Saturday, July 12, 2014

Chào ngày mới 12 tháng 7



CNM365 Chào ngày mới 12 tháng 7 Wikipedia Ngày này năm xưa. Ngày Độc lập tại São Tomé và Príncipe (1975) và Kiribati (1979).  Năm 918 – Thái tử Vương Diễn lên ngôi hoàng đế nước Tiền Thục, ông là quân chủ thứ nhì và cũng là cuối cùng của quốc gia. Năm 1527Lê Cung Hoàng ra chiếu nhường ngôi hoàng đế cho Mạc Đăng Dung (Tượng vua Mạc Đăng Dung- chùa Thiên Phúc, Trà phương Kiến Thụy hình) , kết thúc triều Lê sơ và mở đầu triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Năm 1898 – Hai nhà khoa học William Ramsay và Morris Travers phát hiện nguyên tố hóa học Xenon trong phần bã còn lại sau khi tiến hành làm bay hơi các thành phần của không khí hóa lỏng. Năm 1943Chiến tranh thế giới thứ hai: Đức và Liên Xô giao chiến trong trận Prokhorovka, một trong những trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới.

Mạc Đăng Dung

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mạc Thái Tổ
Hoàng đế Việt Nam
Trị vì 1527 - 1529
Kế nhiệm Mạc Thái Tông
Thông tin chung
Thê thiếp Vũ Thị Ngọc Toàn[1]
Tên húy Mạc Đăng Dung
Niên hiệu Minh Đức: 1527 - 1529
Thụy hiệu Nhân Minh Cao Hoàng Đế
Miếu hiệu Thái Tổ
Triều đại Nhà Mạc
Thân phụ Mạc Hịch
Thân mẫu Đặng Thị Hiếu
Sinh 1483
Mất 1541
Việt Nam
An táng An Lăng
Nghề nghiệp Quan nhà Hậu Lê
Vua nhà Mạc
Mạc Thái Tổ (chữ Hán: 莫太祖; 1483 ? - 22/8 âm lịch năm 1541), người sáng lập ra nhà Mạc, kéo dài từ năm 1527 đến năm 1592, trong giai đoạn lịch sử của Việt Nam mà người ta gọi là thời kỳ Lê-Mạc phân tranh hay thời kỳ Nam-Bắc triều của Đại Việt.
Nhà Mạc do ông dựng lên không những chỉ phải lo khôi phục sơn hà xã tắc đã suy kiệt từ cuối thời kỳ Lê sơ mà còn phải chống chọi lại với phản ứng rất mãnh liệt của phần lớn các cựu thần nhà Hậu Lê với tư tưởng trung quân của Nho giáo, chẳng hạn Cương mục có viết Đăng Dung sợ lòng người tưởng nhớ nhà Lê cũ, sinh ra biến cố, nên phàm việc đều noi theo chế độ triều Lê, do vậy các sửa đổi của ông về mọi quy chế trong nước là không nhiều.

Thân thế

Ông tên thật là Mạc Đăng Dung (莫登庸), sinh giờ ngọ, ngày 23 tháng 11 năm Quý Mão (1483). Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).
Cho đến nay trong sử sách và giới nghiên cứu tồn tại 3 ý kiến khác nhau về nguồn gốc của Mạc Đăng Dung:
  1. Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Theo Toàn thư và Đại Việt thông sử, Mạc Đăng Dung là người xã Cao Đôi (Đông Cao theo Cương mục), huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), tổ tiên ông là Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên triều Trần. Đĩnh Chi sinh ra Cao (Dao theo Cương mục), Cao sinh ra Thúy (Túy theo Cương mục), Thúy sinh ra Tung, dời sang ở xã Lan Khê, huyện Thanh Hà, Hải Dương rồi sinh ra Bình, Bình lại dời sang xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương rồi trú tại đó. Bình sinh ra Hịch, Mạc Hịch lấy con gái Đặng XuânĐặng Thị Hiếu người cùng làng Cổ Trai sinh được ba con trai, con trưởng là Đăng Dung, con thứ là Đăng Đốc (Đốc Tín), con út là Đăng Quyết.
  2. Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi mà Mạc Đĩnh Chi lại là cháu 5 đời của trạng nguyên Mạc Hiển Tích thời Lý Nhân Tông (1086), tức là Mạc Đăng Dung là cháu 11 đời của Mạc Hiển Tích. Người theo quan điểm này là Vũ Phương Đề trong Công dư tiệp ký[2]. Sau đó Đặng Đình Lang cũng theo thuyết này và bổ sung thêm rằng gốc gác họ Mạc từ Cơ Chất Khiết - hậu huệ nhà Chu bên Trung Quốc. Sau khi nhà Chu mất, Cơ Chất Khiết làm quan cho nhà Hán, được ban họ Mạc và phong ở Trịnh ấp. Sau này con cháu di cư xuống phía nam rồi tới Đại Việt[3].
  3. Mạc Đăng Dung là dòng dõi người tộc Đãn ở ven biển từ Phúc Kiến (Trung Quốc) trở xuống, đã Việt hóa ở phương Nam. Đây là quan điểm của Trần Quốc Vượng cho rằng: gia phả thực của họ Mạc còn chôn trong mộ và họ Mạc là người Đãn man[4].
Trong 3 luồng ý kiến trên, luồng ý kiến thứ nhất được đông đảo các nhà nghiên cứu chấp nhận vì khoảng cách thế thứ từ Mạc Đĩnh Chi tới Mạc Đăng Dung là hợp lý (7 đời trong 200 năm). Thuyết thứ hai được đánh giá là không hợp lý khi nối kết Mạc Đĩnh Chi và Mạc Hiển Tích: các nhà nghiên cứu cho rằng khoảng cách 5 đời trong 220 năm là không hợp lý về thế thứ[5]. Giả thuyết của Đặng Đình Lang đưa ra năm 1959 được xem là đi quá xa và không rõ căn cứ vào đâu[6]. Riêng giáo sư Trần Quốc Vượng phản bác cả 2 ý kiến trên mà cho rằng: Mạc Đăng Dung nhận mình là con cháu Mạc Đĩnh Chi chỉ là "thấy người sang bắt quàng làm họ"[4].

Quyền thần nhà Lê

Mạc Đăng Dung hồi nhỏ làm nghề đánh cá, lớn lên có sức khoẻ, đỗ lực sĩ xuất thân, được sung vào quân túc vệ của nhà Hậu Lê đời Lê Uy Mục.
Năm 1508, Đoan Khánh năm thứ 4, vua Lê Uy Mục giao cho ông làm Thiên vũ vệ đô chỉ huy sứ ty đô chỉ huy sứ. Năm 1511, Hồng Thuận năm thứ 3, vua Lê Tương Dực thăng ông làm Đô chỉ huy sứ tước Vũ Xuyên bá.
Triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, mạnh nhất là lực lượng Trần Cảo. Cảo đánh chiếm kinh thành Thăng Long, các tướng gác mâu thuẫn cùng đánh dẹp. Đến khi Trần Cảo rút đi, các tướng lại chia bè phái đánh nhau. Nguyễn Hoằng Dụ (con Nguyễn Văn Lang) đánh nhau với Trịnh Tuy. Tuy thua chạy về Tây Đô (Thanh Hoá). Trần Chân về phe với Tuy đánh đuổi Hoằng Dụ, nắm lấy quyền trong triều.
Mạc Đăng Dung thấy uy quyền của Chân lớn liền kêt thông gia với Chân, cho con gái Chân lấy con trai cả mình là Mạc Đăng Doanh.
Năm 1518, Lê Chiêu Tông nghe lời gièm pha, sợ quy quyền của Trần Chân nên sai người giết Chân. Thủ hạ của Chân là Nguyễn Kính nổi loạn. Bấy giờ Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương. Chiêu Tông bèn triệu Mạc Đăng Dung và Nguyễn Hoằng Dụ về cứu giá. Hoằng Dụ đánh bị thua chạy về Thanh Hóa rồi chết. Đăng Dung một mình nhân cầm quân dẹp loạn mà nắm hết quyền bính.
Năm 1521, Mạc Đăng Dung chiêu hàng được Nguyễn Kính, dẹp được Trần Cung (con Trần Cảo), quyền thế át cả Chiêu Tông. Chiêu Tông sợ chạy ra ngoài gọi quân Cần vương. Đăng Dung bèn lập em Chiêu Tông là Xuân lên ngôi, tức là Lê Cung Hoàng, tuyên bố phế truất Chiêu Tông.
Vua Chiêu Tông được các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú về cứu, thanh thế rất lớn. Nhưng sau đó Trịnh Tuy ở Thanh Hóa ra cần vương, các tướng bất hoà. Trịnh Tuy tranh công mang Chiêu Tông vào Thanh Hoá, ra lệnh các đạo bãi binh, từ đó các tướng không theo Chiêu Tông nữa.
Năm 1523, Mạc Đăng Dung nhân phe Chiêu Tông yếu thế, điều quân đánh Thanh Hoá. Năm 1524, Trịnh Tuy thua trận bỏ chạy rồi chết. Đăng Dung được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công. Năm 1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông mang về Thăng Long và giết chết năm 1526.
Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương. Các đối thủ đều bị dẹp yên, không còn ai ngăn trở, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Cung Hoàng lên ngôi, lập ra nhà Mạc. Chiếu nhường ngôi của Lê Cung Hoàng cho Mạc Đăng Dung có đoạn viết: "Từ cuối đời Hồng Thuận gặp lúc Quốc gia nhiều nạn, Trịnh trung lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp, lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà Lê vậy. Ta (Cung đế) bạc đức nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái Sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều qui phục, nay theo lẽ phải nhường ngôi cho..."

Làm vua

Ông lên làm vua từ ngày 15 tháng 6 âm lịch năm 1527 đến hết năm 1529 với niên hiệu Minh Đức. Sau đó, học theo nhà Trần, nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh (tức Mạc Thái Tông) để lui về làm Thái thượng hoàng.
Do thời gian làm vua rất ngắn, không để lại nhiều dấu ấn gì ngoài một số việc như: cho đúc tiền Thông Bảo,truy tôn Mạc Đĩnh Chi là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế,xây cung điện ở Cổ Trai (nay thuộc Kiến Thụy, Hải Phòng),lấy Hải Dương làm Dương Kinh,tổ chức thi tuyển chọn người có tài (thi Hội năm 1529), cũng như sửa định binh chế, điền chế, lộc chế và đặt các vệ-phủ, các vệ sở trong ngoài, các ty sở thuộc, hiệu ty, tên quan và số lại viên, số người, số lính của các nha môn, nhưng vẫn phỏng theo quan chế triều trước với bổ sung không đáng kể nên người ta biết đến ông phần nhiều như là một người tiếm ngôi, mặc dù trong giai đoạn từ đời Lê Uy Mục đến đời Lê Cung Hoàng thì nhà Hậu Lê đã cực kỳ suy tàn, khởi nghĩa và nổi loạn nổi lên ở nhiều nơi, triều chính thối nát dẫn đến việc các ông vua này phải dựa vào thế lực ngày càng tăng của Mạc Đăng Dung nhằm duy trì quyền lực đã gần như không còn của mình và cuối cùng là việc phải nhường ngôi cho ông.
Năm 1540, Mạc Thái Tông mất, Đăng Dung lập cháu nội là Mạc Phúc Hải lên ngôi, tức là Mạc Hiến Tông.

Quan hệ với nhà Minh

Các bộ chính sử thời phong kiến của Việt Nam như Toàn thư, Cương mục đều viết về hai sự kiện Mạc Đăng Dung cắt đất cho nhà Minh.

Năm 1528

Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
Năm 1528, cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận
Trong Cương mục cũng đặt vấn đề nghi ngờ về sự việc năm 1528 mà Toàn thư đã chép. Cũng nên lưu ý rằng Toàn thư là do các quần thần nhà Hậu Lê viết ra nên có thể không chính xác. Các sử gia ngày nay xác định rõ rằng hai châu Quy Hoá và Thuận An đã mất sang tay nhà Tống từ thời nhà Lý, do hai thủ lĩnh Nùng Trí Hội và Nùng Trí Cao nộp cho Tống[7].

Đầu hàng năm 1540

Cũng theo Toàn thư:
[năm] 1540...tháng 11, Mạc Đăng Dung... qua trấn Nam Quan... phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước...dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu...Lại sai bọn...mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh (Sử ký) nhưng về việc này có mâu thuẫn với sách Khâm Châu chí của nhà ThanhQuảng Yên sách.
Về sự việc cắt đất này, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Việc cắt đất bị nhiều sử gia về sau lên án gay gắt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông làm thế là khôn khéo nhất, vì cùng một lúc không thể chia sẻ lực lượng ra để chống lại hai thế lực: nhà Minh ở phía bắc, liên minh Lê - Nguyễn ở phía nam[8][9].
Trên thực tế, điều này (dù có hay không) đã ngăn không cho nhà Minh đem quân vào Đại Việt và kể từ sau khi ông mất thì cháu ông, Mạc Phúc Hải vẫn là người có toàn quyền tối cao điều hành đất nước từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra.
Đến thế kỷ 19, học giả Nguyễn Văn Siêu, tác giả sách Phương Đình Dư Địa chí, đã thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này. Sau khi khảo cứu các sách địa lý Trung Quốc và Việt Nam, Nguyễn Văn Siêu kết luận[10]:
Mấy động Như Tích thuộc châu Vĩnh An mới có từ niên hiệu Thuận Thiên. Nhà Mạc trả lại cho nhà Minh đất cũ đã lấn, không phải là cắt đất để đút lót vậy.
Các sử gia ngày nay có quan điểm thống nhất với Nguyễn Văn Siêu[11].
Tác giả Trần Gia Phụng trong bài viết: "Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử" có đoạn bình luận xác đáng về sự kiện đầu hàng nhà Minh của Mạc Thái Tổ:
"Năm 1533,... Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liễu cùng hơn 10 người đi đường biển từ Chiêm Thành theo thuyền buôn Quảng Đông tới Trung Hoa xin thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc. Năm 1536 một lần nữa Lê Trang Tông sai Trịnh Viên yêu cầu nhà Minh đánh họ Mạc.
Hành động của vua Lê, kêu gọi người nước ngoài về đánh nước mình, trong đó có ý kiến cố vấn của Nguyễn Kim, không bị một sử gia nào lên án. Việc làm nầy đưa đến kết quả cụ thể là nhà Minh cử Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ đem binh mã sang ải Nam Quan năm 1540. Ngược lại, trong thế yếu, muốn tránh một cuộc chiến mà mình nắm chắc phần thất bại, đồng thời dân Việt sẽ một lần nữa bị đặt dưới ách thống trị trực tiếp của ngoại nhân như thời Mộc Thạnh, Trương Phụ, Mạc Thái Tổ, lúc đó đã lên làm thái thượng hoàng, đành chấp nhận đầu hàng và chấp nhận hy sinh danh dự cá nhân, lên ải Nam Quan (Lạng Sơn) chịu nhục. Nhờ sự nhẫn nhục của Mạc Thái Tổ,... Đại Việt trên danh nghĩa là lệ thuộc Trung Hoa, nhưng trong thực tế vẫn độc lập một phương, vua Mạc vẫn cai trị đất đai từ Lạng Sơn trở xuống, đâu có viên tướng Tàu nào bén mảng sang cai trị. Ai cũng bảo Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh vì quyền lợi gia đình họ Mạc, nhưng giả thiết, một giả thiết không bao giờ có thể quay lại được, Mạc Đăng Dung chống cự quân Minh như họ Hồ, nước ta bị tái đô hộ, thì nhân dân ta còn khổ biết bao nhiêu nữa. Đàng này, Mạc Đăng Dung một mình chịu nhục cho trăm họ bình yên. Người ta ưa ca tụng Hàn Tín khi nghèo khổ đã lòn trôn tên bán thịt chợ Hoài Âm (Trung Hoa) như là một gương nhẫn nhục đáng noi theo, nhưng chẳng một ai chịu chia sẻ với nỗi nhẫn nhục vĩ đại của Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung rất buồn tủi về sự kiện Nam Quan (Lạng Sơn) nên về nhà chưa được một năm, ông nhuốm bệnh từ trần năm 1541."
Đi xa hơn nữa, tác giả còn so sánh hành động này của Mạc Đăng Dung với vua Lê sau ngày trung hưng về Thăng Long:
...(Theo Việt sử Thông giám cương mục,) "sau khi trở về Thăng Long, năm 1596 vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599) cử người đem hình dạng hai quả ấn của nhà Mạc và vua Lê lên Nam Quan cho đại diện nhà Minh khám xét, nhưng quan nhà Minh không chịu, bắt vua Lê phải thân hành đến gặp. Vua Lê phải chấp hành, nhưng khi đến nơi đợi lâu quá không được gặp quan nhà Minh, vua Lê đành trở về, rối năm sau (1597) lên một lần nữa mới được hội kiến. Sự kiện nầy chẳng khá gì hơn việc Mạc Đăng Dung lên Nam Quan năm 1540..."
Học giả Trần Trọng Kim thì lên án Mạc Đăng Dung như sau[12]:
"Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ."

Qua đời

Năm 1541, thượng hoàng Mạc Đăng Dung qua đời, thọ 59 tuổi. Trước khi mất ông có để lại di chúc không làm đàn chay cúng Phật và khuyên Mạc Phúc Hải phải nhanh chóng về kinh sư để trấn an nhân tâm và xã tắc là trọng.

Đời sau nhìn nhận

Mạc Đăng Dung là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Việt Nam. Những nhân vật kiểu như Mạc Đăng Dung (hay Trần Thủ ĐộHồ Quý Ly thường xuất hiện trong lịch sử Trung Hoa hơn là Việt Nam. Sử sách triều Lê-Trịnh và triều Nguyễn sau này vốn luôn lên án Mạc Đăng Dung là "thoán nghịch" hay "nghịch thần" đồng thời coi nhà Mạc là "ngụy triều" nhưng cũng phải ghi lại một thực tế lịch sử khi Mạc Đăng Dung lên ngôi là "bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đến đón vào kinh sư" (Đại Việt sử ký toàn thư, tr.118) hay "lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô" (Đại Việt thông sử, tr.264). Nhưng dù có khen chê hay định đoạt công tội của Mạc Đăng Dung thì người ta cũng phải thừa nhận ông là một người có tài thao lược, trí dũng hơn người (chỉ trong khoảng 10 năm đã dẹp yên hầu hết các cuộc nổi loạn của nhiều phe phái, thế lực cát cứ khắp nước), là một tay anh hùng lập thân trong thời đại loạn như Đinh Tiên Hoàng thuở trước (xuất thân hàn vi từ tay không mà dựng nên đế nghiệp), là người có sức thu phục nhân tâm lớn (thu phục đại bộ phận lòng dân trong nước, chiêu nạp dưới trướng nhiều tướng lĩnh có tài và trung thành như Nguyễn Kính, Vũ Hộ, Phạm Tử Nghi...), là người dám hy sinh cả danh dự cá nhân vì đại cục quốc gia (đây là hành động thường thấy trong lịch sử Trung Quốc nhiều thời kỳ nhưng gần như không thấy gặp trong lịch sử Việt Nam ở những thời điểm then chốt).
Một điều nữa khiến Mạc Đăng Dung được các sử gia sau này đánh giá cao là ở cách đối nhân xử thế của ông. Khi Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê sơ để lên ngôi, ông đã không thi hành một cuộc tàn sát hay tắm máu nào đối với con cháu nhà Lê và những người trung thành với cựu triều bởi những cuộc thanh trừng có hệ thống đã từng xảy ra khi nhà Trần lên thay nhà Lý, nhà Hồ lên thay nhà Trần trước đó. Đối với những di sản kiến trúc-văn hóa của nhà Lê sơ tại Thăng LongThanh Hóa, Mạc Đăng Dung cũng không xâm phạm hay tàn phá, mà còn cho tu bổ lại các công trình như nhà Quốc Tử Giám ở Thăng Long và lăng mộ các đời vua Lê tại Lam Kinh (Thanh Hóa). Đây cũng được coi là việc làm hiếm thấy trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam bởi triều đại mới lên thường xóa bỏ hay phá hủy những gì được coi là "tàn tích" của triều đại cũ cho dù nhiều "tàn tích" trong số đó có ý nghĩa tiến bộ về lịch sử đi chăng nữa. Điểm "đặc biệt" cuối cùng trong cách hành xử của Mạc Đăng Dung là ở khả năng dùng người và trọng đãi nhân tài của ông. Một bộ phận lớn quan lại, đại thần của triều cũ (Lê sơ) vẫn được tin dùng và trao giữ những chức vụ quan trọng dưới triều Mạc. Nhiều nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng sở dĩ Mạc Đăng Dung có cách hành xử linh hoạt, cởi mở như vậy là do ông xuất thân ở vùng biển nơi cư dân có cái nhìn thực tế, hướng ngoại và ít bị ràng buộc bởi những tư tưởng bảo thủ truyền thống như những cư dân trong nội địa vốn chủ yếu sống bằng nông nghiệp vào thời đó. Bởi vậy mà cho tới cuối thời Lê Trung Hưng, trong sách Vũ trung tùy bút tác giả Phạm Đình Hổ đã viết: "cái đức chính của thời Minh Đức (niên hiệu của Mạc Thái Tổ) và Đại Chính (niên hiệu của Mạc Thái Tông) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên thời vận đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết..."

Định nam đao

Thanh long đao của Mạc Thái Tổ (còn được gọi là Định nam đao) được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ ở Việt Nam khẳng định là binh khí duy nhất của một danh tướng cũng như một vị vua dưới thời phong kiến Việt Nam vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Năm 2010, thanh long đao này đã được con cháu họ Phạm gốc MạcNam Định đưa về lưu thờ và trưng bày ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (nơi là trung tâm của Dương Kinh thời Mạc ở thế kỷ 16). Trải qua hơn 500 năm tuổi và 90 năm bị ăn mòn do chôn giấu dưới lòng đất nhưng cơ bản thanh long đao vẫn giữ được hình dạng và kích thước không khác mấy lúc ban đầu dù bị sứt mẻ và gỉ sét ở nhiều chỗ.
Năm 1986, nhà sử học Lê Xuân Quang (người Nam Trực, Nam Định), hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong quá trình tìm hiểu về hậu duệ vương triều Mạc trên đất Hà Nam Ninh cũng là nhà nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam tìm hiểu chi tiết về thanh long đao. Ông đã xin phép con cháu họ Phạm gốc Mạc được trực tiếp cân đong, đo đếm một cách tỉ mẩn thanh long đao và ghi lại trong bản báo cáo như sau: "Thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng 25,6kg, lưỡi đao dài 0,95m, cán đao bằng sắt rỗng dài 1,60m. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao (trông như thể đầu rồng đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao), chỗ hình đầu rồng có "cá" chốt chặt lưỡi đao vào cán đao". Nhiều chuyên gia về binh khí cổ ở Việt Nam cho rằng thanh long đao (Định nam đao của Mạc Thái Tổ) lúc ban đầu khi chưa bị gỉ sét có thể cân nặng không dưới 30 kg. Thanh đại đao này cũng được xem là một trong hai thanh long đao của một vị quân vương ở châu Á còn tồn tại đến nay và được lưu thờ là vật thái bảo. Thanh long đao còn lại là của Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dẫn), vua sáng lập ra nhà Bắc Tống. Cũng có nhiều đánh giá khẳng định thanh Định nam đao của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) nặng hơn hai thanh long đao của Triệu Khuông Dẫn và của Ngô Tam Quế (hiện được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Vân Nam ở thành phố Côn Minh của Trung Quốc) đồng thời cân nặng không kém mấy so với thanh long đao yển nguyệt của Quan Vũ thời Tam Quốc (theo tác giả La Quán Trung trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa thì long đao yển nguyệt của Quan Vũ cân nặng 82 cân thời Hán tức là khoảng 37 kg thời nay).

Con cháu

Xem thêm

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ Viện Sử học (2007), sách đã dẫn, tr 511
  2. ^ Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 232
  3. ^ Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 233
  4. ^ a ă Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 235
  5. ^ Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 237
  6. ^ Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 232-233
  7. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 34
  8. ^ Viện Sử học (2007), sách đã dẫn, tr 448
  9. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 93
  10. ^ Viện Sử học (2007), sách đã dẫn, tr 448-449
  11. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 98
  12. ^ Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Bô Giáo dục - Trung tâm học liệu xuất bản, tr 229

Liên kết ngoài


Trận Prokhorovka

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Prokhorovka
Một phần của Trận Vòng cung Kursk trong
Chiến tranh thế giới thứ hai
Destroyed German tanks at Kursk.gif
Xe tăng Đức bị bắn hỏng tại Kursk 1943
.
Thời gian 12 tháng 7 năm 1943
Địa điểm Prokhorovka, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, Liên bang Xô viết
Tọa độ 51°2′11″B 36°44′11″ĐTọa độ: 51°2′11″B 36°44′11″Đ
Kết quả Liên Xô phòng ngự chiến thuật thành công[1]
Chiến dịch bị bỏ dở[2][3]
Đức thất bại về chiến lược[3]
Tham chiến
Cờ của Đức Quốc Xã Đức Quốc Xã Cờ của Liên Xô Liên bang Xô viết


Lực lượng
Quân đoàn xe tăng 2 SS Quân đoàn xe tăng 48
Quân đoàn xe tăng 3
Tổng cộng: 587 xe tăng và pháo tự hành
Phương diện quân Voronezh Phương diện quân Thảo nguyên
Tổng cộng: 877 xe tăng và pháo tự hành
Tổn thất
522 người chết/mất tích)[4]
310 xe tăng bị phá hủy [5]
~5,500 người [cần dẫn nguồn]
388 xe tăng bị phá hủy [5]
.
Trận Prokhorovka là một trận đánh diễn ra giữa Tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức Quốc Xã với Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5, Quân đoàn xe tăng 2, Quân đoàn cơ giới cận vệ 2 của Quân đội Liên Xô, diễn ra tại làng Prokhorovka cách Moskva 450 kilomet về phía nam như một phần của Trận Vòng cung Kursk trong mặt trận Xô-Đức của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó là một trong những trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Tổng cộng hai bên đã đưa vào trận 1.464 xe tăng và pháo tự hành.[5]
Ngày 5 tháng 7 năm 1943 Bộ tư lệnh Tối cao các lực lượng vũ trang Đức Quốc Xã đã phát động Chiến dịch Thành trì (Untrenchmen Zitadelle) với mục tiêu hủy diệt khối quân Liên Xô đang đóng tại "chỗ lồi" Kursk. Nếu thành công, phát xít Đức hy vọng sẽ lấy lại được quyền chủ động chiến lược, vốn đã bị mất sau thảm họa Stalingrad. Tham gia chiến dịch Thành trì là 5 tập đoàn quân Đức có nhiệm vụ chọc thủng trận tuyến Hồng quân ở hai cánh Nam và Bắc của Vòng cung Kursk nhằm thực hiện hai đòn vu hồi bao vây Hồng quân tại "chỗ lồi" Kursk.
Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên bang Xô viết Stavka, đã đoán biết trước kế hoạch tấn công của phát xít Đức, vì vậy họ tích cực chuẩn bị các phòng tuyến dày đặc nhằm ngăn quân Đức theo nguyên tắc chiến tranh chiều sâu. Lúc này, Nguyên soái G. K. Zhukov thuyết phục I. V. Stalin rằng Hồng quân Xô Viết không nên tấn công mà cần phải tổ chức phòng ngự và tiêu hao lực lượng Đức tiến công vào Vòng cung Kursk. Khi phát xít Đức đã thấm mệt sau các đợt tiến công vất vả thì Hồng quân sẽ tung những lực lượng dự bị chiến lược ra đập tan các mũi tấn công đã mỏi mệt của phát xít Đức.
Trong Trận Kursk, cánh bắc của quân Đức tại khu vực gần Orel đã nhanh chóng bị chặn đứng và ngay sau đó, Hồng quân mở Chiến dịch Kutuzov đẩy lui mũi phía Bắc của phát xít Đức. Ở cánh nam, mọi việc diễn ra thuận lợi hơn cho quân Đức khi các lực lượng thiết giáp Đức và các đơn vị SS đã chọc thủng trận tuyến Hồng quân và tiến gần tới làng Prokhorovka. Lúc này, Hồng quân Xô Viết quyết định phải tung một phần lực lượng dự bị - sớm hơn so với dự kiến - ra để chặn mũi tiến công của phát xít Đức. Và trận đấu xe tăng với quy mô lớn nhất trong lịch sử quân sự đã diễn ra vào ngày 12 tháng 7 năm 1943 tại làng Prokhorovka.
Trận đánh này là một giai đoạn mấu chốt trong toàn bộ quá trình thực hiện kế hoạch hợp vây Hồng quân tại "chỗ lồi" Kursk. Đỉnh điểm và kết quả của trận đánh có thể được xem là hệ quả của một sự ganh đua quyết liệt giữa hai phe tham chiến. Phát xít Đức đã giành được một vài mục tiêu chiến thuật, nhưng thất bại hoàn toàn trong việc đạt được mục tiêu chiến lược của họ. Còn Hồng quân Xô Viết thất bại trong quá trình phản công đẩy lui mũi tấn công của phát xít Đức, nhưng đã thành công trong việc bảo vệ trận địa và ngăn không cho quân Đức chọc thủng phòng tuyến. Cuối trận, cả hai phe đều chịu tổn thất nặng; mặc dù tổn thất của Hồng quân cao hơn nhưng nền công nghiệp quốc phòng cũng như nguồn nhân lực và vật lực dự trữ chiến lược to lớn của Liên Xô dư sức bù đắp những thiệt hại đó; trong khi đó phát xít Đức đã mệt lả và không còn lực lượng dự bị để có thể phát triển tiến công được nữa. Thất bại tại vòng cung Kursk đã đặt dấu chấm hết cho mọi cơ hội giúp phát xít Đức giành lại thế chủ động chiến lược tại Mặt trận Xô-Đức: quân Đức càng lúc càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động cho đến hết chiến tranh.[2]

Bối cảnh

Mùa đông 1942-1943, Tập đoàn quân số 6 của phát xít Đức đã bị hủy diệt trong trận Stalingrad. Kết quả của ba chiến dịch lớn diễn ra trong khoảng thời gian đó: Chiến dịch Sao Thiên Vương, Chiến dịch Bão Mùa đôngChiến dịch Sao Thổ cũng đe dọa nghiêm trọng đến các cụm tập đoàn quân phía nam của Đức. Nếu Hồng quân Xô Viết thành công hơn nữa, có lẽ toàn bộ các Tập đoàn quân này đã bị tiêu diệt. Nhưng dù sao, phần lớn lãnh thổ khu vực Kavkaz cũng đã không còn bóng của người lính Đức nào. Hồng quân chỉ tổn thất có 7 vạn người để đuổi quân Đức ra khỏi Kavkaz.[6] Được khích lệ bởi chiến thắng, Tổng tư lệnh Tối cao I. V. Stalin đã hạ lệnh cho Hồng quân tiến thẳng tới Rostov nhằm cắt đứt và hợp vây toàn bộ Cụm Tập đoàn quân Nam.
Hồng quân nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến quân Đức nhưng trận tuyến của họ đã bị kéo căng quá mức. Thống chế Đức Erich von Manstein nhanh chóng nhận ra yếu điểm này, và ông ngay lập tức mở Chiến dịch Donets đánh thẳng vào cạnh sườn bị kéo căng của Hồng quân. Với kịch bản tương tự như ở Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya một năm về trước, cánh Nam của Hồng quân đã bị đánh sập, các mũi tấn công của Hồng quân đã bị bao vây và hủy diệt. Sau đó phát xít Đức đã lấy lại được Kharkov vào ngày 14 tháng 3 năm 1943 và đẩy Hồng quân về phía Bắc sông Đông. Kết quả của chiến dịch Donets là một "chỗ lồi" có chiều dài 150 dặm tính từ Bắc xuống Nam. Trong trận này, phát xít Đức bắt được 9 nghìn tù binh và ước tính rằng Hồng quân có 23 nghìn binh sĩ tử trận. Các tài liệu của Hồng quân đưa ra con số thương vong tổng cộng là 45 nghìn người chết, mất tích, bị thương và bị bắt.[6]
Diễn biến trận chiến tại Vòng cung lửa Kursk. Trận Prokhorovka diễn ra ở mặt Nam của vòng cung.
Sau đó, phát xít Đức nhân đà thắng lợi ào vào chiếm Belgorod. Tuy nhiên do không đủ quân lực, quân Đức phải dừng cuộc tấn công và Hồng quân vẫn giữ được Kursk. Sức kháng cự của Hồng quân sau Kharkov càng lúc càng mạnh hơn và quân Đức khó có thể tiến xa hơn được nữa. Mặt trận trở nên ổn định vì cả hai phe đều mệt lả, không đủ sức để tấn công đối phương và "chỗ lồi" tại Kursk trên mặt trận Xô-Đức được hình thành.
Lúc này, lãnh đạo Đức Quốc Xã Adolf Hitler cùng Bộ Tổng tư lệnh Tối cao của ông quyết định chọn cung lồi Kursk làm mục tiêu của đợt tấn công chiến lược kế tiếp của phát xít Đức; với mục đích nhằm hủy diệt lực lượng dự bị chiến dịch và chiến lược của Hồng quân Xô Viết, lấy lại thế cân bằng trên mặt trận đồng thời đoạt lại luôn quyền chủ động chiến lược[7] mà phát xít Đức đã để mất sau thảm họa Stalingrad.
Về phía mình, các thông tin tình báo đã giúp Hồng quân Xô Viết nhận rõ mục tiêu kế tiếp của phát xít Đức vào mùa hè năm 1943. Lúc này, Hồng quân không còn phải tổ chức phòng ngự chiến lược trên toàn mặt trận như hồi ở Moskva năm 1941, vì vậy họ đã có thể xây dựng một hệ thống phòng thủ dày đặc nhiều tầng nhiều lớp - có khi sâu tới 100 cây số - để chặn quân Đức. Lực lượng của Hồng quân tại Vòng cung Kursk bao gồm 10 phương diện quân tương đương 40 tập đoàn quân hỗn hợp và 5 tập đoàn quân xe tăng bố trí trên một mặt trận dài 2.000 cây số và sâu 600-700 cây số.[8] Kế hoạch của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô Stavka là tổ chức phòng ngự tích cực tại "chỗ lồi" Kursk nhằm tiêu hao các mũi tấn công của phát xít Đức khi chúng phải vất vả vượt qua các phòng tuyến dày đặc của Hồng quân với sự phối hợp của nhiều binh chủng khác nhau trong việc tác chiến phòng ngự. Sau khi phát xít Đức đã thấm mệt, Hồng quân sẽ tung các đơn vị dự bị chiến lược ra và đập tan các mũi tấn công mệt mỏi của đối thủ.

Quân lực hai bên

Quân đội Đức Quốc Xã

Lực lượng Đức trong trận Prokhorovka chủ yếu bao gồm 6 sư đoàn xe tăng và 1 sư đoàn cơ giới, trong đó có 3 sư đoàn xe tăng SS vốn đã chịu nhiều thiệt hại nặng từ những ngày đầu của trận Kursk. Đến ngày 11 tháng 7, Sư đoàn xe tăng 1 SS Adolf Hitler ngày 11 tháng 7 còn 92 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 2 SS Đế chế còn 94 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 3 SS Đầu lâu còn 105 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 3 (Quân đoàn xe tăng 48) còn 50 xe tăng, Sư đoàn cơ giới "Đại Đức" (Quân đoàn xe tăng 48) còn 123 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 6 (Quân đoàn xe tăng 3) còn 48 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 7 (Quân đoàn xe tăng 3) còn 66 xe tăng. Tổng số xe tăng kiểu Tiger I của bảy sư đoàn này là 145 chiếc.[5]
Các tài liệu Liên Xô cho rằng phát xít Đức tung 500–700 xe tăng trong trận này.[9] Theo các nguồn của Đức thống kê được, có 294 xe tăng trong ngày 11 tháng 7, nằm trong biên chế các sư đoàn xe tăng SS số 1, số 2 và số 3 với số lượng lần lượt là 77, 95 và 122 chiếc, sang ngày 12 con số tương ứng là: không rõ, 103 và 121 chiếc, ngày 13 còn 70, 107 và 74 chiếc, đến ngày 14 là 78, 115 và 73 chiếc, và ngày 15 giảm xuống 85, 99 và 77 chiếc. Số liệu cuối cùng được ghi nhận vào ngày 16 là 96, 103 và 96 chiếc.[9] Riêng Quân đoàn xe tăng 2 SS có 494 xe tăng trước khi bước vào trận đánh, nhưng đến ngày 13 tháng 7 chỉ còn đúng 200 chiếc tức 40% biên chế ban đầu.[10] Ngoài ra, các tài liệu của Đức cũng không thống kê đựoc số xe tăng của sư đoàn cơ giới "Đại Đức", sư đoàn xe tăng 3 (Quân đoàn xe tăng 48 và các sư đoàn xe tăng 6, 7 của Quân đoàn xe tăng 3.[11]
Không quân Đức Luftwaffe tham gia trong trận này bao gồm Tập đoàn quân không quân số 8 với 966 máy bay sử dụng được trong ngày 5 tháng 7 năm 1943.[12] Số lượt bay giảm nhiều so với tuần trước đó. Từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 7, Cục trưởng Cục quân nhu Không quân Đức báo cáo rằng họ chỉ mất 41 máy bay. Thiệt hại trong giai đoạn 8-11 tháng 7 không được thống kê rõ ràng, nhưng chắc chắn rằng đã có 220 máy bay bị phá hủy và phá hỏng ở mặt Nam vòng cung Kursk tính từ ngày 5 đến ngày 31 tháng 7 năm 1943.[12]

Quân đội Liên Xô

Tập tin:General Rotmistrov,commander of the 7.Tank corps.jpg
Tướng P. A. Rotmistrov, tại Quân đoàn xe tăng cận vệ 7, Tập đoàn quân 5, đơn vị chủ công của Quân đội Liên Xô trong trận Prokhorovka
Lực lượng chủ yếu của quân đội Liên Xô tại Prokhorovka là Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5. Tổng số xe tăng và pháo tự hành của quân đội Liên Xô đến ngày 11 tháng 7 tham gia trận này có 877 chiếc; gồm 522 chiếc của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5, 140 chiếc của Quân đoàn xe tăng cận vệ 2, 49 chiếc của Quân đoàn xe tăng 2. Một phần lớn là những xe tăng hạng nhẹ như T-70 (188 chiếc) và xe tăng Churchill MK-3 (31 chiếc). Ngoài ra còn có 48 pháo tự hành chống tăng SU-122SU-76 và 18 xe tăng hạng nặng KV-1. Tuy nhiên, một số tài liệu cho rằng không có khẩu SU-152 hay SU-85 nào được tung vào trận chiến.[5]
Tuyến phòng thủ thứ nhất của Hồng quân do Quân đoàn xe tăng cận vệ số 2 và các quân đoàn xe tăng 29, 18 trấn thủ. Các lực lượng dự bị bao gồm Quân đoàn bộ binh cơ giới số 5Quân đoàn xe tăng số 2 - vốn đã chịu nhiều thiệt hại. Quân đoàn xe tăng số 18 bố trí 144 xe tăng trong ngày 11 tháng 7, còn quân đoàn số 29 có trong tay 212 xe tăng và pháo tự hành. Tính tổng cộng số xe tăng và pháo tự hành của Hồng quân có thể lên tới con số 500. Ngoài ra, Tập đoàn xe tăng cận vệ số 1 cũng tham gia tấn công một phần binh lực của quân đoàn thiết giáp số 48 (Đức); nhưng họ không được tính vào quân số Liên Xô tham chiến tại Prokhorovka. Một tài liệu khác đưa ra con số 294-429 xe thiết giáp Đức và 616-870 xe thiết giáp Liên Xô tham gia trận Prokhorovka.[13]
Lực lượng Không quân Xô Viết trong trận này tập trung kém. Tập đoàn quân không quân số 2 - mặc dù đã chịu nhiều thiệt hại trong những ngày đầu tiên - có trong tay 472 máy bay còn sử dụng được, trong đó có 266 máy bay tiêm kích, 160 máy bay ném bom và 90 chiếc máy bay Ilyushin Il-2 Shturmoviks. Tập đoàn quân không quân số 17 cũng tham gia vào trận chiến. Tập đoàn quân này cũng đã phải chịu tỷ lệ thiệt hại khá cao nhưng vẫn có thể huy động chừng 300 chiếc. Như vậy sức mạnh không quân của 2 bên là khá tương đương và cần phải được sử dụng thật thận trọng.[14]

Các diễn biến trước trận Prokhorovka

Mũi đột kích đến Prokhorovka của quân Đức

Sau nhiều lần trì hoãn tiến công để chuẩn bị binh lực, chiến dịch tấn công vào vòng cung Kursk của quân Đức chính thức mở màn vào ngày 5 tháng 7 năm 1943. Tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Thượng tướng Hermann Hoth do Quân đoàn thiết giáp SS số 2 làm tiên phong đã tấn công tuyến phòng ngự dài từ 10-15 dặm của Liên Xô với các bãi mìn, bộ binh cố thủ trong chiến hào và hỏa lực súng chống tăng bố trí dày đặc trên một trận địa pakfront đã được chuẩn bị kỹ càng. Mũi tấn công của Hoth đã tiến sâu được 35 cây số vào tuyến phòng ngự thứ ba của Hồng quân nhưng sau đó bị Tập đoàn quân xe tăng số 1 (Liên Xô) chặn đứng.
Trong các ngày 5–11 tháng 7 năm 1943 sư đoàn thiết giáp SS số 2 của Đức đã có nhiều nỗ lực trong việc chia cắt các Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1 và Tập đoàn quân số 69 của Hồng quân. Quân Đức tiến hết sức chật vật nhưng họ đã chọc thủng được phòng tuyến của Hồng quân Xô Viết. Phát xít Đức tự nhận là đã phá hủy được 1 nghìn xe tăng Liên Xô tính từ ngày 5 tháng 7, còn quân đoàn thiết giáp số 48 cho rằng họ đã tiêu diệt 1.300 binh sĩ và bắt sống 7 nghìn binh sĩ Hồng quân, thu giữ và phá hủy 170 xe tăng, 180 súng cối hạng nặng cùng một số lượng lớn pháo binh và súng chống tăng.[15]
Quân đoàn SS số 2 đã chọc thủng tuyến phòng thủ thứ 3 của Hồng quân tại Prokhorovka. Họ quyết định nhanh chóng khai thác chiến quả này vào ngay ngày hôm sau.[15] Tuy nhiên phát xít Đức đã sai lầm khi cho rằng lực lượng dự bị của Hồng quân đã bị tiêu diệt. Họ không biết rằng Phương diện quân Thảo nguyên của tướng I. S. Konev, một lực lượng dự bị mạnh của Hồng quân đã sẵn sàng được tung vào mặt trận. Trước tình hình mặt trận bị chọc thủng vào ngày 11 tháng 7, mặc dù có sự phản đối của Konev, Nguyên soái G. K. Zhukov đã cho phép Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô STAVKA tung Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5 của tướng Pavel Alekseyyevich Rotmistrov và Tập đoàn quân cận vệ số 5 thuộc Phương diện quân Thảo nguyên vào mặt trận để bịt lỗ hổng. Sư đoàn súng trường cận vệ số 42 cũng ngay lập tức được huy động. Đêm 11 tháng 7, các lực lượng này của Hồng quân đã đến Prokhorovka[16] và chuẩn bị sẵn sàng để đón đánh quân Đức.

Kế hoạch tấn công của phát xít Đức

Kế hoạch của phát xít Đức tại Prokhorovka là chọc thủng trận tuyến của Hồng quân ở mặt nam của vòng cung Kursk và hội quân với mũi tiến công phía Bắc, hoàn tất việc khép vòng vây đối với khối quân Liên Xô tại Kursk. Đợt tấn công sẽ diễn ra đồng thời với mũi tiến công của quân đoàn thiết giáp số 48 nhằm vào sông Psyol ở phía Tây Nam. Nhà ga Prokhorovka được chọn làm mục tiêu chủ đạo của đòn tấn công vì Đức định dùng khu vực này làm bàn đạp cho Tập đoàn quân thiết giáp số 4 thọc vào hậu phương của Hồng quân và hoàn tất việc khép chặt vòng vây.

Kế hoạch phản công của Hồng quân Xô Viết

Pháo tự hành SU-85, loại pháo tự hành chống tăng chủ yếu của Quân đội Liên Xô trong chiến dịch
Tình hình chiến trận tại mặt nam của Kursk trở nên đặc biệt căng thẳng vào ngày 11 và 12 tháng 7. Mũi tiến công của quân đoàn thiết giáp SS số 2 đã tiến được tới nhà ga Prokhorovka và đe dọa bao vây Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Hồng quân. Nhà ga này lại nằm ngay khu vực trung tâm phòng tuyến của Phương diện quân Voronezh. Ngày 11 tháng 7 năm 1943 Nguyên soái G. K. Zhukov hạ lệnh điều ngay 5 tập đoàn quân - trong đó có 2 tập đoàn quân của lực lượng dự bị là Phương diện quân Thảo nguyên - vào khu vực Prokhorovka nhằm mở cuộc phản công chặn đứng mũi đột phá của phát xít Đức vào ngày 12 tháng 7.[17] Các tập đoàn quân này cùng với Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Thiếu tướng Mikhail Efimovich Katukov có nhiệm vụ tấn công, cắt đứt, bao vây và tiêu diệt mũi đột phá của quân Đức tiến tới Prokhorovka. Mục tiêu của tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5 là quân đoàn SS còn các tập đoàn quân còn lại nhằm vào Quân đoàn thiết giáp số 48Quân đoàn số 52.
Kế hoạch tấn công của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5 có một thiếu sót lớn là họ bỏ qua sự yểm hộ cần thiết của pháo binh, chỉ đơn thuần dựa vào tốc độ cao để bù đắp cho yếu thế về giáp trụ và hỏa lực; thêm vào đó mũi tấn công chính nhằm ngay vào khu vực mà các hầm hào chống tăng do chính Hồng quân đào lại phần nào làm lợi cho xe tăng Đức. Thêm vào đó, phần lớn lực lượng của Không quân Xô Viết tại Kursk chủ yếu tập trung ở mạn Bắc của vòng cung; nói cách khác Không quân Đức Luftwaffe chiếm ưu thế tuyệt đối tại Prokhorovka. Hệ thống liên lạc không đối đất yếu kém của Hồng quân cũng góp phần làm tình hình thêm tồi tệ và dẫn đến việc các máy bay Đức gây cho Hồng quân nhiều thiệt hại ngay từ những giờ phút đầu tiên của trận đánh.[18]

Trận đánh

Chiến sự vào buổi sáng

Lúc 6 giờ 50 phút sáng ngày 12 tháng 7 năm 1943, quân đoàn SS số 2 bắt đầu tấn công. Ngay lúc đó, Hồng quân Xô Viết cũng mở đợt tấn công vào quân Đức. Phi cơ của hai phía cũng lao vào quần nhau trong một trận không chiến dữ dội. Quân đoàn SS số 2 báo cáo về việc "không quân đối phương hoạt động rất tích cực [...] lúc 7 giờ 10 phút".[14] Lần đầu tiên trong chiến dịch Kursk, số lần bay của các phi cơ Xô Viết vượt qua số lần bay của phát xít Đức ở mặt Nam vòng cung Kursk: các tập đoàn quân không quân số 17 và số 2 của Liên Xô thực thi cả thảy 893 lần bay trong khi Tập đoàn quân không quân số 8 của Đức thực hiện 654 lần.[19]
Tư lệnh Tập đoàn quân không quân số 8 Đức, tướng Hans Seidemann đã ra lệnh cho các đơn vị không quân Đức phải tập trung vào nhiệm vụ yểm hộ cho quân đoàn SS số 2. Còn quân đoàn thiết giáp số 48 ở phía Bắc chỉ nhận được sự yểm hộ rời rạc của các không đoàn Jagdgeschwader 3Jagdgeschwader 52.[19] Diễn biến của các trận không chiến là một yếu tố quan trọng quyết định kết quả các đợt tấn công của những đơn vị tăng thiết giáp của hai bên dưới mặt đất. Do nhận được sự yểm hộ không đầy đủ của không quân, quân đoàn thiết giáp số 48 nhanh chóng trở thành mục tiêu dễ ngắm của không quân Xô Viết và họ bị buộc phải chuyển sang trạng thái phòng ngự. Sư đoàn thiết giáp số 11 báo cáo: "Không quân Đức có thực thi một số hoạt động nhưng phía Liên Xô thì nhiều hơn hẳn, bao gồm cả các đợt không kích của các máy bay ném bom bổ nhào".[19]
Nhằm tăng thêm sức ép, quân đoàn xe tăng số 10 và Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Liên Xô đã được tung vào mặt trận nhằm vào quân đoàn thiết giáp số 48 (Đức).[19] Tuy nhiên, không quân Đức cũng tổ chức một số đợt phản công nhằm vào các đơn vị Hồng quân tại khu vực này. Các oanh tạc cơ Heinkel He 111 đã gây nhiều thiệt hại cho tập đoàn quân số 69 và Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5. Do sự yếu kém của các lực lượng không quân tiêm kích mà không có thiệt hại nào của hai phe được ghi nhận trong ngày 12 tháng 7.[19] Sự kém hoạt động của không quân Đức đã khiến cho đợt tấn công của quân đoàn thiết giáp số 48 bị thất bại, và Quân đoàn SS số 2 đã phải lao vào quần nhau với Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 4 mà không có cuộc tấn công hỗ trợ nào. Cả hai lực lượng này liên tiếp tung ra nhiều đợt công kích dữ dội vào nhau.[19]
Kế hoạch của tướng Paul Hausser là cho sư đoàn Đầu lâu tấn công vào phía Bắc sống Psyol nhằm mở rộng bàn đạp mà quân Đức vừa mới giành được ở đây. Sư đoàn "Đế chế" và sư đoàn cận vệ "Adolf Hitler" không tham gia trận đánh và giữ nguyên trạng thái phòng ngự cho đến khi sư đoàn Đầu lâu báo tin thắng lợi.
Đợt tấn công của Hồng quân bắt đầu vào 9 giờ 15 phút sáng. Tướng Rotmistrov tung 430 xe tăng và pháo tự hành vào chính diện mặt trận, theo sau là 70 xe tăng khác.[20] Đợt tấn công vỗ mặt này nhanh chóng trở thành một thảm họa đối với Hồng quân Xô Viết vì một lượng lớn máy bay ném bom bổ nhào Junkers Ju 87 "Stuka", tiêm kích mang bom Focke-Wulf Fw 190 và máy bay cường kích chống tăng Henschel Hs 129 trang bị các khẩu BK 37 Bordkanone 37 ly của không quân Đức đã nhanh chóng có mặt tại chiến trường và cơn cuồng phong hỏa lực của các máy bay này ngay lập tức chụp lên đầu các xe tăng Liên Xô.[20] Hỏa lực của pháo binh và xe tăng Đức càng khiến tình hình thêm tồi tệ và rõ ràng, đòn tấn công vỗ mặt này thất bại nhanh chóng. Chiến trường bị bao phủ bởi một làn khói dày dặc bốc lên từ các xe tăng Liên Xô bị bắn hỏng, gây khó khăn cho cả 2 bên trong việc quan sát. Thêm vào đó, lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô do không lường được sẽ gặp phải sức kháng cự quyết liệt của quân Đức đã sơ ý bố trí các thùng nhiên liệu ngay tại khoang máy - điều này đã khiến các xe tăng Liên Xô dễ dàng bị phá hủy bởi các khẩu pháo 37 ly.[20] Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn xe tăng số 31 của Quân đoàn xe tăng số 29 đã báo cáo như sau: "Chúng tôi đã chịu nhiều thiệt hại về xe tăng trước hỏa lực pháo binh và không quân của quân địch. Lúc 10 giờ 30 phút xe tăng của chúng tôi đã đến được nông trường quốc doanh "Komsomolets" nhưng do không quân địch liên tục oanh kích mà chúng tôi không thể tiến xa hơn nữa và phải chuyển sang trạng thái phòng ngự".[20] Tổng cộng Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5, (các quân đoàn xe tăng 18, 29) và Quân đoàn xe tăng 2 của Hồng quân đã để mất 341 xe tăng trong đợt tấn công đầy thảm họa vào buổi sáng.[21]
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại nặng nề của Hồng quân chính là hệ thống liên lạc giữa các lực lượng trên không và lực lượng mặt đất tỏ ra không hiệu quả.[22] Không quân Xô Viết không phản ứng đủ nhanh để ngăn chặn các hành động bất ngờ của đối phương. Hơn nữa, các tập đoàn quân không quân số 2 và số 17 bị hút vào hướng tấn công của Quân đoàn xe tăng 48 (Đức) mà sao nhãng việc yểm hộ cho các lực lượng mặt đất tại nơi Quân đoàn xe tăng 2 SS tấn công, điều này khiến các lực lượng không quân của phát xít Đức rảnh tay tiêu diệt xe tăng Liên Xô.[20] Chỉ huy của quân đoàn xe tăng số 31 báo cáo: "Lực lượng không quân yểm hộ cho chúng tôi hoàn toàn vắng mặt mặt tại chiến trường cho tới tận lúc 1 giờ chiều".[22] Còn tư lệnh Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5, tướng P. A. Rotmistrov thì than phiền: "Không quân địch cứ tự do bay lượn trên đầu đội hình quân ta suốt cả trận đánh; trong khi đó máy bay của ta - nhất là các máy bay tiêm kích - hoàn toàn không đủ".[22]
Cuộc chiến giằng co vẫn diễn ra ác liệt trên toàn bộ khu vực tam giác Prokhorovka - Vasilyevka - Storozhevoye kéo dài đến quá trưa với những thiệt hại nặng nề cho cả hai bên nhưng không đi đến kết quả ngã ngũ. Riêng thị trấn Vaslievka đã qua ba lần giành giật giữa hai bên. Làng Bogorodetskoe cũng hai lần chuyển từ tay quân đội Liên Xô sang tay quân Đức và ngược lại chỉ trong hơn 4 giờ. Trên khúc cong của sông Psyol đã có hàng trăm xe tăng bị cháy của cả hai bên phải lao xuống nước để dập lửa. Khi các xe tăng đều cạn kiện nhiên liệu và đạn dược, thì làng Prokhorovka đã trở thành một đấu trường đẫm máu cho các pháo thủ và lái xe tăng của hai bên chiến đấu với nhau bằng súng ngắn, lưỡi lê, dao găm và thậm chí sử dụng cả nắm đấm.[23] Trong trận này, không quân Đức xuất kích hơn 600 phi vụ, trong đó có hơn 400 phi vụ cường kích của máy bay Ju-87 nhằm vào các xe tăng Liên Xô. Các tập đoàn quân không quân 5 và 16 (Liên Xô) cũng đã thực hiện không dưới 1.000 phi vụ, trong đó có hơn 600 phi vụ cường kích IL-2. Có khoảng 50 chiếc IL-2 và tổ lái đã xuất kích từ 7 đến 9 phi vụ trong ngày.[24]

Chiến sự vào buổi chiều

13 giờ chiều, tướng Herman Hoth ra lệnh cho tướng Dietrich von Choltitz, tư lệnh Quân đoàn xe tăng 48 tung Sư đoàn xe tăng 3 có 57 xe tăng Tiger I và 44 xe tăng Pz-IV là lực lượng dự bị chiến dịch cuối cùng vào trận hòng xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, tướng von Choltitz đã hành động quá chậm chạp, mãi đền 14 giờ mới đưa được chủ lực của sư đoàn ra tuyến xuất phát.[25] Trước đó, lúc 13 giờ 30 phút, Quân đoàn xe tăng 10, lực lượng dự bị của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 (Liên Xô) vừa cơ động từ Stary Oskol xuống đã tập kết đầy đủ ở bờ Bắc sông Psyol. Lúc 14 giờ, Quân đoàn này vượt sông đánh tạt sườn Sư đoàn xe tăng 3 (Đức)[26]. Từ nhà ga Aleksandrovka, phía Đông Bắc Prokhorovka 2 km, Nikolai Fyodorovich Vatutin cũng huy động Quân đoàn cơ giới cận vệ 5 và tập trung các xe tăng còn hoạt động được phản công vào các sư đoàn xe tăng Đức đã kiệt sức. Lần này, đội hình xe tăng của Liên Xô không chỉ có xe tăng hạng trung và hạng nhẹ, mà đã có thêm sự hỗ trợ từ các xe tăng hạng nặng IS-1 có vỏ giáp và hỏa lực mạnh hơn hẳn. Các xe tăng Tiger I không thể chịu đựng được hỏa lực bắn thẳng bằng đạn sabot УБР-365П từ pháo nòng dài 85 mm trên xe tăng IS-1 của Liên Xô và phải tháo lui, để lại trên chiến trường hơn 50 chiếc Tiger và PZ-IV. Phía Liên Xô tổn thất 17 chiếc IS-1 và hơn 30 chiếc T-34 do hỏa lực của máy bay cường kích Ju-87, xe tăng và pháo chống tăng Đức.[5]
Lực lượng dự bị của Quân đoàn Xe tăng Cận vệ số 5 đã phải điều xuống phía nam để chống lại cuộc tấn công của Quân đoàn Panzer III. Do mất đi những lực lượng này mà hy vọng đánh bại hoàn toàn quân đoàn Panzer SS II ngay trong buổi sáng đã tiêu tan. Tuy nhiên quân Đức cũng hoàn toàn thất bại trong việc khai thác lỗ thủng mà họ đạt được trong ngày 11 tháng 7. Bất chấp tổn thất nặng nề, các lực lượng xe tăng Liên Xô vẫn giữ vững được trận tuyến. Lúc này Hồng quân đã thay đổi chiến thuật, các trận đấu tăng chủ yếu diễn ra trong những không gian chật hẹp nhằm hạn chế thương vong như trong buổi sáng ngày 12 tháng 7.[23] Trận đấu tăng cuối cùng kéo dài suốt buổi chiều cho đến sẩm tối, khi binh sĩ cả hai bên đều đã kiệt sức, các xe tăng còn sống sót đều cạn dầu và hầu như hết nhẵn đạn dược.[27] Tướng N. F. Vatutin phải hủy bỏ cuộc phản công dự định vào sáng hôm sau vì không còn một quân đoàn xe tăng nào còn đủ cơ số đạn. Trừ quân đoàn xe tăng 10, không một lữ đoàn xe tăng nào còn lại đến 1/3 số xe tăng trong biên chế.[28]
Sáng sớm ngày 13 tháng 7, các sư đoàn xe tăng Đức bị trọng thương và kiệt sức đã rút hết ra khỏi chiến trường. 8 giờ 30 phút, Nguyên soái Zhukov đi thị sát cánh đồng Prokhorovka. Trong suốt chuyến thị sát, ông không nói một câu nào. Tướng Rotmistrov đi tháp tùng Zhukov sau này cho biết ông chưa bao giờ thấy nguyên soái lặng người đi như thế. Còn nguyên soái A. M. Vasilevsky thì bảo rằng kết quả trận đánh để lại cho ông một ấn tượng suốt đời.[29]

Thiệt hại

Đài kỷ niệm chiến thắng của Quân đội Liên Xô trên cánh đồng Prokhorovka.
Bergstrom cho rằng tổn thất của Hồng quân là 5.500 binh sĩ còn của phát xít Đức là 850 quân SS. Không rõ số thiệt hại về xe tăng, nhưng chừng 300 xe tăng và xe bọc thép của Liên Xô và 70-80 xe tăng, xe bọc thép của quân đoàn SS số 2 bị loại khỏi vòng chiến trong đợt tấn công của phát xít Đức[22], và nhiều tài liệu phương Tây coi đây là các con số tổn thất của 2 bên. Tuy nhiên, các số liệu có căn cứ của Viện Dupuy (Hoa Kỳ) và Hãng Rantek (Nga) đã chỉ ra rằng nhiều nhà nghiên cứu mắc sai lầm khi họ dựa vào hầu hết các tài liệu của Đức Quốc Xã vốn chỉ ghi lại đựoc thông tin về Quân đoàn xe tăng 2 SS mà quên rằng tham gia trận đánh này còn có 1 sư đoàn xe tăng và 1 sư đoàn cơ giới của Quân đoàn xe tăng 48 cùng 2 sư đoàn xe tăng của Quân đoàn xe tăng 3; không gian diễn ra trận đánh không chỉ ở trong khu vực thị trấn hẹp Prokhorovka mà còn bao trùm cả một khu vực rộng lớn trong tam giác Prokhorovka - Vasilyevka - Storrozhevye.[5]
Nhà nghiên cứu người Anh Alexander Bevin cho rằng quân đội Đức Quốc Xã tổn thất khoảng 300 xe tăng, còn quân đội Liên Xô mất hơn 400 chiếc.[27] Ý kiến của Bevin được một số nhà nghiên cứu Anh và Hoa Kỳ ủng hộ.[30] Trước đó, chính phía Liên Xô cũng công bố số lượng thiệt hại của quân Đức là 300 xe tăng và pháo tự hành, phía Liên Xô mất khoảng 450 xe thiết giáp các loại.[31] Năm 2007, phía Nga cũng đưa ra con số thiệt hại khoảng 300 xe tăng cho phía Đức Quốc Xã và khoảng 400 xe tăng cho phía Liên Xô.[23] Với các kết quả tổng hợp đầy đủ nhất mà Viện Dupuy (Hoa Kỳ) phối hợp với hãng Rantek (Nga), Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) mất 310 xe tăng, ít hơn phía Liên Xô nhưng tương đương 52,2% số xe tăng và pháo tự hành lúc khởi trận; Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 cùng hai đơn vị phối hợp là Quân đoàn xe tăng 2 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 mất 388 chiếc nhưng chỉ chiếm 44% tổng số xe tăng và pháo tự hành trước khi bắt đầu trận đánh. Thống kê này tương đối phù hợp với sự thừa nhận của trung tướng xe tăng Liên Xô P. A. Rodmistrov trong báo cáo ngày 14 tháng 7 rằng Quân đoàn đoàn xe tăng 29 mất 60% số xe tăng, Quân đoàn xe tăng 18 mất 30% số xe tăng; tổn thất của Quân đoàn cơ giới cận vệ 5 không đáng kể.[32]
Tuy vậy, số lượng xe tăng của quân đội Liên Xô vẫn còn rất dồi dào do nhận được nguồn bổ sung ngay sau trận đánh, do đó nếu quân Đức cứ tác chiến theo kiểu 4 đổi 5 như trong trận Prokhorovka thì rốt cuộc Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) sẽ hết nhẵn xe tăng. Việc này hiển nhiên đến nỗi thiếu tướng Friedrich Wilhelm von Mellenthin, tham mưu trưởng các lực lượng xe tăng của Cụm tập đoàn quân Nam đã cho rằng, trận Prokhorovka là một trận thua không đáng có của Đức.[25] Bản thân phía Đức không đưa ra con số thiệt hại tổng quát nhưng thừa nhận cuộc tấn công đã hoàn toàn thất bại.[25]
Không chỉ thiệt hại nặng về xe tăng và binh lính, quân đội Đức Quốc Xã còn có thêm thiệt hại đáng kể về sĩ quan chỉ huy cao cấp. Sáng 13 tháng 7, trong khi rút quân, trung tướng Walther von Hünersdorff, chỉ huy Sư đoàn xe tăng 6 (Đức) đã bị một vết thương nhẹ ở đầu do đạn tiểu liên. Đến chiều hôm ấy, sư đoàn xe tăng 6 lại bị không quân Liên Xô oanh tạc và lần này Walther von Hünersdorff tiếp tục bị thương nặng vào đầu, được đưa về bệnh viện Kharkov cứu chữa nhưng không qua khỏi và đã chết ngày 17 tháng 7 năm 1943.[33]

Kết quả

Trong khi thương vong của cả hai phe còn nhiều tranh cãi thì kết quả của trận đánh lại quá rõ ràng. Cả Hồng quân Xô Viết và phát xít Đức đều không đạt được mục tiêu chiến thuật của mình: Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5 của Hồng quân đã không thể tiêu diệt được mũi tấn công của phát xít Đức là Quân đoàn thiết giáp SS số 2 hay đánh chiếm những vị trí chiến thuật trong nhiệm vụ của họ; còn lực lượng SS của Đức cũng không tài nào chọc thủng nổi phòng tuyến của Hồng quân dù chịu nhiều thiệt hại nặng. Cả hai đơn vị trên đều chịu tổn thất nặng dù họ vẫn tiếp tục tham gia các chiến dịch vào ngày hôm sau. Có ý kiến cho rằng lẽ ra tổn thất của Hồng quân đã không cao như thế nếu như họ bố trí các xe tăng ở tư thế phòng ngự nhằm tiêu hao sinh lực tấn công của Đức thay vì lao thẳng vào đội hình quân Đức một cách liều lĩnh và thiếu chuẩn bị. Tướng I. S. Konev đã chỉ trích nặng nề về sai lầm này và cho rằng Đại bản doanh đã không tôn trọng quyền quyết định sử dụng các lực lượng xe tăng thuộc Phương diện quân Thảo Nguyên.[34]
Mặt khác, cuộc tấn công dữ dội và bất ngờ của các đơn vị dự bị mạnh của Hồng quân cũng như việc Tập đoàn quân số 9 của Đức phải dừng bước tại cánh bắc vòng cung Kursk trước Chiến dịch Kutuzov đã khiến Adolf Hitler quyết định đình chỉ toàn bộ Chiến dịch Thành trì - dù điều này khiến ông ta "ớn đến tận cổ họng". Một đợt tấn công đồng thời của Hồng quân Xô Viết nhằm vào Tập đoàn quân số 6 trên sông Mius phía Nam Kharkov đã khiến phát xít Đức phải rút bớt quân về đây. Cuộc tấn công của liên quân Anh-Mỹ vào Sicilia trong đêm 9-10 tháng 7 năm 1943 cũng làm quân Đức phải rút nhiều đơn vị mạnh của mình sang chiến trường Địa Trung Hải và điều này cũng làm tiêu tan luôn mọi hy vọng đạt được thắng lợi ở vòng cung lửa Kursk.
Bất chấp kết quả chiến thuật như thế nào, trận Prokhorovka là một chiến thắng thực sự ở cấp độ chiến dịch cũng như về cả phương diện tinh thần; phát xít Đức cứ ngỡ là họ đã chọc thủng trận tuyến Hồng quân và chỉ còn gặp những ổ kháng cự nhỏ với vài khẩu đội pháo chống tăng - nhưng đối thủ của họ lại là một đội quân hàng trăm chiếc xe tăng và còn hàng trăm chiếc khác đang chờ họ phía sau. Rõ ràng trong trận Prokhorovka quân Đức đã không thể đánh bại được Hồng quân Xô Viết và điều này đã ảnh hưởng tai hại đến các kế hoạch và chiến lược của phát xít Đức sau đó.[35]
Và cũng quá rõ ràng, ưu thế về chất lượng, trình độ sĩ quan chỉ huy cùng với binh sĩ của Đức đã mất hết sau thất bại tại vòng cung Kursk. Các chỉ huy Hồng quân - với những kinh nghiệm vô giá tích lũy được và với sự tự tin sau những thành công to lớn - đã bắt đầu mở những chiến dịch tấn quy mô lớn nhằm quét sạch đối phương ra khỏi lãnh thổ Liên bang Xô viết.[36] Từ sau trận Kursk quyền chủ động chiến lược đã hoàn toàn nằm trong tay Hồng quân Liên Xô.

Chú thích

  1. ^ Overy 1997, trg 208.
  2. ^ a ă Overy 1997, trg 210.
  3. ^ a ă Glantz & House 1995, trg 166.
  4. ^ Frieser, Karl-Heinz. "Die Schlacht im Kursker Bogen" trong Die Ostfront 1943/44 – Der Krieg im Osten und an den Nebenfronten của Das Deutsche Reich und der Zweite Weltkrieg, vol. viii. Stuttgart: Deutsche Verlags-Anstalt, 2007, trg 132.
  5. ^ a ă â b c d đ Dữ liệu về trận Kursk của Viện Dupuy (Hoa Kỳ) và Hãng Rantek (Nga)
  6. ^ a ă Bellamy 2007, trang 556.
  7. ^ Glantz 1991, trg 122.
  8. ^ Glantz 1991, trg 127.
  9. ^ a ă Zetterling & Frankson 2000, trg 101.
  10. ^ Zetterling & Frankson 2000, trang 103.
  11. ^ Bernard Muller HillebrandБ. sự sụp đổ của quân đội Đức Quốc xã. Izograf. Moskva. 2002. Bảng 54 (Мюллер-Гиллебранд. Сухопутная армия Германии 1933—1945 гг. «Изографус», Москва, 2002. Таблица 54)
  12. ^ a ă Bergström 2007, trang 120.
  13. ^ Zetterling & Frankson 2000, trang 107.
  14. ^ a ă Bergström 2007, trang 78.
  15. ^ a ă Dunn 1997, trang 153.
  16. ^ Glantz 1995, trg 166-167.
  17. ^ Glantz & House 1995, trang 166-167.
  18. ^ Bergström 2007, trang 79-80.
  19. ^ a ă â b c d Bergstrom 2007, trang 79.
  20. ^ a ă â b c Bergstrom 2007, trang 80.
  21. ^ Glantz & House 1995, trang 167.
  22. ^ a ă â b Bergstrom 2007, trang 81.
  23. ^ a ă â Замулин Валерий Николаевич, Засекреченная Курская битва. — М.: Яуза; Эксмо, 2007. - Мясорубка на реке Псёл: пехота против танков
  24. ^ Тимохович Иван Васильевич, Советская авиация в битве под Курском. — М.: Воениздат, 1959
  25. ^ a ă â Friedrich Wilhelm von Mellenthin, Panzer battles 1939-1945: A study of the employment of armour in the second world war. — 2nd edition, enlarged. — London, 1956.
  26. ^ Nik Cornish, Image of Kursk-History's Greatest tank battles, trang 46-49
  27. ^ a ă Alexander Bevin, How Hitler Could Have Won World War II: The Fatal Errors That Lead to Nazi Defeat. — London, Times Books, 2000
  28. ^ Замулин Валерий Николаевич, Засекреченная Курская битва. — М.: Яуза; Эксмо, 2007. - Глава 1: Сражение за Прохоровку началось
  29. ^ Уткин Анатолий Иванович, Вторая мировая война. — М.: Алгоритм, 2002
  30. ^ Zetterling, Niklas and Anders Frankson. Kursk 1943: A Statistical Analysis. London: Frank Cass, 2000. ISBN 0-7146-5052-8 trang 102, 107-109.
  31. ^ The Soviet General Staff. The Battle for Kursk, 1943 (xuất bản lần đầu năm 1944), trang 222, 228.
  32. ^ Ротмистров Павел Алексеевич, Стальная гвардия. — М.: Воениздат, 1984. - Глава 4: Танки против танков
  33. ^ Veit Scherzer: Die Ritterkreuzträger 1939-1945, Scherzers Militaer-Verlag, Ranis, Jena, 2007, trg 409, ISBN 978-3-938845-17-2
  34. ^ Конев Иван Степанович, Сорок пятый. — М.: Воениздат, 1970
  35. ^ Jonathan P. Kluger. REVISITING A "LOST VICTORY" AT KURSK. Louisiana State University. 1995. United States Military Academy, 2003.
  36. ^ Голованов Александр Евгеньевич, Дальняя бомбардировочная... — М.: ООО «Дельта НБ», 2004. - Десять сталинских ударов

Tài liệu tham khảo

  • Bellamy, Chris. Absolute War; Soviet Russia in the Second World War. Pan Books. (2007). ISBN 978-0-330-48808-2
  • Bergström, Christer (2007). Kursk - The Air Battle: July 1943. Chervron/Ian Allen. ISBN 978-1-903223-88-8.
  • Cross, Robin. Citadel: The Battle of Kursk, Barnes & Noble Edition. (1998).ISBN 978-1-56619-581-2
  • Dunn, Walter (1997). Kursk: Hitler's Gamble, 1943. Greenwood Press Ltd. ISBN 978-0-275-95733-9.
  • Glantz, David M. & House, Jonathan. When Titans Clashed; How the Red Army Stopped Hitler. University of Kansas Press. (1995). ISBN 978-0700608990-7
  • Glantz, David M. Soviet Military Operational Art; Pursuit of Deep Battle. Frank Cass. (1991). ISBN 0-7146-4077-8
  • Glantz, David M. & House, Jonathan. The Battle of Kursk. University Press of Kansas. (1999). ISBN 0-7006-1335-8
  • Healy, Mark. (1992). Kursk 1943: Tide Turns in the East. Osprey Publishers, London. ISBN 978-1-85532-211-0
  • Overy, Richard. Russia's War.Pengiun Books. (1997). ISBN 0-14-027169-4
  • Zetterling, Niklas and Anders Frankson. Kursk 1943: A Statistical Analysis, London: Frank Cass, (2000). ISBN 0-7146-5052-8

Liên kết ngoài

Tư liệu

  • Kursk Reconsidered: Germany's Lost Victory trên trang Historynet.com.
  • Review of Kursk 1943: A Statistical Analysis bản so sánh chi tiết về kế hoạch trận đánh với tư liệu lấy từ các tác phẩm "Kursk: Hitler's Gamble, 1943" của Walter Dunn, "Decision in the Ukraine" của George Nipe, "The Battle of Kursk" của David Glantz - Jonathan House và "The Battle for Kursk, 1943" của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô.
  • Олейников Г.А. Прохоровское сражение (июль 1943). — СПб.: Нестор, 1998., [1] bản phân tích trận Prokhorovka (tiếng Nga)
  • Валерий Замулин. Прохоровка — неизвестное сражение великой войны. М.: АСТ: АСТ МОСКВА: ХРАНИТЕЛЬ, 2006 ISBN 5-17-039548-5 - tài liệu miêu tả các cuộc hành quân và tiến công của quân Đức và Liên Xô trong trận đánh dựa trên các tài liệu của Nga và Đức, với đầy đủ thông số của Hồng quân Xô Viết (tiếng Nga)

Bản đồ tư liệu quân sự



No comments:

Post a Comment