Barack Obama
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Barack Obama | |
---|---|
Chức vụ
|
|
Nhiệm kỳ | 20 tháng 1 năm 2009 – |
Tiền nhiệm | George W. Bush |
Phó Tổng thống | Joe Biden |
Nhiệm kỳ | 3 tháng 1 năm 2005 – 16 tháng 11 năm 2008 |
Tiền nhiệm | Peter Fitzgerald |
Kế nhiệm | Roland Burris |
Nhiệm kỳ | 8 tháng 1 năm 1997 – 4 tháng 11 năm 2004 |
Tiền nhiệm | Alice Palmer |
Kế nhiệm | Kwame Raoul |
Thông tin chung
|
|
Đảng phái | Dân chủ |
Sinh | 4 tháng 8, 1961 Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ |
Nơi ở | (Kenwood), Chicago, Illinois |
Học vấn | Trường Đại học Occidental, Viện Đại học Columbia, Viện Đại học Harvard |
Nghề nghiệp | Luật sư, Chính trị gia |
Tôn giáo | Tin Lành |
Vợ | Michelle Obama (kết hôn năm 1992) |
Con cái | Malia Ann (s. 1998), Natasha ("Sasha") (2001) |
Trang web | Nhà Trắng Barack Obama |
Chữ ký |
Năm 2004, Obama gây tiếng vang toàn quốc khi đọc bài diễn văn then chốt tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ vào tháng 7, sau đó vào tháng 11, ông đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống khởi đầu từ năm 2007, đến năm 2008, Obama thắng sít sao Hillary Rodham Clinton để nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ. Ông đánh bại ứng cử viên Cộng hòa John McCain trong cuộc tổng tuyển cử, và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ ngày 20 tháng 1, 2009. Chín tháng sau, Obama được trao giải Nobel Hòa bình. Đến năm 2012, ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai sau chiến thắng trước ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney. Obama là ứng cử viên Dân chủ đầu tiên kể từ Franklin D. Roosevelt chiến thắng trong hai cuộc bầu cử tổng thống với đa số phiếu phổ thông.
Trong nhiệm kỳ đầu, những sáng kiến của Obama nhằm kích thích nền kinh tế dẫn đến việc ban hành Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư (2009), Đạo luật Giảm thuế và tạo việc làm (2010) hầu có thể ứng phó với cuộc suy thoái tại Mỹ giai đoạn 2007-2009; ông cũng ký ban hành Đạo luật chăm sóc và bảo vệ bệnh nhân; Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng; Đạo luật Don’t Ask, Don’t Tell Repeal Act (2010). Về đối ngoại, Obama chấm dứt sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq, tăng quân số tại Afghanistan, ký hiệp ước kiểm soát vũ trang New START với Nga, ra lệnh can thiệp quân sự tại Lybia, và mở các cuộc hành quân tiêu diệt Osama bin Laden. Tháng 5, 2010, Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên công khai ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Mục lục
Thiếu thời
Chào đời ngày 4 tháng 4, 1961 tại Bệnh viện Phụ sản Kapi’olani (nay là Trung tâm Y tế Kap’olani cho Phụ nữ và Nhi đồng) ở Honolulu, Hawaii, Obama là tổng thống đầu tiên sinh tại Hawaii.[1][2] Mẹ của Obama, Ann Duham, sinh tại Wichita, Kansas thuộc dòng dõi Anh. Cha của Obama, Barack Obama, Sr., là người bộ tộc Luo ở Nyan’oma Kogelo, Kenya. Bố mẹ Obama gặp nhau năm 1960 trong lớp học tiếng Nga tại Đại học Hawai’I tại Mānoa; cha của Obama được cấp học bổng theo học tại đây.[3][4] Hai người kết hôn tại Wailuku ở Maui ngày 2 tháng 2, 1961,[5][6] rồi ly thân khi mẹ Obama đem con trai mới sinh tới Seattle, Washington vào cuối tháng 8, 1961 để theo học tại Đại học Washington trong một năm. Cùng lúc, Obama, Sr. nhận văn bằng tốt nghiệp về kinh tế học tại Hawaii vào tháng 6, 1962, rồi nhận học bổng đến học cao học tại Đại học Harvard. Tháng 3, 1964, hai người ly hôn.[7] Obama Sr. trở về Kenya trong năm 1964 và tái hôn; ông chỉ đến Hawaii thăm con trai một lần duy nhất trong năm 1982.[8] Ông chết trong một tai nạn xe hơi năm 1982.[9]Năm 1963, Dunham gặp Lolo Soetoro, một sinh viên người Indonesia tốt nghiệp môn địa lý tại Trung tâm Đông-Tây thuộc Đại học Hawaii, họ kết hôn với nhau tại Molokai ngày 15 tháng 3, 1965.[10] Sau một năm gia hạn visa J-1, năm 1966, Lolo trở về Indonesia, 16 tháng sau Dunham đem con trai đến sống với chồng tại khu Menteng Dalam ở phía nam Jakarta, từ năm 1970 họ dọn đến một khu sung túc hơn ở trung tâm Jakarta.[11] Từ 6 đến 10 tuổi, Obama theo học tại những trường nói tiếng Indonesia: Trường Công giáo St Francis of Asisi trong hai năm, và Trường Công lập Besuki, cậu cũng học thêm tiếng Anh từ bà mẹ.[12]
Năm 1971, Obama trở về Honolulu sống với ông bà ngoại, Madelyn và Stanley Dunham, cậu giành được một học bổng vào Trường Punahou, một trường tư thục, và học ở đây từ lớp năm cho đến khi tốt nghiệp năm 1979.[13] Từ năm 1972 đến 1975, Ann Dunham nghiên cứu môn nhân học tại Đại học Hawaii, nhờ đó mà cậu có cơ hội sống gần mẹ và em gái.[14] Obama quyết định ở lại Hawaii với ông bà ngoại để tiếp tục chương trình học tại Trường Punahou khi mẹ cậu, đem theo em gái, quay về Indonesia trong năm 1975 để nghiên cứu thực địa.[15] Trong gần hai thập niên kế tiếp, Ann sống ở Indonesia, ly dị Lolo năm 1980, lấy bằng Tiến sĩ năm 1992, trước khi qua đời năm 1995 tại Hawaii do bệnh ung thư buồng trứng và ung thư tử cung.[16]
Về thời thơ ấu của mình, Obama nhắc lại, "Bố tôi trông không giống những người xung quanh – ông đen như nhọ nồi, mà mẹ tôi trắng như sữa – tôi chỉ nhớ như thế."[4] Ông cũng miêu tả những nỗ lực thời thanh niên để thích ứng với những định kiến xã hội về nguồn gốc đa chủng tộc của mình.[17]
Nhưng khi nhớ về những năm sống ở Honolulu khi tuổi đời tăng dần, Obama viết: "Cơ hội Hawaii mà đã cống hiến – trải nghiệm một nền văn hóa đa dạng trong một môi trường sống tôn trọng lẫn nhau – đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhân sinh quan của tôi, và là nền tảng cho những giá trị thân thiết nhất mà tôi luôn nắm giữ."[18] Obama cũng kể về việc cậu dùng rượu, marijuana, và cocaine khi còn là một thiếu niên để "tống khứ khỏi tâm trí câu hỏi tôi là ai".[19] Tại Civil Forum on the Presidency năm 2008, Obama bày tỏ sự ân hận vì đã dùng ma túy trong những ngày ở trường trung học.[20]
Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1979, Obama vào Đại học Occidental ở Los Angeles. Năm 1981, Obama vào Đại học Columbia ở Thành phố New York, học môn khoa học chính trị, chuyên ngành quan hệ quốc tế,[21] tốt nghiệp với văn bằng cử nhân năm 1983, làm việc một năm cho Business International Corporation,[22] rồi New York Public Interest Research Group.[23][24]
Chicago và Trường Luật Harvard
Hai năm sau khi tốt nghiệp, Obama trở thành giám đốc Đề án Phát triển Cộng đồng, một tổ chức liên kết với giáo hội bao gồm 8 giáo xứ Công giáo tại Roseland, West Pullman, và Riverdale thuộc khu South Side, Chicago, và hoạt động trong khu vực này như là một nhà tổ chức cộng đồng từ tháng 6, 1985 đến tháng 5, 1988.[24][25] Ông giúp thiết lập một chương trình huấn nghiệp, một chương trình dự bị đại học, và một tổ chức bảo vệ quyền lợi người thuê nhà thuộc đề án Algeld Gardens.[26] Obama cũng đảm nhận chức trách tư vấn viên và hướng dẫn viên cho Tổ chức Gamaliel, một học viện về tổ chức cộng đồng.[27]Đến giữa năm 1988, lần đầu tiên ông đến châu Âu, lưu lại đây ba tuần, rồi đến ở Kenya trong năm tuần để gặp gỡ nhiều thân nhân bên họ nội, đây là lần đầu tiên họ gặp nhau.[28][29] Năm 1922, Obama trở lại Kenya với hôn thê, Michelle, và em gái Auma,[28][30] rồi đến Kenya lần thứ ba vào tháng 8, 2006 để thăm nơi sinh trưởng của thân phụ, một ngôi làng gần Kisumu, phía tây Kenya.[31]
Cuối năm 1988, Obama vào Trường Luật Harvard, rồi được chọn làm biên tập viên cho tờ Harvard Law Review vào cuối năm thứ nhất,[32] và chủ tịch của tờ tạp chí vào năm học thứ hai.[26][33] Vào những dịp hè, ông trở về Chicago, làm việc tại công ty luật Sidley Austin năm 1989, và Hopkins & Sutter năm 1990.[34] Sau khi tốt nghiệp năm 1991 với văn bằng tiến sĩ (J. D.) hạng ưu từ Harvard, ông về Chicago.[32] Obama là người da đen đầu tiên được bầu vào chức chủ tịch tạp chí Harvard Law Review nên đã gây nhiều chú ý, nhờ đó mà có được hợp đồng cho một quyển sách viết về mối quan hệ chủng tộc,[35] được phát triển thành một cuốn hồi ký, xuất bản vào giữa năm 1995 với tựa đề Dreams from My Father.[35]
Đại học Chicago và luật sư dân quyền
Để có thể hoàn thành quyển sách đầu tiên của mình, ông được cấp học bổng và một văn phòng để viết sách, năm 1991, Obama nhận một vị trí thỉnh giảng về Luật học và Chính quyền học tại Trường Luật Đại học Chicago.[35] Rồi ông giảng dạy môn luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Chicago suốt mười hai năm trong cương vị giảng viên (1992 – 1996), và giảng viên chính (1996 – 2004).[36]Từ tháng 4 đến tháng 10, 1992, Obama lãnh đạo tổ chức Project Vote với mười nhân viên và bảy trăm tình nguyện viên, nhắm đến mục tiêu vận động từ 150 000 đến 400 000 người Mỹ gốc Phi trong tiểu bang Illinois đăng ký bầu cử.
Năm 1993, Obama làm việc cho công ty luật Davis, Miner, Barnhill & Garland chuyên về dân quyền và phát triển kinh tế khu dân cư.[37]
Từ năm 1994 đến 2002, Obama được bổ nhiệm vào ban giám đốc Woods Fund of Chicago, năm 1985 tổ chức này gây quỹ cho Đề án Phát triển Cộng đồng.[24] Ông cũng có tên trong ban giám đốc Chicago Annenberg Challenge từ năm 1995 – 2002, là chủ tịch sáng lập và chủ tọa ban giám đốc từ năm 1995-1999.[24]
Nghị trường: 1997 – 2008
Thượng nghị sĩ Tiểu bang: 1997 – 2004
Obama đắc cử vào Thượng viện Illinois năm 1996, kế nhiệm Thượng Nghị sĩ Alice Palmer đại diện cho hạt 13 của Illinois.[38] Ông giành được sự ủng hộ từ hai đảng cho những nỗ lực cải cách luật lệ về y tế và đạo đức.[39] Năm 2001, trong cương vị đồng chủ tọa một ủy ban hỗn hợp, Obama ủng hộ Thống đốc Ryan thuộc đảng Cộng hòa ban hành những quy định về tín dụng nhằm ngăn chặn những vụ tịch biên nhà thế chấp.[40]Năm 1988, Obama tái đắc cử vào Thượng viện bang Illinois sau khi đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa Yessee Yehudah, rồi lại đắc cử lần nữa năm 2002.[41] Trước đó, trong năm 2000, Obama thất bại trước Bobby Rush trong nỗ lực tranh một ghế trong Viện Dân biểu Hoa Kỳ.
Không một người dân nào mong đợi chính phủ giải quyết mọi khó khăn
của họ. Nhưng họ cảm nhận được, từ trong sâu thẳm của đáy lòng, cần có
một sự thay đổi dựa theo những ưu tiên hợp lý, để có thể bảo đảm rằng
mọi đứa trẻ tại Mỹ đều có sự khởi đầu tốt cho cuộc đời chúng, và cánh
cửa cơ hội luôn rộng mở cho mọi người. Họ biết rằng chúng ta có thể làm
tốt hơn. Và họ muốn chúng ta phải làm thế. |
Barack Obama, Diễn văn tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004.[42] |
Tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ
Tháng 5, 2002, Obama mở một cuộc thăm dò về triển vọng cho cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kỳ, thành lập ban vận động, khởi sự gây quỹ, và tuyển dụng cố vấn chính trị David Axelrod. Đến tháng 1, 2003, ông chính thức tuyên bố tranh cử.[46] Ngay từ đầu, Obama phản đối chính phủ George W. Bush về vụ xâm lăng Iraq năm 2003.[47] Ngày 2 tháng 10, 2002, ngày Tổng thống Bush và Quốc hội đồng thuận về nghị quyết tiến hành chiến tranh, ông công khai bày tỏ lập trường chống đối trong một lần nói chuyện tại một cuộc tụ họp chống chiến tranh Iraq. Trong một cuộc tụ họp khác vào tháng 3, 2003, Obama nói với đám đông rằng "đã quá trễ" để dừng cuộc chiến này.Có 15 ứng viên thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tham dự cuộc đua, nhưng với chiến thắng áp đảo trong vòng bầu cử sơ bộ, Obama đột ngột trở thành ngôi sao đầy triển vọng của Đảng Dân chủ trên chính trường liên bang. Bắt đầu xuất hiện những suy diễn về triển vọng tranh cử tổng thống, nhờ đó mà quyển hồi ký của ông, Dreams from My Father, được tái bản. Đến tháng 7, 2004, Obama đọc bài diễn văn then chốt tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004,[48] có 9,1 triệu người xem. Bài diễn văn tạo tiếng vang và vị trí của Obama trong đảng Dân chủ được nâng cao.
Tháng 6, 2004, đối thủ thuộc đảng Cộng hòa, Jack Ryan, rút lui khỏi cuộc đua. Sáu tuần lễ sau, Alan Keyes nhận sự đề của đảng Cộng hòa thay thế vị trí của Ryan. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11, 2004, Obama chiếm 70% tổng số phiếu bầu.
Thượng viện Hoa Kỳ: 2005 – 2008
Ngày 3 tháng 1, 2005, Obama tuyên thệ nhậm chức thượng nghị sĩ, là thành viên duy nhất của Câu lạc bộ Nghị sĩ Liên bang Da đen đến từ Thượng viện Hoa Kỳ. CQ Weekly, căn cứ trên bảng phân tích những biểu quyết của Obama tại Thượng viện từ năm 2005 – 2007, xếp ông vào thành phần "đảng viên Dân chủ trung kiên". Ngày 13 tháng 11, 2008, Obama tuyên bố từ nhiệm từ ngày 16 tháng 11, 2008 để tập trung cho giai đoạn tiếp nhận chức vụ tổng thống.Lập pháp
Obama bảo trợ Đạo luật Secure America and Orderly Immigration,[49] và giới thiệu hai dự luật mang tên ông: Lugar-Obama,[50] và Đạo luật Federal Funding Accountability and Transparency năm 2006 thiết lập USAspending.gov, một công cụ tìm kiếm trên internet về chi tiêu liên bang.[51] Ngày 3 tháng 6, 2008, Obama – cùng các thượng nghị sĩ Tom Carper, Tom Coburn, và John McCain – đệ trình một dự luật giám sát chi tiêu của liên bang: Đạo luật Strengthening Transparency and Accountability in Federal Spending 2008.[51] Obama cũng bảo trợ một dự luật đòi hỏi chủ nhân những nhà máy hạt nhân phải thông báo cho giới hữu trách tiểu bang và địa phương về tình trạng rò rỉ phóng xạ, nhưng không được Thượng viện thông qua.[52]Tháng 1, 2007, Obama đệ trình dự luật Deceptive Practices and Voter Intimidation Prevention nhằm buộc tội hình sự các thủ đoạn lừa đảo trong những cuộc bầu cử liên bang,[53] và Iraq War De-Escaltion 2007,[54] nhưng cả hai dự luật này đều không được thông qua. Tháng 12 năm 2006, Tổng thống Bush ký ban hành Đạo luật Xúc tiến Dân chủ, An ninh, Cứu tế tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đánh dấu nỗ lực đầu tiên của Chính phủ liên bang được khởi xướng bởi Obama[55].
Cuối năm 2007, Obama bảo trợ một tu chính nhằm tăng thêm sự bảo trợ dành cho quân nhân giải ngũ do rối loạn nhân cách.[56] Tu chính này được Thượng viện thông qua vào mùa xuân năm 2008.[57] Ông cũng bảo trợ một tu chính cho Chương trình Y tế dành cho trẻ em, cung ứng một năm bảo trợ việc làm cho các thành viên gia đình đang chăm sóc thương binh.[58]
Các ủy ban
Trong năm 2006, Obama có chân trong các ủy ban Thượng viện như Ngoại giao, Môi trường và Tiện ích công và Cựu Chiến binh[59].Tháng 1 năm 2007, ông rời Ủy ban Môi trường và Tiện ích công, nhận nhiệm vụ ở Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí và Ủy ban Nội chính và Chính quyền[60]. Ông cũng là Chủ tịch Tiểu ban Thượng viện về Âu châu[61].
Là thành viên Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, Obama mở các cuộc viếng thăm chính thức đến Đông Âu, Trung Đông và Phi châu. Tháng 8 năm 2005, ông đến Nga, Ukraina và Azerbaijan. Chuyến đi tập chú vào chiến lược kiểm soát nguồn cung cấp vũ khí quy ước, vũ khí sinh học và vũ khí hủy diệt hàng loạt như là biện pháp ban đầu chống các cuộc tấn công khủng bố[62].
Sau những lần thăm binh sĩ Mỹ trú đóng ở Kuwait và Iraq trong tháng 1 năm 2006, Obama đến Jordan, Israel và lãnh thổ Palestine. Trong một lần gặp gỡ sinh viên Palestine hai tuần lễ trước khi Hamas thắng cuộc bầu cử, Obama đã cảnh báo: "Hoa Kỳ sẽ không bao giờ công nhận các ứng viên Hamas thắng cử trừ khi họ từ bỏ lập trường xóa bỏ quốc gia Israel"[62].
Tháng 8 năm 2006, ông đến thăm Nam Phi, Kenya, Djibouti, Ethiopia và Tchad. Khi diễn thuyết tại Đại học Nairobi, ông đề cập đến nạn tham nhũng và sự bất hòa giữa các chủng tộc[63], khơi dậy những tranh cãi trong vòng giới lãnh đạo Kenya, một số người xem nhận xét của ông là thiếu chính xác và không công bằng, trong khi những người khác bênh vực ông[64].
Tranh cử Tổng thống
Chiến dịch tranh cử năm 2008
Tháng 2 năm 2007, đứng trước tòa nhà Old State Capitol tại Springfield, Illinois, Obama tuyên bố chính thức tham gia cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2008[65]. Điểm lại quá trình hoạt động của mình tại Illinois trong hàm ý liên kết với hình ảnh của Abraham Lincoln khi đọc bài diễn văn "Một nhà tự chia rẽ" năm 1858 tại chính địa điểm này[66], Obama nói: "Đó là lý do, ngay dưới bóng tòa nhà Old State Capitol, nơi Lincoln đã một lần kêu gọi sự hòa giải và đoàn kết cho một nhà tự chia rẽ, nơi những niềm hi vọng và những giấc mơ được mọi người cùng chia sẻ vẫn còn sống động, hôm nay tôi đứng trước quí vị để thông báo quyết định ra tranh cử Tổng thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ."Obama cũng nhấn mạnh đến đòi hỏi chấm dứt cuộc chiến Iraq, tăng cường sự độc lập về năng lượng, và cung ứng sự chăm sóc sức khỏe phổ quát,[67] trong chiến dịch tranh cử với chủ đề chính là "niềm hi vọng" và "thay đổi".[68]
Có khá đông ứng viên trong vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, nhưng sau cùng chỉ còn là cuộc tranh chấp tay đôi giữa Obama và Thượng Nghị sĩ Hillary Rodham Clinton. Khoảng cách giữa Clinton và Obama thu hẹp dần, phần lớn là do Obama có kế hoạch dài hạn tốt hơn, vượt trội về khả năng gây quỹ, và biết cách tận dụng lợi thế theo luật bầu cử.
Ngày 7 tháng 6, 2008, Clinton rút lui khỏi cuộc đua đồng thời tuyên bố ủng hộ Obama.[69]
Ngày 23 tháng 8, Obama chọn Joe Biden, thượng nghị sĩ đại diện bang Delaware, vào liên danh.[70]
Tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ ở Denver, Colorado, Obama đọc bài diễn văn chấp nhận sự đề cử, không phải trong phòng họp của đại hội mà tại vận động trường Invesco Field at Mile High trước cử tọa 75 000 người; 38 triệu người trên khắp thế giới theo dõi sự kiện này.[71]
Trong giai đoạn bầu cử sơ bộ cũng như trong cuộc tổng tuyển cử, chiến dịch tranh cử của Obama lập kỷ lục về gây quỹ, nhất là những khoản đóng góp nhỏ.
Obama và John McCain, ứng cử viên được Đảng Cộng hòa đề cử, tham dự ba cuộc tranh luận trong tháng 9 và tháng 10 năm 2008. Ngày 4 tháng 11, Obama thắng cử với 365 phiếu cử tri đoàn, McCain được 173 phiếu. Obama giành được 52,9% phiếu phổ thông, tỷ lệ này của McCain là 45,7%.[72]
Obama trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu vào chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ. Ông đọc bài diễn văn chiến thắng trước hàng trăm ngàn người tập họp về Công viên Grant ở Chicago.[73]
Chiến dịch tranh cử 2012
Tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ 2012 tổ chức ở Charlotte, North Carolina, cựu tổng thống Bill Clinton chính thức đề cử Obama và Joe Biden làm ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống, đối đầu với ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney, cựu Thống đốc tiểu bang Massachusetts, và Dân biểu Paul Ryan.[80]
Ngày 6 tháng 11, 2012 Obama giành được 332 phiếu cử tri đoàn, vượt quá số quy định 270 phiếu để tiếp tục chức vụ tổng thống cho nhiệm kỳ thứ hai.[81][82][83]
Obama là tổng thống Dân chủ đầu tiên kể từ Franklin D. Roosevelt hai lần giành được đa số phiếu phổ thông.[84]
Khi phát biểu với những người ủng hộ và các tình nguyện viên tại trung tâm hội nghị McCormick Place ở Chicago sau khi tái đắc cử, Obama nói:
“ | Không chỉ đơn thuần là một thủ tục chính trị, tối nay, các bạn đã bỏ phiếu để [chính phủ] phải hành động. Các bạn đã tuyển chọn để chúng tôi tập trung vào việc làm của các bạn, không phải của chúng tôi. Trong những tuần và tháng sắp tới, tôi sẽ tiếp xúc và làm việc với những nhà lãnh đạo của cả hai chính đảng để đối phó với những thách thức chỉ có thể giải quyết được khi chúng ta cùng nhau chung tay góp sức.[85] | ” |
Tổng thống Hoa Kỳ
Lễ nhậm chức của Barack Obama như là Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ diễn ra ngày 20 tháng 1, 2009. Ngay từ những ngày đầu tiên, Obama ban hành những sắc lệnh và những bản ghi nhớ hướng dẫn quân đội Hoa Kỳ phát triển kế hoạch triệt thoái binh sĩ khỏi Iraq.[86] Ông ra lệnh đóng cửa trại giam Vịnh Guantanamo,[87] nhưng bị Quốc hội cản trở bằng cách từ chối cấp ngân quỹ.[88][89][90] Obama cũng cho hạ thấp tiêu chuẩn bí mật dành cho các cuộc ghi âm của tổng thống.[91]Đối nội
Dự luật đầu tiên được Obama ký ban hành là Đạo luật Lilly Ledbetter Fair Pay Act năm 2009.[92] Năm ngày sau, ông ký lệnh tái khởi động Chương trình Bảo hiểm Sức khỏe cho Trẻ em, hỗ trợ cho 4 triệu trẻ em không có bảo hiểm.[93] Tháng 3, 2009, Obama đảo ngược chính sách của chính phủ Bush hạn chế ngân quỹ dành cho nghiên cứu tế bào gốc từ phôi, cùng lúc ông cam kết phát triển "những hướng dẫn nghiêm ngặt" cho các cuộc nghiên cứu.[94]Ngay trong hai năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống, Obama bổ nhiệm hai phụ nữ vào tòa án tối cao. Sonia Sotomayor thay thế David Souter về hưu. Được chuẩn thuận ngày 6 tháng 8, 2009, Sotomayor là người nói tiếng Tây Ban Nha đầu tiên được bổ nhiệm vào tòa tối cao.[95][96] Với việc bổ nhiệm Elena Kagan, được Obama đề cử ngày 10 tháng 10, 2010 để thay thế John Paul Stevens về hưu, được phê chuẩn ngày 5 tháng 8, 2010, lần đầu tiên trong lịch sử có ba nữ thẩm phán phục vụ tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.[97]
Ngày 30 tháng 9, 2009, chính quyền Obama đề xuất bản quy tắc mới về nhà máy điện, hãng xưởng và nhà máy lọc dầu trong nỗ lực hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính và kìm hãm tình trạng nóng ấm toàn cầu.[98][99]
Trong tháng 4, 2010, Obama công bố một sự thay đổi trong định hướng của NASA, cơ quan không gian Hoa Kỳ, cung cấp ngân quỹ cho các đề án khoa học địa cầu, một loại hỏa tiễn mới, nghiên cứu và phát triển các chuyến thám hiểm Sao Hỏa, và các chuyến bay đến Trạm Không gian Quốc tế.[100]
Ngày 22 tháng 12, 2010, Obama ký ban hành Sắc lệnh Don’t Ask, Don’t Tell Repeal 2010, thực hiện lời hứa của ông khi tranh cử[101][102] chấm dứt chính sách Don’t ask, don’t tell năm 1993 đã ngăn cấm người đồng tính tham gia lực lượng vũ trang.[103]
Trong thông điệp liên bang năm 2011, tổng thống tập chú vào các chủ đề giáo dục và đổi mới, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đổi mới kinh tế để tăng cường sức mạnh cạnh tranh của nước Mỹ trên thế giới. Ông nói về việc đóng băng chi tiêu nội địa trong 5 năm, bỏ việc giảm thuế cho các công ty dầu mỏ, đảo ngược chính sách cắt giảm thuế cho giới giàu có nhất, và cắt giảm chi phí y tế. Tổng thống cũng cam kết đến năm 2015 sẽ có 1 triệu xe chạy bằng điện lưu thông trên đường.[104][105]
Từ khi tranh cử vào thượng viện Illinois năm 1996, Obama đã ủng hộ hôn nhân đồng tính;[106] nhưng khi tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ năm 2004, ông tuyên bố ủng hộ sự kết ước dân sự (civil union) và chống đối hôn nhân đồng tính.[107] Ngày 9 tháng 5, 2012, một thời gian ngắn sau khi tuyên bố tái tranh cử, Obama nói rằng ông đã thay đổi quan điểm và công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính. Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên ủng hộ hôn nhân đồng tính.[108][109]
Kinh tế
Ngày 17 tháng 2, 2009, Obama ban hành gói kích thích trị giá 787 tỉ USD nhằm phục hồi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng từ đợt suy thoái toàn cầu,[110] với các biện pháp như gia tăng chi tiêu liên bang cho y tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, cắt giảm thuế, và hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân.Để đối phó với cơn khủng hoảng tài chính, Bộ trưởng Ngân khố cung ứng quỹ dự phòng 2 000 tỉ USD để mua bất động sản đang mất giá. Obama quyết định can thệp vào nền công nghiệp ô tô đang bị khủng hoảng,[111] cho gia hạn các khoản nợ của General Motors và Chrysler để tiếp tục sản xuất trong khi tiến hành cải tổ. Trong những tháng kế tiếp, Tòa Bạch Ốc thiết lập điều kiện phá sản cho hai công ty, trong đó có việc bán Chrysler cho công ty Fiat của Ý,[112] và tái cấu trúc GM, chính phủ Mỹ mua 60% cổ phần, chính phủ Canada mua 12%.[113]
Đến tháng 6, 2009, không hài lòng với tiến độ của gói kích thích kinh tế, Obama kêu gọi nội các đẩy mạnh đầu tư.[114] Ông ban hành chương trình Car Allowance Rebate System trị giá 3 tỉ USD, hỗ trợ người dân đổi xe cũ tiêu hao nhiều nhiên liệu cho xe mới tiết kiệm nhiên liệu.[115][116][117]
Giống năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng trong năm 2009, đến đỉnh điểm vào tháng 10 ở mức 10%. Sang quý 1 năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp được kéo xuống còn 9,7%, rồi 9,6% trong quý 2 cho đến cuối năm.[118] Từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2010, tỷ lệ người có việc làm tăng 0,8%.[119] Quý 3 năm 2009 chứng kiến mức tăng trưởng GDP là 1,6%, quý 4 là 5,0%,[120] tỷ lệ này trong quý 1 năm 2010 là 3,7%.[120]
Tháng 7, 2010, Quỹ Dự trữ Liên bang cho biết các hoạt đông kinh tế tiếp tục gia tăng nhưng ở nhịp độ chậm. Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang, Ben Bernake, nói rằng tổng quan nền kinh tế là "không ổn định cách bất thường".[121] Nhìn chung, nền kinh tế phát triển ở mức 2,9% trong năm 2010.[122]
Văn phòng Ngân sách Quốc hội và phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng kế hoạch kích thích của Obama đã giúp tăng trưởng kinh tế.[123][124] Văn phòng phát hành một bản báo cáo theo đó gói kích thích làm gia tăng số người có việc làm từ 1 – 2,1 triệu.[123][124][125][126][127]
Cải tổ Y tế
Obama kêu gọi Quốc hội thông qua luật cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ, một lời hứa quan trọng khi tranh cử và là một mục tiêu lập pháp của ông.[128]Obama đề nghị mở rộng bảo hiểm y tế để bao gồm những người chưa được bảo hiểm, và cho phép những người mất việc hoặc thay đổi công việc duy trì bảo hiểm của mình. Ông kêu gọi chi tiêu 900 tỉ USD trong 10 năm và bao gồm một kế hoạch bảo hiểm của chính phủ để cạnh tranh với khu vực bảo hiểm tư như là một biện pháp nhằm làm giảm giá bảo hiểm đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe. Dự luật cũng qui định việc bỏ rơi người mắc bệnh là bất hợp pháp, và yêu cầu tất cả người Mỹ đều có bảo hiểm sức khỏe. Kế hoạch này cũng tính đến việc cắt giảm chi tiêu y tế và đánh thuế trên những công ty bảo hiểm cung ứng các gói bảo hiểm đắt tiền.[129][130]
Ngày 14 tháng 7, 2009, giới lãnh đạo đảng Dân chủ ở Viện Dân biểu giới thiệu bản kế hoạch dày 1 017 trang xem xét toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước Mỹ; Obama muốn Quốc hội phê chuẩn kế hoạch này vào cuối năm 2009.[128]
Sau nhiều cuộc tranh luận diễn ra suốt kỳ nghỉ hè năm 2009 của Quốc hội, ngày 9 tháng 9,Obama đọc diễn văn trước kỳ họp toàn thể của Quốc hội, bày tỏ mối quan tâm đến những đề xuất.[131] Tháng 3, 2009, Obama gỡ bỏ lệnh cấm sử dụng ngân sách liên bang cho nghiên cứu tế bào gốc.[132]
Ngày 21 tháng 3, 2010, Đạo luật Patient Protection and Affordable Care được Thượng viện thông qua, trước đó trong tháng 12 Viện Dân biểu đã biểu quyết với tỷ lệ 219-212 phê chuẩn dự luật. Tổng thống ký ban hành ngày 23 tháng 3, 2010.[133][134]
Bầu cử giữa kỳ năm 2010
Obama gọi cuộc cuộc bầu cử ngày 2 tháng 11, 2010, khi Đảng Dân chủ mất 63 ghế ở Viện Dân biểu,[135] là "đáng hổ thẹn" và là một "thất bại nặng nề".[136] Ông nói rằng sự thất bại này là do người dân Mỹ chưa cảm thấy tác dụng của tiến trình phục hồi kinh tế.[137]Đối ngoại
Trong tháng 2 và tháng 3, Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton thực hiện những chuyến công du riêng lẻ nhằm công bố một "kỷ nguyên mới" trong tiểu bang giao giữa Hoa Kỳ với Nga và Âu châu, những từ "đột phá" và "điều chỉnh" được sử dụng để báo trước những thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại giao. Obama tỏ ý muốn tiếp cận với giới lãnh đạo Ả-rập khi dành cho kênh truyền hình Ả-rập, Al Arabiya, cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông.[138]Ngày 19 tháng 3, Obama tiếp tục nỗ lực tiếp cận với thế giới Hồi giáo bằng cách gởi thông điệp năm mới qua một video đến nhân dân và chính quyền Iran,[139] nhưng bị giới lãnh đạo Iran cự tuyệt.[140] Đến tháng 4, bài diễn văn của Obama đọc tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ được chính phủ các nước Ả-rập tiếp nhận cách thuận lợi.[141] Ngày 4 tháng 6, 2009, trong diễn từ đọc tại Đại học Cairo, Ai Cập, Obama kêu gọi cho "một sự khởi đầu mới" trong mối quan hệ giữa thế giới Hồi giáo với Hoa Kỳ, ông cũng lên tiếng thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
Ngày 26 tháng 6, 2009, phản ứng trước hành động của chính phủ Iran chống lại những người biểu tình sau cuộc bầu cử tổng thống 2009 ở Iran, Obama nói: "Sử dụng bạo lực chống lại họ là vô nhân đạo. Chúng tôi theo dõi và lên án chúng."[142]
Ngày 24 tháng 9, 2009, Obama trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên chủ tọa một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.[143]
Tháng 3, 2010, Obam công khai chống lại kế hoạch của Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, tiếp tục đề án xây dựng nhà ở cho người Do Thái trong những khu dân cư có nhiều người Ả-rập ở khu Đông Jerusalem.[144][145]
Cũng trong tháng này, một thỏa thuận đạt được với chính phủ Dmitry Medvedev của Nga thay thế Thỏa ước Cắt giảm Vũ trang Chiến lược 1991 bằng một hiệp ước mới cắt giảm một phần ba số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa trong kho vũ khí của cả hai bên.[146] Hiệp ước New START này được Obama và Medvedev ký kết trong tháng 4, 2010, và được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn vào tháng 12, 2010.[147]
Chiến tranh Iraq
Ngày 27 tháng 2, 2009, khi nói chuyện với binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ sắp được gởi đến Afghanistan, Obama tuyên bố rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ chấm dứt các cuộc hành quân chiến đấu tại Iraq trong vòng 18 tháng, "Cho phép tôi trình bày điều này cách rõ ràng nhất: đến 31 tháng 8, 2010, nhiệm vụ chiến đấu của chúng ta tại Iraq sẽ chấm dứt."[148] Cuộc triệt thoái sẽ được hoàn tất trong tháng 8, 2010, để lại một lực lượng chuyển tiếp từ 35 000 đến 50 000 binh sĩ cho đến cuối năm 2011.Ngày 19 tháng 8, 2010, lữ đoàn chiến đấu cuối cùng rời khỏi Iraq. Lực lượng chuyển tiếp đảm trách công tác chống khủng bố, huấn luyện, trang bị, và cố vấn cho lực lượng an ninh Iraq.[149][150]
Ngày 31 tháng 8, 2010, Obama tuyên bố nhiệm vụ chiến đấu của Hoa Kỳ tại Iraq đã chấm dứt.[151]
Ngày 21 tháng 10, 2011, Tổng thống Obama tuyên bố toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ rời khỏi Iraq để kịp đoàn tụ với gia đình trong những ngày lễ.[152]
Chiến tranh Afghanistan
Từ lúc mới nhậm chức, Obama chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự tại Afghanistan,[153] ông tuyên bố gia tăng số binh sĩ Mỹ lên đến 17 000 người nhằm "đảo ngược tình hình đang sa sút tại Afghanistan", vùng đất theo ông đã không nhận đủ "sự quan tâm chiến lược và nguồn lực cần thiết".[154]Tháng 5, 2009, Tổng thống thay thế tư lệnh quân đội tại đây, Tướng David D. McKiernan, bằng cựu tư lệnh Lực lượng Đặc biệt, Tướng Stanley A. McChrystal, ngụ ý rằng những kinh nghiệm của McChrystal trong Lực lượng Đặc biệt sẽ giúp áp dụng hiệu quả chiến thuật chống nổi dậy trong chiến tranh . Ngày 1 tháng 12, 2009, Obama tuyên bố bổ sung 30 000 quân đến Afghanistan.[155] Ông cũng đề xuất kế hoạch rút quân trong vòng 18 tháng kể từ ngày này.[156]
Sau khi bộ chỉ huy của McChrystal chỉ trích nhân viên Tòa Bạch Ốc, tháng 6, 2010, David Petraeus được bổ nhiệm thay thế McChrystal.[157]
Israel
Obama miêu tả mối dây ràng buộc giữa Hoa Kỳ với Israel là "không thể phá vỡ được".[158] Ngay từ đầu, chính phủ Obama đẩy mạnh hợp tác quân sự với Israel bằng cách tăng viện trợ quân sự, lập lại Nhóm Chính trị Quân sự Hoa Kỳ-Israel, và Nhóm Tư vấn Chính sách Quốc phòng, gia tăng các chuyến viếng thăm quân sự cao cấp giữa hai nước.[159] Chính phủ Obama yêu cầu Quốc hội phân bổ tiền cho chương trình Iron Dome nhằm đáp trả đợt sóng tấn công bằng hỏa tiễn của Paestine nhắm vào Israel.[160]Trong năm 2011, Hoa Kỳ phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án các khu định cư của Israrel. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất chống lại nghị quyết này.[161] Obama ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong cuộc tranh chấp Ả-rập – Israel dựa trên hiện trạng năm 1967.[162]
Libya
Tháng 3, 2011, khi lực lượng trung thành với Muammar Gaddafi áp đảo những nhóm nổi dậy trên khắp lãnh thổ Libya, Âu châu và Liên đoàn Ả-rập lên tiếng kêu gọi thành lập một khu vực cấm bay, và Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua một nghị quyết.[163]Phản ứng trước Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Gaddafi – trước đó thề rằng sẽ "không dung tha" đối với phe nổi dậy ở Benghazi[164] – tuyên bố ngưng lập tức mọi hoạt động quân sự.[165] Tuy nhiên, có những báo cáo về việc binh sĩ của Gaddafi tiếp tục nã pháo vào Misrata. Hôm sau, theo chỉ thị của Obama, quân lực Hoa Kỳ dẫn đầu các cuộc không kích, sử dụng hỏa tiễn Tomahawk, oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit, và các chiến đấu cơ[166][167][168] hủy diệt khả năng phòng vệ của chính phủ Libya với lý do bảo vệ tính mạng thường dân và cưỡng chế thi hành lệnh cấm bay.[169]
Sáu ngày sau, 25 tháng 3, với sự đồng thuận của 23 thành viên, NATO lãnh đạo chiến dịch Operation Unified Protector. Sự hỗ trợ của NATO là nhân tố quyết định dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Gaddafi ngày 23 tháng 10, 2011.[170]
Osama bin Laden
Khởi đầu với những thông tin tiếp nhận trong tháng 7, 2010, mạng lưới tình báo của CIA trong những tháng kế tiếp xác định rằng Osama bin Laden đang trú ẩn trong một tòa nhà kín đáo ở Abbottabad, một vùng ngoại ô cách Islamabad, thủ đô Pakistan, 35 dặm.[171] Tháng 3, 2011, Giám đốc CIA Leon Panetta tường trình những thông tin tình báo cho Tổng thống Obama.[171] Trong sáu tuần kế tiếp, khi họp bàn với các cố vấn an ninh, Obama bác bỏ kế hoạch ném bom, nhưng cho phép toán đặc nhiệm SEAL của Hải quân Hoa Kỳ đột kích vào tòa nhà.[171]Kết quả thu được từ cuộc đột kích, tiến hành ngày 1 tháng 5, 2011, là cái chết của bin Laden, nhiều giấy tờ bị thu giữ, cùng những đĩa vi tính.[172][173] Thi thể của bin Laden được nhận dạng nhờ xét nghiệm DNA,[174] rồi được thủy táng chỉ vài giờ sau đó.[175]
Vào chiều tối ngày 1 tháng 5 tại Washington, D.C., ngay sau khi Tổng thống thông báo, nhiều cuộc ăn mừng tự phát diễn ra trên khắp đất nước, và những đám đông hoan hỉ tụ họp bên ngoài Tòa Bạch Ốc, tại khu bình địa và Quảng trường Times ở New York.[172][176] Trong số những phản ứng tích cực đến từ hai chính đảng và từ nhiều quốc gia trên thế giới có lời chúc tụng của các cựu tổng thống Bill Clinton và George W. Bush.[177][178]
Hình ảnh chính trị và văn hóa
Đất nước này có nhiều của cải hơn bất cứ quốc gia nào khác, nhưng
điều đó không làm chúng ta giàu có. Chúng ta có quân đội hùng cường nhất
trong lịch sử, nhưng điều đó không làm chúng ta mạnh mẽ. Nền đại học và
văn hóa của chúng ta khiến thế giới phải ganh tị, nhưng điều đó không
kéo thế giới đến gần với chúng ta. Điều khiến nước Mỹ nổi bật là những
ràng buộc khiến đất nước đa dạng nhất này trên Trái Đất đoàn kết với
nhau...Đó là điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại. |
Barack Obama, Diễn văn Chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống 2012.[85] |
Bày tỏ sự kinh ngạc về những tra vấn liệu ông có "đủ đen" không, trong một lần nói chuyện với Hiệp hội Nhà báo Da đen vào tháng 8 năm 2007, Obama nhận xét rằng vấn đề không phải là ngoại diện hoặc thành tích của ông về những sự việc liên quan đến cử tri da đen, nhưng là "não trạng của chúng ta vẫn còn bị câu thúc bởi ý tưởng cho rằng bất cứ ai tìm kiếm sự ủng hộ từ những người anh em da trắng đều bị coi là đang làm một điều sai trái"[180].
Obama thường được nhắc đến như là một nhà hùng biện xuất sắc. Từ giai đoạn chuẩn bị nhậm chức và suốt nhiệm kỳ tổng thống, mỗi tuần ông đều có một bài nói chuyện được đưa lên Internet.
Theo Gallup, Obama khởi đầu nhiệm kỳ với tỷ lệ ủng hộ là 68%, rồi suy giảm đều đặn suốt trong năm, cuối cùng chạm đáy vào tháng 8 năm 2010 ở mức 41%, tương tự với những gì xảy ra với hai tổng thống tiền nhiệm của ông, Ronald Reagan và Bill Clinton trong năm đầu tiên của họ tại Tòa Bạch Ốc. Tỷ lệ này tăng lên đôi chút sau cái chết của Osama bin Laden, kéo dài đến tháng 6, 2011 rồi rơi tuột trở lại mức cũ vào thời điểm trước khi mở cuộc hành quân tiêu diệt bin Laden.
Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát của Harris Interactive vào tháng 1, 2009 cho kênh truyền hình France 24 và nhật báo International Herald Tribune, Obama được xem là nhà lãnh đạo thế giới nhiều quyền lực nhất cũng như được tôn trọng nhất. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 5, 2009 của Harris, Obama được đánh giá là nhà lãnh đạo thế giới được yêu thích nhất, và là nhân vâkt được kỳ vọng nhất có thể dẫn dắt thế giới ra khỏi cơn suy thoái kinh tế.
Obama được trao Giải Grammy cho album nói hay nhất về phiên bản audio của quyển Dreams from My Father trong tháng 2, 2006 và cho quyển The Audacity of Hope trong tháng 2, 2008. Bài diễn văn chấp nhận thua cuộc trong kỳ bầu cử sơ bộ ở New Hampshire của Obama được phổ nhạc, khi video "Yes We Can" được đưa lên YouTube liền có 10 triệu lượt xem ngay trong tháng đầu tiên, và được nhận Giải Daytime Emmy. Tháng 12, 2008, Obama được tạp chí Time chọn làm Nhân vật của Năm do nỗ lực của ông trong kỳ bầu cử tổng thống mà tạp chí này miêu tả là "cuộc hành trình vững chải để đạt đến những thành quả hầu như là bất khả".
Ngày 9 tháng 10, 2009, Ủy ban Nobel Na Uy tuyên bố Obama đoạt Giải Nobel Hòa bình 2009 "do những nỗ lực phi thường của ông nhằm củng cố nền ngoại giao quốc tế và sự hợp tác giữa các dân tộc". Ngày 10 tháng 12, 2009, Obama đến Oslo nhận giải với thái độ "hết sức khiêm tốn và lòng biết ơn sâu sắc". Lần trao giải này gây ra những phản ứng trái nghịch nhau từ những nhà lãnh đạo thế giới cũng như giới truyền thông. Obama là người thứ tư trong số các Tổng thống Hoa Kỳ được trao giải Nobel Hòa bình, và là người thứ ba nhận giải khi đương chức.
Gia đình và đời sống cá nhân
Cả những người ủng hộ lẫn chỉ trích đều xem hình ảnh của Obama như là một nhân cách trung tính mà bất cứ ai cũng có thể lồng vào đó quá khứ và khát vọng của mình. Những câu chuyện của Obama về nguồn gốc gia đình củng cố thêm nữa điều mà một bài viết đăng trên tạp chí The New Yorker tháng 5 năm 2004 miêu tả là hình ảnh chung cho mọi người. Trong quyển Dreams from My Fathers, ông gắn kết lịch sử gia đình họ ngoại với tổ tiên là người Mỹ bản địa và là họ hàng xa với Jefferson Davis, tổng thống Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Mỹ[181].Còn khi nói chuyện trước một cử tọa người Do Thái trong cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kỳ năm 2004, Obama tìm thấy sự tương đồng trong nguồn gốc ngôn ngữ giữa cái tên Barack bắt nguồn từ Đông Phi với tên Baruch, trong tiếng Hebrew nghĩa là "người được chúc phúc".
Tháng 10 năm 2006, khi xuất hiện trong chương trình truyền hình The Oprah Winfrey Show, Obama nói về tính đa dạng trong đại gia đình của mình: "Michelle sẽ bảo cho các bạn biết, khi họp mặt vào dịp Giáng sinh hoặc Lễ Tạ ơn, thì đây đúng là một Liên Hiệp Quốc thu nhỏ. Tôi có những người họ hàng trông giống như Bernie Mac (diễn viên và danh hài người Mỹ gốc Phi), trong khi những người khác trông giống như Margaret Thatcher. Ở đây chúng tôi có tất cả"[182]. Obama gặp người vợ tương lai của mình, Michelle Robinson, năm 1988 khi nhận một công việc mùa hè cho văn phòng luật sư Sidley & Austin ở Chicago[183]. Là cố vấn cho Obama tại công ty, Robinson cùng làm việc với Obama trong các hoạt động xã hội theo nhóm. Đến cuối hè, họ bắt đầu hẹn hò, đính hôn năm 1991 và kết hôn vào tháng 10 năm 1992[184]. Con gái đầu của hai người, Malia Ann, chào đời năm 1999[185], kế đó là Natasha ("Sasha") năm 2001[186].
Năm 2005, gia đình Obama dọn đến ngôi nhà mới trị giá 1,6 triệu USD ở Kenwood[187]. Tháng 12 năm 2007, tạp chí Money ước tính tài sản của gia đình Obama là 1,3 triệu[188]. Khoản hoàn trả thuế năm 2007 cho thấy lợi tức của họ là 4,2 triệu USD, tăng từ khoảng 1 triệu USD năm 2006, và 1,6 triệu USD năm 2005, hầu hết là nhờ vào tiền bán sách[189].
Obama có bảy anh chị em cùng cha khác mẹ, sáu trong số họ còn sống, và một em gái cùng mẹ khác cha, Maya Soetoro-Ng[190]. Soetoro-Ng kết hôn với một người Canada gốc Hoa[191].
Obama thích chơi bóng rổ, thời trung học từng là thành viên đội bóng rổ liên trường[192]. Ông thuận tay trái, nhưng lại thích sử dụng tay phải trong một số động tác chơi bóng[193].
Trước khi tuyên bố tranh cử, Obama bắt đầu bỏ thuốc lá, ông nói với tờ Chicago Tribune "Trong vài năm qua, từng hồi từng lúc tôi đã bỏ thuốc. Vợ tôi kiên quyết yêu cầu tôi bỏ thuốc, nếu không tôi sẽ không chịu đựng nổi áp lực của chiến dịch tranh cử"[194]. Đầu năm 2011, vợ ông tự hào tuyên bố với báo chí rằng ông đã cai thuốc thành công.[195]
Niềm tin tôn giáo
Năm 1776, những người yêu nước đã chiến đấu không phải để thay thế
chế độ vua chúa bằng một thể chế dành đặc quyền cho thiểu số, hoặc bằng
sự cai trị của băng nhóm. Họ đã thiết lập cho chúng ta một nền cộng hòa,
một chính quyền của dân, do dân, và vì dân. |
Barack Obama, Diễn văn Nhậm chức Tổng thống Nhiệm kỳ hai, 21 tháng 1, 2013.[196] |
Cuốn sách cũng thuật lại sự kiện Obama, lúc ấy ở tuổi hai mươi, khi đang làm việc cho một nhà thờ địa phương trong cương vị một nhân viên tổ chức cộng đồng, đã nhận ra rằng "sức mạnh của truyền thống tôn giáo trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi có thể kích hoạt sự thay đổi trong xã hội". Obama viết: "Từ những nhận thức này – niềm tin tôn giáo không đòi hỏi tôi phải từ bỏ ý thức phê phán, chấm dứt các nỗ lực tranh đấu cho sự công bằng xã hội và kinh tế, hay rút lui khỏi thế giới mà tôi hiểu biết và yêu quí – tôi đã đến Nhà thờ Trinity United Church of Christ (thuộc hệ phái Tự trị Giáo đoàn) để chịu lễ báp têm"[197][198].
Trong một lần nói chuyện với Sarah Pulliam và Ted Olsen của tạp chí Christianity Today, Obama khẳng định: "Tôi tin vào sự chết cứu chuộc và sự sống lại của Chúa Giê-xu Cơ Đốc. Tôi tin rằng đức tin ấy là con đường dẫn tôi đến sự tẩy sạch tội lỗi và được hưởng sự sống đời đời. Nhưng quan trọng hơn, tôi tin vào hình mẫu mà Chúa Giê-xu đã thiết lập bằng cách cho người đói ăn, chữa lành người bệnh tật, và luôn ưu tiên cho những người thấp hèn nhất hơn là cho những kẻ quyền thế".[199].
Tháng 5, 2008, do bất đồng với một tuyên bố gây nhiều tranh cãi của Mục sư Jeremiah Wright, Obama rút lui khỏi Nhà thờ Trinity United Church of Christ.[200] Sau một thời gian kéo dài tìm kiếm một nhà thờ thích hợp cho Obama và gia đình ở Washington, đến tháng 6, 2009 tổng thống cho biết địa điểm thờ phượng chính của ông là Nhà thờ Evergreen trong Trại David.[201]
Chú thích
- ^ Maraniss, David (August 24, 2008). "Though Obama had to leave to find himself, it is Hawaii that made his rise possible". The Washington Post. p. A22. Retrieved October 28, 2008.
- ^ Nakaso, Dan (December 22, 2008). "Twin sisters, Obama on parallel paths for years". The Honolulu Advertiser. p. B1. Retrieved January 22, 2011.
- ^ Jones, Tim (March 27, 2007). "Barack Obama: Mother not just a girl from Kansas; Stanley Ann Dunham shaped a future senator". Chicago Tribune. p. 1 (Tempo). Archived from the original on February 21, 2009. Retrieved May 18, 2012.
- ^ a ă Obama (1995, 2004), pp. 9–10.
- Scott (2011), pp. 80–86.
- Jacobs (2011), pp. 115–118.
- Maraniss (2012), p. 154–160.
- ^ Ripley, Amanda (April 9, 2008). "The story of Barack Obama's mother". Time. Retrieved April 9, 2007.
- ^ Scott (2011), p. 86.
- Jacobs (2011), pp. 125–127.
- Maraniss (2012), p. 160–163.
- ^ Scott (2011), pp. 87–93.
- Jacobs (2011), pp. 115–118, 125–127, 133–161.
- Maraniss (2012), pp. 170–183, 188–189.
- ^ Scott (2011), pp. 142–144.
- Jacobs (2011), pp. 161–177, 227–230.
- Maraniss (2012), pp. 190–194, 201–209, 227–230.
- ^ Ochieng, Philip (November 1, 2004). "From home squared to the US Senate: how Barack Obama was lost and found". The EastAfrican. Archived from the original on September 27, 2007. Retrieved June 25, 2008.
- Merida, Kevin (December 14, 2007). "The ghost of a father". The Washington Post. p. A12. Retrieved June 25, 2008.
- Jacobs (2011), pp. 251–255.
- Maraniss (2012), pp. 411–417.
- ^ Scott (2011), pp. 97–103.
- Maraniss (2012), pp. 195–201, 225–230.
- ^ Maraniss (2012), pp. 195–201, 209–223, 230–244.
- ^ Maraniss (2012), pp. 216, 221, 230, 234–244.
- ^ Serafin, Peter (March 21, 2004). "Punahou grad stirs up Illinois politics". Honolulu Star-Bulletin. Retrieved March 20, 2008.
- Scott, Janny (March 14, 2008). "A free-spirited wanderer who set Obama's path". The New York Times. p. A1. Retrieved November 18, 2011.
- Obama (1995, 2004), Chapters 3 and 4.
- Scott (2012), pp. 131–134.
- Maraniss (2012), pp. 264–269.
- ^ Scott (2011), pp. 139–157.
- Maraniss (2012), pp. 279–281.
- ^ Scott (2011), pp. 157–194.
- Maraniss (2012), pp. 279–281, 324–326.
- ^ Scott (2011), pp. 214, 294, 317–346.
- ^ Serrano, Richard A. (March 11, 2007). "Obama's peers didn't see his angst". Los Angeles Times. p. A20. Retrieved March 13, 2007.
- Obama (1995, 2004), Chapters 4 and 5.
- ^ Reyes, B.J. (February 8, 2007). "Punahou left lasting impression on Obama". Honolulu Star-Bulletin. Retrieved February 10, 2007. "As a teenager, Obama went to parties and sometimes sought out gatherings on military bases or at the University of Hawaii that were mostly attended by blacks."
- ^ Elliott, Philip (November 21, 2007). "Obama gets blunt with N.H. students". The Boston Globe (Associated Press). p. 8A. Retrieved May 18, 2012.
- ^ Hornick, Ed (August 17, 2008). "Obama, McCain talk issues at pastor's forum". CNN. Retrieved May 18, 2012.
- ^ Boss-Bicak, Shira (January 2005). "Barack Obama '83". . Retrieved October 1, 2006.
- ^ Obama, Barack (1998). "Curriculum vitae". The University of Chicago Law School. Archived from the original on May 9, 2001. Retrieved October 1, 2006.
- Issenberg, Sasha (August 6, 2008). "Obama shows hints of his year in global finance; Tied markets to social aid". The Boston Globe. p. 1A. Archived from the original on August 9, 2008. Retrieved August 6, 2008.
- ^ Scott, Janny (July 30, 2007). "Obama's account of New York often differs from what others say". The New York Times. p. B1. Retrieved July 31, 2007.
- Obama (1995, 2004), pp. 133–140.
- Mendell (2007), pp. 62–63.
- ^ a ă â b Chassie, Karen, ed. (2007). Who's Who in America, 2008. New Providence, NJ: Marquis Who's Who. p. 3468. .
- ^ Lizza, Ryan (March 19, 2007). "The agitator: Barack Obama's unlikely political education". The New Republic 236 (12): 22–26, 28–29. . Retrieved August 21, 2007.
- Secter, Bob; McCormick, John (March 30, 2007). "Portrait of a pragmatist". Chicago Tribune. p. 1. Archived from the original on December 14, 2009. Retrieved May 18, 2012.
- Obama (1995, 2004), pp. 140–295.
- Mendell (2007), pp. 63–83.
- ^ a ă Matchan, Linda (February 15, 1990). "A Law Review breakthrough". The Boston Globe. p. 29. Retrieved June 15, 2008.
- Corr, John (February 27, 1990). "From mean streets to hallowed halls" (paid archive). The Philadelphia Inquirer. p. C01. Retrieved June 6, 2008.
- ^ Obama, Barack (August–September 1988). "Why organize? Problems and promise in the inner city". Illinois Issues 14 (8–9): 40–42. reprinted in: .
Knoepfle, Peg, ed. (1990). After Alinsky: community organizing in Illinois. Springfield, IL: Sangamon State University. pp. 35–40. . "He has also been a consultant and instructor for the Gamaliel Foundation, an organizing institute working throughout the Midwest." - ^ a ă Obama, Auma (2012). And then life happens: a memoir. New York: St. Martin's Press. pp. 189–208, 212–216. .
- ^ Obama (1995, 2004), pp. 299–437.
- Maraniss (2012), pp. 564–570.
- ^ Mundy, Liza (2008). Michelle: a biography. New York: Simon & Schuster. p. 189. .
- Maraniss (2012), p. 564.
- ^ Gnecchi, Nico (February 27, 2006). "Obama receives hero's welcome at his family's ancestral village in Kenya". Voice of America. Archived from the original on March 21, 2008. Retrieved June 25, 2008.
- ^ a ă Levenson, Michael; Saltzman, Jonathan (January 28, 2007). "At Harvard Law, a unifying voice". The Boston Globe. p. 1A. Retrieved June 15, 2008.
- Kantor, Jodi (January 28, 2007). "In law school, Obama found political voice". The New York Times. p. A1. Retrieved June 15, 2008.
- Mundy, Liza (August 12, 2007). "A series of fortunate events". The Washington Post. p. W10. Retrieved June 15, 2008.
- Mendell (2007), pp. 80–92.
- ^ Butterfield, Fox (February 6, 1990). "First black elected to head Harvard's Law Review". The New York Times. p. A20. Retrieved June 15, 2008.
- Ybarra, Michael J (February 7, 1990). "Activist in Chicago now heads Harvard Law Review". Chicago Tribune. p. 3. Retrieved October 29, 2011.
- Drummond, Tammerlin (March 12, 1990). "Barack Obama's law; Harvard Law Review's first black president plans a life of public service" (paid archive). Los Angeles Times. p. E1. Retrieved June 15, 2008.
- Evans, Gaynelle (March 15, 1990). "Opening another door: The saga of Harvard's Barack H. Obama". Black Issues in Higher Education 7 (1): 5.
- Pugh, Allison J. (April 18, 1990). "Law Review's first black president aims to help poor". The Miami Herald (Associated Press). p. C01. Retrieved June 15, 2008.
- ^ Aguilar, Louis (July 11, 1990). "Survey: Law firms slow to add minority partners". Chicago Tribune. p. 1 (Business). Retrieved June 15, 2008.
- ^ a ă â Scott, Janny (May 18, 2008). "The story of Obama, written by Obama". The New York Times. p. A1. Retrieved June 15, 2008.
- Obama (1995, 2004), pp. xiii–xvii.
- ^ "Statement regarding Barack Obama". University of Chicago Law School. March 27, 2008. Archived from the original on June 8, 2008. Retrieved June 5, 2008.
- Miller, Joe (March 28, 2008). "Was Barack Obama really a constitutional law professor?". FactCheck.org. Retrieved May 18, 2012.
- Holan, Angie Drobnic (March 7, 2008). "Obama's 20 years of experience". PolitiFact.com. Retrieved June 10, 2008.
- ^ Gore, D'Angelo (June 14, 2012). "The Obamas' Law Licenses". FactCheck.org. Retrieved July 16, 2012.
- ^ Jackson, David; Ray Long (April 3, 2007). "Obama Knows His Way Around a Ballot". Chicago Tribune. Archived from the original on October 11, 2008. Retrieved May 18, 2012.
- White, Jesse (2001). "Legislative Districts of Cook County, 1991 Reapportionment". Illinois Blue Book 2001–2002. Springfield: Illinois Secretary of State. p. 65. Retrieved July 16, 2011. State Sen. District 13 = State Rep. Districts 25 & 26.
- ^ Slevin, Peter (February 9, 2007). "Obama Forged Political Mettle in Illinois Capitol". The Washington Post. Retrieved April 20, 2008.Helman, Scott (September 23, 2007). "In Illinois, Obama dealt with Lobbyists". The Boston Globe. Archived from the original on April 16, 2008. Retrieved April 20, 2008. See also:"Obama Record May Be Gold Mine for Critics". Associated Press. CBS News. January 17, 2007. Archived from the original on April 12, 2008. Retrieved April 20, 2008.
- ^ Allison, Melissa (December 15, 2000). "State takes on predatory lending; Rules would halt single-premium life insurance financing" (paid archive). Chicago Tribune. p. 1 (Business). Archived from the original on June 17, 2008. Retrieved June 1, 2008.Long, Ray; Allison, Melissa (April 18, 2001). "Illinois OKs predatory loan curbs; State aims to avert home foreclosures" (paid archive). Chicago Tribune. p. 1. Retrieved June 1, 2008.
- ^ "13th District: Barack Obama". Illinois State Senate Democrats. August 24, 2000. Archived from the original on April 12, 2000. Retrieved April 20, 2008."13th District: Barack Obama". Illinois State Senate Democrats. October 9, 2004. Archived from the original on August 2, 2004. Retrieved April 20, 2008.
- ^ Washington Post USA Today
- ^ Calmes, Jackie (February 23, 2007). "Statehouse Yields Clues to Obama". The Wall Street Journal. Retrieved April 20, 2008.
- ^ Tavella, Anne Marie (April 14, 2003). "Profiling, taping plans pass Senate" (paid archive). Daily Herald. p. 17. Retrieved June 1, 2008.Haynes, V. Dion (June 29, 2003). "Fight racial profiling at local level, lawmaker says; U.S. guidelines get mixed review" (paid archive). Chicago Tribune. p. 8. Archived from the original on June 17, 2008. Retrieved June 1, 2008.Pearson, Rick (July 17, 2003). "Taped confessions to be law; State will be 1st to pass legislation" (paid archive). Chicago Tribune. p. 1 (Metro). Retrieved June 1, 2008.
- ^ Coffee, Melanie (November 6, 2004). "Attorney Chosen to Fill Obama's State Senate Seat". Associated Press. HPKCC. Archived from the original on May 16, 2008. Retrieved April 20, 2008.
- ^ Helman, Scott (October 12, 2007). "Early defeat launched a rapid political climb". The Boston Globe. p. 1A. Retrieved April 13, 2008.
- ^ Strausberg, Chinta (September 26, 2002). "Opposition to war mounts" (paid archive). Chicago Defender. p. 1. Retrieved February 3, 2008.
- ^ Bernstein, David (June 2007). "The Speech". Retrieved April 13, 2008.
- ^ U.S. Senate, 109th Congress, 1st Session (May 12, 2005). "S. 1033, Secure America and Orderly Immigration Act". Thomas. Retrieved April 27, 2008.
- ^ "Lugar–Obama Nonproliferation Legislation Signed into Law by the President". Richard Lugar U.S. Senate Office. January 11, 2007. Archived from the original on December 18, 2008. Retrieved April 27, 2008. See also:Lugar, Richard G.; Barack Obama (December 3, 2005). "Junkyard Dogs of War". The Washington Post. Retrieved April 27, 2008.
- ^ a ă McCormack, John (December 21, 2007). "Google Government Gone Viral". Weekly Standard. Archived from the original on April 23, 2008. Retrieved April 27, 2008. See also:"President Bush Signs Coburn–Obama Transparency Act". Tom Coburn U.S. Senate Office. September 26, 2006. Archived from the original on May 1, 2008. Retrieved April 27, 2008. and USAspending.gov
- ^ McIntire, Mike (February 3, 2008). "Nuclear Leaks and Response Tested Obama in Senate". The New York Times. Archived from the original on May 12, 2008. Retrieved April 27, 2008.
- ^ Stern, Seth (January 31, 2007). "Obama–Schumer Bill Proposal Would Criminalize Voter Intimidation". CQPolitics.com. Archived from the original on May 16, 2008. Retrieved April 27, 2008.U.S. Senate, 110th Congress, 1st Session (January 31, 2007). "S. 453, Deceptive Practices and Voter Intimidation Prevention Act of 2007". Thomas. Retrieved April 27, 2008. See also:"Honesty in Elections" (editorial). The New York Times. January 31, 2007. Retrieved April 27, 2008.
- ^ Krystin, E. Kasak (February 7, 2007). "Obama Introduces Measure to Bring Troops Home". Medill News Service. Retrieved April 27, 2008.
- ^ “Democratic Republic of the Congo”. United States Conference of Catholic Bishops. Tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008. “The IRC Welcomes New U.S. Law on Congo”. International Rescue Committee. 5 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008.
- ^ "Obama, Bond Hail New Safeguards on Military Personality Disorder Discharges, Urge Further Action". Kit Bond U.S. Senate Office. October 1, 2007. Archived from the original on December 5, 2010. Retrieved April 27, 2008.
- ^ "Obama, Bond Applaud Senate Passage of Amendment to Expedite the Review of Personality Disorder Discharge Cases". March 14, 2008. Archived from the original on December 18, 2008.
- ^ "Senate Passes Obama, McCaskill Legislation to Provide Safety Net for Families of Wounded Service Members". Barack Obama U.S. Senate Office. August 2, 2007. Archived from the original on December 18, 2008. Retrieved April 27, 2008.
- ^ “Democratic Republic of the Congo”. United States Conference of Catholic Bishops. Tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008. “The IRC Welcomes New U.S. Law on Congo”. International Rescue Committee. 5 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008.
- ^ “Obama Gets New Committee Assignments”. Associated Press. Barack Obama U.S. Senate Office. 15 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008.
- ^ Baldwin, Tom (21 tháng 12 năm 2007). “Stay-At-Home Barack Obama Comes Under Fire for a Lack of Foreign Experience”. Sunday Times (UK). Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008.
- ^ a ă Larson, Christina (tháng 9 năm 2006). “Hoosier Daddy: What Rising Democratic Star Barack Obama Can Learn from an Old Lion of the GOP”. Washington Monthly. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008.
- ^ “Obama Slates Kenya for Fraud”. News24.com. 28 tháng 8 năm 2006. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008.
- ^ Wamalwa, Chris (2 tháng 9 năm 2006). “Envoy Hits at Obama Over Graft Remark”. The Standard (Nairobi). Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008. Moracha, Vincent; Mangoa Mosota (4 tháng 9 năm 2006). “Leaders Support Obama on Graft Claims”. The Standard (Nairobi). Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008.
- ^ “Obama Launches Presidential Bid”. BBC News. 10 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2008. Video at Brightcove.TV.
- ^ “Presidential Campaign Announcement” (video). Obama for America (Brightcove.TV). 10 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2008.
- ^ "Barack Obama on the Issues: What Would Be Your Top Three Overall Priorities If Elected?". The Washington Post. Archived from the original on May 9, 2008. Retrieved April 14, 2008. See also:
- Thomas, Evan (2009). A Long Time Coming. New York: PublicAffairs. p. 74.
- Falcone, Michael (December 21, 2007). "Obama's 'One Thing'". The New York Times. Retrieved April 14, 2008.
- ^ "The Obama promise of hope and change". The Independent (London). November 1, 2008. Archived from the original on May 15, 2011. Retrieved December 22, 2010.
- ^ Nagourney, Adam; Zeleny, Jeff (June 5, 2008). "Clinton to End Bid and Endorse Obama". The New York Times. Retrieved November 20, 2010.
- ^ Nagourney, Adam; Zeleny, Jeff (August 23, 2008). "Obama Chooses Biden as Running Mate". The New York Times. Archived from the original on September 14, 2008. Retrieved September 20, 2008.
- ^ Liasson, Mara; Norris, Michele (July 7, 2008). "Obama To Accept Nomination At Mile High Stadium". NPR. Retrieved December 22, 2010.
- ^ "General Election: McCain vs. Obama". Real Clear Politics. Archived from the original on February 17, 2009. Retrieved February 20, 2009.
- ^ "Obama wins historic US election". BBC News Online. November 5, 2008. Archived from the original on December 18, 2008. Retrieved November 5, 2008.
- Nagourney, Adam (November 4, 2008). "Obama Elected President as Racial Barrier Falls". The New York Times. Archived from the original on December 9, 2008. Retrieved November 5, 2008.
- "Obama: 'This is your victory'". CNN. November 5, 2008. Archived from the original on November 4, 2008. Retrieved November 5, 2008.
- ^ Empire State Building lights up to broadcast election results, Charlie Wells, New York Daily News, November 6, 2012
- ^ Shear, Michael D. (April 4, 2011). "Obama Begins Re-Election Facing New Political Challenges". The New York Times. Archived from the original on April 5, 2011. Retrieved April 5, 2011.
- ^ "Obama announces re-election bid". United Press International. April 4, 2011. Archived from the original on May 10, 2011. Retrieved April 5, 2011.
- ^ Zeleny, Jeff; Calmes, Jackie (April 4, 2011). "Obama Opens 2012 Campaign, With Eye on Money and Independent Voters". The New York Times. Archived from the original on May 11, 2011. Retrieved April 5, 2011.
- ^ Yoon, Robert (April 3, 2012). "Leading presidential candidate to clinch nomination Tuesday". CNN. Retrieved May 2, 2012.
- ^ "Obama clinches Democratic nomination". CNN. April 3, 2012. Retrieved April 3, 2012.
- ^ Cohen, Tom (6 tháng 9 năm 2012). “Clinton says Obama offers a better path forward for America”. CNN.
- ^ Lauter, David (8 tháng 11 năm 2012). “Romney campaign gives up in Florida”. Chicago Tribune.
- ^ Barnes, Robert (6 tháng 11 năm 2012). “Obama wins a second term as U.S. president”. The Washington Post.
- ^ Welch, William M.; Strauss, Gary (7 tháng 11 năm 2012). “With win in critical battleground states, Obama wins second term”. USA Today.
- ^ Nichols, John (9 tháng 11 năm 2012). “Obama's 3 Million Vote, Electoral College Landslide, Majority of States Mandate”. The Nation. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2012.
- ^ a ă Lee, Kristen A. (7 tháng 11 năm 2012). “Election 2012: President Obama gives victory speech in front of thousands in Chicago, 'I have never been more hopeful about America'”. New York Daily News. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2012.
- ^ "Obama asks Pentagon for responsible Iraq drawdown". China Daily. January 23, 2009. Retrieved September 4, 2009.
- ^ Glaberson, William (January 21, 2009). "Obama Orders Halt to Prosecutions at Guantánamo". The New York Times. Archived from the original on January 30, 2009. Retrieved February 3, 2009.
- ^ "Senate blocks transfer of Gitmo detainees". Associated Press. msnbc.com. May 20, 2009. Retrieved March 22, 2011.
- ^ Obama, Barack (December 15, 2009). "Presidential Memorandum—Closure of Detention Facilities at the Guantanamo Bay Naval Base". whitehouse.gov. Archived from the original on March 15, 2011. Retrieved March 22, 2011.
- ^ Serbu, Jared (January 7, 2011). "Obama signs Defense authorization bill". Federal News Radio. Retrieved March 22, 2011.
- ^ "Executive Order—Presidential Records". Archived from the original on January 22, 2009. Retrieved January 22, 2009.
- ^ "Obama Signs Equal-Pay Legislation". The New York Times. January 30, 2009. Retrieved June 15, 2009.
- ^ Levey, Noam N."Obama signs into law expansion of SCHIP health care program for children". Chicago Tribune. Archived from the original on April 30, 2009. Retrieved June 15, 2009.
- ^ "Obama overturns Bush policy on stem cells". CNN. March 9, 2009. Archived from the original on March 30, 2010. Retrieved April 18, 2010.
- ^ "Senate confirms Sotomayor for Supreme Court". CNN. August 6, 2009. Retrieved August 6, 2009.
- ^ Obama nominates Sotomayor to Supreme Court, CNN. Retrieved May 26, 2009.
- ^ Sherman, Mark (October 4, 2010). "New Era Begins on High Court: Kagan Takes Place as Third Woman". Associated Press. Retrieved November 13, 2010.
- ^ Broder, John M. (October 1, 2009). "E.P.A. Moves to Curtail Greenhouse Gas Emissions". The New York Times.
- ^ "US moves to limit industrial greenhouse gas emissions". Agence France-Presse. Google News. October 1, 2009. Archived from the original on May 23, 2012. Retrieved April 18, 2010.
- ^ Robert Block and Mark K. Matthews (January 27, 2010). "White House won't fund NASA moon program". Los Angeles Times. Retrieved January 30, 2011. "President Obama's budget proposal includes no money for the Ares I and Ares V rocket or Constellation program. Instead, NASA would be asked to monitor climate change and develop a new rocket"
- ^ "'Don't ask, don't tell' repealed as Obama signs landmark law". The Guardian (London). December 22, 2010. Archived from the original on December 23, 2010. Retrieved December 22, 2010.
- ^ "Obama to delay 'don't ask, don't tell' repeal". The Washington Times. November 21, 2008. Archived from the original on January 25, 2011. Retrieved December 22, 2010.
- ^ Jesse Lee"The President Signs Repeal of "Don't Ask Don't Tell": "Out of Many, We Are One"". Whitehouse.gov. Archived from the original on December 25, 2010. Retrieved December 22, 2010.
- ^ Albanesius, Chloe (January 25, 2011). "Obama Pushes Innovation in Tech-Heavy State of the Union". PCMag.com. Retrieved May 17, 2011.
- ^ Kornblut, Anne E.; Wilson, Scott (January 26, 2011). "State of the Union 2011: 'Win the future,' Obama says". The Washington Post. Retrieved May 18, 2011.
- ^ Baim, Tracy (January 14, 2009). "Windy City Times exclusive: Obama's Marriage Views Changed. WCT Examines His Step Back". Windy City Times. Retrieved May 10, 2012.
- ^ Baim, Tracy (February 4, 2004). "Obama Seeks U.S. Senate seat". Windy City Times. Retrieved May 10, 2012.
- ^ "Obama backs same-sex marriage". CBS News. May 9, 2012. Retrieved May 9, 2012.
- ^ Sam Stein (May 9, 2012). "Obama Backs Gay Marriage". The Huffington Post.
- ^ "Stimulus package en route to Obama's desk". CNN. February 14, 2009. Archived from the original on March 30, 2009. Retrieved March 29, 2009.
- ^ "White House questions viability of GM, Chrysler". The Huffington Post. March 30, 2009.
- ^ Bunkley, Nick; Vlasic, Bill (April 27, 2009). "Chrysler and Union Agree to Deal Before Federal Deadline". The New York Times. Retrieved April 12, 2010.
- ^ John Hughes, Caroline Salas, Jeff Green, and Bob Van Voris (June 1, 2009). "GM Begins Bankruptcy Process With Filing for Affiliate". Bloomberg.
- ^ Conkey, Christopher; Radnofsky, Louise (June 9, 2009). "Obama Presses Cabinet to Speed Stimulus Spending". The Wall Street Journal.
- ^ Dana Hedgpeth (August 21, 2009). "U.S. Says 'Cash for Clunkers' Program Will End on Monday". The Washington Post. Retrieved March 26, 2010.
- ^ Joseph R. Szczesny (August 26, 2009). "Was Cash for Clunkers a Success?". Time. Retrieved March 26, 2010.
- ^ Mian, Atif R.; Sufi, Amir (September 1, 2010). "The Effects of Fiscal Stimulus: Evidence from the 2009 'Cash for Clunkers' Program". SSRN Electronic Journal (SSRN). doi:10.2139/ssrn.1670759. Archived from the original on September 5, 2010. Retrieved September 9, 2010.
- ^ Theodossiou, Eleni; Hipple, Steven F. (2011). "Unemployment Remains High in 2010". Monthly Labor Review (Bureau of Labor Statistics) 134 (3): 3–22. Archived from the original on May 8, 2011. Retrieved April 7, 2011.
- ^ Eddlemon, John P. (2011). "Payroll Employment Turns the Corner in 2010". Monthly Labor Review (Bureau of Labor Statistics) 134 (3): 23–32. Archived from the original on May 6, 2011. Retrieved April 7, 2011.
- ^ a ă "Percent Change in Real Gross Domestic Product (Quarterly)". National Income and Product Accounts Table (Bureau of Economic Analysis). Archived from the original on May 12, 2011. Retrieved April 7, 2011.
- ^ Harding, Robin (July 28, 2010). "Beige Book survey reports signs of slowdown". Financial Times. Archived from the original on July 29, 2010. Retrieved July 29, 2010.
- ^ "Percent Change in Real Gross Domestic Product (Annual)". National Income and Product Accounts Table (Bureau of Economic Analysis). Archived from the original on May 12, 2011. Retrieved April 7, 2011.
- ^ a ă "Estimated Impact of the American Recovery and Reinvestment Act on Employment and Economic Output". Congressional Budget Office. Retrieved February 21, 2012.
- ^ a ă Calmes, Jackie; Cooper, Michael (November 20, 2009). "New Consensus Sees Stimulus Package as Worthy Step". The New York Times. Archived from the original on December 8, 2010. Retrieved December 21, 2010.
- ^ "CBO: Stimulus created as many as 2.1 million jobs". February 23, 2010. Retrieved April 25, 2010.
- ^ Krugman, Paul (November 2, 2009). "Too Little of a Good Thing". The New York Times. Retrieved December 22, 2010.
- ^ Isidore, Chris (January 29, 2010). "Best economic growth in six years". CNN. Retrieved April 18, 2010.
- ^ a ă Sweet, Lynn, "Obama July 22, 2009 press conference. Transcript", Chicago Sun-Times, July 22, 2009
- ^ Stolberg, Sheryl Gay; Zeleny, Jeff (September 9, 2009). "Obama, Armed With Details, Says Health Plan Is Necessary". The New York Times.
- ^ "Obama will hedge on public option". Politico. Retrieved September 9, 2009.
- ^ "Obama calls for Congress to face health care challenge". CNN. September 9, 2009. Archived from the original on September 10, 2009. Retrieved September 9, 2009.
- ^ "Stem cell". The Guardian. Retrieved March 19, 2011
- ^ "Health Care Reform, at Last". The New York Times. March 21, 2010. Archived from the original on March 26, 2010. Retrieved March 22, 2010.
- ^ Gay Stolberg, Sheryl (March 23, 2010). "Obama Signs Landmark Health Care Bill". The New York Times. Archived from the original on March 25, 2010. Retrieved March 23, 2010.
- ^ Paul Harris in Oakland and Ewen MacAskill in Washington (November 3, 2010). "US midterm election results herald new political era as Republicans take House". The Guardian (London). Archived from the original on December 14, 2010. Retrieved December 22, 2010.
- ^ "Obama calls midterm elections a 'shellacking' for Democrats". The Christian Science Monitor. November 4, 2010. Archived from the original on November 24, 2010. Retrieved December 22, 2010.
- ^ "See Obama's first paragraph of his transcript". All Things Considered (NPR). November 3, 2010. Retrieved December 22, 2010.
- ^ "Obama reaches out to Muslim world on TV". msnbc.com. Retrieved June 15, 2009.
- ^ DeYoung, Karen (April 9, 2009). "Nation U.S. to Join Talks on Iran's Nuclear Program". The Washington Post. Retrieved June 15, 2009.
- ^ "Iranian Leaders Ignore Obama's Outstretched Hand". Fox News Channel. March 20, 2009. Retrieved June 15, 2009.
- ^ "Obama speech draws praise in Mideast". The Guardian (London). January 23, 2008. Retrieved June 15, 2009.
- ^ "Obama dismisses Ahmadinejad apology request". The Washington Times. June 26, 2009.
- ^ Chidanand Rajghatta, "Barack 'No Bomb' Obama pushes for world without nukes", The Times of India, September 24, 2009.
- ^ Robert Berger, "Israel Refuses to Halt Construction in East Jerusalem", Voice of America, March 26, 2010.
- ^ Kershner, Isabel (March 24, 2010). "Israel Confirms New Building in East Jerusalem". The New York Times. Archived from the original on March 29, 2010. Retrieved April 26, 2010.
- ^ Peter Baker, "Obama Seals Arms Control Deal With Russia", The New York Times, March 26, 2010.
- ^ Baker, Peter (December 22, 2010). "Senate Passes Arms Control Treaty With Russia, 71–26". The New York Times.
- ^ Feller, Ben (February 27, 2009). "Obama sets firm withdrawal timetable for Iraq". The Detroit News (Associated Press). Retrieved March 3, 2009.
- ^ Athena Johnes Obama announces Iraq plan. BBC News. February 27, 2009. msnbc.com.
- ^ "Last US combat brigade exits Iraq", August 19, 2010.
- ^ MacAskill, Ewen (September 1, 2010). "Barack Obama ends the war in Iraq. 'Now it's time to turn the page'". The Guardian (London).
- ^ All U.S. troops out of Iraq by end of year. msnbc.com. October 21, 2011.
- ^ "Obama Calls for U.S. Military to Renew Focus on Afghanistan". NewsHour with Jim Lehrer (PBS). July 15, 2008. Archived from the original on March 27, 2010. Retrieved April 18, 2010.
- ^ Hodge, Amanda (February 19, 2009). "Obama launches Afghanistan Surge". The Australian.
- ^ "Obama to announce war strategy" Associated Press. msnbc.com. December 1, 2009.
- ^ Associated Press. (December 1, 2009). "Obama details Afghan war plan, troop increases" msnbc.com.
- ^ "Gates says he agrees with Obama decision on McChrystal". CNN. June 24, 2010. Retrieved September 18, 2010.
- ^ Johnston, Nicholas. "Obama Says U.S. Connection With Israel Is ‘Unbreakable.’" Bloomberg. June 20, 2012. October 26, 2012.
- ^ "U.S., Israel Build Military Cooperation", Charles Levinson. The Wall Street Journal. August 14, 2010. Retrieved March 1, 2011
- ^ Kampeas, Ron. "For Obama campaign, trying to put to rest persistent questions about ‘kishkes.’" Jewish Journal. October 26, 2012. October 26, 2012.
- ^ "United States vetoes Security Council resolution on Israeli settlements", United Nations News Centre. February 18, 2011. Retrieved March 1, 2011
- ^ Levy, Elior. "PA challenges Netanyahu to accept 1967 lines." Ynetnews. May 22, 2011. Retrieved May 22, 2011.
- ^ "Senate Passes Resolution Calling for No-Fly Zone Over Libya". National Journal. March 1, 2011. Archived from the original on May 11, 2011. Retrieved March 28, 2011.
- ^ Winnett, Robert (March 17, 2011). "Libya: UN approves no-fly zone as British troops prepare for action". The Daily Telegraph (London). Archived from the original on April 28, 2011. Retrieved April 7, 2011.
- ^ "Libya declares ceasefire". New Statesman (UK). Retrieved July 16, 2011.
- ^ "Obama says US efforts in Libya have saved lives, control of operation can be turned over soon". Ventura County Star (Associated Press). Retrieved March 22, 2011.
- ^ Ian Pannell (March 21, 2011). "Gaddafi 'not targeted' by allied strikes". BBC News Online. Archived from the original on June 23, 2011. Retrieved July 3, 2011.
- ^ Jones, Sam (March 22, 2011). "F-15 fighter jet crashes in Libya". The Guardian (London). Archived from the original on March 22, 2011. Retrieved March 23, 2011.
- ^ "Obama: US to Transfer Lead Role in Libya". RTT Newswire. Retrieved March 22, 2011.
- ^ "NATO No-Fly Zone over Libya Operation UNIFIED PROTECTOR". NATO. March 25, 2011.
- ^ a ă â Mazzetti, Mark; Helene Cooper, Peter Baker (May 3, 2011). "Clues Gradually Led to vị trí của Osama bin Laden". The New York Times. Archived from the original on May 3, 2011. Retrieved May 4, 2011.
- ^ a ă "Osama bin Laden is killed by U.S. forces in Pakistan" – washingtonpost.com. Retrieved May 2, 2011
- ^ "Official offers details of bin Laden raid" – newsday.com. Retrieved May 2, 2011
- ^ Schabner, Dean; Karen Travers (May 1, 2011). "Osama bin Laden Killed by U.S. Forces in Pakistan". ABC News. Archived from the original on May 4, 2011. Retrieved May 3, 2011.
- ^ Baker, Peter; Helene Cooper, Mark Mazzetti (May 2, 2011). "Bin Laden Is Dead, Obama Says". The New York Times. Archived from the original on May 5, 2011. Retrieved May 3, 2011.
- ^ Walsh, Declan; Richard Adams and Ewen MacAskill (May 2, 2011). "Osama bin Laden is dead, Obama announces". The Guardian (London). Archived from the original on May 3, 2011. Retrieved May 3, 2011.
- ^ Dorning, Mike (May 2, 2011). "Death of Bin Laden May Strengthen Obama's Hand in Domestic, Foreign Policy". Bloomberg News. Archived from the original on May 3, 2011. Retrieved May 4, 2011.
- ^ "World Reaction To Osama Bin Laden's Death". NPR. May 2, 2011. Archived from the original on May 3, 2011. Retrieved May 4, 2011.
- ^ Wallace-Wells, Benjamin (tháng 11 năm 2004). “The Great Black Hope: What's Riding on Barack Obama?”. Washington Monthly. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2008. See also: Scott, Janny (28 tháng 12 năm 2007). “A Member of a New Generation, Obama Walks a Fine Line”. International Herald Tribune. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2008.
- ^ Payne, Les (19 tháng 8 năm 2007). “In One Country, a Dual Audience” (paid archive). Newsday. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2008.
- ^ Obama (1995), p. 13. For reports on Obama's maternal genealogy, including slave owners, Irish connections, and common ancestors with George W. Bush, Dick Cheney, and Harry Truman, xem: Nitkin, David; Harry Merritt (2 tháng 3 năm 2007). “A New Twist to an Intriguing Family History”. Baltimore Sun. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2008. Jordan, Mary (13 tháng 5 năm 2007). “Tiny Irish Village Is Latest Place to Claim Obama as Its Own”. The Washington Post. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2008. “Obama's Family Tree Has a Few Surprises”. Associated Press (CBS 2 (Chicago)). 8 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2008.
- ^ “Keeping Hope Alive: Barack Obama Puts Family First”. The Oprah Winfrey Show. 18 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2008.
- ^ Obama (2006), pp. 327–332. See also: Brown, Sarah (7 tháng 12 năm 2005). “Obama '85 Masters Balancing Act”. Daily Princetonian. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008. Tucker, Eric (1 tháng 3 năm 2007). “Family Ties: Brown Coach, Barack Obama”. Associated Press (ABC News). Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ Fornek, Scott (3 tháng 11 năm 2007). “Michelle Obama: 'He Swept Me Off My Feet'”. Chicago Sun-Times. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ Martin, Jonathan (4 tháng 7 năm 2008). “Born on the 4th of July”. The Politico. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2008.
- ^ Obama (1995), p. 440, and Obama (2006), pp. 339–340. See also: “Election 2008 Information Center: Barack Obama”. Gannett News Service. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ Zeleny, Jeff (24 tháng 12 năm 2005). “The First Time Around: Sen. Obama's Freshman Year”. Chicago Tribune. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ “Obama's Money”. CNNMoney.com. 7 tháng 12 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008. See also: Goldfarb, Zachary A (24 tháng 3 năm 2007). “Measuring Wealth of the '08 Candidates”. The Washington Post. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ Zeleny, Jeff (17 tháng 4 năm 2008). “Book Sales Lifted Obamas' Income in 2007 to a Total of $4.2 Million”. The New York Times. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ Fornek, Scott (9 tháng 9 năm 2007). “Half Siblings: 'A Complicated Family'”. Chicago Sun-Times. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2008. See also: “Interactive Family Tree”. Chicago Sun-Times. 9 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2008.
- ^ Fornek, Scott (9 tháng 9 năm 2007). “Maya Soetoro-Ng: 'He Helped Me Find My Voice'”. Chicago Sun-Times. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2008.
- ^ Kantor, Jodi (1 tháng 6 năm 2007). “One Place Where Obama Goes Elbow to Elbow”. The New York Times. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008. See also: “The Love of the Game” (video). HBO: Real Sports with Bryant Gumbel (YouTube (BarackObama.com)). 15 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ Melissa Roth (4 tháng 7 năm 2008). “Leading With Their Left: No Matter Who Wins, The Next President Will Be a Southpaw”. Washington Post. tr. C01.
- ^ Parsons, Christi (6 tháng 2 năm 2007). “Obama Launches an '07 Campaign—To Quit Smoking”. Chicago Tribune. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ Sheryl Gay Stolberg (2 tháng 8 năm 2011). “The President Quits His Cigarette Habit” (bằng Tiếng Anh). The New York Times. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2011. “President Obama has quit smoking and has not had a cigarette in almost a year, his wife, Michelle Obama, said Tuesday”
- ^ The Washington Post
- ^ Obama (2006), pp. 202–208. Portions excerpted in: Obama, Barack (23 tháng 10 năm 2006). “My Spiritual Journey”. Time. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ Obama, Barack (28 tháng 6 năm 2006). “'Call to Renewal' Keynote Address”. Barack Obama: U.S. Senator for Illinois (website). Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2008.
- ^ Q&A: Barack Obama Christianity Today, 23-1-2008
- ^ Associated Press (November 17, 2008). "Obama's church choice likely to be scrutinized". MSNBC.com. Retrieved January 20, 2009.
- ^ Sullivan, Amy (June 29, 2009). "The Obamas find a church home—away from home". Time. Retrieved December 14, 2009.
Đọc thêm
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Barack Obama |
Wikisource có các tác phẩm gốc nói đến hoặc của: |
Wikiquote có sưu tập danh ngôn về: |
- Sách của Barack Obama
- Obama, Barack (2008). Hy vọng táo bạo: Suy nghĩ về việc tìm lại giấc mơ Mỹ. Nhà Xuất Bản Trẻ.
- Obama, Barack (2004) [1995]. Dreams from My Father: A Story of Race and Inheritance . Times Books. ISBN 1-4000-8277-3.
- Obama, Barack (2006). The Audacity of Hope: Thoughts on Reclaiming the American Dream. Crown. ISBN 0-307-23769-9.
- Tác giả khác
- Mendell, David (2007). Obama: From Promise to Power. Amistad/HarperCollins. ISBN 0-06-085820-6.
- Curry, Jessica. "Barack Obama: Under the Lights", Chicago Life, Mùa thu 2004.
- Graff, Garrett. "The Legend of Barack Obama", Washingtonian, 1 tháng 11 năm 2006
- MacFarquhar, Larissa. "The Conciliator: Where is Barack Obama Coming From?", New Yorker, 7 tháng 5 năm 2007.
- Mundy, Liza. "A Series of Fortunate Events", The Washington Post Magazine, 12 tháng 8 năm 2007.
- Wallace-Wells, Ben. "Destiny's Child", Rolling Stone, 7 tháng 2 năm 2007.
- Zutter, Hank De. "What Makes Obama Run?", Chicago Reader, 8 tháng 12 năm 1995
Liên kết ngoài
- (tiếng Anh) Website chính thức của Nhà Trắng
- (tiếng Anh) Website vận động tranh cử tổng thống
- (tiếng Anh) Website chuyển giao của tổng thống tân cử
- (tiếng Việt) Diễn văn chiến thắng của Obama ngày 4/11/2008
- (tiếng Việt) Diễn văn nhậm chức của Obama ngày 20/01/2009
|
|
Nga
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bài này viết về Liên bang Nga. Đối với bài về Liên Xô, xem Liên Xô. Đối với bài về các định nghĩa khác, xem Nga (định hướng).
Liên Bang Nga | |||||
---|---|---|---|---|---|
Российская Федерация (tiếng Nga) Rossiyskaya Federatsiya (tiếng Nga) |
|||||
|
|||||
Màu xanh đậm Nga, tuyên bố thuộc Nga (Crimea và Sevastopol) màu xanh lợt
|
|||||
Khẩu hiệu | |||||
Không có | |||||
Quốc ca | |||||
Государственный гимн Российской Федерации Gimn Rossiyskoy Federatsii |
|||||
Hành chính | |||||
Chính phủ | Cộng hòa Liên bang Bán Tổng thống | ||||
• Tổng thống • Thủ tướng |
Vladimir Putin Dmitry Medvedev |
||||
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Nga, 27 ngôn ngữ khác đồng chính thức theo từng vùng trong các nước cộng hòa hợp thành | ||||
Thủ đô | Moskva |
||||
Thành phố lớn nhất | Moskva | ||||
Địa lý | |||||
Diện tích | 17.075.200 km² (hạng 1) | ||||
Diện tích nước | 0,5% % | ||||
Múi giờ | UTC+2 đến +12; mùa hè: UTC+3 đến −1 | ||||
Lịch sử | |||||
Ngày thành lập | Từ Liên Xô 12 tháng 6 năm 1990 26 tháng 12 năm 1991 |
||||
Dân cư | |||||
Dân số ước lượng (2012) | 142.517.670[1][2] người (hạng 9) | ||||
Mật độ | 8 người/km² (hạng 178) | ||||
Kinh tế | |||||
GDP (PPP) (2009) | Tổng số: 2.126 tỷ Mỹ kim | ||||
HDI (2003) | 0,795 trung bình (hạng 62) | ||||
Đơn vị tiền tệ | Ruble (RUB ) |
||||
Thông tin khác | |||||
Tên miền Internet | .ru, dự phòng .su | ||||
Mã điện thoại | 7 |
Nga là một nhà nước cộng hoà bán tổng thống, gồm 83 thực thể liên bang. Nước Nga giáp biên giới với những quốc gia sau (từ tây bắc đến đông nam): Na Uy, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan (cả hai đều qua Kaliningrad Oblast), Belarus, Ukraina, Gruzia, Azerbaijan, Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ, và Bắc Triều Tiên. Nước này cũng có biên giới biển với Nhật Bản (qua Biển Okhotsk) và Hoa Kỳ (qua Eo biển Bering). Với diện tích 17,075,400 km², Nga là nước có diện tích lớn nhất thế giới, bao phủ hơn một phần chín diện tích lục địa Trái Đất. Nga cũng là nước đông dân thứ chín thế giới với 142 triệu người[6]. Nước này kéo dài toàn bộ phần phía bắc châu Á và 40% châu Âu, bao gồm 11 múi giờ và sở hữu nhiều loại môi trường và địa hình. Nga có trữ lượng khoáng sản và năng lượng lớn nhất thế giới[7], và được coi là một siêu cường năng lượng[8][9][10]. Nước này có trữ lượng rừng lớn nhất thế giới và các hồ của Nga chứa xấp xỉ một phần tư lượng nước ngọt không đóng băng của thế giới[11].
Nga đã thiết lập quyền lực và ảnh hưởng khắp thế giới từ thời Đế chế Nga và trở thành nhà nước hợp thành lớn nhất và lãnh đạo bên trong Liên bang Xô viết, nhà nước xã hội chủ nghĩa hợp hiến đầu tiên và được công nhận là một siêu cường[12], đóng vai trò quan trọng[13][14][15] trong thắng lợi của Đồng Minh trong Thế chiến II. Liên bang Nga được thành lập sau sự giải tán Liên xô năm 1991, nhưng nó được công nhận là sự kế tiếp pháp lý của nhà nước Xô viết.[16] Nga có nền kinh tế đứng thứ tám hoặc thứ chín theo GDP danh nghĩa hay đứng thứ sáu theo sức mua tương đương, với ngân sách quân sự danh nghĩa lớn thứ tám hay thứ ba theo PPP[17]. Đây là một trong năm nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân được công nhận và sở hữu kho vũ khí huỷ diệt hàng loạt lớn nhất thế giới.[18] Nga là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, một thành viên của G8, G20, APEC, SCO và EurAsEC, và là một thành viên lãnh đạo của Cộng đồng các quốc gia độc lập. Nhà nước Nga có một truyền thống lâu dài và giàu có về nhiều lĩnh vực nghệ thuật và khoa học,[5] cũng như một truyền thống mạnh về công nghệ, gồm cả những thành tựu quan trọng như tàu vũ trụ đầu tiên của loài người.
Mục lục
Từ nguyên
Tên gọi Rossiya có nguồn gốc từ Rus, một quốc gia thời Trung Cổ có dân cư chủ yếu là người Đông Slav. Tuy nhiên, bản thân tên gọi này chỉ xuất hiện nhiều trong thời kỳ lịch sử sau này, và các cư dân của quốc gia này gọi đất nước của mình là "Русская Земля" (russkaya zemlya) và nó có thể được dịch thành "Xứ của người Rus'". Các sử gia hiện đại gọi quốc gia này là "Rus Kiev" để phân biệt nó với các quốc gia hậu thân. Bản thân tên gọi Rus có nguồn gốc từ người Rus, một phân nhóm của người Varangia (có thể là người Viking Swede)[19][20] những người đã thành lập nên quốc gia Rus (Русь).Phiên bản Latinh cổ của tên gọi Rus' là Ruthenia, chủ yếu được dùng để chỉ các vùng phía tây và phía nam của Rus'- những nơi gần kề với châu Âu Công giáo. Tên gọi hiện nay của quốc gia, Россия (Rossiya), bắt nguồn từ tên trong tiếng Hy Lạp Trung đại của Rus Kiev, Ρωσσία Rossía— viết là Ρωσία (Rosía pronounced [roˈsia]) trong tiếng Hy Lạp hiện đại.[21]
Hiện tại, quốc hiệu thông dụng của nước Nga trong Trung văn là "Nga La Tư". Về nguồn gốc của từ "Nga La Tư", có thuyết cho rằng: vào trước thời nhà Nguyên, khi người Mông Cổ tiếp xúc với quốc gia này, do tiếng Mông Cổ có đặc điểm là thuộc Ngữ hệ Altai, không có phụ âm "r" đứng đầu, để tiện cho việc phát âm nên đã lặp lại nguyên âm trong âm thứ nhất của từ. Россия (Rossiya) vì thế biến đổi thành оРоссия (oRossiya), đến thời Nguyên thì người Mông Cổ sử dụng dịch danh Hán tự là "Oát La Tư" (斡羅思, wòluósì). Những năm đầu thời nhà Thanh, trong nhiều văn hiến có sử dụng tên gọi "La Sát" (羅剎), song khi xưng hô giữa quốc gia với nhau thì phần nhiều dịch là Ngạc La Tư (鄂羅斯) hoặc Nga La Tư (俄羅斯). Vào những năm Càn Long thời Thanh, khi soạn "Tứ khố toàn thư" thì chính thức cải thành Nga La Tư (俄羅斯, éluósì)[22]
Lịch sử
Một phần của loạt bài về |
Lịch sử Nga |
---|
Volga Bulgaria (7–13) |
Khazar (7–10) |
Khả hãn quốc Rus (8–9) |
Nga Kiev (9–12) |
Vladimir-Suzdal (12–14) |
Cộng hoà Novgorod (12–15) |
Mông Cổ xâm lược (1220–1240) |
Ách thống trị Tatar (13–15) |
Đại công quốc Moskva (1340–1547) |
Nước Nga Sa hoàng (1547–1721) |
Đế quốc Nga (1721–1917) |
Chính phủ Lâm thời / Cộng hoà Nga (1917) |
Nga Xô viết / Liên xô (1917–1991) |
Liên bang Nga (1991-hiện tại) |
Sau thế kỷ 13, Moskva dần trở thành trung tâm văn hoá.[24] Tới thế kỷ 18, Đại Công quốc Moskva đã trở thành Đế quốc Nga rộng lớn, trải dài từ Ba Lan về phía đông tới Thái Bình Dương. Sự mở rộng về phía tây càng khiến nước Nga nhận thức được sự khác biệt của họ với đa phần còn lại của châu Âu và phá vỡ sự cô lập từng xảy ra ở những giai đoạn đầu mở rộng. Thời này có Nga hoàng Pyotr Đại Đế xóa bỏ một nước Nga lạc hậu, nửa Á Đông, tiến hành sự nghiệp lớn lao đổi mới đất nước.[25][26] Các vị Nữ hoàng Anna, Elizaveta Petrovna và Ekaterina II đều lên ngôi với những cuộc đảo chính do Ngự Lâm quân hỗ trợ.[27] Với chính sách bành trướng, phát triển thực lực của đất nước, triều đình Nga hoàng đã phá bỏ mối đe dọa từng có từ Vương quốc Thụy Điển và Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Các triều đại nối tiếp nhau trong thế kỷ 19 đã đối phó với những áp lực đó bằng sự kết hợp giữa các cuộc cải cách miễn cưỡng và trấn áp. Chế độ nông nô Nga đã bị bãi bỏ năm 1861, nhưng sự huỷ bỏ này thực sự chỉ gây thêm phiền toái cho người nông dân và càng khiến áp lực cách mạng tăng cao. Trong khoảng thời gian từ khi chế độ nông nô bị huỷ bỏ tới khi bắt đầu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914, các cuộc cải cách Stolypin, hiến pháp 1906 và Duma quốc gia đã mang lại những thay đổi đáng kể cho nền kinh tế và chính trị Nga,[28] nhưng các hoàng đế Nga vẫn không muốn rời bỏ quyền lực tuyệt đối, hay chia sẻ quyền lực.[29]
Cách mạng Nga năm 1917 được khởi phát từ một sự tổng hợp các yếu tố tan rã kinh tế, tình trạng kiệt quệ do chiến tranh, và sự bất bình với hệ thống chính phủ chuyên quyền, và lần đầu tiên một liên minh giữa những người tự do và xã hội chủ nghĩa ôn hoà lên nắm quyền lực, nhưng các chính sách sai lầm của họ đã khiến những người Cộng sản Bolshevik chiếm quyền lực vào ngày 25 tháng 10 (lịch Julius, tức ngày 7 tháng 11 theo lịch Gregory). Từ năm 1922 tới năm 1991, lịch sử Nga chủ yếu là Lịch sử Liên Xô, một nhà nước hoàn toàn dựa trên ý thức hệ gồm các quốc gia láng giềng của Đế quốc Nga trước Hòa ước Brest-Litovsk. Tuy nhiên, việc tiếp cận cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội khác nhau trong từng thời điểm trong lịch sử Liên Xô, từ nền kinh tế pha trộn và xã hội và văn hoá đa dạng hồi thập niên 1920 tới nền kinh tế chỉ huy và trấn áp thời Stalin tới "thời kỳ trì trệ" thập niên 1980. Từ những năm đầu tiên, chính phủ Liên Xô đã dựa trên nền tảng độc đảng của những người Cộng sản, như những người Bolshevik tự gọi mình, từ tháng 3 năm 1918.[30] Tuy nhiên, tới cuối thập niên 1980, khi sự yếu kém của các cơ cấu kinh tế và chính trị đã trở nên gay gắt, các lãnh đạo cộng sản đã tiến hành các cải cách lớn, dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.[31]
Lịch sử Liên bang Nga khá ngắn, chỉ bắt đầu từ sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Từ khi giành lại độc lập, nước Nga đã được công nhận là nhà nước thừa kế chính thức của Liên Xô trên bình diện quốc tế.[32] Tuy nhiên, nước Nga đã mất vị trí siêu cường của mình và đang phải đối mặt với những thách thức trong các nỗ lực thiết lập một hệ thống kinh tế và chính trị hậu Xô viết. Loại bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung và quyền sở hữu nhà nước thời kỳ Xô viết, nước Nga đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế mang các yếu tốc của thị trường tư bản, với những hậu quả nhiều khi khá nặng nề.[31] Thậm chí ngày nay nước Nga vẫn mang nhiều nét đặc trưng văn hoá và xã hội thời kỳ Sa Hoàng và Liên Xô.
Nga thời kỳ Trung đại
Phần lớn diện tích đất đai của nước Nga ngày nay là lãnh thổ của các bộ lạc khác nhau như người Goth, Hun và Avar gốc Thổ trong khoảng thời gian từ thế kỷ 3 tới thế kỷ 6. Bộ lạc người Scythia gốc Iran sinh sống ở các thảo nguyên miền nam, và bộ lạc người Ca dắc (Khazar) gốc Tuốc (Turk) đã cai trị phần phía tây của vùng đất này cho đến thế kỷ 8. Sau đó họ đã bị bộ lạc gốc Scandinavi là người Varangia thay thế, bộ lạc này đã thiết lập thủ đô tại thành phố của người Slav Novgorod và dần dần hòa trộn với người Slav. Người Slav tạo thành nhóm dân cư chính từ thế kỷ 8 trở đi và đồng hóa một cách chậm chạp cả những người gốc Scandinavi cũng như các bộ lạc bản địa gốc Phần Lan-Ugric, chẳng hạn như người Merya, Muromia và Meshchera.Chính quyền của người Varangia tồn tại trong vài thế kỷ, trong thời gian đó họ liên kết với Chính thống giáo và chuyển thủ đô về Kiev năm 1169. Trong kỷ nguyên này thuật ngữ "Rhos", hoặc "Russ" lần đầu tiên được sử dụng để chỉ người Varangia và người Slav sinh sống trong khu vực. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 11 quốc gia Nga Kiev (Киевская Русь) đã trở thành lớn nhất ở châu Âu và rất thịnh vượng nhờ các hoạt động thương mại tích cực với cả châu Âu và châu Á.
Trong thế kỷ 13 khu vực này trở nên suy yếu vì những tranh chấp nội bộ và bị tàn phá bởi những kẻ xâm lược phương đông là Kim trướng của người Mông Cổ và các bộ lạc Hồi giáo gốc Turk, là những kẻ đã cướp bóc các công quốc Nga trên ba thế kỷ. Còn được biết đến như là người Tatar, họ đã cai trị vùng miền nam và miền trung Nga ngày nay, trong khi các vùng miền tây bị sát nhập vào Đại công quốc Litva và Ba Lan. Sự chia rẽ về chính trị của Rus Kiev đã tách người Nga ở phía bắc ra khỏi người Belarus và người Ukraine ở phía tây.
Phần phía bắc của Nga cùng với Novgorod vẫn giữ được sự tự trị ở một mức độ nhất định trong thời gian cai trị của người Mông Cổ. Tuy thế Nga cũng đã phải chiến đấu chống lại đội quân thập tự chinh của người Đức khi người Đức có ý đồ chiếm khu vực này làm thuộc địa.
Giống như khu vực Balkan và Tiểu Á sự cai trị kéo dài của những người du mục đã làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước này. Sự chuyên quyền kiểu châu Á đã ảnh hưởng tiêu cực tới thể chế dân chủ của đất nước cũng như tới văn hóa và kinh tế.
Bất chấp điều đó, không giống như lãnh đạo tinh thần của mình là Đế chế Byzantine, Nga đã không suy tàn và tổ chức những cuộc nổi dậy để giành độc lập, cuối cùng đã khuất phục được các kẻ thù của mình và khôi phục, mở mang lãnh thổ. Sau thất thủ của Constantinople năm 1453, Nga là quốc gia Chính thống giáo duy nhất còn thực sự hoạt động nhiều hay ít ở phần biên giới phía đông châu Âu, điều này cho phép Nga có quyền nhận mình là quốc gia kế tục hợp pháp của Đế chế Byzantine.
Đế chế Nga
Sự kiểm soát của Moskva đối với quốc gia mới ra đời còn tiếp tục dưới triều đại Romanov kế tiếp, bắt đầu với Sa hoàng Mikhail Romanov năm 1613. Pyotr Đại đế, Sa hoàng từ 1689 tới 1725, đã thành công trong việc đem các tư tưởng và văn hóa từ Tây Âu vào Nga, khi đó còn chịu ảnh hưởng lớn của nền văn hóa du mục nguyên thủy. Với chiến thắng của quân Nga trong cuộc Đại chiến Bắc Âu chống quân Thụy Điển, nước Nga vươn lên thành một trong những liệt cường của châu Âu khi đó. Ekaterina Đại đế (Екатерина II Алексеевна), cai trị từ năm 1762 đến năm 1796, đã tiếp bước gầy dựng Đế quốc Nga, đánh tan tác quân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sự náo loạn của nông nô bị áp bức và sự cấm đoán tầng lớp trí thức đang phát triển và các giai cấp gần gũi với giai cấp này, cộng thêm gánh nặng thất bại (trận Hải chiến Đối Mã) trước người Nhật trong chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 đã dẫn đến cuộc Cách mạng 1905. Trước Thế chiến thứ nhất, vai trò của Sa hoàng Nikolai II (Николай Александрович Романов) và triều đại của ông là không vững chắc. Những thất bại nặng nề của quân đội Nga trong Thế chiến thứ nhất đã dẫn đến sự nổi dậy rộng khắp trong các thành phố chính của Đế chế Nga và dẫn tới sự sụp đổ của nhà Romanov năm 1917, đó là Cách mạng tháng Hai.
Vào giai đoạn cuối của Cách mạng tháng Mười (1917), những người theo đường lối Bolshevik của Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Vladimir Ilyich Lenin đã giành được chính quyền thành lập Liên Xô. Sự lãnh đạo của Iosif Vissarionovich Stalin đã thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa một đất nước chủ yếu là nông nghiệp và tập thể hóa nền nông nghiệp đưa đất nước phát triển vượt bậc. Điều này cũng làm tăng cường vị thế của Liên Xô.
Nga Xô viết
Sau cái chết của Lenin năm 1924, một lãnh đạo Bolshevik khác Joseph Stalin đã củng cố quyền lực và trở thành một nhà độc tài. Ông đưa ra một nền kinh tế chỉ huy, nhanh chóng công nghiệp hoá đất nước vẫn còn hầu hết là nông nghiệp, và tập thể hoá nền nông nghiệp. Những động thái này đã biến Liên xô từ một nền kinh tế nông nghiệp trở thành một cường quốc công nghiệp trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sự chuyển tiếp này có được với một giá đắt. Hàng triệu người đã chết vì hậu quả của những chính sách gay gắt của chính phủ (xem Gulag, Phi kulak hoá, Di chuyển dân cư tại Liên xô, Nạn đói Liên xô 1932–1933, và Đại thanh trừng).
Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Phát xít Đức xâm lược Liên xô với lực lượng lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử nhân loại,[34] mở ra mặt trận lớn nhất của Thế chiến II. Dù quân đội Đức có những thắng lợi to lớn ở thời điểm ban đầu, cuộc tấn công của họ đã bị chặn lại trong Trận Moscow; sau đó người Đức đã phải chịu nhiều thất bại quan trọng khác, đầu tiên tại Trận Stalingrad mùa đông năm 1942–1943,[35] và sau đó tại Trận Kursk vào mùa hè năm 1943. Một nơi khác với thất bại của Phát xít và chủ nghĩa anh hùng Liên xô là Leningrad, bị các lực lượng Đức phong toả hoàn toàn trên đất liền giai đoạn 1941–44 và phải chịu nạn đói với hàng triệu người chết, nhưng không bao giờ đầu hàng. Dưới sự lãnh đạo của các vị tướng xuất chúng như Georgy Zhukov và Konstantin Rokossovsky, các lực lượng Liên xô đã tiến qua Đông Âu năm 1944–45 và chiếm Berlin tháng 5 năm 1945. Sau khi đạt được thắng lợi vĩ đại, quân đội Liên xô đẩy lùi Nhật Bản khỏi vùng Mãn Châu của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, một đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Đồng Minh trước Nhật Bản.
Giai đoạn 1941–1945 của Thế chiến II được gọi là Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Nga. Trong cuộc xung đột này, vốn gồm nhiều chiến dịch quân sự có thiệt hại nhân mạng lớn nhất trong lịch sử loài người, con số thương vong của quân đội Liên xô là 10.6 triệu và thường dân là 15.9 triệu người,[36] chiếm khoảng một phần ba tổng số thương vong trong Thế chiến II. Kinh tế và hạ tầng Liên xô bị phá huỷ nặng nề[37] nhưng Liên bang Xô viết đã nổi lên trở thành một siêu cường được công nhận. Hồng quân chiếm Đông Âu sau cuộc chiến, gồm cả nửa phía đông của nước Đức; Stalin đã thiết lập các chính phủ xã hội chủ nghĩa tại các quốc gia vệ tinh này. Trở thành cường quốc hạt nhân số hai thế giới, Liên xô đã thành lập Khối hiệp ước Warszawa đồng minh và bước vào một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng trên thế giới với Hoa Kỳ, được gọi là cuộc Chiến tranh Lạnh. Liên xô đã đưa ý thức hệ Cộng sản của mình tới những đồng minh mơói giành được độc lập, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cùng với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, trong khi cũng giúp các nước này thực hiện công nghiệp hoá và phát triển. Sau đó các ý tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản cũng đã giành được chỗ đứng tại Cuba và nhiều quốc gia khác.
Sau khi Stalin chết và một giai đoạn lãnh đạo tập thể ngắn, một lãnh đạo mới Nikita Khrushchev lên án sự sùng bái cá nhân với Stalin và khởi động quá trình phi Stalin hoá. Các trại lao động Gulag bị bãi bỏ và đại đa số tù nhân được thả ra;[38] việc giảm nhẹ các chính sách đàn áp sau này được gọi là thời kỳ tan băng Khruschev. Liên bang Xô viết phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới, Sputnik 1, và nhà du hành vũ trụ Nga Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay quanh Trái Đất trên tàu vũ trụ có người điều khiển đầu tiên, Vostok 1. Những căng thẳng với Hoa Kỳ lên cao khi hai đối thủ xung đột về việc Mỹ triển khai các tên lửa Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ và Liên xô triển khai tên lửa tại Cuba.
Sau khi Khrushchev bị loại bỏ, một giai đoạn cầm quyền tập thể ngắn khác kế tiếp, cho tới khi Leonid Brezhnev lên nắm quyền lãnh đạo chính trị Liên xô vào đầu thập niên 1970. Thời kỳ cầm quyền của Brezhnev chứng kiến giai đoạn trì trệ kinh tế, bởi những nỗ lực cải cách của Thủ tướng Alexey Kosygin, đã bị dừng lại. Những cuộc cải cách này có mục tiêu chuyển trọng tâm của nền kinh tế Liên xô từ công nghiệp nặng và sản xuất quân sự sang công nghiệp nhẹ và sản xuất hàng tiêu dùng, tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là việc phi tập trung hoá nền kinh tế và áp dụng các yếu tố kiểu tư bản, và giới lãnh đạo Cộng sản sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Từ năm 1979 cuộc chiến tranh Xô viết tại Afghanistan đã làm cạn kệt các nguồn tài nguyên kinh tế mà không mang lại một kết quả có ý nghĩa chính trị nào. Cuối cùng các lực lượng Liên xô đã rút khỏi Afghanistan năm 1989 vì sự phản đối quốc tế và thiếu sự ủng hộ từ trong nước. Căng thẳng giữa Liên xô và Mỹ lại gia tăng vào đầu thập niên 1980, được tăng cường bởi tình cảm chống Liên xô tại Mỹ, đề xuất SDI, và vụ bắn hạ chuyến bay 007 của Korean Air Lines năm 1983 của Liên xô.
Trước năm 1991, kinh tế Liên xô là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới,[39] nhưng trong những năm cuối cùng nó đã bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt hàng hoá, những khoản thâm hụt tài chính khổng lồ và việc tăng nguồn cung tiền đã dẫn tới lạm phát.[40] Từ năm 1985 trở về sau, lãnh đạo cuối cùng của Liên xô Mikhail Gorbachev đã đưa ra các chính sách glasnost (mở cửa) và perestroika (tái cơ cấu) trong một nỗ lực nhằm hiện đại hoá đất nước và biến nó thành dân chủ hơn. Tuy nhiên, việc này đã dẫn tới sự trỗi dậy của các phong trào quốc gia và sự giải tán Liên xô. Tháng 8 năm 1991, một cuộc đảo chính quân sự bất thành, chống lại Gorbachev và có mục tiêu duy trì Liên xô, đã dẫn tới sự sụp đổ của nó. Tại Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga, Boris Yeltsin lên nắm quyền lực và tuyên bố chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa. Liên xô tan rã thành 15 nước cộng hoà độc lập và chính thức giải tán tháng 12 năm 1991. Boris Yeltsin được bầu làm Tổng thống Nga tháng 6 năm 1991, cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên trong lịch sử Nga.
Liên bang Xô viết tan rã và Liên bang Nga
Sau thời gian làm tổng thống của Boris Nikolayevich Yeltsin trong những năm thập niên 1990, Vladimir Vladimirovich Putin đã được bầu làm tổng thống năm 1999. Dưới thời kỳ Putin, sự kiểm duyệt của nhà nước đối với các phương tiện thông tin đại chúng ở Nga đã làm tăng sự lo ngại của phương Tây về quyền con người ở Nga.
Với sự mất đi ảnh hưởng của Nga tại Gruzia (Cách mạng hồng), Ukraina (Cách mạng da cam) Balan Cách mạng Tulip và một số quốc gia cựu Xô viết cũ, cũng như các vấn đề hiện nay về kinh tế và chủ nghĩa ly khai (nổi cộm nhất là ở Chechnya), một số bình luận viên cho rằng có nguy cơ tăng cao của việc tan rã nước Nga.
Sau cuộc chiến chớp nhoáng (07 - 12/08/2008) nhằm trả đũa việc quân đội Greogia tấn công những người Nga và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Ossetia. Việc Nga công nhận độc lập và chủ quyền của 2 vùng tự trị Abkhazia và Nam Ossetia (26/08/2008) cho thấy tham vọng của Nga trong việc lấy lại vị thế và tiếng nói trong khu vực SNG và cao hơn nữa có thể là việc trở lại vị thế của Liên Bang Xô viết trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới.
Chính phủ và chính trị
- Lập pháp: Quốc hội Liên bang lưỡng viện, gồm Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang thông qua luật liên bang, tuyên chiến, thông qua các hiệp ước, có quyền phê duyệt ngân sách, và có quyền buộc tội, theo đó có thể phế truất Tổng thống.
- Hành pháp: Tổng thống là tổng tư lệnh quân đội, có thể phủ quyết dự luật trước khi nó có hiệu lực, và chỉ định Nội các và các quan chức khác, những người giám sát và thực hiện các điều luật và chính sách liên bang.
- Tư pháp: Toà án Hiến pháp, Toà án Tối cao, Toà án Trọng tài và các toà án liên bang cấp thấp hơn, với các thẩm phán do Hội đồng Liên bang chỉ định theo sự giới thiệu của tổng thống, giải thích pháp luật và có thể bác bỏ các điều luật mà họ cho là vi hiến.
Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ sáu năm (được tham gia tranh cử nhiệm kỳ hai nhưng bị hiến pháp cấm cầm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp);[47] cuộc bầu cử gần nhất được tổ chức năm 2008. Các bộ của chính phủ gồm thủ tướng và các phó thủ tướng, bộ trưởng và các cá nhân được lựa chọn khác; tất cả đều do tổng thống chỉ định theo sự giới thiệu của Thủ tướng (tuy nhiên việc chỉ định thủ tướng phải được Duma Quốc gia thông qua).
Nhánh lập pháp quốc gia là Quốc hội Liên bang, gồm hai viện; Duma Quốc gia với 450 thành viên[48] và Hội đồng Liên bang 176 thành viên. Các đảng chính trị lớn của Nga gồm Nước Nga Thống nhất, Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ Tự do Nga, và Nước Nga Công bằng.
Quan hệ nước ngoài
Là một trong thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Nước này tham gia vào Nhóm bộ tứ cho Trung Đông và Những cuộc đàm phán sáu bên với Bắc Triều Tiên. Nga là một thành viên của G8, Hội đồng châu Âu, OSCE và APEC. Nga thường có vai trò lãnh đạo trong các tổ chức cấp vùng như CSI, EurAsEC, CSTO, và SCO. Cựu tổng thống Vladimir Putin đã ủng hộ một đối tác chiến lược với sự hội nhập ở nhiều cấp độ gồm cả việc thành lập bốn không gian chung giữa Nga và EU.[51] Từ khi Liên xô sụp đổ, Nga đã phát triển một mối quan hệ thân cận hơn dù không ổn định với NATO. Hội đồng NATO-Nga được thành lập năm 2002 để cho phép 26 nước Đồng minh và Nga cùng làm việc như những đối tác bình đẳng để theo đuổi sự hợp tác chung.[52]
Quan hệ Nga – Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong các vấn đề song phương và đa phương thời gian qua. Liên minh Nga – Trung Quốc hoạt động dựa trên nguyên tắc về lợi ích chung nhưng quan hệ chiến lược với Trung Quốc sẽ thực sự là một áp lực trong thập kỷ tiếp theo. Vấn đề trở ngại lớn nhất là sự nới rộng khoảng cách giữa Trung Quốc là nền kinh tế bùng nổ và một nước Nga kém hiện đại hóa đang già cỗi về chính trị. Nga là nạn nhân của sự chuyển hướng toàn cầu sang phương Đông bởi vì nước Nga không thể thích nghi với những đòi hỏi của kỷ nguyên hậu công nghiệp và quan hệ đối tác cân bằng với Trung Quốc trở nên thiếu bền vững và nỗi lo ngại cũ về "mối đe dọa Trung Quốc" sẽ tái hiện.[53] Đối với Trung Quốc, Nga vẫn là một nguồn cung cấp dầu khí hữu ích, tuy kém quan trọng hơn nhiều so với vùng Vịnh và châu Phi.
Theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Nga cần phải xây dựng "liên minh hiện đại hoá" với các nước châu Âu để tiếp thu những công nghệ cần thiết và "cần tìm cơ hội khai thác tiềm năng công nghệ của Mỹ". Nga coi Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha là những đối tác gần gũi nhất của Nga ở châu Âu.[54]
Quân đội
Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Họ có hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo đứng thứ hai và là nước duy nhất ngoài Hoa Kỳ có một lực lượng máy bay ném bom chiến lược hiện đại.[18] Lực lượng xe tăng Nga lớn nhất thế giới. Mặc dù đang là nước dẫn đầu trong xuất khẩu xe tăng trên thị trường vũ khí, nhưng thế mạnh này của Nga đang bị cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia khác. Trong một vài cuộc đấu thầu gần đây, Nga đã thất bại đầy cay đắng. Một trong những nguyên nhân khiến Nga mất vị trí số 1 trong xuất khẩu xe tăng là do trang thiết bị đang trở nên lạc hậu và không có sự mềm dẻo trong việc điều chỉnh thị trường.[57]
Về hải quân thì Đô đốc Vyacheslav Popov, đại diện Ủy ban chính sách biển liên bang Nga khẳng định rằng, hiện nay, Hải quân Nga về vũ khí và trang thiết bị, hệ thống điều khiển, đảm bảo kỹ thuật và hậu cần đều già cỗi. Sức mạnh hải quân của Nga thua các nước Thụy Điển và Phần Lan 2 lần, Đức – 3 – 4 lần trên biển Baltic; kém Thổ Nhĩ Kỳ – 2 lần trên biển Đen; và về tổng thể kém Lực lượng Hải quân Anh và Hải quân Pháp – 5-6 lần và Hải quân Mỹ - 20-30 lần.[58]
Về Không quân Nga thì Nga đã thiết lập các quan hệ đối tác với hai công ty Pháp là Thales và Safran để nâng cao lĩnh vực công nghệ cao của nước này. Trên thực tế một nửa số chiến đấu cơ Sukhoi của Nga bán trên thị trường thế giới được trang bị thành tựu khoa học điện tử ứng dụng vào hàng không của Thales, một công ty của Pháp, thành viên khối NATO.[59] Theo các chuyên gia Viện Chiến lược quốc gia Nga cho biết, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Nga kém Mỹ khoảng hơn 20 năm trong việc chế tạo. Mỹ đã đưa chiến đấu cơ F-22 vào sử dụng từ năm 2004 và động cơ F-119PW-100 được bắt đầu thiết kế từ năm 1987[60]. Nguyên Tư lệnh Không quân Nga, Đại tướng Vladimir Mikhailov cho biết 90% tổng số trực thăng đa số đều là các thế hệ cổ lỗ sĩ, bao gồm Mi-8 và Mi-24 khiến cho tỷ lệ trực thăng có khả năng tác chiến thực sự chỉ chiếm khoảng 35%". Ước tính các phương tiện chiến đấu trên không của Nga đang xuống cấp đến 80%.[61]
Nước này có một ngành công nghiệp vũ khí lớn và hoàn toàn bản địa, sản xuất hầu hết các loại trang thiết bị quân sự với chỉ một số ít loại vũ khí phải nhập khẩu nhưng chỉ có khoảng 10% vũ khí trang bị của Nga là đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc phòng hiện đại, phần lớn các thiết bị còn lại là từ thời Xô Viết.[62] . Dù Nga là nước cung cấp vũ khí thứ 2 thế giới [62] nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov khẳng định: "Công nghiệp quốc phòng Nga không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện đại". và nước này sẽ nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài thay vì sử dụng các vũ khí "quá đát" của Nga.[62] Nga sẽ dành khoản ngân sách trị giá 600 tỷ USD để mua vũ khí từ nước ngoài nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này trong những năm tiếp theo. Ông còn nói thêm rằng Nga đang xem xét khả năng mua vũ khí từ những nước vốn là cựu thù hồi chiến tranh lạnh như Mỹ, một quốc gia hàng đầu thế giới về trang bị quân sự.[62]
Mọi công dân nam của Nga từ 18–27 tuổi phải đăng ký thực hiện nghĩa vụ một năm trong các lực lượng vũ trang, chính phủ có kế hoạch tăng tỷ lệ binh sĩ chuyên nghiệp lên 70% vào năm 2010. Chi phí quân sự đã tăng gấp bốn lần trong sáu năm qua[63] và chi tiêu quốc phòng chính thức của chính phủ năm 2008 là $40 tỷ, khiến nước này đứng thứ tám về chi phí quân sự trên thế giới,[64] dù nhiều nguồn tin, kể cả tình báo Hoa Kỳ,[65] và Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế,[56] đã ước tính chi phí quân sự của Nga lớn hơn rất nhiều.[66]
Hiện nay, quân đội Nga đang trải qua một quá trình nâng cấp thiết bị lớn trị giá khoảng $200 tỷ trong giai đoạn 2006 và 2015.[67] Bộ trưởng quốc phòng Anatoliy Serdyukov[68] giám sát các cuộc cải cách lớn với mục đích chuyển đổi từ một quân đội tập trung đông đảo thành một lực lượng chuyên nghiệp nhỏ hơn.[69]
Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch cho biết các binh sĩ Nga đều bệnh tật và thiếu ăn. Nhiều binh sĩ bị suy dinh dưỡng và ít được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Khẩu phần của các binh sĩ Nga bị cắt xén, dưới mức ăn bình thường so với quy định của quân đội. Quân đội Nga dự thảo cần gần 500.000 thanh niên mỗi năm nhưng gặp cản trở bởi các vấn đề như đào ngũ.[70], Báo Nga Gate2Russia nhận định: "Mọi người đều biết những bất ổn trong quân đội Nga: trình độ huấn luyện kém xa rất nhiều so với ước muốn, trang thiết bị quân sự không đầy đủ, tình trạng tham nhũng tràn lan trong giới sĩ quan... đó là những bất cập gây bất lợi lớn nhất đối với quân đội".[61]
Phân chia hành chính
- Vùng liên bang của Nga (федеральные округа)
- Chủ thể liên bang của Nga (федеральные субъекты)
- Nước cộng hòa thuộc Nga (федеральные республики)
- Tỉnh của Nga (федеральные области)
- Vùng của Nga (федеральные края)
- Tỉnh tự trị của Nga (автономная область)
- Khu tự trị của Nga (автономные округа)
- Thành phố liên bang của Nga (города федерального значения).
Gần đây nhất, 8 vùng liên bang lớn về diện tích (5 vùng ở châu Âu và 3 vùng ở châu Á) đã được bổ sung như một thể chế hành chính giữa các thể chế hành chính nói trên và cấp độ quốc gia.
Ngày 18 tháng ba 2014, Nga và Krym đã ký hiệp ước gia nhập của nước Cộng hoà Krym và thành phố trực thuộc trung ương Sevastopol ở Liên bang Nga của Tổng thống Putin với Quốc hội. Trong giai đoạn chuyển tiếp này sẽ kéo dài đến 01 Tháng 1 năm 2015, hai bên sẽ giải quyết các vấn đề hội nhập các đối tượng mới "trong kinh tế, tài chính, tín dụng và hệ thống pháp luật của Liên bang Nga"
Địa lý
Nga có đường bờ biển dài trên 37,000 km dọc theo Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương[71], cũng như dọc theo các biển mang tính trong nội địa ít hay nhiều như biển Baltic, biển Đen và biển Caspi. Một số các biển nhỏ hơn là các phần của các đại dương như biển Barents, Bạch Hải, biển Kara, biển Laptev và biển Đông Siberi là các phần của Bắc Băng Dương, trong khi các biển như biển Bering, biển Okhotsk và biển Nhật Bản thuộc về Thái Bình Dương. Các đảo chính bao gồm Novaya Zemlya, mũi Franz-Josef, quần đảo Tân Siberi, đảo Wrangel, quần đảo Kuril và Sakhalin. (Xem).
Nhiều con sông chảy qua nước Nga. Xem thêm các.
Các hồ chính bao gồm hồ Baikal, hồ Ladoga, biển hồ Caspi và hồ Onega. Xem Danh sách các hồ ở Nga.
Biên giới
Cách thức thực tế phổ biến nhất để miêu tả nước Nga là miêu tả phần chính (phần tiếp giáp lớn với các quần đảo hay đảo ngoài biển của nó) và phần tách rời (khu vực Kaliningrad ở phía đông nam của biển Baltic).Biên giới của phần chính và các bờ biển (bắt đầu từ phần xa nhất về phía tây bắc và tính ngược chiều kim đồng hồ) là:
- Biên giới với các quốc gia sau: Na Uy và Phần Lan
- Bờ biển ngắn trên biển Ban tích, tiếp giáp với 8 quốc gia khác trên biển này, từ Phần Lan tới Estonia và bao gồm cả cảng St. Petersburg.
- Biên giới với Estonia, Latvia, Belarus và Ukraina.
- Bờ biển trên biển Đen, tiếp giáp với 5 quốc gia khác từ Ukraina tới Gruzia.
- Biên giới với Gruzia và Azerbaijan.
- Bờ biển trên biển Caspi, tiếp giáp với 4 quốc gia khác từ Azerbaijan tới Kazakhstan.
- Biên giới với Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ, Trung Quốc một lần nữa và Bắc Triều Tiên.
- Đường bờ biển mở rộng cho phép đi lại và giao thương với tất cả các quốc gia có lãnh thổ biển trên toàn thế giới, và kéo dài
- Từ bắc Thái Bình Dương bao gồm:
- Biển Nhật Bản (trong đó có bờ biển phía tây của Sakhalin thuộc Nga).
- Biển Okhotsk (trong đó có bờ biển phía đông của Sakhalin và quần đảo Kuril), và
- Biển Bering,
- Dọc theo eo biển Bering (trong đó đảo nhỏ thuộc Nga Diomede lớn bị chia cắt chỉ vài dặm với Diomede nhỏ, một phần thuộc Alaska của Hoa Kỳ),
- Bắc Băng Dương, bao gồm:
- Biển Chukchi (trong đó có bờ biển phía đông và nam của đảo Wrangel),
- Biển Đông Siberi (trong đó có bờ biển phía tây của Nga và bờ phía đông của quần đảo Tân Siberi),
- Biển Laptev (trong đó có bờ biển phía tây của Nga,
- Biển Kara (trong đó có bờ biển phía đông của Novaya Zemlya (Đất mới)),
- Biển Barents (trong đó có bờ biển phía tây của Nga, bờ biển phía nam của Mũi Franz-Josef và cảng Murmansk với các thiết chế hàng hải quan trọng nằm ở đó, ở đó Bạch Hải ăn sâu vào đất liền nhất).
- Từ bắc Thái Bình Dương bao gồm:
- Chung biên giới với:
- Bờ biển phía tây bắc nhìn ra biển Ban tích.
Phạm vi không gian
Hai điểm xa nhau nhất tại Nga cách nhau khoảng 8,000 km trên đường trắc địa (geodesic). Một trong hai điểm này nằm trên biên giới với Ba Lan, trên một khoảng đất dài 60 km chia vịnh Gdansk với phá Vistula. Còn điểm kia nằm tại cực đông - nam của quần đảo Kuril, chỉ vài dặm cạnh đảo Hokkaido của Nhật.Để diễn tả sự to lớn này, người ta thường nói là Nga bao trùm 11 múi giờ. Tuy nhiên, sự diễn tả này có thể gây nhầm lẫn vì hai điểm xa nhau nhất nếu tính theo kinh tuyến chỉ cách nhau 6,600 km trên đường trắc địa. Một trong hai điểm này nằm trên biên giới với Ba Lan (nói bên trên); còn điểm kia nằm trên quần đảo Diomede (đảo Ratmanova). Và hơn nữa, chính phủ Nga đã quyết định giảm số múi giờ từ 11 xuống 9, thậm chí là 5 để phát triển kinh tế.[72]
Khí hậu
Trên hầu khắp lãnh thổ chỉ có hai mùa riêng biệt mùa đông và mùa hè, mùa xuân và mùa thu thường chỉ là những giai đoạn thay đổi ngắn giữa thời tiết cực thấp và cực cao[73]. Tháng lạnh nhất là tháng 1 (tháng 2 trên bờ biển), tháng ấm nhất thường vào tháng 7. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn là điều thông thường. Vào mùa đông, nhiệt độ lạnh đi cả từ phía nam tới phía bắc và từ phía tây tới phía đông. Mùa hè có thể khá nóng và ẩm, thậm chí tại Siberia. Một phần nhỏ của bờ Biển Đen quanh Sochi có khí hậu cận nhiệt đới.[74] Những vùng nội địa là những nơi khô nhất.
Động thực vật
Kinh tế
Tuy thế, mặc dù không hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường và khẩu vị của người tiêu dùng nhưng nền kinh tế cựu Xô viết nói chung đã được chấp nhận là đã tạo cho người dân Nga nói chung có mức sống tiêu chuẩn kể từ sau những năm giữa thập niên 1950 cao hơn so với công dân của của nhiều quốc gia đã phát triển theo định hướng tư bản và kinh tế thị trường như Mexico, Brasil, Ấn Độ và Argentina.
Tuy thế, các chủng loại hàng tiêu dùng (cụ thể là quần áo và lương thực, thực phẩm) là tương đối đơn giản, và sự thiếu hụt của hàng tiêu dùng trong gia đình đã bị kêu ca nhiều ở các khu vực thành thị, mặc dù các khu nhà ổ chuột với điều kiện vệ sinh tồi tàn là hiếm.[cần dẫn nguồn]
Sau sự tan rã của Liên Xô, sự phục hồi nhỏ của Nga dưới ảnh hưởng của kinh tế thị trường lần đầu tiên diễn ra vào khoảng năm 1997. Trong năm đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã lên đến điểm đỉnh trong việc phá giá của đồng rúp vào tháng 8 năm 1998, làm cho chính phủ bị vỡ nợ và làm suy giảm trầm trọng mức sống tiêu chuẩn của phần lớn dân chúng. Vì thế, năm 1998 cũng đã được ghi nhận như là năm của suy thoái và sự tăng cường rút vốn ra khỏi nền kinh tế.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã phục hồi vừa phải trong năm 1999. Kinh tế Nga đã đi vào trong giai đoạn phát triển nhanh, GDP tăng trưởng trung bình 6,8% trên năm trong giai đoạn 1999-2004 trên cơ sở của giá dầu mỏ cao, đồng rúp yếu, và tăng trưởng của các ngành công nghiệp và dịch vụ. Nhưng sự phát triển kinh tế này là cực kỳ không đều: khu vực thủ đô Moskva cung cấp tới 30% GDP của toàn quốc.
Sự phục hồi kinh tế này cùng với cố gắng cải tổ của chính quyền trong các năm 2000-2001 để thúc đẩy cải cách về cấu trúc đang bị thụt lùi, đã làm tăng sự tin cậy của các nhà kinh doanh và đầu tư về triển vọng của nền kinh tế Nga trong thập niên thứ hai của thời kỳ chuyển đổi. Nga vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu hàng hóa, cụ thể là dầu mỏ, khí đốt, kim loại và gỗ, các mặt hàng này chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu, điều này làm cho Nga dễ bị thương tổn vì các biến động giá cả trên thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Nga đã nhắm nhiều hơn vào nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng trong nước, là lĩnh vực có mức tăng trưởng trên 12% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2004, chỉ ra sự lớn mạnh dần lên của thị trường nội địa.
Năm 2004, GDP của Nga đạt 1.200 tỷ € (1.500 tỷ USD), làm cho Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới và thứ 5 ở châu Âu. Nếu mức tăng trưởng hiện tại là ổn định, dự kiến Nga sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu sau Đức (1.900 tỷ € hay 2.300 tỷ USD) và là thứ 8 trên thế giới trong vài năm tới.
Thách thức lớn nhất đối với Nga là các biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của các xí nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong điều kiện môi trường kinh doanh với hệ thống ngân hàng trẻ và khác thường, được nắm giữ bởi các ông trùm Nga (oligarch). Nhiều ngân hàng Nga là sở hữu của các nhà doanh nghiệp hay các ông trùm, là những người thông thường sử dụng các khoản tiền gửi ở ngân hàng để cho các doanh nghiệp của chính mình vay mượn.
Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng thế giới (WB) đã có những cố gắng để kích hoạt khởi động các hoạt động ngân hàng thông thường bằng cách cấp vốn và mua lại các khoản nợ trong một số ngân hàng nhưng thành tựu thu được là rất không đáng kể.
Các vấn đề khác bao gồm sự phát triển mất cân bằng giữa các khu vực của Nga. Trong khi khu vực thủ đô Moskva là hối hả, có cuộc sống thịnh vượng với thu nhập trên đầu người nhanh chóng đạt tới mức của các nền kinh tế hàng đầu châu Âu thì phần lớn các khu vực còn lại, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và khu vực của người thiểu số ở châu Á, đã bị tụt lại đằng sau rất nhiều. Sự phân hóa thời kinh tế thị trường cũng cảm nhận được ở các thành phố lớn khác như Sankt-Peterburg, Kaliningrad và Ekaterinburg.
Thúc đẩy đầu tư nước ngoài cũng là một thách thức lớn. Ngoài ra, Nga cũng được hưởng lợi từ việc tăng giá dầu mỏ và vì thế có khả năng thanh toán các khoản nợ khổng lồ cũ. Sự phân bổ công bằng các thu nhập từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên này từ công nghiệp cho các lĩnh vực khác cũng là một vấn đề. Việc định hướng cho người tiêu dùng và thúc đẩy chi tiêu vào hàng tiêu dùng là một việc khá khó khăn đối với nhiều khu vực ở các tỉnh, khi mà ở các khu vực này nhu cầu tiêu dùng rất đơn giản, mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng khen ngợi đã được thực hiện ở các thành phố lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như may mặc, lương thực, thực phẩm, công nghiệp giải trí.
Việc bắt giữ nhà kinh doanh giàu có nhất Nga khi đó là Mikhail Khodorkovsky với các tội quy kết là gian lận và tham nhũng trong quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn dưới thời tổng thống Boris Yeltsin đã làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại về tính ổn định của nền kinh tế Nga. Phần lớn những người giàu có nhất ở Nga hiện nay là nhờ việc mua bán các doanh nghiệp nhà nước khi đó với giá rẻ như bèo. Các quốc gia khác cũng bày tỏ sự e ngại và lo lắng với việc áp dụng "có lựa chọn" của luật pháp đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, một số tập đoàn quốc tế đã đầu tư rất lớn vào Nga. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Nga có khoảng 26 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp tích lũy của người nước ngoài trong giai đoạn 2001-2004 (trong đó 11,7 tỷ USD diễn ra trong năm 2004).
Ngày 19/11/2013, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cảnh báo rằng nước Nga có nguy cơ đối mặt với hơn 17 năm tăng trưởng thấp do Điện Kremlin không thực hiện các cải cách trong khi giá dầu vẫn ở mức cao. Ông Ulyukayev đã đưa ra dự báo khá thận trọng rằng mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Nga chỉ vào khoảng từ 2,5% - 3,0% từ nay cho đến tận năm 2025. Theo Ủy ban Thống kê quốc gia Nga, tăng trưởng kinh tế của Nga trong quý III/2013 chỉ đạt mức 1,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 3,0% mà chính phủ đặt ra trước đó. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn đang nổi và chưa bằng một nửa so với mức tăng trong cùng kỳ của nền kinh tế Mỹ (2,8%).
Tuy nhiên, chính phủ của ông Putin đã liên tục bị chỉ trích rằng đã không tạo ra được một môi trường kinh doanh thân thiện, không đẩy lùi được nạn tham nhũng và không gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực có thể đưa nền kinh tế Nga bớt phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng. Khu vực dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga chiếm tới gần 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 30% tổng thu nhập ngân sách quốc gia.
Công nghiệp
Theo kết quả khảo sát do Trung tâm nghiên cứu vĩ mô (CMR) của ngân hàng Sberbank của Nga công bố thì "nền tảng công nghiệp Nga hiện đã lỗi thời". Gần 60% các xí nghiệp Nga cần nâng cấp trang thiết bị trong vòng 3 năm tới để duy trì hoạt động cũng như thị phần nội địa trong lúc hàng công nghiệp Nga đã, đang và sẽ không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới trong tương lai gần. Có tới 36% xí nghiệp được hỏi ý kiến cho biết họ không có kế hoạch mở rộng sản xuất trong vòng 5 năm tới; 38% nói có lẽ họ sẽ mở rộng trên thị trường nội địa; 19% nhắm vào các thị trường gần là các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và chỉ có 9% có kế hoạch mở rộng kinh doanh ra thị trường thế giới trong dài hạn. Gần 83% xí nghiệp Nga được hỏi ý kiến nói họ chỉ có thể bán sản phẩm trên thị trường trong nước, trong khi 88% nói nguồn cung chủ yếu cho xí nghiệp về nguyên liệu và thiết bị là nguồn cung nội địa. Bà Nadezhda Ivanova là đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho rằng: "Có một thực tế là nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp chế tạo Nga không thể bán được ở các nước khác. Chất lượng kém của các sản phẩm này cho thấy các doanh nghiệp đó không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới".[77]Theo Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat), sản lượng công nghiệp Nga đã tăng trưởng ì ạch trong 4 tháng liên tiếp kể từ đầu năm 2011 đến nay và chỉ tăng có 4,1% trong tháng 5/2011 so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn lĩnh vực chế tạo Nga hiện đang ở tình trạng kém phát triển và hơn 2/3 xí nghiệp được CMR khảo sát nói trang thiết bị của họ là tồi hoặc trung bình. Chỉ có 26% xí nghiệp nâng cấp trang thiết bị trong vòng 5 năm qua, trong khi 30% cho biết trang thiết bị của họ là không thay đổi kể từ trước năm 1991.[77]
Trong thời Chiến tranh Lạnh, tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Liên Xô đảm bảo duy trì nền quân sự Xô viết mạnh mẽ với nguồn ngân sách thường chiếm từ 15-25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên Xô. Công nghiệp vũ khí của Nga là khu vực hiện đại nhất và nằm trong định hướng xuất khẩu của Nga. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ thực sự vượt qua ngành công nghiệp vũ khí của Nga thì tình trạng suy giảm của công nghiệp vũ khí sẽ dẫn đến khủng hoảng thất nghiệp ở Nga và hạn chế phát triển các công nghệ đem lại lợi nhuận cao.[78]
Nếu như tại Mỹ, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng và các dự án vũ trụ tập trung vào một số tập đoàn khổng lồ độc quyền và một hệ thống dịch vụ hậu cần làm việc nhịp nhàng dưới sự chỉ đạo của Bộ quốc phòng và NASA thì nền công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay phân tán manh mún thành rất nhiều các xí nghiệp nhỏ. Lãnh đạo các xí nghiệp này luôn tìm mọi cách để tăng giá sản phẩm. Với một chu trình sản xuất cồng kềnh và nhiều tầng nấc như vậy khó có thể đạt được một kết quả tích cực và đột phá nào trong ngành công nghiệp quốc phòng vì mâu thuẫn lợi ích của rất nhiều thành viên tham gia vào chu trình sản xuất đó[79]. Độ tuổi trung bình của những người đang làm việc trong các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga là từ 55 đến 57 (số liệu tháng 5/2013). 30% trong số đó đã ngoài 60 trong khi giới trẻ không chịu vào làm việc vì lương thấp[79]. Theo báo cáo của Nhà máy sản xuất vũ khí bộ binh Izmash hàng đầu của Nga thì giá trị sản phẩm mà mỗi công nhân nhà máy này làm ra kém giá trị sản phẩm của một nhân viên tương đương làm việc tại Hãng vũ khí Sako (Phần Lan) đến gần 20 lần.[79]
Nước Nga hiện nay được thừa hưởng từ chế độ Xô Viết ba nhóm công nghiệp cơ bản với khả năng cạnh tranh cực cao là các tổ hợp công nghiệp - quốc phòng, ngành công nghiệp vũ trụ và chế tạo máy và trang thiết bị hạt nhân. Các tổ hợp công nghiệp - quốc phòng và công nghiệp vũ trụ, trong vòng 20 năm trở lại đây trên thực tế gần như đã sụp đổ.[79] Thậm chí, các Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng hàng đầu của Nga như Tập đoàn phòng không Almaz-Altei (chế tạo các hệ thống phòng không và đài radar), trung tâm Công nghệ lưỡng dụng liên bang Soyuz (chế tạo động cơ cho các tổ hợp tên lửa và máy móc thiết bị vũ trụ), nhà máy chế tạo máy thử nghiệm của Tập đoàn Tên lửa– vũ trụ Energy Korolev (chuyên nghiên cứu chế tạo kỹ thuật tên lửa và vũ trụ) và Liên hiệp Khoa học Sản xuất Saturn (chuyên chế tạo động cơ cho Không quân) phải cử người sang Đức và Ý để học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ kỹ sư.[80]
Năng lượng
Nga là nước sản xuất điện hàng thứ 4 thế giới và nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng thứ 5 thế giới, tiêu chí sau nhờ nước này đã phát triển mạnh việc sản xuất thuỷ điện. Những nhà máy thuỷ điện lớn đã được xây dựng ở vùng châu Âu của Nga dọc theo các con sông như Volga. Vùng châu Á của Nga cũng có một số nhà máy thuỷ điện lớn, tuy nhiên, tiềm năng thuỷ điện vĩ đại của Siberia và Viễn Đông Nga phần lớn vẫn chưa được khai thác.
Nga là nước đầu tiên phát triển lò phản ứng hạt nhân dân sự và xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Hiện tại, Nga là nhà sản xuất điện hạt nhân đứng thứ 4. Rosatom Nuclear Energy State Corporation quản lý toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân tại Nga. Năng lượng hạt nhân đang phát triển nhanh chóng tại Nga, với mục tiêu tăng tổng thành phần năng lượng hạt nhân từ mức 16.9% hiện nay lên 23% vào năm 2020. Chính phủ Nga có kế hoạch chi 127 tỷ rubles ($5.42 triệu) cho một chương trình liên bang để phát triển việc sản xuất năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo. Khoảng 1 nghìn tỷ ruble ($42.7 triệu) đã được chi từ ngân sách liên bang cho việc phát triển năng lượng hạt nhân và phát triển công nghiệp trước năm 2015.[81] Nga vẫn là một trong những nước đứng đầu thế giới về công nghệ hạt nhân và là một thành viên của dự án lò phản ứng hạt nhân quốc tế.
Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom, cơ quan kế thừa từ Bộ Năng lượng Nguyên tử Liên bang Nga đã bị điều tra vì một công ty con của tập đoàn này (Atomstroiexport) đã tham nhũng nghiêm trọng trong việc sản xuất thiết bị không đạt tiêu chuẩn cho các lò phản ứng hạt nhân đang xây cất tại Nga và các nước khác như Bulgaria, Trung Quốc, Ấn Độ và Iran và cả ngay trên đất Nga, làm ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân[82]. Tập đoàn Rosatom cũng là đơn vị được chính phủ Việt Nam giao cho dự án xây nhà máy điện Hạt nhân số 1 tại Ninh Thuận.
Khoa học và kỹ thuật
Các thành tựu lớn nhất của Nga thuộc lĩnh vực công nghệ vũ trụ và thám hiểm vũ trụ. Konstantin Tsiolkovsky là cha đẻ của lý thuyết hàng không vũ trụ[83]. Các tác phẩm của ông đã tạo cảm hứng cho những kỹ sư tên lửa hàng đầu của Liên xô như Sergey Korolyov, Valentin Glushko và nhiều người khác đóng góp vào sự thành công của Chương trình Vũ trụ Liên xô ở những giai đoạn đầu của cuộc Chạy đua vào không gian. năm 1957 vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay quanh Trái Đất, Sputnik 1, được phóng lên; năm 1961 ngày 12 tháng 4 chuyến bay đầu tiên của loài người vào vũ trụ đã được Yuri Gagarin thực hiện thành công; và nhiều người Liên xô và Nga khác đã thực hiện kỷ lục thám hiểm vũ trụ. Hiện nay Nga là nước phóng vệ tinh lớn nhất [84] và cũng là nước duy nhất cung cấp các dịch vụ du lịch vũ trụ.
Tuy nhiên Giám đốc kiêm kiến trúc sư trưởng Công ty Hàng không vũ trụ Tên lửa Energia của Nga, Vitali Lopota cho biết hiện nay Nga chiếm không đến 2% thị phần hàng không vũ trụ thế giới và vị thế nước lớn hàng không vũ trụ trước đây không còn nữa. Trong khi đó Mỹ đã chiếm tới 70% doanh thu hàng năm của thị trường hàng không vũ trụ quốc tế khoảng 290-300 tỷ USD. Lý do được đưa ra là sự lạc hậu về thiết bị điện tử và hệ thống kiểm soát làm cho Nga không thể giành được thị phần đáng có trên thị trường quốc tế.[85]
Thủ tướng Dmitry Medvedev đã lên tiếng cảnh báo rằng Nga đang mất dần danh tiếng và tiền của do các dự án vũ trụ thất bại, sau khi không thể đưa 2 vệ tinh lên quỹ đạo tháng 8/2012. Vụ phóng đã thất bại gây tổn thất lớn cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga. Một sự cố tương tự năm 2011 đã khiến Nga mất một vệ tinh thông tin trị giá 265 triệu USD. Nga cũng từng thất bại trong vụ phóng tàu thăm dò Sao Hỏa Phobos-Grunt.[86] Ông Medvedev cũng cho rằng: "Chẳng cường quốc không gian nào lại chứng kiến nhiều vụ phóng vệ tinh và phi thuyền hỏng như Nga". Vì thế ông quyết định chấn chỉnh lại ngành công nghiệp vũ trụ của Nga[87] cũng như tiếp tục các chương trình thám hiểm Sao Hỏa khác[88][89] và đã hoàn thành chương trình Mars-500 để thu thập thêm nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lên Sao Hỏa[90] Đây là dự án quốc tế của Nga, EU (Liên hiệp châu Âu) và Trung Quốc nhằm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và tâm sinh lý của một toán phi hành gia quốc tế 6 người trên một chuyến bay giả định dài 520 ngày lên sao Hỏa và đi bộ trên đó.[91]
Các công nghệ khác, nơi người Nga có lịch sử phát triển, gồm công nghệ hạt nhân, sản xuất máy bay và công nghệ quốc phòng. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cùng các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên cho tàu ngầm và tàu hoạt động trên mặt nước nằm dưới sự chỉ đạo của Igor Kurchatov. Một số nhà kỹ thuật hàng không nổi bật của Liên xô, có cảm hứng từ các tác phẩm lý thuyết của Nikolai Zhukovsky, đã giám sát việc chế tạo hàng chục model máy bay quân sự và dân sự và đã thành lập một số KBs (Phòng thiết kế) hiện là thành phần chủ yếu của Liên đoàn Hàng không Hợp nhất. Các máy bay nổi tiếng của Nga gồm máy bay chở khách siêu thanh đầu tiên Tupolev Tu-144 của Alexei Tupolev, loạt máy bay chiến đấu MiG của Artem Mikoyan và Mikhail Gurevich, và loạt máy bay Su của Pavel Sukhoi cùng những người kế tục ông. Những xe tăng chiến trường nổi tiếng của Nga gồm T-34, thiết kế tăng theo kênh Dícovery là tốt nhất của Thế chiến II,[92] và các xe tăng khác thuộc loạt T-. Súng AK-47 và AK-74 của Mikhail Kalashnikov là loại súng tấn công được sử dụng rộng rãi nhất tên thế giới - tới mức các khẩu súng thuộc kiểu AK đã được chế tạo nhiều hơn tất cả các loại súng tấn công khác cộng lại.[93][94] Với những vũ khí đó cộng với các loại vũ khí khác, từ lâu Nga đã là một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu, chiếm khoảng 30% doanh số vũ khí thế giới và xuất khẩu vũ khí tới khoảng 80 quốc gia. Tuy nhiên theo Tư lệnh lục quân Nga Alexander Postnikov thì vũ khí và trang thiết bị quân sự do các nhà máy quốc phòng của Nga sản xuất trang bị cho lục quân lạc hậu hơn nhiều so với hệ thống tương tự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).[95]
Dù có những thành tựu công nghệ, từ thời trì trệ Brezhnev Nga đã tụt hậu khá nhiều so với phương Tây trong một số ngành kỹ thuật, đặc biệt là trong tiết kiệm năng lượng và sản xuất hàng tiêu dùng. Cuộc khủng hoảng hồi những năm 1990 đã khiến khoản hỗ trợ cho khoa học của nhà nước sụt giảm mạnh. Nhiều nhà khoa học và những người có trình độ của Nga đã đi sang châu Âu hay Hoa Kỳ; cuộc di cư này được gọi là một cuộc chảy máu chất xám. Những năm 2000, với làn sóng bùng nổ kinh tế, tình hình khoa học và công nghệ ở Nga đã được cải thiện, và chính phủ đã tung ra một chiến dịch với mục tiêu hiện đại hoá và cải tiến. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra 5 ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển công nghệ của đất nước: hiệu quả năng lượng, IT (gồm cả các sản phẩm thông thường và các sản phẩm kết hợp với công nghệ vũ trụ), năng lượng hạt nhân và dược.[96] Một số thành tựu đã xuất hiện, với việc nước Nga đã hầu như hoàn thành GLONASS, một trong 4 hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu cùng với GPS của Mỹ, Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc và Hệ thống định vị Galileo của châu Âu. Nga là nước duy nhất xây dựng nhà máy điện hạt nhân di động.
Mặc dù là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và đang đạt được những tiến bộ về phần mềm, nhưng các sản phẩm khác của Nga lại thiếu tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt đóng góp tới 25% GDP của Nga. Cải thiện về năng suất sẽ chủ yếu xuất phát từ công nghệ mới và đầu tư vốn hiệu quả nhưng cả hai điều này Nga đều đang thiếu.[97] Trong báo cáo trên của IBM, Nga chỉ đứng thứ 59 trong số 70 quốc gia về phát triển doanh nghiệp điện tử, thứ 98 trong số 134 quốc gia về sử dụng công nghệ mới nhất trong các doanh nghiệp.[97]
Nhân khẩu
Thành phần sắc tộc (2002)[98] | |
---|---|
Người Nga | 79.8% |
Tatar | 3.8% |
Người Ukraina | 2.0% |
Bashkir | 1.2% |
Chuvash | 1.1% |
Chechen | 0.9% |
Người Armenia | 0.8% |
Khác/không xác định | 10.4% |
Số người nói tiếng Nga đông nhất năm 1991 ở mức 148,689,000 triệu người, nhưng bắt đầu sụt giảm mạnh từ đầu những năm 90.[107] Sự sụt giảm đã chậm lại tới mức gần ồn định trong những năm gần đây vì tỷ lệ tử giảm, tỷ lệ sinh tăng và tăng nhập cư. Số người chết trong năm 2008 là 363,500 lớn hơn số sinh. Nó đã giảm từ 477,700 năm 2007, và 687,100 năm 2006.[99][103] Theo dữ liệu được Sở Thống kê Nhà nước Liên bang Nga xuất bản, tỷ lệ tử của Nga đã giảm 4% trong năm 2007, so với năm 2006, ở mức khoảng 2 triệu người chết, trong khi tỷ lệ sinh tăng 8.3% hàng năm lên ước tính 1.6 triệu ca sinh.[108] Các nguyên nhân chủ yếu khiến dân số Nga giảm sút là tỷ lệ tử cao và tỷ lệ sinh thấp. Tuy tỷ lệ sinh của Nga ngang bằng với các quốc gia châu Âu (12.1 sinh trên 1000 người năm 2008[99] so với mức trung bình của Liên minh châu Âu 9.90 trên 1000)[109] dân số của họ giảm với tỷ lệ lớn hơn bất kỳ một quốc gia châu Âu nào khác bởi tỷ lệ tử cao hơn nhiều (năm 2008, tỷ lệ tử của Nga là 14.7 trên 1000 người[99] so sánh với mức trung bình của Liên minh châu Âu 10.28 trên 1000).[110] Tuy nhiên, Bộ Y tế và Vấn đề Xã hội Nga đã dự đoán tới năm 2011, tỷ lệ tử của nước này sẽ cân bằng với tỷ lệ sinh vì số sinh gia tăng và số tử giảm.[111] Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay có hơn 15 triệu người Nga sống dưới mức nghèo khổ.[112]
Ngôn ngữ
Theo người Nga thì hơn một phần tư tác phẩm khoa học của thế giới được xuất bản bằng tiếng Nga. Tiếng Nga cũng được sử dụng làm công cụ mã hoá và lưu trữ văn minh thế giới—60–70% của mọi thông tin trên thế giới được xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Nga.[117] Tiếng Nga cũng là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên hiệp quốc.
Giáo dục
Trước năm 1990 quá trình học tập ở Liên xô dài 10 năm. Nhưng vào cuối năm 1990 thời gian học 11 năm đã được chính thức áp dụng. Giáo dục tại các trường cấp hai của nhà nước là miễn phí; giáo dục đầu cấp ba (mức đại học) cũng là miễn phí với việc dành trước: một phần lớn sinh viên được tuyển được bao cấp hoàn toàn (nhiều định chế nhà nước bắt đầu mở các khoá thương mại từ những năm gần đây[123]). Năm 2004 chi tiêu quốc gia dành cho giáo dục chiếm 3.6% GDP, hay 13% tổng ngân sách nhà nước[124] trong khi ở Mỹ là 7.2% GDP và Nga thua cả Việt Nam (8.3% GDP)[125]. Chính phủ bố trí các khoản tiền để trả học phí theo một hạn mức được lập sẵn, hay số lượng sinh viên cho mỗi trường của nhà nước. Điều này được coi là cơ bản bởi nó cung cấp cơ hội tiếp cận cao học cho các sinh viên có khả năng, chứ không phải chỉ cho những người có tiền trả. Ngoài ra, các sinh viên được trả một khoản học bổng nhỏ và được cung cấp nơi ở miễn phí. Ngoài các cơ sở giáo dục cao học của nhà nước, nhiều cơ sở tư nhân cũng đã xuất hiện và cung cấp lực lượng nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới và kinh tế.[126]
Trong các trường đại học Nga có hơn 3 triệu giáo viên và nhân viên nghiên cứu, trong đó gần 45% giáo sư và phó giáo sư. Ngoái ra Nga hiện có gần 2000 trường đại học, học viện và các cơ cấu giáo dục khác. Hệ thống giáo dục còn bao gồm gần 800 cơ quan nghiên cứu, phòng thiết kế thí nghiệm và những xí nghiệp do nhà trường xây dựng[127]. Tuy nhiên đã từ lâu nền giáo dục Nga đã bộc lộ những bất cập nhất định. Các cuộc điều tra dư luận xã hội cho thấy tiền đầu tư cho giáo dục tăng nhưng chất lượng giáo dục lại giảm. Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Kỳ thi quốc gia nếu được tổ chức như hiện nay có thể chỉ để tuyển được những học sinh học vẹt mà không khuyến khích các em tư duy một cách khoa học.[128]
Nạn tảo hôn cũng phổ biến ở các vùng làng mạc thị trấn Nga.[122]
Y tế
Bệnh tim chiếm 56.7% tổng số tử vong, với khoảng 30% liên quan tới những người đang ở độ tuổi lao động. Một cuộc nghiên cứu cho thấy rượu chịu trách nhiệm cho hơn một nửa số tử vong (52%) của người dân Nga trong độ tuổi từ 15 tới 54 từ năm 1990 tới năm 2001. Với cùng mô hình nhân khẩu này, mức tử của toàn bộ thế giới vì rượu là 4%.[138] Khoảng 16 triệu người Nga mắc các bệnh tim mạch, khiến Nga đứng hàng thứ hai thế giới, sau Ukraina, trong lĩnh vực này.[137] Các tỷ lệ tử bởi giết người, tự tử và ung thư cũng đặc biệt cao.[139] 52% nam và 15% nữ hút thuốc, hơn 260,000 nhân mạng mất đi hàng năm vì sử dụng thuốc lá.[140] HIV/AIDS, rõ ràng không tồn tại trong thời kỳ Xô viết, đã nhanh chóng lan tràn sau khi Liên xô sụp đổ, chủ yếu bởi sự gia tăng chóng mặt nạn tiêm chích ma tuý.[141] Theo các thống kê chính thức, hiện có hơn 364,000 người Nga có HIV, nhưng những chuyên gia độc lập coi con số thực lớn hơn rất nhiều.[142] Trong những nỗ lực ngày càng gia tăng để chiến đấu với căn bệnh này, chính phủ đã tăng chi tiêu vào các biện pháp kiểm soát HIV gấp 20 lần năm 2006, và ngân sách năm 2007 đã tăng gấp đôi ngân sách năm 2006.[143] Từ khi Liên xô tan rã, cũng có sự gia tăng nhanh chóng về số ca và số tử vong vì bệnh lao, và bệnh này lan đặc biệt nhanh trong cộng đồng tù nhân.[144]
Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn cuộc khủng hoảng nhân khẩu tại Nga, chính phủ hiện đang áp dụng một số chương trình được thiết kế để gia tăng tỷ lệ sinh thu hút thêm nhiều người nhập cư. Chính phủ đã tăng gấp đôi khoản trợ cấp hàng tháng cho trẻ em và cấp khoản chi một lần 250,000 Rubles (khoảng US$10,000) cho phụ nữ sinh đứa con thứ hai từ năm 2007.[145] Năm 2007, Nga có tỷ lệ sinh lớn nhất từ khi Liên xô tan rã.[146] Phó thủ tướng thứ nhất cũng đã nói khoảng 20 tỷ Ruble (khoảng US$1 triệu) sẽ được đầu tư vào các trung tâm chăm sóc tiền sinh sản tại Nga trong năm 2008–2009. Nhập cư ngày càng được coi là cần thiết để duy trì mức độ dân số quốc gia.[147]
Văn hóa
Ẩm thực
Ẩm thực đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội Nga. Những ảnh hưởng của phương Tây đang có tác động đáng kể đến thói quen ăn uống và khẩu vị của người dân, khi các hãng McDonalds phát triển tràn lan, và các quán cà phê theo phong cách Paris xuất hiện trên các lề phố Moskva hay St.Petersburg. Tuy nhiên, những món ăn truyền thống và các đặc sản của Nga như rượu vodka hay bánh mì "karavai" vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của chúng trong các bữa tiệc hay lễ lớn của Nga.[148]Vào mùa đông, nhiệt độ có thể xuống tới -20 °C tại thủ đô Moskva, vì thế, các thức ăn béo, giàu năng lượng như bánh mì, trứng, bơ hay sữa là rất cần thiết. Ngoài ra còn có những món đặc sản đặc biệt như schi (súp thịt bò và rau cải) hay borssh (súp củ cải đỏ với thịt lợn). Đôi khi người ta cũng ăn khoai tây nghiền, rán vào cuối bữa hoặc bliny, một loại bánh kếp ăn kèm với mật ong hoặc trứng cá.
Ngoài thức ăn, người Nga còn có nhiều đồ uống nổi tiếng trên thế giới như rượu vodka thường được làm từ lúa mạch đen hay lúa mỳ. Đôi khi nó còn được pha thêm tiêu, dâu hay chanh. Một đồ uống nổi tiếng khác là sbiten, được làm từ mật ong và thêm một chút hương liệu khác như dâu. Chè cũng là một thứ đồ uống nổi tiếng khác. Nó là một loại đồ uống truyền thống và đôi khi cũng được uống kèm sữa.
Tôn giáo
Tổ tiên của nhiều người Nga hiện nay đã chấp nhận Cơ Đốc giáo Chính thống ở thế kỷ thứ 10.[152] Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2007 do Bộ ngoại giao Mỹ xuất bản đã nói rằng có xấp xỉ 100 triệu công dân coi họ là tín đồ Giáo hội Chính thống Nga.[153] Theo một cuộc điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Nga, 63% người tham gia coi họ là tín đồ Chính thống Nga, 6% tự coi mình là tín đồ Hồi giáo và chưa tới 1% coi mình là tín đồ hoặc của Phật giáo, Công giáo, Tin Lành hay Do Thái giáo. 12% khác nói họ tin vào Chúa, nhưng không thực hiện bất kỳ tôn giáo nào và 16% nói họ là người vô thần.[154]
Ước tính Nga là nơi sinh sống của khoảng 15–20 triệu tín đồ Hồi giáo.[155][156] Tuy nhiên học giả Hồi giáo và nhà hoạt động nhân quyền Roman Silantyev đã tuyên bố rằng chỉ có 7 tới 9 triệu người theo Hồi giáo ở Nga.[157] Nga cũng có ước tính 3 tới 4 triệu người nhập cư Hồi giáo từ các nước cộng hoà hậu Liên xô.[158] Đa số tín đồ Hồi giáo sống ở vùng Volga-Ural, cũng như Bắc Caucasus, Moskva,[159] Saint Petersburg và Tây Siberia.[160] Phật giáo là truyền thống của ba vùng thuộc Liên bang Nga: Buryatia, Tuva, và Kalmykia.[161] Một số người sống ở Siberi và vùng Viễn Đông, Yakutia, Chukotka.. thực hiện các nghi thức Shaman, thuyết phiếm thần cùng với các tôn giáo chính. Việc tham gia tôn giáo chủ yếu theo sắc tộc. Đại đa số người Slav theo Cơ Đốc giáo Chính thống. Những người nói tiếng Turk chủ yếu là tín đồ Hồi giáo, dù một số nhóm Turk tại Nga không theo.[162]
Các vấn nạn xã hội
Nước Nga là một trong những nước có làn sóng tội phạm cao nhất thế giới. Tỷ lệ giết người ở Nga cao gấp bốn lần so với ở Mỹ.[163] Vào năm 2001, 33.500 người đã bị giết hại. Tổng cộng, vào năm 2011, có hơn 3 triệu tội phạm được báo cáo. Từ trộm cắp thông thường đến tham nhũng, cướp và buôn lậu đã khiến làn sóng tội phạm ngày càng tăng. Mặc dù chính phủ Nga đã cam kết mạnh tay với tội phạm, tuy nhiên hành động này vẫn chẳng đem lại hiệu quả gì lớn.Hàng giả cũng là một vấn đề khác gây đau đầu cho các nhà chức trách. Chính phủ Nga ước tính đến 90% hàng hóa bán lưu thông đều không rõ nguồn gốc rõ ràng. Các thiết bị điện tử chủ yếu được nhập khẩu bất hợp pháp từ Đông Nam Á còn đồ chơi nhập từ Trung Quốc. Còn thực phẩm, thuốc, quần áo và băng đĩa thường có nguồn gốc nội địa.
Thuốc giả và rượu giả khiến người tiêu dùng bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Hàng năm, hàng ngàn người Nga bị thiệt mạng do uống phải các chất hóa học chết người làm giả thành rượu vodka.[164]
Phần lớn người Nga sống trong những căn nhà xây từ thời Xô Viết. Một điều tra vào năm ngoái của Hiệp hội các kỹ sư Nga cho biết: 20% thành phố không có nước nóng, 12% không có hệ thống sưởi. Ở một làng quê, một người dân nói: "Chúng tôi không có gas, chúng tôi không có nước. Chúng tôi chẳng có gì". Trong khi đó, Liên bang Nga tiêu tốn 50 tỷ USD cho Olympic Mùa Đông, gấp 3 lần rưỡi Olympic mùa hè ở London.
Tương lai
Nga và Belarus đang đàm phán để thống nhất thành một nhà nước liên bang Nga-Belarus, việc đàm phán đã được bắt đầu vào năm 1997 và vẫn tiếp tục cho đến bây giờ.[165]Xem thêm
- Liên lạc viễn thông ở Nga
- Giáo dục ở Nga
- Quan hệ đối ngoại của Nga
- Lịch sử người Do Thái ở Nga và Liên Xô
- Hồi giáo ở Nga
- Luật pháp của Liên bang Nga
- Danh sách một số công ty Nga
- Quân đội Nga
- Tem bưu chính và lịch sử bưu chính Nga
- Các ngày lễ ở Nga
- Báo chí không biên giới Chỉ số toàn thế giới về tự do báo chí năm 2002: Nga được đánh giá xếp hạng 121 trong tổng số 139 quốc gia được đánh chỉ số.
- Tiếng Anh bồi đối với người Nga
- Du lịch ở Nga
- Vận tải ở Nga
Tham chiếu
- The New Columbia Encyclopedia, Col.Univ.Press, 1975
Ghi chú
- ^ Dân số các Quốc Gia trên Thế Giới, CIA World Factbook ước tính
- ^ Federal State Statistics Service of Russia
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 1). Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2009.
- ^ “The CIA World Fact Book, "Russia"”. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2009.
- ^ a ă â “Russia”. Encyclopedia Britannica. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2008.
- ^ “The Russian federation: general characteristics”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2003. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2008. Đã bỏ qua văn bản “Federal State Statistics Service” (trợ giúp)
- ^ Microsoft Encarta Online Encyclopedia 2007. “"Russia"”. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2007.[[]][liên kết hỏng]
- ^ First Post; Beware Russia Energy Superpower, October 12, 2006
- ^ CNN, "Russia; A superpower rises again" by Simon Hooper. Tháng 12, 2006
- ^ CNN; "Eye on Russia: Russia's resurgence" by Matthew Chance June 2007 [1]
- ^ a ă Library of Congress. “Topography and Drainage”. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2007.
- ^ Superpower politics: change in the United States and the Soviet Union http://books.google.com/books?id=XXcVAAAAIAAJ&pg=PA4
- ^ Weinberg, G.L. (1995). A World at Arms: A Global History of World War II. Cambridge University Press. tr. 264. ISBN 0521558794.
- ^ Osbourne, Andrew, World leaders gather as Russia remembers. The Age
- ^ Rozhnov, Konstantin, Who won World War II?. BBC. Russian historian Valentin Falin
- ^ a ă “Country Profile: Russia”. Foreign & Commonwealth Office of the United Kingdom. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ World Bank. “World Development Indicators”. World Bank. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2011.
- ^ a ă “Status of Nuclear Powers and Their Nuclear Capabilities”. Federation of American Scientists. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Online Etymology Dictionary”. Etymonline.com. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2011.
- ^ “Rus – definition of Rus by the Free Online Dictionary, Thesaurus and Encyclopedia”. Thefreedictionary.com. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2011.
- ^ Milner-Gulland, R. R. (1997). The Russians: The People of Europe. Blackwell Publishing. tr. 1–4. ISBN 0-631-21849-1.
- ^ 《俄罗斯国家名称变迁考》,郭文深著,江淮论坛2010年3期
- ^ “Kievan Rus' and Mongol Periods”. Đại học bang Sam Houston. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2007.
- ^ a ă Kievan Rus' and Mongol Periods, trích đoạn từ Glenn E. Curtis (chủ biên), Russia: A Country Study, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, 1998. ISBN 0-16-061212-8.
- ^ Christopher Duffy, Borodino and the War of 1812, trang 36
- ^ Christopher Duffy, Borodino and the War of 1812, trang 46
- ^ Christopher Duffy, The military experience in the age of reason, trang 41
- ^ Xem Jacob Walkin, The Rise of Democracy in Pre-Revolutionary Russia: Political and Social Institutions under the Last Three Czars, Praeger, 1962.
- ^ CIAO - Atlas - Russia
- ^ Revolutions and Civil War, trích đoạn từ Glenn E. Curtis (chủ biên), Russia: A Country Study, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, 1998. ISBN 0-16-061212-8.
- ^ a ă Xem Donald A. Filzer, Soviet Workers and the Collapse of Perestroika: The Soviet Labour Process and Gorbachev's Reforms, 1985–1991, Nhà in Đại học Cambridge, 1994. ISBN 0-521-45292-9.
- ^ Xem, chẳng hạn, Country Profile for the Russian Federation, của Bộ Ngoại giao Anh. Tra cứu ngày 21-7-2007.
- ^ Famine in Russia: the hidden horrors of 1921, International Committee of the Red Cross
- ^ “World War II”. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.
- ^ “The Allies' first decisive successes > Stalingrad and the German retreat, summer 1942–February 1943”. Encyclopedia Britannica. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2008.
- ^ Erlikman, V. (2004). Poteri narodonaseleniia v XX veke: spravochnik. Moskva: Russkai︠a︡ panorama. ISBN 5931651071. Note: Estimates for Soviet World War II casualties vary between sources.
- ^ “Reconstruction and Cold War”. Library of Congress. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Great Escapes from the Gulag”. TIME. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2008.
- ^ “1990 CIA World Factbook”. Central Intelligence Agency. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.
- ^ “Russia Unforeseen Results of Reform”. The Library of Congress Country Studies; CIA World Factbook. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2008.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 80, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 110, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 94). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 19, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 120, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 123, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 81, §3). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 95, §3). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Based on actual count of countries listed “Diplomatic and consular missions of Russia”. Ministry of Foreign Affairs of Russia. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2009.. Only those listed explicitly as "Embassy of Russia" are included in the embassy count.
- ^ Kosachev. K. “Russian Foreign Policy Vertical”. Russia In Global Affairs. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ (tiếng Nga) “Interview of official Ambassador of Russian Foreign Ministry on relations with the EU”. RIA Novosti. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2008.
- ^ “NATO-Russia relations”. NATO. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ [2]
- ^ [3]
- ^ “Chapter 2—Investing In Russian Defense Conversion: Obstacles and Opportunities”. Federation of American Scientists. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ a ă “Overview of the major Asian Powers”. International Institute for Strategic Studies: 31. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2008.
- ^ [4]
- ^ Hải quân suy yếu đe dọa đến an ninh quốc gia Website Baomoi.com
- ^ http://www.tin247.com/dang_sau_viec_nga_mua_vu_khi_cua_chau_au-2-21537672.html Đằng sau việc Nga mua vũ khí của châu Âu
- ^ Máy bay chiến đấu thế hệ 5 - Nga kém xa Mỹ!
- ^ a ă Sức mạnh quân sự Nga: Sự thật và nỗi cay đắng
- ^ a ă â b [5]
- ^ Russia: Assessment, Adam Baltin Interview, Opinion Poll on State of Armed Forces, FBIS: Informatsionno-Analiticheskoye Agentstvo Marketing i Konsalting, 14 tháng 3 năm 2006
- ^ “Russian defense spending to grow 20% in 2008, to $40 bln”. RIA Novosti. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2008.
- ^ “Rice: Russia's Military Moves 'a Problem'”. ABC News. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2008.
- ^ “World Wide Military Expenditures”. Global Security. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2008.
- ^ “Big rise in Russian military spending raises fears of new challenge to west”. Guardian. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2008.
- ^ Pukhov, R. (2009). “Serdyukov Cleans Up the Arbat”. Moscow Defense Brief (Centre for Analysis of Strategies and Technologies) (#1 (15) / 2009). Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2009.
- ^ Barabanov, M (16 tháng 2 năm 2009). “The Army's Chief Destroyer”. The Moscow Times. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2009.
- ^ [6]
- ^ "https://archive.is/20120713082109/diendankienthuc.net/diendan/dia-ly-chau-au/24119-dia-ly-nuoc-nga.html"
- ^ Nga bớt 2 múi giờ để phát triển kinh tế
- ^ a ă “Climate”. Library Of Congress. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2007.
- ^ Drozdov, V. A. et al. (1992). “Ecological and Geographical Characteristics of the Coastal Zone of the Black Sea”. GeoJournal (27.2, pp. 169–178: Springer Netherlands) 27: 169. doi:10.1007/BF00717701.
- ^ Walsh, NP. “It's Europe's lungs and home to many rare species. But to Russia it's £100bn of wood”. Guardian (UK). Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2007.
- ^ list of animals of Red Data Book of Russian Federation (1 November 1997)
- ^ a ă [7]
- ^ [8]
- ^ a ă â b [9]
- ^ [10]
- ^ RIA Novosti
- ^ [11]
- ^ American Institute of Aeronautics and Astronautics - Home Page
- ^ Space industry: Do we have lift-off? | The Economist
- ^ [12]
- ^ [13]
- ^ [14]
- ^ https://archive.is/20130427180323/planetsaryupdate.com/www__Daviationweek__Dcom/news__Europe-Joins-Russia-on-Robotic-ExoMars.php
- ^ http://www.thespacereview.com/article/1980/1
- ^ http://rbth.ru/articles/2011/11/14/from_earth_to_mars_and_back_in_520_days_13750.html
- ^ [15]
- ^ Discovery Top Ten Tanks: T-34
- ^ Poyer, Joe. The AK-47 and AK-74 Kalashnikov Rifles and Their Variations. North Cape Publications. 2004.
- ^ “Weaponomics: The Economics of Small Arms”.
- ^ [16]
- ^ http://en.rian.ru/russia/20091011/156428675.html RIA Novosti: Medvedev outlines priorities for Russian economy's modernization
- ^ a ă [17]
- ^ “Russian Census of 2002”. 4.1. National composition of population. Federal State Statistics Service. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2008.
- ^ a ă â b c “Demographics”. Federal State Statistics Service. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2009.
- ^ “1 June 2007: A great number of children in Russia remain highly vulnerable”. United Nations Children's Fund. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Xem Danh sách quốc gia theo mật độ dân số
- ^ “Resident population”. Federal State Statistics Service. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ a ă “Demography”. Federal State Statistics Service. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2008.
- ^ “Russia cracking down on illegal migrants”. International Herald Tribune. 15 tháng 1 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2008.
- ^ Ethnic groups in Russia, 2002 census, Demoscope Weekly. Retrieved 5 February 2009
- ^ Russians left behind in Central Asia, BBC News, November 23, 2005.
- ^ “Demographics”. Library of Congress. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2008.
- ^ “Russia's population down 0.17% in 2007 to 142 mln”. RIA Novosti. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2008.
- ^ The World Factbook. “Rank Order — Birth rate”. Central Intelligence Agency. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2009.
- ^ The World Factbook. “Rank Order — Death rate”. Central Intelligence Agency. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2009.
- ^ “Russia's birth, mortality rates to equal by 2011 - ministry”. RIA Novosti. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2008.
- ^ [18]
- ^ “Russian Census of 2002”. 4.3. Population by nationalities and knowledge of Russian; 4.4. Spreading of knowledge of languages (except Russian). Federal State Statistics Service. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2008.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 68, §2). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Russian”. University of Toronto. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Microsoft Encarta Online Encyclopedia 2007. “Russian language”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.[[]][liên kết hỏng]
- ^ “Russian language course”. Russian Language Centre, Moscow State University. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 43 §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Smolentseva, A. “Bridging the Gap Between Higher and Secondary Education in Russia”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Russia Country Guide”. EUbusiness.com. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Background Note: Russia”. U.S. Department of State. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2008.
- ^ a ă [19]
- ^ “Higher Education Institutions”. Federal State Statistics Service. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2008.
- ^ Education for all by 2015. UNESCO, Oxford University Press
- ^ [20]
- ^ “Higher education structure”. State University Higher School of Economics. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ [21]
- ^ [22]
- ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 41). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Russian ombudsman about propiska restrictions in modern Russia”. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2008.
- ^ “Residency Restrictions in Moscow by Brad K. Blitz”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2008.
- ^ Field, M G. The health and demographic crisis in post-Soviet Russia: a two-phase development in "Russia’s Torn Safety Nets", edited by Field M. G., Twigg J. L. (eds). 2000:11–42: St. Martin’s Press.
- ^ “Highlights on Health in the Russian Federation” (PDF). World Health Organization. 1999. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Leonard, W R (April năm 2002). “Declining growth status of indigenous Siberian children in post-Soviet Russia”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Продолжительность жизни россиян возросла с 2005 по 2007 г на 2,4 года, до 67,7 года”. United Russia. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2008.
- ^ “European Union”. Central Intelligence Agency. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2008.
- ^ a ă “Heart disease kills 1.3 million annually in Russia — chief cardiologist”. RIA Novosti. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Burlington Free Press, June 26, 2009, page 2A, "Study blames alcohol for half Russian deaths"
- ^ “Corruption Pervades Russia's Health System”. CBS News. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Third of Russians smoke, but half welcome public smoking ban”. RIA Novosti. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “HIV/AIDS in the Russian Federation”. The World Bank. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Russian regional HIV vaccine center seeks $40–50 mln from budget”. RIA Novosti. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Russian Federation AIDS information “Russian Federation”. UNAIDS: The Joint United Nations Programme on HIV/AIDS. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2008.
- ^ “119,000 TB cases in Russia — health official”. RIA Novosti. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Country Profile: Russia” (PDF). Library of Congress—Federal Research Division. October năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2005. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Russian policies ignite unprecedented birth rate in 2007”. The Economic Times. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2008.
- ^ “United Nations Expert Group Meeting On International Migration and Development” (PDF). Population Division; Department of Economic and Social Affairs; United Nations Secretariat. 6–8 July 2005. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Russian Cuisine by Ruth Jenkins, page 48
- ^ Bell, I. “Eastern Europe, Russia and Central Asia”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Zuckerman, P (2005). Atheism: Contemporary Rates and Patterns, chapter in The Cambridge Companion to Atheism, ed. by Michael Martin. Cambridge University Press.
- ^ “Religion In Russia”. Embassy of the Russian Federation. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2001. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ a ă Microsoft Encarta Online Encyclopedia 2007. “Russia”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Russia”. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2008.
- ^ “(tiếng Nga) Опубликована подробная сравнительная статистика религиозности в России и Польше”. religare.ru. 6 tháng 6 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Fact Box: Muslims In Russia”. Radio Free Europe. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Page, J. “The rise of Russian Muslims worries Orthodox Church”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. Đã bỏ qua tham số không rõ
|published=
(trợ giúp) - ^ “20Mln Muslims in Russia and mass conversion of ethnic Russians are myths — expert”. Interfax. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2008.
- ^ “Russia's Islamic rebirth adds tension”. Financial Times. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Russia Faces Population Dilemma, VOA News, June 18, 2007
- ^ Mainville, M (19 tháng 11 năm 2006). “Russia has a Muslim dilemma”. Page A - 17. San Francisco Chronicle. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Nettleton, S. “Prayers for Ivolginsky”. CNN. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2001. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Russia::Religion”. Encyclopædia Britannica Online. 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007.
- ^ Information of Russia by Ruth Jenkkins, page 52 and 53
- ^ Problems of USSR, page 101
- ^ vnexpress
Liên kết ngoài
Các nguồn của chính quyền
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Nga |
- Duma - Trang Web chính thức của hạ nghị viện (bằng tiếng Nga)
- Đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ
- Hội đồng liên bang - Trang Web chính thức của thượng nghị viện
- Gov.ru - Cổng chính thức của chính phủ (bằng tiếng Nga)
- Kremli - Trang Web chính thức của tổng thống (bằng tiếng Anh)
- Trang Web chính thức của trung tâm địa chính Liên bang Nga - Bản đồ hành chính của Nga (Chú giải bằng tiếng Nga)
- Công nghiệp và các nguồn năng lượng của Nga, theo Cục năng lượng Hoa Kỳ
- Kinh tế Nga: Ngân hàng Phần Lan
- U.S. Thông tin từ Cục lãnh sự Hoa Kỳ: Nga
- Webcam về nước Nga
- Photos of Russia
Thông tin chung
- Sơ lược về quốc gia theo BBC
- Dữ liệu về Nga theo CIA
- Trao đổi Nga-Đức Tổ chức phi chính phủ (NGO) kết nối những người tình nguyện tới NGO ở Nga (không chỉ là người Đức)
- Các liên kết tới chính quyền
- Ấn tượng về nước Nga Xô viết, theo John Dewey
- Các nguồn trên Internet để nghiên cứu về Nga
- Danh mục các lưu trữ về Nga của Johnson
- Tiền giấy của Nga
- Tin tức nước Nga
- Các vùng liên bang của Nga (chú giải bằng tiếng Anh)
- Tạp chí Nga - Nguồn tin và phân tích độc lập từ Nga.
- Phiên bản tiếng Anh của báo Pravda (Sự thật)
- Trang thông tấn Nga RIA Novosti - Tiếng Nga
- Trang thông tấn Nga RIA Novosti - Tiếng Anh
|
|
|
|
|
|
|
Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông còn gọi là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa (tiếng Anh: Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea), viết tắt là DOC, là một văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại Phnom Penh, Campuchia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)
và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề
Biển Đông. Việc ký văn kiện này là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN,
đặc biệt là của 4 nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Trường Sa (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.[1]
Điều 1: Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam Á
(TAC), Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những
nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi
là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước
Điều 2: Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau
Điều 3: Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982
Điều 4: Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982
Điều 5: Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng
Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm:
Điều 7: Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, vì mục tiêu khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiếp lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và tran chấp giữa các bên
Điều 8: Các bên có trách nhiệm tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và hành động phù hợp với sự tôn trọng đó
Điều 9: Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc bao hàm trong Tuyên bố này
Điều 10: Các bên liên quan khẳng định rằng việc tiếp thu một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này
Video yêu thích Nội dung
|
Bài hay đoạn này cần người am hiểu về chủ đề của nó biên tập lại. Bạn có thể giúp chỉnh sửa bài hoặc nhờ một ai đó. Xem trang thảo luận để biết thêm chi tiết. |
Điều 2: Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau
Điều 3: Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982
Điều 4: Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982
Điều 5: Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng
Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm:
- Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng
- Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa
- Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra
- Trao đổi trên cơ sở tự nguyện những thông tin liên quan
- Bảo vệ môi trường biển
- Nghiên cứu khoa học biển
- An toàn hàng hải và thông tin trên biển
- Hoạt động tìm kiếm cứu hộ
- Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, kể cả nhưng không hạn chế trong hoạt động buôn lậu các loại thuốc cấm, hải tặc và cướp có vũ trang trên biển, hoạt động buôn bán trái phép vũ khí
Điều 7: Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, vì mục tiêu khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiếp lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và tran chấp giữa các bên
Điều 8: Các bên có trách nhiệm tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và hành động phù hợp với sự tôn trọng đó
Điều 9: Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc bao hàm trong Tuyên bố này
Điều 10: Các bên liên quan khẳng định rằng việc tiếp thu một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này
Các nước tham gia
Những quốc gia tham gia ký kết tuyên bố bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.Chú thích
Liên kết ngoài
Wikisource tiếng Việt có toàn văn tác phẩm về: |
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
No comments:
Post a Comment