CNM365 Chào ngày mới 1 tháng 7 Wikipedia Ngày này năm xưa. Ngày Độc lập tại Burundi và Rwanda (1962). Năm 1569 – Ba Lan và Litva xác nhận việc hợp nhất thực tế giữa hai quốc gia, tạo nên Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva. Năm 1967 – Cộng đồng châu Âu chính thức được thành lập khi hợp nhất các Cộng đồng Than-Thép, Năng lượng Nguyên tử, và Kinh tế châu Âu. Năm 1979 – Sony phát hành máy nghe nhạc cầm tay Walkman (hình), cho phép chọn nhạc để nghe trên đường. Năm 1997 – Anh Quốc chuyển giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, kết thúc 150 năm thống trị của Anh tại lãnh thổ này.
Walkman
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Walkman | |
---|---|
150px | |
Sản phẩm máy nghe nhạc Walkman ở Hoa Kỳ (2011) Từ trái sang: dòng S, dòng E, dòng W |
|
Sản xuất | Sony |
Loại | Máy nghe nhạc cầm tay |
Units shipped |
1 tháng 7 năm 1979 – 25 tháng 10 năm 2010 (dạng máy dùng băng cassette) 1 tháng 7 năm 1979 – nay (các dạng khác) |
Số lượng tiêu thụ | 220 triệu |
Phiên bản thử nghiệm đầu tiên của dòng máy Walkman được chế tạo bởi kỹ sư Kihara Nobutoshi cho đồng chủ tịch hãng Sony Morita Akio. Morita muốn có thể thoải mái nghe nhạc trong các chuyến bay công tác xa thường xuyên của mình.[1] Dòng Walkman đầu tiên ra mắt công chúng ở Nhật Bản vào năm 1979 và sang năm sau nó đã xuất hiện ở các nước khác dưới tên gọi Soundabout ở Hoa Kỳ, Freestyle ở Thụy Điển và Stowaway ở Anh.[2] Sản phẩm này đã thu hút được nhiều người tiêu dùng bất chấp những rào cản trong sự khác biệt về ngôn ngữ.[3] Thật ra Chủ tịch Morita không thích cái tên "Walkman" và từng yêu cầu đổi tên, tuy nhiên sau đó ông rút lại yêu cầu này khi được một nhân viên thông báo rằng kế hoạch quảng cáo đã được tiến hành với cái tên "Walkman" và vì vậy chuyện đổi tên sẽ gây ra nhiều chi phí rất tốn kém.[1]
Những cái tên "Walkman", "Pressman", "Watchman", "Scoopman", "Discman", và "Talkman" đều là thương hiệu của Sony trong các loại máy nghe nhạc cầm tay như thế này. Cái tên "Walkman" được đặt ra dựa theo tên một sản phẩm cùng loại trước đó là máy ghi âm dùng băng cassette Pressman. Phiên bản thử nghiệm đầu tiên của Walkman thực tế được chế tạo bằng cách thay thế bộ phận thu âm và phát âm của Pressman với một thiết bị khuếch đại âm thanh nổi.[4] Thương hiệu "Walkman" được Sony tiếp tục sử sụng cho các loại máy thu phát âm cầm tay mà họ chế tạo sau này, nhất là sau khi dòng máy "Discman" (dùng cho đĩa CD) bị loại bỏ vào cuối thập niên 1990.
Tháng 3 năm 2007, Sony mở rộng thành phần của dòng máy Walkman khi cho ra lò một sản phẩm Walkman số hóa hoàn toàn là A800, với chữ A là viết tắt của khẩu hiệu "All in one, Advanced, and 'Attractive" (Tất cả trong một, Tối tân và Hấp dẫn).[5]
Điện thoại thương hiệu Walkman
Liên doanh giữa Sony và Ericsson là Sony Ericsson cũng đã cho ra đời nhiều dòng điện thoại di động mang thương hiệu Walkman, chú trọng vào khả năng nghe nhạc với sự cho phép của Sony. Trong khoảng thời gian từ 2005-2007, dòng điện thoại Walkman thu được nhiều thành công đáng kể trước khi lép vế bởi sự ra đời của Apple Iphone kèm theo cuộc cách mạng cảm ứng trên điện thoại di động.Chú thích
- ^ a ă Hormby, Thomas (15 tháng 9 năm 2006). “The Story Behind the Sony Walkman”. Low End Mac. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2007.
- ^ “Läsarnas sjuka varumärken”. Dn.se. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2011.
- ^ Du Gay
- ^ Du Gay, 55
- ^ Miller, Paul (16 tháng 2 năm 2007). “Sony's NW-A800 Series Outed”. Engadget. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2007.
Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
|
Một đặc điểm nữa của Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva là sự đa dạng về sắc tộc và sự khoan dung tôn giáo hiếm thấy, mặc dù mức độ khoan dung này thay đổi theo thời gian. Sự khoan dung này bị suy giảm đáng kể sau sự kiện gọi là Trận đại hồng thủy (Tiếng Ba Lan: Potop), một thời kỳ hỗn loạn do cuộc xâm lăng của Đế quốc Thụy Điển gây ra cho Ba Lan. Dưới triều vua Jan III Sobieski, Quân đội Ba Lan đánh bại được quân Thổ Nhĩ Kỳ và quân Tartar, đánh đuổi quân Thổ ra khỏi thành Viên vào năm 1683, cứu vãn Thiên Chúa giáo châu Âu và mở ra một bước ngoặt trong lịch sử châu lục này.[1]
Sau nhiều thập kỷ của quyền lực và lãnh thổ rộng lớn của thịnh vượng chung đi vào thời kỳ suy thoái kéo dài. Quân đội và kinh tế suy giảm, sự suy yếu dần của Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva dẫn đến sự phân chia nó giữa các cường quốc láng giềng mạnh hơn Đế quốc Áo, Vương quốc Phổ và Đế quốc Nga vào cuối thế kỷ 18. Vào năm 1772, Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva yếu đuối bị mất 1/3 lãnh thổ trong cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ nhất - một sự kiện góp phần củng cố địa vị liệt cường của Vương quốc Phổ sau khi nước này thắng trận trong cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763).[2] Trong khoảng thời gian ngắn trước khi bị xóa sổ, thịnh vượng chung đã cố gắng thông qua các cải cách lớn và ban hành hiến pháp ngày 3 tháng 5 năm 1791. Văn bản được xem như là hiến pháp lâu đời thứ hai trong lịch sử hiện đại.[3][4][5][6].
Mục lục
Tên gọi
Tên gọi chính thức của thực thể này là Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva (tiếng Ba Lan: Królestwo Polskie i Wielkie Księstwo Litewskie, tiếng Litva: Lenkijos Karalystė ir Lietuvos Didžioji Kunigaikštystė, tiếng Belarus: Каралеўства Польскае і Вялікае Княства Літоўскае). Nó được nhắc đến trong các tài liệu trước thế kỷ 18 bằng tên Tiếng La Tinh là Regnum Poloniae Magnusque Ducatus Lithuaniae. Từ thế kỷ 17 trở đi nó thường được nhắc đến như Nước cộng hòa thanh bình nhất/Cộng hòa Ba Lan (tiếng Ba Lan: Najjaśniejsza Rzeczpospolita Polska, tiếng Latinh: Serenissima Res Publica Poloniae) trong thư từ ngoại giao[7]. Người dân của quốc gia này thường gọi tên của đất nước mình là Rzeczpospolita (cộng hòa) (tiếng Ba Lan: Rzeczpospolita, tiếng Ruthenia: Рѣч Посполита, tiếng Litva: Žečpospolita). Những người nước ngoài chỉ thường gọi nó là Ba Lan mặc dù Ba Lan chỉ là một thành viên trong liên minh này.Thuật ngữ phổ biến gần đây trong tiếng Ba Lan "Rzeczpospolita Obojga Narodów" (Thịnh vượng chung/ Cộng hòa của hai quốc gia/ hai quốc gia) mới chỉ xuất hiện vào thế kỷ 20.[8]
Lịch sử
Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva đạt đến thời kỳ hoàng kim của nó trong thế kỷ 17. Nghị viện có quyền lực lớn được kiểm soát bởi những quý tộc. Những người đã miễn cưỡng dây dưa vào cuộc chiến tranh Ba Mươi năm. Phần nhiều sự trung lập này đã miễn cho đất nước khỏi sự tàn phá của những cuộc xung đột chính trị tôn giáo đã tàn phá hầu hết châu Âu thời đó. Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva đã có thể có được khả năng chống lại những địch thủ của mình là Thụy Điển, Nga và những chư hầu của Đế Quốc Ottoman. Không những vậy, nó bắt đầu bành trướng thành công trong những cuộc tấn công chống lại những quốc gia láng giềng. Trong một số cuộc xâm lược Nga, Ba Lan-Litva đã chiếm được Moskva và chiếm đóng nó từ 27 tháng 9 năm 1610 đến 4 tháng 11 năm 1612 cho đến cuộc kháng cự quyết liệt để giải vây của người Nga..
Sức mạnh của Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva bắt đầu suy yếu sau hàng loạt cuộc tấn công trong những thập kỷ tiếp theo. Những cuộc khởi nghĩa lớn của người Cozak ở phía đông nam bắt đầu từ năm 1648 làm suy yếu dần thịnh vượng chung này. Nó là kết quả của yêu sách đòi tiếng Ukraina, dưới các điều khoản của hiệp ước Pereyaslav được bảo hộ bởi Nga hoàng. Ảnh hưởng của Nga với Ukraina dần thay thế Ba Lan. Cuộc tấn công khác nhằm vào Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva là cuộc xâm lược của người Thụy Điển năm 1655, được hỗ trợ bởi quân của công tước Transilvania György Rákóczi II và đại tuyển hầu của Brandenburg Friedrich Wilhelm I. Và sự kiện mang tên Trận đại hồng thủy là kết quả của cuộc xâm lăng của Thụy Điển đối với Ba Lan-Litva. Quân đội Thụy Điển, do vua Karl Gustav - tức "vua Pyrros của phương Bắc" thân chinh thống lĩnh, đánh tan tác Quân đội Ba Lan trong trận Warsawa (1656).[9]
Vào cuối thế kỷ 17, vị vua vĩ đại cuối cùng của Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva Jan III Sobieski đã liên minh với Leopold I hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh để đối phó với mối đe dọa của Đế quốc Ottoman. Trong năm 1683, tại trận Viên là trận đánh quyết định trong 250 năm chiến tranh giữa hai thế lực thiên chúa giáo châu Âu và hồi giáo của Đế quốc Ottoman. Trong những thế kỷ dài chống lại sự xâm lấn của người Hồi giáo, Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva đã giành được cái tên lực lượng bảo vệ của thiên chúa giáo. 16 năm tiếp theo trong cuộc đại chiến Thổ Nhĩ Kỳ người Thổ đã bị đánh đuổi vĩnh viễn khỏi phía nam sông Danube, không bao giờ đe dọa được khu vực trung tâm châu âu một lần nữa.
Đến thế kỷ 18, sự bất ổn về chính trị đã làm cho Ba Lan đi đến bờ vực của sự hỗn loạn. Nội bộ Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva trở nên lục đục dễ bị các quốc gia khác chi phối. Dưới triều vua Louis XIV, nước Pháp trở thành một đồng minh, thậm chí là người bảo hộ của Ba Lan.[10] Sau này, Nga hoàng Pyotr I Đại Đế trở thành vị vua thực sự của Ba Lan.[10] Trong cuộc Đại chiến Bắc Âu, ông luôn luôn lợi dụng những cuộc mâu thuẫn nội bộ của Ba Lan mà hành động. Một cuộc nội chiến giữa nhà vua và quý tộc đã nổ ra vào năm 1715, Nga hoàng Pyotr I Đại Đế đã đứng ra hòa giải và hành động đó càng làm suy yếu hơn nữa liên bang. Quân đội Nga hiện diện tại Nghị viện Im lặng năm 1717, điều này đã buộc Ba Lan giới hạn quân đội của mình ở mức 24 nghìn người và tái khẳng định quyền tự do phủ quyết (liberum veto), trục xuất quân đội của Tuyển hầu Sachsen khỏi Ba Lan. Cuối cùng Nga hoàng Pyotr I Đại Đế đã thành công trong việc đưa Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva trở thành một chư hầu của nước Nga. Dưới triều vua Louis XV, nước Pháp toan tính khôi phục lại quyền bảo hộ Ba Lan, và vua Pháp đã tôn người cha vợ của mình là Stanisław I Leszczyński làm vua Ba Lan.[10]
Nhưng trong cuộc Chiến tranh Kế vị Ba Lan, liên quân Nga - Áo đánh bại quân Pháp, Quân đội Phổ là quân chư hầu của quân Áo cũng tham chiến. Hoàng thái tử nước Phổ là Friedrich, tức Quốc vương Friedrich II Đại Đế tương lai, đã tham chiến dưới quyền Vương công Eugène xứ Savoie. Đến giữa thế kỷ 18, tình hình chính trị châu Âu diễn ra thất thường.[10] Trong lần này, vị vua kiệt xuất tương lai của nước Phổ đã nhận thấy sự lôi thôi và hỗn loạn của Triều đình vua Stanisław I Leszczyński - vị cựu vương đã lánh nạn sang thủ phủ Königsberg của vùng Đông Phổ. Nhà sử học người Đức là Reinhold Koser có ghi nhận:[11]
“ | Những nhận thức của vua Friedrich về sự thối nát và những mưu đồ của người Ba Lan đã đem lại cho Người quan điểm riêng về dân tộc này trong quãng đời còn lại của Người. | ” |
—Koser, 1921, I, 99-100.
|
Không những thế, Vương quốc Phổ không có một đồng minh nào sau chiến thắng của họ trong cuộc Chiến tranh Bảy năm. Do đó, vua Friedrich II Đại Đế, với sự phò tá đắc lực của người em có tài ngoại giao là Hoàng tử Heinrich, quyết định liên minh với Đế quốc Nga và can thiệp vào tình hình Ba Lan. Việc Nữ hoàng Ekaterina II Đại Đế tôn Poniatowski làm Quốc vương Ba Lan cũng không được Triều đình Áo ủng hộ, vì vậy bà cần sự ủng hộ của Triều đình Phổ. Vào năm 1764, Liên minh Nga - Phổ được thiết lập, một trong các điều khoản của Liên minh này là cả hai cường quốc Phổ và Nga đều là "những người bảo hộ của quyền bầu cử tự do của nhân dân Ba Lan" và đều là những người bảo trợ của vua Stanisław II Poniatowski. Liên minh Nga - Phổ đã đưa nước Phổ thoát khỏi nguy cơ cô lập, đóng vai trò quan trọng đối với vua Friedrich II Đại Đế. Triều đình Phổ giờ đây có thể đục khoét sâu vào vấn đề Ba Lan để chi phối những chính sách của Triều đình Nga.[10] Vào năm 1768, nước Ba Lan chỉ khá hơn một chút so với một tỉnh của nước Nga, trong khi Liên minh Bar được một nhóm quý tộc thiết lập vào năm 1768, vùng lên khởi nghĩa chống lại quân Nga. Quân đội Nga đánh bại quân khởi nghĩa Bar và đẩy lui họ về Thổ Nhĩ Kỳ. Quân Thổ tuyên chiến với quân Nga, nhưng bị đánh thảm bại, và quân Nga tiến đánh xứ Wallachia và xứ Moldavia - ngày nay là România.[15]
Nước Áo lo sợ quân Nga sẽ vượt sông Danube, nên tổng động viên quân sĩ ở vùng biên giới và đe dọa chiến tranh với Nga. Qua Hiệp ước phòng thủ Nga - Phổ (1764), Quốc vương Friedrich II Đại Đế phải phái một đạo quân đến giúp quân Nga, hoặc là viện trợ cho họ khi có chiến tranh nổ ra. Do đó, nước Phổ ở trong tình thế nguy hiểm: hai nước Nga và Áo có thể sẽ cùng nhau xâu xé Thổ Nhĩ Kỳ rồi sau đó xé bỏ Liên minh Nga - Phổ. Do đó, ông hoạt động vô cùng năng nổ cho công cuộc xâu xé Ba Lan sắp tới.[15] Vào năm 1772, ông yêu cầu Nữ hoàng Ekaterina II và Nữ hoàng Áo Maria Theresia tiến hành cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ nhất. Công cuộc xâu xé Ba Lan đã mang lại thành công vang dội cho Vương quốc Phổ, vì vùng Đông Phổ đã được thống nhất với tỉnh Pomerania và những phần đất còn lại của vua Friedrich II Đại Đế.[15][16] Nước Nga giành được một phần đất rộng lớn hơn hẳn Phổ, và nước Áo giành được một phần đất đông dân hơn hẳn Phổ, nhưng nước Phổ nhận được lợi thế nhất. Vùng Đông Phổ không còn bị cô lập, vua Phổ mở được những vùng biên cương chiến lược của đất nước đến sông Wisla và sông Netze.
Không những thế, theo ông, cuộc chia cắt Ba Lan khét tiếng giữa ba nền quân chủ vĩ đại của châu Âu khi đó đã xóa bỏ nguy cơ diễn ra một cuộc chiến tranh lớn.[17] Sau cuộc chia cắt này, vua Friedrich II Đại Đế nhận thấy phần đất Ba Lan mà ông chiếm được đã lâm vào hỗn loạn. Ông thân hành thị sát khắp các vùng đất này, và xóa tan tình trạng hỗn loạn. Tuy Triều đình Phổ thống trị hà khác, ông đã mang lại cho phần đất này một cuộc sống khá ấm no.[15]
Đến các thập niên 1780 - 1790, trong khi nước Nga lâm chiến với Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, nhân dân Ba Lan nhận thấy cơ hội giành lại độc lập cho mình. Vua nước Phổ là Friedrich Wilhelm II hứa sẽ giúp đỡ phong trào Cách mạng Ba Lan, và lời hứa hẹn này đã khuyến khích dân tộc Ba Lan ban hành Hiến pháp vào ngày 3 tháng 5 năm 1791, bãi bỏ quyền "tự do phủ quyết" và tuyên bố thực hiện chế độ quân chủ cha truyền con nối. Nhưng sau đó, Triều đình Nga ký kết hòa ước với Triều đình Thổ Nhĩ Kỳ, quân Nga tiến đánh Ba Lan. Quân khởi nghĩa Ba Lan chống cự yếu ớt. Cùng lúc, phong trào Cách mạng Pháp bùng nổ, do không muốn nước Phổ phải đương đầu với cả Pháp lẫn Nga, vua Friedrich Wilhelm II không những không giúp Ba Lan, mà lại còn xua quân chinh phạt nước này. Để khuyến khích Triều đình Phổ chiến đấu mãnh liệt với Cách mạng Pháp, và để ngăn ngừa Triều đình Phổ giúp đỡ Ba Lan, Triều đình Nga thỏa thuận chia cắt Ba Lan với Triều đình Phổ, và đó là cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ hai (1793).[18].
Tuy nhiên, vào Mùa Xuân năm sau, nhân dân Ba Lan lại vùng lên khởi nghĩa. Họ giết chết hoặc bắt sống binh lính Nga đồn trú ở kinh đô Warsawa. Hay tin, Quốc vương Friedrich Wilhelm II xua Quân đội Phổ đến đánh bại quân khởi nghĩa Ba Lan và đánh úp Cracow, nhưng phải rút khỏi kinh thành Warsawa để đối mặt với một cuộc bạo loạn ở miền Nam Phổ. Trong khi đó, quân tinh nhuệ Nga và Áo cũng xâm lược Ba Lan, dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Aleksandr Vasilyevich Suvorov và viên tướng Ivan Ivanovitch Hermann von Fersen. Để ngăn cách hai đạo quân Nga của Suvorov và Fersen liên kết với nhau, quân khởi nghĩa Ba Lan tấn công quân Nga của Fersen, nhưng bị đánh tan tác và người thủ lĩnh của họ bị bắt làm tù binh. Quân Nga của Nguyên soái Suvorov cũng chiếm đóng thành phố Praha. Cuộc chiến đấu kết thúc với sự kiện kinh đô Warsawa thất thủ và Stanisław II thoái vị, ông mất năm 1798 tại kinh đô Sankt-Peterburg của Nga. Cuối cùng, cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ ba (1795), cũng là cuộc chia cắt Ba Lan lần cuối cùng được thực hiện giữa ba nước Phổ, Áo và Nga. Kinh thành Warsawa rơi vào tay Vương quốc Phổ.[18] Với cuộc chia cắt Ba Lan vào năm 1795, Ba Lan và Litva đã hoàn toàn bị xóa sổ khỏi bản đồ châu Âu.[19] Năm 1918 nền độc lập của Ba Lan và Litva mới được khôi phục lại hoàn toàn.
Tổ chức nhà nước và chính trị
Quyền tự do vàng
Học thuyết chính trị của Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva là: nhà nước của chúng ta là một nền cộng hòa dưới nhiệm kỳ cai trị của nhà vua. Quan chưởng ấn Jan Zamoyski đã khẳng định lại học thuyết này khi ông nói rằng: Rex regnat et non gubernat ( nhà vua ngự trị nhưng không cai trị). Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva cho phép lập một nghị viện, Sejm. Nhà vua có nghĩa vụ tôn trọng các quyền công dân được ghi rõ trong các điều luật của vua Henry cũng như trong Pacta conventa (những thỏa thuận phải tán thành) đã được đàm phán vào lúc bầu chọn ông.Quyền lực của nhà vua bị giới hạn vì sự chi phối của số đông tầng lớp quý tộc. Mỗi vị vua mới phải ký vào những điều luật của vua Henry, thứ trở thành nền tảng của hệ thống chính trị Ba Lan(và bao gồm cả những cam kết gần như chưa từng có đối với sự khoan dung tôn giáo). Theo thời gian, các điều luật của vua Henry đã hợp nhất với Pacta conventa trở thành những cam kết rõ ràng mà vị vua mới được bầu phải chấp nhận. Từ thời điểm đó trở đi, nhà vua thực sự trở thành một cộng sự với giới quý tộc và luôn bị giám sát bởi một nhóm nghị sĩ. Sejm có quyền phủ quyết nhà vua trong những vấn đề quan trọng, bao gồm cả quyền lập pháp, những vấn đề đối ngoại, tuyên bố chiến tranh và cả hệ thống thuế (những thay đổi đối với các loại thuế hiện hành hoặc tiền thu được từ một loại thuế mới).
Nền tảng hệ thống chính trị của Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva, quyền tự do vàng(Tiếng Ba Lan: Zlota Wolność, một thuật ngữ được sử dụng từ năm 1573 trở đi) bao gồm:
- Tự do bầu chọn vua bởi tất cả quý tộc muốn tham gia.
- Sejm tức nghị viện của liên bang, Nhà vua phải tổ chức hai năm một lần.
- Pacta conventa (Tiếng La Tinh), "Những thỏa thuận phải tán thành" Đàm phán với vị vua mới được bầu, Bao gồm cả một dự luật về các quyền ràng buộc lên nhà vua xuất phát từ các điều luật của vua henry trước đó.
- Rokosz (quyền nổi dậy) là quyền của szlachta để tạo ra một cuộc nổi dậy hợp pháp chống lại một vị vua vi phạm sự bảo đảm các đặc quyền của szlachta.
- Liberum veto (Tiếng La Tinh) Quyền của một nghị sĩ trong Sejm để chống lại một phán quyết trước số đông trong một kỳ họp Sejm. Những tuyên bố tự do phủ quyết như vậy sẽ làm vô hiệu hóa tất cả các đạo luật định thông qua trong kỳ họp đó, trong thời kỳ khủng hoảng vào nửa sau thế kỷ 17, các quý tộc Ba Lan có khả năng sử dụng cả quyền tự do phủ quyết tại Sejmik (nghị viện địa phương).
- Konfederacja, quyền thành lập một tổ chức thông qua quyền lực để nhắm đến một mục tiêu chính trị chung.
Quyền tự do vàng tạo ra một nhà nước đặc biệt trong thời đại của nó. Mặc dù có phần tương tự với những chế độ chính trị tồn tại ở các thành bang cùng thời như cộng hòa Venezia. Điều thú vị là cả hai nhà nước này đều được gọi là nước cộng hòa thanh bình nhất. Vào thời điểm hầu hết các quốc gia châu âu đều tập trung vào chế độ quân chủ chuyên chế, chiến tranh giữa các triều đại và tôn giáo. Duy nhất Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva thử nghiệm với mô hình về sự phân quyền, liên minh và liên bang, nền dân chủ, sự khoan dung tôn giáo và thậm chí cả chủ nghĩa hòa bình. Sejm thường sử dụng quyền phủ quyết trong các cuộc chiến tranh được xem như một ví dụ về học thuyết hòa bình dân chủ.
Hệ thống chính trị đặc biệt so với thời đại của nó xuất phát từ sự thắng lợi của tầng lớp quý tộc szlachta trước những tầng lớp xã hội khác và trước chế độ quân chủ. Theo thời gian, Szlachta đã tích lũy đủ các đặc quyền điều mà không một vị vua nào có thể hi vọng đánh đổ được sự nắm quyền của szlachta. Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva có thể được miêu tả như một sự pha trộn của:
- Liên minh và liên bang, Vì tồn tại quyền tự trị rộng rãi của các khu vực. Song điều đó trở thành khó khăn khi muốn kêu gọi một trong số các liên minh hoặc liên bang trong thịnh vượng chung.
- Đầu sỏ chính trị, vì chỉ có szlachta tức gần 15% dân số có quyền lực chính trị.
- Chế độ dân chủ, vì tất cả szachta có các quyền và đặc quyền ngang nhau, và Sejm có quyền phủ quyết nhà vua trong các vấn đề quan trọng. Ngoài ra 15% dân số của thịnh vượng chung được hưởng các quyền lợi chính trị đấy (các szlachta) một tỷ lệ lớn hơn hầu hết các nước châu âu, lưu ý rằng vào năm 1789 ở Pháp chỉ có khoảng 1% dân số có quyền bầu cử, và vào năm 1867 ở Anh chỉ khoảng 3%.
- Nền quân chủ bầu chọn vua, vì nhà vua được bầu bởi các szlachta.
- Quân chủ lập hiến, vì nhà vua bị giới hạn bởi Pacta conventa và những đạo luật khác và szlachta có thể bất tuân mệnh lệnh của bất kỳ vị vua nào mà họ cho rằng bất hợp pháp.
Di sản
Công quốc Warszawa được thành lập năm 1807 là vết tích còn lại của thịnh vượng chung. Những phong trào phục hồi khác xuất hiện trong cuộc Khởi nghĩa tháng Mười Một (1830–31), Khởi nghĩa tháng Giêng (1863–64) và vào năm 1920 gồm cả những nỗ lực thất bại của Józef Piłsudski nhằm tạo ra Międzymorze một liên bang gồm nhiều quốc gia đông-trung Âu và vùng Ban Tích dưới sự bảo trợ của Ba Lan nhằm phục hồi lại nhà nước Ba Lan-Litva cũ, liên bang đó sẽ bao gồm cả Litva và Ukraina. Ngày hôm nay Cộng hòa Ba Lan tự xem mình là quốc gia kế thừa của thịnh vượng chung.[20] Nhưng ngược lại, cộng hòa Litva được thành lập vào cuối chiến tranh thế giới thứ nhất xem sự tham gia của Litva vào Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva xưa kia hầu hết bằng một cái nhìn phủ nhận trong giai đoạn đầu giành lại độc lập của mình[21] Nhưng quan điểm này đã thay đổi gần đây.[22]Chú thích
- ^ Mark Grossman, World military leaders: a biographical dictionary, trang 174
- ^ Gregorio F. Zaide, World history, trang 273
- ^ "Poland." Encyclopædia Britannica. 2009. Encyclopædia Britannica Online. Retrieved 5 August 2009
- ^ Blaustein, Albert (January năm 1993). Constitutions of the World. Fred B. Rothman & Company.
- ^ Isaac Kramnick, Introduction, Madison, James (November năm 1987). The Federalist Papers. Penguin Classics. ISBN 0-14-044495-5. Đã bỏ qua tham số không rõ
|autorlink=
(trợ giúp) - ^ John Markoff describes the advent of modern codified national constitutions as one of the milestones of democracy, and states that "The first European country to follow the U.S. example was Poland in 1791." John Markoff, Waves of Democracy, 1996, ISBN 0-8039-9019-7, p.121.
- ^ Tỉ như nó là tên của thực thể này trong các hòa ước sau: [1], [2]
- ^ Although the terms Rzeczpospolita (Commonwealth/Republic) and Oba Narody (Two/Both Nations) were widespread in the period, and were used in the combined form for the first time only in 1967 in Paweł Jasienica's book thus entitled.
- ^ John Sobieski, 1881, trang 14
- ^ a ă â b c d đ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, các trang 186-188.
- ^ Christopher Duffy, Frederick the Great: A Military Life, Trang XXXI
- ^ Christopher Duffy, Frederick the Great: A Military Life, trang 224
- ^ Christopher Duffy, Frederick the Great: A Military Life, trang 242
- ^ Christopher Duffy, Frederick the Great: A Military Life, trang 263
- ^ a ă â b C B Brackenbury, C. B. Brackenbury, Frederick the Great, các trang 251-254.
- ^ Heinrich von Treitschke, George Haven Putnam, Confessions of Frederick the Great and the Life of Frederick the Great, trang 22
- ^ Christopher Duffy, Frederick the Great: A Military Life, trang 266
- ^ a ă Wilhelm Pütz, Handbook of modern geography and history, tr. by R.B. Paul, trang 153
- ^ Colin R. Bruce, Thomas Michael, Standard Catalog of World Coins 1901-2000, trang 658
- ^ A. stated, for instance by the preamble of the Constitution of the Republic of Poland of 1997.
- ^ Alfonsas Eidintas, Vytautas Zalys, Lithuania in European Politics: The Years of the First Republic, 1918–1940, Palgrave, 1999, ISBN 0-312-22458-3. Print, p78
- ^ “"Zobaczyć Kresy". Grzegorz Górny. Rzeczpospolita 23-08-2008 (in Polish)” (bằng (tiếng Ba Lan)). Rp.pl. 23 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
Sách đọc thêm
- C B Brackenbury, C. B. Brackenbury, Frederick the Great, BiblioBazaar, LLC, 2009. ISBN 1110850220.
- Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, University of California Press, 1975. ISBN 0520027752.
- Christopher Duffy, Frederick the Great: A Military Life, Routledge, 1988. ISBN 0415002761.
- Heinrich von Treitschke, George Haven Putnam, Confessions of Frederick the Great and the Life of Frederick the Great, The Minerva Group, Inc., 2001. ISBN 0898755360.
- Gregorio F. Zaide, World history, Rex Bookstore, Inc., 1965. ISBN 9712314723.
- John Sobieski, 1881.
Liên kết ngoài
Thể loại:
Hồng Kông (tiếng Trung: 香港; Hán-Việt: Hương Cảng), là một Đặc khu hành chính thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), nằm trên bờ biển Đông Nam của Trung Quốc. Trong khi phần lớn tên các thành phố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được Latinh hóa bằng cách sử dụng bính âm thì tên tiếng Anh chính thức của Hồng Kông vẫn là Hong Kong chứ không phải Xiānggǎng (Hương Cảng). Hồng Kông là một trong hai đặc khu hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (đặc khu hành chính còn lại là Ma Cao). Lãnh thổ này, gồm hơn 260 hòn đảo, nằm về phía Đông của Đồng bằng châu thổ Châu Giang, giáp với tỉnh Quảng Đông về phía Bắc và nhìn ra biển Đông ở phía Đông, Tây và Nam.
Hồng Kông từng là một lãnh thổ phụ thuộc của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland từ năm 1842 đến khi chuyển giao chủ quyền cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997. Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản của Hồng Kông quy định rằng Hồng Kông được hưởng một quy chế tự trị cao cho đến ít nhất là năm 2047 - 50 năm sau khi chuyển giao chủ quyền. Dưới chính sách một quốc gia, hai chế độ, Chính quyền Trung ương chịu trách nhiệm về mặt quốc phòng và ngoại giao của lãnh thổ này còn Hồng Kông thì duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư, hệ thống xuất bản, báo chí, hệ thống giáo dục của Anh, và các đại biểu trong các tổ chức, đảng phái, và sự kiện quốc tế.
Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, đã chinh phục các bộ lạc Bách Việt tại khu vực Lưỡng Quảng và lần đầu tiên sáp nhập các lãnh thổ này vào đế quốc Trung Hoa. Hồng Kông khi đó thuộc về Nam Hải quận và ở gần thủ phủ Phiên Ngung.[10][11][12] Sau khi nhà Tần sụp đổ vào năm 204 TCN, khu vực được hợp nhất vào vương quốc Nam Việt do tướng Triệu Đà lập ra.[13] Khi Hán Vũ Đế tiến hành chinh phục Nam Việt vào năm 111 TCN, khu vực được quy thuộc vào Giao Chỉ bộ của nhà Hán. Bằng chứng khảo cổ cho thấy dân số đã tăng lên và lĩnh vực sản xuất muối ban đầu đã phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ này. Cổ mộ Lý Trịnh Ốc tại bán đảo Cửu Long được cho là xây dựng từ thời nhà Hán.[14]
Trong thời kỳ nhà Đường, khu vực Quảng Đông đã phát triển mạnh mẽ rồi trở thành một trung tâm thương mại khu vực. Năm 736, Đường Huyền Tông đã cho thiết lập một đồn quân sự tại Đồn Môn để phòng thủ khu vực ven biển trong vùng.[15] Trường làng đầu tiên, Lực Doanh thư viện, đã được thành lập vào khoảng năm 1075 tại Tân Giới dưới thời Bắc Tống.[16] Khi bị người Mông Cổ xâm lược vào năm 1276, triều đình Nam Tống đã chuyển đến Phúc Kiến, sau đó đến đảo Lạn Đầu và rồi lại đến Tống Vương Đài (nay là Cửu Long Thành), tuy nhiên Tống Đế Bính nhỏ tuổi đã phải nhảy xuống biển tự vẫn cùng các quan của mình sau khi bị đánh bại trong trận Nhai Môn. Hầu Vương, một viên quan của Tống đế Bính nay vẫn được thờ tại Hồng Kông.[17]
Theo các tài liệu, người khách châu Âu đầu tiên đến khu vực Hồng Kông là một nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha mang tên Jorge Álvares, vào năm 1513.[18][19] Sau khi thiết lập nên các điểm định cư trong khu vực, các thương gia Bồ Đào Nha bắt đầu mua bán ở miền Nam Trung Quốc. Cùng thời gian đó, họ đã tiến hành xâm chiếm và xây dựng công sự quân sự tại Đồn Môn. Các xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Bồ Đào Nha đã khiến người Bồ Đào Nha bị trục xuất. Vào giữa thế kỷ 16, lệnh Hải cấm nghiêm cấm các hoạt động hàng hải và ngăn chặn việc tiếp xúc với người ngoại quốc; luật này cũng hạn chế hoạt động trên biển của địa phương.[17] Năm 1661–69, lãnh thổ bị ảnh hưởng từ Thiên giới lệnh do Khang Hy Đế ban hành, lệnh này yêu cầu thực hiện việc di tản tại các vùng ven biển của Quảng Đông. Sử sách đã ghi lại rằng có 16.000 người từ Tân An huyện đã bị buộc phải di dời vào trong nội địa, và 1.648 trong số những người dời đi đã quay trở lại khi quy định tản cư bị bãi bỏ vào năm 1669.[20] Lãnh thổ mà nay là Hồng Kông phần lớn trở thành đất hoang do lệnh cấm.[21] Năm 1685, Khang Hy Đế cho mở cửa việc giao dịch hạn chế với người ngoại quốc, bắt đầu từ đất Quảng Châu. Ông cũng áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt đối với mậu dịch như yêu cầu các thương nhân ngoại quốc sinh sống tại các khu vực bị hạn chế, chỉ được ở lại trong thời gian mua bán, cấm buôn bán súng, và chỉ được dùng bạc trong thanh toán.[22] Công ty Đông Ấn Anh đã thực hiện chuyến đi biển đầu tiên đến Trung Quốc vào năm 1699, và việc mua bán với các thương nhân người Anh đã phát triển nhanh chóng ngay sau đó. Năm 1711, công ty thiết lập trạm thông thương đầu tiên của họ tại Quảng Châu. Năm 1773, người Anh đã đạt mốc 1.000 rương thuốc phiện tại Quảng Châu và Trung Quốc đã đạt mốc tiêu thụ 2.000 rương mỗi năm trong năm 1799.[22]
Dưới sự cai trị của người Anh, dân số đảo Hồng Kông tăng từ 7.450 cư dân người Hán, chủ yếu là ngư dân, vào năm 1841 lên 115.000 người Hán và 8.754 người Âu tại Hồng Kông (bao gồm Cửu Long) vào năm 1870.[25]
Năm 1860, sau khi nhà Thanh thất bại trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai, bán đảo Cửu Long và đảo Ngang Thuyền Châu bị nhượng lại vĩnh viễn cho Anh Quốc theo Điều ước Bắc Kinh.
Năm 1894, đại dịch dịch hạch chết chóc đã lan từ Trung Quốc sang Hồng Kông, gây ra 50.000–100.000 ca tử vong.[26]
Năm 1898, theo các điều khoản của Hiệp định về Mở rộng chỉ giới Hồng Kông, Anh Quốc thu được quyền thuê đảo Lạn Đầu và các vùng đất lân cận ở phía bắc trong vòng 99 năm, các khu vực này được gọi chung với tên gọi "Tân Giới".[27] Từ đó, lãnh thổ Hồng Kông không thay đổi.[28][29]
Trong nửa đầu thế kỷ 20, Hồng Kông là một cảng tự do, có chức năng như một trung tâm xuất nhập khẩu (entrepôt) của Đế quốc Anh. Người Anh đã đưa đến Hồng Kông một hệ thống giáo dục dựa trên mô hình của họ, trong khi đó, những cư dân người Hán bản địa ít tiếp xúc với cộng đồng người Âu "đại ban" giàu sang định cư gần đỉnh Victoria.[27]
Ngành dệt và chế tạo đã phát triển với sự trợ giúp của sự tăng trưởng dân số và giá nhân công thấp. Khi Hồng Kông được công nghiệp hóa nhanh, nền kinh tế của Hồng Kông đã được thúc đẩy nhờ xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Mức sống tăng ổn định cùng với sự tăng trưởng công nghiệp.[31] Việc xây dựng thôn Thạch Giáp Vĩ năm 1953 đánh dấu sự bắt đầu của chương trình public housing estate (khu chung cư công cộng). Hồng Kông bị phá hoại bởi những hỗn loạn trong các cuộc bạo loạn năm 1967. Những người cánh tả thân cộng sản, lấy cảm hứng từ cuộc Cách mạng Văn hóa ở đại lục, đã biến một cuộc tranh chấp lao động thành một cuộc nổi dậy bạo động chống lại chính quyền thuộc địa kéo dài cho đến cuối năm.
Được thành lập năm 1974, Ủy ban Độc lập chống Tham nhũng đã làm giảm mạnh mẽ nạn tham nhũng của chính quyền. Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khởi xướng một công cuộc cải cách kinh tế năm 1978, Hồng Kông đã trở thành một nguồn đầu tư nước ngoài chủ yếu cho đại lục.[32] Một Đặc khu Kinh tế đã được thành lập năm sau ở Thâm Quyến, một thành phố nằm ở ngay phía Bắc của biên giới giữa đại lục và Hồng Kông. Nền kinh tế của Hồng Kông đã dần thay thế từ ngành dệt may và chế tạo bằng dịch vụ, khi các lĩnh vực tài chính và ngân hàng đã trở nên chiếm ưu thế ngày càng tăng. Sau cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, chính quyền Hồng Kông đã trải qua 25 năm xử lí vấn đề hồi hương người tị nạn Việt Nam.
Khi thời hạn cho thuê Tân Giới chuẩn bị kết thúc trong hai thập kỉ, chính phủ hai nước Trung Quốc và Anh Quốc đã thảo luận vấn đề chủ quyền Hồng Kông vào thập niên 1980. Năm 1983, Anh Quốc tái xác định Hồng Kông từ một thuộc địa vương lĩnh thành một lãnh thổ phụ thuộc, chính phủ Anh Quốc và Anh Quốc đã sẵn sàng thảo luận về vấn đề chủ quyền Hồng Kông do thời hạn thuê Tân Giới sắp hết. Năm 1984, hai nước đã kí Tuyên bố chung Trung-Anh, đồng ý chuyển chủ quyền Hồng Kông cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997.[27] Tuyên bố này quy định rằng Hồng Kông sẽ được quản lí như một đặc khu hành chính, được giữ lại các luật lệ của mình và một mức độ tự trị cao trong 50 năm sau khi chuyển giao. Do thiếu tin tưởng vào thỏa thuận này, nhiều cư dân của Hồng Kông đã chọn di cư khỏi Hồng Kông, đặc biệt sau Sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Luật Cơ bản của Hồng Kông, có vai trò như một văn bản hiến pháp sau cuộc bàn giao chủ quyền, đã được phê chuẩn năm 1990. Với sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh, Thống đốc Chris Patten đã đưa ra các cải cách về quá trình tự bầu cử vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.
Nền kinh tế của Hồng Kông đã chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Dịch cúm gia cầm do H5N1 gây ra cũng xuất hiện ở Hồng Kông vào năm đó. Việc thực hiện Airport Core Programme dẫn đến việc khai trương Sân bay Quốc tế Hồng Kông mới năm 1998, sau 6 năm xây dựng. Dự án này là một phần của Chiến lược Phát triển Cảng và Sân bay đầy tham vọng được dự thảo trong thập niên 1980.
Năm 2003, một nửa triệu người tham gia vào cuộc tuần hành biểu thị phản đối chính quyền của Đổng Kiến Hoa và đề xuất thi hành Điều 23 Luật Cơ bản, mà trước đó đã nêu lên các quan ngại về sự vi phạm các quyền và sự tự do. Đề xuất này sau đó bị chính quyền Hồng Kông huỷ bỏ. Năm 2005, Đổng Kiến Hoa đệ đơn từ chức Trưởng Đặc khu. Tăng Âm Quyền, Trưởng Ty Hành chính, đã được chọn làm Trưởng Đặc khu để hoàn thành nốt nhiệm kì của Đổng Kiến Hoa. Năm 2012, Lương Chấn Anh kế nhiệm chức Trưởng Đặc khu. Cuộc thăm dò hàng năm của Đại học Hồng Kông vào cuối tháng 12 năm 2012 cho thấy hơn 70% những người được hỏi ý kiến nói rằng họ tự nhận là người Hồng Kông chứ không phải là người Trung Quốc và người đứng đầu cuộc thăm dò đã bị ông Hách Thiết Xuyên, đặc sứ cao cấp của Trung Quốc, công khai đả kích. Báo chí trích lời ông Hách nói rằng Hồng Kông không phải là một thực thể chính trị độc lập.[34]
Tên gọi "Hồng Kông" (xuất phát từ "Hương Cảng", tiếng Quảng Đông đọc là Hướng Coỏng, có nghĩa là "cảng thơm", lấy từ khu vực ngày nay là Aberdeen nằm trên đảo Hồng Kông, nơi các sản phẩm từ gỗ hương và hương một thời được buôn bán[35]. Vùng nước hẹp tách đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long là bến cảng Victoria, một trong những hải cảng tự nhiên sâu nhất thế giới.
Dù Hồng Kông nổi tiếng là đô thị hóa cao, lãnh thổ này cũng đã có những nỗ lực tăng cường môi trường cây xanh[36]. Phần lớn lãnh thổ vẫn giữ không phát triển do các khu vực này phần lớn là đồi núi với các sườn dốc. Trong 1104 km² của lãnh thổ[37], chỉ ít hơn 25% là phát triển. Phần diện tích đất còn lại chủ yếu là không gian cây xanh với khoảng 40% đất được dành cho công viên thôn quê và các khu dự trữ thiên nhiên[38]. Phần lớn sự phát triển đô thị của lãnh thổ hiện hữu ở bán đảo Cửu Long, dọc theo các bờ biển phía Bắc của đảo Hồng Kông và ở khu định cư rải rác khắp Tân Giới.
Bờ biển dài và không thẳng của Hồng Kông đã tạo cho lãnh thổ này nhiều vịnh, sông và bãi biển. Dù lãnh thổ này có mật độ cây xây cao và nằm ven biển, ý thức môi trường vẫn tăng lên khi bầu không khí của Hồng Kông được xếp vào hàng một trong những nơi ô nhiễm nhất. Khoảng 80% khói của thành phố xuất phát từ các vùng khác của đồng bằng Châu Giang[39].
Hồng Kông cách Ma Cao 60 km về phía Đông, về phía đối diện của Đồng bằng châu thổ Châu Giang và giáp với thành phố đặc khu Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông về phía Bắc. Đỉnh cao nhất của lãnh thổ này là Đại Mạo Sơn, với độ cao 958 m trên mực nước biển. Các vùng đất thấp nằm ở phần Tây Bắc của Tân Giới.
Lãnh thổ tọa lạc về phía Nam của hạ chí tuyến tương đương với vĩ độ của Hawaii. Về mùa Đông, các cơn gió mạnh và lạnh thổi từ phía Bắc làm thành phố trở nên lạnh; về mùa hè, hướng gió thay đổi mang theo không khí ẩm và ấm từ phía Tây Nam. Khí hậu lúc này phù hợp với rừng mưa nhiệt đới.
Nguồn: HKO[41] 20 tháng 1, 2006.
Các luật của Hồng Kông chỉ có hiệu lực khi được Trưởng Đặc khu Hành chính phê chuẩn và sự đồng thuận đa số của 60 đại biểu của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, hay LegCo. Bất chấp đặc điểm thường được được cho là không dân chủ của chính quyền Hồng Kông, một nửa số ghế của LegCo' được bầu cử thông qua phổ thông đầu phiếu với nửa kia được chọn thông qua công năng giới biệt (tiếng Anh: functional constituencies) bao gồm các nghiệp đoàn và các nhóm lợi ích đặc biệt. Luật Cơ bản đảm bảo rằng tất cả các ghế cuối cùng sẽ được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu.
Tăng Âm Quyền hiện đang giữ chức Trưởng Đặc khu sau khi ông được bầu cử ngày 16 tháng 6 năm 2005 bởi một hội đồng bầu cử được bổ nhiệm bởi Bắc Kinh[42]. Trước cuộc chuyển giao năm 1997, Tằng đã giữ chức Trưởng Ty Hành chính dưới thời người Anh quản lí. Ông đã nhậm chức ngày 24 tháng 6 và theo kế hoạch sẽ kết thúc phần còn lại của nhiệm kì cuối của Đổng Kiến Hoa kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm 2007 phù hợp với Phụ lục I và Điều 46 ban hành bởi Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Nhân dân Trung Hoa.
Việc Hội đồng Bầu cử 852 thành viên bầu chọn một Trưởng Đặc khu mới diễn ra vào ngày 10 tháng 7 năm 2005. Ngày 16 tháng 6 năm 2005, Tăng Âm Quyền được tuyên bố là người giành chiến thắng vì ông là ứng cử viên duy nhất đảm bảo nhận được 100 phiếu của Hội đồng Bầu cử. Đổng Kiến Hoa, Trưởng Đặc khu đầu tiên nhậm chức ngày 1 tháng 7 năm 1997 sau một cuộc bầu cử Bởi một Hội đồng Bầu cử 400 thành viên. Đối với nhiệm kì thứ hai kéo dài 5 năm bắt đầu từ tháng 6 năm 2002, Đổng là ứng cử viên duy nhất được giới thiệu do đó là người đắc cử.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã lập nên một Hội đồng Lập pháp Lâm thời (PLC) năm 1996 ngay trước ngày chuyển giao, khi Hội đồng này đã chuyển đến Hồng Kông và họp sau cuộc chuyển giao. Hội đồng này đã xem xét lại một số luật được Hội đồng Lập pháp thông qua bằng phổ thông đầu phiếu từ năm 1995. PLC đã thông qua một số luật mới như Sắc lệnh Trật tự công cộng,[43] yêu cầu sự cho phép của cảnh sát khi tổ chức một cuộc biểu tình có số người tham gia vượt quá 30 người. Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp được tổ chức vào ngày 24 tháng 5 năm 1998, ngày 10 tháng 9 năm 2000 và tiếp theo là ngày 12 tháng 9 năm 2004, với cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra vào năm 2008. Theo Luật Cơ bản, "hiến pháp-mini" của Hồng kông, nhiệm kì thứ ba hiện tại của Hội đồng Lập pháp có 25 ghế được bầu cử theo đơn vị bầu cử địa phương (geographical constituencies) và 30 ghế từ công năng giới biệt. Các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp năm 1998, 2000 và 2004 đã diễn ra tự do, mở và tranh luận rộng rãi dù có một số bất mãn của một số nhà chính trị chủ yếu là 'ủng hộ dân chủ', những người tranh luận rằng các cuộc bầu cử công năng giới biệt năm 1998 và 2000 là không dân chủ vì họ cho răng khu vực cử tri cho những ghế này là quá hẹp.
Ngành dân chính của Hồng Kông vẫn duy trì chất lượng và tính trung lập như truyền thống trong thời thuộc địa, hoạt động mà không có chỉ đạo rõ rệt từ Bắc Kinh. Nhiều hoạt động của chính quyền và hành chính thực hiện ở khu vực trung tâm của Đảo Hồng Kông gần địa điểm lịch sử của Thành phố Victoria, khu vực của những khu định cư Anh đầu tiên.
Về mặt cơ cấu, hệ thống tòa án Hồng Kông bao gồm Tòa chung thẩm và Ủy ban Tòa án Hội đồng Cơ mật, Tòa án Tối cao, được cấu thành từ Tòa Thượng thẩm, Tòa Sơ thẩm và Tòa án Quận, bao gồm Tòa án Gia đình. Các cơ quan xét xử khác bao gồm: Tòa án Đất đai, Tòa Trị an, Tòa Thanh thiếu niên, Tòa Khiếu nại Nhỏ, Tòa Những vụ chết bất thường, Tòa Lao động, Tòa Các điều khoản Khiêu dâm chịu trách nhiệm phân loại văn hóa phẩm khiêu dâm không phải video được lưu hành ở Hồng Kông. Thẩm phán của Tòa Chung thẩm được Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông bổ nhiệm. Luật Cơ bản Hồng Kông thì được hiểu theo cách giải thích của Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Quốc hội) và quyền hạn này đã từng được viện dẫn 3 lần: Vấn đề quyền cư trú tại Hồng Kông (right of abode issue), một sự diễn giải liên quan đến các thủ tục bầu cử sau năm 2008, và một lần giải thích liên quan đến độ dài nhiệm kỳ của Trưởng Đặc khu hành chính.
Như ở Anh, luật gia ở Hồng Kông được phân ra thành luật sư hoặc cố vấn pháp lý, và người ta có thể chọn hành nghề dưới danh nghĩa một trong hai chức danh này nhưng không được cả hai (nhưng có thể chuyển từ chức danh này sang chức danh kia). Phần lớn luật gia là cố vấn pháp lý và được cấp giấy phép hành nghề và được điều chỉnh bởi Hội Pháp luật Hồng Kông. Các luật sư, mặt khác được cấp giấy phép và được điều chỉnh bởi Hội Luật sư Hồng Kông. Chỉ có các luật sư mới được có mặt để bào chữa tại Tòa Chung tẩm và Tòa án Tối cao. Cũng giống như hệ thống thông luật được duy trì, như thông lệ các các phòng xử án Anh quốc, các thẩm phán và luật sư phải đội tóc giả và áo choàng trong quá trình xét xử.
Theo Điều 63 của Luật Cơ bản Hồng Kông, Cục Tư pháp kiểm soát việc truy tố hình sự và không chịu bất kỳ sự can thiệp nào. Đây là thể chế pháp lý lớn nhất Hồng Kông và có trách nhiệm liên quan đến pháp chế, quản lý xét xử, truy tố, đại diện dân sự, soạn thảo và cải cách pháp lý và nghề pháp lý. Ngoài việc khởi tố các vụ án hình sự tại Hồng Kông, các quan chức của Cục Tư pháp cũng có mặt tại tòa với tư cách đại diện cho chính quyền trong tất cả vụ kiện dân sự kiện chính quyền. Là một cơ quan bảo vệ quyền lợi công chúng, cơ quan này có thể áp dụng và ấn định đại diện pháp lý thay mặt cho quyền lợi công chúng để tham gia vào việc xét xử các vụ án liên quan đến lợi ích công chúng về vật chất.[44]
Trong khi tiếp tục duy trì những luật lệ và thông lệ của chính quyền Anh trước đây, chính quyền Hồng Kông nhường quyền điều khiển thị trường cho các lực lượng thị trường và khu vực tư nhân. Kể từ năm 1980, nhìn chung, chính quyền đã đóng một vai trò thụ động theo chính sách không can thiệp tích cực. Hồng Kông thường xuyên được xem, đặc biệt bởi nhà kinh tế Milton Friedman, là một hình mẫu của chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh về mặt thực tiễn. Hồng Kông được xếp hạng nhất thế giới về tự do kinh tế trong 13 năm liên tục, kể từ khi có chỉ số này vào năm 1995. Thành phố này cũng nằm ở vị trí thứ nhất trong Báo cáo Tự do Kinh tế của Thế giới.[45][46]
Hồng Kông có ít đất bằng phẳng và ít tài nguyên thiên nhiên, do đó phải nhập khẩu hầu hết thực phẩm và nguyên liệu. Hồng Kông là vùng lãnh thổ thương mại lớn thứ 11 thế giới[47], với tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu vượt quá GDP của mình. Năm 2006, có 114 nước có lãnh sự quán ở Hồng Kông, hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới. Phần lớn xuất khẩu của Hồng Kông là tái xuất khẩu, là những sản phẩm sản xuất bên ngoài lãnh thổ Hồng Kông, đặc biệt ở Trung Hoa đại lục và được phân phối thông qua Hồng Kông. Thậm chí ngay cả trước khi chuyển giao chủ quyền cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồng Kông đã thiết lập các quan hệ thương mại và đầu tư sâu rộng với Trung Hoa đại lục. Vị thế tự trị của nó đã giúp Hồng Kông có thể phục vụ như một điểm cửa ngõ cho đầu tư và các nguồn lực chảy vào Trung Hoa đại lục. Hồng Kông cũng là một điểm nối cho các chuyến bay từ Trung Hoa Dân Quốc từ trên đảo Đài Loan vào đại lục.
Đơn vị tiền tệ của Hồng Kông là Dollar Hồng Kông. Kể từ năm 1983, đồng tiền này đã được neo chặt vào Dollar Mỹ. Đồng tiền này được phép trao đổi với một dải tỷ giá từ 7,75 và 7,85 dollar Hồng Kông ăn một dollar Mĩ. Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông lớn thứ 6 thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 1.710 tỷ USD. Năm 2006, giá trị các cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng thực hiện ở Hồng Kông xếp thứ 2 thế giới chỉ sau thị trường chứng khoán Luân Đôn[48].
Kinh tế Hồng Kông chủ yếu là dịch vụ. Tỉ trọng của khu vực này trong GDP của Hồng Kông lên đến 90%. Trong quá khứ, chế tạo là khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế do Hồng Kông đã tiến hành công nghiệp hóa sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Với xuất khẩu làm động lực, kinh tế Hồng Kông đã tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 8,9% trong thập niên 1970. Hồng Kông đã trải qua một quá trình chuyển dịch nhanh sang một nền kinh tế dịch vụ trong những năm 1980, khi tốc độ tăng trưởng đạt 7,7% bình quân mỗi năm. Phần lớn các hoạt động sản xuất được chuyển qua Trung Hoa đại lục trong thời kỳ này và công nghiệp hiện nay chỉ còn chiếm 9% nền kinh tế. Khi Hồng Kông đã lớn mạnh để trở thành một trung tâm tài chính, tăng trưởng chậm lại xuống còn 2,7% mỗi năm trong những năm 1990. Cùng với Singapore, Hàn Quốc, và Đài Loan, Hồng Kông được gọi là một trong Bốn con hổ châu Á do tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh chóng trong thời kỳ từ thập niên 1960 đến thập niên 1990.
Năm 1998, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nền kinh tế này đã sụt giảm 5,3%. Sau đó, nền kinh tế phục hồi với tốc độ tăng trưởng tới 10% năm 2000 dù giảm phát vẫn dai dẳng. Năm 2003, kinh tế Hong Kong đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch SARS, làm cho tốc độ tăng trưởng chỉ còn 2,3%. Sự hồi sinh của nhu cầu nội địa và bên ngoài đã dẫn đến một sự hồi sinh mạnh mẽ trong năm sau đó do sự chi phí giảm đã tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Hồng Kông. Giai đoạn giảm phát kéo dài 68 tháng đã chấm dứt vào giữa năm 2004 với chỉ số lạm phát theo giá hàng tiêu dùng xoay quanh mức zero[49]. Từ 2003, chương trình Du lịch cá nhân đã cho phép những du khách từ một số thành phố Trung Quốc đại lục thăm Hồng Kông mà không cần đi theo đoàn. Kết quả là, ngành du lịch Hồng Kông đã thu lợi từ sự gia tăng du khách đại lục, đặc biệt là sự mở cửa của Khu giải trí Hong Kong Disneyland năm 2005. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với sự tin tưởng trở lại của người tiêu dùng và sự gia tăng thương mại.
Hồng Kông đặt ra mức thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp thấp. Lo lắng trước việc thuế thu được quá ít và việc chi tiêu của chính quyền phụ thuộc quá nặng nề vào nguồn thuế từ các giao dịch bất động sản, chính quyền đã xem xét đưa ra một chính sách về Thuế dịch vụ và hàng hóa. Phản ứng ban đầu của người dân là hoàn toàn không hưởng ứng, vì họ lo rằng việc đánh thuế sẽ đặt gánh nặng quá mức lên người nghèo, và sẽ ảnh hưởng tới sự thu hút của Hồng Kông trong lĩnh vực du lịch. Vào tháng 1 năm 2007, chính quyền đã rút lại đề xuất này.
Năm 2006, GDP của Hồng Kông xếp thứ 40 thế giới với giá trị 253,1 tỷ USD. GDP bình quân đầu người xếp hạng 14 với mức 36.500 USD, cao hơn mức này của Canada, Nhật Bản, Thụy Sỹ, và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, và vẫn cao hơn nhiều mức của Trung Quốc[50].
Hồng Kông có một cuộc sống về đêm náo nhiệt ở các quận giải trí — Lan Kwai Fong (Lan Quế Phường), Tsim Sha Tsui (Chiếm Sá Chủi), Wan Chai... Những nơi này thường được người địa phương, du khách nước ngoài viếng thăm. Vào một ngày trời quang, Đỉnh Victoria cho khách tham quan một tầm nhìn ngoạn mục về thành phố này. Thành phố này có một khu đi dạo dọc theo bến nước Tsim Sha Tsui, nơi các đôi uyên ương ưa thích. Các hoạt động mua sắm thường diễn ra về đêm với ví dụ cụ thể là ở Chợ đêm phố Temple nơi người ta cũng có thể xem Kinh kịch miễn phí.
Ẩm thực của thành phố cũng phong phú đa dạng. Ngoài ẩm thực phong phú đa dạng của các vùng miền Trung Quốc ra, đặc biệt là các món hải sản, Hồng Kông cũng có các nhà hàng Nhật Bản, châu Âu, Mĩ, Hàn Quốc và các nước khác. Các món ăn địa phương phục vụ ở các phòng trà và quầy bán đồ ăn cũng phổ biến. Dân Hồng Kông nghiêm túc trong việc ăn uống và nhiều đầu bếp từ khắp nơi đến đây để biểu diễn tài nghệ cho thực khách.
Trong khi Hồng Kông là một trung tâm thương mại toàn cầu, có lẽ sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng nhất của thành phố này là ngành giải trí, đặc biệt là thể loại võ thuật, nhiều minh tinh Hollywood xuất thân từ Hồng Kông như: Lý Tiểu Long, Châu Nhuận Phát, Thành Long, Dương Tử Quỳnh, và Lý Liên Kiệt. Những nhà làm phim Hồng Kông cũng làm nên sự nghiệp ở Hollywood như Ngô Vũ Sâm, Vương Gia Vệ, Từ Văn Quang và các biên đạo võ thuật đã thiết kế các cảnh giao chiến trong các phim Matrix trilogy, Kill Bill và Ngọa hổ tàng long. Nhiều phim sản xuất tại Hồng Kông cũng nhận được sự công nhận quốc tế như Trùng Khánh Sâm Lâm, Vô gian đạo, Đội bóng Thiếu Lâm, Hồng phiên khu và Tâm trạng khi yêu. Nhà làm phim nổi tiếng Quentin Tarantino từng cho rằng ông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi điện ảnh hành động Hồng Kông. Hồng Kông cũng là trung tâm chính của thế giới về thể loại nhạc cantopop.[51] Trong lúc lãnh thổ này là nơi có nhiều ngôi sao, văn hóa karaoke cũng là một phần hoạt động về đêm của Hồng Kông.
Chính quyền Hồng Kông cũng ủng hộ các cơ quan văn hóa như Bảo tàng Di sản Hồng Kông, Bảo tàng Nghệ thuật Hồng Kông, Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông và Giàn nhạc giao hưởng Hồng Kông. Ngoài ra, Cục dịch vụ Văn hóa và Giải trí của chính quyền cũng bao cấp và tài trợ cho việc đưa các diễn viên quốc tế đến biểu diễn tại Hồng Kông.
Tính ngưỡng tôn giáo của Hồng Kông có liên hệ với vai trò lúc ban sơ của khu vực này là một làng chài. Thiên Hậu (hay Mụ Tổ), thần bảo hộ những người đi biển, đã được tôn thờ với nhiều đền thờ khắp Hồng Kông trong 300 năm qua. Hồng Thánh, một vị thần bảo hộ những người đi biển khác, cũng được tôn thờ trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, các cư dân Hồng Kông, đặc biệt là những người thuộc thế hế hệ già tuổi hơn, thường viếng các đền chùa Đạo giáo và Phật giáo để cầu xin thần linh ban phước lành, sức khỏe hoặc cầu phát tài. Người ta dâng lễ trái cây hoặc thực phẩm và đốt nhang để cầu khấn.
Với việc chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc, đã có một số quan ngại đáng kể về quyền tự do tôn giáo ở Hồng Kông. Cho đến nay, nỗi lo ngại này đã tỏ ra không có căn cứ. Dù Bắc Kinh đã cấm giáo phái Pháp Luân Công năm 1999, những môn đồ của giáo phái này vẫn được tự do hành đạo môn phái này ở Hồng Kông. Tương tự, Giáo hội Công giáo được tự do bổ nhiệm các Giám mục, linh mục của mình ở Hồng Kông, không giống như ở Trung Hoa đại lục nơi thể chế "Công giáo" được công nhận là Hội Công giáo Yêu nước Trung Hoa - nơi mà các Giám mục và linh mục được Bắc Kinh bổ nhiệm (dù cũng có một bộ phận bất hợp pháp và không chính thức của Công giáo vẫn giữ liên lạc với Tòa Thánh Vatican). Một vấn đề lớn trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Tòa Thánh là việc Bắc Kinh cứ khăng khăng yêu cầu Vatican chấm dứt quan hệ với Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan).
Hồng Kông là nơi duy nhất ở Trung Quốc có những người truyền giáo từ Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (Nhà thờ Mormon) có thể tu hành. Nhà thờ này có một đền ở Hồng Kông được Gordon B. Hinckley hiến dâng vào ngày 26-27 tháng 5 năm 1996. Các thành viên của Nhà thờ xem Hinkley, chủ tịch của Nhà thờ này, là một giáo đồ của Chúa.
Một trong những tòa nhà nổi bật ở Hồng Kông là tòa tháp Trung Ngân (Bank of China Tower) do I. M. Pei thiết kế, tòa nhà hoàn thành năm 1990 và hiện là tòa nhà chọc trời cao thứ ba Hồng Kông. Tòa nhà này đã thu hút tranh cãi nãy lửa khi bắt đầu dự án vì các cạnh sắc nhọn của nó bị người ta cho là đẩy năng lượng phong thủy âm vào trung tâm Hồng Kông. Trước tòa nhà này, một cấu trúc nổi tiếng khác là Tòa nhà Trụ sở của HSBC, hoàn thành năm 1985. Nó được xây trên địa điểm của tòa nhà chọc trời đầu tiên của Hồng Kông được hoàn thành năm 1935 và đã trở thành chủ đề của một đấu tranh bảo tồn di sản khốc liệt cuối thập niên 1970. Cả hai tòa nhà của ngân hàng được in trên nhiều tờ giấy bạc Hồng Kông.
Tòa nhà cao nhất ở Hồng Kông là International Finance Centre 2. Một trong những dự án xây dựng lớn nhất ở Hồng Kông và của thế giới là Sân bay Quốc tế Hồng Kông mới ở Chek Lap Kok gần Lantau, một dự án lấn biển khổng lồ được kết nối với trung tâm Hồng Kông bằng Lantau Link nổi bật bằng ba cây cầu lớn mới là: Thanh Mã, cây cầu treo lớn thứ 6 thế giới; Cấp Thủy Môn, cây cầu dây văng (cable-stayed bridge) dài nhất thế giới dành cho cả giao thông đường bộ và đường sắt; và Đinh Cửu, cây cầu dây văng bốn nhịp đầu tiên của thế giới.
Đặc biệt đáng chú ý về cảnh chân trời và phố xá Hồng Kông là sự có mặt khắp nơi của các bất động sản nhà ở công, bắt đầu như là một chương trình tái định cư cho những người chiếm đất thập niên 1950 và ngày nay đã cung cấp nhà ở cho gần một nửa dân số. Các khu bất động sản này đã được nâng cấp từ các khu căn hộ không có thang máy 7 tầng với nhà vệ sinh công cộng và các tiện nghi tối thiểu, phân phối 24 m2 cho mỗi người lớn, nếu cho trẻ con thì được 12 m2/người thành các tòa nhà cao tầng chất lượng cao. Chương trình cho thuê công cộng này đã được bổ sung vào Kế hoạch Sở hữu Nhà do chính phủ trợ cấp.
Địa hình Hồng Kông chủ yếu là đồi và dốc và một số phương pháp giao thông không thông thường đã được sáng chế để dễ dàng di chuyển lên xuống trên các sườn dốc. Ví dụ, tàu điện Peak Tram nối giữa khu Trung tâm và Đỉnh Victoria từ năm 1888 bằng cách men theo sườn núi. Ở Trung Tây khu, có một hệ thống thang cuốn lớn và các vỉa hè di động, bao gồm hệ thống thang cuốn có mái che ngoài trời dài nhất thế giới, đó là Thang cuốn Mid-levels.
Hồng Kông có nhiều phương thức vận tải đường sắt công cộng. Hai hệ thống tàu điện ngầm cho thành phố là MTR (Mass Transit Railway) và KCR có chức năng kết nối giữa Hồng Kông và Trung Hoa đại lục (KCR cũng vận hành một hệ thống đường sắt nhẹ ở Tây Bắc Tân Giới). Hệ thống MTR do công ty MTR Corporation Limited vận hành còn Kowloon-Canton Railway Corporation thì vận hành KCR. Hệ thống xe điện hoạt động ở các khu vực phía Bắc Hồng Kông và là hệ thống xe điện duy nhất trên thế giới chỉ chạy loại xe buýt hai tầng.
Năm công ty riêng rẽ (KMB, Citybus, NWFB, Long Win và NLB) cung cấp dịch vụ xe buýt công cộng nhượng quyền ở Hồng Kông. Xe buýt hai tầng được du nhập vào Hồng Kông năm 1949. Hiện loại xe hai tầng này được sử dụng riêng biệt ở Hồng Kông, Singapore, Dublin và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Tuy nhiên, xe buýt hai tầng vẫn được sử dụng cho các tuyến có nhu cầu thấp hoặc các tuyến đường có năng lực vận tải thấp. Xe buýt một tầng được sử dụng chủ yếu ở Đảo Lạn Đầu và phục vụ đêm. Phần lớn các tuyến xe buýt nhượng quyền bình thường ở Hồng Kông hoạt động đến tận 1h đêm. Xe buýt nhẹ công cộng chạy suốt chiều dài và chiều rộng của Hồng Kông, qua những khu vực nơi các tuyến xe buýt tiêu chuẩn không thể đến hoặc không thể chạy thường xuyên, nhanh chóng hoặc trực tiếp. Xe taxi cũng được sử dụng rộng rãi khắp Hồng Kông. 99% xe taxi của Hồng Kông chạy bằng khí hỏa lỏng, phần còn lại chạy bằng dầu diesel.
Phần lớn dịch vụ vận tải bằng phà do các công ty vận tải phà có giấy phép, phục vụ các đảo ngoài khơi, các khu phố mới trong Bến cảng Victoria, Macau và các thành phố ở Trung Hoa đại lục. Loại phà xưa nhất, Star Ferry huyền thoại hoạt động trong bốn tuyến giữa bán đảo Cửu Long và Đảo Hồng Kông và đã cung cấp dịch vụ vận chuyển có hiệu quả về chi phí trong suốt một thế kỷ. Star Ferry phổ thông đối với những du khách ưu thích ngắm nhìn toàn cảnh bến cảng và đường chân trời, nhiều người dân Hồng Kông xem Star Ferry à một trong những biểu tượng văn hóa nổi bật nhất của thành phố. Ngoài ra, các phà 78 "kai-to" được cấp phép phục vụ cho các khu định cư ven biển xa xôi.
Hồng Kông có một sân bay quốc tế còn hoạt động có tên gọi Sân bay Quốc tế Hồng Kông tọa lạc tại đảo Xích Liệp Giác. Năm 1998, sân bay này đã thay thế sân bay quốc tế trước đây của Hồng Kông là Sân bay Khải Đức nằm ở Cửu Long, một sân bay đã được đóng cửa vào thời điểm thay thế. Sau một thời gian chậm trễ trong các hệ thống vận chuyển hàng hóa trong những tháng đầu, sân bay này hiện đang đóng vai trò là trung tâm vận chuyển cho khu vực Đông Nam Á và là trung tâm hoạt động chính của các hãng hàng không Cathay Pacific Airways, Dragonair, Air Hong Kong, Oasis Hong Kong Airlines, Hong Kong Airlines và Hong Kong Express. Ngoài ra, Skytrax đã bầu chọn Sân bay quốc tế Hồng Kông là sân bay tốt nhất thế giới và hãng hàng không Cathay Pacific Airways đã được bầu chọn là hãng hàng không tốt nhất thế giới từ năm 2001 đến năm 2005. Sân bay Quốc tế Hồng Kông đã phục vụ hơn 36 triệu hành khách trong năm 2004 và 40 triệu khách trong năm 2005.
Các phương tiện đi vào sân bay có 'Airport Express', 'CityFlyers' và 'Airbuses'. Các dịch vụ vận tải này kết nối sân bay với phần còn lại của Hồng Kông. Thời gian khách đi bằng Airport Express đến Trung tâm thành phố ở Đảo Hồng Kông chỉ mất 23 phút. Việc mở cửa gần đây của Nhà ga Sunny Bay của MTR cho phép người ta đến Khu Giải trí Disneyland Hồng Kông dễ dàng hơn.
Trong khi lưu thông ở Trung Hoa đại lục lái xe bên phải, Hồng Kông vẫn duy trì luật lệ giao thông riêng của mình với việc lưu thông lái xe bên trái. Có khoảng 517.000 xe cơ giới được đăng ký ở Hồng Kông, 64% số đó là xe hơi tư nhân. Là một đô thị xa hoa ở châu Á, Hồng Kông nổi tiếng thế giới là nơi có số lượng xe hơi Rolls-Royce đầu người cao nhất thế giới.[52]
Lưu ý rằng mã đường quốc lộ Hồng Kông sử dụng một hệ thống báo hiệu như Anh quốc trong khi hệ thống báo hiệu của Trung Quốc thì khác hẳn.
Giao thông Hồng Kông có điểm đặc biệt là đi bên trái như ở Anh Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,... mà không đi bên phải như tất cả các tỉnh, thành phố khác ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Phần còn lại 5% dân số bao gồm các dân tộc không phải là người Hoa là một nhóm dân cư có thể thấy rất rõ dù số lượng nhỏ. Một cộng đồng Người Nam Á bao gồm người Ấn Độ, Nepal. Dân tị nạn người Việt đã trở thành các cư dân thường trú của Hồng Kông. Khoảng 140.000 Người Philippines làm việc ở Hồng Kông với những công việc như những người giúp việc nhà. Một số công nhân cũng đến từ Indonesia. Có một số người châu Âu, người Mỹ, người Úc, người Canada, người Nhật, và người Hàn Quốc làm việc trong các lĩnh vực tài chính và thương mại.
Nếu được xem là một xứ phụ thuộc, Hồng Kông là một trong quốc gia/lãnh thổ phụ thuộc có mật độ dân dày đặc nhất, với mật độ chung hơn 6200 người trên km². Hồng Kông có tỷ lệ sinh 0,95 trẻ trên một người phụ nữ,[55] một trong những nơi thấp nhất thế giới và thấp xa so với tỷ lệ 2,1 trẻ em trên một phụ nữ cần để duy trì mức dân số hiện hữu. Tuy nhiên, dân số của Hồng Kông tiếp tục tăng do làn sóng dân di cư từ Trung Hoa Đại Lục khoảng 45.000 người mỗi năm. Tuổi thọ trung bình của dân Hồng Kông là 81,6 năm năm 2006, cao thứ 5 thế giới.
Dân số Hồng Kông tập trung cao độ vào một khu vực trung tâm bao gồm Cửu Long và phía Bắc đảo Hồng Kông. Phần còn lại, dân cư thưa thớt với hàng triệu dân rải rác không đều khắp Tân Giới, phía Nam Đảo Hồng Kông và đảo Đại Nhĩ Sơn. Một số lượng đang tăng công dân đang sống ở Thâm Quyến và đi lại bằng xe hàng ngày từ Trung Hoa đại lục.
Chính quyền Nhân dân Trung ương Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tiếp quản chủ quyền đối với Hồng Kông vào ngày 1 tháng 7 năm 1997 và đã đóng một đội quân đồn trú Quân Giải phóng Nhân dân để quản lý các công việc quốc phòng của Hồng Kông. Dù đội quân đồn trú này có giá trị quân sự trên thực tế ít, việc đóng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hồng Kông là một biểu tượng của việc nắm giữ chủ quyền của chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Hồng Kông.
Theo Luật Cơ bản của Hồng Kông, các lực lượng quân sự đóng ở Hồng Kông sẽ không được can thiệp vào các công việc dân sự của địa phương; Chính quyền Hồng Kông sẽ phải chịu trách nhiệm duy trì trật tự công cộng. Quân đồn trú tại Hồng Kông, bao gồm các binh chủng lục quân, hải quân, và không quân, dưới sự chỉ huy của Hội đồng Quân sự Trung ương Trung Quốc. Sau đó, quân đồn trú đã mở cửa các doanh trại trên Đảo Stonecutters và Stanley cho công chúng để tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa quân đội và dân chúng.
Dưới thời cai trị của Anh, dân Hồng Kông đã được phép gia nhập Quân đội Hải ngoại Anh ở Hồng Kông. Tuy nhiên, dưới thời chủ quyền Trung Quốc, họ lại không được phép gia nhập vào Bộ đội đồn trú Hồng Kông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.[cần dẫn nguồn]
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
Hồng Kông
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa | |||||
---|---|---|---|---|---|
香港 (tiếng Trung)[1] Hong Kong (tiếng Anh) |
|||||
|
|||||
Hành chính | |||||
Chính phủ | Khu hành chính đặc biệt | ||||
Trưởng Đặc khu | Lương Chấn Anh (梁振英) | ||||
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Anh, Tiếng Trung Quốc (cả Quảng Đông và Quan thoại) | ||||
Địa lý | |||||
Diện tích | 1.103 km² (hạng 169) | ||||
Diện tích nước | 4,6 % | ||||
Múi giờ | HK (UTC+8); mùa hè: HKT (UTC+8) | ||||
Lịch sử | |||||
Trao trả nhượng địa
|
|||||
Ngày thành lập | Từ Anh Ngày 1 tháng 7, 1997 |
||||
Dân cư | |||||
Dân số ước lượng (2009) | 7.055.071[2] người (hạng 98) | ||||
Mật độ | 6076,4 người/km² (hạng 4) | ||||
Kinh tế | |||||
GDP (PPP) (2008) | Tổng số: 293,311 tỉ đô la[3] | ||||
GDP (danh nghĩa) (2008) | Tổng số: 223,764 tỉ đô la Mĩ[3] | ||||
Đơn vị tiền tệ | $ Đô la (HKD ) |
||||
Thông tin khác | |||||
Tên miền Internet | .hk | ||||
1 01 từ Ma Cao |
Hồng Kông | |||
---|---|---|---|
tên tiếng Trung | |||
Tiếng Trung | 香港 | ||
Việt bính tiếng Quảng Đông | Hoeng1gong2 | ||
Yale tiếng Quảng Đông | Hēunggóng | ||
Bính âm Hán ngữ | Xiānggǎng | ||
Nghĩa đen | Fragrant harbour | ||
|
|||
Đặc khu hành chính Hồng Kông | |||
Phồn thể | 香港特別行政區 (hay 香港特區) | ||
Giản thể | 香港特别行政区 (hay 香港特区) | ||
|
|||
Tên tiếng Việt | |||
Tiếng Việt | Hương Cảng |
Hồng Kông từng là một lãnh thổ phụ thuộc của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland từ năm 1842 đến khi chuyển giao chủ quyền cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997. Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản của Hồng Kông quy định rằng Hồng Kông được hưởng một quy chế tự trị cao cho đến ít nhất là năm 2047 - 50 năm sau khi chuyển giao chủ quyền. Dưới chính sách một quốc gia, hai chế độ, Chính quyền Trung ương chịu trách nhiệm về mặt quốc phòng và ngoại giao của lãnh thổ này còn Hồng Kông thì duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư, hệ thống xuất bản, báo chí, hệ thống giáo dục của Anh, và các đại biểu trong các tổ chức, đảng phái, và sự kiện quốc tế.
Mục lục
Lịch sử
Thời kỳ tiền thuộc địa
Các nghiên cứu khảo cổ học đã xác nhận về sự hiện diện của loài người tại khu vực Xích Liệp Giác từ 35.000 đến 39.000 năm trước đây, và tại bán đảo Tây Cống từ 6.000 năm trước đây.[4][5][6] Hoàng Địa Động và Xí Lĩnh Hạ Hải là hai địa điểm mà loài người cư trú sớm nhất trong Thời đại đồ đá cũ. Người ta tin rằng Xí Lĩnh Hạ Hải từng là một điểm dân cư thung lũng sông và Hoàng Địa Động từng là một nơi chế tạo đồ đá. Các hiện vật thời đại đồ đá mới được khai quật khẳng định sự khác biệt văn hóa giữa văn hóa Long Sơn ở miền bắc Trung Quốc và khu định cư của người Xá (輋族) trước khi người Bách Việt di cư đến.[7][8] Đã phát hiện ra tám bãi đá khắc trên các đảo xung quanh, chúng có niên đại từ thời nhà Thương tại Trung Quốc.[9]Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, đã chinh phục các bộ lạc Bách Việt tại khu vực Lưỡng Quảng và lần đầu tiên sáp nhập các lãnh thổ này vào đế quốc Trung Hoa. Hồng Kông khi đó thuộc về Nam Hải quận và ở gần thủ phủ Phiên Ngung.[10][11][12] Sau khi nhà Tần sụp đổ vào năm 204 TCN, khu vực được hợp nhất vào vương quốc Nam Việt do tướng Triệu Đà lập ra.[13] Khi Hán Vũ Đế tiến hành chinh phục Nam Việt vào năm 111 TCN, khu vực được quy thuộc vào Giao Chỉ bộ của nhà Hán. Bằng chứng khảo cổ cho thấy dân số đã tăng lên và lĩnh vực sản xuất muối ban đầu đã phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ này. Cổ mộ Lý Trịnh Ốc tại bán đảo Cửu Long được cho là xây dựng từ thời nhà Hán.[14]
Trong thời kỳ nhà Đường, khu vực Quảng Đông đã phát triển mạnh mẽ rồi trở thành một trung tâm thương mại khu vực. Năm 736, Đường Huyền Tông đã cho thiết lập một đồn quân sự tại Đồn Môn để phòng thủ khu vực ven biển trong vùng.[15] Trường làng đầu tiên, Lực Doanh thư viện, đã được thành lập vào khoảng năm 1075 tại Tân Giới dưới thời Bắc Tống.[16] Khi bị người Mông Cổ xâm lược vào năm 1276, triều đình Nam Tống đã chuyển đến Phúc Kiến, sau đó đến đảo Lạn Đầu và rồi lại đến Tống Vương Đài (nay là Cửu Long Thành), tuy nhiên Tống Đế Bính nhỏ tuổi đã phải nhảy xuống biển tự vẫn cùng các quan của mình sau khi bị đánh bại trong trận Nhai Môn. Hầu Vương, một viên quan của Tống đế Bính nay vẫn được thờ tại Hồng Kông.[17]
Theo các tài liệu, người khách châu Âu đầu tiên đến khu vực Hồng Kông là một nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha mang tên Jorge Álvares, vào năm 1513.[18][19] Sau khi thiết lập nên các điểm định cư trong khu vực, các thương gia Bồ Đào Nha bắt đầu mua bán ở miền Nam Trung Quốc. Cùng thời gian đó, họ đã tiến hành xâm chiếm và xây dựng công sự quân sự tại Đồn Môn. Các xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Bồ Đào Nha đã khiến người Bồ Đào Nha bị trục xuất. Vào giữa thế kỷ 16, lệnh Hải cấm nghiêm cấm các hoạt động hàng hải và ngăn chặn việc tiếp xúc với người ngoại quốc; luật này cũng hạn chế hoạt động trên biển của địa phương.[17] Năm 1661–69, lãnh thổ bị ảnh hưởng từ Thiên giới lệnh do Khang Hy Đế ban hành, lệnh này yêu cầu thực hiện việc di tản tại các vùng ven biển của Quảng Đông. Sử sách đã ghi lại rằng có 16.000 người từ Tân An huyện đã bị buộc phải di dời vào trong nội địa, và 1.648 trong số những người dời đi đã quay trở lại khi quy định tản cư bị bãi bỏ vào năm 1669.[20] Lãnh thổ mà nay là Hồng Kông phần lớn trở thành đất hoang do lệnh cấm.[21] Năm 1685, Khang Hy Đế cho mở cửa việc giao dịch hạn chế với người ngoại quốc, bắt đầu từ đất Quảng Châu. Ông cũng áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt đối với mậu dịch như yêu cầu các thương nhân ngoại quốc sinh sống tại các khu vực bị hạn chế, chỉ được ở lại trong thời gian mua bán, cấm buôn bán súng, và chỉ được dùng bạc trong thanh toán.[22] Công ty Đông Ấn Anh đã thực hiện chuyến đi biển đầu tiên đến Trung Quốc vào năm 1699, và việc mua bán với các thương nhân người Anh đã phát triển nhanh chóng ngay sau đó. Năm 1711, công ty thiết lập trạm thông thương đầu tiên của họ tại Quảng Châu. Năm 1773, người Anh đã đạt mốc 1.000 rương thuốc phiện tại Quảng Châu và Trung Quốc đã đạt mốc tiêu thụ 2.000 rương mỗi năm trong năm 1799.[22]
Thời kỳ thực dân Anh
Năm 1839, do triều đình nhà Thanh từ chối nhập khẩu thuốc phiện, giữa Đại Thanh và Anh Quốc đã nổ ra Chiến tranh Nha phiến. Đảo Hồng Kông bị quân Anh chiếm vào ngày 20 tháng 1 năm 1841 và ban đầu được nhượng cho Anh Quốc theo thảo ước Xuyên Tị như là một phần của thỏa thuận ngừng bắn giữa Đại tá hải quân Charles Elliot và tổng đốc Lưỡng Quảng Kỳ Thiện (琦善), song thỏa thuận này đã không bao giờ được phê chuẩn do tranh cãi giữa các quan chức cấp cao của cả hai chính phủ.[23] Phải cho đến ngày 29 tháng 8 năm 1842, hòn đảo mới chính thức bị nhượng lại vĩnh viễn cho Anh Quốc theo Điều ước Nam Kinh. Người Anh đã thiết lập nên một thuộc địa vương lĩnh bằng việc xây dựng Victoria City vào năm sau.[24]Dưới sự cai trị của người Anh, dân số đảo Hồng Kông tăng từ 7.450 cư dân người Hán, chủ yếu là ngư dân, vào năm 1841 lên 115.000 người Hán và 8.754 người Âu tại Hồng Kông (bao gồm Cửu Long) vào năm 1870.[25]
Năm 1860, sau khi nhà Thanh thất bại trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai, bán đảo Cửu Long và đảo Ngang Thuyền Châu bị nhượng lại vĩnh viễn cho Anh Quốc theo Điều ước Bắc Kinh.
Năm 1894, đại dịch dịch hạch chết chóc đã lan từ Trung Quốc sang Hồng Kông, gây ra 50.000–100.000 ca tử vong.[26]
Năm 1898, theo các điều khoản của Hiệp định về Mở rộng chỉ giới Hồng Kông, Anh Quốc thu được quyền thuê đảo Lạn Đầu và các vùng đất lân cận ở phía bắc trong vòng 99 năm, các khu vực này được gọi chung với tên gọi "Tân Giới".[27] Từ đó, lãnh thổ Hồng Kông không thay đổi.[28][29]
Trong nửa đầu thế kỷ 20, Hồng Kông là một cảng tự do, có chức năng như một trung tâm xuất nhập khẩu (entrepôt) của Đế quốc Anh. Người Anh đã đưa đến Hồng Kông một hệ thống giáo dục dựa trên mô hình của họ, trong khi đó, những cư dân người Hán bản địa ít tiếp xúc với cộng đồng người Âu "đại ban" giàu sang định cư gần đỉnh Victoria.[27]
Nhật Bản xâm lược
Ngày 8 tháng 12 năm 1941, Đế quốc Nhật Bản đã xâm lược Hồng Kông như một phần của chiến dịch quân sự trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trận Hồng Kông kết thúc với việc các lực lượng bảo hộ Anh và Canada giao nộp quyền kiểm soát thuộc địa này cho Nhật Bản ngày 25 tháng 12. Trong thời kì Nhật Bản chiếm đóng Hồng Kông, người dân ở đây đã phải gánh chịu nạn thiếu lương thực do sự áp đặt khẩu phần gây ra và nạn siêu lạm phát do áp đặt tỉ giá của quân đội Nhật. Năm 1945, khi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tiếp tục kiểm soát thuộc địa này sau thất bại của Nhật Bản trong cuộc chiến, dân số Hồng Kông còn khoảng 600 nghìn so với 1,6 triệu người trước khi Nhật xâm chiếm[30].Thời kỳ Chiến tranh Lạnh
Dân số Hồng Kông phục hồi nhanh chóng sau chiến tranh, khi một làn sóng dân nhập cư từ đại lục đến để tị nạn khỏi cuộc Nội chiến Trung Quốc đang diễn ra. Với việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, nhiều người nhập cư tìm đến Hồng Kông vì sợ sự ngược đãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.[27] Nhiều công ty ở Thượng Hải và Quảng Châu cũng chuyển hoạt động đến Hồng Kông.[27] Thuộc địa này đã trở thành nơi liên lạc duy nhất giữa Trung Quốc và thế giới phương Tây khi chính quyền mới ở Trung Quốc tăng cường cô lập đất nước khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài. Thương mại với đại lục bị gián đoạn trong thời kì Chiến tranh Triều Tiên khi Liên Hiệp Quốc đã ra lệnh cấm vận thương mại đối với Trung Quốc.Ngành dệt và chế tạo đã phát triển với sự trợ giúp của sự tăng trưởng dân số và giá nhân công thấp. Khi Hồng Kông được công nghiệp hóa nhanh, nền kinh tế của Hồng Kông đã được thúc đẩy nhờ xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Mức sống tăng ổn định cùng với sự tăng trưởng công nghiệp.[31] Việc xây dựng thôn Thạch Giáp Vĩ năm 1953 đánh dấu sự bắt đầu của chương trình public housing estate (khu chung cư công cộng). Hồng Kông bị phá hoại bởi những hỗn loạn trong các cuộc bạo loạn năm 1967. Những người cánh tả thân cộng sản, lấy cảm hứng từ cuộc Cách mạng Văn hóa ở đại lục, đã biến một cuộc tranh chấp lao động thành một cuộc nổi dậy bạo động chống lại chính quyền thuộc địa kéo dài cho đến cuối năm.
Được thành lập năm 1974, Ủy ban Độc lập chống Tham nhũng đã làm giảm mạnh mẽ nạn tham nhũng của chính quyền. Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khởi xướng một công cuộc cải cách kinh tế năm 1978, Hồng Kông đã trở thành một nguồn đầu tư nước ngoài chủ yếu cho đại lục.[32] Một Đặc khu Kinh tế đã được thành lập năm sau ở Thâm Quyến, một thành phố nằm ở ngay phía Bắc của biên giới giữa đại lục và Hồng Kông. Nền kinh tế của Hồng Kông đã dần thay thế từ ngành dệt may và chế tạo bằng dịch vụ, khi các lĩnh vực tài chính và ngân hàng đã trở nên chiếm ưu thế ngày càng tăng. Sau cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, chính quyền Hồng Kông đã trải qua 25 năm xử lí vấn đề hồi hương người tị nạn Việt Nam.
Khi thời hạn cho thuê Tân Giới chuẩn bị kết thúc trong hai thập kỉ, chính phủ hai nước Trung Quốc và Anh Quốc đã thảo luận vấn đề chủ quyền Hồng Kông vào thập niên 1980. Năm 1983, Anh Quốc tái xác định Hồng Kông từ một thuộc địa vương lĩnh thành một lãnh thổ phụ thuộc, chính phủ Anh Quốc và Anh Quốc đã sẵn sàng thảo luận về vấn đề chủ quyền Hồng Kông do thời hạn thuê Tân Giới sắp hết. Năm 1984, hai nước đã kí Tuyên bố chung Trung-Anh, đồng ý chuyển chủ quyền Hồng Kông cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997.[27] Tuyên bố này quy định rằng Hồng Kông sẽ được quản lí như một đặc khu hành chính, được giữ lại các luật lệ của mình và một mức độ tự trị cao trong 50 năm sau khi chuyển giao. Do thiếu tin tưởng vào thỏa thuận này, nhiều cư dân của Hồng Kông đã chọn di cư khỏi Hồng Kông, đặc biệt sau Sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Luật Cơ bản của Hồng Kông, có vai trò như một văn bản hiến pháp sau cuộc bàn giao chủ quyền, đã được phê chuẩn năm 1990. Với sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh, Thống đốc Chris Patten đã đưa ra các cải cách về quá trình tự bầu cử vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.
Sau năm 1997
Việc chuyển giao chủ quyền Hồng Kông đã được thực hiện vào giữa đêm ngày 1 tháng 7 năm 1997, đánh dấu bằng lễ chuyển giao tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hồng Kông. Đổng Kiến Hoa đã nhậm chức Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông đầu tiên. Khoảng 10% người dân Hồng Kông đã di dân sang nước khác trước khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc vì không muốn sống dưới quyền cai trị của Cộng Sản.[33]Nền kinh tế của Hồng Kông đã chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Dịch cúm gia cầm do H5N1 gây ra cũng xuất hiện ở Hồng Kông vào năm đó. Việc thực hiện Airport Core Programme dẫn đến việc khai trương Sân bay Quốc tế Hồng Kông mới năm 1998, sau 6 năm xây dựng. Dự án này là một phần của Chiến lược Phát triển Cảng và Sân bay đầy tham vọng được dự thảo trong thập niên 1980.
Năm 2003, một nửa triệu người tham gia vào cuộc tuần hành biểu thị phản đối chính quyền của Đổng Kiến Hoa và đề xuất thi hành Điều 23 Luật Cơ bản, mà trước đó đã nêu lên các quan ngại về sự vi phạm các quyền và sự tự do. Đề xuất này sau đó bị chính quyền Hồng Kông huỷ bỏ. Năm 2005, Đổng Kiến Hoa đệ đơn từ chức Trưởng Đặc khu. Tăng Âm Quyền, Trưởng Ty Hành chính, đã được chọn làm Trưởng Đặc khu để hoàn thành nốt nhiệm kì của Đổng Kiến Hoa. Năm 2012, Lương Chấn Anh kế nhiệm chức Trưởng Đặc khu. Cuộc thăm dò hàng năm của Đại học Hồng Kông vào cuối tháng 12 năm 2012 cho thấy hơn 70% những người được hỏi ý kiến nói rằng họ tự nhận là người Hồng Kông chứ không phải là người Trung Quốc và người đứng đầu cuộc thăm dò đã bị ông Hách Thiết Xuyên, đặc sứ cao cấp của Trung Quốc, công khai đả kích. Báo chí trích lời ông Hách nói rằng Hồng Kông không phải là một thực thể chính trị độc lập.[34]
Địa lí
Tên gọi "Hồng Kông" (xuất phát từ "Hương Cảng", tiếng Quảng Đông đọc là Hướng Coỏng, có nghĩa là "cảng thơm", lấy từ khu vực ngày nay là Aberdeen nằm trên đảo Hồng Kông, nơi các sản phẩm từ gỗ hương và hương một thời được buôn bán[35]. Vùng nước hẹp tách đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long là bến cảng Victoria, một trong những hải cảng tự nhiên sâu nhất thế giới.
Dù Hồng Kông nổi tiếng là đô thị hóa cao, lãnh thổ này cũng đã có những nỗ lực tăng cường môi trường cây xanh[36]. Phần lớn lãnh thổ vẫn giữ không phát triển do các khu vực này phần lớn là đồi núi với các sườn dốc. Trong 1104 km² của lãnh thổ[37], chỉ ít hơn 25% là phát triển. Phần diện tích đất còn lại chủ yếu là không gian cây xanh với khoảng 40% đất được dành cho công viên thôn quê và các khu dự trữ thiên nhiên[38]. Phần lớn sự phát triển đô thị của lãnh thổ hiện hữu ở bán đảo Cửu Long, dọc theo các bờ biển phía Bắc của đảo Hồng Kông và ở khu định cư rải rác khắp Tân Giới.
Bờ biển dài và không thẳng của Hồng Kông đã tạo cho lãnh thổ này nhiều vịnh, sông và bãi biển. Dù lãnh thổ này có mật độ cây xây cao và nằm ven biển, ý thức môi trường vẫn tăng lên khi bầu không khí của Hồng Kông được xếp vào hàng một trong những nơi ô nhiễm nhất. Khoảng 80% khói của thành phố xuất phát từ các vùng khác của đồng bằng Châu Giang[39].
Hồng Kông cách Ma Cao 60 km về phía Đông, về phía đối diện của Đồng bằng châu thổ Châu Giang và giáp với thành phố đặc khu Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông về phía Bắc. Đỉnh cao nhất của lãnh thổ này là Đại Mạo Sơn, với độ cao 958 m trên mực nước biển. Các vùng đất thấp nằm ở phần Tây Bắc của Tân Giới.
Khí hậu
Lãnh thổ tọa lạc về phía Nam của hạ chí tuyến tương đương với vĩ độ của Hawaii. Về mùa Đông, các cơn gió mạnh và lạnh thổi từ phía Bắc làm thành phố trở nên lạnh; về mùa hè, hướng gió thay đổi mang theo không khí ẩm và ấm từ phía Tây Nam. Khí hậu lúc này phù hợp với rừng mưa nhiệt đới.
Chính trị và chính quyền
Các luật của Hồng Kông chỉ có hiệu lực khi được Trưởng Đặc khu Hành chính phê chuẩn và sự đồng thuận đa số của 60 đại biểu của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, hay LegCo. Bất chấp đặc điểm thường được được cho là không dân chủ của chính quyền Hồng Kông, một nửa số ghế của LegCo' được bầu cử thông qua phổ thông đầu phiếu với nửa kia được chọn thông qua công năng giới biệt (tiếng Anh: functional constituencies) bao gồm các nghiệp đoàn và các nhóm lợi ích đặc biệt. Luật Cơ bản đảm bảo rằng tất cả các ghế cuối cùng sẽ được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu.
Tăng Âm Quyền hiện đang giữ chức Trưởng Đặc khu sau khi ông được bầu cử ngày 16 tháng 6 năm 2005 bởi một hội đồng bầu cử được bổ nhiệm bởi Bắc Kinh[42]. Trước cuộc chuyển giao năm 1997, Tằng đã giữ chức Trưởng Ty Hành chính dưới thời người Anh quản lí. Ông đã nhậm chức ngày 24 tháng 6 và theo kế hoạch sẽ kết thúc phần còn lại của nhiệm kì cuối của Đổng Kiến Hoa kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm 2007 phù hợp với Phụ lục I và Điều 46 ban hành bởi Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Nhân dân Trung Hoa.
Việc Hội đồng Bầu cử 852 thành viên bầu chọn một Trưởng Đặc khu mới diễn ra vào ngày 10 tháng 7 năm 2005. Ngày 16 tháng 6 năm 2005, Tăng Âm Quyền được tuyên bố là người giành chiến thắng vì ông là ứng cử viên duy nhất đảm bảo nhận được 100 phiếu của Hội đồng Bầu cử. Đổng Kiến Hoa, Trưởng Đặc khu đầu tiên nhậm chức ngày 1 tháng 7 năm 1997 sau một cuộc bầu cử Bởi một Hội đồng Bầu cử 400 thành viên. Đối với nhiệm kì thứ hai kéo dài 5 năm bắt đầu từ tháng 6 năm 2002, Đổng là ứng cử viên duy nhất được giới thiệu do đó là người đắc cử.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã lập nên một Hội đồng Lập pháp Lâm thời (PLC) năm 1996 ngay trước ngày chuyển giao, khi Hội đồng này đã chuyển đến Hồng Kông và họp sau cuộc chuyển giao. Hội đồng này đã xem xét lại một số luật được Hội đồng Lập pháp thông qua bằng phổ thông đầu phiếu từ năm 1995. PLC đã thông qua một số luật mới như Sắc lệnh Trật tự công cộng,[43] yêu cầu sự cho phép của cảnh sát khi tổ chức một cuộc biểu tình có số người tham gia vượt quá 30 người. Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp được tổ chức vào ngày 24 tháng 5 năm 1998, ngày 10 tháng 9 năm 2000 và tiếp theo là ngày 12 tháng 9 năm 2004, với cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra vào năm 2008. Theo Luật Cơ bản, "hiến pháp-mini" của Hồng kông, nhiệm kì thứ ba hiện tại của Hội đồng Lập pháp có 25 ghế được bầu cử theo đơn vị bầu cử địa phương (geographical constituencies) và 30 ghế từ công năng giới biệt. Các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp năm 1998, 2000 và 2004 đã diễn ra tự do, mở và tranh luận rộng rãi dù có một số bất mãn của một số nhà chính trị chủ yếu là 'ủng hộ dân chủ', những người tranh luận rằng các cuộc bầu cử công năng giới biệt năm 1998 và 2000 là không dân chủ vì họ cho răng khu vực cử tri cho những ghế này là quá hẹp.
Ngành dân chính của Hồng Kông vẫn duy trì chất lượng và tính trung lập như truyền thống trong thời thuộc địa, hoạt động mà không có chỉ đạo rõ rệt từ Bắc Kinh. Nhiều hoạt động của chính quyền và hành chính thực hiện ở khu vực trung tâm của Đảo Hồng Kông gần địa điểm lịch sử của Thành phố Victoria, khu vực của những khu định cư Anh đầu tiên.
Hệ thống pháp luật và tư pháp
Về mặt cơ cấu, hệ thống tòa án Hồng Kông bao gồm Tòa chung thẩm và Ủy ban Tòa án Hội đồng Cơ mật, Tòa án Tối cao, được cấu thành từ Tòa Thượng thẩm, Tòa Sơ thẩm và Tòa án Quận, bao gồm Tòa án Gia đình. Các cơ quan xét xử khác bao gồm: Tòa án Đất đai, Tòa Trị an, Tòa Thanh thiếu niên, Tòa Khiếu nại Nhỏ, Tòa Những vụ chết bất thường, Tòa Lao động, Tòa Các điều khoản Khiêu dâm chịu trách nhiệm phân loại văn hóa phẩm khiêu dâm không phải video được lưu hành ở Hồng Kông. Thẩm phán của Tòa Chung thẩm được Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông bổ nhiệm. Luật Cơ bản Hồng Kông thì được hiểu theo cách giải thích của Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Quốc hội) và quyền hạn này đã từng được viện dẫn 3 lần: Vấn đề quyền cư trú tại Hồng Kông (right of abode issue), một sự diễn giải liên quan đến các thủ tục bầu cử sau năm 2008, và một lần giải thích liên quan đến độ dài nhiệm kỳ của Trưởng Đặc khu hành chính.
Như ở Anh, luật gia ở Hồng Kông được phân ra thành luật sư hoặc cố vấn pháp lý, và người ta có thể chọn hành nghề dưới danh nghĩa một trong hai chức danh này nhưng không được cả hai (nhưng có thể chuyển từ chức danh này sang chức danh kia). Phần lớn luật gia là cố vấn pháp lý và được cấp giấy phép hành nghề và được điều chỉnh bởi Hội Pháp luật Hồng Kông. Các luật sư, mặt khác được cấp giấy phép và được điều chỉnh bởi Hội Luật sư Hồng Kông. Chỉ có các luật sư mới được có mặt để bào chữa tại Tòa Chung tẩm và Tòa án Tối cao. Cũng giống như hệ thống thông luật được duy trì, như thông lệ các các phòng xử án Anh quốc, các thẩm phán và luật sư phải đội tóc giả và áo choàng trong quá trình xét xử.
Theo Điều 63 của Luật Cơ bản Hồng Kông, Cục Tư pháp kiểm soát việc truy tố hình sự và không chịu bất kỳ sự can thiệp nào. Đây là thể chế pháp lý lớn nhất Hồng Kông và có trách nhiệm liên quan đến pháp chế, quản lý xét xử, truy tố, đại diện dân sự, soạn thảo và cải cách pháp lý và nghề pháp lý. Ngoài việc khởi tố các vụ án hình sự tại Hồng Kông, các quan chức của Cục Tư pháp cũng có mặt tại tòa với tư cách đại diện cho chính quyền trong tất cả vụ kiện dân sự kiện chính quyền. Là một cơ quan bảo vệ quyền lợi công chúng, cơ quan này có thể áp dụng và ấn định đại diện pháp lý thay mặt cho quyền lợi công chúng để tham gia vào việc xét xử các vụ án liên quan đến lợi ích công chúng về vật chất.[44]
Các đơn vị hành chính
- Đảo Hương Cảng (Hong Kong Island)
-
- Quận Trung Tây (Central and Western) (15)
- Quận Đông (Eastern) (16)
- Quận Nam (Southern) (17)
- Loan Tử (Wan Chai) (18)
- Cửu Long Đông (Kowloon East)
-
- Hoàng Đại Tiên (Wong Tai Sin) (13)
- Quan Đường (Kwun Tong) (11)
-
- Cửu Long Thành (Kowloon City) (10)
- Thâm Thủy Bộ (Sham Shui Po) (12)
- Du Tiêm Vượng (Yau Tsim Mong) (14)
- Tân Giới Đông (New Territories East)
- Tân Giới Tây (New Territories West)
-
- Li Đảo (Islands) (1)
- Quỳ Thanh (Kwai Tsing) (2)
- Thuyền Loan (Tsuen Wan) (7)
- Đồn Môn (Tuen Mun) (8)
- Nguyên Lãng (Yuen Long) (9)
Kinh tế
Trong khi tiếp tục duy trì những luật lệ và thông lệ của chính quyền Anh trước đây, chính quyền Hồng Kông nhường quyền điều khiển thị trường cho các lực lượng thị trường và khu vực tư nhân. Kể từ năm 1980, nhìn chung, chính quyền đã đóng một vai trò thụ động theo chính sách không can thiệp tích cực. Hồng Kông thường xuyên được xem, đặc biệt bởi nhà kinh tế Milton Friedman, là một hình mẫu của chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh về mặt thực tiễn. Hồng Kông được xếp hạng nhất thế giới về tự do kinh tế trong 13 năm liên tục, kể từ khi có chỉ số này vào năm 1995. Thành phố này cũng nằm ở vị trí thứ nhất trong Báo cáo Tự do Kinh tế của Thế giới.[45][46]
Hồng Kông có ít đất bằng phẳng và ít tài nguyên thiên nhiên, do đó phải nhập khẩu hầu hết thực phẩm và nguyên liệu. Hồng Kông là vùng lãnh thổ thương mại lớn thứ 11 thế giới[47], với tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu vượt quá GDP của mình. Năm 2006, có 114 nước có lãnh sự quán ở Hồng Kông, hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới. Phần lớn xuất khẩu của Hồng Kông là tái xuất khẩu, là những sản phẩm sản xuất bên ngoài lãnh thổ Hồng Kông, đặc biệt ở Trung Hoa đại lục và được phân phối thông qua Hồng Kông. Thậm chí ngay cả trước khi chuyển giao chủ quyền cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồng Kông đã thiết lập các quan hệ thương mại và đầu tư sâu rộng với Trung Hoa đại lục. Vị thế tự trị của nó đã giúp Hồng Kông có thể phục vụ như một điểm cửa ngõ cho đầu tư và các nguồn lực chảy vào Trung Hoa đại lục. Hồng Kông cũng là một điểm nối cho các chuyến bay từ Trung Hoa Dân Quốc từ trên đảo Đài Loan vào đại lục.
Đơn vị tiền tệ của Hồng Kông là Dollar Hồng Kông. Kể từ năm 1983, đồng tiền này đã được neo chặt vào Dollar Mỹ. Đồng tiền này được phép trao đổi với một dải tỷ giá từ 7,75 và 7,85 dollar Hồng Kông ăn một dollar Mĩ. Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông lớn thứ 6 thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 1.710 tỷ USD. Năm 2006, giá trị các cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng thực hiện ở Hồng Kông xếp thứ 2 thế giới chỉ sau thị trường chứng khoán Luân Đôn[48].
Kinh tế Hồng Kông chủ yếu là dịch vụ. Tỉ trọng của khu vực này trong GDP của Hồng Kông lên đến 90%. Trong quá khứ, chế tạo là khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế do Hồng Kông đã tiến hành công nghiệp hóa sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Với xuất khẩu làm động lực, kinh tế Hồng Kông đã tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 8,9% trong thập niên 1970. Hồng Kông đã trải qua một quá trình chuyển dịch nhanh sang một nền kinh tế dịch vụ trong những năm 1980, khi tốc độ tăng trưởng đạt 7,7% bình quân mỗi năm. Phần lớn các hoạt động sản xuất được chuyển qua Trung Hoa đại lục trong thời kỳ này và công nghiệp hiện nay chỉ còn chiếm 9% nền kinh tế. Khi Hồng Kông đã lớn mạnh để trở thành một trung tâm tài chính, tăng trưởng chậm lại xuống còn 2,7% mỗi năm trong những năm 1990. Cùng với Singapore, Hàn Quốc, và Đài Loan, Hồng Kông được gọi là một trong Bốn con hổ châu Á do tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh chóng trong thời kỳ từ thập niên 1960 đến thập niên 1990.
Năm 1998, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nền kinh tế này đã sụt giảm 5,3%. Sau đó, nền kinh tế phục hồi với tốc độ tăng trưởng tới 10% năm 2000 dù giảm phát vẫn dai dẳng. Năm 2003, kinh tế Hong Kong đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch SARS, làm cho tốc độ tăng trưởng chỉ còn 2,3%. Sự hồi sinh của nhu cầu nội địa và bên ngoài đã dẫn đến một sự hồi sinh mạnh mẽ trong năm sau đó do sự chi phí giảm đã tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Hồng Kông. Giai đoạn giảm phát kéo dài 68 tháng đã chấm dứt vào giữa năm 2004 với chỉ số lạm phát theo giá hàng tiêu dùng xoay quanh mức zero[49]. Từ 2003, chương trình Du lịch cá nhân đã cho phép những du khách từ một số thành phố Trung Quốc đại lục thăm Hồng Kông mà không cần đi theo đoàn. Kết quả là, ngành du lịch Hồng Kông đã thu lợi từ sự gia tăng du khách đại lục, đặc biệt là sự mở cửa của Khu giải trí Hong Kong Disneyland năm 2005. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với sự tin tưởng trở lại của người tiêu dùng và sự gia tăng thương mại.
Hồng Kông đặt ra mức thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp thấp. Lo lắng trước việc thuế thu được quá ít và việc chi tiêu của chính quyền phụ thuộc quá nặng nề vào nguồn thuế từ các giao dịch bất động sản, chính quyền đã xem xét đưa ra một chính sách về Thuế dịch vụ và hàng hóa. Phản ứng ban đầu của người dân là hoàn toàn không hưởng ứng, vì họ lo rằng việc đánh thuế sẽ đặt gánh nặng quá mức lên người nghèo, và sẽ ảnh hưởng tới sự thu hút của Hồng Kông trong lĩnh vực du lịch. Vào tháng 1 năm 2007, chính quyền đã rút lại đề xuất này.
Năm 2006, GDP của Hồng Kông xếp thứ 40 thế giới với giá trị 253,1 tỷ USD. GDP bình quân đầu người xếp hạng 14 với mức 36.500 USD, cao hơn mức này của Canada, Nhật Bản, Thụy Sỹ, và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, và vẫn cao hơn nhiều mức của Trung Quốc[50].
Văn hóa
Hồng Kông có một cuộc sống về đêm náo nhiệt ở các quận giải trí — Lan Kwai Fong (Lan Quế Phường), Tsim Sha Tsui (Chiếm Sá Chủi), Wan Chai... Những nơi này thường được người địa phương, du khách nước ngoài viếng thăm. Vào một ngày trời quang, Đỉnh Victoria cho khách tham quan một tầm nhìn ngoạn mục về thành phố này. Thành phố này có một khu đi dạo dọc theo bến nước Tsim Sha Tsui, nơi các đôi uyên ương ưa thích. Các hoạt động mua sắm thường diễn ra về đêm với ví dụ cụ thể là ở Chợ đêm phố Temple nơi người ta cũng có thể xem Kinh kịch miễn phí.
Ẩm thực của thành phố cũng phong phú đa dạng. Ngoài ẩm thực phong phú đa dạng của các vùng miền Trung Quốc ra, đặc biệt là các món hải sản, Hồng Kông cũng có các nhà hàng Nhật Bản, châu Âu, Mĩ, Hàn Quốc và các nước khác. Các món ăn địa phương phục vụ ở các phòng trà và quầy bán đồ ăn cũng phổ biến. Dân Hồng Kông nghiêm túc trong việc ăn uống và nhiều đầu bếp từ khắp nơi đến đây để biểu diễn tài nghệ cho thực khách.
Trong khi Hồng Kông là một trung tâm thương mại toàn cầu, có lẽ sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng nhất của thành phố này là ngành giải trí, đặc biệt là thể loại võ thuật, nhiều minh tinh Hollywood xuất thân từ Hồng Kông như: Lý Tiểu Long, Châu Nhuận Phát, Thành Long, Dương Tử Quỳnh, và Lý Liên Kiệt. Những nhà làm phim Hồng Kông cũng làm nên sự nghiệp ở Hollywood như Ngô Vũ Sâm, Vương Gia Vệ, Từ Văn Quang và các biên đạo võ thuật đã thiết kế các cảnh giao chiến trong các phim Matrix trilogy, Kill Bill và Ngọa hổ tàng long. Nhiều phim sản xuất tại Hồng Kông cũng nhận được sự công nhận quốc tế như Trùng Khánh Sâm Lâm, Vô gian đạo, Đội bóng Thiếu Lâm, Hồng phiên khu và Tâm trạng khi yêu. Nhà làm phim nổi tiếng Quentin Tarantino từng cho rằng ông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi điện ảnh hành động Hồng Kông. Hồng Kông cũng là trung tâm chính của thế giới về thể loại nhạc cantopop.[51] Trong lúc lãnh thổ này là nơi có nhiều ngôi sao, văn hóa karaoke cũng là một phần hoạt động về đêm của Hồng Kông.
Chính quyền Hồng Kông cũng ủng hộ các cơ quan văn hóa như Bảo tàng Di sản Hồng Kông, Bảo tàng Nghệ thuật Hồng Kông, Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông và Giàn nhạc giao hưởng Hồng Kông. Ngoài ra, Cục dịch vụ Văn hóa và Giải trí của chính quyền cũng bao cấp và tài trợ cho việc đưa các diễn viên quốc tế đến biểu diễn tại Hồng Kông.
Tôn giáo
Tính ngưỡng tôn giáo của Hồng Kông có liên hệ với vai trò lúc ban sơ của khu vực này là một làng chài. Thiên Hậu (hay Mụ Tổ), thần bảo hộ những người đi biển, đã được tôn thờ với nhiều đền thờ khắp Hồng Kông trong 300 năm qua. Hồng Thánh, một vị thần bảo hộ những người đi biển khác, cũng được tôn thờ trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, các cư dân Hồng Kông, đặc biệt là những người thuộc thế hế hệ già tuổi hơn, thường viếng các đền chùa Đạo giáo và Phật giáo để cầu xin thần linh ban phước lành, sức khỏe hoặc cầu phát tài. Người ta dâng lễ trái cây hoặc thực phẩm và đốt nhang để cầu khấn.
Với việc chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc, đã có một số quan ngại đáng kể về quyền tự do tôn giáo ở Hồng Kông. Cho đến nay, nỗi lo ngại này đã tỏ ra không có căn cứ. Dù Bắc Kinh đã cấm giáo phái Pháp Luân Công năm 1999, những môn đồ của giáo phái này vẫn được tự do hành đạo môn phái này ở Hồng Kông. Tương tự, Giáo hội Công giáo được tự do bổ nhiệm các Giám mục, linh mục của mình ở Hồng Kông, không giống như ở Trung Hoa đại lục nơi thể chế "Công giáo" được công nhận là Hội Công giáo Yêu nước Trung Hoa - nơi mà các Giám mục và linh mục được Bắc Kinh bổ nhiệm (dù cũng có một bộ phận bất hợp pháp và không chính thức của Công giáo vẫn giữ liên lạc với Tòa Thánh Vatican). Một vấn đề lớn trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Tòa Thánh là việc Bắc Kinh cứ khăng khăng yêu cầu Vatican chấm dứt quan hệ với Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan).
Hồng Kông là nơi duy nhất ở Trung Quốc có những người truyền giáo từ Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (Nhà thờ Mormon) có thể tu hành. Nhà thờ này có một đền ở Hồng Kông được Gordon B. Hinckley hiến dâng vào ngày 26-27 tháng 5 năm 1996. Các thành viên của Nhà thờ xem Hinkley, chủ tịch của Nhà thờ này, là một giáo đồ của Chúa.
Kiến trúc
Một trong những tòa nhà nổi bật ở Hồng Kông là tòa tháp Trung Ngân (Bank of China Tower) do I. M. Pei thiết kế, tòa nhà hoàn thành năm 1990 và hiện là tòa nhà chọc trời cao thứ ba Hồng Kông. Tòa nhà này đã thu hút tranh cãi nãy lửa khi bắt đầu dự án vì các cạnh sắc nhọn của nó bị người ta cho là đẩy năng lượng phong thủy âm vào trung tâm Hồng Kông. Trước tòa nhà này, một cấu trúc nổi tiếng khác là Tòa nhà Trụ sở của HSBC, hoàn thành năm 1985. Nó được xây trên địa điểm của tòa nhà chọc trời đầu tiên của Hồng Kông được hoàn thành năm 1935 và đã trở thành chủ đề của một đấu tranh bảo tồn di sản khốc liệt cuối thập niên 1970. Cả hai tòa nhà của ngân hàng được in trên nhiều tờ giấy bạc Hồng Kông.
Tòa nhà cao nhất ở Hồng Kông là International Finance Centre 2. Một trong những dự án xây dựng lớn nhất ở Hồng Kông và của thế giới là Sân bay Quốc tế Hồng Kông mới ở Chek Lap Kok gần Lantau, một dự án lấn biển khổng lồ được kết nối với trung tâm Hồng Kông bằng Lantau Link nổi bật bằng ba cây cầu lớn mới là: Thanh Mã, cây cầu treo lớn thứ 6 thế giới; Cấp Thủy Môn, cây cầu dây văng (cable-stayed bridge) dài nhất thế giới dành cho cả giao thông đường bộ và đường sắt; và Đinh Cửu, cây cầu dây văng bốn nhịp đầu tiên của thế giới.
Đặc biệt đáng chú ý về cảnh chân trời và phố xá Hồng Kông là sự có mặt khắp nơi của các bất động sản nhà ở công, bắt đầu như là một chương trình tái định cư cho những người chiếm đất thập niên 1950 và ngày nay đã cung cấp nhà ở cho gần một nửa dân số. Các khu bất động sản này đã được nâng cấp từ các khu căn hộ không có thang máy 7 tầng với nhà vệ sinh công cộng và các tiện nghi tối thiểu, phân phối 24 m2 cho mỗi người lớn, nếu cho trẻ con thì được 12 m2/người thành các tòa nhà cao tầng chất lượng cao. Chương trình cho thuê công cộng này đã được bổ sung vào Kế hoạch Sở hữu Nhà do chính phủ trợ cấp.
Giao thông
Địa hình Hồng Kông chủ yếu là đồi và dốc và một số phương pháp giao thông không thông thường đã được sáng chế để dễ dàng di chuyển lên xuống trên các sườn dốc. Ví dụ, tàu điện Peak Tram nối giữa khu Trung tâm và Đỉnh Victoria từ năm 1888 bằng cách men theo sườn núi. Ở Trung Tây khu, có một hệ thống thang cuốn lớn và các vỉa hè di động, bao gồm hệ thống thang cuốn có mái che ngoài trời dài nhất thế giới, đó là Thang cuốn Mid-levels.
Hồng Kông có nhiều phương thức vận tải đường sắt công cộng. Hai hệ thống tàu điện ngầm cho thành phố là MTR (Mass Transit Railway) và KCR có chức năng kết nối giữa Hồng Kông và Trung Hoa đại lục (KCR cũng vận hành một hệ thống đường sắt nhẹ ở Tây Bắc Tân Giới). Hệ thống MTR do công ty MTR Corporation Limited vận hành còn Kowloon-Canton Railway Corporation thì vận hành KCR. Hệ thống xe điện hoạt động ở các khu vực phía Bắc Hồng Kông và là hệ thống xe điện duy nhất trên thế giới chỉ chạy loại xe buýt hai tầng.
Năm công ty riêng rẽ (KMB, Citybus, NWFB, Long Win và NLB) cung cấp dịch vụ xe buýt công cộng nhượng quyền ở Hồng Kông. Xe buýt hai tầng được du nhập vào Hồng Kông năm 1949. Hiện loại xe hai tầng này được sử dụng riêng biệt ở Hồng Kông, Singapore, Dublin và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Tuy nhiên, xe buýt hai tầng vẫn được sử dụng cho các tuyến có nhu cầu thấp hoặc các tuyến đường có năng lực vận tải thấp. Xe buýt một tầng được sử dụng chủ yếu ở Đảo Lạn Đầu và phục vụ đêm. Phần lớn các tuyến xe buýt nhượng quyền bình thường ở Hồng Kông hoạt động đến tận 1h đêm. Xe buýt nhẹ công cộng chạy suốt chiều dài và chiều rộng của Hồng Kông, qua những khu vực nơi các tuyến xe buýt tiêu chuẩn không thể đến hoặc không thể chạy thường xuyên, nhanh chóng hoặc trực tiếp. Xe taxi cũng được sử dụng rộng rãi khắp Hồng Kông. 99% xe taxi của Hồng Kông chạy bằng khí hỏa lỏng, phần còn lại chạy bằng dầu diesel.
Phần lớn dịch vụ vận tải bằng phà do các công ty vận tải phà có giấy phép, phục vụ các đảo ngoài khơi, các khu phố mới trong Bến cảng Victoria, Macau và các thành phố ở Trung Hoa đại lục. Loại phà xưa nhất, Star Ferry huyền thoại hoạt động trong bốn tuyến giữa bán đảo Cửu Long và Đảo Hồng Kông và đã cung cấp dịch vụ vận chuyển có hiệu quả về chi phí trong suốt một thế kỷ. Star Ferry phổ thông đối với những du khách ưu thích ngắm nhìn toàn cảnh bến cảng và đường chân trời, nhiều người dân Hồng Kông xem Star Ferry à một trong những biểu tượng văn hóa nổi bật nhất của thành phố. Ngoài ra, các phà 78 "kai-to" được cấp phép phục vụ cho các khu định cư ven biển xa xôi.
Hồng Kông có một sân bay quốc tế còn hoạt động có tên gọi Sân bay Quốc tế Hồng Kông tọa lạc tại đảo Xích Liệp Giác. Năm 1998, sân bay này đã thay thế sân bay quốc tế trước đây của Hồng Kông là Sân bay Khải Đức nằm ở Cửu Long, một sân bay đã được đóng cửa vào thời điểm thay thế. Sau một thời gian chậm trễ trong các hệ thống vận chuyển hàng hóa trong những tháng đầu, sân bay này hiện đang đóng vai trò là trung tâm vận chuyển cho khu vực Đông Nam Á và là trung tâm hoạt động chính của các hãng hàng không Cathay Pacific Airways, Dragonair, Air Hong Kong, Oasis Hong Kong Airlines, Hong Kong Airlines và Hong Kong Express. Ngoài ra, Skytrax đã bầu chọn Sân bay quốc tế Hồng Kông là sân bay tốt nhất thế giới và hãng hàng không Cathay Pacific Airways đã được bầu chọn là hãng hàng không tốt nhất thế giới từ năm 2001 đến năm 2005. Sân bay Quốc tế Hồng Kông đã phục vụ hơn 36 triệu hành khách trong năm 2004 và 40 triệu khách trong năm 2005.
Các phương tiện đi vào sân bay có 'Airport Express', 'CityFlyers' và 'Airbuses'. Các dịch vụ vận tải này kết nối sân bay với phần còn lại của Hồng Kông. Thời gian khách đi bằng Airport Express đến Trung tâm thành phố ở Đảo Hồng Kông chỉ mất 23 phút. Việc mở cửa gần đây của Nhà ga Sunny Bay của MTR cho phép người ta đến Khu Giải trí Disneyland Hồng Kông dễ dàng hơn.
Trong khi lưu thông ở Trung Hoa đại lục lái xe bên phải, Hồng Kông vẫn duy trì luật lệ giao thông riêng của mình với việc lưu thông lái xe bên trái. Có khoảng 517.000 xe cơ giới được đăng ký ở Hồng Kông, 64% số đó là xe hơi tư nhân. Là một đô thị xa hoa ở châu Á, Hồng Kông nổi tiếng thế giới là nơi có số lượng xe hơi Rolls-Royce đầu người cao nhất thế giới.[52]
Lưu ý rằng mã đường quốc lộ Hồng Kông sử dụng một hệ thống báo hiệu như Anh quốc trong khi hệ thống báo hiệu của Trung Quốc thì khác hẳn.
Giao thông Hồng Kông có điểm đặc biệt là đi bên trái như ở Anh Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,... mà không đi bên phải như tất cả các tỉnh, thành phố khác ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cơ cấu dân số
Phần còn lại 5% dân số bao gồm các dân tộc không phải là người Hoa là một nhóm dân cư có thể thấy rất rõ dù số lượng nhỏ. Một cộng đồng Người Nam Á bao gồm người Ấn Độ, Nepal. Dân tị nạn người Việt đã trở thành các cư dân thường trú của Hồng Kông. Khoảng 140.000 Người Philippines làm việc ở Hồng Kông với những công việc như những người giúp việc nhà. Một số công nhân cũng đến từ Indonesia. Có một số người châu Âu, người Mỹ, người Úc, người Canada, người Nhật, và người Hàn Quốc làm việc trong các lĩnh vực tài chính và thương mại.
Nếu được xem là một xứ phụ thuộc, Hồng Kông là một trong quốc gia/lãnh thổ phụ thuộc có mật độ dân dày đặc nhất, với mật độ chung hơn 6200 người trên km². Hồng Kông có tỷ lệ sinh 0,95 trẻ trên một người phụ nữ,[55] một trong những nơi thấp nhất thế giới và thấp xa so với tỷ lệ 2,1 trẻ em trên một phụ nữ cần để duy trì mức dân số hiện hữu. Tuy nhiên, dân số của Hồng Kông tiếp tục tăng do làn sóng dân di cư từ Trung Hoa Đại Lục khoảng 45.000 người mỗi năm. Tuổi thọ trung bình của dân Hồng Kông là 81,6 năm năm 2006, cao thứ 5 thế giới.
Dân số Hồng Kông tập trung cao độ vào một khu vực trung tâm bao gồm Cửu Long và phía Bắc đảo Hồng Kông. Phần còn lại, dân cư thưa thớt với hàng triệu dân rải rác không đều khắp Tân Giới, phía Nam Đảo Hồng Kông và đảo Đại Nhĩ Sơn. Một số lượng đang tăng công dân đang sống ở Thâm Quyến và đi lại bằng xe hàng ngày từ Trung Hoa đại lục.
Giáo dục
Quân đội
Chính quyền Nhân dân Trung ương Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tiếp quản chủ quyền đối với Hồng Kông vào ngày 1 tháng 7 năm 1997 và đã đóng một đội quân đồn trú Quân Giải phóng Nhân dân để quản lý các công việc quốc phòng của Hồng Kông. Dù đội quân đồn trú này có giá trị quân sự trên thực tế ít, việc đóng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hồng Kông là một biểu tượng của việc nắm giữ chủ quyền của chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Hồng Kông.
Theo Luật Cơ bản của Hồng Kông, các lực lượng quân sự đóng ở Hồng Kông sẽ không được can thiệp vào các công việc dân sự của địa phương; Chính quyền Hồng Kông sẽ phải chịu trách nhiệm duy trì trật tự công cộng. Quân đồn trú tại Hồng Kông, bao gồm các binh chủng lục quân, hải quân, và không quân, dưới sự chỉ huy của Hội đồng Quân sự Trung ương Trung Quốc. Sau đó, quân đồn trú đã mở cửa các doanh trại trên Đảo Stonecutters và Stanley cho công chúng để tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa quân đội và dân chúng.
Dưới thời cai trị của Anh, dân Hồng Kông đã được phép gia nhập Quân đội Hải ngoại Anh ở Hồng Kông. Tuy nhiên, dưới thời chủ quyền Trung Quốc, họ lại không được phép gia nhập vào Bộ đội đồn trú Hồng Kông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.[cần dẫn nguồn]
Xếp hạng quốc tế
Ngày | Tiêu chí | Tổ chức đăng cai | Xếp hạng | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
2001–05 | Các sân bay tốt nhất thế giới | Skytrax | 1/155 quốc gia | Xếp hạng nhất trên 155 nước |
2002–04 | Xếp hạng các cảng container trên thế giới | Xêp hạng cảng thế giới AAPA | 2/10 cảng | Xếp hạng nhì trên 50 cảng lớn nhất thế giới |
2002 | Xếp hạng IQ | Đại học Ulster | 1/185 quốc gia | Xếp hạng nhất trên 185 quốc gia |
2005 | Chỉ số Sự sẵn sàng hệ thống (NRI) | Diễn đàn Kinh tế Thế giới | 11/115 quốc gia | Xếp hạng 11 trên 115 quốc gia |
2005 | Chỉ số chất lượng sống toàn thế giới | The Economist | 18/111 quốc gia | Xếp hạng 18 trên 111 nước |
2006 | Nghiên cứu thứ 6 hàng năm chính phủ điện tử (Đại học Brown) | Chính phủ điện tử toàn cầu | 20/198 nước | Xếp hạng 20 trên 198 nước |
2006 | Chỉ số tự do báo chí hàng năm toàn thế giới năm 2006 | Phóng viên không biên giới | 59/168 quốc gia | Xếp hạng 59 trên 168 quốc gia |
2006 | số nhận thức tham nhũng | Transparency International | 15/163 quốc gia | Xếp hạng 15 trên 163 nước |
2006 | Niên giám tính cạnh tranh thế giới 2006 | IMD International | 2/61 nền kinh tế | Xếp hạng nhì trên 61 nền kinh tế (quốc gia và vùng lãnh thổ) |
2006 | World City's Skyline/Skyscrapers | Emporis Data Committee (EDC) | 1/100 thành phố lớn | Xếp hạng nhất trên tất cả các thành phố lớn của thế giới. This listing ranks cities by the visual impact of their skylines. |
2006 | Báo cáo tính cạnh tranh toàn cầu - Xếp hạng chỉ số tính cạnh tranh phát triển | World Economic Forum | 11/125 quốc gia | Xếp hạng 11 trên 125 nước |
2006 | Chỉ số tính cạnh tranh kinh doanh - BCI | World Economic Forum | 10/121 quốc gia | Xếp hạng 10 trên 121 nước |
2006 | Chỉ số phát triển con người - HDI | United Nations | 22/177 quốc gia | Xếp hạng 22 trên 177 nước |
2006 | Access Index (p.19) | FedEx: The Power of Access - 2006 Access Index | 1/75 quốc gia | Xếp hạng nhất trên 75 nước |
2006 | Tính cạnh tranh tiềm tàng | Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) | 1/50 quốc gia | Xếp hạng nhất trên 50 quốc gia |
2007 | Các sân bay tốt nhất thế giới | Skytrax | 1/170 sân bay | Xếp hạng nhất trong số 170 sân bay |
2007 | Chỉ số tính cạnh tranh du lịch | Diễn đàn Kinh tế Thế giới | 6/124 quốc gia | Xếp hạng 6 trên 124 quốc gia |
2007 | Chỉ số tự do kinh tế | Heritage Foundation/The Wall Street Journal: 2006 | 1/157 quốc gia | Xếp hạng nhất trên 157 quốc gia trong 13 năm ở dãy. |
2007 | Thành phố đắt đỏ nhất thế giới | ECA International:[3] | 1/92 quốc gia | Xếp hạng nhất trên 92 địa điểm. |
Hình ảnh
-
Hát tuồng Quảng Đông (Việt kịch)
Tham khảo
(tiếng Anh)- A History of Hong Kong (Third Edition). Frank Welsh. HarperCollins. 1 tháng 10 1998. 624 pages. ISBN 1-56836-002-9.
- Mathematical Modelling of Hong Kong Political and Economical Development. Derek Lam. Guangzhou Academic Press. 18 tháng 2 1986. 23 pages.
- Hong Kong's History: State and Society Under Colonial Rule (Asia's Transformations). Tak-Wing Ngo. Routledge. 1 tháng 8 1999. 205 pages. ISBN 0-415-20868-8.
- The Cinema of Hong Kong: History, Arts, Identity. Poshek Fu, David Deser. Cambridge University Press. 25 tháng 3 2002. 346 pages. ISBN 0-521-77602-3.
- A Modern History of Hong Kong. Steve Tsang. I.B. Tauris. 14 tháng 5 2004. 356 pages. ISBN 1-86064-184-9.
- An Outline History of Hong Kong. Liu Shuyong. 291 pages. ISBN 7-119-01946-5.
- Forts and Pirates - A History of Hong Kong. Hong Kong History Society. Hyperion Books. tháng 12 năm 1990. ISBN 962-7489-01-8.
- List of Graded Historical Buildings in Hong Kong - 6 tháng 1 năm 2007 from the Antiquities and Monuments Office
- List of Declared Monuments in Hong Kong - 3 tháng 3 năm 2006 from the Antiquities and Monuments Office
Chú thích
- ^ http://www.gov.hk/tc/about/abouthk/
- ^ [1]. The World Factbook, CIA. Truy cập 16 tháng 10, 2009.
- ^ a ă [2]. Quỹ tiền tệ quốc tế. Truy cập ngày 9 tháng 10, 2008.
- ^ “The Trial Excavation at the Archaeological Site of Wong Tei Tung, Sham Chung, Hong Kong SAR”. Hong Kong Archaeological Society. Tháng 1 năm 2006. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2010.
- ^ “港現舊石器制造場 嶺南或為我發源地”. Nhân dân Nhật báo (bằng tiếng Trung). 17 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2010.
- ^ Tang, Chung (2005). “考古與香港尋根”. New Asia Monthly (bằng tiếng Trung) (New Asia College) 32 (6): 6–8. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2010.
- ^ 李辉 (2002). “百越遗传结构的一元二分迹象”. 广西民族研究 (bằng tiếng Trung) 70 (4): 26–31. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2010.
- ^ “2005 Field Archaeology on Sham Chung Site”. Hong Kong Archaeological Society. Tháng 1 năm 2006. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2010.
- ^ “Declared Monuments in Hong Kong – New Territories”. Leisure and Cultural Services Department, Hong Kong Government. 13 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2010.
- ^ “Characteristic Culture”. Invest Nanhai. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2010.[liên kết hỏng]
- ^ Ban Cố. “Địa lý chí”. Hán thư (bằng tiếng Trung). quyển 28. Truy cập 26 tháng 8 năm 2010.
- ^ Peng, Quanmin (2001). “从考古材料看汉代深港社会”. Relics From South (bằng tiếng Trung). Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2010.
- ^ Keat, Gin Ooi (2004). Southeast Asia: A Historical Encyclopedia. ABC-CLIO. tr. 932. ISBN 1-57607-770-5. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011.
- ^ “Archaeological Background”. Hong Kong Yearbook (Hong Kong Government) 21. 2005. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2010.
- ^ Siu Kwok-kin. “唐代及五代時期屯門在軍事及中外交通上的重要性”. From Sui to Ming (bằng tiếng Trung) (Education Bureau, Hong Kong Government): 40–45. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2010.
- ^ Sweeting, Anthony (1990). Education in Hong Kong, Pre-1841 to 1941: Fact and Opinion. Hong Kong University Press. tr. 93. ISBN 962-209-258-6.
- ^ a ă Barber, Nicola (2004). Hong Kong. Gareth Stevens. tr. 48. ISBN 978-0-8368-5198-4.
- ^ Porter, Jonathan (1996). Macau, the Imaginary City: Culture and Society, 1557 to the Present. Westview Press. tr. 63. ISBN 978-0-8133-2836-2.
- ^ Edmonds, Richard L. (2002). China and Europe Since 1978: A European Perspective. Cambridge University Press. tr. 1. ISBN 978-0-521-52403-2.
- ^ Hayes, James (1974). “The Hong Kong Region: Its Place in Traditional Chinese Historiography and Principal Events Since the Establishment of Hsin-an County in 1573”. Journal of the Royal Asiatic Society Hong Kong Branch 14: 108–135. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2010.[liên kết hỏng]
- ^ “Hong Kong Museum of History: "The Hong Kong Story" Exhibition Materials”. Hong Kong Museum of History. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2010.
- ^ a ă Discovery Channel guide. Insight Guide Hong Kong. American Psychological Association Publications. 2005 [1980]. tr. 18. ISBN 981-258-246-0.
- ^ Courtauld, Caroline; Holdsworth, May; Vickers, Simon (1997). The Hong Kong Story. Oxford University Press. tr. 38–58. ISBN 978-0-19-590353-9.
- ^ Hoe, Susanna; Roebuck, Derek (1999). The Taking of Hong Kong: Charles and Clara Elliot in China Waters. Routledge. tr. 203. ISBN 978-0-7007-1145-1.
- ^ Linda Pomerantz-Zhang (1992). "Wu Tingfang (1842–1922): reform and modernization in modern Chinese history". Hong Kong University Press. p.8. ISBN 962-209-287-X
- ^ Byrne, Joseph Patrick (2008). Encyclopedia of Pestilence, Pandemics, and Plagues: A-M. ABC-CLIO. tr. 499. ISBN 0-313-34102-8.
- ^ a ă â b c Wiltshire, Trea (1997). Old Hong Kong. Volume II: 1901–1945 (ấn bản 5). FormAsia Books. tr. 148. ISBN 962-7283-13-4.
- ^ “History of Hong Kong”. Global Times. 6 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2010.[liên kết hỏng]
- ^ Scott, Ian (1989). Political change and the crisis of legitimacy in Hong Kong. University of Hawaii Press. tr. 6. ISBN 978-0-8248-1269-0.
- ^ Hàng ngàn người tuần hành phản đối Nhật Bản ở Hồng Kông, bài do Keith Bradsher viết trên Thời báo New York. Xem ngày 4 tháng 11 năm 2006 NY Times.
- ^ Moore, Lynden (1985). The growth and structure of international trade since the Second World War. Cambridge University Press. tr. 48. ISBN 978-0-521-46979-1. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011.
- ^ Wei, Shang-Jin (January năm 2000). “Why Does China Attract So Little Foreign Direct Investment?” (PDF). National Bureau of Economic Research. tr. 6–8. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2009.
- ^ Biểu tình ở Hồng Kông chống việc dạy chủ thuyết Cộng sản
- ^ Nhiều phụ nữ Hoa lục tới Hồng Kông để sinh con
- ^ Visit Hong Kong: Volume 1, Spring, 2004 (p.14), University of Hong Kong English Centre. Truy cập ngày 24 tháng 2, 2007
- ^ "Chief Executive pledges a clean, green, world-class city", Hong Kong Trader, tháng 11 năm 2001. Truy cập ngày 27 tháng 5, 2006
- ^ “Geography and Climate, Hong Kong” (bằng tiếng Anh). Census and Statistics Department, The Government of Hong Kong SAR. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2007.
- ^ "Hong Kong Hiking Tours", The Hong Kong Tourism Board's Hiking page. Truy cập ngày 18 tháng 6, 2006.
- ^ New York Times. "NYtimes." Dirty Air Becomes Divisive Issue in Hong Kong Vote. Truy cập ngày 11 tháng 5, 2006
- ^ "Extreme Values and Dates of Occurrence of Extremes of Meteorological Elements between 1884-1939 and 1947-2006 for Hong Kong", Hong Kong Observatory. Truy cập ngày 2 tháng 2, 2006.
- ^ a ă "Monthly Meteorological Normals for Hong Kong", Hong Kong Observatory. Truy cập ngày 2 tháng 2, 2006.
- ^ "Tăng Âm Quyền được bầu làm Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông", BBC News, 15 tháng 6, 2005. Truy cập ngày 14 tháng 5, 2006.
- ^ Hong Kong Public Order Ordinance, World Corporal Punishment Research, tháng 2, 2000. Truy cập 14 May 2006.
- ^ “Department of Justice”. Department of Justice of HKSAR. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2007.
- ^ “2007 Index of Economic Freedom”. Heritage Foundation.
- ^ “Summary Economic Freedom Rating 2004 (Economic Freedom of the World - Annual report 2006 on page 13 or 9 of 23)” (bằng tiếng Anh). The Fraser Institute, Canada. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2007.
- ^ "About Hong Kong", Government Information Centre
- ^ Hong Kong surpasses New York in IPOs, International Herald Tribune, 2006-12-25. Truy cập 2007-1-20.
- ^ 2005-06 Budget Speech by the Financial Secretary of Hong Kong, 2005-03-16.
- ^ "Rank Order - GDP - per capita (PPP)", The World Factbook, United States Central Intelligence Agency, cập nhật lần cuối 2007-02-08. Thông tin lấy ngày 2007-02-24.
- ^ China Briefing Media. [2004] (2004) Business Guide to the Greater Pearl River Delta. China Briefing Media Ltd. ISBN 988-98673-1-1
- ^ World-famous producer of luxury cars launches first Hong Kong showroom, InvestHK, 2003-7-30. Truy cập 2007-1-20.
- ^ "Hong Kong Statistics - Population and Vital Events", Census and Statistics Department. Truy cập 2007-02-02
- ^ UCL.AC.UK. "UCL.AC." ICE Hong Kong. Truy cập 2007-06-05.
- ^ "Hong Kong Total fertility rate", Index Mundi. Truy cập 2006-05-27
- ^ Education for Non-Chinese Speaking Children, Education and Manpower Bureau, Government of HKSAR.
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và tài liệu về Hồng Kông |
- Trung tâm Thông tin về Chính phủ ĐKHC Hồng Kông – website chính của Chính phủ Hồng Kông
- Các Hội đồng khu Hồng Kông
- Hội đồng Lập pháp Hồng Kông
- Metro – báo The Metro của Hồng Kông
- South China Morning Post – tờ báo Anh ngữ dẫn đầu ở Hồng Kông
- The Standard – tờ báo dẫn đầu về buôn bán ở Hồng Kông
- Đài Radio và TV Hồng Kông – đài công cộng của Hồng Kông
- Hồng Kông - Hình ảnh
|
|
|
|
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
No comments:
Post a Comment