Friday, June 20, 2014

Chào ngày mới 21 tháng 6

Odanobunaga.jpg
CNM365 Chào ngày mới 21 tháng 6 Wikipedia Ngày này năm xưa. Bắt đầu Hạ chí (10:51 UTC, 2014), ngày Báo chí cách mạng Việt NamNăm 1307Hải Sơn lên ngôi tại Thượng Đô, trở thành hoàng đế thứ ba của triều Nguyênđại hãn thứ bảy của đế quốc Mông Cổ. Năm 1582Thời kỳ Chiến Quốc: Đại danh Oda Nobunaga (hình) bị tướng Akechi Mitsuhide buộc phải tự sát tại chùa Honnō, Kyoto, Nhật Bản. Năm 2009Greenland được trao quyền tự quyết, lãnh thổ tiếp quản quyền quản lý đối với hệ thống tư pháp, cảnh sát, và tài nguyên thiên nhiên. Năm 2012 – Quốc hội Việt Nam thông qua luật Biển, trong đó khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Trường SaHoàng Sa; trong khi đó Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập thành phố Tam Sa với phạm vi bao trùm hai quần đảo này.

Oda Nobunaga

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Oda Nobunaga
Odanobunaga.jpg
Chức vụ
Thông tin chung
Sinh 23 tháng 6, 1534
Thành Nagoya, Tỉnh Owari
Mất 21 tháng 6, 1582 (47 tuổi)
Chùa Honnō, Kyoto
Binh nghiệp
Đây là một tên người Nhật; họ tên được viết theo thứ tự Á Đông (họ trước tên sau): họ là Oda. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tên người Nhật hiện đại khi viết bằng ký tự La Tinh thường được viết theo thứ tự Tây phương (tên trước họ sau).
Oda Nobunaga (tiếng Nhật: 織田 信長 Chức Điền Tín Trường; 23 tháng 6 năm 153421 tháng 6 năm 1582) là một daimyo trong thời kỳ Chiến Quốc của lịch sử Nhật Bản. Ông là người có có công rất lớn trong việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài trên khắp cả nước.

Xuất thân

Oda Nobunaga là con trai của Oda Nobuhide, một daimyo nhỏ làm thuộc hạ cho các daimyo lớn và được trao cho quyền cai trị một vùng đất nhỏ tại tỉnh Owari. Do chơi bời lêu lổng, không chịu tuân theo các quy tắc ứng xử của giới võ sĩ lúc đó, nên Nobunaga không được lòng cha. Khi cha qua đời năm 1551, em trai Nobunaga mới là người được chọn nối nghiệp. Nobunaga đã thuê một đội quân để đánh úp em mình và tự mình thành người kế thừa các đặc quyền của dòng họ Oda.
Thời gian tiếp theo cho đến năm 1559, Nobunaga đã thống nhất được Owari rồi mưu tính tiến ra bên ngoài.

Tính cách

Oda Nobunaga là người có tính cách khác thường và điều này đã giúp ông thành công trong sự nghiệp.

Thích sử dụng lính đánh thuê

Trước hết, Nobunaga xây dựng quân đội của mình từ những nông dân trong lãnh địa của mình và từ những kẻ du thủ du thực chiến đấu vì tiền. Nói cách khác, ông sử dụng lính đánh thuê. Các daimyo khác đều dùng nông dân trong lãnh địa của mình làm quân lính của mình. Họ trung thành với chủ, có kỷ luật, hiểu nhau, có kỹ năng chiến đấu tốt vì được chủ huấn luyện suốt thời gian dài. Song vì là nông dân, nên vào các thời điểm sản xuất nông nghiệp là họ rời bỏ chiến trường về làm công việc của nhà nông. Cho dù lúc nông nhàn và tham gia quân ngũ, thì số lượng binh sĩ-nông dân trong lãnh địa của mỗi daimyo cũng không thể đông được. Trái lại, đội quân đánh thuê của Nobunaga thì ô hợp, thiếu sự trung thành, thiếu sự liên kết và thiếu cả kỹ năng chiến đấu, song chừng nào Nobunaga còn trả tiền cho họ thì họ còn ở trong quân ngũ. Và vì là đi thuê khắp nơi, nên quân của Nobunaga khá đông. Nobunaga thường nhân lúc thời điểm sản xuất nông nghiệp là lúc binh sĩ-nông dân của các daimyo khác bỏ về hết mà tấn công họ. Nhưng cũng có nhiều lúc, khi các daimyo kia huy động được binh sĩ của mình trở lại, thì Nobunaga lại phải rút lui vì quân của ông tuy đông nhưng thiếu tinh thần chiến đấu cũng như kỹ năng chiến đấu.

Dùng người không câu nệ lai lịch

Trái với các daimyo khác vốn chỉ sử dụng những võ sĩ có lai lịch rõ ràng làm thuộc hạ, Oda Nobunaga không câu nệ lai lịch khi dùng người, miễn là họ có thực tài. Điều này cho phép ông chiêu mộ dưới trướng của mình hoặc liên minh được với nhiều anh hùng song lai lịch không rõ ràng trong đó có Toyotomi HideyoshiTokugawa Ieyasu, hai người mà sau này đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất thiên hạ của Nobunaga và đều trở thành những Chinh di Đại Tướng quân.
Tuy nhiên, cách dùng người như thế này cũng đem lại một số bất lợi cho ông đó là ông bị thuộc hạ phản bội không ít lần. Đặc biệt, sự phản bội của một số thuộc hạ thân tín đã dẫn đến cái chết của ông năm 1582 tại chùa Honnō.

Dám đối đầu với cả các thế lực tôn giáo

Oda Nobunaga không ngại các thế lực tôn giáo có vũ trang. Chùa Enryaku của Thiên thai tông trên núi Hiei gần Kyoto trở thành một tổ chức có vũ trang đông đảo và không chịu tuân lệnh ông. Năm 1571, ông đã cho đốt chùa và giết các nhà sư-chiến binh cùng gia đình của họ (các nhà tu hành Phật giáo ở Nhật Bản được phép lấy vợ và có con) tổng cộng lên đến hơn 2 vạn người. Chủ trương này thể hiện tham vọng của ông muốn tiêu diệt triệt để mọi thế lực cản trở sự thống nhất Nhật Bản. Nhưng cũng vì chủ trương này, mà ông trở thành kẻ thù của các thế lực tôn giáo có vũ trang. Cái chết của ông năm 1582 có sự tham gia của các thế lực này.

Có tính cách và đầu óc của một doanh nhân

Giới thương nhân Nhật Bản thời đó thường tham gia các nghiệp đoàn và thường phải chịu nhiều khoản thuế để được yên ổn làm ăn. Oda Nobunaga, tại các vùng đất mình chiếm được, đã xóa bỏ các nghiệp đoàn này và cắt giảm nhiều loại thuế. Nói theo lý luận kinh tế học, thì ông đã thực hiện một chính sách tự do hóa kinh tế, giải điều tiết kinh tế phần nào giống với chính sách của chủ nghĩa tự do kinh tế sau này.
Chính sách trên đã thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển theo hướng thị trường. Năng lực sản xuất tăng lên. Giá cả hàng hóa giảm đi cho phép quân đội của Nobunaga đáp ứng quân nhu được tốt hơn. Kinh tế thị trường tự do còn giúp Nobunaga bán được dễ dàng hơn các sản vật từ những vùng mà ông kiểm soát, nên ông có ngân sách quân sự dồi dào hơn. Đấy cũng là những yếu tố giúp cho sự nghiệp quân sự của ông thành công.

Bền chí

Oda Nobunaga không phải là người tinh thông binh pháp và không phải là tướng chiến trường giỏi. Nhưng ông rất kiên trì. Có những vùng đất mà ông tới đánh nhiều lần không được, song ông vẫn không bỏ cuộc. Tuy nhiên, những cuộc đối đầu dai dẳng của ông cuối cùng cũng làm đối phương kiệt quệ và chịu thất bại.

Thống nhất Nhật Bản

Trận Okehazama

Trận Okehazama năm 1560 là trận đánh lớn đầu tiên bên ngoài Owari của Oda Nobunaga. Trong trận này, Nobunaga có ít quân hơn hơn đối phương của mình là Imagawa Yoshimoto (Kim Xuyên Nghĩa Nguyên), nhưng ông lại là người rõ tình hình thời tiết của vùng này hơn đối phương. Nobunaga đã chờ cho khi có mưa dông mới thúc quân đánh úp vào trung quân của Imagawa. Do đang hành quân trên một tuyến đường hẹp, nên quân của Imagawa bị dàn mỏng, tiền quân và hậu quân cách xa nhau, lại thêm trời mưa nên càng khó liên lạc ứng cứu cho nhau, nên đã rối loạn và bị thua. Trận này làm cho Oda Nobunaga trở nên nổi tiếng.
Tuy nhiên, đây cũng là trận hiếm hoi trong các chiến dịch của Oda Nobunaga mà lối đánh úp được sử dụng và quân số của Nobunaga lại ít hơn đối phương. Đại bộ phận các trận khác, Nobunaga đều huy động quân số đông hơn đối phương, và đương nhiên khó có thể dùng lối đánh bất ngờ được nữa.

"Thiên hạ bố võ"

Sau một số thắng lợi quân sự khác tại Mino, năm 1567, Oda Nobunaga để lộ tham vọng muốn chiếm toàn Nhật Bản qua việc tuyên bố khẩu hiệu "Thiên hạ bố võ" (Tenka fubu, nghĩa là "rải võ sĩ khắp thiên hạ"). Cùng thời gian này, ông đã liên kết được với daimyo ở Omi bằng cách gả em gái mình cho người này. Thế lực của ông tăng lên đáng kể.
Năm 1568, Ashikaga Yoshiaki của dòng họ Mạc phủ Ashikaga đã yêu cầu Oda Nobunaga đem quân vào Kyoto để đánh các đối thủ của mình. Nobunaga đã nhân cơ hội danh chính ngôn thuận này mà tiến đánh Kyoto. Sau khi thành công, Nobunaga đã có những hành động lộng hành, khiến cho Ashikaga Yoshiaki, lúc này đã thành Chinh di Đại Tướng quân, trở thành đối địch với mình. Ashikaga đã liên minh với các daimyo khác chống lại Nobunaga. Ngay cả người em rể là daimyo xứ Omi cũng quay sang phe chống lại Nobunaga.

Các chiến dịch khác

Năm 1570, Oda Nobunaga và Tokugawa Ieyasu đã cùng nhau tiến hành trận Anegawa ở gần hồ Biwa vùng Omi đánh bại lực lượng của Azai Nagamasa (em rể của Nobunaga) và Asakura Yoshikage.
Năm 1571, Nobunaga cho tấn công chùa Diên Lịch, tổng hành dinh của phái Thiên thai tông, đốt chùa, giết hơn 2 vạn người.
Trong thời kỳ từ 1571 đến 1574, Nobunaga tiến hành ba chiến dịch chống lại lực lượng Ikkō-Ikki. Đây là một cuộc nổi dậy mà thành phần tham gia gồm nông dân, các tín đồ tôn giáo, các nhà sư-chiến binh và một số quý tộc địa phương. Lực lượng này là một trong những đối thủ khó khăn nhất của Nobunaga, đương đầu với ông suốt 11 năm trời. Trong hai chiến dịch đầu tiên, Nobunaga là kẻ thua cuộc. Sang chiến dịch thứ ba, ông đã bao vây được lực lượng này tại chùa Ganshō và phóng hỏa đốt cháy họ, giết chết khoảng 2 vạn người. Tuy nhiên, đối phương chưa hoàn toàn bị tiêu diệt.
Năm 1572, Nobunaga cử Tokugawa Ieyasu làm tiên phong đến Mikatagahara đánh bại lực lượng của Takeda Shingen, con hổ xứ Kai. Bản thân ông cũng đem quân đi tiếp viện. Nhưng Takeda là người chiến thắng rực rỡ.
Năm 1573, Nobunaga tiến hành chiến dịch quân sự tại thành Hikida ở Omi, đánh bại lực lượng của Asakura Yoshikage. Khi Asakura rút quân về cố thủ tại thành Ichi, Nobunaga truy kích, đánh bại đối phương, phá hủy thành lũy. Cũng trong năm này, ông tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của anh rể mình tại thành Odani, ở Owari.
Năm 1574, Nobunaga cho quân đào đường hầm để từ ngoài đánh vào trong thành Itami, lấy được thành này.
Năm 1575, Nobunaga và Tokugawa đẩy lùi được lực lượng của Takeda Shingen đến đánh thành NagashinoMigawa.
Năm 1576, Nobunaga mở chiến dịch Mitsuji tấn công lực lượng Ikkō-Ikki, nhưng thất bại. Nobunaga bị thương vào chân trái và bị mất một thuộc tướng. Quân đội của ông bị đối phương bao vây. Đến tháng Tám, ông mở chiến dịch phá vây ở Kizugawaguchi và giành được thắng lợi.
Năm 1577, Nobunaga đánh thành Shigisan. Đối thủ của ông là Matsunaga Hisahide bị thua trận và được hưởng seppuku. Con trai Matsunaga dùng dao đâm vào cổ rồi nhảy từ trên thành xuống tự sát cùng với đầu của cha mình.
Cũng trong năm 1577, Nobunaga cử Shibata Katsuie đem 5 vạn quân đi đánh 3 vạn quân của Uesugi Kenshin. Trận đánh lớn diễn ra bên bờ sông Tedorigawa. Quân của Nobunaga thua trận.
Năm 1581, quân của Nobunaga phá thành HijiyamaIga.
Năm 1582, quân của Nobunaga đánh thắng quân của Takeda Shingen, đẩy lùi quân của Takeda khỏi núi Tenmoku. Cũng trong năm này, vào khoảng tháng Năm, Sáu, quân của Nobunaga đẩy lùi được quân của Uesugi Kenshin khỏi UzuEtchu, chiếm được thành Matsukura.

Tai họa tại chùa Honnō

Mộ của Oda Nobunaga trên núi Koya, tỉnh Wakayama
Tháng 6 năm 1582, Oda Nobunaga đang ở đỉnh cao của thắng lợi. Đối đầu với ông lúc này chỉ còn vài ba lãnh địa. Do đó, ông có phần chủ quan, cử các thuộc tướng của mình đi khắp nơi để củng cố sự cai trị của mình. Ông cũng để đồng minh của mình là Tokugawa Ieyasu tới Kansai để tiếp quản đất đai của lãnh địa Takeda. Ngày 21 tháng 6, Nobunaga đi chơi ở chùa HonnōKyoto mà không có quân đội đủ mạnh bảo vệ. Thuộc tướng của ông là Akechi Mitsuhide lúc trước được cử đi hỗ trợ Toyotomi Hideyoshi bất ngờ ập tới tấn công chùa, bao vây Nobunaga bên trong và phóng hỏa. Nobunaga tự sát theo nghi thức mổ bụng. Người ta không tìm ra thi thể của ông trong đống tro tàn của chùa Honnō-ji. Con trai trưởng của Nobunaga là Nobutada Oda sau đó cũng bị Mitsuhide tấn công và đã phải tự sát. Mộ của Nobunaga vẫn được lập trên núi Koya.
Cho đến này, lý do dẫn tới vụ đảo chính của Akechi vẫn chưa được làm rõ. Có nhà nghiên cứu lịch sử phỏng đoán rằng, Mitsuhide chỉ là người thực hiện âm mưu của kẻ khác, có thể là Tokugawa Ieyasu. Nhưng theo một số tài liệu gần đây và những phim ảnh cổ trang của Nhật thì Mitsuhide đã liên minh với Toyotomi Hideyoshi để giết hại Oda Nobunaga và sau đó Mitsuhide đã bị chính Toyotomi Hideyoshi phản bội, giết hại. Và kết cục là Toyotomi Hideyoshi đã lên nắm quyền hành cao nhất.

Tài liệu tham khảo

  • Sakaiya Taichi (2004), Mười hai người lập ra nước Nhật, Đặng Lương Mô biên dịch, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội

Tham khảo


Luật Biển Việt Nam

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Luật Biển Việt Nam được Quốc hội của Việt Nam thông qua vào ngày 21/6/2012.[1] Luật này gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng SaTrường Sa được khẳng định từ điều 1 của bộ luật. Bộ luật cũng được soạn để phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển. Luật biển của Việt Nam được thông qua cùng ngày với việc nhà nước Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa bao trùm toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[2][3]

Nội dung cơ bản

  • Chương 1: gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa.
  • Chương 2: quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo…
  • Chương 3:
Quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, trong đó có các quy định: đi qua không gây hại trong lãnh hải, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại, vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải, tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đến Việt Nam, trách nhiệm của tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, hoạt động của tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài, quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài…
  • Chương 4: dành cho phát triển kinh tế biển, với các điều khoản về nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành kinh tế biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển.
  • Chương 5: quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển, cờ, sắc phục và phù hiệu.
  • Chương 6: Quy định về xử lý vi phạm. Chương này bao gồm các điều khoản về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm, biện pháp ngăn chặn, thông báo cho Bộ Ngoại giao và xử lý vi phạm.

Phản ứng các bên

Bộ ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã triệu tập Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để phản đối luật này. Bộ ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải chỉnh sửa ngay lập tức vì luật mới của Việt Nam "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc" tại Biển Đông và bất kỳ nước nào tuyên bố chủ quyền tại Trường Sa-Hoàng Sa đều là hành động "bất hợp pháp và vô căn cứ" và Luật Biển của Việt Nam "vô giá trị, không có hiệu lực" và Trung Quốc mạnh mẽ phản đối, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình, và "hành động của Việt Nam là phi pháp, vô giá trị và gây phương hại cho hoà bình và ổn định ở Biển Đông và Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia của mình.[4][5]
Việt Nam cho rằng việc thông qua Luật Biển là hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông.[6]

Chú thích

Liên kết ngoài

No comments:

Post a Comment