Monday, October 13, 2014

Chào ngày mới 14 tháng 10

Battle of Hastings.jpg
CNM365. Chào ngày mới 14 tháng 10 . Wikipedia Ngày này năm xưa . Ngày Tiêu chuẩn thế giới; ngày của Mẹ tại BelarusNăm 1066 – Trong Trận Hastings (hình), William Nhà chinh phạt đánh bại và sát hại quốc vương người Anglo-Saxon cuối cùng của Anh là Harold Godwinson. Năm 1939Đệ nhị thế chiến: Tàu ngầm Đức U-47 đánh chìm tàu chiến HMS Royal Oak của Anh khi đang đậu tại Orkney, Scotland. Năm 1952Chiến tranh Đông Dương: Việt Minh bắt đầu tiến hành Chiến dịch Tây Bắc chống lại quân Liên hiệp Pháp. Năm 1964Leonid Brezhnev trở thành Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô trong một hội nghị diễn ra dưới sự vắng mặt của người tiền nhiệm Nikita Khrushchev.

Trận Hastings

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Hastings
Một phần của Cuộc xâm lược của người Norman
Battle of Hastings.jpg
.
Thời gian Ngày 14 tháng 10 năm 1066
Địa điểm Đồi Senlac, Đông Sussex, Anh
Kết quả Quân Norman chiến thắng
Tham chiến
Người Norman, Breton, Fleming, Pháp, Poitevin, Angevin, Manceaux Người Anh (Anglo-Saxon)
Chỉ huy
William I
Odo xứ Bayeux
Harold Godwinson 


Lực lượng
Khoảng 3000-30.000[1] Khoảng 4000-30.000[1]
.
Trận Hastings là một trận đánh diễn ra vào ngày 14 tháng 10 năm 1066[2] giữa lực lượng Norman (Noócmăng) dưới sự lãnh đạo của Công tước William II xứ Normandy và quân đội Anglo-Saxon do vua Harold II chỉ huy. Đây là thắng lợi quyết định trong cuộc chinh phục nước Anh của người Norman. Sau trận chiến này, một hệ thống quyền lực Anh-Norman mới tại Anh đã được thiết lập.[3] Trận chiến đã nổ ra tại đồi Senlac, một địa điểm cách thị trấn Hastings khoảng 6 dặm về phía tây bắc, gần Đông Sussex ngày nay.
Vua Harold II đã tử trận tại Hastings - tương truyền rằng ông đã bị một mũi tên bắn trúng vào mắt. Mặc dù sau đó người Anh vẫn tiếp tục kháng cự nhưng trận này được xem là có ý nghĩa quyết định để William kiểm soát nước Anh và trở thành vị vua Norman đầu tiên dưới tên gọi William I của Anh. Cho đến nay, trận Hastings vẫn được xem là trận xâm lược cuối cùng vào nước Anh.[4][5]
Các sự kiện trước và trong trận chiến được miêu tả trên tấm thảm Bayeux nổi tiếng. Tu viện Battle ở Đông Sussex sau đó được xây dựng trên địa điểm xảy ra trận chiến.

Bối cảnh


Vua William I Kẻ chinh phục
Năm 1035, Công tước xứ Normandy là Robert qua đời. Con ông là William mới lên 8 tuổi đã kế thừa tước vị của cha mình. Lập tức các quý tộc Norman nổi dậy chống lại vị Công tước trẻ tuổi này. Lúc này William nhận được sự giúp đỡ của vua Pháp và Giáo hội nên vẫn bảo toàn được vị thế. Về sau này ông đã xây dựng được một đội quân hùng mạnh và chiến thắng những kẻ nổi loạn vào năm 1047. Sau khi tạo dựng được thế lực cho mình, trong nhiều năm sau đó, William đã tỏ rõ những mối quan tâm đối với vùng đất ở bên kia bờ biển là nước Anh, vốn có mối quan hệ mật thiết với xứ Normandy.
Vua Anh là Edward Người xưng tội đã từng có thời gian dài sống ở Normandy trước khi lên ngôi vua Anh. Một số tài liệu nói rằng Edward Người xưng tội đã có lời hứa truyền ngôi cho người em họ của ông là Công tước William xứ Normandy, nhưng khi trên giường bệnh thì ông lại quyết định truyền ngôi cho Harold Godwinson, một quý tộc thuộc gia đình thế lực nhất ở Anh. Vua Edward có một người cháu trai đủ điều kiện kế vị, nhưng bị cho là quá nhỏ tuổi để trị vì một vương quốc. Ngay sau khi Edward Người xưng tội qua đời vào tháng 1 năm 1066, Harold Godwinson tuyên bố lên ngôi vua Anh. Ông nhận được sự ủng hộ của Witenagemot, một hội đồng các quý tộc Anglo-Saxon.
Công tước William xứ Normandy đã thiết lập rõ chính sách của mình với nước Anh trong hơn 15 năm qua (chờ đợi cơ hội để lên ngôi). Ông xem việc lên ngôi vua của Harold như một lời tuyên bố chiến tranh. William liền lên kế hoạch xâm lược nước Anh và cướp ngôi. Quân đội Norman không đủ mạnh để đơn độc tiến hành cuộc chiến, do đó ông đã mời các quý tộc ở khắp nơi tới Caen thuộc Normandy để nhờ giúp sức (có người ở xa tận miền Nam Italia). William hứa sẽ ban thưởng đất đai và chức tước cho những người đi theo mình và tuyên bố rằng cuộc chinh phạt đã được ủng hộ bởi Giáo hoàng.
William tập hợp một hạm đội với số lượng được cho là khoảng 696 chiếc tàu, nếu con số này chính xác thì quân đội của ông gồm hơn 20.000 người. Lực lượng này đã chờ đợi tại cảng qua mùa hè, có thể là vì thời tiết xấu và cũng rất có thể là do sợ hãi một trận đụng độ trên biển với hạm đội lớn của Anh. Họ cuối cùng cũng khởi hành đi Anh sau khi các nguồn cung cấp hậu cần đã hết buộc Harold phải giải tán hạm đội. Trong lúc này thì nhiều tàu Anh đã đắm do bão. Ngày 28 tháng 9 năm 1066, William đã đổ bộ xuống một địa điểm nằm ngoài dự định tại Pevensey mà không gặp sự kháng cự nào.
Vua Anh Harold II đã sẵn sàng chờ đợi một cuộc xâm lược của người Norman. Thế nhưng trước khi giáp mặt với William, ông đã phải đưa đội quân của mình về phía bắc để đánh trả quân xâm lược Viking tới từ Na Uy dưới sự chỉ huy của vua Harald Hardråda (ông này cũng tuyên bố mình mới là người kế vị hợp pháp của ngai vàng nước Anh) và Tostig Godwinson (em trai của Harold). Harold đánh tan những kẻ xâm lược tại trận Stamford Bridge, gần vùng York. Sau khi nghe báo tin rằng lực lượng của William đã đổ bộ vào đất Anh, ông vội vã hành quân về phía nam. Người em của ông, Bá tước Gyrth, đề nghị rằng nên hành quân chậm lại để có thể tập hợp thêm nhiều người khác, nhưng Harold quyết tâm chứng tỏ cho người dân thấy rằng ông có thể bảo vệ vương quốc mới của mình chống lại bất kỳ kẻ xâm lược nào. Ông ta rời London vào sáng ngày 12 tháng 10, tập hợp bất cứ lực lượng nào có thể trên đường tiến quân. Sau khi cắm trại ở Long Bennington, ông đến Senlac vào đêm ngày 13 tháng 10.[6]
Harold triển khai lực lượng của ông, chắn ngang con đường từ Hastings đến London, trên đồi Senlac, khoảng 6 dặm (10 km] về phía tây bắc của Hastings. Phía sau ông là rừng Anderida rộng lớn, và ở phía trước mặt ông là một sườn đất dốc thoai thoải, khi xuống tới đáy thì nó dốc ngược lên ở phía đối diện, tạo thành sườn đồi Telham.

Tương quan lực lượng


Quân Anh với cái búa chiến Đan Mạch

Quân Anh

Quân đội Anh đã phải chiến đấu hai trận đánh lớn khác nhau, ở ải Fulford và Stamford Bridge, 3 tuần trước trận trận Hastings. Trận thứ hai đã tiêu diệt hoàn toàn quân đội của vua Harald Hardråda, nhưng cũng đã làm hao mòn sinh lực quân Anh.
Quân Anh gồm phần lớn là bộ binh. Có thể một số, hoặc tất cả trong số họ đã cưỡi ngựa tới chiến trường, nhưng khi tới nơi thì họ xuống ngựa để chiến đấu. Chủ lực của họ là những người lính chuyên nghiệp phục vụ toàn thời gian, được gọi là bồi thần (Housecarls). Những người này tuyệt đối trung thành với nhà vua. Chiến giáp của họ bao gồm một chiếc mũ sắt hình nón, một chiếc áo giáp bằng lưới sắt và một chiếc lá chắn có hình chiếc diều. Vũ khí chính của họ là búa trận Đan Mạch cầm hai tay, mặc dù mỗi người lính cũng có thể mang theo một thanh kiếm để dùng trong lúc nguy cấp.
Đại bộ phận quân đội là quân địa phương (fyrd), bao gồm binh sĩ bán thời gian của Anh được cung cấp từ giới quý tộc chủ đất nhỏ. Những người này là tầng lớp quý tộc nắm giữ đất đai và được yêu cầu phải phục vụ với áo giáp và vũ khí của mình trong một số ngày nhất định mỗi năm. Hệ thống phòng thủ đáng chú ý nhất của người Anh là bức tường khiên chắn, trong đó tất cả mọi người ở phía trước ghì chặt lá chắn của họ lại với nhau. Trong giai đoạn đầu của trận đánh, các bức tường chắn tỏ ra rất hiệu quả trong việc bảo vệ cho binh sĩ Anglo-Saxon chống lại cung tên của quân Norman. Toàn bộ quân đội Anh đã chiếm các vị trí theo đường chóp, nếu thương vong làm giảm số lượng binh sĩ ở hàng phía trước thì hai bên cánh sẽ di chuyển về phía trước để lấp đầy khoảng trống.[6]

Quân Norman chèo thuyền đổ bộ lên Anh

Quân Norman

Quân Norman gồm các quý tộc, lính đánh thuê và quân đội từ Normandy (khoảng một nửa), Flanders, Brittany (khoảng một phần ba) và Pháp (các vùng mà ngày nay là ParisÎle-de-France), cùng một số người đến từ những vùng xa xôi ở phía nam Italia. Có ý kiến cho rằng kỵ binh của Norman được xem là một trong những lực lượng kỵ binh tốt nhất châu Âu. Họ có áo giáp nặng và thường được trang bị một ngọn thương và một thanh kiếm. Như với tất cả các kỵ binh, nói chung thì họ sẽ phát huy hiệu quả tối đa trong việc tấn công một đội quân đã bắt đầu vỡ trận. Ngoài lính bắn nỏ (thường chỉ được trang bị một chiếc mũ sắt), bộ binh Norman được bảo vệ bằng áo giáp lưới và trang bị giáo, kiếm và lá chắn, giống như các đối thủ người Anh của mình.
Ngoài ra, con số rất lớn xạ thủ trong quân đội của William cũng phản ánh xu hướng trong quân đội châu Âu thời bấy giờ là kết hợp các loại binh chủng khác nhau trên chiến trường. Trận Hastings cũng đánh dấu lần đầu tiên những cây nỏ được sử dụng với số lượng lớn trong một trận đánh ở nước Anh. Nỏ là một loại vũ khí tương đối gọn nhẹ nhưng lại có hiệu quả cao trên chiến trường, bắn chính xác hơn cung tên vì có bệ ngắm.[7]

Diễn biến trận đánh


Kỵ binh Norman xung phong

William đích thân dẫn đầu kỵ binh xung phong

Cảnh miêu tả một tên lính la toáng lên: Đức Vua Harold chết rồi! (Harold trúng ngay một tên vào mắt)
Về bố trí binh lực đôi bên, quân Anh chỉ bày một đội hình bức tường khiên chắn, trong khi đó quân Norman gồm 3 hàng. Hàng đầu là các cung thủ, hàng thứ hai là lực lượng bộ binh, hàng thứ ba là lực lượng kỵ binh. Mở màn cho trận chiến, một chiến binh bên phía William tên là Taillefer tiến lên trước, hát vang Bài ca Roland, giết được một binh sĩ Saxon lao lên thách thức, trước khi bị quân Anh giết chết.[8]
William dựa vào chiến thuật cơ bản với việc xếp các cung thủ ở phía trước và làm rối loạn đội hình đối phương bằng các trận mưa tên, sau đó tung bộ binh ra để cận chiến và kết liễu trận đánh là đòn tấn công bằng kỵ binh xung phong để phá vỡ đội hình của quân Anh. Tuy nhiên, chiến thuật của ông đã không hiệu quả như dự tính. Quân của William tấn công vào quân Anh khi họ đã sẵn sàng và dàn trận. Các cung thủ Norman bắn rất nhiều loạt tên cầu vồng nhưng phần lớn trong số đó đã vấp phải bức tường khiên và chẳng gây thương vong bao nhiêu. Cho rằng người Anh đã bị thiệt hại nặng, William ra lệnh cho bộ binh của mình tấn công. Khi quân Norman tấn công lên đồi, người Anh đã ném xuống bất cứ thứ gì có thể như đá, lao và chùy. Những cú ném này có lẽ đã gây thương vong nặng nề cho bộ binh của Norman, làm cho hàng ngũ bị rối loạn.
Khi bộ binh Norman xáp lại với đội hình quân Anh, một trận kịch chiến dữ dội đã xảy ra. William đoán rằng người Anh đã nao núng do trận mưa tên, nhưng ông ta nào biết rằng các mũi tên chỉ trúng vào các tấm khiên và gây ra những thiệt hại rất nhỏ. Gần như tất cả các binh sĩ Anh vẫn đứng vững, bức tường lá chắn của họ về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Kết quả là William đã phải ra lệnh cho kỵ binh của mình tấn công sớm hơn kế hoạch. Đối mặt với một bức tường của rìu, giáo và kiếm, nhiều con ngựa của các kỵ sĩ đã bị hoảng sợ lồng lên, mặc dù đã được đào tạo và luyện tập một cách khá cẩn thận. Sau một giờ giao tranh, phân đội người Brittany bên cánh trái của William đã chùn bước, vỡ đội hình hoàn toàn và bỏ chạy xuống chân đồi.
Bị thương vong nặng nề và nhận ra họ sẽ nhanh chóng bị bọc sườn, các lực lượng từ Normandy và Flanders rút lui cùng với quân Brittany. Do quá hưng phấn và đắc chí, nhiều người Anh đã phá vỡ hàng ngũ để lao theo truy kích đối phương. Bản thân Harold không lao lên, nhưng ông không ngăn được một bộ phận quân đội của mình làm chuyện đó, bao gồm hàng trăm lính nghĩa vụ và cả Leofwyne và Gyrthe, những người anh em của Harold. Trong trận hỗn chiến sau đó, ngựa của William đã bị giết chết và ông đã bị ngã rầm xuống đất. Lúc đó, rất nhiều binh sĩ của William tưởng ông đã chết và bắt đầu một cuộc tháo chạy còn lớn hơn. Chỉ sau khi ông đứng lên và ném chiếc mũ trụ khỏi đầu thì mọi người mới biết là William còn sống và qua đó, ông mới có thể tập hợp lại quân đội đang chạy trốn của mình.
Những binh sĩ hăng máu lao lên của quân Anh đã trở thành mục tiêu dễ dàng cho quân Norman trong một chiến trường mở. William và một nhóm các hiệp sĩ của ông đã thành công trong việc nhanh chóng phản công vào quân Anh đang truy đuổi (bây giờ họ không còn được bảo vệ bởi các bức tường khiên chắn) và tiêu diệt một số lượng lớn các lính nghĩa vụ. Nhiều người đã không nhận ra rằng người Norman đang phản công cho đến khi sự thể đã quá muộn, nhưng một số khác thì chạy ngược lên ngọn đồi kịp. Những người anh em của Harold không may mắn như vậy, cái chết của họ làm người Anh không còn một người chỉ huy thay thế nào sau cái chết của Harold. Hai bên tập hợp lại đội hình và sau đó là một thời gian tạm lắng xuống trên trận chiến. Cuộc chiến lúc này đã chuyển sang thế có lợi cho William kể từ khi người Anh mất đi sự che chở của một phần lớn bức tường chắn. Nếu không có một sự gắn kết của một đội hình có kỷ luật cao thì các cá nhân và các nhóm nhỏ quân Anh trở thành các mục tiêu dễ dàng. William tung quân đội của mình và tấn công mạnh vào đội hình của người Anh một lần nữa. Lần này thì rất nhiều lính chuyên nghiệp Anh (bồi thần) đã thiệt mạng.
Với một số lượng lớn các binh sĩ quân dịch người Anh lúc này đang chiếm chỗ ở hàng phía trước (do các lính chuyên nghiệp đã tử trận quá nhiều), bức tường lá chắn vốn được duy trì một cách kỷ luật bởi những lính bồi thần lúc này đã bắt đầu rạn nứt và tạo ra một cơ hội hết sức thuận lợi cho William. Vào đầu trận chiến, những trận mưa tên bắn vào quân Anh từ cung thủ của William đã tỏ ra không hiệu quả trước các tấm khiên chắn của quân Anh. Thế nhưng vào lúc này, mặc dù rất nhiều binh sĩ Anh ở hàng phía trước vẫn có lá chắn, William đã ra lệnh cho các cung thủ của mình bắn cầu vồng qua bức tường lá chắn để các mũi tên bắn trúng vào các nhóm quân Anh đứng đằng sau. Các cung thủ đã lập tức thi hành và gặt hái được thành công to lớn.
Tương truyền, tại thời điểm này vua Harold II bị trúng một mũi tên vào mắt. Nhiều binh sĩ Anh lúc này cảm thấy cực kỳ mệt mỏi. Quân đội của William đã tấn công một lần nữa và họ đã cố gắng để tạo những khe hở trong các bức tường lá chắn. Họ đã khai thác các khoảng trống này và quân đội Anh bắt đầu tan rã. William và một số hiệp sĩ của ông ta đã vượt qua bức tường lá chắn và đâm chết hẳn nhà vua Anh. Chứng kiến cảnh vua của họ cùng với rất nhiều nhà quý tộc đã tử trận, hàng trăm lính nghĩa vụ bỏ chạy khỏi bãi chiến trường tạo nên cảnh bại binh như núi lở. Riêng các bồi thần vẫn giữ lời thề của họ về sự trung thành với nhà vua và đã chiến đấu một cách dũng cảm cho đến khi tất cả đều bị giết. Do bị vỡ đội hình bức tường lá chắn nên khi quân Norman tấn công, quân Anh bị thua. Trong lúc một số lính nghĩa vụ và hậu quân bỏ chạy thì đội lính tinh nhuệ cùng ở lại tử chiến với vua của họ.[8]

Kết cục trận đánh


William I toàn thắng
Chỉ có một ít tàn quân Anh chạy thoát được vào rừng. Một số lính Norman đuổi theo người Anh, nhưng bị phục kích và tiêu diệt lúc hoàng hôn xuống khi họ chạm phải một con dốc bằng đất, được gọi là "chiếc mương xấu" bởi các sử gia thế kỷ 12. Chỗ này nhiều khả năng là Oakwood Gill, một con mương sâu đi qua đường A2100, phía bắc của bãi chiến trường.[9][10] Thắng trận, William và quân đội của mình nghỉ ngơi trong hai tuần ở gần Hastings, chờ các lãnh chúa người Anh tự tới đầu hàng ông ta. Và rồi, sau khi ông nhận ra rằng hy vọng của mình về sự tự quy hàng của người Anh tại thời điểm đó là vô ích (vì những người này không thật lòng), ông bắt đầu tiến quân về London. Quân đội của ông bị suy giảm nghiêm trọng trong khoảng tháng 11 bởi vì những chứng bệnh kiết lỵ và bản thân William cũng bị bệnh nặng. Tuy nhiên, ông được tăng cường thêm một đội quân nữa mới vượt qua eo biển Anh. Dù sao đi nữa, sau khi Harold chiến bại, chẳng có lực lượng nào ở Anh đủ sức ngăn ông tiến quân.
Trong khi đó, tại London, người Anh vội vàng tập hợp tàn quân và chọn Edgar Atheling, một người vừa trẻ và vừa thiếu kinh nghiệm, lên ngai vàng. Họ chọn ông bởi vì một vị vua yếu kém vẫn tốt hơn so với không có vua, và khi mà không còn một người nào trong gia đình Godwinson thì ông ta là người duy nhất có thể lên ngai vàng. Không rõ là Edgar có được gia miện chính thức hay chưa, có thể là ông ta cũng được gia miện nhanh chóng như Harold, nhưng chưa có chứng cứ nào ghi rõ điều này. Không lâu sau cuộc bầu chọn của Edgar, Edwin và Morcar, các bá tước ở phía bắc, rời London và mang quân về lãnh địa (bá quốc) của họ. Các sử gia cho rằng họ nhìn nhận cuộc chiến với William chỉ như là một cuộc tranh chấp giữa ông với gia đình Godwinson, và hy vọng sẽ có hòa bình với Công tước. Các thành viên khác của Hoàng gia Anh như Margaret và Cristina, các chị em của Edgar, cũng vội vàng trở về đất phong của họ là Chester để có sự an toàn.[11]
William tiến qua vùng Kent, tàn phá Romney, đồng thời tiếp nhận sự đầu hàng của Dover và lâu đài quan trọng của nó. Tại Dover, ông tạm dừng một tuần để tiếp nhận sự quy hàng của Canterbury vào khoảng ngày 29.[12] Ông gửi sứ giả đến Winchester và họ đã nhận được sự đầu hàng của thành phố này từ hoàng hậu góa bụa Eadgyth. Từ Canterbury, William tiến tới Southwark. Sau khi bị cản trở trong một nỗ lực để vượt qua cầu London, ông đã phá hủy chỗ này. Ông tiếp cận thành phố theo một tuyến đường vòng quanh qua sông ThamesWallingford và tàn phá những vùng đất mà mình đi qua. Lực lượng Norman tiến về phía London từ phía tây bắc cuối cùng đã đến được Berkhampstead vào cuối tháng 11 năm 1066.[11]
Những thông điệp đã được William đưa đến các bộ phận lãnh đạo đang bị bao vây ở London. Cuối cùng người ta đã đồng ý rằng thành phố sẽ tránh khỏi bị tàn sát hơn nữa nếu Edgar thoái vị và William được công nhận là vua. Thỏa thuận này dường như đã được áp dụng đối với vua Edgar trẻ tuổi. Trong đầu tháng 12, viên tổng trấn của Middlesex là Ansgar, các tổng giám mục của Canterbury và York, và vị vua bị phế truất Edgar đều đầu hàng William. William đón tiếp họ một cách ân cần và chấp nhận sự quy thuận của họ. Từ đây ông đưa lực lượng của mình về phía Romford và mang theo các con tin đáng giá.[11]
William lên ngôi vua vào ngày Giáng Sinh năm 1066 tại tu viện Westminster.

Di sản


Tấm bảng ghi dấu nơi tử trận của Harold ở tu viện Battle
Tu viện Battle được xây trên nơi từng là bãi chiến trường, với một tấm bảng đánh dấu nơi được cho là chỗ mà Harold đã tử trận. Các sự kiện trước và trong trận chiến được miêu tả trên tấm thảm Bayeux.
Trận Hastings là một ví dụ của việc kết hợp nhiều loại quân đội. Cung thủ, kỵ binh và bộ binh của Norman đã kết hợp cùng nhau để triệt tiêu thế chủ động của quân Anh và buộc họ phải phòng thủ.
Trận đánh cũng đưa tới những ảnh hưởng lớn lao lên tiếng Anh. Người Norman nói tiếng Pháp, và sau khi thống trị ở Anh thì họ đã đưa nhiều từ tiếng Pháp vào tiếng Anh. Sau khi lên ngôi, William đã có những cuộc cải cách toàn diện về mọi mặt ở nước Anh, đặc biệt là đã mở đầu cho việc xây dựng nên một hệ thống Thông luật đồ sộ[13][14][15] và là một trong hai hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại.
Paul K. Davis viết: "Chiến thắng của William đã đưa một nhà thống trị nước ngoài lên ngai vàng nước Anh, qua đó mang một xã hội kiểu châu Âu thay vì là kiểu Scandinavia đến cho hòn đảo tách biệt này" trong "cuộc xâm lược thành công cuối cùng vào nước Anh".[16] Sử gia Edward Creasy xếp trận Hastings vào trong danh sách 15 trận chiến có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử (tính từ trận Marathon tới trận Waterloo).[17]

Tham khảo

  • Howarth, David (1993), 1066: The Year of the Conquest, New York: Barnes and Noble
  • Douglas, Daniel C. (1964), William the Conqueror, Berkeley, CA: University of California Press
  • Gravett, Christopher, Hastings 1066, The Fall of Saxon England; Osprey Campaign Series #13, Osprey Publishing, 1992
  • Morton, Catherine and Muntz, Hope (eds). The Carmen de Hastingae Proelio of Guy Bishop of Amiens, Oxford at the Clarendon Press 1972.

Chú thích

  1. ^ a ă The Medieval state: essays presented to James Campbell, "Observations upon a scene in the Bayeux Tapestry", Continuum International Publishing Group, 2000. (pp. 75-85)The Medieval state: essays presented to James Campbell, "Observations upon a scene in the Bayeux Tapestry", Continuum International Publishing Group, 2000. (pp. 75-85)
  2. ^ In this article dates before 14 September 1752 are in the Julian calendar, later dates are in the Gregorian calendar.
  3. ^ http://www.baotayninh.vn/newsdetails.aspx?newsid=11193
  4. ^ Michael Lee Lanning (2005). The Battle 100: The Stories Behind History's Most Influential Battles. Sourcebooks, Inc. tr. 5.
  5. ^ Niall Barr. “The Threat of Invasion 1066-1789: An Overview”. BBC. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2011. “The Conquest of 1066 is considered the last invasion of the British Isles”
  6. ^ a ă Howarth, tr. 165
  7. ^ William of Malmesbury, d. 1143?: The Battle of Hastings (1066)
  8. ^ a ă Terry Jones, Medieval Lives, page 38
  9. ^ Oakwood Gill by C. T. Chevallier (1963) therein citing deeds of Battle Abbey and Manorial maps of 1724 and 1811. AlsoWilliam Dugdale's Monasticon 1538. And Four Deeds c. 1240, c. 1245, 1279 and 1302. [1]
  10. ^ The 1066 Malfosse Walk by Neil Clephane-Cameron, Joanne Lawrence and David Sawyer, Battle and District Historical Society (2000) ISBN 1903099005, p.15
  11. ^ a ă â The History of the Norman Conquest of England, Edward A. Freemand, Volume III, p.532-7
  12. ^ http://www.dot-domesday.me.uk/conqueror.htm
  13. ^ Michael Bogdan, Comparative law, Nhà xuất bản Kluwer, Norstedts Juridik, Tano, 2002
  14. ^ David Rene, Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003
  15. ^ Nông Quốc Bình, Tìm hiểu về Common Law, Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, số 4/1998
  16. ^ Paul K. Davis, 100 Decisive Battles from Ancient Times to the Present: The World's Major Battles and How They Shaped History (Oxford: Oxford University Press, 1999), 113
  17. ^ Edward Shepherd Creasy, The Fifteen Decisive Battles of the World: from Marathon to Waterloo, chapter 8

Liên kết ngoài




Chiến dịch Tây Bắc

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chiến dịch Tây Bắc
Một phần của Các cuộc chiến tranh Đông Dương
Thời gian 14 tháng 10 - 10 tháng 12, 1952.
Địa điểm Đông Dương thuộc Pháp, phần lớn tại Việt Nam
Kết quả Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến thắng, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng
Tham chiến
Flag of France.svg Liên hiệp Pháp
Flag of North Vietnam 1945-1955.svg Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
Chỉ huy
Pháp Raoul Salan Việt Nam Dân chủ Cộng hòaVõ Nguyên Giáp
Việt Nam Dân chủ Cộng hòaHoàng Văn Thái


Tổn thất
Hướng Tây Bắc: 4 tiểu đoàn và 28 đại đội, tổng cộng 1.005 chết hoặc bị thương, 5.024 bị bắt
Hướng Phú Thọ: 1.711 chết hoặc bị thương, 173 bị bắt
Khoảng 6.000 thương vong
.
Chiến dịch Tây Bắc (từ 14 tháng 10 đến 10 tháng 12 năm 1952) là chiến dịch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) trên hướng Tây Bắc Việt Nam nhằm tiêu diệt sinh lực đối phương, giải phóng một bộ phận đất đai, làm thất bại ý đồ của thực dân Pháp lập "Xứ Thái tự trị".

Hoàn cảnh

Năm 1952, tình hình nước Pháp rất rối ren. Chỉ trong tháng 2 và tháng 3 năm 1952, nội các Pháp đổ liên tiếp 3 lần. Tình hình chiến trường Đông Dương vẫn là vấn đề nan giải đối với Chính phủ lâm thời. Tờ tuần báo Hành động (L’Action) số ra ngày 2 tháng 4 năm 1952, ký giả Pháp Henri Clau viết: "Dư luận lên án Chính phủ Pháp đang theo đuổi cuộc chiến ở Đông Dương, nhân dân Pháp bất bình vì tình trạng bắt lính kéo dài".
Tại Đông Dương, tướng Raoul Salan được cử làm Tổng tư lệnh. Trên chiến trường Việt Nam, quân Pháp chủ trương thực hiện chiến lược phòng ngự, ráo riết bình định các vùng tạm chiếm. Tướng Salan nhiều lần điện về chính quốc xin viện trợ về lực lượng và tài chính nhưng không được chấp nhận vì ngân sách đã cạn.
Sau khi mở các chiến dịch ở đồng bằng Bắc Bộ năm 1951 không thành công, rút kinh nghiệm qua các chiến dịch tiến công của QĐNDVNm kể từ sau Chiến dịch Biên giới, phân tích tình hình trên chiến trường, đánh giá khách quan hơn về tương quan lực lượng, Trung ương Đảng Lao động Việt NamBộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhận định phương hướng chiến lược có lợi lúc này là chiến trường rừng núi. Vì vậy, ngày 17 tháng 7 năm 1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập khu Tây Bắc, gồm bốn tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, rộng 44.300 km2, dân số 44 vạn người. Đây là một vùng rừng núi trùng điệp, nhiều dãy núi cao hơn 1000 mét; giữ vị trí chiến lược quan trọng đối với Đông Dương. Tháng 9 năm 1952, Trung ương Đảng chủ trương: "Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của dịch mà đánh và hướng tiến công chiến dịch lên Tây Bắc."[1]
Phương châm hoạt động là "đánh dài ngày, đánh liên tục, tiến từng bước chắc, đồng thời sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng. Về chiến thuật là vây điểm, diệt viện; diệt viện, phá điểm"[2]

Lực lượng tham gia chiến dịch

Quân đội Nhân dân Việt Nam

Gồm các Đại đoàn 308, 312316 (thiếu), Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148), 6 đại đội sơn pháo 75mm, 3 đại đội súng cối 120mm, 1 trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương, do Bộ Tổng tư lệnh tổ chức, chỉ huy. Tổng quân số của hai hướng lên tới 36.000 người.
Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm chính trị, Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm cung cấp hậu cần.
Công tác đảm bảo hậu cần, gạo ở hướng chính trong đợt 1 là 1.195 tấn cho bộ đội và 142 tấn cho dân công. Hướng phụ là 104 tấn cho bộ đội và 43 tấn cho dân công. Dân công đi theo bộ đội là 4.300 người; dân công vận chuyển khác là 27.750 người. Đợt 2 và 3 là 3.400 tấn (không kể số gạo dân công ăn trên dọc đường). Hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái huy động 450 chiếc thuyền, phà đưa 30.000 bộ đội, dân công cùng với binh khí kỹ thuật qua sông.
Tổng kết toàn Chiến dịch Tây Bắc, đã huy động 11.750 tấn gạo (tiêu thụ hết 9.890 tấn gạo, 164 tấn muối, 328 tấn thịt, 82 tấn thực phẩm khác), huy động 200.000 dân công (bằng bảy triệu ngày công). Lượng vật chất bảo đảm cho chiến dịch khoảng 9.000 tấn lương thực thực phẩm, 120 tấn vũ khí, đạn dược và dụng cụ thuốc men cần thiết để cứu chữa cho khoảng 5.000 thương binh.

Liên hiệp Pháp

Gồm 8 tiểu đoàn, trong đó có năm tiểu đoàn người Thái và ba tiểu đoàn cơ động người Phi, ngoài ra còn có 43 đại đội bộ binh Thái làm nhiệm vụ chiếm đóng, bố trí thành 144 cứ điểm thuộc bốn phân khu: Lai Châu, Sông Đà, Nghĩa Lộ, Sơn La và 3 tiểu khu độc lập Thuận Châu, Phù Yên, Tuần Giáo;
Trong quá trình chiến dịch, được tăng viện thêm 9 tiểu đoàn bộ binh và dù Âu-Phi, 3 tiểu đoàn ngụy Thái, 1 tiểu đoàn biệt kích hỗn hợp, 1 tiểu đoàn pháo binh gồm 11 khẩu đại bác.
Công sự ở Nghĩa Lộ - Gia Hội, Cửa Nhì, Phong Thổ đã được cải tiến, có hầm ngầm, lô cốt xi-măng cốt thép. Còn các vị trí khác đều xây dựng theo kiểu cũ. Phần lớn, các vị trí đều đóng trên điểm cao, tiếp tế bằng máy bay, hàng ngày lính phải xuống chân núi lấy nước, vì vậy dễ bị bao vây khống chế. Việc tiếp tế và tiếp viện cho toàn khu và phân khu chủ yếu dựa vào không quân với khả năng tối đa 48 tấn một ngày và một tiểu đoàn dù. Việc tiếp tế giữa phân khu và cứ điểm chủ yếu bằng sức người và ngựa thồ.

Diễn biến

Chiến dịch diễn ra 3 đợt:

Đợt 1 (từ 14 đến 23 tháng 10)

Sau thất bại của chiến dịch Lý Thường Kiệt hồi tháng 10 năm 1951, QĐNDVN vẫn không bỏ ý định chiếm Nghĩa Lộ bởi đây là nút chặn quan trọng trên đường tiếp tế vùng tây bắc. Thị trấn Nghĩa Lộ nằm giữa một thung lũng rộng lớn có đông đúc dân cư và có hai đại đội trấn giữ, chia ra đồn thượng trên ngọn đồi cao nhòm xuống thị trấn và đồn hạ, một đồn thấp nằm ngay trong thị trấn.
Ngày 4 tháng 10 năm 1952, sau khi nhận thấy những dấu hiệu hoạt động gia tăng của QĐNDVN trong vùng, bộ chỉ huy Pháp gửi một đơn vị quân Tabor[3] đến Nghĩa Lộ để tăng cường.
Tối ngày 7 tháng 10 năm 1952, các đơn vị QĐNDVN vượt sông Hồng tiến vào Tây Bắc. Ngày 14, chiến dịch được mở màn hoàn toàn bất ngờ đối với Pháp. Lực lượng QĐNDVN tiến công phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, tiêu diệt và bức rút hàng loạt cứ điểm (Ca Vịnh, Sài Lương, Pú Chạng, Nghĩa Lộ phố…), phá tan toàn bộ phòng tuyến vành ngoài của Pháp từ hữu ngạn Sông Thao đến tả ngạn Sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai.
Ngày 14 và 15 những đồn bót nhỏ về phía đông, ven sông Hồng phải rút về Nghĩa lộ vì áp lực gia tăng của QĐNDVN. Ngày 15 tháng 10, đồn Gia Hội ở cách 20 cây số về phía bắc Nghĩa Lộ báo tin là bị cô lập. Trong ngày, Thiếu tá Tirillon (Ti-ri-ông), chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ đưa đại đội Tabor về phía Khâu Vác thăm dò lực lượng. Một đơn vị của Đại đoàn 312 đã tiêu diệt gọn đại đội này ở Nậm Mười.
Trước diễn biến quá nhanh, quân Pháp không kịp trở tay. Ngày 15 tháng 10, tướng Salan thảo gấp chỉ thị mật từ Sài Gòn gửi chuyển cho tướng De Linarès, Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, trong đó chỉ rõ: "Nghĩa Lộ và Sơn La đang bị uy hiếp nặng nề… nhưng các yếu tố nắm được chưa cho phép chúng ta có chủ trương… Phải đợi cho Việt Minh lộ rõ ý định của họ"
Ngày 16 tháng 10, quân Pháp ở các vị trí Thượng Bằng La, Ba Khe và một loạt vị trí nhỏ xung quanh những cứ điểm bị diệt tự động bỏ đồn rút chạy. Tướng De Linarès cho thả một tiểu đoàn dù do thiếu tá Marcel Bigeard chỉ huy xuống đồn Tu Lệ, cách Gia Hội 10 cây số về phia tây tức là cách Nghĩa Lộ 30 cây số. Tu Lệ là một đồn nhỏ có một tiểu đội lính Thái trấn giữ nằm trên ngã ba đường, một đàng xuống Nghĩa Lộ (đông nam), một đàng về Sơn La (tây nam), một đàng lên Than Uyên, Quỳnh Nhai (Tây bắc).
Ngày 17, hai trung đoàn của Đại đoàn 308, lợi dụng sương mù, từ 9 giờ sáng, đã có mặt trên những quả đồi đối diện với Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi), có khoảng 300 quân Pháp đồn trú. Trung đoàn 88 chờ trời tối tiến vào vị trí Nghĩa Lộ Phố, ở cuối thị trấn do 400 lính chiếm giữ. Trung đoàn 36 đã bao vây đồn Cửa Nhì. 14 giờ 30 phút, súng cối 120mm của QĐNDVN bắn vào trận địa pháo 105mm ở Nghĩa Lộ Phố, tạo điều kiện cho các mũi xung kích của tiểu đoàn 102 tiếp cận cứ điểm Pú Chạng.
Máy bay Pháp đến bắn phá, yểm trợ. Ba tốp máy bay F8F Bearcat và một tốp B-26 Invader xuất hiện trên bầu trời, ném bom napalm và bom phá vào đội hình xuất phát xung phong, làm bị thương 34 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có Trung đoàn phó Nguyễn Hùng Sinh. Phòng không Việt Nam bắn rơi hai máy bay. Xung kích QĐNDVN mở cửa đột phá, đại đội chủ công 267 lọt vào đồn, thọc sâu chia cắt quân Pháp. Sau ba giờ chiến đấu, QĐNDVN làm chủ cứ điểm Pú Chạng, bắt 177 lính, gồm cả Thiếu tá Tirillon chỉ huy phân khu. Trong lúc thu dọn chiến trường, máy bay Pháp lại ném bom xuống trận địa, Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương hy sinh ngay dưới chân đồi.
Do chiếm lĩnh chậm, đến 3 giờ chiều ngày 17 tháng 10 năm 1952, trung đoàn 88 mới tiến công Nghĩa Lộ Phố. tất cả hoả lực đại bác của đại đoàn 308 QĐNDVN đổ vào đồn Nghĩa Lộ, tiếp theo là bộ binh xung phong với súng không giật và mìn, băng-ga-lo phá hàng rào, phá tường đồn, sau cùng là các mũi xung kích tràn vào những lỗ hổng đã phá được, rồi những trận giáp lá cà bằng dao găm, lưỡi lê cho đến lúc đại đội Pháp và Thái trấn giữ, đồn thượng bị tiêu diệt hết. Đến nửa đêm, đồn hạ cũng bị tấn công theo chiến thuật đó. 9 giờ sáng ngày 18 tháng 10, QĐNDVN hoàn toàn chiếm được hai đồn bảo vệ Nghĩa Lộ, loại khỏi vòng chiến đấu 280 lính (diệt 45, bắt 235), thu 2 khẩu đại bác 105 ly và hàng nghìn viên đạn pháo.
Khi đó, Tổng chỉ huy Salang ở Sài Gòn vẫn chờ tướng De Linarès điện báo về, đêm 17 tháng 10"một đêm đầy lo âu, vì những tin tức hằng giờ bay vào Sài Gòn luôn mâu thuẫn nhau". Ngày 18 tháng 10, lo ngại của tướng Salan đã thành sự thật, khi tướng De Linarès bay từ Tây Bắc về Hà Nội báo cáo: "Thế là hết". Nhà báo Pháp Bernard Fall viết: "Từ trên máy bay, các phi công nhìn thấy rất rõ từng đoàn tù binh kéo đi, tay giơ quá đầu, lê bước giữa hai hàng lính Việt Minh".[4]
Trên hướng thứ yếu, đêm 14 tháng 10, trung đoàn 98 tiến công tiêu diệt cứ điểm Nha Phù, và đêm 17 tháng 10, tiêu diệt sở chỉ huy tiểu khu Phù Yên ở Bản Mo. Quân Pháp ở Vạn Yên rút chạy sang hữu ngạn sông Đà.
Ở hướng phối hợp, phía nam Lai Châu, ngày 14 tháng 10, tiểu đoàn 910 trung đoàn 148 đánh đại đội 5 của tiểu đoàn Thái, chiếm Quỳnh Nhai. Ngày 23, tiểu đoàn 542 trung đoàn 165 diệt một đại đội của tiểu đoàn Tabor 17 ở Pắc Ná, số còn lại chạy sang bên kia sông Đà.
Tới ngày 23, Đại đoàn 312 có mặt trên sông Đà, chỉ sau 11 ngày đêm chiến đấu đã chiếm hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ đường 13 nối liền từ Yên Bái đến Nghĩa Lộ. Trước áp lực của Đại đoàn 312 ở hướng tây bắc, quân Pháp ở Gia Hội bỏ đồn rút về Tú Lệ, cùng với tiểu đoàn dù 6 chạy về phía sông Đà. Bộ chỉ huy chiến dịch điều trung đoàn 165 tiến công Tú Lệ và truy kích đến đèo Cao Phạ, diệt và bắt gần 400 lính.
Sau 10 ngày chiến đấu, QĐNDVN đã diệt 500 lính, bắt trên 1.000, kiểm soát một vùng đất quan trọng từ hữu ngạn sông Hồng đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, rộng 10.000 km2. Ngày 23 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc đợt 1 và di chuyển sở chỉ huy từ Khe Lóng về Gia Phù, gần Tạ Khoa, trên vùng đất vừa giải phóng.
Pháp tăng viện cho Tây Bắc 8 tiểu đoàn mới là hai tiểu đoàn dù (6e BPC, 1e BEP), hai tiểu đoàn lê dương (3/1 REI và 3/5 REI), hai tiểu đoàn Phi (31 RTM và 27 BMTS), hai tiểu đoàn Quốc gia Việt Nam (55e BVN và 58 BCL). Cộng với 8 tiểu đoàn còn lại, đưa quân số Pháp ở Tây Bắc lên 16 tiểu đoàn và 32 đại đội.

Cuộc hành binh Lorraine

Pháp dồn quân về xây dựng tập đoàn cứ điểm Nà SảnLai Châu, đồng thời mở cuộc hành quân Lorraine (Opération Lorraine) đánh lên Phú Thọ (28 tháng 10) nhằm kéo chủ lực QĐNDVN về đối phó. Ngày 5 tháng 11, Pháp huy động 13 tiểu đoàn bộ binh của các binh đoàn cơ động số 1, 2, 3, 4, 5 và ba tiểu đoàn dù, hai hải đoàn xung kích, bốn tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn cơ giới, bảy đại đội công binh. QĐNDVN đã bố trí ở Phú Thọ trung đoàn 176, một tiểu đoàn của trung đoàn 246 cùng với bộ đội địa phương có nhiệm vụ ngăn chặn. Bộ chỉ huy quyết định điều thêm trung đoàn 36 về Phú Thọ tăng viện. Mục tiêu và kế hoạch đợt 2 chiến dịch vẫn không thay đổi.
Trong những ngày tiếp sau, các trung đoàn 36, 74 cùng lực lượng Việt Minh tại địa phương tấn công mạnh vào các vị trí của quân Pháp. Trong vòng 10 ngày, từ 5 đến 15 tháng 11 năm 1952, chỉ riêng bên tả ngạn sông Hồng đã có 34 vị trí từ một trung đội đến một đại đội Pháp bị tiêu diệt, 16 vị trí rút chạy và 29 vị trí bị bao vây. Sáng 14 tháng 11 năm 1952, QĐNDVN đánh vào Phát Diệm, bắn chìm 3 tàu và tiêu diệt 3 đại đội đồn trú.
Ngày 17 tháng 11 năm 1952, một đoàn xe của GM4 (Binh đoàn cơ động số 4) về tới Chân Mộng trên đường số 2 lọt vào trận địa phục kích, bị trung đoàn 36 tiêu diệt trên 400 lính, bắt sống 84, phá huỷ 44 xe cơ giới (có 17 xe thiết giáp), thu 1 xe tăng (xem Trận Chân Mộng-Trạm Thản ngày 17 tháng 11 năm 1952).[5]
Trong gần một tháng, QĐNDVN ở Phú Thọ đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.884 lính, trong đó bắt 173, có 100 lính Âu - Phi, phá huỷ 60 xe cơ giới, thu nhiều vũ khí. Quân Pháp tổn thất lớn và phải rút khỏi Việt Trì, kết thúc cuộc hành quân Lorraine khi chưa đạt được mục đích.

Đợt 2 (từ 7 đến 22 tháng 11)

Các đơn vị QĐNDVN vượt Sông Đà, tiến công hệ thống phòng ngự của Pháp trên cao nguyên Mộc Châu (xem Trận Mộc Châu, ngày 19 tháng 11 năm 1952), kết hợp vu hồi chiến dịch từ Quỳnh Nhai, chiếm Thuận Châu, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, buộc quân Phápthị xã Sơn La rút chạy về Nà Sản.
Ngày 17 tháng 11, QĐNDVN vượt sông Đà, tiêu diệt vị trí Bản Hoa. Đêm tiếp theo tiêu diệt vị trí Ba Lay. Với hai trận đánh, Đại đoàn 312 tiêu diệt gọn tiểu đoàn 3 Marốc và một đại đội quân Quốc gia Việt Nam. Ngày 18 tháng 12 tiêu diệt vị trí Hát Tiêu, Mường Lụm. Quân Pháp bỏ Tạ Khoa chạy về Cò Nòi. Đại đoàn 308 truy kích, quyết sạch phòng tuyến quân Pháp trên bờ sông Đà. Ngày 19, đánh vào Mộc Châu, chiếm các lô cốt trận địa pháo. Quân Pháp ở Chiềng Pan, sông Con, Tạ Khoa vội vã rút chạy. Đường số 6 được khai thông, cánh cửa vào Tây Bắc với QĐNDVN được mở rộng.
Ngày 18 tháng 11, quân Pháp rút khỏi Sơn La, trung đoàn 165 tiếp quản Sơn La, truy quét bắt gần 500 lính và trên 100 nhân viên của chính quyền Quốc gia Việt Nam.
Trên hướng phối hợp, Ban chỉ huy mặt trận Y13 điều tiểu đoàn 910 và 542 bất ngờ tập kích Điện Biên Phủ. Quân Pháp tại đây bị bất ngờ, nhanh chóng ta rã. Lực lượng QĐNDVN tổ chức truy kích, bắt 726 lính, hầu hết thuộc tiểu đoàn Lào (58 BCL), thu 600 súng các loại.[6]
Tại Tu Lệ, thiếu tá Bigeard được tin Nghĩa Lộ mất, nhận lệnh của Raoul Salan phải cùng với quân số tất cả các đồn xung quanh tức khắc rút lui về phía Nà Sản, là một đồn ở trên đường tỉnh lộ số 41 từ Hoà Bình lên Lai Châu và cách Sơn La 10 km về phía đông nam. Nà Sản có một sân bay lớn, máy bay Dakota có thể đáp xuống được. Ngày 21 tháng 10 năm 1952, sau một đêm cầm cự chống cuộc tấn công của QĐNDVN, Bigeard cùng các lính các đồn chung quanh tụ tập tại Tu Lệ, triệt thoái khỏi đồn. Một giờ trưa bắt đầu cuộc hàng trình trực chỉ hướng tây.
3 giờ sáng ngày 22 tháng 10, tiểu đoàn quân Bigeard tới đồn Mường Chèn là một đồn nhỏ ở giữa một lòng chảo cách Tu Lệ 25 km, có một trung đội phụ lực người Thái dưới quyền thượng sĩ Peyrol trấn giữ. QĐNDVN suốt ngày đuổi theo đánh bọc hậu làm thiệt hại nhiều, nay vẫn bám sát và ẩn nấp trên những ngọn núi xung quanh. Lính của Bigeard đã kiệt sức, hết cả lương thực và đạn dược, phải dừng chân ở Mường Chèn để nghỉ, lấy lại sức và chờ máy bay thả dù tiếp tế xuống. Nửa đêm hôm đó, nhờ đóng quân ở ngoài đồn và nhờ lúc QĐNDVN đánh đồn Mường Chèn, Bigeard vội chuyển quân đi thoát.
Ngày 22 tháng 10, hồi 9 giờ sáng, quân Bigeard tới được đồn Bản Y Tông, cách Muờng Chèn 25 km. Tại đây Bigeard gặp được đoàn quân từ Nà Sản cùng tiểu đoàn 56 Quốc gia Việt Nam đến tiếp đón nên Bigeard an toàn rút về đến đồn Tà Bú rồi từ đó được xe cam-nhông đưa về Sơn La, Nà Sản, rồi đáp máy bay về Hà Nội.

Đợt 3 (từ 30 tháng 11 đến 10 tháng 12)

Trận Nà Sản

Sau khi thất bại ở Nghĩa Lộ, Salan quyết định tăng cường Nà Sản để chống trả với Việt Minh trong vùng tây bắc và cũng để bảo vệ lãnh thổ người Thái từ lâu đã có những liên lạc trung thành với Pháp mà Pháp không muốn rời bỏ.
Nà Sản là tên một làng Thái ở giữa một thung lũng dài 5 km, rộng 2 km, xung quanh có núi đồi cao bao bọc, cách Hà nội 190 cây số theo đường thẳng, và cách khoảng 40 phút bằng máy bay. Dân cư thưa thớt, toàn người Thái sống về nghề làm rẫy. Giữa lòng chảo có một phi đạo dài một l km dùng cho máy bay hai động cơ Dakota lên xuống được. Nà Sản cũng nằm trên tỉnh lộ số 41 nối liền Lai Châu, Điện Biên qua Sơn La, Mộc Châu xuống Thanh Hóa hoặc sang Hoà Bình về Hà Nội, vì vậy vị trí Nà Sản quan trọng trong việc tiếp tế bằng đường bộ cho khu vực Thái và trấn giữ vùng Thượng Lào.
Đầu tháng 11 năm 1952, một cầu không vận ngày đêm hoạt động, chuyên chở các đồ tiếp tế: đạn dược, lương thực, xe ủi đất, hàng ngàn tấn dây kẽm gai và lừa ngựa từ Hà Nội lên Nà Sản (lừa ngựa để chuyên chở nước uống và tiếp tế lương thực đạn dược cho các đồn điểm tựa đóng trên núi). Hai đại đội công binh và hàng ngàn phu phen phục dịch gấp rút xây đắp các đường hầm giao thông và trú ẩn, xây cất 30 điểm tựa xung quanh lòng chảo, trên những ngọn đồi núi, để bảo vệ phi trường Nà Sản. Đại tá Jean Gilles chỉ huy 8 tiểu đoàn và 4 khẩu trọng pháo 105 ly, có nhiệm vụ bảo vệ Nà Sản.
QĐNDVN tiếp tục tiến công quân Pháp ở Nà Sản. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định triển khai đợt 3, Nà Sản là mục tiêu, nhưng quân Pháp thả dù thêm cho Nà Sản 2 tiểu đoàn. Cứ điểm này trở thành một cứ điểm kiên cố nằm trong cấu trúc chặt chẽ của một tập đoàn cứ điểm.
Đêm 30 tháng 11 rạng ngày 1 tháng 12, QĐNDVN ồ ạt tấn công vào các điểm tựa phía đông bắc. Trung đoàn 102 cùng trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 tiến công Pú Hồng (điểm cao 753). Sau 1 giờ 45 phút chiến đấu, QĐNDVN chiếm được điểm tựa số 24 do trung úy Pipart phụ trách với một đại đội lính Thái và lính Ma rốc, diệt bốn trung đội của GM1 đóng tại đây, bắt sống viên quan ba chỉ huy. Cùng đêm, tiểu đoàn 115 của trung đoàn 165 Đại đoàn 312 tiến công vị trí Bản Hời. Sau hơn một giờ chiến đấu, QĐNDVN diệt một đại đội địch. Tới gần sáng, nhờ trọng pháo và không quân yểm trợ, Gilles phản công với những đơn vị dự trữ, QĐNDVN rút lui, Gilles lấy lại được đồn. Không lâu sau trận này, ngày 23 tháng 12 năm 1952, Gilles được phong Chuẩn tướng (général de brigade)[7]
Đêm hôm sau, 11 tiểu đoàn QĐNDVN ồ ạt tấn công vào hai đồn chính bảo vệ Nà Sản. Từ 9 giờ đêm đến 7 giờ sáng, nhờ thời tiết tốt nên máy bay Pháp thả pháo sáng khắp trận địa, liên tiếp ném bom và bắn pháo liên thanh xuống vị trí QĐNDVN, đồng thời các giàn đại bác nhả đạn xung quanh đồn, ở trong đồn thì lính cố sức cầm cự, QĐNDVN thiệt hại nhiều mà không chiếm được đồn. Trung đoàn 209 đánh Bản Vây cũng không kết quả. Trời sáng, Pháp dùng máy bay oanh tạc và bắn trên 5.000 quả đạn pháo để cứu nguy cho các cứ điểm. Đến sáng, QĐNDVN rút lui.
Ngày 2 tháng 12, không quân Pháp thả dù tăng cường thêm cho Nà Sản hai tiểu đoàn, quyết giữ tập đoàn cứ điểm này. Những ngày sau, QĐNDVN biết là vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ, nếu tiếp tục tấn công thì bất lợi. Trước những khó khăn mới nảy sinh, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch Tây Bắc, QĐNDVN rút lui khỏi Nà Sản không trở lại nữa.

Các hướng khác

Trong khi Raoul Salan tăng cường phòng thủ Nà Sản đề phòng QĐNDVN kéo quân tới tấn công địa điểm đó, thì đêm hôm 17 tháng 11, Mộc Châu bị thất thủ.
Mộc Châu là một thị trấn ở cách Nà Sản 80 km về phía Nam, nằm trên đường hàng tỉnh số 41 từ Hoà Bình lên Sơn La, Lai Châu, trấn giữ con đường qua Xiêng Khoảng xâm nhập xứ Lào. Mộc Châu có một tiểu đoàn Ma rốc với quân phụ lực người Thái. Đêm 17 rạng ngày 18 tháng 11, đồn Mộc châu bị chiếm sau nhiều đợt tấn công của QĐNDVN, quân Pháp bỏ đồn rút qua rừng về phía Sầm Nưa.
Ngày 30 tháng 11, đồn Điện Biên Phủ cũng bị thất thủ. Điện Biên Phủ là một thị trấn thuộc Quân khu 4 mà Bộ chỉ huy đóng ở Lai Châu, nằm gần biên giới Lào cách Lai Châu độ 90 km đường thẳng về phía tây nam và cách Sơn La cũng chừng ấy về phía tây, cách Hà Nội khoảng 300 km. Điện Biên Phủ nằm giữa một thung lũng lòng chảo dài 15 km, rộng 6 km, có một phi đạo máy bay Dakota có thể lên xuống được. Điện Biên Phủ có chừng 300 lính Thái đặt dưới quyền một viên tri châu người Mường, Đèo Văn Ban, và một tiểu đoàn lính Senegal dưới quyền thiếu tá Durand. Tiểu đoàn Senegal này vừa bị tiêu diệt trong một cuộc chạm súng với QĐNDVN gần Lai châu.
Ngày 25 tháng 11, tiểu đoàn Lào do thiếu tá Sicard chỉ huy được gửi đến tăng cường. Ngày 29, QĐNDVN tấn công, tiểu đoàn Lào và lính Thái bỏ chạy về phía Mường Khoa (Lào), Điện Biên Phủ bị QĐNDVN chiếm trọn.
Đứng trước hai thất bại, Mộc Châu và Điện Biên Phủ, bộ chỉ huy Pháp lo ngại QĐNDVN tấn công vào Lào, một mặt mở những cuộc hành quân phát xuất từ Nà Sản để đánh phá QĐNDVN trong việc tiếp tế và tập kích hậu quân của QĐNDVN, một mặt tăng cường Sầm Nưa là một thị trấn Lào gần Mộc châu và Điện Biên Phủ nhất. Mặt khác vì nhu cầu nhân sự, bộ chỉ huy Pháp giao nhiều trách nhiệm cho Quân đội Quốc gia Việt Nam trong vùng đồng bằng, mở các cuộc hành quân vào căn cứ Việt Minh trong vùng Quy Nhơn để bớt áp lực cho Pleiku và tổ chức các đoàn biệt kích người Mèo để phá rối QĐNDVN trong vùng Thượng Lào.

Kết quả

Bernard Fall đã viết về tình hình chiến dịch như sau: "Các sư đoàn Việt Minh ngay trước mắt người Pháp đang làm chủ trên không, đã vượt quá 180 dặm trong 6 tuần liền mà chẳng phải dùng đến môt con đường bay một xe cơ giới nào... Đến ngày 10 tháng 12, người Pháp mới rút lui tương đối an toàn về sau Phòng tuyến Tassigny ở phía bắc Hà Nội nhưng cũng phải thiệt hại khá nặng về cả người và trang bị".
Ngày 10 tháng 12 năm 1952, Hội nghị sơ kết chiến dịch phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận định: "Chiến dịch Thu Đông 1952 đã thành công vượt mức dự kiến."[8] Hướng Tây Bắc, QĐNDVN đã tiêu diệt và bắt 6.029 quân Pháp và chư hầu; ngoài ra còn thu được thắng lợi quan trọng ở Phú Thọ, tiêu diệt 1.711, bắt 173. Toàn chiến dịch, QĐNDVN đã xóa bỏ và chiếm 85 vị trí, thu 3.785 súng các loại, 90 máy vô tuyến điện, 1459 dù, mở rộng kiểm soát thêm 28.000 km2 với 250.000 dân trong đó có thị xã Sơn La và toàn tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản). Ở đồng bằng Liên khu 3, tiêu diệt 12 vị trí cỡ đại đội, diệt 4.031 quân Pháp và chư hầu, bắt 1.746, mở rộng nhiều khu căn cứ ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, nối liền vùng kiểm soát Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của Pháp.
Tuy còn những hạn chế, nhưng chiến dịch này vẫn giành được thắng lợi lớn. Vì vậy, ngày 29 tháng 1 năm 1953, trong hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: "Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác bằng lòng các chú, lần này chưa phải hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước"[9]
Về ý nghĩa Chiến dịch Tây Bắc, ngày 10 tháng 12 năm 1952, thay mặt Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch đánh giá: "Thu đông 1952 là thu đông chiến thắng Tây Bắc. Nếu nhìn rộng ra toàn chiến trường Bắc Bộ thì đó là thắng lợi lớn của ta trên con đường tiếp tục giành thế chủ động... Thắng lợi đó đã rèn luyện nhiều cho bộ đội ta về kỹ thuật, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, củng cố và mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tăng cường lực lượng kháng chiến của nhân dân, nâng cao lòng tin tưởng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với Đảng và Hồ Chủ tịch…"[10]

Chú thích

  1. ^ Lê Mậu Hãn (chủ biên), NXB: 2006, Đại cương lịch sử Việt Nam - tập 3; NXB: Giáo dục.
  2. ^ Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch, t.4, tr.240.
  3. ^ Lính mộ người Marốc.
  4. ^ http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/211518/print/Default.aspx
  5. ^ http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/52/52/214071/Default.aspx
  6. ^ Mặt trận Y13 thành lập ngày 24 tháng 10 năm 1952, do Bằng Giang làm Tư lệnh. Mệnh lệnh số 33 (20 tháng 10). Tài liệu chỉ đạo chiến dịch. t.4, tr.342.
  7. ^ In Histoire des parachutistes français page 273
  8. ^ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB: 2006, Tổng tập Hồi kí; NXB: Quân đội nhân dân (Hữu Mai thể hiện).
  9. ^ Hồ sơ 579, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
  10. ^ Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu, Xb. 1963, t. 2, tr.217

Tham khảo



Leonid Ilyich Brezhnev

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Leonid Ilyich Brezhnev
Леонид Ильич Брежнев
Brezhnev 1973.jpg
Leonid Ilyich Brezhnev
Chức vụ
Nhiệm kỳ 14 tháng 10, 1964 – 10 tháng 11, 1982
18 năm, 27 ngày
Tiền nhiệm Nikita Khrushchev
Kế nhiệm Yuri Andropov
Thông tin chung
Đảng phái Đảng Cộng sản Liên Xô
Sinh 19 tháng 12, 1906
Kamenskoe, Đế quốc Nga
Mất 10 tháng 11, 1982 (75 tuổi)
Moskva, CHXHCNXV Liên bang Nga
Tôn giáo vô thần
Chữ ký LEONID BREZHNEV SIGNATURE.svg
Leonid Ilyich Brezhnev (tiếng Nga: , (1906-1982) là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, và vì thế là lãnh đạo chính trị của Liên bang Xô viết, từ năm 1964 đến năm 1982, giữ chức vụ này trong thời gian lâu nhất, chỉ sau Joseph Stalin. Ông từng hai lần giữ chức Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao (lãnh đạo nhà nước), từ ngày 7 tháng 5 năm 1960 đến 15 tháng 7 năm 1964, sau đó từ 16 tháng 6 năm 1977 tới khi qua đời ngày 10 tháng 11 năm 1982.

Lên nắm quyền lực

Brezhnev sinh ngày 19 tháng 12[1] năm 1906 tại Kamenskoe (Dniprodzerzhynsk hiện nay) tại Ukraina, con của Ilya Yakovlevich Brezhnev và vợ ông là Natalia Denisovna.[cần dẫn nguồn] Giống như nhiều thanh niên khác trong những năm sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917, ông được giáo dục dạy nghề, ban đầu là quản lý đất đai nơi ông khởi đầu như một người điều tra đất đai và sau đó trong ngành luyện kim. Ông tốt nghiệp Trường kỹ thuật (те́хникум) Luyện kim Dniprodzerzhynsk và trở thành một kỹ sư luyện kim trong ngành công nghiệp sắt thép ở phía đông Ukraina. Ông gia nhập tổ chức Đoàn thanh niên Komsomol vào năm 1923 và vào Đảng năm 1931.[2] Ở những thời điểm khác nhau ông sẽ tự miêu tả mình là một người Ukraina, hay sau này, khi trải qua các chức vụ trong Đảng, là người Nga.[3] Sau này, trong thời cầm quyền của ông đã có một tiến trình Nga hóa tại Belarus, Ukraina, và Moldavia[4]: tỷ lệ trẻ em được dạy ngôn ngữ mẹ đẻ trong các quốc gia của chúng giảm sút[5], truyền thông bằng tiếng địa phương bị hạn chế và những người theo "chủ nghĩa quốc gia" bị bỏ tù.
Giai đoạn 1935-36, Brezhnev thực hiện nghĩa vụ quân sự, và sau khi trải qua các khoá học tại một trường xe tăng, ông làm chính ủy tại một nhà máy xe tăng. Sau này, vào năm 1936, ông trở thành hiệu trưởng Trường kỹ thuật Luyện kim Dniprodzerzhynsk, nơi ông từng là học viên, và vào năm 1939, trở thành Bí thư Thành ủy Dnipropetrovsk, chịu trách nhiệm về các ngành công nghiệp quốc phòng quan trọng của thành phố này.
Brezhnev thuộc thế hệ những người Cộng sản Liên Xô đầu tiên không có ký ức về nước Nga trước cuộc cách mạng, và từng quá trẻ để tham gia vào các cuộc đấu tranh trong giới lãnh đạo Đảng sau cái chết của Lenin năm 1924. Thời điểm Brezhnev vào Đảng, Joseph Stalin là lãnh tụ không thể bị tranh cãi. Những người sống sót sau cuộc Đại thanh trừng của Stalin giai đoạn 1937-39 có thể được thăng tiến nhanh chóng, bởi cuộc thanh trừng để lại nhiều chức vụ trống ở các tầng lớp lãnh đạo cao trong Đảng và Nhà nước.

Chính ủy Lữ đoàn Brezhnev trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại
Tháng 6 năm 1941, Phát xít Đức xâm lược Liên Xô và, như hầu hết các quan chức hạng trung trong Đảng, Brezhnev ngay lập tức đăng ký vào quân đội. Ông làm việc để sơ tán các ngành công nghiệp tại Dnipropetrovsk về phía đông Liên Xô trước khi thành phố rơi vào tay quân Đức ngày 26 tháng 8, sau đó ông hoạt động như một chính ủy. Tháng 10, Brezhnev được bổ nhiệm làm Ủy viên Hội đồng quân sự phụ trách chính trị (tương đương Chính ủy Phương diện quân) cho Phương diện quân Nam, với cấp bậc Chính ủy Lữ đoàn.
Năm 1942, khi Ukraina bị quân Đức chiếm, Brezhnev được gửi tới Kavkaz làm Ủy viên Hội đồng quân sự phụ trách chính trị Phương diện quân Ngoại Kavkaz. Cấp bậc của ông cũng được chuyển thành Đại tá. Tháng 4 năm 1943, ông trở thành Chính ủy Tập đoàn quân 18 với cấp bậc Thiếu tướng. Cuối năm ấy, Tập đoàn quân được phiên chế cho Phương diện quân Ukraina 1, khi Hồng Quân giành lại thế chủ động và tiến về phía tây qua Ukraina. Ủy viên Hội đồng quân sự phụ trách chính trị của Phương diện quân là Nikita Khrushchev, người về sau trở thành người đỡ đầu chính cho sự nghiệp của Brezhnev. Vào cuối cuộc chiến ở châu Âu, Brezhnev là Ủy viên Hội đồng quân sự phụ trách chính trị của Phương diện quân Ukraina 4 tiến vào Praha sau khi Đức đầu hàng.
Tháng 8 năm 1946, Brezhnev rời Hồng quân với cấp bậc Thiếu tướng. Trong toàn bộ cuộc chiến ông luôn làm Chính ủy chứ không phải là một chỉ huy quân sự. Sau khi làm việc tại các dự án tái thiết ở Ukraina ông một lần nữa trở thành Bí thư thứ nhất tại Dnipropetrovsk. Năm 1950, ông trở thành Phó chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, cơ quan lập pháp cao nhất nước. Cuối năm ấy ông được chỉ định làm Bí thư thứ nhất của Đảng tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldavia, đã bị thôn tính từ România[cần dẫn nguồn] và đang được sáp nhập vào Liên Xô. Năm 1952, ông trở thành một thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và được giới thiệu như một ứng cử viên vào Đoàn chủ tịch (trước kia là Bộ chính trị).

Quan hệ Brezhnev và Khrushchev

Đảng Cộng sản
Liên Xô

КПСС.svg
Lịch sử Đảng
Tổ chức Đảng
Đại hội
Ủy ban Trung ương
Bộ Chính trị
Ban Bí thư
Ban tổ chức
Ủy ban Kiểm soát
Ủy ban Kiểm tra TW Đảng
Lãnh tụ
V. I. LeninI. V. Stalin
G. M. MalenkovN. K. Khrushchyov
L. I. BrezhnevYu. V. Andropov
K. U. ChernenkoM. S. Gorbachyov
Báo Sự thật
Đoàn Thanh niên Cộng sản
Cổng tri thức: Chủ nghĩa cộng sản
Brezhnev gặp Nikita Khrushchev năm 1931, một thời gian ngắn sau khi vào Đảng. Ông trở thành người được Khrushchev bảo trợ và tiếp tục thăng tiến của các cấp bậc lãnh đạo. Ông là Bí thư thứ nhất của Đảng tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldavia từ ngày 3 tháng 11 năm 1950 tới 16 tháng 4 năm 1952. Với tư cách Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Moldavia, Brezhnev loại trừ và trục xuất hàng nghìn người sắc tộc Romania khỏi Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldavia và thực hiện việc tập thể hóa bắt buộc. Trong thời Brezhnev ở đây, ông chịu trách nhiệm việc chuyển 25 vạn người khỏi Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldavia tới các vùng khác của Liên Xô.
Stalin chết tháng 3 năm 1953, và trong tiến trình tái tổ chức sau khi Đoàn chủ tịch bị xoá bỏ và một Bộ chính trị nhỏ hơn được tái lập. Dù Brezhnev không được làm một thành viên Bộ chính trị, ông được chỉ định làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Hồng quân và Hải quân với cấp bậc Trung tướng, một chức vụ rất cao cấp. Đây có lẽ bởi quyền lực mới của người đỡ đầu cho ông Khrushchev, đã thành công trong việc lên thay thế Stalin trở thành Tổng bí thư Đảng. Ngày 7 tháng 5 năm 1955, ông trở thành Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Kazakh, cũng là một chức vụ quan trọng.
Tháng 2 năm 1956, Brezhnev được gọi về Moskva, đưa lên làm Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị và chịu trách nhiệm kiểm soát ngành công nghiệp quốc phòng, chương trình không gian, công nghiệp nặng, và xây dựng thủ đô. Khi ấy ông là một thành viên cao cấp trong bộ máy của Khrushchev, và vào tháng 6 năm 1957, ông ủng hộ Khrushchev trong cuộc đấu tranh của ông này với nhóm thân Stalin trong giới lãnh đạo đảng, cái gọi là "Nhóm Chống Đảng" do Vyacheslav Molotov, Georgy Malenkov, Lazar Kaganovich cũng như Dmitri Shepilov đứng đầu. Sau khi đánh bại nhóm đảng viên già, Brezhnev trở thành một Ủy viên chính thức của Bộ chính trị. Tháng 5 năm 1960, ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao, khiến ông được chỉ định làm nguyên thủ quốc gia dù quyền lực thực tế nằm trong tay Khrushchev với tư cách Tổng bí thư.
Cho tới tận khoảng năm 1962, chức vụ của Khrushchev là lãnh đạo Đảng vẫn vững chắc, nhưng khi già thêm ông trở nên thất thường và cách lãnh đạo của ông khiến ông mất lòng tin trong giới lãnh đạo. Các vấn đề kinh tế ngày càng nghiêm trọng của Liên Xô cũng làm gia tăng sức ép lên chức vụ lãnh đạo của Khrushchev. Bề ngoài, Brezhnev vẫn hoàn toàn trung thành với Khrushchev, nhưng, vào năm 1963, ông tham gia vào một âm mưu loại bỏ Khrushchev, có lẽ theo một số nguồn tin chính là người tổ chức âm mưu, như lời kể của Gennadii Voronov[6]. Alexey Kosygin, Nikolay Podgorny, Alexander Shelepin và một số quan chức cao cấp khác cũng tham dự vào kế hoạch. Năm ấy Brezhnev kế vị Frol Kozlov, một người được đỡ đầu khác của Khrushchev, làm Bí thư thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, khiến ông trở thành người có khả năng kế vị Khrushchev.
Ngày 14 tháng 10 năm 1964, khi Khrushchev đang đi nghỉ, những người âm mưu hành động. Brezhnev và Podgorny triệu tập Bộ chính trị, lên án Khrushchev về những sai lầm trong kinh tế, buộc tội ông là người duy ý chí và có cách cư xử không đúng đắn. Bị ảnh hưởng bởi đồng minh của Brezhnev, các Ủy viên Bộ chính trị bỏ phiếu loại bỏ Khrushchev. Brezhnev được chỉ định làm Bí thư thứ nhất của Đảng; Aleksey Kosygin được chỉ định làm Thủ tướng, và Anastas Mikoyan trở thành lãnh đạo nhà nước (Năm 1965 Mikoyan nghỉ hưu và được thay thế bởi Podgorny).

Lãnh đạo Đảng


Richard Nixon và Brezhnev gặp gỡ tại Nhà Trắng, 19 tháng 6 năm 1973

Gerald Ford và Brezhnev gặp gỡ tại Vladivostok, tháng 11 năm 1974
Trong những năm Khrushchev nắm quyền, Brezhnev đã ủng hộ việc lên án cầm quyền độc đoán của Stalin, việc hồi phục cho nhiều nạn nhân của những cuộc thanh trừng, và sự tự do hóa một cách thận trọng dành cho tới trí thức Liên Xô và chính sách văn hóa của Khrushchev. Nhưng ngay khi lên làm lãnh đạo, Brezhnev bắt đầu đảo ngược quá trình này, và phát triển một thái độ ngày càng trở nên bảo thủ và mang tính đàn áp. Trong một bài phát biểu vào tháng 5 năm 1965 để kỷ niệm lần thứ 20 ngày chiến thắng Phát xít Đức, Brezhnev đã lần đầu tiên đề cập tới Stalin một cách tán dương. Tháng 4 năm 1966, ông nắm chức danh Tổng bí thư, từng là chức danh của Stalin cho tới năm 1952. Phiên toà xử các tác gia Yuri DanielAndrei Sinyavsky năm 1966 — phiên toà đầu tiên kiểu những phiên tòa thời Stalin — đã đánh dấu sự đảo ngược với chính sách đàn áp văn hóa. Về sau, dưới thời Yuri Andropov, cơ quan an ninh nhà nước (KGB) đã có lại hầu hết quyền lực từng có thời Stalin, dù không có những cuộc thanh trừng như kiểu thập niên 1930 và 1940.
Cuộc khủng hoảng đầu tiên của chế độ Brezhnev xảy ra năm 1968, với nỗ lực của giới lãnh đạo Cộng sản tại Tiệp Khắc, dưới quyền Alexander Dubček, để tự do hóa hệ thống Cộng sản (xem Mùa xuân Praha). Vào tháng 7, Brezhnev công khai lên án giới lãnh đạo Tiệp Khắc là "xét lại" và "chống Xô viết" và, vào tháng 8, ông tổ chức một cuộc xâm lược Tiệp Khắc của Khối Hiệp ước Warsaw, và lật đổ Dubček. Cuộc xâm lược dẫn tới nhiều cuộc phản đối công khai của những người bất đồng ở Liên Xô. Sự xác nhận của Brezhnev rằng Liên Xô có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các nước vệ tinh của mình để "bảo vệ chủ nghĩa xã hội" đã bắt đầu được gọi là Học thuyết Brezhnev, dù nó thực tế là một sự trình bày lại của chính sách Xô viết đã tồn tại, như Khrushchev đã thể hiện tại Hungary năm 1956.
Dưới thời Brezhnev, quan hệ với Trung Quốc tiếp tục xấu đi, sau cuộc chia rẽ Trung-Xô và tan vỡ đầu thập niên 1960. Năm 1965, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tới thăm Moskva để đàm phán, nhưng không có giải pháp nào cho sự xung đột. Năm 1969, giữa quân đội Liên Xô và Trung Quốc xảy ra một loạt các cuộc va chạm dọc biên giới trên sông Ussuri. Brezhnev cũng tiếp tục sự ủng hộ của Liên Xô cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Năm 1962, Brezhnev trở thành công dân danh dự của Belgrade.[7] Ngày 22 tháng 1 năm 1969, một sĩ quan Liên Xô, Viktor Ilyin, đã tìm cách ám sát Brezhnev.[8]
Tuy nhiên, sự tan băng trong quan hệ Trung-Mỹ bắt đầu từ năm 1971, đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ quốc tế. Để ngăn chặn sự hình thành một liên minh Mỹ-Trung chống Liên Xô, Brezhnev đã mở một vòng đàm phán mới với Hoa Kỳ. Tháng 5 năm 1972, Tổng thống Richard Nixon tới thăm Moskva, và hai nhà lãnh đạo đã ký Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược (SALT I), đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ "détente" (giảm căng thẳng). Tháng 1 năm 1973, Mỹ chính thức chấm dứt tham dự vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, loại bỏ một chướng ngại quan trọng cho quan hệ Xô-Mỹ. Tháng 5, Brezhnev tới thăm Tây Đức, và, vào tháng 6, ông có một chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ.
Đỉnh cao của thời kỳ giảm căng thẳng thời Brezhnev là việc ký kết Điều khoản Helsinki Cuối cùng năm 1975, công nhận các biên giới thời hậu chiến ở đông và trung Âu và, trên thực tế, hợp pháp hóa sự bá chủ của Liên Xô trong vùng. Đổi lại, Liên Xô đồng ý rằng "các nhà nước liên quan sẽ tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do nền tảng, gồm tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, cho tất cả mọi người không phân biệt sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo". Nhưng những điều này không bao giờ trở thành hiện thực, và sự chống đối chính trị với quá trình giảm căng thẳng tăng lên tại Mỹ khi những mong đợi lạc quan về sự "giảm căng thẳng" không xảy ra bởi không có bất kỳ sự tự do hóa nào bên trong Liên Xô và các quốc gia vệ tinh của nó. Vấn đề quyền di cư cho người Do Thái Liên Xô ngày càng trở thành trở ngại cho quan hệ Xô-Mỹ. Một hội nghị thượng đỉnh giữa Brezhnev và Tổng thống Gerald Ford tại Vladivostok tháng 11 năm 1974 đã không thể giải quyết các vấn đề. (xem Sửa đổi Jackson-Vanik)

Leonid Brezhnev và Gerald Ford ký tuyên bố chung về Hiệp ước SALT tại Vladivostok
Trong thập niên 1970, Liên Xô đã đạt tới đỉnh cao quyền lực chính trị và chiến lược trong quan hệ với Hoa Kỳ. Hiệp ước SALT I đã hình thành một cách có hiệu quả sự cân bằng về vũ khí hạt nhân giữa hai siêu cường, Hiệp ước Helsinki hợp pháp hóa tầm ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Âu, và thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam và vụ Watergate làm suy yếu danh tiếng của Mỹ. Dưới sự chỉ huy của Đô đốc Sergei Gorshkov, Liên Xô lần đầu tiên cũng trở thành một cường quốc hải quân thế giới. Liên Xô mở rộng quan hệ ngoại giao và ảnh hưởng chính trị tới Trung Đông và châu Phi. Đồng minh của Liên Xô, Cuba, đã can thiệp quân sự thành công vào cuộc nội chiến Angola năm 1975 và sau đó vào cuộc Chiến tranh Ogaden năm 1977-78 giữa EthiopiaSomalia. Sự can thiệp quân sự của Liên Xô là tối thiểu, nhưng các vũ khí và cố vấn quân sự của họ đã tham gia vào các cuộc xung đột này cùng các lực lượng Cuba.
Trong giai đoạn này, Brezhnev đã củng cố vị trí của mình. Tháng 6 năm 1977, ông buộc Podgorny nghỉ hưu và một lần nữa trở thành Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, biến chức vụ này trở thành tương đương với chức vụ của một tổng thống hành pháp. Tuy Kosygin vẫn là Thủ tướng chỉ một thời gian ngắn sau khi ông chết năm 1980, Brezhnev rõ ràng là người thống trị ban lãnh đạo từ năm 1977 trở về sau. Tháng 5 năm 1976, ông tự phong mình làm Nguyên soái Liên Xô, "Nguyên soái chính trị" đầu tiên từ thời Stalin. Bởi Brezhnev chưa bao giờ giữ chức chỉ huy quân sự, hành động này đã làm dấy lên sự phản đối trong giới chỉ huy chuyên nghiệp, nhưng quyền lực và ảnh hưởng của họ dưới thời Brezhnev đảm bảo rằng họ luôn ủng hộ ông. Cũng trong thời gian này sức khoẻ Brezhnev bắt đầu có dấu hiệu giảm sút.

Vụ việc máy bay

Ngày 9 tháng 2 năm 1961 khi Brezhnev (khi ấy là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Tối cao) đang trên đường tới Cộng hòa Guinea trong một chuyến viếng thăm cấp nhà nước, chiếc IL-18 đã bị tấn công bởi một số chiếc máy bay chiến đấu của Pháp. Phi công Boris Bugaev đã thoát khỏi thành công vụ tấn công.[9]

Kinh tế trì trệ

Bài chi tiết: Trì trệ Brezhnev
Cả quyền lực của Liên Xô trên bình diễn quốc tế và quyền lực trong nước của Brezhnev đều dựa trên một nền kinh tế mạnh. Nhưng nông nghiệp Liên Xô dần không thể đáp ứng cho số dân thành thị, chỉ đủ cung cấp cho tiêu chuẩn sống mà chính phủ hứa hẹn là những kết quả của "chủ nghĩa xã hội" đã trưởng thành, và khả năng công nghiệp cũng dựa vào đó.
Những yếu tố đó cộng với sự chạy đua vũ trang trong nửa sau thập niên 1970. Những khoản chi tiêu khổng lồ cho các lực lượng vũ trang vào những dự án đầy tham vọng như chương trình vũ trụ hay tuyến Đường sắt Baikal Amur, càng trở nên nặng nề hơn với nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc với giá cao, làm giảm khả năng đầu tư vào hiện đại hóa công nghiệp hay cải thiện các tiêu chuẩn sống. Hậu quả là một nền "kinh tế phi chính thức" lớn (xem Thị trường Đen) để cung cấp nhu cầu cho một nền kinh tế hạn chế về hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ. Điều này, cộng với những vấn đề chưa được giải quyết của nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo địa phương, làm giảm sự ủng hộ của dân chúng cho Brezhnev. Nhiều quan chức cao cấp bị đem ra xét xử về các vấn đề tham nhũng ngay khi Yuri Andropov kế vị Brezhnev.

Carter và Brezhnev ký Hiệp ước SALT II, 18 tháng 6 năm 1979, tại Vienna

Những năm cuối cùng

Những năm cuối cùng thời kỳ cầm quyền của Brezhnev đặc điểm ở sự sùng bái cá nhân ngày càng tăng. Ông nổi tiếng là người thích huân chương (tổng cộng ông nhận được 114 chiếc), và vào tháng 12 năm 1976, nhân ngày sinh lần thứ 70 ông được trao huân chương Anh hùng Liên Xô, giải thưởng cao nhất của nhà nước, thường được trao cho người có thành tích lớn phục vụ nhà nước và xã hội. Brezhnev được nhận giải thưởng này, cùng với Huân chương LeninHuân chương Sao Vàng, ba lần nữa trong những ngày sinh nhật ông. Brezhnev cũng được trao Huân chương Chiến thắng, huân chương cao nhất của quân đội Liên Xô, năm 1978, trở thành người duy nhất được nhận nó sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, những huân chương dành cho Brezhnev đã gây ra một cuộc tranh cãi năm 1989, cho rằng ông không đáp ứng các tiêu chuẩn để được nhận chúng.
Những giải thưởng quân sự ông được nhận với thành tích tham gia vào một khoảng thời gian ít được biết tới trong Thế chiến thứ hai, khi một nhóm lính thủy Liên Xô ngăn chặn một nỗ lực của Đức nhằm tiêu diệt cứ điểm của Liên Xô, có tên hiệu Malaya Zemlya, trên bờ Biển Đen gần Novorossiysk. Đầu những năm 1980, cuốn sách của Brezhnev về sự kiện này, cùng với những cuốn sách khác của ông, về Chiến dịch Virgin Lands[10] và về những công việc tái thiết ngành công nghiệp Ukraina thời hậu chiến, đã được dịch sang hai chục thứ tiếng (gồm cả tiếng Do Thái[11]) và trở thành (ít nhất trên báo chí) tài liệu nghiên cứu bắt buộc cho mọi trường học Liên Xô. Hiện mọi người tin rằng những cuốn sách được viết ra bởi một số "người viết thuê" của ông. Với sự thúc giục của Brezhnev - hay để tâng bốc vị lãnh đạo già - giai đoạn Malaya Zemlya được đề cao thêm: một bộ phim đã được sản xuất, với một bài hát của Aleksandra Pakhmutova.
Tuy nhiên, không giống như sự sùng bái cá nhân của Stalin, sự sùng bái dành cho Brezhnev được đa số người coi là rỗng tuếch và trơ tráo[cần dẫn nguồn], và, vì không có một cuộc thanh trừng, để có thể buộc mọi người phải kính trọng hay sợ hãi, nó đã không được đón nhận và bị hờ hững[cần dẫn nguồn]. Ta không biết liệu Brezhnev có biết về điều này không, bởi ông thường bận rộn với các cuộc họp thượng đỉnh quốc tế (như hiệp ước SALT II, được ký với Jimmy Carter vào tháng 6 năm 1979), và thường lãnh đạo các vấn đề quan trọng trong nước. Chúng được trao cho những người phụ tá của ông, một số trong số họ, như người chịu trách nhiệm lãnh đạo nông nghiệp Mikhail Gorbachev, dần tin tưởng rằng một cuộc cách mạng từ nền móng là cần thiết. Tuy nhiên, không có âm mưu nào trong giới lãnh đạo chống lại Brezhnev, và ông được phép dần rút khỏi quyền lực khi sức khoẻ sút giảm. Tình trạng sức khoẻ kém của ông hiếm khi – hay thậm chí không bao giờ  – được đề cập trên báo chí Liên Xô, nhưng thực tế đã trở nên rõ ràng với sự vắng mặt của ông trong các sự kiện công khai và với tình trạng ngày càng xấu đi về kinh tế và chính trị.
Trong số di sản của Brezhnev để lại cho những người kế nhiệm ông là quyết định can thiệp vào Afghanistan năm 1979, nơi một chế độ cộng sản đang chiến đấu với các chiến binh nổi dậy Hồi giáo được Hoa Kỳ viện trợ và các lực lượng khác nhằm giành quyền lực. Quyết định này không phải do Bộ chính trị đưa ra, mà chỉ trong bộ máy riêng của Brezhnev tại một cuộc họp không chính thức. Nó dẫn tới sự kết thúc bất ngờ của thời kỳ giảm căng thẳng, với việc áp đặt cấm vận lương thực của Hoa Kỳ, càng làm các vấn đề kinh tế của Liên Xô thêm nghiêm trọng.
Tháng 3 năm 1982, Brezhnev bị một cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng, và sau đó, dần phải đấu tranh để giữ lấy quyền lực.

Cái chết và di sản

Tới giữa thập niên 1970 "một trong những đồng minh thân cận nhất của ông là một y tá của KGB, người cung cấp cho ông liên tục hàng đống thuốc mà không cần hỏi ý kiến các bác sĩ"[12]. Ông trở nên phụ thuộc vào ma túy trong thuốc ngủ nembutal[13] và chết vì nhồi máu cơ tim ngày 10 tháng 11 năm 1982. Ông được vinh danh với một trong những lễ tang lớn và trang trọng nhất thế giới. Một lễ quốc tang bốn ngày được thông báo. Xác ông được đặt trong một quan tài mở trong Tòa nhà các Liên đoàn Thương mại tại Moskva. Bên trong các bức tường, những người đưa tang đi lên theo một cầu thang đá mable bên dưới những chùm đèn phủ vải đen. Trên bệ, giữa một vườn hoa lớn, một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ mặc áo đuôi tôm đen chơi các bản nhạc cổ điển. Thân xác mang tính biểu tượng của Brezhnev, mặc đồ đen, áo sơ mi trắng và cà vạt đen-đỏ, nằm trong một quan tài mở với các hàng hoa cẩm chướng, hoa hồng đỏ và hoa tulip, đối diện với một hàng dài những người đưa tang. Ngay bên phải phòng tang lễ, phía trước những hàng ghế dành cho gia đình của vị lãnh đạo, vợ ông Viktoria, ngồi cùng với hai người con, Galina và Yuri.
Sau đó, vào ngày 15 tháng 11 ngày sau buổi tang lễ, các lớp học tại các trường học và trường đại học được cho nghỉ và mọi tuyến đường vào Moskva đều bị chặn lại. Buổi lễ được truyền hình trên mọi kênh. Chiếc quan tài được xe bọc thép đưa tới Quảng trường Đỏ. Khi quan tài tới giữa Quảng trường Đỏ nó được đưa ra khỏi xe, và với nắp mở, nó được đặt trên một bệ phủ vải đỏ đối diện với Lăng Lenin. Từ phía trên Lăng Lenin hàng loạt những lời tán tụng được Tổng bí thư Andropov, Bộ trưởng quốc phòng Dmitriy Ustinov, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Anatoli Alexandrov và một người công nhân đọc lên. Sau đó các thành viên Bộ chính trị từ trên lễ đài bước xuống, và những người quan trọng nhất trong số họ, Andropov, ChernenkoGromyko đứng bên trái và Thủ tướng Nikolai Tikhonov, Bộ trưởng Quốc phòng Dimitry Ustinov và lãnh đạo Đảng tại Moskva Grishin đứng bên phải, cùng mang chiếc quan tài mở tới một bệ phía sau lăng, trong Nghĩa trang Bức tường Điện Kremlin. Đúng 12:45 chiều quan tài của Brezhnev được hạ huyệt với tiếng kèn rền vang, cùng với những tiếng còi báo động, những tiếng còi nhà máy, và tiếng súng.
Sau khi Brezhnev chết, thành phố Naberezhnye Chelny ở châu thổ Sông Volga được đổi tên thành "Brezhnev" để vinh danh ông.[14] Tuy nhiên, chưa tới 5 năm sau, cái tên cũ lại được phục hồi.[15] Một khu vực phía ngoài Moskva, Quận Cây Anh đào (Cheryomushky Rayon), được đổi lại tên cũ của nó, từ tên Quảng trường Hồng binh.[15].
Brezhnev đã cầm quyền ở Liên Xô lâu hơn bất kỳ một người nào khác trừ Stalin. Ông bị chỉ trích vì một giai đoạn trì trệ kéo dài được gọi là 'Trì trệ Brezhnev', trong đó những vấn đề nền tảng của nền kinh tế bị bỏ qua và hệ thống chính trị Liên Xô được cho phép suy tàn. Sự can thiệp vào Afghanistan, là một trong những quyết định lớn nhất trong sự nghiệp của ông, cũng làm suy yếu một cách nghiêm trọng vị thế quốc tế và sức mạnh bên trong của Liên Xô. Về thành tựu của Brezhnev, có thể nói rằng Liên Xô đã đạt tới mức độ quyền lực, ảnh hưởng ở mức chưa từng có và sẽ không bao giờ lặp lại, xã hội cũng yên tĩnh trong thời cầm quyền của ông. Một cuộc điều tra của Public Opinion Foundation tiến hành năm 2006 cho thấy 61% người Nga coi thời kỳ Brezhnev là tốt cho đất nước.[16] Một cuộc nghiên cứu của VTsIOM năm 2007 cho thấy hầu hết người Nga muốn sống ở thời kỳ Brezhnev hơn ở bất kỳ giai đoạn nào khác trong lịch sử Nga thế kỷ 20[17]. Hơn nữa, không giống người tiền nhiệm là Khrushchev, ông là một nhà đàm phán có tài về các vấn đề ngoại giao. Nhiệm vụ nỗ lực cải cách hệ thống đó sau thời gian cầm quyền của ông phải mất 3 năm nữa mới được nhà cải cách Gorbachev tiếp tục thực hiện.
Brezhnev sống ở số 26 Kutuzovsky Prospekt, Moskva. Trong những kỳ nghỉ, ông cũng sống tại Gosdacha của mình tại Zavidovo. Ông cưới Viktoria Petrovna (1912-1995). Những năm cuối đời bà sống cô đơn, bị mọi người bỏ rơi. Bà bị tiểu đường trong một thời gian dài và hầu như mù ở cuối đời. Bà có một con gái, Galina Brezhneva (chính thức, là một phóng viên báo chí) (1929-1998), và một con trai, Yuri (born 1933) (một quan chức thương mại). Con trai của Yuri, Andrei Brezhnev (sinh năm 1961), đã buộc tội Đảng Cộng sản Liên bang Nga đang chệch hướng khỏi tư tưởng cộng sản và phát động một Phong trào Cộng sản Toàn Nga cuối thập niên 1990 nhưng không thành công.[18]

Trong văn hoá đại chúng

  • Hình vẽ nổi tiếng với Brezhnev đang say đắm hôn nhà lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker trong một bức bích hoạ trào phúng với tiêu đề "Cái hôn của những người anh em" trên Bức tường Berlin, do nghệ sĩ Dmitri Vrubel thực hiện.

Tham khảo

  1. ^ Lịch Nga cũ là ngày 6 tháng 12.
  2. ^ “Leonid Brezhnev”. Travel and History. Online Highways. Truy cập 7 tháng 9 năm 2009.
  3. ^ Bacon, Edwin; Mark Sandle (2003). Brezhnev reconsidered. Palgrave Macmillan. ISBN 033379463X. [[]][cần chú thích đầy đủ]
  4. ^ Bacon, Edwin; Mark Sandle (2003). Brezhnev reconsidered. Palgrave Macmillan. tr. 72. ISBN 033379463X.
  5. ^ Bacon, Edwin; Mark Sandle (2003). Brezhnev reconsidered. Palgrave Macmillan. tr. 73. ISBN 033379463X.
  6. ^ Gennadii Vornov, "Ot ottepeli do zastoya", Izvestiya 18. November, 1988, p. 3. (in Polish)
  7. ^ Korlat, N (18 tháng 11 năm 2008). Đilas podržao predlog “Đilas podržao predlog”. Blic (bằng Serbian). Truy cập 7 tháng 9 năm 2009.[cần thẩm tra]
  8. ^ А.Железняков. Энциклопедия "Космонавтика". Выстрелы у Боровицких
  9. ^ Medvedev R.A. Personality and Epoch. Political portrait of L.I.Brezhnev. Moscow, 1991 vol.1
  10. ^ Nabi Abdullaev. “Brezhnev Remembered Fondly 100 Years Since Birth”. St. Petersburg Times.
  11. ^ “Yiddish Terminology and Subject Textbooks: Agriculture”. The three Brezhnev's "masterpieces" were published in Yiddish by the Sovetskiy Pisatel Publishers in 1979 in one volume, under the titles Di Klayner erd; Vidergeburt; Tselina. See also the bibliography entry.
  12. ^ Christopher Andrew and Vasili Mitrokhin (2000). The Mitrokhin Archive: The KGB in Europe and the West. Gardners Books. ISBN 0-14-028487-7. page 266
  13. ^ tiếng Nga: Валерий Болдин, Виктор Голиков Генсек Брежнев Газета «Завтра», 48(471), 26.11.2002
  14. ^ Geoffrey Blainey, A Short History of the Twentieth Century, Penguin Books Australia Ltd., Vic., 2006.
  15. ^ a ă “World Notes-- Soviet Union: What's in A Name?”. TIME. 18 tháng 1, 1988. Truy cập 7 tháng 9 năm 2009.
  16. ^ Angus Reid Strategies. Russians Satisfied with Brezhnev’s Tenure
  17. ^ “Best leaders:Brezhnev and Putin”. Rosbalt (bằng tiếng Nga). 25 tháng 4 năm 2007. Truy cập 7 tháng 9 năm 2009.
  18. ^ Myers, Steven Lee (10 tháng 8 năm 2002). “THE SATURDAY PROFILE; A Different Kind of Brezhnev in the Making”. The New York Times. Truy cập 7 tháng 9 năm 2009.

Liên kết ngoài


Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con 

No comments:

Post a Comment