Friday, April 11, 2014

Chào ngày mới 11 tháng 4

Tập tin:Sui Yangdi Tang.jpg
CNM365 Chào ngày mới 10 tháng 4  Wikipedia Ngày này năm xưa. Năm 618Vũ Văn Hóa Cập lãnh đạo binh sĩ Kiêu Quả quân tiến hành binh biến, sát hại Tùy Dạng Đế (hình) tại Giang Đô. Năm 1898Hiệp định Paris giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ có hiệu lực, Hoa Kỳ giành lấy quyền kiểm soát Cuba, Puerto Rico, một phần Tây Ấn, Guam, Philippines. Năm 1908 – Tàu tuần dương SMS Blücher được hạ thủy, là tàu tuần dương bọc thép cuối cùng do Hải quân Đế quốc Đức chế tạo. Năm 1980Công ước Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký kết tại Wien, Áo.

Tùy Dạng Đế

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tùy Dượng Đế
Hoàng đế Trung Hoa (chi tiết...)
Sui Yangdi Tang.jpg
Tranh vẽ Tùy Dượng Đế của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời Đường
Vua nhà Tùy
Trị vì 21 tháng 8, 60411 tháng 4, 618
Tiền nhiệm Tùy Văn Đế
Kế nhiệm Tùy Cung Đế
Thông tin chung
Thê thiếp Xem văn ban
Tên húy Dương Quảng ((楊
Tước hiệu Tấn Vương
Hoàng đế nhà Tùy
Niên hiệu Đại Nghiệp (大業): 605617
Thụy hiệu Dượng Đế (煬帝)
Miếu hiệu Thế Tổ (世祖)
Triều đại Nhà Tùy
Thân phụ Tùy Văn Đế
Thân mẫu Văn Hiến Độc Cô hoàng hậu
Sinh 569
Mất 11 tháng 4, 618
Tùy Dượng Đế (chữ Hán: 隋炀帝, 569 - 11 tháng 4 năm 618 (11 tháng 3 năm Mậu Dần)), tên thật là Dương Quảng (楊廣 hay 杨廣) hay Dương Anh (楊英 hay 杨英), tiểu tự là A Ma (阿𡡉) là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 604 đến 617. Xuất thân là hoàng tử thứ hai của Văn Đế nhà Tùy, Dương Quảng ngay từ nhỏ đã được phong nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình cùng tước hiệu Tấn vương. Năm 589, khi mới 21 tuổi, Dương Quảng thống suất đại quân nhà Tùy tiêu diệt nước Trần ở phía nam, góp phần to lớn vào công cuộc thống nhất Trung Quốc. Ông cũng là người thông minh, văn võ kiêm toàn, trong thời gian làm Tấn vương còn làm được nhiều công trạng, được xưng tụng là hiền tài. Năm 600, ông được Tùy Văn Đế sách lập làm thái tử thay cho người anh là Dương Dũng vừa bị phế, và sang năm 602 khi Tùy Văn Đế lâm bệnh phải nghỉ dưỡng ở cung Nhân Thọ, Dương Quảng nắm hết đại quyền trong tay. Năm 604, ông sát hại cha và anh, đăng cơ xưng đế, đổi niên hiệu là Đại Nghiệp. Trong những đầu trị vì, Tùy Dượng Đế mở mang khoa cử, đẩy mạnh lưu thông đường thủy bằng kênh Vận Hà, xây dựng lại Đông Đô, mở rộng Trường Thành, lập được nhiều thành tích lớn. Tuy nhiên ông hoang dâm hiếu sắc và tàn bạo, tin lời gian thần, bỏ bê trung lương, lại tăng thuế dân chúng phục vụ cho sự xa hoa lãng phí trong cung, bóc lột sức dân xây thành đắp sông, lại nhiều lần tiến công Lâm Ấp, Cao Câu Ly ... khiến quân tướng tổn hao và lòng dân oán hận ... cuối cùng khiến Tùy triều rơi vào con đường suy sụp. Cuối thời Dượng Đế, quần hùng nổi dậy khởi nghĩa kháng Tùy, triều Tùy dần đi đến chỗ bại vong. Tùy Dượng Đế rời khỏi Trường An, tuần du về phía nam năm 616 và ở đấy trong suốt hai năm. Năm 618, ông bị Hứa quốc công Vũ Văn Hóa Cập sát hại ở Giang Đô[1]. Không bao lâu sau đó, triều Tùy chính thức diệt vong.

Thời trẻ

Dương Quảng là con trai thứ hai của Tùy Văn Đế Dương Kiên với hoàng hậu Độc Cô Già La, con gái tướng quân Độc Cô Tín thời Bắc Chu[2], chào đời vào năm 569, khi Tùy Văn Đế còn là đại thần dưới triều Bắc Chu. Lúc mới sinh ra, ông được đặt tên là Dương Anh. Ông được miêu tả là người có dung mạo đẹp đẽ, thông minh xuất chúng, do đó rất được Văn Đế yêu quý. Cuối thời Bắc Chu, Dương Kiên lập ngày càng nắm nhiều quyền lực trong triều, nắm giữ tước vị Tùy công rồi Tùy vương. Dương Anh tuy còn nhỏ tuổi, chưa lập được thành tích gì nhưng cũng nhờ vào uy thế của cha mà được trọng vọng, được phong tước vị Nhạn Môn quận công[3].
Năm 581, Dương Kiên cướp ngôi nhà Bắc Chu, lập ra nhà Tùy[4][5]. Dương Anh khi đó mới 13 tuổi, được phong làm Tấn vương, Trụ quốc, Tổng quản Tĩnh Châu[6]. Không lâu sau, ông được thăng làm Vũ Vệ Đại tướng quân, Thượng trụ quốc, Hà Bắc Đạo Hành Đại Thượng thư lệnh, Văn Đế lại ra lệnh cho Hạng Thành quận công Vương Thiều[7] và An Đạo công Lý Triệt làm phụ đạo. Cũng trong năm này, Tùy Văn Đế đổi tên của Dương Anh thành Dương Quảng.
Dương Quảng thông minh hiếu học, được Văn Đế ưu ái và nhiều đại thần coi trọng. Văn Đế có lần bí mật sai Lai Hòa xem tướng các con trai của mình, Lai Hòa nói rằng trên người Dương Quảng có song long cốt, số về sau sẽ phú quý đến không thể nói hết. Trước mặt cha mẹ, Dương Quảng tỏ ra tiết kiệm và cung kính, được nhiều người xưng tụng là có hiếu đạo.
Năm 582, do sự sắp đặt của cha, Dương Quảng thành hôn với Tiêu thị, con gái của Tây Lương Minh Đế, vốn lớn hơn ông ba tuổi phong Tiêu thị làm Tấn vương phi[8]
Năm 586, Tùy Văn Đế đổi phong Dương Quảng làm Thành Đài Thượng thư lệnh, sau đó bái làm Ung châu mục, Nội sử lệnh. Năm đó Dương Quảng mới 19 tuổi.

Thời Tùy Văn Đế

Liên tục lập công

Năm 588, Tùy Văn Đế phái Dương Quảng đến Thọ Xuân[9] và giao cho cai trị vùng đất này. Mùa đông năm 588, Tùy Văn Đế quyết định suất binh diệt Nam Trần để thống nhất Trung Quốc sau hơn 250 năm chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Dương Quảng năm đó 21 tuổi, được Văn Đế phong làm Hành Quân Nguyên soái, cùng Dương Tuấn, Dương Tố, Hạ Nhược Bật ... thống lĩnh 11 vạn quân vượt Trường Giang đánh Trần. Mùa hạ năm 589, Dương Quảng tiến vào thành Kiến Khang, bắt sống được vua Trần là Trần Thúc Bảo, tiêt diệt nước Trần và thống nhất Trung Quốc.[10][11][12]. Trong trận này, Dương Quảng bắt được các quan lại gồm Thứ sử Tương châu Thi Văn Khánh, Tán kị thường thị Thẩm Khách Khanh, Thị lệnh Dương Tuệ Lãng, Hình Pháp quan Từ Tích ... Khi tiến vào thành Kiến Kang, thấy sủng phi của Trần Thúc Bảo là Trương Lệ Hoa có nhan sắc, Dương Quảng sinh lòng ham muốn, muốn chiếm lấy, nhưng sau đó nghe lời của Hạ Nhược Bật, cho giết Trương Lệ Hoa.
Dương Quảng cho đối đãi tử tế với Trần Thúc Bảo và khuyên ông ta viết thư cho các tướng lĩnh chưa đầu hàng nên sớm quy phục nhà Tùy. Không bao lâu sau, toàn bộ nước Trần được bình định.
Dương Quảng vẫn tỏ ra khiêm tốn và chỉ làm những việc thuận lòng người. Lúc đó có Thượng thư đô lệnh Sử Kị Tuệ, nịnh hót bề trên, hãm hại dân chúng, Dương Quảng sai chém đi, do đó được xưng tụng là người hiền. Không lâu sau, Tùy Văn Đế xét công diệt Trần, phong Dương Quảng làm Thái úy, ban cho xe, ngựa, áo mão, ngọc khuê và bạch bích, sau đó lại phong ông làm Tổng quản Tĩnh châu,. Cùng năm, Cao Trí Tuệ ở Giang Nam hội quân làm loạn, Văn Đế phái Dương Quảng đến Giang Đô dẹp loạn, và cho phép ông mỗi năm chỉ cần vào chầu một lần. Mấy năm sau, Dương Quảng được đổi phong là Vũ Hậu đại tướng quân rồi được cử ra bắc chống lại sự xâm lược của Đột Quyết, tuy nhiên không thu được kết quả gì.
Năm 594, Dương Quảng khuyên Tùy Văn Đế tế trời ở núi Thái Sơn, nhưng Văn Đế đang chủ trương tiết kiệm, nên không nghe theo lời ông.
Tháng 4 năm 600, Đạt Đầu Khả Hãn của Hung Nô đem quân tấn công biên giới nhà Tùy. Tùy Văn Đế phái Dương Quảng và Thừa tướng Việt công Dương Tố đem quân ra Linh Vũ Đạo, Vương Lượng và Thái Bình công Sử Vạn Tuế đem quân ra Mã Ấp Đạo cự địch. Cuối cùng đánh bại được quân Đột Quyết[13][14].

Đoạt ngôi thái tử

Độc Cô hoàng hậu nhà Tùy vốn không ưa những người có nhiều vợ lẽ, do đó khi thấy thái tử Dương Dũng sủng ái Văn Chiêu Huấn là người mình ghét, sau đó đến việc thái tử phi Nguyên thị chết không rõ ràng, nên cũng không hài lòng với Dương Dũng. Dương Quảng biết được, muốn tranh ngôi thái tử, nên mặc dù cũng có nhiều tiểu thiếp, song cố gắng không thường gặp mặt mà chỉ sủng ái Tiêu vương phi, do đó Độc Cô rất hài lòng. Trong triều, ông dùng vàng bạc mua chuộc các đại thần trong triều để họ ủng hộ mình.
Tùy Văn Đế tuổi cao, chính sự trong triều bắt đầu giao cho thái tử Dương Dũng. Dương Dũng không có tài về chính trị, lại hoang phí xa xỉ, nên Văn Đế lại không hài lòng. Năm 600, Dương Dũng dùng lễ nhạc trái với nghi lễ, các đại thần dâng biểu tố cáo lên Văn Đế, muốn phế ngôi thái tử. Văn Chiêu Huấn sau khi thái tử phi Nguyên thị mất, trở thành vợ đích của Dương Dũng, sinh ra Trường Ninh vương Dương Nghiễm, Bình Nguyên vương Dương Dụ, An Thành vương Dương Quân, Cao Lương đệ sinh An Bình vương Dương Nghi, Tương Thành vương Dương Khác, Vương Lương viện sinh Cao Dương vương Dương Cai, Kiến An vương Dương Thiều ... Độc Cô không thích tiểu thiếp sinh quá nhiều con mà làm lấn át vợ cả, nên thường khiển trách Dương Dũng và đôi khi còn giết một vài người thiếp của ông, nhưng Dương Dũng vẫn không theo lời. Còn trong phủ Tấn vương, Dương Quảng và vương phi Tiêu thị sắt cầm hòa hợp, được Độc Cô khen ngợi. Văn Đế và Độc Cô hoàng hậu mỗi lần ngự giá phủ Tấn vương, Dương Quảng và Tiêu phi đều tiếp đón chu đáo và cung kính.
Dương Quảng liên kết với Tổng quản An châu Vũ Văn Thuật tạo phe cánh trong triều. Dương Quảng tâu xin Văn Đế phong Thuật làm Thứ sử Thọ Châu, lại trọng dụng Trương Hành làm kẻ thân cận, Hành nhiều lần lập mưu để Dương Quảng chiếm ngôi thái tử. Vũ Văn Thuật lại khuyên Dương Quảng liên kết với Thừa tướng Dương Tố đang nắm nhiều quyền trong triều, do đó được Dương Tố ủng hộ. Dương Tố lại nhiều lần khen Dương Quảng trước mặt Độc Cô hoàng hậu, sau cùng Độc Cô lại lập kế muốn đưa Dương Quảng lên ngôi thái tử.
Dương Dũng biết tin, vô cùng lo sợ, Văn Đế thấy Dương Dũng có hành vi khác lạ, sai Dương Tố đến quan sát. Dương Tố liên kết với một số tay chân trong Đông cung, vu cáo với Văn Đế rằng Dương Dũng có ý tạo phản. Dương Quảng thì lệnh cho Đốc Vương phủ quân Cô Tang đến quan sát hành động của Dương Dũng, đồng thời đút lót cho thân cận của Dũng là Cơ Uy, Uy bèn dâng thư tố cáo Dương Dũng lên Văn Đế.
Tháng 9 năm 600, Dương Tố lại tố cáo Dương Dũng. Văn Đế theo kế của Tố, sai Dương Dũng kiểm tra dư đảng loạn tặc. Dương Tố sai người đến quan sát, rồi bí mật tố cáo Dương Dũng khích bọn họ làm loạn. Văn Đế trách mắng Dương Dũng nặng nề, rồi ra lệnh phế thái tử. Tả Vệ tướng quân Nguyên Mân khuyên Văn Đế nếu đã phế thái tử thì nên giết luôn, nhưng Văn Đế thương tình không giết.
Tháng 10, Tùy Văn đế chính thức hạ chiếu phế truất Dương Dũng cùng những người con đã được lập làm vương, phế làm thứ nhân[15]. Sang tháng 11 cùng năm, Văn Đế phong cho Dương Quảng làm Hoàng Thái tử, chuyển vào Đông cung. Lúc đó đất trời bỗng dưng có địa chấn. Dương Quảng cầu xin Văn Đế khi vào triều không cần làm chuẩn bị đại triều cầu kì cho thái tử, và ra lệnh cho các quan không cần xưng thần với ông[16].

Giết cha đoạt ngôi

Sau khi lên làm thái tử, Dương Quảng lại tìm cách hãm hại những người em khác để củng cố ngôi vị. Năm 602, ông và Dương Tố vu tội cho người em trai thứ tư của mình là Thục vương Dương Tú đang nắm quyền ở Ích châu[17] tội danh tham ô. Văn Đế triệu Dương Tú về Trường An điều tra. Dương Quảng bèn sai mua chuộc thủ hạ của Dương Tú, cùng nhau tố cáo ông ta. Cuối cùng, Dương Tú bị Tùy Văn Đế bắt giam và phế truất.
Cũng trong năm đó, mẹ Dương Quảng là Độc Cô hoàng hậu qua đời. Dương Quảng tỏ ra đau buồn than khóc, và không chịu ăn uống trước mặt Văn Đế suốt vài tháng. Tuy nhiên ông vẫn ăn uống như thường mỗi khi về phủ Tấn vương.
Sau khi Độc Cô chết đi, Tùy Đế sủng ái hai phu nhân là Trần Tuyên Hoa, con gái Cao Tông nước TrầnThái Dung Hoa người quận Đơn Dương[18]. Dương Quảng cũng ra sức lấy lòng hai phu nhân này. Sang tháng giêng năm 604, Văn Đế bị bệnh nặng, bèn di giá về cung Nhân Thọ nghỉ dưỡng, chính vụ trong triều đều giao cho Dương Quảng giải quyết. Không lâu sau bệnh tình trở nặng, bèn triệu Dương Quảng vào cung. Dương Quảng biết Văn Đế không sống được nữa, đâm ra lo sợ, bèn bí mật gởi thư cho Dương Tố hỏi về hậu sự sau này. Không ngờ bức thư trả lời của Dương Tố bị cung nhân phát hiện, báo lên Văn Đế. Văn Đế rất giận, nhưng sau đó bỏ qua việc này.
Dương Quảng vào cung thăm Văn Đế, thấy Tuyên Hoa phu nhân dung mạo diễm lệ, yểu điệu thướt tha, ánh mắt long lanh như nước hồ thu, giọng nói nũng nịu, dáng đi mềm mại, trong lòng lại nổi lên sự ham muốn. Sau đó Dương Quảng lên tiếng chọc ghẹo rồi giở trò cưỡng bức Tuyên Hoa phu nhân. Tuyên Hoa hoảng sợ, chạy về Nhân Thọ cung báo với Văn Đế[19]. Văn Đế tức giận nói
Súc sinh làm sao có thể gánh vác đại sự? Độc Cô làm hỏng việc lớn của ta rồi[20]! Nếu không nhân lúc trẫm còn chút hơi thở phế bỏ tên súc sinh này, lập lại con trưởng Dương Dũng, hậu sự há có thể lường được chăng?.
Sau đó bảo Liễu Thuật, Nguyên Nham triệu Dương Dũng vào cung. Nhưng có người báo việc cho Dương Quảng và Dương Tố. Dương Quảng lo sợ, sai bắt Liễu Thuật, Nguyên Nham tống vào ngục, đem quân sĩ Đông cung đến thay làm hộ vệ cho Văn Đế, không cho ai ra vào cung Nhân Thọ, rồi sai Vũ Văn Thuật, Quách Diễn bao vây cung lại, bảo Trương Hành vào tẩm điện, đuổi hết cung nhân ra ngoài rồi dùng rượu độc sát hại Tùy Văn Đế[21]. Năm đó Văn Đế 64 tuổi.
Sau khi giết cha, Dương Quảng lại cướp đoạt hai phu nhân Trần, Thái làm phi tần của mình.

Trị vì thời kì đầu

Thanh trừng kẻ chống đối

Ngày 21 tháng 8 năm 604, Dương Quảng báo tang Văn Đế, rồi chính thức đăng cơ, đổi niên hiệu là Đại Nghiệp, tức là Tùy Dượng Đế. Sau đó, ông sai thái thú Y Châu là Dương Ước giả lệnh Văn Đế, ép Dương Dũng phải thắt cổ tự tử[22]. Ông truy phong Dương Dũng là Phòng Lăng vương, nhưng không cho con cháu tập tước.
Dương Quảng lại ra lệnh đày Liễu Thuật đến Long Xuyên, Nguyên Nham đến Nam Hải. Liễu Thuật vốn là phò mã, lấy em gái Dượng Đế là công chúa chúa Lan Lăng, đến đây Dượng Đế muốn bà từ hôn với Thuật. Công chúa không chịu, lại xin cùng Thuật đi Long Xuyên. Dượng Đế tức giận, không đồng ý. Công chúa sau đó đau khổ mà mất, trước lúc mất xin Dượng Đế cho an táng mình ở nhà họ Liễu. Dượng Đế tuy chấp nhận, nhưng vẫn vô cùng tức giận, trong ngày tang công chúa không đến dự, và ra lệnh chỉ làm lễ tang một cách sơ sài.
Em trai út của Dượng Đế là Hán vương Dương Lượng, đang làm Tổng quản Tĩnh châu, cai quản 52 châu phía bắc Hoàng Hà, từ khi thấy Dương DũngDương Tú bị Dương Quảng hãm hãi, trong lòng rất lo lắng. Đến khi Văn Đế băng hà, Dượng Đế sai Khuất Đột Thông đến chỗ Dương Lượng báo tin. Dương Lượng biết rằng Dương Quảng chủ mưu, bèn đem quân làm phản, đuổi Khuất Đột Thông về Trường An. Thứ sử Lam Châu Kiều Chung Quỳ và 19 châu đem quân hưởng ứng Dương Lượng, thanh thế rất lớn. Nghe tin Dương Lượng tạo phản, Dượng Đế sai Hữu Vệ tướng quận Khâu Hòa làm Thứ sử Bồ Châu, trấn giữ Bồ Tân để đề phòng. Nhưng không bao lâu sau, Dương Lượng dùng kế chiếm được Bồ Châu, Khâu Hòa phải chạy về Trường An. Nhân đà thắng lợi, Dương Lượng sai 3 vạn quân đánh tới Đại Châu, nhưng bị đại bại. Đúng lúc này, Dương Quảng sai Dương Tố đem 5000 quân tinh nhuệ tập kích Bồ Châu, giành thắng lớn. Dượng Đế bèn xuống chiếu phong Dương Tố làm Tĩnh Châu Đạo hành quân tổng quản, Hà Bắc Đạo an phủ sứ, tiếp tục dẫn hơn vạn quân công đánh Dương Lượng. Lý Tử Hùng ở Bột Hải cũng đem quân hưởng ứng, liên tiếp đánh bại Dương Lượng. Lượng hoảng sợ, lại dẫn 10 vạn quân ra giao chiến với Dương Tố ở Hao Thạch, cũng bị thua phải lui về Thanh Nguyên. Sau cùng, Lượng bị Dương Tố bắt sống ở Tấn Dương[23].
Quần thần nhà Tùy lũ lượt dâng tấu xin giết Dương Lượng. Dượng Đế bỏ qua không giết, chỉ giáng làm Thứ nhân và giam vào ngục. Sử gia Tư Mã Quang trong Tư trị thông giám lấy việc Tùy Văn Đế thường khoe khoang rằng năm con trai của mình đều do một mình Độc Cô hoàng hậu sinh thì sẽ không xảy ra tranh chấp trưởng thứ như những trường hợp anh em khác mẹ tranh giành thuở trước, kì thực đến anh em cùng một mẹ cũng có thể xảy ra tranh chấp.
Tháng 10 năm 604, Tùy Dương Đế cho hợp táng Tùy Văn Đế và Độc Cô hoàng hậu ở Thái Lăng, miếu hiệu Cao Tổ[24], sau đó hạ lệnh giải phóng nô tì, tăng tuổi đi lính của thanh niên trong nước thành 22 tuổi.

Xây thành Đông Đô, đào Vận Hà

Tháng giêng năm 605, Tùy Dượng Đế lập Tấn vương phi Tiêu thị làm Hoàng hậu và con trai trưởng của mình với Tiêu Hậu là Dương Chiêu làm Hoàng Thái tử. Sang tháng 2 cùng năm, Dượng Đế xét công dẹp loạn của Dương Tố, cải phong làm Trung thư lệnh.
Từ cuối năm 604, thầy cúng Chương Cừu Thái Dực dâng tấu nói rằng kinh đô Trường An[25] có phong thổ không thích hợp cho Tùy Dượng Đế, do đó ông chuẩn bị dời sang Đông Đô Lạc Dương, để Dương Chiêu ở lại trấn thủ Trường An. Tháng 3 năm 605, Dượng Đế sai Thừa tướng Dương Tố, Nạp ngôn Dương Đạt và Tương tác Đại tượng Vũ Văn Khải nhận lệnh xây dựng Đông Đô Lạc Dương, yêu cầu tháng giêng năm sau phải hoàn thành. Khi xây Đông Đô, cần số nhân công rất lớn, mỗi tháng lại trưng thêm hơn 200 vạn người, số người chết do quá sức đến 4, 5 phần, đội thu xác chết phải dùng xe chở tử thi, chết ở hương đông thì đem chôn ở Thành Cao, chết ở hướng tây thì chôn ở Hà Dương, liên tiếp không dứt. Sau khi xây xong Đông Đô, Tùy Dượng Đế chuyển hẳn sang đấy và rất ít khi trở về Trường An.
Dượng Đế lại ra lệnh đào hố rãnh có chu vi lớn quanh Đông Đô để tiện việc phòng thủ. Đến khi hoàn thành, Đông Đô có chu vi hơn 50 dặm, chia làm hơn 1000 phố, ba chợ buôn lớn là Phong Đô, Đại Đồng, Thông Viễn. Riêng chợ Phong Đô có 120 dãy, hơn 3.000 cửa hiệu, hơn 400 căn khách sạn, hao tốn tiền bạc và nhân công không kể xiết.
Cùng trong năm 605, tướng Tùy Lưu Phương vốn được lệnh Tùy Văn Đế đánh chiếm vùng Giao Châu năm 602, lại tiến xuống nước Chăm pa, bị quân của người Chăm đánh bại, lại thêm dịch bệnh tràn lan, mười người chết hết 4,5. Lưu Phương cũng chết trên đường về nước.[26][27]
Sang tháng 5, Tùy Dượng Đế cho xây Tây Uyển, chu vi 200 dặm, xây biển nhân tạo hơn 10 dặm trong vườn, bên trong lại cho dựng các núi Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, vượt cao khỏi mặt nước hơn trăm thước, đền đài miếu vũ la liệt trên núi. Ở cung Duyên Cừ, có tới 16 viện, mỗi viện do một tứ phẩm phu nhân làm chủ, quy mô hết sức xa hoa tráng lệ.
Tùy Dượng Đế lạisai đào Thông Tê Cừ, tiếp nối công trình đào Vận Hà dưới thời Tùy Văn Đế. Đoạn tây khởi đầu từ Tây Giao Lạc Dương hiện nay, dẫn nước Cốc Thủy và Lạc Thủy nhập vào Hoàng Hà, còn đoạn đông bắt đầu từ Tỉ Thủy Huỳnh Dương, theo thủy đạo do Phù Sai cho đào khi xưa, dẫn nước Hoàng Hà qua Biện Thủy, Tứ Thủy thông đến Hoài Hà; qua các thành thị là Biện châu[28] Tống châu[29], Túc châu, Tứ châu[30]. Cùng năm, triều Tùy lại huy động hơn 10 vạn dân Hoài Nam một lần nữa xây dựng Sơn Dương độc, chỉnh trị cho thẳng, không còn phải vòng qua hồ Xạ Dương mà tiến thẳng đến Trường Giang.

Tuần du Giang Đô

Cũng trong năm 605, Tùy Dượng Đế cho đào kênh Thông Tế Cừ nối Lạc Dương đến bờ sông Hoàng Hà. Sau đó ông tiếp tục cho đào kênh đào Hàn Câu nối sông Hoài với sông Dương Tử. Đây là hai dự án kênh đào quan trọng được xây dựng dưới thời nhà Tùy, tuy nhiên lại phải tốn một nguồn kinh phí vô cùng lớn, gần một nửa số nhân công bị chết trong giai đoạn đào kênh. Sau đó, để phục vụ cho sự lãng phí xa hoa, Dượng Đế lại ra lệnh xây 40 hành cung khắp cả nước để tiện việc tuần du.
Mùa thu năm 605, Tùy Dượng Đế đem theo nhiều cung nhân xuôi dòng từ Lạc Dương tới Giang Đô tuần du bằng một chiếc thuyền lớn. Sang tháng 8 cùng năm, Dượng Đế đến được Giang Đô và lưu lại ở đấy một thời gian.
Không lâu sau quân Khiết Đan tấn công vào Doanh châu[31]. Tùy Dượng Đế sai Vân Khởi đem quân kháng cự. Vân Khởi chia quân làm 20 doanh, kết hợp với viện quân của Khải Dân Khả hãn Đột Quyết hợp sức đánh bại Khiết Đan.
Năm 606, Dương Quảng trở về Lạc Dương, sau đó cải phong người con thứ của mình là Dự Chương vương Dương Giản làm Tề vương[32]. Tháng 7 cùng năm, thái tử Dương Chiêu đến Lạc Dương yết kiến Dượng Đế, không may bị bệnh rồi mất trong năm đó. Tùy Dượng Đế từ đó không lập một thái tử nào khác cho đến khi qua đời.
Dương Tố được Dượng Đế đổi phong Sở Quốc công, bề ngoài hai người rất tương đắc, nhưng bên trong Dượng Đế luôn nghi ngờ Dương Tố sẽ đe dọa đến ngôi vị của mình. May thay Dương Tố sớm mất vào năm 606, mối nghi ngờ cuẩ Dượng Đế được giải tỏa.
Tháng 8 cùng năm 606, Dượng Đế phong cho ba người con của Dương Chiêu làm vương: Dương Đàm làm Yên vương, Dương Đồng làm Việt vương và Dương Hựu làm Đại vương, nhưng không lập ai trong số họ làm Hoàng Thái tôn kế thừa ngôi vị. Đến tháng 9, ông phong cho Dương Hạo, con trai em mình là Tần vương Dương Tuấn đã chết năm 600, nối tước Tần vương.

Tuần du phương bắc

Tháng giêng năm 607, Khã hãn A Sử Na Khải Dân của Đột Quyết đến Lạc Dương, yết kiến Tùy Dượng Đế và Tiêu hoàng hậu, xin quy phục nhà Tùy. Dượng Đế phong cho Khải Dân làm phiên vương. Không lâu sau, Vũ Văn Thuật lại khuyên Dượng Đế rằng các con trai của Dương Dũng đều đã trở thành, sợ về sau sẽ gây ra biến loạn. Dượng Đế nghe theo, giết chết con trai lớn của Dương Dũng là Phòng Ninh vương Dương Nghiễm và đày bảy người con còn lại của Dương Dũng đến Lĩnh Biểu, giữa đường sai người bí mật giết luôn để trừ hậu hoạn. Ít lâu sau, đại thần Ngưu Hoằng soạn xong bộ Đại Nghiệp luật lệnh gồm 18 thiên, quy định về pháp lệnh, dâng lên Dượng Đế.
Sang tháng 4 năm đó, Tùy Dượng Đế quyết định thực hiện tuần du đến Hà Bắc, vào đến đất Triệu, Ngụy. Ông lại cải cách chế độ quan chức trong triều, đổi tất cả các châu, gọi là quận, đổi chức Thượng trụ quốc là Đại phu, trong ngũ tỉnh thiết lập thời Văn Đế, ông giữ lại bốn tỉnh là Trí điện tỉnh, Nội sử tỉnh, Thượng thư tỉnh, Môn hạ tỉnh, còn Thái giám tỉnh đổi là Điện nội tỉnh, cải Tả, Hữu dục vệ làm Thập lục phủ. Về tước vị, trong sáu bậc tước, ông phế trừ bá, tử, nam tước và lưu lại vương, công, hầu tước.[33]
Ngày Bính Dần, Tùy Dượng Đế bắt đầu đi đến miền bắc. Sang tháng năm, khi Dượng Đế đến được Hà Bắc, Khả hãn Khải Dân phái con là A Sử Na Thác Đặc Lặc đến yết kiến ông. Trong thời gian này, Dượng Đế lại ra lệnh trưng đinh nam ở mười quận Hà Bắc, mở trì đạo qua Thái Hành Sơn, đến Tĩnh châu, và ra lệnh cho Khải Dân phải cho dân Đột Quyết trợ giúp việc mở đường.
Khi Dượng Đế đến Nhạn Môn, Thái thú Khâu Hòa tiếp đón cung kính, dâng nhiều món ngon và mĩ nữ cho Dượng Đế, Dượng Đế bằng lòng. Tuy nhiên khi ông đến Mã Ấp, thái thú Dương Khuếch không kịp tiếp đón từ xa khiến Dượng Đế tức giận, bèn phong Khâu Hòa làm Bác Lăng thái thú và giáng Dương Khuếch dưới trướng Khâu Hòa. Các quan lại địa phương khác biết được việc ấy, nên mỗi nghi nghe tin vua đến đều chuẩn bị tiếp đón chu đáo và dùng nghi lễ xa xỉ. Cùng tháng 5, sứ giả Đột Quyết và các nước Cao Xương, Thổ Cốc Hồn ... đến tiến cống cho nhà Tùy.
Ngày Giáp Thân, Dượng Đế đến ngự ở Bắc Lâu Quan, mở tiệc chiêu đãi trăm quan. Thái phủ Khanh Nguyên Thọ nói với ông việc năm xưa Hán Vũ Đế tuần du bắc phương để so sánh ông với Hán đế. Dượng Đế khen ngợi Nguyên Thọ, phong làm Thượng Tả Vũ Vệ tướng quân.
Cùng năm đó, khi Tùy Dượng Đế đến Du Lâm lại ra lệnh dùng hơn 100.000 dân đinh mở rộng Vạn Lý Trường Thành, phía tây tới Du Lâm, phía đông tới Tử Hà[34]. Thượng thư Tả bộc xạ Tô Úy khuyên ngăn ông, nhưng ông không nghe. Khi Trường Thành xây xong, Thái thường khanh Cao Quýnh can gián ông, dùng lời lẽ nặng nề và lại can ngăn việc Dượng Đế đãi ngộ Khải Dân quá tốt. Vũ Văn BậtHạ Nhược Bật cũng cùng can ngăn ông. Dượng Đế lấy tội danh phỉ báng triều chính, giết chết va người, đuổi vợ con Cao Quýnh làm nô tì[35].
Sang tháng tám, Dượng Đế đến Lâu Phiền quan, rồi đến Thái Nguyên, ra lệnh xây hành cung ở Tấn Dương. Thiết Lặc đem quân xâm phạm biên cương nhà Tùy, Dượng Đế sai tướng quân Phùng Hiếu từ Đôn Hoàng ra chống trả, Thiết Lặc phải xin hàng. Từ đó, các bộ tộc phương bắc đều quy phục và tiến cống cho nhà Tùy. Sau đó Dượng Đế về kinh.

Trị vì thời kì giữa

Tranh chấp trong cung và việc chiến tranh ở phía bắc

Tháng giêng năm 608, Dượng Đế hạ chiếu tuyển mộ hơn 5.000.000 dân đinh xây Vĩnh Tế Cừ, dẫn nước sông từ Hoàng Hà thông tới Trác quận. Nhưng số đinh nam không đủ, Dượng Đế lại ra lệnh tuyển luôn cả phụ nữ làm dân đinh[36]. Sang tháng 2 năm đó, Xử La Khả Hãn của Tây Đột Quyết cũng thần phục nhà Tùy. Cùng năm đó, Thánh Đức thái tử của Oa Quốc (Tức nước Nhật) sai sứ đến nhà Tùy yết kiến, trong thư tự xưng là thiên tử. Dượng Đế giận vì có người bắt chước danh hiệu thiên tử của mình, bèn ra lệnh cấm không được cho ông xem những bức thư lời lẽ như thế nữa[37].
Từ sau khi Nguyên Đức thái tử Dương Chiêu qua đời, Tề vương Dương Giản trở thành người con trai lớn nhất của Dượng Đế còn sống, người con trai út của Dượng Đế là Triệu vương Dương Cảo tuổi còn nhỏ. Ông phái Liễu Kiển làm Tề vương trưởng sử. Về sau Dượng Đế phát hiện Dương Giản tư thông với chị dâu và sinh con, nghi lễ mỗi lần đi săn lại trọng hậu hơn hoàng đế, nên bắt đầu xa lánh Dương Giản. Sau đó, Dương Giản mời thầy bùa về nhà, làm phép định hãm hại ba người con của Dương Chiêu. Dượng Đế hay tin, rất giận, bèn giết hết tất cả bọn pháp sư và người chị dâu của Dương Giản là Nguyên thị, nhưng ông vẫn giữ lại tước vị cho Dương Giản, giáng chức Hợp Thủy lệnh.
Tháng 7 năm 608, Dượng Đế ra lệnh cho hơn 200.000 đinh nam tiếp tục xây Trường Thành về từ Du Cốc phía đông. Cùng năm đó, Bùi Củ hợp quân với Thiết Lặc công đánh Thổ Dục Hồn, đại phá được. Khả hãn của Thổ Dục Hồn là Phục Doãn chạy về phía đông, sai sứ đến nhà Tùy xin hàng phục và cầu cứu. Dượng Đế lệnh An Đức vương Dương Hùng và Hứa quốc công Vũ Văn Thuật đến Kiêu Hà cứu Thiết Lặc. Thuật kéo binh tới thành Lâm Khương, Thổ Dục Hồn phải rút quân về tây. Vũ Văn Thuật đuổi theo, lấy hai thành Bạt Mạn, Xích Thủy, chém 3000 người, bắt 200 vương công Thổ Dục Hồn và 4000 đàn bà con gái đem về.
Cùng năm 608, Dượng Đế sai Hữu Vệ Đại tướng quân Tiết Thế Hùng đưa quân hợp với Đông Đột Quyết tiến đánh nước Y Ngô. Nhưng cuối cùng Khải Dân không đến hội quân, do đó quân Y Ngô chủ quan vì nghĩ một mình quân Tùy không làm được gì. Văn Thế Hùng tuy một mình dẫn quân nhưng lại đánh bại được Y Ngô, buộc Y Ngô thần phục. Tiết Thế Hùng ở phía đông Y Ngô cho xây thành phòng thủ.
Tháng 3 năm 609, Tùy Dượng Đế lại đem quân công đánh Thổ Cốc Hồn. Không lâu sau, tiếp tục sai Nội sự Nguyên Thọ đến Kim San, Binh Bộ thượng thư Đoàn Văn Chấn đến Tuyết Sơn, Thái Bộc khanh Dương Nghĩa Thần về phía đông Tùy Bà Hạp, tướng quân Trương Thọ ở phía tây, đóng ở Nê Lĩnh, sau đó lại phái Hữu Truân Vệ tướng quân Trương Định Hòa đến tiếp ứng, Định Hòa khinh quân địch ít quân, không phòng bị đích thân lên núi tiến đánh, bị phục quân Thổ Cốc Hồn giết chết. Sang tháng 6, Dượng Đế sai Tả Quang Lộc Đại phu Lương Mạc truy kích Thổ Cốc Hồn, cũng bị Phục Doãn giết chết. Cuối cùng, Vệ Úy khanh Lưu Quyền mới mượn đường Y Ngô, qua Thanh Hải và bắt sống hơn 1000 người, tiến đến tận thành Phục Sĩ. Sau khi Thổ Cốc Hồn binh bại, Dượng Đế lập con của Phục Doãn là Thuận, vốn làm con tin ở Tùy làm Khả hãn để thay thế, nhưng bị người Thổ Cốc Hồn ngăn trở.

Gả công chúa, giết lương thần

Tháng 1 năm 609, Tùy Dượng Đế đổi tên Đông Kinh (tức Lạc Dương) thành Đông Đô. Cũng trong dịp đó, Khả hãn Khải Dân đến triều yết Tùy Dượng Đế. Dượng Đế ban thưởng nhiều vàng bạc cho Khải Dân, sau đó ông trở về Tây Đô và tới nơi vào tháng 2 cùng năm.
Tháng 3 năm 609, Tùy Dượng Đế lại tuần du về phía tây, đến tháng 4 cùng năm thì ra Lâm Tân Quan, ra Hoàng Hà, rồi tổ chức lễ săn bắn ở núi Bạt Diên.
Cuối năm 609, Khải Dân qua đời, con là Đốt Cát lên nối ngôi, tức Khả Hãn Thủy Tất. Thủy Tất dâng biểu xin lấy một người công chúa triều Tùy. Dượng Đế tìm người trong tôn thất là công chúa Nghĩa Thành, gả cho Thủy Tất.
Nội sử thị lang Tiết Đạo có tài văn học, cuối thời Tùy Văn Đế được phong Tương Châu tổng quãn. Đến khi Dượng Đế lên ngôi, phong làm Bí thư giám. Tuy nhiên ông lại ghen ghét tài học của Tiết Đạo, sau đó lại nghe chuyện Đạo tỏ thái độ kính trọng với Cao Quýnh vốn đã bị ông giết, nên vô cùng tức giận, bèn nghe lời Bùi Uẩn, ra lệnh cho Tiết Đạo phải thắt cổ, vợ con dời ra biên cương. Người trong nước nghe tin đó đều đau lòng[38].

Chinh phạt Lưu Cầu, Tây Đột Quyết

Tháng 2 năm 610, Tùy Dượng Đế sai Chu Khoan đến phủ dụ nước Lưu Cầu[39] nhưng bị Lưu Cầu cự tuyệt. Dượng Đế tức giận, sai Trần Lăng và Trấn Chu đem vạn quân quân thảo phạt Lưu Cầu, xuất phát từ Nghĩa An, Phiếm Hải, sang tháng sau đã tiến vào lãnh thổ Lưu Cầu. Quốc vương Lưu Cầu là Kiệt Thích đem quân cự chiến, bị quân Tùy đánh bại và giết chết[40]. Trần Lăng tiến vào quốc đô Lưu Cầu, bắt hơn vạn người đem về Trung Quốc. Sau trận này, Trần Lăng được Dượng Đế phong làm Hữu Quang lộc đại phu.
Tháng 3 năm 610, Tùy Dượng Đế một lần nữa đến tuần du Giang Đô. Ngự sử đại phu Trương Hành vốn là người có công trong việc đưa Dượng Đế lên ngôi, tuy nhiên đến đấy lại khuyên Dượng Đế nên bỏ bớt chính sách lạm dụng lao dịch, khiến Dượng Đế không bằng lòng. Sau đó Dượng Đế giao cho Dương Hành tu sửa hành cung Giang Đô. Giang Đô quận thừa Vương Thế Sung tố cáo Trương Hành ăn bớt vật tư. Dượng Đế bèn hạ lệnh phế Trương Hành làm thứ nhân, sau đó phong cho Vương Thế Sung làm Giang Đô cung gián, cai quản hành cung Giang Đô[41][42]. Sau này, mỗi lần Dượng Đế đến Giang Đô, Thế Sung đều trang hoàng cung điện cực kỳ phung phí để tiếp đón, vì vậy Dượng Đế càng tín nhiệm Thế Sung.
Cũng năm 610, Hoàng môn thị lang Bùi Củ tâu với Tùy Dượng Đế việc nên thu phục nước Cao Câu Ly. Tùy Dượng Đế bèn sai Ngưu Hoằng tuyên chỉ, muốn vua Cao Câu Ly cũng quy phục Trung Nguyên và đến triều kiến giống như Khải Dân Đông Đột Quyết, nhưng thấy Cao Câu Ly không tuân phục, bèn chuẩn bị quân mã tiến đánh. Tháng 2 năm 611, Tùy Dượng Đế xuống chiếu thảo phạt Cao Câu Ly, chuẩn bị khoảng 300 thuyền chiến lớn. Tháng 4, ông tới Trác quận, ngự ở cung Lâm Sóc, rồi tuyển mộ 1 vạn thủy thủ của Giang Hoài, 3 vạn cung thủ, và ra lệnh cho dân Hà Nam, Hà Bắc làm phu đi theo đoàn quân. Quân chinh phạt bị thúc ép tiến nhanh, ngày đi đêm không nghỉ, rốt cục nhiều người chết dọc đường.
Năm 611, Tùy Dượng Đế hạ lệnh triệu Xử La Khả hãn của Tây Đột Quyết hội minh tại Đại Đẩu Bạt Cốc, nhưng Xử La không đến. Tùy Dượng Đế muốn làm suy yếu Tây Đột Quyết hơn nữa, bèn theo lời Bùi Củ, phong cho cháu nội Khã Hãn Đạt Đầu là Xạ Quỹ làm Khã Hãn để đối đầu với Xử La. Xạ Quỹ đem quân tiến công Xử La, Xử La đại bại, chạy về phía đông đến nước Cao Xương. Tùy Dượng Đế gây sức ép với vua Cao Xương là Khúc Bá Nhã, đồng thời ép Xử La phải đến chỗ mình triều kiến. Xử La buộc phải tuân theo, đến triều yết Dượng Đế vào tháng 12 cùng năm, tuy nhiên Dượng Đế ra lệnh giữ Xử La ở Trung Nguyên, không cho về nước. Mùa xuân năm 612, Tùy Dượng Đế phân chia Tây Đột Quyết thành nhiều phần, phong cho em Xử La là Khuyết Độ thống lĩnh hơn 1 vạn người, đóng ở Hội Ninh, Đặc Lặc Đại Nại ở Lâu Phiền ...[43]
Trước đó, Dượng Đế điều dân phu vận chuyển lương thực cho cuộc chiến tranh với Cao Câu Ly đến hai trấn Lô Hà, Hoài Viễn. Tuy nhiên lúc này quân đội đã mệt mỏi và tổn thất quá nửa mặc dù còn chưa giao chiến, một số chết vì mệt mỏi và dịch bệnh, một số đào ngũ. Dượng Đế lại bắt ép các hộ dận phải cống lương thực cho quân đội theo đầu người, còn quan lại thì lại nhân đó thu thêm nhiều lương thực cho đầy túi riêng. Nhân dân phải chịu sưu cao thuế nặng của triều đình, tình cảnh ngày một bi đát hơn. Một số người bỏ nhà đi làm cướp. Lòng dân ngày một oán hận triều Tùy. Quần hùng nổi lên, trong đó nổi bật nhất trong thời kì này là nghĩa quân của Đậu Kiến Đức.

Chiến tranh với Cao Câu Ly lần 1

Ngày Nhâm Ngọ tháng giêng năm 612, đại quân nhà Tùy gồm 1.131.800 người, giả xưng là 2 triệu quân, lại thêm khoảng 2 triệu dân phu, bắt đầu tiến công vào Bình Nhưỡng. Tùy Dượng Đế cũng đích thân dẫn quân. Đội quân thứ nhất của nhà Tùy bắt đầu hành quân 960 dặm tới sát biên giới Cao Câu Ly. Ngày Quý Tị, Tùy Dượng Đế thúc quân tiến đến Liêu Thủy. Quân Cao Câu Ly tổ chức phòng thủ chặt chẽ, quân Tùy không tiến lên nổi. Tả truân vệ đại tướng quân Mạch Thiết Trượng tự xin ra làm tiên phong, nhưng bị quân Cao Câu Ly đánh bại, quân Tùy chết trận rất nhiều. Mạnh Thiết Trượng và Sĩ Hùng, Đặng Xoa tử trận. Nhưng chỉ vài sau, khi hai quân giao chiến lần nữa, quân Tùy đánh bại được Cao Câu Ly một trận lớn ở Đông Ngạn, rồi thừa thắng tiến sang Liêu Đông[44]. Ở những nơi đã chiếm được, Dượng Đế sai Vệ Văn Thắng và Lưu Sĩ Long đặt ra quận, huyện.
Các tướng nhà Tùy muốn tiến vào phía đông, tuy nhiên Dượng Đế lại bất ngờ ra lệnh rằng bất kì kế hoạch tiến quân nào cũng phải được sự đồng ý của ông trước khi thi hành. Trong khi đó, Thành Liêu đông bị vây hãm, quân Cao Câu Ly ở đó xuất chiến bất lợi phải cố thủ, người trong thành muốn xin hàng. Các tướng do nhớ đến lời dặn của Tùy Dượng Đế nên đình chiến mà trở về báo cáo với ông, người trong thành nhân đó tổ chức lại việc phòng bị. Do đó quân Tùy không thể công hạ được.
Các thành của Cao Câu Ly cũng phòng thủ vững chắc, Hữu vệ đại tướng quân Lại Hồ suất thủy quân Giang, Hoài tiến lên hơn trăm dặm, đến cách Bình Nhưỡng 10 dặm và phá được quân Cao Câu Ly. Hộ muốn thừa thắng tiến vào trong thành, Phó tổng quản Chu Pháp Thượng ngăn lại, cho rằng cần thông báo cho vua biết trước. Hộ không nghe, đem 4 vạn quân phá thành Bình Nhưỡng, nhưng bị quân Cao Câu Ly đánh cho tan tác, phải rút về Hải Phố.
Trong khi đó Vũ Văn Thuật, Ô Trọng Văn, Kinh Nguyên Hằng, Tiết Thế Hùng cũng từ các đạo Phù Dư, Nhạc Lãng, Liêu Đông và Ốc Tự ... tiến lên. Vũ Văn Thuật từ hai trấn Lô Hà, Ninh Viễn tiến vào Bình Nhưỡng, nhưng giữa đường hết lương phải rút về, bị quân Cao Câu Ly tiến công, toàn quân tử trận vô số. Trong lúc đó, quân Cao Câu Ly dùng kế giả hàng, bất ngờ tập kích vào hậu quân, giết Tân Thế Hùng. Nhiều cánh quân khác cũng bị quân Cao Câu Ly tiêu diệt gần hết, chỉ còn cánh của Vệ Văn Thắng không bị thiệt hại. Hơn 35 vạn quân Tùy tấn công Liêu Đông đến khi về chỉ còn 2700 người. Tùy Dượng Đế giận lắm, bắt giam Vũ Văn Thuật rồi lui binh. Chiến dịch tiến công Cao Câu Ly lần đó hoàn toàn thất bại.
Tháng 11 năm 612, Tùy Dượng Đế gả người trong tôn thất là công chúa Hoa Dung đến nước Cao Xương[45]. Ông xử phạt các tướng thất bại trong trận đánh Cao Câu Ly: phế Ư Trọng Văn làm thứ nhân, chém Lưu Sĩ Long, riêng Vũ Văn Thuật thì không xử phạt thêm hình phạt nào nữa, sang tháng 2 năm sau lại phục chức cho Thuật. Tiết Thế Hùng do đánh bại quân Cao Câu Ly ở Bạch Thạch Sơn, xét cho chuộc tội chết, chỉ miễn quan tước. Tháng 12, thấy Trương Hành thường tỏ ra oán vọng việc bị làm tội, ông bèn ra lệnh giết chết[46].

Chiến tranh với Cao Câu Ly lần 2

Đầu năm 613, Tùy Dượng Đế phong cho người cháu nội là Đại vương Dương Hựu, con trai thứ ba của Nguyên Đức thái tử Dương Chiêu làm lưu thủ Trường An, phái Hình bộ thượng thư Vệ Văn Thăng phụ tá Dương Hựu[47].
Tháng 2 năm 613, Tùy Dượng Đế bàn với các đại thần dự định tiến công Cao Câu Ly lần nữa để phục thù. Tả Quang lộc đại phu là Quách Vinh lên tiếng can ngăn, nhưng ông không nghe. Trong năm này, số cuộc khởi nghĩa trong nước tăng lên nhanh chóng. Ở Tế Âm có Mạnh Hải công khởi nghĩa, ở Tề quận[48]Vương Bạc, Mạnh Nhượng, quận Bắc Hải có Quách Phương Dự, quận Thanh Hà có Trương Kim Xưng, quận Bình Nguyên có Hác Hiếu Đức, ngoài ra còn Cát Khiêm ở Hà Gian, Tôn Tuyên Nhã của Bột Hải, người nào cũng có hơn vạn quân, nhiều thì hơn 10 vạn, nhà Tùy bắt đầu lâm vào cảnh rối loạn, trong khi con trai Dương Tố là Sở quốc công Dương Huyền Cảm cũng đã có ý định nổi dậy. Mấy ngày sau, Dượng Đế lại đến Liêu Đông, sai Việt vương Dương Đồng (cũng là con của Dương Chiêu) lưu thủ Lạc Dương.
Tháng 4, Dượng Đế đến đất Liêu, sau đó ông phái Vũ Văn ThuậtDương Nghĩa Thần chuẩn bị tấn công Bình Nhưỡng, Vương Nhân Cung từ Phù Dư, tiến đến Tân Thành, quân Cao Câu Ly cố sức chống giữ ở đó. Dượng Đế lại sai các tướng gấp rút tấn công Liêu Đông, nhưng quân Cao Câu Ly phòng thủ kiên cố, kềm chân quân Tùy hơn 20 ngày, giết được nhiều binh lính nhà Tùy.
Tuy nhiên thừa lúc Tùy Dượng Đế tập trung sức lực cho chiến trường Cao Câu Ly, con trai Dương Tố là Lễ bộ thượng thư, Sở công Dương Huyền Cảm, vốn được Dượng Đế giao cho đốc vận ở Lê Dương, đã nhân có hội nổi dậy ở gần Lạc Dương[49][50]. Quân của Huyền Cảm đánh thắng quân Tùy nhiều trận, sắp chiếm được Đông đô. Dượng Đế đang ở Liêu Đông, nghe tin hoảng sợ, bèn dẫn quân về, sai Vũ Văn ThuậtKhuất Đột Thông suất quân đánh dẹp Huyền Cảm, đồng thời quật mộ của Dương Tố để trị tội. Quân Cao Câu Ly thừa cơ truy kích vào hậu quân Tùy, giết hơn mấy nghìn người. Sau, quân Tùy đánh dẹp được Dương Huyền Cảm. Dượng Đế ra lệnh cho quân sĩ tự chia tiền bạc cướp được, do đó tham quan thừa cơ cướp bóc.

Chiến tranh với Cao Câu Ly lần 3

Từ năm 613, các thế lực phản loạn nổi lên như ong. Trong năm 614, triều Tùy chỉ vừa trấn áp vài thế lực thì các thế lực mới nổi lên lại mạnh hơn trước. Thủ lĩnh phản quân cũng bắt đầu tiếm hiệu xưng vương hay xưng đế, miền bắc Trung Nguyên bắt đầu chìm trong nội loạn. Trong khi đó Tùy Dượng Đế lại muốn tiến công Cao Câu Ly một lần nữa. Tháng 3, ông đến Trác quận, tháng 4 tới Bắc Bình và tháng 7 tới trấn Hoài Viễn. Trung Nguyên chìm trong nội loạn, việc trưng binh thảo phạt của Tùy triều gặp nhiều khó khăn, nhiều binh sĩ đào ngũ. Dượng Đế cử Lại Hộ tiến đánh Xa Thành, đánh bại được quân Cao Câu Ly, sau đó tiến tới Bình Nhưỡng, vua Cao Câu Ly hoảng sợ, dâng biểu tạ tội. Dượng Đế vui mừng, muốn rút quân về. Lại Hộ tuy không đồng tình những cũng đành nghe theo lệnh ông.
Tháng 8 năm 614, Dương Đế từ trấn Ninh Viễn trở về và sang tháng 10 thì tới Đông Đô[51]. Ông muốn triệu vua Cao Câu Ly vào triều kiến, nhưng vua Cao Câu Ly không chịu đi, Dượng Đế tức giận, muốn đánh Cao Câu Ly lần thứ tư, nhưng cuối cùng không ra quân.

Nguy khốn ở mạn bắc

Tháng 1 năm 615, Tùy Dượng Đế phân Bí thư tỉnh thành 20 viện, sau đó tự phong cho mình làm Tổng quản Dương châu.
Tháng 8 cùng năm, Dượng Đế và Tiêu Hậu đến tuần thị miền bắc. Trước kia, Bùi Củ muốn làm suy yếu Đông Đột Quyết nên hiến kế lập em Khả hãn Thủy Tất là Sất Cát làm Khả hãn ở phía nam để phân chia Đông Đột Quyết làm hai nửa. Tuy Sất Cát không dám nhận, nhưng cũng do đó mà Thủy Tất oán hận nhà Tùy, nên muốn nhân lúc Dượng Đế ở phía bắc mà tập kích bắt sống ông, bèn tập hợp 10 vạn quân để chuẩn bị. Việc này bị công chúa Nghĩa Thành biết được.
Khi Dượng Đế, Tiêu Hậu và Triệu vương Dương Cảo đến Nhạn Môn thì bị quân Đột Quyết bao vây. Trong thành Nhạn Môn lúc đó chỉ có 15 vạn người, thiếu lương trong hai tuần. 41 thành ở Nhạn Môn bị Đông Đột Quyết lấy hết 39, chỉ còn Nhạn Môn và Quách thành chưa bị hạ. Thủy Tất lại bao vây Nhạn Môn gấp rất. Tùy VaVũ Văn Thuật khuyên ông nên dùng hơn 1000 kị binh để phá vòng vây, đánh một trận sống mái với Đột Quyết. Dượng Đế hoảng sợ tột độ, chỉ còn biết ôm Triệu vương mà khóc. Sau đó ông nghe lời em trai hoàng hậu là Tiêu Vũ và Tô Uy không nên hành động mạo hiểm mà nên rút hết quân khỏi Cao Câu Ly mà tập trung quân lên phía bắc hộ giá cho ông.
Tùy Dượng Đế lại sai sứ đến cầu cứu công chúa Nghĩa Thành. Nghĩa Thành bèn nói dối với Thủy Tất là ở phía bắc có biến. Vì thế, Thủy Tất bãi binh[52][53], Dượng Đế thoát khỏi vòng vây và còn bắt khoảng 2000 người Đột Quyết mang về. Tháng 10 năm đó, ông về tới Đông Đô.

Chết ở Giang Đô

Đi đến Giang Đô

Năm 615, trong nước xuất hiện lời sấm truyền Lý thị đương vương. Tùy Dượng Đế lo sợ, nghi ngờ Lý Mẫn, con rể công chúa Dương Lệ Hoa chị mình[54], bèn mượn tay Vũ Văn Nga Anh, con gái Dương Lệ Hoa và là vợ Lý Mẫn, tố cáo Lý Mẫn làm phản, sau đó hạ lệnh giết chết cả nhà Lý Mẫn. Mấy tháng sau, ông sai bỏ thuốc độc hại chết Nga Anh.
Sang năm 616, miền bắc Trung Quốc nội loạn dâng cao. Các thành nhà Tùy liên tiếp bị các thủ lĩnh khởi nghĩa đánh bại, nhà Tùy tiến gần đến bờ vực của sự diệt vong. Trước đó vào cuối năm 615, khi Dượng Đế thoát khỏi vòng vây của Thủy Tất, đã trở về đóng ở Đông Đô Lạc Dương, cự tuyệt lời khuyên của Tô Uy rằng ông nên về Trường An. Đến tháng 4 năm 616, Dượng Đế hỏi quần thần về tình hình khởi nghĩa trong nước, Vũ Văn Thuật trả lời rằng còn rất ít cuộc khởi nghĩa, phần lớn đã bị dập tắt rồi. Ông lại hỏi Tô Uy, Uy trả lời đại họa đã đến gần[55]. Dượng Đế không hài lòng. Sang tháng 5, ông nghe lời gièm pha cho rằng lúc đánh Đột Quyết, Tô Uy nhận hối lộ. Dượng Đế muốn giết Tô Uy, nhưng cuối cùng phế làm thứ nhân.
Tháng 7 năm 616, Vũ Văn Thuật xin Tùy Dượng Đế đến tuần du Giang Đô. Dượng Đế đồng ý. Tướng quân Triệu Tài can ngăn rằng nếu ông rời khỏi miền bắc thì sẽ không thể trở về được nữa. Dượng Đế tức giận, bãi chức Triệu Tài, sau đó đến Giang Đô. Các đại thần Nhâm Tông và Thôi Dâm cũng dâng thư can ngăn, bị Dượng Đế sai dùng trượng đánh chết. Sau đó, Dượng Đế đến Giang Đô, để Dương Đồng ở lại trấn thủ Lạc Dương, có Đoàn Đạt, Nguyên Văn Đô, Vi Tân, Hoàng Phủ Thiên Dật, Lư Sở phụ tá. Ông làm hai câu thơ từ biệt cung nhân ở Lạc Dương
Ngã mộng Giang Đô hảo, chinh Liêu diệt ngẫu nhiên.

Rước giặc về nhà

Tháng sau Dượng Đế đến Giang Đô và ở đấy cho đến lúc bị giết. Đến tháng 10 năm 616, Vũ Văn Thuật bị bệnh. Trước kia hai con của Thuật là Vũ Văn Hóa CậpVũ Văn Trí Cập phạm tội, bị giam vào ngục, đến đây Thuật xin Dượng Đế tha cho họ. Dượng Đế nghe theo, lấy Hóa Cập làm Hữu truân vệ tướng quân, nối tước Hứa quốc công của Thuật, Trí Cập làm Thương tác thiếu giám, truy Vũ Văn Thuật là Hứa Cung công.
Từ năm 617, miền bắc bạo loạn khắp nơi, đường về kinh của Dượng Đế bị cắt đứt. Tùy Dượng Đế cho rằng mình đang được đội Kiêu Quả quân tinh nhuệ bảo vệ chắc chắn ở Giang Đô, nên không muốn trở về phương Bắc hỗn loạn, suy tính việc rời đô từ Trường An đến Đan Dương[56]. Mùa đông năm đó, Đường quốc công Lý Uyên ở Thái Nguyên chiếm được Trường An, lập Dương Hựu làm hoàng đế, tức Tùy Cung Đế, tôn Dượng Đế, lúc đó đang ở Giang Đô, làm thái thượng hoàng. Toàn bộ miền bắc Trung Quốc khi đó không còn nằm trong sự kiểm soát của Tùy Dượng Đế nữa.

Những ngày tháng cuối cùng

Mặc dù đến Giang Đô nhưng Dượng Đế vẫn tiếp tục lối sống hoang dâm xa xỉ như trước, cung nhân tuyển thêm mấy trăm người ở miền nam. Quận thừa Giang Đô là Triệu Nguyên Khải thường dâng các món ngon vật lạ lên Dượng Đế để lấy lòng; trong khi Dượng Đế, Tiêu Hậu và các mỹ nhân ngày đêm hoang lạc vui chơi, không thiết gì đến triều chính nữa.
Không lâu sau, ông đem ý định dời đô xuống nam nói với quần thần. Ngu Thế Cơ cho rằng đất Giang Đông ẩm thấp, ít lương thực, lòng dân xao động, không phải là chỗ để đóng đô, nên bị khép vào tội phỉ báng triều đình. Các đại thần khác hoảng sợ, thi nhau dâng biểu xin đế dời đô sang Đan Dương.
Sang năm 618, lương thực ở Giang Đô ngày một cạn, các binh sĩ Kiêu Quả phần lớn đều quê ở vùng Quan Trung nhớ nhà, muốn trở về, nhưng những người đào ngũ lúc trước đều bị giết, họ bèn họp nhau làm binh biến giết Dượng Đế đi. Các thủ lĩnh quân Kiêu Quả là Tư Mã Đức Kham. Bùi Kiền Thông, Nguyên Lễ, Dương Sĩ Lãm ... liên kết với Vũ Văn Hóa Cập, hẹn nhau tạo phản.
Trong cung có người biết việc này, nói với Tiêu Hậu. Tiêu Hậu giấu không thông báo với Dượng Đế vì cho rằng vận nhà Tùy không thể cứu vãn được nữa. Khi có cung nhân báo việc này lên, đế sai giết chết người đó đi, rồi càng ăn chơi nhiều hơn trước.
Tháng 3 năm 618, quân Kiêu Quả chuẩn bị xong lực lượng, kéo đến bao vây cung điện của Dượng Đế. Tư Mã Đức Kham đem hơn vạn quân ở Đông Thành, hẹn nhau hễ thấy lửa nổi lên thì liên kết với quân ngoài thành cùng tiến vào cung. Lúc đó tình thế đã rất nguy kịch mà Dượng Đế vẫn thản nhiên.
Canh ba ngày Ất Mão (10) tháng 3 (10 tháng 4 năm 618), Tư Mã Đức Kham phóng lửa, quân nổi loạn ồ ạt xông vào nắm giữ cung điện vào ngày Bính Thìn hôm sau, tức 11 tháng 4. Tùy Dượng Đế nghe tin có biến loạn, muốn chạy sang Tây Các, bị Bùi Kiền Thông và Dương Nguyên Lễ tóm được. Giáo úy Lệnh Hồ Hành Đạt cầm siêu đao xông đến, ông hỏi
Ngươi muốn giết trẫm sao?
Hành Đạt nói
Thần không dám, chỉ mong Bệ hạ về phía tây (Trường An) mà thôi.
Dượng Đế tưởng họ không giết mình, nên đồng ý về Trường An. Tuy nhiên, Vũ Văn Hóa Cập tự xưng Thừa tướng, vào phủ đường. Dượng Đế bị ép phải đích thân ra đón. Ông biết Hóa Cập muốn hại mình, bèn hỏi
Trẫm có tội gì?
Hóa Cập sai kể tội Dượng Đế rằng
Bệ hạ bỏ bê tôn miếu, tuần du liên miên, bên ngoài loạn lạc, bên trong dâm loạn, sử đinh chết vì binh đao, đàn bà bị làm nhục, bốn phương ly tán, đạo tặc khắp nơi, chỉ nghe nịnh thần, bỏ bê trung lương, chẳng lẽ là không có tội sao.
Dượng Đế bảo
Trẫm quả có tội với bách tính, nhưng chư khanh là thần tử của trẫm, trẫm ban cơm áo vàng bạc rất hậu, có phải thế không. Sự việc hôm nay là do ai bày ra.
Đức Kham trả lời
Mọi người đều oán bệ hạ, đâu chỉ có một người.
Hóa Cập lại sai Phòng Đức Di lập tội trạng của Dượng Đế. Ông nói
Người chỉ là sĩ nhân mà dám làm việc này sao?.
Đức Di đành lui ra. Người con trai thứ của Dượng Đế là Triệu vương Dương Cảo, năm đó 12 tuổi, được ông yêu thương, Hóa Cập bèn sai giết đi[57].
Sau đó lại định hạ sát Dượng Đế. Dượng Đế cho rằng thiên tử có cách chết của thiên tử, muốn dùng thuốc độc tự tử. Do trước đó Dượng Đế đã đoán biết có ngày này, nên luôn chuẩn bị độc dược trao cho cung nhân. Lúc đó cung nhân bỏ chạy hết, không tìm được thuốc độc[58]. Lệnh Hồ hành Đạt bèn lấy giải lụa trắng siết cổ Dượng Đế. Năm đó, Tùy Dượng Đế được 49 tuổi, ở ngôi 14 năm.
Sau đó, quân Kiêu Quả giết chết em trai Dượng Đế là Thục vương Dương Tú, người con thứ hai của ông là Tề vương Dương Giản cùng hai con. Tôn thất nhà Tùy bị ở Giang Đô bị giết gần hết, chỉ còn Tần vương Dương Hạo. Hóa Cập giả lệnh của Tiêu Hậu bèn tôn làm vua, nhưng tự xưng Đại thừa tướng, nắm mọi quyền hành[59][60] và giết nhiều quan lại trong triều. Không lâu sau ở Trường An, Lý Uyên ép Dương Hựu nhường ngôi, lập ra nhà Đường. Nhà Tùy bị diệt vong.
Tùy Dượng Đế bị giết, Tiêu Hậu và các cung nhân không có ai giúp việc làm tang, đành tìm tạm quan tài gỗ cho ông, sau đó gần một năm, khi Hóa Cập bị diệt, Dượng Đế mới được chôn cất, nhưng không theo đúng lễ nghi thiên tử. Mãi đến năm 622, khi nhà Đường cơ bản đã thống nhất Trung Quốc, Đường Cao Tổ mới cho cải táng ông theo lễ thiên tử, đặt thụy là Dượng hoàng đế.

Đánh giá

Cậy tài kiêu ngạo

Dạng Đế có tài văn chương, có sáng tác thơ văn. Sau khi đọc Tùy Dạng Đế tập, Đường Thái Tông hết sức khen ngợi là "văn chương uyên bác", luận về thơ văn đúng là minh chúa kiểu vua Nghiêu Thuấn, rồi than thở về Dạng Đế rằng:
"Sao hành sự lại ngược lại như vây?".
Ngụy Trưng nói:
"Dạng Đế dựa vào tài năng, kiêu căng tự tác, cho nên miệng thì nói lời Nghiêu Thuấn mà thân lại đi làm những hành vi của Kiệt Trụ".
Lời Ngụy Trưng thật là xác đáng. Dạng đế cho rằng mình không phải người thường, huênh hoang tự đắc, vốn không cho phép triều thần làm trái ý mình. Ông ta bảo rằng "tính không thích ai can gián". Ai đã có quan cao lộc hậu mà vẫn còn muốn can gián để nổi danh thì sẽ lấy mạng kẻ ấy. Tô Uy, Tiêu Vũ, Tiết Đạo Hành... do có lời khuyên can, nếu không mất đầu thì cũng mất chức. Ngay cả Trương Hành là thân tín cũng không thể may mắn thoát khỏi.
Dạng Đế không những không nhận lấy bài học, ngược lại càng dấn sâu thêm. Liên tiếp 2 năm tiếp theo, năm nào cũng điều quân ra trận, làm cho thiên hạ náo loạn, Trung Quốc hết sức khó khăn mệt nhọc. Sau đại chiến, tất có mất mùa, Năm Đại Nghiệp thứ 7 (611), lũ lụt hàng loạt ở Sơn Đông, Hà Nam, tiếp theo năm sau thì xảy ra đại hạn, người dân chết vài trăm ngàn người, họ phải ăn thịt lẫn nhau.
Tùy Dạng đế văn võ song toàn, khôi ngô tuấn tú, từ khi còn nhỏ đã nổi tiếng về thơ văn, năm 20 tuổi đã lập công diệt nhà Trần, ông ta vốn có thể làm một vị vua anh minh văn võ nổi danh, nhưng những gì ông ta đã làm thật không khác vết xe đổ của vua Trụ.
Nhà Tùy thống nhất Nam Bắc, là một vương triều đang lên, Tùy Văn Đế cởi mở tiếp thu can gián[cần dẫn nguồn], lập nên thời thịnh trị Khai Hoàng, quốc thái dân an. Tiếp đến là Dạng Đế thông minh cái thế, Vương triều Tùy lẽ ra phải tiến lên giàu mạnh, nhưng cuối cùng lại trở thành vị vua mất nước.

Hoang dâm vô độ

Tùy Dượng Đế bị sử sách cho là người xa hoa, dâm dục, bị người đời chế giễu là Hoàng đế quỳnh quang. Để thỏa mãn thú vui, ông nhiều lần đã bắt dân tìm hàng triệu con đom đóm cho vào vườn Ngự Uyển để thay cho ánh đèn, tăng vẻ đẹp cho khu vườn.
Lúc tranh ngôi thái tử, Dương Quảng do muốn lấy lòng Độc Cô hoàng hậu nên giả vờ không thiết gì đến tửu sắc. Đến khi lên ngôi, Dượng Đế đã cho tìm bắt nhiều mĩ nữ về cung, phong 3 Phu nhân, 9 bà Tần, 27 bà Thế phụ, 81 Ngự thiếp, tổng cộng 120 người[61], và còn lấy hai phu nhân Trần, Thái của cha là Tùy Văn Đế. Ngoài ra, ông còn mắc bệnh ấu dâm, thích giao cấu với các bé gái, bắt nhiều bé gái chưa đến 13 tuổi vào cung và sai Chu Hà chế ra một chiếc xe gọi là xe tùy ý. Trên chiếc xe này, Tùy Dượngng Đế cho thiết kế rất nhiều chi tiết giúp giữ chặt tay chân của những thiếu nữ được ông ta đưa vào trong xe, khiến họ không thể cử động được, và Dượng Đế dễ dàng trong việc lâm hạnh các bé mà không vấp phải sự chống trả nào[62]. Hơn nữa, nhiều lần ông còn sai hoạ sỹ vẽ lại cảnh mình làm tình với các thiếu nữ rồi cho treo trong cung để ngắm.

Xa xỉ lãng phí

Tùy Dượng Đế sống rất xa xỉ, thường đi tuần du, mỗi lần tuần du như vậy đều dùng nghi lễ cung đình, hành cung dịch trạm xây dựng khắp cả nước để riêng cho ông ở không biết bao nhiêu mà kể. Mỗi lần tuần du đến đâu, nếu thấy quan lại địa phương ở đó tiếp đón không bằng nghi lễ trong cung thì lập tức ghét bỏ, bãi chức, do đó các quan đều đua nhau chuẩn bị tốn kém khi nghe vua đến, do đó mọi gánh nặng đều đổ lên vai người dân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo loạn cuối đời Tùy. Về việc này, Ngụy Trưng nhận xét trước mặt Đường Thái Tông rằng
Dương Quảng tuần du, yêu cầu quan quận huyện dâng thức ăn, lấy sự thịnh soạn làm tiêu chuẩn thưởng phạt, kết quả thiên hạ đại loạn.

Tranh cãi về việc giết cha

Sách Tùy thư, các quyển bản kỉ Văn Đế và Dượng Đế đều không nhắc một dòng nào về việc Dương Quảng giết cha. Sự việc này chỉ được nói đến ở Tùy thư, Hậu phi truyện, phần viết về Tuyên Hoa phu nhân Trần thị. Sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang cũng chiếu theo đó mà dựng lên cốt truyện tương tự. Tuy nhiên, các sử gia ngày nay lên tiếng nghi ngờ thông tin này, cho rằng Văn Đế qua đời là do bệnh tật, không liên quan đến Dượng Đế và cho rằng câu chuyện bịa đặt vu khống Dương Quảng là do tác giả Triệu Nghị trong cuốn Đại Nghiệp lược kí viết vào đầu thời nhà Đường dựng lên, các sử gia biên soạn Tùy thư lấy theo đó mà chép vào tác phẩm.[63]
Nhân vật Dương Quảng còn xuất hiện trong các tiểu thuyết đời Minh Thanh như Thuyết Đường, Tùy Đường diễn nghĩa và đặc biệt là tiểu thuyết Tùy Dượng Đế diễm sử của tác gia Tề Đông Dã Nhân. Tác phẩm này miêu tả cuộc đời của Tùy Dượng Đế, và được gọi là diễm sử bởi vì theo tác giả Dượng Đế là ông vua phong lưu thiên cổ, nhất cử nhất động của ông, không việc gì mà không vui tai vui mắt, được người ta cho là kỳ diễm, nên gọi sách này là diễm sử[64].

Lăng mộ

Tháng 4 năm 2013, lăng mộ của Tùy Dượng Đế được khai phá ở Dương Châu.

Gia đình

Xem thêm

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ Nay thuộc địa phận tỉnh Dương Châu, Trung Quốc
  2. ^ Chu thư, quyển 16
  3. ^ Tùy thư, quyển 3
  4. ^ Bắc sử, quyển 10
  5. ^ Tư trị thông giám, quyển 175
  6. ^ Nay thuộc địa phận Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc
  7. ^ Nguyên bản Tùy thư, quyển 3 chép tên ông này là Hâm. Thái Bình ngự lãm chép là Thiều
  8. ^ Tùy thư, quyển 36
  9. ^ An Huy, Trung Quốc ngày nay
  10. ^ Trần thư, quyển 6
  11. ^ Nam sử, quyển 10
  12. ^ Tư trị thông giám, quyển 177
  13. ^ Tùy thư, quyển 53
  14. ^ Tư trị thông giám, quyển 179
  15. ^ Tùy thư, quyển 45
  16. ^ Tư trị thông giám, quyển 179
  17. ^ Nay thuộc địa phận Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
  18. ^ Nay thuộc địa phận Hồ Bắc, Trung Quốc
  19. ^ Tùy thư, quyển 36]
  20. ^ Do Độc Cô là người ủng hộ Dương Quảng thay anh là Dương Dũng làm thái tử
  21. ^ Tư trị thông giám, quyển 180
  22. ^ Tùy thư, quyển 45
  23. ^ Bắc sử, quyển 71
  24. ^ Bắc sử, quyển 11
  25. ^ Thiểm Tây, Trung Quốc hiện nay
  26. ^ Bắc sử, quyển 95
  27. ^ Đại Việt sử kí toàn thư, đời thuộc Tùy Đường
  28. ^ Nay thuộc Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
  29. ^ Thương Khâu, Hà Nam, Trung Quốc
  30. ^ Thuộc tỉnh An Huy ngày nay
  31. ^ Liêu Ninh, Trung Quốc ngày nay
  32. ^ Tùy thư, quyển 59
  33. ^ Tùy thư, quyển 3
  34. ^ nay là Hồn Hà ở ngoài Trường Thành, thuộc Nội Mông-tây bắc Sơn Tây, Trung Quốc
  35. ^ Tùy thư, quyển 41
  36. ^ Tư trị thông giám, quyển 181
  37. ^ Tùy thư, quyển 81
  38. ^ Tư trị thông giám, quyển 181
  39. ^ Nay thuộc lãnh thổ Nhật Bản
  40. ^ Bắc sử, quyển 94
  41. ^ Tùy thư, quyển 85
  42. ^ Tư trị thông giám, quyển 181
  43. ^ Tư trị thông giám, quyển 181
  44. ^ Liêu Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc ngày nay
  45. ^ Tư trị thông giám, quyển 181
  46. ^ Bắc sử, quyển 74
  47. ^ Tùy thư, quyển 5
  48. ^ Nay thuộc địa phận Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
  49. ^ Tư trị thông giám, quyển 182
  50. ^ Tùy thư, quyển 70
  51. ^ Tư trị thông giám, quyển 182
  52. ^ Tùy thư, quyển 4
  53. ^ Bắc sử, quyển 12
  54. ^ Lệ Hoa từng là hoàng hậu của Bắc Chu Tuyên Đế, sau đó được gả cho Vũ Văn Thuật
  55. ^ Tư trị thông giám, quyển 183
  56. ^ Nay thuộc Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc
  57. ^ Tùy thư, quyển 59
  58. ^ Tư trị thông giám, quyển 185
  59. ^ Tùy thư, quyển 85
  60. ^ Bắc sử, quyển 79
  61. ^ Những hoàng đế biến thái trong lịch sử Trung Quốc
  62. ^ Quái chiêu phòng the của các hoàng đế
  63. ^ Sự thật về hoàng đế dâm loạn nhất lịch sử Trung Hoa
  64. ^ Tùy Dượng Đế diễm sử qua bản dịch nghiêm túc và tài hoa của học giả Nguyễn Khuê
Tùy Dạng Đế
Sinh:   năm 569 Mất: 11 tháng 3 năm 618
Tước hiệu
Tiền vị:
Tùy Văn Đế
Hoàng đế nhà Tùy (miền tây)
604-617
Kế vị
Tùy Cung Đế
Hoàng đế nhà Tùy (miền đông)
604-618
Kế vị
Dương Đồng (Việt vương)
Hoàng đế nhà Tùy (quân kiêu quả)
604-618
Kế vị
Dương Hạo (Tần vương)
Hoàng đế Trung Hoa (Trung Hà Nam)
604-616
Kế vị
Lý Mật (Ngụy công)
Hoàng đế Trung Hoa (Sơn Đông)
604-617
Kế vị
Từ Viên Lãng (Lỗ vương)
Hoàng đế Trung Hoa (Giang Tây/Quảng Đông/Hải Nam)
604-617
Kế vị
Lâm Sĩ Hoằng (Sở đế)
Hoàng đế Trung Hoa (Tây Nội Mông Cổ/Bắc Thiểm Tây)
604-617
Kế vị
Lương Sư Đô (Lương đế)
Hoàng đế Trung Hoa (Bắc Sơn Tây)
604-617
Kế vị
Lưu Vũ Chu (Định Dương khả hãn)
Hoàng đế Trung Hoa (Hà Bắc)
604-617
Kế vị
Đậu Kiến Đức (Hạ vương)
Hoàng đế Trung Hoa (Đông Cam Túc)
604-617
Kế vị
Tiết Cử (Tần Vũ đế)
Hoàng đế Trung Hoa (Tây Cam Túc)
604-617
Kế vị
Lý Quỹ (Lương đế)
Hoàng đế Trung Hoa (Hồ Bắc/Hồ Nam/Quảng Tây/Bắc Việt Nam)
604-617
Kế vị
Tiêu Tiển (Lương đế)
Hoàng đế Trung Hoa (Chiết Giang)
604-618
Kế vị
Thẩm Pháp Hưng (Lương vương)
Hoàng đế Trung Hoa (Bắc Kinh)
604-618
Kế vị
Lý Uyên
Hoàng đế Trung Hoa (Bắc Hà Bắc)
604-618
Kế vị
Cao Khai Đạo (Yên vương)

SMS Blücher

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
A large gray warship sails through calm seas; a dark cloud of smoke pours out of its two smoke stacks.
Tàu tuần dương bọc thép SMS Blücher vào năm 1912
Phục vụ (Đức) War Ensign of Germany 1903-1918.svg
Tên gọi: SMS Blücher
Đặt tên theo: Gebhard Leberecht von Blücher[1]
Hãng đóng tàu: Kaiserliche Werft, Kiel
Đặt lườn: 21 tháng 2 năm 1907
Hạ thủy: 11 tháng 4 năm 1908
Nhập biên chế: 1 tháng 10 năm 1909
Số phận: Bị đánh chìm trong trận Dogger Bank, 24 tháng 1 năm 1915
Đặc điểm khái quát
Kiểu: Tàu tuần dương bọc thép
Trọng tải choán nước: 15.842 t (15.592 tấn Anh) (thiết kế)
17.500 t (17.200 tấn Anh) (đầy tải)
Độ dài: 161,8 m (530 ft 10 in) (chung)
Sườn ngang: 24,5 m (80 ft 5 in)
Mớn nước: 8,84 m (29 ft 0 in)
Động cơ đẩy: 3 × động cơ hơi nước 4 xy-lanh;
18 × nồi hơi kiểu thủy quân;
3 × trục;
công suất 32.000 ihp (24.000 kW)
Tốc độ: 25,4 hải lý một giờ (47,0 km/h; 29,2 mph)
Tầm xa: 6.600 nmi (12.220 km; 7.600 mi) ở tốc độ 12 hải lý một giờ (22 km/h; 14 mph);
3.350 nmi (6.200 km; 3.860 mi) ở tốc độ 18 hải lý một giờ (33 km/h; 21 mph)
Tầm hoạt động: 2.510 t (2.470 tấn Anh) than
Thủy thủ đoàn
đầy đủ:
41 sĩ quan, 812 thủy thủ;
(1.026 người trong trận Dogger Bank)
Vũ trang: 12 × pháo 210 mm (8,3 in) SK L/45 (6×2);
8 × pháo 150 mm (5,9 in) SK L/45;
16 × pháo 88 mm (3,46 in);
4 × ống phóng ngư lôi 450 mm (17,7 in)
Bọc giáp: đai giáp chính: 6–18 cm (2,4–7,1 in);
sàn tàu: 5–7 cm (2,0–2,8 in);
tháp pháo: 6–18 cm (2,4–7,1 in);
bệ tháp pháo: 18 cm (7 in);
tháp chỉ huy: 8–25 cm (3,1–9,8 in)
SMS Blücher[Ghi chú 1] là chiếc tàu tuần dương bọc thép cuối cùng được Hải quân Đế quốc Đức (Kaiserliche Marine) chế tạo. Được thiết kế để bắt kịp với những gì mà tình báo Đức tin tưởng một cách sai lầm là tính năng của lớp tàu chiến-tuần dương Anh Invincible, Blücher lớn hơn mọi tàu tuần dương bọc thép bọc thép trước đây, và mang nhiều pháo hạng nặng hơn, nhưng vẫn không sánh được kích thước và vũ khí của thế hệ tàu chiến-tuần dương, vốn bắt đầu thay thế cho các tàu tuần dương bọc thép trong thành phần Hải quân Anh và Đức. Blücher được đặt tên theo vị Thống chế người Phổ Gebhard Leberecht von Blücher, Tư lệnh lực lượng Phổ trong trận Waterloo năm 1815.
Blücher được đóng tại xưởng tàu Kaiserliche Werft (Xưởng tàu Đế chế) ở Kiel từ năm 1907 đến năm 1909, và được đưa ra hoạt động vào ngày 1 tháng 10 năm 1909. Nó phục vụ cùng Đội Tuần tiễu 1 trong hầu hết quãng đời hoạt động, bao gồm giai đoạn mở đầu của Chiến tranh Thế giới thứ nhất; đã tham các cuộc bắn phá Yarmouth cùng cuộc bắn phá Scarborough, Hartlepool và Whitby trong năm 1914.
Trong trận Dogger Bank vào ngày 24 tháng 1 năm 1915, Blücher bị mất tốc độ đáng kể sau khi bị bắn trúng bởi hải pháo của Hải đội Tàu chiến-Tuần dương Anh dưới quyền chỉ huy của Phó đô đốc David Beatty. Chuẩn đô đốc Franz von Hipper, chỉ huy hải đội Đức, quyết định bỏ lại Blücher cho các tàu chiến đối phương truy đuổi nhằm cứu lấy các tàu chiến-tuần dương có giá trị hơn của mình. Dưới hỏa lực hoàn toàn áp đảo từ đối phương, Blücher lật úp và chìm, và các tàu khu trục Anh bắt đầu vớt những người sống sót. Tuy nhiên chúng buộc phải rút lui sau khi một khí cầu zeppelin tìm cách ném bom do nhầm tưởng Blücher là một tàu chiến-tuần dương Anh. Không thể biết chính xác tổn thất về nhân mạng, các con số thống kê đưa ra dao động trong khoảng từ 747 đến khoảng 1.000 người tử trận.

Thiết kế

Bối cảnh

Tàu tuần dương bọc thép Đức, vốn được đặt tên Große Kreuzer (tàu tuần dương lớn), được thiết kế cho nhiều vai trò, bao gồm đối đầu với lực lượng trinh sát đối phương cũng như chiến đấu trong hàng chiến trận.[2] Chiếc tàu tuần dương bọc thép cũ nhất Fürst Bismarck được chế tạo một cách vội vã để được bố trí đến Trung Quốc hỗ trợ cho việc dập tắt cuộc Nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900. Các tàu tuần dương bọc thép tiếp theo, ngoại trừ hai chiếc lớp Scharnhorst, đã phục vụ cùng hạm đội trong lực lượng trinh sát.[3]
Vào ngày 26 tháng 5 năm 1906, Quốc hội Đức (Reichstag) thông qua ngân sách chế tạo Blücher cùng với hai thiết giáp hạm lớp Nassau. Cho dù con tàu lớn hơn và mạnh mẻ hơn đáng kể so với mọi tàu tuần dương bọc thép trước đó, Blücher vẫn giữ lại tên gọi này nhằm che giấu bản chất sức mạnh của nó.[4] Con tàu được đặt hàng dưới cái tên tạm thời "E"; thiết kế của nó bị ảnh hưởng bởi yêu cầu bắt kịp những tàu tuần dương bọc thép Anh mà người ta biết đang được chế tạo. Người Đức dự đoán các tàu chiến mới của Anh sẽ trang bị sáu hoặc tám pháo 9,2 in (23 cm);[5] do đó Hải quân Đức chấp thuận một thiết kế bao gồm mười hai khẩu 21 cm (8,3 in) trên sáu tháp pháo nòng đôi, mạnh hơn đáng kể so với lớp tàu tuần dương bọc thép Scharnhorst của Đức trước đó vốn chỉ có tám khẩu pháo 21 cm.[6]
Một tuần sau khi có quyết định sau cùng cho phép chế tạoBlücher, Tùy viên Hải quân sứ quán Đức tại Anh có được đặc tính chi tiết các con tàu mới của Anh, vốn được đặt tên là lớp Invincible. Trong thực tế HMS Invincible mang tám khẩu pháo 30,5 cm (12,0 in), cùng loại với kiểu được trang bị trên những thiết giáp hạm đương thời. Người ta nhanh chóng nhận ra đây là một kiểu tàu chiến hoàn toàn mới, mà cuối cùng sẽ được xếp loại như những tàu chiến-tuần dương. Khi chi tiết của lớp Invincible được bộc lộ, đã quá trễ để có thể thiết kế lại Blücher, và cũng không có kinh phí cho việc tái thiết kế, nên công việc vẫn tiến hành theo kế hoạch. [7] Blücher bị tranh luận là đã lạc hậu ngay cả trước khi việc chế tạo bắt đầu, và nhanh chóng bị các tàu chiến-tuần dương của Hải quân Đức vượt hơn, bắt đầu với chiếc Von der Tann được đặt hàng vào năm 1907.[8] Cho dù vậy, Blücher vẫn thường được bố trí hoạt động cùng với hải đội tàu chiến-tuần dương Đức.[5][Ghi chú 2] Con tàu gây tốn kém cho Chính phủ Đức tổng cộng 28.532.000 Mác vàng Đức.[9]

Các đặc tính chung

Blücher có chiều dài ở mực nước là 161,1 m (528 ft 7 in) và chiều dài chung là 161,8 m (530 ft 10 in); mạn thuyền rộng 24,5 m (80 ft 5 in), và khi lưới chống ngư lôi được gắn dọc bên lườn tàu mạn thuyền sẽ tăng lên 25,62 m (84 ft 1 in). Con tàu có mớn nước 8,84 m (29 ft 0 in) phía trước mũi, nhưng kém hơn đôi chút 8,56 m (28 ft 1 in) phía đuôi. Con tàu có trọng lượng choán nước thiết kế 15.842 t (15.592 tấn Anh), và tối đa 17.500 t (17.200 tấn Anh) khi đầy tải. Lườn tàu được cấu trúc bởi các khung thép ngang và dọc, con tàu có tổng cộng 13 ngăn kín nước và một đáy kép chiếm khoảng 65% chiều dài lườn tàu.[9]
Tài liệu lưu trữ của Hải quân Đức cho thấy sự hài lòng đối với con tàu do độ linh hoạt ngoài biển. Tuy nhiên, nó bị ảnh hưởng chòng chành nặng, và khi bẻ lái gắt nó nghiêng cho đến 10° và bị mất cho đến 55% tốc độ. Chiều cao khuynh tâm của Blücher là 1,63 m (5 ft 4 in). Thủy thủ đoàn đầy đủ của nó bao gồm 41 sĩ quan và 812 thủy thủ, với thêm 14 sĩ quan và 62 thủy thủ nếu hoạt động như soái hạm của hải đội. Nó mang theo một số xuồng nhỏ, bao gồm hai xuồng gác, ba xuồng chỉ huy, hai xuồng đổ bộ, hai xuồng yawl và một xuồng nhỏ.[9]

Hệ thống động lực

Blücher trang bị ba động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đặt dọc 4 xy lanh, mỗi động cơ nối với một trục chân vịt, và một bánh lái. Chân vịt giữa có đường kính 5,3 m (17 ft 5 in) trong khi hai chân vịt phía ngoài hơi lớn hơn với đường kinh 5,6 m (18 ft 4 in). Các động cơ được bố trí trong các phòng động cơ riêng biệt, mỗi phòng còn có 6 nồi hơi kép kiểu hàng hải lên đến tổng cộng 18 nồi hơi đốt than. Con tàu có tốc độ thiết kế tối đa 24,5 kn (45,4 km/h), nhưng nó đã đạt đến 25,4 kn (47,0 km/h) khi chạy thử máy. Ở tốc độ đi đường trường 12 kn (22 km/h), Blücher có thể đi được 6.600 nmi (12.200 km; 7.600 mi); nhưng với tốc độ 18 kn (33 km/h) tầm hoạt động bị giảm đáng kể chỉ còn 3.250 nmi (6.020 km; 3.740 mi). Con tàu được thiết kế để chở theo 900 t (890 tấn Anh) than, nhưng những khoảng trống trong lườn tàu có thể tận dụng để chứa cho đến 2.510 t (2.470 tấn Anh). Điện năng được cung cấp từ sáu máy phát turbine công suất cho đến 1.000 KW ở điện thế 225 volt.[9] Kỷ lục về công suất lớn nhất mà một hệ thống động cơ hơi nước chuyển động qua lại từng đạt được trên một tàu chiến là của Blücher, đạt đến 43.886 ihp (32.726 kW) khi nó chạy thử máy vào năm 1909.[10]

Vũ khí

Blücher được trang bi mười hai khẩu pháo 21 cm (8,3 in) SK L/45[Ghi chú 3] bắn nhanh trên sáu tháp pháo nòng đôi, gồm một cặp phía trước mũi và một cặp phía đuôi tàu, cùng hai tháp pháo mạn hai bên cấu trúc thượng tầng. Các khẩu pháo được cung cấp tổng cộng 1.020 quả đạn pháo, tức 85 quả cho mỗi khẩu pháo;[9] mỗi quả đạn nặng 108 kg (240 lb) và có chiều dài 61 cm (24 in).[11] Các khẩu pháo có thể hạ cho đến góc −5° và nâng tối đa cho đến góc 30°, cho phép có tầm xa tối đa 19.100 m (20.900 yd).[9] Tốc độ bắn của chúng là 4 đến 5 phát mỗi phút.[11][12]
Con tàu còn có một dàn pháo hạng hai bao gồm tám khẩu 15 cm (5,9 in) SK L/45 bắn nhanh bố trí trong các tháp pháo ụ kiểu MPL C/06;[13][14] phân bố hai bên mạn tàu phía giữa tàu.[9] Các khẩu pháo này có thể đối đầu mục tiêu ở cách xa 13.500 m (14.800 yd).[12] Chúng được cung cấp tổng cộng 1.320 quả đạn pháo, tức 165 quả đạn cho mỗi khẩu pháo, và có thể duy trì một tốc độ bắn từ 5 đến 7 phát mỗi phút.[13] Đạn pháo này nặng 45,3 kg (99,9 lb)[14] và được nạp liều thuốc phóng RPC/12 nặng 13,7 kg (30,2 lb) chứa trong vỏ đồng.[13] Khẩu pháo bắn ra với lưu tốc đầu đạn 835 m/s (2.740 ft/s),[12] và được kỳ vọng sẽ bắn được khoảng 1.400 phát trước khi cần phải thay nòng.[13]
Blücher còn được trang bi mười sáu khẩu pháo 8,8 cm (3,46 in) SK L/45 bắn nhanh, được bố trí cả trong tháp pháo ụ lẫn trên các trục xoay; bốn tháp pháo ụ được đặt gần cầu tàu, bốn khẩu phía mũi và bốn khẩu phía đuôi, trong khi bốn khẩu đặt trên trục xoay được bố trí trên cấu trúc thượng tầng phía Chúng được cung cấp tổng cộng 3.200 quả đạn pháo, tức 200 quả cho mỗi khẩu,[9] và có thể bắn ở tốc độ 15 phát mỗi phút. Đạn pháo nổ mạnh (HE) của chúng nặng 10 kg (22 lb),[14] và được nạp liều thuốc phóng RPC/12 nặng 3 kg (6,6 lb), đạt được tầm bắn xa tối đa 10.700 m (11.700 yd).[14] Các khẩu pháo này có tuổi thọ nòng pháo được hy vọng khoảng 7.000 phát.[15]
Blücher còn được trang bi bốn ống phóng ngư lôi 45 cm (18 in), gồm một trước mũi, một phía đuôi và một mỗi bên mạn giữa tàu, tất cả đều được đặt trên mặt nước. Con tàu mang theo tổng cộng 11 quả ngư lôi.[9] Kiểu vũ khí này mang một đầu đạn nặng 110 kg (240 lb) và có thể cài đặt ở hai mức tốc độ vốn sẽ ảnh hưởng đến tầm xa; ở tốc độ 32 kn (59 km/h) chúng có tầm xa tối đa 2.000 m (2.200 yd), và ở tốc độ 36 kn (67 km/h) tầm xa tối đa giảm còn 1.500 m (1.600 yd).[14]

Vỏ giáp

Giống như mọi tàu chiến chủ lực Đức vào thời đó, Blücher được trang bị thép giáp Krupp. Sàn tàu bọc thép dày 5–7 cm (2,0–2,8 in), các phần trọng yếu của con tàu được bảo vệ bằng lớp thép dày hơn, còn những phần ít quan trọng của sàn tàu có lớp thép mỏng hơn.[9] Đai giáp dày đến 18 cm (7,1 in) ở phần giữa con tàu nơi động cơ, các hầm đạn và các phần quan trọng khác được bố trí, và vuốt mỏng còn 8 cm (3,1 in) ở các phần còn lại, nhưng không kéo dài đến tận mũi và đuôi tàu. Phía sau suốt chiều dài của đai giáp là một lớp lót bổ sung bằng gỗ teak dày 3 cm (1,2 in). Đai giáp còn được tăng cường bởi một vách ngăn chống ngư lôi dày 3,5 cm (1,4 in)[9] cho dù chỉ kéo dài từ ngang tháp pháo mũi đến ngang tháp pháo đuôi.[16]
Tháp chỉ huy phía trước là phần được bảo vệ mạnh nhất của con tàu: các mặt hông của nó có vỏ giáp dày 25 cm (9,8 in) và nóc dày 8 cm (3,1 in). Tháp chỉ huy phía sau được bảo vệ kém hơn với nóc dày 3 cm (1,2 in) và các mặt hông dày 14 cm (5,5 in). Vùng thành trì trung tâm của con tàu có vỏ giáp dày 16 cm (6,3 in); các tháp pháo của dàn pháo chính có nóc dày 8 cm (3,1 in) và các mặt bên dày 18 cm (7,1 in), trong khi các tháp pháo ụ có vỏ giáp dày 14 cm (5,5 in).[9]

Lịch sử hoạt động

A large gray warship sits in harbor, wispy smoke billows lazily from two smoke stacks
SMS Blücher trước chiến tranh, khoảng năm 19131914
Blücher được hạ thủy vào ngày 11 tháng 4 năm 1908 và đưa ra hoạt động cùng hạm đội vào ngày 1 tháng 10 năm 1909. Nó đã phục vụ như là tàu huấn luyện tác xạ cho pháo thủ hải quân bắt đầu từ năm 1911. Đến năm 1914, nó được chuyển sang Đội Tuần tiễu 1 cùng với các tàu chiến-tuần dương mới Von der Tann, Moltkesoái hạm Seydlitz.[9]

Càn quét Baltic

Hoạt động đầu tiên mà Blücher tham gia trong chiến tranh là đợt càn quét vào biển Baltic chống lại lực lượng Hải quân Đế quốc Nga mà cuối cùng bất phân thắng bại. Vào ngày 3 tháng 9 năm 1914, cùng với bảy thiết giáp hạm tiền-dreadnought thuộc Hải đội Chiến trận 4, năm tàu tuần dương hạng nhẹ và 24 tàu khu trục, Blücher đã tiến vào biển Baltic với ý định lôi kéo một phần hạm đội Nga và tiêu diệt chúng. Tàu tuần dương Augsburg đã đụng độ với các tàu tuần dương bọc thép Nga BayanPallada về phía Bắc đảo Dagö (nay là Hiiumaa). Chiếc tàu tuần dương Đức tìm cách nhữ các con tàu Nga về phía Blücher để nó có thể tiêu diệt chúng, nhưng đối phương đã không mắc bẫy mà thay vào đó rút lui về phía vịnh Phần Lan. Đến ngày 9 tháng 9 chiến dịch bị hủy bỏ mà không có cuộc đụng độ lớn nào giữa hai hạm đội.[17]

Bắn phá Yarmouth

Bài chi tiết: Bắn phá Yarmouth
Vào ngày 2 tháng 11 năm 1914, Blücher cùng các tàu chiến-tuần dương Moltke, Von der TannSeydlitz, có bốn tàu tuần dương hạng nhẹ tháp tùng, rời Jade Bight di chuyển về phía bờ biển nước Anh.[18] Hải đội đi đến ngoài khơi Great Yarmouth lúc bình minh sáng hôm sau và đã bắn phá cảng, trong khi tàu tuần dương hạng nhẹ Stralsund rải một bãi mìn. Tàu ngầm Anh D5 đã đáp trả lại cuộc tấn công, nhưng nó trúng phải một quả mìn do Stralsund rải và bị chìm. Không lâu sau đó, Phó đô đốc Franz von Hipper, Tư lệnh Đội Tuần tiễu 1, ra lệnh cho các con tàu dưới quyền quay trở về vùng biển nhà của Đức. Trên đường đi, sương mù dày đặc bao phủ, nên các con tàu được lệnh chờ cho đến khi tầm nhìn được cải thiện để có thể di chuyển an toàn qua các bãi mìn phòng thủ của Đức. Tàu tuần dương bọc thép Yorck mắc sai lầm trong định hướng đi vào một trong những bãi mìn của Đức; nó trúng hai quả thủy lôi và chìm nhanh chóng, chỉ có 127 người trong tổng số 629 thành viên thủy thủ đoàn được cứu sống.[18]

Bắn phá Scarborough, Hartlepool và Whitby

Đô đốc Friedrich von Ingenohl, Tổng tư lệnh Hạm đội Biển khơi Đức, quyết định tiến hành thêm một cuộc bắn phá khác vào bờ biển Anh Quốc với hy vọng lôi kéo một phần Hạm đội Grand vào cuộc chiến, nơi có thể bị tiêu diệt từng phần.[18] Lúc 03 giờ 20 phút giờ Trung Âu[Ghi chú 4] ngày 15 tháng 12 năm 1914, Blücher, Moltke, Von der Tann, chiếc tàu chiến-tuần dương mới DerfflingerSeydlitz, cùng với các tàu tuần dương hạng nhẹ Kolberg, Stralsund, StrassburgGraudenz cùng hai chi hạm đội tàu phóng lôi rời Jade Estuary.[19] Các con tàu của Hipper di chuyển lên phía Bắc, vượt qua Heligoland để đi đến hải đăng Horns Reef, nơi chúng chuyển hướng sang phía Tây hướng đến Scarborough. Mười hai giờ sau khi Hipper khởi hành, phần chủ lực của Hạm đội Biển khơi, bao gồm 14 chiếc thiết giáp hạm dreadnought và 8 thiết giáp hạm tiền-dreadnought cùng một lực lượng hộ tống gồm 2 tàu tuần dương bọc thép, 7 tàu tuần dương hạng nhẹ và 54 tàu phóng lôi lên đường để hỗ trợ từ xa.[19]
Trước đó, vào ngày 26 tháng 8 năm 1914, tàu tuần dương hạng nhẹ Đức Magdeburg bị mắc cạn trong vịnh Phần Lan; xác tàu bỏ lại bị Hải quân Nga chiếm, và cùng với các hải đồ của Bắc Hải, họ đã tìm thấy các quyển sổ mật mã được Hải quân Đức. Những tài liệu này được chuyển cho Hải quân Hoàng gia Anh. Phòng 40 bắt đầu giải mã các tín hiệu của Đức, và vào ngày 14 tháng 12 đã bắt được những thông điệp liên quan đến kế hoạch bắn phá Scarborough.[19] Không thể biết được chi tiết chính xác của kế hoạch, họ chỉ đoán rằng Hạm đội Biển khơi Đức sẽ ở lại một cách an toàn trong cảng như trong đợt bắn phá trước. Bốn tàu chiến-tuần dương thuộc Hải đội Tàu chiến-tuần dương 1 Anh Quốc dưới quyền chỉ huy của Phó đô đốc David Beatty, được Hải đội Tuần dương 3 và Hải đội Tuần dương nhẹ 1 hỗ trợ cùng với sáu thiết giáp hạm dreadnought của Hải đội Chiến trận 2 sẽ phục kích các tàu chiến-tuần dương của Hipper.[20]
Trong đêm 15 tháng 12, thành phần chủ lực của Hạm đội Biển khơi Đức đã đụng độ với tàu khu trục Anh. Lo sợ một cuộc tấn công bằng ngư lôi ban đêm, Đô đốc Ingenohl ra lệnh cho các con tàu rút lui.[20] Hipper đã không biết được sự thoái lui của Ingenohl, vẫn tiếp tục cuộc bắn phá theo kế hoạch. Khi đến được khu vực bờ biển Anh, lực lượng của Hipper được cho tách ra làm đôi: Seydlitz, MoltkeBlücher đi lên phía Bắc để bắn phá Hartlepool, trong khi Von der TannDerfflinger hướng về phía Nam để bắn phá Scarborough và Whitby. Trong số các thị trấn Anh, chỉ có Hartlepool được bảo vệ bởi một khẩu đội phòng thủ duyên hải.[21] Trong khi bắn phá Hartlepool, Seydlitz bị bắn trúng ba lần còn Blücher trúng sáu phát pháo phòng thủ duyên hải. Blücher chỉ bị hư hại nhẹ nhưng có đến chín người thiệt mạng và ba người khác bị thương.[21] Đến 09 giờ 45 phút ngày 16 tháng 12, hai nhóm tập hợp trở lại và bắt đầu rút lui về phía Đông.[22]
Map showing the locations of the British and German fleets; the German light cruisers pass between the British battleship and battlecruiser forces while the German battlecruisers steam to the northeast. The German battleships lie to the east of the other ships.
Sơ đồ vị trí của Hạm đội Biển khơi Đức vào sáng ngày 16 tháng 12
Vào lúc này, các tàu chiến-tuần dương của Beatty đã ở vào vị trí ngăn chặn con đường mà Hipper lựa chọn để rút lui, trong khi các lực lượng khác đang trên đường tiến đến để hoàn thành việc bao vây. Đến 12 giờ 25 phút, các tàu tuần dương hạng nhẹ của Hải đội Tuần tiễu 2 bắt đầu băng qua lực lượng Anh để tìm kiếm lực lượng của Hipper.[23] Một trong các tàu tuần dương của Hải đội Tuần dương nhẹ 1 phát hiện Stralsund và gửi một thông báo đến Beatty. Lúc 12 giờ 30 phút, Beatty đổi hướng các tàu chiến-tuần dương dưới quyền về phía các con tàu Đức, dự đoán rằng các tàu tuần dương Đức là lực lượng tiên phong bảo vệ cho các con tàu của Hipper; nhưng thực ra các tàu chiến-tuần dương Đức còn ở cách 50 km (31 mi) về phía trước. Hải đội Tuần tiễu 2 vốn đang bảo vệ cho các con tàu của Beatty đã được cho tách ra để truy đuổi các tàu tuần dương Đức; nhưng do việc diễn dịch sai tín hiệu từ các tàu chiến-tuần dương Anh đã gửi chúng quay trở lại vị trí hộ tống.[Ghi chú 5] Sự nhầm lẫn này cho phép các tàu tuần dương nhẹ Đức chạy thoát và báo động cho Hipper vị trí của các tàu chiến-tuần dương Anh. Các tàu chiến Đức lẻn về phía Đông Bắc lực lượng Anh và đã chạy thoát.[23]
Cả hai phía Đức và Anh đều thất vọng vì đã không chiến đấu lại đối thủ một cách hiệu quả. Uy tín của Đô đốc Ingeholh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của sự nhút nhát. Thuyền trưởng của Moltke tỏ ra gay gắt, ông cho rằng Ingenohl đã rút lui "vì ông lo sợ mười một chiếc tàu khu trục Anh vốn có thể loại bỏ dễ dàng... dưới sự lãnh đạo như thế này chúng ta sẽ chẳng đạt được gì."[24] Lịch sử chính thức của Hải quân Đức phê phán Ingenohl đã không sử dụng lực lượng hạng nhẹ của mình để thăm dò quy mô lực lượng của hạm đội Anh, cho rằng: "Ông đưa ra quyết định không chỉ gây nguy hại đáng kể cho lực lượng phía trước ngoài khơi bờ biển Anh, mà còn cất đi khỏi Hạm đội Đức một thắng lợi chắc chắn và đáng kể."[24]

Trận Dogger Bank

Bài chi tiết: Trận Dogger Bank (1915)
A light gray warship steaming at high speed; thick black smoke pours out of the two funnels.
Blücher trên đường đi
Vào đầu tháng 1 năm 1915, tin tức cho biết các tàu chiến Anh tiến hành trinh sát tại khu vực Dogger Bank. Đô đốc Ingenohl thoạt tiên do dự không muốn tiêu diệt các lực lượng này, do Đội Tuần tiễu 1 tạm thời bị yếu kém trong khi Von der Tann đi vào ụ tàu để bảo trì định kỳ. Tuy nhiên, Chuẩn đô đốc Richard Eckermann, Tham mưu trưởng Hạm đội Biển khơi, cứ nhất định đòi thực hiện chiến dịch, nên Ingenohl bị thuyết phục và ra lệnh cho Hipper đưa các tàu chiến-tuần dương còn lại dưới quyền đến Dogger Bank.[25] Ngày 23 tháng 1, Hipper khởi hành với cờ hiệu của mình trên chiếc Seydlitz, được tiếp nối bởi Moltke, DerfflingerBlücher cùng các tàu tuần dương hạng nhẹ Graudenz, Rostock, StralsundKolberg và 19 tàu phóng lôi thuộc các chi hạm đội 2, 5 và bán-chi hạm đội 18. GraudenzStralsund được phái đi hộ tống phía trước hải đội, trong khi RostockKolberg lần lượt được phân sang mạn phải và mạn trái tương ứng, mỗi tàu tuần dương hạng nhẹ có một bán-chi hạm đội tàu phóng lôi phối thuộc.[25]
Một lần nữa, việc thu thập và giải mã tín hiệu vô tuyến của Đức đã đóng một vai trò quan trọng. Cho dù nhân viên giải mã Phòng 40 không thể biết được chính xác kế hoạch, họ vẫn có thể đoán được rằng Hipper sẽ tiến hành một chiến dịch tại vùng Dogger Bank.[25] Để đối phó, Hải đội Tàu chiến-Tuần dương 1 của Beatty, Hải đội Tàu chiến-Tuần dương 2 của Chuẩn đô đốc Gordon Moore và Hải đội Tuần dương nhẹ 2 của Thiếu tướng Hải quân William Goodenough được cho tập trung để hội quân cùng Lực lượng Harwich của Thiếu tướng Reginald Tyrwhitt lúc 08 giờ 00 ngày 24 tháng 1 ở vị trí khoảng 30 mi (48 km) về phía Bắc Dogger Bank.[25]
Lúc 08 giờ 14 phút, Kolberg nhìn thấy chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ Aurora cùng nhiều tàu khu trục thuộc Lực lượng Harwich.[26] Aurora khiêu khích Kolberg bằng một đèn pha, vào lúc mà Kolberg tấn công Aurora và ghi được hai phát trúng đích. Aurora bắn trả và cũng bắn trúng đối phương hai phát. Hipper lập tức cho chuyển hướng các tàu chiến-tuần dương của mình đến nơi nổ súng, trong khi hầu như đồng thời vào lúc đó, Stralsund trông thấy một lượng khói lớn về phía Tây Bắc vị trí của nó. Đây được xác định là một số lượng tàu chiến lớn đang hướng về phía các con tàu của Hipper.[26] Hipper sau này nhớ lại:
Sự hiện diện của một lực lượng lớn như thế cho thấy các đơn vị khác của Hạm đội Anh đang ở gần đó, đặc biệt là việc tình báo vô tuyến bắt được các bức điện cho thấy sự hiện diện của Hải đội Tàu chiến-tuần dương 2 (của Anh)… Blücher ở phía cuối đội hình cũng báo cáo đã nổ súng vào một tàu tuần dương hạng nhẹ và nhiều tàu khu trục đang xông đến từ phía sau… Các tàu chiến-tuần dương dưới quyền của tôi, với gió Đông-Đông Bắc đang thổi, ở trong vị thế ngược gió nên gặp phải hoàn cảnh không thuận lợi ngay từ đầu… [26]
Hipper quay mũi về phía Nam để chạy thoát, nhưng bị giới hạn ở tốc độ 23 hải lý một giờ (43 km/h), là tốc độ tối đa của chiếc tàu tuần dương bọc thépBlücher. [27][Ghi chú 6] Các tàu chiến-tuần dương Anh truy đuổi di chuyển với tốc độ 27 hải lý một giờ (50 km/h), và nhanh chóng bắt kịp các con tàu Đức. Lúc 09 giờ 52 phút, Lion nổ súng nhắm vào Blücher ở khoảng cách 20.000 yd (18.000 m), rồi đến lượt Princess RoyalTiger cũng bắt đầu nổ súng không lâu sau đó.[26] Lúc 10 giờ 09 phút, các tàu chiến Anh ghi được phát bắn trúng đầu tiên trên Blücher; hai phút sau, các tàu chiến Đức bắt đầu bắn trả, chủ yếu tập trung nhắm vào Lion ở khoảng cách 18.000 yd (16.000 m). Đến 10 giờ 28 phút, Lion bị bắn trúng ngay mực nước, làm xé toang một lổ hổng bên mạn tàu và làm ngập nước một khoang chứa than.[28] Cũng trong khoảng thời gian này, Blücher ghi được một phát đạn pháo 21 cm trúng vào tháp pháo phía trước của Lion; quả đạn không thể xuyên thủng vỏ giáp, nhưng cũng có hiệu quả chấn động và tạm thờiloại khẩu pháo bên trái khỏi vòng chiến. [29] Lúc 10 giờ 30 phút, New Zealand, chiếc thứ tư trong hàng chiến trận của Beatty, tiếp cận Blücher trong tầm bắn và bắt đầu nổ súng; đến 10 giờ 35 phút, khoảng cách được rút ngắn xuống còn 17.500 yd (16.000 m), khi toàn bộ hàng chiến trận Đức nằm trong tầm bắn hiệu quả của các tàu chiến Anh. Beatty ra lệnh cho các tàu chiến-tuần dương của mình nổ súng vào đối thủ Đức tương ứng đối diện song song.[Ghi chú 7]
Đến 11 giờ, Blücher bị hư hại nặng nề sau khi hứng chịu nhiều quả đạn pháo hạng nặng từ các tàu chiến-tuần dương Anh. Dù sau, ba chiếc tàu chiến-tuần dương Đức dẫn đầu Seydlitz, DerfflingerMoltke đã tập trung hỏa lực của chúng nhắm vào Lion, ghi được chiều phát bắn trúng, làm hỏng hai trong số ba máy phát điện của nó và làm ngập nước phòng động cơ bên mạn trái.[30] Lúc 11 giờ 48 phút, tàu chiến-tuần dương Indomitable đến gần, và theo chỉ thị của Beatty, tiếp tục nả pháo để tiêu diệt Blücher vốn đã bị tơi tả. Nó đã bốc chấy và nghiêng nặng sang mạn trái; một trong những người sống sót kể lại những hư hại mà con tàu chịu đựng:
Các quả đạn … pháo chui tọt vào đến tận các khoang đốt lò. Than trong các hầm chứa bốc cháy. Vì các hầm chứa than đã bị vơi đi một phần, đám cháy lan tràn khá nhanh. Một quả đạn pháo xâm nhập và phát nổ trong phòng động cơ làm cháy dầu và văng tung tóe đốm lửa khắp nơi… Áp lực dữ dội của một vụ nổ trong một khoang kín… dội ầm ầm qua mọi khoảng mở và phá tung mọi chỗ yếu kém… Những thân người bị nhấc tung bởi áp lực hơi nén kinh khủng và bị ném vào cái chết cạnh các khoang máy móc.[30]
The burning hull of a ship on its side; water pours from holes punched by enemy projectiles. The keel is splitting from the intense strain.
Blücher lật nghiêng qua mạn và đang chìm
Tuy nhiên, việc này bị ngắt quãng do các báo cáo về sự xuất hiện của tàu ngầm U-boat Đức phía trước các con tàu Anh, buộc Beatty phải ra lệnh cơ động lẫn tránh và cho phép các tàu chiến Đức gia tăng khoảng cách với những kẻ truy đuổi.[31] Vào lúc này máy phát điện cuối cùng của Lion bị hỏng nốt, làm giảm tốc độ của nó xuống còn 15 kn (28 km/h). Bên trên chiếc Lion bị hỏng máy, Beatty ra lệnh cho các tàu chiến-tuần dương còn lại "tấn công đoạn hậu đối phương", nhưng sai sót trong việc diễn dịch tín hiệu đã khiến các con tàu đơn thuần chỉ nhắm vào Blücher.[32] Nó tiếp tục kháng cự một cách ngoan cường, đẩy lui cuộc tấn công của bốn tàu tuần dương hạng nhẹ thuộc Hải đội Tuần dương nhẹ 1 và bốn tàu khu trục. Tuy nhiên, soái hạm của Hải đội Tuần dương nhẹ 1, Aurora, đã bắn hai quả ngư lôi trúng vào Blücher. Đến lúc này mọi khẩu pháo của chiếc tàu chiến Đức đều đã im tiếng ngoại trừ tháp pháo đuôi. Một loạt bảy quả ngư lôi khác được phóng ở tầm bắn thẳng, khi trúng đích đã khiến con tàu lật úp lúc 13 giờ 13 phút. Trong suốt quá trình chiến đấu, Blücher đã bị bắn trúng khoảng 70-100 quả đạn pháo hạng nặng và nhiều quả ngư lôi.[33]
Khi con tàu chìm, các tàu khu trục Anh tiến về phía nó nhằm ý định cứu vớt những người sống sót. Tuy nhiên, khí cầu Zeppelin L5 nhầm lẫn Blücher đang chìm là một tàu chiến-tuần dương Anh và tìm cách ném bom các tàu khu trục Anh, buộc chúng phải rút lui.[32] Con số thương vong báo cáo khá thay đổi tùy theo nguồn tư liệu. Paul Schmalenbach cho rằng có 6 sĩ quan trong tổng số 29 và 275 thủy thủ trong tổng số 999 được vớt lên khỏi nước, đưa đến tổng số thương vong là 747 người thiệt mạng.[33] Các nguồn tư liệu chính thức của Đức do tác giả Erich Gröner khảo sát cho rằng có 792 người đã thiệt mạng khi Blücher chìm,[9] trong khi James Goldrick tham khảo các tài liệu của Anh đã báo cáo chỉ có 234 người sống sót trong tổng số thành viên thủy thủ đoàn ít nhất lên đến 1.200 người.[34] Trong số những người được cứu vớt có cả Đại tá Hải quân (Kapitan zur See) Erdmann, hạm trưởng của Blücher. Ông sau đó đã từ trần vì bệnh viêm phổi trong lúc bị người Anh bắt làm tù binh.[32] Có thêm 20 người khác qua đời trong giai đoạn bị giam giữ như tù binh.[33]
Sự tập trung mọi nỗ lực nhắm vào Blücher đã cho phép Moltke, SeydlitzDerfflinger chạy thoát.[35] Đô đốc Hipper thoạt tiên dự định sử dụng ba tàu chiến-tuần dương của mình quay trở lại đánh vào sườn lực lượng Anh để giải vây cho Blücher, nhưng sau khi ông biết được những hư hại nghiêm trọng mà soái hạm của mình phải chịu đựng, ông quyết định bỏ lại chiếc tàu tuần dương bọc thép cũ.[32] Hipper sau này kể lại về quyết định của mình:
Để giúp đỡ cho Blücher tôi quyết định thử cơ động đánh tạt sườn... Nhưng khi tôi được thông báo các tháp pháo C và D trên soái hạm của mình bị loại khỏi vòng chiến, bị ngập nước phía đuôi và chỉ còn lại 200 quả đạn pháo hạng nặng, tôi phải hủy bỏ mọi ý định hỗ trợ cho Blücher. Mọi sự di chuyển như vậy vào lúc này, khi không thể trông mong bất kỳ sự trợ giúp từ hạm đội chủ lực, có thể dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn. Cứu giúp cho Blücher bằng cách di chuyển đánh tạt sườn sẽ đưa đội hình của tôi lọt vào giữa các tàu chiến-tuần dương Anh và các hải đội chiến trận rất có thể đang ở ngay phía sau.[32]
Vào lúc Beatty nắm trở lại sự chỉ huy các con tàu dưới quyền sau khi chuyển sang chiếc Princess Royal, các con tàu Đức đã dẫn trước quá xa khiến các con tàu Anh không thể nào bắt kịp; và đến 13 giờ 50 phút, Beatty từ bỏ việc truy đuổi.[32] Hoàng đế Wilhelm II, rất tức giận về việc Blücher bị mất và Seydlitz suýt bị đánh chìm, đã ra lệnh cho Hạm đội Biển khơi phải ở lại trong cảng. Chuẩn đô đốc Eckermann bị cách chức còn Đô đốc Ingenohl bị buộc phải từ chức; ông được Đô đốc Hugo von Pohl thay thế.[36]

Tham khảo

Ghi chú

  1. ^ "SMS" là từ viết tắt trong tiếng Đức của "Seiner Majestät Schiff", có nghĩa "tàu của đức vua", tương đương với HMS trong tiếng Anh.
  2. ^ Học thuyết Hải quân Đức đương thời quy định một đội tuần tiễu được hình thành từ ít nhất bốn tàu chiến lớn, tức một nữa hải đội. Như là chiếc tàu chiến không phải tàu chủ lực lớn nhất của hạm đội, Blücher thường được sử dụng như là chiếc thứ tư của hải đội. Xem: Philbin 1982, tr. 119; Scheer 1920, tr. 13.
  3. ^ Trong thuật ngữ pháo của Hải quân Đế quốc Đức, "SK" (Schnellfeuerkanone) cho biết là kiểu pháo bắn nhanh, trong khi L/45 cho biết chiều dài của nòng pháo. Trong trường hợp này, pháo L/45 có ý nghĩa 45 caliber, tức là nòng pháo có chiều dài gấp 45 lần so với đường kính trong. Xem: Grießmer 1999, tr. 177.
  4. ^ Thời gian được nêu trong đoạn này là giờ Trung Âu, phù hợp với bối cảnh của nước Đức. Múi giờ Trung Âu sớm hơn một giờ so với giờ UTM vốn thường được trích dẫn trong các công trình nghiên cứu của Anh Quốc.
  5. ^ Beatty dự định chỉ giữ lại hai chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ sau cùng thuộc hải đội của William Goodenough, nhưng tín hiệu viên trên chiếc Nottingham đã diễn dịch sai tín hiệu, cho rằng nó được truyền đạt cho toàn thể hải đội, nên đã tiếp tục chuyển thông điệp cho Goodenough, người đã ra lệnh đưa các con tàu của mình quay trở lại vị trí hộ tống ngay phía trước các tàu chiến-tuần dương của Beatty.
  6. ^ Trong suốt cuộc chiến tranh, Hải quân Đức mắc phải một vấn đề kéo dài về thiếu hụt than phẩm chất cao; vì vậy động cơ các con tàu không thể hoạt động với công suất tối đa. Ví dụ như trong trận Jutland, tàu chiến-tuần dương Von der Tann, vốn có tốc độ tối đa 27,5 kn (50,9 km/h; 31,6 mph), bị giới hạn tốc độ còn 18 kn (33 km/h; 21 mph) trong một thời gian dài đáng kể do vấn đề này. Xem: Philbin 1982, tr. 56–57.
  7. ^ Có nghĩa là, Lion nhắm vào Seydlitz, Tiger trên Moltke, Princess Royal trên Derfflinger, và New Zealand đối đầu với Blücher.

Chú thích

  1. ^ Rüger 2007, tr. 160
  2. ^ Staff 2006, tr. 3
  3. ^ Gardiner & Gray 1985, tr. 142
  4. ^ Gardiner & Gray 1985, tr. 134
  5. ^ a ă Herwig 1998, tr. 45
  6. ^ Gröner 1990, tr. 52
  7. ^ Staff 2006, tr. 3, 4
  8. ^ Staff 2006, tr. 4
  9. ^ a ă â b c d đ e ê g h i k l Gröner 1990, tr. 53
  10. ^ Friedman 1978, tr. 91
  11. ^ a ă DiGiulian, Tony (29 tháng 2 năm 2008). “German 21 cm/45 (8.27") SK L/45”. NavWeaps.com. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2009.
  12. ^ a ă â Gardiner & Gray 1985, tr. 140
  13. ^ a ă â b DiGiulian, Tony (6 tháng 7 năm 2007). “German 15 cm/45 (5.9") SK L/45”. NavWeaps.com. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2009.
  14. ^ a ă â b c Staff 2006, tr. 6
  15. ^ DiGiulian, Tony (16 tháng 4 năm 2009). “German 8.8 cm/45 (3.46") SK L/45, 8.8 cm/45 (3.46") Tbts KL/45, 8.8 cm/45 (3.46") Flak L/45”. NavWeaps.com. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2009.
  16. ^ Gardiner & Gray 1985, tr. 151
  17. ^ Halpern 1995, tr. 185
  18. ^ a ă â Tarrant 2001, tr. 30
  19. ^ a ă â Tarrant 2001, tr. 31
  20. ^ a ă Tarrant 2001, tr. 32
  21. ^ a ă Tarrant 2001, tr. 33
  22. ^ Scheer 1920, tr. 70
  23. ^ a ă Tarrant 2001, tr. 34
  24. ^ a ă Tarrant 2001, tr. 35
  25. ^ a ă â b Tarrant 2001, tr. 36
  26. ^ a ă â b Tarrant 2001, tr. 38
  27. ^ Philbin 1982, tr. 56–57
  28. ^ Tarrant 2001, tr. 39
  29. ^ Goldrick 1984, tr. 263
  30. ^ a ă Tarrant 2001, tr. 40
  31. ^ Tarrant 2001, tr. 40-41
  32. ^ a ă â b c d Tarrant 2001, tr. 42
  33. ^ a ă â Schmalenbach 1971, tr. 180
  34. ^ Goldrick 1984, tr. 279
  35. ^ Tarrant 2001, tr. 41
  36. ^ Tarrant 2001, tr. 43

Thư mục

  • Friedman, Norman (1978). Battleship Design and Development, 1905–1945. New York City: Mayflower Books. ISBN 978-0-8317-0700-2.
  • Gardiner, Robert; Gray, Randal biên tập (1985). Conway's All the World's Fighting Ships: 1906–1921. Annapolis: Naval Institute Press. ISBN 978-0-87021-907-8.
  • Goldrick, James (1984). The King's Ships Were at Sea: The War in the North Sea, August 1914 – February 1915. Annapolis: Naval Institute Press. ISBN 978-0-87021-334-2. OCLC 10323116.
  • Grießmer, Axel (1999). Die Linienschiffe der Kaiserlichen Marine (bằng tiếng Đức). Bonn: Bernard & Graefe Verlag. ISBN 978-3-7637-5985-9.
  • Gröner, Erich (1990). German Warships: 1815–1945. Annapolis: Naval Institute Press. ISBN 978-0-87021-790-6. OCLC 22101769.
  • Halpern, Paul G. (1995). A Naval History of World War I. Annapolis: Naval Institute Press. ISBN 978-1-55750-352-7. OCLC 57447525.
  • Herwig, Holger (1998) [1980]. "Luxury" Fleet: The Imperial German Navy 1888–1918. Amherst, New York: Humanity Books. ISBN 978-1-57392-286-9. OCLC 57239454.
  • Philbin, Tobias R. III (1982). Admiral Hipper: The Inconvenient Hero. John Benjamins Publishing Company. ISBN 978-90-6032-200-0.
  • Rüger, Jan (2007). The Great Naval Game: Britain and Germany in the Age of Empire. Cambridge: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-87576-9. OCLC 124025616.
  • Schmalenbach, Paul (1971). “SMS Blücher”. Warship International (Toledo, Ohio: Naval Records Club) VIII (2): 171–181.
  • Scheer, Reinhard (1920). Germany's High Seas Fleet in the World War. London, New York, etc.: Cassell and Company. OCLC 2765294.
  • Staff, Gary (2006). German Battlecruisers: 1914–1918. Oxford: Osprey Books. ISBN 978-1-84603-009-3. OCLC 64555761.
  • Tarrant, V. E. (2001) [1995]. Jutland: The German Perspective. London: Cassell Military Paperbacks. ISBN 978-0-304-35848-9. OCLC 48131785.

Liên kết ngoài

Phương tiện liên quan tới SMS Blücher tại Wikimedia Commons
Tọa độ: 54°20′B 5°43′Đ




Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con


No comments:

Post a Comment