60][61] Tại tiểu bang California và Oregon, sóng thần lên đến 2,4 m đánh vào một số khu vực, làm hư hại cầu cảng và bến cảng, gây thiệt hại hơn 10 triệu USD.[62][63] Tại Hawaii, ước tính riêng thiệt hại cho cơ sở hạ tầng công cộng khoảng 3 triệu USD, cùng thiệt hại tài sản cá nhân ước tính khoảng hàng chục triệu USD.[64] Sóng thần cao 1 m đổ bộ vào đảo Vancouver ở Canada.[61]Thảm họa
Thương vong
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã xác nhận số người thiệt mạng lên đến 15.854 người, 9.677 người bị thương và 3.155 người mất tích tại 18 tỉnh.[69] Những con số này dự báo sẽ tăng lên đáng kể.[70]Chính quyền các tỉnh và hãng thông tấn Kyodo, theo nguồn tin từ các chính quyền địa phương, cho biết hiện chưa có tung tích của 9.500 người tại thị trấn Minamisanriku thuộc tỉnh Miyagi (khoảng phân nửa cư dân thị trấn).[71] Đài NHK tường thuật rằng chỉ riêng số người thiệt mạng ở tỉnh Iwate đã có thể lên đến 10.000 người.[72]
Tổ chức Cứu Trẻ em đưa nguồn tin có khoảng 100.000 trẻ em đã phải từ bỏ khỏi nhà cửa hư hại, trong số đó có những đứa trẻ bị tách rời khỏi gia đình do trận động đất xảy ra vào ngày học trong tuần.[73]
Ngày 14 tháng 3, hãng thông tấn Kyodo đưa tin 2.000 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy dọc bờ biển tỉnh Miyagi.[74]
Có nguồn tin tức về bốn chuyến tàu chở một lượng hành khách chưa xác định đã biến mất ở vùng ven biển trong cơn sóng thần.[75] Một trong những chiếc tàu thuộc tuyến Sensaki đã được tìm thấy vào buổi sáng trong tình trạng trật đường ray. Toàn bộ hành khách đều được trực thăng cảnh sát cứu sống.[76] Sau đó, tạp chí Der Spiegel đăng tải thông tin về 5 chuyến tàu mất tích tại tỉnh Miyagi đã được tìm thấy, tất cả hành khách đều an toàn. Mặc dù nguồn tin này có thể không xác nhận được từ phía địa phương.[77]
Ngày 11 tháng 3, dịch vụ tìm người qua mạng của Google, trước đây từng được sử dụng trong các trận động đất ở Haiti, Chile, và Christchurch, New Zealand, đã thu thập thông tin về những người sống sót và vị trí của họ.[78][79] Dịch vụ tìm kiếm người thân phi lợi nhuận NOKR đang hỗ trợ chính phủ Nhật Bản trong việc tìm những thân nhân mất tích hoặc đã chết của người dân.[80]
Thiệt hại ở nhà máy điện hạt nhân
Các nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Fukushima II, Onagawa và Tōkai với tổng cộng 11 lò phản ứng, đã tự ngưng hoạt động sau trận động đất.[81] Nhà máy điện hạt nhân Higashidōri, cũng trên bờ biển phía Đông Bắc, đã tạm ngưng để kiểm tra chu kỳ hoạt động. Làm mát là công việc cần thiết để giảm bớt nhiệt lượng phân rã trong nhiều ngày sau khi nhà máy đã ngưng hoạt động. Quá trình làm mát được trang bị máy phát điện diesel khẩn cấp, như trong trường hợp của nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân Rokkasho.[82] Sóng thần tại Fukushima I và II đã vượt qua đê chắn đồng thời phá hủy hệ thống máy phát điện diesel dự phòng, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng tạo nên hai vụ nổ lớn tại nhà máy Fukushima I gây rò rỉ phóng xạ. Hơn 200.000 người đã được sơ tán.[83] Ngày 16 tháng 3, báo cáo cho biết những cơn gió tích cực đã thổi các phân tử phóng xạ từ các sự cố ra biển, giảm thiểu những hiệu ứng tiêu cực.[84] Trước nguy cơ lớn từ các nhà máy, máy bay trực thăng đã cố đổ nước vào nhà máy Fukushima I trong nỗ lực làm mát các lò phản ứng.[85]Ngày 15 tháng ba, Günther Oettinger, ủy viên hội đồng năng lượng Châu Âu người Đức, trong một tuyên bố tại Nghị viện châu Âu đã gọi thảm họa hạt nhân là "ngày tận thế". Ông cho biết từ này là sự lựa chọn đặc biệt chính đáng nhất, và Tokyo đã gần như mất quyền kiểm soát tình huốn tại các nhà máy điện Fukushima.[86]
Chính phủ Anh và Mỹ đã khuyên công dân của họ xem xét việc rời khỏi Nhật. Mỹ và Úc cũng cũng khuyên nên ở cách nhà máy Fukushima I 80 km (50 dặm). Các nhà chức trách tại Anh, Đức và Úc đề nghị công dân của họ rời Tokyo. Pháp, Bỉ và Na Uy khuyên công dân của họ rời khỏi Nhật Bản.[87][88][89]
Nhà máy điện Fukushima I và II
Ngày 12 tháng 3, một vụ nổ lớn với nguyên do được quy cho sự tích tụ khí hydro đã thổi bay mái và tường ngoài nhà chứa lò phản ứng số 1, giải phóng một đám mây lớn bụi và hơi nước, nhưng lò phản ứng chính vẫn không bị hư hỏng trong vụ nổ.[99][100]
Ngày 13 tháng 3 (JST), chính quyền Nhật thừa nhân lò phản ứng số 1 và số 3 có hiện tượng nóng chảy hạt nhân bên trong do nhiệt độ cao.[101][102] Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản thông báo rằng sự cố Fukushima được đánh giá ở mức 4 trên mức từ 0-7 của Thang Sự cố Hạt nhân ''Quốc tế'' (INES),[103] mức độ nghiêm trọng chỉ thua sự cố nhà máy điện hạt nhân Đảo Ba Dặm của Mỹ.[104] Cơ quan an toàn hạt nhân ASN của Pháp cho rằng tai nạn xảy ra có thể được xếp loại 5 hoặc 6, điều này có nghĩa là mức độ nghiêm trọng chỉ có thể bằng hoặc thâm chí là hơn sự cố Đảo Ba Dặm.[105] Ngày 18 tháng 3, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản nâng mức độ nghiêm trọng lên mức 5.[106]
Ngày 14 tháng 3, sau 11 giờ (JST), một vụ nổ xảy khác xảy ra tại lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima I.[107] Bức tường bên ngoài của tòa nhà bị sụp đổ. Phát ngôn viên của chính phủ cho biết lò phản ứng không bị hư hỏng.[108] Sau 16 giờ 30 cùng ngày (JST), Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản thông báo đã xảy ra vụ nổ. Người dân địa phương được các nhà chức trách khuyến cáo ở nhà cho đến khi tình hình phóng xạ của môi trường được làm sạch hoàn toàn.[109] Không giống như 5 lò phản ứng khác, lò phản ứng số 3 vận hành bằng urani và oxit plutoni hỗn hợp (hay nhiên liệu MOX hỗn hợp), khiến nó có khả năng nguy hiểm hơn dựa trên các hiệu ứng neutron do phản ứng plutoni gây ra, bên cạnh đó là những tác động gây ung thư trong trường hợp phóng xạ được thải ra môi trường.[110][111][112] Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đang nỗ lực giảm áp suất trong các nhà máy bằng cách thải hơi nước ô nhiễm trong các lò phản ứng vào khí quyển. Theo Tomoko Murakami, nhóm năng lượng hạt nhân tại Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, điều này sẽ không dẫn đến việc phát phóng xạ đáng kể.[113] Những cư dân sống trong bán kính 20 km từ nhà máy Fukushima I cùng các cư dân trong phạm vi 3 km từ nhà máy Fukushima II đều được sơ tán.[114][115][116]
Ngoài ra, trước đó đã có báo cáo rằng các thanh nhiên liệu của lò phản ứng số 2 tại nhà máy Fukushima I nhô ra khỏi nước hoàn toàn, và tình trạng tan chảy của những thanh nhiên liệu cùng với nguy cơ tổn thương mạch lò phản ứng không loại trừ khả năng gây rò rỉ phóng xạ.[117] Tính đến ngày 14 tháng 3, khoảng 160 người đã tiếp xúc với phóng xạ ở mức độ nguy hiểm gần các nhà máy điện hạt nhân. Một nhân viên nhà máy đã thiệt mạng, 8 người khác bị thương.[118] Thêm 11 nhân viên khác bị thương khi lò phản ứng số 3 phát nổ.[119] Nhiều người đã bị phơi nhiễm phóng xạ.[120]
Ngày 15 tháng 3, lúc 06:10 (JST), một vụ nổ xảy ra tại lò phản ứng số 2 của nhà máy Fukushima I.[121] Bên ngoài nhà máy đã phát hiện mức phóng xạ "vượt quá giới hạn cho phép". Theo Công ty Điện lực Tokyo, nhà chịu trách điều hành của nhà máy, mức phóng xạ lúc 08:31 (JST) đã tăng lên đến 8,217 millisievert (mSv)/giờ.[122] Một vụ nổ thứ tư tại lò phản ứng số 4 gây rung chuyển khu vực nhà máy Fukushima I vào cùng ngày.[123] Mức phóng xạ đo được gần lò phản ứng là 400 mSv/giờ,[124][125] trong khi 100 mSv/năm được coi là mức độ an toàn.[126]
Khi tiến hành nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu, trên đường quay lại hàng không mẫu hạm neo ngoài khơi 160 km (99 dặm), một đội cứu trợ của Hải quân Mỹ đã phải di chuyển khỏi khu vực gần đó sau khi máy bay trực thăng của họ dò ra mức phóng xạ. Chỉ trong thời gian khoảng một giờ, máy bay hấp thụ lượng bức xạ nền mặt đất tương đương trong một tháng.[127][128]
Ngày 15 tháng 3, mức phóng xạ ở Tokyo lên đến 20 lần mức bình thường. Mức cao nhất trong vùng Kanto gấp 40 lần mức bình thường tại Saitama nhưng sau đó giảm dần đến 10 lần mức bình thường. Các quan chức địa phương bảo đảm với công chúng rằng đây không phải là mức đe dọa sức khỏe con người.[129][130]
Trưa ngày 15 tháng 3 (JST), Nhật Bản đình chỉ mọi hoạt động tại nhà máy Fukushima I sau khi sự gia mức độ tăng phóng xạ đã khiến cho những công nhân ở lại nhà máy có thể đối mặt với nguy hiểm.[131] Tuy nhiên, công nhân đã trở lại khoảng một giờ sau đó sau khi mức phóng xạ giảm.[97] Tính đến ngày 16 tháng 3, năm công nhân nhà máy đã chết và 22 người khác bị thương. Hai người khác được báo cáo mất tích.[132] Chính phủ đã nâng mức độ phơi nhiễm phóng xạ theo an toàn tiêu chuẩn quốc gia từ 100 lên 250 mSv/năm. Do đó, công nhân nhà máy có thể tiếp tục làm việc.[133]
Sáng ngày 16 tháng 3, phóng xạ Cesi với 58 Bq/kg nước và Iot với 177 Bq/kg nước đã được phát hiện trong nước máy ở thành phố Fukushima.[134] Ngày 19 tháng 3, chính phủ Nhật Bản thông báo rằng phóng xạ Iot được phát hiện trong nước máy lấy mẫu ngày 18 tháng 3 tại Toshigi, Gunma, Tokyo, Chiba, Saitama, và Niigata; phóng xạ Cesi tại Tochigi và Gunma. Nhưng tất cả chỉ trong giới hạn cho phép của đất nước.[135][136]
Nhà máy điện Onagawa
Hãng thông tấn Kyodo News cho biết đã có vụ cháy ở phần tuabin của nhà máy điện Onagawa sau trận động đất.[82][137] Ngọn lửa phát ra trong nhà chứa các tuabin, nằm cách biệt với các lò phản ứng của nhà máy[91] và đã nhanh chóng được dập tắt.[138]Ngày 13 tháng 3, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo tình trạng báo động ở mức thấp nhất do chỉ số phóng xạ hiện thời[139] đã vượt quá mức cho phép trong khu vực nhà máy.[140][141] TEPCO khẳng định điều này là do phóng xạ từ sự cố nhà máy điện Fukushima I chứ không phải từ nhà máy Onagawa phát ra.[142]
Nhà máy điện Tōkai
Lò phản ứng số 2 tại nhà máy điện hạt nhân Tōkai đã tự ngưng hoạt động.[81] Ngày 14 tháng 3, đã có báo cáo rằng một máy bơm hệ thống làm mát cho lò phản ứng này đã ngưng làm việc.[143] Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản cho biết có một máy bơm hoạt động dự phòng duy trì hệ thống làm mát, nhưng hai trong số ba máy phát điện diesel để chạy hệ thống làm mát đã ngưng hoạt động.[144]Cảng
Tất cả các cảng của Nhật Bản phải đóng cửa một thời gian ngắn sau trận động đất, mặc dù những cảng ở Tokyo và phía Nam đã sớm hoạt động trở lại. Các cảng phía Đông Bắc của Hachinohe, Sendai, Ishinomaki và Onahama đã bị phá hủy. Trong khi đó cảng Chiba (phục vụ ngành công nghiệp dầu khí) và cảng hàng hóa lớn thứ 9 của Nhật Bản tại Kashima cũng bị ảnh hưởng nhẹ. Các cảng ở Hitachinaka, Hitachi, Soma, Shiogama, Kesennuma, Ofunato, Kamashi và Miyako cũng bị hư hỏng và được dự kiến sẽ phải ngưng hoạt động hàng tuần.[145] Cảng Tokyo bị hư hại nhẹ, trận động đất làm khói bốc lên từ một tòa nhà tại đó và một phần của cảng bị ngập nước, hòa lẫn với đất bùn ở bãi giữ xe công viên Disneyland Tokyo.[146][147]Vỡ đập
Đập thủy lợi Fujinuma ở thành phố Sukagawa bị vỡ,[148] gây ra lũ lụt và cuốn trôi nhà cửa.[149] Tám người mất tích và bốn thi thể được phát hiện vào buổi sáng hôm sau.[150][151][152] Được biết, một số người dân địa phương đã cố gắng sửa chữa rò rỉ của đập trước khi nó hoàn toàn bị hư hại.[153] Ngày 12 tháng 3, 252 đập nước đã được kiểm tra, trong đó phát hiện 6 đập lớn đã có vết nứt nông ở phía trên. Các hồ chứa dạng đập bê tông trọng lực bị nghiêng không đáng kể. Tất cả các đập bị hư hại vẫn đang hoạt động không có sự cố. Bốn đập trong khu vực động đất chưa thể tiếp cận được. Khi giao thông thông thoáng trở lại, các chuyên gia sẽ được cử đến để tiến hành điều tra.[154]Nước
Ngay sau khi tai họa xảy ra, có báo cáo ít nhất 1,5 triệu hộ gia đình bị mất nước.[22][155] Đến ngày 21 tháng 3, con số này đã giảm xuống còn 1,04 triệu hộ.[156]Điện
Theo Công ty Điện lực Tōhoku, khoảng 4,4 triệu hộ gia đình ở vùng Đông Bắc Nhật Bản bị mất điện.[157] Một số nhà máy điện thông thường và nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động sau trận động đất. Ngày 14 tháng 3, việc cắt điện được tiến hành do tình trạng thiếu điện do trận động đất gây ra.[158] Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), với khả năng cung cấp điện thông thường khoảng 40 GW điện, thông báo rằng hiện chỉ có thể phân phối khoảng 30 GW. Điều này do 40% lượng điện sử dụng tại vùng Tokyo mở rộng là từ các lò phản ứng ở tỉnh Niigata và Fukushima cung cấp.[159] Các lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima I và II đã tự ngưng hoạt động ngay sau khi cơn động đất đầu tiên xảy ra và đã bị hư hỏng nặng do động đất và đợt sóng thần đến liền sau đó. Việc cắt điện ba giờ mỗi ngày dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 4 tại Tokyo và các tỉnh Kanagawa, Shizuoka, Yamanashi, Chiba, Ibaraki, Saitama, Tochigi, Gunma.[160] Việc những người dân tự nguyện giảm sử dụng điện tại vùng Kanto đã giúp giảm bớt tần suất và thời lượng cúp điện dự tính.[161]Công ty điện lực Tōhoku (TEP) hiện không thể cung cấp thêm điện cho vùng Kanto, vì các nhà máy điện của TEP cũng bị hư hại trong trận động đất. Công ty Điện lực Kansai (Kepco) không thể chia sẻ điện, bởi vì hệ thống của Kepco hoạt động ở tần số 60 Hz, trong khi đó hệ thống của TEPCO và TEP vận hành ở tần số 50 Hz. Điều này là do sự phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp vào đầu những năm 1880 đã khiến Nhật Bản không có mạng điện quốc gia thống nhất.[162] Hai trạm biến áp, một ở tỉnh Shizuoka và một ở Nagano, có thể thay đổi các tần số và chuyển điện từ Kansai để đến Kanto và Tōhoku, nhưng khả năng thực hiện việc này chỉ giới hạn đến 1 GW. Với sự thiệt hại của nhiều nhà máy điện, có thể mất hàng năm để miền Đông Nhật Bản phục hồi lại mức sản xuất điện trước đây.[163]
Dầu, than và khí đốt
Nhà máy lọc dầu Cosmo với công suất 220.000 thùng mỗi ngày[164] đã bốc cháy sau trận động đất tại Ichihara, tỉnh Chiba, phía Đông Tokyo.[165] Trong khi đó, các nhà máy khác phải tạm ngưng sản xuất do thiếu điện và an toàn hạn chế.[166][167] Ngày 14 tháng 3, tại Sendai, một nhà máy lọc dầu với công suất 145.000 thùng mỗi ngày thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí lớn nhất Nhật Bản, JX Nippon Oil & Energy cũng bốc cháy sau trận động đất.[164] Trong khi các quan chức của JX Nippon Oil & Energy mong muốn dập tắt đám cháy thì cảnh báo sóng thần đã kìm hãm những nỗ lực đó vì mọi công nhân đã đi sơ tán.[164][168]Một nhà phân tích ước tính rằng tiêu thụ các loại dầu có thể tăng đến 300.000 thùng mỗi ngày, vì phải hỗ trợ nhiên liệu đốt hóa thạch cho các nhà máy điện dự phòng để bù lại sự thiếu hụt 11 GW công suất điện hạt nhân của Nhật Bản.[169][170]
Vị thế tự túc xăng dầu của Sendai đã bị phá hủy hoàn toàn, và nguồn cung cấp bị tạm hoãn lại cho đến ít nhất một tháng.[171]
Ba tàu chở than đã bị sóng thần làm hư hại tại các bến cảng của Nhật Bản.[172]
Giao thông
Mạng lưới giao thông của Nhật Bản bị gián đoạn nghiêm trọng. Nhiều đoạn đường cao tốc Tōhoku hoạt động ở miền Bắc Nhật Bản đã bị hư hại.[173] Tất cả các dịch vụ đường sắt bị hoãn lại ở Tokyo, với ước tính khoảng 20.000 người mắc kẹt tại các trạm chính trên toàn thành phố.[174] Phải mất hàng giờ sau trận động đất, vài dịch vụ đường sắt mới được nối lại.[175] Hầu hết các đường tàu ở Tokyo hoạt động trở lại ngay ngày hôm sau (12 tháng 3).[176] 20.000 du khách mắc kẹt qua đêm 11-12 tháng 3 trong công viên Tokyo Disneyland.[177]Một đợt sóng thần đã làm ngập sân bay Sendai[178] khoảng 1 giờ sau khi trận động đất đầu tiên xảy ra. Sân bay Narita và Haneda đều ngưng hoạt động sau khi trận động đất. Trong khoảng 24 giờ, hầu hết các chuyến bay đều chuyển hướng tới sân bay khác. Mười máy bay chở khách đến Haneda được chuyển hướng đến gần căn cứ không quân Yokota (Hoa Kỳ).[179]
Nhiều dịch vụ đường sắt khác xung quanh Nhật Bản cũng bị hoãn lại. Công ty đường sắt Đông Nhật Bản đình chỉ tất cả các hoạt động trong cả ngày.[180] Bốn chuyến tàu trên các tuyến đường ven biển bị mất tích. Trong số đó có một chuyến tàu bốn toa thuộc tuyến Senseki đã được tìm thấy trong tình trạng trật đường ray. Tất cả hành khách đều được giải cứu trước 8 giờ sáng (JST) hôm sau.[181]
Ở trong và ngoài Tokyo, hệ thống tàu cao tốc Shinkansen không có có chuyến nào bị trật đường ray, nhưng hoạt động của hệ thống này vẫn bị đình chỉ.[147] Tuyến đường cao tốc Tōkaidō Shinkansen hoạt động trở lại vào cuối ngày nhưng có hạn chế, và trở lại lịch trình thông thường vào ngày hôm sau. Trong khi tuyến Jōetsu và Nagano Shinkansen trở lại hoạt động vào cuối ngày 12 tháng 3. Tuy nhiên, tuyến Tōhoku Shinkansen vẫn phải ngưng vận hành do thiệt hại nặng nề về đường dây. Tình trạng của các tuyến đường sắt tại những vùng khó tiếp cận vẫn chưa xác định được.[182] Ngày 15 tháng 3, hoạt động của tuyến Tōhoku Shinkansen đã phục hồi một phần, phục vụ một chuyến khứ hồi mỗi giờ giữa Tokyo và Nasu-Shiobara.[183]
Truyền thông
Dịch vụ điện thoại di động và điện thoại cố định bị gián đoạn chủ yếu trong khu vực bị ảnh hưởng.[184] Tại những nơi cơ sở hạ tầng cơ bản vẫn còn, các dịch vụ Internet phần lớn không bị tác động mặc dù trận động đất đã làm hư hỏng vài phần của hệ thống cáp ngầm dưới biển được lắp đặt tại khu vực bị ảnh hưởng. Các hệ thống này có thể định tuyến lại xung quanh các phân đoạn bị hư hỏng vào liên kết dự phòng.[185][186] Tại Nhật Bản, ban đầu chỉ có một vài trang web không thể truy cập được.[187] Một số nhà cung cấp điểm truy cập không dây (Wifi hotspot) đã phản ứng với trận động đất bằng cách cung cấp đường truyền miễn phí qua mạng của họ.[187]Trung tâm vũ trụ
Cơ quan Vũ trụ ''Nhật Bản'' (JAXA) đã sơ tán Trung tâm Vũ trụ Tsukuba thuộc tỉnh Ibaraki. Trung tâm Vũ trụ Tsukuba đã đóng cửa cùng một số thiệt hại được báo cáo. Trung tâm này là trụ sở của một phòng điều khiển đóng vai trò là một bộ phận của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).[188][189]Ảnh hưởng kinh tế
Cơn chấn động lập tức có tác động mạnh mẽ lên những doanh nghiệp như Toyota, Nissan và Honda. Các tập đoàn này đều phải ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất tự động đến 14 tháng 3.[190]Ngày 14 tháng 3, với nỗ lực nhằm duy trì sự ổn định thị trường tài chính,[191] Ngân hàng Nhật Bản đã tiếp thêm 15 tỉ ¥ vào thị trường tiền tệ để đảm bảo ổn định tài chính trong bối cảnh cổ phiếu sụt giảm và nguy cơ tín dụng gia tăng. Sau khi Ngân hàng Nhật Bản thiết lập một nguồn lực đặc biệt khẩn cấp để đảm bảo khả năng thanh toán cho những hậu quả của thiên tai, thống đốc Masaaki Shirakawa và hội đồng quản trị của ngân hàng cũng mở rộng chương trình mua trái phiếu chính phủ cho các quỹ giao dịch trao đổi với số tiền là 10 triệu ¥. Những người đứng đầu Ngân hàng Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục bơm tiền mặt khi cần thiết.[192]
Tổng thư ký nội các Yukio Edano cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ triệu tập vào ngày 13 tháng 3 để đánh giá những tác động kinh tế của thảm họa.[193] Ông cũng nói với đài NHK rằng khoảng 200 tỉ ¥ còn trong ngân sách dành cho tài khóa hợp nhất (kết thúc vào ngày 31 tháng 3) sẽ được sử dụng để tài trợ cho các nỗ lực hồi phục tức thời. Các biện pháp bổ sung cũng có thể làm tổn thương nợ công của Nhật Bản (hiện đang đứng cao nhất thế giới). Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhu cầu trái phiếu chính phủ.[194]
Các nhà phân tích kinh tế khẳng định rằng, cuối cùng thì các thảm họa sẽ cải thiện nền kinh tế của Nhật Bản, với cơ hội việc làm gia tăng dựa trên những nỗ lực phục hồi nền kinh tế. JPMorgan Chase đưa ra phân tích dựa trên trận động đất San Francisco 1989 và động đất Northridge 1994, với nội dung chỉ ra rằng những thảm họa tự nhiên "sau cùng sẽ thực sự làm tăng sản xuất". Một nhà phân tích của tổ chức tài chính châu Âu Société Générale đưa ra dự đoán rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ suy giảm vào tháng 3 nhưng sẽ hồi sinh mạnh mẽ ở những tháng tiếp theo. Sau trận động đất Kobe 1995, sản lượng công nghiệp giảm 2,6%, nhưng tăng 2,2% vào tháng sau đó, và 1% nữa trong tháng tiếp theo. Kinh tế Nhật Bản sau đó tăng tốc đáng kể suốt hai năm liền, và cao hơn tỉ lệ tăng trưởng trước đây.[195] Cũng có nhiều người khẳng định rằng điều này có hại cho nền kinh tế, và các phân tích trên lại trở thành con mồi cho những tranh cãi về mặt tích cực dựa trên mặt tiêu cực của thảm họa này.[196]
Như một hậu quả trực tiếp của trận động đất, chỉ số Nikkei của thị trường cổ phiếu Nhật Bản đã trượt 5% giao dịch kì hạn trong phiên giao dịch sau thị trường.[197] Ngân hàng Nhật Bản cho biết sẽ làm hết sức mình để đảm bảo ổn định thị trường tài chính.[198]
Các thị trường chứng khoán khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số DAX của Đức giảm 1,2% và rơi xuống còn 6.978 điểm trong vòng vài phút.[199] Chỉ số Hằng Sinh của Hồng Kông đã giảm 1,8%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc trượt xuống 1,3%.[200] Đến cuối giao dịch ngày thứ sáu, chỉ số MSCI chấu Á Thái Bình Dương đã giảm xuống 1,8%.[201] Các chỉ số thị trường chứng khoán chính của Mỹ tăng từ 0,5% đến 0,7%.[202] Giá dầu cũng giảm do hậu quả của việc đóng cửa nhà máy lọc dầu Nhật Bản, không kể bạo lực đang diễn ra tại Libya và các cuộc biểu tình dự kiến ở Ả Rập Saudi.[203] Tại Hồng Kông, bộ trưởng tài chính Tằng Tuấn Hoa đã cảnh báo các nhà đầu tư "tuyệt đối cẩn trọng" vì trận động đất có thể có tác động ngắn hạn trên từng thị trường chứng khoán địa phương.[204]
Phản ứng của Nhật Bản
Chính phủ
Thủ tướng Naoto Kan công bố chính phủ đã huy động Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến những vùng chịu thảm họa động đất khác nhau.[205] Ông yêu cầu công chúng Nhật Bản bình tĩnh hành động đồng thời theo dõi nhiều thể loại phương tiện truyền thông để cập nhật tin tức.[205][206] Ông cũng cho biết nhiều nhà máy điện hạt nhân đã tự ngưng hoạt động để ngăn ngừa thiệt hại và rò rỉ phóng xạ.[205] Thủ tướng Naoto Kan còn thành lập một bộ chỉ huy khẩn cấp đại diện ông dàn xếp những phản ứng của chính quyền.[206]Những khu tạm trú đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước uống, thực phẩm, chăn màn và tiện nghi tắm rửa, trong khi chính phủ đang cố sắp xếp những thứ thiếu yếu gửi đến nơi cần thiết sớm nhất có thể, từ những vùng khác nhau của Nhật Bản và từ nước ngoài.[207] Nhiệt độ giảm do sự hư hỏng đường dây điện và khí đốt gây ra những vấn đề nan giải hơn tại các nơi tạm trú.[72] Tính đến ngày 17 tháng 3, 336.521 người Nhật đã được di dời khỏi nhà cửa để sang định cư ở những nơi khác, trong đó bao gồm 2.367 khu tạm trú.[208]
Nhật đã cử một đội tìm kiếm và cứu hộ khẩn cấp đến New Zealand để hỗ trợ khi trận động đất Christchurch 2011 xảy ra.[209]
Công dân
Phóng viên trên đài NBC của Mỹ bày tỏ: "Đạo đức xã hội Nhật Bản thật đáng kinh ngạc. Không hề có bất cứ đề cập nào liên quan đến cướp bóc hay bạo lực. Tất cả mọi người đều xếp hàng chờ đợi đến lượt vào cửa hàng. Nhân viên cửa hàng rất lịch sự và tử tế."[210] Thái độ này được cho rằng có nguồn gốc từ sự kiên trì và nhẫn nại của người Nhật.[211][212][213]Một phóng viên tờ nhật báo Globe and Mail của Canada viết: "Khi những thảm họa xảy ra liên tiếp chất chồng lên nhau, người Nhật đã thể hiện sự tuân thủ theo chỉ dẫn của chính quyền, đó cũng là khát vọng của quốc gia mong muốn thấy được công dân vẫn cư xử đúng mực trong bất kì tình huống nào."[214] Việc không có nạn cướp bóc và rối loạn xảy ra không chỉ do tính nhẫn nại của người Nhật, mà còn do pháp luật khuyến khích sự lương thiện, do sự hiện diện của lực lượng cảnh sát đông đảo và do ba phe cánh lớn của tổ chức tội phạm Yakuza thay phiên tuần tra lãnh địa.[215]
Tuy nhiên, một số người chịu thiệt hại bởi trận động đất bắt đầu đặt nghi vấn về những nỗ lực của chính phủ trong việc cung cấp thực phẩm, quần áo, điện, nhiệt, và các dịch vụ điện thoại.[216] Chánh văn phòng nội các Yukio Edano sau đó đã nói: "Do nhận thức chậm trễ, lẽ ra chúng ta đã có thể tiến hành sớm hơn nữa việc đánh giá tình hình và phối hợp tất cả thông tin lại để đưa ra tin tức nhanh hơn."[217]
Mười ngày sau trận động đất, bắt đầu xuất hiện báo cáo về các sự cố cướp bóc và trộm cắp tại những khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần. Tính đến ngày 20 tháng 3, công anh tỉnh Miyagi đã có thống kê về 250 vụ trộm cắp, với lượng hàng hóa trị giá 4,9 triệu ¥ bị đánh cắp từ các cửa hàng và 5,8 triệu ¥ tiền mặt. Các nhân chứng cho biết kẻ trộm ăn cắp tiền mặt và sổ tiết kiệm từ những ngôi nhà bị hư hại, cướp bóc hàng hóa từ các cửa hàng và dùng ống siphon dẫn nhiên liệu từ các xe bị bỏ rơi hoặc bị hỏng.[218][219][220]
Yakuza
Yakuza - những tổ chức xã hội đen người Nhật - là những người đầu tiên gửi hàng cứu trợ đến cho các nạn nhân.[221]Phản ứng quốc tế
Yêu cầu trợ giúp
Nhiều đội cứu hộ đặc biệt đã được cử đến Nhật Bản từ những quốc gia như Anh, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand và Úc;[222][223] Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) yêu cầu tổ chức đặc quyền của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho vệ tinh nhanh chóng truyền hình ảnh các vùng gặp thiên tai đến những tổ chức cứu trợ.[224]Sự quan tâm của thế giới
Nhật Bản đã nhận được những thông điệp chia buồn và lời yêu cầu được trợ giúp từ một loạt các nhà lãnh đạo quốc tế. Ngày 19 tháng 3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết có 128 quốc gia và 33 tổ chức quốc tế đã cung cấp hỗ trợ cho Nhật Bản.[156] Liên minh châu Âu cũng rất sẵn sàng đưa ra trơ giúp; chủ tịch Hội Đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy đã nói: "Một trận động đất đủ cường độ làm lắc lư trục Trái Đất, một đợt sóng thần khổng lồ và tình trạng khẩn cấp của những nhà máy điện hạt nhân. Bất cứ thứ gì trong số kể trên đều là một tấn thảm kịch. Hàng ngàn người chết đã khiến thảm kịch trở thành thảm họa."[225] Hai mươi quốc gia thành viên đã đề nghị hỗ trợ thông qua Cơ chế Bảo vệ Dân sự của châu Âu.[226]New Zealand đã gửi một đội cứu hộ mà trong ba tuần trước đó đã tìm kiếm các tòa nhà sau trận động đất tại Christchurch, và 15 tấn dụng cụ cứu trợ.[227]
Úc đã gửi tàu khu trục HMAS Sydney và tàu đổ bộ hạng nặng HMAS Tobruk chở máy bay trực thăng, các đội kỹ sư và y tế của Lục quân Úc.[228]
Hoa Kỳ đã di chuyển một số tàu hải quân đến gần Nhật Bản với mục đích cứu trợ, kể cả hàng không mẫu hạm Ronald Reagan.[229][230] Đức gửi các chuyên gia cứu hộ từ Technisches Hilfswerk.[231] Anh cũng gửi 70 nhân viên cứu hộ đến Nhật Bản, kể cả 2 chó cứu hộ, một đội hỗ trợ y tế và 11 tấn dụng cụ cứu hộ.[232][233] Hàn Quốc cử 5 nhân viên cứu hộ và 2 chó cứu hộ đến Nhật Bản,[234] và thêm sau đó là 102 nhân viên cứu hộ.[235]
Nhật Bản cũng yêu cầu công ty khí đốt Gazprom của chính phủ Nga thêm khí đốt, và công ty đang tìm cách đưa hai thuyền chở 150.000 tấn khí đốt hiện đang trong hợp đồng đến Nhật Bản.[236][237] Giới chức Nga cho biết sẽ gửi một chiếc máy bay trực thăng Mi-26 cùng với 50 nhân viên cứu hộ để tìm kiếm những người sống sót, và hứa sẽ hỗ trợ thêm.[238] Iran cũng đưa một đội cứu trợ của Hội Lưỡi liềm Đỏ Iran đến Nhật Bản[239][240]
Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Mã Anh Cửu yêu cầu chính phủ trợ giúp Nhật Bản 100 triệu Tân Đài tệ (khoảng 3,3 triệu USD). Một đội cứu hộ gồm 28 người cũng đã đến Nhật Bản vào ngày 14 tháng 3. Thêm vào đó, một đội y tế cũng sẳn sàng đi đến Nhật Bản.[241][242] Một số tổ chức chính phủ và từ thiện khác cũng đã quyên góp để hỗ trợ Nhật Bản.[243]
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã gửi 167.000 USD để hỗ trợ Nhật Bản, cùng với một đội cứu hộ gồm 15 người.[236] Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề nghị chính phủ gửi 100.000 USD cho Nhật Bản.[244] Malaysia gửi một đội cứu hộ, cùng với các bác sĩ và phụ tá y tế.[245][246] Singapore gửi một đội cứu hộ.[247] Afghanistan tặng Nhật Bản 50.000 USD; một con số đáng kể trong khi nước này đang phục hồi sau chiến tranh.[248] Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố chính phủ Việt Nam đã quyết định trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả[249] Ngày 14 tháng 3, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã thiết lập kênh thông tin hỗ trợ các gia đình Việt Nam có người thân sống và làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng động đất và sóng thần.[250] Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng hưởng ứng số tiền 50.000 USD thông qua hội Chữ thập đỏ Nhật Bản[251]
Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima đưa vấn đề năng lượng hạt nhân ra trực tiếp trước quốc tế, gây một cuộc biểu tình chống hạt nhân của 50.000 người tại thành phố Stuttgart của Đức, đồng thời khiến một cuộc hội thảo về nhà máy hạt nhân tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland bị hủy bỏ.[252]
Trung Quốc là một trong những quốc gia góp phần chính trong hoạt động cứu trợ tại Nhật Bản, mặc dù đã gặp phải khủng hoảng trong cuộc động đất gần đây. Ngày 15 tháng 3, trong khi từng bước điều chỉnh mức phóng xạ trên bờ biển quốc gia do phải đối mặt với khủng hoảng nhà máy điện Fukushima, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu sơ tán công dân của mình ra khỏi các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Nhật Bản.[253] Ngày 16 tháng 3, Pháp cũng đã chính thức bắt đầu di tản các công dân của mình từ các khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất, đồng thời gửi máy bay để hỗ trợ công dân của mình rút khỏi Nhật Bản.[254][255] Phản ứng với nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ, chính phủ Áo đã chuyển đại sứ quán từ Tokyo đến Osaka với khoảng cách 400 km (250 dặm).[256]
Ở nhiều nước, chính phủ và các chiến dịch viện trợ tư nhân đã được tổ chức để cung cấp tiền và hỗ trợ cho các nạn nhân và nhân dân Nhật Bản. Các trang web mua bán xã hội đã phát động chiến dịch gây quỹ trực tuyến, thu về hàng triệu đô la cho các tổ chức cứu trợ hoạt động tại Nhật Bản.[257]
Quân đội Hoa Kỳ tổ chức chiến dịch Tomodachi nhằm mục tiêu hỗ trợ và mục tiêu nhân đạo đối với Nhật Bản.[258]
Phạm vi truyền thông
NHK, đài truyền hình chính quốc gia và vệ tinh vô tuyến của Nhật ngưng phát sóng các chương trình truyền hình thông thường để đưa tin liên tục về tình hình đang diễn ra.[259] Nhiều đài phát sóng khác khắp nước Nhật đều không ngừng đưa tin. Bắt đầu từ ngày 12 tháng 3 năm 2011, trang web các đài vô tuyến Ustream Asia phát sóng trực thông tin trực tiếp từ đài NHK, từ hệ thống phát sóng Tokyo, đài Fuji TV, TV Asahi, TV Kanagawa và CNN trên internet.[260] YokosoNews, một trang web phát sóng trực tuyến tại Nhật Bản, ưu tiên đưa những tin mới nhất từ các đài tin tức của Nhật thông qua việc dịch lại nội dung bằng tiếng Anh theo thời điểm hiện tại.[261] Báo Yomiuri Shimbun (Tokyo) cho biết "việc phối hợp các hoạt động cứu trợ tại những vùng thiên tai dự kiến sẽ làm tăng cường quan hệ Nhật-Mỹ."[262]Các phương tiện truyền thông nước khác, chẳng hạn như đài CNN, được cho là đã gieo thông tin hoang mang, phóng đại hơn, và đôi khi đưa tin về phạm vi thiệt hại của trận động đất không chính xác so với các phương tiện truyền thông Nhật Bản. Những báo cáo gieo hoang mang và không chính xác trong phương tiện truyền thông nước ngoài được quy là nguyên nhân gây ra nhiều sự lo lắng và căng thẳng hơn đối với cộng đồng người Nhật hiện đang sinh sống ở hải ngoại.[263][264]
Phản ứng của giới nghiên cứu khoa học
Hình ảnh
-
Một đoạn bờ biển Tohoku bị tàn phá. -
Khói bốc lên ở Tokyo.
-
Anten trên Tháp Tokyo bị cong nhẹ sau trận động đất. -
Một ngôi nhà Nhật trôi dạt trên Thái Bình Dương.
Tham khảo
- ^ “震災の揺れは6分間 キラーパルス少なく 東大地震研” (bằng tiếng Nhật). Asahi.com. 17 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2011.
- ^ USGS analysis as of 2011-03-12
- ^ Victoria Kim (21 tháng 3 năm 2011). “Japan damage could reach $235 billion, World Bank estimates”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b c “Damage Situation and Police Countermeasures associated with 2011Tohoku district – off the Pacific Ocean Earthquake”. Japanese National Police Agency. 20 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b c “平成23年(2011年)東北地方太平洋沖地震の被害状況と警察措置”. Japanese National Police Agency. 20 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Damage Situation and Police Countermeasures associated with 2011Tohoku district – off the Pacific Ocean Earthquake”. Japanese National Police Agency. 17 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2011.
- ^ 気象庁 Japan Meteorological Agency. “平成23年3月11日14時46分頃の三陸沖の地震について(第2報) 気象庁 | 平成23年報道発表資料”. JMA. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Magnitude 9.0 – Near The East Coast Of Honshu, Japan”. United States Geological Survey (USGS). Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Reilly, Michael (11 tháng 3 năm 2011). “Japan's quake updated to magnitude 9.0”. New Scientist . Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “New USGS number puts Japan quake at 4th largest”. CBS News. 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Séisme et tsunami dévastateurs: plus de 1000 morts et disparus au Japon” [Devastating quake and tsunami: more than 1000 deaths and many more missing in Japan]. Le Parisien (bằng tiếng Pháp). 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Tsunami hits north-eastern Japan after massive quake”. BBC News (bằng tiếng Anh). 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan Meteorological Agency | Earthquake Information”. Jma.go.jp. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “東北を中心に震度7の地震 宮城県で4・2メートルの津波 建物も流される”. MSN産経ニュース (bằng tiếng Nhật). 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “TSUNAMI BULLETIN NUMBER 003” (bằng tiếng Anh). Pacific Tsunami Warning Center/NOAA/NWS. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ By the CNN Wire Staff (11 tháng 3 năm 2011). “Tsunami warnings issued for at least 20 countries after quake — CNN.com” (bằng tiếng Anh). Edition.cnn.com. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “PTWC warnings complete list” (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b “38-meter-high tsunami triggered by March 11 quake: survey”. Kyodo News. 3 tháng 4 năm 2011.
- ^ a b Roland Buerk (11 tháng 3 năm 2011). “Japan earthquake: Tsunami hits north-east”. BBC. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan earthquake live blog: Death toll rises amid widespread destruction”. CNN (blog) (bằng tiếng Anh) (TimeWarner). 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ Saira Syed – "Japan quake: Infrastructure damage will delay recovery" – 16 March 2011 – BBC News – Retrieved 18 March 2011.
- ^ a b NPR Staff and Wires (14 tháng 3 năm 2011). “Millions Of Stricken Japanese Lack Water, Food, Heat”. NPR. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2011. “Nearly 1.5 million households had gone without water since the quake struck.”
- ^ “IAEA chief says Japan's crisis extremely serious”. Hindustan Times. 18 tháng 3 năm 2011.
- ^ “US breaks with Japan over power plant warnings”. Associated Press. 16 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2011.
- ^ a b “Magnitude 8.9 – NEAR THE EAST COAST OF HONSHU, JAPAN 2011 March 11 05:46:23 UTC” (bằng tiếng Anh). United States Geological Survey (USGS). Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “8.9 Earthquake in Japan, Tsunami Warning to Russia, Taiwan and South East Asia” (bằng tiếng Anh). 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan quake – 7th largest in recorded history” (bằng tiếng Anh). 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Deaths in Japan Earthquake Top 500; Nuclear Fuel May Be Melting at Reactor” (bằng tiếng Anh). Bloomberg News. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japanese PM: 'Toughest' crisis since World War II”. CNN. 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.. Tháng 3 năm 2011.
|tựa đề=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - ^ “Quake shifted Japan by over two meters”. Deutsche Welle. 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ Chang, Kenneth (13 tháng 3 năm 2011). “Quake Moves Japan Closer to U.S. and Alters Earth's Spin”. The New York Times. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ Molly Hennessy-Fiske (13 tháng 3 năm 2011). “Japan earthquake: Insurance cost for quake alone pegged at $35 billion, AIR says”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Uranaka, Taiga; Kwon, Ki Joon (14 tháng 3 năm 2011). “New explosion shakes stricken Japanese nuclear plant”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ Victoria Kim (21 tháng 3 năm 2011). “Japan damage could reach $235 billion, World Bank estimates”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan disaster likely to be world's costliest – Yahoo! News”. News.yahoo.com. 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2011.
- ^ Zhang, Bo. “Top 5 Most Expensive Natural Disasters in History”. AccuWeather.com. News & Video. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Sóng thần tại Nhật hình thành như thế nào?” (Thông cáo báo chí). Việt Linh. Thứ hai, 14/3/2011, 15:42 GMT+7. Truy cập 16/3/2011.
- ^ Latest Earthquakes M5.0+ in the World - Past 7 days
- ^ Foster, Peter. “Alert sounded a minute before the tremor struck”. The Daily Telegraph. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ Talbot, David. “80 Seconds of Warning for Tokyo”. MIT Technology Review. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Magnitude 7.1 – OFF THE EAST COAST OF HONSHU, JAPAN”. USGS. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.[liên kết hỏng]
- ^ Japan Meteorological Agency
- ^ Chai, Carmen (11 tháng 3 năm 2011). “Japan's quake shifts earth's axis by 25 centimetres”. Montreal Gazette (Postmedia News). Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Earth's day length shortened by Japan earthquake”. CBS News. 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Quake sped up Earth's rotation”. The Seattle Times (Associated Press; Bloomberg News). 11 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Brown, Eryn (12 tháng 3 năm 2011). “Japan earthquake shifted Earth on its axis”. Los Angeles Times. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Hennessy-Fiske, Molly (13 tháng 3 năm 2011). “Volcano in southern Japan erupts”. Los Angeles Times. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “TSUNAMI BULLETIN NUMBER 003”. Pacific Tsunami Warning Center/NOAA/NWS. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ By the CNN Wire Staff (26 tháng 12 năm 2004). “Tsunami warnings issued for at least 20 countries after quake - CNN.com”. Edition.cnn.com. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ NHK BS News reported 2011-04-03-02:55 JST
- ^ “Tsunami bulletin number 3”. Pacific Tsunami Warning Center/NOAA/NWS. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ Wire Staff (11 tháng 3 năm 2011). “Tsunami warnings issued for at least 20 countries after quake”. CNN. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “PTWC warnings complete list”. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Distance between Dichato, Chile and Sendai, Japan is 17228km”. Mapcrow.info. 23 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ Attwood, James. “Chile Lifts Tsunami Alerts After Japan Quake Spawns Waves”. Bloomberg. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Chilean site: (Tsunami) waves penetrated 70–100 m in different parts of the country”. Publimetro.cl. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ “10-meter tsunami observed in area near Sendai in Miyagi Pref”. The Mainichi Daily News. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.[liên kết hỏng]
- ^ “Evacuate all coastal areas immediately, Hawaii Civil Defense says”. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Text of PTWC Pacific-wide tsunami warning”. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Tsunami Warning and Advisory #7 issued 03/11/2011 at 3:39 am PST”. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b “B.C. tsunami threat passes”. CBC.ca. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Tsunami Damages Santa Cruz, Crescent City Harbors, KSBW, 11 March 2011
- ^ Helen Jung and Jeff Manning, "Waves bring destruction to Oregon's south coast", The Oregonian, 12 March 2011, p. 1+
- ^ Nakaso, Dan (14 March 2011)Tsunami damage estimate for Hawaii now tens of millions Star Advertiser, Retrieved 15 March 2011
- ^ “film shown by BBC showing only rubble where there were buildings”. BBC News. 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Before-and-after satellite photographs of devastated regions”. Google. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “animated images showing undamaged places become damaged”. BBC. 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ Onishi, Norimitsu (13 tháng 3 năm 2011). “Seawalls Offered Little Protection Against Tsunami's Crushing Waves”. The New York Times. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Live report and update”. News. Tokyo Broadcasting System (TBS). Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ Kyung Lah (12 tháng 3 năm 2011). “Rescuers scramble to save lives as aftershocks jolt Japan”. CNN. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ K.N.C., H.T., A.N.: Containing the nuclear crisis. The Economist, 12 March 2011
- ^ a b “World English”. NHK. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ McCurry, Justin (15 tháng 3 năm 2011). “Japan earthquake: 100,000 children displaced, says charity”. The Guardian. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ Some 2,000 bodies found on quake-hit Miyagi's coastal areas. kyodonews. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ By the CNN Wire Staff (22 tháng 5 năm 1960). “Widespread destruction from Japan earthquake, tsunamis – CNN.com”. Edition.cnn.com. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “脱線のJR仙石線車内から、県警ヘリで9人救出 : 社会 : YOMIURI ONLINE(読売新聞)” (bằng tiếng Nhật). JP: Yomiuri. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan im Zeichen der Katastrophe”. Der Speigel. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ Shinde, Jayesh (11 tháng 3 năm 2011). “Google Person Finder for Japan Earthquake/Tsunami launched”. PC World. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ Person finder . Appspot., “Person Finder: 2011 Japan Earthquake” (bằng tiếng Nhật).
- ^ “Massive quake, tsunami slams Japan List Your Emergency Contacts find Family”.
- ^ a b “Japan earthquake: Evacuations ordered as fears grow of radiation leak at nuclear plant; News.com.au”. News. AU. 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011. “According to the industry ministry, a total of 11 nuclear reactors automatically shut down at the Onagawa plant, the Fukushima No. 1 and No. 2 plants and the Tokai No. 2 plant after the strongest recorded earthquake in the country's history”
- ^ a b “Japan initiates emergency protocol after earthquake”. Nuclear Engineering International. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan's nuclear fears intensify at two Fukushima power stations”. The Guardian. 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Wunder Blog : Weather Underground”. Wunderground.com. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Helicopters dump water on nuclear plant in Japan”. CNN. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ “World news Australia: Blasts escalate Japan's nuclear crisis”. Sbs.com.au. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ Aaron Sheldrick and Stuart Biggs (17 tháng 3 năm 2011). “Concerns Among Foreigners in Tokyo Grow as UK, U.S. Urge People to Leave”. Bloomberg.
- ^ “Japan earthquake: Foreign evacuations increase”. BBC News. 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Germany asks its nationals in Tokyo to leave Japan”. Hindustan Times. 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Fear of Nuclear Radiation Leak Aftermath Japan Earthquake”. The World Reporter. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b “Japan Declares 'Nuclear Emergency' after Quake”. The Guardian. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan Tsunami”. BBC News. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Radioactive Material May Have Leaked from Japanese Reactor”. CNN International. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ Hiroko Tabuchi, Matthew L. Wald: Partial Meltdowns Presumed at Crippled Reactors. The Washington Post, 13 March 2011
- ^ Chico Harlan: Japan quake: With two natural disasters and a nuclear emergency, recovery begins. The Washington Post, 12 March 2011, retrieved 13 March 2011
- ^ Rik Myslewski: Sixth Japanese nuclear reactor loses cooling. The Register, 13 March 2011, retrieved 13 March 2011
- ^ a b “Workers briefly abandon Japan plant after radiation surge”. Moneycontrol.com. 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ CNN Wire Staff: Japanese authorities rush to save lives, avert nuclear crisis. CNN, 13 March 2011, retrieved 13 March 2011
- ^ “Workers scramble to cool reactors; official says 2nd blast possible”. CNN. 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “WRAPUP 10-Explosion at Japan's quake-hit nuclear plant — media”. Reuters. 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japanese authorities rush to save lives, avert nuclear crisis”. CNN. 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “New explosion at Japanese reactor releases radioactive material”. Fox News Latino. 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Image of Japanese Tsunami Gets Shocking; asked IAEA for help”. The World Reporter. 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ Maeda, Risa (12 tháng 3 năm 2011). “Japan rates quake less serious than 3 Mile Island, Chernobyl”. Reuters. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “French nuclear agency rates Japan accident 5 or 6”. Reuters. 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Frantic Repairs Go On at Plant as Japan Raises Severity of Crisis”. New York Times. 18 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Second Blast at Quake Hit Japanese Nuclear Plant”. The World Reporter. 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Explosion in building at Japanese nuclear reactor”. CNN News. 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “6 injured in another Fukushima nuclear plant blast”. NHK. 14 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Radio New Zealand : News : World : Warning of another possible explosion at nuclear plant”. radionz.co.nz. 2011 [last update]. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011. “pluton”
- ^ Digges, Charles (2011 [last update]). “Japan floods overheating reactor with sea water while 140,000 evacuate area as more coolant breakdowns spread – Bellona”. bellona.org. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011. “mixed uranium and plutonium oxide, or MOX fuel, since September.”
- ^ “Japan nuclear plant faces new threat | World news | guardian.co.uk”. The Guardian (London: GMG). Tháng 3 năm 2011. ISSN 0261-3077. OCLC 60623878. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Earthquakes Put Japan's Nuclear Reactors on Red Alert”. FoxNews.com. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan quake power plant”. News (Yahoo!). 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “District Name evacuation instruction: City Ookuma (夫沢District 1, District 2夫沢, District 3夫沢,小入野, Kazuhisa Hiroshi) Futabachō (Hosoya, Koriyama, Niiyama, Shimozyou, Yamada, Hamano)” (bằng tiếng Nhật). Fukushima Prefecture. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Impact to TEPCO's Facilities due to Miyagiken-Oki Earthquake (as of 7 am)”. News (TEPCO). 7 am JST.
- ^ “Reuters; Nuclear fuel rods fully exposed at Japan reactor – Jiji”. Reuters.com. 9 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ Ben Cubby (14 tháng 3 năm 2011). “New quake shakes Japan as battle waged against nuclear meltdown”. Sydney Morning Herald.
- ^ “Meltdown alert at Japan reactor”. BBC News. 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ Nuclear and Industrial Safety Agency Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Blast heard at Fukushima's No. 2 reactor: gov't”. Kyodo News. 15 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Radiation fears after Japan blast”. BBC News. 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan’s Stricken Nuclear Power Plant Rocked by Blasts, Fire”. Businessweek. 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “放射線、福島原発で400ミリシーベルト=「人体に影響及ぼす可能性」-官房長官”. jiji press. 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong
|work=
và|newspaper=
(trợ giúp) - ^ “Radiation levels spike at Japanese nuclear plant”. CNN. 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong
|work=
và|newspaper=
(trợ giúp) - ^ “Workers briefly abandon Japan plant after radiation surge”. Moneycontrol.com. 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ Richard Black. “Meltdown alert at Japan reactor, 12;07 GMT 14 March 2011”. BBC. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ This story was written by U.S. 7th Fleet Public Affiars. “Seventh Fleet Repositions Ships after Contamination Detected”. Navy.mil. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Radiation levels spike in Tokyo; capital still safe, Ishihara says”. The Japan Times=17 March 2010.
- ^ “Radiation poses only slight risk to nervous Tokyo: experts”. Reuters. 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan abandons stricken nuke plant over radiation”. Associated Press. 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Last Defense at Troubled Reactors: 50 Japanese Workers”. Pittsburgh Post-Gazette. 16 tháng 3 năm 2011.[liên kết hỏng]
- ^ “Nuclear Crisis: Rising Radiation Levels Halt Work at Fukushima Plant”. ABC News. 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ “asahi.com(朝日新聞社):福島市内の水道水から放射性物質検出 国の基準は下回る – 東日本大震災”. Asahi Shimbun (bằng tiếng Nhật). Japan. 3 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ “1都5県の水道水から放射性物質、国基準下回る : 科学”. Yomiuri Shimbun. Japan. 19 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2011.
- ^ “水道水 制限値を全国で下回る”. NHKニュース. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2011.[liên kết hỏng]
- ^ Mogi, Chikako (11 tháng 3 năm 2011). “Fire at Tohoku Elec Onagawa nuclear plant -Kyodo | Reuters”. Reuters. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Fire at nuclear power plant extinguished”. The Australian. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “IAEA update on Japan Earthquake”. iaea.org. 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “IAEA update on Japan Earthquake”. iaea.org. 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011. “Japanese authorities have also informed the IAEA that the first (i.e., lowest) state of emergency at the Onagawa nuclear power plant has been reported by Tohoku Electric Power Company. The authorities have informed the IAEA that the three reactor units at the Onagawa nuclear power plant are under control. As defined in Article 10 of Japan's Act on Special Measures Concerning Nuclear Emergency Preparedness, the alert was declared as a consequence of radioactivity readings exceeding allowed levels in the area surrounding the plant. Japanese authorities are investigating the source of radiation.”
- ^ Chico Harlan, Steven Mufson: Japanese nuclear plants' operator scrambles to avert meltdowns. The Washington Post, 11 March 2011
- ^ “Sea water injected into troubled Fukushima power plant | The Manila Bulletin Newspaper Online”. mb.com.ph. 2011 [last update]. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011. “Meanwhile, radiation monitored at the Onagawa nuclear power plant in Miyagi Prefecture on the Pacific coast shot up on Sunday, Tohoku Electric Power Co. said, adding that it was likely caused by radioactive substances let out at the troubled Fukushima No. 1 nuclear power plant in Fukushima Prefecture.”
- ^ “Cooling system pump stops at Tokai No.2 plant-Kyodo; Energy & Oil; Reuters”. af.reuters.com. 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Takenaka, Kiyoshi (13 tháng 3 năm 2011). “Tokai No.2 nuke plant cooling process working – operator | Reuters”. uk.reuters.com. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011. “Japan Atomic Power said Monday that the cooling process was working at its Tokai No.2 nuclear power plant's reactor although two of the three diesel power generators used for cooling were out of order.”
- ^ “Status of Japanese ports 5 days after devastating quake and tsunami”. Reuters. 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Tokyo Disneyland hit by liquefaction after quake”. MediaCorp Channel NewsAsia. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b “Japan issues top tsunami warning after major quake”. MediaCorp Channel NewsAsia. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan's Afternoon of Horror”. The Gulf Today. 12 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “1,500 dead or missing after huge earthquake, tsunami”. Asahi Shimbun. 13 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Dam Breaks In Northeast Japan, Washes Away Homes”. Arab Times. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ Azuma, Kita (12 tháng 3 năm 2011). “Pacific Ocean coast Earthquake” (bằng tiếng Nhật). MSN. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “5 buildings collapsing dam outflow Hukushima Sukagawa” (bằng tiếng Nhật). Fukushima News. 13 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.[liên kết hỏng]
- ^ “Lupo Fujinuma Sukagawa dam collapsed eight people missing” (bằng tiếng Nhật). Fukushima News. 12 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.[liên kết hỏng]
- ^ “A quick report on Japanese Dams after the Earthquake”. Chinese National Committee on Large Dams. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ Uranaka, Taiga; Kwon, Ki Joon (14 tháng 3 năm 2011). “Quake-hit Japan battles to avert radiation leak”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b Nomiyama, Chiz (21 tháng 3 năm 2011). “Factbox: Japan disaster in figures”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2011.
- ^ “People near Japan nuke plant told to leave”. News. AU: Yahoo!. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 9 năm 2011.
- ^ “Power Outage To Deal Further Blows To Industrial Output”. Nikkei.com. 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “東京電力ホームページ – エネルギーの最適サービスを通じてゆたかで快適な環境の実現に貢献します -” (bằng tiếng Nhật). Tokyo Electric Power Company. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “News”. Nikkan Sports. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Joe, Melinda, "Kanto area works on energy conservation", Japan Times, 17 March 2011, p. 11.
- ^ http:A legacy from the 1800s leaves Tokyo facing blackouts. itworld. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2011.
- ^ Hongo, Jun, "One certainty in the crisis: Power will be at a premium", Japan Times, 16 March 2011, p. 2.
- ^ a b c Fernandez, Clarence (14 tháng 3 năm 2011). “Japan's shipping, energy sectors begin march back from quake”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ Japan earthquake causes oil refinery inferno Daily Telegraph, London, 11 March 2011
- ^ Fires, safety checks take out Japanese refineries Argus Media, 14 March 2011. Accessed: 18 March 2011.
- ^ Japanese refiners try to offset shortages Argus Media, 15 March 2011. Accessed: 18 March 2011.
- ^ Tsukimori, Osamu; Negishi, Mayumi (11 tháng 3 năm 2011). “JX refinery fire seen originated from shipping facility”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ Analysis - Oil markets adjust to Japan’s disaster Argus Media, 16 March 2011. Accessed: 18 March 2011.
- ^ Japan quake begins to impact LNG trade Argus Media, 15 March 2011. Accessed: 18 March 2011.
- ^ Tsunami Disaster: “Japan’s Sendai says LNG Infrastructure Badly Damaged” Argus Media, 16 March 2011. Accessed: 18 March 2011.
- ^ Wainwright, Dale. NYK bulker trio damaged Tradewinds.no 14 March 2011. Accessed: 18 March 2011.
- ^ “Fears of massive death toll as ten-metre tall tsunami races across Pacific after sixth largest earthquake in history hits Japan”. Daily Mail. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ NHK News, 23:30 JST
- ^ “Many Rail Services In Tokyo Suspended After Quake”. NIKKEI. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ Associated Press, "When Tokyo's clockwork trains stopped ticking", Japan Times, 13 March 2011, p. 3.
- ^ Kyodo News, "Disney reality check for the stuck", Japan Times, 13 March 2011, p. 3.
- ^ “News: Tsunami rolls through Pacific, Sendai Airport under water, Tokyo Narita closed, Pacific region airports endangered”. Avherald.com. 6 tháng 7 năm 2001. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ Kyodo News, "USS Reagan on way", Japan Times, 13 March 2011, p. 2.
- ^ “JR東日本:列車運行情報” (bằng tiếng Nhật). Traininfo.jreast.co.jp. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “脱線のJR仙石線車内から、県警ヘリで9人救出 : 社会 : YOMIURI ONLINE(読売新聞)” (bằng tiếng Nhật). Yomiuri.co.jp. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “asahi.com(朝日新聞社):東北新幹線、早期復旧は困難 栃木以北の状況把握難航 – 社会” (bằng tiếng Nhật). Asahi.com. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “asahi.com(朝日新聞社):東北新幹線、東京―那須塩原で再開 各停、1時間に1本” (bằng tiếng Nhật). Asahi.com. 15 tháng 3 năm 2001. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Tokyo phone lines jammed, trains stop”. Times of India. 12 tháng 3 năm 2011. “The temblor shook buildings in the capital, left millions of homes across Japan without electricity, shut down the mobile phone network and severely disrupted landline phone service.”
- ^ “In Japan, Many Undersea Cables Are Damaged: Broadband News and Analysis «”. Gigaom.com. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ Cowie, James (11 tháng 3 năm 2011). “Japan Quake – Renesys Blog”. Renesys.com. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b “Japan's phone networks remain severely disrupted”. Computerworld. 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ Malik, Tariq (12 tháng 3 năm 2011). “Quake forces closure of Japanese space center”. msnbc.com. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ “asahi.com(朝日新聞社):茨城の宇宙機構施設が損傷 「きぼう」一部管制できず – サイエンス” (bằng tiếng Nhật). Asahi.com. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Toyota, other automakers to suspend production at all domestic plants”. Mainichi Daily News (Tokyo). 13 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Kihara, Leika; Ishiguro, Rie (14 tháng 3 năm 2011). “BOJ offers record 7 trillion yen to soothe markets”. Reuters. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ Christopher Anstey and Mayumi Otsuma (11 tháng 3 năm 2011). “BOJ Pledges Support on Japan Earthquake; Toyota Halts Output”. Bloomberg News. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan says quake impact on economy 'considerable'”. Agence France-Presse. 13 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Anstey, Christopher. “Japan Plans Spending Package as Quake Slams World's Most Indebted Economy”. Bloomberg. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Wiseman, Paul; Rugaber, Christopher S. (11 tháng 3 năm 2011). “Quake and tsunami a blow to fragile Japan economyR”. San Francisco Chronicle. Associated Press. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan's Tsunami- The Broken Window Fallacy Returns | XChange – The NBR Blog | Nightly Business Report”. PBS. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Reuters 10:05 am GMT 11 Mar 2011 Comments. “Japan earthquake: market reaction”. Telegraph. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “BOJ to Work to Ensure Financial Market Stability”. 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Erdbeben Japan: Riesige Flutwelle spült Trümmer übers Land”. Zeit Online (bằng tiếng Đức). 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan earthquake hits global markets”. The Telegraph. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Roubini Says Earthquake Is 'Worst Thing' at Worst Time for Japan Economy”. Bloomberg. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ Bharatwaj, Shanthi (11 tháng 3 năm 2011). “Stocks rebound after Japan earthquake”. The Street. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Oil prices drop after Japan quake”. Raidió Teilifís Éireann. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “FS warns of quake impact on shares”. RTHK. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b c Christopher Anstey (11 tháng 3 năm 2011). “Kan Mobilizes Forces, BOJ Pledges Liquidity After Quake”.
- ^ a b Nikkei Inc. (11 tháng 3 năm 2011). “Govt Takes Emergency Steps, Kan Asks People To Stay Calm”. Nikkei.com.
- ^ “After Japan's quake and tsunami, freezing weather threatens relief efforts”. The Guardian. 16 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ NHK, 17 Mar, 04:01 am. Evacuees by prefecture: Miyagi- 205,418, Fukushima- 64,040, Iwate- 44,433, Yamagata- 2,217, Aomori- 371, Akita- 40, Ibaragi- 12,347, Chiba- 1,010, Tochigi- 1,696, Gunma- 63, Saitama- 107, Niigata- 3,200, Nagano- 1,579.
- ^ “Japanese rescue team in NZ heads home”. BigPond News. 12 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ 16/3/2011.
- ^ Cubbison, Gene (15 tháng 3 năm 2011). “Japan's Resilience: Recipe for Recovery”. NBC San Diego (NBCUniversal). Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2011.
- ^ “U.S. troops exposed to radiation”. Detroit Free Press. 16 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2011.
- ^ Lloyd, Mike (16 tháng 3 năm 2011). “Japanese remain calm while dealing with quake aftermath”. National Post. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Crushed, but true to law of 'gaman'”. The Australian. 16 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2011.
- ^ MacKinnon, Mark (15 tháng 3 năm 2011). “National stoicism helps Japan manage disaster recovery”. The Globe and Mail. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ Beam, Christopher (16 tháng 3 năm 2011). “Stop, Thief! Thank You.”. Slate. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2011.
- ^ Magnier, Mark; Demick, Barbara (18 tháng 3 năm 2011). “Japan earthquake: Residents of Japan's quake region wonder where the government is”. Los Angeles Times. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2011.
- ^ “A week after quake, Japan's leader vows to rebuild”. Associated Press. 19 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2011.
- ^ Agence France-Presse and Jiji Press, "Desperation tests crime taboo", Japan Times, 21 March 2011, p. 2.
- ^ Jiji Press, "Thieves, looters targeting Miyagi's quake-hit stores", Japan Times, 21 March 2011, p. 2.
- ^ Allen, Nick (21 tháng 3 năm 2011). “Japan earthquake: Looting reported by desperate survivors”. The Daily Telegraph. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2011.
- ^ Terril Yue Jones (25/3/2011). “Yakuza among first with relief supplies in Japan”. Reuters. Truy cập 29/3/2011.
- ^ Nebehay, Stephanie (11 tháng 3 năm 2011). “Japan requests foreign rescue teams, UN says”. Reuters. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan earthquake: Aid request to the UK”. BBC News. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Disaster Charter – Earthquake in Japan”. Disasterscharter.org. 28 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ Channel 4 News (16 tháng 3 năm 2011). “Japan live blog: Nuclear crisis”. Channel 4. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ “The European Union's response to the earthquake and the nuclear plant situation in Japan”. Europa. 14 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ “New Zealand USAR team arrive in Japan”. 3 News. 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Australia sending ships to Japan”. Canberra Times. 14 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 6 năm 2011.
- ^ King, Laura, Mark Magnier and Barbara Demick, "Japan Faces Soaring Number Of Feared Dead", Los Angeles Times, 13 March 2011.
- ^ “Obama: Japan earthquake potentially 'catastrophic'”. msnbc.com. 11 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Erdbeben in Japan – Angst vor der Kernschmelze – Panorama – sueddeutsche.de”. Süddeutsche Zeitung. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
- ^ “UK sends 70 rescuers”.
- ^ “UK team joins quake rescue efforts”.[liên kết hỏng]
- ^ “South Korea Sends Rescue Team, Search Dogs To Quake-Hit Japan”. Bernama. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “S. Korea to send 102-member team of rescue workers to Japan”. yonhapnews.co.kr. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ a b “International aid pours in for Japan”. 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Japan asks Russia for more energy after quake”. 13 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ 13/3/2011.
- ^ “Russia to send additional rescuers to quake-hit Japan – Emergencies Ministry”. 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Fars News Agency :: Iranian Red Crescent to Send Survey Team to Japan
- ^ PressTV - Iran offers to aid Japan quake victims
- ^ “因應日本宮城縣災情擴大,中華民國政府捐贈日本政府新台幣一億元協助賑災,並呼籲國內各界踴躍捐輸。” (bằng tiếng Trung). Ministry of Foreign Affairs of the Republic of China (Taiwan). 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2011.
- ^ 馳援日本震災 台搜救隊出發,Central News Agency, 3/14/2011.
- ^ 我捐1億賑災 37萬網友祈福,Apple Daily, 3/13/2011。
- ^ “Cambodia expresses deep sympathy to Japan over massive quake”. 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Malaysia sends rescue team to Japan”. People's Daily Online. 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Mercy Malaysia Deploys Four-Person Team to Tokyo” (Thông cáo báo chí). Malaysian Medical Relief Society (Mercy Malaysia). 13 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ “Singapore sends rescue team to Japan”. AsiaOne (Singapore Press Holdings). 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2011.
- ^ Factbox: Aid and rescue offers for Japan quake | Reuters
- ^ “Việt Nam trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD” (Thông cáo báo chí). Hà Thu. 13/3/2011. Truy cập 14/3/2011.
- ^ “Đại sứ quán VN thiết lập kênh hỗ trợ tại Nhật Bản” (Thông cáo báo chí). Nguồn: TTXVN/vietnamplus. 14/3/2011. Truy cập 14/3/2011.
“Đại sứ quán thiết lập đường dây nóng để công dân Việt Nam liên hệ” (Thông cáo báo chí). Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. 14/3/2011. Truy cập 13/4/2011. - ^ “Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân bị thiên tai tại Nhật Bản 50.000 đô-la Mỹ” (Thông cáo báo chí). Quỳnh Anh. 14/3/2011. Truy cập 14/3/2011.
- ^ Stuart, Becky (14 tháng 3 năm 2011). “Nuclear power comes under attack; solar stocks increase”. pv magazine. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2011.
- ^ “China evacuates citizens from Japan quake areas”. Yahoo!. Bản gốc lưu trữ 17/3/2011.
- ^ “Japan earthquake: Anger over Fukushima evacuation plan”. BBC.
- ^ “Japan earthquake and tsunami: UN predicts nuclear plume could hit US by Friday | Mail Online”. The Daily Mail. London. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2011.
- ^ Joe McDonald. “China activating plans to evacuate citizens from Japan”. The Washington Times.
- ^ After Japan's Earthquake, Daily Deals became a Useful Tool for Daily Giving.. Pinggers BlogBản mẫu:Inconsistent citations
- ^ “http://web.archive.org/web/20110703113058/http://aircraft.zurf.info/article/japan-tsunami-and-nuclear-disaster-timeline-events”. Zurf Military Aircraft. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2011.
- ^ NHK News, 14:40 JST.
- ^ “Ustream Asia、民放TV各局の東北地方太平洋沖地震報道番組を同時配信 -INTERNET Watch” (bằng tiếng Nhật).
- ^ Pinola, Melanie. Listen to Live Coverage from Japan In English from YokosoNews, "lifehacker", 13 March 2011, Retrieved 17 March 2011.
- ^ “Japan-U.S. relief efforts expanding”. The Daily Yomiuri (Japan). 20 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong
|work=
và|newspaper=
(trợ giúp) - ^ Brasor, Philip, "Local broadcasters remain calm during the quake crisis", Japan Times, 20 March 2011, p. 9.
- ^ Johnston, Eric, "Foreign media take flak for fanning fears", Japan Times, 21 March 2011, p. 3.
Xem thêm
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và tài liệu về Động đất và sóng thần Tōhoku 2011 |
Liên kết ngoài
- Nhật Bản dọn đống đổ nát khổng lồ sau sóng thần
- Hình ảnh Nhật Bản hồi sinh, một năm sau thảm họa kép, VnExpress, 8/2/2012
- Video
- Toàn cảnh động đất và sóng thần Tōhoku 2011
- Cảnh nhìn từ dưới đất khi sóng thần tràn vào thành phố[liên kết hỏng]
- Cảng khi sóng thần bắt đầu đánh vào
- Sóng thần quay tại cảng biển
- Sau khi sóng thần tràn qua
- Nhà máy hạt nhân Fukushima No.1 bị nổ[liên kết hỏng]
|
|
|
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
No comments:
Post a Comment