Tuesday, July 15, 2014

Chào ngày mới 16 tháng 7

WashMonument WhiteHouse.jpg
CNM365 Chào ngày mới 16 tháng 7 Wikipedia Ngày này năm xưa. Ngày lễ Đức Mẹ núi Cát Minh (Giáo hội Công giáo Rôma).  Năm 622 – Ngày đầu tiên của Lịch Hồi giáo, năm đầu tiên trong lịch là năm nhà tiên tri Muhammad di cư từ Mecca đến Medina. Năm 1790 – Tổng thống Hoa Kỳ George Washington ký Đạo luật Dinh cư, chọn một địa điểm ven sông Potomac làm thủ đô của liên bang, nơi này về sau trở thành Washington, D.C. (hình). Năm 1951 – Tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh của nhà văn J. D. Salinger được phát hành lần đầu tiên, tác phẩm gây tranh luận với các ngôn từ tục tĩu. Năm 1981Mahathir bin Mohamad bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Malaysia, liên bang trải qua một giai đoạn hiện đại hóa nhanh chóng trong thời gian ông nắm quyền.

Washington, D.C.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đặc khu Columbia
Trên trái: Đại học Georgetown; trên phải: Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ; giữa: Tượng đài Washington; dưới trái: Đài tưởng niệm nội chiến người Mỹ gốc châu Phi; dưới phải: Đền Quốc gia
Trên trái: Đại học Georgetown; trên phải: Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ; giữa: Tượng đài Washington; dưới trái: Đài tưởng niệm nội chiến người Mỹ gốc châu Phi; dưới phải: Đền Quốc gia
Lá cờ Đặc khu Columbia
Lá cờ
Con dấu chính thức của Đặc khu Columbia
Con dấu
Huy hiệu của Đặc khu Columbia
Huy hiệu
Khẩu hiệu: Justitia Omnibus
(Công lý cho tất cả)
Vị trí của Washington, D.C. (màu đỏ) bên cạnh tiểu bang Maryland và Virginia. Cả ba được biểu thị bằng màu đỏ trong bản đồ Hoa Kỳ nằm ở góc trái bên dưới.
Vị trí của Washington, D.C. (màu đỏ) bên cạnh tiểu bang MarylandVirginia. Cả ba được biểu thị bằng màu đỏ trong bản đồ Hoa Kỳ nằm ở góc trái bên dưới.
Tọa độ: 38°53′42,4″B 77°02′12″TTọa độ: 38°53′42,4″B 77°02′12″T
Quốc gia Hoa Kỳ
Đặc khu liên bang Đặc khu Columbia
Thành lập 16 tháng 7 năm 1790 sửa dữ liệu
Đặt theo tên George Washington sửa dữ liệu
Chính quyền
 - Thị trưởng Adrian Fenty (DC)
 - Hội đồng Đặc khu Chủ tịch: Vincent Gray (DC)
Diện tích
 - Thành phố 68,3 mi² (177,0 km²)
 - Đất liền 61,4 mi² (159,0 km²)
 - Mặt nước 6,9 mi² (18,0 km²)
Độ cao 0–409 ft (0–125 m)
Dân số (2008)[1][2]
 - Thành phố 591.833
 - Mật độ 9.639,0/mi² (3.722,2/km²)
 - Vùng đô thị 5,3 triệu
Múi giờ EST (UTC-5)
 - Mùa hè (DST) EDT (UTC-4)
Thành phố kết nghĩa Bruxelles, Q158876[?], New Delhi, Bangkok, Dakar, Bắc Kinh, Thành phố Bruxelles, Athena, Paris, Pretoria, Seoul, Accra, Q188304[?], Roma, Ankara, Brasilia, Addis Ababa, La Paz sửa dữ liệu
Website: www.dc.gov
Washington, D.C. (Hán Việt: Hoa Thịnh Đốn) là thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập vào ngày 16 tháng 7 năm 1790. Mang tên chính thức District of Columbia (viết tắt D.C.), có nghĩa Đặc khu Columbia, thành phố này còn thường được gọi là Washington, the District, hoặc đơn giản hơn D.C. Trong tiếng Việt, District of Columbia cũng được dịch là Quận Columbia nhưng dễ nhầm lẫn vì có đến 8 quận tại Hoa Kỳ mang tên Columbia, đặc biệt nhất là quận Columbia, Washington, một quận nằm trong tiểu bang Washington. Về địa vị chính trị thì Washington, D.C. được xem là gần như tương đương với các tiểu bang của Hoa Kỳ.[3]
Thành phố Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong Lãnh thổ Columbia cho đến khi một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 1871 có hiệu lực kết hợp thành phố và lãnh thổ này thành một thực thể duy nhất được gọi là Đặc khu Columbia. Đó là lý do tại sao thành phố này trong khi có tên gọi chính thức là Đặc khu Columbia lại được biết với tên gọi là Washington, D.C., có nghĩa là thành phố Washington, Đặc khu Columbia. Thành phố nằm bên bờ bắc sông Potomac và có ranh giới với tiểu bang Virginia ở phía tây nam và tiểu bang Maryland ở các phía còn lại. Tuy đặc khu này có dân số 591.833 người nhưng do nhiều người di chuyển ra vào từ các vùng ngoại ô lân cận nên dân số thực tế lên đến trên 1 triệu người trong suốt tuần làm việc. Vùng đô thị Washington, bao gồm cả thành phố, có dân số 5,3 triệu người là vùng đô thị lớn thứ 8 tại Hoa Kỳ.
Điều một trong Hiến pháp Hoa Kỳ có nói đến việc lập ra một đặc khu liên bang, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, để phục vụ như thủ đô vĩnh viễn của quốc gia. Các trung tâm của ba ngành trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ cùng nhiều đài tưởng niệm và bảo tàng quốc gia đều nằm trong đặc khu. Washington, D.C. là nơi tiếp nhận 173 đại sứ quán ngoại quốc cũng như các tổng hành dinh của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO). Ngoài ra còn có tổng hành dinh của các cơ quan khác như các liên đoàn lao động, các nhóm vận động hành lang, và các hội đoàn nghiệp vụ cũng đặt tại nơi đây.
Quốc hội Hoa Kỳ có quyền hành tối cao đối với Washington, D.C. vì vậy cư dân của thành phố có ít quyền tự trị hơn cư dân của các tiểu bang Hoa Kỳ. Đặc khu có một đại biểu quốc hội chung nhưng không có quyền biểu quyết và cũng không có thượng nghị sĩ nào. Cư dân Đặc khu Columbia trước đây không thể tham gia bầu Tổng thống Hoa Kỳ cho đến khi Tu chính án 23 Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua năm 1961. Nếu Washington, D.C. là một tiểu bang thì nó sẽ đứng cuối cùng tính theo diện tích, hạng hai từ cuối nếu tính theo dân số, đứng đầu tính theo mật độ dân số, đứng thứ 35 tính theo tổng sản phẩm nội địa tiểu bang, và đứng hạng nhất về phần trăm dân số người Mỹ gốc châu Phi, khiến cho Washington, D.C. trở thành một tiểu bang có đa số dân thiểu số.

Lịch sử

Khi những người châu Âu đầu tiên đến đây vào thế kỷ 17, một sắc dân Algonquia với tên gọi Nacotchtank đã cư trú ở khu vực quanh sông Anacostia trong vùng Washington ngày nay.[4] Tuy nhiên, phần lớn những người Mỹ bản thổ đã rời bỏ khu vực này vào đầu thế kỷ 18.[5] Năm 1751, Georgetown được tỉnh Maryland cấp phép thành lập trên bờ bắc sông Potomac. Thị trấn này là một phần của lãnh thổ liên bang mới được thành lập gần 40 năm sau đó.[6] Thành phố Alexandria, Virginia, thành lập năm 1749, ban đầu cũng nằm trong đặc khu.[7]
Trong bài phát biểu mang tên Federalist No. 43 vào ngày 23 tháng 1 năm 1788, James Madison, vị tổng thống tương lai, đã giải thích sự cần thiết của một đặc khu liên bang. Madison cho rằng thủ đô quốc gia cần phải là một nơi rõ ràng khác biệt, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào để dễ quản lý và gìn giữ an ninh.[8] Vụ tấn công chống quốc hội của một nhóm binh sĩ nổi giận tại thành phố Philadelphia, được biết với tên gọi vụ nổi loạn Pennsylvania năm 1783, đã cho chính phủ thấy cần thiết phải xem xét về vấn đề an ninh của chính mình.[9] Vì thế, quyền thiết lập một thủ đô liên bang đã được ghi rõ trong Điều khoản một, Phần 8 của Hiến pháp Hoa Kỳ, cho phép lập một "Đặc khu (không quá mười dặm vuông) như có thể, bằng phần đất nhượng lại của các tiểu bang nào đó, và được Quốc hội nhận lấy để trở thành nơi đặt trụ sở của chính phủ Hoa Kỳ".[10] Tuy nhiên Hiến pháp Hoa Kỳ không định rõ vị trí cho thủ đô mới. Trong một thỏa hiệp mà sau này được biết đến là "thỏa hiệp năm 1790", James Madison, Alexander Hamilton, và Thomas Jefferson đã đi đến một đồng thuận rằng chính phủ liên bang sẽ lãnh hết nợ chiến tranh mà các tiểu bang đã thiếu với điều kiện là thủ đô quốc gia mới sẽ được đặt tại miền nam Hoa Kỳ.[a]
Quang cảnh Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ trước "Vụ đốt cháy Washington" (trong khoảng thập niên 1800)
Ngày 16 tháng 7 năm 1790, Đạo luật Dinh cư (Residence Act) đã cho ra đời một thủ đô mới vĩnh viễn được đặt trên bờ sông Potomac, ngay tại khu vực mà Tổng thống George Washington đã chọn lựa.[b] Như đã được Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép, hình dạng ban đầu của đặc khu liên bang là một hình vuông, mỗi cạnh dài 10 dặm Anh (16 km), tổng diện tích là 100 dặm vuông (260 km²). Trong suốt thời gian từ năm 1791–1792, Andrew Ellicott và một số phụ tá trong đó có Benjamin Banneker đã thị sát các ranh giới giữa đặc khu với cả MarylandVirginia. Cứ mỗi một dặm Anh, họ đặt đá làm mốc ranh giới mà nhiều cột trong số đó vẫn còn lại cho đến ngày nay.[11] Một "thành phố liên bang" mới sau đó được xây dựng trên bờ bắc sông Potomac, kéo dài về phía đông tại Georgetown. Ngày 9 tháng 9 năm 1791, thành phố liên bang được đặt tên để vinh danh George Washington và đặc khu được đặt tên Lãnh thổ Columbia. Columbia cũng là tên thi ca để chỉ Hoa Kỳ được dùng vào thời đó.[c] Ngày 17 tháng 11 năm 1800, Quốc hội mở phiên họp đầu tiên tại Washington.[12]
Đạo luật tổ chức Đặc khu Columbia năm 1801 (District of Columbia Organic Act of 1801) chính thức tổ chức Đặc khu Columbia và đưa toàn bộ lãnh thổ liên bang, bao gồm các thành phố Washington, Georgetown và Alexandria, dưới sự kiểm soát đặc biệt của Quốc hội Hoa Kỳ. Thêm vào đó, lãnh thổ chưa hợp nhất nằm trong Đặc khu được tổ chức thành hai quận: Quận Washington trên bờ bắc sông Potomac, và Quận Alexandria trên bờ nam.[13] Theo đạo luật này, các công dân sống trong đặc khu không còn được xem là cư dân của Maryland hoặc Virginia, vì thế họ không có đại diện của mình tại quốc hội.[14]
Nhà hát Ford vào thế kỷ 19, nơi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát vào năm 1865
Vào ngày 24–25 tháng 8 năm 1814, trong một cuộc càn quét mang tên vụ đốt phá Washington, các lực lượng Anh xâm nhập thủ đô để trả đũa vụ đốt phá thành phố York, tức Toronto ngày nay. Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, và Tòa Bạch Ốc bị đốt cháy và phá hủy trong suốt cuộc tấn công.[15] Phần lớn các dinh thự chính phủ được nhanh chóng sửa chữa trừ tòa nhà quốc hội. Lúc đó tòa quốc hội phần lớn còn đang xây dựng và chưa hoàn thành cho đến năm 1868.[16]
Kể từ năm 1800, cư dân của đặc khu đã liên tiếp chống đối việc họ thiếu đại diện biểu quyết tại quốc hội. Để sửa đổi, nhiều đề nghị đã được đưa ra nhằm trả lại phần đất được Maryland và Virginia nhượng lại để thành lập đặc khu. Diễn tiến này được biết đến với tên Hồi trả Đặc khu Columbia.[17] Tuy nhiên, những nỗ lực tương tự đều thất bại trong việc giành lấy đủ sự ủng hộ cho đến thập niên 1830, khi quận miền nam là Alexandria của đặc khu lâm vào suy thoái kinh tế với sự thờ ơ của Quốc hội.[17] Alexandria cũng là thị trường chính trong giao thương buôn bán nô lệ ở Mỹ, và có nhiều tin đồn được truyền đi khắp nơi rằng những người theo chủ nghĩa bãi nô tại quốc hội đang tìm cách chấm dứt chế độ nô lệ tại đặc khu; một hành động như vậy sẽ khiến cho nền kinh tế của Alexandria thêm suy thoái.[18] Vào năm 1840, do không hài lòng với việc quốc hội kiểm soát Alexandria, dân chúng trong quận bắt đầu thỉnh cầu trao trả lãnh thổ miền nam của đặc khu về bang Virginia. Lập pháp tiểu bang Virginia đồng ý việc lấy lại Alexandria vào tháng 2 năm 1846, một phần vì việc trở lại của Alexandria sẽ cung cấp thêm hai đại diện ủng hộ chế độ nô lệ tại Hội đồng lập pháp Virginia.[17] Ngày 9 tháng 7 năm 1846, quốc hội đồng ý giao trả lại tất cả lãnh thổ của đặc khu nằm ở phía nam sông Potomac về Khối thịnh vương chung Virginia.[17]
Đúng như những người Alexandria ủng hộ chế độ nô lệ lo lắng, Thỏa hiệp năm 1850 đã đưa đến việc đặt giao thương buôn bán nô lệ ngoài vòng pháp luật (mặc dù chưa bãi bỏ chính thức chế độ nô lệ) tại đặc khu.[19] Năm 1860, khoảng 80% cư dân người Mỹ gốc châu Phi của thành phố là người da đen tự do. Việc bùng phát cuộc Nội chiến Hoa Kỳ năm 1861 đã mang đến sự phát triển dân số đáng kể trong đặc khu vì sự mở rộng hoạt động của chính phủ liên bang và một làn sóng di cư ồ ạt của những người nô lệ tự do mới đến.[20] Năm 1862, Tổng thống Abraham Lincoln ký Đạo luật giải phóng và bồi thường nô lệ (Compensated Emancipation Act), kết thúc chế độ nô lệ tại Đặc khu Columbia và giải thoát khoảng 3.100 người đang bị cầm giữ làm nô lệ, vào 9 tháng trước khi Tuyên ngôn giải phóng nô lệ (Emancipation Proclamation) ban bố.[21] Năm 1870, dân số của đặc khu phát triển lên đến gần 132.000 người.[22] Mặc dù thành phố phát triển nhưng Washington vẫn còn các con đường đất và thiếu nền tảng vệ sinh căn bản. Tình hình tồi tệ đến nỗi một số thành viên quốc hội đã đề nghị di chuyển thủ đô đến một nơi khác.[23]
Đám đông vây quanh Hồ Phản chiếu Tưởng niệm Lincoln trong một cuộc diễn hành đòi công ăn việc làm và tự do tại Washington năm 1963.
Bằng một đạo luật tổ chức đặc khu năm 1871, quốc hội đã thiết lập ra một chính quyền mới cho toàn bộ lãnh thổ liên bang. Đạo luật này có hiệu lực kết hợp các thành phố Washington, Georgetown, và Quận Washington thành một đô thị tự quản duy nhất có tên là Đặc khu Columbia.[24] Mặc dù thành phố Washington chính thức kết thúc sau năm 1871 nhưng cái tên của nó vẫn tiếp tục được sử dụng và toàn bộ thành phố bắt đầu được biết đến rộng rãi là Washington, D.C.. Trong cùng đạo luật đó, quốc hội cũng bổ nhiệm một ban công chánh lo về việc hiện đại hóa thành phố.[25] Năm 1873, Tổng thống Grant bổ nhiệm thành viên có ảnh hưởng nhất trong ban là Alexander Shepherd vào vị trí thống đốc mới. Năm đó, Shepherd chi ra 20 triệu đô la (tương đương 357 triệu đô la năm 2007) vào công chánh,[26] để hiện đại hóa Washington nhưng cũng làm cho thành phố bị khánh kiệt. Năm 1874, quốc hội bãi bỏ văn phòng của Shepherd để trực tiếp quản lý.[23] Các dự án khác nhằm thay hình đổi dạng thành phố cũng không được thực hiện cho đến khi có Kế hoạch McMillan năm 1901.[27]
Dân số đặc khu tương đối vẫn không mấy thay đổi cho đến thời Đại khủng hoảng trong thập niên 1930, khi chương trình cải tổ kinh tế mới gọi là New Deal của Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã mở rộng bộ máy chính quyền tại Washington. Đệ nhị Thế chiến làm gia tăng thêm hoạt động của chính phủ và kết quả là tăng thêm số nhân viên liên bang làm việc tại thủ đô;[28] Vào năm 1950, dân số của đặc khu lên đến đỉnh điểm là 802.178 người.[29] Tu chính án 23 Hiến pháp Hoa Kỳ được chấp thuận vào năm 1961, cho phép đặc khu ba phiếu bầu trong đại cử tri đoàn.
Sau vụ ám sát nhà lãnh đạo tranh đấu cho nhân quyền, tiến sĩ Martin Luther King, Jr. ngày 4 tháng 4 năm 1968, các vụ bạo loạn bùng phát tại đặc khu, chủ yếu ở các hành lang ở Đường U, Đường số 14, Đường số 7, và Đường H. Đây là những khu trung tâm thương mại và khu vực cư ngụ của người da đen. Các vụ bạo động kéo dài khoảng ba ngày cho đến khi trên 13.000 binh sĩ liên bang và binh sĩ thuộc vệ binh quốc gia của Đặc khu Columbia được phái đến dẹp loạn. Nhiều cửa tiệm và tòa nhà khác bị thiêu cháy; đa số vẫn còn bị để hoang tàn và không được tái thiết cho đến cuối thập niên 1990.[30]
Năm 1973, quốc hội ban hành Đạo luật Nội trị Đặc khu Columbia (District of Columbia Home Rule Act), cho phép đặc khu được bầu lên một thị trưởng dân cử và một hội đồng thành phố.[31] Năm 1975, Walter Washington trở thành thị trưởng dân cử đầu tiên và cũng là thị trưởng da đen đầu tiên của đặc khu.[32] Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ từ cuối thập niên 1980 và cả thập niên 1990, các chính quyền của thành phố bị chỉ trích vì sai phạm quản lý và hoang phí. Năm 1995, quốc hội thành lập Ban Giám sát Tài chính Đặc khu Columbia (District of Columbia Financial Control Board) để trông coi tất cả việc chi tiêu của và cải tổ chính quyền thành phố.[33] Đặc khu lấy lại quyền kiểm soát tài chính của mình vào tháng 9 năm 2001 và các hoạt động của Ban giám sát bị đình chỉ.[34]
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, một nhóm khủng bố cướp chuyến bay 77 của American Airlines và đâm thẳng chiếc máy bay vào Ngũ Giác Đài nằm ở thành phố Arlington, Virginia lân cận. Chuyến bay 93 của United Airlines, theo lộ trình đến Washington, D.C., rơi xuống Pennsylvania do nỗ lực ngăn chặn của hành khách.[35][36]

Địa lý

Bài chi tiết: Địa lý Washington, D.C.
Kênh Chesapeake và Ohio chạy qua khu dân cư Georgetown.
Đặc khu Columbia có tổng diện tích là 68,3 dặm vuông (177 km²), trong đó diện tích mặt đất chiếm 61,4 dặm vuông (169 km²) và phần còn lại, 6,9 dặm vuông (18 km²) hay 10,16% là mặt nước.[37] Do phần phía nam lãnh thổ đã được trao trả lại cho Thịnh vượng chung Virginia vào năm 1846, Washington, D.C. ngày nay không còn diện tích 100 dặm vuông (260 km²) như ban đầu. Vùng đất còn lại hiện tại của đặc khu chỉ là khu vực được tiểu bang Maryland nhượng lại. Vì thế Washington bị bao quanh bởi các tiểu bang Maryland ở phía đông nam, đông bắc, tây bắc và Virginia ở phía tây nam. Washington, D.C. có ba dòng chảy thiên nhiên chính là: sông Potomac, sông Anacostia, và lạch Rock. Sông Anacostia và lạch Rock là các nhánh của sông Potomac.[38] Lạch Tiber, một dòng chảy trước kia đi ngang qua Khu dạo chơi Quốc gia (National Mall), đã hoàn toàn bị san lấp trong thập niên 1870.[39]
Washington không được xây trên những vùng đất lấn đầm lầy.[40] Trong lúc vùng đất ngập nước bao phủ những khu vực dọc theo hai con sông và các suối thiên nhiên khác, phần lớn lãnh thổ của đặc khu bao gồm đất nông nghiệp và những ngọn đồi có cây.[41] Địa điểm tự nhiên cao nhất của Đặc khu Columbia nằm tại Tenleytown, cao 409 ft (125 mét) so với mực nước biển.[42] Điểm thấp nhất là mặt biển tại sông Potomac. Trung tâm địa lý của Washington nằm gần ngã tư Đường số 4 và Đường L Tây-Bắc (tên đường phố ở Hoa Kỳ thường gồm có tên khu định hướng như Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc).[43]
Khoảng 19,4% diện tích Washington, D.C. được dành cho công viên, đồng hạng với New York về tỉ lệ đất công viên cao nhất trong số các thành phố Hoa Kỳ có mật độ dân cư cao.[44] Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ quản lý phần lớn những môi trường sống thiên nhiên tại Washington, D.C., gồm có Công viên Rock Creek, Công viên Lịch sử Quốc gia Kênh Chesapeake và Ohio, Khu dạo chơi Quốc gia, Đảo Theodore Roosevelt, và Công viên Anacostia.[45] Khu vực môi trường sống thiên nhiên nổi bật duy nhất không do Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ quản lý là Vườn Thực vật Quốc gia Hoa Kỳ (United States National Arboretum), do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ điều hành.[46] Thác Lớn của sông Potomac nằm trên phía thượng nguồn (tức phía tây bắc) Washington. Trong thế kỷ 19, Kênh Chesapeake và Ohio bắt đầu từ Georgetown được dùng để cho phép các xà lan đi qua con thác.[47]

Khí hậu

Washington có khí hậu nửa nhiệt đới, ẩm ướt (Phân loại khí hậu Köppen: Cfa), đây là khí hậu đặc trưng của khu vực các tiểu bang giữa duyên hải Đại Tây Dương (Mid-Atlantic states), có bốn mùa rõ rệt.[48] Đặc khu nằm trong vùng chịu đựng nhiệt độ (Hardiness zone) cấp 8a gần trung tâm thành phố, và vùng chịu đựng nhiệt độ cấp 7b ở những nơi khác trong thành phố. Điều này chứng tỏ Washington, D.C. có một khí hậu ôn hòa.[49] Mùa xuân và mùa thu khí hậu dịu, ít ẩm ướt trong khi mùa đông mang đến nhiệt độ khá lạnh và lượng tuyết rơi trung bình hàng năm là 16,6 in (420 mm).[50] Nhiệt độ thấp trung bình vào mùa đông là quanh 30 °F (-1 °C) từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 2. Những cơn bão tuyết gây ảnh hưởng cho Washington trung bình xảy ra cứ mỗi bốn đến sáu năm một lần. Những cơn bão mạnh nhất được gọi là "nor'easter" (bão đông bắc) thường có đặc điểm là gió mạnh, mưa nhiều và đôi khi có tuyết. Những cơn bão này thường ảnh hưởng đến phần lớn vùng ven biển Đông Hoa Kỳ.[50]
Mùa hè có chiều hướng nóng và ẩm, nhiệt độ trung bình hàng ngày trong tháng 7 và tháng 8 vào khoảng 80-89 °F (khoảng 26,7-31,7 °C).[51] Sự kết hợp giữa nóng và ẩm trong mùa hè mang đến những cơn bão kèm sấm chớp rất thường xuyên. Một số cơn bão lớn đôi khi tạo ra lốc xoáy trong khu vực. Trong khi đó các cơn bão nhiệt đới (hurricane), hay tàn dư của nó, đôi khi hoành hành trong khu vực vào cuối hè và đầu thu. Thường thì chúng bị yếu dần khi đến Washington, một phần vì vị trí của thành phố nằm bên trong đất liền. Tuy nhiên lụt lội trên sông Potomac do sự kết hợp của thủy triều cao, sóng biển dâng lên cao lúc có bão được biết đến là đã nhiều lần gây thiệt hại tài sản nặng nề tại Georgetown.[52]
Nhiệt độ cao nhất kỷ lục tại Washington, D.C. là 106 °F (41 °C) được ghi nhận vào ngày 20 tháng 7 năm 1930 và ngày 6 tháng 8 năm 1918, trong khi nhiệt độ thấp nhất kỷ lục là −15 °F (−26.1 °C) được ghi nhận vào trong trận bão tuyết ngày 11 tháng 2 năm 1899. Trung bình, mỗi năm thành phố có 36,7 ngày nóng trên 90 °F (32 °C), và 64,4 đêm dưới độ đóng băng.[50][51]
Nuvola apps kweather.svg Khí hậu Washington, D.C.
Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Năm
Cao kỷ lục °F (°C) 79 (26) 84 (29) 93 (34) 95 (35) 99 (37) 102 (39) 106 (41) 106 (41) 104 (40) 96 (36) 86 (30) 79 (26) 106 (41)
Trung bình tối cao °F (°C) 42 (6) 47 (8) 56 (13) 66 (19) 75 (24) 84 (29) 88 (31) 86 (30) 79 (26) 68 (20) 57 (14) 47 (8) 66 (19)
Trung bình tối thấp °F (°C) 27 (-3) 30 (-1) 37 (3) 46 (8) 56 (13) 65 (18) 70 (21) 69 (21) 62 (17) 50 (10) 40 (4) 32 (0) 49 (9)
Thấp kỷ lục °F (°C) -14 (-26) -15 (-26) 4 (-16) 15 (-9) 33 (1) 43 (6) 52 (11) 49 (9) 36 (2) 26 (-3) 11 (-12) -13 (-25) -15 (-26)
Lượng mưa inch (mm) 3.2 (81.3) 2.6 (66) 3.6 (91.4) 2.8 (71.1) 3.8 (96.5) 3.1 (78.7) 3.6 (91.4) 3.4 (86.4) 3.8 (96.5) 3.2 (81.3) 3.0 (76.2) 3.0 (76.2) 39,1 (993,1)
Nguồn: Kênh thời tiết[53] Tháng 7 năm 2008.

Cảnh quan thành phố

Bảng qui hoạch Washington, D.C. của Pierre Charles L’Enfant, được Andrew Ellicott chỉnh sửa lại (1792)
Washington, D.C. là một thành phố được quy hoạch ngay từ khi khởi thủy. Thiết kế cho thành phố phần lớn là công trình của Pierre Charles L’Enfant, một kỹ sư, kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị người Pháp. Pierre Charles L’Enfant đến Vùng các thuộc địa Mỹ trong vai trò của một kỹ sư công binh cùng với Hầu tước Lafayette vào thời Cách mạng Hoa Kỳ. Năm 1791, Tổng thống Washington giao L'Enfant nhiệm vụ thiết kế thành phố thủ đô mới. Bản quy hoạch của L'Enfant dựa trên mẫu kiểu Baroque, theo đó các đường phố rộng hội tụ tại các điểm hình chữ nhật và hình tròn, tạo nên cảnh quan với nhiều khoảng không gian trống.[27] Vào tháng ba năm 1792, Tổng thống Washington bãi nhiệm L'Enfant vì ông nhất định theo dõi sát việc điều hành quy hoạch thành phố, gây ra xung đột với ba ủy viên do Washington bổ nhiệm giám sát xây dựng thủ đô. Andrew Ellicott, người từng làm việc với L'Enfant thị sát thành phố, được giao nhiệm vụ để hoàn thành các dự án sau đó. Tuy Ellicott có chỉnh sửa các bản quy hoạch gốc, trong đó bao gồm việc sửa đổi một số hình thể đường phố, nhưng L'Enfant vẫn được ghi nhận là người đã thiết kế tổng thể thành phố Washington, D. C.[54] Ngày nay, thành phố Washington được giới hạn bởi Đường Florida ở phía bắc, lạch Rock ở phía tây, và sông Anacostia ở phía đông.[27]
Sang đầu thế kỷ 20, viễn cảnh của L'Enfant về một thủ đô có những công viên mở và đài tưởng niệm quốc gia lớn đã bị những căn nhà ổ chuột và các tòa nhà mọc ngang nhiên làm hoen ố, trong đó có trạm xe lửa trên National Mall (Khu dạo chơi Quốc gia).[27] Năm 1900, quốc hội thành lập một ủy ban hỗn hợp dưới sự lãnh đạo của thượng nghị sĩ James McMillan, có trách nhiệm làm đẹp phần trung tâm nghi lễ của thành phố Washington. Dự án mang tên McMillan được hoàn thành vào năm 1901. Dự án đã tái phối trí quang cảnh khu vực đồi Capitol và Nation Mall, xây dựng các tòa nhà liên bang và đài tưởng niệm, san bằng các nhà ổ chuột, cũng như thiết lập một hệ thống công viên thành phố mới. Các kiến trúc sư do ủy ban tuyển mộ đã giữ mô hình gốc của thành phố và công việc của họ được xem như sự hoàn thành chính của bản đồ án mà L'Enfant dự định.[27]
Washington, D.C. được chia thành bốn khu định hướng (ở Hoa Kỳ thành phố thường được chia ra bốn khu định hướng: Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc, và Đông Bắc.
Sau khi Tòa nhà Chung cư Cairo 12 tầng được xây dựng vào năm 1899, quốc hội thông qua Đạo luật về chiều cao của nhà cao tầng vào năm 1910 (Heights of Buildings Act of 1910) trong đó tuyên bố không có tòa nhà nào được phép xây cao hơn Tòa Quốc hội Hoa Kỳ. Đạo luật này được sửa đổi lại vào năm 1910 nhằm hạn chế chiều cao của nhà cao tầng bằng với độ rộng của đường phố gần bên cạnh cộng thêm 20 ft (6,1 mét).[55] Ngày nay, đường chân trời của thành phố vẫn thấp và trải dài, giữ đúng ước nguyện của Thomas Jefferson: muốn biến Washington thành một "Paris của nước Mỹ" với các tòa nhà "thấp và tiện lợi" bên trên những đường phố "sáng sủa và thoáng khí".[55] Kết quả là tượng đài Washington vẫn là tòa kiến trúc cao nhất đặc khu.[56] Tuy nhiên, việc hạn chế chiều cao các tòa nhà của Washington, D.C. đã bị chỉ trích như một lý do chính khiến thành phố có ít nhà ở giá phải chăng, kèm theo các vấn đề về giao thông vì đô thị phải mở rộng ra xa.[55] Để tránh hạn chế về chiều cao của đặc khu, các tòa nhà cao tầng gần trung tâm thành phố thường được xây cất bên kia sông Potomac tại Rosslyn, Virginia, không thuộc Washington D.C..[57]
Thành phố Washington được chia thành bốn khu định hướng không đồng đều: Tây Bắc (NW); Đông Bắc (NE); Đông Nam (SE); và Tây Nam (SW). Các trục chia cắt khu định hướng tỏa ra từ Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.[58] Tất cả tên các đường phố đều gồm có tên viết tắt khu định hướng để chỉ vị trí của nó trong thành phố. Trong phần lớn thành phố, các đường phố được ấn định theo định dạng đường kẻ ô với đường phố nằm theo trục đông-tây sẽ mang tên bằng mẫu tự (thí dụ như C Street SW có nghĩa là Đường C, khu tây nam) và đường phố năm theo trục bắc-nam sẽ mang tên bằng số (thí dụ 4th Street NW có nghĩa là Đường số 4, khu tây bắc).[58] Các con đường tỏa ra từ các vòng quanh lưu thông từ ban đầu đã được đặt tên của các tiểu bang; tất cả 50 tiểu bang cũng như Puerto Rico và cả đặc khu đều được dùng làm tên đường trong thành phố. Một số đường phố của Washington đáng được chú ý đặc biệt như Đại lộ Pennsylvania nối Nhà Trắng với Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, và Đường K có nhiều văn phòng của nhiều nhóm vận động hành lang.[59] Washington tiếp nhận 173 đại sứ quán ngoại quốc, 57 trong số đó nằm trên một đoạn của Đại lộ Massachusetts, có tên không chính thức là "Embassy Row" hay dãy phố đại sứ quán.[60]

Kiến trúc

Tòa Bạch Ốc đứng thứ hai trên danh sách công trình kiến trúc yêu thích của Viện Kiến trúc sư Mỹ năm 2007.
Thành phố Washington có một kiến trúc rất đa dạng. Sáu trong số mười tòa nhà xếp hạng đầu trong danh sách kiến trúc yêu thích nhất năm 2007 của Viện Kiến trúc sư Mỹ nằm trong Đặc khu Columbia,[61] trong đó có: Tòa Bạch Ốc; Thánh đường Quốc gia Washington; Nhà tưởng niệm Thomas Jefferson; Tòa Quốc hội Hoa Kỳ; Nhà tưởng niệm Lincoln; và Đài tưởng niệm Cựu chiến binh tại Việt Nam. Các hình thái kiến trúc tân cổ điển, george, gothic, và hiện đại, tất cả được phản ánh trong sáu công trình kiến trúc đó và trong nhiều công trình kiến trúc nổi bật khác tại Washington. Những hình thái kiến trúc ngoại lệ nổi bật gồm có các tòa nhà được xây theo kiểu Đệ nhị đế chế Pháp như Tòa Cựu văn phòng Hành chánh (Old Executive Office Building) và Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.[62]
Bên ngoài trung tâm Washington, các kiểu kiến trúc thậm chí càng đa dạng hơn. Những tòa nhà lịch sử được thiết kế chính yếu theo kiểu kiến trúc Nữ hoàng Anne, Châteauesque, Richardsonian Romanesque, phục hưng George, Beaux-Arts, và đa dạng các kiểu Victoria. Loại nhà phố liền căn đặc biệt nổi bật trong những khu phát triển sau nội chiến và điển hình theo những kiểu thiết kế chủ nghĩa liên bang và cuối thời Victoria.[63] Vì Georgetown được thành lập trước thành phố Washington, khu dân cư này có đặc điểm kiến trúc xưa cổ nhất trong đặc khu. Tòa nhà Old Stone của Georgetown được xây dựng năm 1765 là tòa nhà còn tồn tại lâu đời nhất trong thành phố.[64] Tuy nhiên phần lớn nhà cửa hiện tại trong khu dân cư được xây vào thập niên 1870 và phản ánh kiểu thiết kế cuối thời Victoria. Đại học Georgetown được xây dựng vào năm 1789 khá khác biệt so với khu dân cư này và mang đặc điểm tổng hợp giữa hai nền kiến trúc Romankiến trúc Gothic Phục hưng.[62] Tòa nhà Ronald Reagan là tòa nhà lớn nhất trong đặc khu với tổng diện tích khoảng 3,1 triệu ft² (288.000 m2).[65]

Nhân khẩu

Lịch sử dân số [d]
Năm Dân số Thay đổi
1800 8,144 -
1810 15,471 90.0%
1820 23,336 50.8%
1830 30,261 29.7%
1840 33,745 11.5%
1850 51,687 53.2%
1860 75,080 45.3%
1870 131,700 75.4%
1880 177,624 34.9%
1890 230,392 29.7%
1900 278,718 21.0%
1910 331,069 18.8%
1920 437,571 32.2%
1930 486,869 11.3%
1940 663,091 36.2%
1950 802,178 21.0%
1960 763,956 -4.8%
1970 756,510 -1.0%
1980 638,333 -15.6%
1990 606,900 -4.9%
2000 572,059 -5.7%
2008 591,833[1] 3.5%
Năm 2008, Cục điều tra dân số Hoa Kỳ ước tính dân số của đặc khu là 591.833 người,[1] tiếp tục chiều hướng gia tăng dân số trong thành phố kể từ cuộc điều tra dân số năm 2000, thời điểm dân số thành phố đạt 572.059 người.[66] Tuy nhiên trong suốt tuần làm việc, số người ra vào thành phố từ các khu ngoại ô lân cận đã làm cho dân số của đặc khu tăng cao, ước tính khoảng 71,8% trong năm 2005, khiến số người tại thành phố vào ban ngày lên đến trên 1 triệu.[67] Vùng đô thị Washington bao gồm các quận xung quanh nằm trong hai tiểu bang Maryland và Virginia là vùng đô thị lớn thứ tám tại Hoa Kỳ với hơn 5 triệu người. Khi kết hợp với Baltimore cùng các khu ngoại ô của nó, Vùng đô thị Baltimore-Washington có dân số vượt hơn 8 triệu người, lớn thứ tư tại Hoa Kỳ.[68]
Năm 2007, thành phần dân số của thành phố gồm có 55,6% người Mỹ gốc Phi, 36,3% người Mỹ da trắng, 8,3% người nói tiếng Tây Ban Nha (tất cả chủng tộc), 5% khác (gồm có người bản thổ Mỹ, người bản thổ Alaska, người bản thổ Hawaii, và người Mỹ gốc đảo Thái Bình Dương), 3,1% người Mỹ gốc Á, và 1,6% hợp chủng (hai hoặc ba chủng tộc).[69] Cũng có khoảng ước tính 74.000 di dân ngoại quốc sống tại Washington, D.C. trong năm 2007.[69] Nguồn gốc di cư chính là từ El Salvador, Việt Nam, và Ethiopia. Trong đó những di dân từ Salvador sống tập trung tại khu dân cư Mount Pleasant.[70]
Cổng hữu nghị ở trung tâm Phố Tàu.
Duy nhất trong các thành phố có tỉ lệ cao người Mỹ gốc Phi, Washington có tỷ lệ dân số người da đen cao ngay từ khi thành lập thành phố. Đây là kết quả của việc giải phóng nô lệ tại nửa phía bắc miền Nam Hoa Kỳ (gọi là Upland South) sau Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Dân số da đen tự do trong vùng vọt lên từ con số ước tính 1% trước chiến tranh đến 10% vào năm 1810.[71] Trong đặc khu, cư dân da đen chiếm khoảng 30% dân số giữa năm 1800 và 1940.[72] Dân số người da đen của Washington còn đạt tới 70% dân số thành phố vào năm 1970. Tuy nhiên kể từ đó dân số người Mỹ gốc Phi của Washington, D.C. dần hạ xuống vì có nhiều người rời thành phố để đến các khu ngoại ô lân cận.[73] Một số cư dân cao tuổi hơn đã trở về miền Nam vì có sự liên hệ gia đình và chi phí nhà cửa thấp hơn.[74] Cũng khoảng thời gian đó, dân số người da trắng của thành phố dần tăng lên, một phần vì sự ảnh hưởng của việc dời cư của người da màu tại những khu dân cư truyền thống của người da đen tại Washington.[73] Đây là bằng chứng của sự sụt giảm 7,3% dân số người da đen, và sự gia tăng 17,8% dân số người da trắng kể từ năm 2000.[66] Tuy nhiên, một số người Mỹ gốc Phi, đặc biệt là những sinh viên đại học vừa tốt nghiệp và những người trong giới chuyên gia trẻ, đang di chuyển đến thành phố từ các tiểu bang miền bắc và trung tây. Chiều hướng này được mệnh danh là "New Great Migration" (có nghĩa là cuộc đại di cư mới). Washington, D.C. là một điểm đến hàng đầu cho những người da đen như thế vì có nhiều cơ hội việc làm ngày gia tăng.[74]
Điều tra dân số năm 2000 cho thấy con số ước tính 33.000 người lớn trong Đặc khu Columbia nhận mình là đồng tính hoặc song tính, chiếm khoảng 8,1% dân số trưởng thành của thành phố.[75] Bất chấp tỷ lệ cao này cùng không khí chính trị cởi mở, hôn nhân đồng tính không hợp pháp tại đặc khu, một phần vì sự chống đối của Quốc hội.[76] Tuy nhiên, luật sống chung (domestic partnership law) của thành phố công nhận quyền pháp lý của các cặp đồng tính cũng giống như luật kết hợp dân sự được công nhận tại những khu vực pháp lý khác.[76]
Một báo cáo năm 2007 cho thấy khoảng một phần ba cư dân của thành phố Washington bị mù chữ chức năng, so với tỉ lệ quốc gia là khoảng một phần năm. Điều này một phần là do các di dân không rành tiếng Anh.[77] Một cuộc nghiên cứu năm 2005 cho thấy rằng 85,16% cư dân Washington, D.C. trên năm tuổi chỉ nói tiếng Anh ở nhà và 8,78% nói tiếng Tây Ban Nha. Tiếng Pháp là ngôn ngữ nói xếp thứ ba với 1,35%.[78] Ngược lại tỉ lệ mù chữ cao, gần 46% cư dân Đặc khu Columbia có ít nhất một bằng cấp đại học bốn năm.[79] Theo dữ liệu từ năm 2000, hơn một nửa cư dân đặc khu theo Kitô giáo; 28% đạo Công Giáo La Mã, 9,1% đạo Baptist Mỹ, 6,8% đạo Baptist miền Nam Hoa Kỳ, 1,3% đạo Chính Thống giáo Đông phương, và 13% thuộc khác chi phái khác của Kitô giáo. Cư dân theo Hồi giáo chiếm 10,6% dân số, Do Thái giáo 4,5%, và 26,8% cư dân có niềm tin khác hoặc không theo tôn giáo nào.[80]

Tội phạm

Trong khoảng thời gian của làn sóng tội phạm bạo lực đầu thập niên 1990, Washington, D.C. được biết đến như là thủ đô của các vụ giết người ở Hoa Kỳ và thường được xếp ngang tầm với New Orleans về số lượng các vụ sát nhân.[81] Con số các vụ giết người lên đỉnh điểm vào năm 1991 với 482 vụ, nhưng mức độ bạo lực giảm đáng kể trong suốt thập niên 1990. Năm 2006, con số các vụ giết người hàng năm tại thành phố giảm xuống còn 169 vụ.[82] Tổng cộng, tội phạm bạo lực giảm gần 47% kể từ 1995 đến 2007. Tội phạm xâm phạm bất động sản gồm có trộm cắp, cướp bóc giảm chừng 48% trong cùng giai đoạn này.[83][84]
Cũng giống như đa số các thành phố lớn khác, các vụ phạm tội xảy ra nhiều nhất tại các khu vực có liên quan đến băng đảng và buôn bán ma túy. Các khu dân cư giàu có hơn của Tây Bắc Washington có mức độ tội phạm thấp nhưng phạm vi ảnh hưởng của tội phạm càng gia tăng khi đi xa về phía đông. Từng bị tội phạm hoành hành, hiện nay các khu dân cư của Đặc khu Columbia như Columbia HeightsLogan Circle đang dần trở nên các khu vực an toàn và nhộn nhịp vì ảnh hưởng của việc tái phân bố dân cư. Kết quả là tội phạm trong đặc khu đang có chiều hướng đi xa về phía đông và về phía bên kia ranh giới vào trong Quận Prince George của Maryland.[85]
Ngày 26 tháng 6 năm 2008, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết vụ Đặc khu Columbia đối đầu với Heller rằng luật cấm súng ngắn năm 1976 của thành phố đã vi phạm tu chính án 2 quyền sở hữu súng.[86] Tuy nhiên, phán quyết này không cấm tất cả các hình thức kiểm soát súng; những luật bắt buộc đăng ký súng vẫn có hiệu lực cũng như luật cấm vũ khí loại tấn công của thành phố.[87]

Kinh tế

Cổng Giáo sư ở Đại học George Washington, thuê mướn người làm việc lớn nhất tại đặc khu
Washington có một nền kinh tế phát triển đa dạng với khuynh hướng thiên về dịch vụ thương mại và nghiệp vụ.[88] Tổng sản phẩm nội địa của đặc khu năm 2007 là 93,8 tỉ đô la, xếp thứ 35 so với 50 tiểu bang của Hoa Kỳ.[89] Năm 2008, chính phủ liên bang là nguồn cung cấp khoảng 27% việc làm tại Washington, D.C.[90] Người ta cho rằng Washington không bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế quốc gia vì chính phủ liên bang vẫn tiếp tục các hoạt động thậm chí trong suốt những thời khủng hoảng.[91] Tuy nhiên vào tháng 1 năm 2007, những nhân công liên bang tại vùng Washington chỉ chiếm 14% tổng số lực lượng lao động của chính phủ liên bang.[92] Nhiều tổ chức như các hãng luật, những cơ sở làm việc theo hợp đồng độc lập (tính cả quốc phòng và dân sự), các tổ chức bất vụ lợi, các nhóm vận động hành lang, liên đoàn lao động, các nhóm trao đổi công nghiệp, và các hội đoàn nghiệp vụ có tổng hành dinh của họ bên trong hoặc gần Đặc khu Columbia để gần bên chính phủ liên bang.[59] Cho đến tháng 11 năm 2008, Vùng đô thị Washington có một tỉ lệ thất nghiệp 4,4%, là một tỉ lệ thấp nhất trong số 49 vùng đô thị lớn nhất tại Hoa Kỳ. Tỉ lệ này cũng thấp hơn tỉ lệ thất nghiệp trung bình của quốc gia trong cùng kỳ thời điểm là 6,5%.[93] Riêng Đặc khu Columbia có tỉ lệ thất nghiệp 7,4% tính đến tháng 10 năm 2008.[94]
Washington cũng có những ngành công nghiệp phát triển không liên quan trực tiếp đến chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, tài chính, chính sách công cộng, và nghiên cứu khoa học. Đại học George Washington, Đại học Georgetown, Trung tâm Bệnh viện Washington, Đại học Howard, và ngân hàng cho vay Fannie Mae là những nơi thuê mướn nhân công trong thành phố, không có liên hệ đến chính phủ.[95] Có năm công ty nằm trong nhóm Fortune 1000 đóng tại Washington, và hai trong số này thuộc Fortune 500.[96]
Washington, D.C. đã trở thành một trong những nơi hàng đầu về lĩnh vực đầu tư bất động sản trên thế giới, xếp sau Luân Đôn, New York, và Paris.[97] Năm 2006, tờ Expansion Magazine xếp Đặc khu Columbia trong số 10 khu vực hàng đầu ở Hoa Kỳ hấp dẫn mở rộng thương nghiệp.[98] Washington có trung tâm thành phố lớn thứ ba tại Hoa Kỳ tính theo sức chứa văn phòng thương mại, đứng ngay sau New York và Chicago.[99] Mặc dù khủng hoảng kinh tế quốc gia và giá nhà hạ giảm nhưng Washington được xếp thứ hai trên danh sách những thị trường nhà ở tốt nhất tại Hoa Kỳ của Forbes.[100]
Những nỗ lực di dời dân cư đang được tiến hành tại Washington, D.C., đáng nói là tại các khu dân cư Logan Circle, Shaw, Columbia Heights, hành lang Đường U, và Đường 14.[101] Quá trình này đã diễn ra tại một số khu dân cư nhờ vào việc xây dựng tuyến đường xanh (green line) thuộc hệ thống xe điện ngầm "Metrorail" của Washington, nối liền các khu dân cư này với các khu vực của trung tâm thành phố vào cuối thập niên 1990.[102] Tháng 3 năm 2008, một trung tâm bán hàng mới được mở cửa tại Columbia Heights, trở thành trung tâm bán lẻ lớn đầu tiên tại đặc khu trong vòng 40 năm.[103] Như tại nhiều thành phố, sự di dời dân cư đang làm sống lại nền kinh tế của Washington, nhưng những lợi ích của nó không được phân bố đều trong thành phố và không trực tiếp giúp ích cho người nghèo.[101] Năm 2006, cư dân Đặc khu Columbia có lợi tức tính theo đầu người là 55.755 đô la, cao hơn bất cứ 50 tiểu bang nào của Hoa Kỳ.[104] Tuy nhiên 19% cư dân sống dưới mức nghèo vào năm 2005, cao hơn bất cứ tiểu bang nào, trừ Mississippi. Điều đó cho thấy sự chênh lệch kinh tế giữa các nhóm dân cư của thành phố.[105]

Văn hóa

Những địa điểm lịch sử và viện bảo tàng

Trong trung tâm thành phố, khu công viên National Mall, có nghĩa Khu dạo chơi Quốc gia, mở rộng với Tượng đài Washington giữa. Cũng nằm trong khu vực này còn có Nhà tưởng niệm Lincoln, Đài tưởng niệm Quốc gia Đệ nhị Thế chiến nằm ở cuối phía đông Hồ phản chiếu Tưởng niệm Lincoln, Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên, Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, và Đài tưởng niệm Albert Einstein.[106] Cơ quan Quản lý Văn khố Quốc gia (National Archives and Records Administration) cất giữ hàng ngàn tài liệu quan trọng đối với lịch sử Mỹ trong đó có bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, Hiến pháp Hoa Kỳ, và Đạo luật nhân quyền Hoa Kỳ.[107]
Nằm ngay phía nam khu dạo chơi National Mall là Tidal Basin, một vịnh nước nhỏ, một phần do nhân tạo, có trồng những hàng cây hoa anh đào do Nhật Bản tặng cho thành phố. Khu tưởng niệm Franklin Delano Roosevelt, Nhà tưởng niệm Jefferson, và Đài tưởng niệm Chiến tranh Đặc khu Columbia nằm gần Tidal Basin.[108]
Viện Smithsonian là một cơ sở giáo dục được Quốc hội Hoa Kỳ ban hành hiến chương vào năm 1846 để trông coi, bảo quản phần lớn các phòng triển lãm nghệ thuật và viện bảo tàng chính thức của quốc gia tại Washington, D.C. Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ một phần cho viện, vì thế các hiện vật trưng bày của viện được mở cửa cho công chúng xem miễn phí.[109] Bảo tàng có nhiều người thăm viếng nhất trong số các bảo tàng của Viện Smithsonian trong năm 2007 là Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên nằm trên Khu dạo chơi Quốc gia National Mall.[110] Các viện bảo tàng và triển lãm khác của Smithsonian nằm trên khu dạo chơi National Mall là: Bảo tàng Quốc gia Không gian và Hàng không; Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Phi châu; Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Mỹ; Bảo tàng Quốc gia Người bản thổ Mỹ; Phòng triển lãm Arthur M. SacklerPhòng triển lãm Nghệ thuật Freer. Cả hai phòng triển lãm này tập trung về văn hóa và nghệ thuật châu Á; Bảo tàng Hirshhorn và Vườn Điêu khắc; Tòa nhà Công nghiệp và Nghệ thuật; Trung tâm S. Dillon Ripley; và Tòa nhà Viện Smithsonian, cũng còn được biết tên là "The Castle", phục vụ với vai trò như tổng hành dinh của viện.[111]
Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian (trước đây tên là Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Mỹ) và Phòng triển lãm Hội họa Quốc gia nằm trong cùng tòa nhà, đó là Trung tâm Donald W. Reynolds, gần phố Tàu của Washington.[112] Trung tâm Reynolds cũng còn được biết đến là "Old Patent Office Building".[113] Phòng triển lãm Renwick chính thức là một phần của Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian nhưng nằm trong một tòa nhà khác gần Tòa Bạch Ốc. Các viện bảo tàng và phòng triển lãm của Viện Smithsonian còn có: Bảo tàng Anacostia nằm ở đông nam Washington, Bảo tàng Bưu điện Quốc gia gần Trạm Union, và Công viên Vườn thú Quốc gia Smithsonian trong Công viên Woodley.
Cánh phía đông của Phòng triển lãm Nghệ thuật Quốc gia là nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại.
Phòng triển lãm Nghệ thuật Quốc gia nằm trên Khu vui chơi Quốc gia gần Tòa Quốc hội Hoa Kỳ nhưng không phải là một phần của Viện Smithsonian. Thay vào đó nó do chính phủ Hoa Kỳ làm chủ hoàn toàn; do đó phòng triển lãm này cũng cho vào cửa tự do. Cánh tây của phòng triển lãm có chứa bộ sưu tập quốc về nghệ thuật châu Âu và Mỹ xuyên suốt thế kỷ 19.[114] Cánh đông của phòng, do kiến trúc sư I. M. Pei thiết kế, có các tác phẩm nghệ thuật hiện đại.[115] Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian và Phòng triển lãm Hội họa Quốc gia thường bị lầm lẫn với Phòng triển lãm nghệ thuật Quốc gia trong khi chúng thực sự hoàn toàn là những cơ sở riêng biệt. Bảo tàng Xây dựng Quốc gia nằm gần Quảng trường Công Lý (Judiciary Square) được Quốc hội Hoa Kỳ bảo trợ, có triển lãm các hiện vật tạm thời và các hiện vật được luân chuyển.
Có nhiều bảo tàng nghệ thuật tư nhân trong Đặc khu Columbia trình bày các hiện vật và bộ sưu tập lớn, mở cửa cho công chúng như: Bảo tàng Quốc gia Phụ nữ trong Nghệ thuật, Phòng triển lãm Nghệ thuật Corcoran là bảo tàng tư nhân lớn nhất tại Washington, và Bảo tàng Sưu tập Phillips (The Phillips Collection) ở Dupont Circle là bảo tàng nghệ thuật hiện đại đầu tiên tại Hoa Kỳ.[116] Những bảo tàng tư nhân khác tại Washington còn có Newseum, Bảo tàng Điệp vụ Quốc tế, bảo tàng Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, và Bảo tàng Khoa học Marian Koshland. Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ (United States Holocaust Memorial Museum) nằm gần Khu dạo chơi Quốc gia lưu giữ các hiện vật, tài liệu và các di vật có liên quan đến Holocaust.[117]

Âm nhạc và nghệ thuật trình diễn

Washington, D.C. là một trung tâm nghệ thuật quốc gia. Trung tâm Nghệ thuật Trình diễn John F. Kennedy là nơi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, Nhạc kịch Quốc gia Washington, và Đoàn múa Ba lê Washington. Giải thưởng vinh dự Trung tâm Kennedy (Kennedy Center Honors) được trao tặng mỗi năm cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn mà đã góp phần to lớn đến đời sống nghệ thuật của Hoa Kỳ.[118] Tổng thốngĐệ nhất phu nhân thường khi tham dự buổi lễ vinh danh này vì Đệ nhất phu nhân là chủ tịch danh dự của Ban ủy thác Trung tâm Kennedy.[119] Washington cũng có một truyền thống kịch nghệ độc lập địa phương. Các đoàn kịch như Arena Stage, Đoàn kịch Shakespeare, và "Studio Theatre" trình diễn các tác phẩm cổ điển và kịch mới Mỹ.
Hành lang Đường U trong vùng tây-bắc Đặc khu Columbia thường được biết đến như "Washington's Black Broadway" (có nghĩa là sân khấu Broadway da đen của Washington) là nơi tập trung các khu trình diễn nghệ thuật như Bohemian CavernsNhà hát Lincoln với các tài năng âm nhạc như Duke Ellington (s. trưởng tại Washington D.C.), John Coltrane, và Miles Davis.[120] Những nơi trình diễn nhạc jazz khác có biểu diễn nhạc blues hiện đại như Madam's Organ Blues Bar tại Adams MorganBlues Alley tại Georgetown. Đặc khu Columbia có thể loại nhạc bản xứ của mình có tên là go-go. Người biểu diễn thành công nhất là trưởng nhóm ban nhạc D.C. là Chuck Brown. Ông đã mang nhạc go-go đến sát bờ công nhận quốc gia với album năm 1979 của ông mang tên Bustin' Loose.[121]
Washington cũng là một trung tâm quan trọng cho văn hóa và âm nhạc indie tại Hoa Kỳ. Hãng thu âm đĩa hát Dischord Records, do Ian MacKaye thành lập, là một trong những hãng thu âm đĩa hát độc lập quan trọng nhất đối với thể loại nhạc punk thập niên 1980 và dần dần là thể loại nhạc indie rock trong thập niên 1990.[122] Lịch sử thu âm thể loại nhạc indie của Washington có thể kể tới các hãng TeenBeat Records, Dischord Records, Simple Machines, và ESL Music trong số nhiều hãng thu âm khác. Các tụ điểm âm nhạc indie và rock hiện đại như The Black Cat và 9:30 Club gần Đường U mang những hoạt động thân thiết đến với công chúng.[123]

Truyền thông

Dãy phố báo chí của Washington trên đại lộ Pennsylvania năm 1874
Washington, D.C. là một trung tâm nổi bật đối với truyền thông quốc gia và quốc tế. Nhật báo The Washington Post, thành lập năm 1877, là nhật báo địa phương có nhiều độc giả nhất và lâu đời nhất tại Washington.[124][125] Có lẽ tờ báo này được biết tới nhiều nhất nhờ đăng tải các đề tài nói về chính trị quốc tế và quốc gia cũng như từng phơi bày vụ bê bối chính trị Watergate.[126] The Post, tên thường gọi của The Washington Post, tiếp tục chỉ phát hành ba phiên bản chính, mỗi phiên bản cho một khu vực là Đặc khu Columbia, Maryland, và Virginia. Mặc dù không có phiên bản mở rộng ra ngoài, tờ báo này đứng hạng sáu về số lượng phát hành của tất các nhật báo tại Hoa Kỳ tính đến tháng 9 năm 2008.[127] USA Today, nhật báo lớn nhất quốc gia tính theo số lượng phát hành có tổng hành dinh đặt gần McLean, Virginia.[128]
Công ty Washington Post phát hành nhật báo miễn phí dành cho người di chuyển ra vào thành phố hàng ngày mang tên là Express. Tờ báo này tóm tắt các sự kiện, thể thao và giải trí cũng như tờ báo tiếng Tây Ban Nha El Tiempo Latino. Một nhật báo địa phương khác là tờ The Washington Times, và tờ tuần báo Washington City Paper cũng có số đọc giả đáng kể trong vùng Washington.[129][130] Một số tờ báo chuyên đề và cộng đồng tập trung vào các vấn đề văn hóa và khu dân cư gồm có: tuần báo Washington BladeMetro Weekly tập trung về các vấn đề đồng tính, dị tính; tờ Washington InformerThe Washington Afro American điểm qua các đề tài đáng quan tâm của cộng đồng người da đen; và các tờ báo khu dân cư được phát hành bởi The Current Newspapers. Các tờ báo The HillRoll Call đặc biệt tập trung vào các vấn đề có liên quan đến quốc hội và chính phủ liên bang.
Vùng đô thị Washington là thị trường truyền thông truyền hình lớn thứ 9 tại Hoa Kỳ với con số 2.308.290 hộ, chiếm 2,05% dân số Hoa Kỳ.[131] Một số công ty truyền thông và kênh truyền hình cáp có tổng hành dinh trong khu vực, có thể kể đến C-SPAN; Black Entertainment Television; National Geographic Channel; Hệ thống Smithsonian; XM Satellite Radio; National Public Radio; Travel Channel (tại Chevy Chase, Maryland); Discovery Channel (tại Silver Spring, Maryland); và PBS (tại Arlington, Virginia). Tổng hành dinh của Tiếng nói Hoa Kỳ được đặt gần Tòa Quốc hội Hoa Kỳ ở tây nam Washington. Vùng Đặc khu Columbia cũng là nơi đóng bản doanh của Radio One, tập đoàn phát thanh và truyền hình người Mỹ gốc Phi lớn nhất Hoa Kỳ do đại gia truyền thông Cathy Hughes thành lập.[132]

Thể thao

Trung tâm Verizon là sân nhà của đội khúc côn cầu Washington Capitals, đội bóng rổ nam Washington Wizards, đội bóng rổ nữ Washington Mystics, và đội bóng rổ nam Đại học Georgetown.
Washington, D.C. là sân nhà của năm đội nam thể thao nhà nghề. Đội Washington Wizards thuộc Hội Bóng rổ Quốc gia và đội Washington Capitals thuộc Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc gia đều chơi tại Trung tâm Verizon trong khu phố Tàu. Trung tâm có tên Nationals Park, được mở cửa ở đông nam Đặc khu Columbia năm 2008, là sân nhà của đội Washington Nationals thuộc liên đoàn bóng chày tên Major League Baseball. Đội D.C. United thuộc liên đoàn bóng đá có tên Major League Soccer chơi ở Sân vận động Tưởng niệm Robert F. Kennedy. Đội Washington Redskins thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL) chơi gần FedExFieldLandover, Maryland.
Vùng Washington cũng là sân nhà của một số đội thể thao nhà nghề của nữ. Đội Washington Mystics thuộc Hội Nữ Bóng rổ Quốc gia chơi ở Trung tâm Verizon. Đội Washington Freedom tái xuất vào mùa xuân năm 2009 thuộc liên đoàn nữ bóng đá nhà nghề.[133].
Washington là một trong chỉ 13 thành phố tại Hoa Kỳ có các đội nhà nghề của bốn môn thể thao chính của nam: bóng bầu dục, bóng rổ, bóng chày, và khúc côn cầu trên băng. Khi bóng đá được đưa vào, Washington là một trong tám thành phố có tất cả 5 môn thể thao nhà nghề của nam. Các đội thể thao nhà nghề của Đặc khu Columbia đã giành được một con số tổng cộng là 11 giải quán quân: Đội bóng đá D.C. United đoạt được bốn giải (nhiều nhất trong lịch sử giải bóng đá "Major League Soccer" tại Hoa Kỳ);[134] Đội Washington Redskins thắng ba;[135] Đội Washington Bayhawks thắng hai;[136] và đội Washington Wizards và đội Washington Glory mỗi đội thắng một lần duy nhất giải quán quân.[137][138] Trung tâm Quần vợt William H.G. FitzGerald ở Công viên Rock Creek là nơi tổ chức giải Legg Mason Tennis Classic. Giải chạy Marathon của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và giải Marathon Quốc gia được tổ chức hàng năm tại Washington. Khu vực Đặc khu Columbia là nơi có một hệ thống truyền hình thể thao vùng tên là Comcast SportsNet có bản doanh tại Bethesda, Maryland.

Chính quyền

Tòa nhà John A. Wilson là nơi có các văn phòng của thị trưởng và hội đồng Đặc khu Columbia.
Điều I, Đoạn 8 của Hiến pháp Hoa Kỳ đã dành cho Quốc hội quyền lực tối cao trên Washington, D.C. Đặc khu Columbia đã từng không có chính quyền dân cử thành phố cho đến khi Đạo luật Nội trị Đặc khu Columbia được quốc hội phê chuẩn vào năm 1973. Đạo luật này trao một số quyền lực của quốc hội trên Đặc khu Columbia cho một chính quyền địa phương được một thị trưởng dân cử, hiện tại là Adrian Fenty, và Hội đồng Đặc khu Columbia gồm 13 thành viên điều hành. Tuy nhiên, quốc hội vẫn giữ quyền xem xét và bãi bỏ các luật lệ mà hội đồng thành phố lập ra và cũng như có quyền can thiệp vào các vấn đề địa phương.[139] Mỗi trong số tám phân khu của thành phố bầu lên một thành viên hội đồng duy nhất. Năm thành viên hội đồng khác kể cả chủ tịch hội đồng được cả thành phố bầu lên.[140] Có 37 ủy ban tham vấn khu dân cư (Advisory Neighborhood Commission) được các khu dân cư bầu lên. Ủy ban tham vấn khu dân cư theo truyền thống có rất nhiều ảnh hưởng và chính quyền thành phố theo thường lệ nhận những lời khuyến nghị của họ một cách nghiêm túc.[141]
Quốc hội Hoa Kỳ có quyền lực tối cao trên Đặc khu Columbia.
Thị trưởng và hội đồng trông coi ngân sách địa phương nhưng phải được quốc hội chấp thuận. Các thứ thuế địa phương, thuế bán hàng và thuế bất động sản cung ứng khoảng 67% tiền thu nhập để chi cho các dịch vụ và các ban ngành chính quyền thành phố. Giống như 50 tiểu bang, Đặc khu Columbia nhận được sự trợ giúp liên bang cho các chương trình trợ cấp như chăm sóc sức khỏe. Quốc hội cũng chi tiền thích ứng cho chính quyền thành phố để giúp bù lại một số khoản chi phí dành cho an ninh của thành phố; số tiền này tổng cộng lên đến 38 triệu đô la năm 2007, khoảng 0,5% ngân sách của thành phố.[142] Chính phủ liên bang điều hành hệ thống tòa án của đặc khu[143]. Tất cả cơ quan duy trì pháp luật liên bang, rõ ràng nhất là Cảnh sát Công viên Hoa Kỳ, có thẩm quyền tại thành phố và cũng giúp giữ an ninh cho thành phố.[144] Tất cả các tội đại hình địa phương đều do biện lý Hoa Kỳ đặc trách Đặc khu Columbia xét xử.[145] Các biện lý Hoa Kỳ do tổng thống bổ nhiệm và được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tài trợ.[146] Tổng cộng, chính phủ liên bang cung cấp 28% tổng số tiền thu nhập của đặc khu.[147] Tính theo trung bình, quỹ liên bang cung cấp khoảng 30% tiền thu nhập của mỗi tiểu bang trong năm 2007.[148]
Chính quyền thành phố, đặc biệt là dưới thời của thị trưởng Marion Barry, đã bị chỉ trích vì quản lý sai lầm và hoang phí.[149] Barry được bầu làm thị trưởng năm 1978, phục vụ ba nhiệm kỳ bốn năm liên tiếp. Tuy nhiên, sau khi ở tù 6 tháng vì phạm tội có liên quan đến ma túy vào năm 1990, Barry không ra tái tranh cử.[150] Năm 1991, Sharon Pratt Kelly trở thành phụ nữ da đen đầu tiên lãnh đạo một thành phố lớn của Hoa Kỳ.[151] Barry được bầu lại vào năm 1994, và đến năm sau đó thì thành phố gần như khánh kiệt.[150] Thị trưởng Anthony A. Williams thắng cứ năm 1998. Chính quyền của ông chứng kiến một thời kỳ thịnh vượng lớn hơn, thay đổi bộ mặt đô thị, và dư thừa ngân sách.[152] Kể từ khi được bầu làm thị trưởng năm 2006, Adrian Fenty ưu tiên đặt trọng tâm vào việc cải cách giáo dục. Ngay sau khi nhậm chức, ông được hội đồng thành phố tán đồng cho phép trực tiếp điều hành và dẹp bỏ hệ thống trường công không hữu hiệu của thành phố.[153]
Washington, D.C. tôn trọng tất cả các ngày lễ liên bang. Đặc khu cũng tổ chức mừng ngày giải phóng nô lệ 16 tháng 4, là ngày kỷ niệm ký Đạo luật giải phóng và bồi thường nô lệ của tổng thống Abraham Lincoln năm 1862.[21]

Thuế và đại biểu liên bang

Một bảng số xe mẫu của Washington, D.C. có hàng chữ "Đóng thuế nhưng không có đại diện"
Công dân của Đặc khu Columbia không có đại diện biểu quyết tại Quốc hội Hoa Kỳ. Họ chỉ có một đại biểu không quyền biểu quyết (non-voting delegate) tại Hạ viện Hoa Kỳ. Đại biểu duy nhất này có thể ngồi họp với các ủy ban trong quốc hội, tham gia tranh luận, và giới thiệu một dự luật nhưng không thể tham gia biểu quyết tại hạ viện. Đặc khu Columbia không có đại diện tại Thượng viện Hoa Kỳ. Không như các vùng quốc hải của Hoa Kỳ như Puerto Rico hay Guam cũng có các đại biểu không quyền biểu quyết, công dân của Đặc khu Columbia phải chịu các thứ thuế liên bang Hoa Kỳ trong khi công dân các vùng quốc hải thì không.[154] Trong năm tài chánh 2007, các doanh nghiệp và cư dân Đặc khu Columbia đã trả 20,4 tỉ thuế liên bang; nhiều tiền thuế thu được hơn từ 19 tiểu bang gộp lại và đứng cao nhất tỉ lệ thu thuế liên bang tính theo đầu người.[155]
Một cuộc thăm dò năm 2005 cho thấy 78% người Mỹ không biết là các cư dân của Đặc khu Columbia có ít quyền đại diện tại Quốc hội Hoa Kỳ hơn cư dân của 50 tiểu bang.[156] Những nỗ lực kêu gọi sự chú ý của mọi người về vấn đề này gồm có những chiến dịch vận động của các tổ chức tự nhóm lại cũng như việc đưa ra một khẩu hiệu không chính thức của thành phố là "Đóng thuế nhưng không có đại diện" (Taxation Without Representation) được in trên các bảng số đăng ký xe.[157] Có bằng chứng cho thấy sự ủng hộ trên phạm vi quốc gia về quyền biểu quyết của Đặc khu Columbia; nhiều cuộc thăm dò khác nhau cho thấy 61 đến 82% người Mỹ tin rằng Đặc khu Columbia nên có đại diện có quyền biểu quyết tại quốc hội.[156][158] Mặc dù có sự ủng hộ của công chúng, nhiều nỗ lực nhằm tranh thủ quyền có đại diện biểu quyết vẫn không thành công. Các nỗ lực nói trên gồm có Phong trào đòi quyền trở thành tiểu bang của Đặc khu Columbia và đề nghị một Tu chính án về quyền biểu quyết của Đặc khu Columbia.
Những người phản đối quyền biểu quyết của Đặc khu Columbia cho rằng những nhân vật lập quốc của Hoa Kỳ chưa bao giờ có ý cho cư dân của đặc khu một phiếu bầu tại Quốc hội Hoa KỳHiến pháp Hoa Kỳ có nói rõ là đại diện phải là từ các tiểu bang. Những người chống đối biến Đặc khu Columbia thành một tiểu bang cho rằng một hành động như thế sẽ phá vỡ khái niệm về một thủ đô quốc gia riêng biệt và rằng việc đặc khu thành một tiểu bang sẽ không công bằng khi nó có được đại diện trong Thượng viện Hoa Kỳ trong lúc chỉ là một thành phố đơn độc.[159]

Giáo dục và y tế

Trường dự bị Georgetown Visitation là một trường nữ trung học thành lập năm 1799.
Đặc khu Columbia có tổng cộng 167 trường và trung tâm giáo dục thuộc hệ thống công lập.[160] Kể từ năm 1999, số học sinh của hệ thống trường công giảm đều đặn và năm học 2008–2009, có 46.208 học sinh ghi danh học trong hệ thống trường công lập.[161] Hệ thống trường công của đặc khu là một trong những hệ thống trường công lập tốn kém nhất nhưng ít hiệu quả nhất tại Hoa Kỳ cả về mặt cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy.[162] Tổng giám hiệu mới của hệ thống trường công lập dưới quyền của thị trưởng Adrian Fenty là Michelle Rhee, đã tạo những thay đổi lớn lao trong hệ thống trường công bằng cách đóng cửa các trường học, thay thế thầy cô giáo, sa thải các hiệu trưởng, và dùng các dịch vụ giáo dục tư nhân để giúp phát triển chương trình giáo dục.[163]
Vì hệ thống trường học công cộng của D.C. có nhiều vấn đề nên con số ghi danh theo học các trường bán công gia tăng 13% mỗi năm kể từ năm 2001.[164] Ban đặc trách trường bán công Đặc khu Columbia quản lý 60 trường bán công trong thành phố. Tính đến mùa thu 2008, các trường bán công D.C. có tổng số học sinh ghi danh là 26.494.[165] Đặc khu cũng là nơi có một số trường tư hàng đầu quốc gia. Năm 2006, khoảng 18.000 học sinh ghi danh trong 83 trường tư của thành phố.[166]
Thư viện Founders tại Đại học Howard, trường đại học lịch sử của người da đen
Washington là nơi có nhiều trường đại học tư nổi tiếng trong đó có Đại học George Washington (GW), Đại học Georgetown (GU), Đại học Mỹ (AU), Đại học Công giáo Mỹ (CUA), Đại học Howard, Đại học Gallaudet, và Đại học Johns Hopkins. Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Paul H. Nitze (SAIS). Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Corcoran giảng dạy các môn nghệ thuật chuyên môn. Đại học Đặc khu Columbia (UDC) là một đại học công lập với giáo dục bậc cử nhân và sau đại học. Các viện giáo dục cấp cao khác có các chương trình giáo dục dành cho người lớn, giáo dục chuyển tiếp và giáo dục từ xa.
Với 16 trung tâm y tế và bệnh viện, Washington, D.C. là một trung tâm chăm sóc bệnh nhân và nghiên cứu y tế quốc gia.[167] Viện Y tế Quốc gia nằm trong Bethesda, Maryland lân cận. Trung tâm Bệnh viện Washington (WHC), khu bệnh viện lớn nhất trong đặc khu, vừa là bệnh viện bất vụ lợi lớn nhất và bệnh viện tư lớn nhất trong vùng Washington. Gần ngay Trung tâm Bệnh viện Washington là Trung tâm Nhi khoa Quốc gia. Đây là một trong những bệnh viện nhi khoa xếp hạng cao nhất tại Hoa Kỳ theo tạp chí U.S. News and World Report.[168] Nhiều trường đại học nổi tiếng của thành phố trong đó có George Washington, Georgetown, và Howard có trường y khoa và bệnh viện dành cho giảng dạy. Trung tâm Quân y Walter Reed nằm ở tây bắc Washington và cung ứng dịch vụ y tế cho các quân nhân về hưu, quân nhân tại ngũ và những thân nhân phụ thuộc của họ.

Giao thông

Metro Center là một trạm trung chuyển của các tuyến đường đỏ, cam, và xanh dương của hệ thống Metrorail tại D.C.
Washington, D.C. thường được nói đến với những ùn tắc và lưu thông tồi tệ nhất Hoa Kỳ. Năm 2007, những người ra vào thành phố làm việc (commuter) phải tốn mất trung bình 60 giờ một năm ngồi chờ đợi trên đường. Điều này khiến thành phố bị xếp hạng lưu thông tồi tệ thứ hai sau Los Angeles.[169] Tuy nhiên, 37,7% người ra vào thành phố làm việc ở Washington dùng phương tiện công cộng để đi làm, đứng hạng hai tỉ lệ cao nhất ở Hoa Kỳ.[170]
Cơ quan quản lý liên vận vùng đô thị Washington (Washington Metropolitan Area Transit Authority, WMATA) điều hành hệ thống trung chuyển nhanh của thành phố trong đó có Metrorail (thường được gọi nhất là the Metro) cũng như Metrobus. Hệ thống xe buýt và xe điện ngầm phục vụ cả Đặc khu Columbia và các khu ngoại ô lân cận nằm bên MarylandVirginia. Metrorail khai trương vào ngày 27 tháng 3 năm 1976 và hiện thời có 86 trạm và 106,3 dặm (171,1 km) đường ray.[171] Với trung bình 950.000 chuyến mỗi tuần làm việc năm 2008, Metrorail là hệ thống trung chuyển nhanh bận rộn thứ hai tại Hoa Kỳ, chỉ đứng sau hệ thống xe điện ngầm New York City Subway của Thành phố New York.[172]
Cơ quan quản lý liên vận Vùng đô thị Washington hiện kỳ vọng sẽ có trung bình một triệu người dùng hệ thống Metrorail mỗi ngày vào năm 2030. Nhu cầu gia tăng công suất phục vụ đã giúp tái tục các kế hoạch để tăng thêm 220 toa xe điện vào hệ thống và điều chỉnh lại các chuyến xe điện để đối phó với vấn đề quá tải tại các trạm bận rộn nhất.[173] Sự phát triển dân số trong vùng đã làm sống lại những lời đề nghị trước đây xây thêm hai tuyến đường Metro phục vụ vùng phụ cận,[174][175] cũng như một hệ thống xe điện nội thành mới nối các khu dân cư của thành phố. Tuyến xe điện nội thành đầu tiên được trông đợi mở vào cuối năm 2009.[176] Các thẩm quyền khu vực lân cận trong vùng Washington có những hệ thống xe buýt như hệ thống Ride On của Quận Montgomery, Maryland bù khuyết những dịch vụ do Cơ quan quản lý liên vận vùng đô thị Washington phục vụ. Metrorail, Metrobus và tất cả các hệ thống xe buýt công cộng địa phương nhận thẻ thông minh tên SmarTrip, là thẻ thông hành trung chuyển có thể được nạp thêm tiền phí vào.[177]
Bên trong nhà ga B và C của Sân bay Quốc gia Ronald Reagan Washington, sân bay thương mại gần nhất trung tâm Washington
Trạm Union là trạm xe lửa bận rộn thứ hai tại Hoa Kỳ sau Trạm Pennsylvania tại New York. Nó phục vụ như trạm miền nam cuối cùng của tuyến đường hành lang đông bắc và tuyến đường tốc hành Acela của hệ thống xe lửa Amtrak. Các xe điện dành cho người di chuyển hàng ngày vào thành phố như MARC Train của Maryland và Virginia Railway Express của Virginia, và tuyến đỏ của Metroline cũng có phục vụ đến Trạm Union.[178] Dịch vụ xe buýt nội thành do xe buýt Greyhound, xe buýt Peter Pan, BoltBus, Megabus, và nhiều tuyến xe buýt của người Hoa phục vụ.
Ba sân bay chính, một tại Maryland và hai tại Virginia, phục vụ Washington, D.C. Sân bay Quốc gia Ronald Reagan Washington, nằm trong Quận Arlington, Virginia ở phía bên kia sông Potomac từ trung tâm D.C., là sân bay duy nhất của vùng Washington có trạm xe điện Metrorail. Do nằm sát thành phố nên Sân bay Quốc gia Reagan có thêm nhiều quan tâm lưu ý về mặt an ninh bắt buộc vì đây là vùng nhận dạng phòng không D.C.,[179] cũng như giới hạn thêm về tiếng ồn.[180] Sân bay Reagan không có Cục Quan thuế và Biên phòng Hoa Kỳ và vì thế chỉ có thể phục vụ các chuyến bay quốc tế đến các sân bay ngoại quốc cho phép Cục Quan thuế và Biên phòng của Hoa Kỳ kiểm tra trước trong đó có các điểm tại Canadavùng Caribbe.[181]
Các chuyến bay quốc tế chính đến và đi từ Sân bay Quốc tế Washington Dulles, nằm cách thành phố khoảng 26,3 dặm (42,3 km) về phía tây trong quận FairfaxLoudoun của Virginia. Sân bay Dulles là sân bay trung chuyển chính ở duyên hải miền đông của hãng hàng không United Airlines. Sân bay Thurgood Marshall Quốc tế Baltimore-Washington, nằm cách thành phố 31,7 dặm (51.0 km) về phía đông bắc trong Quận Anne Arundel, Maryland là một sân bay trung chuyển của các hãng hàng không Southwest AirlinesAirtran Airways.

Giáo dục

Thành phố kết nghĩa

Washington, D.C. có 10 thành phố kết nghĩa chính thức.[182] Paris là một thành phố đối tác (partner city) vì chính sách một thành phố kết nghĩa của Paris.[183]
Thành phố Quốc gia Năm
Bangkok Cờ của Thái Lan Thái Lan 1962, tái ký kết năm 2002
Dakar Cờ của Sénégal Senegal 1980, tái ký kết năm 2006
Bắc Kinh Cờ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1984, tái ký kết năm 2004
Brussels Cờ của Bỉ Bỉ 1985, tái ký kết năm 2002
Athens Cờ của Hy Lạp Hy Lạp 2000
Paris Cờ của Pháp France 2000, tái ký kết năm 2005
Pretoria Cờ của Cộng hòa Nam Phi Nam Phi 2002, tái ký kết năm 2008
Seoul Cờ của Hàn Quốc Hàn Quốc 2006
Accra Cờ của Ghana Ghana 2006
Sunderland Cờ của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Vương quốc Anh 2006

Ghi chú

^[a] Vào năm 1790, các tiểu bang miền nam phần lớn đã trả hết nợ ngoại quốc mượn thời Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Các tiểu bang miền bắc thì chưa trả xong, và muốn chính phủ liên bang mới phải chịu lãnh nợ cho họ. Nếu như việc này thực hiện thì coi như các tiểu bang miền nam phải nhận chia sẻ một phần nợ của miền bắc. Đổi lại, miền nam vận động để có thủ đô liên bang được đặt gần họ hơn. Xem: Crew, Harvey W.; William Bensing Webb, John Wooldridge (1892). Lịch sử trăm năm Thành phố Washington, D. C.. Dayton, Ohio: United Brethren Publishing House. tr. 124.
^[b] Đạo luật Dinh cư cho phép tổng thống chọn lựa một vị trí trong tiểu bang Maryland xa về phía đông đến sông Anacostia. Tuy nhiên, Tổng thống Washington chuyển ranh giới lãnh thổ liên bang về phía đông nam để bao gồm thành phố Alexandria ở mũi phía nam của đặc khu. Năm 1791, Quốc hội Hoa Kỳ tu chính Đạo luật Dinh cư để chấp thuận vị trí mới trong đó có phần đất Virginia nhượng lại. Xem: Crew, Harvey W.; William Bensing Webb, John Wooldridge (1892). Lịch sử trăm năm Thành phố Washington, D. C.. Dayton, Ohio: United Brethren Publishing House. tr. 89–92.
^[c] Thuật từ lãnh thổ (territory) và đặc khu (district) được dùng thay thế nhau trong suốt thế kỷ 19 cho đến khi lãnh thổ được chính thức đặt tên lại là Đặc khu Columbia năm 1871. Xem: “Cần biết D.C.”. Hội Lịch sử Washington, D.C. 2004. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
^[d] Dữ liệu lấy từ “Đặc khu Columbia - Chủng tộc và nguồn gốc người nói tiếng Tây Ban Nha: 1800 đến 1990” (PDF). Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 13 tháng 9 năm 2002. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2008. Cho đến năm 1890, Cục điều tra dân số Hoa Kỳ tính Thành phố Washington, Georgetown, và những phần đất chưa hợp nhất của Quận Washington như ba khu vực khác nhau. Dữ liệu được đưa ra trong bài này là từ trước năm 1890 được tính giống như Đặc khu Columbia là một đô thị tự quản như nó ngày nay. Để xem dữ liệu về dân số cho mỗi khu vực nào đó từ trước cho đến năm 1890, xin xem: Gibson, Campbell (June năm 1998). “Dân số của 100 thành phố và khu đô thị lớn nhất tại Hoa Kỳ: 1790 đến 1990”. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2008.

Tham khảo

Các tham khảo được ghi dưới đây đã được Việt hóa từ tiếng Anh. Tuy nhiên nội dung của các tài liệu tham khảo là bằng tiếng Anh và cũng có một số bằng tiếng Pháp.
  1. ^ a ă â “Ước tính hàng năm dân số cư dân của Hoa Kỳ, các vùng, tiểu bang, và Puerto Rico: 1-4-2000 đến 1-7-2008”. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 22 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2009.
  2. ^ “Ước tính hàng năm dân số vùng đô thị và tiểu đô thị: 1-4-2000 đến 1-7-2008” (XLS). Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 27 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  3. ^ Xem các danh sách có liên quan đến các tiểu bang thì thấy nó luôn có tên trong các danh này. Hơn nữa nó có một đại biểu không quyền biểu quyết tại Quốc hội Hoa Kỳ và ba phiếu đại cử tri.
  4. ^ McAtee, Waldo Lee (1918). Một phác họa về lịch sử tự nhiên của Đặc khu Columbia. Washington, DC: H.L. & J.B. McQueen, Inc. tr. 7.
  5. ^ Crew, Harvey W.; William Bensing Webb, John Wooldridge (1892). Lịch sử trăm năm của thành phố Washington, D. C.. Dayton, Ohio: United Brethren Publishing House. tr. 62.
  6. ^ “Đặc khu lịch sử Georgetown”. Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2008.
  7. ^ “Lịch sử Alexandria, Virginia”. Hội Lịch sử Alexandria. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2008.
  8. ^ Madison, James (30 tháng 4 năm 1996). “The Federalist No. 43”. Nhật báo Độc lập. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2008.
  9. ^ Crew, Harvey W.; William Bensing Webb, John Wooldridge (1892). Lịch sử trăm năm thành phố Washington, D. C.. Dayton, Ohio: United Brethren Publishing House. tr. 66.
  10. ^ “Hiến pháp Hoa Kỳ”. Cơ quan Quản trị Kỷ lục và Văn khố Quốc gia. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2008.
  11. ^ “Các cột đá ranh giới của Washington, D.C.”. BoundaryStones.org. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  12. ^ “Thượng viện di chuyển đến Washington”. Thượng viện Hoa Kỳ. 14 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2008.
  13. ^ Crew, Harvey W.; William Bensing Webb, John Wooldridge (1892). Lịch sử trăm năm thành phố Washington, D. C.. Dayton, Ohio: United Brethren Publishing House. tr. 103.
  14. ^ “Tuyên bố về vấn đề Đạo luật bảo đảm quyền bỏ phiếu công bằng cho Đặc khu Columbia” (PDF). American Bar Association. 14 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2008.
  15. ^ “Giữ gìn lịch sử: Dolley Madison, Tòa Bạch Ốc, và Chiến tranh năm 1812” (PDF). Hội lịch sử Tòa Bạch Ốc. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2008.
  16. ^ “Lịch sử vắn tắt về việc xây dựng Tòa Quốc hội”. Kiến trúc Tòa Quốc hội. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2008.
  17. ^ a ă â b Richards, Mark David (Spring/Summer 2004). “Các cuộc tranh luận về việc hồi trả lại Đặc khu Columbia, 1801–2004”. Lịch sử Washington (Hội Lịch sử Washington, D.C.): 54–82. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2009.
  18. ^ Greeley, Horace (1864). Xung đột Mỹ: Một lịch sử về cuộc đại loạn tại Hoa Kỳ. Chicago: G. & C.W. Sherwood. tr. 142–144.
  19. ^ “Thỏa hiệp năm 1850”. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. 21 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2008.
  20. ^ “Ngày này trong lịch sử: 20 tháng 9”. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. 18 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2008.
  21. ^ a ă “DC ăn mừng ngày giải phóng nô lệ”. Văn phòng thư ký Đặc khu Columbia. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2008.
  22. ^ “Thống kê điều tra dân số lịch sử về tổng dân số theo chủng tộc từ 1790 đến 1990” (PDF). Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 13 tháng 9 năm 2002. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2008.
  23. ^ a ă “"Boss" Shepherd tái sinh thành phố”. Phát thanh công cộng WETA]]. 2001. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2008.
  24. ^ Crew, Harvey W.; William Bensing Webb, John Wooldridge (1892). Lịch sử trăm năm thành phố Washington, D. C.. Dayton, Ohio: United Brethren Publishing House. tr. 157.
  25. ^ “Các quy định chung chung, Quốc hội thứ 41, Phiên thứ 3”. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2008.
  26. ^ Williamson, Samuel (2008). “Trị giá đo lường - Giá trị tương ứng đô la Mỹ”. Viện Đo lường Trị giá. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2008.
  27. ^ a ă â b c “Những bảng qui hoạch của L'Enfant và McMillan”. Cục Công viên Quốc gia. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  28. ^ “Đệ nhị Thế chiến: những thay đổi”. Phát thanh công cộng WETA. 2001. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2008.
  29. ^ “Chu niên Washington, D.C. là thủ đô quốc gia”. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 1 tháng 12 năm 2003. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2008.
  30. ^ Schwartzman, Paul; Robert E. Pierre (6 tháng 4 năm 2008). “Từ điêu tàn đến tái sinh”. Nhật báo The Washington Post. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2008.
  31. ^ “Đạo luật Nội trị Đặc khu Columbia”. Chính quyền Đặc khu Columbia. February năm 1999. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  32. ^ “Walter Washington”. Phát thanh công cộng WETA. 2001. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2008.
  33. ^ Janofsky, Michael (8 tháng 4 năm 1995). “Quốc hội lập ban trông coi Washington, D.C.”. Thời báo New York. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  34. ^ Maddox, Charles (19 tháng 6 năm 2001). “Lời xác nhận của Tổng thanh tra Đặc khu Columbia” (PDF). Văn phòng Tổng thanh tra. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2008.
  35. ^ “Al-Jazeera cho đăng chi tiết về kế hoạch của bọn không tặc ngày 11 tháng 9”. CNN. 12 tháng 9 năm 2002. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  36. ^ “Các giới chức nói Tòa Bạch Ốc là mục tiêu của chuyến bay 93”. CNN. 23 tháng 5 năm 2002. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  37. ^ “Dữ liệu vắn tắc về các tiểu bang và các quận”. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 2 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2008.
  38. ^ “Dữ liệu và các câu thường được hỏi”. Ủy ban liên tiểu bang về Lưu vực sông Potomac. 2 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2008.
  39. ^ Grant III, Ulysses Simpson (1950). “Qui hoạch Thủ đô Quốc gia”. Những kỷ lục của Hội Lịch sử Columbia 50: 43–58.
  40. ^ Fisher, Marc (5 tháng 4 năm 2006). “Xây dựng trên một đầm lầy và những bí ẩn khác về D.C.”. Nhật báo The Washington Post. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2008.
  41. ^ Crew, Harvey W.; William Bensing Webb, John Wooldridge (1892). Lịch sử trăm năm Thành phố Washington, D. C.. Dayton, Ohio: United Brethren Publishing House. tr. 89–92.
  42. ^ “Công viên Rock Creek: Đồn Reno”. Cục Công viên Quốc gia. 1 tháng 8 năm 2001. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  43. ^ “Khoa học tại tiểu bang của bạn: Đặc khu Columbia”. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. 30 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2008.
  44. ^ “Tổng cộng đất công viên như vùng mặt đất của thành phố” (PDF). Ủy thác sử dụng đất công. 19 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2008.
  45. ^ “Đặc khu Columbia”. Cục Công viên Quốc gia. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2008.
  46. ^ “Sứ mệnh và Lịch sử Vườn Thực vật Quốc gia Hoa Kỳ”. Vườn Thực vật Quốc gia Hoa Kỳ. 16 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2008.
  47. ^ “Công viên Lịch sử Quốc gia Kênh Chesapeake và Ohio: Lịch sử và Văn hóa”. Cục Công viên Quốc gia. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2008.
  48. ^ Peel, M.C.; B. L. Finlayson, T. A. McMahon (2007). “Bản đồ thế giới cập nhật về phân loại khí hậu Köppen-Geiger” (PDF). Khoa học Hệ địa cầu và Thủy học (Hiệp hội Địa khoa học Âu châu) 11 (5): 1633–44. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2008.
  49. ^ “Các vùng chịu đựng nhiệt độ”. Arbor Day Foundation. 2006. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2008.
  50. ^ a ă â Watson, Barbara McNaught (17 tháng 11 năm 1999). “Các mùa đông của vùng Washington”. Cục thời tiết quốc gia. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  51. ^ a ă “Thời tiết trung bình của Washington, DC — Nhiệt độ và lượng mưa”. Kênh thời tiết. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  52. ^ Vogel, Steve (28 tháng 6 năm 2006). “Ngập úng có thể xảy ra tại Phố cổ, Bến tàu Washington”. Nhật báo The Washington Post. tr. B02. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2008.
  53. ^ “Các chỉ số trung bình cho Washington, D.C.”. Kênh thời tiết. 2008. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2008.
  54. ^ Crew, Harvey W.; William Bensing Webb, John Wooldridge (1892). Lịch sử trăm năm Thành phố Washington, D. C.. Dayton, Ohio: United Brethren Publishing House. tr. 101–3.
  55. ^ a ă â Grunwald, Michael (2 tháng 7 năm 2006). “Nỗi lo sợ độ cao của D.C.”. Nhật báo The Washington Post. tr. B02. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  56. ^ Curtis, Gene (21 tháng 2 năm 2008). “Trở về khi: Ngày hôm nay trong lịch sử”. Thế giới Tulsa. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2008.
  57. ^ Gowen, Annie (8 tháng 12 năm 2006). “Tháp Rosslyn dự định xây có thể nguy hiểm, FAA nói thế”. Nhật báo The Washington Post. tr. B03. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2008.
  58. ^ a ă “Mô hình cho Washington DC”. Thượng viện Hoa Kỳ. 30 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2008.
  59. ^ a ă Birnbaum, Jeffrey H. (22 tháng 6 năm 2005). “Con đường đến giới giàu có được gọi là Đường K”. Nhật báo The Washington Post. tr. A01. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2008.
  60. ^ “Danh sách ngoại giao”. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. 25 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2008.
  61. ^ “Kiến trúc ưa chuộng của Mỹ”. Viện kiến trúc sư Mỹ. 2007. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2008.
  62. ^ a ă “Danh sách các danh lam thắng cảnh của Washington, D.C.”. Cục Công viên Quốc gia. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2008.
  63. ^ Scott, Pamela (2005). “Kiến trúc dinh cư của Washington, D.C., và những ngoại ô của nó”. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2008.
  64. ^ “Tòa nhà Old Stone”. Cục Công viên Quốc gia. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2008.
  65. ^ “Về Tòa nhà Ronald Reagan”. Trung tâm mậu dịch thế giới và tòa nhà Ronald Reagan. 19 tháng 7 năm 2006. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  66. ^ a ă “Các điểm tóm lược chính về nhân khẩn theo điều tra dân số năm 2000”. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 2001. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2008. Đã bỏ qua tham số không rõ |04000US11&_street= (trợ giúp)
  67. ^ “Các thành phố commuter (dành cho người ra vào các đô thị trung tâm để làm việc) lớn nhất”. CNNMoney.com. 21 tháng 10 năm 2005. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  68. ^ “Các ước tính hàng năm về dân số của các vùng thống kê kết hợp” (XLS). Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 27 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2008.
  69. ^ a ă “Bảng dữ liệu Đặc khu Columbia 2007”. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 2008. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2008.
  70. ^ Singer, Audrey, et al. (2001). “Thế giới trong một mã bưu điện: Đại Washington, D.C. như một Vùng di cư mới” (PDF). Viện Brookings.
  71. ^ Kolchin, Peter (1994). Chế độ nô lệ Mỹ: 1619-1877. New York: Hill và Wang. tr. 81.
  72. ^ “Đặc khu Columbia - Chủng tộc và Nguồn gốc người nói tiếng Tây Ban Nha: 1800 đến 1990” (PDF). Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 13 tháng 9 năm 2002. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2008.
  73. ^ a ă “Tính đa số của người da đen tại Washington đang thu nhỏ lại”. Associated Press. 16 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2008.
  74. ^ a ă Frey, William H. (tháng 5 năm 2004). “Đại di dân mới: Người Mỹ gốc Phi trở về miền Nam, 1965–2000”. Viện Brookings. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2009.
  75. ^ Romero, Adam P.; Amanda Baumle, M.V. Lee Badgett, Gary J. Gates (December năm 2007). “Thống kê sơ lược: Washington, D.C.” (PDF). Viện Williams. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  76. ^ a ă Chibbaro, Lou (16 tháng 5 năm 2008). “Hội đồng Đặc khu Columbia nới rộng luật sống chungg”. Washington Blade. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2008.
  77. ^ “Nghiên cứu cho thấy 1/3 dân số tại D.C. mù chữ”. Associated Press. 19 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  78. ^ “Kết quả của Trung tâm Dữ liệu: Đặc khu Columbia”. Hội Ngôn ngữ Hiện đại. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2008.
  79. ^ “Những đặc điểm xã hội chọn lọc tại Hoa Kỳ: 2006”. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 2006. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2008.
  80. ^ “Các nhóm niềm tin tôn giáo của Đặc khu Columbia, 2000”. Hội Lưu trữ Dữ liệu Tôn giáo. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2008.
  81. ^ Urbina, Ian (13 tháng 7 năm 2006). “Các giới chức Washington tìm cách giảm thiểu nỗi lo sợ về tội phạm”. Thời báo New York. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  82. ^ “Báo cáo hàng năm cho năm 2006” (PDF). Hội đồng điều hợp pháp lý về tội phạm. 2007. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  83. ^ “Phần II: Các vụ tội phạm được báo cáo”. Tội phạm tại Hoa Kỳ, 1995. 1995. tr. 66. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 8 năm 2000. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2009.
  84. ^ “Tội phạm tại Hoa Kỳ theo vùng, phân vùng địa lý, và tiểu bang, 2006-2007”. Báo cáo đồng bộ về tội phạm, 2007. Tháng 9 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2009.
  85. ^ Shewfelt, Scott (24 tháng 4 năm 2007). “Baltimore, Prince George được xem là thủ phủ giết người của tiểu bang”. Nam Maryland. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  86. ^ Barnes, Robert (26 tháng 6 năm 2008). “Tòa tối cao phán quyết việc cấm súng ngắn của Đặc khu Columbia”. Nhật báo The Washington Post. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2008.
  87. ^ Nakamura, David (26 tháng 6 năm 2008). “Biện lý trưởng Đặc khu Columbia: tất cả các loại súng phải đăng ký”. Nhật báo The Washington Post. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2008.
  88. ^ Whitman, Ray D.; Fred Siegmund (1 tháng 6 năm 2005). “Các dự đoán việc làm của Đặc khu Columbia theo ngành công nghiệp và chức năng, 2002-2012” (PDF). Văn phòng thông tin và nghiên cứu thị trường lao động D.C. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  89. ^ “Tổng sản phẩm nội địa theo từng tiểu bang”. Cục phân tích kinh tế Hoa Kỳ. 5 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2008.
  90. ^ “Tiền lương và việc làm có lương theo ngành và nơi làm việc” (PDF). Sở dịch vụ việc làm Đặc khu Columbia. 2008. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  91. ^ Gopal, Prashant (14 tháng 10 năm 2008). “Một số thành phố an toàn hơn trong một cuộc khủng hoảng kinh tế”. Báo BusinessWeek. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2008.
  92. ^ “Chính phủ liên bang, trừ bưu điện”. Cục thống kê lao động. 12 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  93. ^ “Có việc làm và thất nghiệp trong vùng đô thị: tháng 11 năm 2008” (PDF). Bureau of Labor Statistics. 6 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2009.
  94. ^ “Tình hình việc làm của dân số dân sự” (PDF). Sở dịch vụ việc làm D.C. 2008. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2009.
  95. ^ “200 viên chức hành chánh trưởng hàng đầu của các công ty thuê mướn người làm việc chính trong Đặc khu Columbia” (PDF). Văn phòng thông tin và nghiên cứu thị trường lao động D.C. September năm 2004. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  96. ^ “Xếp hạng hàng năm cho năm 2007 các công ty thuộc nhóm Fortune 500”. Tạp chí Fortune. 30 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2008.
  97. ^ “Thăm dò hàng năm cho năm 2006”. Hội đầu tư ngoại quốc về bất động sản. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  98. ^ “2006 Thách thức của thị trưởng: Đâu là vùng đô thị tốt nhất để làm nơi thương nghiệp tương lai?”. Tạp chí Expansion. 7 tháng 8 năm 2006.
  99. ^ Manoileff, Mariangeles Perez; Camille Richardson. “Washington DC: Một thành phố thủ đô”. Cục thương mại Hoa Kỳ. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  100. ^ Woolsey, Matt (19 tháng 12 năm 2008). “Bất động sản dài hạn tốt nhất của Mỹ Bets”. Tạp chí Forbes. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2009.
  101. ^ a ă Turner, Margery Austin; Christopher Snow (14 tháng 6 năm 2001). “Các chỉ số di dời dân cư hàng đầu tại các khu dân cư của D.C.”. Viện đô thị. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  102. ^ Schrag, Zachary (8 tháng 2 năm 2006). Xe điện ngầm xã hội vĩ đại nhất: Lịch sử vùng đô thị Washington. Baltimore: Ấn phẩm Đại học Johns Hopkins. tr. 213–20. ISBN 978-0801882463.
  103. ^ Tuss, Adam (4 tháng 3 năm 2008). “Cửa hàng Target đầu tiên của D.C. chuẩn bị mở cửa”. Đài Radio WTOP. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2008.
  104. ^ “Thu nhập cá nhân bình quân đầu người bằng đôla theo giá thực tế và giá cố định (2000) cho từng tiểu bang: 2000 đến 2006” (PDF). Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. April năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2008.
  105. ^ “Các cá nhân và gia đình dưới mức nghèo - số liệu và tỉ lệ theo từng tiểu bang: 2000 và 2005” (PDF). Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 2005. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2008.
  106. ^ “Các công viên tưởng niệm và Khu dạo chơi Quốc gia: Lịch sử và Văn hóa”. Cục Công viên Quốc gia. 28 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2008.
  107. ^ “Tòa nhà tròn và nhỏ dành cho các văn bản hiến chương về tự do”. Kỷ lục Quốc gia. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2008.
  108. ^ “Các công viên tưởng niệm và Khu dạo chơi Quốc gia”. Cục Công viên Quốc gia. 7 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2008.
  109. ^ “Về Viện Smithsonian”. Viện Smithsonian. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  110. ^ “Thống kê về các lượt viếng thăm Viện Smithsonian”. Viện Smithsonian. 2008. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2008.
  111. ^ “Những bảng dữ liệu về chương trình và bảo tàng”. Viện Smithsonian. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2008.
  112. ^ “Các câu hỏi thường được hỏi về Trung tâm Reynolds”. Viện Smithsonian. 2006. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  113. ^ “Các thời biểu kiến trúc của Toà nhà Văn phòng Đăng ký sáng chế”. Viện Smithsonian. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2008.
  114. ^ “Về Phòng triển lãm Nghệ thuật Quốc gia”. Phòng triển lãm Nghệ thuật Quốc gia. 2008. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  115. ^ “Tòa nhà Đông của I.M. Pei”. Phòng triển lãm Nghệ thuật Quốc gia. April năm 1999. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2008.
  116. ^ “Về Bảo tàng Sưu tập Phillips”. Bảo tàng Sưu tập Phillips. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2008.
  117. ^ “Những câu hỏi thường được hỏi”. Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ. 14 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  118. ^ “Về Giải vinh dự Trung tâm Kennedy”. Trung tâm Kennedy. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2008.
  119. ^ “Ban nhân sự ủy thác”. Trung tâm Kennedy. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2008.
  120. ^ Levin, Dan (10 tháng 9 năm 2006). “Ánh đèn đã trở lại nhạc kịch Broadway da đen tại Tây Bắc Washington, D.C.”. Thời báo New York. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2008.
  121. ^ Wartofsky, Alona (3 tháng 6 năm 2001). “Nhạc go-go như thế nào ...”. Nhật báo The Washington Post. tr. G01. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  122. ^ Horgan, Susie J (8 tháng 2 năm 2007). “Sự khai sinh nhạc Punk của D.C.”. Nhật báo The Washington Post. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2008.
  123. ^ “Black Cat: một câu lạc bộ đang thay đổi với một khung cảnh thay đổi trong một thành phố đang thay đổi”. Tiếng nói Georgetown. 9 tháng 9 năm 2001. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  124. ^ “Lịch sử nhật báo Washington Post qua các thời kỳ”. Nhật báo The Washington Post. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  125. ^ Shin, Annys (3 tháng 5 năm 2005). “Số lượng phát hành báo chí tiếp tục giảm sút”. Nhật báo The Washington Post. tr. E03. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  126. ^ “Thời biểu về câu chuyện tai tiếng Watergate”. Nhật báo The Washington Post. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  127. ^ “Phát hành điện tử của báo chí Mỹ”. Văn phòng kiểm toán phát hành báo chí. 31 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
  128. ^ “Chỉ là số liệu”. Nhật báo USA Today. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2008.
  129. ^ “Lượng phát hành của báo Times lên theo chiều hướng của đồng đô la”. Nhật báo Washington Times. 18 tháng 5 năm 2005. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2008.
  130. ^ “Báo chí Thành phố Washington”. Hội Tuần báo Tự Thay thế. 2008. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  131. ^ “Ước lượng chung về Thị trường truyền hình địa phương” (PDF). Công ty Nielsen. 1 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  132. ^ Jones, Charisse (26 tháng 6 năm 2008). “Nguyên cứu quốc gia cho thấy người da đen tại Hoa Kỳ đa dạng và lạc quan”. Nhật báo USA Today. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2008.
  133. ^ “Women's Professional Soccer Launches”. Washington Freedom. 21 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2008.
  134. ^ “Truyền thống của D.C. United”. D.C. United. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.
  135. ^ “Lịch sử Super Bowl”. Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia. 2008. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2008.
  136. ^ “Lịch sử”. Washington Bayhawks. 2008. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2008.
  137. ^ “Các chung kết giải NBA: Các giải quán quân từ trước tới nay”. Hội Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ. 2008. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2008.
  138. ^ “Lịch sử NPF”. Hội Bóng chày fastpitch nhà nghề Quốc gia. 2008. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2008.
  139. ^ “Lịch sử chính quyền tự quản tại Đặc khu Columbia”. Hội đồng Đặc khu Columbia. 2008. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2008.
  140. ^ “Elected Officials”. Chính quyền Đặc khu Columbia. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  141. ^ “Các ủy ban tham vấn khu dân cư”. Chính quyền Đặc khu Columbia. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  142. ^ “Giới thiệu ngân sách và kế hoạch tài chánh cho năm 2007” (PDF). Văn phòng giới chức trưởng tài chánh. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2008.
  143. ^ “Về tòa án Đặc khu Columbia”. Các tòa án Đặc khu Columbia. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2008.
  144. ^ “Thẩm quyền của Cảnh sát Công viên Hoa Kỳ”. Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ. 3 tháng 3 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  145. ^ “About Us”. Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ đặc trách Đặc khu Columbia. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2008.
  146. ^ “Thông điệp sứ mệnh của các biện lý Hoa Kỳ”. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2008.
  147. ^ “Tài chánh chính quyền địa phương và tiểu bang theo cấp chính quyền và theo tiểu bang: 2005-06”. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 1 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2009.
  148. ^ “Tài chánh chính quyền tiểu bang: 2007”. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 4 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2009.
  149. ^ Powell, Michael (20 tháng 7 năm 2007). “Quản lý tồi, Luật liên bang, Hao mòn các dịch vụ”. Nhật báo The Washington Post. tr. A01. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  150. ^ a ă “Marion Barry”. Phát thanh công cộng WETA. 2001. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2008.
  151. ^ “Sharon Pratt Kelly”. Phát thanh công cộng WETA. 2001. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2008.
  152. ^ “Chính quyền đặc khu đạt được quân bình ngân sách cho năm tài chính 2003”. Văn phòng Giới chức tài chính trưởng Đặc khu Columbia. 30 tháng 1 năm 2004. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2008.
  153. ^ Nakamura, David (20 tháng 4 năm 2007). “Việc nắm lấy hệ thống trường học của Fenty được chấp thuận”. Báo Washington Post. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2008.
  154. ^ “Những cá nhân sống và làm việc tại các lãnh địa của Hoa Kỳ”. Thuế vụ liên bang Hoa Kỳ. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2008.
  155. ^ “Tổng thu thuế của Cục thế vụ Hoa Kỳ theo loại thuế và theo tiểu bang, năm tài chính 2007” (XLS). Cục thuế vụ Hoa Kỳ. 2008. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2008.
  156. ^ a ă “Thăm dò cho thấy sự ủng hộ khắp quốc gia cho quyền lợi biểu quyết của Đặt khu Columbia” (PDF). DC Vote Voice. 2005. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2008.
  157. ^ “Các bảng số xe "Đóng thuế nhưng không đại diện"”. Sở đặc trách xe có động cơ Đặc khu Columbia. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  158. ^ “Thăm dò của nhật báo Washington Post: Quyền biểu quyết của D.C.”. Nhật báo The Washington Post. 23 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  159. ^ Fortier, John (17 tháng 5 năm 2006). “Thuộc địa D.C.”. The Hill. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  160. ^ “Thống kê về ghi danh theo học tại các trường công lập và bán công Đặc khu Columbia năm học 2007-2008” (PDF). D.C. State Superintendent of Education. 5 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  161. ^ “D.C. Public School Enrollment Drop Less than Expected”. WJLA-TV. 11 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2009.
  162. ^ Settimi, Christina (5 tháng 7 năm 2007). “Các học khu tồi tệ nhất và tốt nhất tính theo tổn phí tài chánh”. Forbes. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
  163. ^ Haynes, V. Dion; Bill Turque (16 tháng 5 năm 2008). “Rhee ra kế hoạch cải tiến các trường học bị vấn đề của Đặc khu Columbia”. Nhật báo The Washington Post. tr. B01. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  164. ^ Haynes, V. Dion; Theola Labbe (25 tháng 4 năm 2007). “Nở rộ cho các trường bán công D.C.”. Nhật báo The Washington Post. tr. A01. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2008.
  165. ^ “Ghi danh học hiện tại: năm học 2008-2009”. Ban đặc trách trường bán công Đặc khu Columbia. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2009.
  166. ^ “Bảng 15. Số trường tư, học sinh, giáo viên toàn thời gia, và học sinh tốt nghiệp trung học 2004–05, theo tiểu bang: Hoa Kỳ, 2005–06”. Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia. 2006. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2008.
  167. ^ “Các bệnh viện thành viên”. Hội Bệnh viện Đặc khu Columbia. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  168. ^ “Các giải thưởng và công nhận”. Trung tâm Nhi khoa Quốc gia. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2008.
  169. ^ Mummalo, Jonathan (19 tháng 9 năm 2007). “Xếp hạng tính theo đèn thắng xe: D.C. hạng thứ hai về lưu thông”. Nhật báo The Washington Post. tr. B01. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2008.
  170. ^ Christie, Les (29 tháng 6 năm 2007). “Người New Yorker là những người sử dụng phương tiện trung chuyển hàng đầu”. CNNMoney. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2008.
  171. ^ “WMATA Facts” (PDF). WMATA. August năm 2008. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2008.
  172. ^ Dawson, Christie R. (9 tháng 6 năm 2008). “Estimated Unliked Transit Passenger Trips” (PDF). Hội Giao thông Công cộng Mỹ. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2008.
  173. ^ “Metro đưa ra chi tiết cải tiến để hội đủ nhu cầu công suất tương lai”. WMATA. 18 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2008.
  174. ^ Gardner, Amy (1 tháng 5 năm 2008). “Tuyến nối dài được đề nghị đến Sân bay Dulles được tái sinh”. Nhật báo The Washington Post. tr. B01. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2008.
  175. ^ Shaver, Katherine (30 tháng 5 năm 2008). “Các chuyến trên tuyến tím được dự định là sẽ chuyên chở 68.000 mỗi ngày”. Nhật báo The Washington Post. tr. B01. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2008.
  176. ^ Sun, Lena (13 tháng 7 năm 2008). “Kế hoạch trung chuyển đúng thời biểu”. Nhật báo The Washington Post. tr. C01. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2008.
  177. ^ “Important Information about SmarTrip”. WMATA. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2008.
  178. ^ “Dữ liệu Quốc gia về Amtrak năm 2007” (PDF). Quan hệ truyền thông Amtrak. February năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2008.
  179. ^ “Vùng nhận dạng phòng không và vùng cấm bay D.C.” (PDF). Cơ quan Quản lý Hàng không Hoa Kỳ. 2 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2008.
  180. ^ “Chương trình giảm bớt tiếng ồn sân bay”. Thẩm quyền các sân bay vùng đô thị Washington. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2008.
  181. ^ “Quan thuế tại Sân bay Quốc gia Reagan”. Thẩm quyền các sân bay vùng đô thị Washington. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2008.
  182. ^ “Protocol and International Affairs”. Văn phòng thư ký DC. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2008.
  183. ^ “Le jumelage avec Rome” (bằng tiếng Pháp). Municipalité de Paris. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2008.

Liên kết ngoài




George Washington

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
George Washington
Gilbert Stuart Williamstown Portrait of George Washington.jpg
Chân dung năm 1797 của George Washington
Gilbert Stuart vẽ
Chức vụ
Nhiệm kỳ 30 tháng 4, 1789 – 4 tháng 3 1797
Tiền nhiệm Không có
Kế nhiệm John Adams
Phó Tổng thống John Adams
Nhiệm kỳ 15 tháng 6, 1775 – 23 tháng 12, 1783
Tiền nhiệm Không có
Kế nhiệm Henry Knox
Khu vực Lục quân Lục địa
Nhiệm kỳ 13 tháng 7, 1798 – 14 tháng 12, 1799
Tiền nhiệm James Wilkinson
Kế nhiệm Alexander Hamilton
Khu vực Lục quân Hoa Kỳ
Nhiệm kỳ 5 tháng 9, 1974 – 26 tháng 10, 1774
Khu vực Quốc hội Lục địa
Đại biểu của Virginia tại Đệ nhị Quốc hội Lục địa
Nhiệm kỳ 10 tháng 5, 1775 – 15 tháng 6, 1775
Khu vực Quốc hội Lục địa
Thông tin chung
Đảng Không
Sinh 22 tháng 2, 1732
Westmoreland, Virginia, Hoa Kỳ
Mất 14 tháng 12, 1799 (67 tuổi)
Mount Vernon, Fairfax, Virginia, Hoa Kỳ
An táng: Hầm mộ gia đình ở Mount Vernon
Nơi ở Mount Vernon
Nghề nghiệp Chỉ huy quân sự
Khảo sát xây dựng[2]
Dân tộc Người Mỹ gốc Anh
Tôn giáo Anh giáo[3]
Thuyết thần giáo tự nhiên[4]
Họ hàng 5 em ruột
4 anh chị cùng cha khác mẹ
Vợ Martha Dandridge Custis Washington
Con cái Không
Chữ ký George Washington signature.svg
Binh nghiệp
George Washington
Binh nghiệp
Tuyên thệ phục vụ  Vương quốc Anh
 Hoa Kỳ
Quân chủng Địa phương quân Virginia
Lục quân Lục địa
Lục quân Hoa Kỳ
Thời gian phục vụ Địa phương quân: 1752–1758
Lục quân Lục địa: 1775–1783
Lục quân Hoa Kỳ: 1798–1799
Cấp bậc US-O9 insignia.svg Trung tướng
6 Star.svg Đại thống tướng
(được vinh thăng năm 1976)
Tư lệnh Trung đoàn địa phương quân Virginia
Lục quân Lục địa
Lục quân Hoa Kỳ
Trận đánh Chiến tranh chống bản thổ & Pháp
Chiến tranh Cách mạng Mỹ
Tặng thưởng Huân chương vàng Quốc hội
Huân chương Tạ ơn của Quốc hội
George Washington (22 tháng 2, 1732 – 14 tháng 12, 1799) là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia non trẻ Hoa Kỳ từ năm 1775 đến năm 1799. Ông đã lãnh đạo người Mỹ chiến thắng Vương quốc Anh trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ với tư cách là tổng tư lệnh Lục quân Lục địa năm 1775–1783, và ông cũng đã trông coi việc viết ra Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Quốc hội nhất trí chọn lựa làm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ (1789–1797). Phong cách lãnh đạo của ông đã có ảnh hưởng đến thể thức và lễ nghi cho chính quyền mà được sử dụng từ đó cho đến nay, thí dụ như dùng một hệ thống nội các và buổi đọc diễn văn nhậm chức. Với tư cách là tổng thống, ông đã xây dựng một chính quyền quốc gia mạnh mẽ và giàu tài chính mà đã tránh khỏi chiến tranh, dập tắt nổi loạn và chiếm được sự đồng thuận của tất cả người Mỹ. Ông hiện nay được biết như vị cha già của nước Mỹ.
Ông có một viễn tưởng về một quốc gia hùng mạnh và vĩ đại, xây dựng trên những nền tảng của nền cộng hòa, sử dụng sức mạnh của liên bang. Ông tìm cách sử dụng chính phủ cộng hòa để cải thiện hạ tầng cơ sở, mở rộng lãnh thổ phía tây, lập ra một trường đại học quốc gia, khuyến khích thương mại, tìm nơi xây dựng lên một thành phố thủ đô (sau này gọi là Washington, D.C.), giảm thiểu những sự căng thẳng giữa các vùng và vinh danh tinh thần chủ nghĩa quốc gia. Ông nói "Cái tên người Mỹ" phải xóa bỏ bất cứ những liên hệ ràng buộc nào mang tính cách địa phương.[5] Khi mất, Washington được táng tụng như là "người đầu tiên trong chiến tranh, người đầu tiên trong hòa bình, và người đầu tiên trong lòng dân tộc của ông".[6] Những người theo chủ nghĩa liên bang đã coi ông như là biểu tượng của đảng nhưng những người theo chủ nghĩa Jefferson trong nhiều năm trời vẫn tiếp tục không tin vào ảnh hưởng của ông và cố tìm cách trì hoãn xây dựng tượng đài Washington. Với tư cách là nhà lãnh đạo cách mạng thành công đầu tiên chống lại một đế quốc thuộc địa trong lịch sử thế giới, Washington đã trở thành một hình tượng quốc tế đối với phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa quốc gia. Chủ nghĩa biểu tượng của ông đặc biệt gây âm vang tại Phápchâu Mỹ Latin.[7] Các học giả lịch sử luôn xếp ông là một trong số hai hoặc ba vị tổng thống vĩ đại nhất.

Cuộc đời lúc thiếu thời (1732–1753)

Là con đầu lòng của Augustine Washington (1694–1743) và người vợ thứ hai, Mary Ball Washington (1708–1789), George Washington sinh ra trong trang trại Pope's Creek gần nơi ngày nay là Colonial Beach trong Quận Westmoreland, Virginia. Theo lịch Julius (có hiệu lực vào lúc đó), Washington sinh ngày 11 tháng 1 năm 1731; theo lịch Gregory, sử dụng tại Anh và các thuộc địa thì ông sinh ngày 22 tháng 2 năm 1732.[8][9][Ghi chú 1] Tổ tiên của Washington đến từ Sulgrave, Anh; ông cố của ông là John Washington di cư đến Virginia năm 1657. Có ý kiến cho rằng: George Washington và Nữ hoàng nước Anh Elizabeth II có chung tổ tiên.[10] [11] Cha của ông, Augustine là một nhà trồng thuốc lá có sở hữu người nô lệ. Cha ông sau này có thử thời vận với nghề khai quặng sắt.[12] Thời George còn trẻ, gia đình ông là những thành viên khá giả thuộc tầng lớp quí tộc nhỏ tại Virginia, ở vào cấp bậc trung lưu hơn là một trong những gia đình hàng đầu.[13]
Sáu trong số các anh chi em của ông lớn lên đến tuổi trưởng thành trong đó có hai người anh cùng cha khác mẹ, Lawrence và Augustine, từ cuộc hôn nhân đầu tiên của cha ông và Jane Butler Washington. Bốn anh chị em ruột của ông là Samuel, Elizabeth (Betty), John Augustine và Charles. Ba anh chị em khác mất trước khi trưởng thành: em gái ruột, Mildred chết lúc một tuổi,[14] người anh trai khác mẹ mất khi còn sơ sinh[15] và người chị khác mẹ Jane chết lúc 12 khi George hai tuổi.[14] Cha của George qua đời khi ông 11 tuổi. Người anh khác mẹ của George là Lawrence sau đó trở thành người cha thay thế và cũng là mẫu người George noi gương. William Fairfax, cha vợ của Lawrence và là người anh em họ với địa chủ lớn nhất Virginia, Thomas Fairfax cũng có ảnh hưởng lớn đối với ông. Washington dành nhiều thời gian lúc còn bé ở nông trại Ferry trong Quận Stafford gần Fredericksburg. Lawrence Washington thừa hưởng gia sản khác của cha, đó là một đồn điền nằm trên bờ sông Potomac mà sau này ông đặt tên là Mount Vernon. George thừa hưởng nông trại Ferry ngay khi cha ông qua đời, và dần sau đó nhận thừa kế Mount Vernon sau khi Lawrence qua đời.[16]
Lúc 16 tuổi, Washington vẽ họa đồ thị sát thực tế cánh đồng turnip của anh trai khác mẹ, Lawrence ở Mount Vernon.
Cái chết của cha khiến cho ông mất cơ hội vượt Đại Tây Dương để nhận sự giáo dục tại Trường Appleby của Anh như những người anh trai của mình đã từng làm. Ông đi học tại Fredericksburg cho đến tuổi 15. Mong muốn gia nhập Hải quân Hoàng gia không thành hiện thực sau khi mẹ ông biết nó rất là khó khăn cho ông.[17] Nhờ mối liên hệ của Lawrence với gia đình quyền lực ở Fairfax nên vào năm 17 tuổi, George trở thành thanh tra quận Culpeper vào năm 1749. Đây là 1 công việc trả lương hậu đã giúp cho ông mua được đất đai trong thung lũng Shenandoah, đây cũng là lần đầu tiên trong số nhiều vụ mua đất đai của ông tại Tây Virginia. Cũng phải nói là nhờ đến sự có mặt của Lawrence trong Công ty Ohio, một công ty đầu tư đất đai được tài trợ bởi những nhà đầu tư tại Virginia và nhờ vào vị trí của Lawrence trong vai trò tư lệnh địa phương quân Virginia nên George được phó thống đốc mới của Virginia là Robert Dinwiddie chú ý đến. Washington khó mà bị lọt ra khỏi tầm mắt của người khác: cao 6 ft 2 inche (188 cm; ước tính về chiền cao của ông có thay đổi), ông cao hơn đa số người đương thời của ông.[18]
Năm 1751, Washington cùng đi Barbados với Lawrence, người mắc phải bệnh lao, với hy vọng rằng khí hậu sẽ có lợi cho sức khỏe của Lawrence. Washington mắc phải bệnh đậu mùa trong chuyến đi này khiến cho khuôn mặt của ông có ít nhiều vết thẹo nhưng đã giúp cho ông miễn nhiễm với căn bệnh độc này về sau.[19] Sức khỏe của Lawrence không cải thiện: ông quay về Mount Vernon và mất ở đó năm 1752.[20] Vị trí lãnh đạo địa phương quân Virginia của Lawrence chia thành bốn chức vụ sau khi ông mất. Washington được Thống đốc Dinwiddie bổ nhiệm làm một trong bốn vị trí mới đó vào tháng 2 năm 1753 với cấp bậc thiếu tá trong địa phương quân Virginia.[21] Washington cũng gia nhập Hội Tam Điểm tại Fredericksburg vào lúc đó.[22]

Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp (1754–1758)

Bản đồ năm 1754 của Washington biểu thị sông Ohio và khu vực xung quanh
Năm 1753, người Pháp bắt đầu mở rộng tầm kiểm soát quân sự của họ vào "Xứ Ohio", một lãnh thổ cũng bị các thuộc địa của Anh là VirginiaPennsylvania tuyên bố chủ quyền. Cuộc tranh chấp chủ quyền này đã dẫn đến một cuộc chiến tranh mà các thuộc địa gọi là Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp (French and Indian War) từ năm 1754–1762. Chiến tranh này đã góp phần khởi sự Chiến tranh 7 năm trên toàn cầu (1756–63). Washington ở tâm điểm của cuộc chiến này khi mới vừa bùng nổ. Công ty Ohio, một cỗ xe mà qua đó các nhà đầu tư người Anh có kế hoạch mở rộng vào lãnh thổ này, đang mở mang những khu định cư mới và xây dựng các trạm mậu dịch để buôn bán với người bản thổ Mỹ. Thống đốc Dinwiddie nhận lệnh từ chính phủ Anh cảnh cáo người Pháp về chủ quyền của Anh tại đó. Ông phái Thiếu tá Washington vào cuối năm 1753 giao một bức thư thông báo đến người Pháp về những tuyên bố chủ quyền của Anh và yêu cầu người Pháp rời bỏ lãnh thổ này.[23] Washington cũng đến gặp mặt Tanacharison (cũng còn được gọi là "Half-King") và các lãnh tụ khác của người bản thổ Iroquois đang liên minh với Virginia tại Logstown để nhận sự ủng hộ của họ trong trường hợp có xung đột với người Pháp; Washington và Tanacharison trở thành bạn bè và đồng minh. Washington giao lá thư cho tư lệnh địa phương Pháp nhưng ông này từ chối một cách lịch sự là không rời bỏ lãnh thổ này.[24]
Thống đốc Dinwiddie phái Washington trở lại Xứ Ohio để bảo vệ một nhóm nhân viên của Công ty Ohio đang xây dựng một pháo đài tại nơi mà ngày nay là Pittsburgh, Pennsylvania. Nhưng trước khi ông đến nơi thì một lực lượng Pháp đã đuổi các nhân viên làm việc của công ty ra khỏi khu vực này và họ bắt đầu xây dựng Đồn Duquesne. Một nhóm nhỏ quân Pháp do Joseph Coulon de Jumonville chỉ huy bị Tanacharison và một ít chiến binh của mình phát hiện ở phía đông khu vực mà ngày nay là Uniontown, Pennsylvania. Cùng với các đồng minh người bản thổ Mingo, Washington và một số đơn vị địa phương quân của mình liền phục kích người Pháp. Những gì thật sự đã xảy ra trong lúc và sau trận đánh vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng kết quả ngay sau đó là Jumonville bị trọng thương trong cuộc tấn công đầu tiên và rồi bị giết chết... chẳng biết có phải là bị Tanacharison lạnh lùng chém bằng một lưỡi rìu hay do bị một người nào đó đứng gần đó dùng súng bắn chết khi vị sĩ quan bị thương này ngồi bên cạnh Washington - cả hai nghi vấn này đều hoàn toàn không rõ ràng.[25][26] Người Pháp phản ứng trả đũa bằng một cuộc tấn công và bắt Washington tại Đồn Necessity vào tháng 7 năm 1754.[27] Tuy nhiên, Washington được phép quay trở về Virginia cùng với binh sĩ của mình. Sử gia Joseph Ellis kết luận rằng tình tiết trận đánh này đã chứng tỏ sự can đảm, thế chủ động, sự hăng say chiến đấu nhưng chưa có kinh nghiệm của Washington.[28] Những sự kiện này có những hậu quả quốc tế; người Pháp tố cáo Washington ám sát Jumonville vì họ cho rằng Jumonville đang thực hiện một sứ mệnh ngoại giao.[28] Cả Pháp và Anh sẵn sàng lâm chiến để tranh giành kiểm soát vùng này và họ đã đưa quân đến Bắc Mỹ năm 1755; chiến tranh được chính thức tuyên bố vào năm 1756.[29]

Tai họa Braddock năm 1755

Năm 1755, Washington là phụ tá cao cấp người Mỹ của tướng Anh Edward Braddock trong một cuộc viễn chinh xấu số ở Monongahela. Đây là đoàn quân viễn chinh lớn nhất của Anh đến các thuộc địa Bắc Mỹ, và có ý định đánh đuổi người Pháp ra khỏi Xứ Ohio. Người Pháp cùng với các đồng minh người bản thổ Mỹ phục kích và Braddock bị tử thương trong trận Monongahela. Sau khi bị thiệt hại nặng nề về quân số, quân Anh rút chạy tán loạn; tuy nhiên, Washington cưỡi ngựa chạy quanh trận địa nhằm khích lệ và động viên tàn quân Anh và địa phương quân Virginia rút lui có tổ chức.[30]

Tư lệnh Trung đoàn Virginia

Bức tranh vẽ năm 1772 của Peale mô tả Washington trong cấp bậc đại tá của Trung đoàn Virginia. Đây là chân dung xưa nhất của Washington mà người ta biết đến
Thống đốc Dinwiddie thăng chức Washington năm 1755 lên cấp bậc "Đại tá Trung đoàn Virginia và Tổng tư lệnh tất cả các lực lượng được tuyển mộ để bảo vệ Thuộc địa của Nhà vua" và giao phó cho ông nhiệm vụ bảo vệ biên cương Virginia. Trung đoàn Virginia là đơn vị quân sự toàn thời gian đầu tiên của người Mỹ tại các thuộc địa (đối ngược lại là các đơn vị chính quy người Anh và các đơn vị địa phương quân người Mỹ bán thời gian). Washington được lệnh "hành động tự vệ hay phản công" bất cứ khi nào ông nghĩ là tốt nhất.[31] Trong lúc làm tư lệnh của một ngàn binh sĩ, Washington là một sĩ quan có kỉ luật, luôn chú trọng vào việc huấn luyện. Ông lãnh đạo các binh sĩ của mình trong những chiến dịch tàn bạo chống người bản thổ Mỹ tại miền Tây; trong 10 tháng, các đơn vị thuộc trung đoàn của ông đã đánh 20 trận, và mất khoảng 1/3 quân số. Những nỗ lực chiến tranh hăng say của Washington có ý nghĩa quan trọng rằng dân chúng ở biên cương của Virginia chịu đựng thiệt hại ít hơn so với các thuộc địa khác; Ellis kết luận rằng "đây là thành công không được nhắc đến duy nhất của ông" trong cuộc chiến.[32][33]
Năm 1758, Washington tham gia vào cuộc viễn chinh Forbes nhằm chiếm Đồn Duquesne. Ông sượng sùng vì một vụ đánh nhầm khi đơn vị của ông và một đơn vị Anh tưởng lầm nhau là người Pháp và nổ súng. Kết quả có 14 người chết và 26 người bị thương trong vụ đó. Washington không tham dự vào bất cứ trận đánh lớn nào khác trong cuộc viễn chinh đó. Người Anh ghi được một chiến thắng chiến lược lớn bằng việc giành quyền kiểm soát Thung lũng Ohio khi người Pháp rút bỏ đồn. Theo sau cuộc viễn chinh, Washington từ chức khỏi Trung đoàn Virginia vào tháng 12 năm 1758. Ông không trở về đời sống quân nhân cho đến khi cuộc cách mạng bùng nổ vào năm 1775.[34]

Những bài học đã nghiệm qua

Tuy Washington chưa bao giờ được vào biên chế lục quân Anh mà ông mong ước nhưng trong những năm tháng chiến tranh đó, người thanh niên này đã tích lũy những kỹ năng về lãnh đạo, chính trị và quân sự quí giá.[35] Ông luôn tiếp cận quan sát các chiến thuật quân sự của người Anh, nắm bắt và hiểu rõ các điểm yếu và điểm mạnh của người Anh. Điều này đã được chứng minh là vô giá trong suốt cuộc Cách mạng Mỹ sau này. Ông chứng tỏ là một người can đảm và kiên cường trong những tình huống cực kỳ khó khăn nhất trong đó có các vụ tai biến và tháo lui. Ông đã phát triển ra một phong cách chỉ huy: đem hết sức lực, khả năng chịu đựng và sự dũng cảm của mình vào trận chiến. Đối với các chiến sĩ của mình, ông xuất hiện như một vị chỉ huy tự nhiên và họ tuyệt đối tuân lệnh ông mà không thắc mắc điều gì.[36][37] Washington học cách tổ chức, huấn luyện và kỷ luật các đơn vị trung đoàn và đại đội của mình. Qua đọc sách, quan sát và các cuộc trò chuyện với những sĩ quan nghiệp vụ, ông học được những căn bản về chiến thuật chiến trường cũng như hiểu rõ các vấn đề tổ chức và tiếp vận.[38] Ông hiểu biết tổng thể về chiến lược, đặc biệt là việc tìm ra những địa điểm địa lý chiến lược.[39] Sử gia Ron Chernow có ý kiến rằng vì Washington chán nản khi thương nghị với các viên chức chính phủ trong suốt cuộc xung đột nên ông đã tán thành những lợi ích của một chính phủ quốc gia mạnh mẽ với một cơ quan hành chính mạnh mẽ để có thể đạt được kết quả;[40] các sử gia khác có chiều hướng gán ghép ông có thái độ này đối với chính phủ khi ông phục vụ Chiến tranh Cách mạng Mỹ sau này.[Ghi chú 2] Ông nảy sinh một ý tưởng rất tiêu cực về giá trị của địa phương quân. Coi họ có vẻ không đáng tin cậy, rất bất kỉ luật, và chỉ phục vụ rất ngắn hạn khi so sánh với quân chính quy.[41] Mặt khác, kinh nghiệm chỉ huy của ông có giới hạn nhiều nhất là 1 ngàn binh sĩ và chỉ ở những địa hình biên cương xa xôi khắc hẳn với những tình thế đô thị mà ông đối diện trong suốt cuộc cách mạng ở các thành phố Boston, New York, Trenton và Philadelphia.[42]

Thời kỳ giữa các cuộc chiến tranh: ở Mount Vernon (1759–1774)

Một bức tranh được in lại mang hình ảnh Martha Washington, dựa theo bức họa năm 1757 của họa sĩ John Wollaston
Ngày 6 tháng 1 năm 1759, Washington kết hôn với một quả phụ giàu có tên Martha Dandridge Custis. Các bức thư còn sót lại cho thấy rằng ông có thể đang yêu Sally Fairfax, vợ của một người bạn vào lúc đó.[43] Dù vậy, George và Martha rất xứng đôi vì Martha thông minh, duyên dáng, và có kinh nghiệm điều hành một đồn điền có nô lệ phục vụ.[44] Cả hai cùng nuôi hai đứa con của bà với người chồng quá cố là John Parke Custis và Martha Parke Custis, được gia đình gọi thân mật là "Jackie" và "Patsy". Sau đó gia đình Washington nuôi hai trong số các cháu của bà Washington là Eleanor Parke CustisGeorge Washington Parke Custis. George và Martha Washington không có con cái chung — căn bệnh đậu mùa của ông vào năm 1751 có thể đã khiến cho ông không thể có con. Vì kiêu hãnh nên Washington không thể nào thừa nhận rằng minh không thể có con nhưng lúc riêng tư ông cảm thấy chán nản vì không thể có con.[45] Cặp vợ chồng mới cưới dời về Mount Vernon gần Alexandria nơi ông sống cuộc đời của một người trồng trọt và một khuôn mặt chính trị.
Cuộc hôn nhân của Washington với Martha đã làm gia tăng tài sản và địa vị xã hội của ông rất lớn lao. Ông trở thành một trong số những người giàu có nhất Virginia. Ông được một phần ba trong số 18.000 mẫu Anh (73 km²) điền sản của gia đình vợ ngay sau khi kết hôn, đáng giá khoảng $100.000 và quản lý phần điền sản còn lại cho con của Martha, những đứa con riêng của vợ mà ông chân thành chăm sóc.[46] Ông thường mua thêm đất và cũng được cấp phát đất ở vùng bây giờ là Tây Virginia như là tặng phẩm dành cho công lao phục vụ Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp. Vào năm 1775, Washington tăng gấp đôi diện tích của Mount Vernon lên 6.500 mẫu Anh (26 km²) và tăng số lao động nô lệ ở đó lên trên 100 người. Vì là một anh hùng quân sự được nể trọng và một chủ đất lớn nên ông có chức vị tại địa phương và được bầu vào nghị viện tỉnh Virginia bắt đầu vào năm 1758.[47]
Washington mở rộng ngôi nhà tại Mount Vernon sau khi kết hôn
Washington có lối sống quí tộc — săn cáo là một hoạt động nhàn rỗi ưa thích của ông.[48] Ông cũng thích đi khiêu vũ và họp hội, ngoài ra còn có đi xem kịch, đua, và đá gà. Washington cũng được biết có chơi bài, backgammon và bi da.[49] Giống như đa số các nhà trồng trọt, ông nhập cảng những đồ dùng xa xỉ và hàng hóa khác từ Anh và trả tiền cho hàng hóa bằng xuất cảng thuốc lá mà ông trồng. Chi tiêu quá độ và sự không lường trước về thị trường thuốc lá đồng nghĩa với việc nhiều nhà trồng trọt ở Virginia vào thời Washington mất tiền. (Chẳng hạn như Thomas Jefferson qua đời với nợ nần chồng chất.)
Washington bắt đầu cứu mình khỏi nợ bằng cách kinh doanh đa dạng và chú ý hơn đến công việc làm của mình.[50] Năm 1766, ông thay đổi mùa vụ chính sinh lợi của Mount Vernon từ thuốc lá sang lúa mì. Lúa mì có thể bán được tại Mỹ, và làm nhiều thứ hoạt động kinh doanh khác trong đó có nhà máy làm bột mì, nuôi cá, nuôi ngựa, dệt vải. Patsy Custis (con gái riêng của vợ ông) mất năm 1773 vì động kinh giúp cho Washington trả hết nợ cho những chủ nợ người Anh vì phân nữa tài sản của Patsy được đưa sang cho ông.[51]
Là người trồng trọt thành công, ông trở thành một lãnh đạo trong giới thượng lưu xã hội tại Virginia. Từ năm 1768 đến năm 1775, ông mời khoảng 2000 khách mời đến điền sản Mount Vernon của mình, đa số là những người được ông xem là "người có đẳng cấp". Đối với những người không có địa vị cao trong xã hội, lời khuyên của ông là "đối xử với họ lịch sự" nhưng "hãy giữ họ ở một tầm xa thích hợp vì khi họ càng quen biết mình thì đồng lúc bạn mất quyền lực đối với họ".[52] Năm 1769, ông trở nên tích cực hoạt động chính trị, đệ trình lên nghị viện Virginia đạo luật cấm nhập cảng hàng hóa từ Vương quốc Anh.[53]
Năm 1754 Phó thống đốc Dinwiddie có hứa ban tặng đất đai cho các binh sĩ và sĩ quan tình nguyện phục vụ trong cuộc Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp.[54] Washington nhiều năm cố tìm cách nhận lấy số đất đai được hứa cấp cho ông và binh sĩ của ông. Cuối cùng thì Thống đốc Norborne Berkeley cũng thực hiện lời hứa từ năm 1769-1770.[54][55] Washington nhận được 23.200 mẫu Anh gần nơi mà dòng chảy của sông Kanawha đổ vào sông Ohio, hiện nay là Tây Virginia.[56]

Cách mạng Mỹ (1775–1787)

Tuy ông bày tỏ sự chống đối Đạo luật Tem thuế 1765 (Stamp Act 1765), một đạo luật thuế áp đặt trực tiếp đầu tiên đối với các thuộc địa Bắc Mỹ nhưng ông đã không đóng một vai trò lãnh đạo trong cuộc phản kháng càng ngày gia tăng của các thuộc địa cho đến khi có các cuộc phản đối chống các đạo luật Townshend (được thông qua năm 1767) trở nên lan rộng. Tháng 5 năm 1769, Washington giới thiệu một đề nghị, được bạn của ông là George Mason thảo ra, kêu gọi thuộc địa Virginia tẩy chay hàng hóa của Anh cho đến khi nào các đạo luật này bị bãi bỏ.[57] Quốc hội Vương quốc Anh bãi bỏ các đạo luật Townshend năm 1770. Tuy nhiên, Washington xem việc thông qua Các đạo luật bất khoan dung (intolerable acts) năm 1774 như là "một sự xâm lấn quyền lợi và đặc quyền của chúng ta".[58] Tháng 7 năm 1774, ông chủ tọa phiên họp trong đó "các giải pháp Fairfax" được thông qua, kêu gọi triệu tập một Quốc hội Lục địa cùng với nhiều việc khác nữa. Vào tháng 8 năm đó, Washington tham dự Hội nghị đầu tiên của Virginia trong đó ông được bầu làm một đại biểu đại diện cho Virginia tại Đệ nhất Quốc hội Lục địa.[59]

Tổng tư lệnh

Tranh vẽ Betsy Ross trình bày lá cờ mới của Mỹ với George Washington (Tranh vẽ của Edward Percy Moran. năm 1917)
Sau các trận đánh tại Lexington và Concord gần thành phố Boston vào tháng 4 năm 1775, tất cả các thuộc địa đều tham chiến. Washington xuất hiện tại Đệ nhị Quốc hội Lục địa trong quân phục, chứng tỏ rằng ông đã sẵn sàng cho chiến tranh.[60] Washington có thanh thế, kinh nghiệm quân sự, sức thu hút, từng là một lãnh đạo quân sự và được người ta biết đến như là một người yêu nước cao độ. Là một thuộc địa lớn nhất trong số 13 thuộc địa và nằm ở miền Nam, Virginia đáng được công nhận. Tân Anh, nơi chiến tranh khởi sự, cảm thấy rằng họ cần có sự ủng hộ cần thiết của miền Nam. Washington bày tỏ rõ thái độ của mình là không muốn tìm cách làm tư lệnh, và ông có nói rằng ông không xứng với chức vụ đó nhưng chẳng có ai thật sự muốn tranh chức vụ này.[61] Quốc hội Lục địa thành lập Lục quân Lục địa vào ngày 14 tháng 6 năm 1775. Được John Adams của thuộc địa Massachusetts đề cử, Washington sau đó được bổ nhiệm làm thiếu tướngtổng tư lệnh.[1]
Washington có ba vai trò trong cuộc chiến tranh. Năm 1775-77, và lần nữa vào năm 1781 ông lãnh đạo binh sĩ của mình đánh nhau với các lực lượng chính của Anh. Tuy ông thua nhiều trận nhưng ông chưa bao giờ ra lệnh cho quân đội mình đầu hàng trong suốt cuộc chiến tranh. Ông tiếp tục chiến đấu không nao núng chống người Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc. Phối hợp với Quốc hội Lục địa, ông hoạch định toàn bộ chiến lược chiến tranh.
Thứ hai, ông đứng ra tổ chức và huấn luyện lục quân. Ông tuyển mộ quân chính quy và giao nhiệm vụ cho tướng von Steuben, một chuyên gia quân sự người Đức, huấn luyện họ. Ông không nhận trách nhiệm đối với nguồn tiếp liệu mà lúc nào cũng thiếu hụt nhưng ông luôn làm áp lực với Quốc hội và các tiểu bang cung cấp nhu yếu phẩm.[62] Washington có tiếng nói quan trọng trong việc chọn lựa các tướng lãnh tư lệnh và trong việc hoạch định chiến lược cơ bản của họ.[63] Những thành tựu của ông thì hỗn tạp vì một số người mà ông chọn lựa lại chưa bao giờ giỏi về thuật chỉ huy. Dần dần ông tìm được các sĩ quan có khả năng như tướng Nathaniel Greene, và tham mưu trưởng của ông là Alexander Hamilton. Các sĩ quan Mỹ không bao giờ đạt trình độ tương bằng với các đối thủ người Anh của họ trong chiến thuật và tác chiến. Dần dần họ thua phần lớn các trận đánh đã chọn địa điểm trước (pitched battles). Các thành công lớn tại Boston (1776), Saratoga (1777) và Yorktown (1781) xảy ra khi quân cách mạng gài bẫy dụ quân Anh ra xa khỏi căn cứ có nhiều quân số để dễ dàng tiêu diệt quân Anh hơn.
Thứ ba và quan trọng nhất, Washington là hiện thân của cuộc kháng chiến vũ trang chống Vương miện - ông là người đại diện của cuộc Cách mạng. Tầm vóc to lớn và tài năng chính trị của ông đã khiến cho Quốc hội Lục địa, lục quân, người Pháp, địa phương quân và các tiểu bang đều hướng về một mục tiêu chung. Bằng việc tự nguyện từ chức và giải ngũ lục quân của mình sau khi chiến tranh kết thúc thắng lợi, ông vĩnh viễn thiết lập ra nguyên tắc dân sự là trên hết trong quân vụ. Và còn nữa, ông thường luôn lặp lại quan điểm rằng các binh sĩ nhà nghề có kỉ luật tốt thì luôn hơn hẳn gấp đôi những binh sĩ tự nguyện nhưng vô kỉ luật. Các binh sĩ nhà nghề như thế sẽ giúp người ta bỏ đi ý tưởng ngờ vực đối với một quân đội hiện dịch.[64]

Chiến thắng tại Boston

Washington nhận lại chức vụ tư lệnh Lục quân Lục địa tại chiến trường Cambridge, Massachusetts vào tháng 7 năm 1775 trong lúc cuộc bao vây thành phố Boston đang tiếp diễn. Nhận thấy quân của mình thiếu hụt thuốc súng trầm trọng nên Washington yêu cầu xin thêm nguồn tiếp tế mới. Quân Mỹ đột kích những kho thuốc súng của Anh trong đó có một số kho nằm trong vùng Caribbe, và cũng họ tự tìm cách sản xuất ra một số. Quân Mỹ nhận nguồn tiếp tế gần như vừa đủ (khoảng 2,5 triệu cân Anh) vào cuối năm 1776, phần lớn là từ Pháp.[65] Washington tái tổ chức lục quân trong suốt cuộc bao vây kéo dài, và buộc quân Anh rút lui bằng pháo binh đặt trên điểm cao Dorchester Heights nhìn xuống thành phố. Quân Anh rút chạy khỏi Boston vào tháng 3 năm 1776 và Washington di chuyển quân đến Thành phố New York.
Tuy rất kinh thường đa số những người yêu nước Mỹ nhưng báo chí Anh luôn ca ngợi phẩm chất và tính cách cá nhân của Washington trong vai trò một tư lệnh quân sự. Những bài báo này được xem là rất bạo vì Washington là tướng quân thù địch đang lãnh đạo một quân đội theo đuổi một mục tiêu mà nhiều người Anh tin rằng sẽ hũy hoại Đế quốc Anh.[66]

Bại trận tại Thành phố New York và chiến thuật Fabius

Tháng 8 năm 1776, tướng Anh là William Howe mở một chiến dịch hải bộ lớn nhằm mục đích chiếm thành phố New York. Lục quân Lục địa dưới quyền của Washington giao chiến với kẻ thù lần đầu tiên trong vai trò là một lục quân của Hiệp chủng Quốc mới độc lập tại trận Long Island, trận đánh lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh này. Người Mỹ ít quân số hơn nhiều so với lực lượng Anh. Nhiều binh sĩ Mỹ đào ngũ, và Washington bị đại bại. Dần sau đó, Washington bị buộc phải tháo lui qua sông East vào ban đêm. Ông làm vậy mà không có tổn thất về nhân mạng cũng như trang bị.[67] Washington rút lui về phía bắt khỏi thành phố để tránh bị bao vây, tạo cơ hội cho tướng Howe tấn công và chiếm đồn Washington vào ngày 16 tháng 1 với số tử thương cao cho Lục quân Lục điạ. Washington sau đó rút lui ngang New Jersey; tương lai của Lục quân Lục địa bị ngờ vực vì lệnh nhập ngũ hết hạn và một loạt những cuộc bại trận.[68] Vào đêm 25 tháng 12 năm 1776, Washington quay trở lại tấn công bất ngờ vào một tiền đồn của quân Hessian (quân đánh thuê người Đức trong thế kỷ 18) tại tây New Jersey. Ông dắt lục quân của mình vượt sông Delaware để bắt sống gần 1.000 binh sĩ Hessian tại Trenton, New Jersey. Sau chiến thắng của mình tại Trenton, Washington ghi thêm một chiến thắng khác chống quân chính qui Anh tại Princeton vào đầu tháng 1. Quân Anh rút lui trở về Thành phố New York và vùng phụ cận thành phố và họ chiếm giữ ở đó cho đến khi hiệp định hòa bình năm 1783. Các chiến thắng của Washington đã nhấn chìm chiến lược "củ cà-rốt và cây gậy" của người Anh - phô trương lực lượng mạnh rồi khuyến dụ với các ngôn từ rộng lượng. Người Mỹ quyết không thương thuyết điều gì cả ngoài độc lập.[69] Những chiến thắng này tự nó không đủ bảo đảm chiến thắng sau cùng của phe yêu nước tuy nhiên nhiều binh sĩ đã không tái đầu quân hoặc có nhiều người đào ngũ trong mùa đông ác nghiệt. Washington và Quốc hội tái tổ chức lục quân bằng việc gia tăng tưởng thưởng cho binh sĩ ở lại trong quân ngũ và cũng gia tăng hình phạt cho những ai đào ngũ. Việc này có hiệu quả làm tăng quân số cho các trận chiến sau cuối.[70]
Các sử gia vẫn còn tranh luận rằng có phải chăng Washington thích chọn chiến lược Fabius[71] để gây hoang mang cho quân Anh bằng các cuộc tấn công nhanh và sắc bén rồi sau đó rút lui để lục quân to lớn hơn của Anh không thể bắt được ông hay ông thích chọn đánh những trận chiến lớn.[72] Trong khi tư lệnh miền Nam của ông là Greene sử dụng các chiến thuật Fabius vào những năm 1780-81 thì Washington chỉ dùng các chiến thuật này vào mùa thu năm 1776 đến mùa xuân năm 1777 sau khi để mất thành phố New York và nhìn thấy phần lớn lục quân của ông tan rã. Trận TrentonPrinceton là hai thí dụ về chiến thuật Fabius. Tuy nhiên vào mùa hè năm 1777, sau khi Washington đã tái lập sức mạnh và sự tự tin, ông ngưng dùng các trận đột kích và sẵn sàng các trận đối đầu có tầm cỡ lớn, thí dụ như các trận ở Brandywine, Germantown, Monmouth và Yorktown.[73]

Các chiến dịch năm 1777

Cuối mùa hè năm 1777, lực lượng Anh dưới sự chỉ huy của John Burgoyne đưa một quân đoàn xâm nhập lớn từ Quebec xuống phía Nam với ý định cắt đứt vùng Tân Anh nổi loạn. Tướng Anh là Howe tại New York đưa quân đoàn của ông về hướng nam đến Philadelphia thay vì lên phía trên sông Hudson để họp mặt với quân của Burgoyne gần Albany. Đây là một lỗi lầm chiến lược lớn đối với quân Anh. Washington liền vội vã tiến về Philadelphia để giáp chiến Howe trong khi đó theo dõi sát hành động trên vùng thượng bang New York. Trong các trận đánh giáp mặt quá phức tạp cho các binh sĩ tương đối không kinh nghiệm, quân của Washington bị đánh bại. Trong trận Brandywine ngày 11 tháng 9 năm 1777, chiến thuật của Howe hơn hẳn Washington. Kết quả là Howe hành quân vào thủ đô Mỹ vào lúc đó là Philadelphia mà không gặp sự phản kháng nào ngày 26 tháng 9. Quân của Washington tấn công bất thành quân đồn trú của Anh tại Germantown đầu tháng 10. Trong lúc Burgoyne ở ngoài tầm giải cứu của Howe nên bị vây bủa và buộc phải ra lệnh toàn bộ quân đoàn của mình đầu hàng tại Saratoga, New York.[74] Đây là một điểm quay chính cả về mặt quân sự và ngoại giao. Pháp phản ứng việc Burgoyne bại trận bằng cách tham chiến, công khai liên minh với Mỹ và biến cuộc Chiến tranh Cách mạng thành một cuộc chiến tranh lớn có tầm cỡ thế giới. Việc Washington để mất Philadelphia đã khiến cho một số thành viên Quốc hội Mỹ thảo luận về việc tước quyền tư lệnh của Washington. Nỗ lực này bị thất bại sau khi những người ủng hộ Washington tề tựu ủng hộ đằng sau ông.[75]

Valley Forge

Bài chi tiết: Valley Forge
Lục quân gồm 11 ngàn binh sĩ của Washington[76] đến đóng quân mùa đông tại Valley Forge nằm ở phía bắc Philadelphia vào tháng 12 năm 1777. Trong khoảng thời gian 6 tháng, con số người chết trong trại lên đến hàng ngàn người (đa số do bệnh tật),[77] theo các ước tính của các sử gia thì con số người chết có từ 2000[77] đến 2500[78][79] thậm chí lên đến trên 3000 binh sĩ.[80] Tuy nhiên, đến mùa xuân, lục quân lộ diện từ Valley Forge trong đội hình tốt một phần nhờ vào một chương trình huấn luyện tầm cỡ do Baron von Steuben, một cựu chiến binh của bộ tổng tham mưu Phổ. Người Anh rút bỏ Philadelphia về New York năm 1778 bị Washington theo dõi. Washington liền tấn công họ tại Monmouth. Đây là một trận đánh không phân thắng bại và là một trong các trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến tranh. Sau cùng, người Anh tiếp tục hướng về New York, và Washington di chuyển quân của mình ra khỏi New York.

Chiến thắng tại Yorktown

Mùa hè năm 1779, theo chỉ thị của Washington, Tướng John Sullivan thực hiện một chiến dịch tiêu thổ tàn phá ít nhất 40 ngôi làng của người bản thổ Iroquois trong khắp vùng mà ngày nay là trung và thượng tiểu bang New York; người bản thổ ở trong vùng này là đồng minh của Anh. Họ thường đột kích các khu định cư Mỹ trong vùng biên cương.[81] Tháng 7 năm 1780, 5.000 binh sĩ thuộc cựu chiến binh Pháp, do Tướng Comte Donatien de Rochambeau chỉ huy, đến Newport, Rhode Island để trợ giúp nỗ lực chiến tranh của người Mỹ.[82] Nhờ sự trợ giúp tài chính có giá trị khoảng $20.000 bằng vàng của Pháp cho Lục quân Lục địa, Washington đã thực hiện cú đánh cuối cùng chống người Anh năm 1781 sau khi chiến thắng của người Pháp trong 1 trận hải chiến đã giúp cho các lực lượng Pháp và Mỹ bao vây một quân đoàn Anh tại Virginia. Sự kiện người Anh đầu hàng tại Yorktown vào ngày 17 tháng 10 năm 1781 đã đánh dấu sự chấm dứt chiến sự lớn tại lục địa Bắc Mỹ.[83]
Tranh vẽ của John Trumbull miêu tả cảnh Washington từ chức tổng tư lệnh

Giải giới

Washington không thể tin rằng sau trận Yorktown người Anh sẽ không tái mở các chiến dịch thù nghịch chống Lục quân Lục địa. Người Anh vẫn còn khoảng 26.000 quân đang chiếm đóng Thành phố New York, Charleston và Savannah cùng với một hạm đội hùng mạnh. Lục quân và hải quân Pháp đã rút đi, vì thế chỉ còn lại người Mỹ tự chống đỡ từ năm 1782-83. Ngân khố Mỹ trống trơn, các binh sĩ không được trả lương ngày càng ngang bướng, gần như đến lúc muốn nổi loạn hoặc có tiềm năng làm đảo chính. Washington giúp tránh bạo loạn trong hàng ngũ các sĩ quan của mình bằng việc can thiệp vào một sự kiện thường gọi là âm mưu Newburgh vào tháng 3 năm 1783. Kết cuộc là Quốc hội đưa ra lời hứa phát tiền thưởng trong 5 năm.[84]
Theo Hiệp định Paris (ký vào tháng 9 năm đó), Vương quốc Anh công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ. Washington giải tán lục quân của mình và vào ngày 2 tháng 11, ông đọc một bài diễn văn từ biệt hùng hồn trước binh sĩ.[85]
Ngày 25 tháng 11, người Anh di tản khỏi Thành phố New York. Washington và thống đốc tiếp quản thành phố. Ngày 4 tháng 12, tại Quán rượu Fraunces, Washington chính thức từ biệt các sĩ quan của mình và vào ngày 23 tháng 12 năm 1783, ông từ chức tổng tư lệnh. Sử gia Gordon Wood kết luận rằng hành động vĩ đại nhất trong đời của Washington là việc ông từ chức tổng tư lệnh — một hành động đã làm cho quý tộc châu Âu phải bàng hoàng rúng động.[86] Vua George III đã gọi Washington "nhân vật vĩ đại nhất thời đại" vì hành động này.[87]

Hội nghị Hiến pháp năm 1787

Cuộc sống hưu trí của Washington ở Mount Vernon chỉ tồn tại ngắn ngủi. Ông thực hiện một chuyến thám hiểm đến biên cương phía Tây vào năm 1784,[1] được thuyết phục tham gia Hội nghị Hiến pháp tại Philadelphia vào mùa hè năm 1787, và được bầu làm chủ tịch Hội nghị này. Ông tham dự ít vào các buổi tranh luận (tuy ông có bỏ phiếu chống hoặc thuận cho nhiều điều khoản khác nhau) nhưng uy tín cao của ông đã giúp ông duy trì quyền lực trong hội nghị và giữ chân các đại biểu tiếp tục làm việc của họ. Trong đầu các đại biểu là muốn lập ra chức tổng thống cho Washington, và họ sẽ cho phép ông định nghĩa chức vụ này một khi ông được bầu.[88] Sau hội nghị, sự ủng hộ của ông đã thuyết phục nhiều người bỏ phiếu thông qua hiến pháp; Hiến pháp mới được tất cả 13 tiểu bang thông qua.[89]

Giai đoạn làm tổng thống (1789–1797)

Đại cử tri đoàn nhất trí bầu Washington làm vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ năm 1789,[Ghi chú 3] và lần nữa vào năm 1792; ông là tổng thống duy nhất nhận được 100 phần trăm phiếu đại cử tri.[Ghi chú 4] John Adams, người có số phiếu cao tiếp theo sau, được bầu làm Phó tổng thống. Tại buổi lễ nhậm chức, Washington tuyên thệ nhận chức Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 4 năm 1789 tại Đại sảnh Liên bang trong thành phố New York.
Quốc hội Hoa Kỳ lần thứ nhất biểu quyết trả lương cho Washington $25.000 một năm - đây là một con số lớn vào năm 1789. Washington, đã giàu có vào lúc đó, từ chối nhận lương vì ông coi trọng hình tượng của mình như là một đầy tớ công bất vị kỷ. Tuy nhiên sau đó ông cũng chấp nhận tiền lương vì bị Quốc hội hối thúc để tránh tạo ra một tiền lệ rằng chức vụ tổng thống chỉ được nhìn nhận có giới hạn đến những cá nhân giàu có độc lập, có thể phục vụ mà không cần bất cứ tiền lương nào.[91] Vì nhận biết rằng mọi thứ mà ông làm sẽ tạo nên một tiền lệ sau này nên Washington cẩn thận tham dự buổi lễ nhậm chức một cách trịnh trọng. Ông muốn chắc rằng chức danh và lễ phục phải xứng hợp với nền cộng hòa và không bao giờ mang nét phong kiến châu Âu. Vào lúc cuối, ông thích chức danh "Ngài Tổng thống" hơn là những cái tên gọi uy nghiêm hơn.[92]
Washington chứng tỏ là một người có tài lãnh đạo chính phủ. Là một đại diện xuất chúng, nhà phán đoán lỗi lạc và cá tính, Washington nói chuyện thường xuyên với các lãnh đạo các bộ và lắng nghe lời khuyên cáo của họ trước khi tạo quyết định tối hậu.[93] Khi xử lý công việc chính phủ hàng ngày, ông "rất có hệ thống, trật tự, nhiệt tâm, luôn xin ý kiến của người khác nhưng quả quyết..."[94]
Washington miễn cưỡng phục vụ nhiệm kỳ thứ hai. Ông từ chối ra tranh cử nhiệm kỳ ba và đã tạo ra tiền lệ rằng tổng thống chỉ phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ.

Các vấn đề đối nội

Washington không thuộc một đảng phái chính trị nào và hy vọng rằng các đảng chính trị sẽ không được thành lập vì sợ sự xung đột đảng phái sẽ làm tiêu tan chủ nghĩa cộng hòa.[95] Các cố vấn thân cận nhất của ông lập ra hai phe phái, khởi tạo ra khung sườn cho Hệ thống Đảng phái lần thứ nhất trong tương lai. Bộ trưởng Ngân khố Alexander Hamilton có các kế hoạch liều lĩnh nhằm thiết lập hệ thống tín dụng quốc gia và xây dựng một quốc gia mạnh về tài chính, và ông cũng đã lập ra cơ bản cho đảng Liên bang. Bộ trưởng Ngoại giao Thomas Jefferson, người sáng lập đảng Cộng hòa Jefferson, liên tiếp chống đối chương trình nghị sự của Hamilton nhưng nói chung Washington ưu ái Hamilton hơn là Jefferson. Kết quả, chương trình nghị sự của Hamilton trở thành có hiệu lực.[96]
Đạo luật Dinh cư năm 1790, được Washington ký, cho phép Tổng thống Hoa Kỳ chọn lựa vị trí rõ rệt nào đó để làm nơi thường trực của chính phủ. Vị trí này phải nằm dọc theo sông Potomac. Đạo luật cho phép Tổng thống bổ nhiệm ba ủy viên tiến hành thị sát và tìm cách thu hồi vùng đất để làm thủ đô. Cá nhân Washington trông coi nỗ lực này trong suốt nhiệm kỳ tại chức của mình. Năm 1791, các ủy viên đặt tên cho thủ đô thường trực này là "Thành phố Washington trong Lãnh thổ Columbia" để vinh danh Washington. Năm 1800, Lãnh thổ Columbia trở thành Đặc khu Columbia khi chính phủ liên bang dời về nơi thích hợp theo các điều khoản của Đạo luật Dinh cư.[97]
Năm 1791, Quốc hội áp đặt thuế môn bài lên các loại rượu khiến gây ra các cuộc phản đối nổ ra tại các khu vực biên cương, đặc biệt là tại tiểu bang Pennsylvania. Năm 1794, sau khi Washington ra lệnh những người biểu tình ra trình diện tại tòa án khu vực của Hoa Kỳ thì các cuộc phản đối trở nên bất chấp đối với chính phủ liên bang với qui mô lan rộng, được biết với tên gọi là Cuộc nổi loạn Whiskey. Lục quân liên bang quá nhỏ nhoi không thể dùng đến nên Washington áp dụng Đạo luật Quân sự 1792 để triệu hồi địa phương quân từ các tiểu bang Pennsylvania, Virginia và một số tiểu bang khác đến giúp. Các thống đốc phái binh sĩ đến. Washington tiếp nhận chức tư lệnh và đưa quân vào các khu vực nổi loạn. Những người nổi loạn tự giải tán và không có xung đột nào vì hành động mạnh bạo của Washington đã chứng minh rằng chính phủ mới có thể tự bảo vệ mình. Các sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên dưới hiến pháp mới rằng chính phủ liên bang đã sử dụng lực lượng quân sự mạnh để thực thi quyền lực của mình đối với các tiểu bang và công dân.[98]

Ngoại giao

Năm 1791, chẳng bao lâu sau khi Cách mạng Haiti bùng nổ, theo yêu cầu của người Pháp, chính phủ Washington đồng ý gởi tiền bạc, vũ khí và các đồ tiếp liệu khác đến thuộc địa Saint-Domingue (ngày nay là Haiti) thuộc Pháp để giúp những người thực dân đang hoang mang này. Sự trợ giúp này là một phần trong khoản trả nợ mà Hoa Kỳ thiếu trong Chiến tranh Cách mạng. Con số này dần dần lên đến khoảng $400.000.[99]
Mùa xuân năm 1793, một cuộc chiến tranh lớn nổ ra giữa nước Anh bảo thủ cùng với đồng minh của họ chống nước Pháp cách mạng, mở đầu một thời đại chiến tranh lan rộng khắp châu Âu mãi cho đến năm 1815. Được sự chấp thuận của nội các, Washington tuyên bố nước Mỹ trung lập. Chính phủ cách mạng Pháp phái nhà ngoại giao Edmond-Charles Genêt (được biết đến là công dân Genêt) đến Mỹ. Genêt được chào đón nhiệt liệt tại Mỹ. Ông tuyên truyền cho phía Pháp trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Anh. Với mục đích này, ông giúp đẩy mạnh phát triển một hệ thống gồm nhiều hội Dân chủ ở các thành phố lớn. Ông cấp phát thư ủy quyền tấn công của chính phủ Pháp cho các tàu Pháp được điều khiển bởi thủy thủ đoàn người Mỹ để họ có thể tấn công chiếm dụng các thương thuyền của Anh. Việc này làm cho Washington giận dữ, yêu cầu chính phủ Pháp triệu hồi Genêt về nước. Washington cũng lên án các hội dân chủ.[100]
Hamilton và Washington thảo ra Hiệp định Jay để bình thường hóa quan hệ mậu dịch với Anh, yêu cầu họ rút khỏi các pháo đài ở phía Tây, giải quyết các món nợ tài chính còn sót lại từ thời cách mạng.[101] John Jay là người đứng ra thương thuyết và ký hiệp định này vào ngày 19 tháng 11 năm 1794. Phe phái của Jefferson ủng hộ Pháp và mạnh mẽ công kích hiệp định này. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đã vận động được ý dân và đã chứng tỏ có ý nghĩa định đoạt khi hiệp định này được thông qua tại Thượng viện với tỉ lệ 2/3 đa số phiếu cần thiết.[102] Người Anh đồng ý bỏ các pháo đài của họ quanh Ngũ Đại Hồ, sau đó biên giới Hoa Kỳ-Canada được tái điều chỉnh, vô số các món nợ trước cách mạng Mỹ được thanh toán, và người Anh mở cửa các thuộc địa Tây Ấn của mình để giao thương với Mỹ. Quan trọng nhất, hiệp định đã giúp tạm gác lại chiến tranh với Anh và thay vào đó là một thập niên giao thương thịnh vượng với Anh. Hiệp ước này làm người Pháo giận dữ và trở thành một vấn đề trung tâm trong nhiều cuộc tranh cãi chính trị.[103]

Diễn văn từ biệt

Diễn văn từ biệt của Washington
Bài diễn văn từ biệt của Washington (được công bố trong hình thức một lá thư gởi đến công chúng vào năm 1796) là một trong những lời tuyên bố có sức ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa cộng hòa. Lá thư này phần lớn được Washington tự thảo ra cùng với sự giúp đỡ của Hamilton. Lá thư nhắn nhủ về nhu cầu và tầm quan trọng của sự thống nhất quốc gia, giá trị của Hiến pháp Hoa Kỳ và pháp quyền, những độc hại của các đảng phái chính trị và những đức tính đáng quí của một công dân cộng hòa. Ông gọi giá trị đạo đức là "một động cơ cần thiết của chính quyền nhân dân."[104]
Bài diễn văn chính trị gởi công chúng của Washington cảnh báo chống lại sự ảnh hưởng của ngoại quốc trong các vấn đề đối nội và sự can thiệp của Mỹ trong các vấn đề của châu Âu. Ông cảnh báo chống lại chủ nghĩa đảng phái trong nền chính trị quốc nội và kêu gọi mọi người nên vượt ra ngoài đảng phái và phục vụ lợi ích chung. Ông cảnh báo chống lại "những liên minh thường trực với bất cứ phần nào trên thế giới ở ngoại quốc".[105] Ông nói rằng Hoa Kỳ phải tập trung chủ yếu vào những lợi ích của Mỹ. Ông khuyên Hoa Kỳ nên làm bạn và giao thương với tất cả các quốc gia nhưng cảnh báo chống lại sự can thiệp của Mỹ tại các cuộc chiến tranh tại châu Âu hay gia nhập vào các liên minh "vướng bận" dài hạn. Bài diễn văn nhanh chóng ấn định những giá trị Mỹ liên quan đến các vấn đề đối ngoại.[106]

Về hưu (1797–1799)

Tranh vẽ George Washington
của Gilbert Stuart năm 1797
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống và về hưu vào tháng 3 năm 1797, Washington quay trở về Mount Vernon với cảm giác rất thoải mái. Ông dành ra nhiều thời gian cho nông trại và nhiều công việc thương mại khác trong đó có xưởng nấu rượu. Xưởng nấu rượu này cho ra lò một mẻ rượu đầu tiên vào tháng 2 năm 1797.[107] Theo Chernow (2010) giải thích, các hoạt động nông trại của ông thì sinh lợi rất tốt đẹp. Những vùng đất xa ở biên cương phía Tây sinh lợi rất ít vì chúng thường bị người bản thổ Mỹ tấn công và những người lập nghiệp sống ở đó không chịu trả tiền thuê đất cho ông. Tuy nhiên đa số người Mỹ mặc định rằng ông thật sự rất giàu có vì "vẻ hào quang thịnh vượng và hùng vĩ" nổi tiếng của nông trại Mount Vernon của ông.[108] Các sử gia ước tính tài sản của ông đáng giá khoảng 1 triệu đô la Mỹ của năm 1799, tương đương khoảng $18 triệu đô la của năm 2009.[109]
Ngày 4 tháng 7 năm 1798, Washington được Tổng thống John Adams ủy nhiệm vào cấp bậc trung tướngtổng tư lệnh tất cả các quân đoàn lục quân đã được hoặc sẽ được tuyển mộ để phục vụ một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai với Pháp. Ông phục vụ với tư cách là sĩ quan cao cấp của Lục quân Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 13 tháng 7 năm 1798 và 14 tháng 12 năm 1799. Ông tham gia vào việc lập kế hoạch cho một lực lượng Lục quân Lâm thời để đối phó với bất cứ tình hình khẩn cấp nào có thể xảy ra nhưng ông không ra trận. Vị tư lệnh đứng thứ hai sau ông, Hamilton, là người trực tiếp lãnh đạo lục quân.[110]

Qua đời

Thứ năm ngày 12 tháng 12 năm 1799, Washington dành vài tiếng đồng hồ trên lưng ngựa để kiểm tra nông trại của mình bị tuyết rơi, mưa đá và mưa băng - đến chiều tối hôm đó, ông ngồi ăn buổi tối mà không có thay quần áo ướt. Sáng thứ sáu, ông tỉnh giấc thấy đau cổ họng dữ dội (có lẽ viêm họng hay đau thanh quản cấp tính) và cảm thấy càng thêm khan cổ khi ngày trôi qua. Vào khoảng 3 giờ sáng thứ bảy, ông đánh thức vợ ông và nói rằng ông cảm thấy bệnh trong người. Bệnh tình ngày thêm trầm trọng cho đến khi ông mất tại nhà vào khoảng 10h tối thứ bảy ngày 14 tháng 12 năm 1799, thọ 67 tuổi. Lời cuối cùng của ông là "'Tis well" (tạm hiểu là tốt lắm, tôi chết đau đớn nhưng tôi không sợ).[111][112]
Khắp thế giới, mọi người đều buồn bã vì cái chết của Washington. Napoleon ra lệnh 10 ngày tang lễ khắp nước Pháp; tại Hoa Kỳ, hàng ngàn người vận quần áo tang trong nhiều tháng.[113] Để bảo mật sự riêng tư của họ, Martha Washington đốt hết các thư từ của ông bà viết cho nhau sau khi ông mất. Chỉ còn lại ba lá thứ giữa hai người vẫn tồn tại đến ngày nay.
Mộ của Washington ở Mount Vernon, Virginia
Ngày 18 tháng 12 năm 1799, lễ tang được tổ chức tại Mount Vernon. Ông được chôn cất tại nơi đây.[114]
Với sự ủng hộ của vợ ông, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết chung nhằm xây một tượng đài bằng cẩm thạch trong Tòa Quốc hội Hoa Kỳ để cất giữ thân xác ông. Tháng 12 năm 1800, Hạ viện Hoa Kỳ đưa một đạo luật chi tiêu khoảng $200.000 để xây dựng lăng mộ hình kim tự tháp có đáy rộng 100 bộ vuông (30 mét vuông). Sự phản đối dự án này từ miền Nam đã đánh bại đạo luật vì người miền Nam cảm thấy để xác của ông tại Mount Vernon là tốt nhất (ông là người từ Virginia, một tiểu bang miền Nam vào thời đó).[115]
Năm 1831, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông, một ngôi mộ mới được xây cho ông. Năm đó, có một âm mưu đánh cắp xác của ông đã được thực hiện nhưng được chứng minh là không thành công.[116] Dù vậy, một ủy ban quốc hội chung (ủy ban của cả hai viện lập pháp) vào đầu năm 1832 đã bàn thảo đến việc dời thân thể của Washington ra khỏi Mount Vernon để đưa đến một hầm mộ trong Tòa nhà Quốc hội do Charles Bullfinch xây vào thập niên 1820. Lại thêm một lần nữa, sự chống đối từ miền Nam tỏ ra rất dữ dội, do sự hiềm khích ngày càng sâu rộng giữa miền Nam và miền Bắc. Dân biểu Wiley Thompson của tiểu bang Georgia phát biểu về nỗi lo sợ của người miền Nam khi ông nói:
Đưa hài cốt Washington kính yêu của chúng tôi tách rời khỏi nơi có hài cốt thân nhân và tổ tiên của ông từ Mount Vernon và ra xa khỏi tiểu bang nhà của ông để đem đặt trong thủ đô này, và rồi nếu có xảy ra sự tan rả liên bang này, thì hãy xem lúc đó hài cốt của Washington sẽ nằm trên một bến bờ xa lạ so với đất quê hương của ông.[117]
Điều này làm các cuộc bàn thảo về việc di dời hài cốt của ông chấm dứt, và ông được đưa vào ngôi mộ mới được xây dựng tại đó vào ngày 7 tháng 10 năm 1837 với sự chủ trì của John Struthers từ thành phố Philadelphia.[118] Sau buổi lễ, cửa hầm mộ bên trong được đóng lại và chìa khóa mở ngôi mộ được quăng xuống sông Potomac.[119]

Di sản

Dân biểu Henry "Light-Horse Harry" Lee, một người bạn chiến đấu của ông thời Chiến tranh Cách mạng Mỹ, nổi tiếng qua những lời lẽ ca ngợi Washington như sau:[120]
Người đầu tiên trong chiến tranh, người đầu tiên trong hòa bình, và người đầu tiên nằm trong lòng dân tộc, ông là người có một không hai về đức tính khiêm nhường và trải qua những đoạn đời riêng tư. Lễ nghĩa, công bình, nhân đạo, ôn hòa, và thành thật; trước sau như một, trang nghiêm, và uy nghi; mẫu người của ông như đang soi sáng cho tất cả những người quanh ông cũng như những hiệu ứng của mẫu hình này vẫn đang trường tồn... Xuyên suốt chúng, cái xấu rúng động trước sự hiện diện của ông và cái đẹp luôn cảm thấy có bàn tay giúp đỡ của ông. Đức tính cá nhân thanh khiết của ông đã thắp sáng đức độ phục vụ công chúng của ông... Ông là một người đàn ông như thế, người đàn ông mà quốc gia chúng ta đang thương tiếc.
William Safire, ed. Lend me your ears: great speeches in history (2004) p. 185
Chân dung Washington năm 1751 của James Sharples được dùng trên con tem phát hành năm 1908,[121][122]
Lời lẽ ca ngợi của Lee đã tạo ra chuẩn mực mà qua đó danh tiếng vượt bậc của Washington có ấn tượng sâu sắc trong ký ức của người Mỹ. Washington đã tạo ra nhiều tiền lệ cho chính phủ quốc gia, và đặc biệt là cho chức vụ tổng thống. Ông được gọi là "cha già dân tộc" bắt đầu kể từ năm 1778.[123][124][125] Sinh nhật của Washington (được chào mừng trong ngày Lễ Tổng thống), là một ngày nghỉ lễ liên bang tại Hoa Kỳ.[126]
Trong năm chào mừng "Hoa Kỳ 200 năm", George Washington được vinh thăng lên cấp bậc Đại thống tướng theo nghị quyết chung của Quốc hội Hoa Kỳ (xin xem Công luật 94-479), được thông qua vào ngày 19 tháng 1 năm 1976, có hiệu lực vào ngày 4 tháng 7 năm 1976.[1] Hành động này đã nâng vị trí của Washington lên thành vị sĩ quan quân sự cao cấp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Cây Cherry

Những câu chuyện mơ hồ về tuổi thơ của Washington gồm có câu chuyện cho rằng ông đánh lướt một đô la bằng bạc chạy băng qua sông PotomacMount Vernon và rằng ông đốn ngã cây cherry của cha ông, và thừa nhận hành vi này khi bị tra hỏi; "Con không thể nói dối, ba à". Giai thoại này lần đầu tiên được Parson Weems, người chuyên viết tiểu sử, tường thuật. Ông này đã phỏng vấn những người biết Washington lúc nhỏ. Phiên bản câu chuyện từ Weems được in ấn rộng khắp suốt thế kỷ 19, chẳng hạn như trong McGuffey Readers. Những người lớn có đầu óc đạo đức luôn mong muốn trẻ em học những bài học luân lý trong quá khứ lịch sử, đặc biệt từ những đại anh hùng quốc gia như Washington. Tuy nhiên sau năm 1890, các sử gia viện dẫn qua những phương pháp nguyên cứu khoa học để chứng thực từng câu chuyện, và họ đã không tìm được bằng chứng nào trong câu chuyện do Weems thuật lại. Vào năm 1904, Joseph Rodman ghi nhận rằng Weems đã đạo văn cho các câu chuyện khác về Washington từ các câu chuyện tiểu thuyết đã được xuất bản tại Anh Quốc; không ai tìm được một nguồn thay thế nào cho câu chuyện về cây cherry nhưng sự tín nhiệm của Weems thì đáng nghi ngờ.[127][128]

Các con tem tưởng niệm

Hình của George Washington được in trên tiền của Hoa Kỳ trong đó có tiền giấy một đô la và tiền kim loại 25 xu. Trên tem thư Hoa Kỳ, hình của Washington được in vô số lần và trong nhiều loại khác nhau. Hình ông có trên một trong số những con tem đầu tiên do Bưu điện Hoa Kỳ phát hành vào năm 1847 cùng với hình của Benjamin Franklin.[121] Bắt đầu vào năm 1908, Bưu điện Hoa Kỳ phát hành trong thời gian dài nhất một loạt tem thư trong lịch sử Bưu điện Hoa Kỳ khi phát hành bộ tem "Washington-Franklin". Đây là một bộ tem thư gồm có hơn 250 con tem có hình Washington và Franklin. Hình của Washington được in trên tem thư Hoa Kỳ nhiều hơn tất cả những người Mỹ nổi tiếng khác cộng lại, kể cả Abraham LincolnBenjamin Franklin.[121]
Washington, phát hành năm 1862, loại 24 xu
Washington, phát hành năm 1895, loại 2 xu
Bộ tem Washington-Franklin năm 1917, loại 5 xu
Bộ tem Washington-Franklin năm 1917, loại 7 xu
Washington cầu nguyện ở Valley Forge, phát hành năm 1928, loại 2 xu

Các tượng đài và đài tưởng niệm

Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc cách mạng Mỹ, có nhiều lời đề nghị xây đựng một tượng đài ghi công Washington. Sau khi ông mất, Quốc hội Hoa Kỳ ra lệnh xây dựng một đài tưởng niệm phù hợp tại thủ đô quốc gia nhưng quyết định này bị đảo ngược khi đảng Cộng hòa nắm kiếm soát Quốc hội vào năm 1801. Các đảng viên Cộng hòa mất tinh thần vì Washington đã trở thành biểu tượng của đảng Liên bang; hơn thế nữa, các giá trị của chủ nghĩa cộng hòa dường như không phù hợp với ý tưởng xây dựng những tượng đài dành cho những người có quyền lực.[129] Thêm chuyện cãi vã chính trị cùng với sự chia rẽ Nam-Bắc trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ đã ngăn cản việc hoàn thành tượng đài Washington mãi cho đến cuối thế kỷ 19. Đến thời điểm đó, hình ảnh của Washington được xem là vị anh hùng quốc gia được cả hai miền Nam và Bắc tôn sùng nên các tượng đài của ông không còn là chuyện gây tranh cãi nữa.[130] Trước khi có tượng đài hình tháp nằm trên National Mall vào khoảng vài thập niên trước đó, công dân của thành phố Boonsboro, Maryland đã xây dựng đài tưởng niệm công cộng đầu tiên để tưởng niệm Washington vào năm 1827.[131]
Ngày nay, hình tượng và khuôn mặt của Washington thường được dùng như những biểu tượng quốc gia của Hoa Kỳ.[132] Hình ảnh ông có mặt trên các loại tiền hiện thời trong đó có tiền giấy một đô la và tiền kim loại 25 xu, và trên các loại tem thư của Hoa Kỳ. Ngoài việc hình ảnh ông có mặt trên các loại tem thư đầu tiên do Bưu điện Hoa Kỳ phát hành năm 1847,[121] Washington cùng với Theodore Roosevelt, Thomas Jefferson, và Lincoln, được tạc tượng trên Đài tượng niệm Núi Rushmore. Tượng đài Washington, một trong số những địa điểm nổi tiếng nhất của Mỹ, được xây để vinh danh ông. Tượng đài Quốc gia Tam điểm George Washington tại Alexandria, Virginia được xây dựng giữa năm 1922 và 1932 với đóng góp tự nguyện của tất cả 52 cơ quan điều hành địa phương của Hội Tam điểm tại Hoa Kỳ.[133][134]
Tượng người cởi ngựa, năm 1860 của điêu khắc gia Clark Mills, nằm trong Vòng xoay Washington tại thủ đô Washington, D.C.
Nhiều nơi và nhiều thực thể đã được đặt tên Washington để vinh danh ông. Tên Washington trở thành tên của thủ đô quốc gia, Washington, D.C., một trong hai thủ đô quốc gia trên thế giới đã được đặt tên của một vị tổng thống Mỹ (tên tổng thống Mỹ khác được đặt cho thủ đô của LiberiaMonrovia). Tiểu bang Washington là tiểu bang duy nhất được đặt tên của một vị tổng thống Mỹ.[135] Đại học George WashingtonĐại học Washington tại St. Louis được đặt tên ông cũng như Đại học Washington và Lee đã từng đổi thành Học viện Washington khi Washington quyên tặng rất nhiều tiền cho trường này vào năm 1796. Đại học Washington tại Chestertown, Maryland (do hiến chương tiểu bang Maryland thành lập năm 1782) được Washington ủng hộ suốt cuộc đời mình bằng việc trao tặng 50 đồng tiền vàng Anh[136] và phục vụ trong ban hội đồng đặt trách quan khách và điều hành của trường cho đến năm 1789 (khi Washington được bầu làm tổng thống).[137] Vô số thành phố và thị trấn Mỹ có một đường phố mang tên Washington.
Quốc ấn của Liên minh miền nam Hoa Kỳ nổi bật có hình George Washington trên lưng ngựa,[138] trong tư thế tương tự như một tượng đá hình ông tại thành phố Richmond, Virginia.[139]
Luân Đôn có một tượng đồng Washington, đây là một trong số 22 khuôn mẫu tượng đồng giống nhau. Dựa vào bức tượng bằng cẩm thạch ban đầu do Jean Antoine Houdon điêu khắc và được đặt trong gian phòng hình tròn của Tòa Quốc hội Tiểu bang ở Richmond, Virginia, bức tượng sao chép được Thịnh vượng chung Virginia trao tặng cho người Anh năm 1921. Bức tượng này đứng trước Phòng trưng bày Quốc gia (Luân Đôn) trong Quảng trường Trafalgar.[140]

Viết lách và tài liệu của George Washington

Việc sưu tầm và xuất bản trịnh trọng các tác phẩm viết lách và tài liệu của Washington được bắt đầu bằng tác phẩm tiền phong của Jared Sparks vào thập niên 1830 có tựa đề Life and Writings of George Washington (12 cuốn, xuất bản từ 1834–1837). The Writings of George Washington from the Original Manuscript Sources, 1745-1799 (1931–44) là một bộ sựu tập gồm có 37 cuốn do John C. Fitzpatrick biên tập. Bộ sưu tập này gồm có trên 17.000 lá thư và tài liệu và có thể tìm thấy tại đây.
Phiên bản cuối cùng in toàn chữ (không có hình ảnh) được Đại học Virginia bắt đầu xuất bản vào năm 1968, và đến nay đã có đến 52 cuốn được xuất bản và các cuốn nữa sẽ xuất bản. Bộ sưu tập này gồm có mọi thứ mà Washington viết hoặc do ông ký cùng với đa số thư từ ông nhận được. Một phần của bộ sưu tập này có tại đây.

Đời sống cá nhân

Cùng với gia đình thân thuộc của vợ ông, Martha, có nói ở trên, George Washington có quan hệ gần gũi với cháu trai và cũng là người thừa kế tên là Bushrod Washington, con trai của em trai John Augustine Washington của ông. Sau khi chú qua đời Bushrod trở thành một thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Tuy nhiên mối quan hệ của George Washington với mẹ là bà Mary Ball Washington rõ ràng là có gì đó khó khăn và căng thẳng.[141]
Khi còn là một thanh niên, Washington có mái tóc đỏ.[142][143] Có một truyền thuyết dân gian cho rằng ông đội tóc giả như một kiểu thời trang vào thời đó. Sự thật Washington không có đội tóc giả; thay vào đó ông rắc phấn bột vào tóc của mình,[144][145] như được thấy trong một số bức họa trong đó có bức họa nổi tiếng nhưng dở dang của họa sĩ Gilbert Stuart.[146]
Washington bị răng của mình hành hạ suốt cả cuộc đời. Ông mất chiếc răng trưởng thành đầu tiên khi ông 22 tuổi và chỉ còn lại 1 chiếc khi ông trở thành tổng thống.[147] John Adams tuyên bố rằng Washington mất răng vì ông dùng nó để cắn hạt Brasil nhưng các sử gia hiện đại cho rằng chính điôxít thủy ngân mà ông uống để trị bệnh như đậu mùasốt rét có lẽ đã góp phần vào việc làm rụng răng của ông. Ông được làm một vài bộ răng giả, bốn trong số đó do một nha sĩ có tên là John Greenwood.[147] Không như công chúng nghĩ, các bộ răng giả này không phải làm bằng gỗ. Bộ răng được làm cho ông khi ông trở thành tổng thống là làm bằng ngà voi và ngà hà mã, giữ chặt lại bằng niềng vàng.[148] Vấn đề của răng đã làm cho Washington thường hay đau răng nên ông phải dùng cồn thuốc phiện.[149] Nỗi đau đớn vì chứng đau răng có thể được bộc lộ rõ ràng trong nhiều bức hình được họa khi ông vẫn còn tại chức,[149] trong đó phải kể đến bức hình được sử dụng trên tờ giấy bạc $1 đô la Mỹ.[146][Ghi chú 5]

Vấn đề người nô lệ

Sau cái chết của cha năm 1743, cậu bé George Washington 11 tuối thừa hưởng gia tài gồm 10 người nô lệ. Vào lúc ông kết hôn với Martha Custis năm 1759, cá nhân ông làm chủ ít nhất 36 nô lệ (vợ ông thừa hưởng và mang đến Mount Vernon một số nô lệ của chồng trước quá cố, ít nhất là 85 người). Ông dùng tài sản giàu có của vợ để mua thêm đất, tăng gấp ba lần diện tích đồn điền, và thêm nhiều nô lệ để canh tác đồn điền. Năm 1774, ông trả thuế đánh trên 135 nô lệ (không tính nô lệ của vợ ông được thừa hưởng từ người chồng đầu tiên quá cố của bà). Lần mua nô lệ cuối cùng của ông là vào năm 1772 dù sau này ông có nhận một số nô lệ để trừ nợ.[150] Washington cũng dùng những người da trắng di cư làm người giúp việc gia đính để trả nợ di dân; tháng 4 năm 1775, ông đã trả tiền thưởng để nhận lại hai người da trắng giúp việc nhà sau khi hai người này bỏ trốn.[151]
Một sử gia tuyên bố rằng Washington ước mong những lợi ích vật chất từ việc làm chủ nô lệ và muốn cho gia đình vợ của ông có một tài sản kế thừa thịnh vượng.[152] Trước Cách mạng Mỹ, Washington không bài tỏ vấn đề đạo đức gì về chủ nghĩa nô lệ nhưng vào năm 1786, Washington viết cho Robert Morris như sau "Không ai mong muốn chân thành hơn tôi là thấy một kế hoạch được thông qua nhằm mục đích bãi bỏ chế độ nô lệ".[153] Năm 1778, ông viết thư cho người quản lý của ông ở đồn điền Mount Vernon rằng ông muốn "bỏ hết người da đen". Duy trì một dân số nô lệ lớn và ngày càng già tại Mount Vernon thì không có lợi ích kinh tế. Tuy nhiên Washington không thể bán những "nô lệ thừa kế" của vợ (dower slaves) một cách hợp pháp, và vì những nô lệ này đã liên-hôn với các nô lệ của chính ông nên ông cũng không thể bán nô lệ của mình với lý do nếu ông bán nô lệ của mình thì ông gián tiếp làm cho gia đình họ ly tán.[154]
Lúc làm tổng thống, Washington đưa 7 nô lệ đến Thành phố New York năm 1789 để làm người giúp việc nhà đầu tiên cho tổng thống. Sau khi thủ đô quốc gia chuyển đến Philadelphia năm 1790, ông đưa 9 nô lệ đến làm việc trong dinh tổng thống. Lúc ông mất, có 317 nô lệ làm việc tại Mount Vernon trong số đó Washington làm chủ 123 người, 154 người là "nô lệ thừa kế" của vợ và 40 người được một người hàng xóm mướn.[155] Dorothy Twohig cho rằng Washington đã không lên tiếng công khai chống lại chủ nghĩa nô lệ vì ông không muốn tạo sự chia rẽ trong nước cộng hòa mới thành lập bằng một vấn đề rất nhạy cảm và gây chia rẽ lúc bấy giờ.[156]

Tôn giáo

Washington là một thành viên của Nhà thờ Anh Giáo đã "thiết lập được địa vị" tại tiểu bang Virginia (điều đó có nghĩa là tiền thuế được dùng để trả cho các vị chức sắc giáo hội). Ông là một thành viên phục vụ trong ban điều hành Nhà thờ Christ tại Alexandria, Virginia và Nhà thờ Pohick gần nhà của ông trong đồn điền Mount Vernon cho đến khi chiến tranh bắt đầu; tuy nhiên giáo khu này là một đơn vị của chính quyền địa phương và giáo khu này phần lớn lo những công việc dân sự như đường sá và giảm nghèo.[157]
Theo sử gia Paul F. Boller Jr., thực tế mà nói Washington là một người theo thuyết thần giáo tự nhiên, có niềm tin sâu rộng vào "Trời" hay cao hơn là "Ý Trời" được lấy ra từ một "Đấng Tối cao" kiểm soát các sự kiện của con người và như trong Thần học Calvin là bài học lịch sử theo sau một mô hình trật tự hơn chỉ là sự tình cờ.[158][159] Năm 1789, Washington tuyên bố rằng "Đấng sáng tạo Vũ trụ" đã tích cực can thiệp về phe Cách mạng Mỹ. Tuy nhiên, theo Boller, Washington chưa bao giờ tìm cách xác định quan điểm tôn giáo của chính mình hay diễn đạt lời cỗ vũ nào dành cho khía cạnh tốt đẹp của thánh kinh. Boller cho rằng "những lời bóng gió về tôn giáo của Washington hoàn toàn thiếu chiều sâu cảm xúc" [160] Về khía cạnh triết lý, ông say mê và chọn triếc lý Stoic của cổ La Mã. Triết lý này coi trọng đức hạnh và nhân bản và có thể sánh cao bằng thuyết thần giáo tự nhiên.[161]
Trong một lá thư gởi George Mason năm 1785, Washington viết rằng ông không phải trong số những người bị cảnh báo bởi một đạo luật "bắt người ta phải trả tiền để ủng hộ tôn giáo mà họ theo" nhưng cảm thấy rằng "không khôn ngoan" để thông qua một đạo luật như thế, và mong muốn rằng nó đã chưa từng được đề nghị vì tin rằng nó sẽ làm náo động cuộc sống yên ổn của công chúng.[162]
Washington thường tháp tùng vợ đến lễ nhà thờ; tuy nhiên, không có ghi chép nào nói về việc ông nhận lễ ban thánh thể. Ông thường hay rời lễ nhà thờ trước khi có lễ ban thánh thể — cùng với những người không nhận lễ ban thánh lễ khác. Đến khi bị một mục sư quở trách, ông thôi không tham dự các buổi lễ ban thánh lễ vào những ngày chủ nhật.[163] Khi làm tổng thống, ông khích lệ mọi người khi ông được người ta thấy tham gia thánh lễ tại vô số các nhà thờ trong đó có nhà thờ Presbyterian, QuakerCông Giáo để chứng tỏ sự ủng hộ tổng thể của ông cho tôn giáo.[164] Washington nổi tiểng rộng lượng. Ông tham dự nhiều sự kiện từ thiện và tặng tiền cho các trường, các đại học và cho người nghèo. Là công dân hàng đầu của Philadelphia, Tổng thống Washington dẫn đầu trong công cuộc cung cấp từ thiện cho các quả phụ và trẻ mồ côi trong thành phố thủ đô bị dịch sốt vàng hoành hành vào năm 1793.[165]

Thành viên Hội Tam Điểm

Năm 1752 Washington được thu nhận vào Hội Tam điểm.[166] Trong lễ nhậm chức tổng thống năm 1789, Đại sư phụ chi hội New York đã chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức của ông. Ngày 18 tháng 9 năm 1793, ông đặt viên đá góc của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ có mang dấu hiệu Đại sư phụ Hội Tam điểm. Washington kính trọng cao độ đối với nội quy của hội và thường hay ca ngợi nó nhưng ông ít khi tham dự các buổi họp của chi hội. Ông bị lôi cuốn bởi sự tận tụy của phong trào đối với những nguyên lý khai sáng; các chi hội Mỹ không chia sẻ triển vọng chống tăng lữ mà đã khiến cho các chi hội tại châu Âu bị tai tiếng[167]

Gia đình riêng

George Washington là con đầu của ông Augustine Washington (1964-1743) với vợ hai là bà Mary Ball Washington (1708-1789). Trước khi tái giá, ông Augustine Washington đã có 4 con với vợ đầu Jane Butler, trong đó có 2 người chết lúc còn trẻ. Ông Augustine và bà Mary đẻ 6 người con, trong đó người con út mất ngay lúc 1 tuổi. Do đó, George Washington có tất cả 4 anh chị cùng cha khác mẹ và 5 em ruột.
Anh chị cùng cha khác mẹ
  1. Butler Washington (1716)
  2. Lawrence Washington (1718–1752)
  3. Augustine Washington II (1720–1762)
  4. Jane Washington (1722–1735)
Em ruột
  1. Elizabeth Washington (1733–1797)
  2. Samuel Washington (1734–1781)
  3. John Augustine Washington (1736–1787)
  4. Charles Washington (1738–1799)
  5. Mildred Washington (1739–1740)

Chú thích

  1. ^ Ngày sinh và ngày mất của George Washington được ghi nhận bằng lịch Gregory. Tuy nhiên, ông được sinh ra khi Anh và các thuộc địa của mình vẫn còn sử dụng lịch Julius, vì thế các hồ sơ đương thời ghi ngày sinh của ông là 11 tháng 2 năm 1731. Những qui định của Đạo luật về lịch năm 1750, được áp dụng vào năm 1752, đã thay đổi phương pháp tính ngày chính thức của Anh sang lịch Gregory với ngày khởi đầu là 1 tháng 1. Để hiểu rỏ hơn về 'lịch củ' (Julius) / 'lịch mới' (Gregory), xin xem Ancestry Magazine's Time to Take Note: The 1752 Calendar Change and for an explanation of how historians render Washington's birthdate and year see Ancestry's When is George Washington's Birthday?
  2. ^ Chẳng hạn, Ellis và Ferling không bàn về thái độ này khi nói về sự phục vụ của Washington trong Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp, và đặc biệt gần như đã bỏ mất những phần nói về những kinh nghiệm tiêu cực của ông khi xử sự với Quốc hội Lục địa trong suốt cuộc Cách mạng. Xem Ellis, His Excellency: George Washington (2004), p. 218, Ferling, The Ascent of George Washington: The Hidden Political Genius of an American Icon (2010), pp. 32–33,200,258–272,316. Don Higginbotham cho rằng lời chủ trương chính thức đầu tiên của Washington về một chính phủ trung ương mạnh là vào năm 1783 (Higginbotham, George Washington: Uniting a Nation (2004), p. 37).
  3. ^ Dưới Hiến pháp Hợp bang, Quốc hội gọi viên chức chủ tọa của mình là "President of the United States in Congress Assembled" (tạm dịch: Tổng thống hay Chủ tịch Hoa Kỳ tại Quốc hội nhóm họp). Viên chức này không có quyền lực hành chính nhưng chức danh có các từ tiếng Anh tương tự đã khiến cho một số người lầm tưởng rằng khi Washington làm tổng thống thì Hoa Kỳ đã từng có tổng thống trước đó.[90]
  4. ^ Theo hệ thống có vào thời đó, mỗi đại cử tri bỏ hai lá phiếu. Người nào có nhiều phiếu nhất thì trở thành tổng thống và người kế tiếp trở thành phó tổng thống. Tất cả các đại cử tri trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 1789 và 1792 đã bỏ một phiếu của mình cho Washington; vì thế người ta nói rằng ông đã được nhất trí bầu làm tổng thống.
  5. ^ Viện Smithsonian có nói trong "The Portrait - George Washington: A National Treasure" rằng:
    Stuart say mê bức tượng Washington của nghệ nhân Pháp Jean-Antoine Houdon, có lẽ vì nó dựa trên khuôn mặt thật và vì thế rất đỗi chính xác. Stuart giải thích rằng "Khi tôi vẽ chân dung ông, ông đang có một bộ răng giả gắn trong hàm và nó đã khiến cho miệng và phần dưới khuôn mặt của ông có nét co lại rất dễ nhận thấy. Bức tượng bán thân mà nghệ nhân Houdon tạc ra không bỏ sót khuyết điểm này. Tôi muốn thấy ông trông giống như vậy như lúc đó".[149]

Dẫn chứng

  1. ^ a ă â b Bell, William Gardner (1983). Commanding Generals and Chiefs of Staff: 1775–2005; Portraits & Biographical Sketches of the United States Army's Senior Officer. Center of Military History – United States Army. tr. 52, 66. ISBN 0160723760. CMH Pub 70–14. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2009.
  2. ^ George Washington: Surveyor and Mapmaker retrieved 1 November 2012]
  3. ^ Chernow, Ron. (October 18, 2010) (MP3). Ron Chernow on George Washington. [Podcast]. Philadelphia, Pa: National Constitution Center. Truy cập 2011-12-29.
  4. ^ Encyclopedia Of The Enlightenment Ellen Judy Wilson, Peter Hanns Reill – 2004 page 148, retrieved 2012-04-26
  5. ^ Andrew Cayton, "Learning to Be Washington," New York Times Sept. 30, 2010
  6. ^ Conor Cruise O'Brien. First in Peace: How George Washington Set the Course for America (2009) p. 19
  7. ^ Marcus Cunliffe, George Washington: Man and Monument (1958) pp 24-26
  8. ^ Engber, Daniel (18 tháng 1 năm 2006). “What's Benjamin Franklin's Birthday?”. Slate. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
  9. ^ “Image of page from family Bible”. Papers of George Washington. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2008.
  10. ^ Albert H. Spencer,Genealogy of the Spencer family (1956), v (snippet)
  11. ^ Randall, George Washington: A Life (1998), pp. 8,11
  12. ^ Ellis, His Excellency: George Washington (2004), p. 8
  13. ^ Twohig, Dorothy (1998). “The Making of George Washington”. Trong Hofstra, Warren R. George Washington and the Virginia Backcountry (Madison, WI: Madison House). ISBN 9780945612506.
  14. ^ a ă “George Washington's Family Chart”. Mount Vernon Ladies' Association. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2011.
  15. ^ “Burials at George Washington Birthplace National Monument”. George Washington Birthplace National Monument. National Park Service. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2011.
  16. ^ Freeman, George Washington: A Biography (1948), pp. 1:15–72
  17. ^ Freeman, George Washington: A Biography (1948), p. 1:199
  18. ^ Chernow, Washington: A Life (2010), ch. 1
  19. ^ Flexner, Washington: The Indispensable Man (1976), p. 8
  20. ^ Freeman, George Washington: A Biography (1948), p. 1:264
  21. ^ Freeman, George Washington: A Biography (1948), p. 1:268
  22. ^ Randall, George Washington: A Life (1998), p. 67
  23. ^ Freeman, George Washington (1948), pp. 1:274–327
  24. ^ Lengel, General George Washington (2005) pp 23–24
  25. ^ Lengel, General George Washington (2005) pp 31–38
  26. ^ Anderson, Crucible of War: The Seven Years' War and the Fate of Empire in British North America (2000), pp. 53-58
  27. ^ Grizzard, George Washington pp 115–19
  28. ^ a ă Ellis, His Excellency: George Washington (2004), pp. 17–18
  29. ^ Anderson, The War That Made America (2005), pp. 100–101
  30. ^ Ellis, His Excellency: George Washington (2004), p. 22
  31. ^ Flexner, George Washington: the Forge of Experience, 1732–1775 (1965), p. 138
  32. ^ Fischer, Washington's Crossing (2004), pp. 15–16
  33. ^ Ellis, His Excellency: George Washington (2004), p. 38
  34. ^ Lengel, General George Washington pp 75–76, 81
  35. ^ Chernow, Washington: A Life (2010), ch. 8; Freeman and Harwell, Washington (1968), pp. 135–139; Flexner, Washington: The Indispensible Man (1984), pp. 32–36; Ellis, His Excellency: George Washington (2004), ch. 1; Higginbotham, George Washington and the American Military Tradition (1985), ch. 1; Lengel, General George Washington pp 77–80
  36. ^ Ellis, His Excellency: George Washington (2004), pp. 38, 69
  37. ^ Fischer, Washington's Crossing (2004), p. 13
  38. ^ Higginbotham, George Washington and the American Military Tradition (1985), pp. 14–15
  39. ^ Lengel, General George Washington, p 80
  40. ^ Chernow, Washington: A Life (2010), ch. 8
  41. ^ Higginbotham, George Washington and the American Military Tradition (2004), pp. 22–25
  42. ^ Freeman and Harwell, Washington (1968), pp. 136–137
  43. ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, p. 34
  44. ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, pp. 33-34
  45. ^ Bumgarner, John R. (1994). The Health of the Presidents: The 41 United States Presidents Through 1993 from a Physician's Point of View. Jefferson, NC: MacFarland & Company. tr. 1–8.Flexner, James Thomas (1974). Washington: The Indispensible Man. Boston. Little, Brown. tr. 42, 43.
  46. ^ “GEORGE WASHINGTON 1732-99”. Burke's Peerage and Gentry. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2010.
  47. ^ Ellis, His Excellency, George Washington, pp. 41–42, 48
  48. ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, p. 44
  49. ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, pp. 43–44
  50. ^ Dennis J. Pogue, Ph.D. (Spring/Summer 2003). “George Washington And The Politics of Slavery”. Historic Alexandria Quarterly. Office of Historic Alexandria (Virginia). Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
  51. ^ Fox hunting: Ellis, p. 44. Mount Vernon economy: John Ferling, The First of Men, pp. 66–67; Ellis, pp. 50–53; Bruce A. Ragsdale, "George Washington, the British Tobacco Trade, and Economic Opportunity in Pre-Revolutionary Virginia", in Don Higginbotham, ed., George Washington Reconsidered, pp. 67–93.
  52. ^ David Hackett Fischer, Washington's Crossing (2004) p. 14
  53. ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, pp. 73–76
  54. ^ a ă Rasmussen, William Meade Stith; Robert S. Tilton (1999). George Washington--the man behind the myths. University of Virginia Press. tr. 100. ISBN 9780813919003. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2011.
  55. ^ “George Washington:Surveyor and Mapmaker (Washington as land speculator - Western Lands and the Bounty of War)”. Library of Congress. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2011.
  56. ^ Grizzard, George Washington pp 135–37
  57. ^ Freeman, George Washington (1968) pp 174-76
  58. ^ Willard Sterne Randall, George Washington: A Life (1998) p. 262
  59. ^ Ferling, p. 99
  60. ^ Rasmussen, William Meade Stith; Robert S. Tilton (1999). George Washington--the man behind the myths. University of Virginia Press. tr. 294. ISBN 9780813919003. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2010.
  61. ^ Ellis, His Excellency pp 68-72
  62. ^ E. Wayne Carp, To Starve the Army at Pleasure: Continental Army Administration and American Political Culture, 1775-1783 (1984)
  63. ^ “American Revolution Officers Revealed”. Truth It. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2011.
  64. ^ Jensen, Richard (12 tháng 2 năm 2002). “Military History of the American Revolution”. UIC.edu. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2011.
  65. ^ Orlando W. Stephenson, "The Supply of Gunpowder in 1776", American Historical Review, Vol. 30, No. 2 (January 1925), pp. 271–281 in JSTOR
  66. ^ Troy O. Bickham, "Sympathizing with Sedition? George Washington, the British Press, and British Attitudes During the American War of Independence", William and Mary Quarterly 2002 59(1): 101–122. ISSN 0043-5597 Fulltext online in History Cooperative
  67. ^ McCullough, David (2005). 1776. New York City: Simon & Schuster. tr. 186–195. ISBN 978-0743226714.
  68. ^ Ketchum, p.235
  69. ^ Fischer, Washington's Crossing p 367
  70. ^ George Washington Biography, American-Presidents.com. Retrieved July 29, 2009.
  71. ^ The term comes from the Roman strategy used by General Fabius against Hannibal's invasion in the Second Punic War.
  72. ^ Ferling and Ellis argue that Washington favored Fabian tactics and Higginbotham denies it. Ferling, First of Men; Ellis, His Excellency p 11; Higginbotham, "War of American Independence"
  73. ^ John Buchanan, The Road to Valley Forge: How Washington Built the Army That Won the Revolution (2004) p. 226
  74. ^ Don Higginbotham, The War of American Independence (Macmillan, 1971) ch 8
  75. ^ Bruce Heydt, "'Vexatious Evils': George Washington and the Conway Cabal," American History, Dec 2005, Vol. 40 Issue 5, pp 50-73, online at EBSCO
  76. ^ Chai, Jane; Lindley Homol (2009). “The Forging of an Army”. Pennsylvania Center for the Book(Penn State). Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2011.
  77. ^ a ă “History & Culture of Valley Forge National Historical Park”. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2011.
  78. ^ Fowler, William. “Valley Forge”. World Book Encyclopedia 20 (ấn bản 2002). World Book. tr. 266.
  79. ^ Rogers, J. David. “George Washington: God's Man for America”. mst.edu. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2011.
  80. ^ Ferling, John (2002). Setting the World Ablaze: Washington, Adams, Jefferson, and the American Revolution. Oxford University Press. tr. 186.
  81. ^ Frank E. Grizzard, George Washington: a biographical companion (2002) p. 303
  82. ^ Lancaster (1987), The American Revolution, p. 311
  83. ^ Mann (2005), George Washington's War on Native America, p. 38; Lancaster (1987), The American Revolution, p. 254
  84. ^ Richard H. Kohn, "The Inside History of the Newburgh Conspiracy: America and the Coup d'Etat," William and Mary Quarterly, Vol. 27, No. 2 (Apr., 1970), pp. 187-220 in JSTOR
  85. ^ George Washington Papers 1741–1799: Series 3b Varick Transcripts, American Memory, Library of Congress, Accessed May 22, 2006.
  86. ^ Gordon Wood, The Radicalism of the American Revolution (1992), pp 105–6
  87. ^ Richard Brookhiser, Founding Father (1997) p. 103
  88. ^ “The President's House: Freedom and Slavery in the Making of a New Nation”. National Park Service. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
  89. ^ “Constitution of the United States”. The Charters of Freedom. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
  90. ^ Merrill Jensen (1948), The Articles of Confederation: An Interpretation of the Social-Constitutional History of the American Revolution, 1774–1781, pp. 178–179
  91. ^ Chernow, Washington (2010) Kindle location 11,386
  92. ^ John Spencer Bassett, The Federalist System, 1789-1801 (1906) pp 150-62 online
  93. ^ Ellis, His Excellency pp 197-98
  94. ^ Leonard D. White, The Federalists: A Study in Administrative History (1948) p. 100
  95. ^ Stanley Elkins and Eric McKitrick, he Age of Federalism (1995) p. 290
  96. ^ Jefferson's newspaper, edited by Philip Freneau, strenuously attacked Washington. Elkins and McKitrick, The Age of Federalism (1995) pp. 240, 285, 290, 361
  97. ^ Crew, Harvey W., Webb, William Bensing, Wooldridge, John, Centennial History of the City of Washington, D.C., United Brethren Publishing House, Dayton, Ohio, 1892, Chapter IV. "Permanent Capital Site Selected", p. 87 in Google Books. Accessed May 7, 2009.
  98. ^ Richard H. Kohn, "The Washington Administration's Decision to Crush the Whiskey Rebellion," Journal of American History 59 (December 1972), 567–84 in JSTOR
  99. ^ Hunt (1988), Haiti's Influence on Antebellum America: Slumbering Volcano in the Caribbean, pp. 30–31
  100. ^ Stanley M. Elkins, and Eric McKitrick, The Age of Federalism: The Early American Republic, 1788–1800 (1994), pp 335-54
  101. ^ Elkins, and McKitrick, The Age of Federalism: The Early American Republic, 1788–1800 (1994), ch. 9
  102. ^ Todd Estes, "Shaping the Politics of Public Opinion: Federalists and the Jay Treaty Debate," Journal of the Early Republic Vol. 20, No. 3 (Autumn, 2000), pp. 393-422 in JSTOR; Estes, The Art of Presidential Leadership: George Washington and the Jay Treaty," Virginia Magazine of History and Biography, 2001, vol 109, no. 2
  103. ^ Paul A. Varg, Foreign Policies of the Founding Fathers (1963) pp 95-122.
  104. ^ "Religion and the Federal Government". Religion and the Founding of the American Republic. Library of Congress Exhibition. Retrieved on May 17, 2007.
  105. ^ Washington, George (1796). “Washington's Farewell Address, 1796”. Avalon.law.yale.edu. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2010.
  106. ^ Matthew Spalding, "The Command of its own Fortunes: Reconsidering Washington's Farewell Address", in William D. Pederson, Mark J. Rozell, Ethan M. Fishman, eds. George Washington (2001) ch 2; Virginia Arbery, "Washington's Farewell Address and the Form of the American Regime" in Gary L. Gregg II and Matthew Spalding, eds. George Washington and the American Political Tradition. 1999 pp. 199–216
  107. ^ Eleanor Breen; Esther C. White (tháng 12 năm 2006). “A Pretty Considerable Distillery - Excavating George Washington's Whiskey Distillery”. Quarterly Bulletin of the Archeological Society of Virginia (Volume 61/Issue 4). Archeological Society of Virginia. tr. 209–220. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.[[]][liên kết hỏng]
  108. ^ Chernow (2010) ch 57 at note 38
  109. ^ Robert F. Dalzell Jr. and Lee Baldwin Dalzell, George Washington's Mount Vernon (2000) p. 219; Purchasing power was calculated at Lawrence H. Officer and Samuel H. Williamson, "Purchasing Power of Money in the United States from 1774 to 2009," MeasuringWorth, 2010
  110. ^ Richard H. Kohn, Eagle and Sword the Beginnings of the Military Establishment in America (1975) pp 225-42
  111. ^ Vadakan, M.D., Vibul V. (Winter/Spring 2005). “A Physician Looks At The Death of Washington”. Early America Review. Archiving Early America. Truy cập February 17, 2008 and September 14, 2010.
  112. ^ “George Washington's Terminal Illness:A Modern Medical Analysis (by White McKenzie Wallenborn M.D.)”. Gwpapers.virginia.edu. 5 tháng 11 năm 1997. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2010.
  113. ^ John Abbott The Life of Napoleon Bonaparte (1855) p. 137
  114. ^ “The Funeral”. The Papers of George Washington. University of Virginia.
  115. ^ Boorstin, Daniel (1965). The Americans: The National Experience. Vintage Books. tr. 349–350. ISBN 394703588 Kiểm tra giá trị |isbn= (trợ giúp).
  116. ^ Johnston, Elizabeth Bryant (1889). Visitors' Guide to Mount Vernon. Gibson Brothers, Printers. tr. 14–15.
  117. ^ Boorstin, p. 350
  118. ^ Washington, George; Jefferson, Thomas; Peters, Richard (1847). Trong Knight, Franklin. Letters on Agriculture. Washington: Franklin Knight. tr. 177–180. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2010.
  119. ^ “Mount Vernon Visited; The Home of Washington As It Exists Today”. The New York Times. 12 tháng 3 năm 1881. tr. 2. “The body was placed in this sarcophagus on October 7, 1837, when the door of the inner vault was closed and the key thrown in the Potomac.”
  120. ^ William Safire, ed. Lend me your ears: great speeches in history (2004) p. 185
  121. ^ a ă â b Scotts Specialized Catalogue of United States Stamps
  122. ^ “George and Martha Washington: Portraits from the Presidential Years”. www.npg.si.edu. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2010.
  123. ^ Brooke Hindle (15 tháng 7 năm 1980). David Rittenhouse. ISBN 9780405125690. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
  124. ^ Lancaster County Historical Society (Pa) (1899-1900). Historical papers and addresses of the Lancaster County Historical Society IV. tr. 108. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
  125. ^ Edwin Wolf II biên tập (1983). Germantown and the Germans. ISBN 9780914076728. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
  126. ^ “2010 Federal Holidays”. US Office of Personnel Management. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
  127. ^ Hughes, George Washington (1926), pp. 1:24,501
  128. ^ Grizzard George Washington pp. 45-47
  129. ^ Cohen, Sheldon S. (1991). “Monuments to Greatness: George Dance, Charles Polhill, and Benjamin West's Design for a Memorial to George Washington”. Virginia Magazine of History and Biography 99 (2): 187–203.
  130. ^ Kirk Savage, Monument Wars: Washington, D.C., the National Mall, and the Transformation of the Memorial Landscape (2009) pp 32-45
  131. ^ “Washington Monument State Park”. Maryland Department of Natural Resources. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2010.
  132. ^ Barry Schwartz, George Washington: The Making of an American Symbol (1990)
  133. ^ Charles Callahan (tháng 2 năm 1998). Washington: The Man and the Mason. Kessinger Publishing, 1998. tr. 329–342. ISBN 0766102459. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2010.
  134. ^ John Weber (2009). An Illustrated Guide to the Lost Symbol. Simon and Schuster, 2009. tr. 137. ISBN 1416523669. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2010.
  135. ^ “Map of Washington”. Worldatlas. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
  136. ^ George Washington to William Smith, August 18, 1782. George Washington Papers, Library of Congress
  137. ^ “Board of Visitors”. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2011.
  138. ^ “The Great Seal of the Confederacy”. Civilwarhome.com. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2011.
  139. ^ “The George Washington Equestrian Monument”. VAcapitol.org. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2011.
  140. ^ “Houdon Statue of George Washington”. The GW and Foggy Bottom Encyclopedia. 21 tháng 12 năm 2006. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
  141. ^ “George Washington - Family Background Part I”. Clement Library - John C. Dann Director(University of Michigan). May–June 2004. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
  142. ^ Homans, Charles (6 tháng 10 năm 2004). “Taking a New Look at George Washington”. The Papers of George Washington: Washington in the News. Alderman Library, University of Virginia. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2007.
  143. ^ Ross, John F (tháng 10 năm 2005). Unmasking George Washington. Smithsonian Magazine.
  144. ^ “The Papers of George Washington-Frequently Asked Questions(Did George Washington wear a wig?)”. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2010.
  145. ^ “Facts & Falsehoods about George Washington”. Mount Vernon. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2010.
  146. ^ a ă Gilbert Stuart. “Smithsonian National Picture Gallery: George Washington (the Athenaeum portrait)”. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2006.
  147. ^ a ă Lloyd, John; Mitchinson, John (2007). The Book of General Ignorance. Harmony. tr. 97. ISBN 9780307394910.
  148. ^ Barbara Glover. “George Washington - A Dental Victim”. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2006.
  149. ^ a ă â “The Portrait - George Washington:A National Treasure”. Smithsonian National Portrait Gallery. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2011.
  150. ^ Fritz Hirschfeld, George Washington and Slavery: A Documentary Portrayal, University of Missouri, 1997, pp. 11–12
  151. ^ Paul Leland Haworth (1915). "George Washington: Farmer". Kessinger Publishing. p.79. ISBN 1-4191-2162-6
  152. ^ Ferling, Setting the World Ablaze (2000), page 275-276
  153. ^ Letter of April 12, 1786, in W. B. Allen, ed., George Washington: A Collection (Indianapolis: Library Classics, 1989), 319.
  154. ^ Slave raffle linked to Washington's reassessment of slavery: Wiencek, pp. 135–36, 178–88. Washington's decision to stop selling slaves: Hirschfeld, p. 16. Influence of war and Wheatley: Wiencek, ch 6. Dilemma of selling slaves: Wiencek, p. 230; Ellis, pp. 164–7; Hirschfeld, pp. 27–29.
  155. ^ “1799 Mount Vernon Slave Census”. Gwpapers.virginia.edu. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2009.
  156. ^ Twohig, "That Species of Property", pp. 127–28.
  157. ^ Grizzard, George Washington p 249
  158. ^ Boller (1963), George Washington & Religion, pp. 93-100
  159. ^ Moncure D. ConwayMONCURE D. CONWAY (12 tháng 12 năm 1897). “GEORGE WASHINGTON'S RELIGION”. New York Times. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2011. “... in mature life Washington was a deist... Washington's letters during the Revolution occasionally indicate his recognition of the hand of Providence in notable public events, but in the thousands of his letters I have never been able to find the name of Christ, or any reference to Him...”
  160. ^ Boller George Washington & Religion (1963) pp. 92-109
  161. ^ Grizzard, George Washington p 269
  162. ^ Douglas Southall Freeman, John Alexander Carroll, Mary Wells Ashworth, George Washington: a biography (1957) vol 6 p 3
  163. ^ Chernow, Washington (2010) ch 12, text at footnote 14
  164. ^ Chernow (2010) Kindle location 3632
  165. ^ Chernow (2010) Kindle locations 3632, 8943
  166. ^ “Washington as a Freemason”. Phoenixmasonry.org. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2010.
  167. ^ Chernow Washington (2010), Kindle location 719

Liên kết ngoài



Lịch Hồi giáo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(danh sách)
Rộng rãi Thiên vănGregoryHồi giáoISO
Các kiểu lịch
Âm dươngDươngÂm

Hạn hẹp AssyriaArmeniaAtticaAztec (TonalpohualliXiuhpohualli) • BabylonBahá'íBengalBerberBikram SamwatPhậtCeltTrung QuốcAlexandriaAi CậpEthiopiaCalendrier RépublicainĐứcDo TháiHellenicHinduẤn ĐộIranIrelandNhật BảnJavaJucheJulius mớiTriều TiênLitvaMalayalamMaya (Tzolk'inHaab') • Dân quốcNanakshahiNepal SambatPawukonPentecontadRapa NuiLa MãRumiXô viếtTamilThái (ÂmDương) • Tây TạngMyanmaViệt NamXhosaZoroaster
Các kiểu lịch
RunTrung Mỹ (Đếm dàiVòng tròn)
Các biến thể Kitô
JuliusLịch các thánhLịch phụng vụ Chính thống giáo phương ĐôngNăm phụng vụ
Hiếm dùng DariusDiscordia
Thể hiện và ứng dụng Lịch vĩnh cửuLịch vạn niênLịch bànLịch treo tườngLịch kinh tế
Lịch Hồi giáo (tiếng Ả Rập: التقويم الهجري; at-taqwīm al-hijrī; tiếng Ba Tư: تقویم هجری قمری ‎ taqwīm-e hejri-ye qamari; tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Hicri Takvim; còn gọi là lịch Hijri) là một loại âm lịch được sử dụng để xác định ngày tháng các sự kiện tại nhiều quốc gia với dân cư chủ yếu là theo Hồi giáo cũng như được những người Hồi giáo tại các quốc gia khác sử dụng để xác định chính xác ngày tháng để kỷ niệm các ngày lễ linh thiêng của đạo Hồi. Loại lịch này có 12 tháng âm lịch trong mỗi năm với khoảng 354 ngày. Do năm âm lịch này khoảng 11 ngày ngắn hơn so với năm dương lịch nên các ngày lễ linh thiêng của Hồi giáo, mặc dù được kỷ niệm vào các ngày cố định trong lịch của họ, thường dịch chuyển lùi lại khoảng 11 ngày trong mỗi năm dương lịch kế tiếp, chẳng hạn như khi đối chiếu với lịch Gregory. Các năm Hồi giáo được gọi là năm Hijranăm đầu tiên là năm trong đó Hijra (sự di cư của nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad từ Mecca tới Medina) đã diễn ra. Vì thế mỗi năm đã đánh số được chỉ rõ hoặc là với H hoặc là với AH, với AH là những chữ đầu của cụm từ trong tiếng Latinh anno Hegirae (trong năm của Hijra).[1]
Năm 2008 của lịch Gregory tương ứng gần đúng với năm 1429 AH của lịch Hồi giáo, do nó bắt đầu từ khoảng ngày 9 tháng 1 (buổi chiều) và kết thúc vào ngày 28 tháng 12 (buổi chiều).

Lịch sử

Lịch tiền-Hồi giáo

Loại lịch kiểu Ả Rập được dùng trước khi có lịch Hồi giáo là một âm dương lịch, trong đó sử dụng các tháng âm lịch nhưng được đồng bộ hóa với các mùa bằng cách chèn thêm tháng nhuận bổ sung khi cần thiết. Việc tháng nhuận này (nasi) được bổ sung vào mùa xuân như ở lịch Do Thái hay trong mùa thu vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Cũng có giả định cho rằng tháng nhuận được bổ sung vào giữa tháng thứ 12 (tháng của Hajj tiền Hồi giáo) và tháng thứ nhất (Muharram) của năm tiền-Hồi giáo[cần dẫn nguồn]. Hai tháng Rabi' biểu hiện mùa gặm cỏ và mùa mưa Mecca hiện đại (thực ra chỉ ít khô cằn hơn so với các tháng khác), là các tháng có điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của cỏ cho gia súc gặm, diễn ra trong mùa thu.Điều này hàm chứa là năm trong lịch tiền-Hồi giáo bắt đầu gần với thu phân. Tuy nhiên, mùa mưa sau các tháng đã được đặt tên này có thể là khác biệt so với khi các tên gọi khởi nguồn (trước thời kỳ của Muhammad) hoặc là lịch đã được du nhập từ khu vực khác mà tại đó có mùa mưa như thế. Ngoài ra, người Ả Rập có các tháng trong đó những cuộc chiến bị cấm đoán. Vì thế họ đã sử dụng tháng nhuận để điều chỉnh thời gian trong đó các tháng này diễn ra. Và tháng nhuận đã không còn được phép (giải phóng lịch khỏi các mùa) bởi kinh Koran chương 9, tiết số 36 (người ta tin là nó bộc lộ về khi Muhammad từ giã cõi đời), trong đó hàm ý là năm tiền-Hồi giáo bắt đầu gần với xuân phân do nó là khi âm lịch hiện đại bắt đầu trong năm cuối cùng của ông.

Bãi bỏ nhuận

Muhammad đang cấm tháng nhuận, minh họa trong Các vết tích của Quá khứ (کتاب الآثار الباقية عن القرون الخالي) của Al-Bīrūnī, bản sao thế kỷ 17 của bản chép tay hãn quốc Y Nhi (Ил хан улс/ سلسله ایلخانی) thế kỷ 14.
Trong năm thứ chín sau Hijra, như được nói tới trong Qur'an (9:36-37), người Hồi giáo tin rằng Allah đã biểu lộ sự cấm đoán tháng nhuận.
Số tháng với Allah là mười hai tháng theo sắc lệnh của Allah kể từ ngày Người sáng tạo ra trời và đất. Trong số này bốn tháng bị cấm [đánh lộn]; Đó là việc sử dụng sáng suốt, vì thế tự bản thân mình không được lầm lỗi về mặt ấy, và chống lại những ai đi lạc lối. Nhưng biết rằng Allah là cùng với những ai biết kiềm chế chính họ.
Quả thực sự chuyển đổi (tháng cấm) là sự bổ sung cho sự Thiếu niềm tin: Theo cách ấy những kẻ thiếu niềm tin bị dẫn tới tội lỗi: vì họ làm cho nó là hợp pháp trong một năm, và cấm đoán trong năm khác, các tháng mà Allah cấm và làm cho những tháng bị cấm đó là hợp pháp. Tội lỗi trong cách cư xử của họ dường như làm hài lòng họ. Nhưng chỉ dẫn của Allah không dành cho những kẻ từ chối Niềm tin.
Sự cấm đoán này được Muhammad nhắc lại trong bài giảng đạo cuối cùng trên đỉnh Arafat được đọc trong Cuộc hành hương Vĩnh biệt tới Mecca ngày 9 tháng Dhu al-Hijja năm 10 AH:
Này, con người, nhuận là sự bổ sung cho sự thiếu lòng tin, thông qua nó Allah dẫn những kẻ thiếu niềm tin đi lạc lối: họ làm cho nó là có thể cho phép trong một năm và cấm nó [chỉ là sự tiện lợi của họ] trong năm sau để lảng tránh thời gian của những gì Chúa trời đã cấm, vì thế họ làm có thể những gì mà Allah đã cấm [đánh lộn trong những tháng bị cấm], và cấm những gì Allah đã làm thành có thể [đánh lộn trong các tháng khác]. Và [năm đó] thời gian đã trở về con đường nó đã từng có từ ngày Chúa trời tạo ra Trời và Đất [Các tháng nhuận kể từ khi tạo ra Trời và Đất tất cả đã bị hủy bỏ (làm tròn tới nguyên năm)]. Một năm là mười hai tháng, bốn trong đó bị cấm, ba tháng kế tiếp nhau: Dhu al-Qi'dahDhu al-HijjahMuharram; và Rajab của Mudar nằm giữa JumadaSha'aban[2].
Ba tháng bị cấm kế tiếp nhau mà Muhammad đề cập (các tháng trong đó các trận chiến bị cấm) là Dhu al-Qi'dah, Dhu al-Hijjah, Muharram, vì thế loại bỏ tháng nhuận trước tháng Muharram. Tháng bị cấm đơn lẻ là Rajab. Các tháng này được coi là bị cấm cả trong lịch Hồi giáo mới lẫn trong lịch tà giáo Mecca cũ, mặc dù việc họ có duy trì tình trạng "bị cấm" của họ sau sự xâm chiếm Mecca hay không vẫn còn là vấn đề đang tranh cãi giữa các học giả Hồi giáo[cần dẫn nguồn].
Do số lượng và vị trí của các tháng nhuận trong khoảng từ năm 1 AH tới năm 10 AH là không chắc chắn, nên các ngày tháng trong lịch phương tây nói chung trích dẫn các sự kiện quan trọng trong thế giới Hồi giáo thời kỳ đầu như Hijra, trận chiến Badr, trận chiến Uhudtrận chiến đường hào, nên xem xét với sự cẩn trọng do chúng có thể có sai số khoảng 1-3 tháng âm lịch.

Tháng

Các tháng Hồi giáo được đặt tên như sau:[3]
  1. Muharram محرّم (hay Muarram al aram)
  2. Safar صفر (hay afar al Muzaffar)
  3. Rabi' al-awwal (Rabī' I) ربيع الأول
  4. Rabi' al-thani (hay Rabī' al Thānī hoặc Rabī' al-Akhir) (Rabī' II) ربيع الآخر أو ربيع الثاني
  5. Jumada al-awwal (Jumādā I) جمادى الاولى
  6. Jumada al-thani (hay Jumādā al-akhir) (Jumādā II) جمادى الآخر أو جمادى الثاني
  7. Rajab رجب (hay Rajab al Murajab)
  8. Sha'aban شعبان (hay Sha'abān al Moazam)
  9. Ramadan رمضان (hay Ramzān, dạng dài: Ramaān al Mubarak)
  10. Shawwal شوّال (hay Shawwal al Mukarram)
  11. Dhu al-Qi'dah ذو القعدة
  12. Dhu al-Hijjah ذو الحجة
Trong tất cả các tháng của lịch Hồi giáo, Ramaān là quan trọng nhất. Các giáo dân Hồi giáo cần phải kiêng khem ăn uống và quan hệ tình dục trong thời gian ban ngày của tháng này.

Ngày trong tuần

Trong tiếng Ả Rập, cũng như trong tiếng Do Thái, "ngày thứ nhất" của tuần tương ứng với Chủ nhật của tuần trong dương lịch. Các ngày của lịch Hồi giáo và Do Thái bắt đầu vào lúc hoàng hôn (từ đây hiểu theo nghĩa là thời điểm khi mặt trời lặn), trong khi ngày của lịch Kitô giáo trung cổ và dương lịch ngày nay bắt đầu từ nửa đêm[4] Những người Hồi giáo tập hợp lại để cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo vào giữa trưa trong "ngày tụ họp", tương ứng với ngày thứ Sáu. Vì thế "ngày tụ họp" thường được coi là ngày nghỉ trong tuần, nên ngày kế tiếp (tương ứng với thứ Bảy), thường được coi là ngày đầu tiên của tuần làm việc.
  1. yaum al-ahad يوم الأحد (ngày thứ nhất - Chủ nhật) (Urdu, Itwaar اتوار) (Ba Tư: Yek-Shanbeh یکشنبه) ("yaum يوم" có nghĩa là ngày)
  2. yaum al-ithnayn يوم الإثنين (ngày thứ hai - thứ Hai) (Urdu, Pîr پير) (Ba Tư: Do-Shanbeh, دوشنبه)
  3. yaum ath-thulaathaa' يوم الثُّلَاثاء (ngày thứ ba - thứ Ba) (Urdu, Mangl منگل) (Ba Tư: Seh-Shanbeh, سه شنبه)
  4. yaum al-arbia`aa' يوم الأَرْبِعاء (ngày thứ tư - thứ Tư) (Urdu, Budh بدھ) (Ba Tư: Chahar-Shanbeh, چهارشنبه)
  5. yaum al-khamis يوم الخَمِيس (ngày thứ năm - thứ Năm) (Urdu, Jumahraat جمعرات) (Ba Tư: Panj-Shanbeh, پنجشنبه)
  6. yaum al-jumu`a يوم الجُمُعَة (ngày tụ họp - thứ Sáu) (Urdu, Jumah جمعہ) (Ba Tư: Jom'eh, جمعه or Adineh آدينه)
  7. yaum as-sabt يوم السَّبْت (ngày xaba - thứ Bảy) (Urdu, Saneechar/Hafta ہفتہ) (Ba Tư: Shanbeh, شنبه)

Đánh số năm

Theo truyền thuyết Hồi giáo, Abraha, thống đốc của Yemen (khi đó là một tỉnh của Vương quốc Aksum Kitô giáo tại Ethiopia), đã cố gắng phá hủy Kaaba bằng một lực lượng quân đội, bao gồm cả lực lượng tượng binh. Mặc dù cuộc tấn công không thành công, nhưng do tập quán đặt tên năm theo sự kiện chính xảy ra trong năm đó, nên năm đó được biết đến như là năm Voi (عام الفيل, `Âm al-Fîl), cũng là năm mà Muhammad sinh ra[5]. (Xem surat al-Fil.). Mặc dù phần lớn những người Hồi giáo đều coi nó là khoảng năm 570 trong lịch phương tây, nhưng một số ít vẫn coi nó như là năm 571. Các năm muộn hơn được đánh số từ năm Voi, kể cả cho các năm của âm dương lịch tiền Hồi giáo, loại âm dương lịch được Muhammad dùng trước khi ông ngăn cấm việc chèn các tháng nhuận lẫn một vài năm đầu của âm lịch được tạo ra từ sự cấm đoán đó. Năm 638 (17 AH), khaliph thứ hai Umar đã bắt đầu đánh số các năm của lịch Hồi giáo từ năm diễn ra Hijra, được đề lùi ngày tháng như là năm 1 AH. Ngày đầu tiên của tháng đầu tiên (1 Muharram) của năm Hồi giáo đón trước này, nghĩa là, sau khi loại bỏ mọi tháng nhuận trong khoảng từ Hijra tới khi có ngăn cấm của Muhammad về chúng (khoảng 9-10 năm sau), tương ứng với ngày 16 tháng 7 năm 622 (việc di cư thực tế diễn ra trong tháng 9)[1]. Việc sử dụng có chứng thực lần đầu tiên còn sót lại của lịch Hijri là trên một tờ giấy cói từ Ai Cập năm 22 AH (Xem PERF 558).
Theo thời điểm tới Medina của Muhammad sau sự kiện Hijra của ông từ Mecca, những người đồng hành cùng ông đã đặt tên cho năm đó như là năm đầu tiên của họ. Đây là một thực tiễn của người ta vào thời kỳ đó trong việc khởi đầu lịch của mình bằng một sự kiện nhất định.
Sự đi tới Medina của Muhammad là thắng lợi đầu tiên cho người Hồi giáo. Lần đầu tiên những người Hồi giáo đã giành được quyền điều hành đất nước dựa trên các giáo huấn Hồi giáo do chính Muhammad hướng dẫn. Điều này là tự nhiên để những người Hồi giáo vào thời gian đó đặt tên cho năm đi tới Medina của Muhammad như là năm đầu tiên. Hành động này không bị Muhammad ngăn cấm và họ tiếp tục tính toán và đếm các năm của mình kể từ năm diễn ra Hijra trở đi.
Trong năm 17 AH, Abu-Musa al-Asha'ari, một trong các quan chức của vị khalip thứ hai (Umar) tại Basrah, tấu trình rằng một bức thư của Umar đến chỗ của ông mà không đề ngày tháng. Tấu trình này đã kích thích Umar trong việc giới thiệu một hệ thống lịch cho người Hồi giáo. Umar mời những người có danh tiếng đương thời, như Ali, đến họp bàn để ghi nhận quan điểm của họ về loại lịch phù hợp cho người Hồi giáo. Một số người đề nghị sử dụng lịch Messiah[cần dẫn nguồn] là loại lịch đã được một số người sử dụng vào thời gian đó. Một số người đề xuất việc sử dụng ngày sinh của Muhammad như là khởi đầu của lịch. Tất cả các đề xuất này đều bị bác bỏ do ngày tháng khởi đầu của cả hai hệ thống lịch đều khá mơ hồ.
Người ta khi đó cho rằng lịch Hồi giáo nên khởi đầu vào một ngày rõ ràng, và ngày đó phải được nhiều người biết đến. Đã có gợi ý cho rằng nên khởi đầu ngày tháng vào ngày mất của Muhammad, và một số khác gợi ý nên bắt đầu bằng ngày tới Medina của Muhammad. Umar chọn ngày khởi đầu của lịch bằng ngày đến Medina của Muhammad, không phải chỉ do nó là sự kiện rất có ý nghĩa và mọi người Hồi giáo vào thời gian đó đều biết tới, mà quan trọng hơn, là những người đồng hành cùng Muhammad đã khởi đầu lịch của họ từ ngày đó, ngoài mọi tập quán.
Vấn đề thứ hai cần phải quyết định là tháng đầu tiên trong lịch là tháng nào. Một số gợi ý về tháng Ramadan còn một số khác gợi ý về tháng Rajab do nó là tháng được người Ả Rập ca ngợi nhiều nhất trước khi Hồi giáo xuất hiện. Uthman Ibn Affan gợi ý nên khởi đầu lịch bằng tháng Muharram, do nó đã là tập quán của người Ả Rập vào thời gian đó trong việc khởi đầu năm của họ bằng tháng này, sau khi những người hành hương trở về từ Hajj (cuộc hành hương tới Mecca) của họ. Gợi ý này được tất cả những người tham dự cuộc họp chấp nhận.
Vì thế, lịch Hồi giáo bắt đầu từ tháng Muharram trong năm Muhammad tới thành phố Medina, và do sự kiện Hijra nên lịch cũng được gọi là lịch Hijra[6].

Tính toán thiên văn

Lịch Hồi giáo không nên đồng nhất hóa với khái niệm âm lịch. Âm lịch dựa trên năm có 12 tháng, được bổ sung sao cho nó chứa trung bình khoảng 354,367 ngày. Mỗi tháng âm lịch bắt đầu vào thời gian của "giao hội" tháng, nghĩa là khi Mặt Trăng nằm trên đường thẳng giữa Trái Đất và Mặt Trời. Mỗi tháng được định nghĩa như là khoảng thời gia trung bình trong sự quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất (29,530588... ngày). Theo quy ước, các tháng 30 ngày và 29 ngày kế tiếp lẫn nhau, làm cho hai tháng kế tiếp nhau có tổng cộng 59 ngày. Điều này làm cho sự dao động thời gian của tháng chỉ là khoảng 44 phút để tính toán tiếp, nó sẽ bổ sung đủ cho 1 ngày (24 giờ) trong vòng 2,73 năm. Để giải quyết số dư này, chỉ cần thêm 1 ngày sau mỗi chu kỳ 3 năm vào âm lịch, tương tự như cách mà lịch Gregory đang làm sau mỗi bốn năm[7]. Các chi tiết kỹ thuật để điều chỉnh được miêu tả trong đoạn về Lịch Hồi giáo dạng bảng dưới đây và trong bài viết cùng tên trong Wikipedia.
Tuy nhiên, lịch Hồi giáo lại dựa trên một bộ các quy ước khác hẳn[8] Mỗi quốc gia Hồi giáo công bố lịch của mình dựa trên quan sát trực tiếp của chính mình về thời điểm trăng mới (hoặc nếu thất bại, phải chờ đợi cho đủ 30 ngày) trước khi tuyên bố sự bắt đầu của tháng mới trên lãnh thổ của mình.
Nhưng trăng lưỡi liềm chỉ có thể nhìn thấy sau khoảng 15-18 giờ kể từ thời điểm giao hội và lệ thuộc vào sự hiện hữu của một loạt các điều kiện tốt liên quan tới thời tiết, thời gian, vị trí địa lý cũng như một loạt các tham biến thiên văn khác[9]. Kết quả là sự khởi đầu mỗi tháng là khác nhau giữa các quốc gia Hồi giáo và thông tin do lịch cung cấp không vượt quá tháng hiện hành.
Nếu như lịch Hồi giáo được tạo ra bằng các tính toán thiên văn thì người Hồi giáo trong toàn thế giới Hồi giáo có thể sử dụng nó để đạt được các nhu cầu của họ, giống như cách thức sử dụng lịch Gregory ngày nay. Nhưng ở đây có các quan điểm rất khác nhau về việc điều này có hợp pháp hay không[10]
Phần lớn các nhà thần học phản đối việc sử dụng các tính toán trên mặt đất do điều này có thể không phù hợp với khuyến cáo của Sứ giả (Muhammad) về quan sát trăng mới cho các tháng Ramadan và Shawwal nhằm xác định sự khởi đầu của các tháng này[11].
Nhưng do ở đây không có cấm đoán nào đối với việc sử dụng các tính toán thiên văn trong Qur’an (kinh Coran), một số nhà luật học nhìn thấy ở đây không có mâu thuẫn nào giữa các giáo huấn của Sứ giả và việc sử dụng các tính toán để xác định khởi đầu của tháng âm lịch [12]. Họ cho rằng khuyến cáo của Sứ giả chỉ đơn thuần thích nghi với văn hóa của thời gian đó và không nên lẫn lộn với các hành vi tôn kính[13] [14][15].
Vì thế, các nhà luật học Ahmad Muhammad Shakir và Yusuf al-Qaradawi đều tán thành việc sử dụng các tính toán để xác định khởi đầu của mọi tháng trong lịch Hồi giáo, tương ứng trong năm 1939 và 2004[16] [17]. Hội đồng luật học Hồi giáo Bắc Mỹ ("Fiqh Council of North America", FCNA) cũng làm như vậy năm 2006[18][19] và "Hội đồng châu Âu về Fatwa và Nghiên cứu" (ECFR) năm 2007 [20].

Quan sát Hilāl, tính toán ngày tháng, ngày tháng không thống nhất giữa các khu vực

Có ít nhất một vụ việc rắc rối đã ghi chép lại trong thế kỷ Hồi giáo đầu tiên[21] trong đó người Hồi giáo tại Medinaal-Sham ăn kiêng độc lập theo các quan sát tương ứng của họ về trăng lưỡi liềm ( Hilāl).
Mỗi tháng có hoặc là 29 hoặc là 30 ngày, nhưng thông thường không theo một trật tự có thể nhận thấy rõ. Theo truyền thống, ngày đầu tiên của mỗi tháng là ngày (bắt đầu từ hoàng hôn) của lần đầu tiên nhìn thấy trăng lưỡi liềm (hilāl) ngay sau hoàng hôn. Nếu như hilāl không quan sát được ngay lập tức sau ngày thứ 29 của tháng, hoặc là do mây ngăn trở việc nhìn thấy nó hoặc là do bầu trời phía tây vẫn còn quá sáng khi trăng lặn, thì ngày bắt đầu từ hoàng hôn đó là ngày thứ 30. Việc nhìn như vậy được thực hiện bởi một hay nhiều người đàn ông đáng tin cậy được ủy ban các thủ lĩnh Hồi giáo chứng thực. Việc xác định ngày có khả năng nhất mà hilāl nên được quan sát là động cơ thúc đẩy những người Hồi giáo quan tâm tới thiên văn, điều này đặt các nước Hồi giáo vào hàng đầu về ngành khoa học này trong nhiều thế kỷ.
Thực tiễn truyền thống này vẫn còn được tuân theo ở một số nhỏ các phần trên thế giới, như Ấn Độ, PakistanJordan. Tuy nhiên, trong phần lớn các quốc gia Hồi giáo thì các quy tắc thiên văn được tuân thủ, cho phép lịch được xác định trước, và nó lại không là tình huống có thể khi sử dụng phương pháp truyền thống. Malaysia, Indonesia và một vài quốc gia khác bắt đầu mỗi tháng từ hoàng hôn vào ngày đầu tiên mà Mặt Trăng lặn ngay sau khi mặt trời lặn. Tại Ai Cập, tháng bắt đầu vào hoàng hôn ngày đầu tiên mà Mặt Trăng lặn nhiều nhất là 5 phút sau mặt trời.
Mặt Trăng lặn muộn hơn so với Mặt Trời theo chiều tăng dần lên đối với các khu vực xa hơn về phía tây, vì thế người Hồi giáo tại các quốc gia phía tây rất nhiều khả năng sẽ kỷ niệm một vài ngày lễ trọng một ngày sớm hơn so với người Hồi giáo tại các quốc gia phía đông.

Lịch Umm al-Qura

Lịch Umm al-Qura chính thức của Ả Rập Saudi sử dụng phương pháp thiên văn khác biệt đáng kể cho tới những năm gần đây[22]. Trước 1420 AH (trước ngày 18 tháng 4 năm 1999), nếu như tuổi của trăng vào lúc hoàng hôn tại Riyad là ít nhất 12 giờ, thì ngày kết thúc vào hoàng hôn đó là ngày đầu tiên của tháng. Điều này thường làm cho người dân Ả Rập Saudi kỷ niệm các ngày lễ trọng một hay thậm chí là hai ngày trước người Hồi giáo tại các quốc gia khác với dân cư chủ yếu là người Hồi giáo, bao gồm cả ngày cho lễ Hajj, mà chỉ có thể được định ngày tháng sử dụng các ngày tháng Saudi do nó diễn ra tại Mecca là địa danh của quốc gia này hiện nay. Trong một năm thuộc thập niên 1380 AH (thập niên 1970), các quốc gia Hồi giáo khác nhau đã kết thúc sự ăn kiêng của tháng Ramadan trong 4 ngày kế tiếp nhau. Các lẽ hội trở thành thống nhất hơn bắt đầu từ năm 1420 AH. Trong giai đoạn 1420-1422 AH, nếu trăng lặn diễn ra sau hoàng hôn tại Mecca, thì ngày bắt đầu vào lúc hoàng hôn là ngày đầu tiên của tháng Saudi, về cơ bản là cùng một quy tắc được sử dụng tại Malaysia, Indonesia và các quốc gia khác (ngoại trừ những nơi còn áp dụng việc quan sát hilāl). Kể từ khi bắt đầu năm 1423 AH (16 tháng 3 năm 2002), quy tắc đã được làm cho dễ hiểu hơn một chút bằng cách yêu cầu giao hội địa tâm của Mặt Trời và Mặt Trăng diễn ra trước hoàng hôn, bổ sung thêm cho yêu cầu là trăng lặn diễn ra sau hoàng hôn tại Mecca. Điều này đảm bảo rằng Mặt Trăng đã di chuyển ngang qua mặt trời vào lúc hoàng hôn, thậm chí là ngay cả khi bầu trời còn quá sáng ngay trước lúc trăng lặn để thực sự nhìn thấy trăng lưỡi liềm. Nói một cách chặt chẽ thì lịch Umm al-Qura có ý định dành cho các mục đích dân sự mà thôi. Những người tạo ra nó nhận thức rất rõ ràng về thực tế rằng lần nhìn thấy thực sự đầu tiên của trăng lưỡi liềm (hilāl) có thể diễn ra 1-2 ngày sau ngày tính toán trong lịch Umm al-Qura. Kể từ năm 1419 AH (1998/99), một vài ủy ban quan sát hilāl chính thức đã được chính quyền Ả Rập Saudi lập ra để xác định thời điểm của lần nhìn thấy trăng lưỡi liềm đầu tiên khi bắt đầu mỗi tháng âm lịch. Tuy nhiên, giới hữu trách tôn giáo ở Ả Rập Saudi cũng cho phép lời chứng thực của các nhà quan sát ít kinh nghiệm hơn và vì thế thường thông báo việc nhìn thấy trăng lưỡi liềm vào ngày mà các nhà quan sát ít kinh nghiệm này có thể nhìn thấy trăng lưỡi liềm trong khi không có ủy ban chính thức nào có thể nhìn thấy trăng lưỡi liềm.
Đây là trường hợp đặc biệt cụ thể cho các ngày tháng quan trọng nhất trong lịch Hồi giáo - sự bắt đầu và kết thúc của tháng Ramadan (tháng ăn kiêng) và bắt đầu của tháng Dhu al-Hijja (tháng hành hương hàng năm tới Mecca). Nếu một cư dân Hồi giáo là nam giới (hai trong trường hợp kết thúc tháng Ramadan) nhìn thấy trăng mới vào ngày thứ 29 của tháng trước đó và nó được các giới hữu trách tôn giáo chấp nhận, thì tháng mới được điều chỉnh là đã tới, mặc dù lịch Umm al-Qura chính thức coi nó là ngày thứ 30 trước khi tháng mới bắt đầu. Điều này có thể làm thay đổi sự khởi đầu và/hoặc kết thúc của tháng ăn chay (nếu là tháng Ramadan) hay thời gian khởi đầu các cuộc hành hương tới Mecca (nếu là tháng Dhu al-Hijja). Điều này đôi khi xảy ra, với sự xảy ra gần đây nhất nằm trong năm 1428 AH (2007-2008), khi sự khởi đầu của các tháng Shawwal và Dhu al-Hijja diễn ra 1 ngày sớm hơn so với ngày tháng trong lịch Umm al-Qura chính thức.
Năm 2007, Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ, hội đồng luật học Hồi giáo Bắc Mỹủy ban châu Âu về Fatwa và Nghiên cứu đã thông báo rằng kể từ nay trở đi họ sẽ dùng lịch dựa trên các tính toán, sử dụng cùng các tham biến như lịch Umm al-Qura, để xác định (trước) sự khởi đầu của mọi tháng âm lịch (và vì thế các ngày gắn liền với mọi sự tuân thủ tôn giáo)[23][24].

Lịch Hồi giáo dạng bảng

Tồn tại một biến thể của lịch Hồi giáo gọi là lịch Hồi giáo dạng bảng, trong đó các tháng được tính theo các quy tắc số học thay vì dựa trên quan sát hoặc tính toán thiên văn. Nó có chu kỳ 30 năm với 11 năm dài chứa 355 ngày và 19 năm ngắn chứa 354 ngày. Về dài hạn, độ chính xác của nó là 1 ngày trong khoảng 2.500 năm. Nó cũng có các dung sai khoảng từ ±1 tới ±2 ngày trong chu kỳ ngắn hạn.

Thuật toán Kuwait

Bài chi tiết: Thuật toán Kuwait
Microsoft sử dụng "Kuwaiti algorithm" (thuật toán Kuwait) để chuyển đổi ngày tháng trong lịch Gregory thành ngày tháng trong lịch Hồi giáo. Microsoft tuyên bố rằng nó dựa trên phân tích thống kê các dữ liệu lịch sử từ Kuwait[25] nhưng trên thực tế nó là một biến thể của lịch Hồi giáo dạng bảng[26].

Ngày tháng đáng chú ý

Bài chi tiết: Lễ hội Hồi giáo
Các ngày tháng quan trọng trong năm Hồi giáo (Hijri) là:

Tương quan hiện tại

Để chuyển đổi một cách rất thô thiển, nhân số năm Hồi giáo với 0,97 và sau đó cộng thêm 622 để nhận được số năm Gregory. Năm Hồi giáo sẽ nằm hoàn toàn trong phạm vi năm Gregory với cùng một số chỉ năm là 20874. Năm Hồi giáo thứ 1429 diễn ra hoàn toàn trong năm 2008 của lịch Gregory. Các năm như thế diễn ra một lần trong mỗi chu kỳ khoảng 33 hay 34 năm Hồi giáo (32 hay 33 năm Gregory). Một số được liệt kê tại đây:
Năm Hồi giáo trong năm Gregory
Hồi giáo Gregory Chênh lệch
1060 1650 590
1093 1682 589
1127 1715 588
1161 1748 587
1194 1780 586
1228 1813 585
1261 1845 584
1295 1878 583
1329 1911 582
1362 1943 581
1396 1976 580
1429 2008 579
1463 2041 578
1496 2073 577
1530 2106 576
1564 2139 575

Sử dụng

Lịch Hồi giáo được sử dụng chủ yếu cho các mục đích tôn giáo, và đôi khi cũng được sử dụng cho các mục đích hành chính chính thức. Tuy nhiên, do bản chất của nó là một loại âm lịch thuần túy, nên nó không thể sử dụng cho các mục đích nông nghiệp (mang tính chất theo mùa) và trong lịch sử thì các cộng đồng Hồi giáo cũng đã sử dụng các loại lịch khác cho mục đích này. Lịch Ai Cập trước đây đã từng phổ biến rộng tại các quốc gia Hồi giáo và lịch Iran cũng như lịch Ottoman 1789 (dạng lịch Julius biến đổi) cũng đã được sử dụng trong nông nghiệp tại các quốc gia này. Các loại dương lịch địa phương này đã suy giảm tầm quan trọng với sự chấp nhận gần như phổ biến toàn cầu đối với lịch Gregory cho các mục đích dân sự. Hiện nạy Ả Rập Saudi là quốc gia Hồi giáo duy nhất còn sử dụng lịch Hồi giáo như là lịch cho hoạt động thường ngày của chính quyền[27].

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ a ă Watt W. Montgomery. “Hidjra”. Trong P.J. Bearman, Th. Bianquis, C.E. Bosworth, E. van Donzel và W.P. Heinrichs. Bách khoa toàn thư Hồi giáo trực tuyến. Brill Academic Publishers. ISSN 1573-3912.
  2. ^ Sahih Muslim
  3. ^ B. van Dalen; R.S. Humphreys; A.K.S Lambton và ctv.. “Tarikh”. Trong P.J. Bearman, Th. Bianquis, C.E. Bosworth, E. van Donzel và W.P. Heinrichs. Bách khoa toàn thư Hồi giáo trực tuyến. Brill Academic Publishers. ISSN 1573-3912.
  4. ^ Trawicky (2000) trang 232
  5. ^ Hajjah Adil., Amina, "Prophet Muhammad (PBUH)", ISCA, 1-6-2002, ISBN 1-930409-11-7
  6. ^ Appreciating Islamic History (tài liệu dạng Microsoft Word, 569 KB)
  7. ^ Emile Biémont, Rythmes du temps, Astronomie et calendriers, De Borck, 2000, 393 trang.
  8. ^ Khalid Chraibi: Issues in the Islamic Calendar, Tabsir.net
  9. ^ Karim Meziane et Nidhal Guessoum: La visibilité du croissant lunaire et le ramadan, La Recherche, số 316, tháng 1 năm 1999, trang 66-71
  10. ^ Allal el Fassi: "Aljawab assahih wannass-hi al-khaliss ‘an nazilati fas wama yata’allaqo bimabda-i acchouhouri al-islamiyati al-arabiyah", "[...] và sự khởi đầu của các tháng Ả Rập Hồi giáo", báo cáo được chuẩn bị theo yêu cầu của Quốc vương Hassan II của Morocco, Rabat, 1965 (36 trang), không có chỉ dẫn về người biên tập
  11. ^ Muhammad Mutawalla al-Shaârawi: Fiqh al-halal wal haram (Ahmad Azzaâbi biên tập), Dar al-Qalam, Beyrouth, 2000, trang 88
  12. ^ Abderrahman al-Haj: "Chuyên gia luật học Hồi giáo (faqih), chính trị gia và sự xác định các tháng âm lịch" (tiếng Ả Rập)
  13. ^ Allal el Fassi: "Aljawab assahih...".
  14. ^ Triều đại nhà Fatimid ở Ai Cập đã sử dụng lịch tính toán trước dạng bảng trong một thời kỳ trên 2 thế kỷ, trong khoảng từ thế kỷ 10 tới thế kỷ 12, trước khi sự thay đổi chế độ chính trị phục hồi lại thủ tục quan sát trăng mới.
  15. ^ Helmer Aslaksen: Lịch Hồi giáo
  16. ^ Ahmad Shakir: "Sự khởi đầu của các tháng Ả Rập … hợp pháp hay không khi dùng các tính toán thiên văn xác định nó?" (xuất bản bằng tiếng Ả Rập năm 1939) tái bản trong nhật báo tiếng Ả Rập "Al-Madina", 13-10-2006 (số 15878)
  17. ^ Yusuf al-Qaradawi: "Các tính toán thiên văn và xác định khởi đầu các tháng" (tiếng Ả Rập)
  18. ^ Hội đồng luật học Hồi giáo Bắc Mỹ: Âm lịch Hồi giáo
  19. ^ Zulfikar Ali Shah, Các tính toán thiên văn: Thảo luận luật học
  20. ^ Trung tâm Hồi giáo Boston, Wayland
  21. ^ Sunan al-Tirmidhi
  22. ^ Crescent sighting using the Uml al Qura calendar in Saudi Arabia, pdf file, 268 KB
  23. ^ Ramadan and Eid announcement by the Fiqh Council of North America (revised)
  24. ^ Khalid Chraibi: Can the Umm al Qura calendar serve as a global Islamic calendar?
  25. ^ Ngày tháng Hijri trong SQL Server 2000
  26. ^ "Thuật toán Kuwait" (Robert van Gent)
  27. ^ Glassé Cyril (2001). The New Encyclopedia of Islam, trang 98-99. Rowman Altamira. ISBN 0-7591-0190-6.

Liên kết ngoài

Chuyển đổi ngày tháng

Video yêu thích   
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con
  

No comments:

Post a Comment