CNM365 Chào ngày mới 2 tháng 6 Wikipedia Ngày này năm xưa. Ngày Cộng hòa tại Ý (1946). Năm 260 – Hoàng đế Tào Mao của Ngụy tiến hành binh biến chống Tấn công Tư Mã Chiêu, kết quả chiến bại và bị giết.Năm 1183 – Chiến tranh Genpei: Họ Minamoto giành chiến thắng trước họ Taira trong trận Kurikara. Năm 1896 – Phát minh ra radio của Guglielmo Marconi được cấp bằng sáng chế. Năm 1953 – Elizabeth II tiến hành nghi lễ đăng cơ làm Nữ vương, đây là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên được phát trên truyền hình. Năm 1979 – Giáo hoàng Gioan Phaolô II (hình) bắt đầu chuyến công du đầu tiên của ông đến quê hương Ba Lan, trở thành Giáo hoàng đầu tiên thăm một nước cộng sản.
Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II |
|
---|---|
Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong một buổi thuyết giảng năm 2004 |
|
Tên khai sinh | Karol Józef Wojtyła |
Sinh | 18 tháng 5, 1920 Wadowice, Ba Lan |
Mất | 2 tháng 4, 2005 (84 tuổi) Điện Tông tòa, Thành Vatican |
Thứ tự | |
Tựu nhiệm | 16 tháng 10 năm 1978 |
Bãi nhiệm | 2 tháng 4 năm 2005 |
Tiền nhiệm | Gioan Phaolô I |
Kế nhiệm | Biển Đức XVI |
Huy hiệu | |
Các giáo hoàng khác lấy tông hiệu Gioan Phaolô |
Gioan Phaolô II (hay Gioan Phaolô Đệ Nhị, Latinh: Ioannes Paulus II; tên sinh ; 18 tháng 5 năm 1920 – 2 tháng 4 năm 2005) là vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican kể từ ngày 16 tháng 10 năm 1978. Cho đến khi qua đời, triều đại của ông đã kéo dài hơn 26 năm và trở thành triều đại Giáo hoàng dài thứ hai trong lịch sử hiện đại, sau triều đại dài 32 năm của Giáo hoàng Piô IX. Cho đến hiện tại, ông là vị Giáo hoàng duy nhất người Ba Lan và là Giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý trong gần 500 năm, kể từ Giáo hoàng Ađrianô VI năm 1520.[1] Ông được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.[2] và cả những năm đầu thế kỷ 21.
Trong triều đại của mình, Giáo hoàng Gioan Phaolô II không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo trong Thế giới thứ ba. Ông đã thực hiện rất nhiều chuyến tông du hơn 129 quốc gia,[3] ông có thể nói được hơn 10 ngôn ngữ (ngoài tiếng Ba Lan còn có tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga và một chút tiếng Việt[4][5].
Trong suốt triều đại của mình, ông đã lên tiếng phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình, phản đối chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc tài, chủ nghĩa duy vật, các phương pháp phá thai, thuyết tương đối, chủ nghĩa tư bản và cách thức chết êm dịu. Ông cũng được coi là một trong những nguồn lực dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu[1][2][3][6][7][8][9][10].
Ông là vị Giáo hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ; tổng cộng hơn 100 lần về những hành động sai trái của Giáo hội Công giáo[11][12][13][14] trong đó có sự kiện xưng thú 7 tội của Giáo hội trước đám đông tại quảng trường thánh Phêrô vào ngày 12 tháng 3 năm 2000[15]. Ông cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên đứng ra hòa giải với Chính thống giáo Đông phương[1] và Do Thái giáo,[1][10][16]; Anh giáo.[1][17]; là vị Giáo hoàng đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác như Phật giáo, Khổng giáo, Chính thống giáo Đông phương, Do Thái giáo, Cao Đài và Hồi giáo; là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm một ngôi đền Hồi giáo ở Syria; là vị Giáo hoàng đầu tiên tổ chức ra Ngày Giới trẻ Thế giới hằng năm; và cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm vùng Thánh Địa Jerusalem[18]. Gioan Phaolô II cũng đã lên tiếng thừa nhận vai trò của thuyết Tiến hóa[19], thuyết Nhật tâm[20], nguồn gốc thế giới theo quan điểm khoa học ngày nay[21], phủ nhận sự hiện hữu của một thiên đường vật chất trên các tầng mây và một địa ngục vật chất nơi con người bị thiêu đốt như trong Thánh kinh miêu tả[22]
Gioan Phaolô II đã được Giáo hoàng Biển Đức XVI phong là Đấng đáng kính ngày 19 tháng 12 năm 2009[23] và phong chân phước ngày 1 tháng 5 năm 2011.[24] Ông được Giáo hoàng Phanxicô tuyên thánh vào ngày 27 tháng 4 năm 2014. Vì ông là người sáng lập ra Đại hội Giới trẻ Thế giới nên ông được chọn là một trong những vị quan thầy bảo trợ cho ba kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới liên tiếp là Sydney 2008[25], Madrid 2011 và Rio de Janeiro 2013.
Mục lục
- 1 Tiểu sử
- 2 Nhiệm kỳ giáo hoàng
- 2.1 Cai quản Giáo hội Công giáo
- 2.2 Giáo huấn
- 2.3 Các chuyến tông du
- 2.4 Giới trẻ
- 2.5 Quan hệ với các tôn giáo và giáo phái
- 2.6 Vai trò trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Ba Lan
- 2.7 Mục tiêu của những âm mưu ám sát
- 2.8 Quan điểm về xã hội và chính trị
- 2.9 Thái độ đối với khoa học và nguồn gốc vũ trụ
- 2.10 Xin lỗi
- 3 Sức khỏe
- 4 Qua đời và tang lễ
- 5 Ghi nhận sau khi qua đời
- 6 Một số ý kiến chỉ trích giáo hoàng Gioan Phaolô II
- 6.1 Bê bối tình dục trong hàng ngũ giáo sĩ
- 6.2 Chỉ trích về lập trường ủng hộ Opus Dei
- 6.3 Chỉ trích về việc tiếp cựu thủ tướng Ý Giulio Andreotti
- 6.4 Kế hoạch hóa gia đình, phá thai và binh đẳng giới
- 6.5 Quan điểm bảo thủ về đồng tính luyến ái
- 6.6 Tôn giáo và AIDS
- 6.7 Chuyên quyền độc đoán
- 6.8 Các chương trình xã hội
- 6.9 Bị cáo buộc là người mê tín dị đoan
- 6.10 Chỉ trích từ giới Kitô giáo bảo thủ
- 7 Chú thích
- 8 Liên kết ngoài
Tiểu sử
Thời thơ ấu
Karol Józef Wojtyła sinh vào ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan, cách Kraków 50 cây số. Là con út trong một gia đình có ba người con, cô chị chết từ khi còn nhỏ. Cha ông là Karol Wojtyla một cựu sĩ quan trong quân đội Habsburg và mẹ là Emilia Kaczorowka. Bà là con của một viên chức chính phủ và chính bà là người đã truyền lại lòng đạo đức sâu sắc cho ông[26].Theo lời kể của Giáo hoàng thì chính mẹ ông "là người đã tạo ra món quà tôn giáo kỳ diệu cho gia đình Wojtyla". Ngay từ đầu, bà đã muốn Karol trở thành một tu sĩ. Bà thường nói với những người hàng xóm: "Lolek (một cách gọi Karol) của tôi sẽ trở thành một người vĩ đại"[27]Trong trường tiều học dành cho trẻ em trai ở Wadowice, ông tỏ ra là một học sinh xuất sắc. Trong phiếu báo điểm đầu tiên, cậu được các điểm "rất tốt" về tôn giáo, hành vẽ, vẽ, hát, trò chơi, thể dục và "tốt" trong tất cả các môn còn lại. Ông rất thích thể thao, là thủ môn cho đội tuyển nhà trường. Ông được rước lễ lần đầu lúc 9 tuổi, được lãnh bí tích thêm sức lúc 17 tuổi. Mẹ ông qua đời ngày 13 tháng 4 năm 1929, lúc ông mới 9 tuổi. Giấy chứng tử của bà ghi bà bị sung huyết tim và thận.[28].
Ở tuổi 11, Karol vào học trường trung học dành cho nam sinh của Wadowice. Cũng trong năm đó, ông trở thành một chú bé phụ lễ và có mối quan hệ gần gũi với linh mục Kazimiers Figlewicz. Ngày 5 tháng 12 năm 1932 anh ông là Edmund qua đời khi đang chăm sóc những người bị bệnh dịch. Sau này, trong một giây phút giãi bày tâm sự hiếm hoi, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kể lại với tác giả người Pháp André Frossard: "cái chết của anh tôi có thể đã tác động tới tôi sâu sắc hơn cái chết của mẹ, do những hoàn cảnh riêng biệt, tất nhiên là đau thương và do tôi đã lớn hơn"[29].
Trong thời gian này ông cũng đã đến với sân khấu. Nhiều trong số các vở kịch được diễn trên sân khấu của trường trung học là do Karol Wojtyla đạo diễn. Những vở kịch này thường đề cập tới những chủ đề yêu nước[30]. Karol cũng thích khiêu vũ, ông có thể khiêu vũ thoải mái với các điệu pôlône, maduka, van, tănggô. Vào cuối những năm trung học, ông đã quen biết với Mieczyslaw Kotlarczyk - một nhà trí thức, người đã sáng lập Nhà hát Đại học nghiệp dư ở Wadowice. Ngày 6 tháng 5 năm 1938, tổng Giám mục địa phận Kraków, Adam Sapieha đến Wadowice để chủ tọa buổi lễ xác nhận trước khi tốt nghiệp. Ấn tượng trước cậu học sinh Karol, Giám mục đã hỏi cậu sẽ vào trường dòng chứ? Những Karol đã trả lời rằng: "con sẽ nghiên cứu văn học Ba Lan và triết học"[31].
Sau khi học xong trung học tại Wadowice, Cha ông đưa ông đến Kraków vào tháng 8 năm 1938 khi ông 18 tuổi. Ở đó ông ghi danh vào Đại học Kraków giống như ông anh Edmund. Karol Wojtyła nhanh chóng thích ứng với 1 chương trình rất nặng tại trường đại học bao gồm các môn: từ vựng và ngữ âm Ba Lan, Văn học trung cổ Ba Lan, Kịch Ba Lan thế kỷ XVIII và thi ca đương đại. Ông đã trở thành một sinh viên triết lý và văn chương rất xuất săc, vừa đồng thời theo học thêm ngành kịch nghệ. Wojtyła nhanh chóng kết bạn với một loạt các thi sĩ và kịch gia. Ông thường lui tới ngôi nhà của gia đình Szkoci - một nhà âm nhạc cừ khôi[32].
Ông được huấn luyện quân sự ở Hermanice năm 1935. Vào tháng Bảy 1939, các sinh viên Ba Lan và Ukraine phải vào trung tâm huấn luyện quân sự ở Ozomla, gần Sadowa Wiszna[33]. Vào ngày 1/9/1939 khi Đức tấn công Ba Lan mở màn cho Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hai cha con Wojtyła quyết định rời khỏi Kraków. Hai người cuốc bộ đi về phía đông tới vùng núi Tarmobrzeg, cách Kraków 120 dặm thì nhận được tin Nga chuẩn bị xâm nhập phía đông Ba Lan. Hai cha con quyết định quay trở lại Kraków [34].
Vào mùa Đông năm 1939, Tyranowski đã mời ông tham gia tổ chức Living Rosary - một tổ chức hoạt động tôn giáo rất bí mật. Wojtyła gặp Tyranowski một tuần một lần. Dưới sự chỉ đạo của Tyranowski, ông lao vào những thực hành huyền bí [35]. Wojtyła đã học cách điều chỉnh cuộc sống hàng ngày một cách chính xác cho công việc cũng như cho các hoạt động tôn giáo của mình. Chính cách làm việc này đã ảnh hưởng rất nhiều tới ông sau này. Trong thời gian này, ông cũng viết cùng một lúc ba vở kịch: David, Job và Jeremiah bảy tỏ những suy nghĩ, tính huyền bí của sự hi sinh và sự khát khao về một sự giải phóng dân tộc mới [36].
Bất kỳ ai không có một việc làm thường xuyên được nhà chức trách Đức xác nhận đều có nguy cơ bị đưa sang Đức. Chính vì lý do đó, tháng 10/1940 ông đã làm việc lao động chân tay trong một nhà máy hóa học ở Solvay ở ngoại ô Kraków. Đây là những kinh nghiệm cho những quan điểm và thái độ với phong trào công nhân và nhân dân lao động sau này. Ông chỉ phải lao động nặng trong vài tháng còn sau đó đã chuyển sang lao động nhẹ hơn. Thậm chí có thể kiếm được một chân văn phòng thế nhưng để đảm bảo an toàn và không gây chú ý ông đã từ chối [37].
Ngày 18/2/1941, cha ông Wojtyla sau một trận ốm nặng đã qua đời. Sau khi những nghi thức cuối cùng dành cho người qua đời đã được cử hành, ông đã thức suốt đêm để canh thi hài cho cha và suy nghĩ về tương lai và nghề nghiệp của mình. Ông đã nói với tác giả André Frossard: "ở tuổi 20, tôi đã mất tất cả những người mà tôi yêu quý, và thậm chí cả những người mà có thể tôi đã yêu quý". Đầu năm 1941, theo lời giới thiệu của vị giáo sư tiếng Pháp cũ của ông, các quản đốc ở Solvay trao cho ông công việc kế toán ở mỏ đá và theo dõi số chất nổ được dùng để phá đá.
Lúc nhỏ tuổi ông có tiếp xúc nhiều lần với nhóm người Do Thái tại Kraków. Trong thời Đức quốc xã chiếm Ba Lan trong Chiến tranh thế giới thứ hai, rất nhiều bạn bè Do thái của Karol Józef Wojtyła đã bị giết hay bị trục xuất. Tuy nhiên thái độ của Wojtyla với những hành động này là "cầu nguyện". Ông nói rằng: "Hãy nhớ rằng, chúng ta có bổn phận cầu chúa ban cho họ đủ sức mạnh chịu đựng tất cả những thứ này" [38]. Ông không bao giờ tham gia vào bất kỳ một sự kháng cự nào chống lại Đức quốc xã hay vào những hoạt động nhằm giải cứu người Do Thái.[39].
Trong những lúc rảnh rỗi, ông đã dành thời gian say mê điện ảnh. Cùng với những người bạn trong đó có Mieczyslaw Katlarczyk, ông đã sáng lập nên nhà hát Rhapsodic, tiền thân của đoàn kịch nghệ quốc gia Ba Lan. Nhưng họ phải hoạt động một cách bí mật vì nếu bị lính Đức quốc xã phát hiện họ sẽ có thể bị giết hay trục xuất. Mặc dù vậy trong khoảng thời gian từ 1941 - 1945, nhà hát đã trình diễn được 22 buổi và Wojtyła đã tỏ ra là một diễn viên xuất sắc[40].
Tu sĩ
Năm 1941, sau khi cha ông qua đời, Karol đã dấn sâu hơn vào việc tái hiện sự huyền bí và triết học. Tại nhà Kydrynskis-một người bạn, nơi ông đã dọn đến và ở trong sáu tháng, người ta thường thấy ông nằm xoài ra sàn nhà cầu nguyện, tay dang ngang như hình thánh giá.[41].Vào mùa thu năm 1942, sau một cuộc thảo luận dài với cha giải tội Figlewicz, Wojtyla đến nhà riêng tổng Giám mục Sapieha và trình bày ước nguyện trở thành tu sĩ với vị Giám mục. Trước đó, ông đã tới tu viện khổ hạnh dòng Carmeline ở Czerna với hy vọng được vào đây nhưng tu viện này đã bị quốc xã đóng cửa[42]. Mặc dù những người bạn đã cố gắng thuyết phục ông đừng rời bỏ sự nghiệp sân khấu, nhưng ông vẫn quyết định theo con đường mình đã chọn.
Ông bắt đầu lén lút học những môn của Chủng viện Kraków, do Hồng y Adam Stefan Sapieha, lúc đó là Tổng Giám mục Kraków, điều khiển[43]. Mỗi người được trao cho một vị giáo sư. Các lớp học được tổ chức ở nhà tu, nhà thờ và ở nhà riêng. Những chủng sinh này được yêu cầu không để những người quen biết về việc học tập của họ và bản thân những người này vẫn duy trì một nếp sống bên ngoài như bình thường. Trong thời gian này, ông đã đọc cuốn: Luận về sự hiến dâng hoàn toàn cho Đức mẹ đồng trinh của St Louis Grignion de Montfort, Lý thuyết tự nhiên của Kazimierz Wars. Ngày 6 tháng 8 năm 1944, "Ngày Chủ Nhật đen" hơn 8000 người đàn ông và các cậu bé đã bị quân đội phát xít bắt giam, rất may mắn Wojtyla đã không nằm trong số đó. Sau sự kiện này, ông vào ẩn trú trong dinh tổng Giám mục và không tiếp tục làm việc tại Solvay nữa. Ngày 13 tháng 11, ông chịu lễ xuống tóc - một nghi lễ từ thời trung cổ để biểu tượng hóa sự khuất phục trước Chúa.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Karol Wojtyla trở về phân khoa Thần học của Ðại học Jagiellonia vừa được mở cửa lại. Tại đây, ông đã được bầu làm phó chủ tịch hội sinh viên. Trong thời gian này, ông đã tập trung vào việc hoàn tất các chương trình nghiên cứu của năm 3 và năm 4. Từ tháng 4 năm 1945 cho tới tháng 8 năm 1946, ông cũng làm việc ở cương vị phụ giáo.
Karol Wojtyla cũng đệ đơn xin gia nhập tu viện Czera của dòng Carmelite đã được mở của trở lại. Tuy nhiên, tổng Giám mục Sapieha đã kiên quyết từ chối việc cho phép Wojtyla gia nhập dòng tu. Sau này, ông còn cố thử gia nhập dòng này một lần nữa vào năm 1948 nhưng vẫn bị vị tổng Giám mục từ chối[44].
Linh mục
Karol Wojtyła được thụ phong linh mục vào dịp Lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11 năm 1946 sớm hơn sáu tháng so với các chủng sinh đồng khóa. Ngày hôm sau, tại nhà lớn Wawel, Karol đã cử hành thánh lễ đầu tiên. Sau đó không lâu, hồng y Sapieha gửi linh mục Karol Wojtyla đi du học Roma, tại Ðại học của các linh mục Dòng Ða Minh Angelicum. Dưới sự hướng dẫn của linh mục dòng Ða Minh nổi tiếng là Garrigou - Lagrange, Karol hoàn thành luận án tiến sĩ thần học về đề tài Ðức tin trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh giá vào năm 1948. Trong các kỳ nghỉ hè trong thời gian du học tại Roma, Karol thi hành mục vụ nơi các người Ba Lan di dân sống bên Pháp, Hà Lan và Bỉ[43].Sau khi hoàn tất học trình tiến sĩ trong thời gian du học ở Roma, tháng 7 năm 1948, Karol Wojtyla được hồng y Sapieha bổ nhiệm làm linh mục phụ tá Niegowic, một giáo xứ hẻo lánh thuộc vùng quê Galicia, cách Kraków 30 dặm[45].Mỗi buổi sáng, Wojtyla thức giấc lúc 5 giờ, dâng Thánh Lễ, điểm tâm rồi dùng xe ngựa di chuyển một vòng qua các khu trong giáo xứ, hướng dẫn giáo lý cho thiếu nhi và cử hành Thánh Lễ tại một khu xóm. Sau đó, ông trở về nhà xứ ăn trưa, tiếp khách hoặc đi thăm viếng giáo dân. Những buổi chiều hoặc những cuối tuần rảnh rỗi ông còn tự mình phụ giúp giáo dân địa phương những công việc lao động trong nhà [45].
Cũng trong thời gian làm phó xứ Niegowic, linh mục Wojtyla đã cống hiến nhiều thì giờ cho giới trẻ tại đây. Ông hướng dẫn họ trình diễn trên sân khấu, giúp họ học thêm để bồi bổ kiến thức, tổ chức những buổi cắm trại trong rừng hoặc những chuyến du ngoạn trong các khu lân cận thuộc giáo phận Krakow, thành lập các đội bóng chuyền và túc cầu cho thanh thiếu niên trong vùng[45].
Tháng 3 năm 1949, hồng y Sapieha thuyên chuyển ông về làm việc tại một trường của Ðại học Kraków thuộc giáo xứ Saint Florian. Ông tiếp tục trau dồi triết và thần học tại Ðại học Công giáo Lublin. Tại đây, ông có cơ hội tìm hiểu thêm về giới trẻ, đồng thời khai triển những phương pháp mục vụ trong khi tiếp xúc với đời sống văn hóa cùng các thức giả tại tổng giáo phận Kraków. Cũng tại nơi đây, Linh mục Wojtyla còn có dịp tiếp tục triển khai những kiến thức về văn chương và triết học của mình.
Ông thường đưa những sinh viên đi cắm trại và du ngoại ngoài trời để hòa mình vào thiên nhiên[45]. Chính nhờ những sinh hoạt với giới sinh viên trong thời gian ở Saint Florian, mà sau này khi được cử làm Giám mục Phụ Tá Giáo phận Krakow, linh mục Wojtyla đã hoàn tất những tác phẩm nói lên mối liên hệ phái tính theo tinh thần Kitô giáo mà tiêu biểu là: The Jeweler’s Shop (Tiệm Nữ Trang), Love And Responsibility (Tình Yêu Và Trách Nhiệm).
Năm 1953, ông trình bày một luận án với đề tài "Thẩm định khả thể xây dựng nền luân lý Công giáo trên hệ thống luân lý của Max Scheler" tại Ðại học Lublin. Sau đó, ông trở thành giáo sư thần học luân lý và luân lý xã hội tại Ðại chủng viện Kraków và tại phân khoa thần học của Ðại học Công giáo Lublin[43].
Tháng 10 năm 1954, phân khoa Thần học tại Đại học Jagiellonian, nơi ông đang giảng dạy môn luân lý Kitô giáo, bị đóng cửa. Lúc ấy Linh mục Karol Wojtyla thường cùng một nhóm giáo sư bí mật gặp gỡ để trao đổi quan điểm về mối liên hệ giữa nhà nước và Giáo hội[45].
Giám mục
Vào ngày 4 tháng 7 năm 1958 ông được Giáo hoàng Piô XII bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá giáo phận Kraków. Nửa giờ sau cuộc gặp với Hồng Y Wyszynski và nhận sự đề cử làm Giám mục phụ tá, vị linh mục trẻ tìm tới tu viện của các nữ tu áo xám Ursuline bên bờ sông Vistula. Ông đã cầu nguyện liên tục suốt trong 8 tiếng đồng hồ liên tiếp trước khi rời tu viện Ursuline.[46]Ngày 28 tháng 9 năm 1958, ông được tấn phong Giám mục tại Nhà thờ lớn Wawel ở Kraków, 11 ngày trước khi Giáo hoàng Piô XII qua đời. Một tháng sau, Giáo hoàng Gioan XXIII lên kế vị, mở ra một kỷ nguyên mới cho Giáo hội Công giáo qua quyết định triệu tập Công đồng Vatican II. Vị tân Giám mục 38 tuổi nhận được giấy mời tham dự công đồng[45].
Tại đây, ông đã có sự đóng góp tích cực và hữu hiệu vào chương trình của công đồng với bảy diễn từ đọc trước các nghị phụ tham dự Công đồng và với 13 tuyên ngôn, Giám mục Karol Wojtyla đã gây được một ấn tượng sâu sắc đối với hầu hết các thành phần tham dự Công đồng. Đặc biệt là của Giáo hoàng Gioan XXIII, và nhất là Giáo hoàng Phaolô VI sau đó[45].
Vào ngày 30 tháng 12 năm 1963, Giáo hoàng Phaolô VI đề bạt ông làm Tổng Giám mục Kraków. Trong cương vị tổng Giám mục, ông tham dự Công đồng Vatican II, góp công soạn thảo các tài liệu Tuyên ngôn về tự do tôn giáo (Dignitatis Humanae) và Hiến chế Mục Vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng), hai văn bản có tính cách lịch sử và quan trọng nhất của Công đồng này.
Tháng 5 năm 1964, Wojtyla đã đệ trình đoàn chủ tịch công đồng 1 văn bản được soạn thảo nhân danh các Giám mục Ba Lan tuyên bố rằng: mối quan hệ của Giáo hội với thế giới hiện đại phải được dựa trên khái niệm coi Giáo hội là một xã hội hoàn thiện do Chúa sáng lập và ở bên trên lịch sử. Ngày 30 tháng 11 năm 1964, ông đã có cuộc nói chuyện riêng đầu tiên với Giáo hoàng Phaolô VI, người đã theo dõi chặt chẽ các phát biểu của người Giám mục mới này.
Trong thời gian này, nhà cầm quyền Ba Lan đã cho rằng Wojtyla là một người dễ có những thỏa hiệp với nhà nước hơn là Hồng y Wyszynski. Chính quyền đã gợi ý để Wyszynski lựa chọn Wojtyla vào ghế tổng Giám mục chứ không phải là một người khác. Niềm tin về Wojtyla của họ có thể thấy trong một báo cáo mật năm 1967 của cảnh sát Ba Lan: "Có thể yên tâm nói rằng ông ta (Wojtyla) là một trong số ít những trí thức trong đoàn Giám mục Ba Lan. Không giống như Wyszynski, ông ta đã khéo léo dung hòa lòng mộ đạo truyền thống của dân chúng với Công giáo trí thức, mà cả hai đều được ông ta đánh giá cao...Cho đến nay, ông ta chưa tham gia vào các hoạt động chính trị chống nhà nước một cách công khai. Có vẻ như là các vấn đề chính trị không phù hợp với ông ta; ông ta bị trí thức hóa quá mức". [47]
Hồng y
Trong năm 1967 Giáo hoàng Phaolô VI phong ông làm hồng y. Ông cũng đồng thời được bổ nhiệm vào bốn thánh bộ của Vatican: bộ giáo sĩ, thánh bộ Giáo dục công giáo, thánh bộ nghi lễ, bộ các giáo hội Đông Phương và làm cố vấn cho hội đồng về thế tục.Vào mùa Giáng sinh năm 1970, khi tình hình Ba Lan căng thẳng, giá thực phẩm leo thang, trong bài thuyết giảng nhân lễ Giáng sinh tại Kraków năm ấy, ông nói: "Khi người dân bị thương tích và khổ đau, Giáo hội phải lên tiếng bênh đỡ không vì bất cứ khuynh hướng chính trị nào mà chỉ vì tình yêu và tình liên đới của người con Thiên Chúa"[45].
Thời gian này ông cũng làm việc với nhóm tín hữu trí thức dấn thân có tên là Odrodzenie (Tái Sinh), tổ chức Công Giáo đấu tranh duy nhất đặt dưới sự bảo trợ của Hồng y Wyszynski. Ông cũng có những cuộc gặp gỡ giới trí thức để cùng nhau trao đổi quan điểm. Tại tư dinh, ông không chỉ gặp gỡ các chủ biên của tờ Tygodnik Powszechny mà còn tiếp xúc với các sử gia, các nhà toán học, các khoa học gia, triết gia, các văn gia, nhạc sĩ, kể cả các nghệ sĩ trình diễn. Ông bàn hỏi họ về những vấn đề của Ba Lan, của nhân loại và cả những vấn đề thuộc thế giới bên kia –thế giới siêu hình"[45].
Vào năm 1972, Hồng y Karol Wojyla cũng bắt đầu một mối quan hệ với Anna-Teresa Tymieniecka, một phụ nữ Ba Lan đang làm việc tại Đại học Havard [48]. Bà đã giúp ông trở nên nổi bật, giới thiệu ông với cộng đồng triết học Châu Âu, với các học giả Mỹ. Bà đã giúp vạch kế hoạch cho chuyến thăm kéo dài đầu tiên của ông tới Mỹ, và thu xếp để ông có bài giảng đầu tiên tại Đại học Harvard [49]. Sau khi lên làm giáo hoàng, ông đã có một rắc rối với Tymieniecka về vấn đề bản quyền với cuốn Osoba i Czyn. Bà đã đánh giá sự im lặng của Giáo hoàng trước công luận trong cuộc tranh chấp này là một "sự phản bội" cá nhân, mặc dù bà và Giáo hoàng sau đó đã hòa giải[50].
Trong khoảng thời gian từ 1973 đến 1975, Tổng Giám mục Wojtyla đã vào phòng đọc của Giáo hoàng để nói chuyện riêng 11 lần. Vào năm 1976, Phaolô VI đã mời Wojtyla cử hành Lễ Chay (lễ Lent) tại Vatican cho các thành viên của Tòa thánh và gia đình Giáo hoàng. Cũng trong năm này, tờ "Thời báo New York" đã đặt ông vào danh sách 10 người được nhắc tới nhiều nhất như là các ứng cử viên để kế tục Phaolô VI[51].
Vào tháng 8 năm 1978, sau khi Giáo hoàng Phaolô VI mất, ông đã tham gia Hồng y đoàn chọn Albino Luciani, Hồng y Tổng Giám mục của Venezia làm Giáo hoàng Gioan Phaolô I. Khi được chọn làm giáo hoàng, Luciani chỉ 65 tuổi, trẻ so với nhiều giáo hoàng khác. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1978, chỉ 33 ngày sau khi nhậm chức, Giáo hoàng Gioan Phaolô I qua đời. Vào tháng 10 năm 1978 Hồng y Wojtyła trở về lại Tòa Thánh để bầu giáo hoàng mới.
Trở thành Giáo hoàng
Lúc 16:30 ngày thứ bảy 14 tháng 10 năm 1978, sau khi cử hành Lễ kính Chúa Thánh Thần tại Ðền thờ Thánh Phêrô vào ban sáng, 111 vị Hồng Y từ khắp thế giới bước vào Mật Viện, để bầu Giáo Hoàng mới. Hôm sau các Hồng Y bắt đầu bỏ phiếu: ban sáng hai lần, ban chiều hai lần. Bốn lần bỏ phiếu ngày 15 tháng 10/1978, không có kết quả nào cụ thể. Các Hồng Y người Ý chiếm đa số, nhưng các ông không đồng ý với nhau về một "ứng cử viên duy nhất", lúc đó là Hồng y Giuseppe Siri, Tổng Giám mục Genova, người đã được báo chí nói đến từ lâu và được coi như "ứng cử viên" chắc chắn hơn cả. Vị khác là Hồng y Giovanni Benelli, Tổng Giám mục Firenze, đã nhiều năm phục vụ tại Phủ quốc Vụ Khanh, có nhiều kinh nghiệm trong Ngành Ngoại giao và công việc của Giáo Triều Roma[52].Sáng thứ hai 16 tháng 10/1978, với hai lần bỏ phiếu, các Hồng y vẫn chưa chọn được Vị Giáo Hoàng mới. Tên của Tông Giám mục Cracovia đã nhận được nhiều phiếu hơn cả vào lúc 17:30, trong cuộc bỏ phiếu lần thứ sáu, vào chiều ngày 16 tháng 10 năm 1978. Sau khi kiểm xong các lá phiếu, Vị Hồng Y nhiếp chính (trong thời kỳ trống ngôi) lại gần Vị được chọn, chào kính, đặt câu hỏi theo lễ nghi: "Ngài có chấp nhận việc lựa chọn Ngài hay không?". Trong cầu nguyện và yên lặng suy tư, Karol Wojtyla chưa trả lời ngay. Mọi người chờ đợi và thấy ông cảm động, nước mắt chảy trên gò má. Sau cùng, với giọng rõ ràng và nghiêm nghị, ông trả lời: "Vì Chúa Kitô của tôi, vì Ðức Trinh Nữ, Mẹ của tôi, vì tôn trọng Tông Hiến của Ðức Phaolô VI mời gọi, tôi xin chấp nhận."
6 giờ 18 phút, hồng y phó tế Tisserant tuyên bố: "Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hồng y đoàn đã tín nhiệm Hồng y Karol Wojtyla, Tổng Giám mục Kraków, Ba Lan, vào ngôi vị giáo hoàng của thế giới Công giáo". Ông đã được bầu để kế vị Gioan Phaolô I, trở thành Giáo hoàng từ ngoài nước Ý đầu tiên trong gần 500 năm và là vị giáo hoàng gốc người Slav đầu tiên trong lịch sử Công giáo.
Vị tân giáo hoàng giơ tay chào dân chúng. Trước khi ban phép lành Urbi et Orbi, ông mở đầu: "Sia lodato Gesù Cristo" Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô: lời chào người dân công giáo Ý rất ưa chuộng. Ông nói tiếp:
“ |
Chúng ta còn đang đau buồn về cái chết của Ðức Thánh Cha Gioan
Phaolô đệ nhất (dân chúng vỗ tay). Và lúc này đây các Vị Hồng Y đáng
kính đã chọn một Vị Giám mục mới của Roma. Các ngài đã chọn một vị đến
từ một xứ sở xa xôi, xa xôi, nhưng luôn luôn gần gũi bởi sự hiệp thông
đức tin và trong truyền thống Kitô. Tôi run sợ trong khi lãnh nhận việc
lựa chọn này, nhưng tôi đã chấp nhận trong tinh thần phục tùng Chúa
chúng ta Ðức Giêsu Kitô và trong tinh thần phú thác hoàn toàn cho Mẹ
Người, Ðức Trinh Nữ Maria. Tôi không biết tôi có thể biểu lộ rõ ràng bằng tiếng nói của anh chị em không... bằng tiếng Ý của chúng ta không" (lại một tràng pháo tay dài nữa của dân chúng). Mối thiện cảm giữa Vị Giáo Hoàng mới và dân chúng gia tăng thêm mãi. "Nếu tôi nói sai, anh chị em sửa lại cho tôi. Và giờ đây hiện diện trước mọi người để tuyên xưng đức tin chung của chúng ta, đức cậy và lòng tín nhiệm của chúng ta nơi Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo hội và cũng để bắt đầu lại trên con đường của lịch sử và của Giáo hội với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và của Giáo hội. |
” |
—Giáo hoàng Gioan Phao-lô II
|
Sáng ngày 17 tháng 10, ông đã trình bày chiến lược của ông: trung thành với công đồng và các hội đoàn. Gioan Phaolô II đã kiên quyết khẳng định việc phải tuân thủ lời răn dạy của giáo hoàng, tôn trọng các luật lệ về nghi lễ cũng như về kỷ luật. Sau cùng, ông nhấn mạnh đến nhu cầu tiến hành cuộc đối thoại trên phạm vi toàn thế giời và cam kết của Giáo hội với hòa bình và công lý trên thế giới[53].
Nhiệm kỳ giáo hoàng
“ | Ông ta là người mà có thể được gọi là nhà cách mạng bảo thủ. Trong một số lĩnh vực, tỉ như sự sẵn sàng trong việc đối thoại với các tôn giáo khác, ông ta có một tư tưởng tiến bộ. Trong các lĩnh vực khác, ông ta lại tỏ ra là một giáo hoàng thủ cựu và cực kì phản động. Ông ta duy trì mọi luồng ý kiến trái ngược nhau trong Giáo hội và kết quả là người kế vị của ông ta sẽ gặp phải sự khủng hoảng trong việc điều hành. | ” |
—Giovanni Ferro, [54]
|
Cai quản Giáo hội Công giáo
Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chủ sự 51 nghi lễ tuyên thánh cho 482 người và 147 nghi lễ phong chân phước cho tất cả 1338 người. Nhiều người hơn tất cả những giáo hoàng trước. Việc ông có tuyên thánh cho nhiều người hơn số người được những giáo hoàng trước tuyên thánh cộng lại khó xác minh được vì hồ sơ việc tuyên thánh lúc ban đầu còn thiếu sót[55]. Trong số những người được tuyên thánh có Anuarite Negapeta, một nữ tu người Phi bị một tên lính Simba ở Daia sát hại trong lúc bảo vệ sự trinh tiết của mình; Peter Toror, một nhà truyền giáo ở Papua Niughinê đã bị sát hại trong một trại tù binh chiến tranh của Nhật bản trong thế chiến thứ hai; Người được tấn phong gây nhiều tranh cãi nhất là Josemaria Escriva de Balague, người sáng lập tổ chức Thiên chúa giáo thần bí Opus Dei. Giáo hoàng Gioan Phaolô cũng được cho là người đã có những mối quan hệ với tổ chức này.[56]. Đặc biệt trong số những người được tuyên thánh có 117 vị thánh tử đạo Việt Nam được ông tuyên phong tại thành Rôma ngày 19 tháng 6 năm 1988[57].Năm 1984, ông đã thành lập Học viện Sahel để đặc trách việc trợ giúp phát triển cho các quốc gia vùng sa mạc Sahara. Tháng 2 năm 1992, Gioan Phaolô đã thành lập Quỹ phát triển Populorum Progressio để trợ giúp cho các nhóm thổ dân Mỹ Latinh. Ông cũng đã thành lập Hàn lâm viện Giáo hoàng về sự sống và các khoa học xã hội, lập Ngày Quốc tế Bệnh nhân, Ngày Quốc tế Ðời tận hiến và Ngày Giới trẻ Thế giới[58].
Trong suốt thời gian làm giáo hoàng, ông đã gặp 17,6 triệu khách hành hương trong 1160 lần tại Quảng trường Thánh Phêrô vào mỗi ngày Thứ tư. Khoảng 8 triệu khách hành hương trong Năm Thánh 2000. Ông đã 737 lần tiếp các nhà lãnh đạo quốc gia và 245 lần các thủ tướng quốc gia.
Ông đã được cả hai chính phủ Chilê và Áchentina nhờ can thiệp về vấn đề kênh Beagle "với mục đích hướng dẫn và giúp họ trong việc giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp". Đây là một vấn đề quan trọng đối với Vatican và lần thứ hai sau một thế kỷ, Giáo hoàng lại một lần nữa được yêu cầu đóng một vai trò trong các cuộc thương lượng quốc tế.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Gioan Phaolô II đã tổ chức 9 mật nghị để phong tước cho 232 hồng y, trong đó có một vị "còn giữ kín"; đã bổ nhiệm trên 3,5 ngàn trong số gần 4,2 ngàn Giám mục trên thế giới. Ông đã gặp từng người trong các Giám mục một số lần qua nhiều năm, nhất là khi họ viếng thăm Tòa thánh 5 năm một lần[59].
Ông đã chủ sự 15 thượng hội Giám mục: 6 thường lệ (1980 về gia đình, 1983 về thống hối và hòa giải, 1987 về giáo dân, 1990 về linh mục, 1994 về tu sĩ, 2001 về Giám mục), 1 ngoại lệ (1985 Công đồng Vatican II 20 năm sau) và 8 đặc biệt (1980 cho Hà Lan, 1991 cho Châu Âu lần nhất, 1994 cho Châu Phi, 1995 cho Liban, 1997 cho Châu Mỹ, 1998 [2] cho Châu Á và Châu Đại Dương, 1999 cho Châu Âu lần hai)[59].
Vào ngày 14 tháng 3 năm 2004, ông trở thành vị Giáo hoàng thứ ba trong số những vụ Giáo hoàng có thời gian ở ngôi lâu dài nhất, sau Thánh Phêrô (từ 34 đến 37 năm) và Piô IX (31 năm, 7 tháng, 23 ngày).
Với vai trò Giáo hoàng, ông đã viết 14 thông điệp, 14 tông huấn, 11 tông hiến, 42 tông thư và 22 tự sắc chưa kể đến hằng trăm sứ điệp và thư tín khác nữa. Để sửa soạn cho Năm Thánh 2000, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết tông thư "Tiến đến Thiên niên kỷ thứ Ba" (Tertio Millennio Adveniente) đề ngày 10 tháng 11 năm 1994.
Giáo huấn
“ | Tương lai bắt đầu từ hôm nay, chứ chẳng phải ngày mai. | ” |
—Gáo hoàng Gioan Phaolô II[60]
|
Các chuyến tông du
Trong suốt triều đại của mình ông đã thực hiện 104 cuộc viếng thăm ngoài nước Ý, chuyến đi cuối cùng là Lộ Đức vào tháng 8 năm 2004.Ông cũng thực hiện 143 cuộc viếng thăm trong nước Ý. Với tư cách là Giám mục Rôma, ông đã đi thăm mục vụ 301 trong tổng số 334 giáo xứ trong Giáo phận Rôma.
Với 247 chuyến viếng thăm mục vụ trong và ngoài nước Ý, Gioan Phaolô II đã đi 1.167.295 km (hay 700.380 dặm), trên 28 lần chu vi của Trái Đất (hay 3 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng), nhiều hơn tất cả những Giáo hoàng trước cộng lại. Những chuyến đi này là dấu hiệu của nỗ lực bắc cầu nối lại những quốc gia và tôn giáo trong nhiệm kỳ của ông[61].
Ngay từ đầu, những chuyến đi của Giáo hoàng đã là một bài thuyết giáo không ngừng về tiếng tăm của con người và sức mạnh của lòng trung thành. Tại Triều Tiên, ông đã nói đến sự nghiệp giải phóng con người trước những người công nhân phải lao động cực nhọc. Ông đã đích thân phát biểu trước những người theo Thiên Chúa và những người không theo Thiên Chúa. Ông đã đến thăm nhiều nơi trên thế giới, dù ở thế giới thứ nhất hay thế giới thứ ba, ông đều hướng tới những con người, những thân phận nghèo khổ.
Tại Nigiêria, ông tuyên bố rằng: "việc khai thác bất chấp đạo lý đối với người nghèo và kém hiểu biết là một tội ác chống lại Chúa"; tại Côlômbia ông cảnh cáo: "những người sống dư thừa và xa hoa vô độ thể hiện sự mù quáng về tinh thần". Người nghèo sẽ phán xử các quốc gia đã lấy mất của cải của họ, khẳng định sự độc quyền đế quốc chủ nghĩa đối với hàng hóa của họ và quyền tối cao về mặt chính trị bằng sự trả giá của người khác". Tại Bồ Đào Nha, ông chỉ rõ: "Công lý đòi hỏi những người nông dân có thể canh tác trên mảnh đất của chính họ". Tại Tây Ban Nha, ông yêu cầu nhà nước phải bảo vệ những người lao động: "Chúng ta không thể bỏ mặc người lao động và số phận của họ được". Ông cũng bảo vệ việc thành lập những tổ chức công đoàn ở Braxin và tại Nam Phi, ông kết tội chủ nghĩa Apácthai[62].
Gioan Phaolô II đã biến những chuyến chuyến tông du trở thành một cuộc hành trình truyền giáo mang tính chất sứ đồ. Ông sẵn sàng đón nhận mọi phong tục và nghi thức văn hóa ở những vùng miền khác nhau. Ông không chỉ nói bằng hàng chục thứ tiếng mà còn đội bất cứ một trong số các mũ lạ thường nào mà nhân dân địa phương tặng: Mũ nồi dành cho sinh viên, mũ phớt rộng vành của những người Mêhicô, mũ làm bằng lông của những người da đỏ, mũ đen. Tại châu Phi, ông mặc bộ quần áo bằng da dê và đứng trong lúc nắm chặt cái giáo của vị trưởng bộ lạc. Tại miền tây nước Mỹ, ông xuất hiện từ một túp lều vải trong bộ quần áo lễ có tua; tại Phoenix một nhóm thổ dân Mỹ đặt ông lên bục diễn thuyết tròn rồi đi vòng quanh ông[63]...
Bất cứ ở nơi nào ông đến, ông đều tới viếng thăm những nơi tôn kính đức Maria. Nơi Đức Mẹ hiện hình ở Braxin, Ngôi nhà Đức Mẹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, thánh địa Fatima ở Bồ Đào Nha...ông hiến dâng tất cả các lục địa cho trái tim Đức Mẹ "xin Người hãy thấu hiểu tất cả nỗi khổ đau và niềm hy vọng của tất cả chúng con"[64].
Tuy nhiên chuyến thăm Đức vào năm 1996 đã trở thành thảm họa. Ngày 24 tháng 6 năm 1996, khi xe của Giáo hoàng đi về phía cổng Bradenburg tại Berlin, hàng trăm người vô chính phủ và những người hoạt động xã hội ủng hộ người đồng tính thuộc một "Liên minh chống Giáo hoàng" đã xông về phía Gioan Phaolô II, gào to lên "Hãy xuống địa ngục đi !", "Thiêu sống Giáo hoàng !" "Bao cao su thay thế cho Tòa thánh !" ("Kondome statt Dome!") và ném sơn, cà chua, trứng thối vào chiếc xe của Giáo hoàng. Hai bịch sơn đã văng trúng chiếc xe chở Gioan Phaolô II.[65][66][67][68][69][70] Danh sách các bài báo nói về vụ Giáo hoàng bị biểu tình ở Berlin năm 1996
Giới trẻ
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Gioan Phaolô II đã dành một sự quan tâm đặc biệt tới giới trẻ như là một sự tiếp nối những công việc ông đã làm kể từ khi còn là linh mục và Giám mục. Ngoài những cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các học sinh, sinh viên nam nữ trong giáo xứ, nơi học đường, trong các cuộc bơi thuyền, leo núi, chơi thể thao, cắm trại với mục tiêu tìm hiểu hầu đáp ứng những khao khát kiếm tìm của giới trẻ về mọi vấn đề liên quan tới đời sống – kể cả vấn đề yêu đương, tính dục-,ông còn đưa ý niệm này vào lãnh vực văn chương, kịch nghệ qua những tác phẩm do ông thực hiện lúc bấy giờ.[71]Trong tác phẩm “Crossing The Threshold Of Hope” (Bước Qua Ngưỡng Cửa hy Vọng), của mình, Gioan Phaolô II đã viết:
Giống như người thanh niên trong Phúc Âm, để trả lời cho những vấn nạn nền tảng, điều người trẻ tìm kiếm không chỉ là ý nghĩa đời sống, mà còn là phương thế cụ thể và hiệu nghiệm để sống đời sống ấy. (...). Người trẻ muốn là chính họ......Họ phải yêu mến chính tuổi trẻ của họ. Và điều này, mỗi một người linh mục cần phải biết và hiểu rõ.(…).Năm 1985, ông công bố lập ngày giới trẻ thế giới (JMJ) 2 năm 1 lần. Đầu tiên là Rôma (1985), Buenos Aires (Argentine 1987), Santiago de Compostella (Tây ban Nha 1989)…và nhiều nơi sau đó trên thế giới, để những người trẻ có thể gặp gỡ nhau, cùng ông tôn vinh Thiên Chúa, cùng nói lên niềm hi vọng của nhân loại, rồi sẽ trở về nhà như "những chứng nhân không chút sợ hãi của Tin Mừng ".[72]
Ông đã truyền cho họ sự dũng cảm, lòng nhiệt thành khi phải đối đầu với nền văn hóa sự chết như chiến tranh, bạo lực, nạn phá thai,… để duy trì sự sống cho con người.
“ |
Hỡi những người trẻ. Chúa Kitô cần tới các con để thắp sáng địa cầu, để chỉ cho nhân loại ‘nẻo đường đi tìm sự sống (Ps. 16:11. Thách thức mới là các con cần phải thể hiện sự có mặt của Giáo Hội Chúa bằng chính cuộc đới và lối sống cụ thể của các con. Các con hãy sắp sẵn trí khôn, tài năng, lòng nhiệt thành và tình thương của các con để đối diện với đời sống và phục vụ đời sống. Các con đừng sợ xuống đường để đi tới những nơi công cộng như các thánh Tông Đồ xưa. Giờ không còn là thời điểm để các con xấu hổ vì Phúc Âm (cf. Rom. 1:16) Giờ là thời điểm để các con rao giảng từ trên mái nhà (cf. Mt. 10:27). Các con đừng sợ phá vỡ nếp sống tiện nghi và thói quen để chấp nhận thách đố: làm thế nào để khuôn mặt Chúa Giêsu được thế gian biết đến?…. |
” |
—Diễn từ tại Denver, Colorado, nơi tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1993
|
Quan hệ với các tôn giáo và giáo phái
Ông cũng góp sức cho sự thông hiểu giữa các tôn giáo, gặp gỡ và tổ chức những buổi hội thảo và cầu nguyện với nhiều cấp lãnh đạo các tôn giáo khác. Năm 2002, trong bối cảnh Hoa Kỳ chuẩn bị tấn công Iraq, ông đã mời gọi các nhà lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới gặp nhau tại Assisi (Quê hương của thánh Phanxicô) để cầu nguyện cho hòa bình. Tham dự có tổng Giám mục Piritim - đại diện Giáo hội Chính Thống giáo Nga, Thượng phụ Giáo chủ Bartholomew I của Giáo hội Chính Thống giáo Constantinopole, Giám mục Vasilios - Chính Thống giáo Cypriot, đạo Sikh (Ấn Độ), Thần đạo (Nhật Bản), giáo phái Hồn vật (Phi châu) và nhiều đại diện tôn giáo khác[73].Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công khai xin lỗi thế giới và các tôn giáo khác về những lỗi lầm của Giáo hội Công giáo Rôma trong quá khứ, tổng cộng 94 lần.
Anh giáo
Năm 1995, với thông điệp về Hiệp Nhất (Ut Sint Unum), Giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi hãy thực hiện một cuộc đối thoại và suy tư về "thừa tác vụ hiệp nhất của vị Giám mục Roma", trong các giáo hội Kitô khác nhau trên thế giới.Năm 1981, Một "Phúc Trình chung" đã được công bố, đúc kết lập trường của hai giáo hội Anh giáo và Công giáo về quyền bính. Năm 1982, Gioan Phaolô II qua Canterbury (Anh quốc) thăm vị giáo chủ Anh giáo[74].
Thứ Tư 12/05/99, Ủy Ban Quốc Tế Hổn Hợp Anh Giáo và Công Giáo, đã công bố chung một Văn Kiện nói về "Quyền Bính của Ðức Giáo Hoàng" trong giáo hội. Văn Kiện định nghĩa "quyền đứng đầu" của vị Giám mục Roma như là "quyền để phân định sự thật" và quyền nầy cần được thi hành một cách "tập đoàn" trong khung cảnh của "hội đồng tính" của các Giám mục. Việc công bố Văn Kiện Chung Anh Giáo và Công Giáo nói về quyền bính, là một bước tiến thêm nữa trên con đường đại kết.[75]
Tháng 7/2002, Nhân việc bổ nhiệm tân Tổng Giám mục Canterbury - Rowan Williamatican, Gioan Phaolô II đã chúc mừng tân Tổng Giám mục Canterbury và nói thêm như sau: "Tôi đã có dịp biết và làm việc gần gũi với các vị tiền nhiệm của ngài, Ðức tổng Giám mục Runcie và Ðức tổng Giám mục Carey, trong công tác chung là thăng tiến sự thông cảm giữa cộng đoàn Anh Giáo và giáo hội Công giáo. Tôi tin rằng với ơn phù trợ của Thiên Chúa, chúng ta có thể đạt được tiến bộ trên con đường tiến tới hiệp nhất"[76].
Tin lành
Vào năm 1983, Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên lên tiếng giảng trong một nhà thờ Tin lành.[77]. Ngày 31 tháng 10 năm 1999, giữa tiếng reo vui của dân chúng và sự cảm động của giới hữu trách, Tuyên ngôn chung liên quan tới giáo lý về Công Chính Hóa đã được hai Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành Luther ký kết tại thành phố Augsburg [78].Do Thái giáo
Ngay từ khi mới đăng quang, ngày 12/03/1979 ở Mayence, Gioan-Phaolô II đã tuyên bố:” hai cộng đoàn tôn giáo (Công giáo - Do Thái giáo) chúng ta được liên kết ở ngay mức độ lý lịch của chính chúng “.Ngày 13. 04. 1986, ông trở thành vị giáo hoàng đầu tiên bước vào đại hội đường Do Thái tại Roma,, ông tuyên bố:
“ |
Đạo Do Thái không ‘ngoại lai’ với chúng tôi, nhưng trong một ý
nghĩa nào đó nó ‘nằm bên trong đạo chúng tôi. Đối với đạo Do Thái, do
vậy, chúng tôi có những tương quan mà chúng tôi không có với bất cứ tôn
giáo nào khác. Các bạn là những người anh em rất yêu chuộng của chúng
tôi và, trong một ý nghĩa nào đó, người ta có thể nói là những anh cả
của chúng tôi. |
” |
—Giáo hoàng Gioan Phao-lô II[79]
|
Năm 2000, trong dịp viếng thăm Giêrusalem, ông đã để lại lời cầu nguyện vắn tắt trong Bức Tường Than khóc - nơi các người Do thái vẫn đến cầu nguyện với nội dung như sau[81][82]:
“ |
Lạy Thiên Chúa của các Cha Ông chúng con, Chúa đã chọn Abraham và
Dòng dõi của ngài, để thánh danh Chúa được rao giảng cho các dân tộc.
Chúng con đau buồn sâu xa về thái độ của biết bao người trong dòng lịch
sử đã làm cho con cái Chúa đau khổ, và trong lúc xin Chúa tha thứ về
thái độ này, chúng con muốn cam đoan sống trong tình huynh đệ đích thực
với Dân của Lời Giao Ước. Vì Chúa Kitô Chúa chúng con. |
” |
—Giêrusalem 26 tháng 3 năm 2000, Gioan Phaolô II.
|
Chính Thống giáo Đông phương
Ngày 30 tháng 11 năm 2000, Nhân ngày lễ kính thánh Anrê tông đồ tử đạo 30.112000, trong một lá thư viết cho Thượng Phụ Giáo Chủ thành Constantinopolis ở Thổ Nhĩ Kỳ, về việc tiếp tục cuộc đối thoại Liên Tôn, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tặng nhà thờ St. Theodore ở trên ngọn đồi Palatine thuộc thành Rôma cho Chính Thống giáo Đông phương[83].Trong thư, Giáo hoàng nói về nguồn cội chung của Công giáo và Chính Thống giáo nên ông nói đó là lẽ khẩn thiết bắt buộc Công giáo và Chính Thống giáo "tái thành lập lại sự hợp nhất toàn vẹn trong đức tin và trong đời sống sớm hết sức có thể, bởi vì sự chia rẽ giữa các Kitô giáo đi ngược lại tinh thần của Phúc Âm và việc chứng nhân giữa thế giới (....)vì một trái tim tinh tuyền và trong sáng, và vì vâng lệnh ý muốn của cùng một Thiên Chúa, chúng ta phải tiếp tục cuộc tìm kiếm sự hiệp thông toàn vẹn trong chân thành, huynh đệ và yêu thương".
Ông cũng đã cử một phái đoàn sang Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu bởi hồng y Edward Idris Cassidy, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng cổ võ Hợp Nhất Kitô hữu tham dự thánh lễ kính thánh Anrê - quan thầy của giáo hội phương Đông. Việc thăm viếng nhau nhân ngày lễ này đã trở thành truyền thống và được thực hiện liên tiếp từ năm sáu năm nay. Ngược lại mỗi năm vào ngày 29.6 nhân lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, quan thày của Giáo Hội Công Giáo Roma thì Thượng Phụ giáo chủ Bartholomew I, cũng gửi phái đoàn sang Roma kính thăm Giáo hoàng.
Ngày 22 tháng 8 năm 2004, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thông báo việc ông trao trả Bức ảnh Ðức Mẹ Kazan cho Giáo chủ Alexis II của Giáo hội Chính Thống giáo Matxcơva, và qua Alexis cho toàn thể dân tộc Nga. Bức Ảnh Ðức Mẹ Kazan, đã được họa trên gỗ vào thế kỷ thứ 13. Bức Ảnh Ðức Mẹ Kazan đã được lưu giữ tại Fatima, sau đó được đưa về Vatican vào năm 1991 và được giữ nơi nhà nguyện riêng của giáo hoàng[84].
Trong sứ điệp gửi cho Giáo chủ Alexis II nhân dịp này, ông viết:
Vị Giám mục Roma đã cầu nguyện trước Bức Ảnh Thánh nầy vừa khẩn cầu sao cho mau đến ngày mà tất cả chúng ta sẽ hiệp nhất với nhau, và là ngày mà chúng ta có thể công bố cho thế giới, trong cùng một tiếng nói và trong sự hiệp thông hữu hình, (công bố cho thế giới) biết ơn cứu rỗi của Chúa Duy Nhất của chúng ta và sự chiến thắng của Chúa trên tất cả mọi quyền lực xấu xa và vô đạo đang gây hại cho đức tin cũngnhư gây hại cho chứng tá hiệp nhất của chúng ta.[85]
Phật giáo
Trong thời gian đương nhiệm, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gặp gỡ người lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng là Đại Lai Lạt Ma nhiều lần[86]. Đại Lai Lạt Ma đã đánh giá về Giáo hoàng Gioan Phaolô II:“ |
Quả thật Ngài có một ý chí và một quyết tâm giúp đỡ nhân loại về mặt tâm linh. Đó là điều tuyệt với, là điều thiện hảo. |
” |
—Đại Lai Lạt Ma[87]
|
Tuy nhiên, một số phát biểu về Phật giáo của Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gây ra nhiều tranh cãi và chỉ trích. Ví dụ, trong tác phẩm Bước qua ngưỡng cửa hi vọng, Giáo hoàng đã chỉ trịch đạo Phật là "thờ ơ với cuộc sống", "tiêu cực", "vô thần". Nhận định này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ cộng đồng Phật giáo. Tanaka Ken, giáo sư tại Học viện Phật học đã cho rằng Giáo hoàng "chưa chịu làm bài tập", còn Lạt Ma Ole Nydahl thì nhận xét Giáo hoàng "sẽ không thể tận hưởng cuộc sống ở kiếp sau". Linh mục Thomas Hand, một chức sắc Công giáo nghiên cứu thiền tại Medical Retreat Center cho rằng ý kiến của Gioan Phaolô II về sự "vô thần" và "tiêu cực" trong đạo Phật là hoàn toàn sai lầm và Giáo hoàng không thể nhận xét bừa bãi về một tôn giáo thâm thúy như đạo Phật mà không hiểu gì về nó. Một số nhân sĩ Phật giáo bình luận rằng, nguyên nhân của phát biểu trên bắt nguồn từ những lo ngại của Gioan Phaolô II về các nỗ lực truyền bá ảnh hưởng của đạo Phật ra ngoài châu Á.[88] Trong một buổi họp mặt, các nhà sư tại Tích Lan đã quyết định yêu cầu Giáo hoàng phải xin lỗi[89]. Trước các phản ứng này, Gioan Phaolô II đã thanh minh rằng ông luôn bày tỏ sự kính trọng sâu sắc đến các tín đồ Phật giáo và không có ý xúc phạm Phật giáo.
Hồi giáo
Sau khi được bầu làm giáo hoàng, Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho biết rằng qua Hồng y Pignedoli, cộng tác viên thân cận của cố Giáo hoàng Phaolô VI và đức ông Rossano, người sáng lập Phong Trào Giải Phóng và Hoà Giải, ông đã thực sự đi vào con đường đối thoại với hồi giáo. Ngay từ những năm 1979, 1980 Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có những cuộc đối thoại với giáo chủ Hồi giáo Ayatollah Khomeini.Vào năm 1985 ông đã phát động cái họi là "cuộc tấn công đối thoại" nhằm vào các tín đồ Hồi Giáo. Ông đánh giá cao một vài mặt của đạo Hồi: Thuyết độc thần, quy phục một vị Chúa nhân từ và những quy định về việc ăn chay và sám hối. Nhưng ông cũng tỏ ra hoài nghi về Hồi Giáo đang co mình trong nỗi sợ hãi. Vào năm 1982, trong một chuyến thăm tới Nigieria ông đã dự định dừng chân ở thị trấn Kaduna, khu vực đạo Hồi chiếm ưu thế. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại[90].
Kể từ sau năm 1989, Gioan Phaolô đã thấy trước rằng thách đố của thế giới sẽ là cuộc đối đầu với Hồi Giáo. Trong nhiều cuộc gặp gỡ với những người Hồi giáo, Giáo hoàng luôn muốn đối thoại. Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, ông xác tín rằng Hồi giáo sẽ là vấn đề lớn của thế giới.[91]
Gioan Phaolô II kêu gọi mọi người, Kitô hữu cũng như Hồi giáo, hãy vượt qua thái độ đối đầu. Với các bạn trẻ được quốc vương Hassan II của Maroc tập trung tại Casablanca hồi năm 1985, ông đã nói như sau:
“ |
Chúng ta đã từng đứng ở hai vị thế đối nghịch nhau. Chúng ta đã
từng tiêu hao bao nhiêu năng lực cho những cuộc bút chiến và chiến
tranh. Cha tin rằng hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy thay đổi những
thói quen cũ của chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng nhau. Chúng ta phải
khuyến khích nhau làm điều thiện. |
” |
—Giáo hoàng Gioan Phaolô II[91].
|
Vai trò trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Ba Lan
Ảnh hưởng của Giáo Hoàng đối với sự sụp đổ của chế độ cộng sản Ba Lan đã được diễn tả trong cuốn “His Holiness John Paul II and The Hidden History of Our Time” (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Lịch Sử bị che đậy trong Thời Đại Chúng Ta) của Carl Bernstein và Marco Politi...Giáo hoàng đã đến thăm Ba Lan lần thứ hai vào năm 1983, khi phong trào Công Đoàn Đoàn Kết của Lech Walesa đang dấy lên khắp nơi. Trong bối cảnh đó, chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan và Tòa Thánh Vatican đã đạt được một thỏa thuận để Giáo hoàng có thể đến thăm Ba Lan với mục đích thuần túy tôn giáo.
Ngày 16 tháng 6 năm 1983. Sau khi quỳ xuống hôn đất quê hương, ông đã lên kêu gọi những người đang bị bắt bớ ở Ba Lan: “Cha kêu gọi những người bị đày đọa hãy đến đây với cha. Cha kêu gọi lời này thay lời Chúa Giê-xu: Cha đã bị ốm và các con hãy đến thăm cha. Cha bị giam cầm, các con hãy đến với cha. Bản thân cha không thể tới thăm các con chiên đang bị giam cầm, đến thăm tất cả các con chiên đang bị đày đọa. Nhưng cha kêu gọi họ hãy đến với cha trong tinh thần giúp đỡ cha, như họ vẫn luôn làm.”... Buổi tối, hàng chục ngàn người đã diễn hành... Khi đi ngang qua tòa nhà của Trung ương Đảng Cộng sản Ba Lan, đoàn thanh niên đã hô to: “Solidarity! Solidarity! Walesa! Dân Chủ!.” [92]
Mục tiêu của những âm mưu ám sát
Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ông đã bị một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Ağca bắn trọng thương khi ông đang đứng trên xe chạy vòng quanh Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ[93].Ông lập tức quỵ xuống vì đau đớn rồi từ từ ngã trong vòng tay các cận vệ. Ngay sau đó, hung thủ thực hiện vụ mưu sát bị cảnh sát tóm gọn. Nhưng kẻ tòng phạm đứng cách đó một đoạn xa thì nhanh chóng chạy thoát.
Viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe, khiến ông dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, ông sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu. Về phần mình, ông lại xem đó như một sự can thiệp lạ lùng của Ðức Mẹ Maria[94].
Sau khi hồi phục, ông đã tuyên bố với mọi người rằng: "Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ". Giáo hoàng đã viết thư định gửi cho Ağca: "Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?" Nhưng thay vì gửi bức thư đó, đã quyết định đến gặp Ağca. Năm 1983, ông đến thăm Ağca và tha thứ cho việc ám sát ông. Ông còn cầu khẩn nhà cầm quyền Ý ân xá cho Ağca. Ông đã giữ liên lạc với gia đình của Ağca nhiều năm sau đó và đã thăm mẹ Ağca năm 1987.
Cho đến nay, mưu đồ sát hại Giáo hoàng vẫn còn là một trong những bí mật lớn nhất của thế kỷ XX. Một số người (trong đó có William Casey - người lãnh đạo của CIA) đã tin rằng: những người Xô Viết đứng sau âm mưu sát hại giáo hoàng. Họ đã chỉ ra cái gọi là những vấn đề có liên quan đến những người Bungari, một tổ chức hay nhúng vào chuyện của người khác nhưng một chứng cứ trái ngược rằng Agca được bảo vệ và bao che bởi cơ quan tình báo Bungari, một tổ chức lệ thuộc vào cơ quan KGB. Về phần mình, quan điểm của giáo hoàng là: "tôi luôn luôn tin rằng ngay từ đầu, những người Bungari hoàn toàn vô tội, họ không việc gì phải làm điều đó". Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm được một tài liệu rõ ràng liên quan đến âm mưu sát hạt giáo hoàng ở Nga hoặc ở Bungari kể từ khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ.[95]
Quan điểm về xã hội và chính trị
Trong những năm làm giáo hoàng, Gioan Phaolô II đã vận động công khai chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản kiềm chế nhân quyền và việc đàn áp chính trị. Ông cũng cương quyết chống việc phá thai, giữ vững lập trường về sự độc thân của chức linh mục, không phong chức linh mục cho phụ nữ và đặc biệt đã triệu tập các hồng y và Giám mục Hoa Kỳ về Vatican để đối phó với việc lạm dụng tình dục do một số các linh mục gây nên.Thần học giải phóng
Đối với phong trào Thần học giải phóng nổi lên ở các quốc gia Mỹ La Tinh, Gioan Phaolô II đã ủng hộ hành động nhân đạo của các vị Hồng y. Ông cũng đề cao tấm gương của tổng Giám mục Santiago, Hồng y Raul Silve Henriquez, một đối thủ của nhà cầm quyền độc tài Pinochet ở Chilê. Mặc dù vậy, ông không ủng hộ những phương thức tiến hành của thần học giải phóng.Trước việc những người công giáo ở Mỹ La Tinh chọn chủ nghĩa xã hội, quan điểm của ông là: "chúng ta phải bắt đầu xem xét chủ nghĩa xã hội là gì và ở đó có những dị biệt gì đã. Ví dụ, một chủ nghĩa xã hội vô thần, không thể nào phù hợp với các nguyên tác Thiên chúa giáo, với quan điểm Thiên chúa giáo về thế giới, về các quyền của con người, với đạo lý, sẽ là một giải pháp không chấp nhận được".
Về thần học giải phóng, quan điểm của ông khá gay gắt: "Đó không phải là thần học thật sự. Nó bóp méo cảm giác thật về kinh Phúc âm. Nó dẫn dắt những người đã dâng mình cho Chúa khỏi vai trò thật sự mà Giáo hội đã giao phó cho họ. Khi họ bắt đầu sử dụng các biện pháp chính trị, họ không còn là các nhà thần học nữa. Nếu đó là một chương trình xã hội, thì đó là một vấn đề của xã hội học. Nếu nó đề cập đến việc cứu vớt con người, thì nó là thần học của muôn đời, đã có từ hai nghìn năm náy"[96].
Chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình
Tại Agrigento, Italia, Gioan Phaolô II đã lên tiếng thách đố bọn Sicilian Mafia bằng những lời lẽ sau [59].:“ |
“Thiên Chúa phán: Ngươi chớ giết người! Không một ai, không một
tập thể nào, kể cả Mafia có thể thay đổi hay chà đạp lên luật lệ tối
linh của Thượng Đế. Những người dân Sicilian là những con người yêu sự
sống, hy sinh cho sự sống. Họ không thể sống thường xuyên trong một nền
văn hóa trái nghịch, một nền văn hóa chết chóc. Họ mong đợi một nền văn
hóa sự sống Nhân danh Đấng Cứu Thế, bị đóng đinh trên Thập Giá và đã
chỗi dậy từ cõi chết, và nhân danh Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự
Sông, tôi yêu cầu những người có trách nhiệm hãy thay đối thái độ. Một
ngày nào đó các bạn sẽ ra trước tòa phán xét công thẳng của Thiên Chúa!” |
” |
“ |
“Với tất cả sự xác tín và niềm tin đặt để nơi Chúa Kitô và với vai
trò người cầm đầu Giáo Hội Công Giáo, Cha khẳng quyết: bạo lực là một
tội ác. Vì lẽ ấy, chúng ta không thể chấp nhận chủ trương dùng sắt màu,
dùng bạo lực như một phương thế để giải quyết vấn đề… Bạo lực là một sự
dối trá, nó chống lại chân lý và niềm tin -chân lý và niềm tin của nhân
loại…Giờ đây, Cha muốn nói với những thanh niên, phụ nữ đã nhúng tay vào
bạo lực. Cha kêu gọi các con với ngôn ngữ nài xin. Cha quỳ gối van xin
các con hãy rời bỏ con đường bạo lực để trở về con đường hòa bình và lẽ
phải”. |
” |
“ |
“Ngày nay, với mức độ kinh hoàng của chiến tranh hiện đại –bất kể
là với vũ khí hạt nhân hay vũ khí quy ước- khiến chúng ta hoàn toàn
không thể chấp nhận để coi như cách thế giải quyết những dị đồng quan
điểm giữa các quốc gia. Chiến tranh, bạo lực là những thảm cảnh thuộc về
quá khứ, thuộc về lịch sử. Nó không còn có chỗ cho con người hôm nay và
ngày mai”. |
” |
“ |
“Ánh sáng của Đấng Cứu Thế soi chiếu trên những quốc gia đau khổ
trong vùng Trung Đông. Riêng tại Vùng Vịnh, chúng ta hồi hộp và âu lo
sao cho mọi xung khắc sớm được tiêu tan. Xin những nhà lãnh đạo trên thế
giới hiểu rằng mọi cuộc phiêu lưu chiến tranh sẽ không có gì có thể đền
bù được”. |
” |
Nạo phá thai
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nỗ lực nhằm ngăn chặn những áp đặt của chính quyền Clinton về các biện pháp phá thai trên nghị trình hội nghị về dân số ở thủ đô Ai Cập. Ông không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để lên tiếng về vấn đề bảo vệ quyền sống của thai nhi. Một mặt ông chỉ trích những âm mưu của các cường quốc giàu có nhằm áp đặt những biện pháp vô nhân đạo trên các quốc gia nghèo, kém phát triển qua chiêu bài kiểm soát dân số với những hứa hẹn viện trợ. Mặt khác, ông không ngớt lưu ý quần chúng, cách riêng các bậc phụ huynh, quan tâm tới những giá trị đạo đức trong mối liên hệ từ trong gia đình, giữa người vợ, người chồng, người cha, người mẹ, cho tới ngoài xã hội.Ngay từ khi vừa được chọn làm người kế vị thánh Phêrô, Gioan Phaolô II đã nhiệt thành cổ võ cho điều mà trong những bài giảng thuyết cũng như những tông thư, thông điệp mà ông mệnh danh là nền ‘Văn Minh Sự Sống’. Gioan Phaolô II không ngớt đề cao giá trị sự sống của con người, từ khi còn là một bào thai trong lòng mẹ cho đến lúc chết. Bằng những lời lẽ cứng rắn, ông lên án những hành vi phá thai, trợ tử cũng như phong trào đồng tính luyến ái. Theo ông, những hài nhi mang sẵn một giá trị nhân bản tiên thiên, tự hữu mà không một ai, kể cả cha mẹ chúng, có thể tước đoạt hoặc coi như sở hữu của mình, rồi muốn làm gì thì làm trên sinh mạng của chúng, điều chỉ một mình Thượng Đế (Thiên Chúa) mới có quyền quyết định..[97]
“ |
“Hôn nhân là sự kết hợp vững chắc giữa hai người nam nữ, những
người đã cam kết đón nhận quà tặng chung để mở đường cho những mầm sống
mới được sinh ta”. Theo Ngài, đó không phải là một khái niệm phe phái mà
là “giá trị khởi thủy của nguyên lý tạo dựng”. |
” |
—Giờ kinh truyền tin tại Quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 19-6-1994
|
Gioan Phaolô II cũng lên án việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Trong cuốn sách của ông mang tên Tình yêu và Trách nhiệm, ông đã nêu lên rằng: việc sử dụng các biện pháp tranh thai làm giảm giá trị của hành vi vợ chồng và của người phụ nữ (bằng việc coi rằng người đàn bá chỉ đơn thuần là đối tượng cho khoái lạc của người đàn ông)[98].
Lập trường này đã gặp phải những luận điệu chỉ trích lập trường của Giáo Hội về vấn đề chống phá thai và ngừa thai bằng mọi giá. Những chỉ trích này trong nhiều trường hợp còn đụng chạm tới chủ trương đề cao và quyết tâm bảo vệ hệ thống gia đình của Giáo Hội.
Công nhân và người lao động
Lên tiếng trước đám đông những công nhân người Da Đỏ ngày 21-02-1979 sau cuộc viếng thăm Mêxicô lần thứ nhất, ông công khai nói với họ một cách bộc trực rằng: “Chúng ta cần gọi đích danh những hành vi phản công lý”. Khi tiếp xúc với giới lao động, ông đến với họ như một người bạn cùng chung cảnh ngộ, chia sẻ với họ bằng những kinh nghiệm được làm nên bằng mồ hôi, nước mắt của chính mình. Có lần ông đã tâm sự với một số công nhân ở Rôma rằng: “Tôi đã làm việc tay chân trong suốt bốn năm trời. Đối với tôi, bốn năm ấy có giá trị hơn hai mảnh bằng tiến sĩ”[99].Trong cuộc gặp gỡ ngày 19-3-1982 tại Livorno, Ý, Giáo hoàng nói với các công nhân là nền dân chủ của giới thợ thuyền trên thế giới lâu đời hơn nền dân chủ của Giáo Hội ít nữa là ở cấp độ giáo xứ. Từ nhận định ấy, ông cho rằng ông phải cảm ơn họ vì chính giới cần lao đã đóng góp, đã cống hiến cho Giáo Hội những suy tư quý giá giúp cho đời sống Giáo Hội ngày một thêm phong phú. Khi các công nhân mạnh dạn lên tiếng phê phán là trong quá khứ Giáo Hội Công Giáo thường đứng về phía những người giàu có thế lực, ông nói: “Tôi xin cảm ơn về những lời bình phẩm của anh em, cho dù sự thật hàm súc trong những lời này làm đau lòng”[99].
Tại Prato, Ý, ngày 19-3-1986, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lên tiếng khuyến cáo các nghiệp đoàn công nhân làm áp lực với giới chủ nhân, kể cả giới cầm quyền, để đạt mục tiêu. Tám năm sau, nhân lễ thánh Giuse ngày 19-3-1994 tại Rôma, giáo hoàng công khai thúc đẩy giới lãnh đạo nghiệp đoàn phải hành động. Ông nói: “Nếu con người im lặng, chính Thiên Chúa sẽ cất tiếng!”
Trong sứ điệp Mùa Chay đề ngày 20-02-1985 gửi các tín hữu trên toàn thế giới, Giáo Hoàng viết:
“ |
Khi hàng triệu, hàng triệu con người không có đủ lương thực hàng
ngày, khi hàng triệu, hàng triệu trẻ em phải gánh chịu những chứng bệnh
hiểm nghèo suốt đời chúng, và trong khi hằng triệu, hàng triệu em khác
bị uổng tử thì tôi không thể im lặng. Chúng ta không thể im lặng mà
không làm gì trước những thảm kịch như thế trong xã hội ngày nay. |
” |
Phụ nữ
Gioan Phaolô II đã đề cao vai trò và thiên chức của người phụ nữ. Trong thư gửi phụ nữ toàn thế giời ngày 29/06/1995 nhân dịp Năm Quốc Tế Người Nữ, ông viết: Giáo Hội có nhiều lý do để ước muốn rằng, trong kỳ Hội Nghị sắp tới do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, người ta đưa ra ánh sáng chân lý trọn vẹn về người nữ. Ước gì người ta tán dương thật sự "thiên tài người nữ", lưu ý không những tới các người nữ quan trọng và danh tiếng, đã sống thời quá khứ hay còn đồng thời với chúng ta, nhưng cũng lưu tâm tới các người nữ bình thường, những người phát triển tài năng phụ nữ của mình để phục vụ những kẻ khác trong cái tầm thường hằng ngày[100].Mặc dù vậy, ông vẫn giữ lập trường dứt khoát với việc thụ phong chức linh mục cho phụ nữ: Ngày 15 tháng 8 năm 1988 trong Tông thư Mulieris Dignitatem, Gioan Phaolô II đã viết:" Khi kêu gọi chỉ những người nam để trở nên các Tông Đồ, Đức Kitô đã hành động cách hoàn toàn tự do và độc lập. Ngài đã làm điều đó cũng với sự tự do như khi Ngài đề cao phẩm giá ơn gọi phụ nữ trong tất cả; cách cư xử của Ngài không theo những xu thế tập tục hay những truyền thống mà luật pháp thời ấy chuẩn nhận” (Mulieris Dignitatem,26). Sau hết, ông tuyên bố:
“ |
Vì thế, để không còn hồ nghi nào về một vấn đề quan trọng liên
quan tới cơ cấu Giáo hội do Chúa thiết lập, tôi nhân danh sứ mạng củng
cố các anh em tôi (cf Lc 22,32) mà tuyên bố rằng Giáo Hội không hề có
quyền truyền chức tư tế cho phụ nữ và lập trường này phải được tất cả
các tín hữu của Giáo hội tuân giữ. |
” |
Thái độ đối với khoa học và nguồn gốc vũ trụ
Trong nhiệm kỳ của mình, Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng có những bước đi thể hiện thái độ thừa nhận của bản thân và của Giáo hội trước vai trò và sự đúng đắn của Thuyết Nhật tâm, Thuyết Tiến hóa và nguồn gốc vũ trụ theo khoa học hiện đại.Theo Stephen Hawking, vào năm 1981, trong một cuộc tiếp kiến với các nhà khoa học được mời để làm cố vấn khoa học cho Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng các nhà khoa học có thể tùy nghi nghiên cứu sự tiến hóa của vũ trụ sau khi sự kiện Big Bang xảy ra, tuy nhiên những sự kiện trước đó thì không nên vì đó là giai đoạn sáng tạo thế giới của Thiên Chúa.[104]
Năm 1996, trong một thông báo chính thức gửi đến Học viện Hồng y về Khoa học, Gioan Phaolô II đã lên tiếng thừa nhận về xai trò và sự xác tín của Thuyết tiến hóa, rằng con người sinh ra có thể là do một quá trình tiến hóa dần dần chứ không phải là do sự sáng tạo tức thời của Thượng đế:
“ | Những kiến thức mới nhất đã dẫn đến sự thừa nhận về thuyết tiến hóa hơn là một giả thuyết. | ” |
—Gioan Phaolô II, [105]
|
“ | Thiên đường không phải là một nơi trừu tượng hay vật chất trên các tầng mây, nhưng mà là mối quan hệ sống động, cá nhân với Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Người Cha diễn ra trong sự thăng thiên của Chúa Kitô thông qua sự thông hiệp của Chúa Thánh Linh. | ” |
—Gioan Phaolô II, [106]
|
“ | Hỏa ngục không phải là một hình phạt được áp đặt từ bên ngoài bởi Thượng đế, mà là một điều kiện nảy sinh từ thái độ và hành động của con người trong cuộc sống. Vì vậy sự nguyền rủa vĩnh viễn không phải là việc làm của Thượng đế mà thật ra là kết quả của hành động của chính chúng ta. Hơn là một địa điểm vật lý, hỏa ngục là trạng thái của một người đã hoàn toàn và tự nguyện xa rời khỏi Chúa, là sự đau khổ, thất vọng của một cuộc sống không có Chúa. | ” |
—Gioan Phaolô II, [107]
|
Xin lỗi
“ | Một lời bao biện còn tệ hơn cả một lời dối trá, vì lời bao biện là một lời dối trá được bảo vệ. | ” |
—Giáo hoàng Gioan Phaolô II, [108]
|
- Vụ xử án nhà bác học và triết gia Galileo Galilei, một người mộ đạo, vào khoảng năm 1633 (vào ngày 31 tháng 10 năm 1992).[110]
- Những dính líu của Công giáo trong những cuộc buôn bán nô lệ châu Phi (vào ngày 9 tháng 8 năm 1993).
- Vai trò của Giới tăng lữ Giáo hội trong những vụ hỏa thiêu và chiến tranh tôn giáo sau cuộc Cải cách Kháng cách (vào tháng 5 năm 1995, tại Cộng hòa Séc).
- Các đối xử bất công đối với phụ nữ, vi phạm quyền phụ nữ và sự phỉ báng trước đây đối với phụ nữ (vào ngày 10 tháng 7 năm 1995, trong thư gửi "mọi phụ nữ").
- Sự im lặng và làm ngơ của nhiều người Công giáo trong cuộc Diệt chủng người Do Thái (ngày 16 tháng 3 năm 1998)
- Tội chung.
- Tội gây ra nhân danh "chân lý".
- Tội về việc gây ra chia rẽ giữa các tín đồ đạo Thiên Chúa.
- Tội trong việc bách hại người Do Thái.
- Tội trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển.
- Tội về việc kì thị phụ nữ.
- Tội về việc vi phạm nhân quyền.
“ | Sau khi đọc bản tin trong tờ báo số ngày Thứ hai về bài diễn văn của Giáo hoàng, tôi cảm thấy tâm trang tốn hơn một chút, nhưng không tốt hơn nhiều mấy. Việc các trại tập trung Holocaust không được nhắc tới thật ra không khiến tôi buồn phiền lắm. Điều khiến tôi buồn phiền là Giáo hoàng không xin sự tha thứ từ những người đã phải hứng chịu các cuộc bạo hành. Con người là phần quan trọng nhất của sự sống trên Trái Đất. Mỗi người phải giao tiếp với nhau ít nhất ở mức độ ngang bằng với việc hiệp thông với Thượng đế. Tại sao Giáo hoàng không nhận ra điều này ? Tôi, ví dụ, không chấp nhận lời xin lỗi của ông ta gửi tới Thương đế. Có lẽ đó là một bước đi đúng hướng. Nhưng tôi cho rằng đó là sự trốn tránh trách nhiệm... Ở lì trong Vatican và chỉ nói chuyện với Thượng đế, tránh né con người, và ông sẽ gặt hái được rất ít thành quả, không cần biết các chính trị gia nói gì. | ” |
—R. J. Weissman, R. J. Weissman. Not Accepted. Chicago Tribune. 16 tháng 3 năm 2000
|
Sức khỏe
Tháng 7 năm 1992, ông đã phải cắt một khối u ở ruột kết. Theo một thông báo chính thức thì đó là "một khối hạch thường" ở ruột già. Một thông báo của Vatican đã nhấn mạnh rằng ca mổ kéo dài gần bốn tiếng cơ bản đã chữa được bệnh. Tuy nhiên, kể từ ca mổ đó, sức khỏe của giáo hoàng ngày càng suy giảm và ông đã phải thường xuyên đến bệnh viện đa khoa Gemelli[111].Ngày 11 tháng 11 năm 1993, trong một buổi tiếp phái đoàn của Tổ chức nông lương thế giời (FAO) ở Vatican, ông đã khụy ra sau, ngã xuống sàn nhà và bị trật khớp vai. Theo nguồn tin chính thức của Vatican, Giáo hoàng đã vấp ở bậc thềm nơi đặt ngai của ông trong phòng đọc kinh tạ ơn. Nhiều tuần sau, Gioan Phaolô II rất khó nhọc khi giữ vao trì người chủ lễ Mixa và vào tháng 4 năm 1994, ông bị ngã trong vùng trượt tuyết ở Aburzzi. Ngày 28 tháng 4, ông ngã gãy xương đùi trong buồng tắm. Người ta thông báo rằng ông đã trượt chân ngã khi ra khỏi bồn tắm sau khi xả nước. Kể từ đó, ông phải dùng gậy chống khi đi[112]. Và mổ ruột thừa năm 1996.
Năm 2001, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đã xác nhận điều từ lâu nghi vấn rằng giáo hoàng đang mắc bệnh Parkinson (bệnh mãn tính về hệ thần kinh làm cho các cơ rụng và yếu)[113].
Qua đời và tang lễ
Ghi nhận sau khi qua đời
Được tuyên chân phước
Ngày 28 tháng 4 năm 2005, Giáo hoàng Biển Đức XVI trong buổi tiếp kiến hồng y Jose Saraiva Martins, Bộ trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chấp thuận miễn chuẩn quy định chờ 5 năm sau khi qua đời, để có thể mở liền ngay án phong chân phước và tuyên thánh cho cố giáo hoàng Gioan Phaolô II[115].Ngày 9 tháng 5 năm 2005, Hồng y Jose Saraiva Martins và Tổng Giám mục Edward Nowak, tổng thư ký của Bộ Tuyên Thánh, đã viết thư gởi cho Hồng y Camillo Ruini, đại diện của giáo hoàng, để chính thức loan báo tin này. Trong ngày lễ kính Ðức mẹ Fatima 13 tháng 5 năm 2005, và cũng là ngày kỷ niệm 24 năm giáo hoàng Gioan Phaolô II bị mưu sát, giáo hoàng Benedictô XVI đích thân đọc bức thư này, trong cuộc tiếp kiến hàng giáo sĩ Roma, tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Laterano - nhà thờ chính tòa của Giáo phận Roma.
Ngày 29 tháng 5 năm 2005, nhật báo Quan sát viên Roma và nhật báo Tương Lai đã cho đăng chỉ dụ của Hồng y Camillo Ruini. Bắt đầu thu thập tài liệu về cố giáo hoàng Gioan Phaolô II để làm án phong chân phước và tuyên thánh[116].
Toà án Giáo hội tại Ba Lan đã bắt đầu công việc lập hồ sơ tuyên thánh vào tháng 11 năm 2005 tại Kraków, nơi Gioan Phaolô II đã trải qua phần lớn cuộc đời trước khi được chọn lên kế vị Phêrô. Công việc chính của toà án này là lắng nghe các nhân chứng tại Ba Lan về cuộc đời của Gioan Phaolô II[117].
Ngày 2 tháng 4 năm 2007, Giáo phận Roma đã chính thức hoàn tất việc điều tra ở cấp giáo phận về cuộc đời, các nhân đức và danh tiếng của Gioan Phaolô II[118].
Phép lạ
Hai tháng sau khi giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, một nữ tu sĩ người Pháp tên là Marie Simon Pierre không còn những triệu chứng của căn bệnh Parkinson. Bà cho rằng: "Tôi đã được chữa lành, đây là việc làm của Chúa, nhờ lời bầu cử của đức Gioan Phaolô II. Ðây là điều gây ấn tượng mạnh, và khó diễn tả ra bằng lời nói." (bản thân Gioan Phaolô II mất vì căn bệnh này)[119].Được tuyên thánh
Một số ý kiến chỉ trích giáo hoàng Gioan Phaolô II
Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận phải nhiều sự chỉ trích[120] về quan điểm của ông về phụ nữ, về việc ngừa thai, kế hoạch hóa gia đình, về sự ủng hộ của ông dành cho Công đồng Vaticanô II và các cải cách của nó về thánh lễ, cũng như lập trường của ông về tính thiêng liêng của việc kết hôn.[121][122]Bê bối tình dục trong hàng ngũ giáo sĩ
Chỉ trích về lập trường ủng hộ Opus Dei
Chỉ trích về việc tiếp cựu thủ tướng Ý Giulio Andreotti
Ngày 14 tháng 12 năm 1995, ngay tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, một sinh viên đã lớn tiếng mắng nhiếc Giáo hoàng Gioan Phaolô II về việc ông tiếp cựu thủ tưởng Giulio Andreotti, người bị Tòa án quy kết là dính líu sâu sắc đến giới Mafia Ý, và cho rằng anh ta không hiểu tại sao một người như Andreotti lại được cho phép xuất hiện trong Tòa thánh. Một số ý kiến đã nhận định rằng việc này chứng minh Giáo hội Công giáo La Mã đã dính líu đến giới chính trị gia. Về phía mình, Vatican không có bình luận gì về vụ việc trên.[127]Kế hoạch hóa gia đình, phá thai và binh đẳng giới
Như đã đề cập, Giáo hoàng Gioan Phaolô II có lập trường bảo vệ các quan diểm tiêu cực của giáo hội Công giáo Rôma về thể hiện giới tính, thiên hướng tình dục, cái chết êm dịu, kiểm soát sinh sản và phá thai. Nhiều người chỉ trích Giáo hoàng vẫn còn giữ quan điểm bảo thủ về việc không cho nữ giới tham gia các vị trí cao cấp trong giáo hội.Aisha Taylor đã nhận xét về vấn đề này như sau
“ | Di sản của giáo hoàng Gioan Phaolô II rất mạnh mẽ và phi thường, tuy nhiên nó lại thiếu nhất quán một cách đau đớn. Sự thiếu nhất quán này nằm trong những lời dạy và hành động của ông ta về nhân phẩm của phụ nữ. Gioan Phaolô II kêu gọi phụ nữ nên được tham gia vào vai trò là người ra quyết định trong các chính quyền thế tục; tuy nhiên khi đề cập đến vấn đề phụ nữ nên được tham gia vào vai trò người ra quyết định trong các cơ quan của Giáo hội, thì ông ta lại đóng sầm cánh cửa lai trước mặt chúng ta, không cho chúng ta được thụ phong và khóa chặt cánh cửa này khi nói rằng mọi thảo luận về việc thụ phong cho nữ giới đã kết thúc. | ” |
— Aisha Taylor (Women's Ordination Conference 2005)[128]
|
“ | Trong khi Hitler mang tội ác về việc diệt chủng một nhóm người, Gioan Phaolô II sẽ bị kết tội về mưu tính diệt chùng toàn bộ nhân loại. Trong 100 năm tiếp theo từ thời điểm này, ít nhất 1 triệu người sẽ chịu đau khổ và chết chóc kéo dài vì chính sách chống đối của Gioan Phaolô II trước việc kế hoạch hóa gia đình, triệt sản, và phá thai. Người ta sẽ nhớ rằng Giáo hoàng đi đến châu Phi và châu Mỹ để vận động người dân sinh đẻ thêm nhiều đứa trẻ vô tội mà trong tương lai chúng sẽ chết đói. Gioan Phaolô sẽ được ghi nhớ như là người đã làm tăng thêm sự đau khổ của con người hơn ai hết trong toàn bộ lịch sử của nhân loại văn minh. Giáo hội Công giáo La Mã đã giết hại hơn 11 triệu người trong các tòa án Dị giáo, nhưng Gioan Phaolô II sẽ giết nhiều người hơn thế trong toàn bộ cuộc đời của ông ta. Cái thế lực khủng khiếp của sự diệt chủng mà ông ta đã thiết lập sẽ tiếp tục giết hại và nghiền nát Trái Đất này thêm một thời gian lâu nữa trong tương lai. | ” |
—Frank Zindler, [129]
|
Quan điểm bảo thủ về đồng tính luyến ái
Trong một nhận xét đăng trên tờ The Advocate vào năm 2000 về một bài diễn thuyết của Gioan Phaolô II, Michelangeo Signorile đã bình phẩm:
“ | ...một bài nói chuyện mang thuần tính thù ghét - một tư tưởng kỳ thị đồng tính luyến ái hạng A và một niềm tin mù quáng che đậy trong cái vỏ bọc thần học tôn giáo... bằng cách sử dụng những từ ngữ đó một cách quá dữ dội và quá công khai, ông ta [Gioan Phaolô II] đã để lộ cho cả thế giới thấy rằng mình là một kẻ chứa đầy lòng thù ghét và có rất ít sự quan tâm đến thái độ phân biệt đối xử và những sự đau khổ mà ông ta gây ra cho con người... giáo hoàng là một kẻ mang lại sự thù ghét một cách độc địa. | ” |
—Michelangeo Signorile, [133]
|
Tôn giáo và AIDS
Chuyên quyền độc đoán
Gioan Phaolô II bị chỉ trích là đã cố gắng tập trung quyền lực lại về cơ quan trung ương ở Vatican, trái ngược với một số chính sách phân quyền do Giáo hoàng Gioan XXIII chủ xướng và cản trở tiến trình dân chủ hóa giáo hội[54]. Việc này một phần thể hiện trong sự thiên kiến của Gioan Phaolô II trong việc bổ nhiệm các Giám mục khi 232 Hồng y và hơn 3.300 Giám mục do Giáo hoàng bổ nhiệm phần nhiều có tư tưởng bảo thủ gần giống như ông; và phần lớn số Hồng Y trong 114 người thuộc Mật nghị bầu cử nên Biển Đức XVI là do chính Gioan Phaolô II bổ nhiệm[137][138]. Ngoài ra, dưới tư cách cá nhân hay trong các cuộc hội nghị, các chức sắc Giáo hội cũng ít có cơ hội được tranh biện hay chống đối các chính sách của Giáo hoàng và phe cánh của ông ta nếu không muốn đứng trước nguy cơ mất chức[137]. Vì vậy Gioan Phaolô II bị một số ý kiến chỉ trích là độc đoán, chuyên quyền.[138]“ |
|
” |
—Robert Willis, [137]
|
Các chương trình xã hội
Bị cáo buộc là người mê tín dị đoan
Học giả Joseph L. Daleiden đã chê trách Giáo hoàng còn tin vào những tín điều mê tín dị đoan mà ngày nay ít ai còn tin:“ | Giáo hoàng Gioan Phaolô II tin vào nhiều điều mê tín dị đoan mà nhiều người Công giáo hiện nay cảm thấy xấu hổ. Mới đây, trong ba bài thuyết giảng ông ta vẫn còn nói rằng mỗi người có trong mình ít nhất 3 thiên thần hộ mệnh và giải thích nhiều vai trò của các thiên thần trên thiên đường. Giáo hoàng đã hét vào mặt thính giả: "Hãy coi chừng lũ quỹ dữ !". Ông ta tin rằng quỷ Sa tăng xuất hiện trong hình hài của một con sư tử, một con rắn, một con rồng hay một con dê có sừng. | ” |
Chỉ trích từ giới Kitô giáo bảo thủ
Trong khi những người cấp tiến chỉ trích sự bảo thủ của Giáo hoàng, những tín đồ Công giáo bảo thủ lại chỉ trích những biện pháp cấp tiến của Gioan Phaolô II. Một trong những chỉ trích của nhóm bảo thủ có nội dung yêu cầu Giáo hoàng phục hồi Thánh lễ Công đồng Trent[140] và hủy bỏ các cải cách thực hiện sau Công đồng Vaticanô II tỉ như việc sử dụng các ngôn ngữ bản địa thay thế cho tiếng La Tinh trong các nghi lễ nhà thờ La Mã, phong trào Đại Kết, và các nguyên lý về tự do tôn giáo. Ông cũng bị phe bảo thủ chỉ trích vì đã bổ nhiệm các Giám mục có tư tưởng tự do và làm ngơ cho họ tuyên truyền các tư tưởng đổi mới, cấp tiến, những tư tưởng này từng bị giáo hoàng Piô X chỉ trích là "sự tổng hợp của mọi tư tưởng dị giáo". Năm 1988, Tổng Giám mục theo tư tưởng bảo thủ Marcel Lefebvre, người sáng lập Hội Thánh Piô X vào năm 1970, đã bị Gioan Phaolô II tuyệt thông vì đã phản đối việc Vatican thụ phong cho 4 Giám mục - hành động này bị tòa thánh cáo buộc là "ly giáo".Khi Giáo hoàng cầu nguyện với các tín đồ Thiên chúa Giáo[141] trong Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình[142] tổ chức tại Assisi, Ý vào năm 1986, sự kiện này bị chỉ trích là gây nên ấn tượng rằng thuyết hổ lốn và chủ nghĩa trung lập tôn giáo được công khai thừa nhận bởi Tòa thánh. Khi Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa binh tiếp tục được tổ chức vào năm 2002[143], sự kiện này lại bị chỉ trích là lẫn lộn với các yếu tố thế tục và thỏa hiệp với các "tôn giáo giả tạo". Việc Giáo hoàng hôn cuốn kinh Koran[144] tại Damascus, Syria trong một chuyến tông du ngày 6 tháng 5 năm 2001 cũng bị chỉ trích. Chủ trương tự do tôn giáo của Gioan Phaolô II cũng bị một số ý kiến chỉ trích, tỉ như trong khi các Giám mục như Antônio de Castro Mayer ủng hộ hòa hợp tôn giáo nhưng mặt khác cũng phủ nhận các nguyên tắc của Công đồng Vaticanô II về tự do tôn giáo mà Giáo hoàng Piô IX đã chỉ trích trong tác phẩm Syllabus errorum’ năm 1864 và trong Công đồng Vaticanô I.[145]
Vì các lý do trên, một số giới chức Công giáo bảo thủ đã phản đối việc Gioan Phaolô II được phong chân phước.[146]
Ian Paisley
Năm 1988, khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II đang diễn thuyết trước nghị viện Châu Âu thì nhà lãnh đạo tương lai của Đảng Dân chủ Hợp nhất Bắc Ailen và là Chủ tịch Đại hội đồng Trưởng lão của Giáo hội Trưởng lão Tự do Ulster, Ian Paisley, bất thình lình hét lên: "Tôi tố cáo ông là kẻ phản kitô !"[147] và giơ cao biểu ngữ ghi dòng chữ "Giáo hoàng Gioan Phaolô II KẺ PHẢN KITÔ" ("Pope John Paul II ANTICHRIST"). Cựu thái tử Otto von Habsburg, người đứng đầu gia tộc Habsburg của đế quốc Áo-Hung cũ, vội vàng giật biểu ngữ này xuống và cùng với các nghi viên khác lật đật lôi cổ Paisley ra khỏi nơi diễn thuyết.[148][149][150][151] Sau khi Paisley được "tiễn" khỏi hội trường, Giáo hoàng tiếp tục bài diễn thuyết của mình.[148][152][153]Chú thích
- ^ a ă â b c Wilde, Robert. “Pope John Paul II 1920 - 2005”. About.com. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ a ă CBC News Online (tháng 4 năm 2005). “Pope stared down Communism in homeland - and won”. © 2005 Religion News Service. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ a ă Maxwell-Stuart, P.G. (2006). Chronicle of the Popes: Trying to Come Full Circle. Luân Đôn: © 1997, 2006 Thames & Hudson. tr. 234. ISBN 978-0-500-28608-6 Kiểm tra giá trị
|isbn=
(trợ giúp). - ^ “Pope John Paul II”. © 2008 The Robinson Library. 20 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ Rôma những ngày lịch sử (xem Video)
- ^ http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=33800
- ^ “Pope John Paul II and the Fall of the Berlin Wall”. 2008 Tejvan Pettinger, Oxford, UK. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ Bottum, Joseph (18 tháng 4 năm 2005). “John Paul the Great”. Weekly Standard. tr. 1–2. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ CNN (4 tháng 4 năm 2005). “Gorbachev: Pope was ‘example to all of us’”. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ a ă â “John Paul II: A strong moral vision”. CNN. 11 tháng 2 năm 2005. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ a ă Caroll, Rory (13-03-200). “Pope says sorry for sins of church”. The Guardian (The Guardian). Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2013.
- ^ a ă BBC News. “Pope issues apology”. BBC. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2013.
- ^ a ă BBC News. “Pope apologises for Church sins”. BBC News. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2013.
- ^ a ă Robinson, B A (7 tháng 3 năm 2000). “Apologies by Pope John Paul II”. Ontario Consultants. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2013.
- ^ Pope says sorry for sins of church
- ^ “AIJAC expresses sorrow at Pope's passing”. © 2005, 2009 Australia, Israel & Jewish Affairs Council. 4 tháng 4 năm 2005. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ “Anglican tributes to Pope John Paul II”. Anglican Communion Office. © 2009 Anglican Consultative Council. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ Tóm tắt về cố giáo hoàng John Paul II
- ^ "Message to Pontifical Academy of Sciences 22 October 1996". 1997–2009 Catholic Information Network (CIN). 24 October 1997. Retrieved 1 January 2009.
- ^ John Paul II became the most technologically advanced Pope
- ^ God, Creation and Big Bang - Al-Bushra
- ^ Mohler addresses John Paul’s assertions on heaven & hell
- ^ Phụng Nghi (9 tháng 12 năm 2009). “ĐGH Piô XII và ĐGH Gioan Phaolô II được tuyên dương lên bậc 'Đáng Kính'”. VietCatholic News (Thông tấn xã Công giáo Việt Nam). Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.
- ^ Trần Phúc Nhạc; Linh Tiến Khải (1 tháng 5 năm 2011). “Tường thuật thánh lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo II”. Đài phát thanh Vatican (Thành Vatican). Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.
- ^ Tôi tớ thiên chúa, John Paul II
- ^ Sinh nhật lần thứ 78 của Giáo Hoàng
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 41
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 45
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 54
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 73
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 79
- ^ His holiness John Paul II and the hidden history of our time by Carl Berntein và Marco Politi ISBN 0-385-47237-4. Bản tiếng Việt: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 86
- ^ TIỂU SỬ TÓM LƯỢC ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II
- ^ His holiness John Paul II and the hidden history of our time by Carl Berntein và Marco Politi ISBN 0-385-47237-4. Bản tiếng Việt: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 90
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 95
- ^ His holiness John Paul II and the hidden history of our time by Carl Berntein và Marco Politi ISBN 0-385-47237-4. Bản tiếng Việt: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 99
- ^ His holiness John Paul II and the hidden history of our time by Carl Berntein và Marco Politi ISBN 0-385-47237-4. Bản tiếng Việt: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 102
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Sđd trang 110
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Sđd trang 111
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Sđd trang 113
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 108
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 116
- ^ a ă â “Sinh nhật Giáo hoàng”.
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 128
- ^ a ă â b c d đ e ê “Bước Đường Mục Vụ Của Cố Giáo Chủ Gioan Phaolô II”.
- ^ “Pope John Paul II -The Biography” và “His Holiness – John Paul II, and the Hidden History of our Time” của hai tác giả Bernstein & Marco Politi dẫn theo Chương III trong tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Vĩ Nhân Thời Đại”gồm XXIX chương của nhà văn Trần Phong Vũ sẽ do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành
- ^ Giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Sđd trang 192
- ^ Giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, sđd trang 244
- ^ Giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, sđd trang 240
- ^ Giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, sđd trang 236
- ^ Giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, sđd trang 199
- ^ http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/01news/dtc138.htm Kỷ niệm 23 năm ngày Ðức Karol Wojtyla được chọn làm Giáo Hoàng(16/10/1978 - 16/10/2001)Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai Radio Veritas Asia, Philippines
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 307.
- ^ a ă Pope John Paul II 1920~2005 An influential pontiff CNN.com
- ^ Một vài con số về triều giáo hoàng Gioan Phaolô II
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 670,671
- ^ Danh Sách 117 thánh tử đạo Việt Nam, http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/ghvienam/tudaovn1.htm
- ^ 19 năm giáo hoàng của Giáo hoàng (1978 - 1997)
- ^ a ă â b c d “Giáo hoàng và 26 năm giáo hoàng”.
- ^ “BrainyQuote: Pope John Paul II Quotes”. © 2007,2009 BrainyMedia.com. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2009.
- ^ Giáo hoàng với 26 năm dẫn dắt giáo hội
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997, trang 674 - 677
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; (lưu hành nội bộ) trang 682.
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997, trang 683
- ^ Bài đăng trên các báo "The Orlando Sentinel" ngày 24 tháng 6 năm 1996, "Melbourne Star Observer" ngày 28 tháng 6 năm 1996, "The Buffalo News (Buffalo, NY)" ngày 24 tháng 6 năm 1996.
- ^ http://newspaperarchive.com/daily-herald/1996-06-24/page-99
- ^ Der Brückenbauer: Eine globale Gestalt unserer Zeit und ein konservativer Beweger: Zur Seligsprechung von Papst Johannes Paul II. (tiếng Đức)
- ^ Pleiten, Pech und Pontifex 14/17 (tiếng Đức)
- ^ Pleiten, Pech und Pontifex 15/17 (tiếng Đức)
- ^ Alan Cowells. L II Demonstrators And Devout Greet the Pope In Germany, New York Times, ngày 24 tháng 6 năm 1996
- ^ GIOAN PHAOLÔ II VÀ NỖ LỰC BẢO VỆ SỰ SỐNG CON NGƯỜI, Trích chương XII trong tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại” gồm XXIX chương của nhà văn Trần Phong Vũ sẽ do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành
- ^ ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II VÀ GIỚI TRẺ, Simon HoaDalat
- ^ Gioan Phaolô II: Assisi - Kinh Hòa Bình
- ^ Một Triều Ðại Mới Với Ðức Gioan Phaolô II
- ^ Ủy Ban Quốc Tế Hổn Hợp Anh Giáo và Công Giáo vừa công bố Văn Kiện Chung nói về Quyền Giáo Hoàng trong Giáo Hộ, Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai Radio Veritas Asia, Philippines
- ^ ÐTC hoan nghênh việc Cộng Ðoàn Anh Giáo bổ nhiệm tân Tổng Giám mục Canterbury
- ^ Vài nhận định về Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân dịp mừng sinh nhật thứ 80 của ngài hôm 18 tháng 5/2000, Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai, Radio Veritas Asia, Philippines
- ^ Bài Suy Niệm thứ mười một Làm Sao Phân Rẽ Ðược Thân Xác?Các Bài Giảng Tĩnh Tâm của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma
- ^ Ơn cứu độ đến từ dân Do Thái
- ^ Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, trang 754
- ^ Cử chỉ đặc biệt của ÐTC lúc kính viếng Bức Tường Than khóc ở Giêrusalem
- ^ Gioan Phaolô II: Viếng Thăm Thánh Địa
- ^ Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tặng nhà thờ St. Theodore ở trên ngọn đồi Palatine thuộc thành Roma cho Chính Thống Giáo
- ^ trao tặng lại Bức Ảnh Ðức Mẹ KAZAN cho Giáo Hội Chính Thống Giáo Moscowa và cho dân tộc Nga
- ^ Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô I gởi cho Ðức Thượng Phụ Alexis II giáo chủ Giáo Hội Chính Thống Giáo Moscowa
- ^ Gioan Phaolô II tiếp kiến Ðạt Lai Lạt Ma thủ lãnh Phật Giáo Tây Tạng vào thứ Năm 27 tháng 11 năm 2003
- ^ Lễ giỗ giáp năm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Hạt lúa gieo vào lòng đời
- ^ Don Lattin Buddhists Critical of Pope's Comments / Pontiff writes of `atheistic' faith San Francisco Chronicle, ngày 12 tháng 1 năm 1995.
- ^ World News Briefs; Buddhist Monks Demand Apology by the Pope
- ^ Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, sđd trang 748 - 749.
- ^ a ă â “Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Hồi Giáo Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines”.
- ^ GH John Paul II và Cộng-Sản Ba-Lan
- ^ Vì sao Gioan Phaolô II bị ám sát
- ^ Giáo hoàng của đức mẹ
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997, trang 504-508.
- ^ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Người dịch: Nguyễn Bá Long, Trần Quý Thắng; Sách tham khảo trong lực lượng công an nhân dân, NXB Công an Nhân dân, tháng 11/1997; trang 344, 345.
- ^ a ă “GIOAN PHAOLÔ II VÀ NỖ LỰC BẢO VỆ SỰ SỐNG CON NGƯỜI, Trích chương XII trong tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại” gồm XXIX chương của nhà văn Trần Phong Vũ sẽ do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành”.
- ^ Giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta. sđd trang 197
- ^ a ă â “CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, NGƯỜI BẠN THIẾT CỦA GIỚI CẦN LAO; Trích chương XVI trong tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại” gồm XXIX chương của nhà văn Trần Phong Vũ sẽ do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành”.
- ^ THƯ CỦA Giáo hoàng GIOAN PHAOLO II GỞI PHỤ NỮ TOÀN THẾ GIỚI, http://www.ubmvgiadinh.org/?open=contents&display=2&id=158
- ^ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC CHO PHỤ NỮ, http://cuuthe.com/zoldsite1/giaidap/giaidap57.html
- ^ KHÔNG TRUYỀN CHỨC LINH MỤC CHO NỮ GIỚI, http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/08/20/khong-truyen-chuc-linh-muc-cho-nu-gioi/
- ^ Giao hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, trang 868 - 871.
- ^ Stephen Hawking. Lược sử thời gian. Chương 8: Nguồn gốc và số phận của vũ trụ.
- ^ John Tagliabue. Pope Bolsters Church's Support For Scientific View of Evolution New York Times, ngày 25 tháng 10 năm 1996.
- ^ Heaven is fullness of communion with God. Miracle of the Rosary Mission
- ^ Tom Fulks. Heresy?: The Five Lost Commandments. trang 73
- ^ “BrainyQuote: Pope John Paul II Quotes”. © 2007,2009 BrainyMedia.com. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2009.
- ^ Stourton, Edward (2006). John Paul II: Man of History. Luân Đôn: © 2006 Hodder & Stoughton. tr. 1. ISBN 0340908165.
- ^ Weeke, Stephen (31 tháng 3 năm 2006). “Perhaps ‘Saint John Paul the Great?'”. © 2006-2009 msnbc World News. Truy cập 1 tháng 2 năm 2009.
- ^ Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, trang 840 - 841.
- ^ Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, trang 842 - 843.
- ^ Cuộc đời Giáo hoàng John Paul II
- ^ Giây phút qua đời của cố giáo hoàng John Paul II
- ^ Mở án phong chân phước và tuyên thánh cho Ðức Gioan Phaolô II
- ^ Thu thập tài liệu về cố giáo hoàng
- ^ Kết thúc việc lập án cho Ðức Thánh Cha Gioan ở Ba Lan
- ^ Kết thúc điều tra cấp giáo phận để phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolô II
- ^ Nữ Tu Marie Simon Pierre nhận được Phép lạ do lời cầu khẩn của Gioan Phaolô II
- ^ "BBC – Religion & Ethics – John Paul II". 2006,2009 by BBC. Retrieved 6 February 2009.
- ^ http://www.biography.com/search/article.do?id=9355652 "John Paul II Biography (1920–2005)". A&E Television Networks. Retrieved 1 January 2009.
- ^ a ă ["Catholic Church to Ease Ban on Condom Use"]. 2006, 2009 Deutsche Welle. 24 April 2006. Retrieved 12 January 2009.
- ^ “Scandals in the church: The Bishops' Decisions; The Bishops' Charter for the Protection of Children and Young People”. The New York Times. 15 tháng 6 năm 2002. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2014.
- ^ “Text of the accusation letter directed to John Paul II” (bằng tiếng Tây Ban Nha). Pepe-rodriguez.com. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Decoding secret world of Opus Dei”. BBC News. 16 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2010.
- ^ Associated Press, "Opus Dei backs new pope", CNN, 19 April 2005
- ^ Student Upbraids Pope, Leaving Vatican Stunned
- ^ Taylor, Aisha (4 tháng 4 năm 2005). “Young Catholic Feminists Compare Legacy of MLK and John Paul II”. © 2008 Women's Ordination Conference. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2009.
- ^ Zindler, Frank R. (1991). Dial an Atheist: Greatest Hits from Ohio. American Atheist Press. ISBN 9781578849505., tr. 182
- ^ The New Anti-Catholicism: The Last Acceptable Prejudice. tr.76
- ^ Pope John Paul II (2005). Memory & Identity – Personal Reflections. London: 2006 Weidenfeld & Nicolson. ISBN 0-297-85075-X, tr. 12
- ^ Vatican (2003 [last update]). "Considerations Regarding Proposals To Give Legal Recognition To Unions Between Homosexual Persons". vatican.va. Retrieved 28 January 2012.
- ^ a ă Philip Jenkins. The New Anti-Catholicism: The Last Acceptable Prejudice. tr.98 [1]
- ^ Daniel Williams. Pope Rejects Condoms As a Counter to AIDS. Washington Post.
- ^ "Top Catholics Question Condom Ban". 2005, 2009 International Herald Tribune. 16 April 2005. Retrieved 12 January 2009.
- ^ Gideon Polya. John Paul II, HIV/AIDS And Global Mass Mortality 11 April, 2005. Countercurrents.org
- ^ a ă â Robert Willis. The Democracy of God: An American Catholicism, tr. 141,142 [2]
- ^ a ă John Paul II: His Life and Papacy
- ^ Joseph L. Daleiden|Joseph Daleiden. The Final Superstition: A Critical Evaluation of the Judeo-Christian Legacy. Prometheus Books. Tháng 8 năm 1994. ISBN 978-0879758967. Trang 82
- ^ Hewitt, Hugh (4 June 2005). "Criticizing John Paul II: Yet Another Thing The Mainstream Press Does Not Understand About The Catholic Church.". The Weekly Standard. Retrieved 10 January 2009.
- ^ Address to the Representatives of the Christian Churches and Ecclesial Communities and of the World Religions". Vatican archives. 1986,2009 Libreria Editrice Vaticana. 27 October 1986. Retrieved 12 January 2009.
- ^ "Address to the Representatives of the other Christian Churches and Ecclesial Communities". 1986,2009 Libreria Editrice Vaticana. 27 October 1986. Retrieved 12 January 2009.
- ^ "Day of Prayer for Peace in the World". Vatican archives. 1986,2009 Libreria Editrice Vaticana. 24 January 2002. Retrieved 12 January 2009.
- ^ "John Paul II kisses the Koran (Qu'ran) at the Vatican.". FIDES News Service. 2002, 2009 Tradition in Action, Inc. 14 May 1999. Retrieved 12 January 2009.
- ^ “Jan Paweł II Live at Vatican 1999”. Youtube.com. 28 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2013.
- ^ Michael J. Matt (21 tháng 3 năm 2011). “A Statement of Reservations Concerning the Impending Beatification of Pope John Paul II”. The Remnant. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2011.
- ^ “Ian Paisley and politics of peace”. Los Angeles Times. 24 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2012.
- ^ a ă Davenport, Mark (19 January 2004). "BBC NEWS | Paisley's Exit from Europe". BBC News. Retrieved 28 January 2012.
- ^ Paisley, Dr R.K. (2012 [last update]). "EIPS – Historical Documents Reveal Former Pope's Plans". ianpaisley.org. Retrieved 28 January 2012.
- ^ "HEADLINERS; Papal Audience". New York Times. 16 October 1988. Retrieved 5 May 2010.
- ^ Cloud, David W. (2012 [last update]). "Free Presbyterian Church – Dr. Ian Paisley". freepres.org. Retrieved 28 January 2012.
- ^ MacDonald, Susan (2 October 1988). "Paisley Ejected for Insulting Pope". The Times.
- ^ Chrisafis, Angelique (16 September 2004). "The Return of Dr. No". The Guardian (London).
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và tài liệu về Giáo hoàng Gioan Phaolô II |
- Đức Giáo hoàng John Paul II đã qua đời
- Tòa thánh Vatican
- Cuộc đời giáo hoàng John Paul II, từ VNN
- Cuộc đời giáo hoàng John Paul II, từ BBC Việt ngữ
- Thuật ngữ Công giáo
- Ảnh lễ tang Giáo Hoàng John Paul II
- Thương tiếc Giáo Hoàng Gioan Phaolo II
- Thế giới tưởng niệm giáo hoàng Hohn Paul II
- Thi hài Giáo hoàng đang được quàn tại phòng bích hoạ
Người tiền nhiệm Gioan Phaolô I |
Danh sách các giáo hoàng |
Người kế nhiệm Biển Đức XVI |
|
Thể loại:
Elizabeth trở thành Nữ vương Vương quốc Anh, Canada, Úc, New Zealand, Nam Phi, Pakistan, và Ceylon sau khi phụ thân của bà, vua George VI, qua đời vào ngày 6 tháng 2 năm 1952. Thời gian trị vì suốt 62 năm của bà chứng kiến nhiều sự thay đổi, trong đó có sự giải thể của Đế quốc Anh (một tiến trình bắt đầu từ trước khi bà lên ngôi) và sự phát triển tiếp đó của Khối thịnh vượng chung Anh. Sau khi các thuộc địa khác của Anh giành được độc lập khỏi Vương quốc Anh, bà trở thành nữ vương của một vài quốc gia mới độc lập. Bà cũng là người đã từng trị vì 32 quốc gia riêng biệt, nhưng nay một nửa trong số đó đã trở thành nước cộng hòa.
Elizabeth kết hôn với Vương thân Philip năm 1947. Hai người họ có bốn con, tám cháu và bốn chắt. Bà là một trong những người trị vì lâu nhất nước Anh, chỉ sau nữ vương Victoria (trị vì Vương quốc Anh trong 63 năm, 217 ngày) và xếp trên vua George III (người trị vì Vương quốc Anh trong 59 năm, 96 ngày).
Elizabeth học môn lịch sử lập hiến với Ngài Henry Marten, Phó hiệu trưởng Đại học Eton[12], và tôn giáo với Tổng giám mục xứ Canterbury[13]. Bà học các ngôn ngữ hiện đại, và hiện nay vẫn nói tiếng Pháp trôi chảy[14]. Một đoàn Hướng đạo nữ, Đoàn Cung điện Buckingham số 1, được thành lập đặc biệt để Elizabeth có thể giao tiếp với những cô gái cùng lứa tuổi. Bà đoạt được phù hiệu thông dịch viên, bơi lội, múa, cưỡi ngựa, đầu bếp, chăm sóc trẻ, và may vá, và sau này trở thành người đứng đầu tội tuần tra của Nhóm tuần tra Swallow Patrol. Sau đó bà được tuyển làm Hướng đạo sinh biển và vào năm 1946, trở thành Trưởng hướng đạo sinh của Hướng đạo sinh lớn Đế quốc Anh, một nhánh dành cho người trưởng thành của Hướng đạo sinh nữ[15]. Nữ vương đến nay vẫn tham gia Hướng đạo và làm người bảo trợ cho Liên đoàn Hướng đạo từ năm 1952[16].
Vào năm 1939, Chính phủ Canada muốn Elizabeth tháp tùng cha mẹ trong chuyến đi thăm Canada. Tuy nhiên, Đức Vua đã quyết định không thực hiện điều này, nói rằng con gái ông còn quá trẻ để tham dự vào chuyến đi thăm căng thẳng như vậy, cuối cùng kéo dài đến hơn 1 tháng[17]. Elizabeth có thể đã gặp người chồng tương lai của mình, Vương tử Philip của Hy Lạp và Đan Mạch vào năm 1934 và 1937[18]. Sau một cuộc gặp gỡ khác tại Đại học Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth tháng 7 năm 1939, Elizabeth, dù khi đó chỉ mới 13 tuổi, đã đem lòng yêu mến Philip, và họ bắt đầu thư từ cho nhau[19].
Vào năm 1945, Elizabeth tháp tùng cha mẹ đến thăm nhân viên quân đội của Khối thịnh vượng chung, và bắt đầu thực hiện các công tác một mình, như xem cuộc diễu hành của các nữ phi công[17]. Bà gia nhập Đội quân Lãnh thổ Bổ trợ Phụ nữ, với số hiệu 230873 Đại úy thứ hai Elizabeth Windsor. Bà được huấn luyện để trở thành tài xế và thợ cơ khí, lái một chiếc xe tải quân sự, và tiến đến cấp bậc Tư lệnh cấp thấp[22]. Hiện nay bà là "người đứng đầu quốc gia còn sống duy nhất đã từng mặc quân phục trong Đệ nhị thế chiến"[23].
Đến cuối cuộc chiến ở châu Âu, vào ngày Chiến thắng trong Ngày châu Âu, Elizabeth và em gái bà đã hòa mình một cách ẩn danh vào đám đông ăn mừng trên đường phố Luân Đôn. Sau này bà đã nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, "chúng tôi xin phép cha mẹ để được ra ngoài và tự mắt mình chứng kiến. Tôi nhớ là chúng tôi đã rất sợ bị nhận ra ... Tôi nhớ nhiều hàng người không biết mặt nhau đã nắm tay và đi dọc xuống Whitehall, tất cả chúng tôi chỉ biết khóc trong ngập tràn hạnh phúc và nhẹ nhõm"[24]. Hai năm sau, Công chúa thực hiện chuyến đi ra nước ngoài chính thức đầu tiên, khi bà tháp tùng cha mẹ đến phía Nam châu Phi. Vào sinh nhật lần thứ 21, trong một buổi phát thanh đến Khối thịnh vượng chung Anh từ Nam Phi, bà bảo đảm: "Tôi tuyên bố trước tất cả mọi người rằng toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ dành phục vụ các bạn và phục vụ cho hoàng gia vĩ đại mà tất cả chúng đều thuộc về"[25].
Lễ cưới diễn ra không phải là suôn sẻ: Philip theo Chính thống giáo Hy Lạp, không có địa vị tài chính, và có các chị em gái kết hôn với những quý tộc Đức có liên hệ với Đức quốc xã. Mẹ của Elizabeth, trong những cuốn tự truyện về sau, được nói rằng đã phản đối mối lương duyên này, thậm chí còn gọi Philip là thằng Đức (The Hun)[26]. Tuy nhiên, Khối thịnh vượng chung chưa hoàn toàn hồi phục sau chiến tranh; nên Công chúa đã phải để dành các phiếu được phân phối để mua vật liệu may váy cưới[27], do Norman Hartnell thiết kế[28]. Lễ cưới được xem là tia hy vọng đầu tiên của sự tái sinh sau chiến tranh. Elizabeth và Philip nhận được 2.500 món quà cưới từ khắp nơi trên thế giới. Tại lễ cưới, phù dâu của Elizabeth là em gái; em họ, Công chúa Alexandra xứ Kent; Lady Caroline Montagu-Douglas-Scott, chị em bạn dì với Công chúa; Công chúa Alice, Nữ công tước xứ Gloucester; chị em con chú họ, Lady Mary Cambridge; Lady Elizabeth Mary Lambart (nay là Longman), con gái của Frederick Lambart, Bá tước xứ Cavan; The Honourable Pamela Mountbatten (nay là Hicks), chị họ của Philip; và chị họ bên phía mẹ, The Honourable Margaret Elphinstone (nay là Rhodes) và The Honourable Diana Bowes-Lyon (nay là Somervell)[29]. Cậu bé xách váy cho bà là em con chú của bà, Vương tử William xứ Gloucester và Vương tử Michael xứ Kent[29]. Ở nước Anh hậu chiến, không có bất kỳ họ hàng người Đức nào của Công tước xứ Edinburgh được phép tham dự lễ cưới, gồm có ba người chị gái còn sống của Philip. Cô của Elizabeth, Công chúa Mary, từ chối tham dự vì anh trai của bà, Công tước xứ Windsor (người thoái vị năm 1936), không được mời vì lý do bên nhà chồng; bà lấy lý do sức khỏe làm lý do chính thức không đến dự tiệc cưới[30].
Elizabeth sinh hạ con trai đầu lòng, Vương tử Charles, vào ngày 14 tháng 11 năm 1948, vài tuần sau khi vua cha trao giấy chứng nhận đặc quyền cho phép con cái bà được hưởng địa vị vương tộc, mà nếu không họ sẽ không được phong tước[31]. Mặc dù vương tộc có tên là Windsor, một sắc lệnh của Vua Anh ban hành năm 1960 nói rằng dòng dõi nam phái của Elizabeth II và Hoàng thân Philip nếu không phải là vương tử và công chúa của Vương quốc Anh thì sẽ mang họ Mountbatten-Windsor[32]. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả con cái của họ đều lấy họ Mountbatten-Windsor. Đứa con thứ hai, Công chúa Anne, sinh vào năm 1950.
Sau lễ cưới, cặp vợ chồng thuê chỗ ở đầu tiên của mình, Windlesham Moor, cho đến ngày 4 tháng 7 năm 1949[29], khi họ chuyển sang sinh sống tại Clarence House. Tuy nhiên, trong nhiều khoảng thời gian khác nhau từ năm 1949 đến 1951, Công tước xứ Edinburgh đóng quân ở Malta (vào thời điểm đó là Đất bảo hộ của Anh) với vai trò sĩ quan Hải quân Hoàng gia. Ông và Elizabeth thỉnh thoảng sống vài tháng ở thôn Gwardamangia ở Malta, tại Làng Gwardamangia, ngôi nhà mướn lại từ Louis Mountbatten, Bá tước Mountbatten xứ Miến Điện. Trong những lần gặp nhau ở Malta, những đứa trẻ vẫn ở lại nước Anh[33].
Trong chuẩn bị cho lễ đăng quang, Công chúa Margaret thông báo với chị mình rằng cô muốn kết hôn với Peter Townsend, một thường dân đã ly dị lớn hơn Margaret 16 tuổi, và có hai đứa con riêng. Nữ vương yêu cầu họ chờ thêm một năm; mà theo lời của Martin Charteris, "Nữ vương rất đồng cảm với Công chúa, nhưng tôi cho rằng bà đã nghĩ – bà hy vọng – với thời gian, mối tình này rồi sẽ phôi phai". Sau khi bị sự phản đối của các thủ tướng trong Khối thịnh vượng chung, và lời đe dọa từ chức của một bộ trưởng Anh quốc nếu Margaret và Townsend kết hôn, Công chúa đã quyết định từ bỏ ý định[37].
Dù bà nội của Nữ vương là Vương hậu Mary mất vào ngày 24 tháng 3 năm 1953, lễ đăng quang của Nữ vương vẫn được tiến hành tại Tu viện Westminster vào ngày 2 tháng 6 năm 1953, theo ước nguyện của Mary. Toàn bộ buổi lễ, ngoại trừ lễ xức dầu và ban thánh thể, đã được truyền hình khắp Khối thịnh vượng chung, và ước đoán có khoảng 20 triệu người xem ở Anh, và 12 triệu người khác theo dõi qua radio[38]. Elizabeth mặc áo dài do Norman Hartnell thiết kế, có đính những biểu tượng hoa của các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung: hoa hồng Tudor của nước Anh, cây kế của Scotland, tỏi tây của Wales, cây lá chụm hoa của Ireland, cây keo của Úc, lá phong của Canada, dương xỉ của New Zealand, protea của Nam Phi, hai đóa hoa sen đại diện cho Ấn Độ và Ceylon, và cây lúa mì, cây bông, và cây đay của Pakistan[39].
Vào năm 1956, Thủ tướng Pháp Guy Mollet và Thủ tướng Anh Ngài Anthony Eden đã bàn về khả năng Pháp liên minh với Vương quốc Anh; một trong những ý tưởng đó là Elizabeth sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia của Pháp. Mollet "đã cho rằng không có khó khăn gì khi chấp nhận sự lãnh đạo của Đức Vương thượng"[43]. Lời đề nghị này chưa bao giờ được chấp nhận, và vào năm sau đó, Pháp đã ký Hòa ước Roma[43]. Vào tháng 11 năm đó, Anh và Pháp xâm lược Ai Cập trong một nỗ lực không thành cuối cùng nhằm chiếm giữ kênh đào Suez. Bá tước Mountbatten xứ Miến Điện đã tuyên bố rằng Nữ vương phản đối cuộc xâm lược, mặc dù Thủ tướng Eden phue nhận nó. Eden đã từ chức hai tháng sau đó[44].
Sự thiếu vắng một cơ chế nghi thức trong Đảng Bảo thủ nhằm chọn ra một vị lãnh đạo có nghĩa là, sau khi Eden từ chức, Nữ vương có toàn quyền quyết định người thành lập chính phủ. Eden khuyên Elizabeth tham vấn Lord Salisbury (Chủ tịch Hội đồng Mật viện). Lord Salisbury và Lord Kilmuir (Đại pháp quan) đã tham vấn Nội các, Winston Churchill và Chủ tịch Ủy ban 1922, kết quả là Nữ vương đã chỉ định ứng cử viên do họ đề xuất: Harold Macmillan. Sáu năm sau, đến phiên Macmillan từ chức và khuyên Nữ vương chỉ định Bá tước xứ Home làm Thủ tướng, bà cũng làm theo lời khuyên này. Trong cả hai năm 1957 và 1963, Nữ hoàng đã chịu sự chỉ trích vì đã chỉ định Thủ tướng theo lời khuyên của một nhóm nhỏ bộ trưởng, hoặc chỉ theo lời một người duy nhất. Vào năm 1965, Đảng Bảo thủ đã đưa vào cơ chế nghi thức để chọn người đứng đầu, vì vậy bà không còn phải làm nhiệm vụ này nữa[44].
Cuộc khủng hoảng Suez và sự lựa chọn người kế nhiệm Eden đã dẫn đến sự chỉ trích thực sự đầu tiên vào cá nhân Nữ vương vào năm 1957. Trong một tạp chí do [45] Lord Altrincham sở hữu và biên tập, ông cáo buộc bà là "xa cách"[46]. Altrincham đã bị những nhân vật nổi tiếng lên án và bị một số người hành hung vì tức giận với lời phát biểu của ông[47]. Bà có chuyến viếng thăm đến Hoa Kỳ vào năm đó, và có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc[48]. Cũng trong dịp đó bà đã khai mạc Nghị viện Canada thứ 23, trở thành vị quân vương Canada đầu tiên khai mạc một phiên nghị viện. Hai năm sau, bà lại đến thăm Canada và Hoa Kỳ. Vào năm 1962, bà đến Síp, Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Iran[49]. Trong chuyến thăm Ghana, bà đã từ chối giữ khoảng cách với Tổng thống Kwame Nkrumah, dù ông là mục tiêu của những kẻ ám sát. Harold Macmillan khi đó đã viết: "Nữ vương hoàn toàn quyết đoán trong chuyện đó. Bà cảm thấy thiếu kiên nhẫn với thái độ xem bà như... một ngôi sao điện ảnh... Bà đã thực sự là 'trái tim và dạ dày của một người đàn ông'... Bà yêu công việc của mình và xứng đáng là một Nữ hoàng"[50].
Hai lần Elizabeth mang thai Andrew và Edward, năm 1959 và 1963, là những lần duy nhất Elizabeth không xuất hiện để khai mạc Nghị viện khi bà trị vì. Bà đã ủy nhiệm quyền đó cho Đại pháp quan. Elizabeth đã khai mạc đường dây điện thoại xuyên Đại Tây Dương đầu tiên của Canada (một phần trong số đó đã được điều chỉnh để kết nổi tất cả các quốc gia Khối thịnh vượng chung với nhau) năm 1961, với việc gọi cho Thủ tướng Canada, John Diefenbaker, từ Điện Buckingham và nói "Ông có đó không, ông Thủ tướng?"[51]. Vào năm 1965, Thủ tướng Rhodesia Ian Smith đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc. Mặc dù Nữ hoàng đã cách chức Smith trong một tuyên bố chính thức và cộng đồng quốc tế áp lệnh trừng phạt cho Rhodesia, chế độ của Smith vẫn tồn tại thêm 11 năm nữa[52].
Vào năm 1969, Elizabeth đã gửi một trong 73 Thông điệp Chúc mừng Apollo 11 đến NASA do sự kiện lịch sử lần đầu tiên đổ bộ lên Mặt Trăng; thông điệp này được khắc lên một đĩa silicon nhỏ hiện vẫn nằm trên Mặt Trăng. Sau đó bà đã gặp phi hành đoàn trong chuyến đi thăm các nước trên thế giới của họ[14]. Vào năm 1976, bà trở thành quân vương đầu tiên gửi thư điện tử[53].
Vào tháng 2 năm 1974, một kết quả tổng tuyển cử bất phân thắng bại của Anh dẫn tới việc, về lý thuyết, Thủ tướng sắp mãn nhiệm, Edward Heath, người thuộc đảng thắng đa số phiếu phổ thông, có thể tiếp tục tại vị nếu ông hình thành một chính phủ liên minh với Đảng Tự do. Thay vì lập tức từ chức Thủ tướng, Heath đã xem xét lựa chọn này, và chỉ từ chức sau khi cuộc thảo luận để hình thành chính phủ liên hiệp thất bại, sau đó Nữ vương đã yêu cầu Thủ lĩnh Phe đối lập, Harold Wilson của Đảng Lao động, thành lập chính phủ[54].
Một năm sau, tại cao trào của cuộc khủng hoảng lập hiến Úc 1975, Thủ tướng Gough Whitlam bị Toàn quyền Ngài John Kerr bãi nhiệm khi đề xuất ngân sách của Whitlam bị Thượng viện do phe đối lập điều khiển bác bỏ[55]. Phát ngôn viên Hạ viện Úc, Gordon Scholes, đã thay mặt hạ viện thỉnh cầu Nữ vương đảo ngược quyết định của Kerr, trên cơ sở Đảng Lao động của Whitlam vẫn nhận được sự tín nhiệm của quốc hội. Elizabeth từ chối, cho rằng việc can thiệp vào chính trường là không thích hợp đối với bà mà theo Hiến pháp Úc nó là quyền hạn của Toàn quyền[56]. Cuộc khủng hoảng này đã kích thích chủ nghĩa cộng hòa ở Úc[55].
Theo Paul Martin, Sr., vào cuối thập niên 1970 Nữ vương rất lo lắng rằng Vương tộc "không còn mấy ý nghĩa" đối với Thủ tướng Canada Pierre Trudeau[60]. Tony Benn nói rằng Nữ vương nhận thấy Trudeau "khá thất vọng"[60][61]. Điều này có thể là do những trò khôi hài của ông, như trượt xuống lan can tại Điện Buckingham hay múa xoay tròn sau lưng bà vào năm 1977[60], cũng như tước bỏ nhiều biểu tượng hoàng gia Canada trong nhiệm kỳ của ông[60]. Martin—cùng với John Roberts và Mark MacGuigan—được cử tới Anh năm 1980 để bàn về việc thay đổi Hiến pháp Canada. Nữ hoàng rất quan tâm đến cuộc tranh luận về hiến pháp, đặc biệt sau sự thất bại của Bill C-60, có thể ảnh hưởng đến vai trò nguyên thủ của bà. Tất cả các bên đều nhận thấy Nữ vương "được báo cáo cặn kẽ về nội dung và chính trị của trường hợp hiến pháp Canada hơn bất kỳ chính trị gia hoặc nhân viên chính phủ nào"[60]. Kết quả của việc thay đổi hiến pháp là vai trò của nghị viện Anh trong hiến pháp Canada bị xóa bỏ, nhưng ngôi quốc vương thì vẫn được duy trì. Trudeau nói trong hồi ký của ông: "Nữ vương đã ủng hộ nỗ lực cải cách Hiến pháp của tôi. Tôi luôn ấn tượng không chỉ bởi phong thái của bà trước công chúng, mà còn bởi trí tuệ mà bà thể hiện trong những cuộc đối thoại riêng tư"[62].
Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Anh Quốc Margaret Thatcher vào thập niên 1980, có lời đồn rằng Elizabeth lo ngại rằng chính sách kinh tế của Thatcher sẽ thúc đẩy sự phân hóa xã hội, và được báo động về tình trạng thất nghiệp cao, một loạt vụ bạo động, tình trạng bạo lực trong một cuộc biểu tình của thợ mỏ[68], và sự từ chối thi hành sắc lệnh chống lại chế độ apartheid ở Nam Phi của Thatcher[69]. Thatcher đã nói với Brian Walden, "Nữ vương là loại phụ nữ có thể sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Xã hội"[68]. Những báo cáo về mối quan hệ căng thẳng giữa Elizabeth và Thatcher trong suốt thời kỳ này đánh giá khác nhau về sự khác biệt giữa hai người và mức độ căng thẳng do khác biệt về chính sách, hoặc sự xung đột tính cách[70]. Thái độ của Nữ hoàng đối với Thatcher thậm chí còn được mô tả là "ghét cay ghét đắng"[71]. Mặc cho những suy đoán như vậy, Thatcher sau này vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ Nữ vương, và thể hiện niềm tin rằng cái ý tưởng về sự xung đột giữa hai người chỉ là sự bịa đặt vì họ đều là phụ nữ với nhau. Trong bộ phim phóng sự của BBC Queen & Country (Nữ vương và Đất nước), Thatcher đã mô tả Nữ vương là "tuyệt diệu" và là một "quý bà hoàn hảo" "luôn biết mình phải nói cái gì", cụ thể là ám chỉ cuộc họp cuối cùng với vai trò thủ tướng với Elizabeth[72]. Trái ngược với những báo cáo về sự thù địch giữa hai người, sau khi Thatcher không tham gia chính trị nữa, Elizabeth đã phong cho bà hai món quà cá nhân từ nữ vương: Order of Merit và Order of the Garter[73]. Cả Nữ vương và hoàng thân Philip đều tham dự tiệc sinh nhật lần thứ 80 của Thatcher.
Vào năm 1991, bà trở thành quân vương Anh đầu tiên đọc diễn văn trước buổi họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ. Năm sau, bà cố gắng cứu vớt sự hôn nhân thất bại của con trưởng của bà, Charles, bằng cách khuyên nhủ ông và vợ, Diana, Công nương xứ Wales, hàn gắn sự khác biệt giữa họ[74]. Bà không thành công, và cặp vợ chồng đã chính thức ly thân.
Vào những năm tiếp theo, tình trạng hôn nhân của Charles và Diana càng bị tiết lộ ra công chúng nhiều hơn[77]. Cuối cùng, sau khi tham vấn Thủ tướng Anh John Major, Tổng giám mục xứ Canterbury George Carey, thư ký riêng Robert Fellowes của Nữ vương, và phu quân, bà đã viết thư gửi cho cả Charles và Diana nói rằng giờ đây ly dị là điều cần thiết[78]. Một năm sau khi ly dị, Diana chết trong một vụ tai nạn xe hơi ở Paris vào ngày 31 tháng 8 năm 1997. Vào thời điểm đó, Nữ vương đang đi nghỉ ở Balmoral với con trai và các cháu. Với niềm thương tiếc, hai đứa con trai của Diana muốn tham dự lễ nhà thờ, vì vậy ông bà nội chúng đã đưa chúng đi ngay vào sáng hôm đó[79]. Trong năm ngày, Nữ vương và Công tước đã bảo vệ những đứa cháu của họ khỏi sự tò mò của đám phóng viên bằng cách lưu chúng lại Balmoral nơi chúng có chốn riêng tư để buồn nhớ[79][80]. Sự ẩn dật của vương tộc khiến công chúng mất tinh thần[81]. Chịu áp lực từ gia đình, bạn bè, tân Thủ tướng Anh Tony Blair, và phản ứng từ công chúng, Nữ vương đã đồng ý có buổi phát sóng trực tiếp cho thế giới vào ngày 5 tháng 11[82]. Trong buổi truyền hình đó, bà bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Diana, và cảm xúc "của một người bà" đối với hai vương tử William và Harry[83]. Thái độ của công chúng đã thay đổi từ tiêu cực sang kính trọng sau buổi phát hình đó[83].
Ban đầu người ta cho rằng Elizabeth có mối quan hệ rất tốt với Tony Blair, trong năm năm đầu tiên ông làm Thủ tướng từ 1997 đến 2002. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy mối quan hệ của họ xấu dần qua năm tháng[84], cho đến tháng 5 năm 2007, Nữ vương được tiết lộ đã "tức giận và thất vọng" trước những hành động của Blair, đặc biệt là những gì bà được chứng kiến là sự thờ ơ đối với các vấn đề nông nghiệp, cũng như cách hành xử quá bình dân (ông yêu cầu Nữ vương gọi ông là "Tony") và khinh thường di sản truyền thống của nước Anh. Người ta đồn rằng Elizabeth đã bày tỏ sự quan tâm đến việc Quân lực Anh đã bị lạm dụng quá đáng, đặc biệt tại Iraq và Afghanistan, cũng như "ngạc nhiên" trước việc Blair thay đổi buổi họp hàng tuần với bà từ chiều thứ 3 sang chiều thứ 4. Bà được cho là đã liên tục nêu lên những vấn đề này với Blair tại cuộc họp của họ, mặc dù bà chưa bao giờ tiết lộ quan điểm của bà về Chiến tranh Iraq[85]. Mối quan hệ giữa Nữ vương và Công tước của Edinburgh với Blair và vợ ông, Cherie, được báo cáo là khá xa cách, khi hai cặp này rất ít khi cùng xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, Elizabeth rõ ràng ngưỡng mộ những nỗ lực của Blair trong việc giành được hòa bình tại Bắc Ireland[86].
Năm 2005, bà là quân vương Canada đầu tiên phát biểu tại Hội đồng Lập pháp Alberta; và vào năm 2007, là quân vương Anh đầu tiên phát biểu tại Đại hội đồng Virginia. Nữ vương và Công tước xứ Edinburgh đã tổ chức ngày kỷ niệm 60 năm ngày cưới vào năm 2007, với buổi lễ đặc biệt tại Tu viện Westminster và bữa tối riêng tư do Hoàng tử Charles tổ chức tại Clarence House vào ngày 19 tháng 11, và vào hôm sau (đúng ngày kỷ niệm) một bữa dạ tiệc với các thành viên của Vương tộc, các Thủ tướng các thời kỳ, và những phù dâu và người xách váy còn sống trong tiệc cưới khi xưa. Vào ngày 21 tháng 11, Elizabeth và Philip đi du lịch Malta, nơi các thủy thủ của chiếc tàu Hải quân Hoàng gia đang đậu gần đó đã đứng trên boong xếp thành con số 60.
Vào ngày 20 tháng 3 năm 2008, tại Nhà thờ chính tòa Thánh Patrick, Armagh của Giáo hội Ireland, Nữ vương đã lần đầu tiên tham dự Lễ Maudy được tổ chức bên ngoài Anh và Wales[89].
Elizabeth có thể trở thành nguyên thủ quốc gia Anh sống lâu nhất (vượt qua Richard Cromwell) vào ngày 29 tháng 1 năm 2012, quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử Anh (vượt qua Nữ hoàng Victoria) vào ngày 10 tháng 9 năm 2015 ở tuổi 89, và quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử châu Âu (vượt qua Vua Louis XIV của Pháp) vào ngày 26 tháng 5 năm 2014, khi đó bà được 88 tuổi.
Elizabeth có sức khỏe tốt trong suốt thời kỳ trị vì của mình. Dù bà vẫn được mô tả là có sức khỏe tuyệt vời và rất hiếm khi có bệnh, bà đã trải qua một số vấn đề sức khỏe trong năm 2005–06. Tháng 6 năm 2005, Nữ vương đã hủy vài cuộc hẹn gặp sau khi Cung điện nói rằng bà bị cảm nặng. Vào tháng 10 năm 2006, bà bị vỡ mạch máu ở bên mắt phải, khiến nó có màu đỏ sẫm[90]. Tuy Điện Buckingham không đưa ra bình luận nào, các chuyên gia y tế cho rằng Nữ vương sẽ không phải chịu đau đớn gì cả, và sẽ trở lại bình thường trong vòng một đến hai tuần, không có hư tổn lâu dài. Tuy nhiên, họ cũng nhắc rằng việc vỡ mạch máu, dù là bình thường ở những người lớn tuổi, có thể là dấu hiệu của bệnh cao huyết áp. Vào cuối tháng đó, Nữ vương phải hủy cuộc hẹn khai mạc Sân vận động Emirates mới, vì cơ lưng bị căng khiến bà khó chịu từ cuối kỳ nghỉ của bà ở Lâu đài Balmoral hồi mùa hè[91]. Lưng của Elizabeth khiến mọi người lo lắng nhiều hơn; vào tháng 11 năm 2006, người ta lo rằng Nữ hoàng có thể sẽ không khỏe để mở màn Nghị viện Anh, và mặc dù bà đã tham dự, người ta đã lập kế hoạch cho trường hợp bà vắng mặt. Vào tháng 12, có tin đồn rằng sức khỏe của Elizabeth đã giảm sút khi người ta thấy bà với miếng băng dính trên tay phải, nơi người ta cho là bà có thể đã được tiêm tĩnh mạch, và đặc biệt là với vấn đề về lưng của bà, do bị loãng xương[92]. Tuy nhiên, sau đó người ta biết được rằng miếng băng dính đó là do một trong hai con corgi cắn vào tay bà khi bà tách chúng ra lúc chúng đang cắn nhau[93].
Vào thời điểm sinh nhật lần thứ 80, Nữ vương đã nói rõ rằng bà không có ý định thoái vị[94]. Vài năm vừa qua, cả Vương tử Charles và Công chúa Anna đều đã từng thay mặt mẹ mình trong một số sự kiện như phong tước, và đóng vai trò Cố vấn Quốc gia (đại diện cho triều đình khi Nữ vương đi vắng). Điều này dẫn đến suy đoán trong giới truyền thông Anh rằng Thái tử Charles sẽ bắt đầu đảm nhiệm ngày càng nhiều trọng trách của một quân vương trong khi Elizabeth nghỉ ngơi dần[95]. Tuy nhiên, Điện Buckingham thông báo rằng Elizabeth sẽ tiếp tục phận sự của bà, cả với công chúng lẫn riêng tư, trong tương lai[96].
Trước đó, trong vương triều chỉ mới có Nữ vương Victoria là từng tổ chức đại lễ Kim cương năm 1897 trong lịch sử Anh [97] Canada,[98][99][100] Úc, New Zealand và vài vương quốc khác trong Khối Thịnh vượng chung Anh. Tiếp nối truyền thống của kỳ đại lễ kim cương trước thì Huy chương Kỷ niệm Lễ kim cương của nữ vương Anh Elizabeth II sẽ được trao tặng trong một số quốc gia khác nhau và sẽ tổ chức các ngày lễ, sự kiện lớn trong toàn Khối thịnh vượng chung. Các kế hoạch đã được bàn thảo tại Hội nghị Nguyên thủ Khối thịnh vượng chung vào năm 2011.
Vào những năm 1950, khi còn là một phụ nữ trẻ vừa lên ngôi, Elizabeth được minh họa là một "Nữ vương cổ tích" quyến rũ[104]. Sau chấn thương chiến tranh, đó là thời điểm của sự hy vọng, thời kỳ phát triển và thành tựu được gọi là "thời kỳ Elizabeth mới"[105]. Lời cáo buộc như của Lord Altrincham vào năm 1957 rằng bà là một "cô nữ sinh hợm hĩnh" là một sự chỉ trích cực kỳ hiếm hoi[106]. Vào cuối thập niên 1960, những nỗ lực nhằm mô tả một hình ảnh của một chủ nghĩa quân chủ hiện đại hơn đã được thực hiện trong phim phóng sự truyền hình Royal Family (Gia đình Vương tộc), và bằng cách truyền đi Lễ phong tước Hoàng thân xứ Wales của Thái tử Charles[107]. Vào ngày kỷ niệm 25 năm trị vì của bà, người dân và những lễ hội thực sự rất say mê[108], nhưng vào thập niên 1980 sự chỉ trích của công chúng nhằm vào vương tộc tăng lên, vì đời sống cá nhân và công việc của con cái Elizabeth bị truyền thông xoi mói khá kỹ[109]. Uy tín của Elizabeth thấp nhất trong thập niên 1990; dưới sức ép của công chúng bà bắt đầu lần đầu tiên trả thuế thu nhập, và Điện Buckingham phải mở cửa cho công chúng[80]. Sự bất mãn với chế độ quân chủ lên đến đỉnh điểm với Cái chết của Diana, công nương xứ Wales, và chỉ mất dần khi Nữ hoàng phát biểu truyền hình đến toàn thế giới[80]. Vào tháng 11 năm 1999, cuộc trưng cầu dân ý ở Úc về tương lai của chế độ quân chủ cho kết quả tiếp tục duy trì nền quân chủ[110]. Khi năm Kỷ niệm 50 năm trị vì của bà bắt đầu, giới truyền thông dự đoán xem nó sẽ là một năm thành công hay thất bại[111]. Năm đó bắt đầu một cách u ám bằng cái chết của em gái và mẹ của Elizabeth, nhưng đã có một triệu người tham dự mỗi ngày trong ba ngày lễ kỷ niệm chính ở Luân Đôn[112]. Sự nhiệt tình của công chúng đối với Elizabeth lớn hơn nhiều so với những dự đoán của báo giới[113]. Những cuộc thu thập ý kiến năm 2006 cho thấy người ta ủng hộ Elizabeth mạnh mẽ; đa số người trả lời muốn bà tiếp tục trị vì cho đến khi chết, và nhiều người cảm thấy bà đã trở thành một người thân thuộc[114][115].
Sandringham House và Lâu đài Balmoral là tài sản sở hữu của cá nhân Nữ vương, được thừa kế từ cha khi ông mất, cùng với Đất công tước Lancaster, bản thân nó trị giá 30 triệu bảng và mang lợi thu nhập cá nhân 9,811 triệu bảng cho Nữ vương vào năm 2006. Thu nhập từ Tài sản Vương tộc Anh—có giá trị 7 tỷ bảng—được chuyển sang ngân khố Anh của bà để chi trả cho nhân viên vương tộc. Cả Tài sản Vương tộc và đất Vương tộc Canada—bao gồm 89% (hoặc xấp xỉ 8.885.000 km²)[120] diện tích 9.984.670 km² của Canada—do Elizabeth sở hữu phó thác cho quốc gia vì vai trò Quốc vương của bà, và không được phép bán hoặc sở hữu như tài sản cá nhân.
Vào năm 1995, trong một chiến dịch trưng cầu dân ý về sự ly khai của Quebec, Nữ vương đã bị lừa tiết lộ quan điểm cá nhân về sự ly khai của Quebec khi Pierre Brassard, một DJ cho Đài Radio CKOI-FM Montreal, gọi đến Điện Buckingham giả vờ làm Thủ tướng Canada khi đó Jean Chrétien, và khiến cho Nữ vương Elizabeth tin và nói chuyện trong 14 phút đan xen tiếng Anh và tiếng Pháp. Khi được nói rằng những người ly khai đang dẫn đầu trong cuộc trưng cầu, Elizabeth tiết lộ bà cảm thấy "cuộc trưng cầu đang đi theo hướng sai lầm", và thêm, "nếu tôi bằng cách nào đó có thể giúp, tôi sẽ rất vui lòng". Tuy nhiên, bà nhấn mạnh từ chối chấp nhận lời khuyên từ người đàn ông, mà bà tin là Chrétien, rằng bà nên can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý mà không cần xem bài diễn văn nháp. Nữ vương cuối cùng nghi ngờ có lừa gạt và dừng cuộc nói chuyện, mặc dù tài xử lý khéo léo cuộc gọi của bà đã được Brassard tán dương[125]. Trong hồi ký của mình, Chrétien nhắc lại lời bình luận chế nhạo của Nữ vương đối với ông liên quan đến sự việc này: "'Tôi không nghĩ ông bình thường,' bà nói với tôi, 'nhưng tôi nghĩ, với sức ép mà ông đang phải chịu, có thể ông đang say'"[126].
Thái độ cứng rắn mới này của vương tộc có vẻ có kết quả tốt trong nhiều tháng, nay được nhắc đến trước dịp lễ Giáng sinh, là thời điểm mà các tay săn ảnh có truyền thống lùng kiếm những hình ảnh hoàng gia về nghỉ ngơi tại Sandringham Estate, ở phía Ðông nước Anh. Gia đình vương tộc vốn có rắc rối từ lâu với các nhiếp ảnh gia. Nhiều người tin rằng sự săn đuổi của giới truyền thông đã góp phần vào cái chết của Công nương Diana trong tai nạn xe vào năm 1997. Sau đó, hai Vương tử William và Harry bị chụp hình khi họ vừa từ các hộp đêm đi ra, và bạn gái của William là Kate Middleton cũng bị rượt sát ngay bên ngoài nhà mình.[132]
Năm 2007, phát ngôn viên của Vương tử William có than phiền về hành vi "nguy hiểm" của các tay săn hình. Phát ngôn viên của Thái tử Charles, Paddy Harverson nói với tờ The Sunday Telegraph rằng, thành viên gia đình hoàng gia "cảm thấy họ có quyền được sống riêng tư mỗi khi họ cần đi đây đó hằng ngày, hay có những sinh hoạt riêng tư."[133]
Do thời gian trị vì dài và đi thăm viếng nhiều nơi, Elizabeth đã nhận được rất nhiều huân huy chương từ các quốc gia trên khắp thế giới.
Tương tự, Elizabeth cũng có một số cờ hiệu cá nhân để sử dụng tại một số vương quốc của bà: hai cái tại Vương quốc Anh (một cho Scotland và một cho các khu vực khác), và mỗi cái khác nhau cho Canada, Úc, New Zealand, Jamaica và Barbados. Những cờ này gồm có băng rôn trên đó là Phù hiệu Vương tộc, tất cả đều như vậy ngoại trừ những lá cờ tại Vương quốc Anh, bị xóa đi bằng ký hiệu của Elizabeth: một chữ cái E đội vương miện trong một vòng tròn hoa hồng trên nền xanh. Ký hiệu này cũng được dùng làm cờ cá nhân của Nữ vương với vai trò là Người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, hoặc khi thăm viếng các quốc gia nằm trong Khối nhưng bà không phải là nguyên thủ.
Sóng dùng trong radio có tần số trong khoảng từ 3Hz (dải tần ELF) đến 300 GHz (dải tần EHF). Tuy nhiên, từ dải tần SHF đến EHF, tức là từ tần số 3GHZ đến 300 GHz, bức xạ điện từ này thường gọi là sóng vi ba.
Từ radio còn được dùng để chỉ máy thu thanh - một thiết bị điện tử dùng để nhận về các sóng âm đã được biến điệu qua ăng ten để khuếch đại, phục hồi lại dạng âm thanh ban đầu, và cho phát ra ở loa.
William Henry Ward đưa ra bằng sáng chế Mỹ 126356 vào ngày 30 tháng 8 năm 1872. Mahlon Loomis đưa ra bằng sáng chế Mỹ 129971 vào ngày 30 tháng 7 năm 1872. Landell de Moura, một nhà truyền giáo và khoa học Brasil, tiến hành thí nghiệm sau năm 1893 (nhưng trước 1894). Ông đã không công bố thành tựu mãi cho đến khi 1900. Tuyên bố cho rằng Nathan Stubblefield phát minh ra radio trước cả Tesla lẫn Marconi, nhưng các dụng cụ của ông cho thấy chỉ làm việc với sự truyền cảm ứng hơn là truyền sóng radio.
Phát minh lớn tiếp theo là ống dò chân không, phát minh bởi một đội kĩ sư Westinghouse. Vào đêm Giáng sinh, năm 1906, Reginald Fessenden (sử dụng thuyết heterodin) truyền sóng radio âm thanh đầu tiên trong lịch sử từ Brant Rock, Massachusetts Hoa Kỳ. Thuyền trên biển nhận được sóng phát, trong đó cả Fessenfen chơi bản "O Holy Night" trên đàn violin và đọc một đoạn trong Kinh thánh. Tin tức radio đầu tiên trên thế giới được phát vào ngày 31 tháng 8 năm 1920 bởi đài 8MK ở Detroit, Michigan, Hoa Kỳ và đài phát sóng giải trí đầu tiên bắt đầu năm 1922 từ trung tâm nghiên cứu Marconi ở Writtle gần Chelmsford, Anh.
- Sinh 1920
- Mất 2005
- Giáo hoàng
- Giáo hoàng người Ba Lan
- Chân phước
- Chiến tranh Lạnh
- Người Ba Lan
- Thánh Công giáo Rôma
- Nhà thơ Ba Lan
- Nhà triết học Ba Lan
- Nhà văn Ba Lan
Elizabeth II
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Elizabeth II | |
---|---|
Nữ hoàng Elizabeth II năm 2010 |
|
Nữ vương của Vương quốc Anh, Canada, Australia và các vương quốc Thịnh vượng chung khác | |
Tại vị | 6 tháng 2, 1952 – nay (62 năm, 115 ngày) |
Đăng quang | 2 tháng 6, 1953 |
Tiền nhiệm | George VI |
Thái tử | Charles, Thân vương xứ Wales |
Thông tin chung | |
Phối ngẫu | Thân vương Philip, Công tước xứ Edinburgh kết hôn 1947 |
Hậu duệ | Charles, Thân vương xứ Wales Công chúa Anne Vương tử Andrew, Công tước xứ York Vương tử Edward, Bá tước xứ Wessex |
Tên đầy đủ | Elizabeth Alexandra Mary |
Tước hiệu | HM Nữ hoàng HRH Công chúa Elizabeth, Nữ công tước xứ Edinburgh HRH Công chúa Elizabeth HRH Công chúa Elizabeth xứ York |
Hoàng tộc | Nhà Windsor |
Hoàng gia ca | God Save the Queen |
Thân phụ | George VI |
Thân mẫu | Elizabeth Bowes-Lyon |
Sinh | 21 tháng 4, 1926 Mayfair, Luân Đôn |
Rửa tội | 29 tháng 5 năm 1926 Điện Buckingham, Luân Đôn |
Tôn giáo | Giáo hội Anh & Giáo hội Scotland |
Đối với các định nghĩa khác, xem Elizabeth.
Elizabeth II (Elizabeth Alexandra Mary; sinh vào ngày 21 tháng 4 năm 1926; phát âm: Ê-li-gia-bét II) là đương kim Nữ vương của 16 quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh bao gồm: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Canada, Úc, New Zealand, Jamaica, Barbados, Bahamas, Grenada, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tuvalu, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadies, Antigua và Barbuda, Belize và Saint Kitts và Nevis.
Bà đứng đầu các triều đình riêng rẽ và ngang nhau, thực hiện các nhiệm
vụ cho mỗi quốc gia mà bà là nữ quốc vương, cũng như đóng vai trò là Người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, Lãnh đạo Tối cao Giáo hội Anh, Công tước xứ Normandy, Chúa tể xứ Mann, và Thủ lĩnh Tối cao xứ Fiji. Về lý thuyết quyền lực của bà là rất lớn, tuy nhiên, trên thực tế theo quy ước, bà hiếm khi can dự vào các vấn đề chính trị.Elizabeth trở thành Nữ vương Vương quốc Anh, Canada, Úc, New Zealand, Nam Phi, Pakistan, và Ceylon sau khi phụ thân của bà, vua George VI, qua đời vào ngày 6 tháng 2 năm 1952. Thời gian trị vì suốt 62 năm của bà chứng kiến nhiều sự thay đổi, trong đó có sự giải thể của Đế quốc Anh (một tiến trình bắt đầu từ trước khi bà lên ngôi) và sự phát triển tiếp đó của Khối thịnh vượng chung Anh. Sau khi các thuộc địa khác của Anh giành được độc lập khỏi Vương quốc Anh, bà trở thành nữ vương của một vài quốc gia mới độc lập. Bà cũng là người đã từng trị vì 32 quốc gia riêng biệt, nhưng nay một nửa trong số đó đã trở thành nước cộng hòa.
Elizabeth kết hôn với Vương thân Philip năm 1947. Hai người họ có bốn con, tám cháu và bốn chắt. Bà là một trong những người trị vì lâu nhất nước Anh, chỉ sau nữ vương Victoria (trị vì Vương quốc Anh trong 63 năm, 217 ngày) và xếp trên vua George III (người trị vì Vương quốc Anh trong 59 năm, 96 ngày).
Mục lục
Thời thơ ấu
Elizabeth là con đầu lòng của Vương tử Albert, Công tước xứ York (sau này trở thành Vua George VI), và vợ, bà Elizabeth. Bà được sinh ra nhờ biện pháp mổ lấy thai tại căn nhà số 17 Đường Bruton, Mayfair, Luân Đôn[1], và được rửa tội vào ngày 29 tháng 5 năm 1926 trong nhà thờ riêng của Điện Buckingham dưới sự chủ trì của Tổng giám mục xứ York, Cosmo Lang. Cha mẹ đỡ đầu của bà là ông bà nội Đức vua George V và Vương hậu Mary; cô của bà, Công chúa Mary và Quý bà Elphinstone; ông bác cố, Vương tử Arthur, Công tước xứ Connaught và Strathearn; và bà ngoại, Cecilia Bowes-Lyon, Nữ bá tước Strathmore và Kinghorne. Elizabeth được đặt theo tên của mẹ bà, bà cố Nữ vương Alexandra, và bà ngoại Vương hậu Mary[2] và được những người thân trong gia đình gọi bằng cái tên "Lilibet"[3]. Bà có quan hệ gần gũi với ông nội của mình, và được cho là có công giúp ông hồi phục sau bệnh tật năm 1929[4][5]. Bà có một cô em gái duy nhất là Công chúa Margaret, sinh năm 1930. Hai cô công chúa được dạy tại nhà dưới sự giám sát của mẹ và cô giáo của gia đình, Marion Crawford, người thường được biết đến với tên "Crawfie"[6][7]. Trong sự tức giận của vương tộc, Crawford sau đó đã xuất bản một cuốn tiểu sử ghi lại thời thơ ấu của Elizabeth và Margaret có tựa đề The Little Princesses (Những cô công chúa nhỏ). Cuốn sách mô tả tình yêu cùa Elizabeth với ngựa và chó, tính ngăn nắp của bà, và rất có trách nhiệm[8]. Những người khác cũng đồng tình với nhận xét này. Winston Churchill đã mô tả Elizabeth khi bà được hai tuổi là "một nhân cách. Cô bé phảng phất uy quyền và chín chắn đáng ngạc nhiên trong một đứa trẻ."[9] Chị họ của bà, Margaret Rhodes, mô tả bà là "một cô bé vui vẻ, nhưng có ý thức và có giáo dục"[10].Người thừa kế ngai vàng
Là cháu gái xem quốc vương là ông nội, Elizabeth nhận được danh hiệu Công chúa Anh, với tước hiệu Her Royal Highness, tước hiệu đầy đủ là Her Royal Highness Công chúa Elizabeth xứ York. Khi sinh ra, bà là người thứ ba trong danh sách kế vị ngai vàng, sau bác của mình, Vương tử Edward, Thân vương xứ Wales, và cha bà. Mặc dù việc bà được sinh ra có được công chúng chú ý, không ai có lý do để tin rằng bà sẽ trở thành nữ vương, vì mọi người khi đó đều cho rằng Thân vương xứ Wales sẽ cưới vợ và sinh con[11]. Vào năm 1936, khi ông nội của bà, Đức vua, băng hà và người bác Edward của bà nối ngôi, bà trở thành người kế vị thứ hai sau cha mình. Vào cuối năm đó, Edward thoái vị và cha bà trở thành vua. Elizabeth từ đó trở thành người thừa kế ngai vàng, và do đó được gọi là Her Royal Highness Công chúa Elizabeth.Elizabeth học môn lịch sử lập hiến với Ngài Henry Marten, Phó hiệu trưởng Đại học Eton[12], và tôn giáo với Tổng giám mục xứ Canterbury[13]. Bà học các ngôn ngữ hiện đại, và hiện nay vẫn nói tiếng Pháp trôi chảy[14]. Một đoàn Hướng đạo nữ, Đoàn Cung điện Buckingham số 1, được thành lập đặc biệt để Elizabeth có thể giao tiếp với những cô gái cùng lứa tuổi. Bà đoạt được phù hiệu thông dịch viên, bơi lội, múa, cưỡi ngựa, đầu bếp, chăm sóc trẻ, và may vá, và sau này trở thành người đứng đầu tội tuần tra của Nhóm tuần tra Swallow Patrol. Sau đó bà được tuyển làm Hướng đạo sinh biển và vào năm 1946, trở thành Trưởng hướng đạo sinh của Hướng đạo sinh lớn Đế quốc Anh, một nhánh dành cho người trưởng thành của Hướng đạo sinh nữ[15]. Nữ vương đến nay vẫn tham gia Hướng đạo và làm người bảo trợ cho Liên đoàn Hướng đạo từ năm 1952[16].
Vào năm 1939, Chính phủ Canada muốn Elizabeth tháp tùng cha mẹ trong chuyến đi thăm Canada. Tuy nhiên, Đức Vua đã quyết định không thực hiện điều này, nói rằng con gái ông còn quá trẻ để tham dự vào chuyến đi thăm căng thẳng như vậy, cuối cùng kéo dài đến hơn 1 tháng[17]. Elizabeth có thể đã gặp người chồng tương lai của mình, Vương tử Philip của Hy Lạp và Đan Mạch vào năm 1934 và 1937[18]. Sau một cuộc gặp gỡ khác tại Đại học Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth tháng 7 năm 1939, Elizabeth, dù khi đó chỉ mới 13 tuổi, đã đem lòng yêu mến Philip, và họ bắt đầu thư từ cho nhau[19].
Đệ nhị thế chiến
Vào tháng 9 năm 1939, Đệ nhị thế chiến bùng nổ. Elizabeth và em gái, Margaret, ở tại Lâu đài Balmoral, Scotland, từ tháng 9 đến Giáng sinh năm 1939, rồi chuyển sang Nhà Sandringham, Norfolk. Vào tháng 5 năm 1940, họ chuyển tới Lâu đài Windsor và ở đó trong gần hết năm năm tiếp theo. Đã có người đề nghị di tản hai công chúa sang Canada, nơi họ cùng với cha mẹ mình sẽ sống tại Lâu đài Hatley ở British Columbia. Kế hoạch này chưa bao giờ thành hiện thực; để đáp lại lời đề nghị này, mẹ của Elizabeth đã nói một câu nói nổi tiếng: "Những đứa trẻ sẽ không đi đâu hết nếu không có tôi. Tôi sẽ không đi khỏi mà không có Đức Vua. Và Đức Vua sẽ không bao giờ ra đi"[20]. Những đứa trẻ vẫn tiếp tục ở lại Windsor, tại đó chúng đã diễn kịch pantomime vào Giáng sinh, trước gia đình và bạn bè được mời tới, cùng với những đứa con trong nhân viên Nội trợ Hoàng gia. Cũng từ Windsor mà Elizabeth, vào năm 1930, đã có buổi phát thanh đầu tiên qua chương trình Children's Hour của BBC, gửi đến những đứa trẻ đang di tản khỏi các thành phố. Bà đã nói:Chúng tôi đang cố gắng làm tất cả những gì chúng tôi có thể để giúp đỡ những thủy thủ, quân nhân và phi công dũng cảm, và chúng cũng đang cố gắng chịu đựng một phần nguy hiểm và buồn bã của cuộc chiến. Chúng tôi, mỗi một người, biết rằng cuối cùng rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp.[17]Trong những năm Elizabeth ở Windsor, chuyên gia lập hiến Edward Iwi đã lên các kế hoạch để cho một thành viên của Hoàng gia xuất hiện ở Wales, nhằm dẹp yên ảnh hưởng của phong trào quốc gia đang lên Plaid Cymru[21]. Trong một báo cáo gửi đến Thư ký Nội vụ Hoàng gia Herbert Morrison, Iwi đề nghị chỉ định Elizabeth là Cảnh sát của Lâu đài Caernarfon (vị trí mà David Lloyd George đang nắm giữ) và là người bảo hộ của Urdd Gobaith Cymru, và đi đến Wales với danh nghĩa đó[21]. Ý tưởng này được Thư ký Nội vụ bác bỏ, dựa trên cơ sở nó có thể gây ra bất hòa giữ bắc và nam Wales; và bởi cả Đức Vua, người từ chối bắt đứa con gái nhỏ của mình phải chịu áp lực bởi các chuyến đi công cán[21]; và của chính phủ, vì hai thành viên lãnh đạo của Urdd Gobaith Cymru được phát hiện ra là những người từ chối nhập ngũ có chủ đích.[21]
Vào năm 1945, Elizabeth tháp tùng cha mẹ đến thăm nhân viên quân đội của Khối thịnh vượng chung, và bắt đầu thực hiện các công tác một mình, như xem cuộc diễu hành của các nữ phi công[17]. Bà gia nhập Đội quân Lãnh thổ Bổ trợ Phụ nữ, với số hiệu 230873 Đại úy thứ hai Elizabeth Windsor. Bà được huấn luyện để trở thành tài xế và thợ cơ khí, lái một chiếc xe tải quân sự, và tiến đến cấp bậc Tư lệnh cấp thấp[22]. Hiện nay bà là "người đứng đầu quốc gia còn sống duy nhất đã từng mặc quân phục trong Đệ nhị thế chiến"[23].
Đến cuối cuộc chiến ở châu Âu, vào ngày Chiến thắng trong Ngày châu Âu, Elizabeth và em gái bà đã hòa mình một cách ẩn danh vào đám đông ăn mừng trên đường phố Luân Đôn. Sau này bà đã nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, "chúng tôi xin phép cha mẹ để được ra ngoài và tự mắt mình chứng kiến. Tôi nhớ là chúng tôi đã rất sợ bị nhận ra ... Tôi nhớ nhiều hàng người không biết mặt nhau đã nắm tay và đi dọc xuống Whitehall, tất cả chúng tôi chỉ biết khóc trong ngập tràn hạnh phúc và nhẹ nhõm"[24]. Hai năm sau, Công chúa thực hiện chuyến đi ra nước ngoài chính thức đầu tiên, khi bà tháp tùng cha mẹ đến phía Nam châu Phi. Vào sinh nhật lần thứ 21, trong một buổi phát thanh đến Khối thịnh vượng chung Anh từ Nam Phi, bà bảo đảm: "Tôi tuyên bố trước tất cả mọi người rằng toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ dành phục vụ các bạn và phục vụ cho hoàng gia vĩ đại mà tất cả chúng đều thuộc về"[25].
Kết hôn
Elizabeth kết hôn với Philip vào ngày 20 tháng 11 năm 1947. Cặp đôi này là cháu gọi Đức Vua Christian IX của Đan Mạch bằng bác họ và họ hàng ba đời với Nữ vương Victoria. Trước khi kết hôn, Philip đã từ bỏ tước hiệu Hy Lạp và Đan Mạch của ông, và sử dụng danh hiệu Trung úy Philip Mountbatten, lấy theo họ mẹ. Ngay trước lễ cưới, ông được phong tước Công tước xứ Edinburgh và được trao cho danh hiệu His Royal Highness.Lễ cưới diễn ra không phải là suôn sẻ: Philip theo Chính thống giáo Hy Lạp, không có địa vị tài chính, và có các chị em gái kết hôn với những quý tộc Đức có liên hệ với Đức quốc xã. Mẹ của Elizabeth, trong những cuốn tự truyện về sau, được nói rằng đã phản đối mối lương duyên này, thậm chí còn gọi Philip là thằng Đức (The Hun)[26]. Tuy nhiên, Khối thịnh vượng chung chưa hoàn toàn hồi phục sau chiến tranh; nên Công chúa đã phải để dành các phiếu được phân phối để mua vật liệu may váy cưới[27], do Norman Hartnell thiết kế[28]. Lễ cưới được xem là tia hy vọng đầu tiên của sự tái sinh sau chiến tranh. Elizabeth và Philip nhận được 2.500 món quà cưới từ khắp nơi trên thế giới. Tại lễ cưới, phù dâu của Elizabeth là em gái; em họ, Công chúa Alexandra xứ Kent; Lady Caroline Montagu-Douglas-Scott, chị em bạn dì với Công chúa; Công chúa Alice, Nữ công tước xứ Gloucester; chị em con chú họ, Lady Mary Cambridge; Lady Elizabeth Mary Lambart (nay là Longman), con gái của Frederick Lambart, Bá tước xứ Cavan; The Honourable Pamela Mountbatten (nay là Hicks), chị họ của Philip; và chị họ bên phía mẹ, The Honourable Margaret Elphinstone (nay là Rhodes) và The Honourable Diana Bowes-Lyon (nay là Somervell)[29]. Cậu bé xách váy cho bà là em con chú của bà, Vương tử William xứ Gloucester và Vương tử Michael xứ Kent[29]. Ở nước Anh hậu chiến, không có bất kỳ họ hàng người Đức nào của Công tước xứ Edinburgh được phép tham dự lễ cưới, gồm có ba người chị gái còn sống của Philip. Cô của Elizabeth, Công chúa Mary, từ chối tham dự vì anh trai của bà, Công tước xứ Windsor (người thoái vị năm 1936), không được mời vì lý do bên nhà chồng; bà lấy lý do sức khỏe làm lý do chính thức không đến dự tiệc cưới[30].
Elizabeth sinh hạ con trai đầu lòng, Vương tử Charles, vào ngày 14 tháng 11 năm 1948, vài tuần sau khi vua cha trao giấy chứng nhận đặc quyền cho phép con cái bà được hưởng địa vị vương tộc, mà nếu không họ sẽ không được phong tước[31]. Mặc dù vương tộc có tên là Windsor, một sắc lệnh của Vua Anh ban hành năm 1960 nói rằng dòng dõi nam phái của Elizabeth II và Hoàng thân Philip nếu không phải là vương tử và công chúa của Vương quốc Anh thì sẽ mang họ Mountbatten-Windsor[32]. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả con cái của họ đều lấy họ Mountbatten-Windsor. Đứa con thứ hai, Công chúa Anne, sinh vào năm 1950.
Sau lễ cưới, cặp vợ chồng thuê chỗ ở đầu tiên của mình, Windlesham Moor, cho đến ngày 4 tháng 7 năm 1949[29], khi họ chuyển sang sinh sống tại Clarence House. Tuy nhiên, trong nhiều khoảng thời gian khác nhau từ năm 1949 đến 1951, Công tước xứ Edinburgh đóng quân ở Malta (vào thời điểm đó là Đất bảo hộ của Anh) với vai trò sĩ quan Hải quân Hoàng gia. Ông và Elizabeth thỉnh thoảng sống vài tháng ở thôn Gwardamangia ở Malta, tại Làng Gwardamangia, ngôi nhà mướn lại từ Louis Mountbatten, Bá tước Mountbatten xứ Miến Điện. Trong những lần gặp nhau ở Malta, những đứa trẻ vẫn ở lại nước Anh[33].
Cai trị
Lên ngôi
Sức khỏe của Vua George VI yếu đi trong năm 1951, và Elizabeth bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong những sự kiện công cộng thay thế cho cha mình. Vào tháng 10 năm đó, bà có chuyến thăm đến Canada, và viếng thăm Tổng thống Hoa Kỳ, Harry S. Truman, tại Washington, D.C.; trong chuyến thăm đó, Công chúa đã mang theo mình bản thảo tuyên bố lên ngôi phòng khi Đức Vua qua đời khi bà không có mặt ở Vương quốc Anh[17][34]. Vào đầu năm 1952, Elizabeth và Philip có chuyến thăm đến Úc và New Zealand đi qua Kenya. Tại Sagana Lodge, cách Nairobi 100 dặm về phía bắc, tin dữ về cái chết của vua cha đến tai Elizabeth vào ngày 6 tháng 2. Philip là người báo tin này cho nữ vương mới[35]. Martin Charteris, khi đó Thư ký Trợ lý riêng của bà, đã hỏi bà muốn chọn tên gì để làm niên hiệu, và được bà trả lời: "Elizabeth, tất nhiên"[36]. Elizabeth tuyên bố trở thành nữ vương tại nhiều quốc gia nơi bà được thừa kế ngai vàng, và đoàn vương tộc nhanh chóng quay lại Vương quốc Anh. Tân Nữ vương và Công tước Edinburgh chuyển sang sống tại Điện Buckingham.Trong chuẩn bị cho lễ đăng quang, Công chúa Margaret thông báo với chị mình rằng cô muốn kết hôn với Peter Townsend, một thường dân đã ly dị lớn hơn Margaret 16 tuổi, và có hai đứa con riêng. Nữ vương yêu cầu họ chờ thêm một năm; mà theo lời của Martin Charteris, "Nữ vương rất đồng cảm với Công chúa, nhưng tôi cho rằng bà đã nghĩ – bà hy vọng – với thời gian, mối tình này rồi sẽ phôi phai". Sau khi bị sự phản đối của các thủ tướng trong Khối thịnh vượng chung, và lời đe dọa từ chức của một bộ trưởng Anh quốc nếu Margaret và Townsend kết hôn, Công chúa đã quyết định từ bỏ ý định[37].
Dù bà nội của Nữ vương là Vương hậu Mary mất vào ngày 24 tháng 3 năm 1953, lễ đăng quang của Nữ vương vẫn được tiến hành tại Tu viện Westminster vào ngày 2 tháng 6 năm 1953, theo ước nguyện của Mary. Toàn bộ buổi lễ, ngoại trừ lễ xức dầu và ban thánh thể, đã được truyền hình khắp Khối thịnh vượng chung, và ước đoán có khoảng 20 triệu người xem ở Anh, và 12 triệu người khác theo dõi qua radio[38]. Elizabeth mặc áo dài do Norman Hartnell thiết kế, có đính những biểu tượng hoa của các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung: hoa hồng Tudor của nước Anh, cây kế của Scotland, tỏi tây của Wales, cây lá chụm hoa của Ireland, cây keo của Úc, lá phong của Canada, dương xỉ của New Zealand, protea của Nam Phi, hai đóa hoa sen đại diện cho Ấn Độ và Ceylon, và cây lúa mì, cây bông, và cây đay của Pakistan[39].
Gia đình Hoàng gia Anh |
---|
HM Nữ hoàng HRH Công tước xứ Edinburgh
|
Sự phát triển của Khối thịnh vượng chung
-
Xem thêm tại [[Khối Thịnh vượng chung Anh, Triều đình Khối thịnh vượng chung, và George VI của Anh]]
Vào năm 1956, Thủ tướng Pháp Guy Mollet và Thủ tướng Anh Ngài Anthony Eden đã bàn về khả năng Pháp liên minh với Vương quốc Anh; một trong những ý tưởng đó là Elizabeth sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia của Pháp. Mollet "đã cho rằng không có khó khăn gì khi chấp nhận sự lãnh đạo của Đức Vương thượng"[43]. Lời đề nghị này chưa bao giờ được chấp nhận, và vào năm sau đó, Pháp đã ký Hòa ước Roma[43]. Vào tháng 11 năm đó, Anh và Pháp xâm lược Ai Cập trong một nỗ lực không thành cuối cùng nhằm chiếm giữ kênh đào Suez. Bá tước Mountbatten xứ Miến Điện đã tuyên bố rằng Nữ vương phản đối cuộc xâm lược, mặc dù Thủ tướng Eden phue nhận nó. Eden đã từ chức hai tháng sau đó[44].
Sự thiếu vắng một cơ chế nghi thức trong Đảng Bảo thủ nhằm chọn ra một vị lãnh đạo có nghĩa là, sau khi Eden từ chức, Nữ vương có toàn quyền quyết định người thành lập chính phủ. Eden khuyên Elizabeth tham vấn Lord Salisbury (Chủ tịch Hội đồng Mật viện). Lord Salisbury và Lord Kilmuir (Đại pháp quan) đã tham vấn Nội các, Winston Churchill và Chủ tịch Ủy ban 1922, kết quả là Nữ vương đã chỉ định ứng cử viên do họ đề xuất: Harold Macmillan. Sáu năm sau, đến phiên Macmillan từ chức và khuyên Nữ vương chỉ định Bá tước xứ Home làm Thủ tướng, bà cũng làm theo lời khuyên này. Trong cả hai năm 1957 và 1963, Nữ hoàng đã chịu sự chỉ trích vì đã chỉ định Thủ tướng theo lời khuyên của một nhóm nhỏ bộ trưởng, hoặc chỉ theo lời một người duy nhất. Vào năm 1965, Đảng Bảo thủ đã đưa vào cơ chế nghi thức để chọn người đứng đầu, vì vậy bà không còn phải làm nhiệm vụ này nữa[44].
Cuộc khủng hoảng Suez và sự lựa chọn người kế nhiệm Eden đã dẫn đến sự chỉ trích thực sự đầu tiên vào cá nhân Nữ vương vào năm 1957. Trong một tạp chí do [45] Lord Altrincham sở hữu và biên tập, ông cáo buộc bà là "xa cách"[46]. Altrincham đã bị những nhân vật nổi tiếng lên án và bị một số người hành hung vì tức giận với lời phát biểu của ông[47]. Bà có chuyến viếng thăm đến Hoa Kỳ vào năm đó, và có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc[48]. Cũng trong dịp đó bà đã khai mạc Nghị viện Canada thứ 23, trở thành vị quân vương Canada đầu tiên khai mạc một phiên nghị viện. Hai năm sau, bà lại đến thăm Canada và Hoa Kỳ. Vào năm 1962, bà đến Síp, Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Iran[49]. Trong chuyến thăm Ghana, bà đã từ chối giữ khoảng cách với Tổng thống Kwame Nkrumah, dù ông là mục tiêu của những kẻ ám sát. Harold Macmillan khi đó đã viết: "Nữ vương hoàn toàn quyết đoán trong chuyện đó. Bà cảm thấy thiếu kiên nhẫn với thái độ xem bà như... một ngôi sao điện ảnh... Bà đã thực sự là 'trái tim và dạ dày của một người đàn ông'... Bà yêu công việc của mình và xứng đáng là một Nữ hoàng"[50].
Hai lần Elizabeth mang thai Andrew và Edward, năm 1959 và 1963, là những lần duy nhất Elizabeth không xuất hiện để khai mạc Nghị viện khi bà trị vì. Bà đã ủy nhiệm quyền đó cho Đại pháp quan. Elizabeth đã khai mạc đường dây điện thoại xuyên Đại Tây Dương đầu tiên của Canada (một phần trong số đó đã được điều chỉnh để kết nổi tất cả các quốc gia Khối thịnh vượng chung với nhau) năm 1961, với việc gọi cho Thủ tướng Canada, John Diefenbaker, từ Điện Buckingham và nói "Ông có đó không, ông Thủ tướng?"[51]. Vào năm 1965, Thủ tướng Rhodesia Ian Smith đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc. Mặc dù Nữ hoàng đã cách chức Smith trong một tuyên bố chính thức và cộng đồng quốc tế áp lệnh trừng phạt cho Rhodesia, chế độ của Smith vẫn tồn tại thêm 11 năm nữa[52].
Vào năm 1969, Elizabeth đã gửi một trong 73 Thông điệp Chúc mừng Apollo 11 đến NASA do sự kiện lịch sử lần đầu tiên đổ bộ lên Mặt Trăng; thông điệp này được khắc lên một đĩa silicon nhỏ hiện vẫn nằm trên Mặt Trăng. Sau đó bà đã gặp phi hành đoàn trong chuyến đi thăm các nước trên thế giới của họ[14]. Vào năm 1976, bà trở thành quân vương đầu tiên gửi thư điện tử[53].
Vào tháng 2 năm 1974, một kết quả tổng tuyển cử bất phân thắng bại của Anh dẫn tới việc, về lý thuyết, Thủ tướng sắp mãn nhiệm, Edward Heath, người thuộc đảng thắng đa số phiếu phổ thông, có thể tiếp tục tại vị nếu ông hình thành một chính phủ liên minh với Đảng Tự do. Thay vì lập tức từ chức Thủ tướng, Heath đã xem xét lựa chọn này, và chỉ từ chức sau khi cuộc thảo luận để hình thành chính phủ liên hiệp thất bại, sau đó Nữ vương đã yêu cầu Thủ lĩnh Phe đối lập, Harold Wilson của Đảng Lao động, thành lập chính phủ[54].
Một năm sau, tại cao trào của cuộc khủng hoảng lập hiến Úc 1975, Thủ tướng Gough Whitlam bị Toàn quyền Ngài John Kerr bãi nhiệm khi đề xuất ngân sách của Whitlam bị Thượng viện do phe đối lập điều khiển bác bỏ[55]. Phát ngôn viên Hạ viện Úc, Gordon Scholes, đã thay mặt hạ viện thỉnh cầu Nữ vương đảo ngược quyết định của Kerr, trên cơ sở Đảng Lao động của Whitlam vẫn nhận được sự tín nhiệm của quốc hội. Elizabeth từ chối, cho rằng việc can thiệp vào chính trường là không thích hợp đối với bà mà theo Hiến pháp Úc nó là quyền hạn của Toàn quyền[56]. Cuộc khủng hoảng này đã kích thích chủ nghĩa cộng hòa ở Úc[55].
Lễ kỷ niệm 25 năm
Năm 1977, Elizabeth đánh dấu Lễ kỷ niệm 25 năm trị vì[57]. Nhiều sự kiện được tổ chức ở các quốc gia khác nhau trong chuyến thăm đến các nước thuộc Khối thịnh vượng chung của Nữ vương, trong đó có lễ tạ ơn tại Nhà thờ chính tòa Thánh Phao-lô trong đó có sự tham dự của các chức sắc quý tộc và các nguyên thủ quốc gia khác. Những bữa tiệc đã được tổ chức trên khắp các vương quốc Khối thịnh vượng chung, đỉnh điểm là một vài Ngày kỷ niệm (Jubilee Days) ở Vương quốc Anh, vào tháng 6. Tại Anh quốc, những con tem kỷ niệm đã được phát hành. Đường Lễ kỷ niệm 25 năm (Jubilee Line) tại Tàu điện ngầm Luân Đôn (dù đến năm 1979 mới mở cửa) được đặt theo tên của lễ kỷ niệm này, cũng như một vài địa điểm và không gian công cộng khác, như Vườn Jubilee ở Bờ Nam Luân Đôn. Tại Canada, Huy hiệu Kỷ niệm 25 năm trị vì Nữ hoàng Elizabeth II đã được phát hành. Năm 1978, bà đón nhận chuyến thăm của vị lãnh tụ cộng sản Rumani, Nicolae Ceauşescu[58], và năm sau là hai xảy ra hai sự kiện lớn: một là việc phát hiện ra Anthony Blunt, Thanh tra Bộ tranh của Nữ hoàng, là một điệp viên cộng sản; vụ còn lại vụ ám sát người họ hàng bên chồng Bá tước Mountbatten xứ Miến Điện do Quân đội Cộng hòa Ireland Lâm thời thực hiện[59].Theo Paul Martin, Sr., vào cuối thập niên 1970 Nữ vương rất lo lắng rằng Vương tộc "không còn mấy ý nghĩa" đối với Thủ tướng Canada Pierre Trudeau[60]. Tony Benn nói rằng Nữ vương nhận thấy Trudeau "khá thất vọng"[60][61]. Điều này có thể là do những trò khôi hài của ông, như trượt xuống lan can tại Điện Buckingham hay múa xoay tròn sau lưng bà vào năm 1977[60], cũng như tước bỏ nhiều biểu tượng hoàng gia Canada trong nhiệm kỳ của ông[60]. Martin—cùng với John Roberts và Mark MacGuigan—được cử tới Anh năm 1980 để bàn về việc thay đổi Hiến pháp Canada. Nữ hoàng rất quan tâm đến cuộc tranh luận về hiến pháp, đặc biệt sau sự thất bại của Bill C-60, có thể ảnh hưởng đến vai trò nguyên thủ của bà. Tất cả các bên đều nhận thấy Nữ vương "được báo cáo cặn kẽ về nội dung và chính trị của trường hợp hiến pháp Canada hơn bất kỳ chính trị gia hoặc nhân viên chính phủ nào"[60]. Kết quả của việc thay đổi hiến pháp là vai trò của nghị viện Anh trong hiến pháp Canada bị xóa bỏ, nhưng ngôi quốc vương thì vẫn được duy trì. Trudeau nói trong hồi ký của ông: "Nữ vương đã ủng hộ nỗ lực cải cách Hiến pháp của tôi. Tôi luôn ấn tượng không chỉ bởi phong thái của bà trước công chúng, mà còn bởi trí tuệ mà bà thể hiện trong những cuộc đối thoại riêng tư"[62].
Thập niên 1980
Sự dũng cảm của Elizabeth, cùng tài nghệ cưỡi ngựa của bà đã được thể hiện trong buổi lễ Trooping the Colour hàng năm năm 1981[63]. Sáu phát súng nhắm vào bà từ khoảng cách gần khi bà đang cưỡi ngựa dọc theo The Mall. Bà vẫn điều khiển con ngựa Burmese của mình đi tiếp. Các nhà báo đã vô cùng ngạc nhiên trước vụ tấn công vào mạng sống Nữ hoàng, cho dù sau đó người ta điều tra được đó chỉ là những phát súng chỉ thiên. Hạ viện Canada ấn tượng với màn trình diễn của Nữ hoàng đến nỗi họ đã thông qua văn bản ca ngợi sự điền tĩnh của bà[50]. Vào năm sau đó, Nữ hoàng lại gặp một tình huống nguy hiểm khi bà thức dậy trong phòng ngủ ở Điện Buckingham và thấy một người lạ, Michael Fagan, đang ở trong phòng của bà. Vẫn bình tĩnh, trong khoảng mười phút, và qua hai cú điện thoại đến tổng đài cảnh sát của cung điện, Elizabeth đã nói chuyện với Fagan khi tên này đang ngồi ở chân giường cho đến khi trợ lý của bà ập đến[64]. Từ tháng 4 đến tháng 9 năm đó, Nữ hoàng rất lo lắng[65] nhưng tự hào[66] về con trai của bà, Hoàng tử Andrew, người đang phục vụ trong quân đội Anh trong Chiến tranh Falklands. Mặc dù bà đã từng đón Tổng thống Ronald Reagan tại Lâu đài Windsor năm 1982, và đến thăm trang trại của ông ở California năm 1983, bà vẫn biểu lộ sự tức giận khi chính quyền ông này ra lệnh xâm lược Grenada, một trong những vương quốc của bà ở Caribe[67].Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Anh Quốc Margaret Thatcher vào thập niên 1980, có lời đồn rằng Elizabeth lo ngại rằng chính sách kinh tế của Thatcher sẽ thúc đẩy sự phân hóa xã hội, và được báo động về tình trạng thất nghiệp cao, một loạt vụ bạo động, tình trạng bạo lực trong một cuộc biểu tình của thợ mỏ[68], và sự từ chối thi hành sắc lệnh chống lại chế độ apartheid ở Nam Phi của Thatcher[69]. Thatcher đã nói với Brian Walden, "Nữ vương là loại phụ nữ có thể sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Xã hội"[68]. Những báo cáo về mối quan hệ căng thẳng giữa Elizabeth và Thatcher trong suốt thời kỳ này đánh giá khác nhau về sự khác biệt giữa hai người và mức độ căng thẳng do khác biệt về chính sách, hoặc sự xung đột tính cách[70]. Thái độ của Nữ hoàng đối với Thatcher thậm chí còn được mô tả là "ghét cay ghét đắng"[71]. Mặc cho những suy đoán như vậy, Thatcher sau này vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ Nữ vương, và thể hiện niềm tin rằng cái ý tưởng về sự xung đột giữa hai người chỉ là sự bịa đặt vì họ đều là phụ nữ với nhau. Trong bộ phim phóng sự của BBC Queen & Country (Nữ vương và Đất nước), Thatcher đã mô tả Nữ vương là "tuyệt diệu" và là một "quý bà hoàn hảo" "luôn biết mình phải nói cái gì", cụ thể là ám chỉ cuộc họp cuối cùng với vai trò thủ tướng với Elizabeth[72]. Trái ngược với những báo cáo về sự thù địch giữa hai người, sau khi Thatcher không tham gia chính trị nữa, Elizabeth đã phong cho bà hai món quà cá nhân từ nữ vương: Order of Merit và Order of the Garter[73]. Cả Nữ vương và hoàng thân Philip đều tham dự tiệc sinh nhật lần thứ 80 của Thatcher.
Vào năm 1991, bà trở thành quân vương Anh đầu tiên đọc diễn văn trước buổi họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ. Năm sau, bà cố gắng cứu vớt sự hôn nhân thất bại của con trưởng của bà, Charles, bằng cách khuyên nhủ ông và vợ, Diana, Công nương xứ Wales, hàn gắn sự khác biệt giữa họ[74]. Bà không thành công, và cặp vợ chồng đã chính thức ly thân.
Năm tồi tệ
Nữ vương đã gọi năm 1992 là một "năm tồi tệ" (nguyên văn: annus horribilis) của bà trong bài phát biểu ngày 24 tháng 11 năm 1992. Đây là năm chứng kiến con gái của bà ly dị, một đứa con trai ly thân và đứa khác gặp trục trặc trong hôn nhân. Lâu đài Windsor bị thiệt hại nặng sau vụ cháy, và chế độ quân chủ ngày càng bị chỉ trích và bị công chúng dòm ngó[75]. Trong bài phát biểu cá nhân khá bất thường, bà nói rằng bất kỳ một thể chế nào cũng phải đón nhận sự chỉ trích nhưng lại đặt câu hỏi, "Không thể nào làm [chỉ trích] mà không có tí hài hước, lịch sự và thấu hiểu được hay sao?"[76]Vào những năm tiếp theo, tình trạng hôn nhân của Charles và Diana càng bị tiết lộ ra công chúng nhiều hơn[77]. Cuối cùng, sau khi tham vấn Thủ tướng Anh John Major, Tổng giám mục xứ Canterbury George Carey, thư ký riêng Robert Fellowes của Nữ vương, và phu quân, bà đã viết thư gửi cho cả Charles và Diana nói rằng giờ đây ly dị là điều cần thiết[78]. Một năm sau khi ly dị, Diana chết trong một vụ tai nạn xe hơi ở Paris vào ngày 31 tháng 8 năm 1997. Vào thời điểm đó, Nữ vương đang đi nghỉ ở Balmoral với con trai và các cháu. Với niềm thương tiếc, hai đứa con trai của Diana muốn tham dự lễ nhà thờ, vì vậy ông bà nội chúng đã đưa chúng đi ngay vào sáng hôm đó[79]. Trong năm ngày, Nữ vương và Công tước đã bảo vệ những đứa cháu của họ khỏi sự tò mò của đám phóng viên bằng cách lưu chúng lại Balmoral nơi chúng có chốn riêng tư để buồn nhớ[79][80]. Sự ẩn dật của vương tộc khiến công chúng mất tinh thần[81]. Chịu áp lực từ gia đình, bạn bè, tân Thủ tướng Anh Tony Blair, và phản ứng từ công chúng, Nữ vương đã đồng ý có buổi phát sóng trực tiếp cho thế giới vào ngày 5 tháng 11[82]. Trong buổi truyền hình đó, bà bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Diana, và cảm xúc "của một người bà" đối với hai vương tử William và Harry[83]. Thái độ của công chúng đã thay đổi từ tiêu cực sang kính trọng sau buổi phát hình đó[83].
Ban đầu người ta cho rằng Elizabeth có mối quan hệ rất tốt với Tony Blair, trong năm năm đầu tiên ông làm Thủ tướng từ 1997 đến 2002. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy mối quan hệ của họ xấu dần qua năm tháng[84], cho đến tháng 5 năm 2007, Nữ vương được tiết lộ đã "tức giận và thất vọng" trước những hành động của Blair, đặc biệt là những gì bà được chứng kiến là sự thờ ơ đối với các vấn đề nông nghiệp, cũng như cách hành xử quá bình dân (ông yêu cầu Nữ vương gọi ông là "Tony") và khinh thường di sản truyền thống của nước Anh. Người ta đồn rằng Elizabeth đã bày tỏ sự quan tâm đến việc Quân lực Anh đã bị lạm dụng quá đáng, đặc biệt tại Iraq và Afghanistan, cũng như "ngạc nhiên" trước việc Blair thay đổi buổi họp hàng tuần với bà từ chiều thứ 3 sang chiều thứ 4. Bà được cho là đã liên tục nêu lên những vấn đề này với Blair tại cuộc họp của họ, mặc dù bà chưa bao giờ tiết lộ quan điểm của bà về Chiến tranh Iraq[85]. Mối quan hệ giữa Nữ vương và Công tước của Edinburgh với Blair và vợ ông, Cherie, được báo cáo là khá xa cách, khi hai cặp này rất ít khi cùng xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, Elizabeth rõ ràng ngưỡng mộ những nỗ lực của Blair trong việc giành được hòa bình tại Bắc Ireland[86].
Lễ kỷ niệm 50 năm trị vì đến nay
Vào năm 2002, Elizabeth đánh dấu lễ kỷ niệm 50 năm từ khi lên ngôi Nữ hoàng[87]. Một lần nữa bà lại tổ chức nhiều cuộc viếng thăm đến các vương quốc của mình, bắt đầu từ Jamaica vào tháng 2, tại đó bà đã gọi bữa tiệc chia tay là "rất đáng nhớ" khi điện bỗng dưng bị cắt khiến cho King's House, nơi ở chính thức của Toàn quyền, rơi vào bóng tối[88]. Mặc dù những buổi lễ ăn mừng của người dân ở Anh có vẻ im ắng hơn so với 25 năm trước, một phần do cái chết của Vương thái hậu và em gái bà vào đầu năm đó, người ta vẫn tổ chức những buổi tiệc đường phố và các sự kiện kỷ niệm ở nhiều địa phương. Cũng như năm 1977, nhiều tượng đài được đặt tên và nhiều món quà được ban phát vì dịp này, trong đó phải kể đến Trung tâm Tân Truyền thông Báo chí Golden Jubilee ở Đại học Sheridan, và Công viên mang tên Nữ hoàng Elizabethn II tỉnh Wildlands, đều ở Canada.Năm 2005, bà là quân vương Canada đầu tiên phát biểu tại Hội đồng Lập pháp Alberta; và vào năm 2007, là quân vương Anh đầu tiên phát biểu tại Đại hội đồng Virginia. Nữ vương và Công tước xứ Edinburgh đã tổ chức ngày kỷ niệm 60 năm ngày cưới vào năm 2007, với buổi lễ đặc biệt tại Tu viện Westminster và bữa tối riêng tư do Hoàng tử Charles tổ chức tại Clarence House vào ngày 19 tháng 11, và vào hôm sau (đúng ngày kỷ niệm) một bữa dạ tiệc với các thành viên của Vương tộc, các Thủ tướng các thời kỳ, và những phù dâu và người xách váy còn sống trong tiệc cưới khi xưa. Vào ngày 21 tháng 11, Elizabeth và Philip đi du lịch Malta, nơi các thủy thủ của chiếc tàu Hải quân Hoàng gia đang đậu gần đó đã đứng trên boong xếp thành con số 60.
Vào ngày 20 tháng 3 năm 2008, tại Nhà thờ chính tòa Thánh Patrick, Armagh của Giáo hội Ireland, Nữ vương đã lần đầu tiên tham dự Lễ Maudy được tổ chức bên ngoài Anh và Wales[89].
Sức khỏe và sự giảm bớt trách nhiệm
Thời gian trị vì của Nữ vương lâu hơn cả bốn đời vua trước cộng lại (Edward VII, George V, Edward VIII, và George VI). Bà là quân vương trị vương quốc Anh lâu thứ hai, lâu thứ hai trong các quân vương hiện đang trị vì một quốc gia độc lập (sau Vua Bhumibol của Thái Lan), và quân vương trị vì nước Anh có số tuổi cao nhất từ trước đến nay.Elizabeth có thể trở thành nguyên thủ quốc gia Anh sống lâu nhất (vượt qua Richard Cromwell) vào ngày 29 tháng 1 năm 2012, quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử Anh (vượt qua Nữ hoàng Victoria) vào ngày 10 tháng 9 năm 2015 ở tuổi 89, và quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử châu Âu (vượt qua Vua Louis XIV của Pháp) vào ngày 26 tháng 5 năm 2014, khi đó bà được 88 tuổi.
Elizabeth có sức khỏe tốt trong suốt thời kỳ trị vì của mình. Dù bà vẫn được mô tả là có sức khỏe tuyệt vời và rất hiếm khi có bệnh, bà đã trải qua một số vấn đề sức khỏe trong năm 2005–06. Tháng 6 năm 2005, Nữ vương đã hủy vài cuộc hẹn gặp sau khi Cung điện nói rằng bà bị cảm nặng. Vào tháng 10 năm 2006, bà bị vỡ mạch máu ở bên mắt phải, khiến nó có màu đỏ sẫm[90]. Tuy Điện Buckingham không đưa ra bình luận nào, các chuyên gia y tế cho rằng Nữ vương sẽ không phải chịu đau đớn gì cả, và sẽ trở lại bình thường trong vòng một đến hai tuần, không có hư tổn lâu dài. Tuy nhiên, họ cũng nhắc rằng việc vỡ mạch máu, dù là bình thường ở những người lớn tuổi, có thể là dấu hiệu của bệnh cao huyết áp. Vào cuối tháng đó, Nữ vương phải hủy cuộc hẹn khai mạc Sân vận động Emirates mới, vì cơ lưng bị căng khiến bà khó chịu từ cuối kỳ nghỉ của bà ở Lâu đài Balmoral hồi mùa hè[91]. Lưng của Elizabeth khiến mọi người lo lắng nhiều hơn; vào tháng 11 năm 2006, người ta lo rằng Nữ hoàng có thể sẽ không khỏe để mở màn Nghị viện Anh, và mặc dù bà đã tham dự, người ta đã lập kế hoạch cho trường hợp bà vắng mặt. Vào tháng 12, có tin đồn rằng sức khỏe của Elizabeth đã giảm sút khi người ta thấy bà với miếng băng dính trên tay phải, nơi người ta cho là bà có thể đã được tiêm tĩnh mạch, và đặc biệt là với vấn đề về lưng của bà, do bị loãng xương[92]. Tuy nhiên, sau đó người ta biết được rằng miếng băng dính đó là do một trong hai con corgi cắn vào tay bà khi bà tách chúng ra lúc chúng đang cắn nhau[93].
Vào thời điểm sinh nhật lần thứ 80, Nữ vương đã nói rõ rằng bà không có ý định thoái vị[94]. Vài năm vừa qua, cả Vương tử Charles và Công chúa Anna đều đã từng thay mặt mẹ mình trong một số sự kiện như phong tước, và đóng vai trò Cố vấn Quốc gia (đại diện cho triều đình khi Nữ vương đi vắng). Điều này dẫn đến suy đoán trong giới truyền thông Anh rằng Thái tử Charles sẽ bắt đầu đảm nhiệm ngày càng nhiều trọng trách của một quân vương trong khi Elizabeth nghỉ ngơi dần[95]. Tuy nhiên, Điện Buckingham thông báo rằng Elizabeth sẽ tiếp tục phận sự của bà, cả với công chúng lẫn riêng tư, trong tương lai[96].
Đại lễ 60 năm trị vì
Trước đó, trong vương triều chỉ mới có Nữ vương Victoria là từng tổ chức đại lễ Kim cương năm 1897 trong lịch sử Anh [97] Canada,[98][99][100] Úc, New Zealand và vài vương quốc khác trong Khối Thịnh vượng chung Anh. Tiếp nối truyền thống của kỳ đại lễ kim cương trước thì Huy chương Kỷ niệm Lễ kim cương của nữ vương Anh Elizabeth II sẽ được trao tặng trong một số quốc gia khác nhau và sẽ tổ chức các ngày lễ, sự kiện lớn trong toàn Khối thịnh vượng chung. Các kế hoạch đã được bàn thảo tại Hội nghị Nguyên thủ Khối thịnh vượng chung vào năm 2011.
Hình ảnh và nhân cách trong công chúng
Elizabeth được minh họa trong một bộ phim bán tiểu sử năm 2006 mang tên The Queen, cũng như nhiều tác phẩm khác nhưng bà hầu như chưa bao giờ thực hiện phỏng vấn với báo chí và rất ít người biết được cảm xúc của bà. Bà nhận thức rất rõ phận sự tôn giáo và công dân của mình, và rất nghiêm túc với lời thề khi lên ngôi[101][102]. Bà có tiếng là người có lối thời trang bảo thủ, gần như lúc nào cũng áo khoác màu trơn và chiếc mũ trang trí, khiến bà dễ nhận thấy trong đám đông[103]. Thú vui tiêu khiển chính của bà là đua ngựa, nhiếp ảnh, và chó, đặc biệt là những con Pembroke Welsh Corgi của bà[14].Vào những năm 1950, khi còn là một phụ nữ trẻ vừa lên ngôi, Elizabeth được minh họa là một "Nữ vương cổ tích" quyến rũ[104]. Sau chấn thương chiến tranh, đó là thời điểm của sự hy vọng, thời kỳ phát triển và thành tựu được gọi là "thời kỳ Elizabeth mới"[105]. Lời cáo buộc như của Lord Altrincham vào năm 1957 rằng bà là một "cô nữ sinh hợm hĩnh" là một sự chỉ trích cực kỳ hiếm hoi[106]. Vào cuối thập niên 1960, những nỗ lực nhằm mô tả một hình ảnh của một chủ nghĩa quân chủ hiện đại hơn đã được thực hiện trong phim phóng sự truyền hình Royal Family (Gia đình Vương tộc), và bằng cách truyền đi Lễ phong tước Hoàng thân xứ Wales của Thái tử Charles[107]. Vào ngày kỷ niệm 25 năm trị vì của bà, người dân và những lễ hội thực sự rất say mê[108], nhưng vào thập niên 1980 sự chỉ trích của công chúng nhằm vào vương tộc tăng lên, vì đời sống cá nhân và công việc của con cái Elizabeth bị truyền thông xoi mói khá kỹ[109]. Uy tín của Elizabeth thấp nhất trong thập niên 1990; dưới sức ép của công chúng bà bắt đầu lần đầu tiên trả thuế thu nhập, và Điện Buckingham phải mở cửa cho công chúng[80]. Sự bất mãn với chế độ quân chủ lên đến đỉnh điểm với Cái chết của Diana, công nương xứ Wales, và chỉ mất dần khi Nữ hoàng phát biểu truyền hình đến toàn thế giới[80]. Vào tháng 11 năm 1999, cuộc trưng cầu dân ý ở Úc về tương lai của chế độ quân chủ cho kết quả tiếp tục duy trì nền quân chủ[110]. Khi năm Kỷ niệm 50 năm trị vì của bà bắt đầu, giới truyền thông dự đoán xem nó sẽ là một năm thành công hay thất bại[111]. Năm đó bắt đầu một cách u ám bằng cái chết của em gái và mẹ của Elizabeth, nhưng đã có một triệu người tham dự mỗi ngày trong ba ngày lễ kỷ niệm chính ở Luân Đôn[112]. Sự nhiệt tình của công chúng đối với Elizabeth lớn hơn nhiều so với những dự đoán của báo giới[113]. Những cuộc thu thập ý kiến năm 2006 cho thấy người ta ủng hộ Elizabeth mạnh mẽ; đa số người trả lời muốn bà tiếp tục trị vì cho đến khi chết, và nhiều người cảm thấy bà đã trở thành một người thân thuộc[114][115].
Tài chính
Tài sản cá nhân của Elizabeth đã là chủ đề xoi mói trong nhiều năm. Tạp chí Forbes ước đoán tài sản sau thuế của bà là khoảng 600 triệu đô la Mỹ (330 triệu bảng Anh)[116], nhưng thông cáo chính thức của Điện Buckingham đã gọi việc ước đoán 100 triệu bảng Anh cũng đã là "cường điệu thô thiển"[117]. Mặc dù Bộ sưu tập Hoàng gia trị giá xấp xỉ 10 tỷ bảng Anh, nó là tài sản phó thác cho con cháu và nước Anh, như Điện Buckingham, Lâu đài Windsor, và các cung điện có người ở trong Vương quốc Anh[118][119]. Cũng như nhiều vị tiên đế, Elizabeth được cho là không thích ở Điện Buckingham, mà xem Lâu đài Windsor là mái nhà của mình[94].Sandringham House và Lâu đài Balmoral là tài sản sở hữu của cá nhân Nữ vương, được thừa kế từ cha khi ông mất, cùng với Đất công tước Lancaster, bản thân nó trị giá 30 triệu bảng và mang lợi thu nhập cá nhân 9,811 triệu bảng cho Nữ vương vào năm 2006. Thu nhập từ Tài sản Vương tộc Anh—có giá trị 7 tỷ bảng—được chuyển sang ngân khố Anh của bà để chi trả cho nhân viên vương tộc. Cả Tài sản Vương tộc và đất Vương tộc Canada—bao gồm 89% (hoặc xấp xỉ 8.885.000 km²)[120] diện tích 9.984.670 km² của Canada—do Elizabeth sở hữu phó thác cho quốc gia vì vai trò Quốc vương của bà, và không được phép bán hoặc sở hữu như tài sản cá nhân.
Chính trị và vai trò trong chính phủ
Sự thống nhất quốc gia Anh
Sau Thỏa thuận Belfast đối với Bắc Ireland, Ian Paisley, người đứng đầu Đảng Thống nhất Dân chủ, đã phá vỡ truyền thống tôn kính đối với Vương tộc của những người theo Chủ nghĩa thống nhất bằng cách gọi Nữ vương là "một con vẹt" của Tony Blair, ý nói sự ủng hộ của Elizabeth đối với thỏa thuận có thể là yếu tố làm suy giảm vị thế của chế độ quân chủ trong lòng những người Tin lành Bắc Ireland, mà một số không nhỏ trong số họ vẫn phản đối một vài phần của hiệp ước[122]. Sau những cuộc trưng cầu dân ý trong thập niên 1990 mà kết quả là sự ủng hộ kế hoạch tự trị, Nữ vương đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Nghị viện Scotland vừa mới thành lập và Quốc hội xứ Wales, những buổi khai mạc đầu tiên do bà thực hiện với tư cách cá nhân.Sự thống nhất quốc gia Canada
Khi Elizabeth được mời đến Canada năm 1964, là đỉnh điểm của phong trào ly khai Quebec, đã có những lo ngại về an toàn cho bà. Có báo cáo rằng tổ chức khủng bố Mặt trận tự do Québec đã đe dọa sẽ ám sát bà, và người ta đã xét đến việc hủy chuyến viếng thăm[50][123]. Thư ký riêng của Nữ hoàng nói rằng Nữ hoàng rất sợ bị cản không cho công du vì "những hoạt động của những kẻ quá khích"[50]. Tuy chưa bao giờ nói thẳng là bà chống lại xu hướng ly khai, Elizabeth đã công khai ca ngợi sự thống nhất của Canada và bày tỏ mong ước tiếp tục nhìn thấy một Canada thống nhất, đôi khi gây nên tranh cãi trong một số vụ việc. Trong bài diễn văn gửi đến Quốc hội Quebec, bà bỏ qua cuộc tranh cãi quốc gia và những cuộc nổi loạn trong khi bà đang hiện diện và đã nói bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp về sức mạnh của hai nền văn hóa "bổ sung cho nhau" của Canada[124]. Sau Đạo luật Hiến pháp năm 1982, là "lần đầu tiên trong lịch sử Canada một sự thay đổi hiến pháp lớn đã được thông qua mà không có sự đồng ý của chính phủ Quebec, Bệ hạ đã cố gắng thể hiện vị trí là người đứng đầu toàn gia đình Canada và vai trò là người hòa giải bằng cách bày tỏ một cách riêng tư với báo giới sự tiếc nuối của bà rằng Quebec không phải là một phần của thuộc địa"[17].Vào năm 1995, trong một chiến dịch trưng cầu dân ý về sự ly khai của Quebec, Nữ vương đã bị lừa tiết lộ quan điểm cá nhân về sự ly khai của Quebec khi Pierre Brassard, một DJ cho Đài Radio CKOI-FM Montreal, gọi đến Điện Buckingham giả vờ làm Thủ tướng Canada khi đó Jean Chrétien, và khiến cho Nữ vương Elizabeth tin và nói chuyện trong 14 phút đan xen tiếng Anh và tiếng Pháp. Khi được nói rằng những người ly khai đang dẫn đầu trong cuộc trưng cầu, Elizabeth tiết lộ bà cảm thấy "cuộc trưng cầu đang đi theo hướng sai lầm", và thêm, "nếu tôi bằng cách nào đó có thể giúp, tôi sẽ rất vui lòng". Tuy nhiên, bà nhấn mạnh từ chối chấp nhận lời khuyên từ người đàn ông, mà bà tin là Chrétien, rằng bà nên can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý mà không cần xem bài diễn văn nháp. Nữ vương cuối cùng nghi ngờ có lừa gạt và dừng cuộc nói chuyện, mặc dù tài xử lý khéo léo cuộc gọi của bà đã được Brassard tán dương[125]. Trong hồi ký của mình, Chrétien nhắc lại lời bình luận chế nhạo của Nữ vương đối với ông liên quan đến sự việc này: "'Tôi không nghĩ ông bình thường,' bà nói với tôi, 'nhưng tôi nghĩ, với sức ép mà ông đang phải chịu, có thể ông đang say'"[126].
Tôn giáo
Bên cạnh vai trò tôn giáo chính thức tại Vương qốc Anh, cá nhân Elizabeth theo Giáo hội Anh giáo (khi ở Scotland bà theo Giáo hội Scotland, để giữ gìn vai trò lập hiến của mình trong quốc gia đó[127]. Bà thường đi lễ ngày Chủ nhật tại Nhà thờ Crathie khi ở Balmoral[128]). Định kỳ, Nữ vương sẽ nhắn lời nhắn cá nhân về niềm tin của mình trong buổi phát hình Thông điệp Giáng sinh Hoàng gia thường niên đến Khối thịnh vượng chung, như trong năm 2000, bà đã nói về ý nghĩa thần học của thiên niên kỷ đánh dấu lần thứ 2000 Chúa Giê-su sinh ra:Đối với nhiều người trong chúng ta, niềm tin có tầm quan trọng căn bản. Đối với tôi, theo lý thuyết Kitô, và trách nhiệm cá nhân của tôi trước Chúa là nền tảng dẫn dắt cuộc đời tôi. Tôi, giống như nhiều người trong các bạn, đã có được sự an ủi lớn lao trong những thời khắc khó khăn từ những lời và huấn dụ của Chúa[129].Elizabeth cũng biểu lộ sự ủng hộ mối quan hệ giữa các tôn giáo với nhau, thường là cuộc gặp với các lãnh đạo tôn giáo khác, và trao sự bảo trợ cá nhân của mình cho Hội đồng Những người theo Cơ đốc giáo và Do Thái giáo[130].
Yêu cầu được tôn trọng cuộc sống riêng tư
Elizabeth cảnh cáo báo chí đừng nên đăng tải hình ảnh không chính thức do đám thợ săn ảnh cung cấp, Cung điện Buckingham tuyên bố ngày 6 tháng 12 năm 2009. Vương tộc Anh nói rằng, luật sư của triều đình trước đó sáu tuần có viết thư gửi cho chủ bút các báo, nhắc nhở họ đừng cho công bố những hình ảnh xâm phạm đến cuộc sống gia đình hoàng gia. Lá thư được gửi "để đáp lại việc hằng mấy năm trời gia đình hoàng gia bị các nhiếp ảnh gia săn đuổi hướng vào phần đất sở hữu riêng của hoàng gia."[131]Thái độ cứng rắn mới này của vương tộc có vẻ có kết quả tốt trong nhiều tháng, nay được nhắc đến trước dịp lễ Giáng sinh, là thời điểm mà các tay săn ảnh có truyền thống lùng kiếm những hình ảnh hoàng gia về nghỉ ngơi tại Sandringham Estate, ở phía Ðông nước Anh. Gia đình vương tộc vốn có rắc rối từ lâu với các nhiếp ảnh gia. Nhiều người tin rằng sự săn đuổi của giới truyền thông đã góp phần vào cái chết của Công nương Diana trong tai nạn xe vào năm 1997. Sau đó, hai Vương tử William và Harry bị chụp hình khi họ vừa từ các hộp đêm đi ra, và bạn gái của William là Kate Middleton cũng bị rượt sát ngay bên ngoài nhà mình.[132]
Năm 2007, phát ngôn viên của Vương tử William có than phiền về hành vi "nguy hiểm" của các tay săn hình. Phát ngôn viên của Thái tử Charles, Paddy Harverson nói với tờ The Sunday Telegraph rằng, thành viên gia đình hoàng gia "cảm thấy họ có quyền được sống riêng tư mỗi khi họ cần đi đây đó hằng ngày, hay có những sinh hoạt riêng tư."[133]
Danh hiệu và Tước hiệu
- 21 tháng 4 năm 1926 - 11 tháng 12 năm 1936: Her Royal Highness Công chúa Elizabeth xứ York
- 11 tháng 12 năm 1936 - 20 tháng 11 năm 1947: Her Royal Highness Công chúa Elizabeth
- 20 tháng 11 năm 1947 - 6 tháng 2 năm 1952: Her Royal Highness Công chúa Elizabeth, Nữ Công tước xứ Edinburgh
- 6 tháng 2 năm 1952 - nay: Her Majesty Nữ hoàng
Huân chương và các chức vụ quân sự danh dự
Với cương vị quốc vương của nhiều quốc gia khác nhau, Elizabeth giữ vị trí Tổng tư lệnh ở một số vương quốc của bà, như Canada[134], New Zealand, và Vương quốc Anh[135]. Ở Anh, bà còn là Trưởng tư lệnh Không lực Hoàng gia và Lord High Admiral của Hải quân Hoàng gia. Elizabeth đã từng là Colonel-in-Chief, Captain-General, Air-Commodore-in-Chief, Commissioner, Brigadier, Commandant-in-Chief, và Royal Colonel của ít nhất 96 trung đoàn khắp Khối thịnh vượng chung, cả trước và sau khi lên ngôi.Do thời gian trị vì dài và đi thăm viếng nhiều nơi, Elizabeth đã nhận được rất nhiều huân huy chương từ các quốc gia trên khắp thế giới.
Phù hiệu
Tương tự, Elizabeth cũng có một số cờ hiệu cá nhân để sử dụng tại một số vương quốc của bà: hai cái tại Vương quốc Anh (một cho Scotland và một cho các khu vực khác), và mỗi cái khác nhau cho Canada, Úc, New Zealand, Jamaica và Barbados. Những cờ này gồm có băng rôn trên đó là Phù hiệu Vương tộc, tất cả đều như vậy ngoại trừ những lá cờ tại Vương quốc Anh, bị xóa đi bằng ký hiệu của Elizabeth: một chữ cái E đội vương miện trong một vòng tròn hoa hồng trên nền xanh. Ký hiệu này cũng được dùng làm cờ cá nhân của Nữ vương với vai trò là Người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, hoặc khi thăm viếng các quốc gia nằm trong Khối nhưng bà không phải là nguyên thủ.
Con cháu
Tên | Ngày sinh | Kết hôn | Ly dị | Con cái | Cháu | |
---|---|---|---|---|---|---|
Thái tử Charles, Hoàng thân xứ Wales | 14 tháng 11 năm 1948 | 29 tháng 7 năm 1981 | Diana, Công nương xứ Wales | 28 tháng 8 năm 1996 | Hoàng tử William, Công tước Cambridge | Hoàng tử George xứ Cambridge |
Hoàng tử Harry xứ Wales | ||||||
9 tháng 4 năm 2005 | Camilla, Nữ công tước xứ Cornwall | |||||
Anne, Công chúa Hoàng gia | 15 tháng 8 năm 1950 | 14 tháng 11 năm 1973 | Mark Phillips | 28 tháng 4 năm 1992 | Peter Phillips | Savannah Phillips Isla Phillips |
Zara Phillips | Mia Tindall | |||||
12 tháng 12 năm 1992 | Timothy Laurence | |||||
Hoàng tử Andrew, Công tước xứ York | 19 tháng 2 năm 1960 | 23 tháng 7 năm 1986 | Sarah, Công nương xứ York | 30 tháng 5 năm 1996 | Công chúa Beatrice xứ York Công chúa Eugenie xứ York |
|
Hoàng tử Edward, Bá tước xứ Wessex | 10 tháng 3 năm 1964 | 19 tháng 6 năm 1999 | Sophie, Nữ Bá tước xứ Wessex | Lady Louise Windsor James, Tử tước Severn |
Tổ tiên
[hiện]Tổ tiên của Elizabeth II |
---|
Xem thêm
Tham khảo
- ^ Brandreth, p.103 and Roberts, p.74
- ^ Brandreth, p.103
- ^ “Queen 'Lilibet' letters unveiled”. BBC. 27 tháng 5 năm 2006. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2009.
- ^ Pimlott, Ben (1997). The Queen: A Biography of Elizabeth II. John Wiley & Sons. ISBN 047119431X. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ Rose, Kenneth (1983). King George V. London: Weidenfeld and Nicolson. tr. 389. ISBN 0-297-78245-2.
- ^ “The Real Crawfie”. Channel 4. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2007.
- ^ Shawcross, p.21
- ^ Quoted in Brandreth, pp.108–110
- ^ Quoted in Brandreth, p.105 and Shawcross, pp.21–22
- ^ Quoted in Brandreth, pp.105–106
- ^ Bond, p.8
- ^ Brandreth, p.124; Shawcross, p.25
- ^ “Queen's decision no snub: royal aides”. CBC News. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2005.
- ^ a ă â “80 Things You (Probably) Didn't Know About Queen Elizabeth”. Time Europe. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2006.
- ^ “Buckingham Palace press releases-Diary of events in the life of Her Majesty the Queen leading up to her accession”. Official Website of the British Monarchy. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2008.
- ^ “Royal Support for the Scouting and Guiding Movements”. Official Website of the British Monarchy. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2008.
- ^ a ă â b c “Elizabeth II, Queen of Canada”. Canadian Royal Heritage Trust. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2007.
- ^ Brandreth, pp.133–139
- ^ Bond, p.10 and Brandreth, pp.132–136, 166–169
- ^ “Biography of HM Queen Elizabeth the Queen Mother: Activities as Queen”. British Monarchy Official Website. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.
- ^ a ă â b “Royal plans to beat nationalism”. BBC. 8 tháng 3 năm 2005. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2007.
- ^ “Her Majesty the Queen – Early Public Life”. Official website of the British Monarchy. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2009.
- ^ "Left Out of D-Day Events, Queen Elizabeth Is Fuming", New York Times, 27 tháng 5 năm 2009
- ^ Bond, p.10
- ^ Princess Elizabeth (21 tháng 4 năm 1947). “Historic speeches: 21st birthday speech”. British Monarchy Official Website. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2007.
- ^ Davies, Caroline (20 tháng 4 năm 2006). “Philip, the one constant through her life”. The Daily Telegraph. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2007.
- ^ Royal Insight Magazine: Behind-the-Scenes at the Royal Wedding of 1947
- ^ Bond, p.19
- ^ a ă â “BBC NEWS | UK | Sixty facts about a royal marriage”. News.bbc.co.uk. Cập nhật lần cuối:. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ Bradford, Sarah (1989). King George VI. London: Weidenfeld and Nicolson. tr. p.424. ISBN 0297796674.
- ^ “Letters Patent, 22 tháng 10 năm 1948”. Heraldica. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2007.
- ^ London Gazette: (Supplement) số 41948, tr. 1003, 5 tháng 2 năm 1960. Truy cập 2007-10-31.
- ^ Brandreth, pp.226–238
- ^ Brandreth, pp.240–241
- ^ Brandreth, pp.245–247; Lacey, pp.150–151; Shawcross, p.16
- ^ Charteris quoted in Shawcross, p.17
- ^ Bond, p.22 and Brandreth, p.271
- ^ Robert, p.82
- ^ “By appointment: Norman Hartnell’s sample for the Coronation dress”. Nga.gov.au. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ Brandreth, p.278; Shawcross, p.59
- ^ Challands, Sarah (25 tháng 4 năm 2006). “Queen Elizabeth II celebrates her 80th birthday”. CTV News. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2007.
- ^ The Real Queen. 1 tháng 1 năm 2002.
- ^ a ă “France and UK considered 1950s 'merger'”. The Guardian. 15 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2007.
- ^ a ă Roberts, p.84
- ^ Shawcross, p.75
- ^ Lord Altrincham in National Review quoted by Brandreth, p.374 and Roberts, p.83
- ^ Brandreth, p.374; Shawcross, p.76
- ^ Toàn văn bài phát biểu
- ^ Shawcross, p.83
- ^ a ă â b “Courage of the Queen”. Canadian Royal Heritage Trust. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2007.
- ^ “Transatlantic phone cable officially opened”. CBC. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2008.
- ^ Bond, p.66
- ^ “The Queen and The Duke of Edinburgh visit the UK headquarters of Google”. Royal Insight (Buckingham Palace) (tháng 10 năm 2008). 16 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2008.
- ^ Shawcross, pp.109–110
- ^ a ă Bond, p.96; Shawcross, p.110
- ^ “The Whitlam Dismissal: Letter from the Queen's Private Secretary”. Whitlamdismissal.com. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ 1977 “Queen celebrates Silver Jubilee”. BBC News: On This Day.
- ^ Roberts, pp.88–89; Shawcross, p.178
- ^ Roberts, pp.88–89
- ^ a ă â b c Heinricks, Geoff (2001). “Trudeau and the Monarchy”. Canadian Monarchist News, reprinted from National Post. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2008.
- ^ CBC. “The Greatest Canadian: Pierre Elliot Trudeau”. CBC. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2008.
- ^ Trudeau, Pierre Elliott (1993). Memoirs. McLelland & Stewart. ISBN 0771085885. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ Shawcross, p.192
- ^ Davidson, Spencer. "God Save the Queen, Fast", Time (26 tháng 7 năm 1982), p. 33.
- ^ Bond, p.115
- ^ Shawcross, p.127
- ^ Bond, p.188
- ^ a ă Campbell, John (2003). Margaret Thatcher: The Iron Lady. Jonathan Cape. ISBN 0224061569.
- ^ Shawcross, pp.129–132
- ^ “Newspaper Says Queen Is Upset by Thatcher”. The New York Times. 20 tháng 7 năm 1986.
- ^ “Atticus”. The Sunday Times. 9 tháng 10 năm 2005.
- ^ Bridcut, John (Producer). Queen and Country. [Documentary]. BBC. Truy cập 6 tháng 1 năm 2009.
- ^ Roberts, p.101; Shawcross, p.139
- ^ Brandreth, p.349
- ^ Brandreth, p.377; Roberts, p.94; Shawcross, p.204
- ^ Brandreth, p.377
- ^ Brandreth, p.356; Roberts, p.94; Shawcross, p.168
- ^ Brandreth, p.357
- ^ a ă Brandreth, p.358
- ^ a ă â Bond, p.134
- ^ Brandreth, p.358; Bond, p.134; Roberts, p.98; Shawcross, p.8
- ^ Brandreth, pp.358–359
- ^ a ă Bond, p.134 and Brandreth, p.359
- ^ “Queen Elizabeth feels snubbed by Blair”. Sify. 23 tháng 6 năm 2004.
- ^ Alderson, Andrew (28 tháng 5 năm 2007). “Revealed: Queen's dismay at Blair legacy”. The Daily Telegraph. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2007.
- ^ Alderson, Andrew (27 tháng 5 năm 2007). “Tony and Her Majesty: an uneasy relationship”. The Daily Telegraph. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2007.
- ^ “In Depth: The Golden Jubilee”. BBC News.
- ^ Brandreth, p.31
- ^ “BBC NEWS | Northern Ireland | Historic first for Maundy service”. News.bbc.co.uk. Cập nhật lần cuối:. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ Leyland, Joanne (11 tháng 10 năm 2006). “The Queen Proves She's A Real Trooper”. The Royalist. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2006.
- ^ “Queen cancels visit due to injury”. BBC News. 26 tháng 10 năm 2006.
- ^ Greenhill, Sam and Hope, Jenny (6 tháng 12 năm 2006). “Plaster on Queen's hand: minor cut or IV drip?”. Daily Mail.
- ^ Whittaker, Thomas (14 tháng 12 năm 2006). “Corgi put the queen in plaster”. The Sun.
- ^ a ă English, Rebecca (20 tháng 4 năm 2006). “'The Queen will NEVER consider abdicating'”. Daily Mail. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2006.
- ^ “Key aides move to Windsor ahead of Queen's retirement| News | This is London”. Thisislondon.co.uk. London. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ http://www.royal.gov.uk/output/page3956.asp Royal.gov.uk – Corrections
- ^ “Extra bank holiday to mark Jubilee”. Press Association. 5 tháng 1 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2010.
- ^ Department of Canadian Heritage (22 tháng 6 năm 2010). “Government of Canada Commissions New Canadian Portrait of Her Majesty The Queen”. Queen's Printer for Canada. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
- ^ Office of the Prime Minister of Canada (9 tháng 2 năm 2011). “PM unveils Diamond Jubilee Medal design to honour Canadian contributions”. Queen's Printer for Canada. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2011.
- ^ Department of Canadian Heritage. “Topics > Monarchy in Canada > Queen's Diamond Jubilee”. Queen's Printer for Canada. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2011.
- ^ “Queen 'will do her job for life'”. BBC News. 19 tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2007.
- ^ Shawcross, pp.194–195
- ^ Cartner-Morley, Jess (10 tháng 5 năm 2007). “Elizabeth II, belated follower of fashion”. The Guardian (Guardian Media Group). tr. p2, G2 section. ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2007.
- ^ Bond, p.22
- ^ Bond, p.35; Roberts, p.82; Shawcross, p.50
- ^ Bond, p.35; Shawcross, p.76
- ^ Bond, pp.66–67, 84, 87–89 and Roberts, pp.84–86
- ^ Bond, p.97; Roberts, p.87; Shawcross, pp.114–117
- ^ Bond, p.117 and Roberts, p.91
- ^ Roberts, p.101; Shawcross, p.218
- ^ Bond, p.156
- ^ Bond, pp.166–167
- ^ Bond, p.157
- ^ Bansal, Shaveta. “Poll: Queen Elizabeth "Most Popular Royal"”. All Headline News. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2006.
- ^ Monarchy poll, Ipsos MORI, Tháng 4 năm 2006, truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2008
- ^ “The World's Richest Royals - Forbes.com”. Forbes.com. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ The Queen's Personal Wealth, Official web site of the British monarchy, truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2008
- ^ “The Royal Collection - What is the Royal Collection?”. Royalcollection.org.uk. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ “The Royal Collection > About the Royal Collection”. Royal.gov.uk. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ V.P. NEIMANIS. “Crown Land”. The Canadian Encyclopedia: Geography. Historica Foundation of Canada. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2007.
- ^ Thatcher, M. (1993). The Downing Street Years (p. 18) New York: HarperCollins. ISBN 0-06-0170565
- ^ “'The Queen is a parrot' - Paisley”. BBC News. 26 tháng 5 năm 1998.
- ^ Speaight, Robert (1970). Vanier, Soldier, Diplomat and Governor General: A Biography. Collins. ISBN 0002622521.
- ^ “1964 Quebec visit – speech”. CBC.
- ^ Bousfield, Arthur (April năm 1996). “A Queen Canada Should be Proud Of”. Monarchy Canada.
- ^ Thompson, Elizabeth (14 tháng 10 năm 2007). “Chretien's Revenge”. The Gazette. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2007.
- ^ “Queen, State and Kirk”. Church of Scotland official website. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2010.
- ^ “Kirk's invite leads Queen to break Sunday tradition”. The Scotsman newspaper. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2010.
- ^ Elizabeth II (25 tháng 12 năm 2000). “Historic speeches: Christmas Broadcast 2000”. British Monarchy Official Website. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2007.
- ^ “Presidents, Vice Presidents and Board”. Council of Christians and Jews. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2007.
- ^ [1]
- ^ [2]
- ^ [3]
- ^ Constitution Act 1867; III.15, Queen's Printer for Canada, 1867
- ^ “The Monarchy Today: Queen and State: The Queen and the Armed Forces”. Buckingham Palace. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2008.
- ^ “Marks of cadency in the British royal family”. Heraldica.org. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
- ^ “Her Majesty The Queen”. Britishflags.net. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2008.
Sách tham khảo chính
- Bond, Jennie (2006). Elizabeth: Eighty Glorious Years. London: Carlton Publishing Group. ISBN 10-1-8442-360-7; 13-978-1-8442-360-9
- Brandreth, Gyles (2004). Philip and Elizabeth: Portrait of a Marriage. London: Century. ISBN 0-7126-6103-4
- Roberts, Andrew (2000). The House of Windsor. (Edited by Antonia Fraser) London: Cassell & Co. ISBN 0304354066
- Shawcross, William (2002). Queen and Country. Toronto: McClelland & Stewart. ISBN 0771080565
Đọc thêm
- Allison, Ronald; The Queen: 50 Years - A Celebration; HarperCollins UK (1 tháng 10 năm 2001) (ISBN 0004140788)
- Bousfield, Arthur; Toffoli, Gary (2002). Fifty Years the Queen - A Tribute to Elizabeth II on Her Golden Jubilee. Hamilton: Dundurn Press. ISBN 9781550023602.
- Erickson, Carolly; Lillibet: An Intimate Portrait of Elizabeth II; St. Martin's Press; 1st edition (26 tháng 1 năm 2004) (ISBN 0312287348)
- Lacey, Robert (2002). Royal: Her Majesty Queen Elizabeth II. London: Little, Brown. ISBN 0748104097.
- Lacey, Robert; Monarch: The Life and Reign of Elizabeth II; Free Press (6 tháng 5 năm 2003) (ISBN 0743236696)
- Noakes, Michael & Noakes, Vivien; The Daily Life of the Queen: An Artist's Diary; Trafalgar Square (2001) (ISBN 009186982X)
- Pimlott, Ben; The Queen: Elizabeth II and the Monarchy; Harper Collins;revised edition (2007) (ISBN 0-007-11436-2)
- Waller, Maureen; Sovereign Ladies: Sex, Sacrifice, and Power. The Six Reigning Queens of England; New York, St. Martin's Press (2006) (ISBN 0-312-33801-5)
- Jubilee A Celebration of 50 Years of the Reign of Her Majesty Queen Elizabeth II; Cassell & Co (2002) (ASIN B000BMS0UE)
Liên kết ngoài
Tiếng Anh
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và tài liệu về Elizabeth II |
- Website chính thức (tiếng Anh)
Tiếng Việt
- Nữ hoàng Elizabeth II - một trong những phụ nữ quyến rũ nhất thế giới
- Nữ hoàng Anh Elizabeth - Những bức ảnh độc
- Tính “chắt bóp” của Nữ hoàng Elizabeth II
- Nữ Hoàng Elizabeth II - 2
[hiện]Danh hiệu và kế vị |
---|
|
Thể loại:
- Elizabeth II của Anh
- Vua đang tại vị
- Vua Úc
- Nguyên thủ Canada
- Nguyên thủ New Zealand
- Vua Nam Phi
- Vua Ceylon
- Vua Anh
- Người đứng đầu Khối thịnh vượng chung Anh
- Sĩ quan Lực lượng Lãnh thổ Bổ trợ
- Phụ nữ trong Đệ nhị thế chiến
- Nhân vật trong năm của Tạp chí Time
- Nhà Windsor
- Nữ hoàng Anh
- Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Radio
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bài này viết về một công nghệ. Về các cách sử dụng khác, xem Radio (định hướng)
Radio, hay vô tuyến truyền thanh là thiết bị kỹ thuật ứng dụng sự chuyển giao thông tin không dây dùng cách biến điệu sóng điện từ có tần số thấp hơn tần số của ánh sáng, đó là sóng radio.Sóng dùng trong radio có tần số trong khoảng từ 3Hz (dải tần ELF) đến 300 GHz (dải tần EHF). Tuy nhiên, từ dải tần SHF đến EHF, tức là từ tần số 3GHZ đến 300 GHz, bức xạ điện từ này thường gọi là sóng vi ba.
Từ radio còn được dùng để chỉ máy thu thanh - một thiết bị điện tử dùng để nhận về các sóng âm đã được biến điệu qua ăng ten để khuếch đại, phục hồi lại dạng âm thanh ban đầu, và cho phát ra ở loa.
Mục lục
Lịch sử và phát minh
- Ai là người phát minh ra "sự truyền dữ liệu không dây dựa trên tần phổ" (spark-gap radio)?
- Ai là người phát minh radio dựa trên sự thay đổi biên độ (AM), vì thế có trên 1 đài có thể truyền sóng (khác với spark-gap radio, chỉ có một máy truyền phủ toàn bộ tần sóng)?
- Ai là người phát minh radio dựa trên sự biến thiên tần số (FM), sóng radio có thể tránh sự tĩnh điện, bị nhiễu từ các thiết bị điện và môi trường?
- Edwin H. Armstrong và Lee de Forest.
Khám phá và phát triển
Lý thuyết cơ bản sự truyền sóng điện từ được trình bày đầu tiên năm 1873 bởi James Clerk Maxwell trong giấy chứng nhận của ông cho Hội Khoa học Hoàng Gia Anh thuyết động học về điện từ trường, là thành quả từ năm 1861 đến 1865. Năm 1878 David E. Hughes là người đầu tiên truyền và nhận sóng radio khi ông nhận thấy cân cảm ứng tạo ra âm thanh trong đầu thu của diện thoại tự chế của ông. Ông trình bày khám phá của mình trước Hội Khoa học Hoàng gia năm 1880 nhưng chỉ được xem là sự cảm ứng đơn thuần. Chính Heinrich Rudolf Hertz, giữa năm 1886 và 1888, là người đưa ra thuyết Maxwell thông qua thực nghiệm, chứng minh rằng bức xạ radio có tất cả tính chất của sóng (giờ đây được gọi là sóng Hert), và khám phá rằng công thức điện từ có thể định nghĩa lại là công thức chênh lệch bán phần gọi là công thức sóng.William Henry Ward đưa ra bằng sáng chế Mỹ 126356 vào ngày 30 tháng 8 năm 1872. Mahlon Loomis đưa ra bằng sáng chế Mỹ 129971 vào ngày 30 tháng 7 năm 1872. Landell de Moura, một nhà truyền giáo và khoa học Brasil, tiến hành thí nghiệm sau năm 1893 (nhưng trước 1894). Ông đã không công bố thành tựu mãi cho đến khi 1900. Tuyên bố cho rằng Nathan Stubblefield phát minh ra radio trước cả Tesla lẫn Marconi, nhưng các dụng cụ của ông cho thấy chỉ làm việc với sự truyền cảm ứng hơn là truyền sóng radio.
Các công ty "không dây" và ống chân không
Marconi mở nhà máy không dây đầu tiên trên thế giới ở phố Hall, Chelmsford, Anh năm 1898, gồm khoảng 50 nhân viên. Vào năm 1900, Tesla mở tháp dịch vụ quảng cáo và tiện nghi Wardenclyffe. Vào năm 1903, tháp gần như hoàn thành. Nhiều thuyết tồn tại bằng cách nào mà Tesla ý định hoàn thành mục đích của hệ thống không dây (cho là hê thống 200 kW). Telsa tuyên bố rằng Wardenclyffe, là một phần của hệ thống truyền tin thế giới, sẽ cho phép sự thu phát thông tin đa hệ an toàn, định vị toàn vũ trụ, sự đồng bộ hóa thời gian, và hệ thống định vị toàn cầu.Phát minh lớn tiếp theo là ống dò chân không, phát minh bởi một đội kĩ sư Westinghouse. Vào đêm Giáng sinh, năm 1906, Reginald Fessenden (sử dụng thuyết heterodin) truyền sóng radio âm thanh đầu tiên trong lịch sử từ Brant Rock, Massachusetts Hoa Kỳ. Thuyền trên biển nhận được sóng phát, trong đó cả Fessenfen chơi bản "O Holy Night" trên đàn violin và đọc một đoạn trong Kinh thánh. Tin tức radio đầu tiên trên thế giới được phát vào ngày 31 tháng 8 năm 1920 bởi đài 8MK ở Detroit, Michigan, Hoa Kỳ và đài phát sóng giải trí đầu tiên bắt đầu năm 1922 từ trung tâm nghiên cứu Marconi ở Writtle gần Chelmsford, Anh.
Radar
- Radar phát hiện vật ở một khoảng cách bằng sự phản hồi các sóng radio. Khoảng thời gian của sự phản hồi để xác định khoảng cách. Phương hướng của tia xác định hướng của sự phản hồi. Sự phân cực và tần số của sóng phản hồi có thể cho biết bề mặt của vật.
- Radar định vị quét một vùng không gian rộng từ 2 đến 4 lần trong 1 phút. Dùng sóng ngắn phản hồi từ đất hay đá. Radar sử dụng phổ biến trên tàu thương mại hay máy bay thương mại đường dài.
- Radar dùng cho mục đích thông thường dùng tần số radar định vị, nhưng không phải các tia điều biến và phân cực để các máy thu để xác định bề mặt của vật phản hồi. Radar thông thường tốt nhất có thể định dạng mưa trong cơn bão, cũng như mặt đất hay các phương tiện di chuyển. Một số có thể để lên cùng dữ liệu âm thanh và dữ liệu bản đồ từ định vị GPS.
- Radar tìm kiếm quét một vùng rộng lớn với xung tia radio ngắn. Chúng thường quét một vùng không gian từ 2 đến 4 lần 1 phút. Thỉnh thoảng radar dùng hiệu ứng Doppler để tách phương tiện vận chuyển với môi trường.
- Radar dò tìm mục tiêu sử dụng cùng nguyên lý như radar tìm kiếm nhưng quét vùng không gian nhỏ hơn nhiều, thường là vài lần 1 giây hay hơn nữa.
- Radar thời tiết tương tự radar dò tìm, nhưng sử dụng tia radio với sự phân cực tròn và có bước sóng phản hồi từ các giọt nước. Vài radar sử dụng Doppler để đo tốc độ gió.
Xem thêm
Tần số radio | ||||||||||
ELF | SLF | ULF | VLF | LF | MF | HF | VHF | UHF | SHF | EHF |
3 Hz | 30 Hz | 300 Hz | 3 kHz | 30 kHz | 300 kHz | 3 MHz | 30 MHz | 300 MHz | 3 GHz | 30 GHz |
30 Hz | 300 Hz | 3 kHz | 30 kHz | 300 kHz | 3 MHz | 30 MHz | 300 MHz | 3 GHz | 30 GHz | 300 GHz |
Phổ điện từ Radio| Vi ba | Bức xạ terahertz | Hồng ngoại | Phổ quang học | Tử ngoại |Tia X | Tia gamma Phổ quang học: Đỏ | Da cam | Vàng | Lục | Lam | Tím Dải tần vi ba: Băng L | Băng S | Băng C | Băng X | Băng Ku | Băng Ka | Băng K | Băng V | Băng W Dải tần radio: ELF | SLF | ULF | VLF | LF | MF | HF | VHF | UHF | SHF | EHF Dải sóng: Sóng dài | Sóng trung | Sóng ngắn | Vi sóng |
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và tài liệu về Radio |
Tra radio trong từ điển mở tiếng Việt Wiktionary |
Thể loại:
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
No comments:
Post a Comment